Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (17):

PHẦN III: Tiếp-tục nhận-diện người Việt cổ

 

Nguyên Nguyên

 

Những ai thích đào sâu các vấn đề cổ sử trình bày ở đây đều có thể xem lại tất cả các thứ tin liệu hoặc tài liệu sử sách, cho dù và kể cả bộ Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư của Ngô Sĩ Liên, với một ít tinh thần khách quan, kèm theo chút ít kiểm chứng. Từ đó, chúng ta sẽ thấy, rất dễ, nhiều điểm hiển nhiên hết sức lổng chổng, từ xưa đến giờ chúng ta vì lý do này hay lý do nọ, đã mặc nhiên chấp nhận, không một chút thắc mắc. 

 

Xin phép đưa ra một vài thí-dụ.

 

Trước hết vấn đề nước này giao-tác với nước kia. Đọc 'chính sử' của Ngô-Sĩ-Liên [1], chúng ta có thể để ý ngay, trong thời nhà Tần, bộ binh và kỵ binh của Tần Thủy Hoàng không hề kéo gần đến khu vực biên giới Việt-Hoa ngày nay. Quân Tần thật sự chỉ choảng nhau với 'nước' Tây Âu, tức các bộ lạc lớn ở khu vực Quảng-Tây ngày nay, mà thôi. Như vậy, xem lại truyền tích, với chút ít kiểm chứng, một vị anh hùng nước Việt (cổ) to khoẻ như Lý-Ông-Trọng [1] [2], không có cách gì đi lạc từ khu sông Hồng lên đến miệt sông Hoàng Hà rồi gia-nhập quốc-tịch Tần, mang 'quân-hàm thiếu-tướng' cầm quân đi đánh giặc chống Hung Nô cho nhà Tần được. Bởi lẽ muốn cỡi voi hay ngựa, hoặc cuốc bộ, từ khu Hồng-Hà lên đến Hoàng-Hà, họ Lý phải xuyên qua bao nhiêu núi rừng, và trên 1000 bộ lạc dữ tợn khác nhau. Sự tích Lý Ông Trọng, nếu có, bắt buộc phải bắt nguồn từ các cộng đồng Việt tộc, khi xưa hãy còn sinh sống ở các khu vực gần sông Lạc hay sông Bộc, nhất là gần nước Tần ở phía cực Bắc nước Tàu. 

 

Câu chuyện Thánh Gióng Phù-Đổng Thiên-Vương cũng tương tự như vậy. Ngày nay, nếu tra cứu internet, chúng ta sẽ thấy ở thời Ân (Thương), ranh giới về 'nước' của chủng Hoa-Hạ thật ra chỉ bao gồm chừng 2-3 tỉnh như Sơn Tây, Hà Bắc và Hà Nam, bây giờ. Xứ Văn Lang, nếu có, lại quá xa xôi, không có mâu thuẫn lãnh thổ hay kinh tế gì, hoặc ân oán giang hồ, với nước Ân Thang hết. Lại có hằng ngàn 'nước' trái độn nằm ở giữa, mang nhiều thứ chủng tộc và tiếng nói khác nhau. Thành ra không thể có chuyện giặc giã giữa 2 'cường quốc' Ân và Văn-Lang với nhau. Tuy vậy, câu chuyện vẫn có thể xảy ra, và Thánh Gióng vẫn có khả năng có thật, nếu nghĩ rằng người anh hùng trẻ tuổi ở làng Phù Đổng đó, đã cầm quân chống giặc Ân thật, khi bộ tộc của người, và làng Phù Đổng nguyên thủy, hãy còn tạm cư đan xen với Hoa-tộc ở vùng phía Bắc sông Dương Tử và phía Nam sông Hoàng-Hà.

 

Nếu muốn đi thêm vào chi tiết để hỗ trợ cho luận cứ Thánh Gióng xuất hiện khi dân Việt còn ở bên Tàu, chúng ta cần để ý thêm:

 

- Thời đại nhà Ân bên Tàu ở vào khoảng những năm: 1700-1100 TCN. Thời Hùng Vương thứ 6 theo truyền tích Thánh Gióng xảy ra khoảng năm 1950 TCN, tức trước nhà Ân ít nhất cũng 250 năm.

- Thánh Gióng có con ngựa bằng sắt - vào khoảng năm 1950 TCN, trước khi Sắt được xử dụng tại Trung Hoa trên dưới 1000 năm. Thời đại đồ Sắt bắt đầu vào các thời điểm khác nhau, tại các nơi khác nhau trên thế giới, nhưng sớm nhất cũng cỡ năm 1400 TCN. Ở Trung Hoa mãi đến đời nhà Đông Châu (khoảng năm 600 TCN) mới khởi sự thời đại Sắt.

- Con Ngựa xuất hiện đầu tiên trên địa cầu với hình thù khác, cách đây cũng cả chục triệu năm. Nhưng Ngựa tiến hoá, và trở nên thuần thục phục vụ cho loài người cách đây chỉ khoảng 3000 năm, tức vào khoảng đầu đời nhà Châu (năm 1100 TCN). Vào thời Hùng Vương thứ 6 (khoảng năm 1950 TCN), có lẽ ở khắp nơi trên thế giới rất ít người biết con ngựa là thứ con gì.

- Nếu để ý đến các cuộc khởi nghĩa của bà Trưng (năm 40) và bà Triệu (năm 246), xảy ra sau thời Thánh Gióng ít lắm cũng 1000 năm. Các vị anh hùng dân tộc, tư lệnh quân sự, phái nữ này hãy còn dùng con woi để ra trận, thì chuyện Thánh Gióng dùng ngựa (dù đó một con ngựa thần thoại bằng sắt) đánh giặc phải là một chuyện thiếu thốn cơ-sở lô-gích.

 

Tuy vậy gần như tất cả những điểm lấn cấn này có vẻ có khả năng được giải toả êm xuôi nếu ta xem truyền tích về Thánh Gióng đã xảy ra tại vùng trong bên Tàu, khi nhiều bộ tộc chủng Việt hãy còn cư trú tại đó, chưa di cư đến xứ Việt cổ tại bình nguyên sông Nhĩ-Hà.    

 

Tin tức đăng tải trên báo chí Tây Phương vào đầu năm 2006 [3] cho biết một cuộc khai quật gần đây đã tìm được bộ xương của người đàn bà cao cỡ 1.50 thước, khoảng tuổi 20-30, chôn vùi tại Phú Thọ (cách Hà-nội khoảng 80 km) cùng với hằng trăm thứ đồ gốm, cách đây 3200-3700 năm, vào thuở thời-đại đồ Đồng. Mẩu tin đã vội vàng kết luận rằng cuộc khai quật ở Phú Thọ đó, đã cho bằng chứng sớm nhất về triều-đại Hùng Vương. Sự thật từ xưa đến nay, ngành khảo cổ khai quật vẫn chưa có đầy đủ chứng liệu để có thể xác nhận sự hiện hữu thời Hùng-Vương như một 'triều-đại' theo sát ý nghĩa chính xác kèm theo mô hình của các vương quốc bên Tàu ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay bên Ấn Độ vào khoảng đức Phật Gautama ra đời. Trên phương diện này, Chử Văn Tần [4] đã miêu tả nước Văn Lang của các vua Hùng như một thứ 'Tù Trưởng Quốc', rất có khả năng chưa đạt đến tiêu chuẩn 'triều đại' kiểu các nước như Yên, Tề, Hàn, Ngụy, Tần, Sở, v.v. Ngay ở bên Tàu, giới khoa học hiện chưa xác nhận được nhà Hạ (với 18 đời vua) đã có thật hay không, và chỉ xác nhận được nhà Ân (Yin) còn gọi nhà Thương (Shang), khoảng năm 1766 đến 1121 TCN, bao gồm 30 đời vua. Mặt khác, tin tức từ báo chí, rồi các sách sử chép đi chép lại, rất thường mang khuynh hướng không khắt khe phân biệt giữa 'văn-hoá' và 'văn-minh' [5]. Dù rằng có thể nói khác biệt giữa 'văn-hoá' và 'văn-minh' còn tùy thuộc vào các lối định nghĩa khác nhau, nhưng có vẻ mọi người có thể đồng ý với nhau rằng 'văn-hoá' là một thành phần nòng cốt, hay một 'tập-hợp-cấp-dưới', của 'văn-minh'. Có văn-minh thì chắc chắn có văn-hoá, nhưng có văn-hoá không nhất thiết đã có văn-minh. Bởi văn-minh rất thường đòi hỏi một tiêu chỉ hết sức cơ bản. Đó là đời sống và tổ chức thị trấn hay thành thị. Durant [5] nhấn mạnh điểm này khi cho biết nếu đồ vật khai quật được chỉ gồm toàn đồ gốm, đồ trang sức hay mộ táng, v.v. - người ta chỉ có thể nói di chỉ ấy cho thấy một văn-hoá nào đó vào thuở cổ thời mà thôi. Muốn được nâng cấp lên 'văn-minh' di-chỉ đó phải có dấu vết của 'thành quách' và một hệ-thống đường xá khá rộng rãi. Văn-minh do đó rất khó tách rời khỏi ý-niệm về tổ-chức nhà nước. Để ý tài liệu internet về các di-chỉ khai quật lớn bên Tàu ngày nay, người ta chỉ dùng từ 'văn-hoá', thí dụ: địa điểm văn-hoá Long-Sơn [Long-Shan], chứ không dám dùng 'văn-minh' (xem [6]).

