Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18):

Phần 7: Nhận-diện Miao tộc

 

Nguyên Nguyên

 Điểm quan-trọng nhất, xưa nay sử sách nước Việt thường thiếu sót chính là sự kiện vào năm 1160 vua Anh Tôn nhà Lý ra lệnh cho xây cất đền thờ Hai Bà Trưng và thánh Xy Vưu. Xy Vưu là lãnh tụ của khối Cửu Lê, ở miền Đông Bắc nước Tàu, vào thời huyền sử xa xưa. Đại biểu chủ lực của Cửu Lê chính là tộc người Miao-Yao. Cũng như Thần Nông là thánh tổ dân Thái Lan - Lào và Mường, Xy Vưu từ lâu được xem như thánh tổ dân Triều Tiên (Bắc) và Hàn quốc (Nam). Trong khi, ngày trước tại Trung Hoa, Xy Vưu có vẻ không ai muốn biết đến. Nhưng ngày nay, người Hoa đã nhìn nhận Xy Vưu là thánh tổ dân tộc họ. Đứng vào hàng thứ ba, sau Hiên Viên (Hoàng Đế) và Thần Nông (Viêm Đế).

 

Trong bài trước chúng ta đã xem qua những điểm quan-trọng sau đây:

 

1)     Truyền thuyết về thời Hồng Bàng tại ba quốc-gia, Trung Hoa, Triều Tiên (Hàn), và Việt Nam, rất giống nhau. Giống đến nỗi người ta phải ngờ rằng các truyền thuyết đó đều có chung một nhóm tác giả với nhau. Những điểm chính giống nhau, có thể kể:: (a) 18 đời vua; (b) thời đại Hồng Bàng, tại 3 nơi, đều bao gồm chữ Hùng hay Hùng Vương; (c) lãnh thổ của cả 3 quốc gia vào thuở cổ thời đều hết sức rộng lớn: Cổ Cao Ly (Triều Tiên) kéo dài từ Hàn quốc cho đến miền Tây Tạng, nhưng phía trên sông Hoàng Hà, cổ Trung Hoa gồm miền Hoa Bắc và mơ hồ kể luôn Hoa Nam, và cổ Việt,  từ khu vực sông Dương Tử - Động Đình Hồ ở miền Hoa Nam kéo đến Hồ Tôn (Chiêm Thành); (d) Riêng hai nước Cao Ly và cổ Việt đều xử dụng đến 2 chữ Xích Quỷ: ở Cao Ly, biệt danh của 'vua' Xy Vưu, và tại cổ Việt, tên nước Xích Quỷ.

2)     Xin xem lại hai bảng tóm-tắt sau:

(a) Thánh-tổ:

Trung-Hoa

Triều-Tiên

Thái-Lan

Việt-Nam

Ghi-Chú

Hiên-Viên

Thần Nông

Xy Vưu (mới)

Xy Vưu

Thần Nông

? Thần Nông

? Xy Vưu

* nội tổ ông Lạc

* vua nhà Lý lập đền thờ, năm 1160.

 

(b) Thời đại huyền-sử với 18 đời vua, ở 3 nước Việt, Hàn và Hoa:

VIỆT

HÀN (Triều Tiên)

HOA

Hùng Vương

Hàn Hùng (Bai Dal) - Xy Vưu

Hạ (vua Đại Vũ)

2879-258 TCN

3898-2333 TCN

2200-1800 TCN

 

Đối với bảng (a) ta để ý Việt Nam là quốc-gia duy nhất trong 4 nước kể trên, hãy còn do dự về, hoặc hoàn-toàn không quan-tâm đến, vấn-đề thánh-tổ. Đặc biệt Xy Vưu hãy còn hết sức xa lạ đối với hơn 99.9% dân Việt Nam. Mặc dù đã được nhắc đến một lần trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [1], về việc vua Lý Anh Tôn vào năm 1160 cho lập đền thờ Xy Vưu cùng với đền thờ Hai Bà Trưng. Còn Thần Nông, có lẽ chỉ có những người thuộc thế-hệ sinh sung, hay đã có dịp học qua cổ-sử thời Trần Trọng Kim thì còn nhớ ông là nội tổ của Lạc Long Quân, thân phụ của Hùng Vương số 1. Trong khi tại nhiều Mường bản, tại Lào và Thái Lan, Thần Nông có vẻ khá quen thuộc đối với người dân thường.

 

Vấn đề hai vị Thần Nông và Xy Vưu, (nhất là Xy Vưu), đã đi vào quên lãng trong tâm khảm các sử gia Việt Nam nói riêng, và người Việt nói chung, có lẽ nằm ở vị trí khá xa xôi của địa-bàn ban đầu của Xy Vưu và nhóm Cửu Lê, đối với xứ Việt, so với các nước như Triều Tiên và Trung Hoa. Cũng như vấn đề hợp-chủng xưa nay vẫn nằm sâu ở phía dưới những mặt bằng quan sát của các sử gia.

 

Ở bảng (b) làm một con tính nhẫm ta thấy thời gian bình quân của mỗi một đời vua trong 18 đời vua ở mỗi nước như sau: Trung Hoa: 400/18 = 22 năm; Cao Ly (Triều Tiên/Hàn): 1565/18 = 87 năm; Việt Nam: 2621/18 = 146 năm.

 

Như vậy - mỗi một đời vua Hùng Vương tại xứ Việt cổ kéo dài lâu nhất (146 năm). Đời nhà Hạ bên Tàu, mỗi vua kéo dài trung bình chỉ khoảng 22 năm, hợp lí nhất. Nhưng cả 3 thời Hồng Bàng tại 3 xứ vẫn hãy còn xếp vào thời huyền sử, tức chưa có một chứng cớ nào để xác định nó có thật hay không. Số 18 được dùng tại ba nơi cho thấy đó có thể một con số về ý niệm cho sự liên tục như đã trình bày trong một bài đầu.

 

Hai điểm quan-trọng có thể suy diễn từ những sự kiện giống nhau về thời Hồng Bàng ở 3 xứ khác nhau (ngày nay): (a) Có thể 3 thời Hồng Bàng này do cùng một nhóm tác giả sáng tác hay ghi lại (truyền tụng) cho hậu thế, HOẶC 3 thời Hồng Bàng thật ra chỉ là một khi 3 quốc-gia đó chưa hình thành rõ rệt, xảy ra tại khu vực gối đầu của 3 khối chủng tộc. Hoặc, ngày nay tuy gồm 3 dân tộc khác nhau, nhưng ngày xưa có thể chỉ một khối chung chung. (b) Vua Hùng Vương thứ nhất, cũng có thể chính là vua Đại Vũ (nhà Hạ), hoặc Xy Vưu (thời Bai-Dal ở Cao Ly), hay Hùng Vương số 1 ở nước Sở, thời Đông Châu.

 

Miao tộc, các người là ai?

 

Xin trở lại việc vua Gia-Long dùng đến hai chữ 'Viêm Giao' trong lá thơ gởi cho vua nhà Thanh bên Tàu, về việc xin phong vương [2]. Và chúng ta đã xem sơ qua giả thuyết:

'Viêm' => Thần Nông (Viêm Đế), và 'Giao' => tộc Dao => Xy Vưu => tộc Miao-Yao.

 

Việc kèm theo Miao tộc vào nhóm người Việt di tản sang, rồi định cư ở xứ Việt cổ với các sắc dân bản địa đã gây tranh cãi khá sôi nổi tại Sàigòn, vào những năm 60's thuộc thế-kỷ trước. Đặc biệt giữa tác giả quyển Mã Lai [5] và các tiền bối như: Lm Kim Định, Lê Chí Thiệp, Nguyễn Bạt Tụy, Mộng Văn Thông (người Hoa), v.v. [6]. Chung quanh vấn đề có nên đem Miao tộc vào gộp chung với Việt tộc hay không. Có lẽ bắt nguồn từ những thư tịch cổ của Tàu, và cũng từ hai chữ 'Viêm-Giao' dùng trong lá thơ xin phong vương gởi cho nhà Thanh của vua Gia Long.

