BỎ BÊ CON CÁI ?

Phạm Chinh Đông

 

           Sau bảy năm chết lên chết xuống trong nhà tù, cuối cùng Huy được thả về từ Bắc Việt. Năm đó, Huy đã ngoài bốn mươi tuổi. Đám con ngày cha đi vừa mới lớn. Ngày cha về, có đứa đang độ tuổi trầu cau.

          Đúng một năm sau, vợ chồng Huy sinh thêm một cậu bé, đặt tên là Út Ráng. Vì đã có một đứa út rồi, Út Nhi, thành ra bé út này đúng là ráng hết cỡ mới có. Rủi thay, Út Ráng lại là một đứa bé dị tật bẩm sinh. Tay chân mắt mũi đàng hoàng nhưng nói năng không được, trí óc khù khờ. Dị tật bẩm sinh này, người miền quê gọi là "người hành tinh", có nơi gọi là "người Mông Cổ". Ở Việt Nam mình, loại dị tật ấy khá phổ biến. Riêng ở xã Long Vĩnh, tỉnh Trà Vinh, đã có hai đứa. Ở Mỹ, cũng không ít. Vài trường có riêng một lớp đặc biệt dạy cho những đứa trẻ bất hạnh đó. Có một điều lạ, dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, "người hành tinh" vẻ mặt đều na ná giống nhau với đôi mắt chùm bụp, một mí như "người Mông Cổ"(?).

        Vợ chồng nhà Huy buồn khổ lắm nhưng không biết làm sao. Chỉ âm thầm trách mình kiếp trước chắc đã gieo hạt dữ. Và chỉ biết van vái, cầu nguyện cho con mau lớn, khỏe mạnh, thế thôi.

        Gia đình Huy đến Mỹ định cư lúc Út Ráng được 7 tuổi. Vẫn không nói được và vẫn lờ khờ như mọi khi. Tuy thế, vợ chồng Huy và hai đứa con lớn đều cưng quý Út Ráng vô cùng. Được bạn bè chỉ dẫn, Huy xin cho con đi học lớp "buddy" gì đó. Nói ra chắc không nên nhưng phải nói, Út Ráng học cho yên chí vậy thôi, chẳng kết quả gì nhiều. Dù sao, vợ chồng Huy cũng có đôi lúc vui vẻ khi thằng bé nguệch ngoạc được vài chữ. Đến nay, Út Ráng đã 16 nhưng dáng vóc chẳng khác gì một thằng bé tuổi mười.

        Có người lẫn thẫn nghĩ đến tuổi thọ cao của giống "người Mông Cổ" vì 15, 16 mà nhỏ xíu thế kia thì phải sống tới trăm tuổi mới vừa! Cao đâu chưa biết, chỉ thấy mấy bữa rày, Út Ráng tự nhiên bỏ ăn, hai con mắt chỏm lơ. Có người lại thì thào với nhau rằng chắc “ông tổ” đang rước về! Hỏi gì thằng bé cũng không nói (biết nói đâu mà nói?), chỉ khóc thút thít tối ngày. Huy cuống cuồng đưa con đi khám bịnh ở bác sĩ gia đình. Con đau đã là chuyện khổ mà những chuyện khác càng khổ hơn. Qua đây với số tuổi về già, Huy tiếng Mỹ chỉ loanh quanh mấy chữ gút mo ninh, thanh kiu vé ri mớt, xe cộ thì không dám lái, chỉ trông nhờ ở hai đứa con lớn, đứa gái, đứa trai, đang đi làm. Hôm nào anh chị không thể bỏ việc hãng thì phải đành gọi taxi. Như hôm nay.

       Bác sĩ gia đình là người Việt Nam, sĩ quan quân y thời đó, di tản qua Mỹ từ năm đầu mất nước, học lại một thời gian rồi lấy được bằng bác sĩ. Không biết tay nghề và đạo đức của ông thầy thuốc này như thế nào mà cũng lắm người mỉa mai. Có một bà bị lao hạch đã điều trị dứt ở Việt Nam, bây giờ cảm thấy những dấu hiệu của bịnh cũ trở lại bèn xin bác sĩ cho khám. Không dè, ông bác sĩ đáng kính mắng bà một trận :

       -Chị đừng có nói ẩu! Chỉ có lao phổi, lao xương, lao da chớ hạch gì mà lao! Tui chưa nghe cái bịnh đó bao giờ. Chị chỉ có dấu hiệu bị đau tim mà thôi.

