VỀ VƯỜN

 

NGUYỄN TẤN HƯNG

 

Trường nữ trung học Mỹ Tho, trường Lê Ngọc Hân, là một ngôi trường mới xây cất tại tỉnh lỵ vào khoảng cuối thập niên 50. Gồm hai dãy lầu hai tầng không thẳng hàng, trông ra đường Ngô Quyền. Dãy sau hơi thụt vô trong một chút tại vì phía trước có xóm nhà dân, của những tay quyền thế, chắn ngang. Đối diện với trường là bức tường thành bên hông của Viện Dưỡng Lão và xéo xéo phía bên tay trái có chùa Phật Ân. Phía sau lưng thì trường tiếp giáp với Ty Tiểu Học. Xung quanh vòng đai bao bọc với hàng rào kẽm gai và trụ xi măng, nhà thầu còn giữ lại nhiều cây cao, tàn che đầy bóng nắng, cho nên sân trường lúc nào cũng mát rượi.

Đây là loại trường cất theo kiểu tân thời của Mỹ, không cửa sổ, không quạt trần. Hai bên lớp học vách tường không xây bít mà làm nửa kín nửa hở bằng những song đứng đúc bằng xi măng, theo hình xương cá để che mưa nắng. Sơn xanh đỏ cho có vẻ sáng mắt, màu mè. Không khí, gió máy ra vào một cách tự nhiên, thong thả. Nền lót gạch bông, đen và trắng, trông rất sạch sẽ, khang trang.

Ngay khoảng giữa của hai dãy lầu có một cột cờ làm bằng nhôm sáng loáng, thật cao. Dưới chân cột cờ có một vòng tròn nhỏ, cẩn gạch, trồng bông cẩn thận. Hằng ngày, vào lúc tám giờ, có một lớp được biệt phái ra đó làm lễ chào quốc kỳ. Bài quốc ca do một số nhỏ con cháu bà Trưng bà Triệu trình bày đôi khi yếu xìu, nhỏ rí, tiếng mất tiếng còn. Phần còn lại cứ xếp hàng hai, đứng nguyên tại hành lang ngay trước lớp học mình mà nghe ngóng đoạn chót. Nhất là các lớp ở cuối dãy,... xứng... danh nòi giống Tiên Rồng. Đặng, không làm chi hết, chỉ ùn ùn chạy nhanh vào lớp.

Theo thông lệ của các trường trung học trên toàn quốc, để phân biệt giữa cô giáo và học trò, một vài nguyên tắc đã được đề ra. Tỉ như học trò không được mặc áo màu mà phải mặc đồng phục, áo dài trắng và quần trắng hoặc đen. Còn cô giáo thì có quyền mang guốc cao gót, thoa son, dồi phấn, kẻ chơn mày, sơn móng tay móng chưn. Nhiều cô nổi bật, chẳng khác gì đào hát bóng. Nhưng cũng có nhiều cô xấu òm, có quần hàng áo nhiễu, chưng diện thế mấy đi nữa thì cũng người ra người, áo ra áo, quần ra quần. Còn học trò thì lắm đứa đang tuổi dậy thì, trổ mã đẹp ra phết, cho dù áo vải quần trơn, vẫn trông sáng nước, tươi tắn hơn những cô giáo ma lem bội phần. Cái đẹp tự nhiên do trời ban, không son phấn giả tạo bao giờ cũng có nét duyên dáng, quyến rũ đặc biệt riêng.

Thỉnh thoảng, trong đám học trò cũng có một vài... chị chơi trội, dám giả dạng cô giáo. Tuy phải mặc đồng phục nhưng chịu khó sơn móng tay móng chưn, kẻ chơn mày, dồi phấn, thoa son... điệu hạnh một thúng với người ta. Nhưng, đi đêm có ngày gặp ma, trước sau gì cũng bị mấy bà giám thị phát giác, bắt gặp và dẫn độ lên văn phòng hiệu trưởng để nghe bà Diệu Thông, bà hiệu trưởng, giảng moral. Đừng nói con gái không ngang tàng, ẩu tả mà lầm!

Trong lớp của Kim Yến, lớp Đệ thất 2 Anh văn, chị Hồ Điệp được chấm là đẹp nhứt. Như cái tên của chị, nét mặt chị có vẻ nên thơ mơ mộng, cao sang đài các. Vóc dáng lại cao ráo, sạch sẽ. Có ngực, có mông. Vung lù, tròn ũm. Áo quần lúc nào cũng ủi thẳng thớm, sắc lẻm, đâu ra đấy. Đến như Kim Yến là gái mà Kim Yến cũng phải mến phải mê, phải khen phải khoái. Kế đến là chị Cẩm Vân, cũng mắt liễu mày ngài, dễ coi dễ mến. Nhưng, chỉ được ở khuôn mặt đều đặn thôi, chớ còn thân hình chị ốm yếu mỏng manh quá nên đôi lúc nét liêu trai chí dị trông có vẻ tiều tụy, bịnh hoạn làm sao. Hình như những ai đẹp đẹp thường có nhiều bạn, Kim Yến nghĩ. Vì giờ ra chơi nào cũng vậy, ngoài hành lang hay ngay tại bàn học, đều thấy hai chị Hồ Điệp và Cẩm Vân có nhiều người tới làm quen, bàn chuyện.

