Thử đọc lại truyền-thuyết Hùng-Vương (18):

Phần 9: Hùng-Vương và người Việt-Nam

 

Nguyên Nguyên

 

Điểm làm chúng tôi ngạc nhiên nhất khi khảo sát về truyền-thuyết Hùng Vương, chính là tính cách khá bí-ẩn của một truyền-thuyết thường tóm tắt chỉ chừng dăm ba hàng chữ, trong các sách giáo-khoa, hay sử học. Những điểm bí-ẩn hoặc các lối nói ẩn-dụ tiềm tàng trong truyền-thuyết, ngày trước, rất khó có thể phát hiện. Nhất là khi các phương-tiện internet chưa xuất hiện và chưa được xử dụng ào-ạt như hiện nay.

 

Tuy nhiên, nếu hoàn-toàn dựa thẳng vào các bài viết trên internet, dù những bài đó do các giáo-sư đại-học viết, cũng có thể dẫn đến chuyện 'tẩu hỏa nhập ma' như chơi. Bởi cổ sử nước nào cũng rối nùi. Chỗ nhiều chỗ ít. Và môi trường internet đã và sẽ luôn luôn là một môi trường chứa tin-liệu dễ dãi cho đại đa số khối quần chúng. Thêm vào đó, vấn đề sử học ở Á Châu, kể cả Trung-Quốc, xưa nay vẫn mang nặng tinh thần quốc-gia, những cảm xúc chủ-quan, và ám ảnh Nhị-nguyên 'Họ và Ta'. Cũng như rất nhiều công cuộc nghiên cứu ở Âu lẫn Á, cho đến khoảng cuối thế kỷ 20, hãy còn mang nặng ảnh hưởng của mớ tiền đề xưa cũ, kể cả những thứ có từ thời Tư Mã Thiên.

 

Khó-khăn nhất trong việc viết lên đầy đủ ý nghĩa được giải mã chính là làm thế nào tóm tắt được các ý nghĩa đó. Chứ nếu không, có viết đến 180 bài cũng không đủ. Như thế, mặc dù đã gạt bỏ bớt rất nhiều tin-liệu hoặc thảo luận dài dòng, chúng tôi bắt buộc phải tóm lược rất nhiều, những điểm muốn trình bày. Mặt khác, chúng tôi thỉnh thoảng dùng những tên gọi đời sau, áp-dụng vào đời trước theo đúng kiểu của truyền thuyết. Cũng như thỉnh-thoảng phải lập đi lập lại một vài khám phá hoặc ý tưởng mới. Dù vậy, việc giải-mã truyền-thuyết cũng đã tốn đến 18 bài, với bài 17 gồm 3 phần, và bài 18 gồm 9 phần. Tổng cộng trên dưới 30 bài, mỗi bài bình quân 15 trang giấy. Tức tổng cộng 450 trang giấy. Mỗi một trang giấy chứa cỡ 620 từ, tức tổng cộng 450 x 620 ~ 280000 từ.

 

Xin đếm thử số từ của đoạn văn tóm lược truyền-thuyết trong 'Việt Nam Sử Lược' [1]:

 

'Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của  vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục.  Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là  Xích Quỷ.

 

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải.

 

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

 

Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ''Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.''

 

Tổng cộng chừng 222 từ. Như vậy bình-quân chúng tôi đã tốn giấy mực khoảng 1260 từ (280000 / 222) cho mỗi một từ trong đoạn tóm tắt trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim [1]. Tức khoảng 2 trang giấy cho mỗi một từ, của đoạn văn tóm-lược trên.

 

