Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (18):

Phần 2: Xem lại tiền đề: Hoa Việt & Việt Hoa

 

Nguyên Nguyên

 

Trở ngại lớn lao nhất của công việc truy tầm cội nguồn một dân tộc, đặc biệt ở Đông Nam Á, thông thường nằm ngay ở những tiền đề hết sức to lớn do các học giả Âu Mỹ đề ra. Đặc trưng nhất: những lối phân chia các nhóm ngôn ngữ, Hán-Tạng, Tạng-Miến, Môn-Khmer, Nam-Á, Nam-Đảo, v.v.; và thói quen đặt giả thuyết di-dân theo kiểu cổ sử Trung Á hoặc Âu Châu cho rằng mỗi dân tộc thường thuần chủng, xuất phát từ một địa điểm. Cả hai điểm đặc trưng này thường đan xen chặt chẽ, dính liền với nhau.

 

Tất cả những thứ lấn cấn của tiền đề đều có thể qui về sự khác biệt giữa văn minh và lối suy nghĩ, làm việc của Tây phương và Đông phương. Nói một cách đơn giản, Tây phương tiến mạnh về khoa học và kỹ thuật, tạm cho là trước Đông phương theo tiêu chuẩn của họ. Đến lúc họ đem áp dụng các phương pháp khoa học (Tây phương) vào những vấn đề nhân-văn hay lịch sử Đông phương - nhất là ở giai đoạn ban đầu - họ không thể nào hiểu rành rọt mọi vấn đề như người Đông phương. Trong khi đó, người Đông phương, theo nhu cầu sinh tồn, phải gấp rút học hỏi khoa học và phương pháp khoa học theo kiểu Tây phương. Trong tiến trình đó, họ lại đánh mất, hoặc không còn thì giờ để thu thập, một số hiểu biết hay kiến thức về văn hoá hay lịch sử của chính xã hội của họ. Hoặc những người theo Tây học lại không thuộc tầng lớp ê-lít được huấn luyện đầy đủ về văn hoá cổ truyền. Họ dễ mang khuynh hướng đem những phương pháp, kể luôn những thứ tiền đề, họ vừa học hỏi được, vào áp dụng cho những vấn đề lịch sử hay văn hoá cổ truyền của đất nước họ. Trong khi văn hoá cổ truyền vẫn thường được bao phủ bởi những cảm xúc chủ quan có sẵn từ xưa. Nôm na hơn, lịch sử các nước Đông Á kể cả Trung Hoa, luôn có những vấn đề cổ sử hãy còn bất định hay chưa được sáng tỏ, hoặc đã được 'hiệu đính' thay đổi theo tính (hay nhu cầu) tự hào dân tộc. Đến khi các học giả Âu Mỹ nghiên cứu đến những vấn đề đó, họ có thể hoặc 'hiệu đính' những vấn đề đó theo khả năng từng người, hoặc chỉ đơn thuần khoác lên chúng một lớp vỏ bên ngoài rất ấn tượng mang đầy tính khoa học. Một thứ bình mới cho rượu cũ. Hãy còn lòng vòng chưa đến đích của sự thật. Tức vẫn còn thứ rượu cũ. Những lý thuyết của người Âu Mỹ thông thường dễ được hoan nghênh, bởi nó ít khi đi ngược lại những gì đã có sẵn, mà lại còn đánh bóng cho sáng sủa hơn lên. Thêm vào đó, và sau thế chiến thứ hai, những học giả Á Châu từng được huấn luyện tại các đại học phương Tây, vẫn có thói quen kính nể những bậc tôn sư, nên vô hình chung họ ưa dựa theo những 'khám phá' của các giáo sư Âu Mỹ, ít khi để ý những điểm lổng chổng ẩn hiện thường xuyên trong các lí thuyết đó. Trải qua chừng hai ba thế hệ thầy trò, những lý thuyết về cổ sử, hay ngay cả các hiểu biết về ngôn ngữ Đông phương, của các học giả Tây phương dễ dàng trở thành những thứ tiền đề hay định đề bất biến cho những   công cuộc nghiên cứu về sau. Một điểm quan trọng khác: Bởi khoa học nói chung, và khoa cổ sử nhân văn nói riêng, chỉ được người Á Châu biết đến, học hỏi và xử dụng trên dưới 100 năm, nên các học giả địa phương hãy còn thói quen dựa vào các khám phá từ phía Âu Mỹ. Trong khi đó con số các 'nhân tài' bên trời Tây, chuyên ngành về cổ sử từng nước ở Á Châu lại một con số đếm được trên đầu ngón tay, và không phải công trình của học giả nào cũng có giá trị cao. Từ đó ta có thể thấy khá rõ, một công trình nổi bật, bất chấp gần với sự thật hay không, thường đòi hỏi ít lắm vài chục năm mới có vị khác đưa ra dữ kiện hay lí luận mới phản bác lại công trình hoặc những lí thuyết cũ trước đó. Như vậy rất nhiều công trình nghiên cứu từ trước đến nay, có thể chỉ loay hoay chung quanh một số các tiền đề khá cũ, thiếu thốn kiểm chứng, và mức độ chính xác, mà sử sách vẫn thường xuyên xử dụng không hề hay biết.

 

Nổi bật nhất trong tất cả các tiền đề do người phương Tây dựng nên cho sử học Đông phương chính là tính cách 'nhị nguyên' của mọi vấn đề. Chính nguyên lý Nhị Nguyên đã đưa đức Phật Gautama đến ý niệm giải thoát khổ đau cuộc đời qua 'Bất Nhị', không & sắc - sắc & không, và từ 'Bất Nhị' nhiều người thường lầm Nhị Nguyên là một triết lý hoàn toàn Ấn Độ. Thật ra Nhị Nguyên là một đặc tính cốt lõi của văn minh Tây phương, phản ánh qua tính siêu việt của khoa học và kỹ thuật phương Tây. Trong các vấn đề dân tộc học, khảo cổ học, hay truy tầm cổ sử, các học giả Âu Mỹ luôn luôn trầm mình vào vùng biển rộng của thế giới Nhị Nguyên. Ở thế giới Nhị Nguyên, bắt buộc họ phải phân biệt, trước hết và luôn luôn: Họ & Ta, Đối & Đãi, Đi & Về, Ranh Giới & Lãnh Thổ, Bắt Đầu & Kết Thúc, Bạn & Thù, Bà Con & Người Lạ, Dân đen & Vua Chúa, Trước & Sau, Nguồn Gốc & Hậu Duệ, Phát Minh & Tiêu Dùng, Văn Minh & Lạc Hậu, Ngựa & Voi, Xâm lăng & Bị trị, v.v. kéo dài và trải rộng trên mọi khía cạnh của vấn đề. Sâu đậm nhất và thường được giới cầm quyền khơi động, xưa cũng như nay, chính là: Họ & Ta. Một trong những điểm đặc trưng nhất của Nhị Nguyên trong khoa nhân văn Á Đông có lẽ nằm ở chỗ Nhị Nguyên mang khuynh hướng bắt người nghiên cứu ở mọi chặng đường, phải lựa chọn Một trong Hai hình thái tương phản nhau của Nhị Nguyên. Thêm vào đó, học giả Âu Mỹ và đám sinh viên / đệ tử của họ đã bất chấp và không để ý đến cái tinh thần của tác giả các thư tịch cổ Đông Phương,,hay ngay cả truyền thuyết ngắn gọn như Âu-Cơ và Lạc Long Quân , khi họ viết nên những bộ sách, hoặc ghi chép lại các truyền thuyết đó. Tinh thần này rất có khả năng, theo thiển ý, không hoàn toàn Nhị Nguyên, mà phần lớn nào đó, mang tính Đa Nguyên hay Bất Nhị, hoặc thuyết Trung Dung của Nho giáo. 

