Biển Đêm

Lê Việt Điểu

 

Vừa đặt chân ra ngoài cửa, Việt Đăng suýt nữa đã thối lui, một luồng gió lạnh quất thẳng vào mặt làm chàng rùng mình. Chàng khựng vài giây, bên cạnh đó Dehlia nhún nhẩy đôi chân trên đôi giày cao gót, miệng huýt sáo một điệu nhạc Nam Mỹ sống động trữ tình, nàng vẫn còn đang sống trong những giòng nhạc Salsa tình tứ. Đã qua nửa đêm. Thành phố biên giới đang còn thức, người và xe nườm nượp ngược xuôi. Bên kia đường, tiệm ăn Ý Đại Lợi nhộn nhịp, những người hầu bàn tất tả đi lại. Việt Đăng nghe bụng reo lên nho nhỏ. "Qua bên kia kiê'm ca'i gi` ăn đi." Chàng bỗng mĩm cười, hồi chiều nay trước khi đồng ý đi nghe nhạc, cả ba người Dehlia, Việt Đăng và Đào đã ghé Sài Gòn Restaurant trên University Ave làm một bụng lobster no kềnh....trong bữa ăn Việt Đăng đã ngốn 4 chai Buds và một dĩa tôm hùm cọng thêm vài con tôm lăn bột và một tô canh chua cá Bông Lau. Ngồi nhìn chàng ăn, Dehlia cười nói với Đào "Mình phải đưa anh Việt Đăng đi buffet mới khỏi lỗ. Hôm nay coi như anh Đào xui nghen" Chấm dứt bằng một chuỗi cười trong trẻo dòn tan, Dehlia nhìn Việt Đăng hóm hỉnh tiếp "Người ta nói gầy thầy ăn...đúng thiệt đó há anh? Mà ngộ há anh Đào...ăn quá chời ăn mà sao vẫn ốm nhom hả?"

 

 

Việt Đăng mặt đỏ rần, máu dồn lên đôi má, không phải chàng mắc cở mà bởi vì bụng có chứa mấy chai bia, chưa kể trước đó tại nhà hàng Mì Xủi Cảo gần xa lộ 15, chàng đã ngốn hết một xâu. Vừa nhai miếng tôm hùm xối bơ béo ngậy thơm lừng, Việt Đăng vừa nhìn trả lại ánh mắt tinh nghịch chọc ghẹo của Dehlia.

 

 

"Nhằm nhò gì em. Anh còn phải ăn nữa mới đã. Lâu lâu mới được ăn được uống, có người trả tiền, có người chở đi, khỏi lo bị ticket thì tại sao hổng hưởng phước hả. Đi đâu mà tìm?" Chấm dứt câu nói bằng một tràng cười thoải mái, Việt Đăng nhìn thẳng vào đôi mắt đen lay láy tròn vo như hai hạt nhãn, lóng lánh ánh tinh nghịch của Dehlia, chàng nheo một bên mắt. Dehlia không nao núng, nàng nhìn trả lại, môi nàng nhếch lên để lộ hai hàm răng trắng đều thẳng tắp...giọng nàng như hơi thở:

 

 

"Anh Đào coi nè. Anh Việt đá lông nheo em kìa..."

Đào hiền lành cười góp. Việt Đăng nhìn Đào, chàng thương cho bạn mình. Đào là một kỷ sư điện toán, rất hiền, giữa đám đông ít nói và chỉ biết cười cho nên đến bây giờ-quá tuổi nhi lập- bạn chàng vẫn cô đơn trong căn nhà rộng thênh thang. Nhưng hôm nay thì khác:

 

 

"Ơ...ơ anh Việt Đăng mà đã chịu ăn thì Dehlia khỏi lo. Ảnh tận tình lắm, ảnh có tâm hồn ăn uống mà...Anh chỉ sợ ảnh chê thì mới buồn. Còn cái chuyện đá lông nheo thì hai người biết với nhau, tui không tham dự đâu."