Bữa nay đến phiên Kim Yến, nàng cũng phải dành lấy phần mình, ngang nhiên vẹt đám đông, nắm tay chị Hồ Điệp kéo đi trước sự ngỡ ngàng của chúng bạn. Kim Yến nói nhỏ:

- Chị Điệp nè, chiều nay chị rảnh hôn?

Hồ Điệp hỏi lại:

- Chi vậy Yến?

Với một kế hoạch nhỏ trong đầu, Kim Yến nghĩ rằng phần thắng chắc chắn sẽ về tay mình. Mục đích của Kim Yến, ngoài việc chiếm cảm tình của Hồ Điệp, nàng còn muốn kéo Hồ Điệp về với anh mình, anh Hiếu đang học bên kia trường Nguyễn Đình Chiểu. Để nếu rủi như hai người có duyên có nợ từ kiếp trước, thì Kim Yến sẽ có được một người chị dâu đẹp đẽ, dễ thương dễ mến thôi. Với lại, trong đám bạn của nàng kia, biết đâu lại chẳng có nhiều đứa đang cùng một ý nghĩ như nàng? Cần phải ra tay ngay bây giờ, kẻo trễ! Ý định phải làm như vậy, như vậy... mặc dù đã nẩy ra trong trí nàng từ lâu, nhưng phải đợi đến phút giây này nàng mới dám quyết liệt thi hành:

- Em định rủ chị đi vườn!

Chỉ cần nghe hai tiếng "đi vườn" là trong bụng Hồ Điệp như mở cờ, mừng rơn, hai mắt nàng sáng rỡ. Đúng là dân miệt vườn có khác! Bấy lâu nay nàng đã chôn chưn ở chốn thị thành, nhìn quanh quẩn bên mình chỉ thấy nhà cửa, đường xá, xe cộ... thét bắt ngán. Nàng muốn tìm lại bóng mát của vườn dừa Phú An Hòa, muốn vui chơi quanh các gốc mít mật ngọt, muốn đùa giỡn dưới tàn mát của những cây ô môi hoặc những nhánh mận da người của xứ Trúc Giang.

Nhưng biết tìm đâu ra thanh cảnh đó? Nàng bèn hỏi tới:

- Ở đâu vậy, có xa lắm không?

- Không xa đâu, chỉ ở ngoại ô thành phố một chút xíu mà thôi!

Rồi như sợ Hồ Điệp đổi ý vì e ngại đường xá xa xôi, Kim Yến giải thích rõ hơn:

- Nhưng mà chị khỏi lo, em sẽ chở chị đi bằng xe đạp!

Hồ Điệp muốn biết thêm:

- Mà vườn của ai vậy?

- Bí mật à nghen, em không thèm nói cho chị biết trước đâu, em muốn dành cho chị một sự ngạc nhiên.

- Gì mà nghe ghê vậy! Nhưng trong vườn có những loại cây trái nào?

- Có đủ hết! Đặc biệt là vào mùa nầy nếu muốn nói nhứt hạng thì không gì bằng mấy trái xoài sống, xắt lát chấm nước mắm đường!

- Có lý đó! Đâu Yến xem coi mình có cần rủ thêm ai nữa không?

- Ý, thôi đi chị Điệp ơi, có bọn nó theo ồn ào lắm! Với lại... bí mật mà!

Bí mật gì nữa đây? Hay là cũng như lũ nhóc tì kia, bạn cùng lớp nhưng nhỏ tuổi nhỏ tác hơn nàng, Kim Yến lại sẽ giới thiệu cho mình một ông anh bà con nào đó của nó, Hồ Điệp tự hỏi! Nàng đã có thừa kinh nghiệm về những vụ bí mật như vầy rồi, ngay từ hồi còn học lớp nhì, lớp nhứt ở trường làng kia. Tuy nhiên, trong lòng Hồ Điệp có chút gì khoan khoái hân hoan, vì nàng tự biết rằng, mình có đẹp đẽ duyên dáng thì người ta mới hay bắt quàng làm họ. Nhưng nàng vẫn còn e ngại:

- Không nói rõ cho chị biết, chị không đi với Yến đâu!

Kim Yến cười cười, nữa đùa nữa thật:

- Nè, đừng có nói vậy, cơ hội ngàn năm một thuở bỏ qua rất uổng đó nghen chị Điệp...

