TÂN  NIÊN  NHẬT BẢN

LỄ KỶ NIỆM  VĂN HÓA CỔ TRUYỀN  PHÙ TANG

ÂU  VĨNH  HIỀN 

 

I-TÂN NIÊN  NHẬT BẢN (Shogatsu) :

   Hàng năm, trong những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của Nhật Bản, “Tân Niên” là ngày lễ kỷ niệm quốc gia rộng lớn, và quan trọng bậc nhất của người Nhật. Vào dịp tân niên, mọi nhà trong nước đều có chung những tập tục, và nghi thức cỗ truyền như nhau; mặc dù, phong tục tập quán địa phương của họ có những điểm khác biệt.

    Vào những năm cận đại vừa qua, lễ kỷ niệm tân niên đã được người Nhật chính thức ấn định vào ba ngày, từ 01 đến 03 tháng Giêng (January), dương lịch hàng năm; trong ba ngày nghỉ lễ nầy, tất cả những văn phòng làm việc công tư chức, và các dịch vụ buôn bán, trên toàn quốc, đều phải đóng cửa nghĩ việc.

     Theo phong tục người Nhật, tất cả những việc chuẩn bị cho năm mới, trước tiên, nhằm để chào đón vị thần mới “Toshigami” của năm đang đến. Những việc chuẩn bị nầy được bắt đầu từ ngày 13 tháng 12, cuối năm. Nhà ở phải được chùi rửa sạch sẽ, và trang trí đẹp đẽ theo tập tục cổ truyền như: Một sợi dây thừng thiêng liêng bằng rơm (Shimenawa) với những mảnh giấy trắng phất phới (Shide) được treo trên cánh cửa chính, để biểu hiện nơi ở tạm thời của vị thần năm mới “Toshigami”, nhằm xua đuổi những ác quỷ mang vào nhà những điều buồn khổ. Ngoài ra, người Nhật còn đặt những chồi cây (Kadomatsu) bên cạnh lối đi ra vào nhà, để làm nơi cư trú của các vị thần may mắn. Bên trong nhà, có thiết lập một bàn thờ đặc biệt “Toshidana” được chất đầy với: những chiếc bánh cơm hình tròn phẳng (Kagamimochi), rượu gạo (Sake), những trái hồng, và một số các thực phẩm khác, nhằm dâng cúng lên vị thần năm mới “Toshigami”.

     Đêm trước ngày tân niên, người Nhật gọi là “Omisoka”, nhiều người đi thăm viếng lễ bái các ngôi chùa Phật giáo địa phương, và lắng nghe một trăm lẽ tám (108) tiếng chuông chùa vang động, khắp cả một vùng rộng lớn, vào giữa đêm khuya tịch mịch (Joya no kane), để xua đuổi xóa tan những ác quỷ của năm cũ. Theo tập tục, trong đêm trước ngày tân niên, người Nhật dùng thức ăn mì sợi, được gọi là “Toshikoshi Soba”, với ước mong rằng những việc may mắn trong gia đình họ sẽ được kéo dài sang năm mới, giống như những sợi mì dài mà họ đã được ăn.

-Trong Những Ngày Tân Niên :

     Ngày đầu năm (Ganjitsu) luôn luôn là ngày sum hợp gia đình của người Nhật. Tất cả những thành viên trong gia đình đều tề tựu ở trong nhà, để làm lễ kỷ niệm tân niên, vui mừng uống rượu “Sake”, dùng những thức ăn tân niên đặc biệt, mà họ đã chuẩn bị vào những ngày trước. Sau đó, họ kéo nhau đi viếng thăm, lễ bái tại các chùa Phật, và đền thờ Thần Đạo địa phương (việc viếng bái nầy người Nhật gọi là Hatsumode), mà họ tin rằng họ sẽ có được những điềm tốt lành nhất trong năm mới.

