Đàlạt, Atlanta, 30 Năm Tình Bạn.

                                                                                  

                                                    Tôi xin được suốt đời ca tụng tình bằng hữu thiêng

                                                               liêng của những người có chung một thời tuổi trẻ,

                                                             đã mất nhau trong ba mươi năm hoạn nạn, khổ đau

                                                              và may mắn gặp lại khi tuổi đã về chiều, kẻ mất

                                                              người còn.

                                                                                             Phạm Chinh Đông

 

  Căn nhà xe rộng thênh được thu dọn đàng hoàng thành nơi họp mặt của những người bạn ba mươi năm chưa gặp. Từ miền nắng ấm California, trang trại Texas, biển xanh Florida và vùng tuyết giá Pensylvania, họ háo hức về đây, Atlanta, Georgia. Đồng hành là những người bạn đời, cũng suốt kiếp yêu thương, tạ ơn Trường Mẹ và bè bạn của chồng mình.

Bắt đầu từ một hôm nghe long phong Hùng Sến ở Atlanta sẽ cưới vợ cho con nhưng không biết lúc nào, Hiệp Ròm bất chợt nghĩ rằng mình phải đến. Ở đó, hắn có bà bác mười mấy năm rồi không gặp và hơn hết thảy, ở đó hiện có bảy tám thằng bạn cùng khóa đã mất tin nhau ngay từ ngày ra trường 1973. Hắn nói với Hùng Sến, “mầy thử mời coi tao có dám đi không”. Anh chàng Sến có lẽ ngạc nhiên tại sao chuyến này Hiệp Ròm chơi ngon như vậy? Và không ngờ, ở những nơi xa khác, những thằng bạn khác cũng “chơi dại một lần”, nói theo Sinh Cu Tí, đưa cả vợ con về. Tho Quạp nói, “con trai của ông bà Kem Hạnh Tâm tự nhiên được đẻ bọc điều!”

Dự tính ban đầu, Hiệp Ròm sẽ đi với vợ, Chằng Lửa, và cô con út bằng xe bus để ngắm cảnh dọc đường. Đến giờ chót, Chằng Lửa bị bịnh nhức nửa thân mình, giở tay không lên (đúng ra phải là bịnh sưng mỏ!), cô út mắc đi học, hắn đành phải đi một mình.

Hỏi thăm vợ chồng Nhu Phè đã đi năm ngoái, hắn cho biết phải ngồi ngắm cảnh 20 tiếng mới tới Atlanta. Hiệp Ròm cảm thấy cái thân gầy gò của mình khó mà ngồi lâu như thế. Chẳng lẽ ngắm cảnh mà nằm?! Hơn nữa, vé xe bus khứ hồi là 192 đồng 60 cent, trong khi vé máy bay cũng khứ hồi chỉ có 192 đồng 61 cent. Hơn nhau cả 1 cent, mắc quá! Thế là Hiệp ròm đành phải đi máy bay cho rẽ !

Từ ngày qua Mỹ đến giờ đã hơn 7 năm nhưng Hiệp Ròm vẫn là tên Cả Ngố, chưa đi xa lần nào. Giỏi lắm là một, hai lần đi New Jersey cách đó hơn 70 miles để đóng góp vài đồng lẻ tẻ cho sòng bài Atlantic City. Chuyến này đi xa, Cả Ngố hoang mang thiệt tình, không biết phải làm sao. Bởi vậy, hắn quyết mua cho bằng được vé chung chuyến bay với chuyên viên đường dài Tho Quạp để Quạp dìu dắt, chỉ dẫn cách thức gởi xe, check-in và đủ thứ rắc rối khác. Nhờ vậy, buổi trưa hôm đó, cùng với cha con Tho Quạp, Cả Ngố ung dung bước xuống phi trường Atlanta.

Trung Tà đón sẳn tự bao giờ. Cũng không khác mấy ngày xưa. Có chăng là già đi và hồng hào ra. Không biết từ lúc nào, hắn trở thành nhà thơ Trần Trung Hậu với những vần thơ hết sức dịu dàng, “Chợt đâu bạn đến bạn hiền, Nửa vòng trái đất nối liền vòng tay”. Hiệp Ròm cứ tức cười hoài, có ông thánh nào ngờ được cái anh chàng Tà này làm thơ bao giờ! Hắn cho biết vì mỗi ngày lái xe đi, về 120 dặm nên phải làm thơ cho đỡ  buồn ngủ. Dễ sợ!

