Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (13):

Nôm-na từ thuở Tây Thi

 

Nguyên Nguyên

 

 Qua những bài trước chúng ta đã thấy ảnh hưởng hay đóng góp của nhóm dân Lạc Việt từ hai xứ Ngô (Phù Sai) và Việt (Câu Tiễn / Tây Thi) trên tiếng Việt có vẻ hết sức khiêm nhường so với hai nhóm Việt khác: nhóm Đông Di hay Bộc từ miền Sơn Đông, có hậu duệ bên Tàu là người Hakka (Hẹ) ngày nay, và nhóm Mân, từ khu vực Phúc Kiến-Triều Châu. Chúng ta có thể viện dẫn nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này, như sau.

 

(i)                Khoảng một thế kỷ, sau khi Việt đánh bại và chiếm được xứ Ngô, nước Việt mở rộng bị nước Sở từ phía Tây đến dứt điểm vào năm 333 TCN. Từ dạo đó cho đến lúc nhà Hán xua quân tiến chiếm các xứ miền Hoa Nam, như Mân Việt và Nam Việt, phong trào chạy loạn, di cư xảy ra khắp mọi nơi trên nước Tàu. Đặc biệt Hoa tộc hoặc các nhóm du mục Đông Di, như người Bách Bộc (tức Hakka và Hmong sau này), chạy từ miệt Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Tây & Sơn Đông xuống miền Giang Tô & Chiết Giang. Một số đông khác xuôi hướng Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây. Trong khi dân Giang Tô-Chiết Giang (tức Ngô & Việt) chạy xuống xứ Mân hoặc qua miền Đông Việt, tức Giang Tây ngày nay. Do đó, rất có khả năng có hiện tượng dân xứ Việt của Câu Tiễn, đã di tản sang xứ Mân và các vùng lân cận, rồi định cư, sinh sống tại các nơi đó một thời gian, cũng hằng trăm năm, trước khi chạy tiếp đến nơi khác, như Việt cổ chẳng hạn.

 

(ii)             Ảnh hưởng phương ngữ Bách Bộc (Hẹ) và Mân (Phúc Kiến) trở nên đậm nét trong tiếng Việt (Nam), đặc biệt ở khu lưu vực sông Hồng, một phần lớn nhờ ở hai triều đại tự chủ kéo dài khá lâu xử dụng hai thứ phương ngữ đó: nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400). Mỗi triều đại kéo dài khoảng 200 năm. Nhà Lý chính là hậu duệ đám Bách Bộc từ khu Sơn Đông, trong khi nhà Trần có gốc gác ở xứ Mân.

 

(iii)           Di dân xứ Ngô và Việt mang đến ảnh hưởng ít hơn trong tiếng Việt, cũng bởi giới ê-lít của họ 'nắm được' chính quyền hơi trễ và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi: nhà Hồ (1400-1407) với Hồ Quý Ly và nhà Tây Sơn (1789-1801) với Quang Trung Nguyễn Huệ. Cũng vào lúc nhà Hồ và Tây Sơn nắm chính quyền, nhất là vào thời Tây Sơn, chuỗi trình tiến hoá hình thành dân tộc và tiếng nói người Việt được xem như đã hoàn tất.

 

Gần đây, LaPolla [1] cho một bài viết khá chi tiết về các đợt di dân từ vùng này đến vùng kia trên khắp nước Tàu, từ thời Thượng Cổ cho đến thế kỷ 20, và ảnh hưởng kèm theo đó, trên ngôn ngữ. Chúng ta có thể để ý đến 2 điểm khá quan trọng. Thứ nhất, dân nói tiếng phương Bắc tràn vào phía Nam: Nam Kinh (Giang Tô - An Huy) trở thành kinh đô của nước Đông Tấn (317-420) và Nam triều (420-589). Trong khi Hàng Châu (Chiết Giang) ghi nhận du nhập của rất nhiều người di tản từ phía Bắc khi nhà Tống dời đô đến đó vào năm 1127. Thứ hai, những vùng đất chung quanh thành phố Bắc Kinh luôn bị xâm nhập và nhận di dân từ những tộc người phía cực Bắc như Mãn Châu và Khiết Đan. Nhiều đến nỗi sử sách phải ghi nhận rằng trong suốt 1000 năm qua, chỉ trừ thời đại nhà Minh kéo dài khoảng 300 năm, thành phố Bắc Kinh luôn được xem là thủ đô chính trị của những tộc người khác với Hoa tộc. Tức phát âm theo kiểu Bắc Kinh cũng như rất nhiều từ vựng tiếng quan thoại không nhất thiết là của người Hoa 'chính cống' ngày xưa, hay đã biến đổi rất nhiều trong thiên niên kỷ vừa qua. Ngược lại, giọng nói các phương ngữ vùng bờ biển phía Nam lại mang ít nhiều ảnh hưởng của Hoa tộc thuần túy chạy giặc từ phương Bắc.

 

Cũng trong một bài trước, chúng ta đã xác nhận thêm một lần nữa, hai điểm rất quan trọng, như sau:

 

1. Nhiều từ trước giờ vẫn tưởng thuần Nôm, nhưng thật ra thuần Hẹ, thuần Mân hoặc thuần Ngô. Thuần Nôm, theo quan điểm thông thường, là tiếng nói riêng của người bản địa, tức thứ tiếng Việt không có dấu vết của chữ Hán. Theo 'truyền thuyết giải mã' ở đây, chỉ có tiếng Thái cổ và Môn-Khmer mới là tiếng Nôm nguyên thủy và cơ bản. Xin tạm gọi tiếng Nôm lớp dưới cùng. Tiếng Nôm lớp trên thật ra lại là thứ tiếng Nôm do các nhóm di dân thuộc khối Bách Việt, như Âu-Việt (Lưỡng Quảng), hay Lạc Việt thuộc Hẹ-cổ, Mân, Ngô, từ nước Tàu mang đến.

