Từ Tiếng Sáo Diều

 

Mến tặng các con tôi:  Trác, Hằng và Chi

Nghiêm-xuân Sương        

 

  

Từ những ngày còn thơ-ấu, tôi đã yêu mến tiếng sáo diều. 

Đó là những năm tôi mới lên năm, lên sáu, khi chú em út lúc đó mới khoảng một tuổi, những năm cuối cùng của quãng đời hồn-nhiên, thơ dại, trước khi cái không khí chiến-tranh của cuộc đệ nhị thế chiến tràn vào tâm-hồn tôi, để rồi cái không khí ấy hoàn-toàn chiếm ngự trong tôi suốt quãng đời còn lại.

 Gia-đình tôi cư-ngụ tại một phố chợ của một huyện-lỵ.  Trừ những ngày có phiên chợ chính, hai ngày một tuần, những ngày còn lại là những ngày êm đềm, vắng vẻ.  Mùa hạ, tiếng sáo diều vi vu, lãng đãng, ngân dài – dài như bất tận trong không gian – như đã quyến-rũ tôi.  Tôi ngửng đầu nhìn lên vòm trời cao để tìm ra một chiếc diều lờ lững - đôi khi như bất động - nơi phát ra những âm-thanh u buồn.  Những âm thanh chỉ thay đổi tùy theo cường-độ của những làn gió, và con diều cũng chao mình qua lại trong không gian theo cái cường-độ đó.  Không-gian càng yên tĩnh bao nhiêu thì tiếng sáo diều càng rõ đậm bấy nhiêu.  Đôi khi nó còn có vẻ như u-uẩn, tức nghẹn.  Tôi đứng nhìn con diều vật vờ, tâm hồn vương vấn theo tiếng sáo vu vi, trầm mặc.

 Tôi tò mò tìm hiểu do đâu mà có cái âm-thanh đó.  Không phải chiếc diều nào cũng có sáo.  Chỉ những chiếc diều lớn, có khi lớn bằng cái sập gụ của nhà tôi, mới đủ sức mang theo những chiếc sáo.  Diều càng lớn càng mang theo được nhiều sáo.  Tôi đã thấy một chiếc diều mang ba cái sáo.  Cái sáo nhỏ được đặt đàng trước, sau đó là cái lớn thứ nhì, và sau cùng là cái lớn nhất.  Sáo được gắn ngay tại mũi con diều.  Sáo được làm bằng ống tre.  Ống tre được khoét theo chiều dài một khoảng trống.  Khoảng trống được phủ bằng một cái màng rất mỏng mà tôi đoán cũng làm bằng tre.  Sáo được gắn vào mũi con diều với cái màng nghiêng theo một góc độ nào đó để khi gió thổi tới, làm rung động màng sáo và phát ra âm-thanh của tiếng sáo.  Kỹ-thuật này, theo tôi, đã được lưu truyền qua nhiều thế-hệ.  Tôi tò-mò muốn học hỏi về kỹ-thuật đó nhưng vì nhút nhát nên chẳng bao giờ dám hỏi.  Một cái sáo chỉ phát ra một âm-thanh.  Sáo nhỏ sẽ phát ra âm-thanh trong và cao.  Sáo lớn sẽ phát ra âm-thanh đục và trầm.  Nhiều sáo sẽ phát ra một hợp-âm.  Một cơn gió, tùy theo cường-độ, có thể khiến cho chỉ một hay hai, hay nhiều, tiếng sáo phát ra, làm thành những hợp-âm khác nhau, khi bổng khi trầm, khi lớn khi nhỏ, khi yên lặng, lúc rạt rào...

 