     Đối với các trẻ con, chúng có dịp chưng diện quần áo mới đẹp, ăn chơi vui vẻ thoải mái, như chơi đánh bài đầu năm, chơi cầu lông, đánh vũ cầu, chơi thả diều, . . .

     Ngoài ra, trong cung điện hoàng gia Nhật, vào lúc rạng đông của buổi sáng sớm ngày đầu năm, 01 tháng giêng, nhà vua cử hành nghi lễ cúng tế bốn mùa “Shihohai”, nhằm tỏ lòng sùng kính, hướng về những nơi có đền thờ Thần Đạo, và các lăng tẩm hoàng gia, để cầu nguyện cho quốc thái dân an. Vào ngày 02 tháng giêng, công chúng được phép bước vào thăm viếng phần đất bên trong cung điện hoàng gia; phép thăm viếng nầy cũng được thực hiện vào ngày sinh nhật của nhà vua.

     Vào ngày thứ hai và thứ ba của năm mới, bà con thân thuộc, những bạn hữu láng giềng xa gần, và những người quen biết trong việc giao tế hàng ngày đều đi thăm viếng lẫn nhau, để có những lời chúc tết tốt lành (Nenshi) cho nhau, và cùng nhau nhâm nhi những chung rượu nếp (Toso), đầy hương vị nồng nàn, thân mến của ngày đầu xuân.

-Đại Tân  Niên  “Oshogatsu”  và   Tiểu  Tân  Niên  “Koshogatsu”  :

     Tháng đầu tiên trong năm, người Nhật gọi là “Shogatsu”, cũng là thời kỳ của những ngày nghỉ Lễ Tân Niên. Thời kỳ nghỉ lễ nầy tính theo ngày tháng dương lịch, bắt đầu vào ngày 01 tháng giêng (January), thường được gọi là Đại Tân Niên “Oshagatsu”. Tuy nhiên, còn có thêm một tân niên cổ truyền khác, tính theo ngày tháng âm lịch, được gọi là Tiểu Tân Niên “Koshogatsu”.  Vì vậy, Tiểu Tân Niên “Koshogatsu” bắt đầu với ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, hay nói một cách khác, vào khoảng ngày 15 tháng giêng dương lịch (January), và được làm lễ kỷ niệm một cách lớn rộng trong những vùng nông thôn Nhật Bản; nơi đó vị thần năm mới “Toshigami”, theo cỗ truyền, được xem như là vị thần nông nghiệp.

 

II-CÁC LỄ  KỶ NIỆM  VĂN HÓA  CỖ TRUYỀN  PHÙ TANG :

     Người Nhật có rất nhiều lễ kỷ niệm hàng năm. Đặc biệt, một số lớn lễ kỷ niệm, có tính cách phổ thông rộng lớn, có thể được chia ra làm hai loại chính yếu như sau: A-Lễ Kỷ Niệm Quốc Gia (Kokumin No Shukujitsu), và B-Lễ Hội Văn Hóa Địa Phương (Matsuri). Giữa hai loại lễ nầy cũng có một số ngày lễ kỷ niệm trùng hợp xảy ra cùng ngày.

 

A- LỄ KỶ NIỆM QUỐC GIA “ KoKumin No Shukujitsu” :

     Vào năm 1994, chính quyền Nhật chánh thức ban bố luật công nhận mười ba (13) lễ kỷ niệm quốc gia trọng đại, được áp dụng hợp pháp, hàng năm trên toàn quốc Nhật Bản (Kokumin No Shukujitsu Ni Kansuru Horitsu). Ngoài ra, vào năm 1992, luật pháp Nhật cũng công nhận ngày 04 tháng năm (May 04) hàng năm là ngày lễ chính yếu của “Tuần Lễ Vàng” (Golden Week) từ ngày 29 tháng 04 (April 29) đến ngày 05 tháng 05 (May 05). Sau đây là mười ba (13) lễ kỷ niệm quốc gia “Kokumin No Shukujitsu” :

1-Ngày Lễ Tân Niên “Ganjitsu” được ấn định vào ngày 01 tháng giêng (January 01st). Ngày nghỉ lễ nhằm đón mừng một năm mới đang đến.