 

2.  Tiếng Hán Việt cũng vậy. Cũng là một số rất lớn các từ vựng của các nhóm Âu và Lạc, đa số Lạc Việt, đã từng được xử dụng bên Tàu trước khi nhập khẩu vào xứ Việt cổ. Quan điểm này khá mới mẻ, bởi theo thiển ý, chuyện tiếng Việt có hơn 60% những từ mang gốc Hán (thường gọi 'Hán Việt') được xử dụng rất thoải mái tại Việt Nam từ xưa đến nay, có thể được lý giải khá hợp lý, qua giả thuyết cho rằng tiền nhân xứ Việt, đã từng xử dụng những từ mang 'gốc Hán' này, ngay từ thời họ còn ở bên Tàu.

 

Thật ra hai điểm trên ngày trước đã được Lê Ngọc Trụ đề cập đến, trong hoàn cảnh hạn hẹp, thiếu thốn phương tiện, nhất là kiểm chứng với các phương ngữ của khối Bách Việt cổ, hoặc nhóm Hakka. Nhưng quan điểm của học giả họ Lê thật ra khác với những lý giải trình bày trong loạt bài này [11]. Theo [6] và [10], Lê Ngọc Trụ cho rằng những từ Nôm đều mang gốc Hán, hoặc biến chuyển từ Hán tự, dựa trên tiếng 'Hán Việt'. Thí dụ:

- 'Chìm' xuất phát từ 'trầm';

- 'Trễ' xuất phát từ 'trệ';

- 'Đâm' biến đổi từ 'châm',

- 'Giặc' có gốc là 'tặc', v.v.

 

Khác biệt với 'lí thuyết' ở đây:

 

(i)                Không phải từ Nôm nào cũng mang gốc Tàu. Chúng tôi phân biệt và tách ra được tầng lớp Nôm na ở dưới cùng của hai nhóm bản địa lâu đời nhất: Môn-Khmer và Thái cổ. Thí dụ: Chân/Cẳng => Jeung (Khmer) / Kaat (Chăm-pa) / Ka (Phúc Kiến). Cơm/Gạo => Kow (Thái) mang âm nằm giữa 'cơm' và 'gạo'. Hoặc /cơm/, /gạo/ và /kow/ chỉ là 3 lối kí âm khác nhau của một âm vị duy nhất của tộc Thái xa xưa;

 

(ii)             Thứ gốc Hán mà Lê Ngọc Trụ đề cập đến, đa số, thật ra không Hán chút nào hết. Chúng là những từ thuộc các thứ phương ngữ Bai-Yue (Bách Việt). Hán luôn có những từ rặc Hán, cùng mang một nghĩa. Thí dụ: Xuyên= Sông => tson (Hakka) => Chhoan (Mân) => xyun (Quảng Đông) => ts'uan (Ngô) => Chuan (quanthoại) => Sungai (Mã Lai) => XUYÊN ('Hán Việt') { }. 'Xuyên' mang gốc 'Bách Việt' chứ không phải Tàu. Chữ tương đương của người Tàu: Hà => He {}. Thí dụ khác: Bích= Vách (tường): 'Vách' là tiếng Nôm 'Hẹ': [Biak] rất giống phát âm Nam Bộ, [Biách]. Các phương ngữ khác: Bik (Quảng Đông) sinh ra 'Bích' ('Hán Việt') => pI? (Ngô) => piah (Mân/Phúckiến) => Bi (quanthoại) { }. 'Bích' và 'Biak' thật ra chỉ là hai cách phát âm khác nhau của 2 nhóm Bách Việt, chứ không phải Hán.Tiếng Tàu tương đương với ‘Bích’:

'Tường' => [qiang ].

 

Tiện dịp chúng tôi xin đưa ra thêm một vài thí dụ minh giải hai điểm quan trọng trên.

 

Cưới vợ - lấy vợ - gả chồng

 

Từ thuần Hán nhất của 'cưới vợ', 'lấy chồng' chính là: 'kết hôn', phát âm theo quanthoại: jie-hun {結婚}. Phát âm rất gần với 'kết hôn' chính là phát âm Hẹ và Mân: [Kiat hun (hay 'get fun')] kiểu Hẹ; [kat hon] kiểu Mân (Phúckiến).

 

Tiếng Việt còn có 'gả chồng' mang nghĩa 'gả con gái cho một người đàn ông nào đó làm chồng'. Mới nhìn ai cũng tưởng 'Gả' là một từ thuần Nôm. Nhưng không, 'gả' thật ra thuần Hakka. Tiếng Tàu viết bằng 'Nữ'+'Gia': đọc theo quanthoại là [jia], 'Hán-Việt' thành [giá] (giấy hôn nhân giá thú). Theo Hẹ thành [ga] giống như [gả] tiếng 'Nôm'. Phương ngữ Ngô (Chiếtgiang/Thượng Hải) đọc thành [ka] và Mân (Phúckiến) đọc [ke]. Để ý, tiếng Khmer của 'kết hôn' hoặc 'cưới' là [kar]. Chúng ta thấy rõ, [kar] Khmer rất gần [ka] Ngô-Việt, và [ke] Mân Việt. Và [ka] hay [ke] rất dễ chuyển âm sang [cưới]. Như vậy trong tiếng 'Nôm', [gả] và [cưới] viết chung 1 tuồng chữ Hán: [giá] => {xuất giá}. Nhưng [gả] xuất xứ từ nhóm Hẹ (nhà Lý), và dùng cho phái 'nữ': 'gả chồng', trong khi [cưới] thường dùng cho phái nam: 'cưới vợ', mang gốc gác từ tiếng Mân (nhà Trần).

