Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18):

Phần 6: Người Miao, nhóm Việt-tộc nấp sau người Hakka

 

Nguyên Nguyên

 

 Bộ Sử Ký 'Quốc Triều Chỉnh Biên Toát Yếu' do Cao Xuân Dục chủ-biên [1], trong đoạn nói về việc vua Gia Long xin nhà Thanh phong vương, có ghi 'quốc thơ' đầu tiên, gởi cho vua Thanh vào năm 1802, viết rằng: 'Mấy đời trước mở đất Viêm Giao, càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm nay. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn cả đất Việt, nên theo hiệu cũ để chánh quốc danh'.

 

Khối Cửu Lê, người Cao Ly và Miêu tộc

 

Xin thử xem kỹ hai chữ 'Viêm Giao' do chính vua đầu nhà Nguyễn dùng để miêu tả đất nước Việt. Hai chữ này có vẻ khá xa lạ đối với đời nay, nhưng có thể rất thông dụng ở thời xưa, và có lẽ là thứ tên người Hoa xưa ưa dùng để gọi nước Nam. Như lối người Việt xưa quen gọi nước Tàu là nước Ngô.

 

Như vậy Viêm-Giao được dùng với ngụ ý gì? Trước hết, 'Viêm', rất có khả năng, liên hệ trực tiếp đến Viêm Đế (Yan Di  炎  帝 ) tức Thần Nông, ông thánh tổ của nghề nông và dược thảo. Thuộc một thị tộc khác với tộc Hoa Hạ (ban đầu) của Hiên Viên Hoàng Đế. Thường gọi 'Thần Nông Thị'. Thần-Nông xưa nay vẫn được xem thánh tổ thứ 2, sau Hiên Viên, của người Trung Hoa. Chủng-tộc gốc của Thần Nông rất có khả năng chính là Thái-cổ. Bởi vài lý do chính:

 

(i) Tượng thờ Thần Nông có nhiều nhất tại tỉnh Hồ Bắc, địa bàn nước Sở năm xưa. Lê dân (dân đen) nước Sở hiện thường được xem thuộc tộc Thái-cổ (xem bài số 2);

(ii) Người Thái-Lan hiện tại cũng thờ Thần Nông như một thánh tổ, và gọi 'Chan-Nong'; (iii) Nhiều mường-bản tại Việt Nam, vẫn thờ Thần Nông, như thánh tổ của nghề nông, lúa gạo, và thực phẩm;

(iv) Thần Nông cũng là một ông vua đầu của thời đại Đế Nghi - Đế Minh, dẫn đến Kinh Dương Vương, có mẹ là Vụ Tiên Nữ, mang chủng Lạc Việt;

(v) Thần Nông cũng như Đế Cốc, Đế Thuấn, Đế Minh, v.v. có tên viết theo văn-phạm Việt hay Thái (Lan) - chữ 'Thần' đứng trước 'Nông'. Nhưng xin để ý, khi người Hoa nhìn nhận Thần-Nông cũng là một thánh tổ của dân tộc, có thể họ cho Thần Nông đảm-nhận vai-trò đại-diện cho các nhóm tộc khác với Hoa Hạ, đặc biệt nhóm siêu tộc Để - Khương, cũng như các nhóm thuộc Bách Việt. Nhà trí thức Cố Viêm Vũ (có xuất hiện trong bộ Lộc Đĩnh Ký của Kim Dung) theo [7] cho rằng Thần-Nông mang họ (tánh) là Khương. Mặt khác, ngày xưa, người Hoa ưa dùng chữ 'Thị' (chỉ Thị Tộc) theo sau Thần Nông: Thần Nông Thị. Giống như: Hữu Hùng Thị [You Xiong Shi], Toại Nhân Thị [Sui Ren Shi], Hữu Miêu Thị [You Miao Shi], Phục Hy Thị [Fu Xi Shi], v.v. Hữu Hùng Thị chính là thị tộc 'ruột' của Hiên Viên Hoàng Đế [2], vị hoàng đế đầu tiên của tộc Hoa-Hạ.

 

Thế còn 'Giao' thì sao? 'Giao' có thể mang hai ý nghĩa khá giống nhau. Thứ nhất, 'Giao' là viết tắt từ 'Giao Chỉ' {交  阯  hay 交  趾 } hoặc 'Giao Châu' {交  }. Thứ hai, 'Giao' theo sát lối đọc người Hẹ [giau], có thể mang nghĩa 'khu biên giới': 徼 . 'Viêm Giao' do đó có thể hàm ý đất của con cháu Viêm-Đế (Thần-Nông) ở biên giới phía cực Nam.

 

Nhưng chúng ta có thể thấy có cái gì hơi lấn cấn ở chỗ cho Giao mang nghĩa Giao Chỉ hay 'biên giới'. Ngoài những nghĩa khác như: Giao = bàn chân  腳  hay 脚 ; Giao => Giao long 蛟 , chỉ một giống Thuồng Luồng. Có vẻ hơi tự ti, yếm thế. Và thiếu tính cân xứng, đối với từ 'Viêm' kia. Nhất là từ một người như Gia Long. Thử đặt giả thiết Giao là phát âm 'Yao' tộc, đọc theo kiểu chính người Hẹ (hay người Việt phía Bắc) và có thể người Miêu-Yao, chính là [Zao] hay [Giao]. {Phát âm quan-thoại lại là [Yao]}. Tức khi đề cập đến xứ  'Viêm Giao' trong lá thơ gởi cho Hoàng Đế nhà Thanh, vị vua đầu nhà Nguyễn phải chăng đã xác nhận qua âm thanh, dân ở đất nước đó chính là hợp chủng giữa con cháu Thần-Nông và con cháu Xy-Vưu, thánh tổ của đám Miêu-Dao. Và Miêu-Dao theo hiểu biết của người xưa, trong ý nghĩa rợ Đông Di, thông thường bao gồm cả nhóm Hẹ-cổ (Hakka) tức nhóm Lạc Việt ở miệt cực Bắc nước Tàu. Xin nhắc lại vua Lý Anh Tôn vào năm 1160 đã ra lệnh cho xây đền thờ Hai Bà Trưng, và đền thờ thánh Xy Vưu của khối Cửu Lê, bao gồm phần chính là nhóm Miêu-Dao.

