NHẠC  SĨ NGUYỄN THIỆN DOÃN

Quách Nam Dung

 

 
(nhạc sĩ Thiện Doãn)

 

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Doãn sinh trưởng tại Ðà-Nẵng. Anh rời Việt Nam và đến Hồng-Kông vào năm 1980. Anh định cư tại Mỹ vào năm 1981. Vốn sinh trưởng trong một gia đình có tâm hồn văn nghệ, Thiện Doãn đã thích thơ văn từ lúc còn rất bé, nhưng mãi đến năm 1989, anh mới bắt đầu sáng tác bài thơ đầu tay để tưởng nhớ đến người bạn vừa qua đời vì tai nạn xe cộ. Anh nhớ vào năm này, anh đã thức trắng đêm viết bài thơ "Nhớ Bạn". Anh dần dà giới thiệu những bài thơ khác của anh lên một vài liên mạng. Về âm nhạc, anh được bố dạy nhạc từ lúc còn nhỏ. Nhạc phẩm đầu tay “Mộng Tình Vút Bay” của anh cũng được sáng tác vào thời gian này, viết về sự mất mát trong tình yêu.

 

Sau khi qua Mỹ một thời gian, Thiện Doãn đã cùng một số anh em sinh hoạt văn nghệ với ban nhạc Viễn Xứ. Ban nhạc này thường trình diễn trong những dịp cưới hỏi, hội chợ Tết, hay trong những chương trình quyên góp cho những cơ quan từ thiện. Năm 1996, Thiện Doãn gia nhập nhóm Câu Lạc Bộ Âm Nhạc tại San Jose, mà nhạc sĩ Trần Quảng Nam là một trong những sáng lập viên. Câu Lạc Bộ Âm Nhạc này là một tổ chức vô vụ lợi và phi chính trị. Một trong những mục đích của Câu Lạc Bộ là cung cấp diễn đàn cho những sinh hoạt bảo tồn, phát triển, và trao đổi dòng nhạc Việt Nam, kể cả cổ nhạc và tân nhạc. Câu Lạc Bộ đã từng tổ chức những buổi sinh hoạt quần chúng, và những buổi trình diễn bảo trợ những chương trình đặc biệt để giới thiệu nhạc Việt đến với những cộng đồng bạn. Hiện Thiện Doãn là Tổng Thư Ký của Câu Lạc Bộ Âm Nhạc. Anh cũng sinh hoạt trên các liên mạng như trinhnu.net, nhóm Nhạc Việt, xuquang.com, vannghe.net, MKH (Em Ca Hát), và quán xuyến trang website suoinguontamtu.com của riêng anh. Thiện Doãn vừa thực hiện xong hai đĩa CD đầu tay mang tên Một Khi Tình Yêu Vỗ Sóng và Tơ Giăng Giữa Ðời.

 

Thiện Doãn đã ghi nhận nhiều kỷ niệm thân thương trong quá trình sinh hoạt văn nghệ của anh. Lúc lên sáu tuổi, Thiện Doãn đã được thân phụ dạy nhạc, và anh đã tự nhìn nhạc bản để trình tấu bằng đàn mandolin bài "Người Lính Chung Tình" của nhạc sĩ Khánh Băng. Lúc đó tuy còn rất bé nhưng anh nhớ cũng đã biết hãnh diện lắm về tiết mục trình diễn này. Khi lên trung học, có lần anh được nhà trường gởi đi trình diễn chung với các bạn tại phòng thâu Đài truyền hình Ðà Nẵng. Chương trình hòa nhạc nầy đã được thầy Phi thuộc trường trung học Thái Phiên phụ trách. Khi đến Hoa Kỳ, anh chơi đệm đàn solo guitar cho ban nhạc Viễn Xứ. Ban nhạc này gồm một số bạn trẻ sinh hoạt chung với nhau. Ngoài ra, trong những lần sinh hoạt văn nghệ do Câu Lạc Bộ Âm Nhạc tổ chức, anh đã có dịp trình diễn trên sân khấu bằng chính tiếng đàn guitar và giọng hát của anh. Sau khi trình diễn xong, một số anh chị mến mộ dòng nhạc và tiếng đàn của Doãn đã có lời ngợi khen anh. Ðây chính là những động viên lớn lao từ giới thưởng ngoạn, đã khiến anh không ngần ngại khi đem giọng ca của anh để chuyên chở cái "có - được" của mình đến với giới thưởng ngoạn bằng một sự trân trọng từ tâm hồn anh. Thời gian gần đây, các anh chị trên các liên mạng đã nồng nhiệt đón nhận dòng nhạc anh, và khuyến khích anh trên bước đường sáng tác nhạc và sinh hoạt văn nghệ. Thiện Doãn rất lấy làm cảm kích trước những tấm chân tình này dành cho anh.