Nhìn con diều lững lờ trong không gian, mắt tôi chạy theo sợi dây diều ... xuống dần, xuống dần... đến khi hình ảnh sợi dây chạm vào đâu đó trên mặt đất.  Tôi lại tưởng-tượng ra chủ nhân của con diều, và tôi ước mơ tôi trở thành nhân-vật đó.  Tôi mơ rằng tôi đang nắm giữ sợi dây nối với con diều, để tôi được trực-tiếp súc cảm với tiếng sáo, hòa đồng với tiếng sáo.  Nhưng tôi nhận ngay ra rằng:  con diều to lớn như vậy, tôi không thể nào giữ nổi nó.  Tôi đã bắt chước làm được vài con diều.  Diều tôi làm thuộc loại diều yếm.  Ngoài hai cánh diều cong cong, đuôi diều có hình vuông nằm chéo, giống như chiếc yếm trắng của các cô gái quê.  Diều nhỏ, cỡ bằng hai lần quyển vở mở rộng, nên chẳng mang được sáo, mà tôi có biết làm sáo đâu???  Tôi kiếm được mấy thanh “giang”.  Đó là thứ cây giống cây tre, nhưng có ống dài hơn ống tre, người ta thường dùng để chẻ thành lạt trong việc làm nhà, cột vật dụng.  Tôi dùng “giang” để khỏi phải “vót” tre, vì tre có nhiều “mắt”, đã khó “vót” mà lại dễ gãy.  Sau khi làm khung, tôi kiếm giấy bản (thứ giấy không có hồ nên thấm nước, nhưng nhẹ), “phất” lên khung diều.  Tôi “cân” diều, sao cho diều thăng bằng, hai cánh nặng bằng nhau, đuôi nặng hơn đầu chút ít.  Sau đó lấy giây gai “cột” diều.  Tôi cầm sợi giây, lựa vị thế của con diều, vung sợi giây lên không trung, kéo con diều bay lên cao.  Nếu con diều bay nhẹ và thăng bằng, ấy là tôi đã thành công trong bước đầu.  Tôi hăng hái đặt diều nằm ngửa trên mặt đất, mũi diều hướng ra xa, suôi theo chiều gió, tôi cầm sợi giây, cách con diều chừng ba thước tây, chạy về hướng gió, mắt nhìn vào con diều.  Con diều bật lên khỏi mặt đất, bọc gió, vùng vẫy trong không trung.  Nếu tôi may mắn, con diều sẽ chao qua chao lại nhẹ nhàng theo những bước chân tôi chạy.  Bằng không, hoặc là nó sẽ quay tít trong không gian, hoặc là nó đâm thẳng xuống đất.  Lúc đó tôi sẽ phải tìm hiểu lý-do và tìm cách điều-chỉnh.  Khi con diều đã khá vững vàng trong không gian, tôi thả thêm ít giây để cho diều bay cao hơn.  Tôi chạy chậm lại, diều lên cao, gặp nhiều gió hơn, bay lơ lửng.  Tôi đi chậm, rồi đứng lại.  Con diều chao chao qua lại.  Tôi thả thêm chút giây nữa, diều lên cao hơn, di động nhẹ nhàng trong không gian ... và tôi đã thành-công.  Con diều bọc gió, lững lờ trong không trung, lòng tôi hân hoan, thỏa mãn.

 

Nhân chuyện tiếng sáo diều, bạn tôi, anh Nguyễn-Khắc Minh kể rằng:

 

“Ngày nhỏ, tôi ở quê nhà với gia-đình.  Tôi có một ông bác, năm nào ông cũng làm diều mang sáo, nếu con diều năm trước còn có thể xử-dụng được, ông chỉ sửa chữa hoặc tân-trang lại con diều cũ.  Họ hàng gọi ông là Bác Điếc.  Tên ông biểu hiệu cố tật của ông.  Ông không nghe được.  Ngay chính khi nói chuyện, ông cũng không phát âm được rõ ràng.  Ấy thế mà ông làm được những ống sáo diều rất hay.  Chiếc sáo nào cũng kêu. Thế mới tài.  Những ống sáo to và dài khác nhau.  Có những ống sáo to lớn bằng cổ tay người lớn.  Những con diều ông làm là những con diều rất lớn, lớn hơn cả cái giuờng.  Sau mùa gặt, ruộng khô, bác Điếc tổ-chức thả diều.  Mỗi khi thả diều, ông cần chừng ba bốn người nâng diều lên, chạy băng đồng theo vài người cầm dây, đợi dấu hiệu để phóng con diều lên không trung.  Khi diều đã lên cao, cũng phải có vài ba người mới giữ nổi con diều.  Diều được làm bằng giấy “nhật trình” (báo), và được “phất” lên bằng một hay nhiều lớp nhựa cây cậy màu nâu đậm, loại nhựa, khi khô, sẽ cứng, để làm cho lớp giấy bọc diều được bền chắc, và nếu bị nước mưa, diều cũng không bị ướt và thương tổn mấy.  Dây diều được “bện” thành những sợi dây lớn như những sợi dây thừng.  Có khi con diều mang tới năm sáu chiếc sáo, dài ngắn khác nhau.  Vào những đêm trăng sáng thanh tịch,  tiếng sáo diều vi vu một cách rất mê hoặc và hoang liêu, vang vang khắp chốn, đến tận cả những làng xóm lân cận.  Tuy chẳng nghe được tiếng sáo diều của mình, bác Điếc vẫn cảm nhận được những âm-thanh từ con diều của mình.  Rồi khi nào, chẳng may, con diều bị đứt dây, vụt bay đi....  Trai tráng trong làng hò nhau chạy đi đuổi diều. Có khi phải chạy băng đồng, qua tới vài ngôi làng là thường.  Những ngày vui ấy vẫn nằm gọn trong trí nhớ của tôi.  Chẳng bao giờ phai nhạt.”

