Truyện Ngắn  Linh Vang

sự kết hợp Truyền Thống và Hiện Đại

 

Ngọc Dung

 

Linh Vang tên thật Bùi Mimi Lệ. Qua Hoa Kỳ năm 1975. Tốt nghiệp Kế toán Thương mãi tại University of Puget Sound ở Tacoma, Washington, năm 1986. Ðang là chuyên viên tài chánh cho tiểu bang Washington. Linh Vang có khối lượng viết khá dầy dặn bao gồm truyện ngắn, tùy bút, nhật ký và Tuệ Tâm ( mục trả lời thắc mắc bạn đọc ) mà tôi gọi bằng hai chữ rất đơn giản đó là "tâm tình". Nếu như tôi nói mục Tuệ Tâm của chị cũng như con người chị : mộc mạc chân thật và chan chứa tình người chắc hẳn trong các bạn đọc của Linh Vang không ai trách tôi cả bởi vì sự chân thật trong cách trả lời của chị ở mục này đã thắng thế và điều đó có lẽ đã khiến những dòng  truyện ngắn chị viết , những truyện ấy có sức thu hút người đọc hơn. Những trò làm duyên làm dáng hay uốn éo trong câu văn đối với tác giả Linh Vang xuyên suốt qua hàng lọat  truyện ngắn hay tùy bút của chị không hề có. Gộp những truyện ngắn (khoảng 100 truyện), những tùy bút, nhật ký của chị lại nếu nói thật lòng thì không có những câu những chữ nào để người đọc chiêm ngưỡng. Tôi nói vậy bởi có lẽ do chị sống ở hải ngoại quá lâu (Hoa Kỳ từ năm 1975) nên câu chữ và khá nhiều đọan của chị trong khá nhiều truyện ngắn không dịch nghĩa sang tiếng mẹ đẻ mà dùng nguyên tiếng bản xứ để miêu tả. Ở dưới mỗi truyện ngắn ( ngòai một hoặc hai truện ) chị có ghi chú dịch nghĩa ) đa phần thì chị cũng không ghi chú dẫn để một số bạn đọc không biết Anh ngữ hiểu được nghĩa của từ . Nhưng nói về tổng quát thì cách hành văn của chị lại gây được ấn tượng tốt mà rất hiếm có tác giả nữ ở hải ngoại nào làm lên được điều như thế, bởi vì cứ mỗi lần đọc và ngẫm nghĩ lại thì thật là sâu sắc, tạo được điều ấy là  vì tất cả những điều chị viết đều nêu lên được  thân phận của một "lớp người " sống xa nơi chôn rau cắt rốn, cuộc sống được nhiều người gọi là "thân viễn xứ". Truyện ngắn Linh Vang theo tôi hiểu luôn mang phong cách hiện đại , nhưng lại vẫn mang nét truyền thống xưa nay là thường giới thiệu những câu chuyện đã xảy ra và đã chấm dứt tại một thời điểm trong quá khứ, một số truyện ngắn của chị luôn cho ta thấy cách giới thiệu, mở đầu như thế ở truyện Bến yêu thương , Nhớ mãi một người vv, …vvv

Đó là cách giới thiệu câu chuyện thông qua việc giới thiệu tên tuổi, quê quán đặc điểm cá nhân, tuy ít nhiều mang tính công thức nhưng cũng phải nói rõ thêm ở đây ít nhiều các tác giả khi viết đã luôn  giữ nguyên công thức này, ít nhiều câu chuyện được viết sẽ vẫn mang phong vị “cổ” truyền thống. Chúng ta thấy rằng tuy những truyện ngắn chị viết mang nhiều nét viết cho lứa tuổi “học trò“ nhưng cốt truyện cách viết này ở những truyện “ Đợi một chuyến bay , Em vẫn chờ anh , Thành phố hạnh ngộ  vv,  cho thấy khoảng thời gian ít nhiều tuyệt đối giữa những câu chuyện được kể và thời điểm kể, khoảng cách không gian, thời gian giữa người kể và câu chuyện.

Cách viết truyền thống xưa nay bao giờ cũng có một kết thúc trong quá khứ hoặc là nhân vật “chết“ hoặc là “họ lấy nhau “ hoặc là “người ta kể lại rằng“ ….vv, có nghĩa là khi kết thúc truyện bao giờ cũng là cái ác bị trừng phạt và có đức được phù trợ chọ ví dụ trong truyện “” Không chỉ là con mèo “” đó là một cách viết hiện đại xen lẫn truyền thống bởi bản thân cách kể ấy cho phép đặt dấu chấm hết câu chuyện. Nhân vật sau khi đã trải qua một loạt sự kiện, một quãng thời gian, một khúc quanh của cuộc đời để rồi kết thúc một số phận không cần phải băn khoăn thắc mắc trắc trở gì. Tác giả dường như không tham gia vào câu chuyện mà chỉ là  “kể lại “.

