Mùa Khát Vọng  - Phạm Ngọc _Hành Trình của  Trái Tim

 Ngọc Dung

  

 Trong cuộc sống có những chuyện lạ , Nhiều khi đi qua một vùng đất ,  cũng cảnh , cũng người nhưng ngẫm lại , ký ức cứ nhạt nhòa không sao gợi nổi một chút niềm nhung nhớ . Nhưng cũng có những miền đất  ta chưa hề đặt chân tới , có những người ta cũng chưa hề gặp mặt , nhưng chỉ ngẫm ngợi qua những tác phẩm thi ca , thì kỳ lạ thay , nó cứ ẩn hiện trong ta một cõi tình và cảnh hồn nhiên , ngày một , ngày hai đọng vào tâm khảm . Và vô tình đến mức , ta ngỡ đó là một nửa hồn ta không sao quên được . Mùa Khát Vọng , một tập thơ dài hơn hai trăm trang do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành tháng 8 /2004 của tác giả Phạm Ngọc , tập thơ về tình yêu , nỗi nhớ và những khát vọng này là một dấu son khiêm nhường nhưng lấp lánh giữa muôn ngàn những cuốn thơ mới đang xuất hiện . Mùa Khát Vọng với những cung bậc sắc thái tình cảm mà như Nguyễn Thị Khánh Minh đề tựa “ Vô tận giấc mơ từ kho báu ánh sáng ấy . Một kho báu luôn mở ra cho bất cứ ai tìm đến . Một kho báu không cần một câu thần chú nào ngòai nhịp đập trái tim “ .

Tác giả Phạm Ngọc với 3 tập thơ đã xuất bản từ năm 1997 đến năm 2002 ,cùng  8 CD nhạc phổ thơ Phạm Ngọc  của các nhạc sĩ  Võ Tá Hân , Nhật Vũ , Phạm Anh Dũng , Anh Việt Thanh , Quốc Dũng , Nguyễn Đức Cường , Lê Vũ , Mai Đức Vinh , Vũ Thư Nguyên , Trang Thanh Trúc .... , chỉ trong vòng 7 năm với những suy tư trăn trở , với lòng yêu người , yêu đời chẳng hề vơi cạn . Trong  Mùa Khát Vọng  , với tập thơ  mới nhất này của anh ,  Anh đã khéo dẫn dắt cảm xúc vận động tinh tế thông qua những hình ảnh , ngôn ngữ thích hợp đến với những người yêu thơ và đọc thơ anh một hành trình nội tâm sâu sắc . Đọc thơ anh người ta thường hình dung liên tưởng nghĩ đến một hồn thơ đôn hậu hiền lành nhiều rung động . Anh không đưa người đọc vào một thế giới của những tưởng tượng hoặc chinh phục người đọc bằng những suy tưởng sâu sắc mà chủ yếu tạo được sự giao cảm qua những nhận xét tinh tế và cảm xúc chân thực . Vì thế trong Mùa Khát Vọng , anh đã không lộ rõ sự sắc sảo tài hoa ,  mà chỉ là cái duyên nghệ thuật thi ca trở nên âm thầm mà đằm thắm , ý vị , phát triển tự nhiên mà nhiều khi đạt đến độ chín của sáng tạo công phu tinh tế . Phạm Ngọc làm thơ không phải tìm chọn thể lọai mà thể lọai đến cùng với tình cảm trong anh một cách như là tự nhiên . Anh thành đạt khi xử dụng thể thơ truyền thống câu chữ dễ hiểu , dễ cảm , giản dị . Với những khỏang thời gian , không gian trong anh với những cảm xúc đầy vơi , theo những trồi sụt  hình sóng . Nhưng cái qúi ở đây là sóng thơ Mùa Khát Vọng rất dạt dào . Anh có những bài thơ bộc lộ cảm xúc về  quê hương  , về một miền đất anh ghé ngang qua , anh làm thơ tặng bạn bè, tặng người thân mà cũng có nhiều bài thơ tâm sự về tình yêu gửi gắm niềm riêng cảm động  .