Xin nhắc lại sơ sơ một thí dụ nhỏ để cho thấy tính cách cực kì phức-tạp của truyền-thuyết thường tóm-tắt chừng 15 dòng, như trên. Thí dụ: Lạc Long Quân => chúng ta đã khảo sát những điểm chính sau: (i) truyền thuyết bản Việt khác với bản Mường trong việc đổi tên 'Long Wang'  thành Lạc Long Quân; (ii) các tự dạng khác nhau của chữ 'Lạc'; (iii) Lạc Long Quân = giống Rồng, khác với giống Tiên của Âu Cơ; (iv) Vấn đề tranh chấp giữa Mẫu Hệ của bà Âu và Phụ Hệ của ông Lạc; (v) Chữ Lạc trong Lạc Long Quân viết theo bộ Trãi (Lạc bộ Trãi ). Lạc bộ Trãi ngày trước được dùng để chỉ một đám du mục, có thể bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau, có mặt trong khối Đông Di, ở tỉnh Sơn Đông ngày nay; (vi) Chữ Lạc [Luo]   nầy ngày xưa cũng có phát âm như [He] hay [Ho] hoặc [Mo] {xem [2] [19]}. Phát âm [He] hay [Ho] chính là tiền âm của chữ [Hẹ] tiếng Việt. Và [Mo], cũng viết y như 'Lạc' [19], chúng tôi cho rằng tiền thân của [Hmoob] có thể dùng để chỉ người 'Miao-Yao', tức Hmong-Mien, xưa ưa sống gần người Lạc Việt, thuộc chi 'Hẹ'. Phát âm [Ho] cũng mang âm hưởng của chữ [Hoa] đọc theo một phát âm địa-phương tiếng Việt {[Ho-o]}, và [Hua] tiếng Tàu, chỉ gốc người Hoa-Hạ. Theo từ điển CCDICT {chineselanguage.org} [2], từ [Luo] tức 'Lạc' mang nghĩa xưa: một nhóm rợ ở phía Bắc nước Tàu. (vii) [He] hay [Luo] có mang phát âm [Ho] tức 'Hoa' gợi cho ta ý tưởng: Rất có khả năng, người Hẹ (tức một nhóm Lạc Việt cổ) cũng chính là một trong những tộc người tiến tạo nên Hoa tộc sau này. (viii) Tiếp theo chúng ta khảo sát đến người Hẹ và thấy họ có rất nhiều bản sắc giống người Việt Nam, tiếng Hẹ cũng rất giống tiếng Việt, đặc biệt phát âm [Y] quan-thoại như [Dz], và [W] ở nhiều phương-ngữ khác thành ra [V], giống kiểu phía Bắc.

 

Nhắc đến Lạc Long Quân, tất phải nói đến bà Âu Cơ. Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều điểm chung quanh vị Thái quốc mẫu này. Xin phép tóm tắt như sau:

 

(i)  Trong khi người Kinh ít khi nghiêng về một bên, bà Âu hay ông Lạc, người Mường thiên hẳn về bà Âu Cơ, mà họ gọi theo kiểu Quảng Đông: Ngu Kơ. Tương tự, xã hội Kinh ưa giữ thế 'trung lập' giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, trong khi xã hội Mường tập trung thờ phượng chỉ một mình Sơn Tinh (xem Cuisinier [3]).

 

(ii)  Âu Cơ, theo thiển ý biểu tượng cho chế độ mẫu hệ - của người Việt cổ ở vùng Hoa Nam, và dải đất hình chữ S - trước thời nhà Hán nhất thống Trung Hoa. Cuộc chia tay giữa bà Âu và ông Lạc là biểu tượng cho tranh chấp giữa mẫu-hệ và phụ-hệ. Âu Cơ cũng có thể biểu tượng cho tất cả các thứ Việt tộc thích duy trì nếp sống xưa cũ tại các địa bàn rừng núi. Trong tiếng Tàu, 'Cơ' thường dùng để chỉ một người phụ-nữ đẹp. 'Âu' (hay [Ngu]) mang liên hệ gốc gác (âm) với hai từ khác cũng chỉ dân sinh sống ở miền rừng núi: (a) 'Âu' [Ou] trong tên xứ Tây Âu, tức Tây Việt hay Âu Việt, mang cùng một thứ địa bàn với tỉnh Quảng Tây ngày nay. Và  (b) 'Âu', như một biến chuyển với 'Iu', theo định luật 'Lau' <=> 'Liu'. 'Iu' thường dùng để chỉ người 'Yao' một nhánh lớn của khối Miao-Yao [4]. Chia tay Âu & Lạc có thể biều tượng cho giữa Miao và Hẹ. Tại Việt Nam, ngày xưa tộc Miao-Yao cũng mang tên gọi là 'Mán', mà chúng tôi đã dành trọn hai bài để đưa ra giả thuyết mới, rằng người Miao-Yao mang gốc Đông Hồ / Mãn Châu. 'Mán' rất có khả năng chỉ là một âm tắt của 'Mãn Châu'. Xưa nay ít người để ý, bởi khá giống 'Man' trong 'Nam Man' người Tàu dành gọi người Hoa Nam khi xưa. Một điểm khác cũng cần để ý: Trong tâm thức người Hoa, họ cho chủng Hoa-Hạ đã có thế sát nhập với hai khối Nam Man và Đông Di. Nhưng đối với Bắc Địch và Tây Nhung thì không [19]. Bắc Địch cũng có hai nhóm lớn [19]: Xích Địch và Bạch Địch. Xích Địch mang từ 'Xích' (đỏ), có thể mang liên hệ với 'nước Xích Quỷ' và biệt danh 'Xích Quỷ' của Xy Vưu.