       Cũng không dè, bà bịnh nhân quá dữ. Bả lồng lộn la toáng lên làm nhộn nhịp cả căn phòng khám bệnh đầy những người chờ.

       -Bác sĩ cũng đừng có nói ẩu! Hồ sơ y khoa của tui còn để ở nhà và vết mổ nạo mủ cái hạch bị lao còn ở háng tui đây. Bác sĩ muốn coi không?

       Một lát, bà bịnh nhân trở ra, mặt mày hầm hầm, nói với một ông quen :

      -Anh nhớ con mẹ Mai không? Người ta bịnh gần chết xin giới thiệu đi nhà thương vậy mà "cha" lần nào cũng nói "không có sao đâu, uống thuốc từ từ sẽ hết". Đến hồi nặng quá, chở vô ê mẹc rân xi rồi bỏ xác ở trỏng. Có ai làm gì thằng chả đâu?

       Rồi bà nhìn mọi người và nói, không biết nói với ai :

       -Còn tui, "cha" nói là bị bịnh tim. Trời! Tui mà bịnh tim! Bịnh tim mà nhức cái hạch, nóng lạnh muốn chết đây nè! Tui nhất định xin đổi bác sĩ liền chuyến này. Nếu không, chắc chết yểu với chả quá!

       Nói xong một hơi, hả dạ, bà bịnh nhân mở cửa về liền. Mọi người lao xao, bán tín bán nghi.

       Có điều khó hiểu là chẳng mấy ai bỏ tay này mặc dù đổi chọn bác sĩ gia đình là một quyền luật định. Ai cũng có những lý do riêng của mình. Huy cũng thế. Hai năm trước còn ở gần, bây giờ đã dọn nhà đến nơi khác xa hơn nửa giờ xe vậy mà Huy vẫn quyết làm người khách bịnh trung thành! Đầu đuôi chắc cũng tại tiếng Anh, tiếng u không có nên có sao xài vậy cho êm. Quanh đây toàn là bác sĩ Mỹ. Bác sĩ người Việt lơ thơ vài người, ở rất xa nhau.

       Huy ôm con vào phòng mạch. Vợ Huy theo sau, lo lắng, bơ phờ. Bác sĩ khám một chặp, lắc đầu :

       -Chịu! Để tui đưa giấy giới thiệu đi nhà thương cho họ khám.

       Vợ chồng đành đưa con về. Thằng con lớn ấm a, ấm ớ gọi nhà thương lấy hẹn cho em và xin nhà trường cho nghỉ học vài bữa. Tiếng Mỹ của cả hai đứa lớn cũng chẳng ra gì. Qua Mỹ trong lứa tuổi lỡ cỡ, hình như đa số đều như vậy.

       Một tuần sau, đến ngày hẹn. Út Ráng mềm như bún, nằm thở phì phì vì mệt. Vợ chồng Huy cũng thở không ra hơi vì lo. Bác sĩ nhà thương lăng xăng tận tình khám, thử đủ thứ. Rút cuộc, mọi thứ đều tốt, kết luận chẳng có bịnh gì! Cho về nhà với một mớ thuốc bổ. Út Ráng vẫn bỏ ăn, nằm liệt. Vợ chồng Huy cũng hết biết phải làm sao, nằm chịu, đêm ngày than vắn thở dài. Cứ nói với nhau, "giá như ở đây có bác sĩ tư, mình đưa nó đi khám cho đỡ tức"!

       Nhà trường lại gọi đòi phải có giấy chứng nhận của bác sĩ mới cho Út Ráng nghỉ. Mấy bữa rày buồn lo quá sức, Huy muốn bịnh trong mình, mặt mày hốc hác, râu ria lởm chởm  nhưng cũng phải lặn lội xuống  phòng mạch. Tay bác sĩ gia đình nói :

       -Không có bịnh gì làm sao mà chứng?