 

Trở lại chuyện Lý Ông Trọng và Thánh Gióng. Lịch sử di dân nhiều nơi trên thế giới, xưa và nay, cho biết những 'người-thay-đổi-chỗ-ở' thường có khuynh hướng mang tên thành thị, làng mạc cũ của mình, và đặt lại cho chốn định cư mới. Thí dụ: Little Tokyo ở Los Angeles, Little Saigon ở Orange County. Canterbury là một 'quận' lớn ở Anh Quốc. Thành phố Sydney và Melbourne ở Úc, cả hai đều có thị xã mang tên Canterbury. Tại thành phố Christchurch ở Tân Tây Lan, Canterbury là tên một đại học khá cổ kính rất giống kiểu 'Ăng Lê'. Ở bang Minnesota bên xứ Hoa Kỳ cũng có một công viên thật lớn mang tên Canterbury.  Những tên quen thuộc khác như New England, Liverpool, Brighton, v.v. cũng rất dễ tìm thấy tại các nước như Úc, Mỹ, Canada, và Tân Tây Lan.

 

Tương tự, nhiều chuyện cổ tích cũng được gói ghém mang theo hành trình của người di cư. Như chuyện viễn chinh của Ulysses trong cổ tích Hi Lạp, bỏ lại vợ dại con thơ. Đến khi trở về Ulysses phải chứng tỏ mình là người hùng năm xưa bằng cách giương một cây cung cũ thật cứng. Có một truyện thần thoại Ấn Độ cũng na ná như vậy [5]. Trong bối cảnh xứ Việt cổ, quyển sách về người Mường của Cuisinier [7] có kể một chuyện cổ tích của người Mường về Bà Cua On, một trong những người vợ của bua Hùng Wương, mà nhiều mường bản ở khu Hoà Bình vẫn còn thờ phượng. Bà Cua On, sau khi chồng mất, trở về mường cũ sinh sống cho đến khi qua đời. Về sau bà hiển thánh nhờ sự trợ giúp hai con cá vàng. Điểm đáng chú ý là câu chuyện cổ tích về Bà Cua On, có một phó bản y hệt như vậy, nhưng ở tại xứ Putri Sadong của Mã Lai. Đặc biệt xứ Putri Sadong là một nơi không có động đá núi vôi như ở Hoà Bình, nhưng truyện cổ tích Mã Lai về một bà Chúa qua đời, sau thành thánh thần nhờ hai con cá vàng, lại mang bối cảnh động núi đá vôi như của khu Hoà-Bình.

 

Sự giống nhau giữa hai chuyện cổ tích Mã-Lai và Hoà-Bình do đó có thể dùng để lý giải cho những truyền tích thiếu thốn lô-gích về không-gian và thời-gian như chuyện Lý Ông Trọng và Phù Đổng Thiên Vương. Có nghĩa, làng Chèm (huyện Từ Liêm) của Lý Ông Trọng [8] hay làng Phù Đổng, nguyên thủy, của Thánh Gióng, nếu có, có lẽ nằm ở phía Bắc sông Dương Tử và gần sông Hoàng Hà. Khi các nhóm Việt tộc thuần túy hãy còn sống đan xen với khối tộc người Hoa Hạ, vào thời huyền sử xa xưa. 

 

Bây giờ xin hãy trở lại việc nhận diện các nhóm tộc Việt cổ, vào lúc họ còn ở bên Tàu. Trong bài trước, chúng ta đã xem qua: (a) Đầu chít khăn; (b) Tóc ngắn; (c) Xâm trán;    (d) Nhuộm răng; và (e) Xâm mình. Bây giờ, xin tiếp tục quan sát tiếp những biệt sắc sau.

 

TỴ ẨM

 

'Tỵ ẩm' mang nghĩa nôm-na: 'uống nước bằng mũi'. Thường cho là một biệt sắc của các nhóm Yuet tộc phía Nam sông Dương Tử, nhắc đến nhiều lần trong bộ 'Thủy Kinh Chú' [10]. Đại khái: 'người Nam Man ăn bằng miệng và uống bằng mũi', trích dẫn như sau:

- 'Theo Hán thư 'Giả Quyên Chi Truyện' người Lạc Việt bắt chước nhau uống bằng mũi'.

- 'Nam Việt Vương Triệu Đà, theo tục của người Di phương Nam, búi tóc ngồi chồm chỗm. Búi tóc dài ở đây có lẽ nói búi tóc của người Di. Ăn bằng miệng, uống bằng mũi'.

 

Có vẻ rất phản khoa-học, nhưng gần đây lại có nhiều tin-liệu từ internet (thí dụ: [9]) cho biết thói tục này khá phổ biến trong các cộng đồng Yue tộc ở Hoa Nam. Trong kiểu uống nước bằng mũi này, người uống hít nước hay chất lỏng vào mũi. Sau đó, nước hay chất lỏng tự nhiên theo đường trong của mũi, chảy xuống cuống họng, thực quản, rồi thẳng xuống dạ dày.

 

Nếu không tin chuyện 'uống bằng mũi' có thật, người ta có thể nghĩ rằng một số tộc người du mục hoặc còn man dã ở Hoa Nam [11], ngày trước thiếu thốn chén bát ly tách nên có thói quen múc nước bằng cách chụm hai bàn tay lại với nhau. Sau đó họ úp mặt vào lòng bàn tay mà uống nước. Người đứng xa xa không biết uống nước cách đó có thể ngỡ rằng người uống nước với hai bàn tay chụm lại đó, đã uống bằng kiểu hít vào mũi.

 

Theo thiển ý, người Hoa, vào đời sau, một phần có lẽ khi thêu dệt thêm lối uống nước bằng mũi của Việt tộc, họ đã dựa vào một câu chuyện về lối chiêu hiền đãi sĩ của Việt Vương Câu Tiễn, chúng tôi đã tình cờ phát hiện khi đọc 'Thủy Kinh Chú' [10]. Đại khái, ngày xưa khi nước Việt bị nước Ngô đánh bại, Việt Vương dẫn một đám tàn quân và hơn 5000 dân chúng đến ở núi Kê Sơn, thuộc Cối Kê. Vua nhún mình đãi kẻ sĩ, thi ân từ trên xuống dưới. Lúc vua thu mua được nhiều rượu, ông sai binh sĩ đem trút xuống khu thượng lưu sông Chiết Giang. Rượu hoà với nước sông chảy xuống phía dưới. Dân và binh sĩ cắm trại hoặc sinh sống hai bên bờ sông, được phép 'tỵ-ẩm' thả cửa. Uống tới xỉn mới thôi. Nhưng sau khi hết xỉn, tinh thần chiến đấu gia tăng gấp bội.

 

Việt tộc có lẽ bắt đầu nổi tiếng với lối 'uống bằng mũi' từ truyện tích 'uống rượu bằng cách úp mặt xuống sông Chiết Giang' tại Cối Kê ở thời Câu Tiễn, kể trên.

