Đọc Thơ Nguyên Dã Quỳ

Nguyễn Quý Đại

 

                                    

Viết về thi ca rất bao la, thi nhân tiền chiến một thời vang bóng là những đoá hoa rực rở mở đầu cho nền thi ca mới Việt nam. Thế hệ gần với chúng ta nói riêng ở Quảng Nam những danh nhân, thi sĩ được nhiều người biết và ái mộ như : Bùi Giáng, Luân Hoán, Vương Ngọc Long, Trần Trung Đạo, Thái Tú Hạp, Phan Nhật Nam v v.   nhiều loại thơ khác nhau là những tâm hồn say đắm đi vào trào lưu nhịp sống, ca tụng tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương.. thật phong phú, ít nhiều kỷ niệm xa khơi hay gần gũi bên dòng đời của kiếp sống tha phương ..

 Hơn một phần tư thế kỷ sống hải ngoại tôi rất say sưa ngưởng mộ những thi tập có tâm hồn hướng về đất mẹ...nơi chôn nhau, cắt rốn ..Mỗi thi nhân là một thế giới riêng với bao vui buồn.. đưa độc giả vào thế giới của say mê, mộng tưởng.  Lịch sử thi ca mênh mông vô tận (1) thi nhân sống và cảm nhận được tình trăm ngả của lữ khách muôn phương. Thi tập „Những phương trời nhớ“, là nỗi nhớ, là niềm đau của thế hệ trẻ sau 1975, dù chiến tranh chấm dứt, nhưng họ đã gánh chịu những đổi thay đời sống, nhiều gia đình chịu khổ nạn của thời đại mới. Thơ không vướng đọng hận thù nhưng mang những nét buồn nhẹ nhàng như cơn gió thoảng. Thi tập ôm trọn tâm tình quê hương, là tâm thức chung của người Việt Nam đang lưu vong xứ người .

Thi tập „Những phương trời nhớ“ của thế hệ trẻ định cư Hoa Kỳ với gia đình theo diện HO (Humanitarian Operations), đã hội nhập vào xã hội mới, nhưng vẫn canh cánh bên lòng nỗi thương nhớ Quê hương. Đọc thi tập nầy như viếng khu vườn thiên nhiên để thưởng thức cái hương sắc của những đoá hoa đơn sơ mà yêu kiều, tưởng như mộc mạc nhưng chứa đựng tình quê, mỗi bụi hoa, cụm cỏ là những khám phá hứng khởi về thi ca tràn đầy sinh lực, tôi đã cảm nhận những ngang trái cuộc đời đầy nghẹn ngào xao xuyến .. Thi tập vững vàng về văn chương và nghệ thuật sống, Nguyên Dã Quỳ đã cộng tác với Nguyệt san Hôn Quê  thơ „Lối thu vàng“, truyện ngắn “ Bức tường cô đơn, Chia tay trong mưa“  bài viết với là những nụ cười hồn nhiên, tinh thần thủy chung của một dân tộc, cái đạo nghiã làm người, tình con đối với cha mẹ. Tôi không bàn rộng về mỗi thi nhân góp mặt trong thi tập nầy, nhưng tôi vô cùng phấn khởi với Nguyên Dã Quỳ xuất thân từ Quảng Nam, luôn hướng về vùng đất, nơi đó tôi (cũng như độc giả) đã chào đời, một dấu ấn khơi lại kỷ niệm ngàn đời không đổi thay:

 

 Biết nói gì đây, giữa hai phương trời nhớ
Tôi ở bên nầy, thương lắm Quảng Nam ơi!
Thương dòng sông..bên lở bên bồi
Thương kỷ niệm.. một thời sách vở...

 

            Chiều thu ở khung trời Đại học với gió heo mây, bóng cây tùng già vẫn trơ cành trong nắng chiều vàng hoe, rồi chia tay bạn bè cảnh vật như phủ màu ảm đạm, niềm thương nhớ bỗng đâu xâm chiếm tâm hồn, thi nhân ra đi mà lòng như trải qua cơn gió lạnh:

 

Tôi đứng cuối sân trường nhìn vạc nắng
Nắng vàng hoe hay nước mắt nhạt nhoà
Chia xa rồi còn đâu nữa mà hoa
Mà thỉnh thoảng tôi ra đây đứng ngắm

 

            Ra đi ôm theo nhiều kỷ niệm của tuổi hoa niên, những năm dài dưới mái trường thân yêu, bỏ lại phiá sau những thương nhớ giận hờn:

 

Tôi bước đi mang trăm ngàn lưu luyến
Quây lại nhìn thầm tiếc tuổi hoa niên
Vẫy tay nhé cây phong già hùng vĩ
Mà bao năm kiên nhẫn đón phong ba
 
Nếu mùa sau ai tưụ trường hoan hỉ
Có nhớ một người mà đã  đi xa.?

