Đám Cưới được ngưỡng mộ

và Tôn Vinh Tộc Việt

 

Peter Allan MacDonald
Kim Chau Payson
 

 Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ
E-Mail: nguyenphuthu@khoahoc.net
03 tháng 03 năm 2005

 

Phàm mỗi dân tộc đều có "phong tục tập quán" riêng của nước đó, nó được lưu truyền từ xa xưa của tổ tiên, của ông cha để lại, xem như linh hồn dân tộc của một nước vậy, cho nên chúng ta cPhàm mỗi dân tộc đều có "phong tục tập quán" riêng của nước đó, nó được lưu truyền từ xa xưa của tổ tiên, của ông cha để lại, xem như linh hồn dân tộc của một nước vậy, cho nên chúng ta cần phải giữ gìn tài bồi cái phong tục đó.

Ví như Phong Tục Tết Nguyên Đán , Phong Tục Lễ Hõi Cưới.... Đó, là hai phong tục căn bản hàng đầu của dân tộc Việt Nam. Do vậy, tôi cũng muốn cho thế hệ trẻ sau này ở hải ngoại biết được các phong tục này, nên cố gắng tìm tài liệu và học hỏi thêm những kinh nghiệm của quý vị cao niên, ngõ hầu viết phổ biến trên các tạp chí Việt Nam ở hải ngoại khắp nơi, có gia đình quý bà con đồng hương tạm sanh sống xứ người, nhờ vậy các bài viết của tôi được các ông bà lớn tuổi đọc và phổ biến cho các con cháu trong tộc họ gia đình. Bởi vì, kể từ chúng ta đến định cư ở xứ người,  các phong tục này càng ngày bị châm chế và thay đổi tùy theo nhu cầu sự sanh sống ở từng địa phương, không còn thời kỳ xa xưa của ông cha khi còn ở Việt Nam nữa, ví như Phong Tục Lễ Hõi Cưới xin trích dẫn như sau :

Ngày xưa, việc dựng vợ gã chồng đều do cha mẹ định đoạt hết, bởi vì theo phong tục cổ truyền Việt Nam, quan niệm rằng cha mẹ là người tạo ra con cái, có kinh nghiệm sống ở đời, cho nên có được cái quyền này, bằng chứng trong tục ngữ có câu :"Áo mặc không qua khỏi đầu". Từ đó, đôi khi cha mẹ quyết định hôn nhân cho các con bằng những lời hứa : khi trà dư tửu hậu hoặc thấy tình bạn keo sơn khi còn thuở thiếu niên rồi kết thành sui gia với nhau hay vì danh giá gia đình đôi bên... cho nên, có nhiều trường hợp khi người con gái về nhà chồng chưa biết mặt chồng như thế nào? từ đó, có những cặp vợ chồng phải bắt buộc sống không được hạnh phúc trọn vẹn.

Trái hẳn, với sự tiến bộ văn minh vật chất tân kỳ ngày hôm nay, các con cái sống ở các nước Tây Phương xứ người, chúng nó không những biết mặt nhau và biết được nghề nghiệp để lo cho tương lai cũng như tánh tình trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, khi đó mới cho cha mẹ biết để tiến hành hôn lễ, không khác : "Con cái ngày nay đặt cha mẹ ngồi đâu cha mẹ ngồi đó". Thật là nghịch đời với  đối với phong tục cổ truyền Việt Nam xa xưa. Tuy nhiên, nếu xét phong tục xưa và nay, mỗi  cái có cái hay cũng có cái dở của nó.

Để tìm hiểu phong tục lễ hỏi cưới qua nghi thức cổ truyền Việt Nam như thế nào?

Ngày xưa nghi lễ hôn nhân hỏi cưới cho các con cháu,  ông bà mình thường theo tục lệ lấy ngũ hành làm căn bản và phối hợp với dương âm kết thành, để phân định mọi chuyện sinh sống ở đời, nếu chúng ta chịu khó sẽ thấy như sau :

I.-  xem tuổi cho đôi trẻ đối với địa chi:

 Thông thường các nhà tướng số cho rằng có mấy trường hợp, xin trích dẫn như sau :

1.- Các tuổi thuận hạp nhau gồm :

a)- Các tuổi tam hạp gồm 2 nhóm tức có 3 chi hay 3 con vật như sau :

- Nhóm Dương : Dần (Cọp), Ngo (Ngựa) và Tuất (Chó) - Thân (Khỉ), Tý (Chuột) và Thìn (Rồng).

