Cuộc tương phùng giữa bốn nhạc sĩ lão thành trong...

 

Chiều Văn Nghệ Maisons-Alfort

(ngày thứ bảy 21/08/2004 tại nhà Minh Cầm-Phạm Đình Liên)

 

Lê Mộng Nguyên

 

Để kéo dài cuộc ra mắt CD Việt Nam Mến Yêu mà tôi đã giới thiệu với nhiều lời ưu ái  trong Chiều Văn Học & Nghệ Thuật ngày 13/06/2004 (do nhà thơ Đỗ Bình đảm nhiệm) tại FIAP, Quận 13, Paris (x. Nghệ Thuật số 124, Th. 07-2004), ông bà Phạm Đình Liên đã tổ chức một buổi họp mặt thân mật nhưng đường hoàng (một bữa ăn trưa hào phóng, do phu nhân tự nấu bếp theo kiểu Á Đông trước khi chương trình ca nhạc bắt đầu vào khoảng 15 giờ) tại tư thất cao rộng và trang nhã của đôi uyên ương (ở Maisons-Alfort,  ngoại ô Paris cách trung tâm kinh thành ánh sáng độ chừng 7 cây số), ngày thứ bảy 21 tháng 08-2004, với một  kỳ công chưa bao giờ có : sự hiện diện của  bốn nhạc sĩ (lão thành) trú ngụ tại Pháp : Xuân Lôi, Trịnh Hưng, Mạnh Bích (cùng phu nhân Bích Khuê) và Lê Mộng Nguyên (cùng phu nhân Nicole), và nhiều thân hữu (còn tươi trẻ) như nhạc sĩ Trần Văn Toàn, thi nhạc sĩ Đỗ Bình (chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris), nữ ca sĩ Đỗ Quyên và  nữ ca sĩ nghệ sĩ diễn ngâm Thúy Hằng (phu nhân Đỗ Bình).

Đây là một dịp cho tôi được hàn huyên (bằng song ngữ Pháp Việt) và kế đó, đi sâu vào hiểu biết  những bạn đồng liêu, đồng điệu trong ngành sáng tác âm nhạc lẫy lừng trong và ngoài nước, điển hình một thời thanh bình và loạn lạc đã qua... Trên Forum Vietsciences : http://vietsciences.free.fr vừa rồi, và để trả lời câu hỏi của một đồng bào internaute : Có bao nhiêu người sáng tác bài bản tân nhạc ở Pháp ? Nhạc sĩ-Dân tộc học gia Trần Quang Hải đã lập sổ  những nhạc sĩ lão thành có tên tuổi trong lịch sử tân nhạc Việt Nam (còn sống ở Pháp) như NS Xuân Lôi (sinh năm 1917), NS Lương Ngọc Châu (1920), NS Trần Văn Khê (1921), NS Trịnh Hưng (1928), NS Mạnh Bích (1929), NS Lê Mộng Nguyên (1930), NS-hoạ sĩ Vũ Thái Hòa và NS Trần Quang Hải (1944). Tôi tiếc rằng hôm nay các nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, Trần Văn Khê, Vũ Thái Hòa và Trẫn Quang Hải... vắng mặt trong Chiều Văn Nghệ Maisons-Alfort.

Để kỷ niệm 65 năm  trong sinh hoạt Văn học Nghệ thuật và mừng Sinh Nhật Thượng Thọ thứ 85 của Nhạc sĩ Xuân Lôi, giới văn nghệ sĩ Paris đã tổ chức một buổi  ca nhạc bắt đầu từ 11 giờ 30 ngày chủ nhật 20/10/2002 (XL sinh ngày 21/10/1917) gồm ăn trưa và kế đó là chương trình văn nghệ do thân hữu đóng góp, tại Salle du Château : 6, rue de Montebello  94400 Vitry-sur-Seine (ngoại ô Paris) :

Chúc mừng quý hữu Phạm Xuân Lôi

Xà Vương tuổi đã tám lăm rồi (85) rồi

Un đúc rừng thơ  vàng cánh Hạc

Âu ca bể nhạc rực Kim Khôi

Non cao rừng rộng đi không mỏi

Lối thẳng đường xa bước chẳng thôi

Ôm trọn thương yêu và ngưỡng mộ

In vào sự nghiệp đã lên ngôi ...   (Thơ Bình Huyên)

