TÂN NHẠC

Nhạc Tính trong Thơ

Thơ phổ Nhạc

 

Lê Văn Thành

 

LTS: Sau loạt bài về "Vọng Cổ: Một chút lý thuyết căn bản và thực hành", viết về sáu câu Vọng Cổ Nam Phần (giọng kép), đây là bài mở đầu cho một một loạt bài khác mà tác giả, DS Lê Văn Thành, đã cho biết chỉ là "Đóng góp khiêm tốn mở đầu cho Trang Tân Nhạc" nói về Nhạc Tính trong Thơ và cấu trúc tiêu biểu của một số bài thơ phổ nhạc. Xin nói thêm là loạt bài Vọng Cổ nói trên đã được thực hiện thành một webpage trên www.phausa.org (Website của Hội Dược-Sĩ VN tại Hoa Kỳ), trang Văn Học Nghệ Thuật.

Trong việc sáng tác một bài nhạc, người nhạc sĩ phải làm hai công việc chính. Đó là tìm và viết ra điệu nhạc (melody) và lời ca (lyric) .

Do đó nếu thơ là lời ca thì chúng ta đã đi được nửa đoạn đường sáng tác. Nhưng cũng vì lời ca đã có sẵn nên chúng ta lại bị gò bó trong khuôn khổ đó phần nào. Nếu người làm nhạc thiếu kiến thức về hoà âm (harmony) và nghệ thuật chuyển âm giai (modulation) trong trường hợp này dễ đưa đến đơn điệu (monotony), có thể gây ra nhàm chán.

Nhạc tính trong thơ được đề cập trong phần dẫn nhập này cũng vì lý do đó.

• Ngoài ra phần này sẽ cho chúng ta thấy tổng quát về dạng (form), cấu trúc (structure) và mô thức (pattern) của một số bài thơ phổ nhạc đương thời.

• Cho chúng ta thấy đặc tính lặp đi lặp lại của âm điệu rất cần thiết cho nhạc mà không cần thiết trong thơ. Những âm và thanh vang vọng trong thơ nhưng rất khó nghe trong nhạc (âm khó đọc và thanh hỏi, ngã, nặng ở cuối câu).

• Cho chúng ta thấy những bài thơ phổ nhạc thành công hầu như tận cùng ở phần cuối câu là vần bằng và không dấu.

Sau bài dẫn nhập này chúng tôi sẽ cố gắng viết tiếp các phần tới, sẽ nói sâu hơn về kỷ thuật âm nhạc và lời ca, cũng như sẽ phân tích một số bài nhạc đã có sẵn. Trong thời gian đó chúng tôi cũng sẽ tu chính, bổ sung và cập nhật hoá những bài viết với các ý kiến thu thập được, để cuối cùng cho lên website như loạt bài Vọng Cổ vừa qua.

NHẠC TÍNH TRONG THƠ và THƠ PHỔ NHẠC

A) THƠ:

Thơ luôn chứa trong nó một thứ nhạc tính riêng. Nhạc tính phong phú hay nghèo nàn thuờng tùy thuộc vào ÂM và THANH giàu hay nghèo.

Thơ khác với lời nhạc về âm điệu và cấu trúc. Thơ tự nó có thể đã là lời nhạc, nhưng lời nhạc không nhất thiết phải có cấu trúc của thơ và có những lời nhạc rất là thơ như nhạc tiền chiến và Trịnh-công-Sơn.

1. ÂM:

• Âm giàu (dễ phát âm) như : a, i, an, v...v...

• Âm nghèo (khó phát âm) như: oe, uơ, uyn v...v...

• Thử lấy nốt SOL làm căn bản ta sẽ thấy chữ MA đuợc phát âm như sau:

 

Graphic1.gif (46132 bytes)

 

2. THANH: Có 6 thanh: Ngang, Huyền, Sắc, Nặng, Hỏi, Ngã.

• Thanh bằng : gồm có thanh ngang (không dấu) và thanh huyền (\), thuờng để diễn tả sự nhẹ nhàng, mênh mang, bao la...

• Thanh trắc : gồm có sắc (/), hỏi (?), ngã (~), nặng (.), thuờng để diễn tả sự linh động, sắc bén, chất ngất, thống thiết, bi thảm... (xem graphic 2)

 

Graphic2.jpg (12541 bytes)

 

• Trong những bài nhạc thành công, nổi tiếng ta thấy phần lớn chữ ở cuối câu thuờng là THANH BẰNG (không dấu và dấu huyền), đôi khi dấu sắc.

