Từ chữ Nôm đến quốc ngữ (2):

Dzương Quí Phi và Cơm Gà Hải Nam

 

Nguyên Nguyên

 

Trong lịch sử Trung quốc, rất nhiều phụ nữ đã được lưu danh muôn thuở. Về chính trị, có  Võ Tắc Thiên, Lữ Hậu, Từ Hi, v.v. Về sắc đẹp, thường làm nghiêng thành đổ nước, có Tây Thi gái nước Việt, có Dương Quí Phi ở đời nhà Đường.

 

Dương Quí Phi tên thật Dương Ngọc Hoàn, vào lúc 18 tuổi (năm 736) được một thái tử con vua Đường Huyền Tông (tức Đường Minh Hoàng, 713-755) lấy làm vợ. Đến năm 741, vua Đường Minh Hoàng được dịp gặp gỡ Dương Ngọc Hoàn, đâu đó ở trong cung.

 

Sau lần gặp gỡ đó, nhà vua đem lòng say mê thiếu nữ họ Dương. Rồi giật vợ của con trai, đưa nàng vào cung, phong cho tước Quí Phi - tức người cung phi được vua yêu quí nhất. Dương Quí Phi xinh đẹp đến độ nhà vua lúc nào cũng bỏ ăn quên ngủ, quấn quít bên nàng, và xao nhãng việc triều chính. Nhà vua còn xây cho nàng một bồn tắm dùng suối nước nóng, để sáng sáng cùng nàng du dương trong bồn tắm và lâm triều rất muộn.

 

Dựa vào thế của Dương Quí Phi, anh của nàng, Dương Quốc Trung, được làm quan đến chức Tể Tướng, và toàn thể họ hàng gia đình đều được vinh hoa phú quí. Ở thành phố Phạm Dương (Fan Yang) gần chốn biên thùy phía Bắc có một viên tướng không phải gốc Hán tộc là An Lộc Sơn. Ban đầu An Lộc Sơn được Dương Quí Phi nhận làm con nuôi. Nhưng vây cánh của An Lộc Sơn ở trong triều lại thuộc phe đối nghịch với Tể Tướng Dương Quốc Trung. Đến lúc hai phe thanh toán nhau, phe đỡ đầu của tướng An Lộc Sơn bị phe Dương Quốc Trung triệt hạ. Phẫn uất trước việc gia đình họ Dương càng ngày càng lộng quyền, An Lộc Sơn dấy binh nổi loạn.

 

Đường Minh Hoàng và thuộc hạ phải bỏ kinh thành chạy trối chết về Thành Đô (Cheng Du) ở khu vực Tứ Xuyên. Tại đây đám hộ giá vua và dân chúng cũng đâm nổi loạn và giết chết Dương Tể Tướng, anh của Quí Phi. Họ cũng bắt vua phải treo cổ Dương Quí Phi, và vua sau cùng phải thuận tình, mặc dù rất thương yêu nàng.

 

Loạn An Lộc Sơn cuối cùng bị dập tắt và vua hồi loan trở lại Tràng An, như một người mất hồn. Sống trong thương tiếc nhớ nhung, nhà vua không còn lòng dạ trông coi việc nước, nên nhường ngôi lại cho người con thứ ba, rồi qua đời khoảng một năm sau.

 

Dương Quí Phi nhanh chóng trở thành nhân vật đầy huyền thoại, cho thi phú và kịch nghệ. Thời đại Đường Minh Hoàng (713-756) cũng là thời cực thịnh của thơ Đường, với những thi bá nổi tiếng như Đỗ Phủ, Lí Bạch, Bạch Cư Dị,.... Và Đường Minh Hoàng thường được xem như một trong số ít hoàng đế có nhiều đam mê văn nghệ, thi phú và có công trong việc phát triển văn hoá cho nước Tàu [2].

 

Dương Quí Phi –  đọc Yang Guí Fei theo kiểu Hoa Bắc và quan thoại, và theo kiểu Quảng Đông: Yeung Guei Fi.

 

Tại Việt Nam, người phía Bắc có khuynh hướng phát âm Dương như Dzương và hầu hết các từ bắt đầu bằng D như Dz. Trong bài này, chúng ta sẽ cố gắng tìm cách lý giải nguyên ủy của âm Dz bằng một vài giả thuyết khác nhau. Đặc biệt chúng ta sẽ lưu tâm đến một giả thuyết mới cho âm Dz: Giả thuyết ‘Cơm gà Hải Nam’ trình bày ở phần cuối. Để rồi tìm cách tổng hợp các giả thuyết trong khuôn khổ ‘thuyết nhất thống về Việt ngữ’ của loạt bài này. Nhưng trước hết xin xem qua một hai điểm dễ nhầm do ký âm bằng chữ cái a-b-c gây nên.

 

1.      Đà Lạt và Cầu Sông Kwai

 

Ngay từ thời chữ quốc ngữ mới được phát triển, chữ D đã gây lộn xộn cho tên thành phố Ðà-Lạt, một thành phố có khí hậu mát rượi, khung cảnh lãng mạn với những đồi thông vi vút. Nơi danh lam thắng cảnh vào bực nhất ở phía Nam. Tên ‘Đà Lạt’ thật ngộ. Nó chẳng có nghĩa gì hết. Thoạt đầu chỗ đó có tên Ya Lạc (hay Lạt). Ya Lạc có nghĩa chỗ có dòng suối thuộc một bộ tộc họ Lạc. Thời còn dùng chữ Nôm, hoặc lúc chữ quốc ngữ còn phôi thai có lẽ chưa có phân biệt âm cuối: Lạt trong Ya Lạt có thể viết LạC hoặc LạT. Bởi quốc ngữ không có Y cho âm Yờ, nên viết Ya-Lạt thành ra Da lạt. Mấy ông Tây thấy D-Việt lại tưởng lộn thành D-Tây nên đọc Da-Lạt thành Ða-Lạt rồi Ðà-Lạt. Bây giờ có ai phát âm Ðà Lạt với chính bộ tộc Lạc hay Lạt gì đó ở khu Lâm Viên (Lang Bian), chắc họ cũng không hiểu Ðà Lạt chính là từ phiên âm dùng để chỉ nơi chôn nhau cắt rốn của họ.

 

Một người bạn (ÐP) cho biết sông Kwai ở Miến Ðiện cũng bị ‘hiểu lầm’ tương tự. Còn nhớ phim On the River Kwai (cầu sông Kwai) do Alec Guinness và William Holden thủ vai chính, từng đoạt giải Oscar. Phim thuật chuyện một nhóm tù binh Anh-Mỹ đóng trại ở gần một con sông, dưới sự quản thúc của quân Nhật. Họ phải xây một cái cầu bắt qua dòng sông đó. ‘Sông’, tiếng Nhật gọi Kawa [3]. Chắc khi nghe mấy ông chỉ huy Nhật ra lệnh cho lính ra bờ sông múc nước hay làm gì đó. Mấy tù binh Anh nghe tiếng kawa (sông) không hiểu mô-tê gì hết - và lại nghe thoang thoáng như Kawai thay vì Kawa. Kawai biến thể thành KWAI, và những tù binh người Anh hiểu lầm sông đó mang tên KWAI (!). Họ đặt tên sông đó, sông Kwai.

 

Thị Xã Ðà Lạt chịu một số phận tương tự như sông Kwai. Lộn xộn do ở ký âm a-b-c. Một thứ ký âm chỉ gần đúng thôi, được dùng để biến đổi và ‘phiên âm’ ngữ âm của người bản địa sang dạng thức A-B-C.

 

2.      Dương Quí Phi đi Dentist (Nha Sĩ)

 

Bây giờ xin hãy nhìn kỹ chữ D. Nó rất lạ. So với hầu hết các ngôn ngữ dùng mẫu tự La-tinh, D-Việt thật kỳ lạ. Nó không có phát âm Ð như bất cứ thứ tiếng nào như tiếng Tây, tiếng Anh (dans, dentist, doctor, déja-vu, dancing, diaspora, . . .) mà lại phát âm như Y trong như tiếng Anh, ký âm romanji của Nhật, phiên âm pinyin của quan-thoại. Yes, you, yell, yesterday, Yul Brynner, Yamamoto, Yamada, Fuji-Yama, Yang Guo (Dương Qua), Yang Gui Fei (Dương Quí Phi), yu bao (dự báo), biao yan (biểu diễn), . . .. Thật lạ. D dùng để phát âm thay cho Y. Chỉ ở một lý do đơn giản: Những tác giả đầu tiên của chữ quốc ngữ là những cố đạo, giáo sĩ, trước hết người Bồ Ðào Nha, và sau đó người Pháp. Tiếng Bồ Ðào Nha, tiếng Pháp thông thường không xài chữ cái Y, với âm Yờ.

 

D-Tây đã được dùng cho các âm đáng lẽ phải dùng Y. Yung nhan, thôn yã, yung yịch, yũng cảm, v.v. đã được viết: dung nhan, thôn dã, dung dịch, dũng cảm, v.v.. Do đó D-tây (đọc Ð) bị trống chỗ. Các tác giả ban đầu của quốc ngữ mới mượn mẫu tự Ð từ bộ chữ a-b-c (alphabet) của tiếng nước Iceland (Băng Ðảo) nằm phía Bắc nước Anh, đem trám vào vị trí của D-Tây: Ð. Hoặc như mô tả phía sau, Đ có thể bắt nguồn từ chữ cái Đ của ngôn ngữ xứ Yugoslavia (cũ), nay là Bosnia, Serbia, Croatia, v.v.

