Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (18):

Phần 1: Ảnh hưởng của chủng Thái

 

Nguyên Nguyên

 

Như đã đề cập trong một bài trước, có thể tìm thấy rất nhiều chứng cớ hỗ trợ cho luận thuyết trình bày ở đây bằng cách đọc lại những bộ truyện Tàu xưa, hay sách vở của giới học giả Việt Nam xuất bản vào ngày trước, kèm theo một số nhận xét khách quan và chút ít tính tò mò hiếu kỳ.

 

Thí dụ, đọc quyển 'Khổng Tử' (551-479 TCN) của Nguyễn Hiến Lê [1], chúng ta thấy một vài điểm khá đặc biệt như sau:

 

(a)   Những 'nước' Khổng Tử đã từng bôn ba đi tìm minh chúa để phò tá, chỉ tập trung lòng vòng các tỉnh ở phía Đông (Bắc) ngày nay, như: Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Tây.  Ngày trước là những nước: Trịnh, Vệ, Trần, Thái, Lỗ, Tấn, Triệu, v.v., từng có rất nhiều bộ tộc 'rợ' thuộc khối Đông Di và Bắc Địch, tiền thân các tộc người ngày nay mang những tên như: Thái, Trần, (Lạc) Việt, Hẹ, Miêu-Dao, v.v.

(b)  Nước Thái (xem bản đồ) có thể bao gồm các tộc Thái cổ, bà con gần với các bộ lạc miền trong nước Tàu tại các khu vực như: Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam và Lưỡng Quảng. Dân chúng ở 'nước' Trần cũng có thể  là những người thuộc tộc Lạc Việt bởi vua đầu tiên của họ thuộc giòng 'Đế' Thuấn (vua Thuấn, viết theo văn phạm tiếng Việt, 'Đế' trước 'Thuấn'), Mạnh Tử từng cho thuộc tộc Việt, và chữ Trần viết y hệt như họ Trần (Chen) của người Phúc Kiến, hay nhà Trần, họ Trần tại Việt Nam.

(c)  Có lần Khổng Tử bị 'cấm vận' lương thực tại nước Thái. Thầy trò đói meo. Môn sinh hỏi: 'Người quân tử cũng có khi cùng khốn ư?'. Khổng Tử đáp: 'Người quân tử có khi khốn cùng là lẽ cố nhiên'. Theo Khổng Tử, phép trị nước cũng cần: - Ngồi xe nhà Ân. - Đội mũ miện nhà Chu. - Nhạc thì theo nhạc vũ Thiều. - Dùng lịch nhà Hạ. Sở dĩ Khổng Tử đề nghị nên dùng lịch nhà Hạ bởi lịch nhà Hạ rất tiện cho nhà nông: tháng Dzần (tháng thứ 3 ngày xưa) => Giần (tức Giêng), được dùng như tháng 1, bắt đầu cho năm. Trong khi lịch nhà Chu dùng tháng Tý (tháng 11 bây giờ) là tháng 1, theo y như chu kỳ 12 tháng con Giáp. Lịch nhà Ân dùng tháng Sửu (tháng 12 ngày nay) là tháng 1. Lịch ngày nay bắt đầu tháng Giêng (Giầng) do đó bắt nguồn từ đề nghị dùng lịch nhà Hạ, của Khổng Tử [15].

(d)  Có những lúc, Khổng Tử chán nản muốn sang miền Đông sống với đám Cửu Di (tức Cửu Lê hay Cửu Li), hoặc lên tàu di tản ra hải ngoại. Có người can: 'Các nơi đó bỉ lậu làm sao ở được?'  Khổng Tử đáp: 'Người quân tử đến đó ở, (giáo hoá họ) thì còn gì bỉ lậu nữa'.  Nói đến đám rợ Di-Địch, Khổng Tử vinh danh Quản Trọng, tể tướng của Tề Hoàn Công: 'Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công, khiến Hoàn Công làm bá chủ các chư hầu, thiên hạ qui về một mối, nhân dân đến ngày nay còn mang ơn ông. Nếu không có ông thì ngày nay đã phải gióc tóc, mặc áo có vạt bên trái, như người Di - Địch rồi'. 

Việc tán dương công trạng của Quản Trọng cho thấy suýt một tí nữa văn minh nước Tàu có thể đã phát triển theo một đường hướng khác, do những người có thói tục gióc tóc, và mặc áo với vạt áo bên trái, chỉ đạo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Hình 1: Bản đồ (theo [1]) cho thấy khu vực Khổng Tử bôn ba tìm job, thật xứng với khả năng, lòng vòng ở phía Đông, địa bàn khá tập trung của các bộ tộc Đông Di [15].

 

Đọc tiếp Nho-Giáo của Trần Trọng Kim [2], ta thấy rõ một biến chuyển tiếng Việt: Chữ 'tôn' trong 'Tôn giáo' 宗 , hay 'tôn chỉ', cho đến thời thập niên 1950's vẫn được gọi 'tông': 'Tông giáo', 'tông chỉ'. Âm [tông] 宗  theo sát với các âm Hán và Bách Việt: [zung] Hẹ/Quảng, [zong]-quanthoại, [tsong]-Ngô-Việt, và [chong]-Phúckiến. [Tông] lột mất [g] thành [Tôn], [tông giáo] => [tôn giáo], chỉ xảy ra trong vòng 20 năm.

 

Bây giờ xin xem qua một vấn đề, thoạt xem có vẻ rất tầm thường, nhưng thật ra không kém quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc tộc người Việt Nam. Đó là: 'nguồn gốc dấu ngã ~'.

 

1.     Nguồn gốc của Thinh dấu ngã ~

 

Hiểu được nguồn gốc thinh dấu ngã [ ~ ], chắc chắn sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tổng kết truyền thuyết Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân. Sở dĩ dấu ngã dấu hỏi và bao nhiêu ngộ nhận 'chính tả' thường xuyên xảy ra từ thập niên 50's ở thế kỷ trước mãi về sau, là do ở việc thiếu sót kiểm chứng tiếng nói của hằng chục sắc dân nội địa lẫn các tộc người láng giềng chung quanh. Kiểm chứng với tinh thần hết sức khách quan, không bị ám ảnh bởi các tiền đề - thường sai trật - do những học giả Âu Mỹ dựng lên, hay các thư tịch cổ của Tàu, hoặc những bộ sách sử, các truyện tích u linh hoang đường, của những bậc tiền bối, hoặc nhà Nho ngày trước ở nước Nam.

 

Những ai theo dõi tiến trình hiện-đại-hoá tiếng Hán đều biết rõ lý do bên ngoài người Hoa đưa ra để giữ vững các thứ từ cũ, thay vì theo mốt ráp vần kiểu mẫu tự Latinh a-b-c, như loại romaji của tiếng Nhật, hay phiên-âm pinyin tiếng Tàu, là sử sách và văn chương thi phú nước họ chứa toàn các thứ từ đó. Nếu bỏ đi, để theo mốt a-b-c, cả một truyền thống văn hoá hết sức to tát lại phải đi vào bảo tàng viện thì quá uổng và dân tộc họ không biết phải bám víu vào một nền tảng nào để sinh tồn và phát huy tiến bộ như ngày nay. Đó thật ra chỉ là một lý do bên ngoài, không đi vào tâm điểm của bí quyết thành công người Hoa, trong việc nhào nặn thành một khối tộc người hợp chủng của một quốc gia đang vươn đến địa vị một cường quốc ở thế kỷ 21. Lý do sâu xa bên trong, mà người Hoa, Thái, Nhật, Hàn, Khmer, Lào, Myanmar [31], v.v. với lòng quyết tâm, đã  gìn giữ nguyên vẹn lối viết chữ cổ truyền của tổ tiên, không để kiểu chữ a-b-c xâm lấn, nằm ở một nguyên lý hết sức cơ bản nhưng có vẻ rất ít học giả Tây phương chú tâm đến. Đó là: Một hệ-thống phiên-âm (kèm theo lối ráp vần) dựa theo mẫu tự a-b-c, chỉ có thể phiên âm được một, và chỉ một phương ngữ mà thôi. Nói một cách khác, nếu tiếng Hoa 'bị' hoàn toàn phiên âm theo mẫu tự a-b-c, tiếng Hoa theo chữ viết sẽ có trên 1000 kiểu đánh vần ráp vần khác nhau, tả-pín-lù. Đó là chưa kể đến số thinh, tức 'tone', hay phát âm theo dấu. Mỗi một phương ngữ có một số thinh với thanh âm trầm bổng khác nhau. Phương ngữ nào do đó cũng bị cái nạn sai chính tả hết. Nhưng nếu giữ y như hiện nay, với hệ thống pinyin (phiên âm) chỉ dùng cho quan-thoại mà thôi, tiếng Tàu vẫn mang được nét thống nhất, một cách viết cho hằng trăm hằng ngàn phương ngữ khác nhau. Bất chấp số thinh kiểu thinh của từng phương ngữ. Không có nạn sai chính tả. Xuyên luôn qua Nhật, Triều Tiên, Taiwan, Singapore, và tất cả cộng đồng người Hoa trên thế giới.