Một số người khi trò chuyện với tôi đã cho rằng truyện ngắn của Linh Vang không mang nét gì đặc sắc cả vì khi đọc xong thì chẳng có gì đáng nhớ, hay đáng chiêm nghiệm cả, những mảnh đời chị viết ra “đâu đâu mà chẳng có“ hoặc là “đời sống thực nó thế rồi – ai chẳng biết “,”mình cũng đã từng gặp đâu đây mà thôi” nhưng theo tôi thì tác giả Linh Vang vẫn “” thổi hồn “” vào những câu chuyện tưởng chừng rất “đời thường” như thế bởi vì muốn hay không thì chị vẫn đưa người đọc vào chính giữa  dòng chảy đang xảy ra của các sự kiện qua cách mở đầu :

Những năm đó Trăng giả khùng để được ăn tiền khùng “ ( Còn đâu ả trăng ngày cũ ) “  Đời ta trầm như giòng sông nhỏ, nào ai biết được những khúc quanh co, sóng ngầm!” ( Mưa trên nỗi buồn )

“ -Ai kêu, ai xin, ba cũng gửi cho chi! (Ý như là bây giờ thì ông phải ráng chịu chứ than vãn cái gì!)”  ( Ông Chiến đa tình )

“ Đã một năm rồi anh vẫn chưa có việc làm. Tiền thất nghiệp ăn sáu tháng cũng đã hết. Ngày nào anh cũng đọc báo kiếm giốp - cái việc này còn căng thẳng hơn là việc làm trước đây của anh! Vợ anh sau mấy tháng, tế nhị không hối thúc gì, nay đã bắt đầu than mọi thứ vật giá leo thang, tiền sưởi mùa đông tốn kém, thuế nhà thuế đất tăng, tiền phôn anh gọi về VN nhiều đủ để đi chợ một tuần...Nhưng anh nghĩ bụng anh còn có cha mẹ già, anh chị em, cháu chắt bên nhà, anh phải quan tâm.” ( Mất việc )

Những truyện Linh Vang viết không hề khép lại khi câu chuyện được kể

Nàng nghe chuyện không cảm động mà còn bĩu môi, đúng là đồ điên! “ ( Một mối tình không đáng kể )

Tưởng như đổi lại thời gian ngắn làm vợ của Nhân, Châu lời được một đứa con-là bé Thanh, rất ngoan.”  ( Chiếc bóng bên đường )

Truyện của Linh Vang dường như không mấy khi có thể kết thúc được bởi những băn khoăn trăn trở và những hành động còn đang tiếp diễn của các nhân vật. Thậm chí qua lời kể chúng ta nhiều khi cũng suy nghĩ và hình dung được suy nghĩ, hành động tiếp theo của nhân vật. Trong truyện truyền thống, dù nhân vật có còn " sống " đi nữa trong câu chuyện, ta cũng chẳng thể biết hơn họ sẽ làm tiếp. Còn ở Linh Vang, chị biết kết hợp giữa những hoạt động đi, chạy quỳ, đăm đắm ngóng, bước những bước chậm rãi, đang đặt câu hỏi

Đấy, bây giờ thì cô mới thấy là bố cô với tôi khổ tâm lo lắng như thế nào khi cô đi sớm về trễ? !!!” ( Về mái nhà xưa )

Đời sống ngắn lắm, nếu mình cố thì hạnh phúc bình thường đơn giản cũng không phải là khó tìm thấy...Cứ chạy theo hạnh phúc ảo tưởng mới khó. Mà Trang thì cũng mệt mỏi quá rồi.” ( Cũng đành phải quên ) Nhân vật đầy những nỗi đau dang dở kéo dài trong chính thời điểm câu chuyện “Chỉ là một cái giốp nhỏ trả lương tối thiểu như vậy, mà người ta không bằng lòng khả năng làm việc của mình, mình biết làm ăn gì đây? “ ( Không chỉ là con mèo ) “dù ở thời buổi nào, ở xứ sở nào, thì người đàn ông vẫn có nhiều chọn lựa, nhiều lối thoát, nhiều con đường để đi, và khi xảy ra cho người đàn bà thì thảm kịch bao giờ cũng bi đát hơn.” ( Mùa xuân không còn ) . Rõ ràng "truyện" và "chuyện" đều là những kết cấu khép kín đang trôi trên trục thời gian hiện tại.

