PHẠM  QUỲNH  VÀ  NAM  PHONG  TẠP  CHÍ

Tiếp Nối Phát Huy và Trau Dồi  Chữ Quốc Ngữ  Vào Đầu Thế Kỷ 20

 ÂU  VĨNH  HIỀN

  

     Vào cuối thế kỷ 19, Pétrus Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên phát huy nền văn học chữ quốc ngữ. Ông chủ trương tờ Gia Định Báo (1865 - 1897) với chữ quốc ngữ, một loại chữ mới phổ thông hiện đại, để thay thế loại chữ cũ Hán-Nôm; làm khí cụ truyền bá tư tưởng, học thuật văn hóa Đông Tây, và mở đường dẫn lối cho chữ quốc ngữ được phổ biến, trong quảng đại quần chúng Việt Nam.  

      Sau đó, vào đầu thế kỷ 20, lần lượt, tiếp nối một số báo dùng chữ quốc ngữ ra đời, nổi bật nhất là Nam Phong Tạp Chí, do Phạm Quỳnh chủ bút và chủ nhiệm. Trước Nam Phong Tạp Chí, một số báo dùng chữ quốc ngữ, quan trọng nhất như sau(Theo tác giả Phạm Thị Ngoạn, THTC. Nam Phong, Ý Việt  XB. 1993 ) :

      -Nông Cổ Mín Đàm, Sài-gòn, 1901. Do Canavaggio sáng lập, Lương Khắc Ninh chủ bút.

      -Đại Việt Tân Báo, Hà-nội, 1905 - 1909. Do Ernest Babut sáng lập, Đào Nguyên Phổ chủ bút. (một phần nhỏ được biên khảo bằng Hán tự ).

       -Lục Tỉnh Tân Văn, Sài-gòn, 1909. Do Perre Jeantet sáng lập, Trần Nhất Thăng chủ bút.

        -Đăng Cổ Tùng Báo, Nhật báo, Hà-nội, 1907 - 1909. Do Schneider sáng lập, Nguyễn Văn Vĩnh chủ bút quốc ngữ, Đào Nguyên Phổ chủ bút Hán tự.  Lúc bắt đầu, báo xuất bản hoàn toàn Hán tự, với tên Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo.

        -Trung Bắc Tân Văn, Hà-nội, 1913. Do Schneider sáng lập.

        -Đông Dương Tạp Chí, Hà-nội, 1913 - 1916. Do Schneider sáng lập, Nguyễn Văn Vĩnh chủ bút. Tuần san dùng chữ quốc ngữ và chữ nho. 

      Trước khi chủ trương Nam Phong Tạp Chí, Phạm Quỳnh từng là một trong những cây bút xuất sắc của Đông Dương Tạp Chí, do Nguyễn Văn Vĩnh chủ bút quốc ngữ. Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh luôn luôn đồng ý, trên tư tưởng và hành động, để phát huy chữ quốc ngữ sớm trở thành một nền tản văn hóa nước nhà. Sau đây, qua trích đoạn “Làm Văn”, trang 18, Nam Phong, số 67, tháng 01, 1923, Phạm Quỳnh đã tâm sự như sau :

       “-Tôi còn nhớ năm sáu năm về trước, hồi tôi mới lập ra báo Nam Phong này, ngoài mấy anh em làm báo, không thấy mấy người làm văn quốc ngữ. Có lẽ không ai nghĩ đến rằng chữ quốc ngữ có thể làm thành văn chương được. Trước tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh từ hồi báo Đăng Cổ đã hết sức hô hào, ông thường nói : ”-Hậu vận nước Nam hay dở thế nào là ở chữ quốc ngữ” (trong bài đề tựa cho bản dịch Tam Quốc Chí của Phan Kế Bính).  Vì ông với tôi trước sau vẫn có một chủ nghĩa là biết rằng ở nước ta chữ Nho không thể giữ được hết, chữ Tây không thể học được khắp, muốn dùng để phổ thông giáo dục cho quốc dân, duy chỉ có chữ quốc ngữ, nhưng muốn cho chữ quốc ngữ dùng được việc thì phải rèn tập cho mỗi ngày mỗi hay hơn lên. bởi thế nên chúng tôi gia công gắng sức trong bao nhiêu năm, không quản công phu khó nhọc, không quản có kẻ chê bai, chỉ ước ao có một điều là có ngày người mình cũng “làm văn” được như người, nghĩa là làm văn bằng tiếng mình, không phải mượn tiếng người. Ngày ấy có lẽ đã tới đây. . . “ 