 

Một lý do khác không kém quan trọng: Điểm đặc-trưng nhất của Hoa-ngữ khác với các thứ tiếng dựa vào a-b-c, là Hoa-ngữ đặt trọng tâm ở chữ viết bao gồm những ý niệm, dựa theo hình vẽ, nhại âm, hay miêu tả sự vật của người xưa. Thí dụ: 'Cây' {[mu]} viết rất giống hình vẽ: . Hợp hai chữ [mu] lại ta có: [lin](lâm)=rừng . Hợp 3 chữ [mu]= mộc   lại với nhau sẽ cho ra [sen]= sậm, rậm, trong nghĩa 'rậm rạp', 'rừng rậm' dày đặc cây và lá.

 

Xin dẫn chứng thêm:

 

(a)   Xin để ý đến nước láng giềng In-đô-nê-xia, có đến 3000 đảo lớn nhỏ, một xứ cũng được người Hoà Lan tạo dựng chữ viết dùm. Tiếng In-đô là một thứ tiếng đa-âm với một thinh duy nhất, dùng phương ngữ Bahasa tại Jakarta như lối phát âm chuẩn. Mặc dù tiếng Bahasa là tiếng chuẩn, nhưng tiếng ấy vẫn khác với giọng và tiếng của hằng trăm phương ngữ khác, nhất là khác với tiếng Sundanese ở phía Tây của cùng đảo Java. Luôn luôn có nạn sai chính tả đối với cả những vị có học vị cao, nhưng tiếng mẹ đẻ thuộc phương ngữ khác với kiểu Jakarta.

(b)  Tiếng xứ chùa Tháp Cam-bốt, được người Pháp phiên âm ra a-b-c dùm. Nhưng cuối cùng không được dùng. Gần đây một nhà ngữ học cho biết lối phiên âm của Tây đã biến âm [w] ra âm [v], nhưng không thành công. Người ngoại quốc học tiếng Khmer học bằng chữ [v] nhưng người bản địa phát âm như [w] [3].

(c)  Tra cứu các Hán Tự tự điển trên internet, hoặc bằng các quyển sách 'thứ thiệt', nhất là các thứ cho phương ngữ như Hakka, Thượng Hải, Quảng Đông, v.v. ta thấy luôn luôn hệ thống phiên âm pinyin chỉ được dùng cho tiếng quan-thoại mà thôi. Những phương ngữ khác không thể dùng pinyin, bởi rất nhiều lý do, trong đó có vấn đề âm đầu âm cuối, và các thinh khác với kiểu quan-thoại. Thí dụ: tiếng Hakka có lối phiên âm mới do ts Chun-Fat Lau phát triển. Tiếng Quảng Đông theo kiểu Yale, kiểu Jyutping, Sidney Law, v.v. Hoàn toàn không theo, hay đúng ra: không thể theo, hệ thống pinyin (phiên âm) dùng cho tiếng quan-thoại.

(d)  Một điểm đặc trưng của các phương ngữ tiếng Hoa, có thể lan tràn sang tiếng Việt, là các thinh của họ không tiếng nào giống tiếng nào. Riêng mỗi từ, trong cùng một thứ phương ngữ, thường có những thinh-âm khác nhau tùy theo từng vùng. Nhất là tiếng Hẹ, quan-thoại và Quảng-đông. Thí dụ trong tiếng Việt: 'thâm' mang nghĩa 'sâu', xuất xứ từ tiếng Tàu [shen]. Tiếng Việt chứa rất nhiều 'thinh' cho từ [thâm]: Thinh 'ngang' cho [thâm] & [sâu], thinh 'nặng' cho [sậm], thinh ngã cho [sẫm]. Những từ khác: [đỉnh] v [đĩnh], [ngả] v [ngõ], [dải] v [dãy], [rưởi] v [rưỡi], [khoảng] v [quãng], và rất nhiều cặp từ khác nhiều bậc tiền bối về quấc ngữ như J. Génibrel, Guatave Hue, Cordier, Huình Tịnh Của, v.v. vẫn thường xuyên không đồng ý nhau. Những từ này khi viết thành thứ chữ Nôm hay Hán, có thể chỉ dùng 1 kiểu viết mà thôi. Thinh của tiếng Ngô-Việt, với 'đại diện' là tiếng Thượng Hải lại vô cùng phức tạp: Họ chỉ có hai thinh, trầm và bổng, (và nhiều từ với tắc âm màng họng), với biến thái hết sức phức tạp mà chính những người Thượng Hải với học vị thật cao, nhưng không phải thuộc ngành ngôn-ngữ, vẫn có thể mù mờ không quán triệt được, mặc dù họ vẫn xử dụng nhuần nhuyễn hằng ngày.

(e)  Bất cứ một học viên tiếng quan-thoại nào cũng có thể thấy, sau một thời gian chừng 1 năm học tiếng quan-thoại, lối đánh vần tiếng Tàu bằng mẫu tự a-b-c theo pinyin của họ có thể đúng 'chính tả' hơn đa số người Hoa, kể cả những người từ phía Bắc chung quanh Beijing. Chúng ta cũng có thể để ý hằng triệu người Hoa, dù có học vị rất cao ngày nay, nếu không thuôc ngành dạy tiếng Hoa cho người ngoại quốc, thường ngọng, tức đánh vần không được chuẩn, khi xử dụng pinyin (phiên âm theo a-b-c) để ký âm Hoa ngữ theo mẫu tự Latinh. Đối với những vị này, thông thường họ viết tiếng Anh tiếng Nga đúng 'chính tả' hơn là viết tiếng mẹ đẻ của họ (tiếng Tàu) theo kiểu pinyin.

(f)     Bởi phiên âm một ngôn ngữ hay phương ngữ dùng mẫu tự a-b-c luôn có những chuyện lấn cấn như vậy, giới ngữ học Tây Phương mới tạo ra những ký hiệu phiên âm quốc tế, thường gọi phiên âm theo cách IPA. Nhưng dù vậy, để ý các phương ngữ hay ngôn ngữ tuy có dùng một số ký hiệu cơ bản giống nhau, nhưng luôn luôn có nhiều ký hiệu không-cơ-bản khác với nhau. Điều này mặc nhiên xác nhận thứ nguyên lý về ký âm đã đề ra phía trên: Một hệ-thống phiên-âm (kèm theo lối ráp vần) dựa theo mẫu tự a-b-c, chỉ có thể phiên âm được một, và chỉ một phương ngữ mà thôi.Và chỉ gần đúng chứ không được hoàn hảo như chính thứ chữ do dân tộc đó tự sáng chế.

 

Truy tầm nguồn gốc dấu ngã dẫn chứng sau đây hy vọng sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

 

Trước hết xin để ý 'Thinh' hay 'Thanh', là phiên dịch của 'tone' tiếng Anh, mô tả nguyên lý nếu thay đổi thinh trên cùng một chữ, ý nghĩa của chữ sẽ thay đổi theo: 'tư' không dấu mang nghĩa 'riêng tư', số 4. Cho dấu huyền thành 'từ' (thinh huyền), có thể mang nghĩa 'từ giã', 'chữ', sẽ khác với 'tư' mang thinh hỏi: 'tử' = chết. Và sẽ khác với 'tư' mang thinh nặng: 'tự' = chùa, hay 'tự do'. Cho dấu sắc, thành 'tứ' = số 4, ý tứ. Những thứ tiếng dùng đơn âm như Hoa ngữ và Việt ngữ có khuynh hướng dùng 'thinh' để phân biệt hai từ khác nhau, nhưng có cùng một 'đơn-vị-âm' như nhau. Thí dụ, các chữ: từ, tử, tự, tứ, có 'đơn-vị-âm' là 'tư'. Tiếng Thái: đơn-vị -âm [kaow] => cơm, gạo. Nếu cho vào thinh dấu hỏi (hay ngã) sẽ thành [kaỏw] => màu cơm, tức 'màu trắng'. Cho thinh giống dấu huyền tiếng Việt sẽ sinh ra [kaòw] => tin tức.

 

Bài giảng của các nhà ngôn-ngữ học cho biết thinh là một dải 'micro' âm (vi-âm), hợp liền, liên tục với nhau, với mỗi một vi-âm giống như một nốt nhạc, nhưng thời gian phát âm rất ngắn. Thông thường, một thinh bao gồm 2 vi-âm. Thinh hỏi hay ngã có thể lên đến 3 hay 4 vi-âm. Thinh tắc-âm màng họng [?] phát giữa [uh] và [oh] khi nói nhanh [uh-oh], chỉ mang 1 vi-âm thật ngắn. Mỗi vi-âm mang cường độ thấp cao, theo mức thước từ 1 đến 5. Mức 1 chỉ âm trầm nhất, mức 5, cao bổng nhất. Thí dụ: thinh số 2 quan-thoại (thượng thinh) thường được biểu diễn bằng [214] tức: âm từ mức 2 xuống 1, xong cất lên mức 4. Đại khái giống như dấu huyền trước, theo sát bằng dấu sắc. Rất giống dấu hỏi [?] tiếng Việt. Thinh dấu sắc {'} tiếng Việt: [35], tức bắt đầu ở mức 3, cất lên đến 5. (Xin xem bài giảng của James Campbell về 'thinh' trong các thứ tiếng Hoa [4]).