Trong truyện truyền thống, thế giới chẳng có gì giống thế giới chúng ta đang sống, bên cạnh một thế giới chủ yếu tồn tại như trong truyện cổ tích, trong ước mơ, những người anh hùng diệt quỷ ác là những người ở hiền gặp lành, cái ác luôn bị trừng phạt, là cuộc đời của những tầng lớp vua chúa qúi tộc anh hùng và dị nhân. Đó là thế giới của một quá khứ tuyệt đối. Nhưng điều mà Linh Vang có được với diễn giải chất phác thuần hậu của chị đó là loạt truyện ngắn với thế giới của những người bình thường, chẳng có gì là tinh quái kỳ dị cả. Những nội dung truyện chị xây dựng lên là nội dung hàng ngày muôn thuở của hiện thực, tình yêu, thất tình, mất mát, về thăm Việt Nam, ơn nghĩa, sự tham lam dối lừa và qua hệ thống từ ngữ miêu tả, kể chuyện mang tính thời đại. Chị như đứng trên một mặt bằng giá trị , chị cũng không có thái độ e sợ hay thành kính với những truyện đã viết, chính vì thế chị có thể thoải mái đi sâu vào tâm tư tình cảm nhân vật kể cả những nhân vật thuộc loại bấng đậc cao qúy, và những nhân vật bình thường và thấp hơn bình thường .

Trong truyện ngắn của Linh Vang thời tiết, quang cảnh, địa điểm vv, Lời tả cảnh , bình luận nên thời gian, chị tả hành động dẫn cho người đọc đi vào trung tâm câu chuyện bởi điểm nhìn người kể gây ấn tượng về tình huống có vấn đề cùng thời hiện tại, như ả Trăng ở ( Còn đâu ả trăng ngày cũ ) ...

Đó là những câu chuyện về cái đang xảy ra trùng thời gian và điểm nhìn kể chuyện . . Không chỉ chứng kiến chị còn như tham gia vào chính những biến cố ấy . ....” Tân Sơn Nhất. 7 giờ tối, mặt trời sắp lặn , đỏ rực. Máy bay C41 cất cánh đưa một đoàn người di tản mỗi lúc mỗi xa dần Việt Nam .”  ( Hạt nắng cuối ngày )

.Khi miêu tả tâm trạng, điểm nhìn luôn đặt vào thời gian hiện tại để có thể diễn đạt giây phút nội tâm hữu hiện nhất .Đó là những điểm nhìn mà Linh Vang hoà nhập với điểm nhìn nhân vật cùng sống với giây phút biểu hiện của nhân vật đó là những “ Tôi “thay cho tên nhân vật kể  - “Tôi nợ anh, dù gì cũng một thời gắn bó yêu nhau. Nhưng nợ tình cảm thì biết lấy gì trả đây?”  ( Tình là cái chi chi ) “ Tôi dừng xe ở một khu ươm bán cây kiểng, bông hoa, tản một vòng, lựa mua một chậu lan. Chỉ là một nhánh lan mỏng manh bé nhỏ chưa ra hoa. Tôi muốn chăm sóc lan cho tới ngày nhìn thấy lan nở hoa, thấy được màu tím của hoa.”  ( Một Nhành Lan ) “ Đêm đó, tôi nựng con, nựng chồng, thấy mình hạnh phúc. Chồng tôi lại vô tình, đùa, vợ cưng muốn gì đây? Tôi phì cười, nghĩ. Trời ơi, người gì mà vô tình quá, sóng gió đến nơi cũng không hay, chồng ơi là chồng. May mà cơn bão đã đi qua! “ ( Cơn gió thoảng )

Những truyện ngắn Linh Vang viết là những vấn đề hiện tại nhưng lại luôn đòi hỏi phải có hồi tưởng quá khứ để lý giải một điều cần giải bày một tâm trạng , một nỗi đau của hiện tại. Quá khứ sống dậy từ nỗi đau hiện tại “sau gần một phần tư thế kỷ...ở xứ người...một đám bạn cũ của Vân, của Đại Học Sàigòn, gặp nhau nhân dịp ngày Nhớ Sàigòn”. ( Tỉnh Mộng )

Đó là cách kể đầy cảm giác chủ thể với lời kể nhiều miêu tả đầy các từ láy, từ miêu tả tâm trạng, cảm giác tả thiên nhiên với những lời bình phẩm đánh giá ... không giống cách kể thiên về hành động sự kiện truyền thống

–Cháu tên gì?

