Chuyến đi lưu diễn tại Na Uy
24 tháng 4 - 19 tháng 5 2004

Trần Quang Hải (Paris, Pháp)

 

Hội Rikskonsertene là một hội chuyên tổ chức những buổi trình diễn đủ các loại nhạc tại các trường tiểu , trung học ở Na Uy . Bạch Yến và tôi được mời sang năm nay từ 24 tháng 4 tới 19 tháng 5, 2004 để diễn tất cả là 35 buổi chỉ tại thành phố Bergen và vùng phụ cận .

 

Limeil Brévannes thứ bảy 24 tháng 4, 2004

Mỗi lần đi lưu diễn là ngày trước khi lên đường là thức sáng đêm để thu xếp hành lý, quần áo, nhạc khí và một vài món quà cho bạn bè . Lần này đi gần 4 tuần nên phải mang theo quần áo nhiều hơn mọi khi , nhưng phải lựa sao cho đừng quá 20 ký mỗi người vì đi máy bay không được mang theo nhiều ký . Do đó khi soạn quần áo mang theo có khi mất cả mấy tiếng đồng hồ vì không biết phải làm sao cho vừa đủ quần áo mà không nặng quá mà cũng đừng phải thiếu áo quần phải thay đổi trong vòng gần bốn tuần .

Lối 5 giờ sáng chúng tôi đã thức dậy sau khi ngủ chỉ hai tiếng đồng hồ thôi .

7giờ 30 chúng tôi nhờ ông hàng xóm , ông Jean Fuchs, đưa chúng tôi ra phi trường Charles de Gaulle 1 để lấy máy bay hãng SAS của Thụy Điển .

Tới phi trường lúc 8giờ 50, với 3 va - li , một thùng đựng đàn tranh, một thùng đựng đàn cò, hai máy vi tính vì cả hai cần dùng máy để làm việc những khi rảnh rang .

Sau khi gởi xong hành lý , chúng tôi đi uống cà phê vì hãy còn sớm . Máy bay cất cánh lúc 11giờ 10 . Chúng tôi đi ra cổng số 7, ghé mua thuốc hút và dầu thơm ở tiệm bán miễn thuế (duty free) .

10giờ 40 lên máy bay ngồi hàng ghế số 4 E và F cạnh cửa sổ .

Hôm nay máy bay cất cánh đúng giờ . Chúng tôi đuợc cho ăn với món thịt bò và khoai tây, bánh mì , và một khúc chocolat , uống rượu đỏ và một chai rượu cognac loại nhỏ . Có uống cà phê hay trà tùy người .

Tới 13giờ 30 máy bay đáp xuống phi trường Gardenmauen ở Oslo .

Chúng tôi lấy hành lý ra , đi ngang qua hải quan không có xét gì hết . Đi ra ngoài lại phải đứng làm đuôi để gởi hành lý đi Bergen (cách Oslo khoảng 600 km). Mất 30 phút mới gởi xong , chỉ đủ thì giờ đi sang đường quốc nội cổng 16 phải đi bộ cả mấy trăm thước là leo lên máy bay khác để đi Bergen .

14giờ 55 máy bay cất cánh và chỉ 50 phút sau là tới Bergen , cựu thủ đô của xứ Na Uy . Vua Olav Kyrre, vua xứ Na Uy từ năm 1067 tới 1093, là người sáng lập thành phố Bergen . Và Bergen trở thành thủ đô Na Uy từ 1300 cho tới 600 năm sau nhờ thương cảng quan trọng nhất xứ Na Uy . Ngày nay thành phố Bergen được nới rộng tới 465 m2, với dân số 230.000 người, đứng thứ nhì về dân số tại Na Uy.

Chúng tôi nhớ lần chót tới Bergen là vào khoảng năm 1985 . Tính ra cũng 19 năm mới trở lại đây . Nghe nói là tại thành phố Bergen có khoảng hơn 1500 người Việt cư ngụ . Trong số người Việt có vài bạn quen của chúng tôi như các nhạc sĩ Trần Văn Nho, Phạm Phú Minh , vv... anh Trần Văn Đức có hhợp tác với Trần Văn Nho và chi hội Người Việt Tự Do tổ chức cho chúng tôi một chương trình giới thiệu nhạc Việt năm 1985 tại Grieg Hallen .

Ra đón chúng tôi tại phi trường có cô Ida Friis của hội Rikskonsertene để đưa chúng tôi về khách sạn Comfort Hotel Holberg ở ngay trung tâm thành phố .

Phòng của Bạch Yến ở khu không hút thuốc số 612. Phòng tôi ở khu hút thuốc số 440 . Phòng đầy đủ tiện nghi (Truyền hình, tủ lạnh, giường rộng , phòng tắm , bàn viết , điện thoại . Giá tiền phòng là 900 kroners (khoảng 120 Mỹ kim một ngày) . Có khoảng 140 khách sạn như loại này trên toàn xứ Na Uy thuộc ba loại : Comfort , Quality và Clarion . Khách sạn ở trên đường Strandgatan 190, 5817 Bergen .Gồm có 7 tầng lầu và 145 phòng .Tầng thứ 7 có sauna, tắm Thỗ nhĩ kỳ .

19giờ chúng tôi ăn cơm tối tại khách sạn . Ăn khá ngon, với gần 20 món tùy ý lựa (loại buffet) . Có sữa tươi, nước cam, nước táo, cà phê, trà. Thức ăn có súp tô-mát rau làm theo kiểu Tàu, các loại rau tươi như cà tô - mát, dưa leo, cải tàu, bắp, cá ngâm cà chua, cá un khói, các loại mứt, nhiều loại bánh mì .

Ăn xong chúng tôi đi nghe một chương trình biểu diễn giọng hát loại jazz, techno ở tại nhà văn hóa (Kulturhuset) do nhóm nghệ sĩ Les Grandes Gueules từ Pháp sang .

Chúng tôi được mời , ngồi hàng đầu . Chương trình bắt đầu lúc 22 giờ . Hơn 1 giờ hát đủ loại không cần phải có nhạc khí đệm . Chỉ với 6 giọng hát (4 nữ 2 nam) mà đủ sức thu hút hàng trăm khán giả ngồi đầy phòng với những tràn pháo tay rất nồng hậu để tán thưởng nhóm Les Grandes Gueules có một trình độ nghệ thuật điêu luyện .

23giờ 15 chúng tôi đi bộ ra về , trong lòng vui sướng vì đã được thưởng thức một chương trình đặc sắc ngoại hạng .

Đây là khu nhà xưa , với những con đường nhỏ ngoằn ngoèo lót bằng đá cục như thời trung cổ, lên xuống , chỉ có đi bộ là thuận tiện thôi . Tình cờ chúng tôi đi vào những con đường nhỏ này vì bị lạc đường , chưa biết đường nào phải đi về khách sạn , cho nên cứ đi lung tung . Khi nào nghi ngờ thì kiếm người hỏi đường. Đi cả gần 1 giờ mới tìm được khách sạn . Đó là kỷ niệm đầu tiên ở Bergen .

Chúng tôi đi làm việc , nhưng khi rảnh thì đi nghe người khác trình diễn để biết thêm những truyền thống nhạc trên thế giới để học hỏi thêm .

 

Bergen chủ nhật 25 tháng 4, 2004

Có lẽ tại chưa quen chỗ hay sao mà mới 6 giờ sáng đã thức dậy . Vẫn còn buồn ngủ nhưng không ngủ được . Nghĩ tới chuyện đi tắm sauna . Thế là tôi đi lên lầu 7 tắm sauna cho khỏe trước khi ăn lót lòng .

8giờ 20 ăn sáng gồm : sữa, nước cam, cornflakes với sữa tươi, một trứng gà « la coque », các loại cá có ngâm sốt tô - mát , trái cây gồm nho, cam, dưa hấu, kiwi, khóm .

9giờ trở về phòng viết nhựt ký . Hôm nay vẫn chưa bắt đầu trình diễn nên có nhiều thì giờ rảnh hơn để viết về chuyến đi lưu diễn này .

10giờ30 Nho có gọi điện thoại , nói chuyện thật lâu về âm nhạc . Hẹn gặp nhau trong tuần trước buổi diễn tại trường âm nhạc Grieg Akademia, phòng Gunnar Saevigs Sal .

12giờ 30 đi ra phố mua pizza, bún xào rau, 3 trái pomme và một chai nước suối . Trả 86 kroners . Về phòng ăn với vợ .

13giơ ø , Ida tới khách sạn đưa tiền ăn cho chuyến đi diễn : 10.000 Kr cho 24 ngày.

15giờ đi tắm sauna một lần nữa trước khi gặp Katu để xem phim video . Ida tới 16giờ30 để cùng đi ăn tối với nhau .

Chiều nay đi ăn cơm chung tại nhà hàng Thái và Nhật , rất nhỏ tên là SIAM TOKYO, nedre Korskirkealm 11, 5017 Bergen . Chỉ có 18 chỗ ngồi. Thực đơn cũng ít món nhưng thức ăn hậu và rất ngon . Tôi ăn món tôm xào tỏi, vị đậm đà . Uống bia Hansa (địa phương) .

20giờ 10 trở về phòng xem truyền hình tuồng James Bond với Pierce Brosnan đóng . Quỳnh Loan gọi thăm từ Oslo nói chuyện thật lâu . Lúc 0giờ có Nho gọi thăm . Tôi hỏi mượn nón lá .

Đi ngủ lúc 0giờ 30

 

Bergen thứ hai 26 tháng 4, 2004

7giờ 10 thức dậy . Đi tắm sauna . Có Nho gọi điện thoại cho biết sẽ mang nón lá lại vào lúc 9 giờ sáng .

Sau đó ăn lót lòng như thường lệ .

8giờ 30 đến phòng vợ lấy đờn và hành lý diễn .

9giờ Nho đến cùng với anh Hùng cho mượn nón lá .

Sau đó Finn Kato Andersen chở chúng tôi đi lại trường Krokelde Skole ở vùng Fana, lạc đường đi gần 1 giờ mới tới nơi .

Chuẩn bị trên 1 giờ mới xong .

11giờ 35 bắt đầu buổi diễn đầu tiên , có quay vidéo làm kỷ niệm . Trường này nhỏ chỉ có 88 học sinh . Dù vậy chương trình rất thành công . Có một bà làm việc cho ngành giáo dục ở toàn địa phương Hardanger và cô Ida Friis tới dự . Học trò vỗ tay hoan nghinh lắm .

Phòng bị lạnh . Ida có mua một máy sưởi nhỏ và tặng hoa tulipes . Chúng tôi đưa giấy ký hợp đồng cho tháng 10 tới .

Sau đó chụp hình kỷ niệm và từ giã cô Ida . Cùng đi ăn cơm Tàu Tứ Xuyên cạnh tiệm cơm Thái tối hôm qua .

Về khách sạn ăn bánh waffle uống cà phê . Xong lên phòng ngủ một giấc tới 17 giờ .

Đi tắm hơi ở lầu 7 .

18 giờ đi lại Hotel Neptun để trình diễn tối nay trong chương trình đại hội liên hoan Oleblues 2004 do hội Columbi Egg của ông Gabriel Fliflet tổ chức . Ăn cơm ở Bistro Pascal món cá đủ loại với moules và nước sốt crème chung với carotte tươi (198 Kr) và một ly rượu đỏ .

Gặp anh chàng người Ba tây tên Celso Machado cùng diễn chung chương trình tối nay .

19giờ 30 Gabriel tới chào hỏi .

20giờ 15 vợ tới dự .

Đại hội liên hoan nhạc OLEBLUES 2004 kéo dài từ 23 tháng 4 tới 1 tháng 5 với trên 100 nhạc sĩ từ các nước Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc, Đức, Bỉ, Ái nhĩ lan, Tây ban nha, Ba Tây và Việt Nam . Tôi là người Việt và Á châu duy nhứt tham dự đại hội liên hoan về nhạc Jazz và tùy hứng . Từ hai năm nay , đại hội liên hoan này được xem là quan trọng nhứt ở Bergen với 17 địa điểm trình diễn .

20giờ 30 bắt đầu chương trình, khán giả tới xem nghẹt cả phòng phải thêm ghế ngoài sự dự trù của ban tổ chức. Tôi khai mạc với đàn môi, biểu diễn các loại giọng , đàn cò , muỗng, sinh tiền . Chương trình thu hút khán giả , vỗ tay hoan nghinh lắm . Sau đó nghỉ giải lao, uống bia Hansa với vợ .

Phần nhì bắt đầu với nhạc dân gian Na Uy với đàn Harding fele . Tới phần hợp ca xứ Bosnia hơi tân nhạc . Tới phiên anh Celso Machado trình diễn rất hay , đàn nhiều loại đàn và thu hút khán giả . Tôi có tùy hứng với anh Machado trong màn song tấu đàn môi và các loại đàn khác rất được ưa thích .

Có gặp một anh biết dân nhạc Na Uy, gặp tôi tại Hawaii năm 1977 ở Honolulu trong khách sạn và tôi có biểu diễn đàn môi và muỗng . 27 năm qua mà anh ấy nghe tôi diễn ở Bergen tới xem và nhắc lại buổi gặp gỡ bất ngờ đó . Mới biết quả đất tròn .

23gờ 30 về phòng viết nhựt ký .

1giờ sáng , đi ngủ

 

Bergen thứ ba 27 tháng 4, 2004

6giờ sáng thức dậy . Hôm nay phải đi diễn sớm và diễn 3 buổi . Tôi đọc báo Bergens Tidende thấy có đăng bài báo tường thuật buổi trình diễn của tôi tại Neptun Hotel và có đăng hình tôi rất to với lời khen phần trình diễn của tôi .

7giờ 30 rời khách sạn . Finn Cato lại lạc đường tới 8 giờ 30 mới tìm ra trường Ulsmag skole ở vùng Nettstun . Trường này học trò có đủ lứa tuổi . Xuất đầu tiên bắt đầu 9giờ 20 tới 10 giờ . Xuất thứ nhì từ 10giờ 15 tới 11 giờ . Sau đó đi uống cà phê ở phòng thầy giáo . Xuất thứ ba từ 11giờ 30 tới 12giờ 10 cho lớp lớn . Có hai học sinh gốc Việt . Tôi có quay phim vidéo xuất chót .