       Huy đành về tay không. Hôm sau nhà trường lại gọi. Hai đứa lớn vắng nhà. Huy ấm ớ một hồi thì đầu dây bên kia cúp ngang. Vợ chồng đang thắc mắc, đoán già đoán non thì chuông điện thoại lại reo. Huy vội cầm nghe. Tiếng một người đàn bà nói tiếng Việt Nam:

       -Tôi là nhân viên Sở Bảo Vệ Thiếu Nhi. Nhà trường của con anh mới nhờ tôi nói với anh về chuyện thằng bé. Sao ? Thằng bé hiện giờ thế nào ?

       Giọng nói đầy vẻ hách dịch, kẻ cả. Huy rất bực mình nhưng phải nén lòng trình bày mọi sự. Chị nhân viên nào đó nói như hét :

       -Không bịnh sao được! Bỏ ăn cả mươi ngày mà không bịnh! Anh đừng có chối quanh!

       -Ủa, tui nói con tui không bịnh hồi nào ? Bác sĩ gia đình rồi nhà thương, họ nói như thế.

       -Họ nói thì kệ họ. Con anh, anh phải lo cho đàng hoàng.

       -Đi khám hai chặp rồi, đàng hoàng là sao? Đi khám ở đâu bây giờ ? Ai giới thiệu cho mà đi?

       -Tôi không biết. Ngay bây giờ, tôi bắt buộc anh phải gọi 911 cho thằng bé vào nhà thương liền. Tôi lập lại, ngay bây giờ, sau khi nói xong với tôi. Tôi sẽ báo cho nhà trường của thằng bé cùng liên lạc với cảnh sát để thu xếp người thông dịch. Yêu cầu anh làm ngay đi. Nếu không, anh sẽ bị ra tòa vì tội bỏ bê con cái, cảnh sát sẽ còng đầu anh đấy !

       Huy choáng váng như mới bị đánh một đòn chí tử. "Còng đầu anh đấy". Trời ơi, tại sao ở một xứ văn minh bậc nhất trên hành tinh này, có người mang tiếng học thức lại nhẫn tâm nói với nhau những lời nặng nề đến thế! Đau lòng hơn hết, người ấy lại chính là đồng bào, đồng hương của mình, cùng một giòng Lạc Hồng máu đỏ, da vàng, một quê hương nghèo đói, điêu tàn Việt Nam!

        Buộc lòng, Huy gọi 911. Một lát sau, xe cứu thương hú còi chạy tới. Một y tá người Việt đi theo thông dịch. Không giống như chị nhân viên nào đó qua điện thoại, hắn có vẻ rất lễ độ :

        -Thưa bác, trường học báo cáo đầy đủ rồi. Vậy ta cho em đi ngay nhé.

       Út Ráng được đặt vào băng ca và đẩy vào xe. Trong ánh mắt lờ đờ, nó không dấu được vẻ thích thú với những món lạ.

       Lần này, đến nhà thương khác, Huy chẳng biết ở chỗ nào. Khám đến trưa, nhà thương, theo yêu cầu, báo kết quả về trường học: "không có bịnh gì, chỉ kiệt sức vì thiếu ăn". Và cũng theo yêu cầu của nhà trường, ngay lúc đó, xe cứu thương của một nhà thương khác lại đến đưa Út Ráng về khám nữa. Út Ráng lại khoái chí được đẩy lên xe.

      Ở nhà thương này, kết quả y chang như những nhà thương vừa rồi. Cũng "không có bịnh gì". Cuối cùng, Huy được phép đưa con về nhà. Nhà thương nhờ y tá người Việt dặn dò :

      -Bác cố gắng cho em uống thuốc đủ liều. Thuốc bổ đấy. Em nó mất sức lắm rồi. Nếu có gì không ổn, bác nhớ gọi ngay 911.

      Huy nhìn con, lòng đau như xé. Còn không ổn gì nữa! Rõ ràng đã không ổn kể từ ngày thằng bé bắt đầu bỏ ăn. Nhưng biết làm sao đây? Đem đi đâu bây giờ? Thôi thì đành chờ cảnh sát đến “còng đầu” về tội bỏ bê con cái. Vậy thôi !      

                                                                  

 Phạm Chinh Đông