VÀI KỶ NIỆM VỚI DUY TRÁC

Phạm Anh Dũng

 

CD-NhoSaiGon.jpg (144770 bytes)

(hình Duy Trác trong CD Nhớ Sài Gòn - Tình Khúc Phạm Anh Dũng)

 

Duy Trác thuộc vào thế hệ đàn anh của tôi, độ hơn một thập niên.

Ngày xưa và mãi đến lúc gần đây, mỗi lần nghĩ đến Duy Trác, tôi có những cảm nghĩ lẫn lộn về anh, vừa gần gũi và vừa xa vắng.

Giọng hát Duy Trác, tiếng hát tuyệt vời, bất diệt qua mấy thế hệ, đã đi vào lòng người từ bao nhiêu lâu, qua hàng trăm bản nhạc tình ca Việt Nam tuyệt diệu. Có thể nói trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, ít ra theo ý riêng tôi, anh là người hát tình ca nhiều nhất và hay nhất.

Hàng chục năm, hầu như ngày nào tôi cũng nghe Duy Trác hát, không qua những chương trình đài phát thanh như Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn, thì cũng qua rất nhiều băng nhạc phổ biến trước 1975 và còn được lưu lại mãi đến thời gian dài về sau.

Nghe Duy Trác hát mãi thành có cảm giác rất gần gũi, rất quen thuộc, cái cảm giác không rõ rệt và rồi một lúc nào đó chợt nhận thấy như vậy.

Không giống như các ca sĩ Việt Nam nổi tiếng khác xuất hiện thường xuyên trên sân khấu hay đài truyền hình, Duy Trác không trình diễn trước khán giả cho mãi đến lúc gần đây sau khi anh đã định cư ở Hoa Kỳ. Hình như ngày xưa khi mới nổi tiếng, anh cũng có hát ở những Đại Nhạc Hội do Học Sinh Sinh Viên tổ chức. Nhưng từ ngày thế hệ tôi mới lớn, bắt đầu thích và biết nghe nhạc, không bao giờ thấy hình dáng của "Chàng Ca Sĩ Cấm Cung", tên của nhà văn Duyên Anh đặt cho Duy Trác.

Thành ra mỗi lần nghe Duy Trác hát, tôi cũng có cảm giác vừa gần gũi vừa xa vắng.

Duy Trác là một người thật đặc biệt, vừa là ca sĩ hạng nhất, vừa là luật sư chuyện nghiệp, còn là ký giả và lại còn là dịch giả nữa.

Tôi còn nhớ một chiều thu nắng nhẹ. Ngày đó đang học đệ ngũ hay đệ tứ trường trung học. Ba bốn đứa hứng tình rủ nhau "cúp cua" bỏ học, vào ngồi ở sân quán cà phê Thu Hương ở Tân Định, góc đường Hai Bà Trưng và Hiền Vương. Ngồi nhìn những giọt cà phê phin đen lóng lánh nhỏ xuống, vừa nghe nhạc qua máy phát thanh, vừa chuyện trò. Tình cờ, tất cả cùng tự nhiên yên lặng sửng sốt lắng nghe tiếng hát của một nam ca sĩ trình bày một bản nhạc thật hay:

Sao không thấy em lại
Để cùng anh thẩn thơ
Trước sân trăng vòi vọi
Để rồi cùng ước mơ
Nhưng chưa thấy em lại
Hàng dừa nghiêng thương nhớ
Và khúc ân tình biết đưa về đâu...
(Thuở Ban Đầu / nhạc và lời Phạm Đình Chương)

Tiếng hát sao mà truyền cảm, đầm ấm, tha thiết, nồng nàn, ân cần.... Thời gian như muốn ngừng lại trong giây phút đó. Bản nhạc chấm dứt, mấy đứa ngơ ngác nhìn nhau!

Đó là kỷ niệm lần đầu tiên nghe Duy Trác hát. Kể từ đó tôi say mê giọng hát này, và kể từ đó tôi đi tìm nghe cho bằng được những bài Duy Trác hát.

