Anh Chàng Khờ Và Cô Bé

An Di

 

Trong cuộc đời làm học trò có lẽ lúc hồi lộp nhất là lúc nhận lại bài kiểm tra và biết rằng mình đã thành công hay thất bại. Cô bé đang ở trong tâm trạng đó. Trái tim cô đã đập loạn xạ khi thầy giáo tuyên bố rằng trong lớp có một học sinh được trọn vẹn số điểm mặc dù đây là một bài thi khá khó. Và trái tim cô cũng xuýt nữa ngưng đập khi nhìn thấy con số 98% đỏ chót nơi góc tờ giấy mang tên cô. Số điểm này có lẽ là niềm mong ước của nhiều học sinh trong lớp, nhưng đối với cô thì nó là một sự thất bại. Niềm kiêu hãnh của cô không cho phép cô chấp nhận vị trí thứ hai trong lớp, nhất là cái lớp toán dễ ợt này. Kết quả bài thi làm cho cô bực mình kinh khủng. Cô cáu kỉnh vì ngăn thang máy quá đông. Cô bực bội vì cầu thang chân chật chội đầy người lên xuống. Cô tức luôn cái anh chàng Việt Nam vô duyên đã đâm sầm vào cô khi chạy xuống cầu thang mà lại dám nói "xin lỗi nhé" bằng tiếng Việt với một người không quen biết như cô ở giữa cái đất Mỹ này. Rồi cô lại giận chính mình tại sao lại trả lời "không có chi" để anh chàng đó biết cô cũng là người Việt Nam và đắc ý rằng hắn không bị lầm.

Cũng may trời hôm nay thật đẹp. Khó mà kếm được một ngày nắng ấm như vậy ở thành phố San Francisco này. Cô bé muốn tận hưởng cái thời tiết quý báu đó và cũng muốn nhờ thiên nhiên giải tỏa cái lò lửa đang ngùn ngụt cháy trong lòng cô. Gieo mình xuống bãi cỏ xanh mướt bên hông Science Hall trước mặt cafeteria, cô bé chậm rãi nhâm nhi bữa ăn sáng, nghe tâm hồn dần dần dịu lại. Nhưng chưa được năm phút thì một giọng nói cất lên sau lưng cô:

- Hello, xin lỗi nhé vì hồi nãy bị trễ giờ làm nên…

Bắt gặp nét mặt lạnh lùng và ánh mắt không mấy thiện cảm của cô bé, anh chàng khựng lại, bỏ dở câu nói và lẩm bẩm với chính mình: "Rõ ràng là người Việt Nam mà, hồi nãy cô bé trả lời không có chi mà. Vả lại cái họ Nguyễn của cô bé toàn là mùi nước mắm Phú Quốc không hà." Thế này thì quá quắt lắm rồi! đến tên họ người ta mà cũng dám đem ra so sánh với… Cô bé lườm cho hắn một cái sắc như dao, đứng dậy phủi quần đi một nước.

Lúc đầu, cô bé rất ghét cái anh chàng Việt Nam vô duyên đã đụng phải cô trên cầu thang. Nhưng sau khi biết được anh chàng ấy học chung lớp toán với cô, và chịu khó chú ý lúc thầy giáo điểm danh để biết tên cô, thì cô rất là hài lòng. Hơn thế nữa, anh chàng lại biết vuốt ve niềm kiêu hãnh của cô khi đề nghị cô kèm giùm môn toán. Cái anh chàng nhìn mặït mày sáng sủa mà nhiều khi khờ khạo lạ. Có những chỗ, cô bé thấy thật là đơn giản và dễ hiểu mà anh chàng cứ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi ngớ ngẩn: "Tại sao?" "Tại sao không?" Nhiều lúc cô bé phát bực mình, nhưng nghĩ cho cùng những câu hỏi ngớ ngẩn ấy đôi lúc cũng hữu ích vì nó bắt cô phải suy nghĩ kỹ hơn, chín chắn hơn mỗi khi tìm câu trả lời.