 

Xin phép đơn cử một thí dụ sau.

 

Trong vấn đề cổ sử Việt lẫn Hoa, tiền đề lấn cấn nhưng ít người để ý nhất, là thứ tiền đề khẳng định sự vắng bóng của tộc Yue (Việt), đặc biệt ở miền Hoa Bắc, trong tiến trình tạo nên Hoa tộc ngày nay. Tiền đề này là một sơ sót, có thể vô tình (bởi đời sau thiếu thốn hiểu biết) hoặc cố ý do ở nhu cầu một tộc người thuần chủng nhất thống và 'làm xếp' một lục địa to lớn và đông dân nhất thế giới. Thật ra lại bắt nguồn từ những tiền đề sai trật về người Đông Di, tức đám Lạc bộ Trãi , bao gồm hỗn hợp các tộc chủ lực Việt, Miêu, Khương và Thái, sinh sống rất đông ở địa bàn tỉnh Sơn Đông ngày nay và những vùng lân cận, thuộc lưu vực sông Hoàng Hà. Đông nhất có lẽ là hai đám Bộc-Việt và Miêu-Dao sống gần gũi và đan xen với nhau.

 

Điểm chính giữa của tiền đề, theo thiển ý thiếu chính xác đó, chính là: đám Lạc bộ Trãi hoặc đã di tản tất cả sang bán đảo Triều Tiên, thường gọi đám rợ Tam Hàn, hoặc đã tuyệt tích giang hồ vào lúc Tần Thủy Hoàng nhất thống nước Tàu, hay Lưu Bang chính thức thiết lập nhà Hán trên toàn cõi Trung Hoa. Nói một cách khác, theo tiền đề mang nhiều nghi vấn này (của riêng lý thuyết ở đây), Việt tộc chỉ có thể có mặt vào thời cổ đại ở phía Nam sông Dương Tử mà thôi. Phía Bắc Dương Tử giang chỉ toàn người Hoa-Hạ. Tiền đề này là một trong những tiền đề rất quan trọng, rặt tính Nhị Nguyên, đã khiến cho việc viết sử - Hoa lẫn Việt - luôn đi về một hướng khác. Một đường hướng phiêu lưu vô bờ bến, kéo dài hằng trăm năm qua. Đưa ra rất nhiều hệ luận, trong mọi ngành nghề. Đặc biệt ngôn ngữ học, và bang giao quốc tế.

 

Nếu chịu khó nhìn lại và tạm chấp nhận thứ tiền đề khác biệt của chúng tôi, cho rằng ở phía Bắc sông Dương Tử, từ ngày xưa cho đến khoảng thế kỷ thứ 10, và mãi về sau này, luôn luôn có sự hiện diện của một số đông mang gốc thuộc chủng Việt, dù ở thời xa xưa, chúng ta có thể thấy nhiều hệ luận bắt buộc phải thay đổi, như sau.

 

1)     Đóng góp của tộc Việt trong tiến trình tạo tác nên Hoa chủng: Từ xưa đến giờ, bởi theo tiền đề sẵn có ta thấy Hoa chủng có thể đồng hoá Việt chủng ở Hoa Nam khá dễ. Bởi nếu họ chiếm toàn thể miền Hoa Bắc thì họ rất đông, bằng hoặc hơn Hoa Nam, cộng với ưu thế văn minh sẵn có, phát triển mãnh liệt ở thời Đông Châu liệt quốc. Quan sát và nhận định đã được trình bày suốt loạt bài này cho thấy, tiền đề này chứa khá nhiều lấn cấn. Đám Lạc bộ Trãi không hề biến mất như người ta thường rêu rao, mà đã thay hình đổi dạng trở thành người 'khách gia' 客家 tức người Hẹ (Hakka), ngày trước vẫn được miêu tả bằng người [He] viết y hệt như họ Lạc của Lạc Long Quân hay Lạc bộ Trãi, xưa sinh sống bằng 'nghề' du mục ở địa bàn Sơn Đông. Thêm vào đó, theo sát cổ sử của Trung Hoa, chúng ta được biết đa số dân chúng sinh sống tại nhiều nước ở phía Bắc sông Dương Tử, như các nước Ngô, Việt, Sở, Tấn, Trần, Thái, Tần, v.v. cũng không phải thuộc chủng Hoa mà lại được xếp vào các đám rợ khác nhau. Cộng với một khối lớn Việt tộc ở miền Hoa Nam, chúng ta thấy khá rõ, cái khối người thuở ban đầu không thuộc chủng Hoa Hạ, là một khối đa số, bởi bao gồm toàn thể Hoa Nam, và phần đáng kể của Hoa Bắc. Do đó, ảnh hưởng Việt tộc trong việc tiến tạo Hoa chủng (ngày nay) chắc chắn không phải nhỏ như thường nghĩ.

 

2)     Cũng do ở tiền đề (lấn cấn) về Hoa chủng 'thuần túy' ở Hoa Bắc kể trên, người Hoa không hề ngờ, hoặc đã tiện nghi theo một thỏa thuận nào đó, rằng người Khách Gia (Hẹ) của họ với nhiều lãnh tụ sáng giá ở thế kỷ 20 như Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình, Tôn Trung Sơn, v.v. lại là những người có thể có tổ tiên là người... Việt. Cũng y như trong quá khứ, họ có vẻ không rõ được, hoặc không xác định được, chủng tộc gốc của những nhân vật, huyền thoại hoặc lịch sử, đã góp phần tạo dựng nước Tàu như: Đế Thuấn, Thần Nông, Đại Vũ, Đế Cốc, cho đến Hán Cao Tổ Lưu Bang [1], v.v.  Rất có khả năng, thuộc Việt (hay Khương) tộc.

   

3)     Tiền đề phía Bắc không còn Việt hay Miêu tộc đã gây vô số khó khăn cho việc truy tầm nguồn gốc của người Khách Gia tức người Hẹ [5], từ khoảng thế kỷ thứ 10 mang khuynh hướng định cư tại Hoa Nam, chung quanh khu Quảng Đông, phía Đông cũng như Tây. Người Việt lại hoàn toàn không ngờ một thành phần nòng cốt tộc người Việt Nam lại xuất phát từ miền Hoa Bắc. Đặc điểm nổi bật nhất của người Hẹ và người Hmong-Mien (tức Miêu-Yao) chính là chỉ có hai đám Hẹ và Miêu mới có phát âm chữ [V] (thay cho quanthoại [W]), như [wang] => Hẹ [vong] (vọng / mong), và âm chữ [Z] thường thay cho [Y] quan-thoại => [Yiang] (Dương) => Hẹ: [Ziang]. Trên khắp nước Tàu ngày nay chỉ có khu vực Sơn Đông, và các cộng đồng Hẹ / Hmong, còn giữ âm chữ [V] và [Z]. Bình Nguyên Lộc [2] có vẻ gần đến đích nhất trong việc khám phá ra Lạc bộ Trãi từ những thư tịch cổ của Tàu. Nhưng ông lại bị ám ảnh bởi tiền đề mới mẻ Mã Lai vào thời đầu thế kỷ 20, cũng như tiền đề xưa: Lạc bộ Trãi đã biệt tích giang hồ, nên cuối cùng phải đưa thuyết của ông chạy lạc xuống tận Mã Lai, không ngờ đám Lạc bộ Trãi chính là tiền thân của người Khách Gia (tức Hẹ) ngày nay.