 

Bình Nguyên Lộc [5], có lẽ quá nồng nhiệt với thuyết Mã-Lai ở đầu thế kỷ 20 mà ông giúp lăng-xê, đưa ra nhiều luận-cứ để gạt bỏ Miêu tộc ra khỏi đẳng thức tộc người tiến tạo nên người Việt Nam. Nhưng, cả tác giả quyển Mã-Lai và hằng chục hằng trăm học-giả khắp nơi trên thế giới, kể cả những vị thuộc tộc Hmong, cho đến mãi ngày nay, đều vẫn chưa, hay tảng lờ đi, xác định tộc gốc của người Miao là gì, và họ từ đâu đến.

 

Câu hỏi then chốt của chúng ta ở đây chính là: 'Nếu biết người Miao khi xưa ưa sống bên cạnh người Hakka, tức Hẹ, và vua Lý Anh Tôn vào năm 1160 có lập đền thờ Xy Vưu [1], thánh tổ của người Miao, chúng ta có ... dám đưa người Miao vào danh sách, thành một trong những tộc người di cư đến xứ Việt cổ, bên cạnh người Hẹ, rồi trở thành một trong những tộc người tiến tạo nên người Việt Nam hay chăng?'

 

Bất cứ ai muốn tìm trả lời cho câu hỏi này đều phải vướng vào những vấn đề hết sức gút mắt, liên-hệ đến hiểu biết hãy còn khá mù mờ, mặc dù có lẽ chỉ ở bề ngoài, của người Hoa đối với tộc người kì bí mang tên Miao-Yao, hay Hmong-Mien.

 

Mù mờ trên hết là thành phần của khối Jiu Li, tức Cửu Lê. Thông thường lẫn lộn. Khi thì họ gộp chung với nhóm Đông Di ở địa bàn Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam. Khi cho vào nhóm Tam Hàn đi di tản sang các nơi khác: Jin Han => Mãn Châu, Ma Han => Cao Ly, Bun Han => Bắc Kinh [15]. Tức có liên hệ với đám rợ phía Bắc mang tên chung: Bắc Địch [北  狄.]. Khi thì họ cho ra những đám 'rợ' mang tên khác như Bách Bộc, Bộc Việt, He (viết y hệt như họ Lạc , và thật ra chính là Hẹ ngày nay), cũng xuất hiện ở chung quanh khu vực sông Hoàng Hà vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Nhưng nói chung họ cho khối Cửu Lê (hay Ly) có tất cả 9 nhóm [7]. Mỗi một nhóm có 9 bộ tộc hơi khác với nhau. Như vậy tổng cộng có tất cả 9 x 9 = 81 tiểu chi Cửu Ly, mà chúng tôi đã cho rằng chính là số 100 (Bách) theo hệ thống đếm theo cơ số 9. Một hệ thống đếm rất xưa, có thể của một hai bộ phận nào đó của siêu tộc Khương, mà chưa có sách vở nào đề cập đến. Hệ thống đếm theo cơ số 9 chính là hệ đếm của người Mường tại Việt Nam. Theo hệ này, số đếm lớn nhất là 9 chứ không phải 10. Đếm từ 1 đến 9, rồi tiếp theo gọi là 9+1, 9+2,... cho đến 9+9, đọc là 29 (hai lần chín), tức bằng 18 trong hệ đếm theo cơ số 10. Bởi vậy quyển 'Les Mường' của Jeanne Cuisinier [16] đã nêu thắc mắc không hiểu tại sao Việt đếm 27 trong khi Mường đọc 39  (tức 3 x 9 = 3 lần 9 = 27 trong cơ 10). Hệ thống đếm theo số 9, chính là đầu dây mối nhợ cho các 'cụm từ' hay ý niệm dùng 9, hay bội số của 9, như: chốn cửu tuyền (chín suối), cửu trùng, chín tầng mây, 18 đời vua, 9 cái đĩnh vua nhà Châu, 36 kế, thất thập nhị (72) huyền công, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, Giáng Long thập bát (18) chưởng của Kim Dung, v.v. Chúng tôi cũng mạo muội cho rằng, hệ thống đếm dựa trên cơ số 9 xuất phát hay được hiện-thức từ nhận xét về bào thai nằm suốt 9 tháng, tức 9 tuần trăng, trong bụng mẹ.

 

Theo cổ sử Tàu, Chi You (Xy Vưu) chỉ lãnh đạo có 72 chi tộc trong tổng số 81 nhóm Cửu Lê. Và họ không thể kể ra được 72 chi tộc theo Xy Vưu đó thuộc những đám nào. Dù vậy một vài tài liệu mới {website 12 của [3]}, cho biết khối Khiết Đan (Khitan), tộc người của Tiêu Phong trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, ngày xưa bao gồm 72 bộ tộc.

 

Vấn đề nhận diện gốc gác của người Miêu lại gặp thêm nhiều khó khăn ở chỗ:

(a)   Người Miao có nhiều lối hành xử rất giống người Do-Thái. Không phải giống ở chỗ có tín ngưỡng mạnh và giỏi về những vấn đề tài chánh hay tiền bạc, nhưng ở chỗ họ giữ vững lối sống, tập tục tổ tiên, và rất gắn bó với tình đồng tộc. Giống người Nhật, họ ít chịu sống hoà mình với các tộc khác. Cũng bởi lí do này, có một hai học giả Tây phương đưa ra giả thuyết họ là một trong những bộ lạc thất tung của người Do Thái.

(b)  Cũng lại có những học-giả đặt ra giả thuyết gộp họ vào nhóm Tai-Kadai (tức Thái-cổ). Và cũng có thuyết cho họ thuộc khối siêu tộc Để-Khương.

(c)  Tôn-giáo cổ truyền của họ rất giống nhiều bộ tộc tại Trung Hoa thời cổ xưa. Đó là thờ cúng tổ tiên, và shamanism, tức tông giáo đồng bóng.

(d)  Cũng giống như người Hẹ, bởi có một quá trình du mục nay đây mai đó, họ không nhớ rõ quê-hương ban đầu của họ ở tại đâu. Tuy vậy họ có thể kể một vài truyện cổ tích cho biết họ rất gần gũi với con gấu (Bắc Cực) - và đã từng ở chốn có đến sáu tháng ban ngày và sáu tháng toàn ban đêm. Tức khu vực rất gần miền Bắc Cực.

(e)  Ngôn-ngữ của họ lại không giống tiếng Thái, mà cũng không giống các tiếng Môn-Khmer. Cũng rất khó cho vào nhóm Hán-Tạng, bởi cũng không giống Hán ngữ trên phương diện từ-vựng.

(f)   Bởi ngày nay, người Miao chỉ tập trung tại miền Hoa Nam (phía Nam sông Dương Tử), đông nhất tại Quý Châu, và liên hệ giữa nhóm Cửu Lê (phần lớn là người Miao) với dân Cao Ly (Hàn) chỉ được ghi lại ở thời tiền sử, cho nên liên kết giữa người Miao với người Đông Hồ (tức Tungus) hoàn toàn bị bỏ sót. Đó là không kể đến một khuynh hướng cố-hữu của người Hoa là bỏ sót hay không chú trọng nhiều đến người Miao.

(g)  Người Miao sống ở miền Hoa Nam ngày nay, bởi vẫn giữ vững lối sống tổ tiên nên tình hình kinh tế tại những tỉnh họ tập trung, như Quý Châu, có vẻ phát triển chậm hơn những vùng khác. Nhiều cộng-đồng người Miao-Yao cũng khá nổi tiếng với lối canh tác 'đốn & đốt', như cộng đồng người SHE tại Phúc Kiến, Giang Tây và Chiết Giang. Tuy nhiên cũng có rất nhiều cộng đồng Miêu-Dao rất thành công về tài chánh, buôn bán ở Hoa Nam và Thái-Lan.

(h)  Đặc biệt người She mặc dù tộc gốc rất có thể là Yao, nhưng tiếng nói họ pha lẫn với tiếng Hakka (Hẹ) rất nhiều. Cho thấy trong quá khứ họ sống rất gần người Hakka.