Hôm nay cô bé có vẻ thích thú lắm vì cô đã được điểm tối đa trong bài thi số hai. Mặc dù còn có một học sinh khác có cùng số điểm với cô, nhưng cô cũng rất hài lòng với vị trí số một tạm thời, vì biết đâu người được điểm tối đa lần này và lần trước không phải là một. Có lẽ anh chàng học trò của cô bé làm bài cũng được lắm vì hắn trông vui vẻ ra mặt. Tất nhiên rồi, thầy giỏi thì trò phải giỏi chứ. Để chúc mừng, anh chàng mời cô bé đi ăn trưa ngày hôm ấy.

- Có định họïc ngành gì chưa? - Anh chàng hỏi.

- Bác sĩ đó.

- Cô bé mà cũng thích làm nàng tiên áo trắng đem sự sống đến cho mọi người sao?

- Không đến nỗi lãng mạn như vậy đâu, chỉ nghe người ta nói học y là khó nhất và sau này lại kiếm được nhiều tiền nữa, nên thích vậy thôi.

- Chỉ có vậy thôi à?

- Chứ sao nữa? Cái gì khó là có mình mà, chỉ thích làm những gì mà người khác ít làm được thôi. Còn anh học gì?

- Xây dựng.

- Tại sao không học kiến trúc sư nghe oai hơn?

- Oai để làm gì?

- Vậy chứ anh học để làm gì?

- Nói ra thì có vẻ lãng mạn mơ mộng một chút, anh muốn… nếu có dịp sẽ về Việt Nam xây một cây cầu qua bắc Mỹ Thuận.

- Cái gì cơ?

- Xây cầu cho bắc Mỹ Thuận, cô bé có biết bắc Mỹ Thuậïn không đó? Chỗ đó lúc nào cũng phải dùng phà để qua lại thật bất tiện và mất thì giờ. Nếu mà có được cây cầu nối liền đồng bằng sông Cửu Long và trung tâm thương mại Sài Gòn, thì tưởng tượng xem nền kinh tế của Việt Nam mình sẽ tiến triển tới mức nào. Bảo đảm sẽ đứng đầu Đông Nam Á về sản phẩm nông nghiệp đó!

- Anh lý tưởng quá - Cô bé cười - Thiệt chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện về Việt Nam hết. Mà về để làm gì chứ?

- Cô bé nghĩ vậy thôi chứ bác sĩ học tại Mỹ như cô bé người dân Việt cần lắm đó.

Cô bé lại mỉm cười. Cái anh chàng thật là ngớ ngẩn. Thời buổi này ai học ra bác sĩ cũng là để kiếm được thật nhiều tiền mà thôi, chuyện "lương y như từ mẫu" có lẽ chỉ còn trong chuyện cổ tích. Lạị còn nghĩ đến chuyện về Việt Nam nữa chứ. Theo cô bé thì chỉ có những người không đủ khả năng kiếm việc làm ở cái đất Mỹ này mới phải về Việt Nam sinh sống mà thôi.

***

Khóa mùa hè trôi qua thật là nhanh, mới đó mà đã vào tuần final rồi. Cô bé rất bực mình vì mấy hôm nay anh chàng học trò của cô bé không chịu đến học chung nữa. Gần thi rồi mà lười, thật là hư quá. Cô bé ngồi học một mình mà chưa bao giờ lại cảm thấy nhớ những câu hỏi ngớ ngẩn của anh chàng khờ đến là thế.

***

Hôm nay là ngày thi mà anh chàng vẫn không xuất hiện. Cả lớp chỉ có mỗi mình anh ta là bỏ thi mà thôi. Cô bé nghĩ bụng, chắc anh chàng lẩn thẩn này theo không nổi đã withdraw từ lâu rồi. Hắn chỉ giả bộ tới học với cô bé để tán tỉnh mà thôi. Thật là tức chết đi được!