Một cô giáo dạy nhạc và ông hiệu trưởng trường có viết cảm tưởng trong quyển sổ kỷ niệm của tôi .

Trở về khách sạn lúc 13giờ 20 . Đi ăn cơm ở tiệm Yang Tse Kiang , Torvet 3, 5014 Bergen, đt 55 31 66 68. Tôi ăn tép cơm chiên , ăn ngon miệng giá 60 Kronors. Vợ ăn cá lăn bột với nước sốt chanh cũng rất ngon . Có điều là vị không giống cơm Quảng đông vì người Na Uy chưa quen mùi vị cơm Quảng .

Trời bên ngoài bắt đầu mưa lớn .

Trở về khách sạn ăn bánh waffles rồi đi tắm hơi với Finn Cato .

Tôi có gọi cho Nho và Nho ngõ ý mời chúng tôi ngày hôm sau đi ăn ở một tiệm cơm Việt . Ở Bergen có ba tiệm cơm Việt : Xích Lô, Thành Đạt và một tiêm có tên Na uy cho bảng tên tiệm (vì mua lại của người Na Uy)

18giờ tới phòng của Finn để kiểm điện thơ (email)

19giờ 45 ăn cơm tối tại khách sạn với vợ và Finn Cato . Có thịt bò vò thành viên bự. Cả ba đều chọn món này .

20 giờ 30 chia tay . Tôi đi ngủ sớm . Bạch Yến đi kiểm thơ ở phòng của Finn Cato .

Hôm nay đi ngủ sớm để lấy lại sức .

 

Bergen thứ tư 28 tháng 4, 2004

7giờ 30 đi tắm hơi Thổ nhĩ kỳ cho khỏe .

8giờ 10 ăn sáng chung với vợ và Finn

9giờ 15 rời khách sạn đi lại trường học ở tỉnh Skjold, cách Bergen chừng 20 km .

10giờ 45 bắt đầu chương trình đầu tiên cho trẻ em nhỏ từ 6 tới 9 tuổi .

12giờ chương trình thứ nhì cũng cho trẻ em thật nhỏ . Cả hai xuất đều thành công .

14giờ 10 ăn trưa tại nhà hàng Tàu China Palace . Ăn món Kom pon pot đồ biển hầm rất ngon (198 Kr) . Vợ ăn món tôm xào tỏi (178Kr) .

Ở Bergen tiệm cơm Tàu tương đối nhiều . Chỉ có tiệm China Palace là sang nhứt , cùng chung một chủ với tiệm Yang Tse Kiang (gia đình Hui có 3 tiệm tại Bergen). Cơm Tàu ở Bergen nấu theo cơm Tứ Xuyên cay và nhiều nước sốt chua ngọt sửa đổi theo khẩu vị của người Na Uy . Tiệm cơm Việt chỉ có vài tiệm thôi như tiệm Cyclo, Thành Đạt và một tiệm khác do hai cậu trẻ Việt Nam nấu cơm Tàu cho giới trẻ Na Uy, giá bán rẻ và không có trang trí theo kiểu Á châu . Tiệm bán thực phẩm Á châu có 4 tiệm Việt: Thành Cát (thành công nhất ) , Liên , Liếng Loan và Toàn nhỏ hơn nhưng cả 4 tiệm đều nằm trong trung tâm thành phố .

Cách đây 25 năm khi chúng tôi sang Bergen lần đầu không thấy tiệm cơm hay thực phẩm Việt . Giờ đây có nhiều tiệm Việt và người Na Uy bắt đầu khám phá cơm Á châu . Ngoài các tiệm cơm Tàu và Việt, còn có tiệm cơm Thái, Aán độ, Nhựt và Mông cổ . Tất cả các tiệm đều có bán thức ăn mang đi (food to go / plats à emporter ) . Cho nên người Á châu đua nhau mở tiệm khắp nơi ở Na Uy, chứ không nhất thiết tại Bergen .

15giờ 15 trở về phòng , ăn bánh waffles uống cà phê . Đi tắm hơi lúc 16giờ 15 .

17 giờ vợ chồng Nho tới khách sạn rước đi ăn tối . Vợ mệt ở nhà . Gặp Đức sau 19 năm . Ăn tối tại tiệm Việt tên là CYCLO, ở đường Olav Kyrresgate 28, 5015 Bergen, đt: 55 55 83 55 , mở cửa từ 15 giờ tới 22giờ 30 từ thứ hai tới thứ bảy . Chủ nhựt mở từ 15giờ tới 22 giờ . Nấu một số món ăn Việt . Đây là nhà hàng do một người Việt trẻ có tiệm hớt tóc DEJA VU nổi tiếng ở Bergen . Tiệm chỉ có khoảng 20 chỗ , trưng bày theo kiểu Na Uy . Khách ăn khá đông . Vợ chồng Nho và Đức đãi tôi ăn lẫu có thịt gà, tôm, thịt heo, tàu hủ, rau , nấm . Nấu rất ngon, ăn với bún . Uống bia Carlsberg. Sau đó uống cà phê phin theo kiểu Việt Nam .

Trở về phòng lúc 21 giờ . Viết nhựt ký .

 

Bergen thứ năm 29 tháng 4, 2004

7giờ sáng tôi thức dậy đi tắm hơi theo kiểu Thổ nhĩ kỳ để cho người được khỏe .

8giờ đi ăn sáng .

9giờ 15 lên xe đi lại trường Skjold. Sáng nay chúng tôi diễn hai xuất cho học trò từ lớp 4 tới lớp 7, có nghĩa là học trò từ 10 tới 13 tuổi hiểu tiếng Anh nhiều hơn cho nên dễ trình diễn hơn .

10giờ 45 diễn xuất đầu thật thành công .

12giờ 10 diễn xuất thứ nhì cũng thành công không kém . Nhà trường có báo tin cho chúng tôi biết là trong xuất này có một vài học trò hay làm ồn . Thế mà chúng tôi diễn thu hút sự chăm chú của tất cả học trò . Ngay cả những học trò thích làm ồn cũng ngồi yên , vỗ tay thích chí . Các thầy cô giáo đều ngạc nhiên . Đó là dấu hiệu của sự thành công của việc làm của chúng tôi .

Ông hiệu trưởng của trường mời chúng tôi uống cà phê và hết lòng khen ngợi tính cách sư phạm và nghệ thuật diễn làm thu hút các học trò . Diễn xong học trò bu lại xin chữ ký cả trăm đứa .

Sau đó chúng tôi đi thăm viếng ngôi nhà của nhà soạn nhạc nổi tiếng của Na Uy là Edvard GRIEG đã trở thành viện bảo tàng . Có chụp hình kỷ niệm .

Trở về khách sạn , lúc đó cũng trên 15 giờ . Chúng tôi đi với anh Finn Cato Andersen, người lo âm thanh cho chúng tôi để đi ăn cơm trưa với nhau . Hôm nay ăn cơm ở tiệm Cyclo, cơm Việt . Bạch Yến và tôi món lẫu với tôm , mực, tàu hủ và rau . Trước đó ăn món ốc (coquille Saint Jacques) (60Kr) và gỏi cuốn (60Kr) khá ngon . Món lẫu (300 Kr) rất ngon ăn với bún , no cành hông . Uống bia Carlsberg (52Kr một ly) . Ăn xong cũng hơn 17giờ 30 . Đi dạo phố, ghé lại khách sạn Radisson SAS Norge Hotel , dặn phòng ở để có thể nhìn được cuộc diễn binh ngày quốc khánh 17 tháng 5 tới . Chụp hình chung với bức tượng nhạc sĩ Ole Bull ở ngay trước khách Radisson SAS , ghé lại công trường Blue Stone Place, nơi hẹn hò ở ngay trung tâm thành phố cạnh bên khách sạn SAS . Trên đường về gặp một số học sinh mặc quần áo đặc biệt cho biết là chúng sắp học xong đệ nhị cấp và sẽ vào đại học niên khóa tới . Chúng tôi có chụp hình kỷ niệm với những cô cậu học sinh này .

Hôm nay ăn no quá nên về phòng nghỉ chứ không có đi ăn tối .

Tối lại đi tắm hơi trước khi đi ngủ . Mấy ngày qua, chúng tôi đã diễn 8 buổi tại ba trường . Nơi nào cũng được thành công , để lại trong lòng những đứa trẻ hình ảnh đẹp của nhạc Việt và của xứ Việt nam . Không có gì vui hơn bằng sự làm đẹp cho nền âm nhạc dân tộc khi đi giới thiệu văn hóa Việt nam ở hải ngoại .

 

Bergen thứ sáu 30 tháng 4, 2004

7giờ sáng tôi đi tắm hơi để lấy sức diễn 3 buổi hôm nay .

8giờ 15 lên xe đi tới tỉnh Fana, đến trường Kirkevoll . Đây là trường lớn thứ nhì ở Bergen với trên 500 học trò .

9giờ tới trường được một bà thầy Ahna Sorbo Saverud đã từng dạy nhạc trên 10 năm ở Trung quốc. Bà mặc áo Tàu để đón chúng tôi và coi bộ rất có cảm tình với người Á châu .

9giờ 45 diễn xuất đầu cho trẻ em từ lớp 1 tới lớp 4 với những đứa trẻ chừng 6 tuổi cho tới 9 tuổi .

10giờ 35 diễn xuất thứ nhì cho trẻ em từ lớp 4 tới lớp 7 . Học trò lớn hơn , hiểu tiếng Anh hơn nên dễ giải thích và chúng chăm chú theo dõi .

Sau đó trường mời chúng tôi uống trà , ăn bánh ngọt và bánh mì thịt nguội . Bà giám đốc trường có tới chào . Bà Saverud là dâu của một nhà soạn nhạc Na Uy nổi tiếng thứ nhì sau Edvard Grieg . Bà giới thiệu chúng tôi với các thầy gíáo rất trịnh trọng . Tôi biểu diễn hát đồng song thanh làm cho bà giám đốc tò mò muốn đi nghe . Bà ấy nói rất bận , có thể ở nghe chừng giây lát rồi phải có hẹn . Tôi vẫn vui vẻ mời bà đến nghe và bà muốn đi lúc nào cũng được .

11giờ 50 diễn xuất chót cho học trò lớp 4 tới lớp 7 . Xuất này học trò vỗ tay từng chập, và cuối buổi diễn toàn thể đứng dậy vỗ tay hoan nghinh . Bà giám đốc ở nghe tới cuối buổi diễn và đến chào chúng tôi khen ngợi . Các nhà giáo khác cũng tới bắt tay khen . Học trò bu xung quanh chúng tôi , lớp xin chữ ký, lớp hỏi thăm các nhạc khí , lớp tỏ lời khen . Tôi có chụp hình kỷ niệm . Đây là buổi thành công nhứt của tuần lễ đầu tiên .

Hôm nay chúng tôi ăn trưa tại tiệm cơm Tàu Sze Chuan House. Tôi chọn thực đơn với món tôm chiên mè, thịt bò sào chua ngọt và tôm hào xào với nước sốt (giá 148 Kr) .

Trở về khách sạn tôi làm bánh waffle (loại bánh kẹp Na uy) và uống cà phê .

Chiều tối tôi đi tắm hơi một lần nữa trước khi ăn cơm tối lúc 20giờ . Cả một ngày làm việc nên tối nay tôi đi ngủ sớm để còn tiếp tục ngày hôm sau .

 

Bergen thứ bảy 1 tháng 5 , 2004

Mặc dầu là ngày nghỉ, nhưng tôi có tật là hay thức sớm . Mới 6giờ sáng đã thức rồi . Tôi đi tắm sauna và tắm hơi thổ nhĩ kỳ cho tỉnh người .

7giờ 30 tôi ăn sáng rồi thay đồ đi dạo phố . Hôm nay trời nắng đẹp nhưng hãy còn lạnh lắm . Tôi đi bộ gần hai tiếng đồng hồ, xem phong cảnh thành phố, chụp một số hình làm kỷ niệm . Đi viếng khu nhà được cất vào đầy htế kỷ 20 khi người Đức tới đây buôn bán . Đó là khu nhà xưa của tỉnh Bergen .

Hôm nay là ngày lễ Lao Động nên tất cả tiệm tùng đều đóng cửa . Tôi ghé lại chợ cá mua hai khúc bánh mì tôm bán ở chợ (45 Kr) để về ăn trưa .

12 giờ Bạch Yến và tôi ăn trưa tại khách sạn vì hôm nay chúng tôi có một chương trình diễn tại âm nhạc viện Grieg Akademia do trường nhạc tổ chức phối hợp với cộng đồng người Việt do anh Trần Văn Nho đứng ra điều hành việc tổ chức . Đây cũng là dịp chúng tôi gặp người Việt taiï Bergen .

13giờ 30 Hồng, và Nho cùng đứa con trai tên Khoa tới rước để đưa lại âm nhạc viện Grieg Akademiet ở đường Lars Hillesgt 3, 5015 Bergen . Tại đây gặp anh Tom Solomon giáo sư dân tộc nhạc học của âm nhạc viện đã chờ sẵn với dàn máy âm thanh chuẩn bị xong xuôi . Sau khi thử âm thanh chỉ có hai máy vi âm chạy thôi , nhưng không sao vì phòng nhỏ chỉ chứa khoảng 100 chỗ nên không cần phải có âm thanh lớn .

Đúng 15 giờ, phòng chật cả người, phân nửa là Việt , phân nửa là Na Uy . Anh Tom Solomon giới thiệu chúng tôi và chúng tôi bước ra chào khán giả giữa tràn pháo tày rất dòn . Chúng tôi giới thiệu các bài hát dân ca ba miền, đàn cò, đàn tranh, đàn môi, sinh tiền, muỗng, hát đồng song thanh . Mỗi tiết mục đều có giải thích . Chương trình dài 75 phút đã được khán giả đứng dậy vỗ tay tán thưởng (standing ovation) khiến chúng tôi rất cảm động vì chúng tôi đã làm tròn vai trò người đi mang âm nhạc Việt đến với tất cả mọi người trên thế giới và được hưởng ứng . Sau đó , khán giả đặt nhiều câu hỏi và đứng chụp hình lưu niệm .

