PHẠM THẾ TRƯỜNG, NGƯỜI CHƯA GẶP GỠ

Phạm Anh Dũng

 

Bản nhạc đầu tiên tôi sáng tác là "Nắng Xuân Xưa" ra đời vào khoảng hơn 20 đến 25 năm trước đây. Không có cảm hứng mấy thành tôi cũng bỏ ngang chuyện sáng tác nhạc và bản nhạc duy nhất cũng chìm vào quên lãng. Đến năm 1990, đón gia đình của bà chị ruột từ Việt Nam sang, bà chị có đánh dương cầm cho nghe lại bản nhạc và do đó mới nhớ đến nó.

Nhân dịp gần Tết ngồi chép lại và gửi đến Nguyễn Xuân Ngãi, bạn cùng lớp Y Khoa 1974, đang làm Chủ Tịch Ban Chấp Hành Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài hát được đăng vào tờ Nội San của hội y sĩ số Xuân Tân Mùi 1991.

Đó là lần đầu tiên thấy sáng tác của mình được đăng lên báo, thành tôi rất hân hạnh và rồi tự nhiên mến thích tờ báo, số báo đặc biệt đó. Tôi đọc cả tờ báo trong một buổi chiều và do đó đọc đến hai bài thơ Hong Tóc và Xóm Cũ của một người tôi chưa được biết đến, Phạm Thế Trường:

 

"Tóc hong nghìn sợi rối
Tim em in vết buồn
Dấu chân thon đã mỏi
Lệ nào theo mưa tuôn..."
(Hong Tóc/thơ Phạm Thế Trường)

 

Mời Nghe
Hong Tóc
Thơ: Phạm Thế Trường
Nhạc: Phạm Anh Dũng
Real Player
mp3 (high quality)

HongToc.gif (130805 bytes)

 

 

"Về ngang qua xóm cũ
Nỗi nhớ chợt dâng đầy
Nghiêng nghiêng nắng đổ bóng gầy
Nhạt nhòa tâm sự gió mây hững hờ..."
(Xóm Cũ/thơ Phạm Thế Trường)

Mời Nghe
Xóm Cũ
Thơ: Phạm Thế Trường
Nhạc: Phạm Anh Dũng
Real Player
mp3 (high quality)

XomCu.gif (125217 bytes)

Tôi ngạc nhiên vì hai bài thơ rất hay. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng đậm ý. Và thật đặc biệt, đọc xong câu thơ nào cũng thấy tràn đầy tiếng nhạc. Đã khá lâu tôi có đọc một bài báo của một nhạc sĩ nổi tiếng viết về thơ phổ nhạc Việt Nam có viết đại khái thơ Việt Nam nhiều bài chỉ cần đọc lên đã thấy như là nhạc. Hai bài Hong Tóc và Xóm Cũ của Phạm Thế Trường đối với tôi đúng vào trường hợp này.

Làm thử nhạc cho Hong Tóc. Nghe thấy khá bèn đàn hát gửi đến một bạn thân, đồng nghiệp Y Khoa Nguyễn Tiến Dũng ở tiểu bang Kentucky cùng nghe thử. Thì thật bất ngờ vì Phạm Thế Trường đang ở Indiana và Nguyễn Tiến Dũng ở Kentucky khá gần nhau chỉ vài giờ lái xe. Thành tôi quen biết anh Trường từ đó.

Anh Trường là đàn anh Y Khoa Sàigòn của tôi, có lẽ trên độ một thập niên. Nói chuyện qua điện thoại thì thấy anh rất giản dị và khiêm tốn. Tôi gửi cho anh bản Hong Tóc và tỏ ý mến thích thơ của anh. Anh Trường chỉ cười xòa và cám ơn tôi đã phổ nhạc cho bài thơ. Anh cho tôi biết là anh có làm nhiều thơ và còn dùng một bút hiệu khác là Trương Ái Minh. Minh là tên của chị Phạm Thế Trường. Sau khi nói chuyện với anh tôi có cảm hứng thêm và soạn thêm nhạc được cho bản Xóm Cũ.

