TIẾNG  HÁT QUAY TƠ

Nghiêm-xuân Sương

  

Vợ chồng Sơn đang ngồi nghe nhạc.  Những bản nhạc êm dịu, thân-ái từ mấy chục năm về trước.  Trong lúc thay đổi đĩa nhạc, Sơn chợt đọc thấy tên một bản nhạc: "Tiếng hát quay tơ".  Chàng nói với vợ:

 - Em có nghe bản "Tiếng hát quay tơ" bao giờ chưa?

 - Em không nhớ.  Bản đó của ai vậy anh?

 - Từ Phác.

 - Tên nghe lạ quá.  Em chưa nghe tới bao giờ.

 - Nhạc của Từ Phác được biết rất ít.  Theo anh biết, ông chỉ viết bản "Tiếng hát quay tơ" và viết chung với Lương Ngọc Châu bản "Tiếng hát lênh đênh".

 - Bản nhạc đó có gì đặc-biệt?

 - Anh biết bản "Tiếng hát quay tơ" từ hồi anh còn học lớp Đệ Thất hay Đệ Lục gì đó, vào năm 1950 và 1951.  Hồi đó anh đã thuộc lòng, đến nay chỉ còn nhớ chút ít.  Bản nhạc tả tâm-trạng một chinh-phụ, ngồi quay tơ, nhìn cảnh vật chung quanh mà nhớ tới người chồng xa cách... chinh chiến.  Bản nhạc lại được Mai-Hương hát nên càng làm tăng giá-trị của nó lên nhiều.  Em biết Mai-Hương có một giọng hát rất hiền dịu và thiết-tha?  Lời ca là một bài luận, giống như những bài luận mình học làm từ những ngày còn nhỏ.  Nghĩa là có mở đầu, có thân bài và có kết-luận.  Điều này hơn hẳn nhiều bản nhạc khác.  Ý-tưởng thì đầy vẻ thiết-tha và trìu-mến.  Anh muốn em nghe thử trước.  Nếu em cảm thấy yêu mến bản nhạc, mình sẽ nói chuyện thêm.

 

...

 

                  Chiều không hương buông mây lắng xuống đồng quê.

                  Trời mênh mông tím ngắt thoi thóp pha hồng

                  Hàng nước mắt lá rơi bên thềm.

                  Vun vút bóng cau khắp trời bát ngát khói sương.

                  Thì thào lá biếc có thương lá vàng?

                  Tre ngà đưa võng heo may hoa đàn

                  Ngập ngừng xa quay rung rinh in bóng dáng người

                  Người chiến-sỹ dầm gió rét mưa bay

                  Dấn mình trong khói súng

                  Chiến-trường áo mong manh.

                  Căm thù nuôi ấm thân.

                  Quyết gắng sức nâng cao sắc cờ.

                  (Quyết lấy máu pha tươi sắc cờ.)

                  Chàng ra đi giữ miếng vườn này,

                  Giữ mái tranh này.

                  Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay!

                  Chiều nghe vang lá siết em run

                  Ngỡ tiếng.. ngỡ tiếng bước ai về?!

                  Quay quay thương nhớ quyến vào tơ

                  Quay quay se áo rét dâng chàng.

                  Rộn ràng tơ lướt tới người chiến-sỹ yêu!

                  Quay quay thương nhớ quyến vào tơ

                  Quay quay chăn ấm quấn thân chàng.

                  Mỗi một đường tơ là mỗi giây tình

                  trong lòng em dâng người hiên ngang.

 

                  Nhịp xe quay vang trong tiếng gió đìu hiu.

                  Mình tơ êm óng chuốt như nắng hanh vàng

                  Mùa lá trút sắp qua

                  Nhớ chàng quay gấp bánh xe

                  Tơ vàng chắn lối gió đông

                  Cho người chiến-sĩ đêm không lạnh lùng.

                  Ơn lòng trai cứu nước

                  Gửi cùng áo ấm muôn vàn nhớ thương!

          

 

   Bản nhạc chấm dứt.  Sơn cho máy ngừng để ngăn bản nhạc kế-tiếp.  Vài giây im lặng trôi qua.  Vợ Sơn phá tan bầu không khí:

 

-  Bản nhạc hay quá.  Hình như em chưa nghe bao giờ.