Sau giây lát mừng nhau, Trung Tà chở cha con Tho Quạp và Hiệp Ròm, tính đem về “rộng” ở nhà hắn. Đám Cali đến từ đêm hôm qua đang ở chơi nhà Phước Thợ Vẽ cách đây hằng 100 dặm, cũng sẽ được đem về “nhốt” ở đây chiều nay. Tất cả số khách phương xa đều bị nhốt ở nhà Trung Tà vì nhà Hùng Sến bận bịu với đám cưới, bà con giòng họ. Ngay từ đầu, Hùng Sến đã la oang oác rằng, “mấy ông bà hiện chỉ có cái hĩm như Sinh Cu Tí, Hảo Láp, đừng có hòng kiếm thêm thằng cu trong nhà Atlanta. Các bà thì ngủ trên giường và các thầy (thầy gì đây?) thì ngủ trên thảm với nhau”.

 Quạp cưng con gái, sợ con không quen chỗ đông người nên thuê khách sạn cho hai cha con ở. Vậy là từ chỗ này, Trung Tà chỉ lôi được đầu một mình Hiệp Ròm về. Lát nữa, nó lại phải trở ra phi trường đón vợ chồng Dục Râu sắp đến trong chuyến bay sau.

Thành ra, đám cưới là đám cưới con trai Hùng Sến mà đám chạy đầu làng, cuối xóm, chỏm lơ cả chục con mắt là vợ chồng con cái nhà Trung Tà!

Vào nhà, xuống bếp, chào. Đây là chị Trung. Và đây là chị Nẫm. Hai bà đang cùng nhau nấu nướng cho buổi tâm giao tối nay. Chén dĩa lủ khủ, thịt thà, rau rác lung tung, thấy phát ngán. Mấy bà đầu bếp thiệt đáng nễ. Và đáng tội nghiệp. Cùng đi làm với chồng nhưng về tới nhà còn phải gánh thêm việc cơm nước, áo quần. Thành ra tối ngày không buông cái tay! Tự dưng, Hiệp Ròm thấy thương Chằng Lửa ở nhà quá sức. Bao nhiêu nỗi bực mình vì những lo lắng, săn sóc thái quá đưa đến nói này, nói kia của Chằng bây giờ chợt tan biến như mây. Trước ngày đi, Chằng Lửa nằng nặc dẫn Hiệp Ròm đi mua giày, “lâu lâu mới đi xa phải mua loại xịn”. Ai dè tổ trác, đi suốt một buổi qua bốn, năm tiệm “thứ dữ” đều không có size 6W, để rồi cuối cùng chỉ tìm được ở tiệm giày bình dân Payless Shoes Source với giá 20 đồng! Rồi hôm lên đường, Chằng Lửa dặn dò đủ thứ, thiếu điều phải lấy giấy ra ghi. Nào là, tới nơi phải đem áo veste ra treo lên liền, nếu không nó sẽ nhăn. Nào là, tối ngủ phải mặc áo này, quần này...Mệt quá, điếc lỗ tai quá, Chằng ơi! Nhưng bây giờ mới thấy như vậy không phải là mệt, không phải là điếc lỗ tai đâu, Chằng Lửa ghê gớm của anh!

Đang nằm thở dốc sau gần một ngày đi tới đi lui thì Lộc Mát từ Úc Châu gọi tới thăm hỏi. Anh chàng lừng khừng đôi lúc tưng tửng này vẫn thường xuyên quan tâm đến bạn bè dù xa nhau gần nửa vòng trái đất. Hắn nôn nóng muốn nói vài câu với từng đứa nhưng hiện giờ chẳng có mống nào. Trung Tà đã trở ra phi trường đón đợt nhì. Đám Texas, Florida, lái xe hơi còn trên đường đi. Chỉ có Hiệp Ròm nói thôi, có sao hưởng vậy nghe Lộc Mát.

Chuyện cũ, chuyện mới với Lộc Mát vừa xong thì Nẫm Điềm cũng vừa mò đến. Nẫm Điềm không thay đổi nhiều nên nhìn ra ngay. Chỉ có mái tóc muối tiêu làm cho hắn có vẻ đạo mạo, từ tốn của một ông già. Nẫm Điềm nói, “nằm một mình buồn lắm, qua nhà tao chơi”. Rồi hai đứa chở nhau đi. Hiệp Ròm nhìn Nẫm, lòng ngỡ như mơ. Cứ tưởng rằng  “người chết đi nhưng không, anh lại về..”Có ai tin được sẽ có ngày này? Mới hôm nào tóc còn xanh, da còn căng, nay đã là hai ông lão đi bên nhau khề khà kể chuyện con, chuyện cháu. Thời gian thực sự như bóng câu.