Rồi vợ chồng Nho đưa chúng tôi về nhà của Nho để đãi chúng tôi . Một ngôi nhà xinh xắn ngự tọa trên một nơi cao nhìn thấy cảnh trời nên thơ và trữ tình ở Soraasbrotet 18, 5235 Raadal . Nhà rộng rãi trình bày trang nhã , vào trong nhà là thấy muốn ở luôn. Có một số bạn của Nho cùng đến dự tiệc . Mỗi gia đình làm một món đặc biệt Việt Nam . Có tất cả là 12 người : vợ chồng Nho Hồng, vợ chồng Vinh Thu Hà, vợ chồng Vinh Nguyên, vợ chồng Đức Hương, anh Dương Kiền, em Phụng và vợ chồng chúng tôi . Phụng làm món gỏi tôm, Nguyên làm món chả đùm và bánh nướng, Hương làm món nem nướng,Hồng làm món súp măng tây và bánh nướng. Rượu đỏ ba bốn chai , chai nào cũng ngon . Bầu không khí rất vui nhộn . Ai cũng kể chuyện cười . Sau khi ăn xong, Nho nói vài lời cảm ơn chúng tôi đã trình bày nhạc dân tộc tại âm nhạc viện Grieg Academiet rất thành công mang lại niềm hãnh diện chung cho cộng đồng . Nho cùng các bạn đã tặng chúng tôi một tấm tranh thật đẹp do một họa sĩ nổi tiếng của Na Uy tên Audun Hetland để làm quà kỷ niệm . Bạch Yến đứng lên cám ơn tất cả các bạn và nói rằng việc làm phát huy nhạc Việt là nhiệm vụ của chúng tôi và được các bạn người Việt đứng ra tổ chức với thiện ý giới thiệu cho người Na Uy biết đến nhạc truyền thống . Đó là một hành động rất đáng được ngợi khen . Nếu tất cả các nơi chúng tôi đến đều được đón tiếp như tối hôm nay thì chúng tôi rất cảm khích trước tấm thạnh tình của người đồng hương .

Chúng tôi ra về cũng hơn nửa đêm . Về tới khách sạn trong lòng vẫn còn vương vấn những hình ảnh khó quên của buổi gặp gỡ với các bạn đồng hương nơi nhà của Nho Hồng .

 

Bergen chủ nhựt 2 tháng 5, 2004

Tôi đi tắm hơi lúc 7giờ 30 trước khi đi ăn sáng . Mặc dù là ngày nghỉ nhưng đối với tôi thức sớm thì sẽ có một ngày dài để làm chuyện mình thích hơn là nằm nướng trên giường .

Trời bên ngoài hãy còn lạnh, lại âm u nên không tha thiết đi ra ngoài . Khoảng 12giờ 30 Nho có gọi điện thoại nói là trời xấu quá nên không thể đưa chúng tôi đi chơi .

Tới 15 giờ , Bạch Yến và tôi đi xuống phòng ăn của khách sạn để ăn bánh kẹp tự làm lấy và uống cà phê .

Khoảng 16giờ 30 chúng tôi thấy trời có chút nắng đẹp nên đi ra ngoài phố dạo chơi . Sẵn dịp tôi mang máy quay phim quay phong cảnh giữ kỷ niệm . Chúng tôi đi một vòng thành phố, tình cờ tím thấy tiệm cơm Việt tên là « Thành Đạt » . Chúng tôi tới gần thì mới biết là chủ tiệm này là con trai của anh Vinh chị Thu Hà . Vợ cậu con trai là con gái của chị chủ tiệm Mỹ Tho ở tỉnh Arendal mà chúng tôi đã có gặp hồi năm rồi trong khi đi diễn cho Rikskonsertene . Chúng tôi gặp lại hai em Vinh và Thu Hà, cha mẹ của cậu chủ tiệm Thành Đạt. Ở đây hôm nay có một tiệc do những người Na Uy thết đãi để mừng một cô con gái tên Hanna vừa đúng 15 tuổi tức là đúng tuổi thành người lớn (lễ Thêm Sức) theo phong tục Na Uy . Ông ngoại của cô con gái Hanna là bạn của em Vinh . Chúng tôi được giới thiệu với những người Na Uy và họ mời chúng tôi cho họ nghe một vài điệu dân ca . Bạch Yến hát một bài ru con Trung và chúng tôi hát bài « Hái Hoa » . Tôi biểu diễn đánh muỗng với một cặp muỗng của nhà hàng . Rồi giải thích cho những người bạn Na Uy biết về hát đồng song thanh và biểu diễn . Mọi người đều thích và vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt . Từ đó mọi người đều thân thiện với chúng tôi , mời chúng tôi ăn bánh Na Uy và đến trò chuyện với chúng tôi . Sau khi những khách Na Uy ra về, hai cháu chủ tiệm mời chúng tôi ở lại dùng cơm . Có làm món mì xào dòn với tôm và món thịt bò xào rau sốt chua ngọt .

Tới 21giờ 15, chúng tôi kiếu từ ra về , còn được tặng bông , bánh và một cây dù vì sợ chúng tôi bị mưa .

Tôi đi tắm hơi trước khi nơi tắm đóng cửa lúc 22 giờ .

Một ngày nghỉ đầy đủ và nghỉ khỏe .

 

Bergen thứ hai 3 tháng 5, 2004

Hôm nay đi sớm . 8giờ sáng phải rời khách sạn đi lại trường Smoras ở tỉnh Radal . Chúng tôi có hai xuất .Trời bên ngoài mưa và lạnh

9giờ 30 diễn xuất đầu cho các lớp 4 tới lớp 7. Học trò hiểu tiếng Anh nên dễ giải thích . Sau đó được mới uống cà phê .

10giờ 45 diễn xuất thứ nhì cũng được hoan nghinh nhiều . Một số học trò đứng chụp hình chung .

Trưa nay chúng tôi đến ăn cơm tại nhà hàng "Thành Đạt", ở đường Sparebankgatan 4. Cháu Thúy là người đứng nấu bếp .Chồng tên là Hiển dọn bàn. Tôi ăn món tôm xào sả và rau có nước sốt .

Bạch Yến ăn món tôm xào rau . Chúng tôi uống nước đá chanh . Hai vợ chồng trẻ có một cháu trai tên là Thành Đạt được 3 tuổi . Tiệm mới mở chưa đầy một năm ở khu ngân hàng . Ăn xong trở về khách sạn tôi ăn một bánh kẹp và uống một tách cà phê trước khi lên phòng nghỉ để chờ Nho tới lúc 16giờ 30 .

Khoảng 17 giờ tôi thấy trên màn ảnh của máy truyền hình trong phòng hiện lên chữ cho biết là tôi có người mang đồ tới để ở khách sạn . Tôi đi xuống để lấy thì đó là dĩa CD Rom của Nho mang lại cho tôi . Vì bận phải lấy xe buýt nên không có gặp tôi . Mở CD Rom ra thì thấy những hình chụp buổi trình diễn rất đẹp .

Lúc 17giờ 30 tôi đi tắm hơi và chiều hôm nay ở lại khách sạn chứ không đi ra ngoài vì trong người không được khỏe . Có Sơn đậu kiến trúc ở Na Uy gọi thăm và muốn mời chúng tôi ăn cơm . Tôi hẹn ngày hôm sau Sơn tới đón chúng tôi lúc 17 giờ . Có anh Phạm Phú Minh sáng tác nhạc gọi thăm tôi và mời chúng tôi đến nhà ngày thứ bảy 8 tháng 5 để ăn cơm tối chung với một số bạn nhạc . Khoảng 22 giờ Nho có gọi thăm để biết tôi có nhận được dĩa CD Rom không và có xem được hình trong dĩa hay không và trao đổi về âm nhạc nói chung .

 

Bergen thứ ba 4 tháng 5, 2004

Hôm nay thức sớm vì phải rời khách sạn lúc 8giờ 15. Diễn hai xuất tại trường Smoras cho học trò lớp nhỏ từ lớp 1 tới lớp 4 (6 tuổi tới 9 tuổi). Cả hai xuất đều thành công . Mấy đứa nhỏ rất dễ thương ngồi nghe chăm chỉ và hiểu tiếng Anh mặc dù tuổi còn nhỏ . Mới biết là xứ Na Uy chú trọng tới việc dạy sinh ngữ cho trẻ em từ trình độ tiểu học .

Trưa nay đi ăn cơm ở tiệm Thành Đạt . Cháu Thúy nấu hoành thánh mì và có tôm ăn rất ngon theo đúng khẩu vị Việt Nam . Có hành phi thêm vô . Cháu tính tiền tượng trưng mặc dù tôi ăn tới hai tô mì hoành thánh và uống bia Hansa. Còn Bạch Yến cũng ăn hai tô và uống nước . Tráng miệng được tặng. Hai cháu Thúy và Hiển còn trẻ mà cố gắng làm ăn nơi xứ Na Uy, tự tạo sự nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế xứ Na Uy chứ không có ngồi không ăn tiền xã hội . Đó là một điểm son của người Việt tại Na Uy .

Sau đó chúng tôi đi lại nha bưu điện mua cò gởi thơ . Thơ gởi Âu châu giá 9,50 Kronors (1,25 US dollar) , còn thơ gởi đi trên thế giới giá 10,50 Kronors (1,40 US dollar) . Tính ra cũng mắc hơn bên Pháp .

Tôi đi tắm hơi và sauna trước khi gặp cháu Sơn kiến trúc sư tại Bergen .

Đúng 17 giờ cháu Sơn tới khách sạn đón chúng tôi đi lại nhà cháu ở ngay trung tâm thành phố trên Komkirkhesgatan không xa tòa thị sảnh thành phố .

Nhà là một căn phố xưa có hai phòng trang trí rất đẹp . Có em Nguyễn Ngọc Làm, người tỉnh Qui Nhơn, đến giúp cháu Sơn làm lẩu cá với ba loại cá đặc biệt của xứ Na Uy .

Cháu Đỗ Châu Sơn, năm nay khoảng 30 tuổi, đậu kiến trúc và làm việc tại thành phố Bergen . Tuổi trẻ nhưng rất có lòng với văn hóa Việt Nam . Thường hay để ý tới nền kiến trúc cổ truyền , cũng như âm nhạc cổ Việt Nam . Có nhiều CD nhạc Việt và trong nhà có đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, sáo .

Buổi ăn có ba loại cá thái nhỏ, các loại rau như bạc hà, đậu đủa, cải bẹ xanh, giá. Nước dùn rất vừa miệng . Buổi tiệc kéo dài từ 18giờ tới 20giờ30 . Sau đó uống trà, cà phê , tráng miệng với nho tươi . Kể chuyện cho nhau nghe về đời sống người Việt tại Na Uy cũng như tại Việt Nam trước 75 . Nhờ đó chúng tôi thấy gần nhau hơn dù chỉ mới quen nhau có vài tiếng đồng hồ .

Tới 23giờ 30 chúng tôi phải trở về khách sạn vì sáng hôm sau phải đi trình diễn cho trẻ em tới ba xuất .

 

Bergen thứ tư 5 tháng 5, 2004

Sáng hôm nay chúng tôi phải đi thật sớm lúc 7giờ30 . Chương trình diễn 3 xuất . Xuất đầu tiên lúc 9giờ 15 tại trường Midtun skole cho trẻ em lớp 1 tới lớp 3 . Vậy mà trẻ em rất ngoan , ngồi nghe lặng thinh, vỗ tay theo và hát theo chúng tôi . Xuất thứ nhì 10giờ 05 thành công hơn nữa . Nghỉ 30 phút , được mời uống cà phê . Bà giám đốc trường rất dễ thương, hỏi chúng tôi có muốn ăn gì không , nhưng chúng tôi đã dùng điểm tâm bự lắm tại khách sạn rồi . Có một ông thầy đi ngang qua, chào chúng tôi và nói rằng chưa bao giờ ông ấy được xem một chương trình nhạc hay như vậy . Bà giám đốc nghe và nói với chúng tôi là bà sẽ có mặt vào xuất chót .

11giờ 30, chúng tôi bắt đầu diễn, học trò theo dõi và vừa vỗ tay khen vừa huýt sáo tán thưởng . Bà giám đốc ngõ lời khen chúng tôi sau khi diễn xong và tặng cho chúng tôi hai chậu bông bụp rất đẹp do hãng Interflora mang tới . Học trò ùa tới xin chữ ký cả mấy chục đứa trẻ . Ở Na Uy khi học trò thích một chương trình nhạc nào thì sau buổi diễn thường đến gặp nghệ sĩ xin chữ ký . Chúng tôi ký vào giấy , có khi ký vào cánh tay mấy đứa nhỏ .

Sau khi trở về khách sạn , trời mưa chút đỉnh nhưng chúng tôi đi ăn trưa ở nhà hàng Thành Đạt . Hôm nay cháu Thúy nấu canh chua cá và cá kho cho chúng tôi ăn . Các món ăn đều nấu rất ngon . Anh Finn Cato Andersen, người lo âm thanh và ánh sáng cho chương trình chúng tôi, khen cơm Việt ngon hơn cơm Tàu vì lần đầu tiên anh ta được ăn canh chua và cá kho . Chúng tôi rất vui giới thiệu anh ta một vài món ăn Việt .

Chiều nay anh Finn Cato và chúng tôi đi xem một phim mới ra tên là Van Helsing nói về chuyện đi giết Dracula . Một phim đầy động tác với kỹ thuật tân kỳ mới lạ với Dracula, Franskeintein, Người sói và những màn đánh nhau không thua gì những phim chưởng . Lần đầu tiên xem phim tại rạp Bergen Kino và cũng là lần đầu tiên xem phim tại tỉnh Bergen . Giá vé vào cửa hơi mắc (75 Kronors tương đương với 11 US dollars) . Phần đông người Na Uy đi coi hát bóng thường hay mua bắp rang , uống nước ngọt trong rạp .