Mùa Khát Vọng với thi đề quen thuộc là tình yêu , nhưng tình yêu được thần thánh hóa ấy đã thóat ra khỏi nẻo đường nhỏ hẹp chán nản bế tắc của tâm hồn để trở nên rộng lớn , phong phú và khóang đạt hơn . Nhiều bài trong Mùa Khát Vọng cả về và nội dung và nghệ thuật theo tôi khó có thi sĩ nào dù đã được mệnh danh là “ Nhà thơ “ có thể viết được như thế .

Còn khát vọng gọi từ phía trước

Còn nhớ về kỷ niệm sau lưng

Dẫu đi giữa mùa xưa gió ngược

Chưa một lần quên những dấu chân

( Mùa khát vọng )

Dẫu chiêm bao cũng là nguyên vẹn ,

Dẫu một lần cũng sẽ trăm năm

Mỗi ngày em gieo trên mảnh đất

đời mình từng hạt giống nảy mầm hy vọng

( Khỏang không gian màu tím )

Em hãy về khi mùa lá muộn

Mang hân hoan trải giữa mong chờ

Em hãy về cho vàng áo lụa

Trăng sẽ rằm hương ngạt mùa thơ

( Mùa lá muộn )

Trầm hương nguyệt quế trong đêm

Ngan ngát mười phương gío lộng

Thắp sáng đời nhau bằng mộng

Bốn mùa quanh quẩn yêu em

( Bốn mùa yêu em )

 

Ở  “ Từ Một Phía Không Em “ là hành trình của tâm trạng anh để cuối cùng tự làm giàu cho mình với những cảm xúc , những rung động riêng tư thóat tục từ trái tim với lời lẽ giản dị tôn lên sự chân thành vốn dĩ như con người anh . Anh nói về tình yêu với một sự da diết khi chỉ bắt đầu chỉ vì “ hai đứa vô tình đến một ngã ba “ đây là một bước tiến mới của anh trong việc xử dụng chất liệu bằng những cảnh ngộ sự việc , những tâm tình được kết hợp lại . Anh nói về mối giao cảm đầy đủ hơn là nói đến chữ “ Yêu “ . Giao cảm với đời , với nhiều người cho nên chữ  “  tình “ ấy  của anh thật chân thành mãnh liệt mặc dù “ người ấy “ có vô tình quay lưng thì anh vẫn sở hữu người ấy bằng tình yêu của anh và anh tạo ra tình yêu cho người , cho anh

Những con đường kỷ niệm đã đi qua

Mỗi mùa xuân lại càng thêm xa nữa

Tôi ra đi cùng hành trang nỗi nhớ

Em quay lưng bỏ lại ánh mắt nhìn

( Từ một phía không em )

Những dòng thơ anh bắt nguồn từ trái tim anh vì thế những lời thơ ấy đã có sức sống lâu bền , anh thả trôi ngôn từ tình cảm ấy trong dòng thời gian vô tận

Úa một nửa hồn đau một nửa

Quay trở về tìm lại giấc mơ

Áo em trắng giữa trời sương khói

Bay theo mùa cổ tích xa xưa

( Mùa cổ tích )

Môi em cười cũng đủ để bâng khuâng

Tóc em bay níu theo lời hẹn ước

Cỏ hoa vui bàn chân em bước

Tôi vẫn buồn như chiếc ghế đợi ai

( bất hanh )

Với những lời độc thọai nội tâm thầm kín Phạm Ngọc luôn dẫn dắt người đọc đến sự thiết tha sôi nổi của anh , cái sôi nổi được gợi lên từ những suy nghĩ trầm ngâm thường khi anh một mình đối diện với một đối tượng nào đó

Ứ !

Thì em cứ gọi tôi bằng “ ông “ hay bằng “ chú “

Tôi cũng cười chấp nhận có chi đâu

Bới y ́nghĩ ra đi ngòai ngôn ngữ

Nên sá gì một tiếng gọi cho nhau

.....