Reng, reng, reng... chuông vào lớp! Mọi câu chuyện đang vồn vã, ngon trớn bỗng dưng đồng loạt bị cắt ngang. Ai nấy lục tục bước vô phòng, tự động ngồi vào chỗ. Tuy nhiên, tiếng xì xào vẫn tiếp nối không ngừng nghỉ mải cho đến khi nào thầy cô đặt chưn lên ngưỡng cửa. Giờ này là giờ của thầy Tân, Trương Nhật Tân, dạy môn Việt văn. Thầy trẻ lắm, nghe nói là sinh viên chưa ra trường, đang còn học năm cuối ở Đại học sư phạm, Sài Gòn. Chỉ là một giáo sư tập sự, dạy giờ, mỗi tuần một hai ngày, đi đi về về, chớ không ở lại Mỹ Tho.

Nhưng thầy Tân lại hay trổ mòi "dê" Hồ Điệp, mới khổ. Yêu thương gì với sự cách biệt quá xa, quá rộng giữa thầy với trò. Mà nói cho ngay, Hồ Điệp nào đã biết yêu thương là gì đâu! Nhưng mà ổng làm quá, đến nỗi Hồ Điệp muốn dấu chúng bạn mà dấu cũng không xong. Xui cho Hồ Điệp là nàng đang ngồi bìa bàn thứ tư, dãy giữa, như một trung tâm điểm cho mọi con mắt khắp cả lớp dòm ngó. Mỗi lần thầy Tân ghé ngang xem bài vở, ổng thường hay cúi sát thiếu điều muốn hôn lên tóc nàng. Cái cà vạt lòng thòng ngay bên má thoang thoảng mùi xà bông thơm, Cô Ba hay Dial gì đó. Và chẳng biết ổng đã nghe được mùi gì trên tóc nàng đây? Mùi chùm kết, vỏ chanh vỏ bưởi chăng! Phải chi ổng dừng lại ở chỗ cho điểm lớn, mặc dù Hồ Điệp tự biết mình làm luận không tới lắm, là đỡ rồi. Ổng lại hay gọi nàng đứng lên phát biểu cảm tưởng làm chi nữa không biết! Để mấy đứa ngồi trong xó góc, suốt năm không được thầy chăm sóc, nhắc tên đến một lần, bỗng đâm ra thù ghét ganh tị với nàng.

Nhưng cũng có nhiều đứa tán vô, chẳng hạn: "Coi bộ ông Tân thích chị, khoái chị lắm đó chị Điệp. Bởi vậy chị cũng đừng làm cho ổng đau tim bất tử mà ổng nổi khùng cho tụi em ăn trứng ngỗng sạch trơn nghen!" Hồ Điệp cảm thấy vui vui nhưng đâm ra ngại ngùng, mắc cở khi nghe những câu phân trần, tả oán như vậy! Vì nàng nào có tình ý riêng tư gì với thầy Tân đâu, không ưa cái khuôn "mặt thỏ mỏ dơi" của ổng nữa là đằng khác. Tại ổng lỡ "chịu" mình thì ổng phải "ráng chịu" mà thôi! Ngay khi ổng tặng cho nàng cây viết Pilot, bằng cách giả bộ để quên trên bàn, suýt chút nữa nàng phát ngôn bừa bãi "thưa thầy, cây viết của thầy sao thầy bỏ đây," nếu không nhanh trí để ý đến dòng chữ khắc tên của nàng trên cây viết: Lê Lan Hồ Điệp. Trời đất, sao ông thầy dám làm điều bộp chộp, quái đản đến kỳ cục như vầy! Nàng không biết phải hành động ra sao, bèn cất ngay vào hộc bàn. May là cả lớp đang im lặng, chăm chú làm bài góp nên không ai để ý. Kể ra ông thầy Tân này gan cùng mình thiệt, nhưng cũng còn biết ngó trước dòm sau!

Mãi cho đến nay, bốn năm tháng qua, nàng chưa hề một lần xài đến cây viết đó. Nó vẫn thường xuyên nằm trong cặp nàng vì nàng định sẽ trả lại cho thầy khi có dịp thuận tiện. Nhưng dịp thuận tiện kia không bao giờ có, vì nàng cố tránh những cơ hội gặp gỡ, những giây phút riêng tư đối với thầy, ngay cả một ánh mắt hay một nụ cười vô tình đi nữa. Chính vì vậy mà hình như thầy Tân đã hiểu được ý nàng, cũng không dám tiến xa hơn.

Giờ Việt văn của thầy Tân chầm chậm trôi qua, vì Hồ Điệp đang mong mỏi đến giờ tan học. Nàng muốn được nối tiếp câu chuyện với Kim Yến, câu chuyện "đi vườn." Nàng không mấy khi cúp cua, bỏ lớp đi ciné hay đi rong ngoài phố như nhiều đứa khác, nhưng nàng lại thích "đi vườn." Mà, ô hay, reng, reng, reng... giờ tan trường rồi cũng đã tới.

Kim Yến chực sẵn, săn đón:

- Chị Điệp, đi theo em...