Trở lại nhà Trung Tà. Đám Cali ở chơi nhà Phước Thợ Vẽ từ đêm trước cũng vừa gom về. Đúng như cảm nghĩ của Hải Thọt, “Nhìn các ngài mà tự hỏi, có thiệt không đây? Lũ bạn ngày xưa hăm mấy, bây giờ sao có vẻ dễ nễ vậy cà!”, Hiệp Ròm choáng ngợp trong bóng dáng của Choai Choai, Pháp Tu Xuất, Thư Cận, Văn Màng. Tụi mầy là đây sao? Tên nào cũng khỏe mạnh và oai phong quá. Không có đứa nào thay đổi nhiều. Nếu gặp nhau đâu đó ven đường chắc chắn mình sẽ nhận ra ngay. Tiếc thay, chỉ cò Hiệp Ròm ốm yếu quá, răng cái mất cái còn, tóc rụng, da nhăn. Thấy là chán ngay. Cởi hết đồ ra, móc lên đòn cân heo, hắn giỏi lắm chỉ được 100 pao là cùng. Long Chó Ốm ngày xưa chưa chắc ốm bằng. Thư Cận xin chào thua, “tao tưởng tao ốm nhất Khóa 3, hóa ra là mầy!”. Cũng may, đứa nào cũng nhận ra Hiệp Ròm. Tay bắt, mặt mừng, ồn ào như nhóm chợ. Tạ ơn đời còn cho ta gặp lại nhau.

Rồi vợ chồng Dục Râu, rồi Khuê Thợ Điện, rồi vợ chồng con cái Hảo Láp, rồi đám Texas với vợ chồng Hồng Khóc, Sinh Cu Tí, Thạnh Quạ, tất cả lần lượt đến điểm hẹn, nơi mong mõi từ bấy lâu nay. Cả một trời kỷ niệm chợt bừng sống dậy. Ngọn lửa ba mươi năm âm ỉ trong tro tàn bùng cháy sáng chiều nay nắng đẹp Atlanta.

Thấy lại hung thần Hồng Khóc trong quân phục huấn nhục đàn em Khóa 4, tiếng la vang vang trời đêm Đà Lạt và cũng chính Hồng Khóc với giọng ca mượt mà trong những đêm tập hát hợp xướng với nhạc trưởng Thi Thầy.

 

 

 

 

Thấy lại Sinh Cu Tí âu yếm sóng bước bên người yêu ở Đồi Cù, ở thác Prenn; một hình ảnh của hạnh phúc tuyệt vời cứ ám ảnh Hiệp suốt đời, và không biết người yêu ngày ấy có phải là người đàn bà xinh đẹp cùng đi với hắn hôm nay? Nếu không, chẳng có gì phiền trách, giận hờn vì đó là dĩ vãng của một thời tuổi trẻ. Nếu phải, thì đúng là một trong những tình sử đẹp nhất trần gian.

Thấy lại Hảo Láp buổi trưa Vĩnh Long trước ngày mất nước tháng 4/1975, “Đ. má nó, Việt Cộng vô tới nơi rồi, tao phải về Sài Gòn liền bây giờ, tụi mầy lo mà dọt cho kịp nghen”, rồi Hảo Láp vội vã kiếm xe về Sài Gòn đang trong cơn hấp hối. Cứ ray rứt hoài mấy chục năm nay về số phận của nó, tay đờn guitar số một của dàn nhạc nhà Trường. Bây giờ, 28 năm sau, nó đang ngồi đây, bên bạn bè. Cũng kiểu nói hóm hỉnh đó, tiếng cười vui nhộn đó nhưng mái tóc đã thưa.

Thấy lại Văn Màng một thời “chức sắc”, mỗi ngày diễn hành quanh vòng Trường trước khi vào Phạn Xá dùng cơm, hùng dũng đi kiếm bên Đạt Già, liên đoàn trưởng, và Hiệp Ròm, phụ tá CTCT liên đoàn. “Đoàn người tưng bừng về trong sương gió, hồn như đám mây trắng lững lờ, ra đi không bờ không bến, đẹp như kiếp Bô-hê-miên...”, tiếng hát ngày đó của 165 chàng trai trẻ hình như vẫn còn vang vọng đâu đây.