 

4)     Tiền đề Lạc bộ Trãi tuyệt tích giang hồ sinh ra 2 hệ luận khá quan trọng về ngôn ngữ học. Hai hệ luận này liên hệ mật thiết với nhau. Hệ luận thứ nhất: Âm vận tiếng quan thoại ngày xưa cũng rất giống các thứ phương ngữ Hoa Nam, như tiếng Quảng Đông, tiếng Hẹ, Phúc Kiến, v.v. trong việc có đầy đủ các âm cuối như: [nh] => xinh, [m] => làm, [k] => cúc /  phát. Hay âm đầu như: [ng]=>ngạp (ya = vịt). Ngày nay nhiều âm cuối quanthoại hoàn toàn bị lột mất chỉ còn giữ [n]: Yue-naN => (Việt-NaM), ju => (cúc), fa => (phát), ya => (ngạp). Thứ hai, cũng giống như người Việt và người Hoa, các nhà ngôn ngữ học Âu Mỹ thường cho rằng tiếng Hán Việt là tiếng người Việt bắt chước từ người Hán khi người Hán sang đô hộ nước Nam. Hoặc các thứ tiếng như Phúc Kiến, Thượng Hải, và đặc biệt nhất: tiếng Hẹ, chính là tiếng Hán ngày xưa, nên họ ra công dựng lại hay phiên thiết các âm tiếng Tàu thời Xuân Thu Chiến Quốc và nhất là thời Trung Cổ tức giai đoạn nhà Tùy (581-617) nhà Đường (618-907), phần lớn dựa vào các âm Hán Việt, Hán Hàn, và tất cả các phương ngữ Bách Việt xưa, hiện ở Hoa Nam (như Hẹ, Phúc Kiến, Giang Tô, Quảng Đông, Hải Nam, v.v.). Lý thuyết ở đây đặc biệt không thể dựa vào hai hệ luận này.

 

5)     Ở hệ luận 'lột mất các âm cuối', các học giả sở dĩ đi đến kết luận như vậy bởi họ cho tiếng Tàu ở Hoa Bắc là 'thủy tổ' tiếng Tàu ở Hoa Nam. Hoặc hai khối Việt và Hoa-Hạ xưa nay tuy hai mà một. Người ta có thể đặt câu hỏi: Nếu là thủy tổ chỉ tiếng Hoa, tại sao tất cả các phương ngữ Hoa Nam (tức địa bàn khối Bách Việt xưa), lại vẫn giữ các âm vận cũ, trong khi tiếng Hoa ở phía Bắc lại tự mình thay đổi, lột mất nhiều thứ âm cuối? [3]. Đa số phần nòng cốt những phương ngữ này hãy còn giữ từ ngàn xưa cho đến ngàn sau [3]. Điểm khó đứng vững nhất của hệ luận này: Tại sao các phương ngữ     'con cháu' lại không thay đổi (trong âm cuối) mà ngôn ngữ 'nguyên thủy' (quanthoại) lại đổi thay. Giống tiếng Nhật: [shusho => thủ-tướng, lột mất [ng] ở phía sau - chữ [sho] = tướng {xiang - qt}. Lấn cấn của hệ luận nằm ở một hiểu biết thường tình: Người ta chỉ có thể so sánh rằng: Phương ngữ A này bị lột mất âm đầu hay âm cuối, hoặc âm giữa, so với phương ngữ B, C, D,  khi, và chỉ khi, cả A, B, C, và D, đều là phương ngữ của một khối có cùng chủng tộc gốc với nhau. Rõ rệt cho đến đời nhà Hán, khối người Bách Việt ở Hoa Nam mang rất nhiều thứ tiếng nói khác hẳn với thứ tiếng nói chung quanh lưu vực sông Hoàng Hà. Và phần lớn phát âm, hoặc ngay cả cách dùng từ [3], của những thứ phương ngữ mang gốc Bách Việt vẫn còn khác biệt với quan-thoại cho đến ngày nay. Thử xem một lý do khác: Phía Bắc nước Tàu trong thời gian cộng lại đến khoảng 1000 năm luôn có sự lan tràn xâm chiếm của nhiều đám 'rợ' ở phía Bắc, thường gọi Bắc Địch, trong đó nhiều nhất là đám Hồ, Thác Bạt, Đột Quyết, v.v. Cũng có thể do ảnh hưởng các tiếng nói những đám Bắc Địch này, tiếng quan-thoại không mang nhiều âm cuối như phương ngữ Hoa Nam. Nhưng lý do này vẫn không xác định được thứ tiếng Hoa ở thời nhà Chu hay trước đó, nhà Thương, nhà Hạ thật sự ra sao. Nó có thật giống các phương ngữ Bách Việt ở Hoa Nam hay không? 

 

6)     Hệ luận đưa đến việc truy tầm các âm Hán Trung cổ thường gọi Middle Chinese, điển hình qua công trình của Bernhard Karlgren, theo thiển ý cũng gặp các khó khăn tương tự trên căn bản lí thuyết. Thật ra chưa hề có công trình nghên cứu sáng giá nào về nguồn gốc các thứ tiếng Hán-Việt, Hán-Hàn. Ngoài một thứ giả định đầy nghi vấn, theo thiển ý chúng tôi: người Việt phát âm tiếng Hán y như tiếng Hán Việt ngày nay khi nước Nam nằm dưới sự thống trị của Bắc phương. Cộng với tiền đề sẵn có: Ký âm vài phương ngữ Hoa Nam bằng Hán tự, rồi từ đó quên rằng phương ngữ Hoa Nam là những thứ tiếng xưa và nay, khác với tiếng Tàu gốc. Cả 2 điểm mù mờ này không đủ làm nền tảng để xử dụng các thứ phương ngữ Hán Việt, Hán Hàn, Hán Nhật, Phúc Kiến, Ngô Việt, Hồ Nam - Hồ Bắc, Hẹ, v.v. mà truy tầm ra lối phát âm chữ Tàu ở thời Trung cổ [4].

 

7)     Đọc kỹ những lí luận chung quanh các phương pháp học giả Âu Mỹ dùng để truy tầm phát âm tiếng Hoa thời Trung cổ, ta sẽ thấy cả một cái vòng lẩn quẩn. Đập mạnh nhất vào mắt có lẽ thứ lý giải khi họ cho người Hẹ là một thứ người Hoa thuần túy nhất chạy giặc từ những địa điểm ở cực Bắc nước Tàu. Họ phiên thiết những bài thơ cổ xưa, và thấy âm vận đọc hay hơn nếu được đọc theo phát âm người Hẹ ngày nay. Lý giải này sẽ được trôi qua dễ dàng, nếu tiền đề phía Bắc sông Dương Tử hoàn toàn chỉ có tộc Hoa Hạ, vào thời cổ đại xa xưa, và đám Đông Di không hề biết viết chữ Tàu, đạt được độ chính xác 100%. Nhưng thật sự không thể như vậy. Thứ lí giải này và cả nguyên toàn khối tiền đề hay hệ luận kiểu đó sẽ xụp đổ hay ít lắm cũng chứa rất nhiều lổng chổng cần xem lại, nếu biết người Hẹ (và Miêu) xuất xứ từ phương Bắc thuộc thứ chủng Việt, hay ít lắm thuộc thứ chủng tộc khác với Hoa, và chữ Tàu rất có thể không do người Hoa 'sáng chế', mà có thể lại được 'chôm' từ các tộc người khác theo như những vụ khai quật gần đây, đặc biệt tại Longshan và Yanghe thuộc Sơn Đông và các di chỉ ở Chiết Giang, đã cho thấy [6]. Sự kiện các áng thi văn cũ đọc nghe hay hơn nếu đọc theo tiếng Hẹ, cũng có thể có nghĩa những áng văn đó do chính người Hẹ sáng tác xử dụng chữ viết Hán-tự nhưng đọc theo tiếng Hẹ.