 

Thế 'lấy vợ' lấy ở đâu ra? 'Lấy' tương đương với tiếng Anh: to take. Quanthoại chính là [qu] , gọi nôm na theo Hán-quốcngữ là 'thủ'. ‘Lấy’ thật ra là một từ thuần Nôm bản địa ở tầng lớp dưới cùng: Thái-cổ. Tiếng Thái ngày nay là: [lêuak] => 'lấy' [4].

 

Xin quansát tiếp 'chồng' và 'vợ'. 'Chồng' xưa nay vẫn thường được xem hết sức 'Nôm-na'. Nhưng không. 'Chồng' trong tiếng Hán có rất nhiều lối gọi khác nhau: phu quân, lang quân, v.v. Mỗi phương ngữ có vẻ thích dùng một thứ từ riêng, y như: hà, xuyên, giang, v.v. dùng để chỉ 'sông'. Một trong những từ dùng để chỉ 'chồng' khá phổ thông chính là 'trượng', thường gọi chung với 'phu': trượng phu. [Trượng] là lối kí âm quốcngữ của [zhang] theo quanthoại, [jeung] theo Quảngđông, [zaz] theo Ngô-Việt, [tiuN] theo Mân, và [Chong] theo Hakka tức Hẹ. [Chong] không kể đến thinh, có đánh vần y hệt như quốc ngữ [chồng]. Do đó: Chồng <=> [chong] Hẹ <=> [zhang] QT <=> [trượng] quốcngữ . Cặp tối đa: [Chồng] Việt= [Chong] Hẹ, cho thấy, một lần nữa, ảnh hưởng rất đậm nét của người Hakka (tức Hẹ) trong lòng tộc người Việt-Nam. Và ‘chồng’ cũng không thuần Nôm, thật ra thuần ‘Hẹ’.

 

Trong một bài trước, chúng ta cũng để ý tại Inđônêxia, cũng giống như ở Việtnam, người ta có thói quen dùng 'Nhà tôi' để chỉ 'Vợ tôi'. Nhà tôi: Rumah Saya; Vợ tôi: Istri Saya. Thông thường, Rumah Saya được dùng luôn cho Istri Saya. Tức ở Inđônêxia và Việtnam, người ta có thói quen dùng ‘nhà tôi / rumah saya’ để chỉ ‘bà boss’ tức ‘vợ tôi’. Trong tiếng Hán, người ta cũng có thói quen tương tự. Thói quen liên kết người vợ với 'mái nhà'. Tiêu biểu trước hết là từ 'AN' trong hai chữ 'bình an'. AN được viết theo Hán tự bằng 'mái nhà che lên người nữ' , y như hàm ý 'chỉ khi có phụ nữ trong nhà, nhà mới thật ... an bình'. Một ý niệm thời Mẫu Hệ. Rất nhiều từ mang nghĩa 'nhà', nhất là 'phòng', cũng được dùng để chỉ 'Vợ'. Thí dụ: Thất => shi => nhà / phòng => 'vợ'. Phòng => fang2 = nhà/phòng/buồng, cũng dùng để chỉ 'vợ' [8]. Đặc biệt trong tiếng Hmong (Miêu-Dao), từ mang nghĩa 'vợ' chính là 'po nia', với 2 âm [po] và [nia] rất gần [vợ] và [nhà]. Tiếng Thái Lan: Mia, hay: penaya; Myanmar: măya; Khmer: priya, hay Măai, v.v..

 

Nhưng trước khi quansát tiếp 'vợ' biến chuyển hoặc mang cùng gốc với từ nào trong hàng chục phương ngữ Âu-Lạc khác nhau, chúng ta hãy truy tầm ở thời chưa có quốcngữ, 'vợ' thông thường đã được phát âm ra sao?

 

Người Mường có 2 cách phát âm 'Vợ': [byợ] và [vợ]. [Byợ] giống kiểu Nam và [Vợ] theo kiểu Bắc. Tra từ điển tiếng Nôm của Vũ Văn Kính, ta thấy [vợ] có lối đánh vần chữ Nôm gần như luôn luôn dựa vào âm đầu 'hai môi' tỏ [B]. Tức, thời chưa có quốcngữ, người nước Nam thường phát âm [vợ] như [bợ] hay [byợ]. Một cách nômna hơn, đánh vần chữ Nôm cho biết [vợ] đại khái được viết theo những kiểu thông dụng như sau:

(i) Vay mượn âm Hán [thê]

(ii) Kẹp chữ [Thê] với [Bị] . [Thê] cho nghĩa, [Bị] cho âm [B]: 妻備 => [bợ]

(iii) Viết liền hai chữ [Nữ]và [Bị] với nhau: 女备,mang âm đầu [B] => [bợ]

 

Tức thời chưa có quốcngữ, [vợ] thường được phát âm như: [bợ] hay [byợ].

 

Do đó khi truy tầm từ cùng gốc với [vợ] chúng ta bắt buộc phải xem xét những từ thuộc các phương ngữ mang âm đầu bằng [B] hay [P].