 

Đặc biệt ta để ý, lối ký âm thinh theo mức độ hỗn hợp từ 1 đến 5, cho mỗi ngôn ngữ hay phương ngữ cũng thường khác nhau tùy từng nhà nghiên cứu, tùy từng địa phương, và tùy kiểu phát âm mỗi người. Nhưng tổng quát cũng có thể rất giống nhau, và sắp xếp được thành từng loại thinh riêng biệt với nhau. Thinh dấu hỏi tiếng Việt theo Campbell được biểu diễn bằng [214?], tức từ mức 2 xuống 1, lên 4 rồi tắc âm [?]. Giống dấu huyền tiếp nối bằng dấu sắc. Theo Campbell, dấu ngã biểu diễn rất giống dấu hỏi, nhưng tắc âm nằm giữa: [2?5]. Dấu nặng: [21?], tức mức 2 xuống 1, rồi tắc đột ngột [?].

 

Thế thinh (dấu) ngã tiếng Việt xuất phát từ đâu? Lê Ngọc Trụ [6] có lẽ người đầu tiên đã dẫn Henri Maspero cho biết có một số đông người Thái [7] chỉ có thinh dấu ngã - chứ không có dấu hỏi - và thinh ngã của họ tương đương với thinh hỏi của tiếng Việt:

- [h-nõ] => nở.    - [h-yũ] => ở.     - [phõng] => phỏng.

 

Gần đây Jerold Edmondson [5] cho biết trong nhiều phương ngữ tiếng Tàu, chỉ có dân Côn Minh (thủ đô của Vân Nam - Yun-nan) có một thinh rất giống dấu ngã tiếng Việt. Nhưng họ chỉ có một thinh ngã mà thôi. Ta cũng cần quan tâm đến các nhận xét sau:

 

a)      Tiếng Thái-Lan có tất cả năm (5) thinh. Trong đó có một thinh chung cho dấu hỏi và ngã (Việt). Một số người Thái phát âm như dấu hỏi, nhưng cũng có một số khác phát âm như 'ngã'. Nhưng chính thức, nằm chung vào 1 thinh. Nhiều trang mạng tiếng Thái cho thấy phát âm thinh kiểu trầm-bổng nối tiếp này, khi giống dấu hỏi tiếng Việt khi lại giống dấu ngã. Nhưng tựu trung chỉ có một thinh duy nhất. Điểm đáng tiếc: nhà ngôn-ngữ học say mê tiếng Thái, thông thường Âu-Mỹ, lại không chú tâm đến tiếng Việt. Nhà ngôn-ngữ học chuyên về tiếng Tàu lại ít biết đến tiếng Côn Minh, tiếng Thái, và tiếng Việt.

b)     Người Thái-Lan ngày nay nhìn nhận tổ tiên họ xuất phát từ xứ Nam Chiếu xưa, tức Vân Nam ngày nay. Tất nhiên cũng bao gồm các tộc người Thái khác ở khu Quảng Tây và Quảng Đông. Ở những nơi đó, dấu hỏi được xử dụng nhiều hơn dấu ngã. Thường mỗi một bộ tộc gốc Thái-cổ xử dụng hoặc toàn dấu hỏi, hoặc toàn dấu ngã.

c)     Tiếng người Tày Nùng tại Việt Nam, cũng chỉ có 5 thinh. Tuyệt đối không có thinh ngã, mà chỉ toàn thinh hỏi. Thí dụ: 'chữ' tiếng Việt - họ phát âm [chử]. Người Tày Nùng cũng mang cùng tộc gốc là Thái cổ - như số lớn người Vân Nam. Chữ [Tày] thật ra chỉ là một biến thái của [Thái] hay [Dai] phiên âm theo Âu-Mỹ.

d)     Người Mường, thuộc chủng Thái-cổ chủ lực, giống như người Việt ở phía Bắc có phân biệt hai thinh, hỏi (?) và ngã (~). Nhưng tiếng Mường cũng chỉ có 5 thinh, không có thinh dấu nặng [21?]. Sở dĩ tiếng Mường và tiếng Việt chung quanh bình nguyên sông Hồng có hai thinh hỏi ? và ngã ~, là bởi họ có sự góp phần của tộc người Thái-cổ thuộc hệ Côn-Minh (Vân-Nam), những người chỉ xử dụng thinh dấu ngã -  ngoài những tộc người, giống như Tày-Nùng, chuyên xử dụng chỉ một dấu hỏi. Để ý trong các thinh của phương ngữ tiếng Hoa khác, thông thường cũng chỉ có một thinh 'uyển chuyển' duy nhất chứ không có cả hai thứ hỏi (?) và ngã (~).

 

Như vậy, dấu ngã (~) trong tiếng Việt không phải mang xuất xứ từ các tộc Lạc Việt ở miền biển Đông, mà lại từ tộc người bản địa lâu đời nhất nhì tại xứ Việt cổ: Người Thái-cổ, thuộc hệ chung quanh thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam ngày nay.

 

Xin xem tiếp những ảnh hưởng khác của chủng Thái-cổ trong tiếng Việt.

 

2.     Sơ lược tiếng Thái, Quảng Đông, Mường, và Tày-Nùng

 

Nhắc lại bên kia biên giới Hoa-Việt, vào cổ thời chính là điạ bàn của chủng Thái. Khi đó họ thường tự xưng chủng Âu hay Thái. Rất nhiều nước thuộc về chủng Thái này, từ xưa đến giờ chúng ta thường nhầm lẫn, cũng giống y như người chủng Việt (Nam). Bởi người Tàu ngày trước gọi chung các chủng rợ đặc biệt ở phía Nam sông Dương Tử là khối Bách Việt. Đụng thứ gì họ cũng gọi là Yueh (Việt) hết. Hoặc đôi khi họ gọi chủng Lạc. Rồi lẫn lộn Lạc Việt với Âu Việt, và Âu nhầm với Lạc và Việt, lộn xộn với nhau. 

 

Khó khăn và lộn xộn xảy ra bởi ngày xưa từng cặp: Thái (Âu) và Việt (Lạc), Thái (Âu) và Hmong-Mien (tức Miêu-Dao), đặc biệt Hẹ (Bộc Việt / Lạc Việt) và Hmong-Mien, Thái (Âu) và Mân Việt (Phúc Kiến), v.v., ưa sống gần gũi, hoặc có địa bàn đan xen với nhau. Nhưng đặc biệt tiếng chủng nào, tuy mang ảnh hưởng tiếng của chủng láng giềng thân cận, vẫn giữ y nguyên tiếng chủng đó, sau trên 2000 năm.

 

Chủng Âu (Thái) chiếm vùng đất phía trong ngay trục thẳng đứng đối chiếu với nước Việt Nam trên bản đồ. Chủng Âu tức Thái-cổ bao gồm tộc người xưa ở nước Thục (khu Trùng Khánh - Tứ Xuyên), nước Sở (Hồ Bắc - Hồ Nam), Dạ Lang (Quí Châu), Điền Việt (tức Nam Chiếu, Đại Lý, hiện nay: Vân Nam), Quảng Tây và Quảng Đông, ngày nay. Riêng khu Quảng Tây, giáp giới với Vân Nam ở thời Chiến Quốc là một 'nước' rất kiên cường mang tên Tây Âu. Nổi tiếng nhất ở thời Xuân Thu Chiến quốc chính là nước Sở. Một nước ban đầu được xem như vùng đất của rợ, nhưng về sau trở nên văn minh hùng cường suýt chút có thể lãnh đạo thống nhất nước Tàu. Đến thời cực điểm, Sở Trang Vương được xếp vào hàng 'võ lâm Ngũ Bá' cùng với Việt Vương Câu Tiễn, Tề Hoàn Công, v.v. 

 

Chủng Lạc (Việt) chiếm vùng gần biển, kéo dài từ khu vực Sơn Đông tận sông Hoàng Hà đến phía nam tỉnh Phúc Kiến (tức Mân Việt thời xa xưa). Ngoài ra còn có một nhóm 'du mục' rất kiên cường xuất xứ từ vùng sông Hoàng Hà, sông Bộc, gọi Bách Bộc hay Bộc Việt [8] [9], thường có mặt trên nhiều chiến trường thời Xuân Thu. Chúng tôi cho rằng chính nhóm Hẹ đã được biểu tượng bằng Lạc Long Quân, bởi chữ Hẹ ngày xưa viết ra y hệt như họ Lạc của Lạc Long Quân. Cũng thường được gọi: 'Lạc bộ Trãi'. Nhóm Hẹ cũng là thành phần nòng cốt của hai đám loạn nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa: Hoàng Cân và Hoàng Sào. Về sau những tộc người Lạc này di dân vào định cư 'tạm' ở vùng Đông Nam nước Sở, và ở miền Tây (Tứ Xuyên) và Tây Nam (Vân Nam / Quý Châu). Chúng tôi cũng đã ghi nhận: Sau khi đám Hoàng Cân tan rã chừng 200 năm tại xứ Việt cổ có ông Lý Bí tức Lý Nam Đế dấy quân nổi lên chống lại thế lực đô hộ Bắc phương. Tương tự, khoảng 2 thế kỷ sau đám Hoàng Sào, ở An Nam, Lý Công Uẩn bắt đầu dựng nên thời đại huy hoàng của nhà Lý (1010-1225 SCN). Ngày trước, họ Lý rất phổ biến trong đám Đông Di ở khu vực Sơn Đông. 

