Nhạc Sĩ Hiếu Anh: Giai Điệu Yêu Thương

"Cho em thương nhớ
Tiếng hát lời thơ
Một ngày bây giờ
Ngàn thu mong nhớ

Cho em ước mơ
Cho em đợi chờ
Em yêu bé nhỏ
Ngày ấy ngây thơ..."


Đó là bài tình ca "Giai Điệu Yêu Thương" của nhạc sĩ Hiếu Anh, phổ từ thơ Tất Hanh, do ca sĩ Mỹ Thúy cất tiếng ngân u hoài, mà tôi tưởng chừng nhạc của Hiếu Anh (HA) đưa tôi về với mộng mị, của dĩ vãng xao xuyến khi hẹn hò, và khi yêu trong nỗi nhớ nhung ban đầu.

Mỗi bài thơ hay mỗi bản nhạc có thể đóng góp cho ta một khúc quanh đánh đấu một giai đoạn hay một kỷ niệm nào đó trong đời, những nhạc phẩm của HA đã cho tôi sự gợi nhớ nhiều lắm từ bài ca trên đây như kỷ niệm hẹn hò bên nhau tại bờ biển Long Hải của ngày xưa hay bài "Một Chiều Thăm Em" nhớ về vườn cây Lái Thiêu, hay "Chiều Vào Thu" để gợi nhớ không nguôi trong tôi chiều về bên hồ Xuân Hương trên Đà Lạt khi trời thu lãng đãng trở về, trao em cành hoa hồng bày tỏ sự yêu thương:

"... Tà áo bay bay trong nắng chiều
Làn tóc thơm hương mỹ miều
Lả lơi đùa với gió Thu
Chiều ấy một chiều con tim xuyến xao
Lặng ngắm môi em thơm ngọt ngào...”


Bài hát điệu rumba nhịp nhàng, mà lời ca sao thật dịu dàng, dễ thương. Để từ đó tôi quen với nhạc của HA. HA đã góp mặt vào làng âm nhạc Việt Nam từ thập niên 60. Nhưng vì anh chọn cho mình một nếp sống an phận và trầm lặng, anh thích nếp sống yên tĩnh như hiện nay tại một tiểu bang tương đối không ồn ào như Los Angeles hay New York. Ngày trước những năm 60 anh sinh hoạt âm nhạc cùng với các ca sĩ Mai Hân, Mai Hương và Bạch Tuyết (em gái Mai Hương), Phạm Vận và Duy Trác trong một chương trinh ca nhạc trên Đài Phát Thanh Saigon. Trong thời gian này anh xuất bản tập nhạc "Tình Ca Học Trò". Sau này tập nhạc này được chọn thu vào CD tại hải ngoại.

Trước tình hình nước nhà sôi động anh gia nhập vào quân đội. Năm 1967 anh được thuyên chuyển về ban quân nhạc và tham gia vào Hội Văn nghệ sĩ quân đội. Anh cho in tập nhạc "Chiến Sĩ Ca". Đến năm 1969 anh sang làm việc với trung tâm Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, anh cùng với một số nhạc sĩ như Lê Thương, Hùng Lân, Trầm Tử Thiêng và Vĩnh Phan viết tập nhạc "Ngày Xanh". Sang năm 1971 anh biệt phái về dạy tại trường Thiếu Sinh Quân Pleiku, anh cho xuất bản tập nhạc phổ thơ của nhiều thi sĩ lấy tên là "Tình Thơ Ý Nhạc".
Sau năm 1975, HA bị đày đi "học tập cải tạo" từ 75 đến 1981. Đến năm 1992 anh được sang Hoa Kỳ dưới diện HO. HA hiện cư ngụ tại thành phố Lousville, tiểu bang Kentucky. Anh vẫn tiếp tục dạy nhạc và sáng tác.

Ngược dòng thời gian năm 1959, HA học nhữnng năm cuối của bậc trung học anh và nhiều bạn hữu đạp xe đạp về miệt Lái Thiêu thăm vườn nhà đầy ắp trái cây của cô giáo Loan. Mặc dù cô Loan lớn tuổi hơn HA, nhưng với bản tính tuổi trẻ, bạn bè mãi chọc ghẹo HA và cáp anh thương cô giáo Loan, HA cố từ chối. Sang năm 1960, cô Loan đi lấy chồng, biến cố này làm cho tâm hồn người nhạc sĩ trẻ dâng lên nỗi buồn u hoài, buồn vu vơ. Để rồi bài tình ca "Một Chiều Thăm Em" ra đời, nhạc và lời do HA, chính ra trước đó bài nhạc có tên "Lái Thiêu Một Chiều Thu". Bài nhạc điệu valse nhịp nhàng, thanh nhã. Từ Lái Thiêu của HA nhắc tôi một chuyện tình tương tự tại đại học Northridge, Nam Cali, một người bạn học Việt Nam thân với tôi đã đem lòng yêu thương cô giáo Christine Tung, tiến sĩ computer science, người Singapore dạy anh chỉ có một lớp để rồi 2 người yêu nhau suốt 5 năm liền, sau đó cô Tung rời Hoa Kỳ về xứ. Như nhạc phẩm "Một Chiều Thăm Em", để rồi khi năm sau đó bạn tôi ra trường tiến sĩ điện toán tại UCLA, anh bay sang Singapore thăm em, và tiếc thay em ngày nay hay cô giáo ngày xưa đã có chồng. Dòng đời có nhiều điểm tương đồng như nhau cho một thoáng mây bay trên triền núi cao để suy tư vu vơ trong nhớ nhung:

"... Kìa nhà em xinh xinh
Đầy một vườn cây lá xanh qua bao mùa
Kìa hàng dừa cao vút cao
Kìa là vườn măng tôt tươi xanh màu
...
Dáng em dịu dàng thêm luyến lưu
Cho lòng qua phút giây đầu tiên năm xưa
Lòng hỏi lòng sao vấn vương bóng người
Đường chiều về hoa lá rung
Lòng thì thầm sao vẫn vơ nhớ thương".


Nếu nhạc sĩ Tuấn Khanh cho vang ca khúc "Hoa Xoan Bên Thềm Cũ" rất điêu luyện thì HA cũng có bài hát về loài hoa trắng 5 cánh ngã màu tim tím cho quả màu vàng của sự mong nhớ yêu đương. Bài "Hoa Xoan" của HA theo tôi thật tuyệt vời. Nào, hãy nghe nhạc HA phổ từ lời thơ của thi sĩ Nhất Tâm:

"Hoa xoan đã rụng tím bên thềm
Xao xuyến lòng anh thương nhớ em
Áo tím một thời em đa mặc
Êm đềm bao kỷ niệm trong tim
Hoa xoan thoảng dịu êm êm
Rạo rực hồn anh hương tóc em..."


Khi tôi viết về một nhà thơ, một nhạc sĩ cho những dòng thơ hay nhạc theo lời ru điệu nhớ tương lòng, tôi muốn truy về nguyên thủy của hồn nhạc hay cảm hứng thơ. Trong bài "Lỡ Làng" HA ôn lại mối tình học trò mỗi khi hè về, học trò man mác chia tay nhau hay những cuộc tình tan tác theo cánh phượng hồng buồn rơi đó, HA đã giả biệt cô nữ sinh Hồng Ân. Mối tình chan chứa và sâu đậm kéo dài hơn một bài, mà cho cả trong tập thơ như bài "Kỷ Niệm Xưa", "Ngày Giả Biệt", "Màu Hoa Phượng", "Hè xa Cách" , "Về Trường Xưa",...

"Duyên tình chưa tròn
Sâu thương dâng ngát đôi môi
Tơ đàn lỡ làng
Dở dang duyên tơ lạc mối"


Bài nhạc khác không kém sầu bi là nhạc phẩm "Bẽ Bàng". Người con gái gạt lẹ lòng buồn rơi:

"... Tình yêu, tình yêu như trái mộng
Em như nhung khi mình sánh bước bên nhau
Tình yêu, tình yêu như trái ngọt
Nhưng sao lòng mình nỗi đắng cay
Đời nhau là thế hết anh ơi !
Tình em từ nay dở dang rồi
Kiếp này em đành đơn lẽ bóng
Âm thầm mình em nhớ anh thôi"


Mỗi độ Xuân về cho nhân gian chan hòa trong nỗi hân hoan hạnh phúc, vui tươi của mùa Xuân mới. Tuy vậy, đôi khi Xuân về cho thế nhân chóng già chịu sự tàn phai, Xuân về chỉ khơi lại mùa Xuân cũ buồn vơi, Xuân nào ta chia ly, mùa Xuân nào ta cô tịch, lẽ loi khi vắng bóng người yêu. Bởi thế thi hào Nguyễn Du để lại cho đời những dòng thơ nhiều tính chất triết lý hay tâm lý lòng người:

"Người vui thì cảnh cũng vui
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"


Trong cái tương quan như vậy nhạc sĩ HA thẫn thờ thốt lên tiếng lòng sầu vơi:

"Xuân về chi nữa Xuân ơi
Hoa lòng tan nát tơi bời còn chi"


Trong cái sầu khi mùa Xuân lại về, HA cho ra bài hát điệu slow rock buồn nát con tim qua tựa đề "Nát Cánh Hoa Tim", tôi nghe lời nhạc dâng âm điệu buồn, lạc lõng mùa Xuân:

"Chiều nay ai buồn ngắm xuân sang
Nhìn hoa Xuân nở lòng thêm ngỡ ngàng
... Nhưng Xuân ơi ! Xuân biết chăng năm nay
Đang có ai bơ vơ đi tìm dáng xưa...
Chiều nay ai buồn tìm cánh hoa xưa
Màu hoa năm ấy giờ đâu mà tìm
Để bao sầu thương Nát Cánh Hoa Tim
Ngỡ ngàng lạc lõng giữa trời Xuân".