 

Tôi không được hưởng những ngày êm đềm với tiếng sáo diều vi vu đó lâu.  Năm sau, không khí chiến tranh ào tới.  Gia-đình tôi phải tản-cư, xa rời căn nhà với bao nhiêu kỷ-niệm êm đềm.  Sau đó ít lâu, căn nhà thân yêu của gia-đình tôi đã trở thành đống gạch vụn theo chiến-dịch “tiêu thổ kháng chiến”.  Người ta triệt-hạ hết thảy các kiến-trúc mà người ta cho rằng có thể dùng làm nơi trú đóng cho quân-đội Pháp.  Cũng từ đó, tôi chẳng bao giờ được thấy lại con diều vật vờ trong không trung, chẳng bao giờ được nghe lại tiếng sáo diều vi vu, lãng đãng ...

 

Những câu hát trong bản nhạc “Chiều quê” của Hoàng-Quý vẫn còn văng vẳng trong tôi:

 

. . . .

Sáo diều êm nào khác lời thơ,

Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô.

Ôi chiều quê! chiều sao xiết êm đềm,

Nhìn xem tơ khói vương, chờ giây phút mến thương

. . . .

 

Không biết có phải tiếng sáo diều đã làm cho tôi thích âm nhạc hay không.  Từ độ lên năm, lên sáu, tôi đã thuộc những bài hát như Hận Sông Gianh, Thu Trên Đảo Kinh-Châu, Ngày Xưa, Hận Ô-giang. Hà Nhật Quân Tái Lai ... Hồi đó, có những đêm trăng sáng, chúng tôi quây quần quanh cha tôi, người bảo chúng tôi hát, tôi đã hát một vài bài đó.  Tiếng hát vang lên trong đêm tĩnh-mịch của miền quê.

 

Tôi đã chú ý nghe chú Sáu tôi đánh đàn Hạ-uy-di nhiều bài nhạc khác nữa.

 

Năm 1948, gia-đình tôi trở về Hà-nội, rồi xuống Hải-phòng định-cư. Hai năm sau, cha tôi mất.  Mẹ tôi đảm đương gánh vác gia-đình.  Mẹ tôi mua cho gia-đình một máy thu thanh.  Tôi lại có cơ may theo dõi những chương-trình của các đài phát thanh Sài-gòn, Pháp-Á, Huế và Hà-nội.  Tôi lắng nghe các ca-sĩ, nhạc-sĩ đương-thời như Ngọc-Bảo, Minh-Đỗ, Hoàng-Giác, Nguyễn-văn-Khánh, Tôn-Thất Niệm, Hương-Thủy, Minh-Diệu, Minh-Trang, Tâm-Vấn ... Sau này còn nhiều ca-sĩ nữa, tôi không thể kể hết được.  Tôi lại say mê với âm-nhạc.  Ở trường trung-học, mỗi tuần có một giờ âm-nhạc, tôi chăm chú học.  Tôi năn nỉ mẹ tôi cho tiền mua một cây đàn.  Tôi mua một cây đàn banjo.  Đàn có tám giây, giống như đàn mandoline.  Mẹ tôi chỉ cho tiền mua đàn chứ không cho tiền đi học đàn.  Tôi mua một quyển sách dạy đánh đàn bằng tiếng Pháp và tự học. Tôi chăm chỉ chép những bản nhạc đương thời.  Có mùa hè tôi chép được tới cả trăm bài.

 

Một buổi chiều, tôi nghe được từ đâu đó, tiếng sáo vọng lại với bản Chiều quê (Hoàng Quý).  Tôi đi về hướng có tiếng sáo.  Tôi thấy thày Nhân, người dạy tôi âm-nhạc ở trường, đang xử-dụng chiếc sáo ngang, bằng tre.  Tôi nhìn thày với vẻ cảm phục.  Tôi yêu tiếng sáo từ đó.