     

I-LƯỢC SỬ PHẠM  QUỲNH (1892 - 1945) :

     Phạm Quỳnh, với các bút hiệu là Thương Chi, Hồng Nhân, và Hoa Đường, sinh ngày 17- 12 - 1892, tại Hà-Nội; nhưng nguyên quán gia tộc tại làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Bắc phần.

     Năm 1908, ông tốt nghiệp Trường Thông Ngôn (Bảo Hộ) Hà-Nội, với bằng Cao Đẳng Tiểu Học, rồi làm việc 9 năm tại Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ Học Viện (École  Francaise  d'Extrêm - Orient).  Nơi đây, ông có dịp nghiên cứu đọc sách, và tự học chữ Hán. Cho nên, căn bản học thức về Tây học và Hán học của ông đã được mở mang rất sâu rộng.

     Năm 1909, Phạm Quỳnh kết hôn với cô Lê Thị Vân, sinh 24-01-1892,

 nguyên quán làng Thọ Vực, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Việt, là con gái ông Lê Văn Hùng, và bà Hoàng Thị Ký. Đôi vợ chồng trẻ Phạm Quỳnh,19 tuổi, đã sinh được con trai đầu lòng Phạm Giao, vào 17- 12- 1911. Ông bà Phạm Quỳnh có tất cả 13 người con: 05 trai (Giao, Bích, Khuê, Tuyên, Tuân) và 08 gái (Giá, Thức, Hảo, Ngoạn, Hoàn, Diễm, Lệ, Viên).

    Năm 1913, biên tập viên, Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh.

    Năm 1917 - 1932, ông làm chủ nhiệm và chủ bút Nam Phong Tạp Chí, dưới sự bảo trợ của ông Louis Marty, Trưởng phòng Chính Trị tại Phủ Toàn Quyền Pháp, Hà-Nội.

    Năm 1922, sáng lập và Tổng Thư Ký, Hội Khai Trí Tiến Đức, ông được cử sang Pháp, tham dự Hội Chợ Triển Lãm Marseille, và diễn thuyết nhiều lần tại Paris, trước Ban Chính Trị và Luân Lý của Hàn Lâm Viện Pháp.

    Năm 1924 - 1932, ông được cử làm Giảng Sư về khoa Văn Chương và Ngôn Ngữ Hán-Việt, tại trường Cao Đẳng Hà-Nội.

    Năm 1925 - 1928, Hội Trưởng Hội Trí Tri Bắc Kỳ.

    Năm 1926, nhân viên Hội Đồng Tư Vấn Bắc Kỳ.

    Năm 1929, ông được cử vào Đại Hội Nghị Kinh Tế Lý Tài Đông Dương, cùng với ông Nguyễn Văn Vĩnh.

    Năm 1930, trước phong trào nổi dậy của dân Việt, đối với chính quyền Pháp, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của người dân Việt, vua quan Việt, và chính quyền Bảo Hộ Pháp.

    Năm 1931, Phó Hội Trưởng, Hội Địa Dư Hà Nội,

    Năm 1931- 1932, Tổng Thư Ký, Ủy Ban Cứu Trợ Xã Hội Bắc Kỳ.