- Nhóm Âm :  Tỵ (Rắn), Dậu (Gà) và Sửu (Trâu) - Hợi (Heo), Mão (Mèo) và Mùi (Dê)

b)- Các tuổi nhị hạp tức có 2 chi hay 2 con vật kết từng cập Dương Âm như sau : Tý (Chuột) = Dương và  Sửu (Trâu) = Âm;   Dần (Cọp) = Dương và  Hợi (Heo) = Âm; Tuất (Chó) = Dương và Mão (Mèo) = Âm; Thìn (Rồng) = Dương và Dậu (Gà) = Âm; Thân (Khỉ) = Dương và Tỵ (Rắn) = Âm; Ngọ (Ngựa) = Dương và Mùi (Dê) = Âm.

2.- Các tuổi khắc ky nhau:

Trong nhóm khắc kỵ gồm có 4 chi tức 4 con vật, được phân chia các nhóm có tên như sau :

a)- Nhóm tứ xung : Dần (Cọp) = Dương, Thân (Khỉ) = Dương, Tỵ (Rắn) = Âm  và Hợi (Heo) = Âm.

b)- Nhóm tứ mộ : Thìn (Rồng) = Dương, Tuất (Chó) = Dương, Sửu (Trâu) = Âm và Mùi (Dê) = Âm

c)- Nhóm tứ tuyệt : Tý (Chuột) = Dương, Ngọ (Ngựa) = Dương,  Mão (Mèo) = Âm  và Dậu (Gà)  = Âm.

Nhưng nếu xét cho kỷ, thì thấy có nhị khắc tức chúng nó khắc từng cặp, xin trích dẫn những cặp tương khắc cùng Dương hay cùng Âm như sau : Dần & Thân -  Tỵ & Hợi  -  Thìn & Tuất  -  Sửu & Mùi  -  Tý & Ngọ  -  Mão & Dậu.

Bằng chứng, trong nhóm tứ xung là : Dần, Thân, Tỵ và Hợi, có hai tuổi  Dần (Cọp) = Dương và  Hợi (Heo) = Âm được xem là nhị hạp như đã dẫn ở trước. Ngoài ra, có người cho rằng trong nhóm tứ mộ : Thìn, Tuất, Sửu và Mùi có cùng hành Thổ cho nên, có các cặp xem như tương hòa với nhau như :Thìn (Rồng) = Dương và Mùi (Dê) = Âm, Tuất (Chó) = Dương, Sửu (Trâu) = Âm. Bởi vì, những cặp có cùng hành xem như tương hòa với nhau.

Nhân nói về hành trong nhóm tứ mộ, xin trích dẫn trong Thập Nhị Địa Chi đối với Ngũ Hành được phân chia như sau đây : Thân & Dậu = hành Kim; Dần & Mão = hành Mộc; Hợi & Tý = hành Thủy; Tỵ & Ngọ = hành Hỏa và nhóm tứ mộ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi = hành Thổ.

II.- xem tuổi cho đôi trẻ đối với THIÊN CAN:

 Như chúng ta đã biết, trong Thập Thiên Can gồm : Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm và Quý. Chúng nó cũng có Dương, Âm, nằm xen kẻ với nhau, để kết hợp với Thập Nhi Địa Chi có cùng Dương hay cùng Âm,  cho nên cũng có thuận hạp hay khắc kỵ từng cặp với nhau, xin trích dẫn sự thuận hạp và khắc kỵ về Can như sau :

1.- Các tuổi thuận hạp về Can : Giáp (Dương) & Kỷ (Âm) ; Ất (Âm) & Canh (Dương); Bính (Dương) & Tân (Âm); Đinh (Âm) & Nhâm (Dương); Mậu (Dương) & Quý (Âm). Bởi vì, các cặp Can này có Dương & Âm kết hạp với nhau.