 

(iii)  Cả bà Âu và ông Lạc đều biểu tượng cho hai thứ chủng Việt chính, xuất phát từ hai khu vực khác nhau từ xứ Trung Hoa cổ. Âu Cơ: những nhóm người Việt từ miền Tây và Trung nước Tàu, mang khuynh hướng mẫu hệ. Lạc Long Quân: các khối người Việt ở vùng biển Đông, từ khu vực Sơn Tây - Hà Bắc - Sơn Đông (phía cực Bắc), kéo xuống tận khu vực Phúc-Kiến - Triều Châu. Nhóm người Lạc Việt viết theo bộ Trãi, mà chúng tôi đã chứng minh chính là người Hẹ, bởi cũng xuất xứ từ, hoặc lân cận với, địa bàn người Hoa Hạ (ban đầu) nên đã chuyển sang phụ hệ, khi đến định cư tại xứ Việt cổ [5].

 

Trước khi thử tóm tắt một vài điểm chính của giải mã truyền thuyết Hùng-Vương, trình bày trong suốt 18 bài qua, chúng ta hãy lý giải hoặc trình bày thêm một lần nữa, vài điểm rất quan trọng như sau.

 

Việt Thường

 

Sử sách nước Việt thường đề cập đến xứ Việt Thường, thỉnh thoảng với vài dẫn chứng. Thứ nhất, cuộc gặp gỡ của người Việt Thường với các vua Nghiêu Thuấn, ở vào thời huyền sử xa xưa, do ở sáng tác của Trịnh Tiều [8], trên 2000 năm sau. Thứ hai, việc đại sứ Việt Thường mang con chim trĩ trắng tặng vua nhà Chu vào khoảng năm 1120 TCN [9]. Thứ ba, vào cuối đời nhà Đường, người Hoa đặt tên 'Việt Thường' cho một quận huyện, nằm ở khu vực Quảng Bình - Quảng Trị ngày nay [10]. Do ở việc danh xưng 'Việt Thường' tại nhiều chỗ khác nhau trong sử Hoa, sử nước Nam đời sau rơi vào vùng ảo ảnh hết sức mù mờ.

 

Trước hết xin xem hai sự kiện về gặp-gỡ ở đời Nghiêu Thuấn, và đời nhà Chu. Vào đời Nghiêu Thuấn, tộc người Hoa-Hạ thuần túy dù có tổ chức đến cấp 'quốc-gia' vẫn không thể nào rộng hơn một tỉnh ngày nay, như Hà Bắc chẳng hạn. Đến đầu đời nhà Chu cũng vậy. Tộc người Hoa-Hạ thuần-túy, nếu có, luôn được bao bọc, và sống chung với, hằng ngàn bộ-tộc - bộ-lạc láng giềng khác nhau. Với các thứ tiếng nói khác nhau. Hoàn-toàn chưa có những trung-tâm sinh-ngữ hay phiên-dịch để tộc người này cảm thông với tộc kia. Đặc biệt xin chú tâm đến thời điểm năm 1120 TCN, khi đại-sứ đặc-nhiệm và toàn-quyền của xứ Việt Thường đáp máy bay hãng Cathay Pacific sang thủ đô nước Trung Hoa trình ủy nhiệm thơ, và tặng cho chủ tịch Chu Thành Vương một con chim trĩ. Có gì lạ ở thời điểm năm 1120 TCN? Đó là cái năm mà sử sách Tàu, viết vào khoảng 1000 năm sau, nói là vua nhà Chu phong đất thả cửa cho họ hàng thân thích hay quan lớn có công trong triều. Cũng một loại chuyện hoang-đường, viết theo kiểu 'chính sử' của người Hoa. Với mục đích chính là đóng chặt cái đinh pháp-lí của, hay xí phần chủ quyền trên, toàn lãnh thổ Trung Hoa. Đất nào, nước chư hầu nào, cũng có cội nguồn từ thiên tử nhà Chu - thời đại có thiệt 100% đầu tiên của lịch sử nước Tàu. Nước Sở (Kinh Sở) được phong cho Hùng Dịch [Xiong Yi], cháu của ông thầy dạy vua. Nước Lỗ phong cho con cháu ông Chu Công, chú của vua và cũng là nhà hiền triết đầu tiên của Á Châu. Nước Tề phong cho ông Lã Vọng, tức Khương Thượng, v.v. Mặc dù rằng người Hoa biết rõ đa số thành phần khối lê dân trong các nước chư hầu này không nhất thiết thuộc chủng Hoa-Hạ, nhưng họ cố tình tảng lờ đi dưới đòi hỏi thiết bách của việc tạo dựng quốc-gia.

