Ðiệu Tình Cổ Nhạc

Thốt Nốt

 

Hỏi rằng: Người ở quê đâu?
Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà.
(Bùi Giáng)

 

Tôi là dân Nam Kỳ. Tôi thích cổ nhạc. Tôi mê Vọng Cổ và Cải Lương. Tôi phải nhấn mạnh như vậy vì không dân nơi đâu mê Vọng Cổ và Cải Lương bằng dân miền Nam. Có lẽ vì miền Nam là cái nôi của Vọng Cổ và Cải Lương. Có lẽ vì ngoài hát bội, miền Nam chỉ có Vọng Cổ và Cải Lương là bộ môn trình diễn nghệ thuật có thể đi sâu vào đại chúng. Tôi ngán hát bội lắm. Y trang rất lộng lẫy, sân khấu rất bắt mắt nhưng chỉ có vài ba tích tuồng Tàu như Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Ngũ Vân Thiệu bị vây, vv. nhai đi nhai lại. Nghe qua tiếng được tiếng không, rất là khó hiểu. Suốt cả buổi theo bà nội tôi một lần đi coi hát bội, tôi chỉ ngồi ngáp trẹo quay hàm. Nghe toàn “như ta đây…” và “ư… ử… ừ…ư” Lại còn tiếng trống chầu nghe muốn điếc lỗ nhĩ. Từ đó tôi xin bái dài mà rút lui không dám bén mảng tới các đám hát cúng đình nửa nhưng với Vọng Cổ và Cải Lương thì lại khác. Tôi bám, tôi níu, tôi giữ chặt không rời nó suốt bao nhiêu năm nay và có lẽ mãi về sau.

 Tôi lớn lên trong tiếng hát Thanh Hương, Út Bạch Lan, Thanh Sơn, Kim Nguyên, Thành Ðược vv. Những điệu Nam Ai, những câu Vọng Cổ nhập vào hồn tôi lúc nào không biết. Câu nói lối, tiếng đàn kìm, tiếng gõ nhịp song lang thấm vào máu thịt của tôi cho đến bây giờ. Nhờ Vọng Cổ và Cải Lương mà tôi biết được các tích Ông trượng Tiên Bửu, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Chiêu Quân cống Hồ. Nhờ giọng ca Thanh Hải mà sau này đọc Thuyết Ðường tôi cảm thông hơn với Tần Quỳnh khi khóc Ðơn Hùng Tín và biết rằng

 

“Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc,
Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh”

 

là một bài học thâm thúy trong cách cư xử.

 Tôi cũng thích tân nhạc nhưng nó chỉ như món cá thịt trong một bửa cơm còn cổ nhạc là hạt cơm trắng, là giọt nước mắm hòn. Không thể thiếu được. Trước khi đi du học, tôi biết Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao, Phạm Ðình Chương, Trần Thiện Thanh, Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Nhật Trường nhưng tôi chỉ coi họ như những người “bạn” còn Viễn Châu (tức nhạc sĩ Bảy Bá,) Hà Triều, Hoa Phượng, Quy Sắc, Năm Cơ, Văn Vĩ, Chín Trích, Thanh Nga, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Hữu Phước, Thành Ðược, Tấn Tài mới là “anh chị em, chú bác” của tôi. Thuở đó, tôi không biết Elizabeth Taylor, Audrey Hepburn, Brigitte Bardot, Gregory Peck, Richard Burton là ai nhưng tôi có thể kể cho bạn nghe về Út Trà Ôn, Dũng Thanh Lâm, Hoàng Giang, về Diệu Hiền, Ngọc Giàu, Mỹ Châu một cách ngon ơ.

 

Về sau, ra ngoại quốc, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác tôi cũng thưởng thức và thích nhiều thứ âm nhạc khác như classic, jazz, rock, pop, heavy metal, country, blue, vv và mới đây là rap, hip hop. Ðủ thứ phá lấu. Từ nhà hàng ba sao cho đến mì ăn liền. Nghe Bolero của Ravel cũng thấy rạo rực. Nghe Louis Amstrong ca We have all the time in the world cảm thông một nổi thổn thức miên mang. Nghe Eminem, 50 Cents chân cẳng cũng không giữ được yên. Thứ nào nếm cũng được, nghe cũng hay. Miễn âm điệu hợp tai một chút là được.

 

Cao lương mỹ vị ăn riết cũng nhàm, về đến nhà ăn một chén cơm, cắn một miếng khô cá sặc, chan vào một chút nước mắm sống dầm trái ớt hiểm. Ôi, sao nó ngon ơi là ngon! Filet mignon cũng dẹp, osso buco cũng không bằng. Thưởng thức qua nhiều thứ âm nhạc, cuối cùng tôi cũng về với Vọng Cổ và Cải Lương. Không bỏ, không quên được.