 

Ðể tránh lộn xộn chúng ta nhớ: Dương Quí Phi đi gặp Dentist, với D trong họ Dương là D-Việt, D trong Dentist (nha sĩ), D-Tây.

D-Tây: phát âm Р     =>  Danser, dentist

D-Việt: phát âm Y     (tạm chấp nhận) => Dương Quí Phi: Yương Quí Phi, theo lối phát âm phía Nam, và Quảng Đông & quan thoại.

 

Bởi trừ một vài ngoại lệ, các từ Hán Việt bắt đầu bằng D-Việt đều có phát âm của Y trong tiếng quan thoại (theo pinyin) và tiếng Quảng Ðông:

 

dậu= you / dịch giả= yì zhe / dã = thôn dã= cun ye / dâm ô= yin wu / dầu = yóu / dị=yì / dùng= yòng / DŨNG cảm= yong găn / dự báo: yu bao / dự bị: yu bei / dược sĩ: yào shi / dực= yì (cánh chim) / dừa= ye / diệp= yè / du đảng: yu dàng / du hành: you xing / du khách: you ke / dụng cụ: yong ju / diện tích: miàn ji / diệt chủng: miè zhong / diều: yào / dinh trại: yíng zhài / diệu vợi: tiáo yáo / dĩnh ngộ: ying wu.

Những thí dụ khác:

Do Thái: you tai / doanh nghiệp: ying ye / doanh thương: ying shang / Dung dich= rong yè / du lịch: yu lì / a dua: a yú / tình dục: qíng yù / du thủ du thực: you shou yóu shí / duyên phận: yuan fen / duyệt: yué / dư âm: yu yin / dư luận: yú lùn / Dì= yí / diễn viên= yăn yuán / ẩn dật= yin yì / dưỡng dục= yang yu / dương= yang / Dạ (đêm)= ye.

 

Ta thấy rõ: Chỉ trừ một hai ngoại lệ, trong lối phát âm quảng đông và quan thoại, D được đưa ra thay thế cho Y, cho những từ có gốc Hán. Các ngoại lệ đó là:

-         Diện (bề mặt): diện tích, diện mạo. Tiếng quan thoại đọc /Mian/ cho ‘Diện’ [10]

-         Dân (dân chúng, nhân dân): quan thoại: /Min/. Giang Trạch Dân= Jiang Ze Min

-         Danh (danh tánh, danh tiếng): quan thoại /Ming/

-         Diệt (diệt chủng): quan thoại /Mie/.

 

Việc đem D ra thay cho Y thật ra là một việc làm hết sức táo bạo. Bởi nó không những đi ngược với đa số các ngôn ngữ Tây Phương mà lại không đồng thuận với rất nhiều ngôn ngữ láng giềng có nhiều ảnh hưởng qua lại với tiếng Việt, như tiếng Tàu, tiếng Nhật. Yang Gui Fei / Yamada / Fuji-yama / Yamamoto, v.v. Nó cũng lại khó nhận diện, ngay cả đối với người Pháp - những người Pháp cần dùng tiếng Việt trong công tác truyền giáo, hay ngay cả việc hành chánh tại Ðông Dương. Bởi D-Tây và D-Việt đều viết bằng D. Nhưng D-tây đọc Ð, và D-Việt đọc Y.

 

D-Tây thay cho Y ngày nay còn gây ra nhiều khó xử với nhiều người gốc Việt - mang tên bắt đầu bằng D - sinh sống hoặc định cư tại những quốc gia nói tiếng Anh, tiếng Mỹ. Ðiểm trớ trêu, tên những người này thường rất đẹp, rất kêu. Bởi ở những quốc gia này, D-Việt bị phát âm thành D-Tây hết. Như Da-Lạt phát âm thành Ðà Lạt. ‘Danh’ đọc thành /Ðanh/ hay /Ðen/. ‘Di’ đọc /Ði/. ‘Diên’ đọc ra /Ðien/. ‘Mỹ Dung’ ra /Mai Ðung/. ‘Anh Dũng’ thành  /Anh Ðung/. ‘Dung’ hoặc ‘Dũng’ được người Úc, người Canadien, người Mẽo đọc thành /Ðung/ hết (đọc như “dung”: /đâng/). [DUNG] trong tiếng Mỹ mang một nghĩa rất hôi hám (=phân bò). Do đó khuynh hướng thông thường hiện nay của người Việt định cư tại các nước nói tiếng Anh tiếng Mỹ có các tên bắt đầu bằng chữ D-Việt là thay đổi ra Dz. Như [Dũng] thành [Dzũng], [Du] ra [Dzu], [Dĩnh] thành [Dzĩnh], v.v.. Hoặc một đôi khi có vẻ dứt khoát hơn: dùng Y đại cho xong, gần gũi với quốc tế hơn, [YUNG] thay cho [Dung].

 

3.      Giả Thuyết:  Lớ giọng

 

Để tìm lý giải cho hiện tượng có vẻ ‘phương ngữ’ này, trước hết xin quan sát giả thuyết “Lớ giọng” gây bởi các Thầy quốc ngữ đầu tiên. Hậu quả của việc lớ giọng này: các Thầy phát âm Danh, Duyên, Dung, dạn dĩ, như Dzanh, Dzuyên, Dzung, dzạn dzĩ, v.v. và truyền lây cho các học trò. Nói một cách khác, cách đọc [D] bằng /Dz/ chính là kết quả của việc phát âm lớ giọng của các Thầy quốc ngữ người Tây phương thuở ban đầu tại phiá Bắc.

 

Thế nghĩa là thế nào?

Muốn hiểu rõ ta hãy thử đặt mình vào vị trí của những vị Thầy vào các thế hệ thứ hai thứ ba thứ tư, vừa dạy dân bản địa chữ quốc ngữ, vừa làm công tác truyền giáo. Nhiều khi trong những tình trạng rất khẩn trương do việc cấm đạo gay gắt ở đàng Trong lẫn đàng Ngoài và luôn tới các đời vua nhà Nguyễn về sau. Từ Pháp đến xứ An-Nam những người Thầy đó phải học cấp tốc tiếng nói và chữ quốc ngữ của người bản xứ để có thể giảng đạo. Khó khăn thông thường nhất của những vị Thầy tây này và ngay cả những người Việt bản xứ đã học qua chữ cái alphabê và thông thạo tiếng Tây là gì? Ðó là khó khăn nhận diện một chữ cái rất quen thuộc ở tiếng Tây nhưng bị cưỡng ép phát âm khác một trời một vực. Ðó là chữ ‘D’, chữ cái đứng vào hàng thứ 4 sau A, B, C. Theo phản xạ thông thường khi các thầy Tây nhìn thấy ‘D’ họ sẵn sàng phát âm như D-Tây, tức âm /Ð/. Thế nhưng theo sách vở chữ quốc ngữ, ‘D’ phải được phát âm như /Y/. ‘Dang dở” không được đọc theo kiểu Tây, đang đở, mà phải đọc yang yở.

 

Rồi tại sao D lại biến thành Dz? Xin tiếp tục với giả thuyết bỏ túi. Ta tạm chấp nhận 2 điểm:

    *      D-Việt nguyên thủy chính là âm /Yờ/

    *      D-Tây là âm /Đờ/

 

Các Thầy Tây khi chạm phải D-Việt sẽ lâm vào một thế mâu thuẫn: Ðáng lẽ phải đọc ngay Ð theo với phản xạ và thói quen của tiếng mẹ đẻ, nhưng lại phải đọc ra Yờ cho đúng với âm quốc ngữ.

 

Tức khi các Thầy Tây gặp phải một từ tiếng Việt bắt đầu bằng ‘D’ như [Danh], họ sẽ có một khuynh hướng ‘bẩm sinh’ phát âm nó như /Ðanh/. Họ sẽ buột miệng phát âm [Danh] như /Ðanh/ trong chừng một tíc-tắc của thời gian, chừng 1 phần trăm hay 1 phần 1000 của một giây đồng hồ. Sau khoảng thời gian nhanh chóng đó, với trí hiểu biết của một bậc ‘tôn sư’, họ sẽ nhận thức ngay rằng từ bắt đầu bằng ‘D’ đó, [Danh], phải được đọc /Yanh/. Lập tức các vị Thầy Tây sẽ biến chuyển phần phát âm còn lại trở thành /Yanh/. Tức họ sẽ phát âm ‘D’ như Ðờ-Yờ. Và [Danh] như /Ðờ-YỜ-Anh/. /Ðờ/ chính là âm /Ð/ của ‘D-tây’, và /Yờ/ chính là âm gió hãm của ‘Ð’. ‘Ðờ-Yờ’ đọc nhanh chính là /Dz/. Hay chính xác hơn: /Dj/.