 

Từ đó, ta thấy cái năm 1120 TCN, hay khoảng Chu Thành Vương vừa lên ngôi vua, đầu tiên được Khổng Tử hoặc sử-gia Tư Mã Thiên lăng xê, với chuyện phong đất phong tước,  nhanh chóng trở thành một tiêu chuẩn khuôn vàng thước ngọc, cho sử gia đời sau bắt chước. Việc miêu tả đại sứ Việt Thường đến gặp vua Chu Thành Vương vào năm 1120 TCN, trình bày trong Đại Việt Sử Lược [9], soạn ra trên 2000 năm sau cuộc 'tiếp kiến', do đó không nằm ngoài việc 'cóp' lối viết sử của các sử gia thiên triều. Tuy vậy, trong việc chép kiểu viết sử đó, sự kiện con chim trĩ cũng có thể hé ra cho ta thấy một vài điểm quan trọng sau:

 

a)      Đại Việt Sử Lược [9] nhìn nhận tộc người Việt-Thường khác với tộc Hoa-Hạ, vào lúc khởi thủy của thời 'thực sử', năm 1120 TCN.

b)     Chữ 'Thường' [shang] 裳   trong hai chữ 'Việt Thường' mang nghĩa 'quần áo' cho phần dưới thân thể, tức 'cái khố' hay, rất có thể là 'sarong' hoặc 'sulu' hay 'pareo' của các tộc người Thái-Lào hay Đa đảo. 'Việt Thường', do đó, đã miêu tả đầy đủ cách ăn mặc của vị đại sứ, đi gặp vua Châu Thành Vương, hay của tộc người Việt-Thường.

c)     Miêu tả về Việt Thường Thị của Đại Việt Sử Lược [9] cũng chứa nhiều mâu thuẫn:

- Người Hoa đã biết, và đặt tên cho 15 bộ lạc phía tây nam vào thời Hoàng Đế (Hiên Viên) - trong thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Vào thời đó lãnh địa của Hiên Viên Hoàng Đế chỉ chiếm một khoảng đất nhỏ, bên sông Hoàng Hà, lớn nhất cỡ một tỉnh ngày nay. Đất 'vàng' của tộc Hoa Hạ, chưa tiến đến chế độ phong kiến, to rộng, và khi đó, vùng đất Trung Hoa ngày nay, chứa trên 2000 bộ lạc lớn nhỏ khác nhau.

- Tên của 15 bộ lạc ở phía cực Nam nước Tàu đó, bao gồm Văn Lang, Việt Thường Thị, Giao Chỉ, Gia Ninh, v.v., toàn là những thứ tên đặt ra vào lúc nhà Hán nhất thống được toàn cõi nước Tàu, tức 3000 năm sau thời đại Hiên Viên (Hoàng Đế).

- Đại Việt Sử Lược [9] lại xác nhận rằng tuy gọi tên 15 bộ lạc như vậy, nhưng những thứ tên này hoàn toàn không có trong danh sách 9 châu của thiên Vũ Cống do vua Đại Vũ nhà Hạ, thiết lập. Kỹ sư Đại Vũ khởi nghiệp 18 đời nhà Hạ, sau thời Hiên Viên cũng vài trăm năm, và thường được xem một người thuộc tộc Khương (Môn-Khmer).