Duy Trác hát thật hay, không chỉ những loại nhạc đòi hỏi kỹ thuật trình diễn của người hát và trình độ thưởng thức của người nghe như Nguyệt Cầm (thơ Xuân Diệu, nhạc Cung Tiến), Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng, nhạc Phạm Đình Chương), Đường Em Đi (nhạc và lời Phạm Duy)... mà ngay cả những bản nhạc giản dị, nhậy cảm như Người Em Nhỏ (thơ Thiệu Giang, nhạc Nguyễn Hiền), Tôi Sẽ Đưa Em Về (nhạc và lời Y Vân), Áo Lụa Hà Đông (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên)... Duy Trác cũng làm người nghe rung động một cách kỳ lạ.

Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai với Duy Trác là ngày đã định cư ở Hoa Kỳ khá lâu, bất ngờ đọc một tờ báo tiếng Việt thấy tin anh đã qua đời, tôi đã lặng người đi một lúc khá lâu. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác xót xa, nhạt nhòa của mình, tưởng như vừa mất đi một cái gì quý giá nhất trong đời. Dĩ nhiên, về sau, tôi được biết đó là một tin không đúng sự thật.

Mùa Thu năm 1992, anh Duy Trác đến được Hoa Kỳ và ở Houston, Texas. To^i nghĩ sau 17 năm cực khổ kể cả 6 năm trong các trại cải tạo và 4 năm lao tù, anh không còn giọng hát ngày xưa. Nhưng tôi đã lầm. Thật không còn gì hạnh phúc hơn được nghe lại tiếng hát Duy Trác, không có gì khác ngày trước, qua một băng nhạc anh gửi đến:

Tôi đã gặp em bỡ ngỡ tình cờ
Đôi mắt ngây thơ đến từ thành phố
Ngục tù tăm tối nói với cuộc đời:
"Sài Gòn có vui, Sài Gòn có vui ?"
Em ngước mắt nhìn tôi cúi đầu nói nhỏ:
"Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ
Thành phố đớn đau vẫn còn nhắn nhủ
Sài Gòn chỉ vui khi các anh về"...
(Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về / nhạc và lời Duy Trác)

Những bài hát do chính anh sáng tác Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về, Ở Lại, Trả Lời Thư Em, Còn Tiếng Hát Gửi Người, Hãy Mời Tôi Bạn Nhé, Tình Khúc Áo Dài, Muôn Trùng Có Nhớ... theo ý tôi đã diễn tả hoàn toàn được nỗi đắng cay, "loay hoay", gần như có thể nói là tuyệt vọng của những người còn ở lại Việt Nam sau cơn bão đen tối tháng Tư 1975, mà tôi chưa thấy nhạc sĩ nào ghi lại được như vậy.

Gặp anh Duy Trác ở California, cảm động vì lần đầu trong đời gặp anh. Đưa anh đi phòng thu thanh hát:

Tôi xa người, như xa núi sông
Em bên kia suối?- Bên kia rừng
Em bên kia nắng?- Bên kia gió
Tôi một giòng: sương lên mênh mông
Tôi xa người, như xa biển Đông
Chiều dâng lênh láng, chiều giăng hàng
Những cây ghi dấu ngày em đến
Đã chết từ đêm mưa không sang...
(Tôi Xa Người / thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Anh Dũng)

 

Tôi Xa Người
thơ Du Tử Lê
nhạc Phạm Anh Dũng
Duy Trác trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

 

Gọi Mùa Thu Mơ
nhạc và lời Phạm Anh Dũng
Duy Trác trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

 

Đưa Người Về Phương Đông
thơ Cung Vũ
nhạc Phạm Anh Dũng
Duy Trác trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

 

Và vẫn tiếng hát ngày xưa, vẫn truyền cảm, đầm ấm, tha thiết, nồng nàn, ân cần...

 

Phạm Anh Dũng
1993
Santa Maria, California USA