Trong bụng Hồ Điệp cũng nôn nóng, gấp rút không kém nhưng nàng giả đò tảng lờ, phủi phủi tà áo dài cho phẳng phiu thẳng thớm, hỏi lại:

- Đi vườn thiệt hả, Yến? Mà bao lâu thì mình về được?

- Chị muốn về lúc nào thì em đưa chị về. Đi, đi chị.

- Ừa, đi thì đi.

Cả hai thong dong ra cửa, thả lần về dãy nhà trống chứa xe đạp.

Trong sân trường, trăm ngàn cánh bướm trắng phất phơ bay lượn, dung dăng dung dẽ ngợp trời xanh. Xuyên qua lá cành vương vãi trên cao, ánh nắng trưa hè nhởn nhơ hắt lên những khuôn mặt tươi cười, rạng rỡ đang mong chờ những vui đùa, giỡn trững sẽ đến với mình sau những giờ bù đầu với bài vở, ghi chép. Không một cảnh nào thơ thới, hồn nhiên cho bằng cảnh tan trường, nhất là ở một trường nữ trung học. Khách qua đường không thể không dừng chân, để mắt ngắm nhìn và hòa nhập vào những tâm hồn nguyên trinh, trắng trong như những đóa hoa hàm tiếu, đang xông xáo vươn tượt nẩy mầm làm đẹp cho cõi đời trần tục. Bầy chim sẻ, chim sâu chuyền nhánh trên cành ríu rít kêu, hòa lẫn với những tiếng chia tay, hẹn hò, chúc tụng.

Từ hai cánh cổng trường mở toang, đàn bướm trắng lần lượt tung bay trên khắp mọi nẻo đường. Dưới những tia nắng chan hòa, lung linh trong gió mát miền quê thổi lại từ xa, thành phố như chợt bừng sáng, lấp lánh bóng tiên đồng ngọc nữ phất phơ trong đôi tà áo mỏng.

Đèo Hồ Điệp ngồi phía sau, giống như em chở chị, Kim Yến từ từ đạp lên hướng chùa Phật Ân. Cút ca cút kít vòng qua Cây Xăng, bờ Giếng lớn. Không rẽ vào đường Pasteur, có nhà cô Tám Sương của Hồ Điệp, mà đi thẳng lên Cầu Đúc, trường trung học Nguyễn Công Trứ, lộ Vòng Nhỏ...

Hồ Điệp đoán mò, cất tiếng hỏi:

- Bộ tính chở chị lên vườn ông Khánh hả Yến?

Kim Yến đáp nhanh:

- Làm gì có chuyện đó. Đi vườn ông Khánh thì đâu có gì vui, cùng lắm thì chị chỉ được coi mấy con có vi có kỳ như cá tai tượng thiệt lớn, mấy loài bò sát như rắn rít, kỳ nhông kỳ đà, cùng mấy thứ biết bay như trích, trỉ, công. Đâu có vụ hái mận, hái xoài.

Hơi ngạc nhiên, Hồ Điệp hỏi tiếp:

- Vậy chớ Yến định chở chị đi xứ nào đây?

Kim Yến cười ha hả:

- Em không đủ sức chở chị lên tuốt trên Trung Lương đâu mà chị sợ, chỉ qua khỏi ngã ba nhà máy Khương Hữu và hãng cà rem Năm Nồi một đỗi là tới. Còn ở dưới nầy Vườn Ương Cây cũng như Chũng viện Chân Phúc Minh một khoảng xa lắc xa lơ mà.

Hồ Điệp lại hỏi sang chuyện khác:

- Mình về nhà ai vậy, Yến?

Thấy cũng đã gần đến nơi, để giải tỏa những nghi vấn, thắc mắc trong đầu Hồ Điệp, Kim Yến nói luôn một mạch:

- Về nhà em được hôn? Rủ chị về nhà em chơi thì chắc chị ngại nhưng rủ chị đi vườn thì chị chịu đi, em biết mà. Đi về nhà em hay đi vườn thì cũng vậy thôi, vì chung quanh nhà em có vườn. Không rộng lắm nhưng đủ cho mình dạo chơi đây đó, cây trái cũng không nhiều lắm nhưng đủ cho mình ăn đã thèm. Tối thiểu cũng có mận, xoài, ổi, chùm ruột. Mà chị Điệp nè, chị thích ăn chua với muối ớt, với nước mắm đường, hay với mắm ruốt Châu Đốc?

- Cũng tùy theo món chớ Yến! Với xoài tượng thì ăn với nước mắm đường, với mận hồng đào thì ăn với muối ớt, với chùm ruột thì chắc hợp với mắm r... uốt hơn, phải hôn?