Có một tay mới vào, ôm cái gì đó đi thẳng xuống bếp. Hiệp Ròm nhìn thoáng và biết ngay là Tiễn Chà Láng, người chùi súng sạch nhất và đánh giày bóng nhất trong những lần trình khám cuối tuần. Chỉ một lúc sau, Chà Láng trở lên chào bạn bè. Chắc hắn đem cái gì đó cho nhà Trung Tà. Hắn chậm rãi nhận ra từng đứa một cách dễ dàng. Đến Hiệp Ròm, hắn lọng cọng nhìn không ra. Pháp Tu Xuất nói gạt :

-Đây là niên trưởng khóa 2.

Chà Láng cung kính :

-Chào niên trưởng.

Hiệp Ròm cố nhịn cười, hỏi :

-Em là Tiễn , anh nhớ hồi đó em huấn nhục khóa 4, phải không?

Hiệp biết mình hớ, thời gian huấn nhục khóa 4, khóa 2 ở đâu đó mà nhớ với không nhớ! Vậy mà cu Tiễn cứ dạ răng rắc. Cả đám cười đùng đùng. Tiễn Chà Láng lúc đó mới bật ngữa ra.

Kế đó, Tạo Già và Út Đầu Bò tới. Cũng nhìn không ra và phải kêu Hiệp Ròm bằng niên trưởng hết một chặp. Thiệt là đã!

Tạo Già về già tự nhiên mắt sáng lại nên không còn đeo kiếng cận như ngày xưa, coi khá đẹp lão. Út Đầu Bò không khác ngày xưa một chút gì. Cũng nước da ngăm ngăm và cái đầu tóc dựng... đầu bò! Không biết thằng chả bây giờ làm cái gì mà còn gọi là Mục Sư! Nghe nói nó có đạo Tin Lành và thường giúp việc đạo cho một vị mục sư nào đó nên có thêm cái biệt danh này. Chớ Đầu Bò mà làm mục sư thì tụi này chỉ có nước trốn...cho chắc!

Buổi tâm giao bắt đầu ngay sau đó trong nhà xe rộng thênh với MC bất đắc dĩ Út Đầu Bò. Bạn bè xa gần cùng với vợ con ngồi dưới sàn xi măng trãi vải mủ, quây thành hình chữ nhật. Mấy ông ngồi theo mấy ông, mấy bà ngồi theo mấy bà. Hùng Sến quá độc, chỉ có ngồi như vầy mà nó cũng quyết ăn thua đủ với những tay lom lem tìm thằng cu! Sau phần mở đầu của chủ nhà Trung Tà cho có vẻ nghi thức là phần trình diện với nhau. Từng cái tên từ lâu không còn nghe thấy, đêm nay được đọc lên bằng tất cả trìu mến, thân tình. Mỗi cái tên là một kỷ niệm, dù ít dù nhiều, dù nhạt nhòa dù đậm nét, vẫn bàng bạc trong trí nhớ đã mòn mỏi quá nhiều. Bạn bè thương nhau vì vậy, này nhân gian có biết gì chưa?

Rồi là phần giới thiệu các nàng dâu. Mỗi người một vẻ nhưng đều giống nhau ở tình chung thủy sắt son. Có người chỉ biết Trường Mẹ, bạn bè qua lời kể của chồng nhưng cũng có người đã sánh vai bên chồng khi chàng còn đeo trên vai đôi alfa màu đen. Họ là bóng mát cho các anh nghỉ ngơi những khi mệt mõi, là lửa ấm cho các anh mỗi khi chợt nghe giá lạnh trong hồn những lần thương nhớ vu vơ. Thêm một lần này xin được gởi đến các chị lòng quý trọng vô ngôn và vô cùng.

Trong tiếng ồn ào hàn huyên, tiếng chuông điện thoại vang lên mờ mờ. Nhưng sáng chói tình nghĩa của những người gọi từ bên kia đại dương : Oánh Gà Mái Mỹ và phu nhân, chị Thoại Anh, biệt danh Sư Tử! Hai vợ chồng ở xứ Kangooroo này lúc nào cũng đặc biệt quan tâm đến bạn bè.

Chính Gà Mái Mỹ vì thương nhớ anh em mà nỗ lực về dự ngày Hội Ngộ tại San Jose vừa rồi trong lúc thân phụ đang nằm trong nhà thương sau một cơn bạo bệnh. Đau xót thay, thân phụ bất ngờ hấp hối lúc Oánh đang hân hoan gặp lại bạn bè. Để Oánh phải tức tốc trở về nhưng không thể kịp tiễn cha trong giây phút cuối. Đau xót nào bằng? Đau xót nào bằng? Bên tình bên nghĩa, bên nào nặng hơn? Giọt nước mắt bằng hữu đêm nay không ngăn được, xin gởi về phương đó, nhé Oánh, nhé Thoại Anh.