2.- Các tuổi khắc kỵ về Can : Giáp (Dương) & Mậu (Dương); Ất (Âm) & Kỷ (Âm); Bính (Dương) & Canh (Dương); Đinh (Âm) & Tân (Âm); Mậu (Dương) & Nhâm (Dương); Kỷ (Âm) & Quý (Âm); Canh (Dương) & Giáp (Dương); Tân (Âm) & Ất (Âm); Nhâm (Dương) & Bính (Dương); Quý (Âm) & Đinh (Âm).. Bởi  vì, các cặp  có  cùng Dương hay cùng Âm, cho nên các cặp Can đó chống phá khắc kỵ nhau.

Riêng về hành trong Thập Thiên Can có từng cặp Dương, Âm có cùng hành với nhau như sau : Giáp (Dương) & Ất (Âm) thuộc hành Mộc; Bính (Dương) & Đinh (Âm) thuộc hành Hỏa; Mậu (Dương) & Kỷ (Âm) thuộc hành Thổ; Canh (Dương) & Tân (Âm) thuộc hành Kim; Nhâm (Dương) & Quý thuộc hành Thủy.

 Ngoài ra, mỗi tuổi đều do Can và Chi kết hợp cùng Dương hay cùng Âm mà thành, cho nên mỗi tuổi có một hành hay mạng. Do vậy, việc xem tuổi cho cặp vợ chồng có thuận hạp hay không? Chúng ta phải xem cặp tuổi đó có hành hay mạng tương sanh hoặc tương hoà hay không?  Nhân đây, xin trích dẫn các hành hay các mạng tương sanh như sau : Kim sanh Thủy; Thủy sanh Mộc; Mộc sanh Hoả; Hỏa sanh Thổ; Thổ sanh Kim. (Nếu quý bà con đồng hương cần tìm hiểu thêm, xin mời đọc bài Làm Thế Nào Tính Tuổi Hôn Nhân của Nguyễn-Phú-Thứ).

Xuyên qua những dẫn chứng ở trên, chúng ta mới thấy việc dựng vợ lấy chồng cũng do hữu duyên mà ra, quả đúng câu : "Lương duyên túc đế" hay : "Hữu duyên thiên lý năng lương ngộ, Vô duyên đối diện bất tương phùng" (nếu chúng ta để ý khi gặp một người nào đó, rồi tìm biết được tuổi người đó, để áp dụng phương thức tính ngũ hành, thì chúng ta sẽ biết tại sao chúng ta có cãm tình hay không? Bởi vì, căn cứ thuận hạp hay khắc kỵ ngũ hành mà ra).

Đối với, việc xem tuổi cho cặp vợ chồng tương lai, rất phức tạp không những đòi hỏi Giờ, Ngày, Tháng và Năm Âm Lịch hoặc Dương Lịch chánh xác, mà còn phải biết sự việc ăn  ở đời của ông bà và cha mẹ của đôi bên mới mong biết được ít nhiều tương lai cho đôi trẻ khi trở thành vợ chồng chánh thức sau này. Hơn nữa, trong thiên hạ cứ mỗi cặp tuổi làm sao xem cho đúng hết được, để kết thành vợ chồng trong tương lai, cho nên theo thiển nghĩ của tôi, nếu mọi người :

"Thương người như thể thương thân, xem mọi người như họ hàng, thân tộc từ đời đời kiếp kiếp luân hồi với nhau, cho nên lúc nào cũng tận tình trợ giúp từ vật chất đến tinh thần và cũng đừng bao giờ làm những gì mình không thích cho mọi người, mà nên làm những gì mình thích cho mọi người. Có vậy mới chấm dứt sự đau khổ triền miên ở trần gian này nữa" thì dù tuổi vợ chồng có bị khắc kỵ cũng vượt qua, để sống chung suốt đời.