-Đoan Trang.

Đoan, Đoan! Ông vụt hỏi nhanh:

-Còn mẹ cháu có phải tên là Khánh Đoan không?” ( Bức tranh ) .Đó là cách "hiện tại hoá"câu chuyện bằng cảm giác như một nét đặc thù khá rõ của phương pháp tự sự mới.

Trong văn học Việt Nam  điều này biểu hiện rõ nhất trong lời văn từ thời “ Tự Lực Văn Đoàn " đến nay. Như chúng ta ai cũng biết vào đầu thế kỷ 20 nền văn học Việt Nam  xuất hiện một loạt tác giả mới. So với những tác giả như Nguyễn Thiện Thuật, Phạm Duy Tốn với những lời văn bác học biến ngẫu réo rắt du dương, cân đối nhịp nhàng thì lời văn của Hồ Biểu Chánh khá dân dã, thô mộc, trúc trắc. Nhưng chỉ khoảng mươi năm sau những lời văn bác học réo dắt du dương kia đã trở nên cũ kỹ đầy công thức khó tiếp nhận. Còn lời văn dân dã đời thường thô kệch của Hồ Biểu Chánh lại vẫn còn mới mẻ tươi nguyên. Điều ấy cho chúng ta một nhận xét : Lối nói , lối kể theo đúng lời ăn tiếng nói tự nhiên hàng ngày, không qua công thức, tu sửa , không qua " nghệ thuật hoá " hay " bác học hoá " sẽ giữ được " tươi mới " lâu bền Và như thế lời văn của Tự Lực Văn Đoàn cũng sẽ cũ hơn so với Nam Cao, Nguyên Hồng. Điều tôi muốn nói ở đây khi đọc Linh Vang đó là những nét rất gần với cái hàng ngày, cái đời thường mà không công thức khá tự nhiên và hiện đại vì thế phần nào những truyện ngắn Linh Vang đã " tiếp xúc với hiện thực " góp một phần vào sự giải phóng truyện ngắn khỏi tất cả những gì " ước lệ, khô cứng " ( Bakhtin ) là như vậy. Với cái nhìn tự sự vào hiện đại chưa hoàn thành . Truyện ngắn Linh Vang, tác giả nữ hải ngoại này đã có một vị thế luôn luôn " tiếp dẫn " luôn luôn " trẻ mãi " như dòng chảy không ngừng của đời sống .

Tôi không muốn dùng những câu từ hoa mỹ để nói về chị nhưng cũng có thể dùng những câu chữ thật lòng để nói về chị :Ví như có con chim đẹp ở bộ lông, bộ cánh, có con chim đẹp ở tiếng hót, và có con chim lại đẹp ở đường bay. Tác giả nữ Linh Vang là một hiện tượng trong những nữ văn sĩ hải ngoại đã hội tụ được tất cả những điều ấy bởi vì khác với tiểu thuyết, với truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn là "chuyện " phải có cốt truyện, mà người ta đọc rồi có thể kể lại cho người khác, gói gọn truyện đó, lột được cái " thần " của truyện đó. Hơn thế, như chúng ta đã hiểu, truyện ngắn luôn luôn là một sự cô đặc của một mảnh đời, một thân phận, thể hiện qua những tình huống cô đặc đến mức không thể cô đặc hơn được nữa. Có nhiều cách nghĩ về truyện ngắn, có người nghĩ về truyện ngắn họ bảo  :-  đọc một lần đầu người đọc xúc động vì cốt truyện , đọc lần thứ 2 người đọc sẽ trầm ngâm vì những gì tác giả chưa nói hết ( hoặc không thể nói bằng từ ) đằng sau truyện ngắn ấy, đọc lần thứ 3 người đọc mới chú ý đến văn phong, từ ngữ. Rồi bẵng đi một thời gian người đọc lại nhớ đến nó, lại đọc lại nó và mỗi lần như thế người ta càng cảm thấy đó là một truyện hay  . Hoặc có người cho rằng cái còn lại của truyện ngắn, trước hết là cái " nhân bản ", sau nữa mới là văn chương ( hình thức thể hiện cái " nhân bản " ấy ). Rồi cũng có người cho rằng truyện ngắn luôn để lại một kết thúc mơ hồ xa vời đâu đó, cho nên truyện ngắn cũng không thể kể lại trọn vẹn được dù rằng nhắc đến vẫn bảo nhau là " đọc chưa ? hay lắm đó ""   vậy kể lại cốt truyện đi "thì sẽ " - không đâu khó mà kể lắm ."