Ở trên đời có cái gì giữ được

Thì tuổi tôi có đếm cũng bằng thừa

Tôi chỉ còn vụn vặt những bài thơ

Gửi cho em giữ làm tờ hôn thú

( Cây thông già và lòai hoa nhỏ )

Nếu vẽ được em

Tôi dùng ánh sáng

Bởi bóng đêm mang nặng

Những vô tình

Giữa ánh sáng và bóng đêm

Lá khỏang trống

Tận cùng

Mà hạt bụi nhỏ nhoi

Em lạc lòai tìm kiếm

( Chân dung một nỗi buồn )

Trong Mùa Khát Vọng có những bài thơ thật hay với cảm hứng lãng mạn cuộn bốc dạt dào mang đầy chất họa , chất nhạc với những câu chữ táo bạo , chân thật với cảnh , với người với chính lòng mình . Phạm Ngọc đã tạo ra những câu thơ giản dị , mộc mạc và mới lạ

Em về theo hạ

Nắng đẩy nhịp chân

Ngọn gió đưa gần

Hương trầm bốn phía

Em đi guốc tía

Gõ nhịp ca dao

Áo em lụa đào

Câu thơ chín đỏ

( Hạ )

Guốc mộc như là

Hồn quê gõ nhịp

Đôi chân nắng biếc

Gọi ngày đang lên

( Biếc )

Thôi quay về trú ngụ với cô đơn

Ở một nơi thiên đường tôi chết đuối

Nỗi nhớ em ướt nhòa trong bóng tối

Ôi tình yêu xa tít phía mặt trời

( Chia Tay )

Những câu chữ trong thơ Phạm Ngọc cứ trong suốt mà gợi bao cảm nghĩ bồi hồi ( “ gọi nhau lời của gió , tìm nhau lời của mây “ ) nhiều câu thơ Phạm Ngọc đọc lên cứ thấy réo rắt âm hưởng của thơ Kiều , nhưng cũng vẫn mang giọng mộc mạc đầm thắm của ca dao , dân ca , sự sáng tạo của anh không ở những từ ngữ mới lạ , những so sánh tân kỳ mà ở những hóa phối âm thanh nhịp điệu có sức diễn tả độc đáo , có những phối âm có thể nói là khó đạt hơn được :

Tràng Tiền mấy nhịp mù sương

Đêm hoa đăng cũ trăng vương giọng hò

Bởi em Huế đẹp bài thơ

Nên ta mãi mãi vẫn chờ Huế xưa

( Em - Huế - xưa )

Hương Giang nào biết nông sâu

Mà tôi chìm giữa biển mầu mắt em

Môi thơm xinh nụ cười hiền

Giọng em rất Huế tiếng chim gọi mùa

 ( Bài thơ tôn nữ ́ )

Đọc mấy câu thơ trong bài Đọan rời tháng chín , lắng nghe như có âm hưởng dội về của tiếng sóng biển từng đợt đổ tràn vào bãi cát rồi lại rút xa ra mãi :

Sóng dội xô bờ những hư không

Bước với nhau đi - bàn chân - cát

Có khi âm nhạc phối hợp với vũ đạo :

Huế bây giờ đã vắng bước chân chim

Tôi ngẩn ngơ nhớ mùa trăng Vỹ Dạ

Biết không em giữa mùa xuân xứ lạ

Nghe vọng từ Thiên Mụ những hồi chuông

( Chút tình với Huế )

Mùa xuân hoa cỏ dậy thì

Trái yêu trên cành xanh nắng

Này em ! phố về xa lắm

Xin đừng bối rối bước chân

( Buổi sáng mùa xuân )

Cố nhiên , thơ dùng nhạc bên ngòai cốt để tạo nên nhạc bên trong . Đọc thơ Phạm Ngọc thấy có cái gì như muốn ca lên , hát lên và ngân nga mãi trong lòng mình . Hình như trong thơ của anh nhạc bên trong càng vang dội khi nhạc bên ngòai chỉ khẽ bấm vào những tiếng thơ tơ trầm . , những lời thơ thì thầm nhiều khi lại nói bằng sự im lặng dưới những “ mẩu chuyện”  riêng rẽ  gộp lại “ Bài Thơ Không Gửi Cho Ai “ được coi là trường đọan dài nhất kể về những xúc động nội tâm .  Bằng bốn trăm lẻ năm câu anh đã làm giàu thêm cho thơ mình qua những chi tiết sự việc , con người , cuộc sống bằng phương pháp tự sự . Mỗi dòng thơ anh đã có quy mô lớn , ôm chứa được nhiều tâm trạng với những kết cấu câu chữ giản dị mà sinh động thỏai mái , nghĩa là cùng với sự phát triển mới về đề tài nội tâm , “ Bài Thơ Không Gửi Cho Ai “ lại có thêm cái tung hòanh sức lực về thể lọai và cũng chứng tỏ anh đã có một vốn sống khá dày :

