THỜI  THƠ  ẤU CỦA  TÔI

Thụy Khanh

 

Lại một lần thức giấc nửa đêm!  Bao nỗi niềm trăn trở lần lượt kéo đến làm choáng ngợp tâm trí tôi.  Thôi hãy gát sang bên những cảm xúc của những lần liếc trộm nhìn nhau khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  Thôi hãy tạm quên đi cái thuở ban đầu của cuộc tình thơ mộng ấy.  Khuya đêm nay, tôi muốn thả hồn nương theo làn gió lành lạnh của những ngày chớm Đông để trở về miền đất Việt Nam yêu dấu, để được một lần sống lại những ngày thơ ấu cũ.

Nơi ấy, sáu chị em chúng tôi cùng Ba Mẹ sống biệt lập trong một ngôi nhà không nguy nga, đồ sộ nhưng cũng được xem là rộng rãi, khang trang.  Chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia cảnh khá sung túc, không phải bận tâm đến bửa đói bửa no, một cuộc sống mà biết bao người mơ ước vào thời điểm đất nước đang đắm chìm trong cảnh loạn ly.

Thế nhưng, chẳng hiểu sao tâm tư  tôi cứ mãi canh cánh một cảm giác thiếu thốn, bất an, luôn bị đè nặng bởi những nỗi lo âu, phiền muộn, lắm khi vô căn cứ.  Tuy tuổi thanh xuân không còn nữa, tuy màu tóc đã đổi thay nhưng lạ lùng thay…tâm hồn tôi vẫn chưa thay đổi.  Tôi vẫn thường thích ngắm bầu trời xanh biếc, thích nghe những hàng cây lao xao trước gió, thích nhìn những chiếc lá vàng bay, để rồi đôi khi ao ước được trở thành cánh chim bay lượn khắp những nơi mà mình muốn vươn tới, không phải chỉ để rong chơi mà còn để tìm kiếm một cái gì đó thật vô hình nhưng cứ nung nấu trong tôi.  Ôi!  Sao nước mắt tôi lại cứ mãi trào tuôn!  May mắn thay tôi vẫn còn cảm xúc, chưa bị những thăng trầm của thế sự, những dằn vật của cuộc sống làm chai cứng cái nội tâm đích thực của bản thân tôi.

          Tôi đã mở mắt chào đời vào buổi sáng hôm ấy.  Dĩ nhiên, làm sao tôi biết được những gì đã xảy ra cho tôi.  Chừng lớn lên, tôi mới hay rằng ba tôi chẳng hề một lần đến nhà thương nhìn mặt tôi và trong suốt thời gian một năm đầu ấy, tôi không có tên cha trong tờ giấy khai sinh.  Ồ!  Xin đừng nghĩ rằng tôi là một đứa con ngoại hôn, vô thừa nhận.  Ba mẹ tôi là một cặp vợ chồng chính thức ăn ở với nhau đó chứ nhưng chỉ tội cho mẹ tôi là bà chưa hề được sung sướng khoác lên người chiếc áo cưới để bước lên xe hoa, chưa hề cảm thấy vô vàn hạnh phúc khi bước chân về nhà chồng như các cô gái cùng trang lứa khác.

          Thôi thì đừng xót xa cho thân phận của mẹ tôi nữa mà hãy đổ thừa cho số Trời đi.  Hãy trách ông Trời đã khiến gia đình mẹ tôi phải chạy loạn, lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để lên tận Saigòn tìm kế sinh nhai, để phải vào cái nhà hàng nọ xin tá túc.

          Và hãy trách Trời sao đã xui khiến cho người đàn ông ấy – một ông chủ của nhiều căn phố cho thuê, trong đó có cái nhà hàng kia – bị hớp hồn bởi hình ảnh của đôi bím tóc đang lả lơi buông thả trên bờ vai của người con gái có khuôn trăng đầy đặn, có vóc dáng dong dỏng cao và làn da trắng hồng ấy.

          Với quyền lực sẵn có trong tay, người đàn ông quyết một mực đòi cưới cho được cô gái bỗng chốc đã làm lòng ông say đắm.  Khi nghe tin ấy, cô gái vô cùng lo sợ, đành rời xa nơi đó để tìm nơi ẩn náu khác với hy vọng thời gian sẽ sớm làm ông quên cô đi.  Nhưng không…ông đã không quên, trái lại còn tìm đủ mọi cách để khuất phục cô.  Cuối cùng, ông đã đưa ra một điều kiện : hoặc cô gái chấp nhận lấy ông hoặc ông sẽ đòi lại căn phố mà người chủ nhà hàng kia đang thuê.