 

Ta thử đọc nhanh Ðờ-Yờ xem sao:

Ðờ-Yờ => Ðờ-Yyờ => Ð-Yyờ

Nhanh hơn nữa:

Ðờ-Yờ => Ðờ-Yyờ => Ð-Yyờ => Ð-Yy => Ð-Yz => Ðz => Dz

 

Thử đọc Dương thật nhanh theo kiểu mấy vị Thầy gốc Pháp phải biến đổi từ /Ð/ sang /Y/ - khi gặp phải D - trong tíc tắc của giây đồng hồ xem sao

 

DƯƠNG:

Ðờ-Yờ-Ương => Ðờ-Yyờ-Ương =>Ð-Yyờ-Ương=> Ð-Yy-ương=> Ð-Yz-ương=> Ðz-ương=> Dzương

 

Âm /Y/ đi theo ‘D-Tây’ sẽ trở thành âm gió y hệt như /Dz/. ‘D’ đứng trước ‘z’ trong ‘Dz’ chính nguyên thủy là ‘D-Tây’. Chính khi viết theo quốc ngữ ‘Dz’ đã khiến người ta dễ lầm tưởng ‘D’ trong ‘Dz’ là ‘D-Việt’. Vấn đề sẽ thật rõ khi biết ‘D’ trong ‘Dz’ chính là ‘D-tây’. Nó len vào tiếng Việt bởi các vị Thầy Tây vẫn quen ‘D’ như ‘D-Tây’.

 

Biến chuyển ‘D’ ra ‘Dz’ nghĩ cho kỹ vẫn là một thứ biến chuyển rất bình thường. Ðó là loại biến chuyển “hài thanh” trong tiếng Hán. Gặp hai chữ giống nhau: người ta hay đọc giống nhau. Gặp ‘D-Việt’ lầm ngay là ‘D-tây’. Nhưng trong đầu lại nảy lên một mâu thuẫn: Nó không phải ‘D-tây’ mà chính mang âm /Y/ tức ‘D-Việt’. Mâu thuẫn đó đưa đến tổng hợp hai âm D-Tây (Ð) và Y (yờ). Giống như biện chứng pháp. Âm đầu chính là /Ð/ (D-tây) chứ không phải ‘D-Việt’. Âm sau chính là âm /Y/. Nhưng nó đến sau nên gây ra âm gió, âm hãm gió. Hãm gió nên giống như ‘Z’. Tổng hợp sinh ra ‘Dz’:

 

-         Tiền đề= D-Tây (đọc /Ð/ như ‘Docteur’)

-         Phản đề= D-Ta hay D-Việt (đọc /Yờ/ như ‘Danh Y’)

-         Tổng đề= Dz  hay Dj (đọc như D-Tây+D-Ta: ‘Dzanh Y’).

 

Thành ra, xin lập lại, các tôn sư quốc ngữ khi gặp ‘D-Việt’ lại nhầm rằng ‘D-tây’. Nhưng chỉ trong một tíc-tắc của thời gian, cực kỳ ngắn. Họ phát âm trong khoảng thời gian cực ngắn đó như ‘D-Tây’ (danh đọc như đanh: bởi quen thuộc ‘dans’ đọc như ‘đăng’). Sau đó các thầy Tây này sẽ nhanh chóng nhận thức sai lầm của mình và uốn lưỡi lại sao đó để trả nó về âm Y. Từ đó sinh ra /D-y/ và /Dz/.

 

‘D’  trong tiếng Việt, cho các từ gốc Hán, thường thường dùng để thay âm /Y/ của Hoa ngữ: Dĩnh ngộ <= Ying Wu. Sở yĩ các Thầy phát âm /D/ thành /Dz/, vì các Thầy đã sát nhập hai âm Đ và D (Y), lại thành như một, do ở thói quen bẩm sinh.

 

4.      Giả thuyết: Giòng Sông Đavo

 

Một giả thuyết khác dựa vào một số từ hãy còn lừng khừng giữa /Dz/ và /Gi/. Tức ‘D’, do ở ký âm lẫn lộn với các từ đáng lẽ đánh vần với ‘GI’, đã bị nhầm lẫn với âm /GI/ và sinh ra âm /Dz/. Lẫn lộn giữa âm /D/ và /GI/ phải kể đến những từ như ‘Giòng sông’ đôi khi viết ‘Dòng sông’. ‘Dòn rụm’ thay vì ‘Giòn rụm’, ‘Dây phút’ cho ‘Giây phút’, v.v. Khảo sát những từ bắt đầu bằng [Gi] qua một quyển tự điển Việt-Quan-thoại ta sẽ thấy đại đa số các từ bắt đầu bằng [GI] trong tiếng Việt sẽ có tương đương pinyin của quan thoại là [JI]. Dứt khoát: Theo khảo sát đối chứng với quan thoại, D-Việt thường xuất xứ từ Y. Còn âm GI tiếng Việt thường tương ứng với âm J của quan thoại.

·                D-Việt = Y quan-thoại

·                GI Việt= JI quan thoại

Thí dụ:

Trường giang: chang jiang / giám hộ: jian hu / thế giới= shi jie / giao thiệp: jiao she / Giáo Hoàng= Jiao Huang / giảm giá: jian jia / giới tuyến: jie xian / Giang Trạch Dân: Jiang Ze Min, . . .

 

Nếu kiểm chứng với một tự điển tiếng Mường [1], ta thấy rất nhiều vần GI của tiếng Việt lại được đánh vần bằng D trong tiếng Mường:

 

-         cửu dúp= cứu giúp, dữ miềnh= giữ mình, dớ chẩng= giở chứng

 

Tức tự điển Mường-Việt cho rằng có sự biến chuyển qua lại giữa âm /D/ và âm /GI/.

 

Tuy nhiên như đã trình bày ở một bài khác của loạt bài này, lúc nào ta cũng phải thận trọng khi dùng tài liệu về tiếng Mường để đối chứng. Nhất là những tư liệu do các nhà ngôn ngữ học Việt Nam biên soạn trong vài chục năm gần đây. Bởi tiếng Mường khi được học giả Việt nghiên cứu, nó đã và đang bị Việt hoá dữ dội. Với lí do chính: các học giả Việt không dùng ký âm nào khác ngoài thứ ký âm tiếng Việt sẵn có để ghi lại tiếng Mường của người Mường ngày nay. Ngoài ra, tự ở phát âm người Mường cũng đã có nhiều điểm Việt hoá rồi, do ở giao lưu với người Việt trong vài thế kỷ vừa qua, sau khi người Việt dùng quốc ngữ làm ngôn ngữ chính và duy nhất. Thí dụ: Trong một tài liệu viết vào đầu thế kỷ 20, trích dẫn trong quyển ‘Tiếng Việt Tuyệt Vời’ của Đỗ Quang Vinh [4], từ VỢ (wife) được viết theo tiếng Mường: Bợ. Giống y như đánh vần chữ Nôm:

[Vợ] = {Nữ + Bị} => Vợ lệ thuộc vào âm /Bị/, bắt đầu bằng /B/, nên xưa đọc /Bợ/ hay /Byợ/ - theo người Mường lẫn người Kinh. Nhưng truy cứu từ quyển tự điển Mường Việt (2002) ta sẽ thấy ‘Vợ’ trong tiếng Mường ngày nay được viết ‘Vỡ’, theo âm V. Tuy vậy, tự điển cũng còn giữ phát âm cũ ‘Bỡ’ mang nghĩa ‘Vợ’ tại tiêu mục chữ B. Tương tự, ‘Vua’ (King) của tiếng Việt cũng được ghi ở hai nơi B và V: [Bua] và [Vua], trong tự điển Mường.

 

Như vậy vài từ tiếng Mường bắt đầu bằng D tương đương với âm GI trong tiếng Việt, do các học giả Việt ký âm, có thể bị nghi vấn vì ‘vẩn đục’. Chúng ta sẽ trở lại với sự trao đổi qua lại giữa âm /Dz/ và /GI/ ở đoạn cuối. Và bây giờ, hãy tiếp tục xem âm D có phải bị ảnh hưởng của các âm Đ của Băng Đảo hoặc Nam Tư (cũ) hay không.

 

Có lẽ ngoài ký âm viết giống như ‘đ’ nhưng móc về bên trái của ‘phiên âm quốc tế’, chỉ có 2 nhóm dân tộc có chữ ‘đ’ (viết hoa: Đ) trong hàng mẫu tự a-b-c của ngôn ngữ họ.

 

Thứ nhất, người xứ Iceland, tức Băng Đảo, một quốc gia hải đảo, vị trí nằm ở phía Bắc của Anh quốc. Thứ hai, người Bosnia, Serbia, Croatia, … tức người Nam Tư cũ  (Yugoslavia).

 

Trong ngôn ngữ xứ Iceland, chữ Đ có phát âm như TH trong tiếng Anh, qua những từ như THIN, THICK - tức đưa đầu lưỡi chạm vào hàm răng trên, rút lưỡi lại và phát ra âm gió. Còn chữ Đ (hay đ) trong các tiếng của Croatia, Serbia, Bosnia lại có phát âm khác. Giống như /GI/ trong từ [GINGER] (gừng) của Anh ngữ. Thí dụ: Trong ngôn ngữ của cư dân khu vực này, có từ ‘Đavo’ được đọc như ‘Giavô’, mang nghĩa ‘Devil’ (quỷ).

 

Đ trong ngôn ngữ Nam Tư cũ đọc như GI. Chứ không phải đọc như D trong tiếng Việt.

 

Như vậy muốn lẫn lộn D ra Dz, theo thuyết ‘Đavo’, các Thầy khi xưa phải nhầm lẫn đến 2 bước: (a) Thầy đó biết ít nhiều về ngôn ngữ khu vực xứ Yugoslavia, biết Đ phát âm như GI, và  (b) Thầy phải lầm lẫn giữa D và Đ - để nhìn D tưởng Đ, bởi họ được huấn luyện nhìn Đ phải đọc D. Cũng có lý, nhưng rất hiếm khi các Thầy đều thông thạo ngôn ngữ vùng Nam Tư ngày nay. Để dễ lẫn lộn giữa Đ thuộc tiếng của khu vực Nam Tư (cũ), tức Bosnia, Croatia, Serbia ngày nay, với âm chữ D trong quốc ngữ.  Cho dù âm Đ ở khu Nam Tư (cũ) có âm như GI (xem [11]).