- Khi đại sứ của Việt Thường Thị mang con chim bạch trĩ (một thứ gà rừng) tặng vua Chu Thành Vương (khoảng năm 1120 TCN), xứ Việt cổ chưa có Hùng Vương. Bởi theo [9], Hùng Vương, một nhà ảo thuật đại tài, lạ mặt, chỉ làm cho dân địa phương ở 'bộ lạc' Gia Ninh thán phục và tôn làm vua vào đời Chu Trang Vương - khoảng năm 696-682 TCN, sau vụ dâng chim trĩ hơn 400 năm.

d)     Không cần quan tâm đến cuộc gặp gỡ đó, hoặc ngay cả chuyện phong đất phong tước,  có thật hay không, chúng ta cũng có thể biết được, và chỉ cần biết, đã có sự hiện diện của bộ tộc Việt Thường, vào thời khởi thủy của lịch sử Trung Hoa.

e)     Theo [8], bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên cho biết địa điểm xứ Việt Thường nằm đâu đó ở phía Đông Nam nước Phù Nam, tức khoảng khu vực đảo Java ngày nay. Nên nhớ mặc dù Tư Mã Thiên có đi chu du nhiều nơi lúc soạn bộ Sử Ký [8] [19], nhưng ông không có đặt chân đến miền Hoa Nam, lãnh địa của khối Bách Việt.

f)      Do ở địa hình địa lý, và thực trạng của chính trị thời cổ đại - cũng như hiện diện của hằng nghìn bộ tộc khác nhau trên nước Tàu ở thời cổ sơ - bộ tộc Việt Thường đó phải có địa bàn rất gần với lãnh địa của người Hoa-Hạ. Đâu đó trong khu vực tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc hay Sơn Tây, tức ở vùng Đông Bắc nước Tàu.

g)     Sự việc vào cuối đời nhà Đường, người Hoa lôi tên Việt Thường trở ra và đặt cho miền cực nam xứ An-Nam, có lẽ không ngoài xác nhận thứ tộc người ở khu Việt Thường thuộc nước An-Nam có nhiều biệt sắc giống bộ tộc tại bắc Trung Hoa mà ngày xưa tổ tiên họ gọi là 'Việt Thường'.

h)     Tộc Việt Thường cũng có tục điêu đề (xâm trán), và do đó rất có khả năng là một bộ phận của khối Đông Di hay Cửu Lê. Nếu nhớ hai thành phần chính của khối Cửu Lê là Miêu tộc và Lê tộc (còn gọi Lai Di, tức [Hlai]). Và Lê tộc có bà con họ hàng gần với, hay một chi tộc của, khối Khương, tức Môn-Khmer, có mặt ở đảo Hải Nam, xứ Việt cổ, và Chiêm Thành. Chúng ta thấy ngay 'Việt Thường' đích thị là người Việt bản địa tối cổ, mang tên Môn-Khmer. Khi xưa ở bên Tàu còn mang tên Khương tộc.

i)       Để ý thư tịch cổ của Tàu thường gọi kèm chữ 'Thị' vào 'Việt Thường' => Việt Thường Thị. Mang ý nghĩa bộ tộc Việt Thường, nhấn mạnh ở chỗ họ không thành lập quốc gia. Mặc dù quan-niệm về 'nước' (quốc) của người xưa rất lỏng lẻo, khác hẳn với 'nước' đòi hỏi vài ba yếu tố căn bản như ngày nay. Tại sao như vậy? Bởi trong các nhóm bộ tộc thuộc khối Đông Zi, có rất nhiều nhóm chuyên sinh sống với nếp sống du mục, nay đây mai đó, không có địa bàn cố định. Không xin nhận một nơi nào đặc biệt làm quê hương. Nổi tiếng nhất trong các đám du mục thuộc khối Đông Di chính là người (Lạc) Việt viết với bộ Trãi, ngày nay mang tên là người Hakka tức Hẹ (tiếng Việt). Như vậy, tộc Việt Thường vào đầu đời nhà Chu (khoảng 1120 TCN) cũng có thể chính là người Lạc Việt mang tên nôm là Hẹ.

 

Khương, hay Hẹ, bộ tộc Việt-Thường có lẽ đã có mặt ở xứ Việt cổ, và trước đó cũng có mặt tại địa bàn gần gũi, và cũng có thể đan xen, với người Hoa-Hạ vào thời khởi sử xa xưa, tại miền cực Bắc nước Trung Hoa.