 

Âm thanh được sinh ra bởi sự truyền dao động hay truyền năng lượng của những phần tử của một môi trường. Nếu môi trường là không khí thì những phần tử là những phân tử của không khí. Tuy vậy, không phải âm thanh nào cũng có thể trở thành dòng nhạc, mà chỉ khi những âm thanh này xẩy ra một cách đều đặn, và tổng hợp những âm thanh này được sắp xếp theo một trình tự nào đó, chịu chi phối bởi vài nguyên tắc nào đó, thì những âm thanh này mới có thể mang nét nhạc tính làm cho ta cảm thấy dễ chịu khi nghe. Âm nhạc vẫn được biết đến như một sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Như một bộ môn khoa học, để có thể hiểu thấu đáo âm nhạc, thường cần đến một tiến trình trau dồi học hỏi lâu dài. Như một du khách đi đến một đất nước hoàn toàn xa lạ … người du khách này có thể cảm nhận được những âm thanh trầm bổng du dương khi nghe người dân bản xứ nói chuyện, nhưng không thể “hiểu” được ngôn ngữ của sắc dân này. Và như bất cứ một bộ môn nghệ thuật, âm nhạc vẫn thường được cảm nhận bằng tâm hồn, vì thế âm nhạc có khi được xem như một loại ngôn ngữ chung của nhân loại. Khi được hỏi ý kiến của Thiện Doãn về câu “Music is the universal language of mankind”, Thiện Doãn cho rằng chúng ta đều sống trong cùng một thế giới nên những "âm" nghe đã quen tai. Khi dùng những âm thanh quen thuộc này tổng hợp lại theo một giai điệu, tiết tấu, tốc độ nhanh chậm, âm sắc … thì những âm thanh này có thể làm cho người nghe cảm nhận được nỗi lòng của người nhạc sĩ. Vì thế, những âm thanh này cũng có thể được xem là một loại ngôn ngữ vậy. Tuy nhiên, "âm" là tiếng, có thể được phát ra theo một tần số nào đó. Yếu tố âm thanh không thôi, theo anh, vẫn chưa đủ sức để thuyết phục, lôi cuốn, hay chuyên chở những nét sáng tạo của người nhạc sĩ, nếu không có lời nhạc đi kèm theo. Như vậy, lời nhạc đóng một vai trò quan trọng không kém trong một bản nhạc. Nếu nhìn từ một góc cạnh nào đó, câu “Âm nhạc là một thứ ngôn ngữ toàn cầu của nhân loại” chỉ là một cách thức nói để cho thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của âm nhạc đối với con người, rằng con người, dù nói bất cứ ngôn ngữ nào, cũng có thể “cảm nhận” hay “thông cảm” lẫn nhau qua âm nhạc mà không cần phải có kiến thức nhiều về thứ ngôn ngữ này. Vì thế, người nghe nhạc không cần biết nhiều về âm nhạc mà vẫn có thể thưởng thức nhạc được.

 

Theo Thiện Doãn, các cuộc nghiên cứu trong thời gian vừa qua đã cho thấy xác xuất thành công khá cao trong việc dùng âm nhạc để chữa bịnh. Âm nhạc đã ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống của anh. Khi bắt đầu sáng tác nhạc, anh cũng đã rất kỹ lưỡng bỏ ra nhiều thời gian chải chuốt cho dòng nhạc của mình. Thiện Doãn không có quan niệm "Viết nhạc là trao gởi những tâm tư riêng của lòng mình đến giới thưởng ngoạn", mà ngược lại, viết nhạc chỉ là ghi chép những gì còn đọng lại trong tâm thức anh để hy vọng khơi dậy những "nỗi niềm chung" nơi giới thưởng ngoạn âm nhạc. Cũng chính vì quan niệm nầy nên khi viết nhạc, anh vẫn thường suy tư, trăn trở, và bỏ ra nhiều thời gian cho những dòng nhạc, những ca từ của mình. Sau một thời gian dài viết nhạc, Thiện Doãn cảm thấy mình điềm đạm hơn xưa, chững chạc hơn trong cung cách cư xử với cuộc đời, không dễ bi quan trong cuộc sống, dễ hài hòa trong thực tại, cẩn ngôn, tóc bạc nhiều hơn, và tính tình thì dễ vị tha hơn xưa.