 

Có rất nhiều phương ngữ, đúng hơn tiểu chi phương ngữ, có từ mang nghĩa /vợ/, với âm đầu giống [B], rất có khả năng cùng gốc với [bợ] hay [vợ]:

- tiếng Ngô-Việt (Thượng Hải): lao bo => bo => bợ => vợ

- tiếng Triều Châu: cha bau => bau => bợ => vợ

- tiếng Mân: pong / bou => bợ => vợ

- tiếng Hakka (Hẹ) gọi 'vợ' bằng: pu-ngiong, mang âm đầu [p]: Pu => Po => Bo => Vợ

 

Cũng ở khía cạnh phương ngữ của người Hakka (Hẹ), xin để ý đến từ 'Ốc' tức quanthoại [Wu] dùng để chỉ cả 'nhà' lẫn 'phòng', thí dụ: địa ốc. Theo với ý niệm 'nhà' gắn liền với 'vợ', ta có thể thấy phát âm tương đương của [ốc] tức [wu]-quanthoại, theo phương ngữ Hakka (Hẹ) chính là: [Vuk] hay [Vu], theo thinh thứ 3. [Vu] trong tiếng Hẹ đôi khi được dùng để chỉ 'nhà tôi' tức 'Vợ tôi', hay 'Vợ'. [Vu] có thể biến thái sang [Vợ] rất nhanh và dễ dàng. Nói một cách khác, [Vu] và [Vợ] chỉ là 2 lối kí âm hơi khác dùng cho một âm vị duy nhất của một vài nhóm Hẹ-cổ nào đó, mang nghĩa: 'vợ'.

 

Như vậy cả hai 'Vợ' & 'Chồng' ngày xưa đều mang gốc gác ở các phương ngữ Hoa Nam.

 

Ăn Uống

 

Nếu có những động từ nào người Việt thường đoan chắc 'thuần Nôm', 'Ăn' và 'uống' phải đứng hàng đầu. Nhưng thật ra: Không hoàn toàn như vậy. 'Ăn uống' vừa thuần Nôm - tầng lớp Môn-Khmer, vừa thuần Hán kiểu Lạc Việt, vùng bờ biển phía Đông.

 

* Nôm kiểu Môn-Khmer: ma-ka?ân / ka?ân / ?ân [5] => giống Mã-Lai: makAn => ăn

   'Uống' tiếng Khmer phát âm như [pwk], rất giống [ực] tiếng Việt.

   Để ý trong tiếng Thái-Lan: Ăn => [Gin], Uống => [Deum].

 

* Quansát các từ chỉ 'Ăn' và 'uống' trong các phương ngữ 'Lạc Việt':

 

Hán

Việt

Hẹ

Q. Đông

Q.Thoại

Ngô

Mân

Ghi-chú

thực

sit

sik

shi

za?

chiah

= sực

ngật

ngat

gat

chi

tshiơ?

khit

ăn

hát

hot

hot

he

hok

hat

uống

dùng

jung

yung

yong

iong

eng

ăn & uống*

nhẩm

jim/lim

yam

yin

yin

i-ing

ẩm (uống)

hạp

hap

haap

xia

hop

hap

hớp / hút

như

ri / ji

yue

ru

nyo

ju

nhấm / ăn

nhĩ

nhiap

nei

er

**

ji

nháp / ăn

tu

siu

sau

xiu

**

**

ăn

thực

set /sat

sit

shi

za?

sih

xơi => thời

口焦

tiêu

ts'iau

jau /jiu

jiao

**

**

ăn chậm

 

Trong bảng đối chiếu phía trên, cột 'Việt' bao gồm lối đánh vần quốcngữ của những từ thường gọi Hán-Việt. Cột 'Ngô' dùng để chỉ phương-ngữ Wu tức Ngô của miền ChiếtGiang-GiangTô. Dấu ** cho biết phương ngữ không dùng những từ này.

 

Từ bảng đối-chiếu các từ Hoa-Nam dùng để chỉ chuyện 'ẩm-thực', ta có thể đi đến một số nhận xét như sau:

 

1.      Cũng giống như thí dụ về 'vợ-chồng', phương ngữ này thích dùng từ này, phương ngữ kia lại quen dùng từ kia. Thí dụ: Quảng Đông và Hẹ thích dùng [sik] hay [sit] tức [xực] để chỉ 'ăn'; trong khi Quan-thoại ưa dùng [chi] tức 'ngật' Hán-Việt: .

 

2.      Rất nhiều từ 'Hán-Việt' có lối phát âm y hệt trong phương ngữ Bách Việt. Thí dụ: 'Ngật' tức [Chi]-quanthoại, có phát âm y hệt: [ngat] trong tiếng Hẹ. [Hát]-HánViệt phát âm như [He]-quanthoại, mang nghĩa 'uống', 'hớp', tương đương phát âm [Hat] trong tiếng Phúckiến (Mân): [Hát] Việt => [Hát] Mân.

 

3.      Rất nhiều từ trông có vẻ rất Nôm-na, nhưng lại mang gốc 'Hán-Việt' Hoa Nam. Thí dụ: 'Nhấm nháp' chỉ lối ăn nhâm nhi, chầm chậm, có từ Hán tương đương: [như] và [nhĩ]. Đặc biệt [nhĩ] tức [nháp] giống y hệt phát âm tiếng Hẹ: [nhiap].