 

Nhắc lại chuyện xưa như khơi lại mối u tình đã chôn kín trong lòng, còn lại những thương nhớ không nguôi, gắn bó quê hương như nhắc lại lời của gió, của hương cuả cánh đồng ..một ân tình sâu sắc. Quê nhà giờ đây đã xa xôi trong nỗi nhớ, từ con đường làng nhỏ rộn tiếng chim kêu, bên giàn thiên lý thơm mùi hương vẫn còn đọng lại trong giấc mơ, niềm xót xa quặn thắt ,giọt lệ sầu thương lại tuông rơi :

                                   

Đêm ta ngủ mơ ngày về cố Quốc
Ôm quê hương nghe nức nở nghẹn ngào
                   Tiếng côn trùng nửa đêm về day dức
                   Điệu ru buồn nghe khác khỏai hư vô 

 

            Tình cảm hướng về quê hương thiết tha, da diết,  thích nghi với khuôn khổ đạo đức, phong tục, và nếp sống thực tế hằng ngày:

 

Ta mơ về Quảng Nam tha thiết
Dù ân tình ngày đó dưới đôi mươi
Nhưng ta đi mang yêu thương da diết
                   Đến muôn nơi vẫn tiếc nuối ngậm ngùi
 
Ta mơ về hàng dừa xanh trước ngõ
Con chim non nhảy nhót hát trên cành
Tuổi ấu thơ ta thập thò đứng ngó
Sợ lại gần chim vỗ cánh bay nhanh
 
Ta mơ thấy mảnh vườn cây trái chín
Trái đầy cành, nghe mát rượi đầu môi
Sân nhà ta hoa lá nở tuyệt vời
Giàn dạ lý, đưa hương như chờ đợi
 
Ta mơ tới ngôi trường xưa thân ái
Nơi ngà ngọc, gói gém những ngây  thơ
Nơi nầy đây, chôn dấu tuổi dại khờ
Thời mơ mộng, hỏi làm sao khỏi nhớ

                                                            Giấc mơ

 

                                               

 

Thi nhân dễ cảm xúc trước thiên nhiên, Đà Nẳng đêm mưa nghe sông Hàn nước chảy đôi bờ, bến đò vắng khách, mảnh trăng sáng bên cầu, gợi hứng được nguồn thơ để nghe lòng xao xuyến, thố lộ tình yêu quê hương của kiếp người viễn xứ, tất cả chỉ còn như  một giấc mơ ?

 

                        ........................
Ta mơ về giòng sông Hàn- Đà nẳng
Sóng ngàn khơi vỗ lạnh dưới đêm mưa
                  Thương con đò nằm yên trên bến vắng
Lòng chợt buồn chẳng thấy bóng người xưa
 
Xa bao năm biết nhớ mấy cho vừa
Nhớ kỷ niệm , nhớ từng câu chuyện cũ
                  Chiều sông Thu ai chờ ai.. mưa lũ
Nước xuôi dòng – sao máu chảy tim đau ?
 
                   Quê hương ơi, có phải ta gặp nhau
Mảnh trăng sáng bên cầu, quên không dễ
Ngôi sao hôm như mắt ta ngấn lệ
Muốn khóc bao nhiêu để thấy nhẹ lòng?
Ta đã về chưa Đất Mẹ thương mong ?
Hay tỉnh giấc mới biết mình ảo mộng.           

                                                            Giấc mơ

                       

                       

Vạn vật theo thời gian, không gian thay đổi không có gì là vĩnh viễn, con người là một điểm mong manh bé nhỏ trong cái bao la của thiên thể, cuộc đời đâu đẹp như hoa và mộng, giấc mơ nào rồi cũng qua....

                       

Mùa xuân đầu em đến nơi đây
Tacoma năm đó tuyêt rơi đầy
Hun hút đêm ngày mưa với gió
Lạnh lùng bao phủ cả thân cây
 
Em hỏi trời mây có buồn không?
Nàng xuân vắng bóng lạnh như đồng
Hoa xuân em thấy toàn là tuyết
Không thiệp mừng xuân chẳng rượu nồng
 
Cái tết đầu tiên chao ôi vắng !
Nhà cửa buồn hiu chẳng họ hàng
Chỉ gọi chúc nhau bằng điện thọai
Đôi dòng thăm hỏi đón xuân sang
 
Thôi trách than chi xuân viễn xứ
Nỗi buồn gặm nhấm viết trong thư
Gởi về Quê Mẹ bao nhung nhớ
Còn lại yêu thương em cất giữ