 

Truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân chính là câu chuyện di tản hằng khối của hai chủng Âu và Lạc, chạy trốn chủng Hoa, đi sang một địa bàn sinh sống mới. Đầu tiên với dụng ý hợp nhập lại thành 1 chủng mới để chống trả với Hoa chủng. Nhưng ước mơ ban đầu nhiều phen đã đưa đến thất bại. Y hệt như tình vợ chồng giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân, sau cùng cũng dẫn đến phân ly.

 

Phân ly đầu tiên: Phong kiến phương Bắc sau khi thôn tính Nam Việt, tách rời chủng Thái ra khỏi chủng Việt. Chủng Thái phía Bắc trở thành Quảng Châu. Chủng Việt (đa số) phía Nam đặt tên: Giao Châu.

 

Phân ly thứ hai: Chủng Âu tại Giao Châu có một số người không chịu được thống trị của Hoa chủng, kéo nhau trở về địa bàn rừng núi xưa cũ. Ở đó họ hội nhập với các sắc dân bản địa lâu năm như người Négrito, người Melanesian (cùng gốc dân hải đảo), người Môn-Khmer, và trở thành người Mường. 'Mường' nguyên thủy là một từ tiếng Thái mang nghĩa 'người (Thái)'. Lâu ngày trở thành 'mường bản', 'làng mạc', 'đô-thị'. Tiếng Thái ngày nay vẫn còn từ [Mwàng] mang nghĩa 'đô-thị'. Nhóm chủng Lạc (đa số) ở lại miền đồng bằng ven sông biển, cùng với nhóm Thái biến chuyển được, trở thành người Kinh. Đặc biệt xin nhấn mạnh, trong số người dân tộc như Mường cũng có thể có hiện diện của chủng Lạc gốc. Đặc biệt các nhóm Lạc Việt ở miền biển, nhất là nhóm Mân (Phúc-kiến) với âm đầu chữ [B] thay cho âm [V] quốc-ngữ: Vạn (10000) => ban (bjạn) => Muôn {xem [19]}. Và trong số người Kinh cũng có thể vẫn có người chủng Âu (Thái cổ) chọn lựa ở lại (với dấu tích ở dấu 'ngã ~'). Y hệt như hai đám con của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Đám nào cũng mang hai giòng máu, Âu và Lạc.

 

Phân ly thứ ba: Thử thách qua nhiều thế kỷ của chủng Thái từ xứ Nam chiếu, bằng cách đánh phá nước Nam, với mục đích chính xin 'đoàn tụ' hai chủng trở lại, đã bất thành. Nhất là vào thời Tiết Độ Sứ Cao Biền đem quân bình định nước Nam Chiếu, vào cuối thế kỷ thứ 9. Để ý trên nhiều trận chiến giữa quân nước Nam và Nam Chiếu, người 'Thổ Man', tức người Mường, ưa đứng về phía bên Nam Chiếu. Bởi họ cùng chủng với nhau. Đến khi sức ép của Bắc phương (Mông Cổ / nhà Nguyên) càng ngày càng nặng nề khốc liệt. Cuối cùng dân Thái ở Nam Chiếu đành theo vết chân người xưa, tràn qua chiếm vùng đất phía Nam, thành lập nên Lào và Xiêm La (Thái Lan), vào thế kỷ 13. Hai chủng Thái - Việt vĩnh viễn phân ly. Ăn khớp với cuộc chia tay giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân.

 

Khi quan sát về ảnh hưởng chủng Thái, cần nhớ không phải bất kỳ người chủng Thái (Âu) nào cũng đi theo bà Âu Cơ đi về miền rừng núi, rồi trở thành người Mường. Ngược lại, rất có thể có một số đông tiếp tục hợp chủng với chủng Lạc và trở thành người Kinh. Điển hình, nước Nam đã có nhiều nhà lãnh đạo tài ba và triều đại huy hoàng gốc Mường (tức Thái cổ) như: Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lị (tức Lê Lợi), v.v. [11]. Ảnh hưởng ngôn ngữ Thái (cổ) trong tiếng Việt rất sâu đậm. Ngược lại ảnh hưởng ngữ ngôn của chủng Lạc trên khối người Mường (hiện nay trên 1 triệu người) cũng rất đậm nét.

 

Xin xem qua một vài nét đại cương:

 

1.       Tiếng Thái Lan có 5 thanh điệu (dấu) => Tiếng Mường cũng 5 thanh điệu. Nhưng tiếng Việt có đến 6 thanh điệu (thêm dấu NẶNG). Tiếng Tày-Nùng cũng có 5 thinh, giữ thinh Nặng, nhưng không có thinh Ngã (~).

2.       Tiếng Thái Lan, tiếng Mường, tiếng Quảng Đông đều KHÔNG có phân biệt âm [SH] và âm [X]. Cả 3 thứ tiếng của cùng một chủng gốc Âu đều chỉ có 1 âm [X]. Trong khi chủng Việt (Nam) mang ảnh hưởng nhóm 'Bộc Việt' xuất phát từ các khu vực miền Hoa Bắc nên giống quan thoại, có cả âm [SH] và [X]. Điểm này sẽ giải thích tại sao rất nhiều nơi ở Bắc Bộ người Việt thường không phân biệt [X] và [S] (tức 'sh') trong cách phát âm: 'Bổ sung' ưa phát âm như 'bổ xung'. Bởi những nơi đó chắc chắn có rất nhiều người gốc Thái cổ hay người Mường cư trú. Thí dụ: Suy nghĩ => Mường: Xy Ngĩ. Sửa soạn => Mường: Xứa xãn.

3.       Tiếng Thái Lan cổ xưa cũng có khuynh hướng không có [R]. Âm [R] được 'bổ sung' bằng những âm [J] xưa cũ, hoặc âm [L], nhất là khi ảnh hưởng Tây phương trờ tới. Ở Việt Nam, thể hiện qua chữ quốc ngữ. Y hệt như tiếng Quảng Đông, tiếng Mường, Việt ngữ và ... tiếng Hẹ. Thí dụ: Rượu, người Mường đọc 'Rão', xuất từ [jiu] quan thoại, và [jẩu] quảng đông, [txiu] tiếng Triều Châu (Phúc Kiến). Từ [txiu] sinh ra [tửu] người Bắc Bộ phát âm như [tỉu]. Nếu để ý, như đã trình bài trong loạt bài 'chữ Nôm & quốc ngữ', âm 'iu' và 'ou' (hay 'ao') ưa biến chuyển qua lại với nhau trong các phương ngữ Bách Việt (tức Hoa Nam), ta có từ Thái chỉ rượu là [Lao]: R <=> L: giống Mường [Rão]. Âm [ao] biến sang [iu] sinh ra [Rượu] đọc theo giọng Bắc: [rịu]. Rượu (Việt) <=> Lao.(Thái) => Rão (Mường). Tương tự [L] và [N] cũng ưa hoán chuyển với nhau y như tiếng Quảng Đông: Tiếng Thái của động từ 'to float' (nổi) là [Loi], cho biết rất rõ [L] nhảy qua [N] như tiếng Quảng Đông, y như tiếng Việt: 'Anh nàm (làm) gì thế?'.

4.       Hệ thống đếm của tiếng Thái có số đếm rất giống số đếm tiếng Quảng Đông:

        Việt:         Một    Hai     Ba    Bốn     Năm    Sáu          Bảy    Tám      Chín    Mười

        Mường:  Môch  Hal    Pa     Pươn   Đăm    Khẩu    Páy    Thảm   Chỉn   Mươl

        Thái:        nung   song   sam    si        ha        hok      jet        paet     kau     sip

        Q Đ:       yat        yi        sam     sei      ung      luk       chat     băat     gau     sap

       

        Để ý: Số 2 Thái gọi [song]. Tương đương tiếng Quảng: [song] hay [leung] (lưỡng).

        Trong khi đó, tiếng Mường có vẻ vẫn còn mang hai ảnh hưởng. Thứ nhất: ảnh

         hưởng hệ đếm số 9 của thời cổ đại (xem bài '18 đời Hùng Vương). Thứ hai: ảnh   

         hưởng tiếng Việt cho tên gọi các số đếm.