 

 

Việt Đăng nhìn bạn chàng và mĩm cười.

"Hôm nay Đào biết nói chơi hả. Ừa hai người về phe mí nhau đi chọc tui...ừa ừa...để rồi coi."

 

 

Việt Đăng tiếp tục mút ngón tay dính đầy những miếng tôm hùm...Vừa nhai, vừa tợp những ngụm bia lạnh một cách ngon lành. Dehlia ngồi bên cạnh tiếp tục gắp thức ăn bỏ vào chén cho chàng. Nàng ngồi nhìn chàng mà thèm. Khi hai người gặp nhau trên mạng lưới thông tin toàn cầu, hai người đã biết nhau, đã "quảng cáo" về những đức tính của nhau. Nàng đã biết chàng là người ăn uống thoải mái, và nàng cũng đã từng quảng cáo "người có tâm hồn ăn uống" nhưng hôm nay ngồi nhìn chàng ăn mà nàng phát thèm. Dù sao thì "nữ thực như miêu", nàng đành chào thua. Vừa ăn chàng vừa kể những về những chuyến du lịch chàng đã tham dự, những thành phố chàng đã đặt chân tới.

 

 

Chàng kể về thành phố đầu tiên chàng có mặt-Singabore-thủ đô của một quốc gia. Singabore nằm ở cuối doi đất thuộc vùng Đông Nam Á, gần Mã Lai. Thành phố được công nhận là thành phố sạch nhứt thế giới. Thành phố gần ba triệu dân, sạch sẽ như chùi, những xa lộ vòng trong vòng ngoài thành phố mới xây dựng vài năm trở lại. Những con đường dẫn về khu thương mại Woodland không tìm thấy rác dù chỉ là một mẫu thuốc lá. Sắc dân chính là người Tàu. Chàng kể về Thái Lan với những đền đài bằng vàng, những mái cong cổ kính, những vũ công có những thân hình mềm và nhuyễn như cọng bún trong các vũ điệu dân tộc. Lễ tắm nước của dân tộc Thái. Những giòng sông quanh thành phố Bangkok, con sông Cữu Long....Khi nhắc đến Cữu Long, giọng Việt Đăng chùng hẵn xuống, khàn đục. Chàng ngừng nhai, dựa thẳng lưng vào ghế, mắt nhìn vào khoảng không trước mặt. Deblia không hiểu có chuyện gì, nàng vỗ nhẹ vai chàng.

"Anh mệt rồi hả? Sao đang kể ngon lành anh dừng bất tử không chớp đèn gì hết trơn, hết trọi?'

Việt Đăng không nói gì, chàng nhìn thật sâu vào đôi mắt đen lay láy đang mở lớn ngạc nhiên nhìn chàng.

"Ừa, anh không chớp đèn là tại sao em biết không?"

Dehlia vẫn nhí nhảnh reo vui:

"Thì anh chơi xấu muốn em đi lạc dzị mờ."

 

 

Việt Đăng xoay người ngồi đối diện Dehlia. Người con gái đang ngồi trước mặt chàng trong cái áo vest màu đen, mái tóc dài quá lưng óng mượt. Nàng thơ ngây, nhí nhảnh, trong sáng, vầng trán thẳng, đôi mắt, miệng cười...Tất cả tươi mát đầy sức sống.

 

 

"Em không biết cuối giòng Cửu Long là đồng bằng miền Tây Nam Kỳ. Nơi đó có nhà em, có nhà anh, có nhà anh Đào...và có rất nhiều nhà của bạn bè, thân nhân, đồng hương hiện đang lưu lạc khắp năm châu. Không biết chúng ta mắc cái nạn gì, trong khi các dân tộc khác lân cận ngày càng giàu có, đời sống ấm no...nhìn lại nước mình, anh không thể nào chịu nổi. Anh thấy chúng mình bất nhẩn, tàn bạo, vô tình. Anh feel guity...Anh biết em còn quá trẻ khi ra đi khỏi nước, kỉ niệm em chưa có nhiều nên em dễ quên. Như anh đây mà có lúc còn quên hà huống gì là em. Từ đầu bữa ăn, anh ăn ngon lành, uống thoải mái...mà thôi..chúng ta đi chơi đâu đi. Anh không muốn làm mất cuộc vui của chúng ta đêm nay. Khi nào có cơ hội anh sẽ trở lại chuyện này."