(i)    Trong rất nhiều cộng đồng người Dao, người ta kiêng kị xơi món mộc tồn. Bởi giống như nhiều cộng đồng người Mông Cổ, totem của họ là con Chó. Họ cũng có chuyện cổ tích về Chó Bàn Hồ [Pan Hu]  hoặc Bàn Cổ [Pan Gu] , như sau: Ngày xưa, có vua Tàu tìm người dẫn quân đánh giặc chống ngoại xâm. Sau cùng, vua tìm ra con Chó chịu đảm nhận chức vụ thiếu tướng tư lệnh quân-đoàn hoàng-gia. Nhưng chó Pan Hu đòi vua phải gả công chúa, và chia giang san, dành phân nửa cho nó nếu diệt được giặc. Thắng trận trở về, nó cưới được công chúa nhưng vua chỉ cho nó phần đất trên không, tức vùng cao nguyên chướng khí. Nó phải ngủ nhiều ngày để trở thành người. Nhưng đến ngày thứ 7, nó bị đánh thức nên cả thân hình đã trở thành thân người. Chỉ chừa cái đầu, vẫn còn đầu 'khuyển' như xưa. Có thể để ý đến 2 chi tiết nhỏ từ chuyện chó Bàn Hồ. Thứ nhất, tên Bàn Hồ mang chữ 'Hồ' mang âm vận rất giống đám rợ Hồ ở phía Bắc nước Tàu (Nhớ chuyện: Chiêu Quân cống Hồ). Thứ hai, Bàn Hồ cũng có một lối phát âm giống như Bàn Cổ [Pan Gu], và Bàn Cổ chính là tên ông thủy tổ tạo nên nước Tàu khi thức dậy, sau một giấc ngủ kéo dài 18000 năm.   

 

Bây giờ xin tiếp-tục truy-tầm nguồn-gốc tộc Miao-Yao theo các chứng liệu ngôn-ngữ gần xa, với mục-đích xem qua có phải tộc người Miao đã nằm sẵn trong lòng tộc người Việt-Nam hay không. Đi đôi với việc vua Lý Anh Tông cho lập đền thờ thánh Xy Vưu.

 

Bảng I trình bày dưới đây cho thấy, lần đầu tiên, một số từ khá tương đồng giữa tiếng Việt và Miao, điển hình qua tiếng Hmong, phần lớn trích từ quyển từ-điển Hmong-Anh / Anh-Hmong do trung tâm Saturn tại St Paul (Minnesota) xuất bản [8].

 

Việt

Hmong (Miêu)

Việt

Hmong (Miêu)

GHI CHÚ

thế

thiaj

(chu) vi

vij

rau = [zaub]Hm/Hẹ = [Jăm] Chăm

Tro

tshauv

tre, trúc

xyoob

tro <= [zeon]Q. Đông

Xe

tsheb

lớn

loj

mạnh: muaj (Hm).

một tí

ntsis

lùn

luv

lùn= talut (Chăm)

xương

txha

khoe

khav

khoe <= [kho]Ngô. [chhoe] Mân

chết

cheej

nợ

nuj nqi

chết: [tsa?]Ngô-[se]&[chiong]Mân

thứ 8

thib yim (8)

(lừa) đảo

dag

đảo (lừa) <= [tao]Ngô

từ từ

zuj zus

pog

từ từ <= [tun]QT, [zi] Ngô-Việt

mắt

muag

mặt

ntsej muag

[mưta], [mata] : Chăm, Đa đảo

Lông mày

plaub muag

mi mắt

di muag

rượt => edjoeT (Khmer)

vườn

vaj

me (trái)

miv

Thái: me <= maekham

rượt

raws

nhà

nyob

Mon-Khmer: niơ, nyia, hniơm

Rút

rho

tay

txhais Tes

Nhật: te. Taha (Đađảo)

nước

dej

chỗ

chaw

nước<= đác/ nác. chỗ: tsasM(MK)

Người lớn

neeg laus

chùi

cheb

chỗ:[tsu]Hẹ. chốn: tsong,tiong -PK

ngựa

neeg

tụi nó

tej no

[ngi] Hẹ. [ngai] QĐ

cổ họng

qa, caj pas

Xy Vưu

Txiv Yawg

Txiv=cha/Yawg=ông. [Chi You]qt

lưỡi

plaig

răng (nha)

hniav

[ya] QT <= 'nha' (nha sĩ)

muôn

meem

vạn

vam

muôn=vạn=> [maan]QĐ [van]Hẹ

đầu gối

hauv caug

gõ (cửa)

khog

khỏ = gõ= khog. [g] => [kh]

lớn, to

log, dav

hoàng-hậu

poj huabtais

[poj] => Bà. [huabtais]= vua

me

cám ơn

cham o

cham o = tiếng Yao ở Thái-Lan

cuối

kawg

lai (áo)

leeg

lai (quần / áo) = seam

mua

muas

bán

muag

[mai]3 & [mai]4. [buan]2&[buan]7 PK. => buôn*bán => mua*bán.

Bảng I: Đối chiếu một số từ giống nhau giữa Việt & Miêu. QT= quan-thoại. QĐ= quảng-đông. PK= Phúc-kiến. Hm= Hmong. MK= Môn-Khờme.

 

Một số từ hay cụm từ, giữa tiếng Hmong và tiếng Việt, giống nhau như đúc. Thí dụ:

lớn => loj. lùn => luj. khoe => khav. chết => cheej. đảo => daj. rượt => raws.

me (trái me - tamarind) => miv. chỗ => chaw. nước (H20, đác/nác) => dej. nhà => nyob.

tụi nó => tej no. chùi => cheb. muôn (10000) => meem. gõ (cửa) => khog (khỏ).

lai (áo - seam) => leeg. rau (vegetable) => zaub (giống Hẹ). mua => muas. bé => me.

 

Xin nhắc lại trong chữ viết các thứ tiếng Miao-Yao, thinh (tức 'tone' hay phát âm theo dấu cho thanh điệu) được kí âm bằng các phụ âm viết cuối từ. Thí dụ: [muas] = mua, có thinh biểu diễn bằng chữ 's'. [muag] => bán, thinh viết bằng 'g'.

 

Để ý: [bé] => [me]. Cả 'b' và 'm' đều là âm 'môi-môi', 'b' âm tỏ, trong khi 'm' âm mũi. Trong môi trường không dùng chữ viết dựa trên a-b-c, âm 'b' dễ lẫn lộn với 'm'.   

 

Những điểm đặc-trưng sau cho biết tiếng Miao đã từ lâu nằm ngay trong lòng tiếng Việt:

1)     Tiếng Miao có nhiều thinh (tone). Có bộ tộc dùng 5. Có nơi: 8. Giống như rất nhiều phương ngữ Hoa Nam, như Quảng Đông, Mân, Hẹ, v.v. Họ kí âm thinh bằng phụ âm đặt cuối các từ: 0, b, j, g, v, m, s, và d. Nhiều học-giả cho rằng thinh của tiếng Miao là thủy tổ thinh của nhiều thứ tiếng ở miền Hoa Nam, và Đông Nam Á.

2)     Khác nhiều phương ngữ Hoa, nhưng giống Hẹ, tiếng Miao dùng âm [V] thay cho [W].

3)     Tiếng Miêu là một thứ tiếng có thể gọi Đơn-Âm giống tiếng Việt, tiếng Hán. Tuy vậy, tiếng Miao có khá nhiều phụ âm kép không giống tiếng Hán: [Hl] => người Hlai (tức người Lê ở Hải Nam; Hluav => lửa; [Hm] => Hmong; [Nq] => nqaij (thịt), v.v.

4)     Tiếng Mien (Yao) có phụ âm [NG] ở đầu giống tiếng Việt, Hakka, Quảng Đông: guh nguaaic = ở phía trên.  Cũng có [NY] giống tiếng Việt [NH]: Mienh nyei laangz = làng (người) Mien. Ăn = Nyanc. Nhà = Nyob. {Ãm cuối 'b' dùng cho thinh}

5)     Thông thường, hình-dung-từ theo sau danh từ: dlev luj => chó lớn (luj = lớn) [10]

6)     Phó từ chỉ thời gian, đi trước: Sau đó, tôi mới ăn cơm => Maaj-mam, kuv yuav noj mov [10]. Phó từ hỗ trợ hành động thường đặt phía sau: Tôi ăn thật nhiều => kuv noj ntau. Tôi ăn lẹ lẹ => kuv noj ceev ceev. {Tôi = [kuv]. Ăn = [noj]}

7)     Động từ 'To Be' của tiếng Hmong gần tiếng Việt hơn tiếng Anh. Nó giỏi thật (không cần dùng  'To Be') = Nws zoo heev. Nws= nó, zoo= giỏi, heev= thật (lắm). Dùng 'Có' thay To Be (Is there): Có nước (uống) không? = Puas muaj dlej? (muaj => có). Trường hợp dùng To Be: Nó là người Tàu = Nws yog Suav [10].