 

8)     Những thứ lấn cấn về tiền đề liên hệ đến nguồn gốc Hoa tộc luôn luôn mang ảnh hưởng đến mọi công cuộc nghiên cứu về tộc người Việt Nam. Khuôn khổ bài viết có giới hạn, và chúng tôi chỉ xin lưu ý đến một giả thuyết khá mới: Phải chăng có một sự thoả thuận nào đó vào thuở cổ thời, khi đám Bách Việt (Hoa Nam) cộng với đám Bách Bộc (Hoa Bắc) hãy chưa biết đến các thứ tên gọi (Bộc, Việt, Lạc, Khương, Để, v.v.) do chính người Hoa Hạ đặt cho họ. Thoả thuận đó nằm ở chỗ lựa chọn một tên chung để gọi nhiều tộc người khác nhau đang cư ngụ và sinh sống trên lục địa Trung Hoa. Tên đó: Hán tộc, hoặc người Hán hay người Hoa. Thoả thuận này đã dựa vào nguyên tắc liên-doanh (người có công người có của) để hợp quần thành một thứ tộc người mang tên chung: Hán tộc hay Hoa tộc, cùng nhau làm chủ lục địa Trung Hoa. Bởi, rất có khả năng, văn minh Trung Quốc chính thực bao gồm một phần rất lớn đóng góp của Việt tộc (khối đa số). Phần cốt lõi đóng góp của tộc Hoa-Hạ có lẽ chỉ xoay chung quanh: Nho giáo, Lão giáo cộng với triết lý và kỹ thuật về chiến tranh và chính sự.       

 

Ngoài việc không thể dựa vào những tiền đề quen thuộc sẵn có, lý thuyết dùng để giải mã truyền thuyết Âu-Cơ và Lạc Long Quân của chúng tôi, cũng tạm tránh né không xử dụng hai nguyên lý quen thuộc trong vấn đề ngôn ngữ: (i) Biến âm, và (ii) Âm hay từ vay mượn. Ngược lại, chúng tôi đã mạo muội đề ra một nguyên lý về ngôn ngữ liên hệ đến vấn đề hợp chủng. Xin dẫn chứng bằng các thí dụ như sau.

 

(a)   Trễ = Muộn = Chậm, v.v. Theo các lý thuyết cũ: Hoặc biến âm, hoặc tộc này vay mượn tiếng nói người địa phương. Lý thuyết ở đây: Mỗi thứ từ (thí dụ: trễ), là tiếng nói tộc người khác nhau. Khi hợp chủng trở thành một thứ tộc người lớn hơn, những từ này thường được giữ lại ở những khu vực hay địa phương mà tộc người chủ lực hãy còn dùng thứ tiếng đó. Luôn luôn có sự cạnh tranh giữa các từ với nhau. Đưa đến một vài hậu quả tiêu biểu: Hoặc: (i) Một từ sẽ chiếm ưu thế - thường từ đó thuộc tộc chủ lực cư ngụ tại kinh đô. Hoặc (ii) Các từ thuở xưa tương đương nghĩa với nhau sẽ dần dà thay đổi ý nghĩa ít nhiều để cho kho tàng từ vựng phong phú thêm lên. Hoặc (iii) Hai từ, mỗi từ mang gốc tộc xử dụng khác nhau, hợp lại để cho dạng đa âm nghe êm tai và dung hoà để tộc nào nghe cũng hiểu ý nghĩa: tâm-địa, thân thể, thân mình, màu sắc, đường xá, bông hoa, sinh đẻ, v.v.

Trong tiếng Anh: muộn = late = slow = tardy = delayed, v.v. Xin để ý đến 'tardy'. Có vẻ cùng gốc với 'tard' (hay 'en retard') tiếng Pháp, và 'tarde' tiếng Tây-Ban-Nha, tức mang gốc Âu Châu. Ở tiếng gốc Pháp hay Tây Ban Nha, 'tarde' có thể mang nghĩa thuần túy 'muộn' như 'late' tiếng Anh. Thế nhưng trong Anh ngữ, 'tardy' tuy mang nghĩa chính 'muộn' nhưng bao hàm một ý phụ 'chậm trễ' bởi lý do 'biếng nhác' hay 'sao nhãng' công chuyện. Trở lại tiếng Việt:

-         [Muộn] mang cùng gốc với [maahn] 亡  Quảng-Đông, sang tiếng Mân & Hải Nam đọc [ban] rất giống 'bận' tiếng Việt, mà tiếng Tàu ưa viết chung với 'tâm': 忙  và Việt thường nói 'đừng 'bận tâm''.

-         [Trễ] mang gốc tiếng Đa đảo: [taere] (Tahiti). Phát âm giọng Bắc lại giống tiếng Quan-thoại & Hẹ [chi] 遲  và Quảng-Đông [chih]

-         [Chậm] cùng gốc tiếng Thái [Chah] và Lào [sah]

 

(b)   Mình = thân thể = chắc. Thí dụ này xác định thêm một lần nữa, những từ xưa nay thường gọi Nôm cần được phân loại thành Nôm Hoa Nam hay Bách Việt, Nôm Môn-Khmer, Nôm Đa đảo, Nôm Thái. Từ đó ta có thể hiểu rõ hơn nguồn gốc tộc người Việt-Nam. Rất nhiều từ (như: sách, ít, nhiều, đầu, sống, đẻ, tay, v.v.) từ trước đến giờ thường nhầm thuần Nôm, nhưng thật ra là những từ thuần Nôm kiểu Bách Việt bên Tàu. Đó là những từ khác hẳn với từ 'thuần Hán' của dân Bách Việt (cũng một vấn đề khá nhức đầu) xưa chỉ có tiếng nói. Nhưng khi Trung Hoa hợp chủng được Bắc Nam, người ta cho vào đó chữ viết, người bên ngoài rất khó biết chúng đã được Hán-tự hoá.

-         [Thân] mang cùng gốc với [shen] 身  quan-thoại. Biến chuyển giữa [sh]-Hoa với [th]-Việt là biến chuyển thông thường giữa tiếng Tàu với tiếng Việt cổ theo hệ Môn-Khmer, xuất hiện trong các tiếng Myanmar (Myiến Điện) và tiếng Chàm (Champa). Cũng mang cùng gốc với tiếng Môn-Khmer: [itheng], hay đa-đảo: [thino] (Samoa). Phản ánh qua tiếng Chàm: [thăp].

-         [Thể] xưa nay thường tưởng tiếng đệm hay láy => thân thể. Nhưng đứng một mình vẫn mang nghĩa 'body'. Mang gốc Nôm Bách Việt: 體  tiếng Quanthoại và Ngô-Việt đọc [thi] và Mân đọc [the]. Tiếng Việt dành cho người chết: [thi thể].

-         [Chắc] một thứ từ đặc thù Trung bộ, mang nghĩa 'thân mình', mang xuất xứ từ tiếng Môn-Khmer: [sa?ak] hay [ts?ak] hoặc [?ak] và [ng?ak]. Dấu [?] chỉ tắc âm thanh-môn, một âm nghẹn phát nhanh giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh [uh-oh]. [?ak] sinh ra [ức] và [ng?ak] ra [ngực].