Tôi đã là tôi nửa đời phiêu bạt

Chuyện gió sương như một giấc mơ dài

Em có đến cũng chỉ như cơn gió

Em có đi coi như chuyện vô tình

Nơi tôi về vẫn rạng rỡ bình minh

Thơ tôi viết cho ngày mai sẽ đến

Thì màng chi một lần lỗi hẹn

Hoa trong vườn vẫn nở những sớm mai

Gịong điệu tâm tình thủ thỉ của Phạm Ngọc đã giữ được cảm xúc nhẹ nhàng trong sáng vốn có của anh . Những tứ thơ trong “ trường đọan “ Bài Thơ Không Gửi Cho Ai có cách bắt vần đầy sáng tạo mang nhạc điệu gợi cảm , gợi hình tha thiết , dù là điệp khúc mở đầu hay kết thúc có được lập đi lập lại “ Bài thơ này tôi không gửi cho ai “ cũng vẫn là những lời tự vấn và những câu trả lời của anh trong suốt những khổ thơ sau đó thể hiện thật trọn vẹn những ý về câu hỏi về lời tự đáp của một thế giới nội tâm chính anh với bản thân mình . . Sự tạo nên hương sắc cho thơ trong “ Bài Thơ Không Gửi Cho Ai “ đó là nhờ vào những tâm tình sâu kín của anh trước cái tinh tế phong phú của tình cảm , anh nói về tình yêu với sự chăm chút , trân trọng thông cảm

Bài thơ này tôi không gửi cho ai

Bởi ngôn ngữ chẳng còn lời để nói

Tôi chưa gặp được anh Phạm Ngọc để hỏi về quan niệm thơ của anh . Riêng tôi thì cho rằng thơ thật sự phải là một cách giải bày tâm sự độc đáo duy nhất , nghĩa là không thể thay thế được bằng bất cứ cách diễn tả nào khác . Thơ mà dịch ra được đầy đủ nghĩa đen , nghĩa bóng bằng văn xuôi thì coi như bài thơ ấy không thể thành công .  Chính vì thế tập thơ Mùa Khát Vọng theo tôi , đã nói được những điều tinh vi nhất , sâu kín nhất , mong manh nhất , mơ hồ nhất của tâm hồn con người thơ . Đó là những bài thơ hướng nội ở độ sâu thẳm nhất , nó đi hẳn vào cõi tiềm thức và vô thức , diễn tả được bằng chính ngôn ngữ mông lung vô thức “ Bài Thơ Không Gửi Cho Ai “ lời lẽ , câu chữ hình ảnh nghĩa đen không có mà nghĩa bóng thì mơ hồ “ Không gửi cho ai “ tức cũng không ai có quyền nhận vì phải chăng như anh Phạm Ngọc “ Tình bao giờ cũng nhọn một lưỡi dao , tôi khờ khạo nên không cầm đằng cán , để vết thương cứ ngàn năm nứt rạn , chảy quanh đời giòng máu thuở tinh khôi “ Lời tự sự ấy , cái âm hưởng ấy của nó cứ văng vẳng như tiếng nói , tiếng kêu , tiếng khẩn cầu “ ai đó “ . Trên cái nền thời gian , không gian ấy là “ em “ và “ tôi “ đã luôn thấp thóang bóng dáng người con gái có vẻ đẹp  duyên dáng truyền thống thuở nào từ “ áo lụa “ hay “ guốc mộc “ ... Tất cả vờn vẽ bằng một ngọn bút tài hoa đệm theo một nhạc điệu buồn man mác , có lẽ đây là những nét khác những người làm thơ khác ở chỗ này chăng ? thơ anh dường như có “ say “ có “ tỉnh “ có màu tối , màu sáng thậm chí man mác thế mà cũng vẫn có cả nét chấm phá tươi tắn . 