Bên tình bên nghĩa, Hiệp Ròm cũng vậy. Đã tính sẽ đến thăm bà Bác nhưng chiều nay mới đến, Bác ở xa đây, không đủ thời giờ đi; ngày mai lại không nỡ vắng mặt trong lễ rước dâu của thằng bạn vàng vì chúng tôi có lẽ là niềm an ủi quý báu nhất của hắn; chiều mai thì sẽ bận bịu trong tiệc cưới đến khuya; sáng mốt thì phải trở về. Thế là đành gọi điện thoại xin lỗi Bác. Dối lòng khi hẹn lại lần sau. Mười mấy năm rồi, còn lần nào nữa? Chị Liên nói qua điện thoại, “ Bác khóc rồi, em là thằng cháu bất hiếu đấy”. Tôi không muốn làm đứa cháu bất hiếu nhưng tôi cũng không thể làm thằng bạn bất nghĩa. Có ai hiểu cho lòng tôi đây?

Rồi liền sau đó, Khảo Đầu Bờ và Vấn Xệ, đứa ở Cali, đứa ở Kansas gọi về. Nói chuyện mạch lạc, có duyên cùng với vẻ mặt vui vẻ, đẹp trai, Đầu Bờ bỗng dưng trở thành xướng ngôn viên trong nhiều buổi sinh hoạt lớn nhỏ.Vấn Xệ hay còn gọi là Đeo Dây vì hắn đôi lần lỡ dại mặc loại quần dài có hai cái dây, là một tên nghệ sĩ đa tài. Ngoài khả năng sáng tác, phê bình văn học, làm thơ, viết nhạc, Đeo Dây còn là một tay khá giỏi về kỹ thuật vi tính. Không về được Atlanta chuyến này chắc Đeo Dây buồn tiếc lắm? Thôi thì  cứ ở nhà mà “áo vàng em cởi bên kia núi, một thuở yêu người quên áo bay” nghe Vấn Xệ. Thơ của mầy chớ không phải vu oan giá họa gì đâu !

Đêm tâm giao vẫn ấm cúng trong hương hoa ngày cũ. Vợ chồng Nhu Phè đến trễ, từ Philadelphia. Anh chàng này kín miệng dữ, đến gần ngày đi mới chịu cho hay. Cả đám lại tiếp tục vui đùa. Nhắc với nhau chuyện xưa một thời ngây ngô, trốn học, nhảy rào, trai gái lăng nhăng. Hát cho nhau nghe êm đềm như những đêm tâm giao ở Đại Giảng Đường dù giọng ca bây giờ đã nhão. Út Đầu Bò dìu anh em cùng hát lại những bài chiến đấu ca ngày đó thanh xuân đã hát vang trời Quãng Ngãi. “Ta như nước dâng đi tràn trên lò lửa hồng, mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm. Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi, ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời...”. Để thấy lại những ngày, những đêm Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Ba Tơ, Đức Phổ và những chàng alfa đen với khăn quàng cổ màu xanh. Và trong dòng hồi niệm đó, theo lời yêu cầu của bạn bè, Hiệp Ròm hát say sưa một bản nhạc mà hắn đã vụng về phổ từ bài thơ của Trần Vấn Lệ trong năm đầu tiên ở Trường. Từ Trong Cửa Lớp. Ngày đó, Hiệp Ròm đã hát với tiếng đàn Hảo Láp. Không ngờ đêm nay, 30 năm sau, cũng vẫn tay đàn năm xưa. “Xa lắm rồi đầu non anh ngó xuống, nơi cuối trời em mãi gọi bóng mây lên, trước sân trường một hàng cây rũ ngọn, chờ chân em gót nhỏ chiều lang thang..”Những rạo rực của một thời mới lớn chợt sống dậy tràn đầy. Và cũng thấy lại buổi sáng Đàlạt, với Thạnh Quạ đi tìm thăm tác giả bài thơ dễ thương kia nhưng không gặp, để rồi hai đứa lang thang quanh hồ Xuân Hương và cuối cùng vào quán kem Hạnh Tâm nhìn thiên hạ dập dìu (nhưng không hề biết anh chàng Hùng Sến lúc nào cũng ngồi chóc ngóc ở đó là hắn đang rình mò để dớt cô nàng thâu ngân tên Thảo! Và từ ngày ra trường, cô nàng Thảo trở thành bà Hùng Sến cho tới bây giờ. Tuyệt vời.)