 

Do đó, có thể xem việc lựa chọn ‘Đ’ thay cho ‘D-Tây’, và ‘D’ thế chỗ cho các từ tương ứng với /Y/ trong tiếng Hoa (quan thoại/ quảng đông), hoàn toàn mang tính bất chợt (arbitrary). Mượn cách viết chứ không mượn âm.

 

5.     Cơm gà Hải Nam

 

Nhớ ngày còn nhỏ tuổi, người viết có lần được thân phụ cho đi theo vào Chợ Lớn thưởng thức một món ăn độc đáo nhớ đời: món Cơm Gà Hải Nam. Cơm gà Hải Nam, một món ăn ‘hẩu xực’ đã giới thiệu với thế giới tên và địa điểm của hòn đảo nhỏ bé ở phía cực Nam của nước Tàu.

 

Đại khái, người ta luộc gà trước rồi dùng nước xúp luộc gà đó, với nhiều mỡ béo, để nấu cơm. Cơm gà Hải Nam thường ăn với xốt gừng thêm ớt. Và cái khó là làm sao luộc thịt gà được vừa chín tới, với một chút xíu máu đỏ còn dính lại ở lớp xương phía trong. Ngày nay món này thường có trên thực đơn của nhiều tiệm cơm người Hoa hay Việt tại các thành phố lớn ở Úc. Nhưng muốn ăn cơm gà Hải Nam đúng điệu nhất, người ta phải lựa đúng các tiệm Tàu của người Singapore hoặc Mã Lai. Bởi có rất nhiều người Hải Nam, Triều Châu và Phúc Kiến di cư sang Mã Lai, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam, từ lúc quân Mãn Thanh sang chiếm và đô hộ nước Tàu khoảng giữa thế kỷ 17. Đặc biệt tại Singapore hàng năm người ta thường tổ chức cuộc thi đua tìm người nấu được cơm gà Hải Nam… ngon và đúng điệu nhất. Và đó cũng một ngày lễ hội lớn của Singapore.

 

Thế làm sao ta tạo được mối liên hệ giữa Dzương Quí Phi, và âm Dz, với cơm gà Hải Nam? Chiều chiều, Dzương Quí Phi thường dùng cơm gà Hải Nam với Đường Minh Hoàng chăng?

 

Trước khi trình bày việc phát hiện Hải Nam khá bất ngờ này, xin kiểm lại biến chuyển của âm /Y/ trong quan thoại sang ‘D’ tiếng Việt.

 

Nhắc lại: D-Việt trong đa số các từ Hán Việt được chuyển từ Y, của pinyin quan thoại:

Do Thái: you tai / doanh nghiệp: ying ye / doanh thương: ying shang / Dung dich= rong yè / du lịch: yu lì / a dua: a yú / tình dục: qíng yù / du thủ du thực: you shou yóu shí / duyên phận: yuan fen / duyệt: yué / dư âm: yu yin / dư luận: yú lùn / Dì= yí / diễn viên= yăn yuán / ẩn dật= yin yì / dưỡng dục= yang yu / dương= yang / Dạ (đêm)= ye.

 

Thế nhưng có một số lại nhảy sang V:

·                Yue-Nan: Việt Nam (Ðáng lẽ Yiệt Nam / hay Byiệt Nam)

·                Wang Yu: Vương Vũ (đáng lẽ Vương Yũ hay Vương Dũ)

·                Gong Yuan: Công viên (công yiên hay công diên)

·                Yu zhou: Vũ trụ (đáng lẽ: Dũ trụ / yũ trụ)

·                Yuan zhu: viện trợ (đáng lẽ: yiện trợ / diện trợ)

·                Yong bie: Vĩnh biệt (đáng lẽ: yĩnh biệt / dĩnh biệt),. . . v. v. . . .

 

Xin nhắc lại:

·                Hiện tượng biến chuyển thông thường: Y quan thoại pinyin sang D tiếng Việt. Thí dụ: Yang Yu => Dưỡng Dục.

·                Ngoại lệ: Y  pinyin của quan-thoại biến sang V khi sang tiếng Việt. Thí dụ: Xiang Yu => Hạng Vũ; Gong Yuan => Công Viên.

 

Ta sẽ quan sát trở lại những ngoại lệ này trong một bài khác. Bây giờ xin trình bày khám phá Hải Nam.

 

Thật sự khám phá Hải Nam là một phát hiện rất đột xuất, bất ngờ, xảy ra ngay trong lúc viết lại một bài dài nhằm tổng hợp tất cả những gì đã đăng tải đó đây trong vòng 3-4 năm qua. Khám phá đó bắt nguồn từ một ít tò mò, muốn tìm hiểu qua một người bạn thân Trung quốc gốc Hải Nam. Tò mò đó liên hệ đến một thắc mắc: Khi người Việt cho rằng từ này hay từ kia là từ gốc Hán, hay thuộc tiếng Hán Việt, họ thường lướt qua câu hỏi quan trọng: ‘Từ đó thuộc thứ Hán nào’? Hay gần với phát âm của loại Hán nào? Hán phía trên thuộc Hoa Bắc, với tiếng Quan Thoại, hay Hán phía dưới theo kiểu Quảng Đông,…? Hán bên phải theo kiểu Hải Nam, hay bên trái như Vân Nam?

 

Qua nhận xét lối phát âm Hải Nam cho các từ gốc Hán bắt đầu bằng D, trước hết xin để ý đến một hai ngoại lệ của từ bắt đầu bằng D trong Việt ngữ, nhưng nguyên thủy có âm M trong các thứ Hán ngữ. Thí dụ: Mian và Mie của quan thoại:

-         Mian (qt) => Diện (mặt)

-         Mie (qt) => Diệt (tiêu diệt)

Lúc chuyển sang tiếng Hải Nam, chúng chuyển nguyên âm như Việt nhưng vẫn giữ M:

-         Mian (qt) => Miện (hn) => Diện (vn) [11]

-         Mie (qt) => Miệt (hn) => Diệt (vn)

 

Thông thường hơn, gần như tất cả các từ Việt gốc Hán bắt đầu bằng ‘D’, nguyên ủy mang âm /Y/ trong tiếng Hoa ở lục địa, như Dưỡng Dục => Yang Yu. Đối với các từ bắt đầu bằng ‘D’ này, lối phát âm Hải Nam của các từ Hán tương ứng, đã làm người viết chợt thấy lạnh cả người. Rõ ràng cần ăn một dĩa cơm gà Hải Nam! Phát hiện đó:

Gần như tất cả các từ bắt đầu bằng Y của pinyin quan thoại (hoặc quảng đông) khi đọc theo kiểu Hải Nam, đều nghe giống như JZ, âm nằm giữa J và Z, tương đương hay gần với âm Dz của tiếng Việt theo phát âm D của phía Bắc:

Y (quan thoại, quảng đông)= Jz (Hải Nam) = Dz (Việt)’

Thí dụ: Yang Gui Fei, người Hải Nam đọc => Jzang Gui Fui

            Yue Nan (Viet Nam) => JZuật Nam

            You Tai (Do Thái) => Jziu Hai

            Ying Ye (Doanh Nghiệp) => Jzong ngap

            Yong (dùng) => Jzong

            Yu lun (Dư luận) => Jzi lun

            Yuan fen (duyên phận) => jzuan fen,

cùng gần như toàn bộ các từ bắt đầu bằng Y ở quan thoại, chuyển sang tiếng Hải Nam được đọc như Jz, giống như Dz, nhưng mạnh hơn một chút xíu.

 

Thật rõ: âm /Dz/ hay /Dj/ kiểu phía Bắc mang rất nhiều ảnh hưởng của cách phát âm Hải nam. Và, các Thầy quốc ngữ cuối thế kỷ 17 sang 18, khi truyền dạy âm chữ ‘D’ cho các học trò người nước Nam ở phía Bắc, họ đọc theo kiểu phát âm /Jz/ (tức Dz) của Hải Nam. Hoặc, cách phát âm /JZ/, cho hầu hết âm /Y/ quan thoại, của người Hải Nam đã được lây truyền sang người dân bản địa, bằng âm /Dz/, trong suốt những thế kỷ sau khi quốc ngữ ra đời. Do ở sự giao lưu và tiếp cận giữa người Việt gốc Hải nam và người bản địa.

 

Ta có thể thiết lập những lý giải sau đây cho hiện tượng “Dz mang ảnh hưởng Hải Nam’.

 

Trước hết, có thể xác nhận âm Yờ có sẵn từ ngàn xưa bằng những lý do sau đây:

(i)                Nước Nam từ năm 111 trước Công Nguyên – lúc nhà Hán sang thôn tính Nam Việt -  đã có giao lưu với lục địa Trung Hoa. Và gần như hầu hết những dân tộc tại lục địa đều có âm /Yờ/ cho những từ tương đương với âm quốc ngữ viết bắt đầu bằng ‘D’. Giọng Hoa Bắc (quan thoại), Chiết Giang (tức nước U Việt của Câu Tiễn thời xa xưa), Triều Châu, Phúc Kiến (tức nước Mân Việt), và Quảng Đông (Nam Việt hay Việt Đông) đều có âm /Yờ/.