2-Ngày Lễ Tuổi Trưởng Thành “Seijin No Hi” được ấn định vào ngày 15 tháng giêng (January 15th). Ngày nghỉ lễ nhằm vinh danh những người đến tuổi hai mươi (20), có ngày sinh nhật, giữa khoảng từ ngày 02 tháng 04 (April 02nd) năm trước đến ngày 01 tháng 04 (April 01st) hàng năm. Tuổi hai mươi (20) cũng được ấn định trong luật pháp dân sự Nhật Bản, là tuổi trưởng thành hợp pháp.

3-Ngày Lễ Quốc Khánh “Kenkoku Kinen No Hi” được ấn định vào ngày 11 tháng 02 (Feb. 11st). Ngày nghỉ lễ nhằm tưởng niệm đến ngày lên ngôi của vị vua Nhật đầu tiên “Jimmu”.

4-Ngày Lễ Xuân Phân “Shumbun No Hi” được ấn định vào ngày 21 tháng 03 (March  21st). Ngày nghỉ lễ nhằm đi viếng thăm những mộ phần của thân nhân, và tái sum hợp với gia đình để ăn mừng vào thời điểm xuân phân. Một ngày lễ tương tự cũng được ăn mừng vào thời điểm thu phân.

5-Ngày Lễ Thưởng Thức Thảo Mộc “Midori No Hi” được ấn định vào ngày 29 tháng 04 (April  29). Vào năm 1989, ngày lễ nầy được phác họa nhằm để tạ ơn thiên nhiên đã giúp chúng ta có cảnh xanh tươi, mát mẻ của loài thảo mộc. Trước kia, đây là ngày ăn mừng sinh nhật của vua Showa Nhật Bản.

6-Ngày Lễ Lập Hiến “Kempo Kinembi” được ấn định vào ngày 03 tháng 05 (May 03), để kỷ niệm ngày thành lập Hiến Pháp Nhật Bản, có hiệu lực  từ năm 1947.

7-Ngày Lễ Nhi Đồng “Kodomo No Hi” được ấn định vào ngày 05 tháng 05 (May 05), để cầu nguyện cho lớp trẻ nhi đồng có nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

8-Ngày Lễ Kính Lão Đắc Thọ “Keiro No Hi” được ấn định vào ngày 15 tháng 09 (September 15) để vinh danh, và ăn mừng chúc thọ các bậc cao niên Nhật Bản.

9-Ngày Lễ Thu Phân “Shubun No Hi” được ấn định vào ngày 23 tháng 09 (September 23). Ngày nghỉ lễ nhằm đi viếng thăm những phần mộ của thân nhân, và tái sum hợp với gia đình để ăn mừng vào thời điểm thu phân. Ngày lễ nầy cũng tương tự như ngày lễ xuân phân.

10-Ngày Lễ Thể Thao “Taiiku No Hi”  được ấn định vào ngày 10 tháng 10 (October 10), nhằm để bồi dưỡng sức khỏe tâm thần và thể chất qua những hoạt động thể dục thể thao trong ngày nầy. Ngoài ra, ngày nầy còn để tưởng nhớ đến Thế Vận Hội Đông Kinh “Tokyo Olympic Games”, được tổ chức vào những ngày 10 - 24 October 1964, tại Tokyo, Nhật Bản.

11-Ngày Lễ Văn Hóa “Bunka No Hi” được ấn định vào ngày 03 tháng 11 (November 03), qua những hoạt động văn hóa trong ngày nầy, nhằm bồi dưỡng cho lý tưởng yêu chuộng hòa bình và tự do mà đã được nêu rõ trong hiến pháp hậu chiến của Nhật.