 

Khi hỏi anh nghĩ gì về câu nói “Musick is a tonick to the saddened soul” (nguyên văn, Robert Burton 1577-1640), anh cho biết đôi khi âm nhạc cũng là một lọ thuốc đắng để giải "tật", hoặc là một giọt thuốc "độc" để chấm dứt sự đau khổ một cách nhanh chóng vậy. Anh nhớ vào khoảng thập niên 70, anh có nghe bản nhạc Hung Gia Lợi, Gloomy Sunday, do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt mang tựa "Chủ Nhật Buồn", có những lời ca như sau:

 

". . . Chủ Nhật nào

tôi im hơi

vì đợi chờ không nguôi ngoai

bước chân người

nhớ thương tôi

đến với tôi thì muộn rồi

trước quan tài

khói hương mờ bốc lên như vạn ngàn lời . . . "

 

Lúc bấy giờ, anh vẫn thường nghêu ngao nhạc phẩm nầy, trong những lúc tâm hồn anh đang bị chùng xuống. Bản nhạc với giai điệu buồn da diết này, anh nghe nói đã làm nhiều cặp tình nhân ở các nước Tây Phương tìm đến con đường quyên sinh hầu có thể cùng nhau được trọn vẹn nơi một cõi vô hình khác. Về nhạc phẩm "Ðồi Thông Hai Mộ" cũng không kém phần ảnh hưởng đến người nghe. Còn "Giết Người Trong Mộng" của nhạc sĩ Phạm Duy thì sao? Theo Thiện Doãn, mức độ cảm nhận của người nghe nhạc thường khác nhau, một phần tùy theo tâm trạng của họ lúc đó. Có người khi buồn chỉ thích tìm quên bằng cách nghe những nhạc phẩm vui tươi, nhạc kích động. Có người khi buồn chỉ muốn vùi đầu trong phòng vắng, lắng nghe những bản nhạc với giọng ca não nùng, để nỗi buồn thêm sâu đậm và day dứt đến tột đỉnh ... Có người lúc buồn thì nghe nhạc chỉ để tâm trí không định, cho vơi đi nỗi buồn. Ðặc biệt đối với người Việt, anh nhận thấy người mình thích nghe nhạc êm nhẹ, và theo anh, hầu như những nhạc phẩm êm nhẹ lại dễ đi vào lòng người Việt mình và ngự trị trong tâm hồn ta lâu dài hơn.

 

Thiện Doãn cho biết người xưa thường thường nói "Tề gia - trị quốc - bình thiên hạ". Gia đình là một đơn vị nhỏ bé của một quốc gia. Gia đình cần được vun xới, bồi đắp hằng ngày thì hạnh phúc hay cuộc sống gia đình mới có thể vững bền được. “Vui Xuân không quên nhiệm vụ" là câu anh xin được mượn dùng để trả lời cho câu hỏi “Gia đình đã ảnh hưởng ra sao đối với những sinh hoạt văn nghệ của Thiện Doãn ?” Anh thường dành thời gian đi vào thế giới âm nhạc trong những lúc rãnh rỗi, nhất là vào ban đêm, khi không gian yên tịnh, lắng đọng. Đó cũng là lúc mà anh đã hoàn tất công việc gia đình, và có chút thời giờ cho niềm đam mê của chính mình. Khi viết nhạc là ngồi ôn dĩ vãng, đi tìm lại những gì đã ghi nhận trong tâm trí, những gì mà anh đã từng nghe qua từ đâu đó để diễn tả cảm xúc của riêng anh qua dòng nhạc. Anh mong mang cái "chung" đi trang trải với người, hoặc mang cái "riêng" đi tìm những "chung tần số" rung cảm. Theo anh, viết nhạc tình khá “nguy hiểm” nếu không có sự giải thích tường tận, hay không có sự thông cảm, khuyến khích của người bạn đời. Anh cho biết những sinh hoạt trong gia đình là ưu tiên đối với anh, còn việc sáng tác nhạc hay sinh hoạt văn nghệ là thứ yếu trong cuộc sống. Ðây là một trong vài lý do mà hai đĩa CD của anh mãi đến sau mười hai năm mới được hoàn tất.