5.       Ảnh hưởng ngôn ngữ bà con giữa Thái / Quảng Đông / Mường, còn được thể hiện qua:

(a)   Cả 3 thứ tiếng không có âm giống [Z]. Riêng Mường vì là Thái cổ, sống chung và hợp chủng với Việt (Lạc) và cũng có thành phần Lạc nằm trong, cho nên có chứa âm [Dz]  như kiểu người Bộc Việt (Hẹ), hoặc Hải Nam (Hải-Nam cổ= Miêu + Lê). Con dzê => quốc ngữ viết là 'dê'. Xut Dả <= sụt Giá. {D <=> Gi}

(b)  Quảng Đông và Thái đều không có âm 'V', như 'đi về', mà chỉ có âm 'W': 'Wir' (về). Thái: Wong Klom => vòng tròn. Wang => vọng => mong. Quảng Đông: Wân Nam => Vân Nam. Mường cũng vậy. Thời xa xưa cũng không có âm 'V', mà chỉ có âm [W]: con Way => Việt cổ: con Woi => con Voi (quốc ngữ). Ngoài việc thay thế âm chữ 'W', chữ 'V' trong quốc ngữ được dùng kí âm thay phát-âm theo kiểu Phúc-Kiến (Mân), Mường, Nam bộ, Chăm-pa, đôi khi Hakka, thành như [B] (xem [19]). Khi thay thế 'W', chữ 'V' trong quốc-ngữ cho thấy ảnh hưởng của các nhóm Lạc Việt xưa thuộc khối Đông Di ở Sơn Đông. Tại đây, nhất là trong cộng đồng người Hakka (Hẹ), người ta luôn dùng 'V' thay cho 'W' của các thứ tiếng Hoa khác: aWan => vân (mây). Wang => vãng. Wang => vọng. Nhưng, khi 'W' bước sang phương ngữ Mân (hay Mường / Nam bộ) lại chuyển thành [B]. Tương đương với một số âm [M] tiếng Quảng Đông, tiếng Thái (xem [19]). Giống như hỏi-ngã, người Mường có cả 3 thứ: [V], [W] và [B]. Bà vợ = bà byợ. Ông byua = ông vua. Bải = vái. Con way = con voi. Wan nài = van nài.

(c)  Đặc biệt tiếng Mường cho thấy một số ảnh hưởng trên phát âm Nam Bộ:

- Một số âm ngày nay ký âm bắt đầu bằng [V] ngày trước có 2 âm: [W] và [By] ký âm theo IPA là [Bj]:

* [W]: xiêu wẽo => xiêu vẹo // wã lây => vạ lây // wiệc=> việc // wan nài=> van nài // wàng lá => vàng lá // con wè => con ve // va-li (valise) => wa-li (hoa ly => Hồ Biểu Chánh).

* [B]: ông b(j)ua => ông vua // bãn => vạn (muôn => [maan] QuảngĐông) // bỗi bàng => vội vàng. // bjiết => viết // bỡi lãi => với lại // bải => vái. Lạc Việt cũng có âm gốc ở dạng [Bi] biến đổi thành [V]quốcngữ: [Biak] Hẹ => [Bjách] (Nam) => Vách (quốcngữ).

- Phát âm Nam Bộ của những âm như 'hoa' hoàn toàn dựa theo Mường: [wa]. Thí dụ: sinh hoạt=> xinh wat / hiền hoà => hiền wà / hoà hoãn=> wà wãn. / chịu oan => chĩu wan / hoan nghênh => wan ngênh / hoa-ly => wa-ly (va-li).

- Tiếng Mường cũng có [mần] = [làm] (việc), y hệt kiểu Trung & Nam bộ.

- Phân biệt âm cuối giữa [cúC] và [cúT] hoặc âm cuối [N] [20] cũng không rõ rệt giữa các phương ngữ Mường, Tày Nùng, và Nam Bộ: ngoch (M) => ngọt // maích tjã => mát dạ // môch (M) => một // cốch => cốc // hao pớch => hao bớt // roch (Trung Bộ) => ruột // liênh => lêN // miềnh (Trung Bộ) => mình //  cho điênh => cho nêN //  noọng (T-N) = em // loỏng (T-N) = lóng // pja coòng= cá ngạch // moong = xám. Tiếng Tày Nùng [noọng] và [moong] có phát âm rất giống Nam bộ, mặc dù có thể viết theo quốc-ngữ: 'nọn' & 'mon'.

(d)  Phát âm Mường cũng cho thấy 2 kiểu đặc thù Nam Bộ như sau:

(i) Phát âm 3-âm thành 2-âm-nhập-1: duyên (quốcngữ) => diên / chuyến => chiển / tri huyện => tli wiễn.

(ii) Đặc biệt 'ba mươi' biến thành 'băm' như trong: 'băm sáu' = 36, cũng có tương đương trong tiếng Mường: [păm] => Năm nay nả vừa đủng păm khẩu = Năm nay nó vừa đúng băm sáu (tuổi).

Số Năm {5}, đặc biệt người Bắc bộ thường phát âm như 'dăm': dăm ba mái nhà. 'Dăm' xuất xứ từ tiếng Mường [đăm] (= 5). Ký âm theo kiểu quốc tế đã dẹp bớt âm phụ [j] tức [y] theo ngay sau [đ]: [đjăm] (5). [Đjăm] theo kí âm dựa trên nguyên lí 'cặp tối thiểu', sẽ lột mất [j] cho ra [đăm]. Nhưng trong tiếng nói có thể sẽ cho ra [Jăm] => [Dăm] [18].

(e)  Thái / Quảng Đông / Mường đều có âm [Y] như trong 'Yeung Gui Fei' (QĐ), bua Yịt Yàng (Mường: vua Việt chủng màu Yàng), Ya (Thái: dược, thuốc men). Tiếng Việt phía Bắc mang khuynh hướng của một nhóm lớn của Hẹ chuyên zùng âm [Z] hay [Dz] cho [Y]. Trong khi phía Nam vẫn giữ âm [Y] của nhiều phương ngữ tiếng Hoa và của tiếng Lưỡng Quảng, tiếng Mường..

 

Sau đây, xin liệt kê bảng đối chiếu các từ Việt, Thái, Quảng Đông hiện tại để xem những dấu vết dư âm xưa cũ.

 

Việt

Thái

Quảng Đông

Ghi chú

Đơn độc

dod dio

daan duk

Thái: dod dio, có âm giống: độc đơn

Than (coal)

than

than

3 thứ tiếng y hệt. Để ý âm /TH/

tròn

klom

yuen

klom => tròn, yuen => viên

rễ (root)

rak

gan

gan => căn. Âm c <=> g

ho

ai

khaat

khaat => khạc nhổ *

trái

sai

juo

juo => tả. Nhật: hidari

măt (phải)

khwa

yau bin

yau => hữu. Nhật: migi. A Kha: amá

vô (mậu 無 )

mai-mii

mou (không có)

Mường: [mao]. qt: wu, Mân: bo

Mây (vân)

mek

wan

Quảng Đông giống Mã Lai: aWan

(cá) mực

(pla) mưk

maak-yu

pla= cá= pja (Tày Nùng). Mặc墨 [17]

Sắc (màu)

si

sik

Color

xài

chai

tsai / yong

chai = xài tiền= dùng đồ vật **

cơm

kow

fan

thời cổ xưa – gần âm 'phàn' ***

dược (thuốc)

ya

yeuk

để ý âm /d/ tương ứng /y/

la (lừa)

la

la

Donkey - con la (lừa)

sương mù

mok

mo-o

Fog

hy vọng

wang

hèi mong

mong (Việt) => Quảng Đông

 

CHÚ THÍCH

* Việt: Ho => Thái: Ai. Chuyển biến âm giữa Ho => Ai, giống y như giữa: Hai => Ôr, Ê, Ơi, quan thoại 'Er' (=2). Số 2 tiếng Việt mang gốc từ tiếng Myanmar cổ: [Er](Hơ) & [hnyi] phản ánh qua tiếng Mã Lai ngày nay: [Hai] <=> Ơi (ơi ới). [Er] và [Hnyi] sinh ra tiếng quan-thoại [Er] & quảngđông [Nhị] = 2. Để ý tiếng Việt thu nhập 'khạc' rồi mang vào nghĩa hơi khác với một từ tương đương 'Ai' dành cho 'Ho'.