 

Tiền-đề về ngôn-ngữ

 

Tiền đề về ngôn-ngữ thường đi theo các tiền-đề về sử học. Cả hai thứ tiền-đề, xưa nay vẫn thường được lướt qua, ngay cả ở Trung Hoa. Như đã trình bày nhiều lần, việc dựa trên những tiền-đề xưa cũ, sẽ rất dễ dẫn đến cái vòng lẩn quẩn cho công cuộc tìm tòi nghiên cứu hao tốn nhiều thời gian. Bởi nhiều, nếu không nói đa số, tiền đề về ngôn-ngữ và sử học tại Á Châu, đều vướng phải những định-kiến xa xưa, xuất phát từ phía triều đình thể theo nhu cầu giải quyết xung đột chính-trị, hay trị dân của giới cầm quyền. Cũng có thể nói những tiền đề này thật ra chưa thoát khỏi ảnh hưởng của các thư tịch cổ của Tàu, nhất là những thứ như Thi Kinh, Xuân Thu, Chiến Quốc Sách, Sử Ký, v.v.

 

Khi người Tây Phương đến Á Châu và bắt tay vào việc nghiên-cứu ngôn ngữ và cổ sử, chuyện đầu tiên là họ phải dựa vào lối diễn-dịch hay lí-giải về những vấn-đề địa-phương theo sách vở sẵn có, hay theo quan-điểm do giới cầm-quyền trình bày. Mặt khác, giới viết sử hay nghiên cứu về ngôn-ngữ ở Á Châu, ngày trước cũng ít khi ngờ rằng học-giả Tây Phương cũng có vấn-đề liên-hệ đến những tiền-đề xưa cũ, theo sát với tiến triển khoa học phương Tây. Nói một cách khác, học giả Á Châu ở thế kỷ trước có thể đã tin tưởng 'chắc nịch' rằng khoa-học Tây Phương đã tiến đến tột đỉnh rồi. Những gì người Tây Phương công bố hay viết thành sách phải là chân lí, hoặc sự thật. Cũng giống như lời dạy của các vị thánh hiền ngày xưa. Thật ra, đối với khoa-học và kỹ-thuật, có lẽ không bao giờ có chuyện tột đỉnh cả. Tột đĩnh có lẽ chỉ xảy ra đúng vào lúc tận thế của loài người. Do đó, những công trình, dù có thể to-tát, của các học-giả Tây Phương, rất có khả năng, đã chất chứa khá nhiều công việc 'đánh bóng' tiền-đề sẵn có ở Đông Phương. 

 

Đứng giữa các thứ tiền đề về ngôn-ngữ, có thể là thứ công trình phiên-thiết lại các âm xưa cũ của tiếng Tàu. Tức tìm xem người Tàu phát âm từ này từ nọ ra làm sao vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, hay thời Trung Cổ. Giả-định quan-trọng nhất các công-trình loại này đã dựa vào chính là: Dân Tàu xưa nay vẫn là một thứ dân thuần chủng. Một thứ giả-định mang tính chất hoang đường, đã bị uốn nắn theo một xu hướng hay nhu cầu nào đó, hoặc mang nặng ảnh hưởng của các tiền đề xưa cũ, ở cả Đông lẫn Tây phương.

 

Ở Việt Nam, ngày trước các tiền bối, có lẽ bối rối khá nhiều trước tình-trạng tạp-pín-lù của chữ Nôm, đã đề ra một vài lối giải thích tính cách đa dạng của âm tiếng Việt. Những lối giải thích này, thường dựa trên các công bố của người phương Tây, hay trên các mô-hình có sẵn của người Hoa. Trong đó có: (a) Vay mượn; (b) Biến đổi âm Hán cho hợp khẩu vị người Việt; (c) Thay đổi theo phong-thổ và qua giao tác với dân địa phương; (d) Học tiếng Hán qua các trường dạy sinh ngữ do Bắc triều thiết lập; và  (e) Biến đổi 'khơi khơi' theo thời đại, hoặc theo địa phương.

 

Những lối giải thích về biến đổi, hay chuyển âm, trong tiếng Việt theo kiểu trên, có vẻ dính chặt vào tâm thức của mọi giới ở Việt Nam, kể cả giới ê-lít đã được hấp thụ thêm một hai ngoại ngữ nào đó. Nhưng lại thường bất kể đến những tiến bộ trong khảo cứu về biến thái ngôn ngữ, hay đồng-hoá (lẫn nhau) về ngôn ngữ - giữa những phương ngữ xử dụng bởi những tộc người khác nhau.