 

TẢ NHẬM

 

'Tả nhậm' tức cài vạt áo ở phía bên trái. Người Hoa, xưa và nay, lại cài vạt áo bên phía tay mặt. 'Tả nhậm' cho thấy thói tật cố hữu của loài người, thời nào cũng vậy. Hễ tộc người mình ưa làm cái gì với một khối đa số, ai làm gì hơi khác bị cho là lập dị, chướng, ngược đời, man di, chưa văn-minh, gàn, v.v. Thí dụ: Trong thập niên 1940's, thế giới bắt đầu biết đến người Mỹ qua lính GI của họ. Lính GI có cái mốt bắt buộc là cắt tóc ngắn. Thế giới (nhất là thế giới thứ 3) từ chỗ để ý mấy anh chàng GI, hay trước đó họ đã để ý lối cắt tóc ngắn của người da trắng qua lại buôn bán hay cho việc thuộc địa, hoặc mấy cố đạo, nên có khuynh hướng cho văn-minh là phải đi tiệm hớt tóc đàng hoàng. Đùng một cái, vào giữa những năm 1950 tại Sàigòn nghệ sĩ Trần Văn Trạch để tóc dài, và lập tức được gán cho biệt hiệu 'quái kiệt'. Ở phương trời Âu Mỹ, và đi sau quái kiệt họ Trần cũng 5-7 năm, ban nhạc The Beatles cho lăng xê trở lại mốt đàn ông để tóc dài. Mốt đàn ông tóc dài trở nên khá thông thường và khá phổ biến cho đến ngày nay, nhất là sau khi phong trào Hippies ra đời trong khoảng thập niên 1960's, tiếp tay với ban The Beatles.

 

Thí dụ khác: Thuận tay trái, tay phải (mặt). Đa số (90%) con người thuận tay phải. Người Âu Tây lấy thế tay phải là thế 'chính thống'. Họ gọi 'phải' là 'right' (Anh) hay 'Droit' (Tây) - mang nghĩa chính là 'đúng', 'thẳng', 'lề luật', hay 'quyền lợi (chính đáng)'. Thuận tay trái, thường bị xem như 'không chính thống'. Tiếng Latinh 'sinister' (= bên trái) chuyển sang Anh ngữ mang nghĩa như 'quái gở', hay 'nham hiểm, hung ác'. Tiếng Việt cũng nhanh chóng bỏ lối gọi cổ Việt là 'đăm và chiêu' [16], hoặc kiểu Tàu: 'tả và hữu' (trái và mặt) chạy theo Tây gọi 'Trái và Phải', theo nghĩa: 'sai và đúng' [17]. (Xem tiếp phía dưới).

 

Lối mặc áo với vạt cài 'nút' bên phía trái có lẽ thịnh hành trong các cộng đồng Yuet tộc tại các nước đã bắt kịp văn-minh Hoa Hạ như Sở (khu Động Đình Hồ), Ngô và Việt. (Giang-Tô / Chiết-Giang). Người Hoa lại luôn luôn cài áo bên tay phải. Trái lại, nhiều tượng người bằng đất nung đào được tại Nhật Bản cho thấy người Nhật cổ xưa thường cài vạt áo bên phía tay trái như Yuet tộc. Một số hậu duệ người Việt cổ ngày nay vẫn còn mang tục 'tả nhậm' ở một vài nơi miền Giang Nam như đảo Hải Nam. Tuy vậy họ dễ 'bị' để ý khi mặc áo theo mốt 'tả nhậm' ra đường. Xem phim hiệp-sĩ đạo của Nhật, ngày nay tái tạo bằng DVD, chúng ta có thể để ý một số samurai cài áo bên phải, nhưng cũng có một số vẫn cài bên trái. Để ý, biệt sắc 'tả nhậm' này ít thấy đề cập đến trong các bài viết về dân Lạc-Việt [Luo Yue] của các học giả Âu Mỹ ngày nay {thí dụ: [12]}.

 

THUẬN TAY TRÁI

 

Tiếng Tàu tả việc 'thuận tay trái' bằng 'tả phiết tử' [zuo pie zi] hay 'dụng tả thủ' [yong zuo shou]. Có thể nói 'tả nhậm' tức việc cài áo bên phía trái, là một thứ kim-chỉ đầu tiên chỉ về hướng 'thuận tay trái' của người Việt cổ. 

 

Thật ra có nhiều thứ dấu hiệu khác cho thấy rất có khả năng có một số đông thuộc các nhóm người Việt-cổ, ngày xưa 'thuận tay trái', hơn tay mặt.

 

Trước hết, một số tộc Việt có tập quán búi tóc đằng sau gáy. Giống như một số tộc người ở Nam Ấn (có lẽ thuộc chủng Môn-KhờMe) [13]. Người Việt ngoài mốt xoã tóc hay để tóc đuôi gà, cũng đã búi tóc từ thời xa xưa. Dấu vết búi tóc có thể tìm thấy trên hoa văn mặt trống của một số trống đồng [14], và có ghi lại nhiều nơi trong bộ 'Thủy Kinh Chú' [10]. Đặc biệt chúng tôi tình cờ phát hiện từ 'Thủy Kinh Chú': Một số người Hoa Nam khi xưa, nếu có búi tóc, họ búi tóc bên phía tay trái [10]. Quyển sách của William Durant [5] về văn-minh Ấn Độ ra đời vào đầu thế kỷ 20 cũng miêu tả một số người Ấn ưa búi tóc phía bên...trái.

 

Quan sát về hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn cho biết có nhiều hình người hay thú vật với chuyển động di dịch, ngược chiều kim đồng hồ (xem hình 1). Nhiều tài liệu nghiên cứu về trống đồng tại Việt Nam (thí dụ: [14]) có vẻ rất thích lối lý giải của bà Colani, người đầu tiên đã tìm thấy văn-hoá Hoà Bình vào đầu thế kỷ trước. Theo lí giải của Colani, hướng đi của người và động vật trên trống, ngược với chiều chuyển động của kim đồng hồ, chính biểu hiệu hướng quay của quả đất quanh mặt trời. Mang hàm ý người Việt cổ biết trái đất hình cầu và xoay quanh mặt trời trước rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Việc quả đất quay chung quanh mặt trời hoàn toàn một ý niệm hết sức mới mẻ ở Á Châu thời đó. Có lẽ không dân tộc nào ở Đông Á biết đến, dù rằng ở xứ Hy Lạp cổ vào năm 240 TCN, Eratosthenes đã bắt đầu ước lượng được chu vi của quả đất. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Hình 1: Mặt trống Quảng Xương (Thanh Hoá ) (trích từ quyển 'Trống Đông Sơn' của Phạm Minh Huyền - Nguyễn văn Huyên - Trịnh Sinh [14]) cho thấy đàn chim và đoàn người (với vật) di chuyển theo ngược chiều kim đồng hồ.  

 

Lí giải của Colani ngày trước có vẻ bị lấn cấn khi các chuyên gia về trống đồng tại Việt Nam cho biết tiếp: 'Ở một vài trống muộn lại có hướng theo chiều kim đồng hồ (trống Chợ Bờ). {Trang 231}. Tức theo Colani, lúc lo đúc mấy chiếc trống đồng đầu tiên, nhà sản xuất cho rằng chiều quay trái đất đi từ Tây sang Đông, tức ngược chiều kim đồng hồ, nhìn từ Bắc Cực. Nhưng vài trăm năm sau, nhà sản xuất lại đổi ý, cho trái đất quay chiều ngược lại, theo sát chiều kim đồng hồ, từ Đông sang Tây. Đại khái trống đồng Đông Sơn có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, kéo đến thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên [18]. 'Trống muộn' do đó có thể mang ý nghĩa những loại trống xuất hiện sau khi nhà Hán bắt đầu tròng ách đô hộ lên xứ Việt cổ, vào năm 111 TCN. Như vậy, có gì liên kết chiều di động của người và vật trên mặt trống, với ảnh hưởng của Hán tộc trên lối sáng tạo mỹ thuật của người Việt cổ hay chăng?

 

Trước khi tìm cách giải đáp câu hỏi trên, chúng ta được biết theo ngành dân tộc học, mô-típ trên trống đồng ghi chuyển động của người và vật, nhất là chim, theo ngược chiều kim đồng hồ, có thể được liên kết với việc 'thuận tay trái' hay 'quen xử dụng tay trái' của người Việt cổ. 'Thuận tay trái' theo hoa văn trên trống đồng có vẻ ăn khớp với hai sự việc khác, trình bày phía trên. Đó là: 'Tả nhậm', tức cài áo với vạt bên tay trái, và 'búi tóc bên trái'. 

 

Vấn đề 'thuận tay trái' hiện vẫn còn một đề tài nghiên cứu khá phì nhiêu [15] của nhiều ngành khoa học khác nhau: y khoa, thần kinh học, dân tộc học, khảo cổ, tâm lý học, v.v. Nhiều danh nhân cổ kim vẫn 'bị' cái nạn 'thuận tay trái': Albert Einstein, George H W Bush, Bill Clinton, Mahatma Gandhi, Julius Caesar, Lee Hsien Loong, Pablo Picasso, Gerald Ford, Leonardo da Vinci, Napoleon Bonaparte, Tôn Tử, Benjamin Franklin, Nelson Rockefeller, John McEnroe, Jimmy Connors, Rod Laver, Pol Pot, v.v.