12-Ngày Lễ Tạ Ơn Lao Động “Kinro Kansha No Hi” được ấn định vào ngày 23 tháng 11 (November 23), nhằm để người Nhật tạ ơn lẫn nhau về sự đóng góp những thành quả từ sức cần lao của họ, vào việc làm phong phú nước nhà.

13-Ngày Lễ Sinh Nhật của Hoàng Đế Nhật “Tenno Tanjobi” được ấn định vào ngày 23 tháng 12 (December 23), nhằm ăn mừng ngày sinh nhật của vị đương kim hoàng đế Nhật, Akihito.

 

B-LỄ HỘI VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG “MATSURI“

     Hàng năm, các lễ hội địa phương được tổ chức theo thông lệ “Ke”, với ngày tháng của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; và đặc biệt “Hare”, với ngày đầu Tân Niên, lễ hội “Bon” (còn gọi là Obon hay Urabon, từ ngày 13 - 15 July), lễ hội sinh nhật, lễ hội thành hôn.

     “Lễ Hội Văn Hóa Địa Phương Matsuri” bắt nguồn chính từ tính chất thiêng liêng của Thần Đạo Nhật Bản, có liên quan đến việc làm ruộng trồng lúa, và sự sống an bình của các cộng đồng dân chúng địa phương. Nghi thức cơ bản của lễ Matsuri là do sự chuyển hóa từ những nghi lễ cổ xưa Thần Đạo, nhằm để cầu xin các thánh thần, linh hồn người chết, đến gia hộ giúp cho dân địa phương được sống an bình, và mùa màng được hoàn thành  tốt đẹp.

    Ngoài ra, nghi thức cơ bản của những lễ hội nầy, phần nhiều là sự kết hợp giữa một số nghi lễ Thần Đạo cùng với các nghi thức tế lễ của Phật và Khổng Giáo Trung Hoa.

    Thuật ngữ “Matsuri”, bao gồm ý nghĩa về nghi lễ và lễ hội địa phương, được dùng cho cả hai tính chất thần đạo thế tục và thần đạo tôn giáo. “Matsuri” là hành động biểu hiệu căn bản của những người tham dự bước vào tình trạng giao cảm với các vị thần linh “Kami”; đồng thời, với lễ ban thánh thể giữa những người tham dự, trong hình thức dùng tiệc ăn mừng và thao diễn nghi thức tế lễ.  Trong ý nghĩa rộng rãi hơn, “Matsuri” cũng có thể bao gồm những lễ đại hội văn hóa địa phương có tính chất vui chơi, và lợi ích thương mại, nhưng không có bối cảnh nghi lễ tôn nghiêm thần đạo nguyên thủy.

-Matsuri  Và  Bốn Mùa :  “Matsuri” với ý nghĩa nguyên thủy và truyền thống có liên hệ mật thiết với nông nghiệp lúa gạo, đặc biệt vào chu kỳ mùa lúa chính. Giữa những nghi lễ diễn ra hàng năm, lễ hội Matsuri vào hai mùa Xuân và Thu có tính chất quan trọng nhất. Lễ hội mùa Xuân nhằm  vào việc cầu khẩn với thần linh gia hộ cho dân địa phương, thu hoạch dồi giàu trong vụ mùa sắp tới. Lễ hội mùa Thu là lễ tạ ơn thần linh đã giúp cho dân địa phương có được mùa màng tốt đẹp vừa qua. Lễ hội mùa Hè “Natsu Matsuri” có vai trò xua đuổi những tai họa thiên nhiên, có tính chất đe dọa, phá hoại mùa màng của nông dân. Ngoài ra, tại các đô thị, từ thời trung cỗ (giữa thế kỷ 12 đến 16), lễ hội mùa Hè có tính chất cầu khẩn thần linh giúp ngăn ngừa các loại bệnh dịch làm chết người.  Lễ hội mùa Đông được tổ chức vào giữa mùa gặt lúa và mùa Xuân gieo mạ hạt giống; cho nên, lễ nầy có những yếu tố và tính chất giống như hai lễ của mùa Thu và Xuân. Do đó, những lễ hội địa phương Matsuri của người Nhật được tổ chức tùy theo thời tiết bốn mùa trong năm.  Hầu hết, những lễ hội Matsuri đều được hướng dẫn bởi một tổ chức nghi lễ, bao gồm các tu sĩ Thần Đạo, cùng với một nhóm nhỏ thân hào nhân sĩ lão thành được lựa chọn, trong cộng đồng địa phương.