Hôm ấy, ca sĩ Lệ Thanh trình bày Bài Hát của Người Tự Do (Giải Nhất 1961 của Đài Phát Thanh Quân Đội Sài Gòn) của Xuân Lôi, ca sĩ Phạm Đăng  bài Về Làng Cũ  của XL, nhà văn nữ  Vân Hải bài Thương Về Quê Hương cũng của Xuân Lôi... Hai năm sau (2004), gặp lại người nhạc sĩ lão thành tại nhà ông bà Phạm Đình Liên, tôi thấy Xuân Lôi vẫn không có gì thay đổi mặc dầu tuổi đã 87 rồi. Như tôi đã viết trong Nghệ Thuật (số 118 Th. 01-2004) : Nhạc sĩ Xuân Lôi tên thật là Phạm Xuân Lôi, sinh năm 1917 tại Hà Nội trong gia đình nhạc sĩ là thân phụ Phạm Xuân Trang... Ông thành lập ban nhạc Lôi-Tiên (Xuân Tiên sinh ngày 28/01/1921, một nhạc sĩ nổi tiếng qua bài Nhắn Mây, là bào đệ của XL), đàn cho ban Bích Hợp. 1949-1950 : ông lên Thái Nguyên và gia nhập ban văn hóa vụ do trưởng ban Nguyễn Tuân điều khiển. Trong không khí tự do hồi ấy, ông được làm quen với những văn nghệ sĩ  và học giả nổi tiếng như Phan Khôi, Văn Cao, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Vũ, Canh Thân, Lê Mộng Long, Quốc Vũ... 1953, ông vào Nam, chơi nhạc ở các vũ trường Sài Gòn :  Xuân Tiên vào Sài Gòn trước để chơi nhạc cho các nhạc hội, phụ diễn tân nhạc tại Cinéma Thanh Bình đường Phạm Ngũ Lão... Mấy tháng sau tôi cũng vào Sài Gòn, chơi nhạc cho Dancing Kim Sơn, có cả Xuân Tiên, trưởng ban nhạc là Trần Văn Lý... Mấy tháng sau Dancing Kim Sơn nghỉ đóng cửa luôn. Họ phá nhà lấy chỗ trống làm bãi để xe ngựa. Tối lại làm các nhà hàng : Bồng Lai, Văn Cảnh, Mỹ Phụng Kim Điệp v. v. Làm Đài phát thanh Pháp Á, Đài Sài Gòn, Đài Tiếng Nói Quân Đội, Đài Tự Do v. v. (Trích  Hồi Ký Nhạc Sĩ Phạm Xuân Lôi  - 10/09/2004, mà tôi sẽ có dịp cho cảm tưởng trong một bài báo sau)... Xuân Lôi là tác giả nổi tiếng của ba quyển sách  Dạy Đàn Tranh ‘’ & ‘’ Tuyển Tập Ca khúc Xuân Lôi  xb năm 1996... và  Chèo Cổ - Tài Liệu Dân Nhạc Việt Nam  năm 1999. Ông cũng là một nhà sáng chế nhạc khí có biệt tài : Năm 1950 - cùng với Xuân Tiên - cây sáo tre 10 lỗ và 13 lỗ ra đời; năm 1976 tại Sài Gòn, ông phát minh loại cây đàn gọi là Xuânlôiphone...  Từ sự gom góp của 39 lon bia bằng thiếc, XLP là một đàn gõ với ba bát độ. Một XLP thứ nhì được làm xong năm 1991 tại Pháp và ông đã không ngần ngại tặng biếu cây đàn này cho Musée de l’Homme de Paris  (département d’ethnomusicologie) năm 2001.  Xuân Lôi đã xử dụng được 27 nhạc cụ : Mandoline, Banjo Alto, Violon, Guitare Havaĩenne, Guitare Basse, Contrebasse, Basson, Batterie, Cimusical, Xylophone, Vibraphone, Organ, Piano, Baryton, Trombone à coulisse, Trompette, Clarinette, Clarinette Basse, Saxophone Alto, Saxophone Ténor, Flute, Sáo Trúc, Đàn Nguyệt (Đàn Kim), Đàn Nhị (Đàn Cò), Đàn Tam, Đàn Tranh, Đàn Bầu.