 

Lời ca tân nhạc đa số đều hay nhưng thường thì quá ngắn. Nhiều bài của những tác giả nổi tiếng lại quá thơ, quá mơ hồ, quá trí thức. Như thơ Thanh Tâm Tuyền. Như tranh Picasso. Nghe hay thật nhưng khó mà nhập được vào cái tâm hồn giản dị của tôi lúc bấy giờ. Với cổ nhạc, mấy bạn hảy nghe câu ca sau đây:

 

 “(Tôi đang đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con.) Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạt. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông… đầy.”

(Vở tuồng Tuyệt Tình Ca của Hà Triều & Hoa Phượng)

 

Một câu hát rất văn chương mà bình dị, vừa nghe đã thấy trước mắt một hình ảnh chia ly buồn gờn gợn nhưng mộc mạc, chân thành. Tôi đã có lần đứng trên bờ sông Mỹ Thuận vào một buổi hoàng hôn và phong cảnh quả thật y như câu hát. Cũng bờ cây xa mờ nhuộm, cũng lục bình trôi rời rạt, cũng những chiếc xuồng nhấp nhô giữa giòng sông rộng . Thấy thấm thía câu hát đến tận đáy lòng. Thấy thương yêu đất nước quê hương biết bao nhiêu.

 

Quan cảnh ấy có thể thấy trên nhiều miền của đất nước nhưng nhờ câu ca vọng cổ ghép vào cảnh biệt ly ở bến sông Mỹ Thuận mà nó đã trở thành bất hủ. Tác phẩm Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan không nổi tiếng nhưng không mấy người không biết chuyện tình Lan và Ðiệp thì. Bạn hảy nghe những lời sau đây trong bài vọng cổ Lan và Ðiệp của soạn giả Viễn Châu:

 

“(Nam mô cứu khổ chí tôn
Cầu xin phổ độ linh hồn thế gian)
Con tên là Nguyễn Thị Lan
Xác thân còn đó, hồn tan lâu rồi”

 

            Có câu hát nào diễn tả hay hơn được nỗi lòng của cô Lan với anh chàng Nguyễn khắc Ðiệp, đi tu mà đường tình chưa dứt? Nghe mà thương, nghe mà giận. Sao ai oán quá vậy cô Lan? Ðường tu làm sao trọn, sao cô không bỏ chùa về với anh Ðiệp cho rồi?

 

Dĩ nhiên không phải cổ nhạc có nhiều câu hát hay như vậy vì đa số cũng đại loại nhập nhằng rất là “sến” nhưng sến hay không sến mà khi nghe qua một danh ca cổ nhạc trình bày cũng đều khó mà quên được.

 

Nghe Hữu Phước xuống xề trong bài Ðội gạo đường xa

 

“Thầy Tử Lộ vào chầu Khổng Tử,
Gục đầu nức nở khóc như mưa.
Nhớ những ngày rau cháo muối dưa,
Con đội gạo đường xa nuôi mẹ.
Nhưng hỡi ôi! Sau khi chiếm bảng khôi nguyên thì mẹ cha đã vội bước qua... đời”

 

thiệt là mùi tận mạng. Hết kể. Thiệt phê. Chỉ muốn vỗ tay như đang ở trong rạp. Các bạn hảy tưởng tượng, vài tiếng đờn dạo bắt đầu cho câu nói lối rồi ngưng bặt, cả rạp hát im thinh thích, không còn một tiếng động như có ai vừa vói tay tắt toàn bộ âm thanh phụ. Chỉ còn giọng rao của người đào (kép) hát. Khán giả hầu như nín thở chờ đợi. Và nao nức. Câu xề vừa bỏ xuống là có một nốt đàn đi theo như người chủ nhà đang chờ sẵn, mở toang cánh cửa khi khách vừa đưa tay lên gỏ. Người hát ngừng lại hai nốt rồi tất cả các cây đàn đồng hòa vào, và toàn thể rạp hát như bùng vở trong tiếng vỗ tay. Như vui mừng, như hân hoan, như chào đón một người bạn quý từ phương xa trở về. Có bao gìờ các bạn thấy khán giả vỗ tay khi Khánh Ly, Thanh Thúy đang hát đâu nhưng khi đào kép cải lương xuống xề là khán giả đồng vỗ tay. Không cần biết ca hay hay ca dở. Hay thì vỗ nhiều vỗ lâu, dở thì vỗ ít. Ai không thích vỗ tay thì… đừng đi coi cải lương. Vỗ tay đương nhiên nhập vào bản vọng cổ để trở nên một thành phần không thể thiếu như câu nói lối, như giọng ngâm ơ… ơ ở cuối câu, và đẹp nhất là nó được phát ra tự nhiên từ người thưởng ngoạn. Vào rạp cải lương, nghe câu vọng cổ mà thiếu vắng tiếng vổ tay thật như một cung đàn lạc điệu, như một câu ca “rớt” (ca trật nhịp, tiếng đàn đã dứt mà câu ca vẫn chưa xong.) Thấy nó vô duyên làm sao, vừa chán đám khán giả, vừa thương dùm cho người trình diễn. Và tiếng vỗ tay không chỉ ở bản vọng cổ. Các nghệ thuật sân khấu khác cũng cần có sự hòa hợp, tham gia của khán giả nhưng không đâu bằng cải lương. Không nơi đâu mà khán giả có thể khen thưởng và cổ võ diễn viên liên tục và nồng nàng ngay khi đang trình diễn như ở cải lương. Ðôi khi tôi nghĩ rằng đào kép gắn bó với sân khấu cải lương cũng một phần vì tiếng vỗ tay đó.