(ii)             Dù người Hải Nam thường đọc âm ‘Yờ lục địa’ như /JZ/, họ vẫn giữ đây đó âm Yờ. Thí dụ Yan Yuan (diễn viên) họ đọc Yien Jzuan

(iii)           Tiếng người Mường cũng vậy. Bằng chứng rất nhiều âm /Y/ (Tàu) chuyển sang ‘V’ hay ‘D’ (Việt) họ phát âm thành /By/ (xem [5]). Thí dụ: [Công Byiên] xuất phát từ tiếng Hoa: /gong yuan/. Từ thuần Nôm, họ có ‘Yẩng’ thay cho ‘Yâng’ (Dạ), mà quốc ngữ đã ký âm: Vâng.

(iv)            Những người di dân rồi lập nghiệp ở đàng Trong, tức đã mang đi và giữ lối phát âm phía Bắc cũ, vẫn thường phát âm ‘D quốc-ngữ’ như âm /Yờ/ của Tàu.

(v)               Tất cả các ngôn ngữ láng giềng, từ Nhật đến Hàn quốc, Inđô và Mã Lai đều có âm /Yờ/.

(vi)            Ngoài việc xuất hiện chung với ‘D’ trong ‘Dz’, chữ cái ‘Z’ thường vắng mặt trong bất cứ văn bản chính thức, hay các tiểu thuyết thơ truyện viết bằng Việt ngữ, ngay cả những quyển tự điển từ thời Alexandre de Rhodes [12] cho đến ngày nay. Âm /Dz/ chỉ đơn thuần là âm thôi. Trên ‘dzanh nghĩa’ chính thức, chữ Việt cho đến vài thập kỉ gần đây không có chữ kép ‘Dz’ trong mẫu tự a-b-c.

(vii)          Âm Z cũng hoàn toàn vắng bóng trong lối phát âm và tự điển chữ Nôm.

(viii)       Tra cứu một quyển tự điển Mường, ta sẽ ngạc nhiên khi thấy một số từ mang âm chữ D đã vào thay thế âm cũ của Đ: đồi (M)= dồi (V), nghĩa: xúc xích, hay ‘dồi dào’; đẵn đò (M)= dặn dò (V); đãy páo (M)= dạy bảo (V); đăm pa (M)= dăm ba (V); đéo đéo (M)= deo dẻo; . . . Tức âm /D/, chứ không phải Z, là một âm của quốc ngữ, dzùng để thay thế cho nhóm từ gốc Hán mang phát âm /Yờ/, và một số từ thuần Nôm mang âm Đ.

(ix)            ‘D’ thay thế ‘Đ’, cho một số từ ‘thuần Nôm’ [14], có thể gây ra bởi lầm lẫn trong cách viết và đánh vần thuở ban đầu. Y như viết lầm ‘Da Lạt’ ra ‘Đà Lạt’, mô tả phía trên.

(x)              Có thể kiểm chứng với chữ Nôm, việc âm /D/ được các Thầy quốc ngữ cho vào thay thế một số âm /Đ/. Tra tự điển chữ Nôm:

Dẫn (dẫn dắt)= Túc + Đạn, chữ Nôm của ‘Dẫn’ viết bằng cách đặt ‘Túc’ kế bên

‘Đạn’. Dẫn thời chữ Nôm có âm đầu là Đ, đọc Đẫn.

            Dấu= viết chữ Nôm y như ‘Đấu’, hoặc= Tấu + Đao. Dấu đọc theo Nôm: Đấu

            (kiểm chứng tiếng Mường: Đẩu Phấy (M)= Dấu Phẩy “, “ )

Dồi (dồi dào)= viết theo chữ Nôm: Thủ + Đồi => Dồi xưa đọc Đồi

Bởi có liên hệ với Đ, âm D rất khó kẹp với âm Z ở thời chữ Nôm.

(xi)            Tuy nhiên, nếu dựa trên một trong những nền tảng chính của ‘thuyết nhất thống’ ở đây, ta không thể hoàn toàn gác sang một bên hiện tượng D thay cho Đ trong một số từ Nôm hay Mường. Có thể,  thanh-âm của một số từ mà quốc ngữ đã gán cho Đ (đẫn = dẫn), ngày còn ở môi trường chữ Nôm (‘đẫn’), thật ra một âm KHÔNG hoàn toàn phát âm như Đ hay D-Tây. Nhưng lại nằm giữa Đ và D. Tức Đ phát âm với âm gió theo liền sau: âm Đờ-Yờ như trong ‘giả thiết lớ-giọng’ phía trên.

Tức âm chữ Nôm hay Mường ký âm như Đ, có thể ngày xưa là một âm gió, giữa Đ và Y, giống như âm trong ‘đi vào’ phát ra theo kiểu Mường/ Nam Bộ là một âm giữa B và Y: ‘đi byào’. Luận cứ đó: Có âm Bờ-Yờ (cây Byiết= viết), tất cũng có  âm Đờ-Yờ (Đyẫn= dẫn = đẫn).

 

Như vậy, ta có thể tạm đi đến kết luận: D hoàn toàn một âm mới có từ thuở quốc ngữ vừa phát triển, đặt ra để thay thế cùng một lúc các âm Y của tiếng Hán, và một số âm Nôm-Mường, tuy mang ký âm Đ nhưng thật ra nằm giữa Đ và Y. Phát âm D của quốc ngữ như Dz là một phát âm, phần lớn, chịu ảnh hưởng phát âm Y theo kiểu Hải Nam. Tiếp tục:

 

(a)   Nếu tiếng nước Nam ngày trước hoàn toàn không có âm Y,  và âm Y đọc thành Dz giống như kiểu Hải Nam, ta có thể thiết lập một giả thiết bỏ túi: Người Việt có cùng nguồn gốc với người Hải Nam, hoặc người Việt do ở hợp chủng Hải nam với một số dân bản địa từ thời tiền sử. Giả thuyết này rất khó được chấp nhận bởi ngoài âm Dz tiếng Việt ít có liên hệ qua lại, và có rất nhiều từ vựng và âm vận khác với Hải Nam.

(b)  Như vậy ta phải xem ảnh hưởng Hải Nam như ảnh hưởng của một đợt sóng dzi cư, xảy ra cùng một lúc với phát triển mãnh liệt của chữ quốc ngữ. Và đồng thời với những buổi giảng đạo lén lút dzùng chữ quốc ngữ. Như sau:

 

Khi quân Mãn Thanh tiến sang lật đổ nhà Minh và đô hộ nước Tàu vào năm 1644, một đám tàn quân nhà Minh, có đến 50000 người [7], yi cư sang tạm trú ở khu vực Bắc Hà, và trở thành thường trú vĩnh viễn, xin nhận nơi đó làm quê hương. Chi tiết về việc tiếp nhận con số khổng lồ 50000 người di tản từ Trung quốc sang nước Nam, rất khó tìm thấy trong các tài liệu và sách về sử học. Chỉ có một chi tiết liên hệ: Sau khi củng cố được chế độ cai trị, vào năm 1646, Thanh triều lập tức tấn phong An Nam Quốc Vương trở lại cho Lê Thần Tông. Tước vị An Nam Quốc Vương đã bị giáng cấp thành An Nam Đô Thống Sứ trong những năm cuối đời nhà Minh [9]. Việc nâng cấp An Nam Quốc Vương trở lại cho vua Lê, có lẽ không ngoài mục đích mua chuộc và căn dặn vua Lê cùng chúa Trịnh Tráng không được giúp đỡ đám Thiên Địa Hội phản Thanh phục Minh đó. Việc hội nhập và ‘wà’ mình với người nước Nam của 50000 di dân từ Trung quốc, đã khiến tiếng Nôm biến đổi không ít ở phía Bắc. Thí dụ:

-         ‘Bông’ là một từ Nôm có trong tiếng Mường, Mã Lai (bunga), … thường được dùng cả  nước. Thế nhưng, sau lần hội nhập với đám tàn quân Minh đó, Đàng Ngoài thích dùng HOA hơn. Đàng Trong biệt lập nhiều năm nên thường vẫn giữ lối gọi cũ: Bông.

-         Quả (tiếng Tàu: Gua) cũng len vào và thay thế Trái ở Bắc Hà. Trái, Nôm gọi Tlái, Mường Tlải.

-         Phát âm của rất nhiều từ cũng bị biến đổi. Thí dụ: Hoa (bông) và Hoạ (vẽ). Quảng Đông, Hải Nam, Mường và Nam Bộ phát âm như Wa và Wạ. Trong khi phía Bắc lại theo kiểu Hoa Bắc: Hua và Huạ, nhẹ hơn W. Có lẽ biến đổi vào lúc đám tàn quân Minh hội nhập với xã hội phía Bắc. Wạ còn dấu tích là Vẽ - xuất phát từ Wẽ, giống phát âm Mường: Wã (Wã Xĩ= Họa Sĩ). Ngộ nghĩnh, ở Nam Bộ giữ lối đọc Wạ Sĩ nhưng biến Wẽ thành Byẻ (Vẽ).

-         Qua= ‘tiếng Nam Bộ’, tiếng Hải Nam (Wa), Triều Châu (Gua), và âm tương tự tiếng Mường: Qua (Wa) Ha. Tiếng Hán Việt đọc Ngã, quảng đông Ngộ, quan thoại Wo, Chiết giang Ngụ. Nhật, WAtashi. Những người di dân về phía Nam, đã giữ lối xưng Wa, xưng ‘tôi’ đó – và ngày nay ta thường lầm đó lối nói người Nam Bộ. Phía Bắc, sau khi quốc ngữ ra đời, bỏ mất lối xưng ‘Tôi’ bằng ‘Qua’ (Wa).