Trưa ngày thứ bảy 21 tháng 08-2004, NS Xuân Lôi đến tư thất MC-PĐL với cây đàn Guitare Havaĩenne mà ông thường biểu diễn trong những buổi ca nhạc tổ chức tại Paris, hoặc tại Phòng khách Đỗ Quyên (ở Neuilly-sur-Seine) trong ban Đỗ Quyên-Trần Văn Toàn (XL xin ông bà chủ nhà thứ lỗi cho phu nhân Mộng Ngọc vì vấn đề sức khỏe không có mặt được hôm nay). Chương trình văn nghệ (do MC Minh Cầm) được mở đầu  với bài Xa Quê Hương của bào đệ Xuân Tiên do Xuân Lôi độc tấu Hạ Uy Cầm. Tiếng đàn của  nhạc sĩ  họ Phạm réo rắt và buồn thương, nhung nhớ. XL chơi đến 27 cây đàn, mà bất cứ với dụng cụ nào, ông cũng kỳ tài (virtuose) vì có tài làm rung động khán thính giả, cũng như cuộc đời của ông đã hái quả đó đây biết bao nhiêu là thành công đẹp đẽ. Để vinh danh và cảm ơn nhạc sĩ đã từ Clichy-La-Garenne đến tệ xá Maisons-Alfort, nữ ca sĩ Minh Cầm (tức bà Phạm Đình Liên) đã chọn bài Nhạt Nắng mà theo nhà thơ Đỗ Bình là nhạc phẩm vang bóng một thời của Xuân Lôi  để trình bày trong chiều nay, trước một cử tọa chọn lọc và tao nhã  (một bài mà nàng đã cho vào CD Việt Nam Mến Yêu, Số 11), với đàn đệm  Tây Ban Cầm rất thông thạo của phu quân Phạm Đình Liên, và như tôi đã viết về CD này trong NT (Số 124, Tháng 07-2004), với   ... tiếng hát trong trẻo (của nàng)... trong như tiếng hạc bay qua (Nguyễn Du), sáng sủa và rõ ràng như chuông chùa Thiên Mụ đón hừng đông, đặng ca tụng mối tình muôn thuở trong hạnh phúc quê hương yêu dấu  :

Tôi thương miền quê,

Nhớ hoàng hôn trên đất xưa

Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè

Tôi yêu người xưa

Áo nâu hương duyên thật thà

Đời mặn nồng hồng lên đôi má

Nhưng thôi giờ đây

Nắng tàn phai trên khóm tre

Bao áng mây bên trời mịt mờ

Thương ai nhạt môi

Mắt sâu lắng như đêm dài

Đời cần lao khoác lên mình trai...

Thật quá  dễ thương, lãng mạn, đượm buồn man mác, đầy xúc cảm...  Vì XL cũng là một thi sĩ, tác giả tập thơ Hạc Vàng Trong Nắng Chiều xuất bản năm 1997 tại Paris, mà cụ Song Thái Phạm Công huyền nhân dịp này, đã viết :  Tập thơ của ông (Xuân Lôi), gồm mọi thể thơ, đã nói lên đủ mọi tình ý, nào nhớ nước thương nòi, nào nền hiếu thảo nếp gia phong, nào tập quán dị đoan, nào tả cảnh, tả người, lại còn đi vào đạo pháp nữa, thực là hoàn toàn đầy đủ  ... và kết luận : Như vậy không những ông là một nhạc sĩ mà lại là một thi sĩ nữa, thực hiếm có tự xưa nay...