Mùa Khát Vọng - trải dài tự sự tình cảm của Phạm Ngọc với những câu chữ cứ văng vẳng đâu đó như một nỗi ngẩn ngơ , như một ảo ảnh chập chờn không sao dứt ra được . Những bài thơ đã làm chảy nước mắt người đọc . Một nhà thơ lớn của Việt Nam mà tôi có dịp gặp gỡ trò chuyện cùng ông khi ông còn sinh thời vào năm 1985 là Xuân Diệu có nói  “ đọc được một câu thơ hay có chết cũng sướng “ . Khi bấy giờ tôi không hiểu nhiều lắm về lời nói này của Ông vì tôi cũng yêu thơ , cũng thích đọc , đôi khi có những câu tâm đắc của ông hay của bất cứ ai khác tôi cũng hay ngâm nga một mình . Chết thì chẳng ai muốn nhưng bây giờ tôi đã hiểu nếu có câu thơ hay , câu thơ tâm đắc đúng là “ sướng thì sướng thật “ . Những vần thơ cứ ngân nga , cứ ám ảnh và nhói lên trong ta một nỗi xót xa , một niềm thương nhớ không nguôi . Nếu bây giờ ai hỏi tôi ý nghĩa rành mạch về những câu thơ ấy và đòi tôi giải thích cặn kẽ vì sao tôi nói trong Mùa Khát Vọng của Phạm Ngoc̣ có nhiều rất nhiều những câu thơ thậm chí cả những bài thơ hay như thế . Qủa thật tôi rất lúng túng khó mà giải thích trọn vẹn . Tôi chỉ có thể nói rằng trong Mùa Khát Vọng tập thơ với hơn hai trăm trang này với nhiều giai đọan nội tâm , những điểm không gian xa đã nhịp theo cái nhịp điệu của thời gian Thu - Đông - Sáng - Trưa - Chiều - Tối ,  rất gần đến rất xa , từ cảm xúc riêng rẽ của trái tim trải dài theo đến với  Paris - Huế - Moscow - Houston của Phạm Ngọc là một tập thơ hay nhất từ trước đến nay của anh mà tôi được đọc . Bởi vì Mùa Khát Vọng đã phát huy cao độ được tính nhạc của ngôn ngữ và chất say của thơ . Vắng mà đầy , lặng im mà là tiếng nói , từ bóng trăng , chiếc lá , dòng sông .... vvv, mà là bóng người . Thơ anh đã đưa được người ta vào quãng “ Khả giải bất khả giải chi gian “ ấy là thực hư , hư thực . Anh đã thổi hồn không gian làm cho nó quện lấy tình người , tình anh . Với Phạm Ngọc dường như dù cho  “ người ấy “ có rót cho anh một chén nước lạnh bình thường thì anh cũng vẫn tạo thành được rượu nho của tình yêu trong anh , trái tim anh đã làm được những điều kỳ diệu như thế . Thơ anh chẳng tả cảnh nhưng đọc lên lại thấy gợi cảnh đến vô cùng là như thế .

Nụ cười em nắng hạ

Cháy bỏng phía tôi - chiều

 ( Gọi nắng )

Như thế đó em lòai hoa bất tử

Anh thương em thao thức cả chỗ nằm

( Ngàn Thu Phố Lạ )

Một nét lạ nữa mà người đọc dễ nhận ra là Phạm Ngọc khi viết về nhớ thương rất thành công . Có thể nói với chủ đề “ xa cách nhớ thương là chủ đề tâm đắc nhất trong thơ anh “ phải chăng vì chủ đề này luôn gắn bó với tình yêu của anh , xuất phát từ nhịp đập trái tim anh nên trở nên thi vị nhất trong suốt thi tập Mùa Khát Vọng ? Nét đặc sắc ấy đã được anh trình bày , biểu hiện bằng dáng vẻ phong phú và tế nhị , có những nơi anh đã xa rồi và khi “ một mình trở lại “ có khi chỉ là mong ước về để chứng kiến hoặc hồi tưởng lại những kỷ niệm xưa :