Ra về , tới khách sạn chúng tôi ăn tối tại khách sạn, và sau đó tôi cùng Finn Cato Andersen đi tắm hơi cho khỏe .

Một ngày làm việc nhiều với kết quả tốt đủ làm cho chúng tôi thêm hăng hái trong việc trình diễn và giới thiệu nhạc Việt tại Na Uy .

 

Bergen thứ năm 6 tháng 5, 2004

Hôm nay chúng tôi tới thành phố Paradis, thuộc vùng Fana, ngoại ô của tỉnh Bergen để diễn hai xuất cho trẻ em trường tiểu học Paradis .

9giờ sáng chúng tôi tới trường . Có cái lạ là trường này dường như không biết là hôm nay có hai xuất giới thiệu nhạc Việt . Anh Finn Cato tới gặp bà hiệu trưởng trường . Bà ta ngớ ngẩn không hay biết là hôm nay có chương trình diễn nhạc Việt . Bà ấy tưởng là ngày hôm sau .

Sau cùng chúng tôi chuẩn bị cho xuất diễn vào lúc 10giờ 40 cho học trò lớp 1 và 2 toàn là những đứa bé từ 7 tới 8 tuổi . Tuy vậy chúng rất thích và ngồi im để nghe . Tới xuất thứ nhì vào lúc 11giờ 50 cho các lớp 4 tới lớp 7 . Các thầy và cô giáo cùng học trò đều thích thú và vỗ tay nồng nhiệt . Một cô giáo có viết vài dòng lưu niệm trong cuốn sổ vàng của tôi với những lời lẽ khen ngợi chân tình .

Chúng tôi trở về khách sạn sau đó . Và đi ăn cơm ở nhà hàng Thành Đạt do cháu Thúy nấu . Hôm nay cháu Thúy nấu gà kho sả và canh cải cá thác lác đúng khẩu vị của chúng tôi . Mỗi ngày chúng tôi tới ăn cơm cháu đều lựa những món Việt Nam nấu cho chúng tôi . Cháu tuy nhỏ tuổi, sang Na Uy từ lúc bé nhưng vẫn còn nói tiếng Việt trôi chảy và còn giữ phong tục Việt Nam . Cháu có cháu bé tên Thành Đạt mới 3 tuổi nhưng biết dạy con nói tiếng Việt chứ không để cho cháu bé chỉ biết tiếng Na Uy thôi . Chúng tôi tới ăn để giúp cháu có khách và cháu giúp chúng tôi với những món cơm Việt . Ăn xong, chúng tôi mệt về phòng nghỉ mặc dù hôm nay trời nắng đẹp nhưng chúng tôi không tha thiết đi dạo chơi, ngắm phong cảnh .

Tới 17giờ 30 tôi xuống phòng ăn đổ bánh kẹp Na Uy cho Bạch Yến và tôi . Rồi tôi đi tắm hơi . Nhờ vậy mà tôi thấy khỏe trong người sau hai xuất trình diễn buổi sáng .

Tối nay tôi ở nhà không đi đâu hết vì phải nghỉ ngơi để còn hơi sức trình diễn thêm 13 buổi còn lại .

 

Bergen thứ sáu 7 tháng 5, 2004

Hôm nay diễn thêm hai xuất tại trường Paradis là xong tuần lễ thứ hai . Có cô giáo dạy nhạc Goril Daltveit tới tiếp đón và giới thiệu chương trình. Học trò đã được đồn là chương trình rất hay nên khi tôi bước ra sân khấu là tất cả học trò vỗ tay thật lâu để chào tôi .

Buổi trình diễn thu hút học trò và thành công hơn ngày hôm trước . Chúng tôi được mời uống cà phê . Các nhà giáo tới hỏi thăm về cách hát đồng song thanh và khen phương pháp sư phạm tôi dùng để giới thiệu nhạc cho học trò .

Buổi thứ nhì vào lúc 11giờ 50 được xem là thành công nhất . Học trò đứng dậy vỗ tay thật lâu và sau đó tới xin chữ ký cả trăm đứa và biết tỏ lời khen . Lần nào vào cuối tuần cũng được thành công hơn lúc đầu tuần . Mỗi nơi tôi đều có xin một vài thầy giáo viết vài câu cảm tưởng vào quyển sổ của tôi . Đó là bằng chứng cụ thể nhất chứng minh sự thành công của việc làm của chúng tôi .

Trưa nay chúng tôi đi dạo chợ cá và chợ trời ngay trung tâm thành phố . Tôi ghé lại mua một cái áo lạnh theo kiểu truyền thống Na Uy . Áo len bên Na Uy có phẩm chất rất tốt làm bằng len, đan tay rất bền , có thể mặc mấy chục năm . Tôi lựa mẫu áo theo kiểu thuần túy giá 990 Kronors, được bớt 120 kronors được lấy lại tại phi trường trước khi rời Na Uy về Pháp .

Trên đường về khách sạn chúng tôi ghé lại một nơi bán thức ăn Pháp ngoài đường ngay trước cửa tiệm có triển lãm hàng hóa và thực phẩm Pháp . Tôi ăn một dĩa sò (mussles) theo kiểu Provencale có sốt cà, củ hành rất ngon . Bạch Yến ăn một khúc bánh mì chiên bơ với phô mai « camembert » .

Ở khách sạn chúng tôi ăn bánh kẹp Na Uy (waffles) uống cà phê .

18giờ tôi đi tắm hơi và 19giờ 30 dùng cơm tại khách sạn . Hôm nay cho ăn tôm luộc . Chúng tôi chỉ ăn tôm thôi . Mỗi người ăn hơn 30 con với chút bánh mì và uống nước táo .

20giờ30 có Sơn (kiến trúc sư) gọi thăm và hỏi chúng tôi có rảnh để đi ra ngoài phố uống cà phê và gặp một số bạn trẻ Việt Nam . Thế là chúng tôi thay quần áo đi gặp Sơn và các bạn tại khách sạn Radisson SAS Norge ngay trung tâm thành phố . Hôm nay có màn chiếu phim ngoài trời . Cuốn phim Van Hielsing mới được trình làng và quảng cáo rần rộ . Hàng chục ngàn người tụ họp ngồi chờ phim . Trời lại quang đảng, có nắng đẹp, lý tưởng cho buổi chiếu phim này .

21giờ 30 chúng tôi gặp khoảng 8 người bạn trẻ Việt Nam toàn là sinh viên hay đã ra trường đi hành nghề tại Na Uy . Những người này còn trẻ quá nên không biết chúng tôi là ai . Họ chỉ thích nơi ồn ào và muốn xem phim . Cho nên chúng tôi từ giã họ và cùng đi với Sơn tới tiệm cà phê nổi tiếng của thành phố tên là EGON , Vetrlidsalmenningen 2 . Nơi đây ngày xưa là nơi bán thịt và là lò heo bò . Bây giờ trở thành một trung tâm thương mại với một số tiệm bán các loại thực phẩm ngoại quốc. Ở dưới hầm làm thành quán cà phê thu hút rất nhiều khách . Mở cửa tới 3 giờ sáng . Chúng tôi vào bên trong yên tịnh hơn , uống bia và nói chuyện với Sơn để biết thêm về sinh hoạt cộng đồng Việt Nam tại Bergen . Em cho biết là trước kia cộng đồng hoạt động mạnh, có tờ báo « Vượt sóng » . Về sau tờ báo bị đình bản , và những người đúng tuổi dần dần không còn tham gia hoạt động nữa . Cộng đồng được chia làm hai hạng : giáo chức và công nhân . Lớp trẻ lớn lên ở Na Uy ít tham gia vào sinh hoạt Việt Nam . Mỗi năm chỉ còn có Tết là có tổ chức một chương trình gặp gỡ nhưng không mấy thu hút người tới dự . Gần đây Sơn đứng ra tụ họp một số bạn trẻ để tìm một hướng đi và hy vọng tạo lại sinh hoạt cộng đồng với những chương trình đi gần với giới trẻ . Sơn chỉ mới tròm trèm 30 tuổi mà đầu óc hướng về dân tộc và văn hóa nhiều hơn những đứa trẻ cùng lứa . Hy vọng em sẽ làm được việc em mong muốn trong tương lai .

12 giờ khuya, chúng tôi rời tiệm cà phê về khách sạn , và hẹn với Sơn là sẽ cùng nhau đi viếng ngọn núi Floyen rất nổi tiếng ở Bergen .

 

Bergen thứ bảy 8 tháng 5, 2004

Chương trình cuối tuần của chúng tôi khá bận rộn . Sáng nay , Sơn đưa chúng tôi đi viếng ngọn núi Floyen . Hẹn nhau tại quán cà phê Egon lúc 10 giờ . Muốn lên ngọn núi phải đi bằng xe thang máy mất 7 phút . Chỗ lấy xe thang máy nằm cách quán cà phê chừng 200 thước ngay thành phố . Giá vé khứ hồi là 60 Kronors . Cứ 15 phút là có một chuyến . Dân Na Uy ở Bergen thường hay đi lên ngọn núi vào cuối tuần . Trên đó có nhiều đường mòn để đi dạo . Cảnh thiên nhiên rất đẹp và có một cái nhìn toàn thành phố . Ngọn núi này không cao lắm , chỉ hơn 300 thước thôi . Trên này có nhà hàng , tiệm bán đồ kỷ niệm khá mắc . Chúng tôi đi dạo độ 1 giờ thì đi xuống .

Sau đó từ giã nhau vì Sơn phải đi lễ nhà thờ . Tôi ghé lại chợ cá mua một khúc bánh mì với tôm . Tình cờ gặp anh Tâm làm việc cho đài truyền hình ở Oslo tới Bergen làm việc . Anh Tâm biết chúng tôi và có quen từ trước . Anh ấy ngõ ý muốn thực hiện một chương trình về chúng tôi trong tương lai .

Chúng tôi đi ngang qua một tiệm bán đồ tiểu công nghệ , tôi thấy có một nhạc khí bằng hai thanh gỗ có thể gõ vào nhau giống như loại castanets . Tôi vào tiệm hỏi mua và nhờ bà bán biểu diễn cho tôi xem . Sau khi thấy bà ấy biểu diễn xong , tôi thử bắt chước và làm được ngay , khiến bà ta trố mắt ngạc nhiên vì tôi thử lần đầu mà gõ được ngay .

Về phòng nghỉ để chờ Nho tới rước chúng tôi lại nhà anh Phạm Phú Minh đãi cơm .

Tôi đi tắm sauna lúc 16 giờ và làm bánh kẹp ăn. Hồng và Nho đến khách sạn lúc 16giờ 50 để đưa chúng tôi đi lại nhà Phạm Phú Minh ăn cơm chiều .

Nhà của Minh , có biệt hiệu nhạc sĩ là Minh Thao, ở gần trung tâm thành phố trong một chung cư rộng rãi , nhìn thấy cảnh bên ngoài rất đẹp .Minh Thao sang định cư ở Na Uy vào năm 1989. Minh Thao là nhạc sĩ , hội viên của Nhạc Việt trong đó các bạn ở Na Uy như Nguyễn Công Hùng , Trần Văn Nho cũng là hội viên . Hôm nay chỉ có anh em sáng tác nhạc . Anh chị Hùng và Minh Ký, Nho và Hồng , Minh Thao và Ngọc Tuyền và chúng tôi . Được biết là Minh Thao có tài làm hoạt náo trên sân khấu tại Bergen và có sáng tác nhiều nhạc phẩm và gần đây lại học thêm hòa âm để soạn hòa âm cho các bản nhạc của em .

17giờ 30 nhập tiệc. Mỗi gia đình làm một món, món nào cũng làm với đồ biển . Món đầu là súp cua do Ngọc Tuyền nấu . Tới món gỏi dầu heo và tôm cũng do Ngọc Tuyền lo . Sau đó tới món mựt dồn tôm thịt do chị Minh Ký đảm trách . Rồi tới món chạo tôm do Ngọc Tuyền làm . Sau cùng là món paella Tây ban nha do Hồng mang lại . Tất cả các món đều ngon và đậm đà cho chúng tôi thấy là các phu nhân của các nhạc sĩ đều là nội trợ khéo . Minh Thao và anh Hùng đãi rượu đỏ của Pháp . Buổi tiệc kéo dài với những mẫu chuyện tâm tình và trao đổi âm nhạc . Chúng tôi khai mạc với vài bản nhạc do tôi sáng tác và Bạch Yến trình bày . Sau đó anh Hùng hát một bản về tình yêu . Nho cũng tự hát một bản viết tặng vợ . Sau cùng là Minh Thao hát một bản nhạc tặng vợ với phần hòa âm tự viết ra . Mỗi bản nhạc được viết với tấm lòng chân thật , với dòng nhạc dễ thương làm cho buổi gặp gỡ tối nay chìm đắm trong âm nhạc .

Qua cuộc trao đổi thân tình này một số nghi vấn được giải tỏa và mọi người trải qua một buổi chiều kéo dài tới hơn nửa đêm mới chia tay . Tôi có một dịp biết thêm những tài năng âm nhạc âm thầm sáng tác những ca khúc nói lên những tình cảm nhẹ nhàng của những người muốn đóng góp vào gia tài âm nhạc những áng nhạc được chào đời nơi đất khách quê người . Tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ có dịp nghe nhiều ca khúc được viết ra khắp nơi trên quả địa cầu, ở những nơi có người Việt định cư để khám phá những bài nhạc chân thật do những người yêu nhạc không chuyên nghiệp đã gởi nỗi lòng tâm tư của mình qua những dòng nhạc đầy màu sắc Việt Nam .