So sánh với một nhạc sĩ lão thành khác (có mặt hôm nay tại tư thất Minh Cầm-Phạm Đình Liên,  tôi đã viết (x. NT số 124) : Nhạt Nắng cũng ca tụng miền quê như Lối Về Xóm Nhỏ của Trịnh Hưng (sinh năm 1928), nhưng Xuân Lôi... thương miền quê, nhớ hoàng hôn trên đất xưa, nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè... một cách êm dịu (very slow) và nhung nhớ (cung ré mineur ở đây rất thích hhợp), chứ không nhịp múa như qua những bài dân ca Mambo của tác giả Tập Nhạc ‘’ Tình Khúc Dân Ca Quê Hương  CD Tôi Yêu vừa mới xuất bản (mà tôi đã Giới Thiệu trong chiều 05/10/2003 tại FIAP-Jean Monnet). Thật vậy, bài LVXN được Trịnh Hưng viết  theo một nguồn cảm hứng dạt dào đối với quê hương, dựa trên cung ré majeur, nhưng theo lối hành nhạc Cha-Cha-Cha rất nhịp nhàng làm cho người nghe CD đều muốn hát và khiêu vũ theo (thật là nhí nhảnh và bướm bay !) :

Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca

Ngọt thương lúa tình quê thêm đậm đà

Dào dạt bao tình thương trong mái lá

Bờ dâu xanh cô gái hát êm êm

Tầm mai chín gởi anh dâng mẹ hiền

Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên

....................................

Theo TB Đại Chúng (số 103, từ 01 đến 15 Th. 08-2002), Trịnh Hưng sinh tại Hà Nội, quê quán Bắc Ninh, và đã theo kháng chiến từ năm 1945 đến 1953 với tư cách đội phó văn công Trung Đoàn Thăng Long. Bỏ Việt Minh về hồi cư năm 1954 tại đô thành Bắc Việt, anh di cư di vào Nam mở lớp dạy  nhạc... (Đàn, Luyện Giọng và Sáng Tác). Trịnh Hưng bắt đầu soạn nhạc từ năm 1950, nhưng phải đợi năm 1956 mới được đồng bào đón nhận qua những tình khúc dân ca quê hương như Lối Về Xóm Nhỏ  (đã nói trên), Tôi Yêu, Lúa Mùa Duyên Thắm, Trăng Soi Duyên Lành, Tình Thắm Duyên Quê (với sự cộng tác của Trúc Phương), v.v. Sau 1975, bị Cộng sản giam tù trong 8 năm trời, và năm 1990, ông được gia đình bảo lãnh qua Pháp. Sau nhiều năm trú ngụ tạm thời tại Lyon, hiện giờ ông được  định cư vĩnh cửu  tại Créteil (gần Paris). Chúng tôi (Nguyên và Nicole) vừa ra khỏi Métro Maisons-Alfort-Stade đúng 12 giờ trưa (như lời hẹn) ngày 21 tháng 08, thì thấy ngay hai ông bạn PĐL và Trịnh Hưng (không đội mũ feutre như thường lệ) tươi cười đón đợi dưới trời mưa để đưa chúng tôi về tư thất Rue de Reims, cách trạm tàu hầm độ 10 phút bằng xe hơi. Tai nạn té gãy chân trước Résidence AREPA trong mùa lạnh  2002 không để lại nhiều dấu tích, ngoài cái gậy (canne anglaise) mà Trịnh Hưng cần dùng đôi lúc  đi đứng. Chúng tôi bước vào cửa thì được Minh Cầm tiếp đón : tay bắt mặt mừng, nhà thơ Đỗ Bình và phu nhân Thúy Hằng cùng Đỗ Quyên và Trần Văn Toàn đã có mặt, hai vợ chồng Mạnh Bích-Bích Khuê đến sau, cùng với Xuân Lôi (Bàn ăn như vậy không quá 12 người !). Bài Tìm Quên của nhạc sĩ Trịnh Hưng được nữ ca sĩ Minh Cầm trình bày (đàn đệm Tây Ban Cầm Phạm Đình Liên) hôm nay, để tạ ơn người nghệ sĩ (mặc dầu tuổi tác) đã từ Créteil đến thăm ông bà chủ nhà tại Maisons-Alfort và gặp gỡ anh chị em thân thiết trong dịp này. Cũng như trong những bài khác, giọng ca MC hôm nay quá đúng (về phần nhịp) và sâu sắc (về tình cảm). Tác giả cười khề khà, sung sướng vỗ tay, hãnh diện...