Dòng sông trôi

Con nước lạc xa nguồn

Trong im lặng dâng ngàn con sóng nhỏ

Có buồn chăng cũng chỉ là nỗi nhớ

 ( Phía bên kia nỗi nhớ )

Chiếc taxi lao vào thành phố

Hai mươi năm trở lại Houston

Nặng trên vai hành trang - nỗi nhớ

Xa lộ dài ngoằn ngoặt đường cong

( Houston một lần về )

Ở nơi đây anh nhớ nơi kia , khi ở gần nhớ khi ở xa , hiện tại nhớ quá khứ ... tất cả đều là xa cách , xa cách luôn tạo ra day dứt nhớ thương trong anh . Bút pháp về hồi tưởng của anh thật là có sức mạnh

Em bây giờ chẳng là em mười sáu

Tôi bây giờ chẳng còn tuổi hai mươi

( Khi trở lại )

 Trong giấc mơ tôi đón bước em về

Em lộng lẫy như mùa trăng thiếu nữ

Để ngàn đêm tôi buồn trong nỗi nhớ

Thiên thu dài chưa đủ tiếng em ...

( Thiên thu dài

chưa đủ tiếng yêu em )

Trăng đêm nay nửa mảnh đứng giữa trời

Hoa tuyết trắng bay đầy trên nỗi nhớ

Ngọn gió bấc thổi tung từng hơi thở

Run trên tay khói thuốc lạnh môi người

( Phút tạ từ )

Mười hai dặm đường bay

Ta lòai chim mỏi cánh

Ngây ngất giữa trời

Hòai vọng một giấc mơ

Em lòai hoa mang tên biển cả

Như sóng xô bờ trăm ngả  yêu thương

( Bài thơ cho em )

Dù khỏang khắc cũng là điều kỳ diệu

Dù đôi ta chỉ có một buổi chiều

Ngàn năm nữa dù anh không thể hiểu

Em muôn đời biêng biếc nắng mùa yêu

( Tình Ca )

Phạm Ngọc luôn nhạy cảm với cái đẹp nhất là cái đẹp thơ mộng . Một mùa thu , ánh trăng trong , hoa nở , dòng sông xanh , ... đều rất nên thơ

Còn ta đứng giữa tàn phai

Gọi em mùa hoa phượng cũ

Áo lụa vàng thơm quá khứ

Về đâu ôi những con đường

( Chiếc lá )

 Ở một số bài thơ anh tả cảnh mùa thu mà tình lại bâng khuâng rạo rực . Anh tả bằng mắt , tả bằng tấm lòng , nghĩa là những chi tiết hòa vào tâm trạng để thể hiện lên hình ảnh tạo ra rung động . Mỗi khổ thơ thường là 4 câu diễn đạt trọn một ý . Thơ anh xuất hiện cách dồn câu thúc khổ ,  từng cặp từng vần với nhau

Về nghe vọng tích ân xưa

Hương chăn gối cũ thơm mùa ái ân

Gọi đêm buổi mắt môi gần

Gọi chia xa đã mấy tầng hư không

( Thu Xưa )

Mưa bay trên hàng cây lá đỏ

Mầu mùa thu dài nỗi nhớ mong

( Khung cửa mùa thu )

Phạm Ngọc xử dụng khá thành công bằng thể thơ dễ ru người nhất đó là lục bát nhưng lại gần gũi với tiếng nói , dễ lọt tai người thì lại là thể ngũ ngôn, bằng chất giọng nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm

 Nỗi nhớ khắc thành tên

 mùa thu dài ngọn gió ,

 mang theo cơn mưa nhỏ

 bay trên giòng sông trôi

(Còn xanh tuổi yêu người )

Đó là những câu chữ ta thường gặp , như nước ta uống hàng ngày không có gì lạ cả . Nhưng uống lên thì đấy là thơ , phép lạ hàng ngày .