Buổi sáng hôm sau, thức dậy sau giấc ngủ thiếu. Thấy tức cười trước cảnh tượng cả đám đàn ông ngủ lung tung trên thảm phòng khách, trên sofa, trên sàn xi măng nhà xe. Phe đàn bà chắc ngủ đâu đó trong phòng, ai mà dám hỏi! Sinh Cu Tí khai, “Hồi khuya nhà xe lạnh quá, tao chạy lên tính ngủ trên thảm phòng khách với tụi thằng Choai, thằng Pháp, thằng Trung. Ai dè trên này thợ cưa đang kéo um sùm, tao hoảng hồn chạy trở xuống nhưng không quên giựt mền của tụi này đem xuống đắp cho tụi mầy!” Hèn gì cha nào cũng có cái mà trùm, quá đã! Ban đêm Atlanta mấy bữa rày khá lạnh, cũng ngang ngữa với Philadelphia của Hiệp Ròm. Nói về thợ cưa, nghe nói Thư Cận số một. Do đó, đêm chót, trước ngày chia tay, cả đám sẳn sàng tống Thư Cận vào phòng riêng còn trống của con trai Trung Tà, rồi đóng kín cửa cho hắn ngủ một mình để được yên thân!

Buổi sáng chủ nhật trôi qua nhanh chóng. Đám con chiên đi lễ nhà thờ với niên trưởng Kiên, khóa 2. Đám còn lại đi ăn phở với cai thầu Tho Quạp. Ngày xưa, không biết ghiền cái gì mà Hiệp Ròm với Luân Lặng cứ vài đêm thì nhảy rào, chạy ra ngồi trên bực thềm cao ngất của nhà thờ Con Gà, nhìn xuống đêm Đàlạt lung linh sương mù. Hôm nay, quỳ trong giáo đường bên Pháp Tu Xuất, bên vợ chồng Thư Cận, tâm tư lắng đọng trong suy gẫm về ý nghĩa của thiêng liêng huyền nhiệm và chuyện đời biển dâu.

Một giờ trưa, tất cả tập trung về nhà Hùng Sến để đứng bên họ đàng trai đón rước cô dâu mới. Tình nghĩa anh em đẹp nhất là giây phút này. Lại quây quần chia nhau những thương mến dạt dào như chưa bao giờ biết mến thương. Khuê Thợ Điện cứ xót xa hoài, “sao mầy ốm quá hả Hiệp, ăn nhiều đi, ăn dùm cho tao nhờ đi thằng ròm”. Tội nghiệp tên Thợ Điện. Ngày xưa, Thợ Điện là chuyên viên bất đắc dĩ thiết trí âm thanh, ánh sáng cho những buổi giảng thuyết và những đêm văn nghệ tâm giao. Nhờ cái nghề tay trái này, cùng với những văn nghệ sĩ cũng bất đắc dĩ khác (trong đó có Hảo Láp, Tho Quạp, Hoàng Két, Ánh Phè, Hồng Khóc, Hiệp Ròm...), Khuê nhà ta cũng kiếm được khá nhiều phép thưởng ra phố qua đêm sau mỗi lần văn nghệ vui vẻ. Đây là một đặc ân không phải dễ kiếm. Tay nào ngủ đêm ngoài phố đều có việc để làm. Không biết Văn Khuê ra phố ở không hay là câu điện cho ai mà không hề nghe hắn hở môi?! Chỉ biết loáng thoáng một lần nào đó, Thợ Điện và Tho Quạp không chịu thực tập ở bãi tập Vỏ Bị mà lại cả gan rủ nhau thực tập bài “ nhảy từ lầu 2 nhảy xuống” ở nhà của hai đóa anh đào mơn mởn vì... ông già về bất ngờ! Cũng Khuê Thợ Điện, lại nhớ đến chuyện micro. Trường ta thiệt nghèo, vốn liếng để nói năng, hát hò chỉ có hai cái micro. Một cái màu trắng khá “nhạy” được coi là tốt, ai cũng dành nhau. Còn cái kia, màu xanh đen, nhỏ hơn nắm tay, có la làng sưng mỏ cũng không lớn thêm được bao nhiêu. Thiếu điều nói miệng không còn lớn hơn nói máy. Bởi vậy cả đám mới đặt tên cho của nợ đó là cái mi lựu đạn. Đúng là đồ lựu đạn, cầm nói một hồi thấy chẳng ăn thua nên bực mình vụt xuống cái đùng!

