Em là Bé Năm, biệt  danh Chằng Lửa. Tuy là
Chằng Lửa  nhưng rất sợ  tiếng chim cú kêu
kể từ đêm đó,cái đêm mà

 Chân Màu Hồng Ngủ Trên Đàn Kiến

Bé Năm

 

 

        Sau sáu năm cải tạo, anh về nhà, quê hương vợ, Long Vĩnh, Vĩnh Bình. Chồng làm mướn. Ai mướn gì làm đó, chẳng hạn như cuốc giồng khoai, đào ao hay vô rừng đốn củi. Vợ trồng chút khoai hay chút dưa gang rồi đem muối chua bán sống qua ngày.

       Qua thời gian một năm quản chế, anh đưa vợ và đứa con trai thứ mới được 4 tuổi, cu Cường, về trồng rẫy bên cha mẹ anh ở kinh tế mới Xuyên Mộc, Đồng Nai. Đứa con trai lớn không chịu đi theo, ở lại với ngoại bà. Lúc nầy mới có 2 thằng cu, chưa có cái út. Kinh tế mới với cái chòi tranh ven suối nằm cạnh bìa rừng và mấy sào đất trong đó có vài líp rau muống già. Đó là gia sản của cha mẹ chồng giúp đỡ, vì ngoài những thứ này thì ông bà chẳng có gì hơn. Em nghĩ như vậy cũng tốt lắm rồi.

         Cuộc sống mới bắt đầu. Năm giờ sáng kẻng nông trường cao su xa xa vang tới thay chuông đồng hồ báo thức cho cặp vợ chồng nghèo. Ngồi dậy đầu tiên là ‘’bà Năm’’. Như đã viết cho anh Oánh, người bạn cùng khóa cùng là bạn tù của chồng, cách đây hơn năm: ‘’Bé Năm là của ngày xưa, còn bây giờ chữ Bé không biết đâu mất từ lúc nào mà chữ ‘’bà Năm’’ cũng không biết hiện diện từ lúc nào’’. Thôi cứ cho rằng từ lúc tình không còn nồng nữa, từ lúc ‘’con ong đã tỏ đường đi lối về’’!

         Vậy thì bà Năm đi nấu cơm cho con ong ăn để con ong vô rừng. Không phải vô rừng tìm hoa mà tìm cây mì giống về trồng, rồi vài tháng sau mới có củ mà moi. Sau đó ba bốn tháng, sáng ra anh ta quảy một đôi ki đan bằng tre đi moi mì. Đến đứng bóng mới về, được một đôi ki không đầy, khoảng 10 kí lô, mỗi củ lớn hơn ngón chân cái. Còn bà Năm thì cũng vô rừng, rọc lá chuối hay cắt rau muống đem ra chợ bán. Mà rau muống thì đã quá già nên về nhà phải xếp ra cho có đầu có đuôi, rồi lựa vài cọng hơi non, xếp xuống trước trên một sợi dây chuối khô, gọi là ‘’làm mặt’’, kế đó bỏ rau già vô, bó lại. Nhờ vậy, bó rau muống nhìn vào thấy tươi tốt hơn. Góp nhặt thêm vài thứ rau, trái này kia như môn, như chuối cho đủ gánh.