 

Vấn-đề thật ra hết sức phức-tạp, và chúng tôi xin phép tóm tắt như sau:

 

1)     Nếu thử truy cập mạng về cổ sử Hàn Quốc, tức Triều Tiên hay Cao Ly (theo kiểu gọi xưa), chúng ta sẽ thấy, giống như Thái Lan nhìn nhận Thần Nông là thánh tổ, họ nhận Xy Vưu là thánh tổ của dân Triều Tiên, tức Hàn. Xy Vưu cũng chính là lãnh tụ của khối Cửu Lê, tức 9 nhóm lớn thị-tộc họ Lê  (hay Ly ). Mỗi nhóm lại có 9 tiểu chi hay bộ lạc khác nhau, và tổng cộng có đến '9 x 9', tức 81 bộ lạc khác nhau [3] [4] [12].

2)     Hiện nay, người Hoa cũng còn mù mờ về tên của 81 nhóm thuộc tộc Cửu Lê (Jiu Li ) với Li = Lê , viết y như họ Lê tại Việt Nam [12]. Nhưng họ biết chắc chắn trong khối Cửu Lê, đã có: tộc Miêu-Dao (tức Hmong-Mien), tộc Hakka (Hẹ) bởi người Hẹ ưa sống gần Miêu-Dao, xưa và nay. Cửu Lê cũng bao gồm nhóm Lê tộc ở Hải Nam - tộc người bản địa, rất giống một tộc chủ lực của người Chăm, hay tộc người Việt bản-địa: Môn-Khmer. Và cũng có thể bao gồm đám Lạc Lê [LuoLi], tức nhóm gíp-xi nay đây mai đó ở Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ 13-14.

3)     Miêu tộc viết theo tiếng Hán là: 苗  族   so với con Mèo viết 猫  tức âm con Mèo kêu [miao] cũng rất giống âm người Miêu, tức Hmong gọi tộc họ. Vấn đề tên gọi Hmong hay Miêu cũng khá phức tạp. Ở chỗ tên gọi Hmong chỉ là tên gọi của nhóm Miêu tộc ở vùng biên giới Việt-Hoa, Lào & Thái-Lan, và ở Việt Nam. Người Miêu tại nội địa Trung Quốc, như khu vực tỉnh Quý Châu (trên Quảng Tây, gần Hồ Nam), vẫn thích gọi họ người Miao (Miêu) hơn. [Miao] theo tiếng Miao mang nghĩa 'hạt giống' chứ không phải 'Mèo'. Miêu tộc có cùng chung chủng gốc với Dao tộc và địa bàn của họ thường gần gũi đan xen với nhau. Miêu-tộc ở trên núi cao (trên 1000 thước) - trong khi Dao tộc ưa chiếm cứ một độ cao lưng chừng (~ 500 thước). Tổng số Miêu tộc (kể luôn Dao) hiện nay khoảng 10 triệu, phần lớn (8.5 triệu) ở lại Trung Hoa, tập trung ở tỉnh Quý Châu [9].

4)     Miêu tộc viết theo Hán: 苗  族  . Dao tộc: 瑶  族   hay 猺  族 , theo kiểu xưa. Hẹ phát âm [Zau] {tiền thân của [Giao]-quốc-ngữ) hay [Yau]. Quảng Đông: [Yiu] và Quan-thoại, [Yao]. Người Miêu-Dao đến xứ Việt cổ từ thời xa xưa. Có thể chính họ là tộc chủ lực của triều đại nhà Lý. Từ xưa đến nay, bộ tộc gần họ nhất chính là người Lạc Việt mang tên riêng là Hẹ (Hakka), có lối viết chữ Hán y hệt như họ Lạc của Lạc Long Quân. Nhưng cũng như nhiều sắc tộc khác từ Trung Hoa, họ chạy giặc Mãn Thanh, ra khỏi nước Tàu một lần nữa vào thế kỷ 17-18. Ở thời điểm đó, các dân tộc khắp nơi tại Đông Nam Á đã hoàn-toàn hình thành. Người Miêu-Dao do đó, giống như 'Hoa kiều', rất khó trà trộn hội nhập vào dân địa phương như vào thời xa xưa. Tại Việt Nam, đôi khi họ bị gán với thứ tên gọi: 'Mán'. Nhưng cũng bởi họ, cũng như 'Hoa kiều' nói chung, di tản ra khỏi nước Tàu bằng rất nhiều đợt, cách nhau hằng trăm năm. Nên những đợt trước, vì đã hoà mình hợp chủng với dân bản địa, thông thường khó nhìn bà con với những đợt về sau. Nhất là những đợt sau thế kỷ 15.

5)     Thánh Xy Vưu của dân Triều Tiên và nhóm ngưới Hmong-Mien (Miêu-Dao) theo sử sách Tàu chỉ lãnh đạo có 72 bộ tộc trong số tổng cộng 81 bộ tộc của khối Cửu Lê [12]. Đến chỗ này, sử Tàu khác với sử Triều Tiên. Sử Tàu cho rằng Hiên Viên Hoàng Đế (tức Hữu Hùng Thị) có choảng nhau với Xy Vưu tại trận Trác Lộc [ZhuoLu]. Sau đó Xy Vưu bị đại bại, rồi khối Cửu Lê tách ra làm 2: Miêu 苗  và Lê . Miêu chạy về hướng Tây Nam, tức Quý Châu * Vân Nam. Trong khi Lê chạy xuống Đông Nam, tức khu Quảng Đông * Hải Nam. Sử Triều Tiên lại khác. Xy Vưu không hề đánh nhau với Hiên Viên nhưng lại tạo dựng nên triều đại BAI-DAL (khoảng năm 3000 TCN) rất huy hoàng gồm 18 đời vua. Vương quốc Bai-Dal (= Bội-Đạt), giống như Văn Lang, kéo dài từ bán đảo Triều Tiên - Sơn Đông đến tận vùng Tây Tạng. Tức nếu nước Văn Lang rộng theo chiều dọc (Bắc-Nam), thì nước Hàn-cổ (Bai-Dal) rộng theo chiều ngang ở khu cực Bắc nước Tàu. 'Vua' Xy Vưu còn có một biệt danh rất quen thuộc với cổ sử Việt-Nam: vua XÍCH QUỶ.