Tiếng "r... uốt" của Hồ Điệp bị đứt khoảng vì xe dằn, Kim Yến đã xuống dốc, rẽ vô bờ mẫu dẫn về nhà. Thêm một đoạn ngắn nữa thì hai chị em đã lọt vào lối mòn đầy bóng mát. Những cây mận hồng đào sọc, hồng đào đá trái đỏ đầy cành dính lại từng chùm, cành lá giao nhau trên đầu như làm thành một cổng tam quan ngoằn ngoèo, dài thườn thượt. Từng loạt gió phất qua, lao xao cây nhánh đong đưa, tạo nên khúc nhạc reo vui. Bóng nắng xuyên qua tàn mận, chiếu xuống mặt đường loang lổ những đám cỏ xanh phủ lên cát đất trắng bệch, lung linh di chuyển tới lui làm như đang chạy đua tiếp sức với hai cái bánh xe đạp.

Ngôi nhà nhỏ hai gian, lợp lá, vách cây của chị em Kim Yến đã hiện ra dưới tàn cây vú sữa thiệt lớn, thiệt cao. Bên cạnh mái hiên trước còn có một cây khác nhỏ hơn, mới lớn, nhiều nhánh con lá non mơn mởn gie ra đụng đầu mấy cây đòn tay là đà bên dưới. Vách bổ kho ở mặt tiền được đóng bằng ván gáo vàng, to bản, tuy cũ nhưng phần trên trông cũng còn vàng như nghệ. Cửa cái bỏ ngõ trống lổng trống trơn. Như vậy chứng tỏ là có người ở nhà, Hồ Điệp nghĩ. Lần đầu tiên bước đến một ngôi nhà lạ, cho dù là nhà bạn thân thích của mình đi nữa, cũng thấy có một điều gì xa cách, ngại ngùng.

Kim Yến dựng xe vào gốc vú sữa, cởi nón lá quạt lên mặt. Hồ Điệp cũng bắt chước làm theo mặc dù lưng không đổ mồ hôi, nách không ướt như cô bạn nhỏ. Kim Yến mở lời:

- Tới nhà rồi đó chị Điệp, vô chơi chị! Chắc có anh Ba em ở nhà!

Anh Ba của Kim Yến? Có phải anh Hiếu mà Hồ Điệp đã có gặp một lần vào lúc tựu trường? Lâu quá rồi nàng cũng không còn nhớ gương mặt, tướng tá anh ấy ra sao nữa. Thì ra con nhỏ Kim Yến này có lẽ cũng có "mưu đồ, dụ dỗ" mình về đây lắm chớ chẳng phải không! Thôi, kể như muộn rồi! y, vô chơi thì cứ vô, nàng lặng lẽ nối bước theo Kim Yến.

Nhưng, vừa bước vô khỏi cửa nàng đã phải sững sờ, ngừng lại, định trở gót quay lui. Vì bên này là một bàn tròn bằng gỗ và mấy cái ghế đai đánh vẹc-ni sáng loáng đặt bên cạnh cửa sổ không nói làm chi, còn bên kia, sát vách trước kê một cái đi-văng cũng vẹc-ni bóng lưỡng... với trên đó một tấm lưng trần lấm tấm mồ hôi và cái quần pyjama màu xám tro bên dưới. Chu mẹt ơi, nàng muốn nhắm mắt lại nhưng không còn kịp nữa. Chừng như nghe được tiếng động, cái hình người say sưa trong giấc ngủ kia bỗng trở giấc, lật ngửa nữa vòng, cái lưng quần quấn ruột tượng một nùi trước bụng như mấy chú ba tàu đã sắp sửa sút ra. Cái hình nhân nhăn mặt, ú ớ, ngóc đầu lên như rắn hổ...

Kim Yến đành đánh trống lãng:

- Anh Ba, có chị Điệp bạn em đến chơi nè! Chị Hai đi dạy về chưa vậy?

- Chưa! Ờ, Điệp đó hả! Cứ tự nhiên...

- Thôi tụi em ra nhà sau, đi chị Điệp.

Cái hình người nằm xuống trở lại, Hồ Điệp nhón gót lướt qua khung cửa buồng trong, thoát nạn. Nàng thầm trách Kim Yến:

- Bữa nay anh Hiếu không đi học à? Sao không nói cho chị biết trước?

Kim Yến tỉnh bơ đáp gọn:

- Phải có ảnh ở nhà đặng ảnh mới trèo cây hái trái cho mình ăn được chớ! Ở trên đó kiến vàng không hà. Chị thay đồ ngắn với em nghen, mặc đồ trắng bóc như vầy lỡ mủ xoài dính vô là hết giặt. Em có cái áo bà ba màu tím mới may nầy rộng lắm, chắc chị mặc vừa đó.