 

Vẫn chưa có một lý thuyết nào được xem 'chắc nịch' nhất, mặc dù phổ biến nhất vẫn là thuyết về bán cầu phía trái của não bộ. Theo thuyết này, bởi bán cầu trái của não thường tập trung kỹ năng về ngôn ngữ và điều hành động tác bắp thịt, và hễ đầu não nằm ở bên nào thì động tác được điều khiển cho phía bên kia. Do đó nếu phía trái não bộ điều khiển  động tác thì động tác nhận lệnh trực tiếp từ 'trung ương' phải thiên về bên mặt. Những người cổ xúy cho lý thuyết này ưa viện dẫn các thú vật như khỉ đột và đười ươi bởi không có tiếng nói đàng hoàng nên chúng thường thuận cả hai tay. Những vị đứng về phía phản bác thuyết, lại đưa ra bằng cớ rằng không phải tất cả những người thuận tay mặt đều có kỹ năng ngôn ngữ điều khiển từ não bên trái, và nơi chỉ huy ngôn ngữ của những vị thuận tay trái lại biến đổi khôn lường, khi trái khi mặt, và có khi cả hai bên.

 

Lý thuyết phổ biến đứng hàng thứ nhì dựa trên 'di truyền'. Nếu người cha 'thuận tay trái' thì xác suất, tức cơ hội, sinh ra con thuận tay trái chỉ lên đến 10 phần trăm. Nếu người mẹ thuận tay trái, xác xuất con cũng thuận tay trái lên đến 20%. Nếu cả cha và mẹ đều thuận tay trái, cơ hội con thuận tay trái luôn sẽ đến 40%. Đặc biệt trong số anh chị em sinh đôi như đúc, tỷ số thuận tay trái lên đến 1/3 (một phần ba). Nhưng tất cả các thứ tỷ số thuận tay trái vẫn không lên hơn 50:50 để lý thuyết dựa trên di truyền có một chỗ đứng vững chắc hơn. Tuy vậy xác suất 40% con thuận tay trái, nếu cả cha và mẹ đều thuận tay trái, khiến chúng ta có thể chú ý đến giả thuyết cho rằng một số khá lớn người Việt cổ, có khả năng thuận tay trái. Chuyện này có vẻ giống như chuyện người Âu Lạc ngày xưa thường có hai ngón chân cái mang khuynh hướng chĩa xoè bên ngoài, tách khỏi 4 ngón chân kia [19]. Trong thế đứng, với hai bàn chân gần nhau, chân không, và không mang giày Bata hay Nike, người ta sẽ thấy hai ngón chân cái như gặp nhau, như giao nhau. Đó là lý thuyết phổ biến nhất, được bộ Thủy Kinh Chú [10] xác nhận là nguồn gốc của hai chữ 'Giao-Chỉ' (ngón chân giao nhau), tên quận chính của xứ Việt cổ trong thời buổi ban đầu của việc lệ thuộc Bắc phương.   

 

Phối hợp 3 sự việc với nhau: tả nhậm, búi tóc bên trái, và hoa-văn chim bay ngược chiều kim đồng hồ, chúng ta thấy có khả năng một phần khá lớn của một hay nhiều nhóm Việt tộc nào đó ngày trước thuận tay trái hơn tay mặt. Dù rằng khoa dân-tộc-học cho biết con người mang khuynh hướng thuận tay mặt từ thời ngàn xưa - dựa trên những hình chạm vẽ trong động đá, hay những mảnh vụn từ đồ vật do rìu đẽo tạo nên, v.v. - chúng ta vẫn có thể giữ vững luận cứ cho rằng ở miền Hoa Nam có thể có nhiều nhóm Việt tộc có nhiều người (tỉ dụ: khoảng > 25%) thuận tay trái hơn. Bởi ở lý do giản dị: khoa dân-tộc học chưa hề nghiên cứu sâu rộng về vấn đề này đối với các nhóm Bách Việt vào thuở cổ thời. 

 

Tạm chấp nhận như vậy, chúng ta có thể đưa ra một lý giải cho hoa-văn trên trống đồng về di động của người và chim thú, thay đổi từ chiều ngược kim đồng hồ sang chiều thuận. Thuở ban đầu (khoảng thế kỷ 6 TCN): chiều ngược. Muộn về sau: chiều thuận. Lý giải này dựa vào thói quen của Hán tộc, thường chê bai lối tả nhậm của người Việt cổ. Tức sau khi chiếm đóng xứ Việt cổ, rất có khả năng, các quan quân Bắc phương, vốn dị ứng với... tay trái, đã bắt ép dân địa phương tập xử dụng tay phải thường xuyên hơn - mà kết quả sau cùng chính là hoa-văn người và chim trên các trống đồng muộn, di dịch theo chiều y như chiều kim đồng hồ.  

 

NHÀ CỬA

 

Bài tường trình nghiên cứu về người Choang của Gs Jeffrey Barlow [20] có dẫn các tiêu-chỉ do Yu Tianjin và cộng sự đề ra, dùng để nhận diện người Lạc Việt cổ. Trong đó tiêu chỉ thứ 2 chính là: 'Nhà xây dựng trên cột hoặc cọc'.

 

Ở phương diện này, có vẻ giới nghiên cứu tại Việt Nam đã thu thập nhiều dữ kiện phong phú hơn. Trước hết, quyển Mã Lai của Bình Nguyên Lộc [13] cho biết nhà cửa của người Việt cổ có kiến trúc rất giống nhà cửa của người dân tộc tại Việt Nam, cũng như của các dân Mã Lai Á và In-đô-nê-xia. Quyển 'Trống Đông Sơn'  của Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh [14], có vẻ cũng đồng quan điểm như vậy, và thêm rằng kiến trúc nhà cửa của người Điền ở Vân Nam cũng thuộc kiểu nhà sàn, như kiểu nhà tìm thấy ở hoa-văn của trống đồng Đông Sơn.

 

Đặc biệt hơn hết, biệt sắc của kiến trúc Việt cổ khác với kiểu Hoa Hạ, được dàn dựng chung quanh: nóc oằn và mái cong. Theo [13], chính kiểu nhà nóc oằn và mái cong cũng đã lan tràn sang Nhật Bản, trước khi người Hoa mô phỏng lại, và áp dụng tại Trung-Hoa vào thời nhà Đường.

 

Theo [14], dựa trên hoa-văn tìm thấy trên các trống đồng, chính yếu có hai kiểu nhà sàn:

 

'Kiểu thứ nhất là nhà sàn mái cong đã khá quy mô, đầu đao cong vút, hai mái hình thang sát đất và đáy lớn là nóc. Nhà có 4 cột chính, có cầu thang lên xuống. Phần chái nhà được mở rộng nên người ta có thể ngồi dưới đất đánh trống (trống Ngọc Lũ) hoặc là nơi để trống, thạp.' ...

 

'Kiểu thứ hai là loại nhà sàn mái tròn, vững chãi, có sàn thấp, chiếm khoảng 1/4 chiều cao nhà, có từ 4 đến 6 cột, mà có người hiểu lầm là 'những cặp chân'. Đáng lưu ý là chân cột tiếp xúc với mặt đất được làm to bè ra, cho thêm vững vàng. Nhà sàn kiểu này có mái phủ 4 bên và có thể là một loại nhà kho chứa lương thực...'.

 

Kiểu nhà sàn thấp có lẽ là thứ mà quyển Mã Lai [13] đã gọi 'nhà rầm'  để phân biệt 'nhà sàn', hãy còn rất nhiều ở vùng Kinh vào đầu thế kỷ 20. Khoảng cách từ mặt đất lên tới sàn của loại nhà rầm chỉ chừng 6 tấc là cùng. Trong khi nhà sàn khoảng trống bỏ không dưới sàn có thể cao hơn nhiều. Đặc biệt để ý đến loại nhà sàn mái TRÒN thuộc kiểu thứ hai. Truy cập mạng về nhà cửa của người Hẹ tức Hakka, hoặc người Mông Cổ chúng ta có thể thấy kiến trúc nhà cửa của những tộc người zu mục này rất thường có kiểu dáng hình ... tròn [21]. Văn hoá Ngưỡng Thiều (Yang-Shao) [22] cho thấy nhà cổ thời của Hoa tộc cũng có mái hình tròn, tuy rằng thường cấu trúc bằng lối đào đất, và ở dưới mặt đất.