Cuối cùng cho một cuộc tình đã qua rồi, người tình đã bỏ ra đi, nhưng làm sao quên được những kỷ niệm êm đềm lúc bên nhau, tình nồng đã trao nhau lời yêu thương năm xưa cho bao giờ nguôi, bài "Bao Giờ Cho Nguôi", nhạc và lời của HA:


"Người ơi còn nhớ hay quên câu hẹn hò
Là chờ nhau cùng kết duyên xây đời
Thời gian trôi nay đã mấy Thu...
Đời tươi vui nào xo’a tan đi lỡ làng
Nhìn người vui thêm tái tê dâng
Nhìn trời mây thêm nhớ thêm thương
Nhớ thương hoài bao giờ nguôi"

Nếu Mạnh Phát có bài tình ca bất hủ "Phố Vắng Em Rồi", nhạc phẩm làm con tim tôi xao xuyến, giao động một thuở xa xưa, thì nay tôi có thêm bài tình ca buồn ướt cả nỗi lòng là "Mưa Khuya", do HA viết nhạc và lời, nhịp điệu blues buồn tan tác, những giọt mưa rơi chập chùng như tiếng nhạc slow chậm buồn da diết của mưa khuya:

"Mưa đêm nay lạnh lùng
Phố vắng điều hiu thêm
Khắp chốn trên hè phố vắng tanh
Chỉ thấy,
thấy tiếng mưa rơi rơị..
Còn tìm đâu nữa màu áo tím năm xưa
Còn tìm đâu nữa môi hồng hương yêu
Còn tìm đâu nữa mắt xanh lưu luyến
Xa rồi chỉ còn mình ta ôm đau thương..."


Sau cùng, tôi nghe hơi nhạc (air) HA hôm nay mà nhớ đến bài ca mang cùng cung điệu pop rock hay bebop của Lam Phương vui tươi ngày nào là bài "Mùa Thu Yêu Đương", HA cho đời một bài tình ca "Mộng Ước" thật vui tươi như vũ điệu pop rock để những đôi tình nhân mãi mãi bên nhau, mãi mãi yêu nhau trong giấc mộng tình nồng trăm năm qua lời thì thầm cho ước mộng tình yêu, nhạc và lời HA:

"Ước gì em là cành hoa
Cho anh là cánh bướm
Cho anh đem hương phấn đến
Tô thắm đẹp làn môi em
Ước gì anh là phấn son
Anh ngủ giữa bờ môi em
Dìu em trong giấc mộng điệp
Nhẹ nhẹ ta vào ái ân

Ước gì
Ước gì em là mây
Cho anh
Cho anh là gió trên mây ngàn
Đưa em
Đưa em vào bến mộng
Ngủ giữa
Ngủ giữa lòng thinh không

Ước gì em là thi nhân
Cho anh là vần thơ dâng
Dệt trong bao nhiêu nhung nhớ
Đã bao năm ta đợi chờ"


Tôi nghe các CD của anh gửi, tôi đọc tập nhạc "Giai Điệu Yêu Thương" với nhiều bài hát đượm hương tình yêu đương lãng mạn dù nồng cháy hay dang dở, dù đắm say hay sầu bi, từ bài "Hoa Xoan", "Giai Điệu Yêu Thương",... đến những bài sau cùng của sách như "Sầu Khúc", và bài nhạc tràn ngập nỗi niềm xót xa "Tình Chết Theo Người Đi", tất cả cho tôi kết luận phần lớn nhạc của HA trong tập nhạc này phảng phất nội dung buồn. Có thể đây là chủ đề tình yêu mà người nhạc sĩ đã muốn gửi gấm tâm sự hay tiếng lòng của mình. Chính vì nét tình ca nồng nàn, lãng mạn đó đã ấp ủ những con tim đã yêu, đang yêu và tiếp tục yêu sẽ dễ cảm nhận cái hơi (air) nhạc tình cảm của người nhạc sĩ vốn trầm lặng này.

Lời cuối tôi xin đưa ra cái nhận xét của vị cựu giáo sư âm nhạc, chỉ huy trưởng trường quân nhạc QLVNCH, cũng là nhạc sĩ Thiên Quang có cái nhìn về nhạc sĩ Hiếu Anh như sau:

"Thành thật mà nói, Hiếu Anh rất say mê âm nhạc, là một nhạc sĩ sáng tác không biết mệt mỏi, thích học hỏi và cầu tiến. Anh đã thành công trong lãnh vực thánh ca cũng như sáng tác tình khúc. Hơn nữa, nghệ thuật dệt nhạc vào thơ của anh cũng rất điêu luyện. Qua đến bến bờ tự do, anh lại hăng say đem sở trường dệt nhạc vào thơ để cống hiến cho chúng ta những bản tình ca tuyệt vời."

Vâng, Hiếu Anh là loài hoa quý trong vườn âm nhạc Việt Nam. Muốn có CD và những nhạc phẩm tình ca của nhạc sĩ Hiếu Anh để tìm hiểu về nhạc của anh, xin quý bạn độc giả hãy liên lạc về email: hieuanh2000@yahoo.com

Việt Hải, los angeles