Trở lại, việc thực hành lễ hôn nhân ngày xưa thường phải qua lục lễ, cho nên có câu : "Lục lễ bất tri, trinh nữ bất hành" ý nói : nhà bên chồng không đầy đủ sáu lễ, thì người con gái trinh không đi về nhà chồng. Và sáu lễ đó là :1.- Lễ Nạp Thái (lễ đính ước); 2.- Lễ Vấn Danh (hỏi tên tuổi cô gái); 3.- Lễ Nạp Cát (nhà trai trả lời bằng lòng) ; 4.- Lễ Nạp Tệ (lễ hỏi); 5.- Lễ Thỉnh Kỷ (Lễ xin cưới); 6.- Lễ Thân Nghinh (Lễ cưới). Nhưng, tại sao ngày xưa chỉ dùng 6 lễ mà không dùng ít hoặc nhiều lễ hơn. Theo thiển ý, bởi vì ngày xưa ông bà hay cha mẹ mình quan niệm rằng : hai bên thông gia cha me có 4 người và cặp vợ chồng tương lai có 2, nếu cộng chung lại tức thành  6, cho nên 6 lễ cũng vừa đủ ý nghĩa nêu trên. Ngày nay, việc lễ hôn nhân tùy theo hoàn cảnh gia đình đôi bên mà giảm chế bớt.

Trao quà

 

 

Hàng bên trái:  Nguyen van Thanh, Shawn  M. MacDonald,  Micheal Alexander Stultz, nguyen Thanh Liem,  Jopseph Peter MacDonald, và Nguyen van Khai

Hàng bên phải:  Bach Lien Payson, My Lan Payson,  cô  Nguyen kim Xuyen,  bà Nguyen thu Nga va Peter Allan MacDonald.

 

Ngày xưa ở nông thôn Việt Nam, mỗi khi gia đình nào có gỗ chạp hay đám hỏi hoặc đám cưới... thường bà con chòm xóm, họ hàng đến tham dự đông đảo, cho nên nhân dịp này các chàng trai và các thiếu nữ chưa lập gia đình có cơ hội làm quen với nhau, riêng đối với cha mẹ cũng có dịp khoe khoang con cái nhà mình, từ đó đưa đến việc kết thông gia với nhau. Sau đó, cha mẹ nhà trai tìm người mai mối để nhờ liên lạc với nhà gái chọn ngày gặp nhau, để biết sơ lược về gia thế đôi bên, có khi cho biết tên tuổi đôi trẻ luôn thể, rồi nhờ các nhà tướng số coi tuổi có thuận hạp hay không?. Nếu thấy tuổi thuận hạp, nhà trai nhờ người mai báo tin xin nhà gái biết để chọn giờ, ngày, tháng, năm tốt để làm lễ hỏi, bởi vì, lễ hỏi được tổ chức bên nhà gái (trường hợp này đã gia giảm bớt thủ tục xa xưa).

 

 Kim Chau Payson và Peter Allan MacDonald

 