          Thử hỏi còn điều kiện nào khắc nghiệt hơn nữa không?  Còn đâu là chỗ tá túc cho gia đình, còn đâu là sự nghiệp của người đã ra tay cứu giúp, nâng đỡ cha mẹ, các em trong những ngày đầu cơ cực?  Sau bao đêm dài trăn trở nghĩ suy, cùng với lời khuyên nhủ của cha mẹ, cô đành gạt nước mắt khóc thương cho số phận hẩm hiu của mình để chấp nhận lời cầu hôn của người đàn ông giàu có ấy.

          Người đàn ông đó là ba tôi và người con gái đáng thương, đáng tội nghiệp ấy chính là mẹ tôi đấy.  Lúc đó, mẹ tôi mới bước vào tuổi đôi chín, cái tuổi đầy mộng mơ, đáng lẽ phải được sánh vai cùng một chàng thanh niên trai tráng, tràn đầy sức sống, chứ đâu phải là một người bằng tuổi chồng tôi bây giờ, tức 54 tuổi!

          Xin đừng tò mò hỏi xem mẹ tôi có hạnh phúc không?  Chỉ nên hỏi là mẹ tôi đã hy sinh đến mức độ nào?  Vì tương lai của chị em chúng tôi mà Mẹ phải ngậm đắng nuốt cay, chịu đựng biết bao cơn phong ba bão táp, kiên tâm ở lại với Ba trong suốt gần 20 năm dài đăng đẳng.

          Cũng may là lúc mở mắt chào đời, tôi chưa đủ trí khôn để phải cảm thấy buồn sao ba mình đã không đến nhìn mặt đứa con gái này.  Chừng lớn khôn, dù chẳng được ai giải thích, tự nhiên tôi cũng hiểu, hiểu rất rõ nguyên nhân tại sao.  Vì có bao giờ mẹ tôi được sánh vai cùng ba tôi đi tới chỗ đông người đâu?  Vì làm sao một người đàn ông nhiều tuổi đến như vậy có thể tự nhiên nâng niu đứa con gái còn đỏ hõn (không thể gọi là đầu lòng được vì ông đã có ba người con với hai người vợ trước) trước cặp mắt tò mò, dị nghị của bao kẻ bàng quan?  Mà cho dù ba tôi có can đảm đến đi nữa thì chắc chắn rằng ông cũng chẳng thèm ôm ấp tôi đâu vì ông vẫn chưa từ bỏ quan niệm “trọng nam khinh nữ” của người xưa, ông đã tỏ ra bực dọc khi hay tin đứa con gái này ra đời.

          Dẫu biết rằng một lần gợi nhớ là một lần đau, nhưng trong giờ phút này đây, tôi muốn được hồi tưởng lại những tâm tình tôi đã vương mang trong thời thời ấu ấy.  Đã gần 40 năm qua rồi, từ khi tôi đủ khôn lớn để ghi nhớ những diễn tiến trong cuộc sống gia đình cũng như những biến chuyển trong tình cảm riêng tư.  Ôi!  Làm sao tôi có thể quên được những lần ba tôi lên cơn giận dữ.  Ba tôi đã hất đổ nguyên cả bàn ăn, từ cái bát, đôi đũa đến chiếc ly, cho tới lúc không còn một thứ gì được thấy trên bàn nữa.  Đôi khi nguyên nhân chỉ vì một chuyện hết sức đơn giản, chẳng hạn như mẹ tôi vô tình đứng chải tóc gần khung cửa sổ, vừa đúng lúc ba tôi thấy có một chàng thanh niên bước chân ra ngưỡng cửa của căn nhà đối diện.  Hoặc vì mẹ tôi đã dám nhận gói quà miệt tỉnh mà ông anh của mợ Năm đã gửi biếu gia đình tôi (nhưng ba tôi cứ đề quyết rằng ông ấy chỉ gửi biếu riêng mẹ tôi thôi!).  Hồi ấy, làm sao chúng tôi hiểu nỗi là ba tôi đang lên cơn ghen, chúng tôi chỉ biết run rẩy, rúc nhau ngồi vào một xó.  Chính sự sợ hãi ấy đã khiến chị em chúng tôi càng cảm thấy xa cách ba tôi hơn mặc dù đêm đêm, khi hé mắt nhìn lên, tôi thấy ba tôi đến kiểm lại từng tấm chăn để chắc chắn là chúng tôi đã được đắp ấm.

          Dĩ nhiên, với số tuổi cách xa vời vợi như vậy, làm sao ba tôi có thể dễ dàng bày tỏ những cử chỉ âu yếm, thương yêu chúng tôi.  Tôi nhớ mình chưa hề được ba hôn lên má, chưa từng được ba ẳm bồng một lần, dù chỉ một lần thôi.  Đối với tôi đó là những thứ quá xa xỉ mà không đời nào tôi có thể hưởng thụ được!  Nếu tôi nói ra đây, liệu có ai tin tôi không?  Suốt 18 năm sống dưới mái nhà với Ba, tôi chỉ ghi vào lòng một vài kỷ niệm đáng nhớ.  Tối hôm đó, mẹ tôi hỏi sao tôi ăn cơm ít quá.  Trong lúc tôi còn phân vân, không biết trả lời sao cho đỡ bị Mẹ la thì ba tôi đã vọt miệng nói :                            

            - Chắc tại nó muốn để dành bụng để lát nữa ăn dưa hấu chứ gì? 