 

VẾT CHÂN NGƯỜI XƯA

 

Nhận diện người Việt cổ, theo thiển ý, cũng có thể được thực hiện bằng cách xem kỹ  mô tả [22] về các cuộc khai quật nền văn hoá xưa cũ, tại các địa bàn Bách Việt, như:

 

-         HEMUDU (năm 5000 TCN) ở Chiết-Giang, với đặc điểm chính là 'lúa nước'. Cũng là nơi tìm thấy đồ gỗ sơn mài sớm nhất.

-         QINGLIAN'GANG (3300 TCN) Bắc sông Dương Tử kéo xuống tận miền Lĩnh Nam bao gồm phía Đông Vân Nam, Quảng Tây, Quí Châu, Giang Tây và An Huy. Trồng lúa, nuôi heo và chứa 2 loại đồ gốm. Xương khai quật cho thấy dấu vết người Đa đảo và chủng Mông-gô-lích.

-         DAWENKOU (4300-2500 TCN) tại Sơn Đông, địa bàn dân Lạc bộ Trãi. Đồ vật khai quật đáng chú ý gồm: rìu chữ nhật bằng ngọc thạch, và bàn tay người chết ưa nắm vài chiếc răng nai. (Để ý một số mường bản vẫn còn thờ con nai, và nai cũng là biểu tượng cho bà Ngu Kơ (Âu Cơ) trong truyền tích Mường).

-         LONGSHAN (2500-2000 TCN) đồ gốm đen, phụ hệ. Nuôi chó, heo, bò. Có thể đã làm đồ gốm dùng kỹ thuật bánh xe.

-         LIANGZHU (3310-2250 TCN) phía Đông Nam giữa cửa sông Dương Tử và      vịnh Hàng Châu. Thời đá mới (muộn), nổi tiếng với ngọc thạch. Có giả thuyết cho rằng di chỉ Liangzhu khi xưa thuộc tộc Hmong (Miêu) hay tộc Yueh [22].

-         MAJIABANG (5000-3000 TCN) Cũng ở tại khu vực cửa sông Trường-Giang (Dương-Tử) và phía bắc vịnh Hàng-Châu. Văn hoá này lan rộng đến bắc Chiết Giang luôn tận đến Giang-Tô. Tức địa bàn của hai nước Ngô và Việt năm xưa. Đặc điểm: trồng lúa và sản xuất đồ vật bằng ngọc thạch.

-         DAXI (4000-2800 TCN) Thuộc thời đá mới, tìm thấy tại khu hẽm núi Wutang thuộc huyện Wushan bên sông Dương Tử (Yang Zi), thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Cư dân xưa có trồng lúa, làm đồ ngọc thạch, và sống quây quần trong những chốn định cư khá kiên cố.

-         SHIJIAHE (3000-2000 TCN) Bên sông Dương Tử, thuộc khu vực tỉnh Hồ Bắc. Tìm thấy đồ gốm, ngọc thạch và đồng. Thời đồ đá mới (muộn).

-         V.v.

 

Những di-chỉ văn-hoá này thông thường cho thấy hiện diện của những tộc người tại Trung Hoa ở thời tiền sử. Trước xa sự hình thành của chủng Hoa-Hạ và các chủng Bách Bộc và Bách Việt. Bách Bộc, theo thư tịch cổ của Tàu (thí dụ: Tả Truyện, Xuân Thu, Nhĩ Nhã) thường dùng để chỉ đám rợ Đông Di với nhiều tộc khác nhau, trước khi họ phát hiện ra đám Bách Việt, mãi về sau. Bách Việt cũng có nhiều biệt sắc rất giống khối Bách Bộc, nhưng ở miền Nam sông Dương Tử.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Hình 2: Vết chân của người Việt cổ trong thời gian từ khoảng năm 1000 TCN cho đến khoảng năm 1000 SCN. Để ý 4 điểm khoanh tròn: 1, 2, 3 và 4. Đường hướng di chuyển thứ nhất của nhóm Lạc từ khu sông Bộc (số 1) theo hướng 1-2-3. Một số lớn dừng lại ở xứ Thục (số 2). Đường thứ hai, từ khu số 1 xuống miền Hoa Nam đi ngang khu nước Sở, xuống An Huy rồi Giang Tây / Quảng Đông. Lộ trình 1 đến 4. Đó chính là hai đường di tản chính của người Lạc thuộc tộc Hák hay Hẹ  (tức Hakka sau này).

 

Nếu chúng ta tạm gác sang một bên tất cả những lý thuyết từ trước đến nay về di chuyển của các nhóm Lạc Việt hay người Hakka (tức Hẹ), kể cả lý thuyết nổi tiếng của học-giả La Hương Lâm [Luo XiangLin], và chỉ chú trọng đến những địa điểm mang tên Luo (Lạc) hay Bộc (Pu) trên nước Tàu, chúng ta sẽ thấy lộ ra những vết chân xưa cũ, từng bị lớp bụi thời gian che lấp, của hành trình dời cư của người Việt cổ. Hoàn toàn phù hợp với lý thuyết đề ra ở đây:

 

Có tất cả 3 nhóm Việt-cổ chính:

·        Âu Việt ở vùng rừng núi phía trong từ khu vực Động Đình Hồ (vị trí khoảng số 4 trong Hình 2) sang qua Tứ Xuyên và xuống phía Nam, khu An Huy / Giang Tây / Quảng Tây / Quảng Đông / Vân Nam.

·         Lạc Việt ở miền biển, từ khu Sơn Đông kéo dài xuống Giang Tô / Chiết Giang / Phúc Kiến và một phần của An Huy và Quảng Đông. Nhóm Lạc Việt ở phía cực Bắc chính là nhóm Hẹ (Hakka) ngày trước mang nhiều tên khác nhau: Bách Bộc, Đông Di, Bộc Việt, Hák, Lạc.

·         Khương Việt ở khu miền Tây, nhất là Tứ Xuyên và Vân Nam. Còn có thể gọi Lạc bộ Chuy và Khương. Cùng với nhóm Thái cổ, Đa-đảo và Nê-gri-tô, tạo nên người bản địa lâu đời nhất tại Việt Nam.

 

Chúng ta có thể để ý:

·        Hai nhóm Âu và Khương, và nhất là các nhóm Hmong-Mien (tức Miêu-Dao) rất có khả năng đã hiện diện trong nhóm Đông Di tức Bách Bộc tại khu Sơn Đông (địa điểm 1 khoanh tròn) trước khi tan hàng chạy đi nơi khác. Dẫn chứng: Ở phía Tây và Tây Nam nước Tàu luôn luôn có các nhóm Di khác nhau. Chữ Yi được viết y hệt như Yi trong nhóm Đông Yi. Vùng Tây và Tây Nam cũng có các nhóm Bộc Việt [Pu Yue], với Bộc viết y hệt như Bộc dùng cho các khối Bộc Việt từng sống bên sông Bộc (Bộc Thủy - Pu Shui) ở khu Hà Nam - Sơn Đông ngày xưa.  Theo [23] người Tàu thời nay dùng Tây Di để chỉ tộc Khương, và Nam Di để chỉ các nhóm Bộc Việt (Pu Yue) ở khu vực Vân Nam - Quí Châu.

·        Nhóm Hmong-Mien tức Miêu-Dao cũng ưa quây quần gần gũi với nhóm Hakka, xưa và nay. Sách vở Trung Hoa hiện đại bởi lỡ kẹt với tiền đề người Hakka là giòng dõi vua chúa thuần túy Hán tộc, nên chỉ có thể viết 'người Hakka thường sống gần gũi với các nhóm Yue (Việt => Thái), Mân (Phúc-Kiến) và Yao (Miêu). [24].'  Họ hoàn toàn không ngờ người Hakka (Hẹ) chính là nhóm (Lạc) Việt tối cổ, khi xưa mang tên Bộc, và được Tả Truyện (của Tả Khưu Minh, đồ đệ của Khổng Tử) xác nhận thuộc khối Đông Di. 

·        Để ý đến hai đoạn đường di tản của người Bách Bộc ghi trong Hình 2: Đoạn từ vùng sông Bộc đến nước Thục (Tứ Xuyên) rồi băng trở lại nước Sở, hoặc kéo xuống Vân Nam & Quảng Tây (1-2-3). Đoạn từ khu sông Bộc kéo thẳng xuống miền Nam, xuyên qua nước Sở (xưa), đi An Huy, rồi Giang Tây và Quảng Đông (1-4).