 

Xin phép dành một vài dòng để minh giải vấn đề 'chuyển âm' liên hệ đến đề tài Hùng Vương. Ngày trước, có vài học giả Việt cho rằng 'vua Hùng' là tiếng của người Mường: Pò Khun. [Pò] tương đương với 'vua' và [Khun] là 'biến âm' của 'Hùng', theo kiểu qua lại giữa âm [Kh] và [H] theo kiểu: [Khan] => [Hãn] / Genghis Khan => Thành Cát Tư Hãn.

 

Thoạt nhìn rất hay, nhưng nhìn kỹ lại khá lấn cấn. Xin phép tóm tắt như sau:

 

·        Người Mường không dùng âm [Po] để chỉ 'Vua'. Gần âm [Po] có chữ 'Pổ' mang nghĩa 'Bố' (Cha). Âm [Po] mang nghĩa 'Ngài', 'Bà Chúa', hay một người có địa vị cao sang lại thuộc tiếng Chăm-pa ở phía Nam, mà người Chăm-pa, chúng tôi cho rằng xưa có bà con  gần với người Việt bản địa tối cổ: Môn-Khmer.

·        Từ 'vua' tiếng Mường đọc như 'Byua' (kí âm là [Bua] theo một quy luật ngữ học dành cho một số tiếng Âu Châu [14]) - giống kiểu Nam bộ và quốc ngữ thời thế kỷ 17. Theo thiển ý, âm [byua] có cùng gốc với một âm quan-thoại xưa [yu] cho từ 王 , mà phát âm thông thường là [wang] tức 'vương'.

·        Tiếng Mường có âm gần [Khun] nhất là [Cun] hay [Kun] mang nghĩa 'Quan'. Kun Lang (hay: Lang Cun) = Quan Lang.

·        Biến âm [Kh] <=> [H] có thể là một thứ biến âm giữa tiếng Hán và tiếng Mông Cổ [12] [13]. Âm [Kh] tiếng Mường thường tương đương với âm [S] tiếng Việt, chứ không phải [H]. Thí dụ [11]:

- sông => không (giống âm Thái: [khung]). Sông Mekong = Me + Kong. Me, tiếng

Thái = Mẹ, cái gì to tát. Kong => Khong => sông. Mekong => sông lớn, sông mẹ. Rất

giống 'Menam', trong đó: 'nam' mang nghĩa 'nước', hay nghĩa rộng là 'sông'.

- khủng ống = súng ống.   - khổ măl = số may.    - khứu = sửu (thuối khứu = tuổi sửu)

- khon = son. Bâm khon = mâm son (Để ý: [B] => [M]: Bangkok => Mân Gốc) [27].

- khay khướt = say khướt.   - khăc đác = sặc nước.   - khăc mùi rão = sặc mùi rượu

- khủng mũi = sống mũi (để ý âm [u] <=> [ô], như [tui] <=> [tôi]). - khẩu = sáu (6).

- khúp mẽnh = súc miệng. - khup tố = sụp đổ. - khức = sức.

·        Cũng không chính xác khi dùng hai từ 'biến âm'. Bởi vẫn mang ý nhị nguyên. Từ tiếng A sang tiếng B, với tập trung ở A. Tiếng A giữ vai chính. 'Biến âm' cũng mang tính chất 'nhị nguyên' Trước-với-Sau, thường che mờ những đường hướng khảo sát khác của các khoa học tương cận như: sử, dân tộc, xã hội, hoặc khảo cổ [18]. Chính xác hơn một chút có lẽ phải dùng 'âm tương đương'. Thí dụ: Tra từ điển Mường [11] ta thấy âm [Kh] Mường mang khuynh hướng tương đương âm [S] Việt, bởi có đến hằng chục từ như vậy. {Xem phía trên}. Nhưng nếu muốn thiết lập một định lý tương tự cho [Th] <=> [R] chúng ta bắt đầu thấy sự gượng ép. Ở chỗ chỉ có lác đác vài từ mang biến chuyển: [Th] Mường <=> [R] Việt. Thí dụ: [thăng] <=> [răng]. [tha] <=> [ra]. [thẳm] <=> [rắm] (đánh rắm). [thảnh] <=> [rắn] (không thuần nguyên âm ở sau). Và đa số vẫn giữ: [Th] => [Th]: thăm <=> thăm; thơ ký  <=> thư  ký. Âm [R] vẫn giữ [R], [R] <=> [R]: rão <=> rượu. Định luật [Th] <=> [T] mang nhiều thí dụ hay chứng tích cụ thể hơn: [thắc] => [tóc]. [Thay tăm] <=> [Tay đăm] => [Tay mặt] (từ điển Huình Tịnh Của ghi [đăm] = mặt, phải, [chiêu] = trái. 'Đăm' và 'Chiêu' mang gốc Mường hay Thái-cổ). [Thuối]=> [tuổi].  [Thà] (ảo) => [tà] (áo). Thơ thằm => Tơ tằm.