Cả hai bản nhạc đều được bạn bè thích vì cả nhạc và thơ quả rất "ăn khớp" với nhau(tôi mượn chữ của cô Trần Tí Thư cũng là đồng nghiệp Y Khoa ở Canada phê bình sau khi nghe hai bản nhạc đó).

Tôi có hẹn anh Phạm Thế Trường sẽ gặp nhau vào Đại Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do Kỳ 3ø sẽ tổ chức vào tháng 7, 1991 tại Paris. Việc không thành vì tôi bậïn vài chuyện nhà và do đó không đi được. Không biết anh Trường có đi được hay không. Độ một năm sau anh gửi đến cho tôi xem một bài thơ thật dễ thương:

 

"Gặp em đầu phố
Đợi xe mỗi ngày
Tóc dài như mây
Mắt thỏ thơ ngây
Áo mầu trinh trắng
Vô tình trong nắng..."
(Mối Tình Học Trò/thơ Phạm Thế Trường)

Rồi chúng tôi lại hẹn nhau nhất định gặp gỡ vào Đại Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do Kỳ 4 ở Orlando, Florida năm 1993. Tôi chắc chắn sẽ tham dự. Không ngờ lúc gần đến dịp bị đau ốm, mắt trái bị mờ giảm thị giác và tai trái bị mất thính giác mà không rõ lý do, thành xuống tinh thần bỏ cuộc đi. Anh Trường có gọi điện thoại hỏi thăm cho biết có cố tìm tôi ở đại hội mà không gặp và nói đùa: "...chắc anh em mình không bao giờ có dịp gặp nhau đâu...".

Khoảng tháng 2, 1995 tôi có viết thơ hỏi thăm anh và thúc dục anh in quyển thơ

Phạm Thế Trường. Anh có ý chần chừ vì cho rằng thơ sau này nhiều người làm thơ và những quyển thơ in quá nhiều e không thành công. Tôi có bàn với anh là dù sao cũng là kỷ niệm cho gia đình và bạn bè. Và dù sao đối với tôi, và có lẽ đối với nhiều đồng nghiệp khác, trong giới Y Khoa áo trắng thơ Phạm Thế Trường có lẽ là hay nhất. Anh Trường đồng ý và dự định sẽ xúc tiến công việc. Anh cũng gửi thêm cho tôi một bài thơ khác:

 
"Anh sẽ về thăm em biết không
Thoa nhẹ dùm anh chút phấn hồng
Xin giữ hương xưa trên mái tóc
Ấp ủ mùa Xuân mãi trong lòng..."
(Anh Sẽ Về Thăm/thơ Phạm Thế Trường)

Tôi thích bài thơ này vì hợp với tâm hồn của chính mình. Thật tình cờ cùng lúc tôi cũng làm một bài nhạc Nếu Mai Anh Về có những cảm xúc tương tự. Tôi định hôm nào đó sẽ đàn hát gửi lên cho anh nghe.

Tháng 4, 1995. Một buổi sáng thật sớm, Nguyễn Tiến Dũng gọi điện thoại đánh thức tôi dậy. Giọng đầy xúc động, Dũng cho biết anh Trường vừa qua đời trong đêm. Tôi nghẹn lời, không biết nói gì vì thật bất ngờ.

Tôi nghĩ đến dự tính in sách chưa thành của Phạm Thế Trường.

Và nghĩ đến bài hát Nếu Mai Anh Về chưa kịp gửi đến anh.

Tôi nghĩ đến câu nói của anh ngày nào: "...chắc anh em mình không bao giờ có dịp gặp nhau đâu..."

Và tôi vẫn chưa bao giờ gặp Phạm Thế Trường.

 

Phạm Anh Dũng
Tháng 5, 1995
Santa Maria, California, USA