Riêng nhà trai, sau khi biết được thời gian làm lễ hỏi, phải chuẩn bị lễ vật đầy đủ,  nhứt là phải có: 1.- mâm bộ khay hộp có đựng đôi đèn cưới để cho chàng rể; 2.- mâm bộ khay trầu rượu có cái nhạo đựng rượu, hai cái chung nhỏ, 1 cái hợp bằng thau hình  tròn để đựng đồ trang sức và 1 cái hợp hình vuông để trầu cau, vôi dành cho rể phụ (nếu chúng ta để ý sẽ thấy mâm bộ khai trầu này kết thành ngũ hành : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ); 3.- mâm  trầu cau (thường chọn những buồn cau và các chục trầu thật tốt, có số chẳn ví như 20 hoặc 40 để cho đủ cặp với nhau. Theo tạp chí khảo cổ học (Journal of Archaeological Science) cho biết : Người Việt Nam đã ăn Trầu cách đây ít nhất 2500 năm, bởi vì nhóm khoa học quốc tế đã khai quật ở một ngọn núi đá vôi cách khu di tích Đông Sơn, họ tìm ra di cốt của 31 người một nghĩa điạ trên 2400 năm, thấy ở những hàm răng có dính màu nâu đỏ bám vào, xem đó là dấu tích ăn Trầu, xin xem lại trang 66 và 67 nơi Văn Hóa Jan 2003 do Lê Thụy viết); 4.- mâm bánh mứt; 5.- mâm trà; 6.- mâm rượu... có khi mâm heo quay hay bánh trái tùy theo gia đình đôi bên giao ước vớí nhau, thông thường các mâm được đậy bằng khăn vải điều, có nơi nhà khá giả dùng búp sơn bằng giấy điều để đậy các mâm. Sau khi, mua sấm tất cả lễ vật xong, thường đặt trước bàn thờ ông bà, kế đến nhà trai chọn ông tưởng tộc là người lớn tuổi, còn đây đủ vợ chồng để đại diện làm chủ hôn cho nhà trai đến nhà gái làm lễ hỏi, thông thường ngày xưa chú rể mặc quốc phục màu đen khăn đóng, áo dài còn ngày nay chú rể mặc âu phục. Trước khi, rời khỏi nhà trai, ông trưởng tộc thường đốt nhang đèn để van vái ông bà xin phép được đi đám hỏi cho cháu trai, đứa cháu trai này tức chàng rể tương lai phải lạy trước bàn thờ ông bà 4 lạy, muốn lại cho thật đúng phải đứng nghiêm, rồi vòng tay lên thành vòng cung đưa lên ngang ngực, mới cúi đầu xá một xá, rồi mới áp sát vòng tay vào lồng ngực, kế tiếp theo để hai tay chấp lại thành vòng cung cúi đầu sát mặt chiếu cùng lúc quỳ chân trái trước, chân phải sau và lạy một lạy. Khi lạy xong, lại áp hai tay lên ngực và bắt đầu đưa hai tay ra chấp thành vòng cung, để chuẩn bị lên đầu gối bên phải vừa chống lên và bắt đầu đứng thẳng dậy, thế là lạy được một lạy, cứ thế lạy như phương pháp này để lạy đúng 4 lạy. Sau khi, lạy đủ 4 lạy, chàng rể phải chấp tay hình vòng cung xá một xá trước bàn thờ ông bà mới xem chấp đứt lễ lạy bàn thờ ông bà tại nhà trai. Còn việc lạy người sống tùy theo tục lệ gia giảm của mỗi nơi.

Việc đi hỏi vợ cho chàng rể, tùy theo đường xá xa hay gần, để dùng phương tiện xe cộ, tàu bè cho đúng ngày giờ đã ấn định, thông thường phương tiện di chuyển này được trang hoàng rất đẹp và đặc biệt, cho nên mọi người nhìn vào sẽ thấy đây là xe cộ hay tàu bè dành cho việc đi đám hỏi cưới, khi nhà trai đến trước cổng nhà gái thì thấy nơi đây có tấm bảng lễ đính hôn treo ngay bên trên giữa cổng, hai bên cổng cũng được trang trí bởi bẹ chuối, tàu dừa và bông đủng đỉnh rất đẹp mắt.