 

 

Đào gọi người bồi bàn tính tiền. Khi cả ba đứng lên, Đào và Dehlia mới nhận ra trong tay Việt Đăng mang theo những thức ăn còn thừa trong bữa tối.

 

 

"Không phải anh hà tiện. Người bản xứ cũng vậy mà. Anh không muốn bỏ thức ăn thừa trên bàn để vào thùng rác. Anh không biết mình đúng hay không đúng. Ngày mới đặt chân đến đây, thấy mấy người bảo trợ lấy thức ăn dư về nhà, anh đã cười thầm trong bụng. Nhưng em ạ, tất cả những gì chúng ta có được hôm nay không phải tự dưng mà có. Em phải làm việc và em được trả công. Không có gì xấu hết nếu chúng ta ăn không hết và chúng ta mang về nhà. Thực tế là như vậy. Ngoài ra, chúng ta sẽ có lỗi khi chúng ta thừa mứa, trong khi đó hàng triệu trẻ con Việt Nam đói nghèo, thiếu ăn, suy dinh dưỡng...

Anh không phải là nhà đạo đức, là nhà tu hành hay nhà làm chính trị...anh chỉ bất nhẫn và khó chịu khi nghĩ đến quê hương."

 

 

Giọng Dehlia mất trong trẻo nhí nhảnh.

"Em không dám nói đúng sai. Em không biết nhiều...em thiệt tình là không biết....em xin lỗi đã chọc anh."

Việt Đăng trở lại giọng cười bình thường.

"Bây giờ cho anh hút một điếu thuốc nha. Anh cũng xin lỗi đã làm em và Đào mất vui vì những ý nghĩ vớ vẩn. Có mợ thì chợ cũng đông, không mợ thì chợ cũng chẳng bỏ không bữa nào." Ai cần mình lo đâu. Anh khéo lo con bò trắng răng."

Dehlia chưa chịu bỏ cuộc.

"Không vô ích đâu anh ơi. Hổng có mấy người hay lo 'vớ vẩn' như anh thì tụi em làm sao mà biết quê hương mình có cái gì hay cái gì đẹp hả anh? Đâu anh kể cho em nghe anh có kỉ niệm nào đẹp bên nhà đâu nè."

"Thôi em ạ. Cái gì qua hãy để cho nó qua. Quá khứ là bài học cho chúng ta. Chúng ta chỉ nên nhìn nó để mà biết biết, chớ nó đã qua rồi. Như khi lái xe em nhìn kiếng chiếu hậu vậy đó. Nhìn lui về quá khứ là để đi tới chớ không phải dze lui."

 

 

Tiếng cười trong sáng nhanh chóng trở về với Dehlia, nàng quay sang tài xế Đào.

"Còn anh sao từ chiều tới giờ im ru bà rù dzị. Hổng chịu tham dự gì hết trơn à."

Đào nhả những ngụm khói ra ngoài cửa xe.

"Biết gì đâu mà nói, nghe hai người nói là được rồi."

Dehlia không chịu.

"Anh ăn gian quá à, khôn héng, đợi tụi nầy nói ra rồi cười đó hả?"