• Những âm có dấu nặng (.), dấu hỏi (?) và dấu ngã (~) ở CUỐI CÂU thuờng cho ta cảm giác guợng ép nếu nhạc sĩ không có kinh nghiệm. Và đôi khi ở đầu câu cũng cho cảm giác như vậy.

Ví dụ: Trong "Khúc Thụy Du"

(thơ Du-tử Lê - Anh Bằng phổ nhạc).

Chữ "TẠI SAO..." đuợc thay bằng "VÌ SAO tay anh lạnh, môi nóng, thân run, chân không vững". Chữ VÌ dễ phát âm hơn chữ TẠI.

 

B) NHẠC TÍNH VÀ NHẠC ĐIỆU:

Thơ, tự nó đã có ít nhiều nhạc tính, do đó phần nhạc điệu (melody) tùy tài năng của mỗi nhạc-sĩ sẽ có những giòng nhạc khác nhau.

1. Sóng (waves) trong nhạc và thơ :

Thơ cũng như nhạc, sở dĩ nó tác động, gợi cảm là nhờ giọng thơ, nhạc điệu lên xuống như những đợt sóng.

Sau khi lên tới cao điểm giòng nhạc sẽ đuợc cân bằng bởi giọng xuống thấp.

Ví dụ với một âm vực bình thuờng ta sẽ thấy: (xem GRAPHIC 3)

 

Graphic3.jpg (9044 bytes)

 

2. Sự lặp lại (repetition) RẤT QUAN TRỌNG trong âm nhạc nhưng không cần thiết trong thơ, tại sao ?

• Tại vì thơ có thể đọc chậm lại và chúng ta có thời gian để suy ngẩm

• Với nhạc thì khác, khi chúng ta chưa kịp suy nghĩ thì melody đã đi xa rồi. Do đó lời ca phải giản dị nhưng thấm thía, gợi cảm, rõ ràng, dễ đọc, dễ ngân.

• Melody đuợc lặp lại là vì trí nhớ của con nguời chỉ giữ lại đuợc những gì còn in dấu trong óc của chúng ta mà thôi.

• Melody cũng đuợc lặp lại là vì ta vẫn thích nghe lại những gì chúng ta thích, chúng ta thấy hay. Dĩ nhiên sự lặp lại này phải tránh sự nhàm chán (monotony) tùy kiến thức và thiên khiếu của mỗi nhạc sĩ. Thuờng thì cùng một âm điệu đuợc lặp lại với lời ca khác nhau, hoặc thay đổi âm điệu (cao hoặc thấp hơn), thay đổi nhịp điệu (nhanh hoặc chậm hơn), héo dài (extension) hoặc rút ngắn (truncation) câu nhạc v.v...

• Sự lặp lại một âm điệu cũng cho ta thấy ngay bài nhạc có một mô thức (pattern), một dạng (motive-form, contour) rõ rệt, nghe qua một hai câu là thấy ngay và chúng ta cũng có thể âm ư đuợc vài chữ hoặc vài câu sau đó...

Ví dụ 1:

-Thà như giọt mưa / vỗ trên tượng đá

-Thà như giọt mưa / khô trên tượng đá... v.v...

Ví dụ 2: Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves) thơ của Jacques Prevert, Joseph Kosma phổ nhạc

Chúng ta thấy từng cặp 3 notes lặp đi lặp lại, tạo một sắc thái đặc biệt cho bài nhạc nổi tiếng này:

-Mi Fa# Sol / Mi Fa# Sol ...

-Fa# Sol La / Fa# Sol La...

-Si Do Re / Si Do Re ...

Ví dụ 3: vài khúc Nhạc Cổ Điển Tây Phương. (Xem hình: Thí dụ về sóng và sự lặp lại sau đây)

 

Graphic4.gif (128894 bytes)

 

3. Bố cục của một bài nhạc phổ thơ:

• Dù nhạc tính của bài thơ rất hay, nhưng bài nhạc không có bố cục, thì cũng như một bài văn không có chấm câu, một cuộc đàm thoại không có chủ đề, chả ai hiểu mình muốn nói gì !

• Dạng đơn giản và dễ thành công nhất là:

A - B - Á

- Phần A và Á (verses): melody của phần Á có thể LẶP LẠI y-nguyên phần A (recapitulation), hoặc là có biến đổi (modified).

- Phần B (chorus): chúng ta thuờng gọi là ĐIỆP KHÚC là phần tuơng phản (contrast ) với A & Á.

- Nếu một bài thơ quá dài hoặc quá ngắn, nhạc sĩ cũng có thể cắt xén những chữ không cần thiết, sắp xếp để có một bố cục rõ rệt.