Theo tục lệ xa xưa, nhà trai phải đến đúng giờ giao ước mới được vô nhà gái, ông trưởng tộc nhà trai cùng với rể phụ bưng khay trầu vô trước để trình với nhà gái, rồi rể rót hai chung rượu từ trong cái nhạo ra, để ông trưởng tộc nhà trai trình với ông trưởng tộc nhà gái xin phép được vào làm lễ hỏi (đôi khi ông sui trai vào để trình với ông sui gái để xin phép được vào làm lễ hỏi), khi đó hai bên dùng một ít rượu trong 2 ly rượu lễ, xem sự thỏa thuận tốt đẹp và bên nhà gái ra tận cổng để mời nhà trai mang các mâm lễ vật vào được đặt trước bàn thờ ông bà nhà gái và hai bên sui gia đã chào hỏi xong thì mới bắt đầu tiến hành lễ hỏi, chàng rể bưng mâm bộ khay hộp có đựng đôi đèn cưới, thường tay trái đỡ dưới đáy bộ khay và tay mặt đặt bên trên đôi đèn để giữ cho khỏi bị rớt, đứng trước bàn thờ ông bà để xá trong, xá ngoài. Sau đó, chàng rể trao mâm bộ khay hộp cho nhà gái để đặt lên bàn thờ ông bà, rồi chàng rể đứng mép qua một bên để chờ nhà gái điều khiển hành lễ sau khi uống những tách trà thân mật với nhau. Khi lễ hỏi bắt đầu, trước nhứt hai ông sui hoặc đôi khi hai ông trưởng tộc đại diện đến cùng thắp hương trước bàn thờ ông bà, rồi bắt đầu làm lễ lên đèn, có nơi chính chàng lễ lên đèn, sau đó tách rời đôi đèn ra làm hai để cắm vào chân đèn hoặc có nơi để đôi đèn rồi cấm vào bộ lư đồng, theo thiển nghĩ việc lên đôi đèn dù ai lên đèn đi nữa cũng không quan trọng, miển sao đôi đèn được cháy sáng song đôi (thông thường bên nhà muốn cho chắc ăn tim đèn được nhúng dầu lửa) và không bị nứt bể nửa chừng là xem như tốt cho đôi vợ chồng sau này. Khi lên đèn xong, chàng rể mới lạy bàn thờ ông bà 4 lạy giống như chàng rể đã lạỵ tại nhà trước khi đi qua nhà gái. Kế đến, nhà gái trình lễ tộc họ cùng ra mắt chàng rể, mỗi lần trình tới người nào, rể phụ mang khay trầu rượu tới đó, để mời rượu hay trầu và chàng rể lạy hay xá, nhưng ngày nay ông bà, cô bác, chú thím, cậu mợ... thường châm chế nên chỉ xá 2 xá tượng trưng cho phải lễ mà thôi. Sau đó, nhà trai làm lễ kim ngân tức trao nữ trang cho cô dâu và tiền để góp phần phụ tiếp nhà gái trong việc đãi đằng bà con hai họ trong ngày lễ hỏi cưới, khi đó cô dâu xuất hiện để cùng chàng rể để xá bàn thờ ông bà rồi quay ra xá hai họ, kế đến mới  lạy 4 lạy nơi bàn thờ ông bà, nên lưu ý cô dâu vì ngồi lạy, nên phải chờ chàng rể khi nào quỳ xong hay cùng nhau lạy một lượt cho ăn nhịp với nhau (có nơi cô dâu và chàng rể được châm chế miển lạy, chỉ xá bàn thờ ông bà mà thôi).

 

 

 Hàng đầu: thi si Ai Nhan (Nguyen van Kham),  chú reễ:  Pete Allan MacDonald, Ông Sui trai: Joseph Peter MacDonald, Ông Trưởng Tộc đàn gái: Nguyen van Khai, đứng sau lưng Peter là Justin Paul Quimby
 

Sau đó, đến phần cô dâu cùng  chàng rể ra mắt cha mẹ đôi bên, cô dâu được đeo bông cùng nữ trang, thông thường các bà sui đeo cho con gái hay con dâu của mình tùy theo địa phương, rồi rể phụ rót 2 chung rượu để chú rể kính mời cha mẹ vợ, cô dâu kính mời cha mẹ chồng uống và cả hai xin được trình gọi thưa ba má kể từ thời gian này. Trong dịp này, ông bà sui trai mỗi người cũng thủ sẳn một món quà để tặng con dâu mới sau khi được gọi thưa ba má, trong khi chàng rể thường không nhận được món quà gì của ông bà sui gái. Đó là, sơ lược lể hỏi xem như hoàn tất, (bởi vì, nếu viết ra hết rất dài...) và nhà gái bắt đầu mời nhà trai cùng họ hàng nhập tiệc, sau cùng ăn bánh tráng miệng và uống trà, xem như lễ hỏi xong. Rể phụ cũng mang mâm khay trầu đến, để ông trưởng tộc nhà trai cảm ơn nhà gái và xin kiếu để từ giả ra về, nhà gái cũng chuẩn bị cho người lo sắp xếp để kiến lại một ít tượng trưng cho các mâm nhà trai mang đến tức dằn mâm hay lợi quả.

 

 

 Kim Chau Payson và Peter Allan MacDonald....
sau lưng là Nguyen van Khai ( trưởng tộc đàn gái) ,  ChirstopherJohn Dyl ( rễ phụ) và Micheal A. Stultz

 