Với tôi, câu trả lời rất đơn giản khi nhiều người bạn hỏi tôi vì sao thích đọc Linh Vang ? vì sao tôi lại cứ khăng khăng bảo là thích đọc Linh Vang hơn , thậm chí có người còn nói “- (  nói về Linh Vang ư ? chẳng có gì để nói vì chị ấy viết truyện  “học trò “ lắm ) , khi nghe vậy tôi cũng chỉ cười trừ bởi có lẽ quan niệm mỗi người về truyện ngắn mỗi khác nhau , cuộc sống mỗi người cũng khác nhau và tâm trạng khi đọc , khi cảm cũng khác nhau , vậy tôi chẳng thể “ tranh cãi “ để được “hơn , thua “ gì khi nói “ thích “” hay “” không thích “ về một truyện ngắn hoặc về một tác giả . Tôi chỉ quan niệm là : Trong cái nhịp sống ào ạt bây giờ truyện ngắn rất có đắc dụng . Chẳng biết tôi có bảo thủ không khi nói rằng : - đặc biệt yêu thích truyện ngắn của Linh Vang hơn tất cả những tác giả nữ khác trong số những tác giả ở Việt Nam  hay ở hải ngoại mà bạn bè thân thuộc thấy tôi thích đọc thường vẫn có nhã ý gửi sang tặng cho tôi . Lẽ cũng tất nhiên là tôi cũng không phủ nhận rằng cũng có một vài tác giả nữ khác tôi cũng thích đọc. Nhưng vẫn  chỉ là câu trả lời đơn giản của tôi thôi, khi đọc những truyện ngắn, những tùy bút, nhật ký hay mục tâm tình của Tuệ Tâm của tác giả Linh Vang tôi chỉ thấy ở chị những cảm xúc sáng tạo rất giàu nữ tính ,  lực viết cuả chị khoẻ khoắn, dồi dào. Lối kể chuyện đằm thắm, duyên dáng, đôn hậu nhân ái, tinh tế vì thế mà cứ như có ma lực làm tôi cuốn hút .

Ở bài viết này tôi chỉ đề cập đến lý do vì sao tôi thích đọc truyện ngắn của Linh Vang  , - vì Linh Vang kết hợp được cách viết truyền thống của truyện ngắn đan xen vào cái hiện thực của văn học , tôi thích cái dung dị bình thường trong đối đáp của nhân vật của đời sống thường ngày mà ta luôn đối diện hơn những câu chữ từ ngữ sắc sảo trau chuốt của hàng lọat hiện tượng truyện ngắn bây giờ . Còn những vấn đề khác thì tôi xin miễn bàn tới, bởi vì dù tôi và bạn đọc có từng “đi theo”  những truyện ngắn của chị từ rất lâu, nhưng tôi và các bạn tôi chưa bao giờ đặt một câu hỏi riêng tư nào về chị cả. Âm thầm chúng tôi “theo chị” và cũng không đề cập đến câu hỏi theo dạng “phỏng vấn “như những bạn đọc khác:

- Chị bắt đầu viết truyện ngắn bao giờ ?

-Truyện chị viết có thật không? Chị lấy cốt truyện từ đâu?

-Sao chị lại dùng tiếng Việt để viết? (Chị sống lâu ở nước ngoài và hằng ngày đi làm chỉ tiếp xúc với người bản xứ) Chị có thắc mắc là chị viết cho ai đọc không?

-Chị viết có dễ không? Có chờ cảm xúc không? Chị có một thời khóa biểu viết lách nghiêm chỉnh không?

- Khi trả lời bạn đọc chị nghĩ gì ? có bao giờ có những câu hỏi khiến chị suy tư và khó trả lời hay không ? vv,...vvv

Đại loại là tôi chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện chị Linh Vang viết truyện ngắn vào lúc nào ? truyện đầu tiên của chị khi ấy chị bao nhiêu tuổi nhỉ? ...

Với tôi những truyện ngắn, những loạt tùy bút, nhật ký và trả lời bạn đọc của mục Tuệ Tâm khiến tôi thấy gần gũi chị hơn điều ấy là lý do để tôi nói vì sao tôi thích Linh Vang.