         Thường khoảng 1 giờ trưa gánh ra chợ, 4 hoặc 5 giờ chiều mới về tới nhà. Gióng gánh cất đâu vào đó thì chui vào bếp nấu cơm. Nghe nói nấu cơm mà mắc thèm những chén cơm trắng ngày nào. Vì cơm đâu có đủ gạo nên phải độn 2 mì 1 gạo, đôi khi phải luộc củ mì chấm mắm ruốc loại mắm dỡ nhất. Cơm nước xong, bà Năm và con ong ra bào vỏ mì mà anh ta đã moi về khi trưa. Bào rồi chặt lát đem ra phơi làm mì khô. Với mì khô, phần thì xắt thành cục nhỏ để dành độn vào cơm, phần thì xay thành bột để làm bánh ăn tạm thay cơm. Thường thì chỉ làm 2 loại : bánh bột mì nướng và bánh ướt. Có lần đang làm bánh ở bếp và trên bộ ván Cu Cường đang ngồi chơi một mình để chờ bánh thì trên nóc chòi một chú rắn rượt đuổi chú chuột. Chú rắn không to lắm nhưng cũng làm hai mẹ con cóng giò, cóng cẳng. Mẹ thì đứng lóng nhóng, bước tới bước lui, chờ cho chú rắn rượt qua chỗ khác để chạy tới ôm con. Còn thằng con lúc đó co rúm người lại rồi nằm úp mặt xuống mà kêu, “má ơi, má ơi”. Ác nghiệt hơn, chú rắn cứ lòng vòng trên đầu thằng nhỏ khoảng năm phút mới chịu bò đi ra ngoài. Lại một lần khác vào buổi chiều tối, Bé Năm cũng đang làm bánh ướt bằng bột mì đó với nhưn bánh là những mụt măng le mà buổi trưa em đã mót máy trong rừng, đem về xắt nhỏ, luộc sơ cho hết đắng rồi mới đem ra cho chút đường, muối, bột ngọt làm nhưn. Giá mà có chút mỡ hành xào lên cho thơm thì ngon biết mấy ! Trong nhà đang làm bánh hì hục thì bên ngoài ông trời cũng hì hục đỗ một trận mưa to, gió lớn. Nằm vắt ngang trên nóc chòi là một nhánh cây to nên khi mưa giông tới, hai cha con nhát gan sợ cây đè sập chòi. Thế là cha ôm con chạy ra hè, cúm rúm trốn mưa. Đến khi trời quang mây tạnh, cha con chui vào chòi thì cả hai đã ướt như chuột lột. Như vậy mới đúng là một bữa ăn bánh ‘’ướt’’!

        Thỉnh thoảng, ngoài đường cái có một cái chành họ nói bắt đầu mua tro thì những lúc như vậy phải dậy thật sớm, khoảng 4 giờ sáng, gánh hai cái thùng vô rừng để hốt tro. Không phải bằng ki hay bằng thúng vì sợ đôi khi còn sót than làm cháy thúng. Đi sớm để dành hốt với những người khác, trễ thì người ta hốt hết. Bằng không, đi sớm cũng có thể có cơ hội hốt ở chỗ cũ lần thứ nhì. Mà có nhiều lắm cũng được hai lần là hết, rồi phải chờ qua đêm để cây khác cháy thành tro cho sáng hôm sau. Vì đi sớm, có lần Bé Năm gặp được những chú nai ngơ ngác đang liếm tro. Nghe nói thỉnh thoảng nai cũng cần chất muối nên mới đến đây. Vậy là nó cũng tìm ở đây một cái gì đó cho bản thân, như mình. Thành ra tự dưng có bạn, chuyện ai nấy làm. Người hì hục hốt tro đổ vào thùng, thú dửng dưng cúi đầu liếm tro.

        Có một lần xém chết, đang ngồi hốt tro Bé Năm không ngờ ở đằng kia có một gốc cây to bị cháy lan tự bao giờ; bắt đầu cháy không phải từ ngọn mà từ rễ dưới lòng đất (từ rễ cây này lan qua rễ cây khác). Đến một lúc, cây chuyển mình răng rắc để ngã. May quá, nhờ sự yên ắng của buổi hừng đông nên Bé Năm nghe được tiếng động đó và kịp chạy ra xa. Rồi cây ngã xuống vang dội cả một vùng đồi và chỉ cách chỗ ngồi hốt tro hồi nãy không đầy một mét. Ước chi lúc ấy có chú nai ngơ ngác kia để chia xẽ nỗi kinh hoàng với mình nhưng không có chú nai nào nên chỉ còn kịp tạ ơn Chúa trời đã cho mình thoát chết để trả cho hết nợ trần, để còn được gánh những gánh tro kế tiếp. Tro của cây rừng chớ không phải tro của một thân xác gầy gò có tên là Chằng Lửa.

         Mỗi khi hốt xong, gánh đem bán thì phải đi ngang qua nhà rồi mới ra tới chành ngoài đường lớn. Có hôm Cu Cường khóc đòi theo mẹ ra ngoài đó để được vài viên kẹo nhỏ vì ở đó, họ bán quán cà phê, kẹo bánh và vài thức ăn nhẹ. Vài viên kẹo nhỏ chớ không thể là cái bánh to vì gánh tro của mẹ nó tuy rất nặng nhưng bán chẳng được bao nhiêu tiền. Những lần như vậy, Bé Năm phải gánh nặng nên không thể ẳm Cu Cường được. Do đó, vai gánh tay dẫn con lúp xúp chạy theo. Đường đồi đất đỏ, lổm nhổm sỏi đá không thể mang dép được, mẹ con phải lội chân trần. Đến khi bán xong về nhà, Cu Cường chợt nhìn thấy dưới lòng bàn chân mình là màu đỏ hồng. Cu ta mới hỏi, “má ơi sao cái chân của con màu hồng ?” (Cũng trùng hợp, có một bà quen cùng quê, bà ta cũng lên đây ở với người con gái cách chòi mình chừng 2 cây số. Hôm đó bà vô rừng tìm cây mì giống, là người Kmer nên khi nghe vậy, bà ta nói, chân máu hồng !). Và từ đó, Cu Cường có tên là Chân Màu Hồng.

