Trong Thế Giới Tình Yêu Tuyệt Diệu

Của Nguyên Bích

 

Nghiêm Xuân Cường

 

Đã từ lâu tôi cũng như những người yêu nhạc ở hải ngoại đã thiếu mất một thú vui. Đó là cái thú được nghe nhạc một mình trong bóng tối. Quả thật là vậy, cứ tưởng tượng chỉ một mình ta giữa vắng lặng của bóng đêm, không một tiếng động chung quanh, lắng hồn mình trong tiếng nhạc của một Serenade của Schubert hay Dạ Khúc của Nguyễn Văn Quỳ. Chỉ tưởng tượng thôi ta cũng đủ thấy cái hạnh phúc tuyệt vời của những giây phút ấỵ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần viết :"Trái tim cho ta chỗ về nương náu, được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều" (Trịnh Công Sơn, Hãy Yêu Nhau Đi). Thật vậy, còn gì vui sướng hơn là sau một ngày làm viêc mệt nhọc, hay đương đầu với những âu lo của cuộc sống, ta tìm được một vài giây phút nương náu trong cái nôi êm ái của âm nhạc. Điều khó khăn cho chúng ta, nhất là những người yêu nhạc Việt Nam ở hải ngoại, là những bản nhạc hay mà chúng ta thường biết thì đều đã được trình bầy qua nhiều lần, qua đủ thể điệu đến độ đã nhàm chán. Có lẽ tôi cũng như các bạn đã nhiều lần mua các CD về để nghe rồi thường thường những đĩa nhạc đó cũng bị lãng quên ở trong những tủ kính để bám bụi. Thế cho nên suốt mấy tuần qua tôi đã vui sướng tìm lại được cái thú vui mà mình tưởng là đã mất. Tôi đã có những giây phút lắng nghe tiếng nhạc tình thiết tha réo rắt trong ngôn ngữ muôn mầu của tiếng Việt mến yêu qua những giòng nhạc trau chuốt của nhạc sĩ Nguyên Bích trong CD Sao Vội Nhạt Phai. Hiển nhiên là một đĩa nhạc đã được đến với khán giả đã từ hơn nửa năm nay thì đã có nhiều người phê bình và khen tặng, và tôi không dám làm công việc ấy bởi lẽ mình không phải là nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi chỉ muốn ghi lại ở đây những cảm nghĩ của mình sau khi đã nghe đi nghe lại nhiều lần "đứa con tinh thần" đầu tiên của nhạc sĩ tài tử này. Những người làm nghệ thuật thường ít được xã hội biết đến cái gía trị đích thực của mình, nhất là những ngườI làm nghệ thuật Việt Nam. Vì vậy, tôi cũng muốn qua những giòng này gởi đến anh Nguyên Bích, cũng như nhũng người sáng tạo nghệ thuật Việt Nam nói chung, sự biết ơn trìu mến của giới thưởng thức chúng tôi.

 

Xin mời nghe
Sao Vội Nhạt Phai
Nhạc: Nguyên Bích
Trình bày: Tuấn Ngọc
Real Player
mp3 (high quality)

Cái thích thú đầu tiên của tôi là tất cả những ca khúc của Nguyên Bích trong đĩa nhạc này đều có một nét hết sức là trong sáng và dễ cảm nhận. Một nhà phê bình về điện ảnh của báo Washington Post có lần nhận xét về một tác phẩm mới của công ty Disney, một chúa chùm về phim ca nhạc cho trẻ em: "Đây là một phim mà sau khi coi xong khán gỉa ra khỏi rạp mà không khỏi thấy mình vẫn hát theo những điệu nhạc của cuốn phim." Ông ta gọi tính chất ấy là "hummability", tạm dịch là cái tính chất dễ làm cho người ta hát theo được. Trước nhất phải nói ngay rằng đây không phải là điều kiện tiên quyết, bởi lẽ có rất nhiều bản nhạc bất hủ trong nhạc Việt cũng như nhạc cổ điển Tây Phương mới nghe thì khó nhớ, nhưng khi đã biết rồị thì không thể quên được. Ở đây chúng ta muốn nói đến cái sự dễ phổ biến của một bản nhạc (popularity). Hầu như tất cả các bản nhạc trong CD này đều có một điệu nhạc (melody) rất dễ lôi cuốn người nghẹ (ít nhất là riêng với tôi). Tôi phải thú thực là mình đã say sưa nằm trong bóng tối hát theo giọng ca Tuấn Ngọc "Anh biết anh tội tình, u tối hơn nửa đời." dù là mình chẳng có tội gì (mà mình biết), may mà nội tướng không nghe được, nếu không thì cũng nguy to. Bạn cũng như tôi có lẽ đã nhiều lần nghe qua một đĩa nhạc và khi nghe xong không nhớ được bài mình vừa nghe, vì nghe tai này ra tai kia . Đó là lý do tại sao chúng ta đã có ít nhất hằng trăm ngàn bài tình ca nhưng chỉ có một số ít là sẽ được tồn tại với thời gian. Tôi biết chắc chắn là nếu người nghe nhạc nào cũng như tôi thì những bản nhạc trong cuốn CD sẽ được nâng niu lắng nghe trong những tháng năm kế tiếp, vì lẽ tôi đã nghe mãi mà không biết chán những bản nhạc này trong vài tuần qua.