 

Bergen chủ nhựt 9 tháng 5, 2004

Chủ nhật bên Na Uy là ngày nghỉ thật sự . Ngoài đường vắng người buổi sáng vì ai cũng thức trễ . Ở khách sạn cũng dọn ăn lót lòng từ 7giờ 30 tới 10 giờ30 .

Hồng và Nho đến rước chúng tôi lúc 11giờ 50 để đi một vòng viếng thăm vài nơi lịch sử . Chúng tôi cùng đi tới nơi nhà nghỉ mát của nhạc sĩ vĩ cầm trứ danh Na Uy tên Ole Bull . Ngôi nhà này thu hút rất nhiều du khách bắt đầu từ 19 tháng 5 cho tới đầu tháng 10 mỗi năm . Tôi không có may mắn để thăm viếng vì tôi phải rời xứ Na Uy ngày 19 tháng 5 và lần sau khi tôi trở sang đây thì vào ngày 17 tháng 10 . Lúc đó ngôi nhà đó đóng cửa . Sau đó hai em Nho Hồng đưa chúng tôi lại một nơi di tích lịch sử khác là Lyse Koster được xây cất vào năm 1146 , bây giờ chỉ còn là một nơi tàn rụi chỉ còn vài cột đá nhưng vẫn là một nơi lôi cuốn du khách . Chúng tôi có chụp hình kỷ niệm . Sau đó đi về nhà Hồng Nho để nghỉ một chút trước khi đi lại nhà của Nguyễn tấn Vinh và Đinh thị Nguyên để dùng cơm chiều . Có các bạn đã gặp từ hôm trước như anh Dương Kiền, Phụng , Vinh / Thu Hà, Vinh / Nguyên, Hồng Nho, Đức / Hương , chúng tôi và anh Sa (từng gặp anh ấy vào tháng 10 năm 1979 lần đầu anh ấy đặt chân tại Na Uy)

Buổi cơm thịnh soạn với món gỏi tôm bánh phồng tôm. Sau đó ăn cơm cà ri ga khoai tây , vịt quay. Tráng miệng có cà rem ba mùi và trái cây hộp . Uống rượu đỏ, bia Hansa, và cognac Remy Martin . Buổi gặp gỡ vui trong tiếng cười , trong câu hát gợi lên quá khứ với các ca khúc tiền chiến , với những câu chuyện cười . Mọi người đều vui với nhau cho tới 22 giờ mới chia tay ra về và hẹn gặp nhau lần tới vào ngày 13 tháng 5 . Trước khi ra về Vinh có tặng cho chúng tôi một CD thâu các bài thơ của Vinh lấy biệt hiệu là Đăng Trình, một nhà thơ có tiếng của Bergen . CD mang tên là « Niềm nhớ » do Hồng Vân ở Việt Nam cùng những ngâm sĩ trình bày với phần phụ đệm nhạc khí dân tộc . Trong số đó có vài bài thơ do Trần Thụy Minh (tức Trần Văn Nho) phổ nhạc rất đạt . Tôi lại khám phá thêm một tài năng của thành phố Bergen này . Một ngày đầy đủ trong tình đồng hương và tình người .

 

Bergen thứ hai 10 tháng 5, 2004

Sáng nay diễn hai xuất tại trường Kringlebotn skole ở thị xã Nestun vào lúc 9giờ 30 và 10giờ 25 . Cả hai xuất cho học sinh lớp 5 tới lớp 7. Trình độ hiểu tiếng Anh khá hơn nên diễn dễ thu hút hơn . Cả thầy lẫn học trò đều tới khen ngợi , cho là chương trình diễn hay nhứt từ trước tới nay . Trong số các nhân viên có em Trần Chí Linh là người Việt , tuổi tròm trèm 40, tới chào chúng tôi và thốt những lời lẽ chân tình . Em muốn mời chúng tôi về nhà dùng cơm . Chúng tôi nhận lời mời cho ngày hôm sau để biết thêm một gia đình người Việt khác ở vùng này .

Chúng tôi đi ăn trưa ở nhà hàng Thành Đạt do cháu Thúy nấu . Sau đó trở về khách sạn vì chúng tôi cần nghỉ ngơi . Tới 16 giờ , tôi có hẹn với anh Tom Solomon, giáo sư dân tộc nhạc học ở trường âm nhạc của Bergen để trao đổi công việc nghiên cứu . Anh Solomon nghiên cứu về sắc tộc Quechua của xứ Bolivia thuộc Nam Mỹ . Anh ấy ngõ ý muốn nhờ tôi xem chương anh ấy viết về kỹ thuật giọng của dân Quechua như thế nào . Tôi có cho anh ấy biết qua việc nghiên cứu của tôi về giọng. Sau hai giờ nói chuyện , chúng tôi từ giã và hẹn gặp lại một dịp khác .

Sau đó tôi đi tắm hơi trước khi dùng cơm tối tại khách sạn .

Lối 20 giờ , em Trần Văn Nho có ghé khách sạn thăm chúng tôi và đưa cho Bạch Yến một số giấy kẽ nhạc để dùng viết nhạc . Nhân dịp này Nho hỏi thăm chúng tôi về đời sống nghệ sĩ ở hải ngoại . Nho có sáng tác một số nhạc phẩm và có thực hiện được vài CD. Tuy là làm chơi cho vui nhưng cũng rất chu đáo . Có một số bài nhạc được giới yêu nhạc hải ngoại thích và được phổ biến trên mạng lưới hải ngoại .

Đến 22 giờ Nho đi về và chúng tôi lên phòng nghỉ . Một ngày trôi qua rất nhanh và chúng tôi lại ghi nhận thêm một vài tin tức mới về đời sống Na Uy cũng như biết thêm về cộng đồng Việt Nam .

 

Bergen thứ ba 11 tháng 5, 2004

Trở lại trường Kringleboten skole sáng nay để diễn cho lớp 1 và 2, toàn là trẻ em rất nhỏ chỉ mới học tiếng Anh năm đầu tiên . Cho nên việc trình diễn có thể không thành công như cho các lớp lớn hơn .

Sự thật là không phải vậy . Kết quả của hai xuất trình diễn sáng nay rất được hoan nghinh . Có cháu Trần Chí Linh làm việc tại trường này có lên nói cho chúng tôi biết là những người thầy ngồi ở cạnh cháu đã nhờ cháu chuyển lời khen ngợi của họ .

Dọn dẹp xong , chúng tôi trở về khách sạn và đi ăn cơm ở nhà hàng Thành Đạt với món cá chiên muối sả ớt , tôm xào mướp và một dĩa rau có tô-mát , và dưa leo . Ăn rất hạp khẩu vị

Trở về khách sạn tôi chép vài bài nhạc cho Bạch Yến để chuẩn bị chuyến đi diễn ở Washington D.C. khi trở về Pháp .

17giờ tôi đi tắm hơi và sauna .

18giờ cháu Trần Chí Linh tới khách sạn để đưa chúng tôi về nhà cháu dùng cơm tối nay . Chúng tôi may mắn gặp nhiều người Việt để biết thêm đời sống người Việt tại đây . Cháu Linh (sinh năm 1962) sang Na Uy năm 1983 .

Trước có học kiến trúc nhưng không đi tới đích . Làm việc tại trường Kringleboten từ 10 năm nay . Vợ (sinh năm 1972) tên Nguyễn Thị Kim Cúc, làm việc tại một nơi trồng hồng ở gần nhà . Hai vợ chồng có một con gái năm nay được 10 tuổi nói tiếng Việt rất giỏi . Trong nhà có người mẹ của Linh (sinh năm 1940) sang Na Uy đoàn tụ gia đình. Một gia đình êm ấm và mua được một căn phố trong một chung cư yên tĩnh và rộng rãi . Linh hướng về văn hóa và dân tộc . Ít hoạt động trong cộng đồng nhưng rất tự hào mình là người Việt .

Chúng tôi được đãi món bún bò Huế ngon và có đủ gia vị . Sau đó ăn tráng miệng với trái cây . Linh còn đãi chúng tôi rượu Cognac Remy Martin . Ở chơi cho tới 22 giờ 30 thì kiếu từ ra về . Hai vợ chồng lái xe đưa chúng tôi trở về khách sạn và hẹn gặp lại lần tới khi chúng tôi trở qua bên nây vào giữa tháng 10, 2004 .

 

Bergen thứ tư 12 tháng 5, 2004

Sáng nay chúng tôi diễn hai xuất tại trường Nattland skole thuộc tỉnh Bergen . Phản ứng của học trò rất tốt . Cả thầy lẫn trò đều thích thú . Nơi nào chúng tôi tới diễn đều gặt hái kết quả như nhau .

Trưa nay chúng tôi vẫn tới ăn ở nhà hàng Thành Đạt . Ăn món bò lúc lắc với cải tàu trộn dấm hành , dưa leo và cà tô mát . Thịt bò rất mềm ,lựa thứ ngon và mềm nhứt .

Hôm nay đọc báo và xem truyền hình mới biết là ở Na Uy nhân viên làm việc cho một số khách sạn và nhà hàng lớn cùng xe vận tải lương thực đình công để đòi tăng lương . Khách sạn SAS Norge Hotel là nơi chúng tôi sẽ tới ở từ ngày 14 tháng 5 bắt đầu đình công từ hôm nay vô hạn định . Chúng tôi phải thông báo cho ban tổ chức để xem có nên dời khách sạn hay không . Sau cùng , chúng tôi quyết định ở lại nơi khách sạn Comfort Hotel là nơi chúng tôi đã ở từ hôm tới Bergen (từ ngày 24 tháng 4 ). Hàng năm ở Na Uy đều có đình công sau ngày 1 tháng 5 để đòi lên lương . Việc đó trở thành thông lệ nên đối với dân Na Uy không có gì mới lạ cả . Nhưng đối với chúng tôi mới tới Na Uy vào dịp này hơi bị trắc trở về việc ăn ở . Tuy nhiên chúng tôi chấp nhận việc này một cách vui vẻ chứ không làm cho chúng tôi phải bận tâm .

Dù bận nhiều công việc , nhưng tôi vẫn tranh thủ thời giờ để đi tắm hơi trước khi Hồng và Nho tới đón chúng tôi vào lúc 18giờ30 để đưa chúng tôi đi xem phong cảnh ở Bergen . Có rất nhiều nơi rất đẹp . Chúng tôi viếng chiếc cầu treo giống như cầu Golden Gate ở San Francisco nhưng ngắn hơn . Chụp một số hình ảnh lưu niệm . Sau đó đi dạo ở vườn thượng uyển nơi chôn cất một số vua xứ Na Uy từ thời thế kỷ thứ 12 và 13 .

Rồi đi tới tiệm cà phê Zen do cô Minh Mẫn làm chủ và đứng tiệm . Cô Minh Mẫn duyên dáng và ăn mặc theo « gu » trẻ. Tiệm cà phê làm theo kiểu thiền và hạp với sở thích của giới trẻ Na Uy, chuyên bán cà phê, capuccino, moka. Chồng cô Minh Mẫn là anh Nguyễn văn Thực có xuất bản một vài quyển sách tại Na Uy . Hôm nay anh ấy bận đi Oslo nên không có mặt .

Tiệm nằm trên đường Tromgaten 26,5008 Bergen, ở gần Grieg Hallen. Cô Minh Mẫn đãi chúng tôi Moka và Capuccino rất ngon . Tiệm có nhiều khách trẻ vô uống càphê và ăn uống . Ngoài cà phê, tiệm còn có những món ăn Việt Nam như phở, hoành thánh , cơm thịt bò, heo, gà, rất đơn giản , giá phải chăng vừa túi tiền giới trẻ . Tôi nghĩ rằng tiệm sẽ thành công theo công thức này .

Nói chuyện một lúc thì khách vào ăn uống đầy nhà nên chúng tôi kiếu từ ra về .

Chúng tôi về khách sạn khoảng 22giờ 30 để có thì giờ nghỉ ngơi để tiếp tục trình diễn ngày hôm sau .

 

Bergen thứ năm 13 tháng 5, 2004

Hôm nay là ngày sinh nhựt của tôi vừa tròn lục tuần . Tuổi 60 đúng 5 chu kỳ nơi xứ Na Uy Bắc Âu cũng là một chuyện lạ .

Tôi đâu có bao giờ nghĩ là khi tôi được đúng 60 tuổi lại đang ở tại một quốc gia không phải là xứ Việt Nam mà cũng không phải là ở xứ Pháp . Tôi lại đang lưu diễn tại một xứ Bắc Âu .

Chúng tôi diễn một xuất thôi tại trường Nattland skole lúc 10giờ 15 lại được thầy trò của trường hát chúc mừng sinh nhựt .

Anh bạn lo âm thanh cũng đã chúc mừng sinh nhựt buổi sáng và Bạch Yến cũng chúc sinh nhựt trước hơn ai hết .

Trên đường đi về khách sạn chúng tôi ghé thăm ngôi nhà thờ bằng cây Fantoff Stave Church .

Ngôi nhà thờ bằng cây được cất tại làng Fortun ở vùng Sogn vào năm 1150 và được di chuyển về Fantoff ngoại ô của Bergen vào năm 1883 . Ngày 6 tháng 6, 1992 ngôi nhà thờ này bị đốt cháy và được cất lại năm 1993 theo mẫu của nhà thờ xưa . Chúng tôi có chụp vài tấm ảnh kỷ niệm .

Lúc 14giờ 30 tôi có hẹn với anh Tom Solomon, giáo sư dân tộc nhạc học tại Grieg Academy, để giúp anh ấy xem lại một số vấn đề chuyên môn về kỹ thuật giọng của dân tộc ít người ở xứ Bolivia (Nam Mỹ) .

16giờ 40 Hồng Nho tới rước chúng tôi và anh Finn Cato Andersen, người lo ánh sáng và âm thanh của chúng tôi đi tới nhà Vinh và Thu Hà để ăn mắm và rau và đồng thời để mừng sinh nhựt của tôi . Bạch Yến có mua 3 bánh ngọt tại một tiệm bánh thật ngon ở Bergen và mang một chai rượu Saint Emilion , Grand Cru 1994 đặc biệt .