** Cần phải để ý đến điểm này - rất quan trọng. 'Xài' trong tiếng Việt mang hai nghĩa: Xài tiền', và 'Xử dụng đồ vật', 'dùng đồ vật'. 'Hôm đi chơi Thái Lan, anh đã xài hết bao nhiêu?' hoặc: 'Anh đã xài chiếc xe hơi nầy được bao lâu rồi, mà bây giờ mới tính bán cho tôi?' Tiếng Thái cũng Y HỆT như vậy. Từ điển ghi rõ, 'Chai' = spend money, xài tiền. 'Chai' = Use, xài đồ vật. Điểm độc đáo đi sâu vào văn hoá dân tộc, một từ cùng mang 2 nghĩa trong hai thứ tiếng cho thấy hai dân tộc chắc chắn đã từng sống bên nhau, hoặc có tình bà con chị em với nhau vào thuở cổ thời. Thí dụ khác: 'Yue' (nguyệt) trong tiếng Tàu vừa mang nghĩa 'Tháng' vừa mang nghĩa 'mặt trăng' (y như: bulan, Mã Lai). Thoạt nhìn tửơng tiếng Việt có 2 thứ 'tháng' và 'mặt trăng'. Nhưng từ tiếng Thái chỉ 'mặt trăng' là /Duan Jan/. 'Duan'  chuyển thành 'Tháng' và 'Jan' chính là 'Giăng', là Trăng. Tiếng Việt trước hồi quốc ngữ là Bulăng (y như tiếng Mã Lai), chuyển qua 'Blăng', rồi quốc ngữ biến /L/ thành /R/: Blăng => Brăng => Trăng. Giống như: Blời => Tlời (Mường) => Trời (Việt).

*** Đây cũng là từ độc đáo. 'Cơm' mang hai nghĩa: 'gạo nấu chín' và 'bữa ăn'. Thí dụ: 'Nồi cơm chưa chín mà anh đã dọn bàn rồi' / Cơm= gạo nấu chín, và 'Anh chị đã ăn cơm tối chưa?'  / Cơm= bữa ăn. Tiếng Thái có từ 'Kow' có âm sinh ra 'Cơm' và 'Gạo' tùy theo cách phát âm gần giống. Và ‘KOW cũng vừa mang nghĩa ‘cơm/gạo’ vừa nghĩa ‘bữa ăn’.

Đặc biệt, từ chỉ 'Gạo' của tiếng Mã Lai là PA-ĐI. Từ 'Pa-đi' đã sinh ra tiếng Anh Paddy, như paddy field: ruộng luá [12].

Người dân tộc Rhađê => Pơ-đai.  Gia-rai => Pơ-đai.  Chăm => Pơ-đai.

Mường => Pơ-đuông (cũng dùng từ ‘cơm’ như Việt)

Mường chịu ảnh hưởng đơn âm của Tàu nên bỏ bớt 'Pơ' còn lại 'Đuông' => sông Đuống.

Người Quảng Đông (có gốc Thái cổ) cũng bỏ bớt một âm, nhưng âm cuối của 'Pa-Đi' còn lại 'PA'. Theo thiển ý, [PA] sinh ra [Pan], rồi tiến đến [Phàn] không bao lâu.

[Phàn] cũng mang 2 nghĩa: cơm và bữa ăn. 'xik fan' = ăn cơm, 'chow fan' = cơm chiên

Tiếng Quan Thoại cũng vay mượn tương tự: [mi fan] = cơm. [fan dian] = tiệm ăn.

**** Ảnh hưởng của đóng góp dân hải đảo (Melanesian) cũng có thể tìm thấy qua số ngữ vựng thông thường. Thí dụ: Bên mặt (phải) tiếng Fiji gọi: Matau, rất giống 'mặt' tiếng Việt. Tương tự, tiếng Tonga: taoMatau. Trễ (muộn) có âm giống tiếng Tahiti: Taere, v.v.

***** Những ai đã học tiếng Thái đều thấy tiếng Thái rất giống tiếng Việt. Từ cú pháp, văn phạm, đến cách xử dụng thì quá khứ và tương lai. Giống như nhận xét của (Đại tá) Henri Roux [14]

 

3.  Những dấu tích khác của chủng Thái cổ

 

Điểm đặc trưng nhất trong mọi công trình khảo cứu về người Mường, cũng như về An Dương Vương Thục Phán, từ xưa đến nay không bao giờ dám xác nhận người Mường (hay Thục Đế) thuộc đích chủng nào. Một tình trạng ngập ngừng kéo dài khá lâu.

 

Ta cũng để ý giới nghiên cứu Á Châu nói chung, với lòng ngưỡng mộ và kính trọng hãy còn đó, có vẻ vẫn chưa đủ tự tin đế cáng đáng những công trình nghiên cứu quan trọng. Nhất là đi đến những kết luận trái với thứ tiền đề các tiền bối Tây Tàu đã đưa ra. Bên Tàu, họ loay hoay tìm nguồn gốc người Hẹ hằng chục năm, vẫn chưa có kết quả, trong khi bị 'lậm' với thứ tiền đề sai trật: Đám Lạc bộ Trãi đã tuyệt tích giang hồ, biến mất từ lâu. Ngược lại, chúng tôi mạo muội cho rằng Lạc bộ Trãi không có biến mất đâu hết. Họ chính là tiền thân của người Hakka (Hẹ) ngày nay, và cũng là người Việt cổ có phát âm chữ [V] cho [W] quanthoại (Wu => Vũ), và [Z] cho [Y] quanthoại (Ziang Gui Fei => Yang Gui Fei). Ở Việt Nam, mặc dù có công trình nghiên cứu về người Mường của Jeanne Cuisinier [16], Bình Nguyên Lộc [12] và rất nhiều vị tiền bối khác đã không thể nhận diện được tính chất hết sức Thái của người Mường, mặc dù thường đi gần đến đích. Chung qui cũng do ở việc không dám thẳng tay đả phá những thứ tiền đề xưa cũ của mấy ông Tây ông Tàu. Quan trọng nhất, học giả Âu Mỹ thường cho rằng người Mường không hề hiện diện ở bên kia biên giới Việt Hoa. Tức bên Tàu không có người Mường [12] [29]. Theo thiển ý: Bên Tàu xưa nay vẫn có tổ tiên và bà con cật ruột người Mường. Đó là người Thái ở Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, và nhất là người Choang (Zhuang) ở Quảng Tây. Người Choang cũng là bà con gần với người Mường và Tày Nùng.

 

Có một hai điểm hết sức gay cấn và mâu thuẫn trong cách nghiên cứu về người Mường: (i) Người Mường, thuộc tộc Thái-cổ, so với người thành thị xấu hơn và thấp hơn, bởi lai với các nhóm Hắc nụy (Négrito) [24];  (ii) Chủ nhân của các trống đồng thật ra chính là người Việt thuộc chủng Thái-cổ, bà con với người Việt-cổ hệ Vân Nam, tức tổ tiên trực tiếp người Mường [21].

 

Khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin phép tóm tắt các điểm quan trọng về người Mường - phần chủ lực mang gốc thuộc về tộc người Thái cổ.

 

A.     Trước hết, 'Mường' là gì? 'Mường' là một từ Thái (Lan) thuần túy. Nghĩa ban đầu: 'người (Thái)'. Về sau này, các người dân tộc miền đồi núi tại Lào, Myanmar hay Thái Lan dùng chữ [Mwâng] tức Mường để chỉ 'người Thái-Lan'. Trong khi đó, người Thái dùng 'Mwâng' để chỉ đô thị. Tương đương với 'Mường bản' do chính người Mường xử dụng với hàm ý: làng mạc, đô thị, chỗ đông người ở. Từ 'người' trong tiếng Thái ngày nay chính là [Kon], mà tiếng Việt biến nghĩa như một mạo từ hay một danh từ: [Con] (người), [con cái]. [Mwầng] trong tiếng Mường biến thái ra thành [Mwai]. [Mwai] sinh ra [mọi] rất dễ. Hoặc có thể bị lột mất âm [M] phía trước rồi sinh ra [ngài]. [Ngài] = người. Trong tiếng Việt [người] có thể xuất xứ từ [ngài] hoặc biến chuyển từ tổng hợp các thứ tiếng Quảng Đông [gwai] 貴  (tức [quý], Hẹ [kwui]) +  Hẹ [ngin] 人  (tức [nhân]) [25]. [Gwai] có thể liên hệ đến 'Ngài', và [Ngin] rất giống âm 'Người' (hay 'Ngài'). Đối với nhiều cộng đồng dân tộc tại Việt-Nam, chữ [người] phát âm như [ngàj][23]. Trong khi tiếng Việt chuyển 'Ngài' sang nghĩa hàm chứa sự kính trọng: 'thưa Ngài', tiếng Thái đổi âm chữ [Kon] (= người) ra [Kun] => [Khun] = [Ngài].

B.     Truyền tích Âu-Cơ và Lạc Long Quân thật ra là một truyện cổ của người Mường. Nhiều tác giả thời nhà Trần đã hiệu đính truyện cổ tích này và đổi tên Long Wang thành Lạc Long Quân với chữ Lạc viết theo bộ Trãi, , y như lối viết chỉ một bộ tộc Đông Zi mang tên [He] mà chúng tôi cho rằng thủy tổ tộc người Hakka (Hẹ). Bà Âu Cơ (Mường đọc theo Quảng Đông: Ngu Kơ) là một người thuộc tộc Âu tức Thái-cổ. Bằng chứng: Hiện còn rất nhiều mường bản vẫn thờ phượng bà Ngu Kơ, được biểu tượng bằng con nai có đốm sao [16]. Long Wang cũng dẫn phân nửa đám con đi về miền đồng bằng gần sông biển. Nhưng người Mường không có thờ Long Wang, tức Lạc Long Quân theo ấn bản Việt.