 

 

Việt Đăng ngã người ra sau, dang hai tay gát lên thành ghế. Bên ngoài cửa kính những giọt mưa đập nhẹ vào khung kính vỡ tan thành bụi nước bay bay. Thành phố chìm trong màn mưa đục. Những con đường thưa thớt người đi. Chắc là khuya lắm rồi hoặc trời sắp sáng. Những ngọn đèn đường vàng vọt, những con đường ngoằn ngoèo lên đồi xuống dốc. Mưa không nặng hạt, nhưng màn mưa làm thành phố chợt buồn và nặng trịch. Trong gió có mang mùi ngai ngái rong rêu, mằn mặn của muối.

"Biển gần đây phải không em?"

"Ừa anh. Biển bên tay trái của chúng ta đó. €! Hay là chúng ta dạo biển nha anh?"

Không đợi mọi người trả lời, Dehlia đã "ra lịnh" cho tài xế:

"Anh qua lên trái đi...qua đó và vô exit..anh biết đường ra biển không. €, ra bến tàu được rồi, giờ này ngoài biển lạnh lắm."

 

 

Đào đổi sang lối đi bên tay trái, chàng cho xe đánh một vòng chữ C trở vô thành phố. Con đường rợp bóng cây, những lùm cây vào ban đêm như ngững con voi phủ phục bên lề. Việt Đăng vẫn trong thế nửa ngồi nửa nằm trên chiếc băng sau, văng vẳng có tiếng nhạc từ chiếc chiếc loa sau lưng, Việt Đăng ca theo nho nhỏ "Ta đi nơi nầy và nhớ nơi kia, ta lên non cao ta về biển rộng, thương nhau trăm năm chỉ còn giấc mộng...và biết nơi đâu là chốn quê nhà...Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy..cuộc đời biển dâu một đời khổ lụy...chẳng biết nơi đâu là chốn đi về..." Việt Đăng sửa lời ca của bản nhạc...Chàng thiếp đi trong nỗi nhớ khôn cùng. Chàng trở về những ngày còn ở Sài Gòn, cùng Bùi Chí Vinh, Thùy Dương Tử đám bạn giang hồ lang thang đêm Sài Gòn nửa khuya, đi để nghe tiếng bước chân mình vang vọng đơn côi trên đường vắng, đi để biết Sài Gòn sau năm 75 có những con người ngủ vĩa hè, ngủ lăn lộn trong đống rác, giấc ngủ mê mệt sau một ngày lê lết ăn xin. Những người ngủ chung với chuột, những con chuột cống tróc lông, xấu xí lục lọi bị cói của kẻ ăn mày; những con chuột đói tìm không có gì ăn được đã không ngần ngại cắn vô chân những người thất thế. Trong thời gian này Việt Đăng đã nghe lần đầu tiên tiếng ca Bùi Chí Vinh sang sảng giữa đêm khuya "Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà" Chàng đã cười, cười ra nước mắt. Trong cơn chếnh choáng ngước nhìn bầu trời đêm, giữa con đuờng Trương Ming Giảng, Việt Đăng thật sự không biết "nơi đâu là chốn quê nhà." Chàng đã bỏ lại quê hương, bỏ lại sau lưng mọi thứ để ra đi. Đêm nay, nửa đêm về sáng, cũng trong cơn choáng váng, trong thành phố biên giới, chàng đang lang thang trên chiếc xe có máy lạnh, máy nóng và nhạc phẩm đó trở về. Nhìn qua cửa kính, màn đêm chợt sáng chợt tối theo tốc độ chiếc xe và những đoạn đường đi qua. Thành phố đẫm mình dưới mưa, và chàng cũng nhìn thấy những con người co ro bên chiếc xe đẩy đi chợ với những đống đồ lỉnh kỉnh núp dưới những hàng hiên, những mái nhà. Chàng biết: Homeless-kẻ không nhà. Ở đâu làm kẻ không nhà có lẽ cũng như nhau. Riêng chàng, có một công việc làm, có một căn phòng với đủ tiện nghi tối thiểu, nhưng...Việt Đăng thở dài lẩm bẩm "Ta cũng là một kẻ không nhà. Đêm nay biết nơi đâu là chốn đi về?"