                                                Xuân Viễn Xứ

 

            Thơ mang một nét đặc thù, một âm thanh, suy tưởng không lãng mạn sầu nhân thế, dù tả tình nhưng vẫn giữ được nét kín đáo của người Đông phương

 

Lỡ vương một chút hương mơ mộng
Nhung nhớ vạn lần thuở thương mong
Em về gõ cửa đời áo trắng
Tìm thoáng hương xưa chép vào lòng

Hương Xưa

 

Nguyên Dã Quỳ viết về mẹ, hình ảnh mẹ Việt Nam thật tuyệt vời, mẹ đã dạy các con trong tình yêu và lễ giáo gia đình tổ tiên, xã hội có đổi thay theo một khuynh hướng chủ nghiã mới, nhưng bản sắc văn hoá ngàn đời của người Việt Nam được giữ mãi mãi, trong vòng tay yêu thương của mẹ, như xoa đi những phiền muộn cuộc đời, Tình mẹ gắn liền với quê hương, trở về với mẹ là trở về với đất nước và cội nguồn dân tộc

           

                   Vòng tay như chiếc nôi hồng
Mẹ ru con ngủ giấc nồng bình yên
Thương con mẹ chẳng quản phiền
Nuôi con khôn lớn mẹ hiền sướng vui
Dòng sông con nước trôi xuôi
Dòng đời có mẹ đắp bồi tình thương
Tảo tần một nắng hai sương
Hy sinh thầm lặng dọn đường con đi
Mẹ là nguyên lý diụ kỳ
Cho con dòng sửa từ khi chào đời
Cho con tất cả mẹ ơi
Khối tình mẹ kết gởi vào đời con
Canh khuya thức trắng hoa mòn
Đường chiều ngã bóng mẹ còn chờ mong..
Thế rồi, tóc mẹ hoa râm
Thế rồi con sáo sổ lồng bay xa..
Đêm nằm nghe hạt mưa sa
Mưa bao nhiêu hạt nhớ nhà bấy nhiêu
Tìm đâu để thấy mẹ yêu
Tìm đâu để thấy những chiều thiết tha ?!
Cho con vịn khúc câu ca
„Chim khôn nhớ cội, đò xa nhớ dòng..“
Về thôi, kẻo mẹ chờ mong
Lòng con dâng mẹ cánh hồng ngát hương 

                                                            Tình Mẹ

Phần lớn đàn bà Việt Nam chịu khó đảm đang việc nhà, phản ảnh chân thành của nếp sống Việt, như cảnh „thân cò lặn lội bờ sông“ của bà Trần Tú Xương, bà Phan Bội Châu, bà Phan Châu Trinh đã hy sinh lo cho chồng con. Đàn bà miền Nam đã gánh những trọng trách khó khăn, Nguyên Dã Quỳ mô tả tình mẹ trên đôi vai gầy gồng gánh, phụng dưỡng mẹ già như „chuối ba hương“ và nuôi đàn con ăn học nên người, chắc chiêu từng nắm gạo để thăm chồng trong các trại tập trung trên nuí rừng Tiên Lãnh 

 
Khi nào con cũng cầu mong
Ba mẹ khoẻ mạnh cho lòng con yên
Ngày xưa bảo táp triền miên
Ba mẹ gánh chịu buồn riêng một mình
 
Quê hương khói lửa điêu linh
Hậu tàn cuộc chiến gia đình chia hai
Nợ nước nặng gánh đôi vai
Ba đi tù tội ngày mai đâu còn
                                   
Một mình mẹ với đàn con
Tay bồng tay bế nỉ non thân cò
Mưa nguồn chớp biển mưa to
Cưu mang con nhỏ lại lo mẹ già
 
Trại tù ba ở nơi xa
Lặng lội rừng núi bôn ba đường dài
Đường đầu nguy hiểm chông gai
Hai vai gánh nặng. sớm mai dãi dầu
 
Vì đời tạo cảnh bể dâu
Nên mẹ gánh chụi buồn đau cũng đành
Thăm ba cả tấm lòng thành
Qùa là mắm gạo để dành chắc chiêu
 
Quê nhà mẹ tạm lều xiêu
Mẹ gầy tay bé cũng liều nuôi con
Tình chung mẹ giữ sắc son
Ngày ba về đến vẹn tròn ước mong
 
Chiều nay là mấy chục năm
Con ngồi nhớ lại mà lòng thây thương
Trải qua bao cảnh đoạn trường
Bao nhiêu biến cố tan thương đoạ đày
 