    Năm 1932, để thỏa mãn khát vọng quốc gia của dân Việt, người Pháp đưa Bảo Đại về nước, để mở ra một kỷ nguyên quân chủ lập hiến. 11/1932, Phạm Quỳnh được mời vào Huế, giữ chức Ngự Tiền Văn Phòng (Đổng Lý) cho vua Bảo Đại. Sau đó, ông được giữ chức Thượng Thư Bộ Học (Bộ Trưởng, Quốc Gia Giáo Dục), rồi Thượng Thư Bộ Lại (Bộ Trưởng, Nội Vụ).

    Năm 1939, ông cùng vua Bảo Đại sang Pháp xin chính phủ Pháp trả lại Bắc Kỳ cho triều đình Huế (theo đúng Hiệp Ước 1884 Pháp Việt đã ký).

    Sau đó, Thế giới đại chiến bùng nổ, Pháp thua Đức tại Âu Châu. Vào 03/1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, và ủng hộ vua Bảo Đại, để mời ông Trần Trọng Kim thành lập nội các mới. Do đó, Phạm Quỳnh phải rút lui từ quan. Vào ngày 23 - 8 - 1945, tại Huế, ông bị một nhóm quá khích vào nhà riêng bắt đi hạ sát.

 

II- VĂN  PHẨM  CỦA  PHẠM  QUỲNH :

     Văn phẩm của Phạm Quỳnh, phần nhiều, là những bài viết đăng trên báo. Về sau, năm 1942, trong lúc làm quan ở Huế, ông thu thập một số bài có giá trị, và in thành hai bộ sách: “Thượng Chi Văn Tập” và “Nam Phong Tùng Thư”. Hai bộ sách nầy chỉ là phần nhỏ. Phần lớn các bài viết chính yếu của ông còn rất nhiều trong 210 tập báo Nam Phong. Ngày nay, muốn kiểm điểm những gì ông đã viết, người ta cần phải làm liệt kê phân loại khá phức tạp. Theo GS. Phạm Thế Ngũ, tác giả Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, có thể chọn những bài, những mục lớn và chia ra 3 loại như sau:

A-VĂN DỊCH : -Tác Phẩm Luận Thuyết: Phương pháp luận của Descartes,        Sách cách ngôn của Epictéte, Đời đạo lý của P.Carton, Tư tưởng của Barrés Le Bon, Maurras . . .

-Kịch Bản và Thi Văn: Le Cid, Horace của Corneille. Thơ của Baudelaire.

B-KHẢO LUẬN :

-Tây Học: Văn minh luận, Chính trị nước Pháp, Lịch sử thế giới, Luận lý học thuyết Thái Tây, Lịch sử và học thuyết Rouseau, Montesquieu, voltaire; Triết học Auguste Comte, Triết học Bergson, Văn học sử Pháp, Khảo luận về tiểu thuyết, Bình luận tác phẩm của P. Bourget, H. Bordeaux, G. de Maupassant, Alfred de Vigny.

-Đông Học và Quốc Học: Phật giáo lược khảo, Người quân tử trong đạo Nho, Tục ngữ ca dao, Việt Nam thi ca, Khảo cứu về Truyện Kiều, Bàn về thơ Nôm, Hát ả đào, Khảo về chữ quốc ngữ, Chữ Nho với văn quốc ngữ, Hán Việt văn tự, Bàn về quốc học, Quốc học và quốc văn.

C-VĂN DU KÝ :  

Trẩy chùa Hương, Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Pháp du hành trình nhật ký, Thuật truyện du lịch Paris, Du lịch xứ Lào. 