Hồ Điệp cầm chiếc áo ngắm nghía, ngần ngừ. Nửa muốn nửa không tuy đã nghe Kim Yến nói rõ ràng đây là áo mới may. Lạ cửa lạ nhà, ai lại thay quần đổi áo cho được. Mà mặc áo dài lượt bượt chạy ra vườn thì coi bộ cũng không nên. Đâu có ai mặc áo dài đi hái mận, hái ổi, hái xoài bao giờ. Thôi kệ, đã liều thì năm bảy cũng liều, tới đây không hát thì hò, nhưng hãy đợi cho con nhỏ Kim Yến thoát y trước đã. Ngực con nhỏ mới dậy trái tràm, chưa dợn nổi một đường cong. Điệu này phải tốn thêm năm mười bao gạo nữa. So với mình con nhỏ thua xa, để mình biểu diễn một màn cho nó lé mắt chơi. Hồ Điệp lần mở cái khuy móc nhỏ rí một bên hông rồi bực, bực, bực..., kéo tuôn hàng nút bóp dọc theo nách lên đến cổ. Kim Yến ngó vào ngực nàng lom lom, có vẻ ngạc nhiên, trầm trồ thích thú. Ít ra cũng phải như vầy Yến ơi, nàng nhủ thầm. Lồng chiếc áo dài ba-tít-phin trắng vào bươm bướm và máng lên cây đinh trên vách, nàng xỏ tay vào chiếc áo ngắn, gọn ghẽ vuốt mái tóc bỏ lửng về phía sau, tròng vô. Hàng nút bóp trước ngực coi bộ đơm hơi thưa nghen con nhỏ. Đàn ông con trai hay ngó xéo vào kẻ hở lắm, thấy vú đó. Họ hay để ý làm chi mấy chỗ ngặt nghèo, nguy hiểm trên thân con gái kể cũng kỳ cục thiệt!

Kim Yến hối:

- Bây giờ tụi mình phải ra sau bếp làm nước mắm đường, chị Điệp ơi! Lẹ lẹ lên!

Mái nhà trên và mái nhà bếp nối dài ra, dọc theo một bên hông, làm thành một mái nhà cầu. Một cái hành lang che mưa nắng để đi lên đi xuống giữa hai cái nhà thì đúng hơn. Kế bên hành lang này là một khoảng trống thấy trời mây, dưới nền được tráng xi măng làm chỗ rửa ráy tắm giặt. Có đặt một hàng mái vú lớn bằng đất nung đen đỏ, có lẽ dùng để hứng nước mưa vì bên trên có cái máng xối làm bằng nửa thân cau dài. Vách ván nhà bếp đóng ngang, hở cả tấc tây cho gió máy dễ ra vào, vậy mà nhìn lên trần lá cũng không thể thiếu một lớp bồ hóng, do khói đóng, đen nghịt!

Hồ Điệp reo lên:

- Trời, ở đây có cái võng nằm ngủ trưa hết sẩy hả!

Đang đứng cạnh bàn ăn, quậy đường cho tan trong nước mắm, Kim Yến nói như mời mọc:

- Vậy thì chị nằm nghỉ một chút đi cho khỏe. Đợi lát nữa anh Ba em thức dậy rồi tụi mình cùng đi ra vườn một lúc cho vui.

Hồ Điệp cảm thấy thoải mái khi đặt lưng lên tấm bao bố mềm, lên nước. Xuyên qua kẽ hở, nàng thấy mấy bụi chuối sau hè mập mạp tốt tươi mọc dựa mé mương gần đó. Tàu lá xanh biêng biếc. Một cây trổ quày non, bị che khuất một nửa bởi tấm ván, nhưng bên dưới vẫn còn thấy lòng thòng một cái bắp chuối màu tím rịm. Xa hơn một chút, có mấy thân dừa đồng loạt vươn cao, chùm nhum một chỗ, cành lá đụng vào nhau gây tiếng kêu xào xạc, kẽo kẹt đong đưa trong gió như tiếng võng trưa hè. Rồi mới đến lũy tre dầy bao bọc vuông đất với đủ cỡ lớn nhỏ, những thân uốn vòng cung hay những thân đứng thẳng, chi chít đan vào nhau như bức tường thành. Những chiếc lá hình ngòi viết xanh xanh nõn nà như màu hi vọng mong manh bất chợt trong cuộc đời này. Bỗng dưng, Hồ Điệp muốn ngủ hơn là muốn ăn...

Tuy nhiên, có lẽ nàng chợp mắt chẳng được bao lâu, vì có tiếng oang oang bên khung cửa:

- Hai đứa đang làm gì đó? Ô, định ăn xoài sống nước mắm đường hả? Có cần anh ra vườn hái đem vô hay là muốn thưởng thức ngay tại gốc?