 

 

Dehlia xoay người nhìn chàng:

"Anh Việt Đã đở chưa?"

Việt Đăng cười hỏi:

"Đở gì em?"

Tiếng cười Dehlia trong trẻo:

"Thì anh say đó? Anh muốn đi tiếp không hay là đi về? Nhìn anh ngủ mà thèm"

"Oh...anh đâu có say hả em...anh đang thưởng thức trời mưa đó chớ. Anh đang thèm một điếu thuốc, nhưng có em trong xe anh không thể hút được...Hay là ngừng đâu dó chúng ta đi bộ một chút được không?"

Đào gậtđầu:

"Đào cho xe vô kia nhé. Đào đợi ở đó. Hai người muốn đi đầu thì đi. Mưa thì đẹp thiệt, nhưng cảm mưa thì không đẹp chút nào."

 

 

Cả ba cùng cười.

 

 

Đào tắt máy xe, quay cửa xuống bật diêm đốt thuốc. Việt Đăng mở cửa bước xuống lề đường, Dehlia bước ra theo.

"Đây chỉ là eo biển cho tàu đậu, bên kia là hải cảng...Anh nhìn thấy những chiếc tàu đó không...bên đó tàu Hải Quân Mỹ..."

Việt Đăng nhả ngụm khói đầu tiên, kéo cao cổ áo:

'Anh không thấy gì hết...anh chỉ thấy mưa và thấy em bên cạnh."

Trong tiếng cười, Dehlia dang tay ném một hòn sỏi xuống mặt biển:

"Anh thiệt là lãng mạn..."

Việt Đăng cười, quay mặt nhìn người con gái bên cạnh; ánh đèn đường chiếu sáng nửa khuôn mặt nàng mờ mờ trong màn đêm:

"Lãng mạn? Đa tình mới đúng chớ em...nếu em cho phép...anh muốn nói...anh muốn được yêu hết những người con gái trên quả đất này. Những người con gái Việt Nam."

 

 

Dahlia cúi mặt nhìn xuống bàn chân đang di di một mẫu giấy. Ánh mắt chàng trong đêm như có mang theo giòng điện cực mạnh, biết là chàng nói chơi, nói bởn cợt bông đùa, Dehlia vẫn có cảm giác khó chịu. Giọng chàng trầm đục vang lên mơ hồ:

"Bạn bè đặt cho em nick name Ngầu...mà anh thấy em không ngầu chút nào hết. Em giống con chim vành khuyên sợ nắng sợ gió..."

Dehlia nhìn ra xa xa:

"Ừa, làm con gái mà ngầu cái nổi gì anh." Ngừng một lúc Dehlia nhí nhảnh tiếp " Nhưng mà anh thấy em cũng ngầu chớ bộ, hổng ngầu sao biết chỗ dẫn anh đi chơi, sao dám đi với anh suốt đêm như thế nầy??"

Việt Đăng cười, búng tàn thuốc xuống biển:

"Ừa, điểm đó thì em ngầu thiệt. Nhưng sao em dám tin anh mà đi với anh?"

Dahlia ưỡn ngực:

"Chớ anh làm gì được em nè?"

Việt Đăng lắc đầu cười trừ vì thái độ trẻ con của Dahlia.

"Anh chẳng làm gì được em hết, nhưng ngầu cái kiểu này thì chỉ có lỗ mà thôi em bé của tôi ơi. Cuộc đời đâu có bằng phẳng như em nghĩ hả em. Anh nói không sai đâu. Em là con vành khuyên chưa nếm mùi đời. Bao nhiêu cạm bẩy đang giăng ra chờ em sập bẩy em biết không?"