6)     Một thứ tên gọi khác của thời đại Bai-Dal chính là Gu-Ri - cách đọc tiếng Hàn cho Cửu Lê (hay Cửu Ly). Một tên tương tự khác là: nước KOGURYO. Ko = Cao. Guryo= Guri = Cửu Lê= Cửu Ly. Koguryo => 'Cao Cửu Ly' hay CAO (Cửu) LY => CAO LY => KOREA => Corée. Theo định lý hoán chuyển [ao] <-> [iu] giữa các phương ngữ Tàu, của chúng tôi [8], [Cao Ly] chỉ là biến chuyển của [Cửu Ly] tức 'Cửu Lê'. {[Cao] => [Ciu] tức [Cưu]. Và: Lê <=> Ly} [18]. BAI-DAL là tiếng Hán-Hàn của Bội-Đạt => 倍 達  國, (Bội Đạt Quốc). Tóm lại: Bội Đạt [Bai-Dal] = Cửu Lê [JiuLi]. Người Cao Ly cũng thường gọi nước Bai-Dal của họ bằng một cái tên, mang chữ 'Hùng', cũng rất quen thuộc với người Việt: Hàn HÙNG 桓  雄  với chữ 'Hùng' viết y hệt như Hùng trong [Hùng Vương]. Như vậy:

Bai-Dal 倍 達 = Guryo= Cửu Lê (Cao Ly) 九黎  = Hàn Hùng 桓  雄   

Tức: trong cổ sử xứ Cao-Ly cũng có, vừa XÍCH QUỶ (biệt danh của Chi Wu,

tức Xy Vưu), vừa HÙNG trong tên triều đại Hàn HÙNG.

7)     Chữ ‘Hàn’ trong ‘Hàn Hùng’ ở đây, mặc dù mang âm Hán là ‘Hoàn’ như trong tên Tề Hoàn Công: 齊 桓 公  nhưng thật ra phiên âm từ tiếng Triều Tiên, có thể mang ý ‘nhà lãnh đạo’ – như chữ Hàn trong đám rợ Tam Hàn (Samhan). Có liên hệ trong âm vận với Hàn trong ‘Hàn quốc’: . ‘Hàn’ trong nghĩa ‘nhà lãnh đạo’ cũng liên hệ đến âm ‘Hãn’ như trong Thành Cát Tư Hãn. Âm [H] tương đương với âm tiếng Mông Cổ/Turkic [KH]. Hãn => Khan. Thành Cát Tư HÃN => Genghis KHAN.

8)     Chữ 'Hàn' 桓   trong 'Hàn Hùng' là phiên thiết theo kiểu người Hẹ (đọc [hen] hay [han] hay [fan]). Nhưng các bậc tiền bối ưa phiên thiết bằng [Hoàn] theo sát phát âm Phúc Kiến: [hoan], hay Quảng Đông [wun], và Quan-thoại [huan]. 'Hoàn' 桓   mang nghĩa: to tát, vĩ đại, có hiệu quả, lãnh đạo. Phát âm [Huan] thời xưa rất giống với [Huang] (Hoàng) mang nghĩa 'vua chúa', 'nhà lãnh đạo' tức ... Vương. 'Hàn Hùng' do đó chỉ là một lối viết hay lối nói của dân Triều Tiên (xưa), mang đúng ý nghĩa, tiếng Việt: HÙNG VƯƠNG.

9)     Đọc cổ sử nước Triều Tiên (Hàn) trên mạng, chúng ta cũng thấy thuở cổ thời nước Cao Ly cũng trải qua giai đoạn 'Tam Quốc' phân tranh. Tam Quốc kiểu Cao Ly bao gồm 3 nước Goguryeo, Silla và Baekje. Goguryeo chiếm phần Triều Tiên (Bắc Hàn) ngày nay cộng với một phần bên trong lục địa hướng Bắc, Silla và Baekje phần Hàn quốc ngày nay, với Silla bên bờ biển Đông. Điểm cần để ý là Silla người Hoa phiên âm thành Tân La hay Tân Lạc, có chứa chữ Lạc [17]. Và Baekje họ phiên âm như Bách Tề, có chứa chữ Tề, mang hàm ý hậu duệ nước Tề ở cực Bắc bán đảo Sơn Đông thời Đông Chu Liệt Quốc.

10)Âm vận của Xy Vưu có lẽ xuất phát thẳng từ tiếng Hàn (Cao Ly): [Chi Wu]. Người Miêu gọi đó là [Tsiv Yawg]. Hai âm cuối [v] và [g] trong [Tsiv Yawg] chính là dấu (thinh) trong tiếng Hmong, y như dấu hỏi dấu ngã dấu sắc, ... trong tiếng Việt. Ý nghĩa của [Tsiv Yawg] trong tiếng Hmong = Cha Ông. Để ý [Chi] rất giống [Cha]. [Wu] (tiếng Hàn) có liên hệ đến phát âm Hẹ [wung] hay [vung] cho từ 翁 , mà tiếng Quảng Đông đọc [yung], quanthoại [weng]. Ngô-Việt chính là [ong]. Việt-ngữ và Chiêm-ngữ là [ông]. Âm tiếng Việt có lẽ theo sát âm cổ, của chính người Miêu-Dao: Wu => Vưu. Nhưng người Miêu (Hmong) hiện đại có thể bị ảnh hưởng phương ngữ nào đó của tiếng Tàu trên cả nghìn năm nên đọc [Yawg] y như quan-thoại [You].