          Tôi chợt ngước mắt lên nhìn Ba, ngạc nhiên sao hôm ấy Ba mình dễ chịu thế?  Nhìn cái miệng Ba cười cười, tôi ước gì mình dám thỏ thẻ với Ba rằng :

          - Ba cười lớn lên đi Ba để cho con đỡ sợ Ba một chút, để con có thể xích lại gần Ba một chút. 

          Tiếc thay, tôi đã chẳng dám thốt lên một tiếng nào!

          Và còn một nỗi sợ hãi khác, theo tháng ngày cứ chồng chất, đè nặng lên tâm hồn non nớt của tôi.  Tôi không biết các em tôi có còn nhớ gì chăng chứ riêng tôi, tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng ầm ầm của những viên đá đập mạnh vào các cánh cửa làm tôi đinh tai nhức óc, khiến trái tim tôi cứ đập liên hồi, tưởng chừng như sắp lọt ra khỏi lồng ngực tới nơi.  Đến khi mọi sự đã yên ổn, tôi mới dám hé cửa nhìn ra.  Trời ơi!  Quang cảnh trước mắt giống y như bãi chiến trường!  Gạch lớn gạch nhỏ ngổn ngang nằm lăn lóc khắp cả sân thượng nhà tôi.  Đó là hậu quả của những lần ba tôi lớn tiếng mắng mõ bọn trẻ hàng xóm vì chúng dám ngang nhiên chế giễu ông.

          Thú thật là lúc ấy, tôi sợ lắm, sợ đến nỗi càng lớn tôi càng trở nên nhút nhát và thường mặc cảm về thân phận của mình.  Bước vào tuổi mộng mơ mà sao tôi rất thích mặc những màu áo sậm đen, rất thích đắm mình trong bóng tối.  Tôi thật sự cảm thấy rất an toàn khi được ẩn náu vào trong vùng tăm tối đó.  Và điều đáng quan tâm hơn nữa là mỗi khi phải đương đầu với một nỗi gian nan khó giải quyết, tôi thường nuôi ý định từ bỏ cõi thế gian đầy khổ ải này!

Thế rồi, ngày qua ngày, ba tôi tỏ ra bình tĩnh hơn, ít lên cơn giận dữ như trước.   Và sáng hôm đó, lần đầu tiên Ba gọi tôi lên lầu để nói chuyện.  Chỉ nói được đôi câu, ông đã chảy nước mắt.  Ba biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên cảm thấy xót xa khi thấy các em tôi còn nhỏ dại quá.  Ba thực tâm thương cho cảnh mẹ tôi sắp trở thành góa phụ khi Mẹ chưa bước vào tuổi 40, cái tuổi còn thấy đời đáng yêu. 

          Giờ đây ngồi hồi tưởng lại, tôi vẫn còn cảm thấy ân hận là tại sao lúc ấy, tôi chẳng chịu nói với Ba một lời nào, chỉ lặng thinh cúi đầu ngồi nghe, rồi lẳng lặng bước xuống lầu.  Lý do dễ hiểu thôi : Có bao giờ tôi có dịp được nghe Ba tâm sự như thế này đâu nên làm sao tôi dám nói điều chi?

          Chẳng bao lâu sau khi tôi lấy được mảnh bằng Tú Tài II, ba tôi lìa đời sau 3 tháng liệt giường vì chứng ung thư phổi.  Cho dù không hề được ôm ấp thương yêu, tôi vẫn cảm thấy bị mất mát nhiều vô kể!  Nhưng tâm trạng đó có thấm tháp gì so với nỗi đau khổ của mẹ tôi!  Sau khi ba tôi mất đi, tất cả tài sản đều được giao cho người anh Cả, cùng cha khác mẹ của tôi cai quản vì đó là của hương hỏa do ông nội tôi để lại, chỉ được tuần tự “cha truyền con nối”, không được phân chia.  Mẹ tôi đã tiếp tục nuôi dưỡng chúng tôi bằng số tiền mà Mẹ đã âm thầm chắt chiu, dành dụm.  Đôi khi ngẩm nghĩ lại, tôi vẫn còn ngạc nhiên, không hiểu mẹ tôi làm thế nào mà cất dấu được một số tiền kha khá như thế trong khi ba tôi kiểm soát tiền nong một cách chặt chẽ vô cùng.  Ông cứ nơm nớp lo sợ là mẹ tôi sẽ ôm tiền, bỏ trốn theo người đàn ông khác.  Ba tôi đâu ngờ rằng chính chị em chúng tôi mới là báu vật để mẹ tôi hết lòng gìn giữ, chở che, chứ có bao giờ bà để tâm nghĩ tới hạnh phúc riêng tư của mình đâu?  Lúc ấy, đáng tội nghiệp nhất là đứa em út  ít của tôi, con bé Hiền chỉ mới lên 3 tuổi!