 

 

Việt Đăng đốt thêm một điếu thuốc, chàng cất bước đi dọc theo con đường lát gạch, Dahlia sóng bước bên chàng, nhìn vào như một đôi tình nhân. Nhưng Việt Đăng biết, chàng không thể nào đeo đuổi một tình yêu vô vọng như thế nầy mãi được. Chàng phải ráng hết nghị lực để bước ra khỏi cuộc đời người con gái chàng đã yêu. Dahlia đối xử với chàng như một người anh; nàng trong trắng, vui tươi và có thể -dưới mắt chàng- rất ngây thơ. Chàng có thể có nhiều mưu ma chước quỷ để đưa nàng vào vòng tay, chàng không làm. Đối với Việt Đăng, tình yêu luôn luôn được nâng niu. Tình yêu, với chàng, là thánh khiết, là ân sủng từ Thượng Đế. Chàng có thể trải qua nhiều mối tình thơ mộng, lãng mạn, chàng có thể mê mệt đuổi theo những bóng hình, nhưng cuối cùng, tình yêu vẫn phải được trân trọng,..Tình yêu gởi ra những tín hiệu và phải được đáp ứng, nếu không thì con người không có tình yêu chân thật. Không có tình yêu chân thật loài người sẽ thua loài dã thú.

 

 

"Em biết không. Trong lúc em biểu diễn những vũ điệu cuồng nhiệt đó, anh rất lo cho em. Anh biết, em chỉ muốn được vui mà thôi, em thuần túy là nghệ thuật, em enjoy. Nhưng em đâu có biết loài sói đang vây quanh em, đang chực chờ xẻ thịt em."

 

 

Dehlia đi bên cạnh lặng im, biển đêm lấp lánh lánh, những con sóng nhỏ gợn lên mặt nước như những vẩy bạc. Đêm thật yên lành, chỉ nghe tiếng gió lùa qua những ống khói tàu kêu u u; len lỏi qua những hàng cây xào xạc. Con mưa đã dứt từ lâu, mặt trăng thượng tuần vàng vọt, buồn thảm treo lơ lững giữa trời đêm. Dahlia bỗng dưng nghe thấm thía một nỗi buồn. Qua những giây phút cuồng loạn, nàng trở về với con người đích thực cô đơn hàng ngày. Nàng đang có một tình yêu, nàng đang yêu và được yêu. Tương lai sáng lạng đang chờ nàng trước mặt khi người yêu của nàng tốt nghiệp. Hai người sẽ lấy nhau, sẽ có những đứa con kháu khỉnh, có một căn nhà, chồng đi làm, vợ đi làm, cuối tuần đi thăm bạn bè, cha mẹ hai bên....Tất cả sẽ trôi qua trong bình yên như mọi gia đình người Mỹ bản xứ bình thường, hay những gia đình Việt Nam may mắn khác trong thành phố. Nhưng không. Tự đâu đó trong tận cùng vô thức, có tiếng kêu tha thiết, như thúc giục, như mời gọi...Dehlia không định hình đó là cái gì, nhưng rất thôi thúc gọi mời. Những thôi thúc dằn vặt khi nàng đang ăn một tô phở nóng, lúc nàng đang nằm phơi nắng trên bãi biển, khi nàng nhìn thấy những hình ảnh trên truyền hình. Nàng thấy gần gủi Việt Đăng hơn trong suy nghĩ. Những câu hát không đầu đuôi, sai lời, trật nhịp là tâm sự của nàng "Biết nơi đâu là chốn quê nhà" câu hỏi từ trong đi ra. Câu hỏi không âm thanh, không tiếng động...Nằm trên ánh mắt ba, ẩn hiện trong nụ cười của má, của những lá thư ông bà nội, bà ngoại. Dahlia dấu tiếng thở dài.

"Ngày mai anh về rồi, buồn không em?"

Dahlia không trả lời. Nàng đếm từ viên gạch dưới chân. Nàng nghe tiếng vô thanh thì thào từ bờ đá. Nàng không trả lời " Anh còn có chỗ để về sao anh? Thế ra anh cũng có một chỗ để về."

Lê Việt Điểu