 

4.      Nhưng quan trọng nhất: 'Ăn' và 'Uống' lại xuất phát từ một từ Hán dùng để chỉ cả hai động tác: [Yong]-quanthoại, tức 'dùng': 'Thưa bà, bà muốn dùng thứ chi?'. [Dùng] ở đây bao hàm luôn 'dùng thức ăn' hay 'thức uống'. Khi [Yong] chuyển sang tiếng Ngô, âm [Y] đầu bị lột mất, thành ra âm [I]-ngắn, y hệt như tiếng Việt. [Yong] trở thành [I-ong] rất dễ chuyển thành, hay mang cùng gốc với [uống]. Tương tự, sang tiếng Mân (Phúckiến), [Yong]-quanthoại, tức [Dùng]-Việt, biến thành [Eng], sau khi bị lột mất âm đầu [Y]. 'Eng không eng taét đèn đi ngủ?', chính là phương ngữ Mân chạy đến xứ Việt, qua từ [Eng]-Mân, tức [Ăn]-Việt. [Ăn]-Việt cũng có bà con gần với [?ân] thuộc tiếng bản địa Môn-Khmer.

TÓM TẮT: [Dùng] một từ mang hai nghĩa: 'ăn' và 'uống', có tương đương 100% trong tiếng Hán: [Yong]. Sang tiếng Ngô, thành [i-ong] sinh ra [uống]. Qua tiếng Mân biến thành [Eng] tức [Ăn].

 

5.      Những từ Hán tuy cùng mang nghĩa 'ăn' hay 'uống', nhưng cách thức ăn hoặc uống thường khác nhau. Đặc biệt nhiều phương ngữ không xử dụng từ này hoặc từ kia. Y như trong tiếng Việt, khi dùng hơi trang trọng, ta dùng: DÙNG chứ không xài 'Ăn' hay 'Uống' như kiểu bình dân. Cũng giống như 'Xơi' (Bắc) hay 'Thời' (Trung). Thế 'Xơi' và 'Thời' xuất phát từ đâu? Trước hết như loạt bài 'Từ chữ Nôm...'  đã nhận xét, có một quy luật hoán chuyển, âm đầu [X] hay [SH] hay [CH] của Tàu sang tiếng Việt thành [TH]:

-  [Shi] => [Sikh]-qđ => [Xực] => Thực (Ăn)

-  [Shui] => [Seoi]-Hẹ => Thủy (nước)

-  [Shu] => [Chu]-Mân => Thư (sách:=> thư viện)

 

Biến chuyển này cũng phản ánh tương tự trong tiếng Myanmar, đã do chính chánh phủ Myanmar ra lệnh thay đổi cách đánh vần dùng [th] trở lại, thay cho [s]. Thí dụ:

Bassein => Pathein (tên thành phố),  và Salween => Thanlwin (tên sông).

 

Chấp nhận [S], tức [X]-Việt, có thể biến chuyển qua lại với [Th] (8) sẽ cho thấy động từ 'xơi' (Bắc) hay 'thời' (Trung) rất có khả năng xuất phát từ một hay tất cả những thứ động từ Hoa Nam sau đây:

·        Thực  => Quảng Đông [xik], Ngô [za?] {âm [?] là tắc âm thanh môn [5]}

·        Tu  => Hẹ [xiu], Quảng Đông [xau]

·        Thực => Hẹ [xat], Quảng Đông [xit], Mân [xih]

 

Nhất là tiếng Mân [xih] (= thực), rất dễ tiến đến [xơi].

[Xơi] không những có vẻ cùng gốc với âm-vị các phương ngữ Hoa Nam, mà lại còn rất giống với tiếng Khmer có phát âm cho độngtừ 'Ăn': [sIu] (giống Hẹ) và [biSa].

 

[Xơi] dễ dàng biến qua [Thời] theo qui luật [X] => [TH], như:

[xực] ó [thực], [xủi] ó [thủy], [xanh] ó [thanh].

 

Như vậy hầu như tất cả những từ Việt dùng để chỉ ‘ăn’ và ‘uống’ đều cùng gốc với những từ thuộc các phương ngữ người ‘gốc’ Lạc Việt ở Hoa Nam

 

Sơ lược tiếng Lạc từ xứ Ngô

 

Xin để ý những thứ từ mang cùng một nghĩa xuất phát từ các phương ngữ Lạc Việt:

 

* Gả / Cưới: Hẹ dùng [ga]5, rất giống [gả]. Trong khi, Phúckiến (Mân) dùng [ke]3 có phát âm gần với [cưới], và cũng gần tiếng Khmer: [kar]. Tiếng Nôm bản địa xưa nhất là: [lấy] => 'lấy vợ', mang cùng gốc với tiếng Thái: [lêuak]. Có thể nhận xét một vài điểm khá đặc trưng như sau:

- Từ đến sau, như 'gả' (Hẹ => nhà Lý), 'cưới' (Mân => nhà Trần) được dùng trang trọng hơn từ bản địa có sẵn: 'lấy'. Không bao giờ người Việt dùng: 'Đầu tháng sau, nhân dịp 'lễ lấy' của con trai lớn chúng tôi, v.v.', mà lại thích dùng hoặc những từ đến sau, như 'cưới' hoặc Hán-ròng như: thành hôn, lễ thành hôn, trưởng nam, v.v.

- Gả / Cưới, từ xưa đến giờ vẫn tưởng 'thuần Nôm', nhưng thật ra 'thuần Hẹ' và 'thuần Mân'. Tức loại tiếng Nôm, nhập khẩu từ các đám Lạc Việt ở bên Tàu.