Buổi chiều hơn 6 giờ, cả đám lại nhộn nhịp lên xe đến nhà hàng dự tiệc cưới. Sao mà xa thế, những ba mươi mấy dặm đường. Có lẽ khu Hùng Sến, Trung Tà không có nhà hàng Châu Á nên phải đặt tiệc nơi này. Xa lộ khá rộng, xe cộ nối đuôi. Chủ nhật, đi đâu mà dữ vậy? Hay là cũng đi đám cưới đây? Philadelphia kẹt chỗ mới đãi đám cưới chủ nhật. Hùng Sến kẹt bạn ở xa, sợ đãi thứ bảy không kịp gom về. Thằng này hồi nhỏ đâu có lanh lợi như vầy đâu!

“Không ăn đậu không phải người Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam”, bởi vậy tiệc cưới trễ gần hai tiếng đồng hồ. Khách gần, khách xa, đông quá, vui quá. Đám bạn ba mươi năm ngồi hết một góc. Cũng ông ngồi với ông, bà ngồi với bà, ngoại lệ chỉ có cha con Tho Quạp được ngồi với nhau. Hùng Sến này, thiệt tình!

Trước hôm đi, Sinh Cu Tí hăm dọa Hiệp Ròm, “Thạnh Quạ nghe tin mầy đi nên đem theo bà xã quyết ăn thua đủ với mầy, còn tao cũng sẽ tính sổ mầy luôn một lượt”. Hôm qua đến giờ, ăn thua với Thạnh Quạ cũng vừa tạm đủ. Sinh Cu Tí bận làm phó nhòm chưa tính được gì nhiều nên còn hậm hực, bèn lựa chỗ ngồi kế bên Hiệp Ròm, quyết làm thịt nhau! Ai dè trời bất dung gian đảng,Cu Tí vừa đi mua quà đột xuất tặng cho cô dâu, chú rễ để kỷ niệm tình thân thương của tất cả các bác, các chú , thì cha con Tho Quạp nhào vô, bất kể cái máy ảnh và tập giấy “xí phần” của Cu Tí để trên bàn. Thế là con chuột lắt mất chỗ, lũi qua bên kia. Quân ta tự dưng vô sự, ngồi im ru nghe nhạc. (Để rồi khi cách biệt mới tiếc nuối hoài sao không nói được với nhau thật nhiều, thật nhiều, thật nhiều như đã từng ước ao).

Dàn nhạc dễ thương, tươi mát với những thanh âm điêu luyện và những thanh niên còn dáng dấp học trò, đồng phục áo trắng, quần đen. Hiệp Ròm chợt nghĩ đến lần cưới vợ cho con năm ngoái, tổ trác hay sao mà mướn ngay ban nhạc có mấy cô ca sĩ nhà vườn gần như trần truồng mà hát, nhảy đưng đững mà hát! Hay là mặc áo quần đàng hoàng nghẹt cổ hát không ra?! Ở đây, dàn nhạc dễ thương quá. Những khuôn mặt trẻ măng đó, những nhịp điệu sống động đó làm cả đám chợt kêu lên, “nhớ ‘bum’ ngày xưa quá”. Phải rồi, nhớ quá, nhớ quá. Nhớ những lần tổ chức đêm khiêu vũ trong Đại Giảng Đường, cả đám hăng say, hì hục chuẩn bị ngay từ buổi trưa. Đứa sắp xếp bàn ghế, đứa quét dọn, lau chùi, đứa lo bánh ngọt, nước uống, đứa bò lết, bò càng chà sáp đèn cầy cho láng piste. Hân hoan như...trúng mánh! Không bù với những bữa công tác phòng thủ doanh trại, vô đất bao cát, nhổ cỏ, dọn cây, cha nào cũng có vẻ như bịnh, như đau! Mà thiệt, không hân hoan sao được, vì đêm ấy sẽ mời em đến và dìu em trong tiếng đàn thiên đường. Tiếng đàn Hảo Láp. Bây giờ, Láp đã là một ông già đang ngồi đây “nhớ về đoạn đường từ đó ra đi”. Đã đi và đã tưởng không còn nữa dù trong lòng chưa bao giờ nguôi ngoai. Dục Râu đã khóc trong đêm gọi về Hội Ngộ San Jose, hôm nay cũng xúc động nói trước bạn bè, “luôn luôn nhớ về các bạn, không bao giờ quên”. Pháp Tu Xuất thì “tụi mình không biết còn được bao lâu nên cứ có dịp thì mình đến với nhau liền”. Thì ra trong tim mỗi người đều nuôi ngọn lửa. Một ngọn lửa trong tro tàn.