-         Chiều hướng 1-2-3 chính là chiều hướng của giặc Hoàng Cân tức Khăn Vàng.

-         Chiều hướng 1-4 ăn khớp với đám giặc Hoàng Sào ở cuối đời nhà Đường, rất có khả năng cũng một đám Việt tộc, thuộc hệ Hẹ sau này. Hoàng Sào [Huang Chao] cũng giống như anh em Trương Giác, người gốc Sơn Đông. Thi rớt PhD (tiến sĩ) hàm thụ, Hoàng Sào chuyển  sang nghề buôn muối, làm ăn rất khấm khá. Văn võ song toàn, Hoàng kết hợp với Vương  Tiên-Chi (Wang Xian-Zhi), dùng hậu thuẫn đám nông dân đứng lên chống lại triều đình đang suy thoái của nhà Đường. Nhà Đường dùng quân lính thuộc rợ Sa Đà (Đột Quyết) [25] (tức đám Turkestan ở vùng sa mạc Gobi) đánh dẹp được đám Hoàng Sào. Hoàng Sào đem quân chạy về hướng Nam xuyên qua An Huy và chiếm đóng Quảng Đông. Ít lâu sau họ Hoàng chạy trở về Bắc, chiếm được Lạc Dương rồi Tràng An (năm 880), xưng vua nước Đại Tề (thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tề có địa bàn ở Sơn Đông). Đến năm 883, quân Sa Đà phản công, Hoàng Sào bị thua chạy trở về quê xưa ở Sơn Đông rồi tự kết liễu cuộc đời {Tra internet: Huang Chao uprisings}. 

-         So sánh với 4 đợt di tản người Hakka (Hẹ) từ phía Hoàng Hà, ta thấy các học giả Hoa đã tránh né đề cập hoặc liên kết Đợt 1 với đám Huỳnh Cân, tuy có nhiều nơi họ chịu ghi Đợt 1 di tản của Hakka xảy ra vào cuối thời Đông Hán. Tuy nhiên họ có ghi Đợt 2 là để chạy giặc Hoàng Sào. Nhưng rất ngộ, đường chạy giặc của dân Hakka lại trùng hợp 'y chang' với đường bôn đào của đám Hoàng Sào. Đợt thứ 3 không đáng kể ở đây, thuộc thời Nam Tống kéo đến đời nhà Minh (thế kỷ 12 đến 14). Đợt thứ 4 cũng vậy, lúc đó người Hẹ năm xưa (Bách Bộc) đã trở thành người Hakka, di tản ra ngoài Trung Quốc và xuyên các tỉnh ở Hoa Nam để chạy giặc Mãn Thanh, hoặc đám Thái Bình Thiên Quốc, chống đối nhà Thanh, dưới lãnh đạo của người Hakka tên Hồng Tú Toàn) [26]. Tóm lại: phát hiện của chúng tôi cho thấy Đợt 1 và Đợt 2 của luồng sóng dời cư của người Hakka ăn khớp với hai đám loạn mang nặng mùi Việt-tộc: Hoàng Cân và Hoàng Sào [27].

 

Chúng ta hãy để ý đến hai từ Lạc và Bộc, và quan sát thông thường: tộc người dời cư ưa mang tên sông núi ở nơi cũ đặt cho chốn mới.

 

(i) Khu vực chung quanh sông Bộc Thủy [Pu Shui] [Pu: hoặc đôi khi, ] nguyên thủy chính là cái rốn của dân Lạc Việt thuộc đám zu mục Đông Di ở Sơn Đông. Sông Bộc nguyên thủy xưa nằm gần thành phố Bộc Dương tức Puyang [30] ngày nay, và Puyang (tỉnh Hà Nam) chính là kinh-đô 'nước Tàu' thời huyền sử của vua Xuyên Húc (còn được 'phiên-thiết: Chuyên Húc - [Zhuan Xu]), một trong 5 ông vua thánh của Trung Hoa, như: Đế Khốc, Đế Thuấn, Nghiêu, Hoàng Đế. Rất tiếc sông Bộc nguyên thủy ngày nay không còn nữa do ở những cơn lũ lụt lớn từ sông Hoàng Hà. Một số sông khác, từ những dạo dời cư của người Bách Bộc,  tiếp tục mang tên gọi 'Bộc', như ở khu vực Tứ Xuyên (tức nước Ba, nước Thục xưa), hay ở tận Vân Nam, bên kia ranh giới Hoa-Việt. Sông Bố Bộc ở Tứ Xuyên chảy gần Thành Đô và có đi qua 'Việt Tủy'. Còn sông Bộc ở Vân Nam theo Thủy Kinh Chú [10] chảy vào đầm Điền Trì ở Côn Minh rồi nhập vào sông Lao Thủy (Lan Thương), tức Mêkông. Khu sông Bộc ở Tứ Xuyên có rất nhiều người Hakka [31], và sông Bộc ở Vân Nam có rất nhiều người Pu Yue (Bộc Việt), cũng được gọi Nam Di.

 

(ii)  Sông Lạc, (Lạc = [Luo] ), nổi tiếng hơn bởi đó chảy qua thành đô của nhà Đông Hán. Theo thiển ý sông Lạc chính là địa bàn nguyên thủy, ngay từ thời huyền sử, của hai tộc Âu Việt và Lạc Việt, bởi có rất nhiều chi tiết cho biết quân nước Sở nhiều lúc phải đi bình định các rợ 'Lạc' ở phía Bắc tỉnh Hồ Bắc bây giờ [10]. Dân Lạc Việt cư ngụ tại khu sông Lạc trước khi đến sông Bộc, hoặc rải rác từ khu vực Lạc Thủy đến Bộc Thủy. Có vài con sông khác cũng mang tên Lạc. Thí dụ: sông Lạc ở Tứ Xuyên, và Sơn Đông. Điểm chúng ta cần để ý, tại bất cứ chỗ nào có tên Bộc, chúng ta cũng thấy có địa điểm khác mang tên Lạc hoặc 'Việt' - hay ngược lại. (Thí dụ: một sông Lạc chảy ngang qua khu Bộc Khẩu. Sông Lạc khác đi qua 'Việt Tủy'). Đặc biệt có con sông ở Sơn Đông, ngày nay viết theo chữ LẠC (Lạc Thủy), mang nghĩa 'vui tươi' / 'an-lạc'. Nhưng từ điển tiếng Tàu cho biết sông Lạc này cũng có thể được phát âm như: PU tức Bộc, và ... YUE tức Việt.

 

Một số tài liệu internet chữ Hoa, cho biết, ngoài những chi tiết khác:

- Thị tộc mang tên Bộc có di dân sang Hồ Bắc rồi Tứ Xuyên.

- Tả Truyện của Tả Khâu Minh đã xác định: Bách Bộc Chi Tộc = Đông Di (xưa ở Hà Bắc, Hà Nam & Sơn Đông).

 

Ngoài ra quyển Mã Lai [13] cũng có ghi chỉ số sọ của dân Sơn Đông gần giống với chỉ số sọ của người Việt Nam nhất trong các thứ chỉ số sọ của người Hoa ngày nay.

 

TẬP TỤC VỀ SEX

 

Sự thật, có thể các thói tục về bản năng duy trì nòi giống, thường gọi nôm na thời nay là SEX, mới đập mạnh vào mắt người Hoa, trong việc nhận ra khác biệt giữa tộc Việt và tộc Hoa, vào các thời đại xa xưa. Thủy Kinh Chú [10] ghi lại một số các sự việc như sau:

- Ở quận Chu Nhai, phía Đông Bắc Hải-Nam, thuộc Quảng Đông: 'Nhân dân có khoảng hơn 10 vạn nhà, đều là những giống người khác lạ, xoã tóc, xăm mình. Con gái phần nhiều tướng mạo đẹp, làn da trắng trẻo, tóc dài, tóc mai đẹp. Trai gái tụ tập với nhau như loài dê, loài chó, không chịu giáo hoá về đạo đức'.  

 

Đặc biệt từ điển của Đào Duy Anh và của Lê Ngọc Trụ đều có ghi thành ngữ bất hủ, ngày nay chính người Hoa cũng đã quên mất:

'Trên Bộc trong dâu', tức 'Bộc thượng tang gian'

 

Ghi lại thói tục về Sex, về trai-gái, hết sức tự nhiên, phóng túng của người xưa (Đông Di) trên bãi sông Bộc, hay trong ruộng dâu gần đó, ở nước Trịnh và Vệ vào thời Đông Chu Liệt Quốc xa xưa. Hoàn toàn không kiêng kị theo kiểu 'Nam nữ thụ thụ bất thân'. 