     Sau đây là những nhận xét và phê bình về văn nghiệp của Phạm Quỳnh:

    -Theo GS.Trịnh Vân Thanh, tác giả Thành-Ngữ Điển-Tích Danh-Nhân Từ-Điển, do Xuân Thu X.B., như sau: “. . . –Trên lãnh vực văn hóa, Phạm Quỳnh xứng đáng là một kiện tướng có đủ năng lực, tài ba để điều khiển một cơ quan ngôn luận và có công rất lớn trong việc phát huy những khả năng tiềm tàng của Việt-ngữ và xây dựng một nền móng vững chắc cho quốc văn, bằng cách tô bồi với những tinh hoa mà ông đã rút tỉa trong những tư tưởng và học thuật Âu-Tây.”

     -Theo các GS.Lê Kim Ngân, Võ Thu Tịnh, và Nguyễn Tường Minh, tác giả Văn Học Việt Nam Thế Kỷ Thứ XX, do Văn Hiệp X.B., như sau : “. . . Ta có thể nói: Phạm Quỳnh là người chiếm công đầu trong việc vun đắp chữ quốc-ngữ. Nhờ ông mà chữ quốc-ngữ đã từ thời ấu-trĩ bước sang giai-đoạn trưởng-thành. Cái công dịch-thuật và khảo-cứu của ông thật đáng kể. Nhờ đó mà các thanh-niên tân-học hiểu được nền cổ-học Đông-Phương, các người cựu học thấu rõ nền Tây-học và cũng vì vậy họ thông-cảm nhau được, học hỏi được nhiều cái hay của cả hai nền học-vấn để đi tới chỗ dung-hợp mà xây-dựng nền văn-hóa nước nhà.”

     -Theo GS.Phạm Thế Ngũ, tác giả Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, đã viết :

      “. . . -Về đường tư tưởng, Phạm Quỳnh là tiêu biểu cho một giai đoạn bán cựu bán tân ở nước ta trước 1932. Với một căn bản tham bác Á-Âu, ông đã đưa ra cái giải pháp dung hòa và bảo tồn làm thỏa mãn được nhiều khuynh hướng trong xã hội bấy giờ. Cái chủ nghĩa quốc gia của ông về đường chính trị đành rằng không đưa tới đâu, nhưng về văn hóa không phải không nuôi được một tinh thần dân tộc làm nơi trú ẩn cho nhiều tâm trí băn khoăn thời ấy và có thể để lại hậu quả tốt về sau nữa. . . Về đường văn học, hiển nhiên ông đã làm nhiều việc cho công cuộc xây dựng văn học mới. . ..”      

 

III- NAM  PHONG  TẠP CHÍ :

     Nam Phong Tạp Chí ra đời năm 1917, và đình bản vào cuối năm 1934,

do Phạm Quỳnh, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút, cùng với một ban biên tập viên chính yếu như các ông : -Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác, 1881- 1945; -Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, 1875- 1941; -Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, 1878- ?; -Đồ Nam Nguyễn Trọng Thuật, 1883- 1940; -Nguyễn Bá Học, 1858- 1921; -Đông Hồ, Trác Chi Lâm Tấn Phác, 1906- 1969; -Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng,1897- 1951; -Hán Thu,Thượng Uyển Nguyễn Tiến Lãng,1909- ?.

     Mục đích của Nam Phong là thể hiện chủ nghĩa khai hóa của nhà nước, biên tập những bài bằng quốc văn, Hán văn, Pháp văn, để giúp cho sự mở mang trí thức, giữ gìn đạo đức, bảo tồn quốc hồn quốc túy, trong quốc dân Việt-Nam, và truyền bá các môn khoa học Tây phương, nhất là học thuật tư tưởng Đại Pháp, cùng bênh vực quyền lợi người Pháp, và người Nam trong trường kinh tế. Đặc biệt chú ý đến sự tập luyện, trao dồi văn quốc-ngữ, để người Việt Nam sớm có một nền quốc văn riêng biệt.