          Và cuộc đời truân chuyên của mẹ tôi chưa dừng lại ở nơi đó.  Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, mẹ tôi gần như trắng tay vì bao nhiêu tiền bạc gởi vào ngân hàng đều bị tịch biên.  Tôi còn nhớ là mình đã nhìn thật lâu vào đôi mắt của Mẹ.  Tôi xót xa nghĩ thầm rằng hẳn là mẹ tôi đau khổ, tiếc nuối nhiều những gì bà đã mất.  Nhưng …thật không ngờ, nét mặt mẹ tôi vẫn bình thản, bình thản một cách lạ lùng!  Có lẽ thời gian 20 năm dài chịu đựng ấy đã thừa sức để giúp mẹ tôi sở hữu một tâm hồn bình thản, chấp nhận mọi tai biến xảy ra cho cuộc đời của bà.  Mẹ tôi đã lẳng lặng thu xếp mọi việc để trở về quê cũ, nơi chôn nhau cắt rốn, trở lại những năm tháng làm lụng chân lấm tay bùn như ngày xưa, trước thời chạy loạn.

          Vào cuối năm 2000, mẹ tôi lại đau xót nhận thêm một hung tin.  Đứa con trai độc nhất của Mẹ đã bị đánh gục bởi một cơn đau tim dữ dội.  Em tôi đã vội vã từ bỏ cuộc chơi này trong thời kỳ có thể gọi là thành công nhất của một người đàn ông, tức chỉ ngoài 40 tuổi.  Mẹ tôi vật vã thương tiếc cho số phận ngắn ngủi của em tôi.  Mà càng thương tiếc, Mẹ càng không muốn chấp nhận sự thật.  Cho mãi đến giờ phút này, ngoài tôi và đứa em gái út của tôi ra, Mẹ không hề hé môi than thở cùng ai về sự ra đi vĩnh viễn của em trai tôi.  Tôi hiểu mẹ tôi muốn nuôi ảo tưởng rằng bà vẫn còn giữ báu vật đó trong tay, đứa con trai mà ba tôi hết mực thương yêu khi ông còn tại thế.

         

Hỡi anh yêu dấu!

Anh hãy đọc những trang giấy mà em vừa trải lòng mình lên đó, những điều mà trong suốt hơn 20 năm qua, em chưa từng được kể một cách cặn kẻ, tận tường.  Hãy đọc để hiểu tại sao anh thường thấy em hay giận hờn bất chợt, thường lo âu, phiền muộn vu vơ.  Có lẽ em đã thừa hưởng trọn vẹn cái di sản “sầu não, ưu tư”của Mẹ mất rồi!  Em khó lòng từ bỏ nó nhưng xin hãy thực lòng giúp em làm vơi đi sức nặng của mớ di sản ấy để em có thể vui hưởng khoảng đời còn lại.  Trong những năm tháng gần đây, em cảm ơn anh đã giũ bỏ bộ mặt cau có, bực bội, xa xăm để thay vào đó một hình ảnh đầm thắm hơn, che chở hơn.  Chính nhờ vậy mà em đã tạm quên đi những ngày thơ ấu buồn bã, thiếu tiếng cười, thiếu vòng tay ấm áp của một người thân.

          Nhưng anh ơi!  Hãy nuông chìu em một chút nữa đi, hãy xưng hô với nhau bằng hai tiếng “anh, em” ngọt ngào của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thỉnh thoảng nhớ gọi em cái tên của thời con gái để em có thể tận hưởng cảm giác được thật sự gần gũi, yêu thương.

          Và cuối cùng, em tin rằng anh sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy em tỏ ra mừng vô kể mỗi khi được ai nhắc đến tên cũng như anh sẽ không còn nhăn mặt, nhíu mày khi thấy em ngồi miệt mài viết những lá thư thật dài cho các anh bạn đồng môn, đồng khóa của anh, những người mà em chỉ biết tên chứ chưa từng được một lần gặp mặt.  Rõ ràng là em đang tha thiết tìm kiếm một điều gì đó, dường như một chút cảm thông, một chút gần gũi và cả một chút chở che mà em cảm thấy thiếu thốn từ thuở mới mở mắt chào đời.

 Kính gởi về Mẹ yêu dấu của con

Thụy Khanh