C.     Bua Hùng Vương thỉnh thoảng cũng được nhắc nhở trong các truyện tích người Mường. Nhưng mang hàm ý ông vua, hay tù trưởng một bộ lạc thân thuộc láng giềng. Chứ không phải 'xếp' bộ tộc thuần Mường. Thường thường họ gọi bua Yịt Yàng, mà chúng tôi lý giải theo quyển sách của Cuisinier: các vua Việt thuộc những bộ lạc áo vàng. Theo sát với ấn bản Âu-Cơ và Long Wang của người Mường: hai đám con theo mẹ Âu Cơ và cha Long Wang về sau đều trở thành vua chúa CÁC bộ tộc của họ. Tức có đến 50 vị Hùng Vương cho Việt tộc, và 50 wị bua hay nữ wàng gì đó lãnh đạo những người sinh sống ở địa bàn núi rừng của bà Âu Cơ. Tức có rất nhiều Lạc Vương, chứ không phải chỉ 1 Lạc Vương (= Hùng Vương) như nhiều sử sách tiếng Việt đã ghi chép. Vấn đề cơ cấu hành chánh tại xứ Việt cổ có NHIỀU Lạc Vương, Lạc Hầu và Lạc Tướng đã được bộ Thủy Kinh Chú [28] ghi nhận rất rõ. Những tên gọi này do mấy sử gia Tàu hồi xưa đặt ra để gọi những chức vụ địa phương như quan lang, thổ lang, v.v. Hoàn toàn chúng không phải tiếng nôm của người bản địa.

D.    Theo Cuisinier [16], có khá nhiều mường bản người Mường hãy còn thờ An Dương Vương Thục Phán (họ gọi Thục Đế) và Hai Bà Trưng. Tức Thục Đế và Hai Bà là những người Việt mang gốc Thái-cổ. Họ cũng thờ chỉ mỗi thần Tản Viên Sơn Tinh Nguyễn Tuấn, và có vẻ tảng lờ đi Thủy Tinh. Nguyễn Tuấn cùng với Nguyễn Hương và Nguyễn Lang là ba vị thánh của núi Ba Vì. Để ý trong truyện tích Việt có vẻ người Việt rất trung lập giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Nhưng trong cổ tích Mường, họ chỉ vinh danh Sơn Tinh, bởi Nguyễn Tuấn biểu tượng cho dân miền núi (Sơn) tức người Mường. Cuisinier [16] cũng cho biết nếu chọn 10 người đàn ông Mường thuộc hàng 'quý tộc', người ta sẽ thấy có 4 người giống người Thái, 4 người giống người Việt, và 2 người vừa giống Việt vừa giống Thái.

E.     Một điểm hết sức độc sáng để có thể kết luận thành phần chủ lực người Mường mang gốc Thái-cổ ở miền Nam và Tây Nam Trung Hoa là nét văn hoá trong chuyện hôn nhân. Trong công trình nghiên cứu về người Choang, Barlow [26] cho biết một số bộ tộc người Choang có tục con gái sau khi thành hôn vẫn ở lại gia đình cha mẹ một thời gian đôi ba năm. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ người vợ có thể về nhà chồng. Chỉ sau khoảng thời gian được ấn định trước đó, người vợ mới được trọn quyền 'xuất giá tòng phu' dọn về nhà chồng. Phong tục này cũng hiện diện tại nhiều bộ tộc khác nhau như Lê, Khương, ở miền Nam hoặc Tây Nam nước Tàu. Và cũng được Cuisinier [16] tìm thấy tại nhiều mường bản ở Việt Nam.

 

Để ý luôn đến rất nhiều nét tương đồng giữa tiếng Mường và tiếng Việt, thành phần chủ lực người Mường rất có khả năng, chính là tộc người Thái cổ. Cũng giống như người Tày Nùng, Thái đen - Thái trắng, v.v. Cũng có tộc Lạc (Việt) trong lòng tộc Mường. Đông nhất: người từ xứ Mân và đám Lạc bộ Trãi tức người Hẹ cổ.

 

GHI CHÚ

 

[1] Nguyễn Hiến Lê (1992) Khổng Tử. Nxb Văn Nghệ

[2] Lệ Thần Trần Trọng Kim (1957) Nho-Giáo. Nxb Tân Việt (Sàigòn)

[3] David Bradley, Jason Roberts, Joe Cummings, Anita Ramly, Paul Woods, Kristina Sarwao Rini, Jonh U Wolff & Nguyen Xuan Thu (1997) SouthEast Asia phrasebook. Lonely Planet Publications Pty Ltd

[4] James Campbell (2005) Chinese Tone Tutorial. Trang mạng:

www.glossika.com/en/dict/tones/tutorial.htm

[5] Dấu ngã ở Côn Minh: http://www.de-han.org/vietnam/chuliau/lunsoat/sound/4.htm

Dấu tiếng Thái: http://phonetics.ucla.edu/course/chapter10/thai/thai.html

[6] Lê Ngọc Trụ (1960) Chánh Tả Việt Ngữ. Nxb Xuân Thu - California USA (tái bản)

[7] Lê Ngọc Trụ dẫn Maspero cho rằng người Thái ở bình nguyên sông Menam, phát âm dấu ngã. Kiểm chứng với người Thai-Lan cho biết tiếng Thái 'Menam' chỉ có nghĩa 'sông', chứ không phải tên một con sông.

[8] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM

[9] Charles Higham (1996) The Bronze Age of Southeast Asia. Cambridge University Press.

[10] Keith Weller Taylor (1983) The Birth of Vietnam. University of California Press.

[11] Tất cả những vị này đều xuất thân từ những khu vực tập trung nhiều người Mường. Keith Weller Taylor [10] ở trang website của ông, trong bài phỏng vấn của đài BBC  đã nêu lên vấn đề chủng tộc nguyên thủy của những vị anh hùng dân tộc này. Tuy nhiên chúng tôi không đồng ý với Gs Taylor về gốc gác của Lê Hoàn. Rất có thể Lê Hoàn thuộc tộc Lê hay Lạc Lê - kiểu người Hải Nam chứ không phải tộc Thái cổ ở Vân Nam hay Quảng Tây. Đặc biệt, theo thiển ý, rất có khả năng Hai Bà Trưng có giòng máu Thái cổ, bởi vào thời đó có lẽ người Mường hãy còn giữ Mẫu hệ, theo như truyền thuyết Âu (Ngu) Cơ của họ. Lý do khác: Khi hai Bà khởi nghĩa có sự hưởng ứng của dân Nhật Nam và Hợp Phố. Đặc biệt, Hợp Phố thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay, có chủng Thái, chưa bị Hán hoá vào thời đó. Riêng Lê Lị (Lợi), đã được Nhượng Tống, theo trích dẫn [12], chứng minh rất rõ mang chủng Mường. Rất nhiều học giả, trong đó có Nhượng Tống, đã chỉ trích Ngô Sĩ Liên vì muốn bợ đỡ triều Lê đã đem rất nhiều truyền tích rặt Mường vào quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Theo quyển từ điển Mường Việt [13] tổng dân số Mường ở tỉnh Hoà Bình, ngày nay, chiếm đến gần 70% dân toàn tỉnh. Như vậy rất rõ chủ nhân của nền 'văn hoá' Hoà Bình, theo khám phá của Colani, và theo xác suất, chắc chắn thuộc chủng Thái cổ, chứ không phải Lạc Việt.

[12] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ).

[13] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành (2002)  Từ Điển Mường Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc. Hànội.

[14] Henri Roux (1954) Quelques Minorités Ethniques du Nord-Indochine. France-Asie. Janvier-Février 92-93. Tome X. Đặc biệt, theo tài liệu này, người Thái đen và Thái trắng tại Bắc phần chính là hậu duệ người nước Thục (tức Tứ Xuyên ngày nay). Đừng nhầm nước Thục này với nước Thục của con cháu Lưu Bị ở thời Tam Quốc: Ngụy, Ngô và Thục. Nước Thục của Liu Bị có địa bàn lớn hơn nhưng cùng phía Tây như Thục ở thời Xuân Thu.

[15] Để ý: Khổng Tử không hề đi vào nước Tần, và địa bàn hoạt động lób-bi của ông cũng không bao gồm nhà Chu. Ta có thể đặt một giả thuyết sơ khởi như sau: Văn minh Hoa Hạ lúc đó chỉ tập trung khá mạnh ở phía Đông. Ít ra có thể có ít nhiều khác biệt giữa văn minh / văn hoá của khối cộng đồng miền Đông và thứ của giòng dõi vua chúa (và có thể dân chúng) ở nước Tần. Thường được xem có bà con huyết tộc gần với đám rợ Turkestan (Nhục Chi). Như vậy có thể giải thích phần nào phong trào dập tắt văn hoá Khổng Mạnh (đốt sách - chôn học trò) do Tần Thủy Hoàng khởi xướng vài trăm năm sau, khi lần đầu tiên nước Tàu thống nhất lại thành một mối.