         Và cứ thế, ngày tháng trôi đi. Mì khoai cũng đủ no dạ qua ngày với chòi tranh, vách lá, giường nống, nệm rơm. Thời tiết ở đây ngày thì rất nóng, đêm về rất lạnh nên phải lấy rơm làm nệm thêm cho đủ ấm. Một buổi tối nọ, vách thì không hở, nệm rơm không lũng, không hư, vậy mà không biết tại sao có cơn gió lạ nào đó len vào làm hai vợ chồng sực nhớ một chuyện không vui, rồi lời qua tiếng lại cãi nhau. Đặc biệt anh chồng của em có một cái tật rất tốt là mỗi lần cãi nhau với vợ thì trăm lần như một đều phải chạy về nhà ông bà già. Không biết để làm gì. Chắc để mét, “mẹ ơi, mẹ à, con bị Chằng Lửa ăn hiếp”! Thế là đêm hôm đó, nệm rơm không còn đủ ấm cho hai mẹ con nữa vì đã vắng đi một người. Sau khi anh ta rời xa căn chòi thì ngoài trời bắt đầu sấm chớp rồi một trận mưa to đổ xuống ầm ỉ suốt đêm. Trong cánh rừng mù mịt gần chòi, chim cú cứ rên rĩ, than thở nghe sợ quá và cũng buồn quá cho một kiếp người. Tiếng chim như lời tâm sự, chia xẻ với nhau những giọt nước mắt lặng thầm. Chim cú ơi, mi cũng lạnh, mi cũng buồn và tiếng kêu của mi cũng là tiếng khóc như ta đó chăng ? Mi và ta cứ khóc đi cho vơi hết những nỗi buồn để hy vọng sáng hôm sau sẽ không còn tiếng kêu buồn thảm và tiếng khóc thầm lặng của chúng mình.

          Rồi không biết từ lúc nào, tiếng cú kêu và tiếng khóc đã im lìm. Chợt bừng mắt dậy vì ngoài kia bầu trời đã sáng, chuẩn bị xuống giường để tiếp tục một ngày mới. Nhưng khủng khiếp quá, dưới nền nhà gần như không còn thấy màu đất đỏ nữa mà chỉ thấy một  màu đen của kiến. Kiến lớn, kiến nhỏ, kiến ơi là kiến. Nhưng không hiểu phép lạ nào mà cả đêm như vậy, chúng đã không bò lên giường. Vì đêm hôm mưa gió, chòi thì ở xa những nhà khác cả cây số, chỉ còn cách là hai mẹ con hiến thân cho đàn kiến. Chung quanh chòi cỏ rác ẩm thấp, chỉ có nền chòi là cao mà cơn mưa lại quá lớn, kéo dài suốt đêm nên cả mấy đời giòng họ kiến kéo nhau đến xin tá túc. Hai mẹ con không thấy, không biết. Đến khi thấy rồi, biết rồi, hai mẹ con cũng chỉ ngồi bó gối , không dám nhúc nhích. Chờ sáng rõ cho mặt trời mọc lên, nắng ấm áp thì giòng họ nhà kiến sẽ tản đi. Nhưng không ngờ, con ông trời tên Hiệp về tới sớm hơn. Con ông trời mới ra oai, lấy tranh khô để dành nhúm lửa dưới bếp, đem đốt lên rà qua rà lại dưới nền đất. Dòng họ nhà  kiến co cẳng chạy dài để lại một lần sợ hãi nữa cho Chân Màu Hồng. Thế là Chân Màu Hồng đã ngủ suốt đêm trên một đàn kiến nhiều khủng khiếp mà không hay !

 

     Bây giờ, Chân Màu Hồng đã là một chàng thanh niên đang lặn hụp trong dòng đời với một vợ và một cái kiến con đầu lòng. Thời gian. Thời gian…

 

Bé Năm