Có tất cả những bạn chúng tôi đã quen như vợ chồng chủ nhà Vinh /Thu Hà, anh Dương Kiền, anh Xa, vợ chồng Vinh / Nguyên, vợ chồng Nho /Hồng, vợ chồng Đức / Hương , Phụng, chúng tôi và Finn Cato Andersen

. Phụng đại diện các bạn tặng tôi một chai rượu đỏ Úc châu làm quà sinh nhựt . Buổi tiệc ăn mắm và rau rất ngon . Sau đó thổi đèn mừng tuổi tôi được lục tuần, uống rượu cognac, ăn bánh mùi vị thật ngon . Sau đó ăn trái cây và khô bò, kẹo mè . Bạch Yến có hát một vài bài do tôi và Bạch Yến sáng tác như « Tân Hôn Dạ Khúc » (bài tôi viết làm quà cưới cho Bạch Yến năm 1978) và bản « Hoan Ca » (chúng tôi cùng sáng tác nhạc phổ bài thơ của thi sĩ Thi Vũ viết tặng chúng tôi nhân ngày cưới năm 1978) . Bạch Yến có hát thêm một bài do anh Vô Thường viết « Từ lúc anh yêu em » (tựa đầu tiên là « Tình đến rồi đi »)

22giờ 30 tiệc tàn , mọi người chia tay và hẹn gặp nhau lần tới vào tháng 10, 2004 khi chúng tôi trở lại Bergen để diễn thêm 30 buổi theo chương trình giới thiệu nhạc Việt tại các trường tiểu học do Rikskonsertene tổ chức .

Tôi sẽ không bao giờ ngày hôm nay với bao kỷ niệm khó quên . Tôi được các bạn bè mến thương và tình người vợ đối với tôi rất đẹp làm cho tôi thấy lòng sảng khoái và sung sướng .

 

Lục tuần mừng tuổi Bắc Âu này

Bè bạn đón chào cảm động thay !

Rảo bước năm châu trên thế giới

Lê chân bốn biển dưới trần ai .

Tiếng đờn thánh thót luôn mơ mãi

Câu hát du đương vẫn nhớ hoài

Suốt một cuộc đời cho nhạc Việt

Vợ chồng sát cánh bước đường dài .

Bergen thứ sáu 14 tháng 5, 2004

Hôm nay là ngày chót của tuần lễ thứ ba của chuyến đi lưu diễn này . Sáng thức dậy sớm để dọn dẹp phòng vì hôm nay tôi phải trả phòng để đi Oslo dạy học . Bạch Yến ở lại Bergen và vẫn ở tại khách sạn Comfort Hotel Holberg .

Chúng tôi rời khách sạn đi diễn lúc 8giờ sáng . Mấy ngày rày tôi ít ăn buổi sáng thật nhiều vì ăn mãi cùng một thứ mặc dù có rất nhiều thức ăn . Tôi chỉ uống một tách cà phê sữa, ăn hai trứng gà luộc nửa sống nửa chín và trái cây thôi . Tôi có cảm giác là tôi lên cân thêm mấy ký lận . Lý do là ngày nào cũng ăn thật nhiều , rồi lại được các bạn mời ăn . Tiệc tùng liên miên , vui thì có vui, nhưng mập thì cứ mập !

Anh Finn Cato đưa chúng tôi tới trường Helldal skole . Trường này rất nhỏ chỉ có 38 học trò , cho nên phải gọi thêm một trường khác tới với 58 học trò, tổng cộng là 96 học trò từ lớp 1 tới lớp 7 . Phòng nhỏ cho nên không cần máy phóng thanh , chỉ để đèn cho thêm màu sắc và có vẻ là một buổi trình diễn .

Nơi đây không có phòng thay quần áo , chúng tôi phải thay ngay trong phòng diễn thật mau . Đi trình diễn cho học trò phải tùy nơi trường học có phòng diễn được trang bị hay không . Dù sao , phòng rất ấm cúng .

9giờ 30 học trò vẫn chưa thấy tới . Phải chờ tới 9giờ 45 mới có đủ học trò . Chúng tôi diễn vẫn thu hút học trò và thầy cô . 10giờ 25 chấm dứt. Bên ngoài trời mưa hơi nhiều, và lạnh nữa (9 độ C). Thu xếp đồ đạc xong, chúng tôi trở về khách sạn . Tôi chuyển hành lý tôi qua phòng của Bạch Yến vì tôi đi Oslo chẳng cần phải có nhiều hành lý . Sau đó trả phòng rồi đi ăn cơm trưa ở tiệm Yang Tse Kiang ngang chợ cá . Tôi chỉ ăn thực đơn trưa với món cá chiên với rau xào nước sốt , uống nước lạnh (giá 60 Kronors)

Finn và tôi cùng đi ra phi trường Flesland để đi Oslo . Finn thì đi Christiansand, về nhà anh ta vì tuần lễ cuối tuần này có thêm một ngày nghỉ (thứ hai 17 tháng 5 là ngày quốc khánh). Hai người từ giã nhau tại phi trường . Tôi đi hãng Norwegian chuyến máy bay khởi hành lúc 16giờ45 . Trong khi ngồi chờ đợi gần 3 giờ tại trường tôi tiếp tục viết nhựt ký của chuyến đi này .

16giờ 30 cổng 31 mở cửa, hành khách lần lượt đi vô máy bay . Hãng Norwegian có cái lạ là tất cả những vé không có số . Ai vô máy bay muốn ngồi đâu thì ngồi . Máy bay đi Oslo thuộc loại Boeing 737 có trên 200 chỗ không còn một chỗ trống . Đúng 16giờ 45 máy bay cất cánh . Trên máy bay không có cho uống nước gì hết . Chỉ bay có 40 phút là tới Oslo .

17giờ 30 tôi đi ra ngoài hải quan , tới chỗ bán vé đi xe lửa tốc hành để đi Oslo . Giá vé là 150 Kronors . Tôi đi chuyến 17giờ 56 . Chỉ có 20 phút sau là tôi tới trạm xe lửa Oslo . Khách sạn tôi ở tên là SCANDIC Hotel ở ngay nhà ga rất tiện . Đây là loại khách sạn sang , phòng tôi ở giá 1450 Kronors một ngày (khoảng 200 US dollars). Tôi ở phòng số 412 nhìn ra bên ngoài cảnh đẹp và yên tịnh .

Tôi gọi cho Bạch Yến cho hay là tôi đã tới Oslo bình yên . Tôi gọi cho anh Lasse Thoresen, người tổ chức lớp dạy hát đồng song thanh tại Oslo cho biết là tôi đã có mặt tại Oslo .

Sau đó, tôi đi ăn tối ở nhà hàng EGON , một loại nhà hàng nổi tiếng ở Na Uy có khắp trên xứ Na Uy, ở cạnh khách sạn . Tôi ăn đồ biển chiên , rau, khoai tây, sốt , uống bia Ringnes (bia đặc biệt của miền Đông xứ Na Uy đối với bia Hansa của miền Tây xứ Na Uy). Tôi trả 225 Kronors (30 US dollars) .

Trở về khách sạn tôi tắm rửa và nằm nghỉ xem phim , rồi đi ngủ vì sáng hôm sau tôi phải dạy hát đồng song thanh cho 6 ca sĩ chuyên nghiệp từ 10 giờ sáng tới 17 giờ .

 

Oslo thứ bảy 15 tháng 5, 2004

Sau một đêm ngủ tại Oslo, sáng nay tôi ăn lót lòng tại nhà hàng EGON ở cạnh khách sạn Scandic . Không có gì khác hơn khách sạn Comfort Hotel ở Bergen . Vẫn trứng gà luộc, các loại thịt nguội , cá theo kiểu Na Uy, trái cây với dưa hấu, khóm, dưa gan, cam . Vẫn cà phê, sữa tươi, nước cam .

Tới 9 giờ, nhà soạn nhạc Lasse tới đón tôi và đưa tôi tới trường âm nhạc Folkerhogskole của Oslo . Lasse Thoresen và tôi chuẩn bị máy móc cho buổi dạy .

10 giờ học trò gồm 6 ca sĩ chuyên nghiệp của ban hợp ca của anh Lasse Thoresen . Ba cô Ingrid (mezzo), Ebba (soprano) và Tone (alto), và ba cậu Trond (bass), Per Kristian (Tenor) và Frank (baryton/ counter tenor). Ngoài ra còn có nhà nữ soạn nhạc Rohnhild ( ?) và nam soạn nhạc Henrik đến dự buổi dạy này .

Tất cả đều chưa biết cách hát đồng song thanh . Tôi giải thích thế nào là đồng song thanh, chỉ hệ thống bồi âm và chứng minh các loại cao độ một giọng có thể hát được . Tôi đã hát biểu diễn các thể loại . Họ nhìn tôi với tất cả khâm phục . Sau 1giờ 30 tất cả đều hát được hai giọng . Và sau đó tôi chỉ cách tập luyện giọng như thế nào để hát cho lâu và hát mạnh giọng .

Tới 13 giờ chúng tôi đi ăn cơm chung với nhau tại một nhà hàng . Sau đó tôi cho nghe những giọng đồng song thanh của Tuva, của Nam Phi châu và luyện tập cơ thể để giúp cho giọng mạnh hơn .

Tới 17 giờ, tất cả đều nghe được bồi âm và lấy làm thích thú vì học được một kỹ thuật hát mới . Anh Lasse Thoresen tới bắt tay tôi khen ngợi cách dạy hát đầy hiệu quả của tôi và lấy làm ngạc nhiên là tất cả người đến học đều thành công như lời tôi tuyên bố trước khi dạy .

Sau đó anh Lasse Thoresen đưa tôi về nhà anh ấy ở ngoại ô Oslo, gặp vợ anh Lasse tên Britt chào đón tôi niềm nở . Anh Henrik cũng được mời tới dùng cơm tối . Bữa ăn tối chỉ có món phô mai nấu chảy ra nhúng với bánh mì và ăn với rau bông cải, trái bơ, táo, uống rượu đỏ Bordeaux do tôi mang lại . Hai người này theo đạo Bà Hai nên không có uống rượu . Nhưng hôm nay vì tôi là khách quý nên họ phá giới uống rượu với tôi cho vui . Tới khi ăn tráng miệng tôi mới biết là hôm nay đôi bạn này mừng lễ kỷ niệm 12 năm cưới nhau . Tôi liền chúc mừng họ được mãi mãi hạnh phúc .

 

 

 

Anh Henrik bị hư xe nên tới trễ chỉ cùng ăn chung với nhau lúc tráng miệng . Chúng tôi cùng nghe một số bản nhạc do anh Lasse Thoresen và anh Henrik viết để biết nhạc của họ ra sao . Có thể nói loại nhạc dễ nghe, dựa theo ảnh hưởng của nhạc trung cổ, nhạc dân tộc Na Uy , nhạc Nhựt, và sử dụng nhiều quãng khác lạ với các quãng của thang âm bình quân (tempered scale / gamme tempérée) .

Sau đó anh Henrik phải về sớm . Tôi ở lại cùng đi bách bộ xung quanh làng của cặp vợ chồng này để chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên . Tới 23 giờ, anh Lasse Thoresen đưa tôi về khách sạn . Tôi rất mãn nguyện là đã thành công trong việc quãng bá hát đồng song thanh và trong tương lai anh Lasse Thoresen sẽ mời tôi trở lại để tiếp tục dạy cho nhóm hợp ca này vào tháng 10 , 2004 và cho tháng 10, 2005 trong khung cảnh của một đại hội nhạc đương đại tại Oslo nhân dịp kỷ niệm 100 năm xứ Na Uy được độc lập .

 

Oslo chủ nhựt 16 tháng 5, 2004

Tôi bắt đầu dạy từ 12 giờ tới 18 giờ . Anh Lasse tới khách sạn rước tôi lúc 11giờ 50 .

Tôi thuyết trình về các truyền thống hát đồng song thanh ở Tuva, Mông cổ, Altai, Khakassia, Kalmoukia, Nam Phi, Tây Tạng, Tân Guinea (New Guinea) cho thấy sự khác biệt về cách sử dụng đồng song thanh như thế nào .

Sau đó tôi dạy cách hát đồng song thanh với đầu lưỡi ấn vào đốc giọng. Sau hai giờ học tất cả 6 ca sĩ và ba nhà soạn nhạc đều thành công hát được và biết cách kiểm soát từng bồi âm căn bản . Mọi người đều hài lòng và mong được tiếp tục trong tương lai với tôi .

Anh Lasse Thoresen và 6 ca sĩ bày tỏ sự cám ơn đối với tôi . Dự án trong tương lai là làm sao áp dụng kỹ thuật hát đồng song thanh vào một nhạc phẩm đương đại . Tôi cho họ biết là kỹ thuật căn bản dễ khắc phục . Nhưng sẽ rất khó khi muốn học hát tất cả các bồi âm và tạo thành bài bản . Tôi đã bỏ ra trên 30 năm để nghiên cứu và luyện tập hàng ngày chứ không thể một ngày một buổi là có thể hát đồng song thanh . Bất cứ kỹ thuật hát nào cũng phải học rất lâu , chứ không phải đương nhiên là có thể hát dễ dàng .

Đúng 18 giờ chấm dứt lớp học và mọi người từ giã , hẹn lần tới . Anh Lasse Thoresen đưa tôi ra nhà ga trung ương dể tôi lấy xe lửa tốc hành đi ra phi trường . Tôi lấy xe lửa 18giờ 45 . Tới phi trường Gardemoen lúc 19giờ 05 . Tôi tới cổng 31 ngồi đợi chuyến bay về Bergen . Tới 20 giờ 10 tôi lên máy bay . 20giờ 30 máy bay cất cánh . 21giờ 20 tới Bergen .

Cháu Kim, con em Vinh , tới đón tôi tại phi trường . Trời bên ngoài mưa . 22 giờ tới nhà Vinh /Thu Hà . Tối nay gia đình em Vinh/Thu Hà đãi chúng tôi . Ăn rất trễ vì tôi về trễ . Nhưng cả gia đình vui vẻ chờ tôi . Bạch Yến tới nhà Vinh lúc 22giờ15 .