 

-  Em thấy không?  Mấy câu đầu là phần mở bài.  Có cảnh trời, có đồng quê, có tre ngà đưa võng, có lá chết, có hoa đàn - tượng-trưng một nỗi buồn, nỗi buồn chinh-phụ.  Xen vào với cảnh trời u buồn là hàng nước mắt (như của những chiếc) lá rơi.

 

Vợ Sơn tiếp:

 

-  Rồi câu

 

              "Ngập ngừng xa quay rung rinh, in bóng dáng người"

 

là một đường nối cho đọan mở đầu và đoạn chính để tả tâm-tình người chinh-phụ.

 

-  Em nói đúng.  Với khung cảnh man mác buồn đó, hàng nước mắt (như của những chiếc) lá rơi hợp cùng với tiếng quay tơ làm cho không khí có một nỗi buồn tẻ ray rứt.  Rồi nhịp se tơ lung linh có bóng người từ xa.  Anh chợt nhớ lại một đoạn thơ của Huyền-Kiêu miêu-tả một thiếu-phụ mường-tượng thấy người yêu từ xa, trở về.  Khung cảnh có vẻ cổ-điển tây phương (như chuyện Con yêu râu xanh).  Nàng nói với người em gái:

 

Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn

Phải chăng mình ngựa sắc hồng in?

Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống

Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm!

 

Người em gái - không thấy bóng người -  trả lời:

 

Ô kìa bên cõi trời tây

Chị ơi em thấy một cây liễu buồn...!

 

Những cảnh thiếu-phụ mong chồng đều tương-tự như vậy.

 

Đoạn kế-tiếp, thiếu-phụ nhớ tới người chồng ra đi vì lý-tưởng

 

" .. dấn mình trong khói súng,

Chiến-trường áo mong manh,

Căm thù nuôi ấm thân

Quyết gắng sức nâng cao sắc cờ..."

 

Em có để ý hai câu: "Chiến-trường áo mong manh.  Căm thù nuôi ấm thân" không?  Chỉ vỏn vẹn có mười chữ mà tác-giả đã diễn-tả được bao nhiêu ý-tưởng:  dù tiết trời có lạnh, chiến-trường có áo mong manh, thì lấy căm-thù làm lẽ sống, làm tấm áo ngự-hàn cũng đủ sưởi ấm lòng người chiến-sỹ.  Có mười chữ.  Hàm-súc biết bao!

  

Lý-tưởng của chàng cao xa:

 

Quyết gắng sức nâng cao sắc cờ

Chàng ra đi giữ miếng vườn này,

giữ mái tranh này.

 

Còn thiếp thì:

 

Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay!

 

Sơn hỏi vợ:

 

-  Em có nhận thấy tâm-trạng của người chinh-phụ?  Nó đơn-giản nhưng sót sa... Rồi đến nỗi-niềm của nàng cũng giống như nỗi-niềm của thiếu-phụ trong bài thơ của Huyền-Kiêu:

 

Chiều nghe vang lá siết em run

Ngỡ tiếng.. ngỡ tiếng bước ai về?!

 

Em có thấy tâm-tư của người vợ mang một niềm thương sót, không oán trách, nhưng cam-phận và phục-tòng.  Chàng ra đi vì chinh chiến, thiếp ở lại nhung-nhớ, quay tơ, dệt vải và may áo ...  Bản nhạc với nhịp 3/4, tiết-điệu nhẹ nhàng thật thích-hợp. Rồi đến những câu:

 

Quay quay thương nhớ quyến vào tơ.

Quay quay se áo rét dâng chàng.

Rộn ràng tơ lướt tới người chiến-sĩ yêu!

 

Anh không thể nói gì hơn để ca-tụng lời ca của bản nhạc mô-tả niềm yêu thương trìu-mến và lòng ái-ngại của thiếu-phụ quay tơ đối với người chồng anh-dũng, xa cách.  Niềm yêu-thương đó lại được nhắc lại lần nữa, càng làm tâm-trạng của nàng thêm dạt-dào:

 

Quay quay thương nhớ quyến vào tơ

Quay quay chăn ấm quấn thân chàng.

Mỗi một đường tơ là mỗi giây tình

trong lòng em dâng người hiên-ngang...