C) VÍ DỤ NHỮNG DẠNG BỐ CỤC khác nhau của những bài thơ phổ nhạc nổi tiếng:

1. Ngậm ngùi (Huy Cận - Phạm Duy)

Dạng: A - B - Á

A: "Nắng chia..... anh hầu quạt đây" 8 truờng canh (measures).

B: "Lòng anh..... ngủ đi em, ngủ đi em" 12 truờng canh.

Á: "Ngủ đi..... mấy mùa buồn đau" 8 truờng canh

+ 4 truờng canh để dứt: "Tay anh em hãy..... trái sầu rụng rơi").

2. CHIỀU (Hồ Dzếnh - Duơng Thiệu Tuớc).

Dạng: A - B1-B2 -Á

A: "Trên đuờng về..... vang trong mây" 8 truờng canh.

B (16 truờng canh):

gồm B1: "Chim rừng..... chiều nay" 8 truờng canh.

và B2: "Tôi là..... bay lên cây" 8 truờng canh.

Á: LẶP LẠI y nguyên phần A 8 truờng canh.

3. Qua cầu gió bay (Dân ca - Phạm Duy).

Dạng: A - B

A: "Yêu nhau cởi nón..... A à a á a" 7 truờng canh.

B: "Rằng a ối a..... tình tình tình gió bay" 9 truờng canh.

Tổng cộng 16 trường canh.

4. Tiếng thu (Lưu trọng Lư - Phạm-Duy).

Dạng: A - Á

A: "Em không nghe..... trong lòng nguời cô phụ" (12 truờng canh).

Á:"Em không nghe..... trên lá vàng khô" (12 truờng canh).

(Á chỉ là câu nhạc A đuợc LẶP LẠI với 1 chút thay đổi ).

5. Lệ đá (Hà huyền Chi - Trần Trịnh ).

Dạng: A - A1 - B - A1

(thuờng hay đuợc xữ dụng nhiều nhất cho nhạc sáng tác hoặc phổ thơ)

A: 8 Truờng canh + A1 ( A biến đổi) 8 truờng canh.

B: 8 Truờng canh

A1: LẶP LẠI y-nguyên như phần đầu 8 trường canh.

***NHẬN XÉT:

-Những đoạn hoặc bài nhạc nêu trên có 8, 12, 16 trường canh đều là bội số (multiple) của 4. Đó là "câu chẳn" (even phrase) và sẽ được bàn tới trong phần kỹ thuật trong các bài tới.

-Những dạng cấu trúc này thường làm cho bài nhạc sáng sủa, rõ ràng, dễ nhớ và dễ thành công hơn.

-Nhưng xin đừng nghĩ rằng đó là "quy luật" về cách phổ nhạc một bài thơ. Vì có nhiều cách khác nhau. Ví dụ: Có những bài nhạc phổ thơ viết bằng những câu lẻ (uneven phrase) nhưng cân bằng về cấu trúc (balanced structure) vẫn sáng sủa, rõ ràng, dễ nhớ...

-Trong thực tế thơ phức tạp hơn nhiều: Số câu và số chữ đôi khi không đồng đều và những đoạn thơ dài ngắn khác nhau, nhịp điệu khác nhau thì nhạc sĩ sẽ vất vả hơn:

• Hoặc thay đổi thơ, đó là chuyện bất đắc dĩ.

• Hoặc chấp nhận những đoạn nhạc khác nhau, ví dụ như dạng A-B-C-DK v...v... Và đây cũng là điều đáng tiếc vì âm nhạc, như đã giải thích bên trên, cần sự lặp lại.

• Nhạc sĩ sẽ bị dày vò về vấn đề CÂN PHUƠNG! Vì CHIỀU DÀI của các đoạn nhạc (số trường canh của mỗi câu) có thể sẽ không giống nhau, SỐ CÂU của mỗi đoạn cũng không bằng nhau.

Bài viết này có thể còn nhiều thiếu sót, xin quí bạn góp ý để chúng tôi bổ sung thêm.

Đa tạ

 

Lê Văn Thành (Thu 2002)

 

***** Tài liệu tham khảo :

-Sáng tác thơ (Khải Minh Mtl).

-Sáng tác nhạc ( Phan-văn-Hưng Australia ).

-Fundamentals of musical composition ( A. Schoenberg ).

-The guitarist's harmony (R.Lilienfeld & B. Cimino ).

-Analyse musicale & Manuel d'harmonie (Editions de l' école Vincent-D'Indy -Montréal-Québec-Canada)