 Ðào kép cải lương xưa nay ít người có cuộc sống khả quan như bên tân nhạc. Nhất là ở những gánh hát nhỏ, thường chỉ lưu diễn ở vùng xa xôi, sông rạch, miễu đình. Ðào kép ăn ở, sanh hoạt như tất cả các nhân viên khác của đoàn. Hát xong đêm nay, nhiều khi họ phải ráng thức để phụ thu dọn phông màn, đồ đạc lên xe hay tàu đò cho kịp chuyến di chuyển trong đêm. May mắn lắm họ mới được ngồi trên một chiếc xe chuyên chở riêng rẽ, bằng không phải chập chờn giấc ngủ trên băng ghế hoặc võng cho đến nơi diễn mới vào tờ mờ sáng hôm sau. Lại phải xăng tay, vo áo váo giúp dựng rạp, căng phông cho kịp giờ trình diễn mới. Nhiều cô đào, anh kép lúc bình thường là những người nông dân lam lũ, chờ cho xong vụ gặt liền khăn gói nhập vào đoàn đi lưu diễn. Tiền bạc không được bao nhiêu, có nơi khán giả chỉ có thể trả bằng khoai, bằng bí, bằng bầu, bằng con cá mới vừa bắt được lúc tát đìa chiều nay. Rất ít đào kép cải lương dư ăn dư mặc lúc tuổi xế chiều nhưng họ nào phải vì đồng tiền mà chịu “vương lấy nghiệp cầm ca.”

 Trong những ngày đầu xa xứ, nhất là lúc cận tết 72 tôi không dám nghe Thành Ðược hát bài Tình người viễn xứ. Có lẽ bài hát buồn nhất của tân nhạc cũng không thể nào đem được vào lòng của những người ly hương một nổi buồn da diếc như một bài vọng cổ. Tôi thương yêu Vọng Cổ và Cải Lương như vậy nhưng lúc đó sao tôi cũng ghét nó quá chừng. Sao nó gợi tôi nhớ làm chi cái nóng đầm ấm ở quê hương giửa mùa đông giá buốt của Roma.

 Dù sao đi nửa, trong cuộc sống của tôi cũng không thể thiếu chất cổ nhạc này. Trong xe tôi lúc nào cũng phải có ít nhất một dĩa CD vọng cổ. Với kỷ thuật tân tiến, nay ta có thể để khoảng 70 bản vọng cổ hay 7 tuồng cải lương vào một CD. Nghe tà tà cũng được cả tuần. Vợ tôi không ưa ồn ào trong xe, con tôi lại chỉ thích hip hop nên giờ phút thần tiên tôi được nghe thoải mái là trên đường đi làm việc hay ngồi một mình ở căn phòng tạp kỷ trong nhà của tôi. Những thời giờ ngắn ngủi đó cũng đũ cho tôi trở lại làm quen, thăm hỏi các “anh chị em, chú bác” của tôi. Lại thấy con rạch nhỏ với hàng bần che mát rượi, xa xa tiếng bìm bịp kêu trong con nước lớn. Thấy đám ruộng xanh om với đàn cò trắng bay là đà trong buổi chiều đang tắt nắng. Thấy ngôi chợ chồm hỗm dưới dốc cầu đúc ven sông. Thấy chị Hai Thà đầu đội chiếc khăn xếp rảo bước dưới hàng mù u, tay cặp một rổ rau nhút vừa hái được cho tô canh chua chiều nay. Thấy anh Năm Nên với thằng Tư Ðực đang ngồi vén chân trên ghế đẩu, bàn chuyện đời qua chung rượu đế Gò Ðen, bên dĩa xoài tượng đưa cay. Thấy cả một trời quê hương trong vài điệu đàn, vài câu hát. Ôi, câu ca Vọng Cổ!

Thốt Nốt