     Mỗi tháng, báo ra một kỳ, với khổ lớn, dày 100 trang. Về hình thức bài vở được in làm hai cột dầy đặc những chữ. Về nội dung bài vở, nói chung có tính cách trang nghiêm, dồi dào, thiên về biên khảo văn học, triết học, khoa học, văn thơ Hán-Nôm, tiểu thuyết dịch thuật từ Pháp văn, thời sự về chính trị và xã hội đương thời, luận thuyết về vấn đề có liên hệ đến dân chúng Việt Nam, . .

     Trong suốt 17 năm hoạt động, Nam Phong Tạp Chí xuất bản được 210 số báo. Với sự cộng tác của hơn ba mươi (30) cây bút biên tập, tất cả là những thức giả hữu danh đương thời. Tờ báo đã sống qua 04 thời kỳ như sau:  -Thời Kỳ 1 (1917 - 1922) : Giai đoạn thành lập và bành trướng tờ báo. -Thời Kỳ 2 (1922 - 1925) : Giai đoạn đề cao mục đích giáo huấn, khai hóa quốc dân.Tờ báo phát triển mạnh và truyền ra nước ngoài, nhờ vào uy thế nổi bật của Phạm Quỳnh, sau khi đi diễn thuyết ở Pháp về. -Thời Kỳ 3 (1925 - 1932) : Giai đoạn hoạt động chính trị của tờ báo. Tờ báo vẫn phát triển mạnh. Phạm Quỳnh đưa ra chủ nghĩa quốc gia, thuyết lập hiến. -Thời Kỳ 4 (1932 - 1934) : Giai đoạn suy yếu của tờ báo. Vào 11/1932, Phạm Quỳnh được vua Bảo Đại triệu vào Huế, và giữ chức Thượng Thư Nam Triều. Quyền Chủ Bút tờ báo được trao cho Nguyễn Trọng Thuật. Sau đó được vài số, Lê Văn Phúc đứng ra canh tân, và mời nhiều nhà Tây học trợ bút. Tiếp theo, Nguyễn Tiến Lãng đứng ra thừa kế, nhưng không thỏa mãn được thị hiếu thời cuộc, mãi đến cuối năm 1934 tạp chí Nam Phong bị đình bản.

      Nhận xét về tạp chí Nam Phong, Giáo Sư Học Giả Dương Quảng Hàm đã viết:  “-Kể trong các tạp chí đã ra đời ở nước ta, tạp chí Nam-Phong là tờ xuất-bản được liên tiếp và lâu hơn cả. . .  Tạp chí ấy có hai mục đích chính như sau này :

      1-Đem tư tưởng học thuật Âu-Á diễn ra tiếng ta cho những người không biết chữ Pháp hoặc chữ Hán có thể xem mà lĩnh hội được.

      2-Luyện tập quốc-văn cho nền văn ấy có thể thành lập được.

      Tạp chí Nam-Phong đã có ảnh hưởng về hai phương diện :

-Về đường văn tự, tạp chí ấy đã : a)-Sáp nhập vào tiếng ta nhiều danh từ triết-học, khoa-học mới mượn ở chữ Nho.  b)-Luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý-thuyết các ý tưởng về triết học, khoa học mới.

-Về đường học vấn, tạp chí ấy đã : a)-Phổ-thông những điều yếu lược của học-thuật Âu-Tây.  b)-Diễn đạt những điều đại cương trong các học thuyết cũ của Á-đông (Nho-học, Phật-học) và bảo tồn những điều cốt-yếu trong văn-hóa cũ của nước ta (văn-chương, phong-tục, lễ-nghi).

      Văn ông Vĩnh có tính cách giản-dị của một nhà văn bình-dân; văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học-giả.  Tuy văn nghiệp của mỗi người có tính cách riêng, nhưng hai ông đều có công với việc thành lập quốc văn vậy. . .” (Dương Quảng Hàm, tác giả “Việt-Nam Văn-Học Sử-Yếu” Hà-nội 1941 -Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục xuất-bản, Hà-nội 1950-trang 415 - 417)./.

 

ÂU  VĨNH  HIỀN