 

Trong một chiếc áo có bao nhiêu đường tơ, hở em? Thế mà "mỗi một đuờng tơ là mỗi giây tình" thì mình đủ hiểu niềm thương-mến của nàng đối với chồng bao la đến dường nào!!!  Những "giây tình" đó, nàng không đem tặng chàng mà nàng "dâng" chàng.  "Em dâng người hiên-ngang".  Tác-giả dùng chữ "dâng" thật khéo, nó nói lên lòng kính-mến hiền-hòa của người vợ thời xưa.  Anh có cảm-tưởng như nàng là vợ của một Kinh Kha hay nàng là vợ của một chiến-sĩ từ một thưở xa xưa nào đó.  Một thuở có chàng chiến-sỹ mài kiếm dưới trăng, rồi một ngày nào đó

vung gươm,

dứt áo,

ra sa-trường.

 

Tìm đâu thấy một người vợ phi-thường như vậy?

 

Hai câu kế tả cảnh nàng ngồi quay tơ trong nỗi đìu hiu, tơ tằm màu vàng óng ả như màu nắng nhạt của buổi chiều tà:

 

Nhịp xe quay vang trong tiếng gió đìu hiu.

Mình tơ êm óng chuốt như nắng hanh vàng.

 

Rồi đến đoạn kết, nàng nhủ thầm mùa thu - mùa trút lá  - sắp qua.  "Nhớ chàng quay gấp bánh xe".  Lấy tơ vàng để chắn lối gió đông cho kịp may xong tấm áo ngự hàn "cho người chiến-sỹ đêm không lạnh lùng".

 

                  

                  Mùa lá trút sắp qua

                  Nhớ chàng quay gấp bánh xe

                  Tơ vàng chắn lối gió đông

                  Cho người chiến-sỹ đêm không lạnh lùng.

 

Bây giờ thì chiếc áo ngự-hàn đã may xong, nàng gửi tấm áo cho chồng với "muôn vàn nhớ nhung":

 

                 Ơn lòng trai cứu nước

                 Gửi cùng áo ấm muôn vàn nhớ nhung!

 

Anh muốn gợi lại đây những tấm lòng kiên-trinh của những ai đã "thăm nuôi" những người "bị cải-tạo".  Những tấm lòng đó rất đáng được ca-tụng và đề-cao giống như chuyện người thiếu-phụ trong bản nhạc.

 

Chỉ có những kẻ đối mặt với chiến-trường, với tử-thần, với nguy-hiểm (như những chàng không-quân như anh chẳng hạn) mới cảm thấy hãnh-diện được làm người chồng của "ai" giống như người chinh-phụ trong bản nhạc.  Em có cảm thấy hãnh-diện được làm người vợ của chiến-sỹ không?  Em có còn nhớ một vài buổi chiều, em ra ngoài đầu ngõ, ngóng chờ anh đi bay về trễ?  Và nét mặt em rạng-rỡ lên khi thấy anh về, để mình cùng ăn bữa cơm tối trễ giờ.  Anh còn nhớ những ngày anh thực-tập ở Biên-hòa:  hồi đó có một đơn-vị quân-đội nhảy dù đồn-trú trong căn-cứ Biên-hòa.  Nhiều lần anh đã thấy những thiếu-phụ, mừng mừng tủi tủi bế con đón chồng từ chiến-trường trở  về.  Thỉnh thoảng anh cũng thấy nhiều thiếu-phụ lấy vạt áo làm khăn, lau nước mắt.  Sau này anh cảm thấy tủi-phận cho những kẻ bị thiệt thòi và oán hờn tới những kẻ an-hưởng trên sự thất-thoát của người khác.  Nhưng thôi, nói nữa cũng như thừa.

 

Từ thủa còn đi học, mình đã học biết bao nhiêu bài giảng-văn, đọc biết bao nhiêu tác-phẩm văn-chương, anh chưa bao giờ bị xúc-động khi đi tìm hiểu cách hành-văn của tác-phẩm, nhưng với bản nhạc này, anh đã thực-sự xúc-động.  Điểm đặc-biệt ở đây là một tác-phẩm âm-nhạc mà có giá-trị về văn-chương.  Nếu lời ca của bản nhạc là một bài thơ thì cái hay của bài thơ tự nó đã có một giá-trị nghệ-thuật.  Đặt lời ca cho một bản nhạc để có một giá-trị văn-chương là một việc làm xuất-chúng.  Hay là Từ Phác đã làm lời ca trước khi viết nhạc?

 

Vợ Sơn nói:

 

-  Thôi anh cho em nghe lại bản nhạc đó đi.  Bản đó có tên là gì, em lại quên mất rồi ?!

 

-  "Tiếng hát quay tơ".

 

                          "Chiều không hương buông mây lắng xuống đồng quê...

                                   ...  ...".  

Nghiêm-xuân Sương