11)Có cái gì lạ trong tên gọi Xy Vưu mang nghĩa Cha-Ông hay không? Thưa có. Rất có thể đó không phải tên riêng của một người, mà là lối gọi của người Cửu Lê (Ly) xưa với ý: Thị Tộc của Cha-Ông chúng tôi. Hay theo kiểu Hoa: Xy Vưu Thị=Chi You Shi.

12)Nhờ ở Xy Vưu, chúng ta có thể minh chứng thêm một lần nữa, là người Hoa đã thao túng chữ viết của họ rất nhiều bởi ở toàn cõi miền Đông Á, ngày xưa, chỉ có chữ Tàu được phát-triển toàn-diện nhất. Mặc dù nguồn gốc của chữ Tàu ngày nay đã có nhiều giả thuyết cho rằng được 'chôm' từ các tộc khác. Rất có thể, từ Miêu tộc (hay Việt tộc) ở vùng Giang Tô, Chiết Giang hoặc Sơn Đông (xin xem các trang mạng về khảo cổ, cổ sử Trung Hoa, hay Cao Ly). Mặc dù gần đây, Xy Vưu đã được cho vào hàng thánh tổ nhân dân Trung Hoa, ngồi ghế thứ 3 sau Hiên Viên và Thần Nông, ngày trước ông được xem như kẻ thù của con cháu Hoàng Đế 黄帝 & Viêm Đế 炎帝, tức Hiên Viên (Tàu) & Thần Nông (Việt). Do đó hai chữ Xy Vưu được kí âm theo chữ Tàu thành những từ khá bết bát: Xy Vưu= . Trong đó [Xy ] mang toàn nghĩa xấu: Một loại côn trùng, Xấu XÍ [5], Ngu Si, v.v. Và [Vưu ] mang nghĩa: đặc biệt, cay đắng, lầm lỗi, đỗ lỗi cho kẻ khác, v.v. Hoàn toàn chỉ kí âm, bất chấp ý nghĩa. Nhiều khi ý nghĩa cực kì tương phản với nhau. Ta nên ghi nhận điểm này để có thể thận trọng hơn đối với những khuynh hướng xa xưa theo sát thư tịch cổ Trung Hoa trong việc nghiên cứu về cổ sử Việt Nam [6]. Nhất là kiểu chiết tự trên một số từ đã chọn sẵn.

13)Cũng bởi Xy Vưu mới được vào danh sách của các thánh tổ người Hoa gần đây nên sau chữ 'Xy-Vưu' người ta không thấy chữ 'Thị', như các thị-tộc khác, như: Hữu Hùng Thị (Hiên Viên), Thần Nông Thị, Toại Nhân Thị, Phục Hy Thị, Hữu Sào Thị, Hữu Miêu Thị, v.v. Lối dùng ghép chữ 'Thị' rất hay, bởi ý nghĩa có thể thay đổi tùy theo trình độ. Đối với dân chúng nói chung, khi không dùng 'Thị', người ta có thể hiểu Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên, ... là những người thật. Nhưng nếu dùng 'Thị' đi kèm, chúng có thể mang nghĩa: thời đại của thị tộc nào đó. Thí dụ: Thần Nông Thị= thời đại thị tộc biết nghề nông đến Tàu.

14)Cũng nên để ý, do ở hội chứng 'trận đánh Trác-Lộc' (Hiên Viên v. Xy Vưu), hay ở những thứ hội-chứng thường-tình về chủng-tộc, người Hoa ngày trước có vẻ không muốn nghiên-cứu nhiều về người Miêu. Từ đó nhiều chuyện chúng tôi thấy khá hiển nhiên (sẽ trình bày trong bài tới), về Miao tộc, vẫn thường xuyên được lướt trôi qua. Đối với lối chiết-tự, người Hoa vẫn thường xuyên rơi vào chính những thứ tiền-đề do chính họ dựng lên. Họ cứ nhắm vào một kiểu viết chữ chính, rồi đua nhau phân tích chữ đó. Chứ không hề để ý từ lúc văn minh Hoa-Hạ nở rộ, chữ viết các tộc khác tại Trung Hoa phải chìm trong bóng tối. Và thật ra người Hoa cổ thời, rất có khả năng, không chỉ hoàn toàn gói ghém ý nghĩa trong chữ viết, mà nhiều khi lại xử dụng âm-vận, như ngôn-ngữ Tây-phương. Tức cần phải cẩn thận khi chỉ dựa hoàn toàn vào lối chiết tự trên một số từ đã chọn sẵn. Nguyên lý rất quan trọng, mà cả người Hoa lẫn người Việt, khi nghiên cứu về 'chữ nghĩa', đều quên bẵng là: 'Những thứ chữ đó thật ra có phải do chính tộc người đó sáng tác hay không. Hay do người 'bên ngoài' sáng tác dùm'. Thí dụ: Các từ như 'Miao' viết: 苗 , là do người Hoa viết chữ Hoa, để miêu tả Miao tộc. Không phải do chính Miao tộc viết ra. Tức khi một người tinh-thông Hán-học, theo lề lối làm việc xưa, chụp lấy chữ nào đó mà chiết tự, hay phiên-thiết, họ dễ rơi vào cái vòng nhị nguyên lẩn quẩn, rất khó có thể đưa đến một sự thật. Như Bình Nguyên Lộc [7] đã vướng vào, khi ông theo sách Tây đem chiết tự chữ Miao 苗 , và suy ra đó chính là hợp từ 'Điền' chỉ Ruộng, và 'Thảo' nghĩa Cỏ. Chiết tự lẩn quẩn không xem lại tiền-đề, sẽ dẫn đến miêu tả: 'Người Miao làm ruộng rất dở, họ để cỏ dại mọc đầy trên ruộng!'  Phân-tích chữ nghĩa tiếng Tàu, bất chấp âm-vận hay ý-nghĩa của tiếng chính người bản-địa hay địa-phương, dễ đưa tới chuyện lạc-hướng. Vấn-đề này, với sự kính trọng các vị học-giả tiền-bối hãy còn đó, luôn luôn nằm chính giữa trong nghiên-cứu về ngôn-ngữ và cổ sử tại Việt-Nam.