8)     Độc đáo hơn chính là những từ hay cụm-từ sau đây giữa tiếng Hmong [8] và Việt:

Hmong

Việt

Ghi Chú

nga(g) ki(s)

ngày kia

= ngày sau ngày mai. (g) và (s) là 'dấu'

qai(b)

con gà

đọc như tiếng Quảng: Gáy => gà. Dấu 'b'

vì(m) / vi(m) chi(j)

vì (bởi vì) / chỉ vì

phát âm rất giống nhau. [vì chỉ] đảo lộn.

de(j)

nước (đác / nác)

Rất giống [đác] => Nôm (Mường/ M-K)

mua(j) zo(g)

mạnh giỏi

(j) và (g) đều là dấu (thinh)

Txha

xương

tiếng Hán: [gu] tức Cốt.

hlua(s). Đọc: plua(s)

trẻ

Việt cổ: [plẻ] hay [tlẻ]. Tiếng Khả: [plở]

no(j)

ăn (no)

Xem chú thích [11] => Cơm no áo ấm

hno(v)

nghe

[hnov] có phát âm gần với: [hngo] => nghe

9)     Nhưng độc-đáo nhất là lối cấu trúc sau đây của tiếng Miao (Hmong) từ lâu vẫn có trong tiếng Việt. Nhưng nằm im lìm, ít người để ý. Đó là lối đặt 'túc-từ' ở phía trước, bắt đầu câu. Thông thường, tiếng Miao cũng như tiếng Việt: Chủ từ + động từ + túc từ. Kov noj mov= Tôi xơi cơm. {Kov= tôi. noj= xơi. mov= cơm}. Nhưng đôi khi trong tiếng Hmong, túc-từ được đặt ở đầu câu, kèm với chữ [mas]: Mov mas, kuv nyam noj ntau= Cơm hả, tôi thích xơi thật nhiều. Mov= cơm, kuv= tôi, nyam= thích, noj= xơi/ăn [11], ntau= nhiều. Thử xem những lối nói sau đây trong tiếng Việt, có cùng cấu trúc đặt túc-từ ra phía trước:

·        Cơm, tôi đã để dành phần anh rồi. HAY: Cơm - anh về cứ ăn trước, đừng đợi.

·        Hành trang, tôi đã xếp xong. Nửa đêm lúc cậu đến, thì xách đi ngay.

·        Mền chiếu, em đã dọn ra ngoài chuồng heo. Tối nay anh ra ngoài đó ngủ.

·        Bài làm thầy cho, tớ đã làm xong.

·        Cơm nước, tụi tôi ăn rồi.

·        Nợ nần, tôi vừa thanh toán hết rồi. Bây giờ anh lại rủ đi Las Vegas nữa!

·        Thi cử, tôi đã xong. Bây giờ, chuyện cưới vợ, tôi phải tự lo.

·        Bia ôm, anh mới đi hồi tối, bây giờ lại đòi đi nữa.

 

Lối cấu trúc kể trên, đưa túc-từ ra đằng trước, rất giống tiếng Miao-Yao (Hmong-Mien).

 

Nhưng xin ghi nhận: Từ vựng tiếng Miao trong tiếng Việt không được dồi dào bằng các thứ tiếng Hẹ, Mân (Phúc Kiến), và Quảng Đông, trong các thứ Nôm từ phía Bắc. Và Miao tộc trong hằng nghìn năm luôn luôn nấp kín sau tộc Hẹ tức Hakka. Cũng giống như người Đa đảo nấp sau người Thái-cổ và Môn-Khmer. Trong lòng tộc người Việt Nam.

 

Xuất xứ Miao tộc

 

Tìm ra được chứng tích hiện diện của Miao tộc, đại biểu của nhóm Cửu Lê, trong lòng tộc người Việt Nam, chúng ta sẽ không dằn được tò mò muốn biết họ xuất xứ tự nơi nào. Mặc dù đã biết rõ các học giả Tây lẫn Tàu xưa nay vẫn bó tay, chịu nước cờ bí. Có lẽ do ở việc người Hoa mang một chủ trương nào đó không thích nghiên cứu về Miao tộc chăng?

 

Tuy vậy chúng ta vẫn có thể ức đoán được một hai sự việc dựa trên những quan-sát khá mới mẻ, như sau:

 

1)     Trước hết, xin để ý người Hmong có thói quen dùng lịch xem ngày tháng của nhà Châu, ở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Lịch nhà Châu có tháng 1 bắt đầu bằng tháng Tý, tức tháng 11. Trong khi lịch nhà Tần bắt đầu tháng 10. Nhà Tống theo nhà Thương bắt đầu tháng Sửu (12). Nhà Tấn bắt chước nhà Hạ dùng tháng Dần (Giêng) như tháng 1. Việc người Hmong theo nhà Châu dùng tháng Tý (11) như tháng 1 cho biết họ đã có mặt ở miền Hoa Bắc trong thời Xuân Thu, vào lúc nhà Châu làm bá chủ các chư hầu ở miền Hoa Bắc. Họ có địa bàn xưa ở phía Đông, chứ không phía Tây như nước Tần.

 

2)     Người Miao có tục búi tóc đằng sau giống như nhiều bộ tộc Lạc Việt, hay Môn-Khmer hoặc Nam Ấn, ở thời xưa (xem [5]).

 

3)     Chỉ số sọ, mặc dù nay có vẻ lỗi thời [9], trình bày trong quyển Mã Lai [5] cho biết chỉ số sọ bình-quân của Miao tộc là 80.6, nằm trong khoảng 79.0-81.4 của người Mãn Châu và Tungus (Đông Hồ). Người Tungus là ai? Người Tungus là một trong những nhóm người, như Turkic, Mông-Cổ, Hàn, v.v. có ngôn ngữ xếp vào nhóm Altai. (Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về nhóm ngôn ngữ Altai). Địa bàn ban đầu của họ chính là khu vực chung quanh Hắc Long Giang ở vùng Siberia (Tây Bá Lợi Á) & Manchuria - nơi có núi Lộc Đĩnh, được dùng trong bộ Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung. Địa bàn Siberia của người Tungus cũng là nơi lạnh nhất (-71oC hay  -159.8 oF) sau Nam Cực và Bắc Cực. Tungus, gọi theo tiếng Hán: Đông Hồ 東 胡, cũng là tên chung cho nhiều bộ tộc, đa số du mục, mang khá nhiều tên khác nhau, phía Đông Mông Cổ. Mặc dù hiện nay, có rất nhiều lí thuyết về phân bố của các bộ tộc dưới tên, hoặc cùng tên như, Tungus, đại khái chúng ta có thể biết dải đất của người Tungus nằm giữa Mông Cổ và Mãn Châu. Có học-giả cho rằng họ là tộc tiền-Mông-Cổ. Có nơi cho họ là tiền-Mãn-Châu. Tên những khối tộc người liên hệ khá mật thiết với khối Tungus bao gồm:

·        Jurchen  女 真,  (Nữ Chân) => nhà Kim 金 朝  của Hoàng Nhan Liệt trong bộ Xạ Điêu Anh Hùng Truyện của Kim Dung. Một bộ tộc của Jurchen cũng mang tên Mohe (Malgal) viết như  靺  鞨   [Mohe] hay  莫  贺  弗  [Mohefu], trực thuộc Sushen-Shi 肃  慎  (Túc Thận Thị) ở bờ biển Đông Bắc nhìn qua nước Nhật. Dân Kim xuất xứ từ khu vực thượng du của Hắc Long Giang (Amur), trở đi trở lại quấy phá nước Tàu. Lần sau cùng họ mang tên: Mãn Thanh, tức nhà Thanh.