 

 Mùa Khát Vọng “là giấc mơ người được trao  từ nhịp tim hành hương ấy “ ( Nguyễn Thị Khánh Minh ) dường như mang đậm tính truyền thống từ nguồn thơ dân tộc và sự tiếp xúc với tinh hoa của thơ ca thế giới . Thơ anh mang  nét buồn xa vắng của Xuân Diệu ,Hàn Mặc Tử ,  nét thâm trầm cô đọng của thơ Đường cái say đắm của Muytxê , cái sâu sắc của Bôđơle , cái man mác của Veclen hay cái trong trẻo , cái sắc cạnh , cái da diết thấm thía của một số nhà thơ lớn khác . Mùa Khát Vọng đến với bạn đọc với người yêu thơ , tôi nghĩ đó là một vinh dự cho tác giả - Với nhà thơ hay thi sĩ , thi nhân chúng ta đều biết , chẳng có ai mà không xử dụng trái tim khi viết , nhưng nếu người này nhân nó lên bằng tưởng tượng , tư duy , người kia chia nó ra thành nghìn mảnh nhỏ phân tích thì Phạm Ngọc lại cộng nó cùng sự việc . Với nhà thơ khác thi sĩ khác thì hiện đại hóa nó , tăng âm cho nó thì Phạm Ngọc lại thích để trần . Những nhà thi sĩ khác ưng độc thọai , tự đi sâu vào trong trái tim mình không sợ thơ làm cho mình trở thành mê cung , không sợ loa thành thì ở Phạm Ngọc anh lại thích mở rộng mình ra đối thọai cùng khách thể . Mỗi nhà thi sĩ có một cách riêng , và cộng nghìn cách ấy ta có một diện mạo chung của một đất nước , một thời , một vườn thơ . Phạm Ngọc có kể chuyện , anh nói có ý , có tả hình , có tưởng tượng , có đào sâu vào tiềm thức , có cấu trúc ngôn từ như tất cả các thi sĩ khác nhưng ở thi tập Mùa Khát Vọng này  “ nhạc trưởng “ chỉ huy chính là tình cảm . Thơ anh vì thế bộc trực tả tình , tràn tình , tình để trần hơn là nấp sau che giấu một cái tứ . Anh có khá nhiều bài lặp tứ rất hay . Tứ của anh là tứ của trái tim , anh không phải cài bẫy cầu kỳ của trí tuệ để nhử những con chim kỳ lạ mà chỉ là cái nhành giản đơn vừa đủ cho tình cảm bay về . Với khỏang 144 bài thơ trong thi tuyển này Phạm Ngọc đã đạt đến độ chữ ít mà nghĩa nhiều , thực ra không hẳn là nghĩa mà đó là hồn , tâm hồn , cái mà không thể đo bằng đơn vị hay chữ nghĩa .

Vẫn biết sẽ có những lời trách thầm khi đọc bài viết này của tôi về Mùa Khát Vọng . Chỉ hy vọng đó là những lời trách yêu . Rằng tôi đã nói quá lên rất nhiều về tập thi tuyển in tại nhà xuất bản Đà Nẵng -Việt Nam này . Tôi không dám cho mình viết như thế là đúng là hay , chỉ là tôi mong muốn gửi gắm trong mỗi dòng chữ của tôi trong bài viết này lòng biết ơn sâu sắc đối với người mà nhờ có đọc những bài thơ , những tập thi tuyển đã xuất bản của anh , tôi đã học hỏi được rất nhiều điều . Thực không dễ dàng gì khi giờ đây  tôi phải thực hiện  ý đị̣nh -  chừa lại một điều gì đó ngòai tầm tay , để mơ ước , để khát vọng. Rất xin các bạn lượng thứ hãy coi thi tập Mùa Khát Vọng như một tiếng gọi bạn yêu thơ , có thể cũng còn những khuyến khiếp , những vụng về trong bài viết này nhưng chắc chắn điều quan trọng ở đây  thi tập Mùa Khát Vọng của anh Phạm Ngọc vừa được nhà xuất bản Đà Nẵng in là một đóng góp chân thành , tha thiết một phần tâm tư tình cảm của những con người Việt Nam viễn xứ . Đóng góp cho sự nghiệp văn học hải ngọai thêm hương khởi sắc phong phú và đa dạng .

 

29/08.2004

Ngọc Dung

 

(Xem trang Mùa Khát Vọng)