 

Ngoài ra, chúng ta có thể suy đoán rằng rất có thể đã có hàng chục ngàn người nữa di tản sang nước An Nam xuất phát từ Hải Nam [8], [13]. Bởi cũng như người Mường ở thời Hán thuộc xa xưa, người dân nước bị đô hộ ưa tìm cách rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, di cư đi nơi khác. Người Hải Nam đã dzi cư qua An Nam bằng thuyền. Rất dễ bởi bờ biển phía Tây đảo Hải Nam rất gần với bờ biển vùng Đàng Ngoài của nước Nam. Ngay như Mã Lai, Inđô, Thái Lan xa xôi hơn An Nam nhiều, thế mà người Hoa vẫn di cư tới, để trốn quân Mãn Thanh. Đảo Đài Loan cũng được một đám tàn quân Minh chiếu cố và dưới thời Khang Hy sát nhập với Thanh triều – được mô tả đầy đủ trong ‘Lộc Đỉnh Ký’ của Kim Dung. Theo Nguyễn Văn Huy [13], người Hoa di cư trong giai đoạn này sang nước An Nam gồm những người từ Quảng Đông, bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam. Họ thường định cư ở những vùng đồng bằng và ven biển ở đàng Ngoài. Từ Quảng Ninh, Mông Cái đến đảo Cát Bà, cảng Hải Phòng và các khu vực thương mại chung quanh Thăng Long thành, xuống tới miền Bắc Trung Bộ, v.v.  

 

Ta cũng để ý thêm một hiện tượng rất thông thường: Người dzi cư rất thích tìm đến tôn giáo. Dzo đó rất có thể trong các buổi giảng đạo những con chiên ngoan ngoãn nhất và đông đảo nhất chính là những người Hải Nam, người Triều Châu+Phúc Kiến, người Lưỡng Quảng thuộc đám tàn quân Thiên Địa Hội kể trên. Và để số đông Hải Nam tiếp thu dzễ dzàng, các Thầy quốc ngữ đã dzạy chữ quốc ngữ và giảng đạo, theo y như lối phát âm Hải Nam, đặc biệt phát âm chữ D theo lối phát âm của Hải Nam: D => Dz.

 

Nếu âm Dz không truyền nhiễm sang người An Nam ở giai đoạn dzi cư Hải Nam ban đầu, nó vẫn có thể diễn ra trong hàng chục, hàng trăm năm sau đó, sau khi người Hải Nam đã trở thành công dân Việt. Việc tiêm nhiễm cách đọc D ra Dz cũng giống như biến chuyển của phát âm PH trong từ PHỞ ra F, thành FỞ, sau khi người Việt thường xuyên tiếp cận với người Âu Mỹ trong khoảng hậu bán thế kỷ 20 (xin xem: Bài thứ 4).

 

Theo thiển ý, giả thuyết ‘Cơm gà Hải Nam’ so với giả thuyết ‘Lớ giọng’ và thuyết ‘Đavô’ ở trên, tuần tự, mang sức thuyết phục theo tỷ số  8:  5: và 3. Người viết thích ‘Cơm Gà Hải Nam’ trong việc ăn uống, lẫn giả thuyết.

 

6.      Bác Dương thôi đã thôi rồi

 

Bây giờ, ta thử tìm trả lời cho câu hỏi: Thế khi Nguyễn Khuyến khóc cho người bạn thân Dương Khuê, trong hai câu lục bát sau đây, Nguyễn Khuyến đã phát âm Bác Dương, hay Bác Yang, hoặc bác Dzương (hay bác Djương):

 

Bác Dương thôi  đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

 

Trước hết ta để ý hiện tượng âm A trong chữ Nôm chuyển sang âm ƯƠ trong quốc ngữ.

Biến đổi A => ƯƠ là một biến đổi khá thông thường như:

-  Nàng => nường;     tlàng học => tràng học => trường học;       lên đàng => lên đường

-  lạng vàng => lượng vàng;     hấng nác (phát âm Bắc Trung Bộ) => hứng nước

-  học đàng => học đường;   Trang (họ) => Trương (viết chữ Hán y như nhau)

-  ngài => người (được chứng minh khá đầy đủ trong [18])

 

Biến đổi này có thể chịu ảnh hưởng qua lại của âm A và EU trong tiếng Hán:

Yang Gui Fei chuyển sang lối phát âm quảng đông thành ra: Yeung Guei Fi (Yeung đọc như Yương). Hoặc nương theo các âm IA (tương đương âm ‘ươ’) có sẵn trong quan thoại:

+ lượng= liang (Hán)

+ tưởng= xiang

+ nương= niang

và do đó biến đổi từ âm A sang ƯƠ của tiếng Nôm, như: tràng => trường / đàng => đường, có lẽ dựa vào luật biến đổi sẵn có từ xiang (chữ Hán) sang tưởng (chữ Việt), hoặc niang (Hán) sang nương (Việt) hay từ đang (Hán) sang đương (Mường/ Việt).

 

Cũng có thể xác nhận cho đến khoảng cuối thế kỷ 17, rất nhiều từ hãy còn giữ âm A:

Tự điển Alexandre de Rhodes đã cho thấy: ‘Xán Tí’= God, chính là cách đọc Thượng Đế của người An-Nam xưa, y hệt như Shang Đi, của quan thoại, ‘Xán Đí’ của quảng đông hay Chiết Giang. ‘Uuan’ [17] viết thay cho Wang ngày nay (quan-thoại, tương ứng với Wong, quảng đông), mang nghĩa Vương= Vua, họ Vương; như  Vương Thúy Kiều. Tức ƯƠ chưa thay cho A trong rất nhiều từ.

 

Điểm đáng để ý, hầu hết các từ ngày nay đánh vần và đọc ƯƠ, ngày xưa dưới thời Nôm, rất thường dựa trên âm A (thí dụ: mƯỜi (số 10) ngày xưa đọc ‘mÀi’). Những từ này thiếu nhị-âm ƯƠ để tạo âm cốt yếu, hỗ trợ cho phát âm ƯƠ. Thí dụ:

+ Ươn (cá ươn)= tử + An (viết theo chữ Nôm) => ươn xưa đọc: An

+ Mượn= tâm + mẠn => ‘mượn’ thời Nôm đọc mẠn

+ Mười (10)= Mại + Thập (Hán tự chỉ 10) => Mười = Mài

+ Nườm= Thủy + nAm /  Nượp= Khẩu +nẠp => nườm nượp= nàm nạp

+ Tươi= Nhục + tAi / tưới (tưới cây)= thủy + tái. Tươi đọc Tai / tưới đọc tái

+ Dương= viết chữ Nôm bằng cách vay mượn từ: Dang. ‘Dương’ xưa đọc ‘Dang’.

(chỉ trừ ‘Dương’ trong ‘đàn dương cầm’ - xuất hiện sau thời người Tây Dương đến Việt Nam – Nôm viết theo= {Kì + Yịch}, mang âm /Dương/, tất cả từ Dương kể cả họ Dương đều viết theo Nôm= nhại âm của Dang. Họ Dương mang nghĩa ‘cây dương liễu’ viết theo Hán tự: {Mộc + bộ Yi}).

 

Kiểm chứng với tiếng Mường: Đác (M)= Nước (V). Mường dùng âm A thay cho ƯƠ trong từ chỉ Nước. Theo tài liệu Bs Lê Văn Lân trích dẫn trong quyển ‘Tiếng Việt Tuyệt Vời’ [4], một vài khu vực ở Bắc Trung Bộ vẫn dùng NÁC thay cho Nước (hấng nác = hứng nước). Âm rất giống tiếng Mường, ‘đác’.

 

Ngoài ra, tự điển tiếng Mường cũng không có âm ƯƠ cho Dương, và chỉ có:

Dang thay (M) = Dang tay.

Ta cũng nhớ một thành ngữ: {diệu võ dương oai}= {diệu vũ dương uy} [15], thường gọi nôm na: nồ, hay dọa khỉ. Trong đó ‘dương’: mang nghĩa như ‘dang’ trong ‘dang tay’, tức ‘dương’, dạng mới của Dang, chỉ xuất hiện sau thời phát triển quốc ngữ. Trong cả tự điển Nôm lẫn Mường chỉ có âm /Dang/  chứ không có âm /Dương/.

 

Ta đã thiết lập: trong môi trường Nôm - Mường, Dương được phát âm Dang.

 

Thế còn Dz, Dzương hay Dzang? Xin để ý:

-         Có quốc ngữ mới có nhiều âm ƯƠ, Dương mới thay cho Dang.

-         Thật ra, trong thời chưa có ký âm a-b-c, có lẽ hơi khó phân biệt phát âm ‘Dương’ và ‘Dang’, nhất là khi đọc nhanh.

-         Nguyễn Khuyến, quê quán ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà, sinh năm 1835 và mất vào năm 1897.

-         Quốc ngữ dưới dạng gần giống ngày nay được hoàn chỉnh vào năm 1838, đánh dấu bằng quyển tự điển AnNam – Latinh & Latinh – Annam của Taberd. Trong đó các âm Nôm / Mường như BL, TL, KL, … hoàn toàn biến mất:

Blõ => trờ,          Tlẽi => trẩy,              mlòy => lời.