-         [Mình] cho thấy giao tác giữa {mình = tôi} với {mình = thân mình}. Có thể qui về tiếng Thái. Tiếng Thái có từ chỉ thân mình bằng [tuai] => [tôi]-Việt. Thái-cổ (tức Mường) dùng [miềnh] để chỉ [mình] mang nghĩa 'thân mình' và cũng nghĩa 'tôi'. [Mình] cũng có thể mang gốc tiếng Hán-Bách-Việt dùng để chỉ 'thân cây' 枚  [mi] theo phát âm tiếng Hẹ, [mei] quan-thoại, và [mE] Ngô-Việt.

 

(c)  Hùng trong Hùng Vương. Một số tác giả Việt (thí dụ: Nguyễn Cung Thông [7]) rất thích dùng phương thức biến chuyển âm vận, mà chúng tôi tạm tránh né. Theo cách này, người ta truy ra từ biến thái giữa 2 ngôn ngữ, như [s] hay [sh] tiếng Hoa sang [th] tiếng Việt cổ (Môn-Khmer) - thí dụ: sông Salween đổi lại thành sông Thanlwin, âm [S] <=> [Th], thành biến thái trong cùng tiếng Việt với nhau. Thí dụ: ca <=> hát, những tác giả này sẽ cho âm [k] (trong 'ca') do người Việt (thuần chủng) biến từ, hay thành, âm [h] ('hát') ở một thời đại xa xưa nào đó. Từ đó, họ sẽ nới rộng suy luận sang những âm của các từ khác tương tự: [Hùng] => [Kun] => [Khun]. Rồi liên kết với một từ Mường [Kun] mang nghĩa vị chúa một bộ lạc. Nguyên lý về 'đóng góp từ vựng' của chúng tôi lại khác. Chúng tôi, mạo muội cho rằng 'ca' và 'hát' là hai từ khác nhau, từ hai thứ tộc khác nhau, nhập khẩu vào tộc ‘Việt-Nam nhất thống’ trong thời kỳ hợp chủng. Chứng minh: tra cứu bất cứ một từ điển phương ngữ 'tiếng Hoa' nào ta sẽ thấy:

-         Xướng: tiếng Tàu quen thuộc nhất của [Ca] là [xướng] 唱  đọc rất gần với tiếng Mân (Phúc Kiến): [chhiang]. Ta thường có: 'hát xướng', 'xướng ca'.

-         Hát: Do biến đổi kiểu quốc ngữ từ âm Hán-Bách-Việt của từ 歐  hay 謳  hoặc 誐 :  [eu]-Hẹ, hay [au]-Mân. Hai từ sau, Hẹ hay Quảng Đông còn có thể phát âm [ngo] hay [ngau] rất dễ sinh ra [ngâm] => ngâm thơ. Thật ra tiếng Quảng-Đông có từ 吟  phát âm y hệt như [ngâm], và mang nghĩa ‘ngâm thơ’. Tương tự 喊  , nghĩa ‘hét’ có phát âm khá giống ‘hét’ là [hE] trong tiếng Ngô-Việt (Chiết Giang / Giang Tô).

-         Hò:  viết như  賦  'hát hò'. Nhưng 'hò' thường biến nghĩa thành 'hò... lơ'. Nghĩa ban đầu: 'ngâm thơ'. Âm Mân Việt: [hu] rất gần 'hò' tiếng Việt.

-         Ca: 'Hán tự' viết 歌  y như 'Hát' chứng tỏ hai từ được đặt ra để phiên âm hai âm vận khác nhau của người Bách Việt ở Hoa Nam. Dù vậy theo nhiều từ điển (thí dụ [8]) 'ca' mang nghĩa 'bài hát' chứ không phải động từ 'ca hát'. 'Ca' có phát âm Mân & Hải Nam [ko] và phát âm Hán Hàn giống nhất: [ka].

 

(d)  Sinh = Đẻ. Sinh bắt nguồn từ âm quanthoại [sheng] 生 , hoặc Hẹ [sien], dùng như động từ= sinh đẻ, hay hình dung từ: [sheng ri] = sinh nhật. Tiếng Việt cũng thường dùng từ 'sống' hay từ kép: 'sinh sống'. 'Sinh' cũng ưa đi với 'hoạt': sinh hoạt, với [hoạt] 活  mang phát âm y hệt [hoat] trong tiếng Mân (Phúc Kiến). Còn 'đẻ' = sinh, cũng không phải biến âm từ 'sinh' như các lý giải thường gặp, mà lại là lối nói của người Hải Nam: [deh] mang nghĩa 'sinh đẻ'. Tiếng Hán có lẽ đã phiên âm 'đẻ' thành 誕  đọc theo kiểu Hẹ: [dan].  

 

(e)  Ngựa = Ngọ = Mã. Chúng tôi xin đưa ra lý giải Bách Việt, khác với lý giải Việt/Hán Việt theo 'Thuyết 12 Con Giáp' của Nguyễn Cung Thông [7]. Thuyết chúng tôi cho rằng hai từ có âm khác nhau mang cùng nghĩa thường xuất phát từ hai tộc người khác nhau trong khối Bách Việt, hoặc là 2 từ chỉ hai sự vật hơi khác nhau. Trong quá trình hợp chủng người ta quên đi gốc gác của từng từ. Chứ không phải do biến âm tại chỗ. Thuyết 12 Con Giáp [7], cũng như rất nhiều công cuộc nghiên cứu về tiếng Việt xưa nay, thường cho đó là biến âm tại chỗ của một khối tộc thuần chủng. Theo thiển ý:

-         Mã: xuất xứ từ tiếng Mông Cổ [Mohr], viết theo Hán tự 馬  đọc [ma] rất giống tiếng Việt. Nhưng, 'Ngọ' trong năm Ngọ, lại liên hệ đến 'Ngựa', có một gốc khác: [ghora] thuộc tiếng Ấn & Bangladesh. Sang đến khu vực Bách Việt:

-         Ngọ => Ngựa: rất có khả năng là thứ phát âm Nôm (Hoa Nam) dùng thẳng từ 猊  phát âm kiểu Hẹ [ngi] hoặc Quảng-Đông [ngai] mang nghĩa 'con ngựa rừng'. Hoặc là âm Nôm của từ  phát âm kiểu Hẹ [ngau] và Quảng Đông [ngou] mang nghĩa con ngựa chứng, chưa được thuần thục. Tiếng Việt ngày nay hãy còn phảng phất âm hưởng 'con ngựa chứng' [ngou] qua lối nói: 'thằng này ngầu quá'.

 

(f)   Năm Thân = năm con Khỉ => Thân <=> Khỉ.

-         Thân: theo nguyên lý biến âm giữa tiếng Hán và Việt cổ (Môn-Khmer), tiêu biểu qua rất nhiều từ Việt gốc Hoa Nam (thường gọi: Hán Việt), và từ điển tiếng Chàm [9]. Âm [Th]-Việt (hay Chàm) có thể tương ứng với [Sh] hay [X] bên 'Hoa'. Ngay như trong tiếng Miến Điện (Mynmar) cũng còn dấu biến âm từ Salween (do người Anh phiên âm) trở lại ra Thanlwin. [Thân] do đó viết  và đọc [shen] theo quanthoại. Những từ điển Hoa thông thường không bao giờ có chuyện viết nên: '[shen] = khỉ' hết. Và thật ra [Thân] xuất phát từ phát âm như [sun] tiếng Hẹ, hay [syun] Quảng Đông, mang nghĩa: con Khỉ.