Đêm đã khuya, tiệc vui đã lắng. Mọi người bắt đầu lác đác ra về. Vợ chồng Phước Thợ Vẽ lại mời đám Texas và Florida về nhà hàn huyên lần chót để sáng mai chia tay. Dù phải đi ngược trở lên gần 100 dặm đường nhưng tiếng gọi anh em mạnh hơn lòng ngại khó. Vậy là nơi này bắt đầu của từng đợt chia tay. Vợ chồng Sinh Cu Tí, vợ chồng Hồng Khóc, vợ chồng Thạnh Quạ lưu luyến lên xe. Biết đến bao giờ gặp lại nhau đây? Buồn lãng đãng.

Khuê Thợ Điện có vẻ ngậm ngùi, “tao ngủ nhà thằng Hùng nên ngày mai sẽ không gặp trước khi mầy về, mầy ráng giữ gìn sức khỏe nghe Hiệp, mầy ốm lắm đó”. Hiệp Ròm nghe lòng mình rưng rưng. Hình như thời tuổi trẻ, lúc ra trường chia tay nhau đâu có những cảm xúc này. Lòng vòng một hồi, Thợ Điện lại đến quàng vai, chia tay lần nữa! Hiệp Ròm tức cười, “Ê, sao chia tay hoài vậy?”. Thợ Điện nói thiệt tình, “vì tao thương mầy quá”. Khuê, cảm ơn mầy, cảm ơn tất cả bạn bè đã dành cho nhau chút hơi ấm cuối đời.

Trở về ngủ đêm chót nhà Trung Tà. Thợ cưa Thư Cận được nhốt một mình trong một căn phòng cho yên giấc anh em. Trên thảm phòng khách, đám còn lại mỗi người một góc, mệt nhừ sau hai ngày tất bật. Hiệp Ròm nằm bên Pháp Tu Xuất. Anh chàng có lối nói chuyện dí dõm mà người nghe không thể nhịn cười. Cũng vì thiếu con gái nên hắn phải ráng ham vui kiếm được một công chúa vừa tròn 3 tuổi. Ngồi ở nhà Trung Tà, Pháp Tu Xuất đưa điện thoại cho Hiệp Ròm, “mầy nghe con gái tao nói đi”. Tiếng trẻ con đãi đớt, “Ba khỏe không?”, nghe thiệt đã! Mê chết, Tu Xuất ơi! Giống hệt cả nhà Hiệp Ròm mê cháu nội vậy. Mấy cha bây giờ chưa có cháu thì chưa biết đâu. Lúc ngồi trên xe, Tu Xuất nói với Hiệp Ròm, “cà vạt của mầy nhỏ quá, bây giờ người ta dùng loại lớn mới hợp thời trang, tao sẽ cởi cà vạt của tao cho mầy, tuy cũ nhưng để mầy nhớ tao”! Tình bạn, đơn sơ như vậy đó.

Chợp mắt không biết được bao lâu thì lại ngồi dậy vì đám Cali phải chuẩn bị ra phi trường trở về nhà. Cũng cảm giác mất mát khi phải chia tay nhau. Cũng ý nghĩ âm thầm, biết đến bao giờ thêm một lần tương phùng hay đây sẽ là lần cuối bên nhau? Nhớ mãi lời nói của chị Thư Cận nói với chị Trung Tà, “Lát nữa em đi về rồi, chị nhớ em nghe. Nếu chị không nhớ, chị chết với em đấy!”

Chị chết với em đấy, cũng như những anh em chúng tôi sẽ chết với nhau nếu đứa nào không nhớ. Không nhớ ngày xưa. Không nhớ hôm nay. Và không nhớ ngày sau.

Riêng tôi, tôi vẫn tin rằng chẳng có ai quên. Vì những xa xưa mãi mãi vẫn còn đâu đó nên cho dù “xa lắm rồi người lang thang góc bể, kẻ chân mây vẫn đưa mắt trông vời”, mong mõi hoài một phút giây hạnh ngộ để thương xót nhau hơn trước những tàn phá của thời gian. Và hơn hết, để lại nghe thức dậy những xa xưa trong chính lòng mình.

 

                                                                           

  

Phạm Chinh Đông