·        Khitan, tức Khất Đan (Khiết Đan) 契 丹 , quê hương Tiêu Phong, với nhà Liêu 遼  朝  (đầu thế kỷ 10) được nhắc đến rất nhiều trong 'Thiên Long Bát Bộ' của Kim Dung. Liêu bị Kim (tộc Jurchen) thôn tính vào năm 1125. Người Nga đọc Khitan như Kitai. Ngày xưa, họ có lý do để lẫn lộn với Trung Hoa. Tức Nga gọi Trung Hoa (phía Bắc) bằng Kitai. Kitai được Marco Polo đọc như [Catai] [4]. Catai sinh ra Cathay, tên gọi nước Tàu người Anh vẫn dùng cho đến thế kỷ thứ 19. {Hãng hàng-không nổi tiếng: Cathay Pacific Airways}. Giống như ngày trước, người Việt gọi Tàu bằng nước Ngô, người Ngô.

·        Xianbei (Tiên Ti) 鲜 卑 , còn gọi [Murong] 慕  容  tức Mộ Dung, quê hương của Mộ Dung Công Tử, trong 'Thiên Long Bát Bộ'.  Bộ tộc chủ lực của nước Yên, và rất nhiều nước miền Bắc ở thời Ngũ triều - Thập quốc vào thế kỷ 10. Ở những nơi dùng chữ Hán để miêu tả, chúng ta có thể đặt giả thiết: 'Mộ' trong Murong (Mộ Dung) và 'Mo' trong Mohe có thể chỉ là một từ trong tiếng của người bản địa. Có tài liệu cho biết bộ tộc Mộ Dung bị bộ tộc Mohe thôn tính vào năm 494 {website 14 của [3]}. Xianbei (Tiên Ti) có xuất xứ từ núi Xianbei ở cùng khu vực, và cũng được gọi, ở vài nơi, là 'Đông Hung Nô'. Cũng có nơi miêu tả Tiên-Ti chia thành 2 nhóm: (i) Nhóm Murong Xianbei (Mộ Dung Tiên Ti) phía Đông Bắc, có liên hệ đến tiểu quốc Buyeo một tiền thân của nước Hàn bây giờ. (ii) Nhóm Tuoba Xianbei (Thác Bạt Tiên-Ti) ở phía Bắc, thiết lập nên nhà Bắc Ngụy (Bei Wei) (386-534). Mẹ của hai vị vua nhà Tùy và Đường, đều mang giòng máu Thác Bạt.

·        Evenki: tên mới của Tungus 鄂  温  克  族, chỉ một tộc người thuộc nước Nga, phía Bắc - trong khi Mãn Châu ở phía Nam.

·        Tuoba, tức Thác Bạt 拓 拔t bộ tộc chủ lực của nước Bắc Ngụy (386-533). Có thể có liên hệ bà con với đám Tartars hay Turkic (tóc nhạt, còn gọi: Nhục-Chi), phía Tây.

·        Xibe 錫  伯  đọc theo tiếng Hán là [Xi Bo]. Sinh ra 'Tây Bá Lợi Á' tức Siberia, theo tiếng Nga. Giả thuyết [Sibe] sinh ra Siberia là do Gs Pamela Kyle Crossley của Dartmouth College đề xướng. Nhưng để ý, phiên âm 'Tây Bá Lợi Á' cho Siberia, là do ở một người Tàu nào đó không rành tiếng Xibe, lẫn lộn âm [S] và [X]. [Si] trong [Siberia], được phiên âm như [Si] cho ra âm quốc ngữ 'Tây', là dựa trên âm [X]. Chứ thật ra người bản địa phát âm đúng là [SHE], chứ không phải [Xi].

 

4)     Đông Hồ đặt ra có lẽ để phân biệt với nhóm Ngũ Hồ, từng làm chủ nhiều 'triều đại' ở phía Bắc (16 nước), vào cuối thời Tam Quốc và Tây Tấn (cuối thế kỷ 3). Phân biệt Ngũ Hồ thay đổi theo từng tác giả. Nhưng đại khái gồm: Hung Nô 匈  奴 , Tiên-Ti [Xiānbēi] 鮮 卑, Để 氐  [Dī], Khương [Qiāng] 羌, và Kiết [Ket] [Jié] 羯   {có liên hệ bà con với nhóm Tocharians (tức Turkic hay Nhục Chi), ở gần sông Obi & Ket, phía tây của Siberia}.

 

5)     Để ý trong tên Tungus, đọc theo tiếng Hán xưa chính là Đông Hồ, tức đám giặc Hồ ở phía Đông (Bắc). Tungus ngày nay thường được nhắc đến nhờ ở tai-biến Tunguska vào năm 1908. Đó là một vụ nổ lớn (hơn bom nguyên tử ở Hiroshima khá xa) tại Siberia, mà rất nhiều giả thuyết khác nhau được dựng lên. Nhưng phổ biến nhất có lẽ là va chạm giữa một thiên thạch với quả đất. Nhưng trong tên SIBE dùng để chỉ nhóm người ở Tây Bá Lợi Á, chữ SI ở đầu người địa phương phát âm là [SHE] chứ không phải [XI]. Nếu chúng ta để ý tại các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, ngày nay có một khối người dân tộc mang tên là SHE nói tiếng Miao-Yao pha lẫn nhiều tiếng Hẹ (xem [3]/15), chúng ta có thể kéo được một gạch nối, liên kết người SHE 畲  (Yao tộc) ngày nay với người Xibe, tự gọi SHE-Bo, ở miền Siberia. Mặc dù SHE 畲 ở Hoa Nam viết khác với SHE 錫  trong SHE-Bo ở miền Cực Bắc. Chúng ta cũng không khỏi để ý, chữ SHE 畲  là tên một nhóm người Yao ở Hoa Nam:

·        Người Hẹ (Hakka) có những cách phát âm sau đây cho chữ SHE 畲 : [tsia] hay [yi] hoặc [zi]. [Yi] hay [Zi] dễ dàng gợi đến tên gọi xa xưa: ' Đông Yi', tức đám Lạc bộ Trãi ở Sơn Đông.

·        Tiếng Quảng Đông và Quan-thoại, ngoài âm cơ bản [se] hay [she], đều có phát âm [yu]-2 hay [yu]-4 mà chúng tôi cho rằng có liên hệ rất mật thiết với âm [yue] chỉ 'dân du mục' (vượt sông băng rừng) hay... 'Việt tộc'. Sẽ bàn tiếp phía dưới.

 

6)     Ngay trong tên Tungus, tiếng Turkic nghĩa: heo rừng, phiên âm tiếng Hoa là Dong Hu (Đông Hồ) 东 胡 , chúng ta cũng có thể suy diễn nhiều sự kiện khá lí thú như sau:

·        Thứ nhất, nó vẫn giữ tên [Hu] dùng để chỉ đám rợ Hồ 胡 , tức bọn Hung Nô / Bắc Địch. Tên totem thủy tổ người Yao, Chó Bàn Hồ, vẫn giữ vững tên 'Hồ'. Cho thấy,  - rất có khả năng - người Yao chính là hậu duệ của người Đông Hồ xa xưa [14].

·        Nhưng để ý thánh tổ Bàn Hồ, có vợ là một công chúa người Hoa. Do đó người Yao, trong tiềm thức, đã nhìn nhận người Mẹ đầu tiên của họ có DNA của Hoa chủng. Nói cách khác, Hoa chủng và Miao tộc có tình bà con cật ruột nhau [17].

 

7)     Để ý đến tên gọi Hmong cho người Miao ở miền Nam. Phát âm trong tiếng Hmong là [Hmoo(b)], với 'b' mang ý của thinh (dấu). Như vậy phát âm [Hmoob] gần với [Mao] hay [Mo] trong từ [Mohe] dùng để chỉ một bộ tộc Tungus năm xưa. [Miao] cũng có thể biến chuyển qua lại với [Mao] và [Miu] giữa các phương ngữ Hoa Nam [12][13].

 

8)     Người Miao-Yao nhiều khi kể chuyện cổ tích có nhắc đến tổ tiên họ ở khu vực sáu tháng ban ngày sáu tháng ban đêm. Tức vùng... Tây Bá Lợi Á (Siberia).