-         ‘Gia Định Báo’ của Petrus Trương Vĩnh Ký và ê kíp ra đời vào năm 1865.

 

Tức Nguyễn Khuyến sống trong thời quốc ngữ đã phát triển và được truyền bá rầm rầm.

Nhưng hồ sơ lí lịch Nguyễn Khuyến ra sao? Theo, Nguyễn Phong Nam [16], Nguyễn Khuyến là một người học trò xuất sắc chốn cửa Khổng sân Trình. Sự nghiệp của ông dính liền với triều đình ở Huế, thuộc ‘đàng Trong’ (cũ): làm việc ở Quốc Sử quán, thăng Đốc học rồi Án sát Thanh Hoá. Năm 1874, tham gia đánh dẹp phong trào nông dân Thanh Nghệ. Năm 1877 làm Bố Chánh Quảng Ngãi. Xin về hưu vào lúc 50 tuổi chẵn, sau khi được bổ nhiệm Tổng Đốc Sơn Tây, Hưng Hoá và Tuyên Quang. Về hưu ông có vẻ cay đắng việc nhà tan nước mất và thường làm thơ bằng chữ Nôm trút bày tâm sự cùng châm biếm thế thái nhân tình.

 

Khuôn khổ bài viết có hạn, ta có thể suy đoán thật nhanh: Nguyễn Khuyến thuộc vào ‘giới  sĩ phu’ thời xưa, và hoàn toàn không thuộc phe ‘tân học’. Với tiết khí của một nhà Nho nhà quan, ta có thể đoán với một xác suất đúng rất cao, Nguyễn Khuyến đã không chịu học chữ quốc ngữ. Điểm này không có gì lạ, ngay cả vua Đồng Khánh chỉ chịu học quốc ngữ khi chuyên gia hàng đầu quốc ngữ thời đó Petrus Trương Vĩnh Ký tình nguyện chỉ dẫn. Và tiếng Tàu của Nguyễn Khuyến có thể cũng rất chuẩn, bởi vào năm 1883, ông đươc cử làm phó sứ cho Lã Xuân Oai sang cầu cứu Thanh triều giúp cho đánh Pháp, nhưng chuyến đi bị hủy bỏ. Do đó:

-         Nguyễn Khuyến biết người Tàu tại rất nhiều khu vực (trừ Quảng Đông) phát âm họ Dương như Yang;

-         Là một nhà Nho thông thạo chữ Nôm, và không hề biết chơi đàn ‘dương cầm’ (piano), Nguyễn Khuyến biết rất rõ chữ Nôm: phát âm Dương như Yang.

-         Không biết quốc ngữ, thạo Hán ngữ, làm quan nhiều năm ở phía Nam.

-         Ít giao thiệp với dân dzi cư Hải Nam.

 

Nguyễn Khuyến đã phát âm bác Dương như Bác Yang.

 

7.     Tĩa Cơm ca Hái Nam: Thuyết nhất thống cho âm /Dz/

 

Những ai học qua tiếng quan thoại sẽ để ý âm bắt đầu bằng ‘Đ’ như [Đông], được người Hoa phát âm như giữa ‘Đ’ và ‘T’, chứ không hẳn như ‘Đ-ta’ hay ‘D-Tây’: Đăng đồ; Dans; Dentist. Kiểm chứng: Ngày trước người Tây Phương có ký âm Wade-Giles cho Hoa ngữ. Họ ký âm Mao Trạch Đông như: Mao Tse Tung. Sau nầy khi phiên âm pinyin ra đời, Dong thay cho Tung: Mao Ze Dong. Âm T thay thế bằng Đ. Âm thật sự của người Hoa: nằm giữa Đ và T.

 

Nếu để ý thật kỹ vị trí lưỡi chạm vào họng trên khi phát âm các từ sau:

Yùng (Dùng), Tùng, Đùng:  D,  T,  Đ.

Ta sẽ thấy vị trí và tác động môi, lưỡi gần như giông giống với nhau. Nhưng theo tuần tự, từ ngoài vào trong: Yùng - ở ngoài cùng, và có thể chạm chân răng hàm trên; theo đó đến Tùng và Đùng. Âm Đùng, vị trí lưỡi gần âm Tùng, nhưng phía trong cùng. ‘Myiện tích’ (diện tích) va chạm giữa lưỡi và họng trên, dyùng cho âm Yùng có vẻ nhiều hơn, ‘myiện’ tích cho Tùng và Đùng.

 

Như biến chuyển qua lại giữa L và N (anh nàm gì đó?), ta sẽ quan sát trong một bài khác, biến chuyển qua lại giữa D, T, và Đ vẫn thường gặp trong tiếng Mường và tiếng Việt, nhất là trong thời chữ Nôm:

Đ = D

Mường:           đéo đéo          đẫn      đóc ngang       đỉnh     đồi                  đớ

Việt:                deo dẻo           dẫn      dọc ngang       dính     dồi, nhồi         dở

T = Đ

Mường:           tông     tũng tỗ            tời       tùm poc          tút lót              tĩa

Việt:                đông    đụng độ          đời      đùm bọc         đút lót             đĩa/ dĩa

 

Ta sẽ thấy rất rõ: Trong quốc ngữ, một số ký âm gán cho D có vẻ mang một dụng ý giải tỏa bớt tình trạng đồng âm khác nghĩa của rất nhiều từ. Dụng ý quan trọng hơn, có lẽ nằm ở chỗ chọn một chữ cái chỉ gần đúng thôi, chứ không đúng hẳn, cho âm nguyên thủy chữ Nôm.

 

Tĩa, trong tiếng Mường ‘Tĩa Cơm Ca Hái Nam’, nghĩa ‘Dĩa Cơm Gà Hải Nam’, có thể sẽ trao cho chúng ta chiếc chìa khoá quan trọng, giải quyết chung cuộc rắc rối của âm Dz.

 

Tĩa, tiếng Mường= Đĩa, phía Bắc= Dĩa, phía Nam [20]

Cùng một thứ nguyên (nhị) âm, nhưng đến 3 thứ phụ âm: D, T, Đ. Thế nghĩa là thế nào?

Chỉ có thể: Âm ngày xưa, không phải D, cũng không phải T, và cũng không phải Đ của quốc ngữ! Mà là một hợp âm nhất thống của cả 3. Nó đã được phát âm bởi người An –Nam và người Mường như: Đờ-yờ và Tờ-yờ. Đyĩa hay Tyĩa. Đọc nhanh Đyĩa hay Tyĩa cũng có thể đưa đến âm Dzĩa như người phía Bắc phát âm hiện nay. (xem ‘giả thuyết: Lớ giọng’)

 

Tức người An-Nam và người Mường trong môi trường chữ Nôm, chưa có quấc ngữ, có khuynh hướng cho thêm âm Yờ sau một số phụ âm: Đờ-yờ, Tờ-yờ (cả hai biến thể ra Dz), Bờ-yờ (biến thể ra lối đọc ‘cây byiết / đi byào’, Nam Bộ), và Mờ-yờ (myiện tích / myiệt chủng= diện tích / diệt chủng) [19]. Ta nhớ, đã có Bờ-yờ [5] (âm V phát âm kiểu Mường / Nam Bộ: bà Byợ, ông Byua), tất có Đờ-yờ (đyẫn => đẫn / dẫn), Tờ-yờ (Tyỉu, Tzỉu => Tửu = Jiủ= jrão, Mường => rượu, Việt), và Mờ-yờ (Myiện tích => diện tích).

 

Đặc biệt bởi Mờ-yờ là âm Môi-môi (chủ lực), nên nó không thể biến thành J hay Z, mà chỉ đơn thuần biến ra âm /Y/: Myiện tích => Yiện tích (Diện tích) và Myiệt chủng => Yiệt chủng (Diệt chủng).

 

Ta quan sát trở lại biến chuyển giữa ‘J’ tức ‘GI’ tiếng Việt và ‘D’:

Mường:           dơ                    dục      dăng    dái puồn          dá dũ                           dả wàng          

Việt:                giơ, duỗi         giục     giăng   giải buồn         giá dụ, giã dụ              giá vàng

 

Ta thấy biến chuyển qua lại giữa ‘GI’ và ‘D-Mường’ cho biết ít nhất người Mường phát âm Nôm ‘GI’ có hơi khác với người Việt. Những từ này, có thể thuần Nôm, đáng lẽ được ký âm tiếng Việt bắt đầu bằng D như người Mường, bởi họ phát âm như /Đz/ hay /Đj/, chứ không phải J (tiếng Hán: Jiang= sông= Giang, tiếng Việt).

 

Tóm lại, qua thuyết nhất thống dzành cho âm Dz, chúng ta đã thấy:

(i)                Phát âm /Dz/ của phiá Bắc, từ trước đến giờ vẫn tưởng một phát âm kỳ lạ, lai Tây, bắt đầu có cơ sở lý luận và nguồn gốc lịch sử.

(ii)             Phát âm /Dz/ xuất hiện bởi quốc ngữ chỉ dzùng một âm /D/ cho một loạt các phát âm khác nhau:

-         Phát âm hoàn toàn /Yờ/, cho những từ gốc Hán: {Dinh dưỡng}: /Ying yang/. Nhưng phía Bắc lại chịu ảnh hưởng của dân dzi cư Hải Nam với phát âm toàn bộ Dz cho âm /Yờ/ ở lục địa.