 

Nếu như người ta nói " Văn tức là người " thì khi đọc truyện ngắn của Linh Vang ta sẽ thấy được thế giới tâm hồn của người phụ nữ trong truyện của chị hiện lên khá rõ. Có vẻ như mỗi truyện ngắn của Linh Vang đều bám chắc vào một nguồn cơn có thật trong đời. Tôi nói điều ấy vì tôi đang liên tưởng đến những câu hỏi của nhiều khi xin chị giải đáp thắc mắc ở Tuệ Tâm. Đó là những mảnh đời rất thật, những câu chuyện rất thật. Có lẽ vì vậy mà mà khi chị viết những truyện ngắn của chị, những "đứa con tinh thần" ấy được bật lên từ một suy ngẫm, có lẽ đó là một trăn trở văn vị đã hơn một lần trở đi trở lại trong lòng chị. Đó là những nhân vật đa đoan nhưng không mất tỉnh táo, đắm đuối nhưng không quên bổn phận, những trạng huống dễ gặp nhưng khó tả trong đời được. Linh Vang diễn đạt bằng những câu chữ nhìn chung là chính xác và thật , chắc chắn và ít khoa trương. Những truyện ngắn của chị không diệu tài nhưng lại mang những thông điệp rất rõ ràng :

Đọc truyện ngắn của chị, tôi luôn thấy ở chị một phong cách " trữ tình đằm thắm " với những câu văn nội dung giản dị, mượt mà và cảm động .

Người đọc cảm thấy cái hay, cái đáng yêu, cái làm nên một cốt truyện chân thành và cảm động của Linh Vang qua những truyện viết theo phong cách trữ tình đằm thắm. Dường như đấy mới đích thực là chị. Truyện ngắn của Linh Vang trước hết thường hấp dẫn người đọc vì giàu chất đời. Rất chi tiết. Rất đa dạng.

Mọi chuyện diễn ra xung quanh ta rất đời thường , rất hiện thực đều được Linh Vang gửi gắm vào truyện ngắn của chị : “Còn tôi thì khi rời VN, quê cha đất mẹ, tôi chỉ mới năm tuổi, học chữ Việt vừa xong vần xuôi chưa qua vần ngược, dù nghe cũng khá rành vì bố mẹ và các anh chị lớn nói tiếng Việt ở nhà, nhưng tôi có thói quen nói tiếng Mỹ, vì có gì nghĩ trong đầu, nói ra nhanh hơn. Tôi học Shakespeare, Hemingway, Hawthorne, Faulkner... dễ dàng. Chỉ khi lâu lâu cuối tuần về nhà gặp lúc nghe điện thoại dùm và phải trả lời bằng tiếng Việt là tôi sợ, “( Còn viết được chữ Việt  ) là một dạng “ truyện”  được lồng trong những “câu chuyện” có thật trong đời sống về một “ lớp trẻ “ sinh ra và lớn lên tại hải ngọai , lớp trẻ mà đa số người ta luôn cho rằng “ mất gốc “ hay “ xanh vỏ trắng ruột “ chẳng mấy biết tiếng cha sinh mẹ đẻ , và cũng chẳng cần phải biết tiếng Việt . Nhưng khi viết truyện ngắn nàyLinh Vang đã thổi hồn lồng vào câu chuyện tình yêu để viết về một đề tài “ nóng hổi “” mang theo cả tính “ thời sự “ trong đó bằng văn phong nhẹ nhàng như chính chị . Đây cũng là một truyện khiến những bậc làm cha mẹ cũng cần phải suy ngẫm , cũng là truyện theo tôi được nhiều người đọc bên chúng tôi thích nhất .” Nghe các anh hát nhạc Việt, tôi đi học chữ Việt, nhờ đó mà lạc vô được thế giới văn chương Việt Nam. Nếu tôi không biết chữ Việt, chắc chắn là tôi vẫn có cơm ăn... ngày một bữa, chỉ là món ăn tinh thần mình chịu thiệt thòi mà mình không hay thôi.” ( Còn viết được chữ Việt )   Những câu chuyện chị kể lộ rõ nhiều nỗi niềm của con người khát khao yêu thương, cô đơn trống rỗng, hy vọng và thất vọng, đắng cay và ngọt bùi . Những chuyện ấy, nỗi niềm ấy có thể ngổn ngang và nhàm chán xung quanh đời sống của ta. Nhưng khi đọc từ Linh Vang thì lại rất rõ ràng đường nét, ám ảnh và mang nghĩ lý cuộc đời. Tôi nghĩ phải người nào sống nhân hậu, bặt thiệp mới viết được như thế .Xoay quanh đề tài chị viết đó là mảng đời sống cộng đồng của người Việt Nam ở Mỹ nơi chị đang sống. Nơi ấy có người bảo tôi rằng có những vùng người Việt đơn thuần chỉ dùng tiếng Việt để giao tiếp. Và đời sống cũng chẳng khác xa với Sài Gòn bao nhiêu. Cuộc sống cũng khắc khoải, cũng ồn ào, cũng đầu tắt mặt tối .