Xin mời nghe
Tâm Sự Kẻ Xa Quê
Thơ: Mùi Quý Bồng
Nhạc: Nguyên Bích
Trình bày: Vũ Khanh
Real Player
mp3 (high quality)

 

Xin mời nghe
Tâm Sự Với Giòng Sông
Nhạc: Nguyên Bích
Trình bày: La Sương Sương
Real Player
mp3 (high quality)

Một điều khác làm tôi cũng rất thích Sao Vội Nhạt Phai là ngôn ngữ của những bản nhạc. Có lẽ đây là sự khác biệt chính khi ta nghe một bản nhạc ngoại quốc hay một bản nhạc ngoại quốc lời Việt. Ta không thể nào có cùng cái cảm xúc mà ta có khi nghe một bản nhạc Việt Nam, nhất là khi nhạc sĩ đã để hết tâm hồn mình vào trong ý nhạc lời thơ. Tôi nghĩ là ít có ai lại không xúc đông khi nghe giọng hát thiết tha của Thái Thanh qua bài Tình Ca hoặc Quê Nghèo của Phạm Duỵ Sức mạnh truyền cảm của bản nhạc ở đây được gói ghém qua từng lời nhạc, từng nốt nhạc. Một nhạc sĩ mà tôi nghĩ cũng đã rất trau chuốt trong từng lời nhạc của mình là Ngô Thụy Miên. Mấy ai trong chúng ta lại không cảm nhận ngay cái cay đắng của tình yêu trong ý nhạc của Giáng Ngọc hay Mắt Biếc. Điều làm cho nhạc của Ngô Thụy Miên khác những người viết nhạc tình khác là cách sử dụng ngôn ngữ của anh. Rất thật, rất rung động với người nghe, nhưng lại rất giầu thơ tính. Đó cũng là những cảm giác tôi đã có khi nghe Sao Vội Nhạt Phaị. Nhạc phổ từ thơ vốn là chuyện khó làm, bởi lẽ người nhạc sĩ phải trung thực với ý của thi sĩ nhưng lắm lúc những vần điệu của thơ lại không dễ cho người nhạc sĩ đặt nhạc. Tôi vẫn cho rằng người phổ nhạc đã thành công khi chúng ta nghe một bài thơ phổ nhạc mà có cảm tưởng đó là một bản nhạc mà quên đi nó là thơ, nhưng rồi lại vẫn yêu mến bản nhạc vì lời của nó trau chuốt như thơ mà lại không có một chút gò bó hay gượng ép trong ngôn ngữ. Sự thành công của nhạc sĩ Nguyên Bích ở trong những bản nhạc phổ từ ý thơ của nhiều tác giả có lẽ nằm ở chỗ anh đã dầy công lao thoát ra ý của thơ và đưa ý thơ ấy vào âm nhạc qua sáng tạo của chính mình. Tôi chăm chú lắng nghe từng bản nhạc, nuốt từng âm thanh, từng lời thơ ý nhạc như một món ăn tinh thần mà mình ít có dịp thưởng thức. Từ Lặng Lẽ Tình Tôi, Bâng Khuâng, Hiến Chương Yêu... mỗi bài đều có một âm điệu đặc biệt và dễ nhớ, dễ thích. Điều làm tôi say sưa ở những giòng nhạc của anh là nó phổ từ thơ nhưng hát lên không giống như ngâm thơ như một số thơ phổ nhạc khác. Tôi nghĩ trong những bài thơ phổ nhạc được ưa chuộng chỉ có một số ít đạt được sự thành công ấy, mà khi thành công bản nhạc có thể coi là làm tăng gía trị của bài thơ nguyên thủỵ Ta có thể đếm trên đầu ngón tay những bài này, thí dụ như Ngậm Ngùi (thơ Huy Cận, nhạc Phạm Duy) Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương), Tình Quê Hương (thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Đan Thọ), Mắt Buồn (thơ Lưu Trọng Lư, nhạc Phạm Đình Chương), Áo Lụa Hà Đông (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên). Có lẽ còn hơi quá sớm để nói là những bản nhạc của Nguyên Bích sẽ trở thành bất hủ như những tình khúc kể trên, nhưng tôi nghĩ anh đã đi những bước rất dài vào lòng yêu mến của giới thưởng thức nhạc bằng giòng nhạc trau chuốt của anh.