 

Khác biệt về thói tục luyến-ái cũng đã được phản ánh qua các tập tục thờ âm và dương vật tại rất nhiều nơi trên thế giới {Tra Internet: phallus worship}, nhưng có lẽ thiếu thốn nơi Hoa tộc. Tập tục thờ Âm & Dương vật (Yoni-Linga) rất phổ biến ở thời xa xưa. Từ Ai Cập, Hy Lạp đến Bắc Âu. Nhất là tại Ấn Độ. Ở đó tập tục này được thể hiện qua thần Shiva - vị thần tàn phá hủy diệt. Tại các cộng đồng Bách Việt ngày xưa, tập tục này được liên kết với việc cầu nguyện cho sự sinh nở. Đến thế kỷ 20 vẫn còn tồn tại ở nhiều bộ lạc miền đồi núi của người dân tộc ở Thái Lan và nhiều nơi ở Hoa Nam, và cả ở Đông Dương (thí dụ: xem [13], [28]).

 

Thường thường, người ta có thói quen liên kết các nét văn hoá hay tập tục với ảnh hưởng tôn giáo. Thí dụ: lề lối 'đạo đức' của người Hoa được xuất phát từ giáo lí Khổng Mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên để ý rất có thể những vị như Khổng Tử, Phật Thích Ca, thiên sứ Mohammed, thật ra chỉ hiện thức cho có hệ thống, và thêm thắt vào đó một số điều hay đẹp họ đã thiên khải, hoặc phát kiến được, trong những lúc xuất thần hay thiền định - trên một nền tảng văn hoá đã sẵn có, hay những tập tục mà những tộc người đó đã có trước đó cả nghìn năm.  

 

N.N.

Tháng 2, năm 2006

 

GHI CHÚ

 

[1] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại-Việt Sử-Ký Toàn-Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật  hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite.

[2] Kiều Văn (tuyển soạn) (2002) Giai-Thoại Lịch-Sử Việt-Nam - (Bộ 2 Tập). Nxb Văn-Hoá - Thông-Tin

[3] Deutsche Presse-Agentur, M&C Science & Nature (23 January 2006).

[4] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn - Văn Minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội.

[5] Will Durant {Nguyễn Hiến Lê  dịch} (1989) Lịch Sử Văn Minh Ấn-Độ. Nxb Lá Bối 1971. T & T tái bản (Califormia - Hoa-Kỳ).

[6] http://www.ancienteastasia.org/special/sandaichronology.htm

[7] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie.

[8] (i) Đánh nhau giữa Tây Âu và Tần được ghi lại đầy đủ trong bộ Hoài Nam Tử của Lưu An. Chính sử chỉ biết về sau, nhà Tần thiết lập nên 3 quận lớn: Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận ở bên kia vùng biên giới Việt-Hoa bây giờ.

(ii) Lý Ông Trọng có lẽ một trong những người Việt đầu tiên làm quan lớn trong xã hội Hoa tộc. Ông Trọng người to lớn dị thường. Bất mãn với quan lại địa phương, ông bỏ làng ra đi lưu lạc đến nước Tần. Ở đó ông đầu quân cho Tần Thủy Hoàng và nhanh chóng được phong quân hàm 'Tư lệ hiệu úy'. Sau đó ông được Tần Thủy Hoàng ký sắc lệnh bổ nhiệm làm tư lệnh miền Tây (khu Cam Túc) để chống giữ đất Lâm Thao, chống quân Hung Nô. Khi về hưu, ông trở về quê cũ, làng Chèm (huyện Từ Liêm, Hà nội ngày nay). Tần Thủy Hoàng nhiều lần gửi email triệu ông về Bắc không được. Có lẽ bởi ông thay đổi địa chỉ i-meo, hay i-meo của Tần bị tường lửa gạc bỏ hết. Thất vọng, Tần Thủy Hoàng mới đặt thợ làm một tượng hình ông bằng đồng, đem đặt trước cổng thành Hàm Dương. Để dọa khỉ quân Hung Nô. Kết quả rất tốt: quân Hung Nô cỡi ngựa từ xa trông thấy tượng Lý Ông Trọng uy nghiêm, được cử động bằng máy điện toán do binh lính điều khiển, tưởng thật, đâm sợ và tìm cách thoái quân lập tức. Để ý: Ông Trọng mang họ Lý, một họ rất phổ biến ở miệt Sơn Tây - Sơn Đông, và trong cộng đồng người Hakka hay người Hmong (Miêu). Và Ông Trọng không có khó khăn gì hết về vấn đề ngôn ngữ bất đồng với ông Chính (Tần Thủy Hoàng).

[9]http://www.gotheborg.com/glossary/glossaryindex.htm?http://www.gotheborg.com/glossary/data/nosecups.shtml

[10] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa tiếp nhau soạn từ thời Tam Quốc (220-265), chuyên về miêu tả sông ngòi, núi non khắp nước Tàu, kéo đến xứ Lâm Ấp ở trung-bộ nước Việt Nam ngày nay, kèm với các điển tích lịch sử xa xưa.

[11] Như đã nhiều lần nhấn mạnh, 'man di' chỉ là một lối miêu tả rất chủ quan về các 'ngoại tộc' mà người ta biết rất ít về họ. Sự thật, rất nhiều công cuộc khai quật gần đây cho thấy những di-chỉ như Hemudu hay Daxi hay Majiabang, hoặc các địa điểm ở miệt Vân Nam, nằm trọn trong khu vực Hoa Nam, mang dấu vết những nền văn hoá sáng chói của các tộc Bách Việt. Có khi còn hơn cả văn hoá Ngưỡng Thiều của Hoa tộc. Những địa điểm phát triển kinh tế bậc nhất nước Trung Hoa ngày nay, đều nằm trong các địa bàn của các đám Đông Di hay Nam Man hoặc Tây Nhung ngày xưa. Có lẽ chỉ trừ Quảng Tây với khu rừng núi khá rộng lớn của người dân tộc Choang.

[12] Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture. http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html

[13] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ).

[14] Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh (1987) Trống Đông Sơn. Nxb Khoa Học Xã Hội.

[15] Thuận tay trái: http://hcs.harvard.edu/~husn/BRAIN/vol2/left.html

        http://www.his.com/~pshapiro/left.handed.html

        http://abcnews.go.com/Technology/story?id=498707&page=1

        http://en.wikipedia.org/wiki/Left-handed

        http://home.entouch.net/dmd/mankind.htm 

        http://home.highpoint.edu/%7Ebblatchl/essay/RightBrainLeft.html#cerebral

[16] Tự vị của Huình Tịnh Của và của Lê Ngọc Trụ có lẽ là hai quyển tự vị hiếm hoi tiết lộ hai từ Việt cổ dùng để chỉ 'mặt (phải)' và 'trái', tuần tự, là 'đăm' và 'chiêu'. Từ 'đăm chiêu' tiếng Việt chuyển ý thành 'lưỡng lự / phân vân': 'đăm chiêu tư lự' hay 'đăm chiêu suy nghĩ'. Đăm và Chiêu thật ra là những từ 'thuần bản địa', có cùng gốc gác với các thứ tiếng Môn Khmer và Mường: [đăm] hay [spaM] và [chi?iaw]. Đặc biệt, 'Đăm' lại có vẻ mang ảnh hưởng của tiếng Tàu: [đắc] phát âm kiểu Hẹ: [det] hay Ngô-Việt: [đă?], viết như: mang nghĩa: phải, đúng. Cũng có thể gần gũi với 'đúng' tiếng Tàu đọc như [dui]: . Ngoài ra cũng có thể để ý lối viết thật giống nhau (chỉ khác có một nét đánh xuống bên trái) giữa từ [you] => hữu (bên phải), và [shi] => thạch. Từ điển của Lau Chun-Fat & Kai-hui Chang cho biết chữ [shi] có một âm cũ không kể đến thinh, là [dan] tương đương với âm quốc-ngữ [đăm], tức 'bên mặt' hay 'bên phải'. 

[17] Gốc gác 'Mặt' (Phải) và 'Trái' ra sao?