Đọc truyện của Linh Vang, tuy vậy không đơn thuần là những truyện tả chân như tôi nêu ở trên. Những truyện hay của chị được thổi hồn vào khiến người đọc nhiều khi bồi hồi xao xuyến thắc mắc suy tư thậm chí còn tìm hiểu hỏi chị xem "nhân vật ấy bây giờ thế nào ? thật sự vậy ư? Họ sống có hạnh phúc không?” ( Một nhánh lan ) là nhờ chính chị , người viết ( tác giả ) đã bứt lên được trên cái có thực đến tận cùng để tìm ra một cái gì đó cao hơn của con người đó là đời sống tâm hồn vốn rất không rõ ràng mạch lạc, vốn bí ẩn khó giải thích rạch ròi bằng lý trí ...

Là những truyện đặc trưng rõ ràng hơn cái " tạng " của Linh Vang. Một nỗi buồn lan tỏa khắp mỗi câu mỗi chữ, nỗi buồn của tình yêu không thành, không tới hoặc có tới cũng ngậm ngùi ...cứ đi theo người đọc. Những nhân vật nữ trong truyện của chị được chị tả chân một cách tài tình.

 

Những hình ảnh như thế rất gây ấn tượng. Trong những truyện của Linh Vang chị như đau đau cùng nhân vật trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của con người . Hạnh phúc dường như khó đạt tới, khó nắm giữ vì bao nhiêu điều ràng buộc nhiều khi thậm chí vô lý hay ngẫu nhiên. Một sự vật vã khắc khoải trong canh cánh trong mỗi nhân vật đặc biệt là các nhân vật nữ. Những nhân vật nữ trong truyện của chị được chị tả chân một cách tài tình là “ Nàng “ và “ Tôi “  là những cô gái đang được hưởng hạnh phúc tràn đầy nhưng họ lại nhiệt tình mà bất hạnh. Nhân vật nữ của Linh Vang thường rất cô đơn dường như tác giả quan niệm nó là một "mặt trái của yêu thương "( theo cách diễn đạt của Macket)

Trong những truyện của mình Linh Vang thường quan tâm đến gia đình trong xã hội hiện đại đang tồn tại, đang tan rã thế nào, bởi nguyên do nào. Gia đình là một đơn vị quan trọng của xã hội, là "hang ổ" cuối cùng của con người, dường như tế bào đó đang có những vết rạn nứt, những cơn sốc, những chia rẽ, ở những truyện như  ( Một đời rồi cũng qua, Mưa trên nỗi buồn, Ra tù, Và mưa vẫn rơi  ) và có thể là những khủng khoảng của sự cơ bản .( Ông Chiến đa tình, Chiếc bóng bên đường). 

“ -Em quyết định rồi, em sẽ ở lại nhà với mẹ. Em muốn bù đắp cho mẹ những năm em đi xa. Mẹ có tội tình gì đâu. Cứ tưởng bao năm mẹ cứ bám lấy căn nhà chờ em về, thấy tội nghiệp mẹ quá. Em sẽ làm mọi thứ để mẹ vui. Em cũng sẽ không giận người mà bấy lâu nay em đã kêu bằng ba. Dù là ông đã chia cách mẹ con em, đã chia cách anh và em. Đằng nào ông cũng đã không còn sống nữa.”  ( là nhân vật Ngọc trong - Có chăng đâu đây niềm hạnh phúc )  Lại thêm (Chuyện người chuyện mình, Sai ván cờ, Biết nói cùng ai?) . Có lẽ vì thế mà Linh Vang đã để tâm nghiên cứu khá kỹ những câu chuyện của các gia đình. Nhân vật của chị dường như không mấy khi được "thả" vào trong bối cảnh của một xã hội rộng lớn hay phức tạp mà được chị "nhốt" vào trong những tình huống tưởng chừng là chật hẹp nhưng lại rất đặc sắc .