 

9)     Bây giờ xin để ý đến hiện-tượng âm [M] bám sát với âm [Y] trong các phương ngữ tiếng Hoa và Đông Nam Á như sau:

·        Nước Myanmar, ngày xưa có hai phiên-âm: Miến Điện và Diến Điện - M và Y. Thay phiên nhau dùng 1 trong 2 âm đầu của MYanmar;

·        Miao , có thể [myao]. Sang tiếng Việt, chỉ dùng âm [Y]: Diệu=> đẹp tuyệt diệu;

·        Mian có thể kí âm [myan] phiên âm ra 'Diện' = khuôn Mặt. Lột bỏ âm 'M'. Trong khi âm 'M' ở đầu gần với các phương ngữ Á Châu hơn: Mặt, mata (Mã Lai /Đa đảo),  mI (Ngô Việt), myen (Hán Hàn). Để ý âm Hàn: [myen] bao gồm [Y] theo sát [M]

·        Chà mang nghĩa 'trà' (tea) là chữ Hoa Nam. Hoa Bắc thời xa xưa có một thứ trà khác mang tên [ming] 茗 , tức Camellia sinensis. Hẹ đọc [miang], và Cao-Ly đọc [myeng]. Cũng âm [Y] bám sát theo [M]. Tiếng Việt xưa gọi là [Dánh] [5]. Lột mất âm đầu [M] còn [D].

·        Tiếng Việt có từ chỉ tôi (thân mật) là [Mình]. Phát âm Thừa Thiên ngày trước có dạng [Myềnh], hay gần giống. Cũng âm [Y] theo sau [M].

·        [Minh] (= sáng, thông minh) theo tự vị Huình Tịnh Của ngày trước có thể đánh vần như [Miêng], tức rất có thể phát âm như [Myêng].

·        Chữ [Min] chỉ 'dân chúng' hay dân tộc, có thể người Miao ngày xưa phát âm giống như [myân], và từ đó lột mất [M] cho ra 'Dân', khi chuyển ra quốc ngữ. Nên nhớ người Yao cũng có tên gọi là người [Mien] (tộc Hmong-Mien). 'Mien' tiếng Dao mang nghĩa 'dân', 'người'.

Như vậy biến chuyển MIAO => YAO cũng có thể nằm trọn trong qui luật về âm [Y] bám sát âm [M] ở đây.  Giống như biến chuyển [Miao] <=> [Mao] bàn qua phía trên.

 

10) Xin để ý đến các kiểu viết chữ Tàu cho 'Dao' (Yao) như 傜  hoặc 猺  hay 瑤 . Phát âm Hẹ của các từ này là [rau] hay [zau]. Quảng Đông đọc [yiu]. Quan-thoại đọc [yao]-2. Phúc Kiến (Mân) phát âm theo kiểu quốc-ngữ (lột [y] như trong 'yêu') => [iou] hay [iu]. Nhiều phiên âm ghi người [Yao] là người [Iu] chính là âm kiểu Phúc-Kiến. Nhưng để ý âm [yao]2 quan-thoại hoặc [iu] Phúc Kiến cũng chính là âm vận y hệt của từ  尤   trong Chi You tức Xy Vưu. Phát âm của 'Vưu' trong quan-thoại là [you] hay [yao]. Phúc Kiến cũng là [Iu] như trong [Iu] cho tộc [Yao].

 

11) Để ý đến tên viết 'Yao' (quanthoại) chỉ tên vua Nghiêu, đọc theo kiểu Hẹ [ngiau]. Có chừng 3-4 kiểu viết khác nhau (thí dụ: 姚  [18] &  堯  & 尧  ) cho ông vua đầu đời này. Nhưng có một lối viết người Hoa [19] cho là chính xác nhất miêu tả tên vua Nghiêu là 陶 . Trong kiểu viết Nghiêu 陶  (tức [ngiau] Hakka), ta thấy có bộ [fou] 缶  luôn luôn dùng trong những từ như: 傜  hoặc 猺  hay 瑤 , để chỉ người Yao. [Fou] mang nghĩa cái vò, hay cái chum bằng sành [20].

 

12) Từ điển CCDICT của nhóm 'chineselanguage.org' [19] cho biết từ chính xác nhất dùng để chỉ nhóm Tungusic tại cực Bắc Trung Hoa ở thời cổ đại là 鞨 , phát âm theo tiếng Hẹ là [hot] đọc giống như giữa âm Việt [họ] và [hò]. Quảng Đông có hai âm: [hot] và [maat]. Gợi nên ý của hai từ phiên âm đời nay là: Hẹ và Miêu. Phát âm Quan-Thoại qua nhiều thời đại bao gồm: [he]-2 => Hẹ & Hoa; [she]-2 => gần với [she] cho người SHE ngày nay, và 'She' cho [She-bo] tức Siberia; [mo]-4 có thể liên kết với tộc Mohe mô tả phía trên, hoặc Mộ-Dung (Murong) trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung; và [ta]-4 rất gần với âm [tuoba] của dân Thác Bạt hay Tatars (quân Thát Đát). Chữ  畬  trong miêu tả người SHE (chủng Yao) ở vùng Giang Tây ngày nay cũng có một phát âm theo quan-thoại là [yu], mang cùng âm vận với [yu] 逾   mang nghĩa 'vượt' thường dùng chỉ người Việt du mục, tức Hẹ-xưa.

 

13) Ngay chữ Lạc trong Lạc Long Quân. Ngoài phát âm nguyên thủy sinh ra chữ Hẹ, chữ (= Lạc= Hẹ) qua nhiều thời đại xa xưa, còn mang những âm [19]:

·        [mo]-4 hay [ma]-4 => gần với âm [miao] hay [mao] hay [Mộ-Dung]

·        [he]-2 hoặc [hao]-2 => rất gần với âm sinh ra 'Hẹ' và ... 'Hoa'

·        Âm [He] và [Ho] ưa biến chuyển qua lại với [Hoa] giữa các phương ngữ Trung Hoa. Thí dụ: (a) Nhà hàng hải lừng danh người Hoa gốc Hồi ở Vân Nam mang tên Zheng He (1371-1433), theo pinyin Quan-Thoại. Zheng He (Cheng Ho) phiên thiết sang tiếng Việt chính là ‘Trịnh Hoà’. [He] hay [Ho] => [Hoà]. (b) Tại Việt Nam, có vài địa phương miền biển vẫn giữ phát âm [Ho], hay [Ho-o] cho [Hoa].

 

14) Một con sông ở Sơn Đông (địa bàn xưa của đám Đông Di hay Lai Di 來 義  [lai yi]), viết như 濼  mang những âm như:  Quảng Đông, [lok] và [bok], tức Lạc và  Bộc. Quan-Thoại, [luo] tức Lạc,  [Li] tức Lê tộc (Cửu Lê), [liao] rất gần với [Liao] để chỉ  nhà Liêu, [pu] hay [po] tức Bộc, và [yao] hay [yue], tức 'Yao' và 'Việt' (yue). Nói một cách khác, âm [yao] và [yue] có thể biến đổi qua lại với nhau, tùy bộ tộc. Hay tộc [Yao] (tức Miao) và [Yue] (tức Hẹ ) đã từng sống đan xen lẫn lộn với nhau.

 

15) Để ý đến chữ 逾  đọc [yu]-2, hay [dou]-4 mang nghĩa 'vượt' y hệt và có thể dùng thay với 'việt' 越  trong 'Việt Nam', nhất là trong lối nói 'càng ngày càng lạnh' (càng= [yu]= [yue]). Ở trên, chúng ta thấy chữ SHE miêu tả người She ở Phúc Kiến / Giang Tây, cũng có thể đọc như [Yu] mang nghĩa 'vượt', tức Việt. Âm chữ 'Việt' 越   trong 'Việt Nam' theo tự điển CCDICT [19] cũng có một phát âm khác là ... [Hoa]-2. Y hệt như [Hua]-2 華  trong Trung Hoa 華 . Gợi cho ta ý tưởng người Hẹ cũng là một bộ tộc gầy dựng nên người Hoa, thuở ban đầu [21].  Xin nhắc lại 'Hoa' trong tộc 'Hoa Hạ' mang nghĩa nguyên thủy: 'rực rỡ'. Phải chăng do ở màu sắc rực rỡ của y phục phụ nữ người Miao từ xưa đến nay?