 

Tôi dành dụm tiền và mua được một chiếc sáo tre từ tiệm đàn Văn-Trang, tiệm đàn duy-nhất của thành-phố Hải-phòng.  Tôi lần mò tự học.  Làm sao thổi cho ra tiếng???  Tôi nghĩ chắc cũng giống như thổi vào miệng một cái lọ.  Và tôi thực hành.  Sau đó là cách dùng ngón tay che đậy những lỗ sáo tương-ứng với nốt nhạc.  Tôi bắt chước thày Nhân tập bài Quê Nhà Tôi.  Tôi còn biết nhích nhẹ ngón tay để hở một phần nhỏ của lỗ sáo để tạo ra những âm thanh có dấu “thăng” hoặc dấu “giáng”.  Nhưng tôi nhận ra rằng chiếc sáo tre, với sáu lỗ, không thể phát ra những tiếng trầm được, nên nhiều khi không thích-hợp với nhiều bản nhạc.  Tôi không thể đổi theo cung điệu quá cao để thỏa mãn những nốt nhạc quá thấp được.  Tôi thất vọng.  Cứ mỗi lần thổi sáo tới một nốt nhạc trầm dưới nốt Đô là tôi chịu thua, không phát âm được.

 

Nói về tiếng sáo, tôi không thể không nói tới tiếng tiêu.  Trong bài hát Hận Ô Giang (tôi không biết tên tác-giả) có câu hát :

Địch Trương Lương theo gió âm thầm than,

 

và câu hát cuối cùng:

 

Tiếng tiêu sầu trên giòng Ô.

 

Tôi không biết nhạc cụ “địch” mà tác-giả nói Trương Lương đã xử-dụng ra sao, nhưng theo anh bạn Nguyễn-Thanh Lâm cho biết nhạc-khí “tiêu” là nhạc-khí giống như chiếc sáo dọc. Âm thanh của “tiêu” có vẻ trầm hơn âm thanh của “sáo”.  Tôi chưa có dịp tìm hiểu về hai loại nhạc khí này.

 

Để sửa soạn thi vào lớp Đệ Thất, chúng tôi theo học thày Nguyễn Quang Oánh, giáo-sư trường trung-học Ngô-Quyền.  Một hôm, sau buổi học, thày bảo chúng tôi hát.  Thày mở một cái hộp, lấy ra một chiếc sáo tây (flute) và thổi vài câu nhạc.  Chao ôi, chiếc sáo sao huy hoàng quá!!! Nó dài gần gấp ba chiếc sáo tre của tôi.   Chiếc sáo dường như bằng bạc. Bao nhiêu là nốt.  Nhiều nốt hơn chiếc sáo của tôi tới ba bốn lần.  Tôi đánh bạo hỏi thày xem chiếc sáo có thể thổi những nốt trầm không.  Thày trả lời: “Được chứ!!!”.  Và thày biểu-diễn vài nốt trầm, như nốt La, nốt Sol chẳng hạn.  Tôi ước mơ có một chiếc sáo giống như chiếc sáo của thày.

 

Gia-đình tôi dọn sang một căn nhà khác.  Tôi vẫn thỉnh thoảng tập thổi sáo, nhưng không dám trễ nải việc học.

 

Tôi đã thổi được những bản nhạc như Quê Nghèo (Phạm-Duy), Chiề Quê (Hoàng Quý), Làng Tôi (Văn Cao)....  Với những bản nhạc này tôi không phải xuống tới những nốt thấp.  Tôi không biết chuyển hoán những bản nhạc có nốt thấp để sao cho tôi có thể thổi được với cây sáo tre, nên đành chịu và buồn rầu.

 

Tôi tò mò tìm hỏi xem chiếc flute đáng giá bao nhiêu tiền.  Tôi được biết nó có giá chừng vài ba ngàn đồng, so với giá một tô phở chừng một hai đồng bạc. Mỗi lần đi nghe nhạc, nếu thấy một nhạc-sĩ nào có cây flute thì tôi lại chiêm ngưỡng và thèm thuồng.  Mỗi lần nghe bản nhạc nào có tiếng sáo là tôi lại chú ý nhiều đến tiếng sáo.

  

ooOoo

 

