Khúc tâm niệm của chuỗi niềm tin đã được định hình

Trịnh Tuấn

 

1/ Bản chất của tính triết học trong nhạc Trịnh Công Sơn.

Ngay từ khi Trịnh còn có mặt nơi quán trọ trần gian, người bạn vong niên của ông là Nhạc sĩ Văn Cao đã từng nói rằng, Trịnh không bị ảnh hưởng bởi những giáo điều cổ điển phương Tây. Thoạt nghe, tôi chưa cho phép mình tin tưởng điều này, nhưng khi đọc lại những tác phẩm của Trịnh viết trước năm 1975, tôi thấy điều mà nhạc sĩ Văn Cao nói là sự thật. Tôi cần phải khẳng định lại cho chính niềm tin của mình bằng những lời ca của Trịnh, và nghiệm thấy bản chất triết học trong nhạc của ông là sự kết tinh từ cuộc sống trải nghiệm đầy những khốn khó, lao đao và bất định. Cho nên cái gọi là bản chất triết học trong nhạc của Trịnh Công Sơn là sự lí giải cho số phận, nói một cách khác nó đồng nhất với quan niệm của Phật giáo nhưng giao thoa với tính ngang tàng của người quân tử trong Nho giáo. Thành ra, khi Trịnh lí giải về số phận con người, nhạc của ông cuốn tư duy người nghe vào khuynh hướng buông xả. Song, xét kĩ hơn một chút, ta thấy những điều vừa nghiệm thấy là hình thức tồn tại bên ngoài ý nhạc. Xuyên suốt các lời ca của Trịnh, tình yêu lớn dành cho dân tộc, dành cho nỗi đau mất mát và hi sinh trong chiến tranh của những người con da vàng, dành cho những Người Tình trong thơ và nhạc của ông...Tất cả những tình yêu ấy gộp thành dòng suối tưới đẫm những mảnh hồn bất kì nào chai lì nhất. Vì thế, nói bản chất triết học trong nhạc Trịnh Công Sơn là cội dễ của yêu thương và tình bác ái cũng là điều dễ hiểu.

Lênh đênh cùng kiếp người, đau thương cùng số phận hàng triệu người da vàng nằm xuống. Trịnh đã hát cho chính dân của Trịnh nghe bằng nhịp đập trái tim của Trịnh. Lời ca ấy không cần đến bướm ong quấn quýt, nhưng hương thơm và nét đẹp hoa thơ, hoa nhạc vẫn lan toả và tận hiến cho nhân gian. Chợt nhớ một ý của Napole''on rằng, đức Chúa Jesu tạo ra vương quốc của mình bằng tình thương và lòng bác ái, Jesu mất nhưng vương quốc của ngài tồn tại đến muôn đời. Chúng ta có thể ngần tin với nhau điều ấy trong trái tim mỗi người về Trịnh, song không nên tự lập ra một tôn giáo Trịnh một cách lố lăng và ấu trĩ. Giá trị vốn có và đang tồn tại của nhạc Trịnh sẽ mãi vinh thăng trên con đường đi thẳng đến tâm can người nghe, hãy để nó tự khám phá ra hướng đi bản ngã và thiêng liêng nhất. tôi tin vào điều đó và hình như đó là niềm tin trong sáng nhất!

2/ Những mâu thuẫn tất yếu khi tiếp cận nhạc Trịnh Công Sơn một cách nghiêm túc. Nếu như chúng ta đến với nhạc của Trịnh một cách nghiêm túc nhất thì tất yếu từ sâu thẳm tư duy sẽ hình thành những mâu thuẫn. Đó là những mâu thuẫn về những chiều kích phận người nơi quán trọ trần gian, là những băn khoăn trong hàng tá những câu nhạc rất ngang nhưng tình ứ, là những thôi thúc tìm hiểu đến tận cùng nỗi đau và tận cùng vui sướng,v.v...tất cả tạo nên những giằng xé, những xung đột nội tâm người nghe, và phải tư duy lắm lắm mới cấu thành nên những mâu thuẫn đáng yêu như thế.

Chúng ta thường ngồi lại bên nhau trong những nơi như quán caffee lâng lâng điệu nhạc, hay tắt hết đèn trong phòng đêm để tự đàn và cho nhau nghe...Cũng để tận hưởng và giải quyết cái mâu thuẫn đáng yêu vừa mới nói. Mọi sự bàn luận trong những lúc ấy là vô nghĩa. Mà chỉ cần mỗi người tự cảm lấy cái hay, cái không thể nói ra, vì ngôn từ trong những thời khắc ấy không làm tròn bổn phận tải ý. Nó như một vòm mây trên trời cao hiển thị những lá cờ tự do không có cán, cứ bay lên và tan ra hoà vào vũ trụ. Và chỉ có cát bụi đâu đó trong không gian là găm chặt được với tình. Huyền diệu thay mà cũng thú vị thay. Tiếc cho ai không có cảm giác như thế và xấu hổ cho tôi trước giờ mới biết đến điều này...