 

Thiện Doãn cho biết anh không được có cơ hội học nhiều về âm nhạc. Sự kiện này đối với người khác có thể là một trở ngại, nhưng anh lại quan niệm đây là một sự việc may mắn cho riêng mình. Tuy không được chọn âm nhạc như một ngành nghề chính của anh, nhưng anh đã sống và lớn lên tại Việt Nam qua tuổi trưởng thành. Anh đã nghe ngóng và đọc được nhiều điều chung. Những điều "chung" còn nằm trong tiềm thức, anh cố đi tìm cái "riêng" cho chính mình. Những sáng tác mà anh đem chia sẻ với bạn bè, được đón nhận với những khích lệ thì đó là những phần thưởng tinh thần vô cùng quý báu đối với anh. Thiện Doãn vẫn tự mình cố gắng vươn lên trau dồi thêm về âm nhạc, điều nào không biết thì anh tìm Thầy để học hỏi, hoặc anh tự tìm tòi học thêm. Vấn đề thời gian không có nhiều đã làm giới hạn những hoạt động văn nghệ của anh.

 

Với tâm hồn của một người xa xứ vì hoàn cảnh khá đặc biệt của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, một số trong chúng ta đã tìm đến văn nghệ thi ca hầu có thể tìm được chút yên bình hay thoải mái trong cuộc sống khá vội vã tại những xứ Tây Phương. Theo Thiện Doãn, một khi trở về với văn nghệ thi ca là khi tâm hồn ta được nhẹ nhàng và thoải mái. Một khi tâm hồn ta lắng đọng để trở về với chính mình thì tâm an định và yên bình. Đó là khi ta có thể đi tìm cái chung qua "thần giao cách cảm", tránh những va chạm có khi không thể tránh được của đời sống. Vì thế tại hải ngoại đã có những anh chị đang làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, và cả trong những hoạt động nghệ thuật khác nữa … Khi được hỏi ý kiến của anh về những giới hạn của những nhạc sĩ sáng tác nhạc ở hải ngoại, Thiện Doãn cho rằng những hoạt động văn nghệ tại hải ngoại đang ở một giai đoạn khó khăn. Theo ý anh, đa số những người sáng tác ca khúc mới tại hải ngoại thường phải tự tìm những sự trợ giúp từ bằng hữu thì mới mong giới thiệu những tác phẩm của mình đến với giới yêu nhạc. Những nhạc sĩ này thường phải tự phát hành CD của mình, tự tổ chức buổi ra mắt CD, và thậm chí còn phải đi "chào hàng". Trong môi trường hiện tại, theo anh, các trung tâm phát hành băng nhạc thường hầu như chỉ “xào nấu” các “món ăn tinh thần" mà đa số khán thính giả có vẻ ưa thích. Cũng theo anh, người Việt hải ngoại chúng ta chưa phát triển về mặt khuyến khích hay nâng đỡ những tài năng mới. Trung tâm phát hành băng nhạc thường không dám đối đầu với những thử thách mới về âm nhạc, còn giới thưởng ngoạn thì dường như chỉ yêu chuộng những bản nhạc "nổi tiếng", tức những bản nhạc đã được sáng tác trước đây, và đã được quần chúng biết đến nhiều. Kể cả người giới thiệu chương trình, ban nhạc, ban tổ chức, ca sĩ, cũng phải có một chỗ đứng nào đó trong làng văn nghệ thì mới mong được đón nhận nồng nhiệt. Phần ca sĩ, có ca sĩ lấy thù lao thật cao để rồi chỉ hát những bài mà anh đã nghe họ hát từ lâu lắm, hay đã nghe từ những giọng ca khác, và đôi khi cũng với một lối hòa âm phối khí không thay đổi.

 