 

Để tránh lộn xộn, từ đây chúng tôi xin chỉ dùng 1 tên: Miêu tộc [Miao zu], để chỉ nguyên khối Miao-Yao (Miêu-Dao), mà tiếng Anh thường gọi Hmong-Mien ([Mien] hay [Mian] 勉  là một tên gọi cũ của [Yao]). Và ghi nhận thêm một lần nữa, người Miao ở phía Cực Nam Trung Hoa và định cư tại các nước Âu-Mỹ sau 1975 {[4] [10]}, thường thích gọi bằng Hmong hơn. Trong khi đa số Miêu tộc ở phía Quý Châu có vẻ không mấy quan tâm với tên 'Miao'.

 

Khởi sự của Thời-đại Hùng-Vương

 

Trước khi tìm hiểu xem người Miêu có bà con họ hàng với, hay chính là một thành phần quan-trọng của, người Việt-cổ hay không - dù dưới nhãn hiệu che đậy: Lạc Việt hay Hẹ - chúng ta hãy thử rút tỉa một vài điểm quan-trọng về thời Hồng Bàng ở 3 quốc-gia: Cao Ly, Trung Quốc, và Việt Nam.

 

a)      Cả 3 nước đều bắt đầu bằng 18 đời vua: 18 đời Hùng Vương (Việt) = 18 đời vua nhà Hạ (Hoa) = 18 đời vua Bai Dal ở Cao Ly.

b)     Cả Việt Nam và Cao Ly đều thích xử dụng hai chữ XÍCH QUỶ, cho thời-đại cổ sử. Việt dùng 'nước Xích Quỷ'. Hàn dùng 'vua Xích Quỷ' để chỉ Xy Vưu.

c)     Cả 3 nước đều dùng đến chữ HÙNG cho thời Hồng Bàng:

·        Ở Trung Quốc, họ gọi thời đại Hiên Viên Hoàng Đế chính là thị tộc mang tên 'Hữu Hùng': Hữu HÙNG Thị [You Xiong Shi]. Chữ 'Hữu' ở đầu, chỉ mang nghĩa của thứ tên lót: Hữu Hùng Thị, Hữu Miêu Thị, Hữu Sào Thị, v.v.

·        Ở Cao Ly, thời Bai-Dal cũng mang tên: Hàn Hùng 桓  雄  (tức Hùng Vương).

·        Tại Việt Nam: 18 đời Hùng Vương, cũng dùng chữ Hùng y hệt như trên:

d)     Ở nước Sở thời Xuân Thu (khu vực gần Động Đình Hồ và sông Hán Thủy), địa bàn đầu tiên của Thần Nông Thị, người được vua nhà Châu phong tước Hầu cai trị vùng đất Kinh Cức mang tên Hùng Dịch. 'Hùng'  ở đây mang nghĩa con gấu 熊.. Phát âm Quảng Đông [hiung], Hẹ [Hung], và Quan-thoại [xiong], y như 'Hùng' trong Hùng Vương. Tiếng Sở xưa còn đọc [Mị] [14]. Họ Hùng (hay Mị) thay nhau làm vua nước Sở cả mấy mươi đời. Bắt nguồn từ giáo-sư tiến-sĩ Chu Hùng (Zhou Xiong), thầy dạy học của vua Chu Văn Vương. Hùng Dịch là cháu cố của Chu Hùng.

e)     [Hùng] trong 'Hùng Vương', ngoài nghĩa thông thường: hùng dũng, cũng mang nghĩa: Nam tính, hay 'giống Đực'. Phản nghĩa với giống Cái: [Thư 雌  ]. Trong khi [Hùng] viết con gấu 熊., còn mang nghĩa 'anh minh'. 'Gấu' cũng là tên biểu tượng của một trong hai bộ tộc chính của người Miao (biểu tượng kia: con Cọp), và người Cao Ly. Đối với người Cao Ly, Gấu chính là biểu tượng của thái quốc mẫu, mẹ của vua Tan-gun, sáng lập ra xứ Cao Ly đầu tiên vào năm 2333 TCN. Vua Tan-gun cũng được xem như thần núi Sơn Tinh [San-Shin] - rất giống thần núi kiêm phò-mã Sơn-Tinh trong thời đại Hùng-Vương tại xứ Việt cổ.

f)      Theo một vài bằng hữu người Hoa, bộ chữ Tàu viết bên phải chữ HÙNG thật ra không phải bộ Chuy [zhui] như từ xưa đến giờ, các học giả Hán Nôm tại Việt-Nam thường lí giải, mà là bộ GIAI [jia] viết 佳  rất giống với chữ Chuy 隹  [zhui]. Chỉ có bộ Giai [jia] mới chiết tự cho được ý nghĩa thật đúng cho chữ HÙNG trong Hùng Vương. Bởi 'Hùng' mang nghĩa 'hùng mạnh' hay 'nam tính' (con Giai) là tổng hợp của việc 'xử dụng cánh tay' hết sức 'tuyệt chiêu'. Hùng= Hoành [hong] [15] + Giai [jia]. Trong đó, Hoành= cánh tay, và Giai= giỏi, tuyệt chiêu (giai nhân, giai phẩm). Tức: Hùng [Xiong] =  Hoành [Hong] 厷  [15] + Giai [Jia] 佳 . Với sự kính trọng hãy còn đó, lí-giải dùng bộ Chuy [zhui] 隹  trong chữ HÙNG , thường dùng xưa nay, thật ra rất khó mang đến ý nghĩa chính xác của 'Hùng' trong 'Hùng Vương'.