Vinh mua 50 con cua nấu hai nồi cho chúng tôi và cả gia đình (ba con trai là Sang , Hiển, và Kim cùng hai nàng dâu )cùng với cháu Khoa , bác sĩ con của anh Dương Kiền, và vợ chồng cháu chủ tiệm Liên bán thực phẩm . Sau màn cua tới màn cháo cá tôm khô. Tất cả là 14 người ăn tới 1giờ sáng , rất vui vẻ .Mỗi lần tới nhà Vinh / Thu Hà đều được ăn những món đặc biệt của cơm miền Nam như mấm và rau và cua, cháo cá. Gia đình Vinh / Thu Hà sống theo kiểu Việt Nam , có nghĩa là vợ chồng Vinh /Thu Hà ở chung với các con và dâu và cháu trong một căn nhà rộng rãi . Các con rất ngoan , nghe lời cha mẹ. Các cô dâu phụ giúp trong nhà ngoài giờ làm việc . Nhờ vây mà các con các cháu trong nhà đều nói tiếng Việt trổi chảy và thương yêu nhau . Đó là hình ảnh của đại gia đình Việt Nam được duy trì ở hải ngoại .

Chúng tôi về khách sạn lúc 2giờ sáng .

 

Bergen thứ hai 17 tháng 5, 2004

Hôm nay là ngày quốc khánh của Na Uy. Cả xứ sống một ngày lịch sử . Tại Bergen, Bạch Yến và tôi ra khỏi khách sạn lúc 10 giờ sáng đi lại ngay trung tâm thành phố . Dân chúng đi đầy đường . Nhiều người đàn bà mặc quốc phục rất đẹp . Nhìn vào quần áo thì biết người đó từ địa phương nào . Có tới hàng trăm y phục khác nhau. Y phục cổ truyền rất mắc tiền . Giá từ 15.000 tới 20.000 kronor (gần 3.000 US dollars) một bộ. Ngoài ra phải mua thêm nữ trang cũng khoảng 10.000 tới 20.000 kronors . Y phục đàn ông cũng mắc nhưng không mắc bằng y phục đàn bà . Tại vùng Fana nổi tiếng là có nhiều y phục cổ truyền vào mùa hè từ tháng 6 tới tháng 8 có những chương trình trình diễn y phục và nhạc cùng với các vũ điệu dân tộc . Chúng tôi chụp hình , quay phim để ghi lại những giây phút của ngày quốc khánh . Đây là lần đầu tiên chúng tôi có mặt ngày quốc khánh . Có tới mấy chục ngàn người ở ngoài đường . Cuộc diễn hành bắt đầu lúc 10 giờ 30 . Khác với các quốc gia khác . Tại Na Uy tất cả các trường học đều tham dự từ lớp tiểu học tới trung học đại học, các hội đoàn, các trung tâm văn hóa đều có thể tham dự . Không có nhạc diễn binh mà chỉ có những đội nhạc địa phương , và người tham dự cuộc diễn hành mặc quốc phục hay bất cứ quần áo nào cũng được .

Có nơi lợi dụng cơ hội này mang theo biểu ngữ cho biết yêu sách của hội đoàn hay trường học không có tiền để canh tân để yêu cầu chính phủ giúp đỡ . Đoàn người đi vòng quanh thành phố . Dân chúng đứng xem la lên « Gratulerer med dagen » (Chúc mừng ngày lễ) . Nhiều người phất cờ Na Uy, và đeo dấu hiệu của ngày lễ trông rất đẹp . Tôi cũng có đeo một dấu hiệu của Na Uy và cũng la theo họ . Không khí rất nhộn nhịp .

Xứ Na Uy là một quốc gia hòa bình và ngày quốc khánh là ngày của dân chúng , chứ không phải là ngày biểu dương lực lượng binh bị như ở Pháp hay ở nhiều quốc gia khác . Cháu Sơn hẹn với chúng tôi 11 giờ trước tiệm 7 Eleven để cùng chúng tôi dự ngày lễ quốc khánh . Tới 12 giờ khuya là chấm dứt cuộc diễn hành . Sau đó mọi người tới các quày bán thức ăn mua thức ăn . Tôi thấy có 3 gian hàng Việt Nam bán chả giò rất đông khách . Mỗi cuốn chả giò giá 10 kronors (1,5 US dollar) được chiếu cố đông lắm . Trời bắt đầu mưa. Cháu Sơn đưa chúng tôi tới ngôi trường công giáo mà cháu đã học lúc nhỏ cho tới lớp 10 . Nhà thờ công giáo đã giúp đỡ người Việt tỵ nạn từ nhiều năm qua . Về sau người Việt đã góp công và sức để giúp tái thiết ngôi nhà thờ bằng cách làm chả giò bán dâng hết tiền lời cho nhà thờ . Năm 2003, cộng đồng công giáo Việt đã giúp 70.000 Kronors để gopù tiền vào việc trùng tu nhà thờ . Năm nay , trong dịp lễ quốc khánh này, người Việt công giáo đã cùng nhau làm chả giò trên 3.000 cuốn để bán và sẽ lấy số tiền giúp cho nhà thờ . Do đó, người Na Uy rất quý mến người Việt và thấy người Việt biết ơn Na Uy và đền trả lại một phần nào việc xứ Na Uy cứu giúp người Việt di tản từ 1975 . Chúng tôi có vào viếng nơi làm chả giò do mấy phụ nữ Việt làm việc hăng say . Mấy người đàn ông Việt lo giao chả giò tới mấy gian hàng Việt ở khu bán thức ăn ở ngoài phố chạy tới lui không ngừng chân vì chả giò bán chạy như tôm tươi .

Tại ngôi trường công giáo có tổ chức một chương trình văn nghệ cho người Na Uy khi họ tới trường ăn uống cơm Na Uy và Việt . Các em nhỏ trình bày những tiết mục đàn piano , hát dân ca. Tôi thấy trường giúp người Việt nên tôi nói với ông thanh tra của trường là tôi có thể đóng góp một vài màn văn nghệ . Ông ấy rất vui mừng bước lên sân khấu tuyên bố ngay . Mọi người trong phòng vỗ tay hoan nghinh . Tôi biểu diễn màn gõ muỗng với cặp muỗng lấy ở nhà bếp của trường . Dù vậy tôi vẫn gõ được và chinh phục toàn thể cử tọa . Sau đó tôi trình bày hát đồng song thanh . Cả phòng vỗ tay vang dậy và huýt sáo cùng dậm chân để tỏ bày sự thích thú tột bực . Nhưng tôi cám ơn họ và xin hẹn một lần khác . Những người Việt trong phòng rất vui thích và hãnh diện . Họ đến chào chúng tôi và xin chụp hình lưu niệm . Có anh Pháp, một người Việt công giáo đã từng xem chúng tôi cách đây gần 20 năm và hôm 1 tháng 5 vừa qua cũng có tới nghe chúng tôi ở Grieg Academy. Anh ấy rất hoan hỉ và hàn huyên với chúng tôi và cháu Sơn . Anh ấy mong rằng chúng tôi sẽ chấp nhận cống hiến một chương trình vào tháng 10, 2004 khi chúng tôi trở qua Bergen để làm một chương trình cho giới trẻ Việt Nam công giáo để chúng hiểu thêm giá trị của nhạc cổ truyền Việt Nam .

Sau đó chúng tôi trở về khách sạn nghỉ một chút vì tối nay chúng tôi tới nhà Phạm Phú Minh (tức nhạc sĩ Minh Thao) dùng cơm với một số bạn bè .

17giờ, tôi đi tắm hơi và sauna. 17giờ 50 Hồng và Nho tới khách sạn đón chúng tôi để đưa lại nhà của Phạm Phú Minh . Lại thêm một tiệc nữa với những người bạn đã từng gặp những lần trước như anh Dương Kiền, vợ chồng anh Hùng chị Kỳ, anh Sa, vợ chồng Nho/ Hồng, vợ chồng chủ nhà Minh Thao / Ngọc Tuyền .

Tiệc bắt đầu lúc 18giờ 30 với món cháo Na Uy ăn với thịt nguội un khói có rắc bột quế rất ngon và lạ do Hồng làm . Sau đó tới món hến xúc bánh phồng do Ngọc Tuyền đảm lo . Tới món chả giò tôm làm theo kiểu samoussa ấn độ do chị Kỳ chế biến . Tới món « tổ uyên ương » do Ngọc Tuyền sáng tác với mì khô với tôm thịt . Tiếp theo là món cháo cá do Ngọc Tuyền trổ tài . Món chót là chè táo sọn nước cốt dừa và trái cây dâu tươi . Rượu do anh Hùng mang tới và của Minh Thao đãi. Ngoài ra còn có bia Tuborg . Buổi tiệc kéo dài tới 23 giờ 30 . Cuối cùng là màn « văn nghệ » , chúng tôi bắt đầu với bài « Tân hôn dạ khúc » theo lời yêu cầu của các bạn . Rồi anh Hùng hát một bài do anh sáng tác để tặng chị Kỳ lúc còn trẻ . Nho cũng hát một bản do chính Nho sáng tác để tặng người yêu là Hồng lúc còn là sinh viên ở Đà lạt . Sau cùng là Minh Thao hát một sáng tác dựa trên bài thơ của anh Dương Kiền . Một buổi tối trong tinh thần âm nhạc và tình bạn nẩy nở thêm tươi mát sau mấy lần hội ngộ .

Bergen thứ ba 18 tháng 5, 2004

Sáng nay chúng tôi diễn hai xuất tại trường Kaland thuộc vùng Fana cho trẻ em từ lớp 1 tới lớp 7 từ 10 giờ tới 12 giờ 10 . Cả hai xuất đều có kết quả tốt đẹp . Thầy trò đều bày tỏ sự mến phục qua những tràn pháo tay và những lời viết trong quyển sổ lưu bút đầy chân tình .

Chúng tôi trở về khách sạn và đi ăn cơm ở tiệm cơm Mông cổ . Đây là một tiệm cơm ăn bao bụng với 4 loại thịt : bò, trừu, gà, heo . Có cơm , rau . Tôi ăn ba dĩa thịt nướng trên 500 gram, no cành hông . Bạch Yến ăn hai dĩa . Bữa ăn kéo dài gần hai tiếng đồng hồ .

Trở về khách sạn thì có Nho tới tiễn chào hẹn lần tới sẽ tái ngộ . Tôi đi tắm hơi xong thì có cháu Sơn tới . Cháu Sơn có dịp trò chuyện với chúng tôi và cho thấy cháu tuy nhỏ tuổi nhưng rất có lòng đối với nền văn hóa dân tộc . Cháu làm việc giúp cộng đồng công giáo Việt Nam và hết lòng lo cho giới trẻ ở Bergen . Sau đó có em Làm tới tặng cho chúng tôi cá salmon un khói đặc biệt của Na Uy . Làm có đưa vợ tên Chương và con gái tên Ngọc Nhụy học lớp 6 trường trung học tới gặp chúng tôi để làm quen . Khoảng 22 giờ có hai cháu Thúy và Hiển tới chào chúng tôi và chúc chúng tôi lên đường bình an . Hôm nay là ngày tiếp khách liên miên. Tuy bận rộn nhưng rất vui vì thấy được người Việt ở Bergen mến thương . Đó là món quà quý giá khi chúng tôi đi lưu diễn

Tôi phải thu xếp hành lý để sáng hôm sau không phải bị lụp chụp vì sau hơn ba tuần lễ tại Bergen, quà tặng của các bạn rất nhiều làm cho hành lý chúng tôi thêm nặng .

 

Bergen thứ tư 19 tháng 5, 2004

Buổi diễn cuối cùng của chuyến đi này tại trường Kaland vào lúc 10 giờ sáng. Kết quả vẫn như các buổi hát đầu tiên . Chúng tôi thu xếp đồ đạc trở về khách sạn lúc 11giờ 45 . Đi ăn trưa tại nhà hàng Tàu Yang Tse Kiang ngang chợ cá . Lên đường đi ra phi trường lúc 13giờ 45 . Tới phi trường Flesland lúc 14giờ 20 . Đứng chờ làm đuôi để gở hành lý gần một giờ . Từ giã Finn Cato và hẹn gặp lại vào tháng 10 . Chúng tôi đi hãng SAS chuyến bay 16giờ 05, cổng 25 từ Bergen sang Kobenhavn , Đan Mạch. Máy bay khởi hành trễ nên tới 17giờ 30 mới đáp xuống phi trường ở Kobenhavn . Tại đây chúng tôi phải đổi máy bay để về Paris . Khi ra khỏi máy bay thì tìm được chuyến máy bay về Pháp ở đúng ngay cổng chúng tôi đi ra . Một cô chiêu đãi viên cho chúng tôi biết là chuyến máy bay này sẽ khởi hành trễ vì vấn đề bán nhiều vé hơn số ghế dự trù . Chúng tôi ngồi chờ để lên máy bay . Cô chiêu đãi viên nhìn Bạch Yến và không biết sao đi lại hỏi Bạch Yến nếu không có gì gấp , và có thể nán đợi vài giờ thì được tặng 150 Euros cho mỗi người và một bữa ăn . Bạch Yến hỏi khi nào sẽ có chuyến bay tới để đi Paris . Họ cho biết là 20giờ , nghìa là chúng tôi ở lại phi trường thêm 2 giờ . Suy đi nghĩ lại , chúng tôi đồng ý ở lại . Được vé đi ăn ở bất cứ nhà hàng nào ở phi trường với giá 175 Kronors Đan mạch (khoảng gần 30 US dollars). Chúng tôi đi tìm một nhà hàng . Đi gần 20 phút mới tìm một nhà hàng Ý gọi các món bún với cá, tôm, và thịt bò xay (spaghetti bolognese), uống một chai rượu đỏ Nam Úc châu 13,5 độ .