May mắn thay anh được biết qua thông tin hằng ngày từ các liên mạng, rằng vẫn có nhiều sáng tác mới của những nhạc sĩ mới tại hải ngoại. Đa số trường hợp, chính bản thân những người nhạc sĩ, hoặc người bảo trợ, phải chịu hy sinh về tài chánh để hầu giới thiệu những sáng tác mới của những nhạc sĩ này. Khi qua được giai đoạn trình làng rồi, anh nhận thấy dường như chỉ có một số ít những bản nhạc mới này được người nghe đón nhận. Sự thành công này có khi nhờ vào thực tài của người nhạc sĩ, hoặc do những may mắn, hoặc do có sự trợ giúp khác …. Một số nhạc sĩ khác không thể phổ biến nhạc mình đến người nghe, mặc dù dòng nhạc của họ cũng mang những nét đặc sắc riêng, chỉ vì những trở ngại về tài chánh, hoặc vì họ không muốn bon chen trong làng nhạc ... Một trong những khó khăn khác của việc giới thiệu những bản nhạc mới sáng tác ở hải ngoại, xuất phát từ lý do các Đài phát thanh thường chỉ muốn phát thanh những bản nhạc thời trang thôi (đa số là nhạc trong nước) hầu thu hút đông thính giả cho Đài. Thiện Doãn cho biết anh không dám phân biệt nhạc Việt Nam trong nước hay ở hải ngoại, mà chỉ mong những điều anh trình bày ra đây có được câu trả lời chung. Anh xin quý bạn đọc hãy cùng suy tư về vấn đề này, hầu tìm ra những hướng đi khác tích cực hơn cho vấn đề phổ biến nhạc mới sáng tác của những người viết nhạc tại hải ngoại.

 

Hai nhạc phẩm mà Doãn yêu thích nhất là Tơ Giăng Giữa Đời và Mãi Còn Yêu Nhau. Hai bản nhạc này đều nằm trong CD Tơ Giăng Giữa Đời, và cả hai nhạc phẩm này đều diễn tả những nỗi niềm sâu kín của anh, được sáng tác khi anh hồi tưởng lại dĩ vãng của đời mình.

 

Mãi Còn Yêu Nhau viết cho người bạn đời của Thiện Doãn, để ca ngợi tình yêu của người bạn đời đã dành riêng cho anh. Tất cả những cảm xúc của anh đã được trang trải thành những nốt nhạc, bằng những ngôn từ để ca ngợi và tri ơn sự hy sinh của người bạn đời cho tình yêu, cho gia đình. Đoạn cuối của bản nhạc này nói lên sự đoàn tụ vĩnh cửu. 

 

Tơ Giăng Giữa Đời là một nhạc phẩm gói ghém tâm trạng của một người đứng giữa ngã ba đường của tình yêu, trong đó tác giả là nhân vật chính, trăng và sao là hai chứng nhân của cuộc tình lúc bấy giờ. Tơ Giăng Giữa Đời không kết thúc bằng nốt chủ âm, tạo cho người nghe một cảm giác không nguôi chưa dứt. Hình như cứ mỗi khi tâm hồn cảm thấy trống vắng thì Thu lại về, hay vì Thu về nên tâm hồn cảm thấy xuyến xao, mang theo những nỗi niềm trao gởi. Thổn thức cái vị nồng nàn say đắm của yêu đương đã đủ, nay trở về thực tại của một cuộc sống với những điều mà con người cần “phải có”, đã đẩy đưa Thiện Doãn vào con đường mà nhiều người cũng đã trải qua. Dòng nhạc trong CD Tơ Giăng Giữa Đời mang một nét trẻ trung với những giai điệu quyến rũ. Một điều khá thú vị là phần âm thanh của CD này trung thực, và tất cả những ca sĩ đều diễn đạt trọn vẹn tâm hồn của những bản nhạc trong CD Tơ Giăng Giữa Đời. Nếu biết rằng đây là những sáng tác mới chưa từng bao giờ được phổ biến, ta mới có thể trân trọng hơn những nỗ lực của anh khi thực hiện CD này.

 

Đĩa CD Một Khi Tình Yêu Vỗ Sóng, do Thiện Doãn thực hiện, với phần hòa âm của nhạc sĩ Trần Quảng Nam và Nguyễn Thiện Doãn, với tiếng kèn saxaphone của Trọng Khôi. Những âm thanh trong CD Một Khi Tình Yêu Vỗ Sóng lại êm đềm, đầm thắm, nhưng không kém phần mượt mà như dòng nhạc trong CD Tơ Giăng Giữa Đời. Những tác phẩm trong CD Một Khi Tình Yêu Vỗ Sóng đã được trình bày bởi những ca sĩ có giọng hát vững vàng tại Hoa Kỳ như Thanh Vân, Duy Tuấn, Châu Ý Linh, Phương Oanh. Nếu trong nhạc bản Trong Nỗi Cô Đơn, Thanh Vân hát với chất giọng điêu luyện, và lối phát âm mang một nét nhẹ nhàng độc đáo, thì trong nhạc bản Tôi và Em, giọng Thanh Vân lại có pha chút nét nhí nhảnh dễ thương thích hợp với bản nhạc này. Một Duy Tuấn với chất giọng trầm ấm trong Niềm Riêng Nhớ Mong, nồng nàn trong Một Khi Tình Yêu Vỗ Sóng, Khi Tình Yêu Đến. Tiếng hát Châu Ý Linh với một làn hơi nhẹ nhàng tự nhiên trong Dấu Tình Phôi Pha, Dấu Chân Tâm Hồn, Nửa Đời Tình Vẫn Bơ Vơ (thơ Mộng Lành). Phương Oanh với chất giọng khàn đục khá đặc biệt, đôi khi mang chút nét bất cần đời trong Vì Anh Say Mê, Nỗi Niềm Chưa Vơi. Hai CD này đã được trình bán trên mạng, với mỗi tác phẩm mang một sắc thái riêng, đã đem đến cho người nghe những giây phút thoải mái tuyệt vời.