Khi lễ hỏi xong, hai bên thông gia càng ngày liên lạc mật thíết với nhau, bằng chứng những ngày giỗ chạp, Tết nhứt thường mời mọc nhau, rồi chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới, càng mau càng tốt, bởi vì nếu để lâu thiên hạ bàn ra tán vào không có lợi cho đôi bên, cho nên có câu : "cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày thiên hạ gièm pha" là thế đó. (Ngày nay, quý bà con đồng hương ở các nước Tây Âu văn minh vật chất, việc chọn ngày lành tháng tốt không thể xảy ra, bởi vì ngày thường không có ai đến tham dự đám cưới, cho nên tất cả các lễ lạc như : Đám hỏi, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, sanh nhựt, ngày giỗ... đều dồn vào 2 ngày nghỉ cuối tuần). Đám cưới thường tổ chức hai bên, nhà trai phải đi rước dâu và nhà gái đưa dâu, cho nên nhà gái tổ chức lễ lạy xuất giá để cô dâu từ giả ông bà, cha mẹ cùng tộc họ và cô dâu cũng nhận được lời căn dặn dạy dỗ và tiền của, xem như của hồi môn đem về nhà chồng, dịp này đa số cô dâu đều khóc vì tủi thân, bởi câu : "con gái là con người ta" - "con gái ăn cơm nguội, ở nhà ngoài" hay "con gái 12 bến nước" ý nói người con gái khi lấy chồng cũng nằm trong 12 tuổi tức Thập Nhị Địa Chi mà ra. Nhưng, đôi khi những giọt nước mắt kia là niềm vui sướng của người con gái sắp được thành vợ người mình thương yêu chăng?...trước khi thết đãi họ hàng thân tộc và thân hữu bạn bè đi đưa dâu, cho nên nhà gái thường treo trước cỗng đám tiệc tấm bảng Lễ Vu Qui, bởi vì : "Thuyền theo lái, gái theo Chồng" và nhà trai treo tấm bảng Lễ Tân Hôn là thế.

Ngày nay, có nơi sau khi nhà trai rước dâu, nhà gái đưa dâu và cùng với nhà trai tổ chức tại nhà hàng để thết đãi chung. Đó là, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình đôi bên vớí nhau để tổ chức đám cưới, miển sao thuận lợi và tốt đẹp, ngõ hầu đôi vợ chồng mới được an vui và hạnh phúc suốt đời là mừng.

 

Hàng đứng từ trái sang phải:
Russell Payson M.D ( ông Sui Gái), bà Nguyen thuy Nga, Huong N.Payson ( bà Sui Gái), My Lan Payson, Bach Lien Payson ( dâu phụ),  cô dâu Kim Chau Payson, chú rễ Peter Allan MacDonald, Peter Joseph MAcDonald ( ong Sui Trai), Mathew John MacDonald, Shawn Marie MacDonald,  Micheal P. Sultz, Christopher John Dyl ( rễ phụ)
 

 

Việc tìm hiểu phong tục lễ hỏi cưới qua nghi thức cổ truyền Việt Nam rất phức tạp  đa dạng và mỗi nơi có tục lệ riêng như đi làm rễ hay các lễ : dỡ mâm trầu, động phòng hoa chúc, phản bái sau 3 ngày cưới hoặc nếu gia đình theo đạo Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo, thường tổ chức tại nhà thờ hay chùa... không thể kể ra hết được, nhưng kết quả giống nhau là trở thành đôi vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau

Như đã nói ở trên, Phong Tục Lễ Hõi Cưới rất phức tạp, thế mà tôi được thấy đám cưới bằng DVD của hai cháu Kim Châu & Pete Allan MacDonald tổ chức rất chu đáo, không bỏ sót một lễ nào như đã nói  ở trước, số người tham dự khoảng 600 người, thật đáng ngưỡng Mộ và Tôn Vinh Tộc Việt.

Được biết, đám cưới tổ chức tại làng Tân Quới, Quận Bình Minh, Tình Vĩnh Long Việt Nam, vào ngày 10 nhóm họ, ngày 11 tháng 01 năm 2004 rước dâu, Cô dâu là Kim Châu Payson là trưởng nữ của Ông  Dr Russell Payson MD và Bà Dr Thu Hương Payson (Ông Bà sui gái sanh được 3 người con gái là : Kim Châu Payson, Bạch Liên Payson, Ái Mỹ Lan Payson). Còn bên sui trai, Chú rể là Pete Allan MacDonald, gốc Ái Nhỉ Lan, theo đạo Irish Catholic, con của Ông Joseph Peter MacDonald, làm engineer computer sciences và Bà Loretta Marie MacDonald, làm teacher. Ngoài còn có các chú rễ phụ như : Chris, Jason, Micheal,  Mark MacDonald... và bên đàng trai còn có bà con Cô Dì đi rước dâu là : Shawn MacDonald, Lark Griffin, Katie...