 

* Xanh lục / xanh lam: 'Xanh' cũng thường lầm thuần Nôm, và 'thanh' Hán Việt. Thật ra, 'xanh' biến đổi qua lại với 'thanh', theo quy luật 'X' <=> 'TH', và 'xanh' cũng là một từ Lạc Việt, Triều Châu - một nhóm Mân: [xuênh]. Phát âm từ tương đương phía quanthoại là [ts'ang] hoặc Hakka (Hẹ) [ts'ong] hoặc quanthoại [qing] hay Hẹ [ts'iang] . Cả hai thứ [ts'ang] hay [qing] tương đương với [Thanh], và đều mang nghĩa [xanh], hai thứ: 'xanh lục' và 'xanh lam'. 'Xanh lục' còn gọi 'xanh lá cây', và 'xanh lam' là 'xanh da trời'. Thật ra tiếng Tàu khi phân biệt 'lục' hay 'lam' họ chỉ dùng có một từ 'lục' hoặc 'lam' chứ không cần phải kèm theo 'thanh' để chỉ màu xanh. 'Lục' 绿 quan thoại phát âm [lu], tương đương với Hẹ: [luk], quảngđông [luk], Ngô [lo?], Mân [lek]. 'Lam' phát âm theo quanthoại bằng [lan], Hẹ [lam], Quảngđông [laam].

 

* Dù / Ô: Hai từ này cũng thường lầm Nôm. Thật ra 'jù' và 'ô' chỉ là hai cách phát âm khác nhau của từ chỉ MƯA dùng bởi người Hẹ: [Yũ] hay [Jũ], và người Mân: [Ôh]. Dù / Ô là một cặp từ có một lối viết Hán tự chung: [Yu]3 . Tiếng Hán viết thật đúng phải kèm theo chữ 'san' (quốcngữ đọc: [tản]) , mang nghĩa ' vật che': Yu-san hay O-san {雨伞} do đó mang nghĩa 'vật che mưa', tức cái dù, hay cái ô. Để ý dưới sức ép của từ đơn âm, người Hẹ và Mân định cư ở xứ Việt cổ đã vô tình lột mất từ cốt lõi chỉ 'vật che' là 'san' tức 'tản' mà chỉ để dành một âm duy nhất, nhưng lại chỉ 'Mưa' là [Yu] và [Ô].

 

Chúng ta thấy được 3 điểm quan trọng về Hán-Nôm:

 

1. Nhiều từ hằng tưởng thuần Nôm, nhưng thật ra lại thuần Hakka, hoặc thuần Mân. Rất thường những từ đó chỉ là biến thái của những từ Hán, hoặc lối gọi một sự vật hay một động tác, v.v. của những người Lạc Việt gốc Mân, gốc Hakka, hoặc gốc Ngô, ngay từ khi họ còn ở bên Tàu;

 

2. Nhiều từ thường cho là Hán Việt, cũng mang gốc gác Lạc Việt như vậy. Thí dụ: xuyên (biến thái của [sung] Hẹ, hay [sông], hoặc [chhuan] Mân); Bích (biến âm của [Bi] quanthoại, [Biak] Hẹ, tức 'vách' tiếng Nôm). Tuy vậy, cũng có những từ hoàn toàn nhập khẩu từ Hán tộc: 'thành hôn', 'kết hôn' thay vì 'lấy chồng', 'cưới vợ', v.v.;

 

3. Những từ hoàn toàn đồng nghĩa, viết cùng một tuồng chữ Tàu, nhưng lại có âm vị khác nhau, cho ta thấy dấu vết của đóng góp từ vựng của những bộ tộc, những tộc người khác nhau vào trong tiếng nói chung, hay ngôn ngữ của một tộc người hiện đại. Xa hơn một chút, ta thấy số thinh (thanh điệu / dấu) giữa các tiểu chi phương ngữ (bên Tàu) thường khác nhau, có thể đưa đến lý giải cho một số hiện tượng trong tiếng Việt, về một số từ nào đó mang cùng nghĩa tương tự, nhưng thinh lại khác, và nhiều khi đối chọi với nhau. Thí dụ:

- dải núi => dãy nhà, dãy ghế: [dải] ? & [dãy] ~

- sài => sói: [sài] ` & [sói] '

- đôi ngả đôi ta => ngõ hẻm: [ngả] ? & [ngõ] ~

- bãng (thiết bãng) => bổng: [bãng] ~ & [bổng] ?

- khoảng đường => quãng đời: [khoảng] ? & [quãng] ~

 

Trong một bài tới, chúng tôi sẽ mượn 12 con Giáp để minh giải thêm 3 phát hiện quan trọng này, đặc biệt điểm thứ ba, về việc tộc người này gọi một sự vật hay động tác, v.v. bằng từ này, tộc kia dùng một từ khác.

 

Trước khi chấm dứt bài này, xin tóm tắt một vài điểm đặc trưng của thứ tiếng Việt xứ Ngô, tức tiếng nói của khu Chiết-Giang / Giang-Tô ngày nay, hoặc xứ Ngô của Phù Sai và Việt của Tây Thi-Câu Tiễn vào thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa.

 

1. Tiếng Ngô là phương ngữ lớn nhất nước Tàu - sau tiếng quanthoại Mandarin, hay tiếng phổ thông. Hiện có đến khoảng 100 triệu người xử dụng tiếng Ngô.

 

2. Theo thống kê ghi trên mạng, có tất cả 94 tiểu chi phương ngữ Ngô khác nhau. Số 'thinh' (thanh điệu / dấu) và phát-âm thinh thường khác nhau, giữa tiểu chi (phương ngữ Ngô) này với tiểu chi kia. Thông thường tiếng Ngô có từ 6 đến 8 thinh khác nhau. So với quanthoại 4, quảngđông 9, việt (bắc) 6, việt (trung-nam) 5, thái 5, myanmar 5, v.v. Đặc biệt tiếng Ngô có biến-đổi thinh sandhi rất phức tạp, so với tiếng quanthoại.