 

Thiện Doãn vẫn mong có được một lần đứng trước rất đông khán thính giả để trao gởi những gì mà anh "có", những gì mà tâm tư anh "mong được chia sẻ". Ước mơ một lần được đối mặt với khán thính giả để kể lại những câu chuyện của nhau, bằng giọng hát của chính mình, mặc dù không chuyên nghiệp, với tất cả sự chân tình, trân trọng, và những cảm xúc dạt dào qua dòng nhạc của chính mình.

 

Khi không gian dường như lắng đọng, khi thời gian dường như dừng lại, cũng là lúc người nghệ sĩ đắm chìm trong những âm thanh trầm lắng… ôi những âm thanh nhiệm màu … Một ngày nào đó, dù có thể rất xa, chúng ta đều sẽ trở về với cát bụi, có còn lại chăng là những âm thanh vang vọng mãi trong lòng người … như Thiện Doãn đã ghi lại: “Tất cả … đã được gạn lọc, chìm sâu trong tiềm thức, nay trở thành mối nguồn tư tưởng đang âm ỉ niềm mơ ước có một cơ hội trang trải những góp nhặt riêng tư, để đóng góp với cõi trần gian này cho thêm chút sắc màu”.      

 

Quách Nam Dung

 

Xin mời nghe nhạc bản:

 Một Khi Tình Yêu Vỗ Sóng

Nhạc và lời: Nguyễn Thiện Doãn, Duy Tuấn trình bày

Ngàn sóng đang đùa hôn bờ bến
Người đến mang tình yêu thầm kín
Người hỡi! đêm hoài mơ bóng người
Tình đến cho hồn ai ngất ngây
 
Môi ai cười đắm say
Trao nhau lời luyến thương
Tóc bềnh bồng hương hoa ngàn quyến rũ
 
Nhịp bước mang tình yêu về với
Nồng ấm trao nụ hôn tình mới
Dòng suối ngủ dịu hiền cuối trời
Ngàn sao đang thầm gọi tên nhau
 
Tình đến cho nhịp tim vội vã
Tình đến bao lời ca ngọt thắm
Tình yêu như nụ hoa giữa trời
Chỉ nở trong vòng tay dấu yêu
 
Hoa muôn màu lả lơi
Vai nghiêng mềm thướt tha
Tay ngọt ngà em ru tình êm thắm
 
Người đến cho màn đêm dần xa
Người đến trao lời yêu đầm ấm
Tình hỡi! Xin được trọn giấc mơ
Để sóng vỗ về hôn bến bờ
 
Tình yêu từ trong đáy tim
Tình yêu ngàn dâng hiến trao
Tình yêu nguyện ôm ấp trọn đời

 

 

 

Xin mời nghe nhạc bản:

Trong Nỗi Cô Đơn

Nhạc và lời: Nguyễn Thiện Doãn, Thanh Vân trình bày

 
Người về trong mộng mơ
Gọi hồn muôn bài thơ
Nhìn dòng suối biếc bên kia đồi
Mà lòng khôn nguôi
 
Một ngày xa lìa nhau
Hỏi lòng có còn đau!
Ngàn dòng nước mắt tuôn rơi đều
Nghẹn ngào trong đêm
 
Cuộc đời cõi phù du
Tình người chôn nghìn thu
Lệ này xin trả dâng trao người
Đường về muôn lối
 
Như muôn ngàn cơn sóng biếc
Mãi vồ về rêu đá xanh
Trôi xa dần trên biển vắng
 
Ta ôm niềm đau
Dấu bước trong âm thầm
Trên phố khuya
Nghe lạc loài cho kiếp người