Hồ Điệp giựt mình, mở mắt, ngồi nhõm dậy! Một chút e thẹn lẻn vào tim! Coi kìa, cái anh chàng bạch diện thư sinh kia dám đã nhìn lén mình từ lâu trong khi mình nhắm mắt! Cũng cái quần pyjama màu xám tro đó, nhưng không còn quấn ruột tượng nữa mà đã cột lại dây lưng cẩn thận, nàng đoán như vậy, vì không thấy gì cộm cộm dưới làn áo sơ-mi cũ kỹ, màu cà phê dợt. Trông anh chàng giống như một thiếu niên miệt vườn không hơn không kém. Hồ Điệp chưa biết mình phải góp ý bằng câu nói thế nào cho ổn thì Hiếu đã tiếp:

- Chà, hổng mấy thuở rồng đến nhà tôm, hổng mấy thuở thấy Điệp đến nhà chơi với Yến! Bẵng đi một thời gian không gặp mà bây giờ trông Điệp thấy khác khác, lạ lạ! Ra vẻ... học trò trung học, học trò lớn hơn lúc trước nhiều.

Kim Yến chen vào:

- Anh thấy chị Điệp mặc áo em vừa không?

- Để coi! Đẹp đó, màu áo hợp với màu da!

Tuy Hiếu không nói thẳng ra nhưng Hồ Điệp vẫn biết mình có nước da trắng như trứng gà bóc. Hóa ra anh chàng không muốn khen tặng mình lộ liễu đây. Không thèm nịnh đầm đến nửa câu về mặt mày, về vóc dáng của mình nữa! Hồ Điệp cười cười, hỏi lại:

- Bữa nay anh Hiếu không đi học sao?

Vừa nói xong, nàng chợt cảm thấy câu nói đầu tiên giữa mình với Hiếu sao mà nó vô duyên làm sao, phải chi cứ im lặng luôn thì càng hay. Nhưng Hiếu đã nhanh nhẫu, nhã nhặn trả lời nàng:

- Anh chỉ học có hai giờ đầu, hai giờ sau giáo sư bịnh.

Lâu lâu có hai giờ trống bất ngờ kể cũng vui.

Hồ Điệp hỏi tới:

- Anh có thường gặp anh Hòa của Điệp không?

- Thì cũng thấy mặt nhau luôn. Tụi anh tuy học khác lớp nhưng cùng một dãy, cách nhau đâu hai ba lớp gì đó!

Mặc dù hai đứa cùng học Ban B, cùng một sinh ngữ chính Pháp văn, nhưng Hiếu đã bớt thân với Hòa kể từ ngày hai đứa học khác lớp. Những giờ giấc, bài vở và những va chạm hằng ngày bao giờ cũng ảnh hưởng mạnh đến đời sống hơn là dĩ vãng và kỷ niệm, Hiếu nghĩ. Không riêng gì Hiếu, bây giờ chắc Hòa cũng đã có một lô bạn mới, những nơi chốn mới và những vui đùa mới... Hiếu hỏi thăm:

- Sao, dạo này hai anh em vẫn còn ở trọ chỗ cũ?

Hồ Điệp gật đầu:

- Dạ! Đâu có chỗ nào khác hơn đâu anh?

Hiếu nghe tiếng "anh" sau cùng sao mà dễ thương hết sức.

Nhưng, Kim Yến bỗng cắt ngang:

- Anh Ba nè, cây xoài tượng ở góc vườn của mình chắc cũng còn vài trái lớn hả?

Hiếu bắt đầu mở máy tán:

- Mấy thuở có người đẹp thèm ăn chua đến nhà thì cây xoài tượng kia đâu dám làm reo, đâu dám không ra trái lớn! Nói vậy chớ cũng còn ba bốn trái sắp chín phải ăn! Xoài tượng mà để ăn chín thì sẽ mất hết mùi vị! Sao, Điệp có muốn đi ra vườn chơi không?

Hồ Điệp đã quen dần với không khí gia đình, bầu bạn, nàng rất an nhiên::

- Đi chớ, mục đích lên đây chỉ có bao nhiêu đó thôi mà, phải hôn Yến?

- Ừa, vậy thì đi ngay bây giờ đi...

Hiếu bước lại lấy cái lồng ngắn dùng để hái trái cây dựng trong góc bếp, cặp nách đi ra. Trông chàng không khác gì Lý Quỳ với cây độc chùy độc chiếc. Kim Yến lẻn đến bên anh, nheo mắt khẽ nói: "Giới thiệu cho anh con nhỏ bạn đẹp nhứt lớp như đã hứa rồi đó! Thưởng em cái gì đây?" À, thì ra vậy! Hèn chi mấy ngày nay Kim Yến vẫn hay nhắc tới nhắc lui cái đề nghị có vẻ rất độc đáo của mình với chàng. Hóa ra không ai khác hơn là Hồ Điệp mà Hiếu đã có một lần gặp qua nhân buổi tựu trường.

Kim Yến và Hồ Điệp nối đuôi theo Hiếu, tuôn ra cửa... Vì lúc nằm võng quay đầu về một hướng nên Hồ Điệp không thấy được mảnh vườn rộng phía sau lưng. Giờ đây, xen lẫn với dừa chuối, nào là mấy cây mận thấp thấp, mấy cây mít cao cao, nhất là đằng xa kia mấy cây xoài lão to lớn, rộng tàn. Có cả những cành cam, quít, chanh, ổi sá lị cao không khỏi đầu người. Thì ra miếng vườn trồng đủ mọi thứ trái cây, nàng thích lắm. Một con bồ câu trắng bay xà vào chiếc lồng cất lơ lửng trên không. Hồ Điệp ngạc nhiên, hỏi:

- Ai nuôi bồ câu vậy, Yến?