Sinh năm 1929, nhạc sĩ Mạnh Bích là giáo sư Pháp văn  dưới chế độ VNCH tại Marie Curie, Jean-Jacques Rousseau,  La Salle Taberd,  v.v. MB cho biết thêm : Tôi cũng dạy văn chương Pháp ở Đại Học Vạn Hạnh (cấp cử nhân) và Institut Français (các lớp tốt nghiệp) ở Sài Gòn và Fraternité ở Chợ Lớn cho đến năm 1975. Khi sang Pháp, tôi dạy văn chương Pháp (cấp trung học) ở các trường Georges Brassens và André Maurois (Académie de Versailles, ngoại ô Paris) từ năm 1984 đến lúc hưu trí  vào năm 1995 (PV nhạc sĩ Mạnh Bích, do Trần Quang Hải thực hiện trên Forums Vietsciences, ngày 13/08/2004). Các thầy nhạc đầu tiên của MB là NS Văn Giảng, Ưng Lang, Trần Văn Lý (Đài France-Asie) và tiếp đó  là với các nhạc sư Grégor và Vincent d’Indy ở Đà Lạt... Thôn Trang do MB sáng tác năm 1958 (Lời của bào đệ Nguyên Diệu) là nhạc phẩm tiêu biểu của tác giả, được quần chúng yêu thích nhất : Bài này được viết do một sự tình cờ. Hôm ấy Hoàng Thi Thơ cũng ở đường Bùi Thị Xuân, phía số chẵn, sang chơi để hỏi về ‘’ngũ cung trong nhạc ta’’ và lối kết thúc  của các bài ‘’ lý ‘’. Tôi không biết giảng giải thế nào nên đem bài ‘’ lý con sáo ‘’ ra bàn chung. Hoàng Thi Thơ lấy làm lạ là ‘’ tại sao các cụ không dứt nó bằng tonique ‘’. Do đó tôi ngẫu hứng viết một lèo trọn bài với phần ca khúc lấy điệu lý con sáo làm ‘’ tung, inspiration’’ : và điệp khúc theo tân nhạc, điệu bolero rất thịnh hành lúc bấy giờ...  (PV Mạnh Bích, đã nói trên). Bài này được nữ ca sĩ Ngọc Xuân trình bày trong Chiều Hồn Đại Việt tại Montreuil ngày 09/11/2003. Mạnh Bích kể từ 1990, là một văn sĩ, một triết gia nhiều hơn là nhạc sĩ : Giòng Sông Trầm Lặng, 1997; bằng Pháp ngữ   Le Viêt-Nam Crucifié  (L’Harmattan  2000) mà tôi đã khen ngợi trên nhiều báo chí, v.v., và  Lá Rụng , một chuyện dài ra mắt đồng bào tại FIAP, ngày 30/11/2003. Cũng như đối với mỗi một nhạc sĩ lão thành khác (có mặt trong Chiều Maisons-Alfort), nữ ca sĩ Minh Cầm, với tư cách chủ nhà tiếp tân, biểu diễn - trong lúc phu quân đàn đệm Tây Ban Cầm  - một bài của nhạc sĩ Mạnh Bích : Mùa Xuân Mưa Bay (Ý thơ : Tuệ Nga) :

Tôi thương áo lụa vai mềm

Quê tôi gian khổ ba miền đau thương

Thả hồn về với cố hương

Trùng trùng bão nổi, mà sương, gió vần !

---------------------------------------------------   

Chính ngay NS Mạnh Bích cũng tự hát bài Anh Cần Em  (Nhạc và ý thơ của  NS lão thành Lương Ngọc Châu), để tặng người vợ hiền :