Tôi không thổi sáo trong một thời gian khá dài.  Kể từ ngày di-cư vào Nam, những ngày học thi tú-tài, đi dạy học, vào quân ngũ, rồi qua Mỹ.... Nhưng không vì thế mà quên tiếng sáo.  Con gái tôi, lúc còn đang học lớp ba, đã xin học thổi flute theo chương-trình nhạc của trường.  Tôi vui mừng vì từ nay tôi có thể gần gũi được chiếc sáo mà tôi đã mơ ước từ bao lâu nay.  Nhưng tôi nhất quyết không dùng sáo của con gái để thử.  Mỗi khi cháu thực tập, tôi đều chú ý lắng nghe.  Tôi đã bảo cháu thổi thử bản nhạc Chùa Hương (Hoàng Quý).  Tôi ước mơ một ngày nào đó tôi có thể sử-dụng được chiếc sáo đó.  Con gái tôi tiếp tục xử-dụng cây sáo cho đến khi cháu học hết bậc trung-học.  Khi cháu bắt đầu vào đại-học, cháu để lại chiếc sáo ở nhà.  Tôi hỏi cháu xem tôi có thể sử-dụng chiếc sáo đó.  Cháu bằng lòng.  Tôi bèn lấy những sách nhạc của cháu ra đọc, nghiên-cứu các nốt trên chiếc sáo và thực tập.  Thoạt đầu, tôi không thổi ra âm-thanh, hoặc nếu có phát hiện được một vài nốt thì chúng không phải là những nốt nhạc, mà là những tiếng phì phèo rất vô duyên.  Tôi không nản chí, cố gắng tập dượt.  Tôi mê say tiếng sáo tuyệt vời của James Galway và Jean-Pierre Rampal.  Tiếng sáo sao linh-động quá, trong sáng quá, nhẹ nhàng quá.  Tôi mua những CDs của các nhạc-sĩ này để nghe và đắm hồn theo tiếng sáo.  Tôi chơi vơi theo những âm thanh lả lướt và điêu-luyện, nhẹ nhàng và cao vút.  Tôi hình-dung ra những nốt nhạc và cố gắng giữ lại trong trí tuởng tượng của mình để hi-vọng, có thể một ngày nào đó, bắt chước diễn tả được một phần nào nét âm thanh kỳ diệu đó.  Dần dần, tôi cũng thổi được những bản nhạc đơn giản, nhưng tiếng sáo vẫn còn gờn gợn, thô thiển và cục mịch.  Tôi không thổi được những nốt cao như Mi, Fa... Trong khi chiếc sáo có thể phát âm được tới nốt Đô và có thể dùng được tới ba bát-độ (octaves).  Ngón tay tôi bấm nốt vẫn còn vụng về.  Tôi tập thổi sáo không có thày hướng-dẫn.  Tôi học mò.  Tôi thổi sáo không có ai khen, tôi biết rằng tôi còn thổi rất dở.  Tôi thường tập thổi sáo trong những lúc nhà vắng người, không có ai ngoài tôi, có một mình với chiếc sáo.  Lúc đó, tôi cảm thấy dễ chịu, thoải mái và thanh thản, không bị ngoại vật chi-phối.  Tôi mơ có một ngày nào đó tôi “biểu diễn” tiếng sáo của tôi cho bạn bè tôi, cho bà con quen thuộc của tôi.

 

Tôi còn nhớ ngày dẫn các con tôi đi nghe một nhân viên của công-ty cung cấp nhạc cụ cho học-sinh, nhân lúc nhắc nhở các cháu phải chuyên-cần thực tập, nhân viên này nói một câu mà tôi cho là rất thâm thúy:

 

-         Các cháu không phải thực tập nhiều.  Chỉ khi nào các cháu ăn, các cháu mới tập nhạc.

 

Tôi đã ghi nhớ lời khuyên và tập nhạc hàng ngày.

 Sau một thời-gian khá dài, chừng hai năm, tôi cảm thấy hơi tự-tin.  Tôi có thể thổi được những bài khó hơn, tạo được những nốt cao hơn, nhưng chưa tới được những nốt cao nhất có thể được.  Tôi thường tập với những bản nhạc Việt, những bản nhạc mà tôi tưởng-tượng có thể hợp với tiếng sáo.  May mắn, những bản nhạc tôi ưa thích phần lớn đều hợp với tiếng sáo.

 Chiếc sáo của con gái tôi để lại đã trở thành cũ kỹ, tính ra cũng đã mười tám năm.  Tuy không có gì đáng phàn nàn về chiếc sáo, nhưng tôi muốn tự thưởng mình một món quà, một kỷ-niệm, một ước mơ mà tôi hằng mong mỏi từ bao nhiêu năm (dễ thường có tới năm mươi năm).  Tôi mua một cây sáo mới.  Cây sáo bằng bạc, có opened holes, hiệu Gemeinhardt.  Từ nay, với chiếc sáo này, tôi đặt ra một mục-tiêu mà tôi sẽ theo đưổi:  hãy cố gắng nắn nót để tạo ra những tiếng sáo trong sáng nhất, mượt mà nhất, tươi mát nhất mà tôi có thể phát âm được.

 Giống như tiếng sáo diều thuở nào.

  

Kingwood, Xuân 2004
Nghiêm Xuân Sương