***

Trường hôm nay vắng ơi là vắng vì hầu hết các lớp đã thi xong. Cô bé chậm rãi leo lên lầu bảy của Batmale Hall để xem kết quả thi của lớp toán. Cô bé rất hồi hộp vì cảm thấy mình bài không được hoàn chỉnh lắm. Thật là lạ, hình như cô bé không thể nào suy nghĩ chín chắn và sâu sắc nếu như không có những câu hỏi ngớ ngẩn của anh chàng học trò khờ khạo. Đúng như sự dự đoán của cô bé, bài thi final của cô chỉ được 98% thôi. Nhưng lạ lùng thay, cô vẫn là người có số điểm cao nhất lớp. Thế còn cái tên luôn được 100% đâu mất tiêu rồi? Trí tò mò thúc đẩy cô bé dò dọc theo bảng danh sách để kiếm xem những con số 100 khác nằm ở đâu. Để tiện cho học trò kiểm soát số điểm của mình, thầy giáo của cô bé có in đầy đủ số điểm của tất cả những bài kiểm trước đó. Đây rồi, bên cạnh một con số social security xa lạ là một hàng bốn con số 100, nhưng ở cột cuối cùng lại là một gạch ngang, tức là tên đó bỏ thi. Bỏ thi? Trong lớp chỉ có một người bỏ thi mà thôi… đó là…

Cô bé thật là bực mình. Người gì đâu mà khờ quá, điểm cao như vậy mà bỏ thi để bị con F. Không biết có cái đầu để làm gì mà chẳng chịu suy nghĩ gì cả? Đi ngang qua Student Union, cô bé giật mình khi thấy có nhiều học sinh Việt Nam tập trung tại đó. Mà lạ một cái là tất cả đều mặc đồ trắng hoặc đen cứ y như là đi đám tang không bằng. Tò mò, cô bé bước vào xem họ đang làm gì. Từ trước tới giờ cô bé không thích chơi với Việt Nam mấy, nên hầu như không có ai biết cô bé cũng là người Việt Nam. Chợt có ai đó nhắc đến tên anh chàng khờ của cô bé. Cô vội ngồi xuống chiếc bàn nhỏ ở trong góc vờ như đang đợi bạn nhưng thật sự cô bé muốn nghe xem chuyện gì đã xảy ra với anh chàng. Cô bàng hoàng khi biết được hầu hết học sinh Việt Nam trong trường đều tập trung ở đây để đi dự đám tang ba của anh chàng. Ông mắc bệnh ung thư gan từ khi còn ở trong trại tù cải tạo, nhưng vì ở Việt Nam không có đủ phương tiện y tế và cũng có lẽ vì không có bác sĩ đủ khả năng nên đã không phát hiện được bệnh khi còn ở trong thời kỳ tiềm ẩn. Mãi tới gần đây, khi bệnh đã phát rồi thì đã quá muộn. Mọi người còn nói rằng vì anh chàng là con trai lớn trong gia đình nên sẽ phải bỏ học để nhận một việc làm toàn thời gian vào buổi sáng và một việc bán thời gian vào buổi tối. Anh chàng phải chịu khó như vậy vì không muốn các em của chàng cũng phải bỏ học. Cô bé rất muốn được đóng góp một chút gì cho anh chàng và nhất là được đi theo các bạn đến phúng điếu người đã khuất, nhưng lại không biết mở lời như thế nào. Tất cả các bạn ở đây hình như đều là người thân của anh chàng, còn cô bé thì hình như không phải.

***

Chưa bao giờ cô bé lại buồn như ngày hôm nay. Cái anh chàng gì mà khờ khạo quá. Học chung với nhau cả một khóa hè mà không biết đường cho cô bé số điện thoại, lại cũng không biết đường hỏi số điện thoại của cô bé nữa. Bây giờ cô muốn nói một lời chia buồn cũng không thể được. Anh chàng lại khờ tới mức bỏ học để đi làm. Tại sao không lấy quyền anh cả mà bắt mấy đứa em cùng chia sẻ gánh nặng của gia đình? Bỏ học rồi thì làm sao mà thực hiện được giấc mơ xây cầu qua bắc Mỹ Thuận chứ. Khờ ơi là khờ! Cô bé chợït thấy má mình nong nóng. Lần đầu tiên trong cuộc đời, trên khóe mắt cô bé đọng những giọt lệ khóc cho một người khác chứ không phải những giọt nước mắt cá sấu để nhõng nhẽo bố mẹ.

Hình như có cái gì đang thay đổi trong tâm hồn cô bé. Cô bắt đầu suy nghĩ về hình ảnh nàng tiên áo trắng mà anh chàng đã từng ví von. Rồi chợt nhận ra rằng những ý tưởng của anh chàng khờ khạo cũng không đến nỗi ngớ ngẩn lắm. Sống ở trên đời đôi lúc cũng nên "khờ" một chút thì phải.

8/95
An Di