    * Tiếng Tàu thông dụng cho 'bên Mặt' hay 'bên Phải' chính là [you] tức [hữu] . Hẹ và Hải Nam có thể đọc [ziu].  [Mặt]: mang cùng gốc với tiếng Nhật [Migi]. Có thể xuất phát từ [mu]-4 quanthoại  , tương đương với [mok]{Hàn} hay [muk]{Hẹ}, với nghĩa nguyên thủy: bên 'Mặt' của lăng mộ tổ tiên. 'Mặt' cũng giống các từ chỉ 'bên phải' của các tiếng đa đảo: [Matau]/{Fiji} hay [tauMatau]/{Samoa}. 'Phải' có vẻ phức tạp hơn nhiều, nghiêng về ý nghĩa: đúng, thật, chính, sửa chữa. Có thể bắt nguồn từ những động từ có phát âm như [fei]{quanthoại} hay [phil]{Hàn} 拂  hoặc: [pet]{Hẹ} hay [bat]{quảng-đông} hay [pit]{Mân} cùng mang nghĩa 'sửa sai cho phải, cho đúng'. Tiếng Mã Lai là: [tePat].

    * [Tả] là tiếng Tàu thông dụng chỉ bên Trái. Âm quan-thoại là [zuo], Hakka: [tso] rất giống [tả] và [trái]. 'Trái' tiếng Việt mang cùng gốc với 'Sai'. 'Sai & Trái' (đọc kiểu Bắc) chính là âm Hẹ, Quảng Đông, hay Quan-thoại, tuần tự: [tsai], [tsaai], hay [chai]-4:  . Tiếng Tàu còn một từ khác cũng dùng chỉ 'sai trật': , phát âm như [tsuo]4 {quan-thoại}, [tsok] {Hẹ} và {Quảng-Đông}, hay [tsho] {Ngô-Việt}. 

[18] Trống đồng tìm được tại Việt Nam, do ở: Hoặc những vụ khai quật, hoặc những ông Tây thời tiền chiến đã mua lại từ các gia đình 'vọng tộc' như quan-lang hay thổ-lang, trong các cộng đồng người Mường.

[19] Hai ngón chân cái chĩa ra ngoài có thể gây nên bởi việc thường xuyên đi lại chốn đầm lầy, bờ sông bờ biển, trơn trợt. Keith Weller Taylor trong quyển luận án tiến sĩ về cổ sử Việt Nam {The Birth of Vietnam (1983) University of California Press}, lại đưa ra một thuyết có vẻ mới về nguồn gốc của hai chữ 'Giao Chỉ'. Theo đó người dân ở vùng Lĩnh Nam ngày xưa ưa ngủ chung một đám với nhau trong thế nằm gần nhau theo vòng tròn, đầu ở phía ngoài, và chân giao nhau ở phía trong, gần tâm điểm vòng tròn.

[20] Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture. http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html

[21] http://en.wikipedia.org/wiki/Hakka_architecture 

http://www.pilotguides.com/destination_guide/asia/china/hakka_tribe.php  

http://www.bootsnall.com/articles/01-09/the-transsiberian-railroad-from-beijing-to-moscow-russia.html

[22] http://www.ac.wwu.edu/~kaplan/eas201/201-03.pdf

       http://spp.pinyin.info/abstracts/spp017_yue.html

       http://en.wikipedia.org/wiki/Longshan_culture

       http://www.mnsu.edu/emuseum/cultural/oldworld/asia/liangzhu_culture.html

       http://en.wikipedia.org/wiki/Majiabang_culture

       http://travelchinaguide.com/river/yangtze_attraction/qutang/daxi_culture.htm

       http://www.chinaculture.org/gb/en_artqa/2003-09/24/content_39179.htm

       http://stickyrice.itgo.com/hmongchina.html

       http://www.wujiaquan.com/his.htm

       http://depts.washington.edu/chinaciv/archae/2dwkmain.htm

       http://archaeology.about.com/od/cterms/g/civilization.htm

[23] Chiêm Toàn Hữu - Lý Tinh Ích (hiệu đính) (2004) Văn hoá Nam Chiếu Đại Lý. Bản dịch: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Hương Giang, Phan Minh Thanh. Nxb Văn Hoá Thông Tin.

[24] http://www.bookrags.com/history/worldhistory/hakka-languages-ema-02/

        http://www.kepu.net.cn/english/nationalitymse/han/200312240028.html

[25] Nguyễn Hiến Lê (1996) Sử Trung Quốc. Nxb Văn Hoá. (Bộ 2 quyển)

[26] Để ý hai chữ 'Thái Bình' được dùng ở cả đợt 4 (Hồng Tú Toàn) và đợt 1 (Hoàng Cân). Cũng như hai màu 'đỏ' và 'vàng' rất phổ biến trong các tộc Hoa và Việt. VÀNG: Hoàng Hà, Hoàng Đế, Hoàng Cân, Hoàng Thổ (đất loess), màu vàng của mạng Thổ, v.v. ĐỎ: Hồng Hà, màu Đỏ chỉ hướng Nam trong thuyết Ngũ Hành, Xích Quỷ, Xích Địch, Xích Đế (tổ-tiên của Lưu Bang). Hai màu này là hai màu chính trong các lá cờ cho đến ngày nay. Cũng có thể để ý tính cách ‘đồng dạng’ của hai từ chỉ SÔNG: [Hà] và [Giang]. Ở Trung Hoa: Hoàng Hà và Trường Giang (hay Dương Tử Giang). Ở Việt Nam: Hồng Hà và Hương Giang. Hà và Giang, tại 2 nước nằm vào vị thế ‘đồng dạng’ với nhau.  Xin nhấn mạnh: Ghi chú [26] này nhằm mục đích tản mạn, tán rộng thêm mà thôi.

[27] Xin để ý tương quan thời gian giữa Lý Bí và nhóm Hoàng Cân, Lý Công Uẩn và nhóm Hoàng Sào: (i) Sử Việt biết rõ vua Lý Nam Đế, tức Lý Bí người khởi quân giành độc lập vào năm 543, có tổ tiên 7 đời trước mang gốc gác từ bên 'Tàu'. Tính nhẩm, ta thấy 7 đời tương ứng với khoảng đầu thế kỷ thứ 3, đúng vào lúc đám giặc Hoàng Cân tan hàng chạy về Tứ Xuyên và những nơi khác. (ii) Giặc Hoàng Sào tan hàng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9. Có sự trùng hợp nào đó chăng khi ta thấy một vị tướng họ Lý có tổ tiên thờ Xy Vưu (một lãnh tụ ở vùng Sơn Đông thời xa xưa, quê hương của Hoàng Sào) đã đứng lên 'đảo chính' ấu vương con của Lê Ngọa Triều, vào khoảng 200 năm sau khi loạn Hoàng Sào tan rã bên Trung Hoa.

[28] http://www.britishexpat.com/Life___Sex_in_History.583.0.html

       http://www.studio925.com/phallus.htm

[29] Lê Quý Đôn (1726-1784) Vân Đài Loại Ngữ (1773). Tạ Quang Phát dịch. Nxb Văn Hoá Thông Tin (1995). Trọn bộ 3 tập.

[30] Người Hoa ưa xem thành phố mang tính 'Dương' khi nó nằm phía Bắc một con sông, hay phía Nam một ngọn núi. Bởi các sông chính ở Trung Hoa thường chảy từ Tây sang Đông. Thí dụ: Lạc Dương => thành phố nằm phía Bắc sông Lạc, kinh đô nhà Đông Hán. Tuy nhiên cũng có nhiều ngoại lệ về 'Âm & Dương' theo vị thế bờ sông. (Xem [29]).

[31] Đặng Tiểu Bình có gốc người Hẹ từ Tứ Xuyên, xứ có đồ ăn rất cay nóng. Bình Nguyên Lộc [13] có học qua tiếng Hẹ từ những người Hẹ gốc Tứ Xuyên. Từ đó ông nhầm lẫn Tứ Xuyên là địa bàn nguyên thủy người Hakka (Hẹ), rồi cho rằng người Hẹ chỉ là đám dân quân của Thục Phán (An Dương Vương).

[32] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM.

[33] Phạm Quỳnh (1997) Hành Trình Nhật Ký. Nxb Ý Việt (France) tái bản.

[34] Từ điển của Ts Lau Chun-fat & Kai-hui Chang và ê-kíp:

http://chinalanguage.com/cgi-bin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&hakka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent

[35] Thí dụ: Thuyết luân hồi, ý niệm về 'nghiệp', về 'bất nhị', v.v.  đã có tại Ấn Độ cả ngàn năm, trước khi đức Phật Gautama ra đời [5].

 

Nguyên Nguyên