 

Dấu vết tiếng Tungusic trong tiếng Việt

 

Ở phần trên chúng ta đã thoáng thấy công việc truy tầm nguồn gốc dân Miao thật ra phức tạp hơn hằng nghĩ. Bởi họ đã giao tác rất nhiều với người Việt gốc Hẹ trong quá khứ, và có những bộ tộc bà con thân thuộc luôn quấy nhiễu nước Trung Hoa, qua 20 thế kỷ trước.

 

Bản đồ trình bày dưới đây cho thấy địa bàn khối người Hoa Hạ đầu tiên nằm giữa các khối rợ: Tây Nhung, Bắc Địch, Đông Di, và Nam Man. Cả bốn khối rợ này đều gối đầu với nhau về mặt địa lý cũng như về mặt hành trình di tản. Đặc biệt nhất hai khối Đông Di và Bắc Địch (đại biểu bằng người Miao và chủng gốc Tungus) có địa bàn và chuỗi trình giao tác lịch sử đan xen với nhau.

 

Bản Đồ: Ảnh hưởng của 4 khối rợ Tây Nhung, Bắc Địch, Đông Di và Nam Man, đối với chủng Hoa-Hạ ban đầu. Đông Di và Bắc Địch đều có đám rợ Hồ từ phía Bắc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Trước khi kết thúc bài này, xin xem thêm về một đặc tính trong tiếng Việt, chúng tôi cho rằng đã được nhập khẩu trực tiếp từ tiếng Tungusic.

 

Như ở trên chúng ta đã thấy, người Hmong ưa dùng 'mas' đặt sau túc-từ để phía trước câu, thay vì đặt sau động từ như nhiều thứ tiếng khác. Thí dụ: Thường thường họ nói: 'Tôi thích ăn cơm nhiều'. Nhưng y như tiếng Việt, họ có thể đưa 'Cơm' ra phía trước: 'Cơm Tàu hả, tôi rất thích ăn'. Túc-từ 'cơm Tàu' được đặt ra phía trước. 'Hả' hay 'riêng', hay 'phần' (phần nó: 'Phần nó, tôi đã chỉ dẫn thật kỹ')  có tác động rất giống [mas]  trong tiếng Hmong (Miao). Cũng tương đương với [wa] trong tiếng Nhật.

 

Thật ra lối dùng [mas] trong tiếng Hmong: Mov mas, kuv nyam noj ntau = Cơm hả, tôi thích ăn thật nhiều chỉ là một dấu vết nhỏ đã chịu rất nhiều sức ép của nhóm ngữ Hán-Tạng. Biến thái khá nhiều. Dạng nguyên thủy của cấu trúc chính là cấu trúc văn phạm tiếng Tungusic, phía Bắc Trung Hoa, với thứ tự: Chủ từ + Túc Từ + Động Từ. Quan trọng hơn hết: Động-Từ sau Túc-Từ. Ảnh hưởng này nằm trọn trong tiếng Hàn và tiếng Nhật:

 

- Watashi wa terebi o mimasu = Tôi xem Tivi

   Tôi (wa)     tivi   (o) xem =>    Tôi + Tivi + xem  {'wa' và 'o' là những từ đệm}

- Anata wa sensei dewa arimasen = Anh không phải là thầy giáo

   Anh (wa) thầy giáo (dewa) không phải là => Anh + thầy giáo + không phải (là)

- Watashi wa benkyo o shimasu = Tôi học bài

   Tôi (wa) bài (o) học.

 

Xin thử xem các lối nói sau đây trong tiếng Việt, cũng có cấu trúc y hệt tiếng Tungusic, Hàn, Nhật, v.v.: Chủ-từ + Túc-từ (hoặc Tương-đương) + Động-từ

 

- Anh hả, đẹp trai thì còn lâu. {Hả = wa}

- Anh hả, người anh trai thì được, người yêu của em thì còn lâu.

- Ông đó hả, xấu bụng thì không bao giờ.

- Phần tôi, cơm nước ăn xong rồi. {Phần ~ (tương đương với) wa}

- Riêng , Tây Tàu, đều đi cả rồi. {Riêng ~ wa}

- Cháu ơi, xe sửa xong chưa? => Cháu sửa xe xong chưa?

- Em, tóc chị uốn ngắn ngắn nghe.

- Anh Tư, bài tập cô cho, làm giùm được không?

- Bà chủ nhà, tiền thuê, đã cho khất đến tuần sau

- Tôi, 'The Da Vinci Code', đã đọc lâu rồi. Nhưng phim xi-nê (vai chính, Tom Cruise đóng), chưa có xem.

 

Cũng xin xem lại một vài câu (tiêu biểu) trong Truyện Kiều, với chữ đậm xem như động-từ, đi theo sau túc-từ:

 

247.    Sầu, đong càng khắc càng đầy

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê

931.    Lầu xanh quen lối xưa nay,

            Nghề này thì lấy ông này tiên sư.

1525.  Vầng trăng, ai xẻ làm đôi?

            Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

2055.  Kệ kinh câu cũ thuộc lòng

            Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay.

2929. Xót thay chiếc lá bơ vơ,

            Kiếp trần, biết giũ bao giờ mới xong?

2939.  Rắp mong treo ấn từ quan,

            Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua.

 

Cũng xin xem 2 câu thơ của Nguyên Sa, động-từ nằm sau túc-từ (chính):

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám

Tuổi của nàng anh nhớ chỉ mười ba.

(Tuổi Mười Ba)

 

Hoặc câu thơ quen thuộc:

Áo anh sứt chỉ đường tà,

Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.

 

Hay trong một bản nhạc của Phạm Duy:

Bà, bà Mẹ quê, đêm sớm không nề hà chi

Bà, bà Mẹ quê,chợ sớm đi chưa thấy về.

(Bà Mẹ Quê)

 

Như vậy trong tiếng Việt, có sự hiện-diện hai hệ cú pháp song hành, rất độc đáo. Thứ thường dùng, động-từ đi trước, và thứ Tungusic - động từ đi sau. Bất cứ người Việt nào cũng có thể xử dụng, và thông hiểu, cùng một lúc hai hệ song hành này. Một cách rành rọt tự nhiên. Từ đó, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy rất, rất nhiều người Việt ưa hâm mộ chuyện làm thơ, và ngâm thơ. Cũng như xướng hoạ và hát hò.

 

Nhận diện lối 'đảo ngữ' trong cú pháp tiếng Việt cũng cho thấy, những cách đưa đặt túc-từ (hay tương đương) nằm trước động từ, trước giờ thường tưởng sáng tác riêng của những nhà thơ, hay nhạc sĩ, thật ra chỉ là một loại cú pháp có sẵn trong tiếng Việt, mang ảnh hưởng từ ngôn ngữ của nhóm người Tungus hay người Miao.

 

Tháng 8, 2006

NN.

 

GHI CHÚ

 

[1] Ngô Sĩ Liên (1479) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. (Cao Huy Giu & Đào Duy Anh dịch và hiệu đính). Nxb Văn Hoá - Thông Tin. (2004).

[2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (chủ biên: Cao Xuân Dục) (1998) Quốc-Triều Chính-Biên Toát-Yếu. Biên soạn: Trần Đình Phong. Hiệu đính: Đặng Văn Thụy & Lê Hoàn. Nxb Thuận-Hoá.

[3] http://www.pureinsight.org/pi/pdf_version.php?id=4058

http://www.itmonline.org/arts/dynasties.htm

http://www.answers.com/topic/list-of-common-chinese-surnames

http://www.greecetravel.com/archaeology/mitsopoulou/language.htm (greek & chinese)

http://www.peopleteams.org/miao/MiaoHmong.htm

http://www.miaoupg.com/miao_or_hmong.htm

http://www.newadvent.org/cathen/03681a.htm

http://en.wikipedia.org/wiki/Manchus

http://www.omniglot.com/writing/jurchen.htm

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_T%E1%BB%91ng

http://www.uglychinese.org/manchurian.htm

http://manas.kg/pdf/sbdpdf13/Makaleler/05.pdf

http://www.hku.hk/linguist/program/world4.html

http://www.chinahistoryforum.com/index.php?showtopic=2740

http://www.chinaculture.org/gb/en_aboutchina/2003-09/24/content_24064.htm

http://en.wikipedia.org/wiki/Names_of_Korea

http://stedt.berkeley.edu/pdf/JAM/Xixia_Qiangic-Gong_Festo.pdf

[4] Marco Polo gọi Hoa Bắc bằng Catai và Hoa Nam bằng Manji (Man Di).