- Của chị Liên đó! Chỉ xin của chị bạn chỉ được hai cặp và nhờ anh Hiếu đóng chuồng, dựng cột... đâu cũng cả tháng nay nhưng chưa thấy làm ổ đẻ trứng gì hết... Mà chị cứ đi trước theo anh Hiếu của em đi chị Điệp, em cầm chén nước mắm nên cần phải đi sau, để rủi có lỡ vấp té thì cũng chẳng gây tai họa cho ai hết.

Hồ Điệp lúng túng làm theo lời Kim Yến nói, nhưng vẫn không tránh khỏi ngượng ngượng. Con nhỏ này đang định "xúi vô" đây chắc? Nàng quay lại nhướng mắt, liếc Kim Yến một cái thiệt dài! Con nhỏ che miệng cười khúc khích!

Hai bên lối đi đầy cỏ dại. Lẫn lộn trong những đám tranh xanh mướt như đám mạ, những cụm cải trời trổ nhiều bông lấm tấm, vàng vàng. Thuốc cứu nữa, mọc rải rác khắp mọi nơi. Đặc biệt, gần khóm chuối nước, có cây "bông sò lẻ bạn" trông như một bụi dứa, một ngọn thơm với những lá xanh xanh pha sắc tím hồng. Từng nách lá bên dưới nhú ra những "bông sò lẻ bạn" dẹp dẹp, tròn tròn, tím ngắt một màu với những vòi nhụy trắng nõn bên trong. Hồ Điệp nhận ra những cánh hoa này vì có lần, ở dưới quê, nàng đã chạy sang hàng xóm xin về cho má nàng chưng với đường phèn làm thuốc ho cho con nít uống. Không có mùi gì hết nhưng đắng lắm, nàng có nếm thử cho biết. Thông thường những loại cây quý như vậy người ta trồng trong chậu, chăm sóc cẩn thận như trồng kiểng, vậy mà ở đây con nhỏ Kim Yến trồng lang bang chi địa ở dưới đất mới là lạ? Nàng định hỏi cho rõ nguyên do nhưng coi bộ hơi trễ rồi vì con đường mòn đã dẫn tới cây cầu dừa bắt ngang mương nước. Tiếng của Hiếu từ phía bên kia bờ vọng lại:

- Có cần anh nắm tay, dắt qua cho chắc ăn không?

Hồ Điệp hết hồn, giãy nãy:

- Thôi đi, khỏi, khỏi... anh Hiếu ơi! Điệp đi một mình được mà! Nắm tay nắm chưn nhau dễ bị té chung một cái... đùng xuống mương lắm!

Hiếu cười vang, đề nghị thêm:

- Hay là lột guốc ra, đi chưn không cho vững!

- Ý kiến hay đó!

Một tay xách guốc một tay không, Hồ Điệp nghe lời Hiếu làm theo. Chàng ngó nàng chập chững bước từng bước qua cây cầu dừa trơn trợt. Giờ đây, không phải chỉ riêng gót, mà cả bàn chưn, đâu đâu cũng đỏ như son hết, Hiếu ngắm nhìn sướng mắt. Một, hai, ba, bốn... cuối cùng rồi Hồ Điệp cũng vịn vào tay Hiếu ở bước chót. Hai mắt chạm nhau, hai luồng nhiệt huyết chạy vội về tim. Người đâu đứng đó làm chi, tay trong tay biết có duyên gì hay không, Hồ Điệp khòm lưng bỏ guốc xuống đất, rút tay về, nói khẽ tiếng "cám ơn." Hiếu ngẩn ngơ che dấu nỗi nao nao, xao xuyến trong lòng, quay mặt bước đi. Hướng về cây xoài tượng lớn với nhiều trái xanh to, treo lòng thòng. Hiếu tưởng chừng như cái dáng dấp mảnh mai của Hồ Điệp trong chiếc áo bà ba tim tím đang đi phía sau mình kia rồi sẽ khắc ghi mãi trong tâm tư chàng một hình bóng khó quên. Hồ Điệp cũng vậy, nàng bỗng thấy mến Hiếu, mến vẻ thư sinh nho nhã, hiền lành mộc mạc, nửa chợ nửa quê của chàng. Trong hân hoan, buông mình chìm đắm vào những giây phút thần tiên không thiếu vắng đam mê, Hồ Điệp nửa mừng vui nửa ước mơ, nhủ thầm:

Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Chàng như xoài tượng,
Thiếp như nước mắm đường,
Đẹp đôi!

 

NGUYỄN TẤN HƯNG