 

Xin mời nghe
Hiến Chương Yêu
Thơ: Du Tử Lê
Nhạc: Nguyên Bích
Trình bày: Tuấn Ngọc
Real Player
mp3 (high quality)


Xin mời nghe
Sám Hối
Thơ: Bùi Quý Bồng
Nhạc: Nguyên Bích
Trình bày: Tuấn Ngọc
Real Player
mp3 (high quality)


Xin mời nghe
Giã Từ Quạnh Hiu
Nhạc: Nguyên Bích
Trình bày: Vũ Khanh & La Sương Sương
Real Player
mp3 (high quality)

Sự trân trọng của anh với âm nhạc được phản ảnh qua những âm điệu thật trong sáng cũng như đặc biệt khác hẳn với những cái ta thường nghe. Ước Vọng, thoát từ ý thơ của Mùi Quý Bồng. Điệu nhạc rất thanh thoát như có âm hưởng của thánh nhạc khiến người nghe có cảm giác lâng lâng. Hiển nhiên là chính vì thế ý nhạc rất hợp với lời thơ thật nhẹ nhàng như gió thoảng "...Xin gía lâm linh hồn em mở rộng, xin đón chào vị thánh chúa của lòng em..." Tâm Sự Kẻ Xa Quê mang một lối kể lể thiết tha khiến người nghe ngậm ngùi cho thân phận lưu đầy của mình. Phổ từ thơ Du Tử Lê, Hiến Chương Yêu, như đề tựa của bài hát là một bản tuyên ngôn hùng hồn dõng dạc, còn Giã Từ Quạnh Hiu có một nét cổ kính Á Đông nhưng không kém phần vui tươi Riêng tôi, có lẽ cũng như nhiều người khác, nghe đi nghe lại nhiều lần Tình Si và để hồn mình lắng vào từng câu nhạc. Tôi tự hỏi không biết người thi sĩ hay nhạc sĩ có phải đang nói lên tâm sự của chính mình hay chỉ thương vay khóc mướn cho nhân gian. Còn có thể nói nhiều nữa về những bài hát thật dễ thương này, nhưng có lúc ta không cần phải giải thích những điều mình yêu. Theo cách nói của nhà thơ Xuân Diệu thì:

Làm sao định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

Và cũng như Xuân Diệu:

Ai đem phân chất một mùi hương
Hay bản cầm ca tôi chỉ thương
Chỉ lặng truồi theo giòng cảm xúc
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương.

chúng ta hãy quên đi những đắn đo, cân nhắc để lắng mình trong những âm điệu đầy quyến rũ nàỵ. Ngôn ngữ của tình yêu vốn dĩ đã muôn hình vạn dạng nay có thêm mười bài tình ca của Nguyên Bích lại càng giàu có, càng phong phú hơn. Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyên Bích đã cho người nghe một chỗ về nương náu trong giòng nhạc tình êm ái của anh và hy vọng sẽ còn tiếp tục được nghe thêm những CD tương tự của anh trong chuỗi ngày tháng xa quê hương.

 

Nghiêm Xuân Cường