g)     Chữ Hùng cũng viết rất giống chữ Lạc , và cả hai, theo hiểu biết thông thường ngày xưa, đều dùng bộ Chuy 隹  [zhui] viết bên phải. 'Chuy' đứng một mình mang nghĩa loài chim có đuôi ngắn. Lạc Vương, Lạc Hầu, và Lạc Tướng người Hoa viết với bộ Chuy: . Lạc bộ Chuy [zhui] này thường dùng để chỉ dân Khuyển Nhung (tức Khương). Ngoài nghĩa 'ngựa đen với bờm trắng', chữ Lạc này còn mang nghĩa 'sợ hãi'. Rất thích hợp với miêu tả cho đám rợ Khuyển Nhung ở miền Tây, ngày xưa đã từng làm cỏ kinh đô Hảo Kinh của nhà Châu khiến họ thiên đô về hướng Đông. Do đó, hiểu biết xưa nay rằng 'Lạc' , và 'Hùng' , cùng dùng chung một bộ Chuy có vẻ bị sai lạc trên căn bản. Sự thật chỉ có 'Lạc' mới có thể (chỉ 'có thể') dùng bộ Chuy. 'Hùng' có vẻ bắt buộc phải dùng bộ Giai [jia] mới lột được ý nghĩa: Hùng mạnh, hay 'con Giai' (nam tính) [16].    

h)     Thời Hồng Bàng nước Tàu chính là thời nhà Hạ 夏 , của kỹ sư công chánh Đại Vũ [Da Yu]. 'Hạ' ngoài nghĩa 'mùa hè' ngày nay, xưa còn mang nghĩa chính: Vĩ Đại. Ông Đại Vũ, theo nhiều tài liệu, mang tộc gốc là Khương, một trong những tộc người ngày nay được nhìn nhận thành phần tiến tạo nên tộc Hoa, trong thuở ban đầu.

i)       Tên 'Hoa Hạ' dùng để chỉ người 'Tàu' ở thời cổ đại có chữ 'Hạ' mang ý nghĩa Vĩ Đại đó. 'Hoa' mang nghĩa chính 'màu sắc rực rỡ', và người Hoa xưa có thói quen phân biệt sắc tộc theo như màu quần áo họ mặc.  Như họ đã phân biệt người Miao xanh, Miao trắng, Miao rằn, v.v.

j)       Tên húy của kỹ sư Đại Vũ chính là Si Wen Ming 姒 文 命 {Từ Văn Mệnh} cho thêm một hai chứng liệu cho biết ông Vũ mang dòng máu Việt (Khương tộc): (i) Quyển Sử Ký có viết: Người nước Sở họ Mị, nước Việt (Ngô-Việt) họ Từ. (ii) Tên lót của ông có chữ Văn, trong khi họ [Si] của ông có mang bộ Nữ của Mẫu hệ, ở bên trái [11].

k)     Xin tóm tắt thánh-tổ các quốc-gia Á Châu như sau:

 

Trung-Hoa

Triều-Tiên

Thái-Lan

Việt-Nam

Ghi-Chú

Hiên-Viên

Thần Nông

Xy Vưu (mới)

Xy Vưu

Thần Nông

? Thần Nông

? Xy Vưu

* nội tổ ông Lạc

* vua nhà Lý lập đền thờ, năm 1160.

 

l)       18 đời vua của thời đại huyền-sử ở 3 nước bắt đầu và kết thúc, đại khái:

- Nhà Hạ: 2200-1800 TCN  (Hoa).

- Hùng Vương: 2879-258 TCN  (Việt).

- Bội Đạt (Bai-Dal): 3898-2333 TCN  (Hàn).

 

Từ những nhận xét trên, chúng ta có thể đúc kết một số điểm cơ-bản chung quanh truyền thuyết về Hùng Vương như sau:

 

1.      Hùng Vương, dưới dạng này hay dạng kia, xuất hiện tại 3 xứ khác nhau nhưng gối đầu với nhau về gốc gác ở thời huyền sử: Cao Ly, Việt Nam, và Trung Hoa.

2.      Cả 3 quốc gia đều có chung 18 đời vua trong thời Hồng Bàng.

3.      Mười tám đời vua đó tại 3 quốc gia đều gối đầu chung nhau khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.

4.      Cả 3 quốc-gia đều dùng chữ HÙNG  , cho thời bán huyền sử. HÙNG mang 2 nghĩa chính: Hùng mạnh, và Nam tính. Rất có thể bao hàm nghĩa 'Phụ Hệ', do đời sau đặt.

5.      Trong khoảng thời gian mờ ảo của 18 đời vua đó, một 'đời vua' rất có thể hàm ý: thời gian một thị tộc nào đó đóng vai trò chủ động của xã hội. Khác với ý nghĩa 'đời vua' trong hai ngàn năm sau Công Nguyên. 

6.      Bởi 3 dân tộc: Việt, Hàn, và Hoa đều có cội nguồn từ khu vực Hoa Bắc, chuyện 18 đời vua Hồng Bàng ở 3 nơi khác nhau như vậy, rất có thể có cùng chung một nhóm tác giả với nhau. Cũng, rất có khả năng, đem tỷ số 2 (Việt+Hàn) đối với 1 (Hoa), nhóm tác giả đó thuộc chủng khác với Hoa Hạ. Có thể là Miao, Khương, Thái, và Việt.