-         Khỉ: tiếng Hán ròng có lẽ là 猴  [Hầu], đọc y như vậy trong tiếng Quảng Đông [hau]. Tiếng 'Khỉ' cũng lại xuất phát từ âm Quảng Đông của  [kheoi],  mang âm gần nhất với [khỉ] nhưng mang nghĩa nguyên thủy 'khỉ cái'. 

 

(g)  Năm Tuất = năm con Chó. Từ nôm 'chó' đã được trình bày nhiều lần trong các bài trước. Tiếng Thái: [maa] đã sinh ra [má] => chó má. Tiếng Hoa thường dùng: Khuyển 犬  có lối đọc y hệ [kien] trong tiếng Hẹ, và [khian] trong tiếng Mân {để ý âm Hoa Nam rất giống kiểu Nam bộ hay Mường (wiết => huyết): lột mất âm [uy] => [kh(u}iển]. Từ khác là [cẩu] hay [kỉu] 狗  rất giống kiểu Hẹ [kieu] và Mân / Quảngđông: [kau] hay [gau]. Tiếng đa đảo là [kuli]. Nhưng [Tuất] lại xuất xứ từ một tiếng khác: 嗾  đọc kiểu Hẹ: [tsuk], Quảng Đông [zuk]. Ban đầu mang nghĩa tiếng gọi cho con chó đến: [tsút - tsút]. Phát âm Hải Nam cho năm Tuất chính là [tuat].  

 

(h)  năm Mùi = năm con Dê. Xin để ý định lý biến âm giữa các phương ngữ Hoa Nam: Một số các âm [W] quan thoại (thí dụ: wan = vạn) có khuynh hướng biến ra:

* âm [M] trong tiếng Quảng Đông: [wan] => [maan] (muôn = 10000)

* âm [V] trong tiếng Hẹ: [wan] => [van] => (vạn)

* âm [B] tiếng Mân: [wan] => [ban] hay [man] => [byạn] kiểu Nambộ & Mường

Áp dụng định lý này, ta thấy [Mùi] xuất xứ từ biến âm [Mei]-quảng-đông, của [wei] quan-thoại, tức [vi]-Hẹ, hay [vị]-quốc ngữ => mùi vị. Và: [bi]-Mân, tức [byi] Nambộ và Mường. Ta thấy ngay: [byi] là một âm gần gũi với [yi] tiến đến [dê] rất dễ. Tiếng quan-thoại cho Cừu/Dê là [yang], phát âm theo Ngô Việt là [Iyaz], rất gần [bê] hay [byê] tiếng Mường. [Mùi] lại có thể mang cùng gốc với [mamaê] tiếng Thái. Âm [Mei] tiếng Quảng-Đông cho [mùi] cũng là âm cho tiếng kêu của con cừu hay con dê, phiên âm theo Hán tự bằng 羋.

 

Địa-chi

Hán tự

Quan Thoại

âm BáchViệt mang nghĩa 'con Giáp'

Chữ Hoa cho âm cột 4

tiếng mang âm cột 4-5 và nghĩa cột 7

Ý nghĩa con Giáp

Quan thoại  cột 7

Thú (Mường/Thái)

      1

 2

    3

         4

      5

          6

         7

      8

              9

zi*

syu / tsy

 鼠

Q. Đ/ Ngô

Chuột

shu

tsuôt / chuat

Sửu

chou

siu / zeu

 犨  / 丑

Hẹ

Trâu (Bò)

shui-niu

tlu / klu / salu

Dần

yin

yau / zan

 貅  / 倀

Q. đông

Cọp

hu

khal/khan

Mão

mao

miau / mau

 貓   / 猫

Hẹ / Qđông

Mèo (thỏ)

mao

mèo / thoh

Thìn

chen

then

 虯

Hẹ

Rồng

shen

ròng

Tỵ

si

tuo + chi

 蛇

Q.thoại

Rắn

she

ran / zan

Ngọ

wu

ngai / ngou

 猊  /

Quảng Đông

Ngựa

ma

ngưa

Mùi

wei

mei

 羊  / 羋

Q. Đông

Cừu (Dê)

yang

dê / tê / bê (byê)

mamaê

Thân

shen*

sun / syun

 

Hẹ / Q Đông

Khỉ

hou/ you

vok

Dậu

you

yiu => yau

 雓

Q. Đông

ji

ka

Tuất

xu

tsut / tuat

 嗾

Hẹ /Hải-Nam

Chó

gou

tsó

Hợi

hai

hei

 豨

Q. đông

Heo

zhu

kwi / kul/ kun

 

Toàn bộ 12 con Giáp với âm chính thức Bách Việt, được tóm tắt trong bảng trình bày ở trên - với chú thích sau:

1.      Trước hết ta thấy các âm điệu Tí, Sửu, Dần, Mẹo, ... hoàn toàn mang nghĩa các con thú tương ứng theo với tiếng các tộc Bách Việt ngày xưa. Cột 1 mang nghĩa cột 7. Theo với minh giải trình bày ở cột 4.

2.      Cột 4 chính là âm nguyên thủy Bách Việt, đã được 'Hán hoá' bằng Cột 3.

3.      Khi người Hán phía Bắc Hán hoá các âm gọi 12 con Giáp từ phía Nam, họ thấy các âm này là âm ... tiếng 'người nước ngoài' xa lạ, nên họ hệ thống hoá thành 12 địa-chi, mang phát âm quan-thoại theo cột 3. Tên họ quen gọi họ vẫn giữ, đó là cột 8. Thí dụ: con cọp, họ gọi [hu] => hổ. Khỉ, gọi [hou] => hầu. Rồng: [long] => long.

4.      Truy tầm âm vận Bách Việt chứng minh quyết liệt tên 12 địa chi - đích thị là tên gọi đúng 12 con Giáp từ miền Hoa Nam, đặc biệt người Quảng Đông, thuộc chủng Thái cổ (tức Âu Việt) bà con cật ruột với một phần khá lớn của người Việt Nam và Thái Lan. Những âm bây giờ phiên âm thành tiếng Hán, trình bày ở cột 4-5 cho thấy rõ rệt điều đó.

5.      Chuyện con mèo (mao) lên đên phía Bắc trở thành con Thỏ được hợp thức hoá dễ dàng bởi người Hoa phía Bắc đã biến tên thú (con Giáp) nguyên thủy thành tên địa-chi. Giống như kiểu tên hai người làm ăn chung với nhau dưới tên một công ty. Từ đó nếu có thay đổi tên người làm ăn, tên công ty phía trên vẫn có thể được giữ nguyên. Tên địa chi ‘Mão’ vẫn có thể giữ nguyên, khi thay đổi mèo bằng thỏ.

6.      Phương pháp chúng tôi đặc biệt khác với phương pháp Nguyễn Cung Thông ở chỗ căn bản lý thuyết ở đây dựa vào biến âm của các tộc người khác biệt trong nhóm Bách Việt, trong khi phương pháp của một trong những vị khởi xướng 'phong trào' tìm về nguồn  [7] [11] chú tâm đến biến âm trong tiếng Việt của người Việt (Nam) cổ.

 

Bây giờ xin trở lại phân tích hai chữ Hùng Vương. Đặc biệt nhấn mạnh ở chỗ 'biến âm' từ [K] sang [H], do ở vài đề nghị (thí dụ: Trần Quốc Vượng [11]) cho rằng có thể tiếng Mường tương đương với 'vua Hùng' là [Po Khun] - trong đó [Khun] mang nghĩa 'tù trưởng'. 