Ngậm ngùu tủi ngục đắng cay
Hy sinh chấp nhận, đong đầy tình yêu
Công cha nghĩa mẹ qía nhiều
Lòng con dâng kính vạn điều tri ân
 
Xin cho con được bội lần
Nói lời cảm tạ muôn ngàn biết ơn
                                                Tạ Ơn Mẹ

 

                                   

Tình cảm gắn bó mỗi lần mơ về quê hương, được khơi rộng theo mối tương quan giữa người với người trong xã hội, ăn nhịp bổn phận của cá nhân với gia đình của con người trong xã hội . Tình cảm trở thành cao đẹp, tô đậm được ý nghĩa quý báu của cuộc sống, lời thơ chân thành, tha thiết vì quê hương  :

 
                   Một thương xứ Quảng mặn mà
Dân hiền hiếu khách, thật thà thuỷ chung
Hai thương sông núi điệp trùng
Nhân tài lỗi lạc anh hùng đề tên
Ba thương ý chí vững bền
Dẫu đời cay đắng cũng nên kiên cường
Bốn thương chẳng ngại gió sương
Tóc mẹ điểm bạc, ruộng vườn quanh năm
Năm thương con nước bền bồng
Thuyền em sớm tối trên dòng sông Thu
Sáu thương câu hát mẹ ru...
Nhớ người xa xứ lời ru não nề
Bảy thương bên nớ- bên tê
Cái chi- răng rứa-tình quê đậm đà
Tám thương năm ngọn kiêu sa ( ngũ hành sơn)
Huyền dịu, duyên dáng, như là bức tranh
Chín thương xứ sở hiền lành
Khí hậu ấm áp- trời xanh hữu tình
Mười thương mì Quảng xứ mình
Ai về tôi gởi chút tình Quảng Nam
                                    Mười thương về xứ Quảng

 

            Nguyên Dã Quỳ là con cháu cựu học sinh Phan Châu Trinh tên thật  Phạm Nguyên Thu Thảo với nhiều bút hiệu : Thạch Thảo, Thi Thi, Apple, Thi Thiên, là thứ nữ của ông bà Phạm Hùng định cư ở Kent tiều bang Washington Staad, thi nhân cộng tác văn nghệ với nhiều tạp chí, nguyệt san ở Hoa Kỳ là một bông hoa mới nở với hương sắc riêng, ý tưởng mới, với tuổi hoa niên đã có chổ đứng trong vườn hoa văn nghệ, thơ trong sáng không ước lệ khách sáo, nhưng mang tâm hồn giàu tình cảm và tin cậy cuộc đời , 

 

Munich mùa đông 2004 

Nguyễn Quý Đại

E.mail dai.duc@arcor.de

                          

            1/ Lịch sử Văn học Việt Nam từ năm 1917 trên Nam Phong Tạp Chí học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) nhận xét về thi ca Việt Nam „phiền phức luật lệ ràng buộc..“ , năm 1928 báo Trung Bắc Tân Văn xuất hiện bài thơ đầu tiên không niêm luật hoàn toàn mới lạ, La cigale et la fourmi /Con ve sầu của La Fontain nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) dịch. Mãi cho đến năm 1932 sinh hoạt văn nghệ được đổi mới khởi đầu phong trào thơ mới, chống lại cái khuôn sáo cũ của Đường thi gò bó chật hẹp tù túng niêm luật trở ngại nhiều thi nhân với ý thơ đang bay vào cõi mộng.

                Tờ Phụ Nữ Tân Văn ngày 10.3.1932 trình làng bài Tình Già của nhà văn Phan Khôi (1887-1959) đây cũng là phát súng đầu tiên viên đạn thơ mới bắn vào bức tường thơ cũ, Phan Khôi muốn thi ca mới tự do, không theo lối thơ đường luật ảnh hưởng lâu đời của các thi nhân lão thành. Phan Khôi đã can đảm như Kha Luân Bố đi tìm miền đất hưá cho thế hệ mai sau, Bài Tình Già của Phan Khôi như luồng gió mới thổi mát tâm hồn trẻ, giải thoát khỏi nếp sống khép kín của thời phong kiến xa xưa, thơ mới ra đời thật phong phú, mang tinh tuý của dân tộc Việt Nam thơ không bị gò bó, thế hệ sau đón nhận như một di sản vô giá, phá đươc ngăn cách giữa con người và thiên nhiên, thi sĩ làm thơ theo rung động của con tim, không phải ngồi ôm đầu tìm niêm luật điển tích ước lệ theo khuôn vàng thước ngọc ..từ sau năm 1933 luồng gió mới văn học Tây phương làm cho thi nhân  ảnh hưởng sinh khí mới mở đầu một nên thi ca.