-         Phát âm /Đờ-yờ/, /Tờ-yờ/ cho những từ như Tĩa / Đĩa / Yĩa; Đở / Yở. Đó là những âm kép sẽ sinh ra /Dj/ hay /Dz/, hoặc /Tj/ khi đọc nhanh.

-         Phát âm /Mờ-yờ/ cho các từ như Myiện / Diện. Tức âm /D/ dùng như một âm thu gọn của âm /Mờ-yờ/: /Mian/ => /Myan/ => /Myiện/ => /Diện/ (= mặt)

-         Phát âm của những từ có thể tống vào ‘GI’ (như giơ= dơ), nhưng lưng khừng trong thanh âm với âm /Dz/.

(iii)           Phát âm /Dz/ cũng có thể được các Thầy phía Bắc thích hơn, bởi nó cho phép lớ giọng thả cửa, và thu hút khối tín đồ Hải Nam.

(iv)            Phát âm /Yờ/ cho chữ ‘D’, ở phía Nam, từ xưa vẫn tưởng giữ âm cũ, nhưng phân tích bài này cho thấy: phát âm /Yờ/ chỉ trung thực với âm gốc Hán lục địa.

(v)               Phát âm /D/ phía Nam do đó đã bị ép, làm mất đi phát âm nguyên thủy Mường-Nôm của một số từ, thường thường ‘thuần Nôm’, và có âm như /Tờ-yờ/ và /Đờ-yờ/ đọc mạnh và nhanh: /Dz/ (hay /Dj/) , họ đã từng mang theo trong cuộc Nam tiến.

(vi)            Phát âm /Dz/ ở phía Bắc cũng bị ép, đánh mất đi các phát âm /Yờ/ như ‘Yang Quí Phi’, ‘trái Dừa’. Bởi Hải Nam dù thích âm  /Jz/ (thay cho quan thoại /Y/)  vẫn giữ âm /Yờ/ cho {Dừa}. Do ở âm nguyên thủy của {Dừa} là /Yờ/: {Nyor}, một từ của Mã Lai.

(vii)          Hiện tượng khác biệt trong phát âm chữ {D} giữa phía Nam và phía Bắc có thể xem giống như phân cực trong âm chữ {V}, sau khi quốc ngữ cho ‘V’ vào thay thế cả hai âm /W/ (con Woi) và /By/ (bà Byợ). Cũng y như ‘Liu’ và ‘Lau’ bị thay thế bằng ‘Lưu’ (xem bài thứ 3). Và cũng khá tương tự như ‘Châu & Chu’ thay thế lộn xộn cho ‘Chu & Châu’ (bài 4).

 

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề các âm của chữ cái {D} trong vài bài tới. Một khi các khía cạnh khác của âm vận do quốc ngữ đem đến được phân tích thêm.

 

Tháng 5, 2004

Nguyên Nguyên

 

 

Ghi Chú

 

[1] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ và Hoàng Văn Hành (2002) Từ điển Mường-Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc.

[2] Đường Minh Hoàng, ông vua duy nhất trên thế giới đã cho phép đạo Hồi được tự do truyền bá ở Trung Quốc.

[3] Để ý ‘Sông’ tiếng Nhật Kawa, có âm gần với lối gọi ‘Hà’ của người Việt, và ‘Hoh’ của Phúc Kiến.

[4] Đỗ Quang Vinh (2000) Tiếng Việt Tuyệt Vời. (In lần thứ hai – tác giả xuất bản). Địa chỉ: www.geocities.com/doquangvinhvenguon

[5] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie humaine et Sociologie. Trích dẫn trong ‘Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam’ của Bình Nguyên Lộc (1971). Nxb Xuân Thu.

[6] Việc tống hết các âm Y vào Dz đã gây lúng túng khi phải Việt hoá một số âm Tây. Thí dụ: Cuiller (cái muỗng), việt hoá thành ‘củ dìa’. Đọc trại thành ‘củ dzìa’ bởi hoàn toàn bỏ đi âm Y (đáng nhẽ: củ yìa). Có thể dần dà ‘củ dzìa’ biến thể thành ‘cái thìa’ chăng? Hay ‘thìa’ biến thể từ tiếng Cam Bốt: ‘bria’. Việc từ bỏ âm Y trong lối phát âm D cũng làm cho việc nhại âm một số rất nhiều ngôn ngữ khác, mất đi tính trung thực. Thí dụ: số yách (1) tiếng quảng đông trở thành số Dzách.

[7] Bình Nguyên Lộc (1971) trích dẫn từ tài liệu giáo sư Langlet của đại học Văn Khoa – Saigon, xuất bản khoảng cuối thập niên 1950.

[8] Người bạn Hải Nam tiết lộ: Ở đảo Hải Nam người ta có thể thấy bờ biển nước Viêt Nam, ở chân trời bên kia.

[9] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng (1995) Các Triều Đại Việt Nam. Nxb Thanh Niên.

[10] Điểm dễ nhầm: ‘Mặt’ (face) thường nhầm như một từ thuần Nôm. Tiếng Mường cũng vậy, nhưng không dấu ‘nặng’: Măt. Tiếng ‘Hán Việt’ gọi Diện. Nhưng người Hoa, Bắc kinh gọi Mian, Quảng Đông gọi Mịin, Triều Châu & Hải Nam đọc Miện (giữ âm iện như Diện). Chiết Giang & Thượng Hải đọc Mị, rất gần với ‘Mặt’. Mặt, có vẻ Nôm nhưng xuất phát từ phát âm Chiết Giang của một Hán tự, Mian.

Số KHÔNG (0) cũng thường lầm tưởng một từ Nôm chay. Nhưng không, ‘0’ phát âm giống hệt như lối Phúc Kiến: KOHNG!

[11] Có một người bạn gốc Croatia, mang tên Feđa, đọc Feigia. Viết theo kiểu Úc: Feda. Anh này khó chịu như người Việt tên ‘Do’ bị đọc ‘Đou’ theo kiểu Úc, nên mới đổi cách viết thành Fedja. Hình như sau đó thấy cũng không ổn, nên anh ấy đổi trở lại thành Feda.

[12] Alexandre de Rhodes (1651) Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (tự điển An Nam - Bồ - La-tinh.

[13] Nguyễn văn Huy (1993) Người Hoa tại Việt Nam. Nxb NBC – California.

[14] Nếu tra cứu đến những lối phát âm khác nhau của các khu vực, các tỉnh ở Trung Hoa, có thể ta sẽ thấy nhiều từ thường tưởng “thuần Nôm” lại mang dấu tích của phương ngữ Trung Hoa. Thí dụ: Nếu (if): tiếng Mường y hệt: Nếu. Quan thoại: Ru Guo (Như quả), nhưng Phúc Kiến: ‘Nah’, thật bất ngờ: rất gần với ‘Nếu’. Phúc Kiến và Triều Châu thường được xem hậu duệ của nước Mân Việt vào thời cổ đại. Mặt (face): Mặt (tiếng Mường), cũng thường tưởng thuần Nôm, bởi thấy khác với từ ‘Hán Việt’: ‘Diện’. Quan thoại, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu, ... đều phát âm cho ‘Mặt’ bắt đầu bằng M.  Quan thoại: Mian, Quảng Đông: Mìin, Hải Nam: Miện. Nhưng, Chiết Giang và Thượng Hải: Mị, rất gần với ‘Mặt’. Và Phúc Kiến: Biịn, với âm đầu B gần với D của Diện.

[15] Lê Ngọc Trụ (1960) Việt ngữ chánh tả tự vị. Nxb Thanh Tâm.

[16] Nguyễn Phong Nam (2000) Dấu tích Văn Nhân. Nxb Đà Nẵng.

[17] Hai đợt giáo sĩ có công trong việc phát triển quốc ngữ: Bồ Đào Nha và Pháp. Cả hai thứ tiếng Bồ và Pháp đều không có hoặc rất ít dùng âm và chữ cái W và Y. Họ dùng D thay cho Y (dung dịch => yung yịch) hay By (ông Byua= Vua), nhưng cũng bỏ luôn Y thành B (ông Bua). Thí dụ: Bưu Cục: đáng lẽ phải BYưu Cục mới giống âm Tàu Yâu Ju.. U trong tiếng Bồ thường đọc như W (qua= qwa). Về sau các Thầy hủy bỏ âm U trong Uuan (= Wang / Wăn) và thay luôn, kể cả âm By, tất cả bằng V: Vua, Vương, Văn,...

[18] Nguyên Nguyên (2003) Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang. Tại các websites: perso.wanadoo.fr/charite, aihuucongchanh.com, khoahoc.net, talawas.org, petrusky.org.au,...

[19] Diện= Mian, quan-thoại; Miện, Hải Nam/ Triều Châu; Miị, Chiết Giang/ Thượng Hải:gần giống với ‘Mặt’, Nôm-Việt-Mường; Byịn, Phúc Kiến: âm By dẫn đến Y hay Diện. Diệt= Mie, quan thoại; Miệt, Hải Nam. Cả Miện và Miệt đều có thể ký âm Myiện & Myiệt dẫn đến: Diện và Diệt. Tương tự cho: Myin= Dân và Mying= Danh, theo khuynh hướng phát âm Mờ-yờ.

[20] Dĩa: viết theo chữ Nôm, mượn âm Yĩ; hoặc= Thạch + Yĩ.

       Đĩa= Thạch+Yĩ= Thạch+Địa