Anh cần em - anh vì em trên trần gian không còn ai nuôi cuộc sống bên tình thương vô bờ bến chan hòa... và Để Kết Thúc (sau 2 Điệp Khúc) : Anh cần em, em của anh ta cùng nhau tay cầm tay ta dìu nhau đến bến Thiên Thai... Tình yêu vợ chồng của hai người bạn đời tha thiết quá, đã làm sờn lòng cử tọa...  Phu nhân Bích Khuê (khả ái) trả lời bằng cách diễn tả tâm huyết mình đối với người bạn trăm năm, qua bài Tình Già (Nhạc Mạnh Bích, Lời Hoài Việt) : Hăm lăm năm đã qua mà tình vẫn đậm đà /  Dù tóc bắt đầu bạc  và sương gió phủ màu da... v.v. Và để kết thúc phần MB-BK, Mạnh Bích lên  sân khấú  vừa đàn (Tây Ban Cầm) vừa hát bài Ngoài Song của Mạnh Bích, rất nhẹ nhàng và có ý nghĩa (Moderato Espressivo) với câu cuối như một hạnh phúc mong manh : Em ơi làm sao có nhau mỗi chiều, nhìn lại dáng yêu, bao giờ ta lại cùng chung lối đi, bao giờ cùng chung lối về, em ơi ! 

      Sau Mạnh Bích, tôi muốn vinh danh thi nhạc sĩ Đỗ Bình và phu nhân nữ ca sĩ diễn ngâm Thúy Hằng (nét đẹp phương Đông), cả hai vợ chồng đều là những người bạn thân thiết.  Nhà thơ ĐB là tác giả hai thi tập : Buồn Viễn Xứ (1992), và Bóng Quê (1998) mà nhân dịp, tôi có viết một bài cảm tưởng đăng trong nguyệt san Nghệ Thuật-Montréal của nhạc sĩ Lê Dinh (Số 61, Tháng 04-1999), với kết thúc như sau : Với Bóng Quê, Đỗ Bình nói đến trăng, đến núi, đến rượu, đến say, đến người xưa, đến kỷ niệm chinh chiến, đến ngục tù chua xót, đến chiến hữu hy sinh, đến mẹ già nơi quê cũ, đến cây súng cá nhân, nhưng tất cả đều có một mẫu số duy nhất là đất nước thương yêu  (Tựa Tô Vũ), đã làm tôi nhiều lần cảm xúc, cảm động và cảm phục nhà thơ cựu chiến binh, lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ với một tình thương không bến bờ... Ông là chủ tịch rất hăng say của nhóm Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, thường hay tổ chức rất hoàn hảo và thành công những buổi chiều ca nhạc, ra mắt sách và CD của các văn nghệ sĩ thành đô ánh sáng. Song hôm nay ông  cho chúng tôi (khán thính giả) biết thêm  hai tài năng mới nữa.  Không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng, Đỗ Bình còn là một nhạc sĩ sáng tác có tâm hồn và một Tây Ban Cầm gia lão luyện. Tự đàn đệm guitare (ôi tuyệt vời !), nhà thơ trình bày Biển Sóng, một tác phẩm của mình qua một giọng ca thấm thía, say sưa, quyến rủ :

Sóng đưa thuyền xa bến

Trôi mãi về biển khơi

Chiều xuống quê mờ khuất

Cảm thông nhau niềm đau... Và đượm màu triết lý  trong đoạn kết :