 

'Vương' 王  khá đơn giản, chỉ là lối phát âm Hẹ (mang chữ V) [vuong] hay [vong] của quan-thoại [wang] hay quảng-đông [wong]. Đặc biệt từ điển của Lau Chun-Fat cho biết tiếng quan-thoại cũng có lối phát âm [yu]-4 cho [wang]. [Yu] sẽ dễ dàng cho ra âm [byua] theo kiểu Nam bộ, hay [bua] kiểu quốc ngữ thời Alexandre de Rhodes.

 

Chữ [kun] tiếng Mường (có thể kèm âm hơi thở, đọc [khun]) thật ra lại mang nghĩa 'chúa', hay 'thủ lãnh', hoặc tù trưởng. Tương đương tiếng Hán là 'quân' 君  phát âm y hệt [kun] trong tiếng Mân. (Quảng đông đọc [gwaan] và Hàn quốc đọc [kwun]).

 

Chữ 'Hùng' viết như 雄  mang bộ 'Chuy' giống như chữ Lạc viết theo bộ Chuy dùng để chỉ Lạc Hầu - Lạc Tướng [12]. Do đó, có một dạo tại Việt Nam, nhiều học giả ưa cho rằng Hùng Vương = Lạc Vương.  {Chúng tôi sẽ bàn tiếp về Hùng Vương và Lạc Vương vào dịp khác}. Hùng 雄  trong  'Hùng Vương' mang nghĩa 'hùng mạnh' hoặc người Hùng. Quan-thoại đọc [xiong]. Ba âm Bách Việt rất giống âm Việt [hùng]: Mân [hiong]. Hẹ [hiung] và giống nhất Quảng Đông (tộc Thái cổ) [hung]. [Hung] QĐ = [Hiung] Hẹ = [Hùng] Việt cho thấy gốc gác tên gọi [Hùng] nằm trong chủng Thái-cổ, tộc chủ lực của người Mường (Việt).

 

Nhưng âm [Kun] trực tiếp cho chữ 雄   (và thay cho [Hung]) hoàn toàn vắng bóng trên 'diễn đàn' Bách Việt, bởi Hải Nam và Ngô Việt đọc như [yong] hay [iong]. Âm của chữ  強  mới có âm [K] ở đầu, đọc theo tiếng Mân: [kiong], Quảng: [keong], và Hẹ [kiong] mang nghĩa 'hùng mạnh' y như 'Hùng' 雄   phía trên. Một từ khác cũng mang nghĩa 'hùng mạnh': 鞏  mang phát âm [kiong] Mân, [giung] Hẹ, và [gung] hay [kung] Quảng Đông. Chúng ta nên để ý lối viết chữ Hán tròng lên các phương ngữ Hoa Nam là lối viết có sau - thực tế chỉ phiên âm theo mẹo luật chính tả chữ Hán. Do đó, ngày xưa, rất có khả năng âm [Hùng] và [Kun] lẫn lộn với nhau giữa các phương ngữ, và cũng có thể hoán chuyển ý nghĩa với nhau:

 

Hùng = Mạnh => [hung], [kiong], và [kung]

Kun = Vua = Chúa tể = Quân = Quan (Kun T’lang = Quan Lang) => [kun] <=> [hung].

 

[Hùng] trong tiếng Hoa (hay Hoa Nam) còn mang ý nghĩa: 'Nam giới' hay 'đầy sinh lực'.

Một từ khác tiếng 'Hán' cũng mang nghĩa 'nam tính' chính là 'Công' 公  đọc theo Quảng Đông hay Hẹ là [gung] rất gần với [kung].

 

Thế [Po] trong [Po Khun] ở tiếng Mường ra sao?

 

Tra cứu từ điển Mường [13] chúng tôi thấy chỉ có [Pổ] mới điền được vào chỗ trống cho hợp nghĩa. 'Pổ' mang nghĩa= Ông Cha. Pổ = Bố. => [Pổ Khun] hay [Pổ Kun] => Người làm Quan - giống như vị Cha già cho cả Bộ Lạc.

 

Cũng  không tránh được để ý: Pổ Cảy = Bố Cái = Cha Mẹ => giống như 'Bố Cái Đại Vương' (Phùng Hưng). 

 

Đến đây - chúng ta có thể tạm đi đến một số nhận xét như sau:

¨      'Hùng Vương' là sản phẩm trí tuệ của người Việt thuộc các chi chủng di cư từ phương Bắc. (Xin tạm gác lại vấn đề 'Hùng Vương' có thật hay không). Đặc biệt tộc Thái cổ và tộc Lạc Việt phía Bắc (tức Hẹ) có phát âm gần giống tiếng Việt ngày nay nhất.

¨      Tộc Thái cổ, còn gọi Âu Việt, chính là tộc chủ lực của người Mường, thời xưa nổi tiếng theo mẫu hệ, giống như tộc Việt cổ: Môn Khmer, với đại biểu là người Chàm (Chăm) - xưa nay thường bị gọi thuộc chủng hỗn hợp Mã Lay - Đa đảo.

¨      Tộc Lạc Việt phía Bắc có thành phần chủ lực là tiền thân người Hẹ ngày nay. Người Hoa ngày xưa ưa gộp họ với các tộc khác, nhất là đám Tam Miêu (tức Hmong-Mien hay Miêu-Dao), ở khu bán đảo Sơn Đông, thành một khối, gọi Đông Di. Bởi nhóm Đông Di thường xuyên giao tác với người Hoa từ thời Đông Châu liệt quốc cho mãi về sau, nên có thể họ theo phụ hệ khá sớm.

¨      Việc hợp chủng Âu - Lạc, một bên theo mẫu hệ, một bên theo phụ hệ, luôn được phản ánh khá đầy đủ trong truyền thuyết 'cẩm nang' của dân tộc Việt Nam: truyền thuyết Âu-Cơ / Lạc Long Quân và Hùng Vương.

¨      Phiên thiết hai chữ 'Hùng Vương' qua các tiếng Việt ở Hoa Nam (kể cả tiếng Mường) ở trên cho thấy tác giả truyền thuyết đã nhấn mạnh: Chế độ Hùng Vương, nếu có, là một chế độ theo phụ hệ. Tuy nhiên chúng tôi xin phép dành phần luận bàn về thời điểm các tác giả truyền thuyết đã ghi chép hay dùng các 'phần từ' với hàm ý 'nam tính' trong chữ Hùng của quốc tổ Hùng Vương. Nhất là điểm mâu thuẫn khi thấy ông Phùng Hưng được danh xưng Bố Cái Đại Vương vào thế kỷ thứ 8, trong khi Hùng Vương, nếu có, đã có trước Bố Cái Đại Vương ít lắm cũng 1000 năm, lại chỉ mang tước hiệu Bố Quan (Pổ Kun) nhấn mạnh về phía người Cha của phụ hệ.

 

Trong một bài tới, chúng tôi sẽ khai triển lý thuyết trình bày phía trên về hướng Bắc, nhưng áp dụng cho hướng Nam, để nhận diện tộc người Việt đã làm chủ dải đất hình chữ S sớm sủa nhất. Từ đó chúng ta sẽ có dịp xem và nhìn lại vấn đề Nam tiến ở một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ, cho thấy đó chỉ là một người em trong bộ tộc trở về quản lý giang sơn gấm vóc của tổ tiên người Việt thuở ban đầu.  

 

CẢM TẠ: Chúng tôi xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Cung Thông (Melbourne) đã gợi và góp ý rất nhiều về đề tài chuyên khoa: 12 Con Giáp.