 

 

Thi sĩ Ai Nhan Nguyen van Kham, cô dâu Kim Chau, chú rễ Peter Allan MacDonald, Christopher John Dyl, Nguyen thanh Liem và thân nhân... trên đường làng Dong Thanh

 

Sở dĩ có được đám cưới như thế, là do công lao của nữ sinh Nguyễn Thu Hương, trước kia Bà học trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, rồi sau đó du học sang Hoa Kỳ, tốt nghiệp ra trường và thành hôn với Dr Russell Payson MD, sanh được 3 con gái. Nhưng Bà lúc nào cũng hướng về quê mẹ,  cho nên các con của Bà đã được Bà dạy dỗ từ ngôn ngữ, phong tục tập quán Việt Nam, nhờ vậy các con của Bà mặc dù có người cha là người Mỹ, nhưng tâm hồn không bao giờ quên cội nguồn của mẹ, một đặc điểm nữa là cô trưởng nữ Kim Châu, rất thương chồng là Pete Allan MacDonald tha thiết, nhưng không chấp nhận theo đạo Thiên Chúa Giáo bên chồng, cuối cùng bên chồng buộc lòng chấp nhận để tổ chức một đám cưới đứng theo Phong Tục Hõi Cưới VN, Chú rễ, Ông Sui Trai và Ông Sui gái đều là người Mỹ đều theo đạo Thiên Chúa Giáo, thế mà cũng quỳ lạy trước bàn thờ Ông Bà đúng theo nghi thức đám cưới  cổ truyền  Việt Nam thường làm tại quê nhà.  Điểm đáng ghi nhớ khác, lễ Xuất Giá cô dâu Kim Châu lạy Ông Bà, Cha Mẹ và họ hàng thân tộc, đôi hàng nước mắt của cô dâu lăn tròn trên má, nhứt là sự ôm hôn của Cha Mẹ với Cô tôi thấy thật cảm động, để rồi phụ thân của Cô dâu thốt ra lời nói là "nhiệm vụ của Ông đã hoàn tất và giao trách nhiệm cho người rể tương lai", làm mọi người cùng cười, bởi vì người Mỹ rất thực tế, trong khi người VN thì khi làm Cha Mẹ, thì phải lo lắng các con cho đến nhắm mắt xuôi tay theo Ông Bà. Ngoài ra, đám cưới này còn tổ chức các lễ như : lễ "dỡ mâm trầu"... thật trang trọng, thấy rất đẹp vô cùng, ở hải ngoại ít thấy thực hiện.  

 

 Trái sang phải thứ tự theo hàng ghế ngồi:

Ai Nhan Nguyen.van Kham...Trưởng Tộc nhà Trai: Cậu Sáu,
Trưởng Tộc nhà gái:  Nguyen van Khai, cậu Nguyen thanh Liem
cô dâu Kim Chau Payson, chú rễ: Peter Allan MacDonald.
phụ rễ Christopher J. Dyl, phụ dâu Bach Lien Payson,
Nguyen thuy Nga,  My Lan Payson Mathew J. MacDonald, Mai Hong,
Ong Ba, Peter J. MacDonald. Bà Nguyen thi Can và cậu Nguyen huu Thong

 

 

Đó là, vết son của phong tục tập quán Việt Nam của chúng ta được Bà Nguyễn Thu Hương ghi lại ở đầu thế kỷ 21 này, cho nên tôi cho rằng "đám cưới này đáng được ngưỡng mộ và tôn vinh tộc Việt", cùng xin cảm ơn bà đã làm một việc rất hữu ích để cho thế hệ trẻ noi theo.

 

 

 

Viết xong, vào chớm Xuân Năm Ất Dậu 2005

Hàn Lâm Nguyễn-Phú-Thứ

 Ý kiến, Phê bình xin gửi về: nguyenphuthu@khoahoc.net 

 

 

 

 

 

 

 

Dương Viết Điền