... Vắng con thuyền xưa năm ấy

    Sông cũng buồn theo tháng năm

    Dòng nước trôi lờ lững

    Sóng dâng bao nỗi sầu

Sau đó, nữ ca sĩ diễn ngâm Thúy Hằng trình bày một cách duyên dáng bài Tình Khúc Thứ 1 của Vũ Thành An với tiếng đàn đệm Tây Ban Cầm của phu quân nhạc sĩ Đỗ Bình. Để tạ ơn thi nhạc sĩ Đỗ Bình và phu nhân Thúy Hằng đã tổ chức chu đáo buổi ra mắt CD VN Mến Yêu của MC-PĐL tạiFIAP trong ngày 13/06/2004 vừa qua, nữ ca sĩ Minh Cầm trình bày hai nhạc phẩm của Đỗ Bình (với đàn đệm guitare của nhạc sĩ Phạm Đình Liên) : Như Cánh Chim Say (Ta ngắm loài hoa dại. Thương mảnh đời hương phai. Tình nồng xưa vỗ cánh. Hiu hắt màu nắng phai... ) và  Mộng Vàng gồm mấy câu cuối rất êm dịu, nhớ nhung : ... Trăng nghiêng mà nhớ dáng ai / Thấy em lịm ngủ bờ vai thuở nào / Mơ em ngày tháng xanh xao ! / Đường xưa lá đổ nghẹn ngào dấu chân / Tình yêu chấp cánh bay xa / Nụ hồng vẫn thắm trong ta /  Hàng cây còn đó mà em đâu rồi ?!!!  Lẽ dĩ nhiên là trong Chiều Văn Nghệ Maisons-Alfort, hai ông bà Phạm Đình Liên không quên NS Lê Mộng Nguyên và phu nhân Nicole, cho nên ngay từ đầu, sau bài ‘’Xa Quê Hương’’ của Xuân Tiên do Xuân Lôi độc tấu Hạ Uy Cầm, nữ ca sĩ Minh Cầm (lần đầu tiên) đặc biệt trình bày ca khúc tiền chiến (bất hủ) Trăng Mờ Bên Suối  với hòa âm Phạm Đình Liên, guitare Mạnh Bích, Synthé Trần Văn Toàn và Hạ Uy Cầm Xuân Lôi. Giọng ca đầm ấm contralto  (từ ré mineur, TMBS xuống thấp, đổi thành la mineur) của Minh Cầm đã diễn tả một cách tuyệt vời sự chia ly của hai đứa trẻ yêu nhau trong thời khói lửa, bên bờ suối dưới ánh trăng mờ... Kế đó là bài Thu Sầu (Thơ Lưu Hồng Phúc, Nhạc Lê Mộng Nguyên viết ngày 17/02/2004) mà MC đã hát lần đầu tiên trong  Chiều Tím do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức tại Restaurant Bến Tre-Paris 13 ngày 28/03/2004 để đón tiếp nữ sĩ Trùng Dương đến từ Hoa Kỳ :

Từ mấy thu rồi xa cách nhau

Lòng ta mang nặng nỗi u sầu

Gom lá mùa thu ôn kỷ niệm

Dệt thơ giữ lại đến ngày sau... Thật quá lãng mạn, quá âm thầm lứa đôi (Âm thầm một kiếp sống đơn côi, Lặng lẽ đêm thâu tiếng thở dài, Lòng nghe nức nở nhớ thương ai... ), quá Lamartine (Bao mùa xa cách dù xa cách, Kỷ niệm còn đây với tháng ngày).

Nhắc lại Chiều Maisons-Alfort, làm sao quên được ban nhạc Đỗ Quyên-Trần Văn Toàn ? Nữ ca sĩ Đỗ Quyên bắt đầu ca bài Kiếp Dã Tràng của Văn Phụng, với đàn đệm guitare của NS Trần Văn Toàn, kế đó là bài Khi Cuộc Tình đã chết của Phạm Đình Chương do Đỗ Quyên và TVT đồng ca, trước khi chấm dứt với bài Vì Tôi Yêu Huế do Trần Văn Toàn phổ thơ Trọng Nghĩa (song ca ĐQ-TVT)... Đỗ Quyên đã tiến bộ mau chóng sau khi theo học luyện giọng tại conservatoire và hôm nay được  nghe nàng trình diễn (tương tự nhà nghề) những khúc ca VN nổi tiếng và vài bài ca  Pháp ngữ quen biết, chúng ta có thể, trong một thời hạn ngắn, sắp đặt  Đỗ Quyên vào hạng nữ ca sĩ Mezzo soprano. Trần Văn Toàn là một ca nhạc sĩ có biệt tài, chuyên phổ nhạc nhiều thơ của các thi sĩ lừng danh (Dư Thị Diễm Buồn, chẳng hạn). Ông là người đã học nhạc từ thuở nhỏ, chuyên xử dụng một cách tài tình đàn guitare espagnole và  Synthé. Muôn vàn cảm tạ Minh Cầm-Phạm Đình Liên đã cho chúng tôi có dịp tham dự và thưởng thức một buổi chiều văn nghệ rất hoàn hảo, thành công trên mọi mặt, với mục đích rút chặt giây thân hữu giữa các ca sĩ, thi nhạc sĩ điển hình giới văn nghệ thuật Paris.

 

Lê Mộng Nguyên (Paris)