 

NN

Tháng 5 - 2006

 

GHI CHÚ

 

[1] Chúng tôi xin mạo muội đưa ra thêm 2 giả thuyết, dành cho những vị thích nghiên cứu cổ sử Hoa và Việt: (i) Tần Thủy Hoàng có huyết thống không thuộc tộc Hoa-Hạ. Có thể một thứ tộc Bắc Địch hay Nhục Chi (Turkestan). Ông đã thẳng tay ra lệnh đốt sách chôn học trò - thuộc Nho giáo - bởi Nho giáo là một sản phẩm thuần túy Hoa-tộc, của những vị thánh hiền tộc Hoa ở vùng bán đảo phía Đông. (ii) Hán Cao Tổ Lưu Bang, xuất thân ở xứ Giang Tô (Ngô-Việt), lại lấy tên sông Hán Thủy ở nước Sở, nơi có nhiều cộng đồng Việt tộc (gốc Thái hay Âu) sinh sống, làm tên nước Trung Hoa đầu tiên nhất thống Hoa-Nam và Hoa-Bắc, có vẻ cũng một người mang huyết thống... tộc Việt. Lý do: Người Hoa từ Nam chí Bắc (bao gồm phần lớn tộc...Việt, tức Bách Việt) luôn luôn thích tự gọi họ người Hán, tiếng của họ tiếng Hán. Họ thích gọi họ người Hán và không hề thích gọi họ người Tần. Trong khi người Anh-Pháp-Mỹ đều gọi họ người Chinese hay Chinois, tức người Tần. Bởi China bắt nguồn từ Ch'in, tức... Tần. Phải chăng bởi Lưu Bang có huyết thống Việt tộc trong người nên đám Bách Việt trên toàn cõi Trung Hoa đã để cho ông yên, hợp tác và tiện nghi hãnh diện với triều đại nhà Hán? {Một thứ tên khác người Hoa, nhất là Hoa kiều ở bên ngoài Trung Hoa, thích gọi là Thoòng Yàhn, tức Đường nhân, hay người Đường. Thời nhà Đường (618-907) là thời đại huy hoàng nhất nhì văn minh Trung Hoa). Thêm một điểm đáng để ý: Người sáng lập nên nhà Đường mang họ Lý (Lý Thế Dân) có gốc ở khu bán đảo Đông Bắc nước Tàu (Sơn Tây / Sơn Đông), nơi ngày xưa tập trung đám rợ Đông Di.

[2] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ).

[3] Thí dụ: 'Anh/Chị/Mày' quanthoại và quảngđông gọi [ni] [ nhưng Ngô-Việt (Thượng Hải - Chiết Giang - Giang Tô) gọi [nong] viết khác, đọc khác. Tiếng Việt có thể biến [nong] thành [nó] và dời sang ngôi thứ 3. Cũng giống như [ai] tiếng Hẹ có nghĩa 'tôi' dời sang ngôi thứ 3 (ai đó?) và lẫn lộn với ngôi thứ 1 {ai biết đâu = tôi đâu biết}. Thí dụ khác: 'Nó / cô ấy' quanthoại đọc [ta] , nhưng quảngđông đọc [kei] 其  giống tiếng Thái.

[4] Thí dụ: âm quanthoại [jiu] mang 2 thứ từ chính: 九  (chín) và 久  (cựu, cố cựu). Truy tầm phát âm trung-cổ dựa vào âm Phúc Kiến: [kao] hay [kiu]. Tiếng Việt quốc ngữ [cửu], theo thiển ý là âm giữa [kiu] và [kao], đọc [kiu] hay [kao] cũng được. Các họcgiả nếu dựa vào quốcngữ hay tiếng Phúc kiến cho rằng âm Hán trung-cổ là [kơw] có thể sẽ bị ... hố. Bởi theo lý thuyết chúng tôi, chính người Việt ở Phúc Kiến (và/hay Quảng Đông) đã mang lối gọi [cửu] hay [cựu] vào nước Việt, theo các đợt di dân, chứ không phải do thế lực đô hộ Hán-Ngô-Tùy-Đường đem tới. Vào thời đó, đa số quần chúng nước Nam, cho riêng phát âm [kiu]/[kao]= cổ,  có lẽ dùng các từ Môn-Khmer như: [kra]=>già, [kone]=>cũ, [ja]=>già, Thái: [gau]=>[cũ], hay Chăm: [takoy]=>cổ.

[5] Xin lưu ý: Thỉnh thoảng chúng tôi chỉ ghi: Hẹ, mà không nhắc đến Miêu-Dao tức Hmong-Mien. Xin vui lòng để ý hai nhóm Hẹ và Miêu-Dao ưa nhập chung với nhau khi di tản ra khỏi nước Tàu. Nhóm Hmong-Mien tại Việt Nam thời xa xưa (nhà Lý trở về trước) ưa nấp kín sau lưng nhóm Hẹ. Nhóm Hẹ cũng thường che dấu gốc gác của họ, và cũng thường dấu luôn tên tộc Bộc Việt hay Lạc Việt. Họ thuộc khối Bách Bộc hay Đông Di hoặc Cửu Lê.

[6] http://chineseculture.about.com/library/weekly/aa101699.htm

http://www.travelchinaguide.com/intro/history/prehistoric/longshan_culture.htm

http://www.chinapage.com/archeology/ancient-site.html

Một số trang mạng về cổ sử Hàn quốc cũng cho rằng người Hàn là hậu duệ đám rợ Tam Hàn, trong đó người Hmong làm nòng cốt. Họ cũng cho rằng chính người Hmong-Mien (tức Miêu-Dao) đã sáng tác ra chữ viết đầu tiên tại Hoa lục.

[7] Nguyễn Cung Thông (2006) Nguồn gốc tên 12 con Giáp (và các liên hệ Việt, Hán Việt với ngôn ngữ láng giềng qua tiếng nói) - Tập I. Tác giả xuất bản.

[8] http://www.chineselanguage.org/cgi-bin/query.php?table=hakka&mode=english&sound=no&beijing=pinyin&canton=jyutpin&hakka=default&fields=pinyin,english&lang=en&show=frequent

[9] Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sanh, Lâm Gia Tịnh, Trương Văn Tốn (1971). Tự Điển Chàm-Việt-Pháp. Trung tâm Văn-hóa Chàm - Phan-Rang.

[10] Charles Hamblin (1984) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson.

[11] Nguyễn Cung Thông (2006) Trao đổi tư liệu - 1 tháng 5, 2006.

[12] Cần nhớ: Ý tưởng người xưa để lại: 'Lạc' trong Lạc Long Quân, họ thường viết với bộ Trãi , dùng để chỉ Lạc bộ Trãi ở miệt sông Hoàng Hà. 'Lạc' trong 'Lạc Việt' viết theo bộ Mã , thường dùng chỉ người Mân Việt, cho thấy hai chữ Lạc Việt khá thịnh hành ở thời nhà Trần, mang gốc tộc người Mân. 'Lạc' trong 'Lạc Hầu - Lạc Tướng' viết theo bộ Chuy , cho biết rất nhiều Lạc Hầu - Lạc Tướng mang gốc tộc Để-Khương, thường gọi Môn-Khmer. Tất cả những chữ Lạc đó đều chứa chữ 'Lạc' gốc chỉ sông Lạc , và dùng cho chữ 'Khách' trong 'Khách Gia' tức người Hẹ.

[13] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành (2002)  Từ Điển Mường Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc. Hànội.

 

Nguyên Nguyên