Tới 19giờ 40 , chúng tôi đi lại cổng D1 để lấy chuyến mảy bay SAS để trở về Paris . 22giờ , chúng tôi tới Paris . Lấy hành lý , có ông bà Péric tới đón chúng tôi và đưa về nhà .

Chuyến đi Bergen kỳ này mang lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp, khó quên .

1. Về phía việc làm truyền bá nhạc Việt trong trường học do hội Rikskonsertene tổ chức , chúng tôi đã diễn 33 buổi cho một số trường tiểu học thuộc các tỉnh Paradis, Nattland, Nettstun, vv thuộc vùng Fana của thành phố Bergen . Ở khắp nơi, chúng tôi đều gặt hái kết quả thành công như nhau . Thầy, trò đều thích cả . Tôi có mang theo một quyển sổ để xin cảm tưởng của các trường sau khi diễn xong . Nơi nào cũng khen và mong chúng tôi trở lại . Bằng chứng cụ thể nhất là tới tháng 10 , 2004 , chúng tôi sẽ trở qua Na Uy và diễn thêm 3 tuần với 32 buổi cho các trường tiểu học ở khu Aasane cũng thuộc thành phố Bergen . Năm 2005 chúng tôi được mời diễn 2 tuần với 20 buổi tại Oslo. Như vậy là trong năm 2004, chúng tôi diễn tất cả là 65 buổi giới thiệu nhạc Việt cho trẻ em Na Uy, một hình thức giáo dục âm nhạc thế giới mà xứ Na Uy đã phát triển từ mấy mươi năm qua .

Chúng tôi đã mang nhạc Việt vào các trường tiểu học cho gần 5.000 học sinh tại vùng Hordaland này với một thành quả tốt đẹp, gieo những hạt giống nhạc Việt vào trong đầu những đứa trẻ Na Uy và giúp cho các nhà giáo có một cái nhìn mới đối với nền âm nhạc Việt Nam . Việc làm của chúng tôi là làm sao cho người Tây phương hiểu được thế nào là văn hóa dân tộc Việt , thế nào là truyền thống Việt Nam qua âm nhạc , áo quần, ngôn ngữ để cho người Tây phương nhận thức giá trị thật sự của xứ Việt Nam , tạo một hình ảnh đẹp trong đầu óc họ và để cho họ hiểu và mến thương người Việt tới tạm dung nơi xứ họ . Đó là mục đích chánh của việc làm chúng tôi ở hải ngoại .

Chúng tôi có một buổi trình diễn nhạc Việt Nam tại âm nhạc viện Grieg Academy , Bergen cho người Na Uy và Việt Nam, một chương trình cho đại hội liên hoan quốc tế OleBlues với sự góp mặt của tôi là nghệ sĩ Việt duy nhứt . Tôi còn trình diễn một vài tiết mục đặc biệt trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại một trường công giáo đã giúp người Việt rất nhiều khi có phong trào rước người tỵ nạn ở Bergen nhân ngày quốc khánh Na Uy . Ngoài ra tôi dạy một khóa 12 giờ hát đồng song thanh tại âm nhạc viện Oslo (Musikhogskole) cho 6 ca sĩ chuyên nghiệp để chuẩn bị cho năm 2005 một nhạc phẩm đương đại đánh dấu kỷ niệm 100 năm xứ Na Uy được độc lập .

2 Gặp gỡ các bạn Việt Nam trong nhiều lĩnh vực . Các bạn nhạc sĩ như Nguyễn C. Hùng, Trần Văn Nho, Phạm Phú Minh Thao , các nhà thơ như Dương Kiền, Đăng Trình đều có dịp gặp chúng tôi , trao đổi văn nghệ qua một số ca khúc hát cho nhau nghe , tìm hiểu nhau qua các buổi cơm do các phu nhân trổ tài nội trợ xứng đáng là những người có thể làm sáng danh thức ăn Việt Nam ở hải ngoại như các món nem nướng, gỏi tôm cua, chả giò, cháo cá, chả đùm, mắm và rau, vv…. Không những các món ăn Việt, các chị còn phô trương tài nấu các món ăn xứ khác như gà cà ri, paella Tây ban nha, cháo Na Uy, cá un khói Na Uy . Qua những lần gặp nhau, chúng tôi thấy gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và vui vẻ trong tình đồng hương, tình đồng bạn, tình văn nghệ . Các nhạc phẩm, thi phẩm với sự cố gắng muốn mang lại một cái gì cho đất nước là một điểm son của các anh em nhạc sĩ và thi sĩ ở Bergen này .

Tôi có gặp vợ chồng Vinh / Thu Hà gốc ở Sa Đéc, sang Bergen được trên 10 năm với mấy đứa con . Vinh đã chịu khó học may và đậu một bằng cấp chánh thức của Na Uy . Từ đó Vinh đã nhận sửa các áo mắc tiền của mấy bà Na Uy . Công việc lúc đầu ít , nhưng dần dần với sự khéo léo và nhanh nhẹn, Vinh có nhiều khách hàng và chỉ làm việc tại nhà . Vinh sửa áo quần, vợ đạp máy may . Chẳng bao lâu hai vợ chồng trở nên khá giả , xây cất nhà cao cửa rông , có mấy chiếc xe Mercedes . Các con trai và dâu cháu đều có công ăn việc làm và ở chung với cha mẹ .Đó là hình ảnh thành công của một gia dình Việt nam . Ngoài ra có ông chủ tiệm bán thực phẩm Thành Cát rất thành công . Có 4 tiệm ăn do người Việt làm chủ :tiệm Cyclo do một cậu trẻ có 3 tiệm hớt tóc rất nổi tiếng ở Bergen có nấu món lẩu, và phở gà, tiệm Mat og Vint do hai cậu trẻ chuyên nấu các món tàu Hồng Kông , tiệm Thành Đạt do cháu Thúy và cháu Hiển (con của Vinh /Thu Hà) cũng nấu cơm Tàu , và một tiệm cơm Việt mới khai trương vào ngày 14 tháng 5 vừa qua với các thức ăn hoàn toàn Việt Nam do cậu Toàn còn trẻ nhưng rất muốn làm một cái gì cho cơm Việt . Có một tiệm Bar tên Zupperia do một cặp vợ chồng Việt Nam đứng ra coi sóc chuyên các thức ăn Ý, Tây ban nha, và bán cho người Na Uy. Một tiệm cà phê Zen Cafe do anh Nguyễn Văn Thực và em Minh Mẩn quản lý . Ngoài các loại cà phê phin, capuccino, moka, em Minh Mẩn còn nấu một số món ăn Việt như phở, cơm dĩa đơn giản và vài món Na Uy . Đa số là thực khách trẻ Na Uy, mở cửa từ 8 giờ sáng tới 23 giờ . Tiệm có đông khách tới suốt ngày .

Tôi có quen thêm một cậu trẻ tên Đỗ Châu Sơn, tuôåi khoảng 30 , đậu kiến trúc và hành nghề tại Bergen . Cháu Sơn tuy nhỏ tuổi nhưng rất có lòng đối với tiền đồ văn hóa Việt Nam . Cháu sưu tầm tài liệu kiến trúc chùa chiền Việt Nam, đọc sách về văn hóa Việt Nam , nghe nhạc cổ truyền Việt Nam . Chúng tôi gặp cháu nhiều lần tại nhà cháu . Cháu cho chúng tôi thấy những cây đàn tranh, bầu, cò, sáo, tiêu , mấy chục CD nhạc Việt cổ truyền mà thôi, nhiều sách bằng Việt ngữ , Anh ngữ, Na uy ngữ về xứ Việt Nam . Cháu Sơn là người công giáo, hoạt động tích cực tạo một lực lượng trẻ để gầy dựng lại cộng đồng Việt Nam đã suy yếu sau một thời gian sinh hoạt .

3. Ngoài việc làm, chúng tôi có dịp đi thăm phong cảnh và di tích lịch sử . Chúng tôi đã tới thăm ngôi nhà tại Troldhaugen mà nhà soạn nhạc đại tài của xứ Na uy là Edvard GRIEG (1843-1907) đã sống 22 năm để soạn những tác phẩm để đời . Một thính đường nhạc được xây cất vào năm 1985 cạnh ngôi nhà với 200 chỗ, và một viện bảo tàng về nhạc sĩ Edvard Grieg được khánh thành vào năm 1995 . Ông Grieg và bà vợ tên là Nina được chôn trong hang núi cạnh đó . Hàng năm cứ vào khoảng đại hội quốc tế âm nhạc từ 19 tới 31 tháng 5 và mùa hè đều có tổ chức trình diễn âm nhạc tại đây . Có thể vào xem trang nhà : www.troldhaugen.com.

Nhà soạn nhạc thứ nhì cũng rất nổi tiếng là ông Harald Saeverud (1897-1992) có một ngôi nhà đồ sộ (700 m2) với lối kiến trúc cổ truyền Na uy ở tại Siljustol . Ngôi nhà này trở thành viện bảo tàng để du khách có thể viếng thăm từ năm 1997, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông . Có thể viếng thăm mạng lưới www.siljustol.no

Nhà nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng của Na Uy Ole Bull (1810-1880) có một ngôi nhà trên đảo Lysoen rất nên thơ và đặc biệt , được xây cất năm 1872/73 Ngôi nhà này là nơi tụ họp những văn nghệ sĩ thời ông Ole Bull còn sống . Tất cả đồ đạc trong nhà vẫn còn y nguyên từ năm 1880 cho tới nay . Năm 1973, đứa cháu gái của ông Bull, bà Sylvea Bull Curtis đã tặng ngôi nhà cùng tất cả đồ đạc trong nhà cho thành phố Bergen để dùng làm nơi cho du khách đến thăm . Chỉ mở cửa từ 18 tháng năm tới 31 tháng 8 mỗi năm . Hồng va` Nho có chở chúng tôi tới ngay bờ hồ thì hôm đó chưa mở cửa

Hồng và Nho có đưa chúng tôi đi viếng chiếc cầu treo hơi giống chiếc cầu treo Golden Gate ở San Francisco , Hoa kỳ . Rồi có đưa chúng tôi đi xem một di tích lịch sử tên là Lyse Koster đã tàn rụi nhưng vẫn còn vết tích để cho thấy nhà cửa thời Viking thế kỷ 12 . Ngoài ra Hồng và Nho đưa chúng tôi vào xem Hăkonshallen (www.hd.uib.no/haakon.htm) nơi chôn những vị vua đầu tiên của Na Uy , và những ngôi nhà bằng cây ở khu Bryggen (www.uib.no/bmu hay www.visitBergen.com/Bergen) được xây cất từ năm 1360 do người Đức xây dựng để làm thương mại . Năm 1702 bị hỏa hoạn thiêu đốt hết . Sau đó được xây cất lại theo mẫu xưa để duy trì cảnh nhà xưa .

Khu này được UNESCO chọn làm di sản bất động vật thế giới.

Cháu Đỗ Châu Sơn đưa chúng tôi đi viếng Núi Floyen cao 320 m trên mặt nước , phải đi bằng xe điện (giá khứ hồi 60 Kronors) . Lên phía trên có một cái nhìn toàn diện thành phố . Người Na Uy thường lên đây vào cuối tuần để đi bộ trên các đường mòn , dạo mát và ngắm cảnh . Trên đây còn có một nhà hàng thật sang (mà giá cũng « sang » luôn). Chúng tôi đi viếng chợ cá bán đủ loại cá, tôm, cua sống rất tươi . Chúng tôi đi viếng chôã nuôi các thú vật dưới biển như các loại cá hiếm, hải cẩu (mở cửa từ 1 tháng 5 tới 31 tháng 8) . Chúng tôi dành chút thì giờ để viếng vài viện bảo tàng chánh như Bergen Kunstmuseum (www.bergenartmuseum.no) (viện bảo tàng mỹ thuật từ thế kỷ 15 tới hiện đại , như Kunstindustrimuseum (www.vk.museum.no) gồm có những vật liệu hàng ngày của Bergen từ 5 thế kỷ chót cũng như những tưông Phật bằng đá cẫm thạch , dụng cụ bằng sứ , sành , y phục và thảm Trung quốc quan trọng nhứt ở Bắc Âu

Chúng tôi viếng ngôi nhà thờ bằng cây Fantoft (Fantoft Stavkirke)ở tỉnh Paradis . Ngôi nhà thờ này được cất vào năm 1150 tại làng Fortun ở vùng Sogn, sau đó dời tới tỉnh Fantoft năm 1883, bị cháy ngày 6 tháng 6, 1992 . Mới được xây cất lại . Nơi đây chỉ cho xem từ 15 tháng 5 tới 15 tháng 9 mỗi năm .Trên toàn xứ Na Uy chỉ có 4 ngôi nhà thờ bằng cây như vậy .

Chúng tôi được tham dự ngày lễ quốc khánh lần đầu tiên ở Na Uy mặc dù chúng tôi đã tới Na Uy hơn 10 lần và đã ở tại Na Uy tổng cộng thời gian cũng trên 3 tháng trong vòng 28 năm mà không có ở đúng vào dịp lễ quốc khánh (17 tháng 5) . Lễ quốc khánh ở Na Uy là lễ của dân chúng chứ không phải dành cho quân đội , đi diễn binh. Ở Na Uy chỉ có dân chúng mặc y phục cổ truyền đi ngoài đường, các hội đoàn, các trường học từ tiểu học tới lớp thi tú tài, đi vòng quanh thành phố .Lễ bắt đầu với 21 phát đại bác bắn chào mừng . Rồi dân chúng xêp hàng đi vòng quanh thành phố . Buổi tối có màn đốt pháo bông .

Thời giờ không cho phép chúng tôi đi viếng thăm nhiều hơn chúng tôi mong muốn. Một chuyến đi đầy hứng thú, kỷ niệm, khám phá đời sống cộng đồng Việt đã trưởng thành tại Bergen với một mức sống cao, an cư lạc nghiệp, với sự thành công trong việc phổ biến nhạc Việt trong các trường học, một cái nhìn mới lạ về con người và cảnh vật tại Bergen .

 

Trần Quang Hải (Paris, Pháp)