 

3. Tử Âm (phụ âm) bao gồm

- các âm tỏ: {b  d  g  v  z  zh  dz   j  r   m   n   l ...};

- các âm điếc không hơi thở: {p  t  k}.

- các tử âm có hơi thở: {ph  th  kh}. Đặc biệt ba loại tử âm này {ph, th, kh}, rất có khả năng mang phát âm giống tiếng Việt. Một trang web về tiếng Thượng Hải (zanhe.com) nhấn mạnh đừng lẫn lộn âm vị [ph] với âm [f]. Thí dụ:

PH:

- Phi (thường) => Pi (quanthoại) => Phi (Ngô / Thượng Hải).

- Phi (bay) => Fei (quanthoại) => Fi (Ngô)

- Phách (vỡ, đập) => pai (qt) => Pha (Ngô)

- Phổ (thông) => pu (qt) => pu (Hẹ) => phou (Mân) => Phu (Ngô)

TH:

- Thoát (- y, - hiểm) => Tuo (qt) => Thuô (Ngô)  {thoát y => tuột quần áo}

- Tả (anh ta, cô ta, y) => ta (qt) => ta (Hẹ) => Tha (Ngô / Mân)

- Thiên (trời) => tian (qt) => t'ian (Hẹ) => thiN (Ngô / Mân)

KH:

- Khách => ke (qt) => kak / hak (Hẹ) => Kha? (Ngô)

- Khẩu (miệng) => kou (qt) => hau (qđ) => Keu (Hẹ) => Khaw (Ngô)

- Khốn (khó khăn) => kun (qt / Hẹ) => kwan (qđ) => khun (Mân) => khuơn (Ngô)

 

Theo thiển ý, âm vị [ph] của tiếng Việt (xưa) mang ảnh hưởng của tiếng Ngô và Mân, trong khi [kh] & [th] có thể có cùng gốc với tiếng Mân, Ngô, và Hẹ.

 

Âm tỏ [V] có biến thái không hoàn toàn từ [W]-quanthoại như tiếng Hẹ. Nhiều khi [V]-Ngô tương đương với âm [F]-quanthoại. [V]-Ngô thường biến thái với [F]-quanthoại, bởi cả hai đều là 'sát-âm' môi răng, một tỏ (v) một điếc (f).

- Wen (văn) (quanthoại) => ven (Ngô / Hẹ), nhưng:

- Feng (phụng) (quanthoại) => fung (Hẹ) => vong (Ngô)

- Fan (phàn = cơm) (qt) => faan (qđ) => fan (Hẹ) => vE (Ngô)

 

- Tử âm đầu cũng có cặp {nh   ng} giống tiếng Việt và nhiều phương ngữ Lạc khác.

NH:

- Nhiệt => re (qt) => ngiet / nhiat (Hẹ) => yịt (qđ) => nhI? (Ngô)

NG:

- Ngã (đói) => E (qt) => ngo (qđ) => ngo (Hẹ) => Ngou (Ngô)

 

4. Mẫu âm (nguyên âm) tiếng Ngô cũng rất thường kết thúc bằng tắc âm thanh môn (màng họng), rất khác với nhiều phương ngữ khác của tiếng Hoa.

Xin xem qua bảng so sánh các cặp tối đa giữa tiếng Việt và Ngô, đối chiếu với các phương ngữ Lạc Việt khác.

 

Việt

Ngô

Hẹ

Q. Đông

Q.Thoại

Mân

GHI CHÚ

ăn-uống

i-ong

jung/yung

yung

yong

eng

dùng= i-ong = eng

liềm

lI?

liap

lap

li

liap

liếm-láp

thỏ

thu

tu

tou

tu

thou

thố

mắt

mo?

muk

muk

mu

bak

[m] => [b] Mân

cố / cũ

ku

gu

gu

gu

kou

cũ = ku (Ngô)

bạn hữu

ban hiw

pen jiu

pang-yau

peng-you

pang-iu

giống Ngô nhất

hổ / khổ

khu

ku

fu

ku

khou

hổ qua = mướp đắng

tiếu

sio

siau

siu

Xiao

chhiau

tiếu = cười

ông

Ong

vung

ung

wung

ang

ông => tiếng Ngô

túc

ts'o?

zuk

zeok

zu

chiok / tui

? = tắc âm thanh môn

dung

iong

jung/yung

yung

rong

iong

dung = chứa

yêu quỉ

io

jau/ jeu

yiu

yao

iau

Ngô/Mân/Việt lột [Y]

phủ

vu

fu

fu

fu

hu

phủ-phục. [F] => [V]

cẩu

kâw

geu / kieu

gau

gou

kau

Việt = Mân = Ngô

song (2)

sang

song

seung

shuang

xiang

= đôi. Việt= Ngô= Hẹ

 

Để ý:

 

(a) Có một số cặp tối đa cho thấy tiếng Việt giống tiếng Ngô hơn các phương ngữ khác. Nhất là: khổ = đắng = khu, cũ = ku, bạn hữu = ban hiw, ông = Ong, cầu = kâw, yêu = io. Cặp {yêu & io} cho thấy tiếng Ngô cũng giống Mân và Việt có khuynh hướng lột mất âm [yờ] đầu của quanthoại và quảngđông, và Ngô-Mân-Việt mang cùng gốc với nhau trong việc cho phát âm từ bắt đầu bằng /Y/ trong quốcngữ y hệt như âm [I]-ngắn: Yêu => [iêu].