3/ Sự giằng xé nội tâm xoay quanh vấn đề tiếp cận Trịnh Công Sơn là sự giằng xé của tâm linh. Nhiều ít những tình cảm rất khác biệt trong lòng khi nghe Trịnh hay đọc Trịnh xuất hiện đồng thời, tạo ra những sóng âm li ti mà cũng không kém phần dữ dội trong tôi. Đến với trí tuệ Trịnh Công Sơn mà theo kiểu cỡi ngựa xem hoa thì e rằng chỉ có hại cho ta về sau này khi tư duy mà thôi. Vì thế, trong những lần độc thoại tự vấn về vấn đề nhạc Trịnh ai hát hay nhất, Khánh Ly hay Hồng Nhung? Trịnh Công Sơn hay chính tôi? Nhiều người từng nói rằng, vị trí thứ nhất là Trịnh, vì chỉ có Trịnh mới hiểu hết cái nghĩa của chữ và hình như điều này hơn một lần Trịnh đã trả lời phỏng vấn. Thứ đến là Khánh Ly, vì Ly là người gắn bó với ca từ của Trịnh cũng như với Trịnh sâu sắc hơn ai hết và tiếp đến là Bống ( Hồng Nhưng ). Còn tôi, khi nghe cả ba người hát, tôi vẫn chưa tìm được cho mình sự kì diệu của niềm tin mà người đời từng gieo giắc. Mãi đến khi tự mình lẩm bẩm được đôi câu, thì tự đáy sâu cõi lòng toát lên dư vị nửa đắng, nửa ngọt ngào pha êm dịu. Tôi đã hiểu ra cái hay của nhạc Trịnh Công Sơn trong vấn đề tiếp cận phải nhờ đến vai trò của trái tim mình. Và tôi đã hát. Một mình hát cho mình nghe, những khúc tư duy của Trịnh. Thế mới biết cái sâu xa, cái huyền bí mà thiên hạ từng nói quả không sai chút nào...

4/ Đánh thức nỗi đau trong ca từ của Trịnh là một việc mà một số bạn bè của tôi khuyên là chẳng nên làm. Tuy nhiên, trong chừng mực này, tôi không thể không thức tỉnh những niềm đau ấy, để được đau, và được trộn máu mình với ca từ của Trịnh. Niềm đau của một thời, niềm đau trong một người. Niềm đau ấy là thứ nước cam tuyền trong tay Bồ Tát, tôi nghĩ thế và nếu suy nghĩ trên có là ấu trĩ, thì đó là sự ấu trĩ duy nhất đáng yêu hơn cả lúc này đang ngồi viết đôi dòng về Trịnh.

Những tình khúc trước ngày miền Nam giải phóng là những tình khúc khiến tôi rung động và hoang mang trong tiếp cận nhiều hơn cả. Nếu nói về ảnh hưởng của Xứ Huế mộng mơ và tư tưởng Phật giáo đối với sáng tác của Trịnh trong thời gian này, tức là đụng đến vấn đề nghiên cứu. Tôi xin không mạn phép bàn, chỉ xin nói những tâm ngôn của mình về sự nhận biết những điều ấy mà thôi. Như vậy thì cái thấy của tôi cũng sẽ là cái thấy của bao người khi bước đầu quan tâm và tìm hiểu Trịnh. Vâng, Huế và những trang đời tuổi thơ của Trịnh lan toả khắp các mặt con chữ trong ca khúc thời ấy, tuy nhiên chẳng thể tìm đâu một từ chỉ Huế hay nói thẳng về cái triết lí thiền tông cao vợi. Như một con đường một chiều, Trịnh đi trên con đường ấy thẳng tới hôm nay mà không có ngoái đầu trong âm nhạc. Điều đó không phải ai cũng làm được, kể cả các nhạc sĩ lão làng cùng thời với ông. Đó phải chăng là sự thiên tài cùng với sự miệt mài với cái Tâm sáng loá. Tôi chợt nhớ đã đọc đâu đó một câu phê bình rất hay và thích hợp trong trường hợp này: Sự thật là điểm đi và điểm đến của nghệ thuật chân chính. Và cái sự thật của điểm đi trên đường thơ và nhạc Trịnh là khát vọng hoà bình cho dân da vàng nói chung và dân nước Việt nói riêng, sau đó là khát vọng về quan điểm Chân - Thiện - Mỹ với mong muốn sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Cái đẹp này rất Mỹ học và đôi khi nó cao hơn chính trị và mạnh hơn thần chết. Vì đơn giản là sức mạnh của thần chết đã cúi đầu trước nhạc của ông, dù rằng ông đã ra đi...

 

Trịnh Tuấn