7.      Riêng tại Việt Nam, truyền thuyết Âu Cơ + Lạc Long Quân, rất có khả năng, do người Thái (cổ) đầu tiên đem sang. Về sau được nhóm người Miao+Hakka (Miêu-Hẹ) hiệu đính, bằng cách đổi tên thái quốc phụ thành 'LẠC Long Quân', và toàn 100 con trai.

8.      Cũng bởi 18-đời-vua là một ghi chép hay 'sáng tác' tập thể của một lượt 3 nhóm 'tổ sư' của 3 quốc-gia - nó đã tự khoác lên một thứ áo hết sức huyền nhiệm. Vượt ra khỏi lăng kính - lề lối quan-sát của khoa-học, và trên cả 'triết-học' ít nhất cũng đến 9 cấp.

9.      Truyền thuyết 18-Đời-Vua thật ra lúc nào cũng kèm theo một yêu cầu tối thượng. Đó là thời-điểm khởi-sự phải nằm vào khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.

 

Trong bài tới chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về Miao tộc, đã di tản sang xứ Việt cổ vào thời xa xưa. Cùng một lượt với những bộ tộc khác của nhóm Cửu Lê, như: Thái cổ, Hẹ cổ, và người Hlai tức Môn-Khmer. Cũng như ảnh hưởng của họ trong chuỗi trình tiến tạo nên dân tộc Việt Nam.

 

Tháng 7, 2006

NN

 

 

GHI CHÚ

 

[1] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (chủ biên: Cao Xuân Dục) (1998) Quốc-Triều Chính-Biên Toát-Yếu. Biên soạn: Trần Đình Phong. Hiệu đính: Đặng Văn Thụy & Lê Hoàn. Nxb Thuận-Hoá.

[2] Nhiều người Việt và Hoa, mang tên 'Họ+Hữu-Hùng', rất có khả năng mang gốc gác từ Hữu-Hùng Thị, thị tộc chính gốc của người Trung Hoa.

[3] http://www.pureinsight.org/pi/pdf_version.php?id=4058

http://www.itmonline.org/arts/dynasties.htm

http://www.answers.com/topic/list-of-common-chinese-surnames

http://www.greecetravel.com/archaeology/mitsopoulou/language.htm (greek & chinese)

http://www.peopleteams.org/miao/MiaoHmong.htm

http://www.miaoupg.com/miao_or_hmong.htm

http://www.newadvent.org/cathen/03681a.htm

http://en.wikipedia.org/wiki/Manchus

http://www.omniglot.com/writing/jurchen.htm

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_T%E1%BB%91ng

http://www.uglychinese.org/manchurian.htm

http://manas.kg/pdf/sbdpdf13/Makaleler/05.pdf

http://www.hku.hk/linguist/program/world4.html

http://www.chinahistoryforum.com/index.php?showtopic=2740

http://www.chinaculture.org/gb/en_aboutchina/2003-09/24/content_24064.htm

http://en.wikipedia.org/wiki/Names_of_Korea

[4] Để ý quần áo có nhiều màu sắc của người Hmong tại Sapa và của phụ nữ Hàn quốc. Một bộ áo phụ nữ Hmong tại Sapa có thể tốn một năm trời để hoàn tất việc thêu may.

[5] Xấu Xí: bắt nguồn từ hai chữ cùng nghĩa, và cùng gốc Hoa Nam: Xấu 倠  đọc [seoi] hay 丑   [tsau] theo Quảng Đông {tức 'Sửu' theo Hẹ}, và Xí 媸  (không đẹp - dành cho phái nữ), hay viết ra y hệt như 'Xy' trong 'Xy Vưu'. 'Xấu xí' do đó cũng không phải tiếng thuần Nôm, mà là Nôm Hoa Nam.

[6] Người Hoa cũng có thói quen quơ hết các cộng đồng nằm trong lãnh thổ và cho rằng đó Hoa tộc nguyên thủy. Họ hoàn-toàn lờ đi một sự-kiện rất quan-trọng: Đa số các nước chư hầu phong kiến ở miền Hoa Bắc vào thời Đông Chu Liệt Quốc, đều có khối lê dân mang chủng tộc khác với đám hoàng tộc ở triều đình. Đặc biệt các nước: Sở, Tần, Tấn, Trịnh, Trần, Thái, Yên, v.v. Có thể họ thuộc tộc Miêu, Khương, Thái, Hẹ, Bắc Địch, rợ Hồ, và Việt. Quyển Đại Việt Sử Lược, biệt tích giang hồ nhiều năm ở bên Tàu,  cũng đã bị hiệu đính theo kiểu đó. Họ mở đầu bằng một đoạn nói nước Việt cổ cũng trực thuộc Hoàng Đế từ xưa. Và Hoàng Đế cũng đã chia đất đó ra thành 15 bộ, v.v. Một chuyện hết sức hoang đường, bởi Hoàng Đế không có phi cơ trực thăng hay Boeing 747, hoặc không ảnh Google từ vệ tinh, để có thể biết đến những vùng đất, cách mấy túp lều của triều đình 'Hữu Hùng Thị' rất xa. Xa thật xa.

[7] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ)

[8] Theo định lý này, khi một phương ngữ Hoa Nam có âm [AU], thế nào cũng có phương ngữ khác đọc [IU]. Đông Châu => Đông Chiu => Đông Chu. [Liu De Hua] (họ Liu / Lưu) => Andy Lau. Xứ Nam Chiếu => Nan Zhao. Ưu => Âu (lo) (ưu & âu, có chung 1 chữ Hán: ). 'Xấu' => Sửu (xỉu). Rượu => Rão (Mường).

[9] Kim Dung đã không quên đến Miêu tộc khi tiên sinh viết bộ Tuyết Sơn Phi Hồ, trong đó có tranh chấp giữa Hồ gia và Miêu gia. Tài tử nổi tiếng Hongkong từng thủ vai chính nữ trong phim Mãnh Long quá Giang, quay tại Roma, với Lý Tiểu Long và Chuck Norris cũng mang họ Miêu: Miêu Khả Tú (Nora Miao). Phật Bà Quan Âm từ xứ Việt của Câu Tiễn, cũng có tên húy là Miao Shan, với họ Miêu (Miao). {Tiếng Miao dùng để chỉ con Mèo là [Miv] với [v] cuối dùng như dấu thinh}.