 

(b) Trong khi âm [F] quanthoại, quảngđông và hẹ, có khuynh hướng chuyển sang âm [H]-mạnh trong tiếng Mân, khi chuyển sang Ngô, [F]-quanthoại có 3 khuynh hướng. Hoặc chuyển thành [F] như thường, hoặc chuyển sang âm [PH], hoặc biến sang [V] (phủ=> vu).

 

(c) Âm cuối tiếng Ngô có vẻ phân biệt rõ rệt [at], [ak] và [a?], [iat], [iak] và [ia?]; [wat], [wak] và [wa?]; v.v. cũng có thể gợi cho ta cách phân biệt rõ các âm như [ách], [ác] và [át] trong lối phát âm tiếng Việt ở phía Bắc.

 

KẾT

 

Qua phần trình bày ở trên, nhất là việc minh giải hai cặp động từ 'Ăn - Uống' và 'Cưới - Gả' có gốc gác từ 3 phương ngữ: Ngô, Mân và Hẹ, chúng ta, một lần nữa, thu thập thêm chứng liệu quan trọng hỗ trợ cho đẳng thức cơ bản của tộc người Việt Nam:

 

Việt (Nam)= Âu Việt + Lạc Việt (Hẹ +Mân +Ngô) // Môn-Khmer + Đa đảo + Nêgritô

 

Để ý trong đẳng thức hợp tộc đó, đặc biệt tộc Âu Việt, tức Thái cổ, cũng có thành phần bản địa có sẵn tại xứ Việt cổ, y như dân Môn-Khmer.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Điểm đáng chú ý trong đẳng thức tộc nguồn ở trên có lẽ xoay quanh so sánh giữa ảnh hưởng của hai nhóm Việt tộc làm chủ đất nước tổng cộng trên dưới 400 năm. Đó là nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400).  Tiếng Việt do thị tộc nhà Lý mang đến chính là thứ tiếng Hẹ cổ. Tiếng Việt nhà Trần là tiếng Việt xứ Mân pha trộn với xứ Ngô.

 

Với nhà Lý và nhà Trần, nền chính trị và quân sự ở nước Nam bắt đầu nổi bật, nếu không nói sáng chói. Chúng ta có thể tạm lý giải hiện tượng này bằng cách cho rằng, bởi là những nhóm người di cư đến sau, họ đã học được nhiều bài học từ ở, và đối tác với,  người Hoa trong nhiều thế kỷ còn bị kẹt ở bên Tàu.

 

Chính nhà Lý và nhà Trần đã tạo dựng được đầy đủ các định chế và cơ viện rất vững chắc, để về sau, khi Lê Lợi đánh đuổi được giặc Minh, ông thiết lập nên triều đại nhà Lê (1428-1788) huy hoàng và lâu dài nhất (360 năm) cho nước Nam.

 

Ghi Chú

 

[1] Randy J. LaPolla (2000) The Role of Migration and Language Contact in the Development of the Sino-Tibetan Language Family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. by R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press.

[2] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ.

[3] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật  hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite

[4] 'Lấy' thật ra có thể mang một nghĩa hơi khác với 'kết hôn' hoặc 'cưới vợ'. Có thể mang nghĩa 'ăn ở', 'ăn nằm' (have sex with), chứ không chính thức có cưới hỏi đàng hoàng.

[5] Dấu [?] trước [ân] là kí hiệu của 'tắc âm thanh môn', hay âm màng họng. Đó là thứ âm thật ngắn chuyển tiếp giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh: [uh-oh]. Trong tiếng Việt, chữ 'ác' thường được kí âm như [?ák]. Phát âm dấu ngã [~] thường được biểu diễn bằng một con số chỉ thinh thấp, tiếp theo bằng tắc âm thanh môn [?], rồi kết bằng thinh cao: [2?5].

[6] Lê-Ngọc-Trụ (1959) Việt Ngữ Chánh-tả Tự-Vị. Nxb Thanh-Tân

[7] Biến chuyển giữa [S] và [TH] có thể gây nên bởi đổi âm hoặc trong tiếng Quanthoại, hoặc trong các phương ngữ Hoa Nam, trong hằng ngàn năm qua..

[8] Tiếng Việt, vẫn thường dùng ‘phòng’ để chỉ ‘vợ’: ‘Nghe nói, anh Ba dạo này đã có phòng nhì rồi’ => ‘phòng nhì’ ở đây mang nghĩa ‘vợ 2’ hay ‘đào nhí’..

[9] http://www.chineselanguage.org/cgi-bin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&hakka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent

[10] Lê Ngọc Trụ (1960) Chánh Tả Việt Ngữ. Nxb XuânThu 1991. Trường Thi Xuất Bản

[11] Khác biệt quan trọng nhất: Lê Ngọc Trụ và gần như tất cả học giả xưa và nay, Việt và Tây, đều cho rằng nếu có giống nhau giữa từ vựng Việt ngữ và những từ thuộc các thứ ngôn ngữ khác, như tiếng Chăm, Khmer, Thái, Tàu, v.v.; đó là kết quả của 'vay mượn'.  Lý thuyết ở đây đặc biệt nhấn mạnh ở chỗ: Có thể không có vay mượn. Người Việt và tiếng Việt biến đổi và tiến hoá theo thời gian, và theo sự hợp chủng giữa những tộc người mang nhiều điểm đặc trưng văn hoá giống nhau, và có cùng một hướng nhìn về tương lai.