     Sau thế chiến thứ hai, nước Nhật ở vào tình trạng thay đổi mọi mặt, một cách nhanh chóng, nhất là sự phân phối dân số, và sự cấu trúc của những cộng đồng truyền thống.  Cho nên, một cách trực tiếp hay gián tiếp, các lễ   hội văn hóa cỗ truyền “Matsuri” đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

     Do tính chất địa phương và tôn giáo, hàng năm, người Nhật có hàng ngàn lễ hội văn hóa địa phương “Matsuri” khác nhau.  Sau đây là một số lễ đại hội văn hóa “Matsuri” cỗ truyền và phổ thông nhất của người Nhật :

     1-Lễ hội Kamakura, tổ chức trong những ngày nghỉ lễ Tân Niên, tại quận Akita. Vào ban đêm, các trẻ nhỏ tập hợp trong lều tuyết “Kamakura” để vui chơi, ăn bánh, uống rượu ngọt “amazake”.

     2-Lễ hội Tuyết Sapporo, từ ngày thứ Sáu đến Chủ Nhật đầu tháng Hai, tại Sapporo, đảo Hokkaido. Đây là một phần hội hè phổ thông về mùa Đông, gồm có một số lớn công trình điêu khắc bằng tuyết về các loại động vật, và hình ảnh thần tiên.

     3-Lễ hội Hina Matsuri, vào ngày 03 tháng Ba, còn gọi là ngày vinh danh các thiếu nữ, với hy vọng họ sẽ có một tương lai hạnh phúc. Trong lễ hội, những búp bê với trang phục cổ xưa, thể hiện cho giới vương tôn quí phái, được trưng bày dọc theo những hoa đào tươi nở.

     4-Lễ hội Tango No Sekku, vào ngày 05 tháng Năm, còn gọi là ngày vinh danh các thanh nam, với hy vọng họ sẽ là những chàng trai trẻ khỏe mạnh, có tài có đức, tương lai trụ cột nước nhà.

     5-Lễ hội Tanabata, vào ngày 07 tháng Bảy, còn gọi là ngày lễ kỷ niệm cho sự gặp gỡ của đôi tình nhân nam nữ “Ngưu Lang Chức Nữ”.

     6-Lễ hội Gion, vào hai ngày 16 - 17, tháng Bảy, được bảo trợ bởi đền thờ Yasaka, bắt nguồn từ thế kỷ thứ chín (9), để khẩn cầu thần linh giúp xóa tan các tai họa bệnh dịch.

     7-Lễ hội Obon (hay Urabon), từ 13 - 15 tháng Bảy; tại thành phố, vào giữa tháng Tám; tại miền thôn quê, còn gọi là lễ Tảo Mộ, làm sạch sẽ phần mộ của ông bà tổ tiên, với lồng đèn để rước linh hồn tổ tiên về thăm nhà cũ.

     8-Lễ hội Tsukimi, vào những đêm trăng tròn tháng Tám, còn gọi là ngày lễ Trung Thu, mọi người vui chơi thưởng nguyệt.

     9-Lễ hội Okunchi,  từ ngày 07 đến 09 tháng Mười, được tổ chức tại đền Suwa, quận Nagasaki, với trò vui múa lân theo lối người Trung Hoa, để chúc cho dân chúng được nhiều phước lành, và may mắn./.

 

ÂU  VĨNH  HIỀN