[5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ)

[6] Một số lớn tác phẩm và bài viết của Lm Kim Định hiện đã được lên trang mạng Dũng Lạc, www.dunglac.net -

[7] Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng người Tàu vào thời tiền sử, đếm số theo cơ số: 9. Giống như người Mường cho đến thế kỷ 20. Bởi vậy rất nhiều hiện tượng trong văn hoá họ ưa dựa vào con số 9: số 9 chỉ Hoàng Đế (số lớn nhất); 18 đời vua Hồng Bàng ở Trung Hoa, Việt Nam và Triều Tiên; các con số thường dùng 36, 72, 81, 108, đều là bội số của 9; chốn cửu trùng cũng dùng số 9. Chín (9) bộ tộc tên Lê, tức khối Cửu Lê (Cửu Ly / Cao Ly / Jiuli). Và chúng tôi cho xuất xứ con số 9 nằm ở thời gian chờ đợi khoảng 9 tháng, hay 9 tuần trăng (tròn) - trong bụng mẹ trước khi đưá bé ra chào đời. Sử sách Tây Phương rất khó nhận diện điểm này bởi rất dễ vướng phải hội chứng của người Hoa: ưa khoe văn minh của họ cũng giống như Tây, ngay ở thời xa xưa: Theo hệ thống thập phân rất sớm và biết tạo ý niệm về con số 0 (zero) khoảng thế kỷ 16 TCN, trước người Tây Phương hằng chục thế kỷ. Nhưng, thật ra hệ thống đếm theo cơ số 9 vẫn có thể xuất hiện ở Hoa Nam và ngay cả ở Hoa Bắc trước thế kỷ 16 TCN như thường. Không tùy vào con số Không (0).

[8] http://ww2.saturn.stpaul.k12.mn.us/Hmong/dictionary/enghmong/newmenu.html

[9] http://www.newsreel.org/guides/race/whatdiff.htm

http://www.catchpenny.org/race.html

http://raceproject.aaanet.org/pdf/myth_reality/jantz.pdf

[10] David Bradley, Paul Lewis, Nerida Jarkey, Christopher Court (1999) Hill Tribes Phrasebook. Lonely Planet Publications (2nd Edition).

[11] Để ý một điểm khá hay: 'NO' trong tiếng Việt có nghĩa 'ăn đủ rồi': 'ăn no', 'cơm no áo ấm', ... Nhưng thật ra [no] xuất xứ từ tiếng Hmong (Miao) [noj] mang nghĩa 'ĂN'. Trong khi 'ăn' xuất xứ từ Nôm phía Môn-Khmer / Chàm. Bởi có việc hợp chủng hay hợp-ngôn-ngữ, cho nên 'NO' nhảy sang đóng vai trò một phó từ: Ăn No. Phát âm trong tiếng Miao của [Noj] khá giống như 'No' (Việt) với chữ [j] ở cuối chỉ thinh (thanh điệu) mà thôi. Nhưng, No = Ăn, trong lối nói: 'Cơm no, áo ấm', cùng với ' ấm', lại đóng vai trò của hình dung từ, hay phó từ.

[12] Theo định lý này, khi một phương ngữ Hoa Nam có âm [AU], thế nào cũng có phương ngữ khác đọc [IU]. Đông Châu => Đông Chiu => Đông Chu. [Liu De Hua] (họ Liu / Lưu) => Andy Lau. Xứ Nam Chiếu => Nan Zhao. Ưu => Âu (lo) (ưu & âu, có chung 1 chữ Hán: ). 'Xấu' => Sửu (xỉu). Rượu => Rão (Mường).

[13] Cũng có thể mơ hồ thấy rằng, do ở việc đàn áp Miao tộc qua hằng nghìn năm, rất có khả năng, nhiều người họ Miao đã đổi thành 'Mao', nhất là ở những vùng đồng bằng của các tỉnh như: Hồ Nam, Quý Châu, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến. Thật ra âm [Miao] và [Mao] vẫn thường hoán chuyển với nhau: Chữ 'miều' 媌  trong 'mỹ miều' mang nghĩa 'đẹp' có hai phát âm quan-thoại [miao]-2 và [mao]-2 cho thấy [miao] có thể biến sang [mao].

[14] Họ Hồ (胡  ) về sau rất phổ biến tại Trung Hoa. Gốc gác nằm ở Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Bắc. Nên nhớ vài di chỉ khai quật tại Chiết Giang cho biết văn hoá tại những khu vực đó, rất có khả năng, có chủ nhân là Miao tộc.

[15] Một điểm cần lưu ý: sử Tàu khác với sử Triều Tiên về xuất xứ đám Đông Di. Sử Tàu luôn luôn có vẻ tránh né gốc người Hoa từ khối Tungus-ĐôngHồ, tức Mãn Châu. Và cho rằng người Triều Tiên có gốc Đông Di (tức xuất phát từ Tàu). Lúc nào họ cũng có vẻ còn hậm hực việc người Mãn trên cơ họ chiếm đóng cả xứ Tàu hằng trăm năm. Họ luôn luôn từ chối việc xem kỹ giả thuyết người Hồ cũng là thành phần nòng cốt tiến tạo nên Hoa chủng. Cả Tôn Dật Tiên lẫn Kim Dung đã phản ánh tâm tư người Hoa trong chuyện này bằng cách xếp dân Mãn Thanh thành 1 trong 5 đám 'dân tộc': Hán, Mãn, Tạng, Mông, Hồi. Tộc Việt, trong khi đó được (hay bị) nhập chung với Hán. Sử Triều Tiên trái lại, luôn cho họ là một khối người ít liên hệ đến Hoa chủng, và cương giới họ ngày xưa bao gồm nhóm Tungus.

[16] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie - Paris, France

[17] Giặc Hồ quấy phá, và chiếm đóng, phía Bắc Trung quốc thường xuyên kéo dài từ thời nhà Hán cho đến khi người Mãn Châu thôn-tính nước Tàu vào năm 1644.

[18] Tiếng Việt thường phiên thiết [yao] 姚   là 'Diêu' như họ Diêu của siêu sao về bóng rổ YAO MING => Diêu Minh 姚  明  . Trong âm quan-thoại [yao] chỉ người Dao, [yao] cho họ Diêu, hay [yao] trong 'Nghiêu' (vua Nghiêu, 2357-2255 TCN) dùng một loại phát âm.

[19] http://www.chineselanguage.org/cgi-bin/dict.php?query=yao&mode=pinyin&sound=1&lang=en&encoding=&first=100&pagesize=20&beijing=pinyin&canton=jyutping&meixian=pinjim&fields=hakka,cantonese,mandarin,wu,minnan,korean,japanese,english&level=6

[20] Thiều Chửu Hán-Việt Tự Điển: http://perso.orange.fr/dang.tk/langues/hanviet.htm

[21] Cũng bởi lí do này, các học giả Trung Hoa vẫn có lí thuyết rằng người Hẹ là một thứ Hoa tộc thuần túy. Người Hẹ có một đặc điểm: phát âm tiếng Tàu (cũng như tiếng Việt) của họ nghe rất hay. Nhiều bài thơ tiếng Hán cổ nếu được phát âm theo tiếng Hẹ sẽ cho ra âm thanh hay vô cùng. Bởi họ gắn bó với người Miao, nên cũng có thể cho 'thanh điệu' tiếng Tàu (phía Bắc) xuất phát ở họ. Bởi là dân du mục trong hằng nghìn năm trước, họ có một thứ tình gắn bó với thành phố họ sinh trưởng rất đặc biệt. Điển hình: bài hát 'tân nhạc' ca tụng các thành phố lớn ở Việt Nam đã lên đến hằng trăm, trong khi những bài hát mang những tên như Tokyo, Osaka, Sydney, London, San Francisco, Perth, Marseilles, Frankfurt, Belfast, v.v. có thể đếm trên đầu ngón tay.

 

Nguyên Nguyên