[16] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie - Paris, France

[17] Chuyện có thật: Một linh mục Việt từ Melbourne (Úc) đi công tác ở Bangkok. Vào một tiệm ăn, ông hỏi có món Mực không. Ông nói bằng tiếng Anh, sang qua tiếng Tây. Người hầu bàn không hiểu gì hết. Sau cùng bí quá ông vẽ hình con mực trên tấm giấy. Người hầu bàn vui mừng reo lên: 'Ah! Mưk! Pla mưk'. Việt 'Mực'= Thái 'Mưk', âm y hệt. Tiếng Tàu của 'Mực' là [mo] 墨., đọc theo quảng đông là [maak]. 'Cá mực' là [maak-yu], theo Hakka: [miet ngiu] => mặc ngư. Màu đen' hồi xưa chính là màu 'mực' do ở chất bã màu đen con (cá) mực phun ra. Cũng từ đó mực dùng để viết cũng được gọi [mo shui] tức 'mặc thủy', nghĩa 'nước màu đen', hay 'nước mực', gọi tắt sang tiếng Việt thành 'mực' (ink). Tiếng 'mực' chỉ màu đen còn giữ lại trong tiếng Việt qua: con chó mực (chó đen).

[18] Vấn đề lột mất âm nguyên thủy khi kí âm bằng quốc ngữ xảy ra khá thường. Đặc biệt với âm [By] trong các thứ phương ngữ tiếng Việt: Hakka: [biak] => vách. Mường: [ông bjua] => ông bua => ông vua. Vô số các từ bắt đầu bằng âm [B] hay [P] trong tiếng Chăm-pa, các ông Tây hoặc Việt (theo Tây học) chỉ kí âm bằng [B] hay [P]. Tiếng Tày-Nùng bị lột mất [l]: [slẳn slàng] => sẵn sàng. Ngoài ra kí âm quốc ngữ còn dị-ứng với âm [l] đứng sau, và biến hết thành [r]: Mường [tlổng] = Thái [klong] = Việt [trống]. Tiếng Tàu của 'trống' là [gu] tức [cổ]: đồng cổ = trống đồng. Mường: Tlu => Việt: Trâu. Blời => Tlời (M) => Trời (quốc ngữ thế kỷ 19).

[19] Đáng tiếc nghiên cứu của ngành ngôn-ngữ học Việt Nam từ xưa đến giờ thường dựa vào một số tiền đề xưa cũ. Với những kiến thức mới đầy dẫy trên mạng, ngày nay chúng ta thấy có một nhu cầu hết sức thiết thực đòi hỏi kiểm chứng lại các thứ tiền đề đó. Quan trọng hơn hết có lẽ vấn đề nguồn gốc chữ Nôm cũng như những từ xưa nay thường gọi 'Hán Việt'. Ở một cấp khác: nguồn gốc và độ chính xác của các âm bắt đầu bằng chữ 'V'. Theo dõi loạt bài này, chúng ta thấy âm 'V' thông thường chỉ là một âm tương đương, với âm phổ quát 'W',  của người Hẹ (Hakka) tại địa bàn nguyên thủy ở khu vực Sơn Đông ngày nay. Gần như hầu hết các thứ phương ngữ tại Trung Hoa và khắp miền Đông Nam Á 

chỉ có âm 'W' (con Woy => con voi) chứ không có âm 'V'. Chỉ có người Sơn Đông ngày nay còn giữ âm chữ 'V' giống kiểu người Hẹ, và âm Bắc của quốc ngữ. Âm [W] của Tàu mang 1 khuynh hướng chuyển sang: (i) Âm [B] tiếng Mân (+ Mường + Nam bộ + ); (ii) Âm chữ [M] tiếng Quảng Đông * Thái * Nam bộ. Thí dụ:

wang (qt) => vọng (việt) => mong (quảng/Hẹ/việt) => bong (pk) =>  byọng (nam)

wu => vu (Hẹ) => võ / vũ (qn) => mou (quảng) => múa (việt) => muai (Thái) => bo (pk)

wan => vạn (Hẹ/việt) => maan (quảng) => muôn (việt) => ban (mân (pk)) => byạn (nam)

wu => vu/mo (Hẹ) => vô (không có) => mou (mậu) => bo (Mân). (Bồ hòn= vô hoạn).

[20] Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (1974) Từ điển Tày-Nùng -Việt. Nxb Khoa Học Xã Hội - Hànội.

[21] Xin phép nhắc lại một ghi nhận: Các trống đồng có ở Việt Nam do ở: Hoặc (i) từ các công trình khai quật khảo cổ; Hoặc (ii) các ông Tây bà Đầm mua lại từ những gia đình Thổ Lang, Quan Lang của các mường bản ngài Mường.

[22] Phân biệt âm cuối [N] như trong: lòng soN, sơN nhà, aN, ... kiểu Bắc bộ có thể mang ảnh hưởng từ phương ngữ Mân Việt (Phúc Kiến - Triều Châu), rồi được nhấn mạnh bởi quốc-ngữ.

[23] Trần Trí Dõi (2001) Ngôn ngữ và sự phát triển Văn Hoá Xã Hội. Nxb Văn Hoá Thông Tin. Quyển sách này trình bày những từ mang âm giống [Ngài] dùng chỉ [Người] trong các thứ  tiếng của người dân tộc:

-         tiếng Nguồn: ngàj                                                -   tiếng Sách: ngàj

-         tiếng Mày: ngàj                                                    -   tiếng Rục: ngàj

-         tiếng Xơ Đăng: mơngê                                        -   tiếng Kơ Tua: moi ngàj

-         tiếng Dêh: ngaj                                                    -   tiếng Triêng: ngaj

-         tiếng Ba Na: ngaj (mơ-ngaj)                               -   tiếng Hrê: ma ngaj

-         tiếng Gié Triêng: ma ngaj                                   -   tiếng Việt: người, ngài

[24] Chỉ số sọ người Mường (79.98) do đó khác xa với chỉ số tộc Việt (82.20) {xem [12]}

[25] 'Thưa QUÝ NGÀI' => [Quý] tiếng Hẹ [kwui] + [Ngài] tiếng Quảng [gwai] cùng viết y một chữ 'Tàu': 貴 .

[26] Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture. http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html

[27] Chiêm Toàn Hữu - Lý Tinh Ích (hiệu đính) (2004) Văn hoá Nam Chiếu Đại Lý. Bản dịch: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Hương Giang, Phan Minh Thanh. Nxb Văn Hoá Thông Tin.

[28] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa soạn từ thời Tam Quốc (220-265), chuyên về miêu tả sông ngòi, núi non khắp nước Tàu, kéo đến xứ Lâm Ấp ở trung-bộ nước Việt Nam ngày nay, kèm với các điển tích lịch sử xa xưa.

[29] Bình Nguyên Lộc, trong quyển Mã Lai [12], lại đưa ra một kết luận chúng tôi thấy rất khó đồng ý. Bởi BNL bị kẹt với thứ tiền đề Mã Lai I và Mã Lai II, bắt buộc ông phải xếp người Mường thuộc đợt I hay đợt II. Ông chọn đợt II cho Mường, và I cho Việt. Khổ nỗi đợt II đến xứ Việt cách đây chỉ 2500 năm, vào thời Xuân Thu bên Tàu. Rất khó giải thích tại sao ở Hoà Bình hiện nay có đến 70% người Mường, và văn hoá Hoà Bình do Colani tìm ra có ở đó cách đây trên 5000 năm.

[30] Tra cứu internet qua sử lược của các quốc gia như Miến Điện (Myanmar), Siam (Thailand), Cambodia (Khmer), và đặc biệt lịch sử thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu, v.v. sẽ đưa đến một lối nhìn rộng hơn, và một bức tranh toàn diện hơn. Thí dụ: Lịch sử Myanmar cho biết dân họ xuất phát từ miền Trung Á, tức phía Tây nước Tàu, địa bàn của rợ Tây Nhung đã sách nhiễu nhà Châu, giết được Châu U Vương, và khiến nhà Châu thiên đô về Đông (770 TCN). Sử Thái Lan, cho biết rõ dân họ xuất xứ từ miệt Hoa Nam, đặc biệt nước Nam Chiếu (Nan Zhao), tức Điền Việt, hay Đại Lý (Nhất Dương Chỉ của Kim Dung), và chính là Vân Nam bây giờ.

[31] Tiếng Myanmar (Miến Điện hay Burma xưa), cũng lâm vào khó khăn với chữ viết không tương đồng với âm. Bởi chữ Myanmar dựa vào chữ Môn. Môn lại mang gốc gác tiếng Pali. Pali lại dựa vào Brahmi ở Ấn Độ. Chữ Brahmi lại là phiên âm các thứ tiếng Ấn-Âu, nên chữ 'quốc ngữ' Myanmar hoàn toàn không thích hợp với phát âm của người Myanmar. {Xem: http://www.nvtc.gov/lotw/months/may/Burmese.html }.

 

Nguyên Nguyên