Truyện ngắn của Linh Vang luôn có hai mặt như thế, chị vừa tả chân, vừa trữ tình đằm thắm . . Như đã nói trên " nếu gọi Văn là người " thì Linh Vang cũng không dấu mình trên những con chữ. Văn của chị có độ căng của nhịp điệu, câu thường ngắn, ít ẩn dụ điển tích, cấu trúc đơn giản, nhưng thông tin cao.

Với Linh vang, viết truyện ngắn chị ít khi chú ý đến những "thoáng chốc" của đời sống mà quan tâm đến diễn tiến câu chuyện, đến cái chu trình theo tôi hiểu đó : Nhân - Quả của mọi việc. Đọc Linh Vang, thấy rõ một ngòi bút hoạt trong giọng điệu, lúc thật thà, lúc thâm trầm, lúc triết lý, có lúc lại đỏng đảnh, lại có lúc lại dịu dàng đến bất ngờ. Một lối viết có thể nói là có nghề có lẽ do được bổ xung bồi đắp bằng mẫn cảm của người phụ nữ, của những giải đáp thắc mắc mà nhiều người mong muốn ở chị nên những yếu tố đó đã giúp Linh Vang bình tĩnh khi đưa người đọc vào từng truyện ngắn của mình. Người đọc nhiều khi đã nghĩ chị viết " như chơi ". Nhưng tôi nghĩ tất cả những điều chị viết đều được bắt nguồn từ cái tâm trong sáng, hiền hậu của chị. Trong những truyện ngắn của mình Linh Vang hay nói về thời gian với những chiêm nghiệm, dự cảm về quá khứ, hiện tại, tương lai. Có lẽ trước cái chợn rợn hay chơi vơi trong khá nhiều truyện ngắn của chị mà người đọc thấy được cả một nỗi hoài cảm từ sâu thẳm trỗi dậy.

Đọc những truyện ngắn của Linh Vang trên mạng NET truyện nào cũng hay nhưng có vẻ hơi đồng đều, tâm lý bạn đọc hình vẫn thích những bước nhảy vọt, thích "một giọt nước làm tràn ly " nghĩa là có lẽ thích ở chị Linh Vang những truyện ngắn nào đó có khả năng làm sửng sốt, làm sôi nổi, làm bàn luận như truyện ngắn Ngọn Lửa .- đó là những truyện để lại ấn tượng và không quên, nghĩa là có dư ba, vang hưởng đồng vọng trong người đọc ở những mức cao hơn. Viết những dòng này tôi lại nhớ đến cái dạo có khá nhiều bạn đọc vì yêu thích truyện Ngọn Lửa đã viết tiếp cho kết thúc truyện mà chị bỏ ngõ cho người đọc suy ngẫm.

Tôi thích truyện ngắn của Linh Vang, những truyện ngắn vừa nặng chất tin yêu, vừa là một tấm lòng nhân hậu trĩu nặng những suy tư lại mộc mạc dễ thương. Tuy chị chưa có in thành sách để giới thiệu bạn đọc, để phổ biến rộng rãi hơn nhưng chị đã khẳng định được mình bằng bút pháp riêng; đó là lối kể chuyện truyền thống bằng ngôn ngữ biến ảo có sự pha trộn hiện thực và tâm linh. Như một bạn đọc của chị đã phát biểu: “Tôi rất thích lời văn của Linh Vang, không bóng bẩy, hào nhoáng, mà dung dị và gần gũi với mình hết sức!”

Bên cạnh công việc thường ngày của chị như lời giới thiệu trong trang web riêng ( http://www.geocities.com/linhvang ) thì còn có rất nhiều tờ báo, nhiều bạn đọc vẫn đang chờ đợi những trang viết của chị, có lẽ đó là niềm vui đối với chị trong cuộc đời cũng như cuộc sống thường nhật. Bởi vì tôi hiểu rằng công việc viết báo hay vi ết truyện không đơn giản như việc con "chuồn chuồn đạp nước " và tôi càng hiểu hơn viết văn hay viết báo không phải là một cuộc dạo chơi càng không phải là công việc để "vinh thân phì gia ". Người viết văn trước hết phải là một nghệ sĩ , biết yêu cái đẹp và xử lý một cách tài hoa cái công cụ ngôn ngữ của mình . , cái đó tạo ra cho nhà văn gần với đời sống hơn đến với nhân vật của mình trung thành hơn ở người viết, nhà văn chính đã là nhân vật trong tác phẩm của mình. Tôi tin ở chị Linh Vang như thế và bạn đọc của chị ,các fans cũng tin như thế.

 

Tháng 11-2004

Ngọc Dung