[10] Tướng Vang Pao của Lào năm xưa cũng người gốc Hmong. Hiên nay người Hmong (Miao) có lẽ là nhóm cộng-đồng sắc-tộc hoạt-động hăng-say nhất trong việc giới thiệu văn-hoá họ với người Âu Mỹ. Họ xuất-bản khá nhiều bài vở sách báo về người và văn hoá Hmong. Tại Mỹ trung tâm nghiên-cứu về Hmong-học đặt tại đại-học Minnesota ở tiểu bang cùng tên.

[11] Để ý chữ Hôn trong 'hôn nhân', 'thành hôn' được viết theo lối tượng hình bao gồm 3 chữ: Nữ , Thị (thị tộc), và Nhật (ngày). Dịch thẳng nghĩa: Ngày đánh dấu bắt đầu một thị tộc mẫu hệ mới.

[12] Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng người Tàu vào thời tiền sử, đếm số theo cơ số: 9. Giống như người Mường cho đến thế kỷ 20. Bởi vậy rất nhiều hiện tượng trong văn hoá họ ưa dựa vào con số 9: số 9 chỉ Hoàng Đế (số lớn nhất); 18 đời vua Hồng Bàng ở Trung Hoa, Việt Nam và Triều Tiên; các con số thường dùng 36, 72, 81, 108, đều là bội số của 9; chốn cửu trùng cũng dùng số 9. Chín (9) bộ tộc tên Lê, tức khối Cửu Lê (Cửu Ly / Cao Ly / Jiuli). Và chúng tôi cho xuất xứ con số 9 nằm ở thời gian chờ đợi khoảng 9 tháng, hay 9 tuần trăng (tròn) - trong bụng mẹ trước khi đưá bé ra chào đời. Sử sách Tây Phương rất khó nhận diện điểm này bởi rất dễ vướng phải hội chứng của người Hoa: ưa khoe văn minh của họ cũng giống như Tây, ngay ở thời xa xưa: Theo hệ thống thập phân rất sớm và biết tạo ý niệm về con số 0 (zero) khoảng thế kỷ 16 TCN, trước người Tây Phương hằng chục thế kỷ. Nhưng, thật ra hệ thống đếm theo cơ số 9 vẫn có thể xuất hiện ở Hoa Nam và ngay cả ở Hoa Bắc trước thế kỷ 16 TCN như thường. Không tùy vào con số Không (0).

[13] Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. (Cao Huy Giu & Đào Duy Anh dịch và hiệu đính). Nxb Văn Hoá - Thông Tin. (2004).

[14] Một số người họ Mị từ nước Sở năm xưa đã đổi thành họ PHAN [Pan] 潘 . Mang xuất xứ từ khu Nội Mông Inner Mongolia. Họ Phan trở thành một họ khá phổ biến tại Việt Nam (theo với di dân chủng Thái-cổ từ nước Sở của Khuất Nguyên). Theo chiết tự, họ PHAN 潘  có thể mang nghĩa 'Ruộng Lúa Nước'.  Họ PHẠM lại có phát âm đầu không giống họ Phan, trong tiếng Tàu: [Fan] viết bên trái chữ 'xe' chở 'cây trúc' kèm với âm chữ 'phạm'. Họ Phạm và họ Đỗ có cùng tổ tiên xưa, là công thần cho một ông vua nhà Chu. Sau được phong đất vùng Hà Nam / Sơn Đông ngày nay.

[15] 'Hoành' (hay 'Hoằng') [hong-2] 厷  là lối phiên thiết do chúng tôi mạo muội đề ra. Dựa trên âm của 'hoành đại' 宏大 hay 'hoằng đại'. Nhiều nơi đã phiên thiết chữ này là [Quăng] dựa trên phát âm Quảng Đông [gwang] hay Hẹ [kwen]. 

[16] Chữ Hùng dùng bộ [jia] tức 'Giai' còn được minh chứng qua chữ 'Thư' [ci] chỉ Nữ tính. Thư [Ci] 雌  dùng chữ 'Thử' 此  mang nghĩa 'bên kia' (khác phái tính), bên ấy, một điểm nào đó; viết chung với bộ Giai [jia] 佳 ,  mang nghĩa: giỏi, đặc biệt, tuyệt chiêu: giai nhân, giai phẩm. Tức con Trai giỏi bằng cánh tay (kung-fu, cử đỉnh, đánh kiếm, v.v.) {Hùng }. Con gái (phái nữ) giỏi về mặt ... kia: Thư [ci] 雌 .

[17] Silla cũng có nhiều lối phiên âm sang tiếng Hán. Nhưng phổ thông nhất có lẽ: Tân La hay [Xin Luo] 新  羅 , với âm [Luo] giống hệt như [Luo] trong chữ ‘Lạc’ hay . Chữ Lạc sau:   người Hoa về sau ưa dùng theo phát âm [Lo] của người Hẹ để chỉ nhóm người dân tộc nói tiếng gốc Miến, mang tên Lo Lo. Còn Vương quốc Baekje, tức ‘Bách Tề’ theo quốc-ngữ, có phiên âm chữ Hán: 伯  濟 .

[18] Cũng có giả thuyết cho rằng ‘Cao Cửu Ly’ [Goguryeo] là phiên âm theo chữ viết 高 句  麗  hay  高 勾麗  hay 高  駒 麗. (Cao Câu Lệ). Theo tiếng Hàn, Cao Ly có thể mang nghĩa ‘thành phố có tường chung quanh’ hay ‘trung tâm đô hội’.

Nguyên Nguyên