·        Nhóm âm tương đương thể hiện rõ nét hơn giữa các phương ngữ Hoa Nam, và điểm chúng tôi thường nhấn mạnh chính là: Một khi ta thấy có hiện tượng âm tương đương trong tiếng Việt và âm tương đương giữa các phương ngữ Hoa Nam, chúng ta cần phác họa nên một định luật và thường xuyên kiểm chứng định luật đó. Nếu nhiều kiểm chứng các nhóm âm tương đương đạt được kết quả tốt, chúng ta sẽ có thêm một chứng cớ khá vững, tiếng Việt là một hỗn hợp các phương ngữ đó, và tộc người Việt đã là một hợp chủng các tộc Bách Việt đó. Hoàn toàn tránh khỏi cảnh tộc người này là thủy tổ tộc người kia. Chỉ là bà con vào lúc ban đầu. Không phải do ở tinh thần quốc-gia, nhưng do ở tinh thần khoa-học. Qua nhiều thí dụ viện dẫn, thí dụ: ka/gia, kẻ/gã, ăn/uống, đường-xá, tâm-địa, v.v., chúng ta thấy âm tương đương trong tiếng Nôm và tiếng Hán Việt đều được phản ánh đầy đủ trong các phương ngữ Hoa Nam, tiếng Thái, tiếng Hmong-Mien (Miêu-Dao), tiếng Đa-Đảo, tiếng Chăm và tiếng Môn-Khmer.

·        Chứng cớ vững chắc nhất cho nguyên lý về 'âm tương đương' chính là phương ngữ nào ở Hoa Nam thường vẫn giữ vững phần lớn âm vận xưa cũ của nó [18].  Tiếng Quảng Đông có những âm đặc thù Quảng Đông. Phúc Kiến cũng vậy. Và Hẹ cũng thế. Thí dụ 1: Tương đương giữa âm [W] quan-thoại với [V] Hẹ, [M] Quảng Đông, và [B] Phúc Kiến: 'Vô' mang nghĩa 'phủ định', tức 'không có'. Âm Quanthoại: [wu] => Hẹ [vu] (vô) => Quảng [mou] (mậu) => Ngô-Việt [hhu] => Phúc Kiến [bo] (=> Nam bộ: [byô]). Thí dụ 2: Quanthoại [wan] (10000) => Hẹ [van] (vạn) => Quảng [maan] (muôn) => Ngô-Việt [vE] => Phúc Kiến [ban] (byạn). Thí dụ 3: Nó, anh ta, cô ta - phát âm phổ biến nhất tiếng Tàu là [ta]. Nhưng quảng-đông vẫn giữ âm cũ: [koi] hay [keoi] hoặc [gei] hay [heoi]: 其  hay 渠 . Cùng gốc với [kẻ] (ấy) hoặc [gã] (đó), hay [hắn] trong tiếng Việt. Rất giống tiếng Thái: [kão] cho nam, và [te] (giống [ta]) cho nữ. [Nó] trong tiếng Việt lại mang xuất xứ từ tiếng Ngô-Việt [nong] dùng để chỉ đại từ ngôi thứ 2 (anh, chị, ông, bà) và cả ngôi thứ 3 => 'nó'. Thí dụ 4: Những cặp từ như: Đa/Nhiều, Bông/Hoa, Ô/Dù, Thiểu/Ít, v.v. [18], đều được phản ánh đầy đủ giữa các phương ngữ Trung Hoa, nhưng với tự dạng khác nhau. Sơ sót ngày xưa chính là khi học tiếng Hán, các tiền bối học theo kiểu một đối một, 1 <=> 1, nhầm tưởng một từ là Hán, một là Việt. Đơn thuần 1 => 1, theo kiểu Tam Thiên Tự: thiên là trời, địa là đất, đa = nhiều, thiểu = ít. Thật ra một sự vật hay động tác ngày xưa đều có nhiều từ khác nhau, tùy theo phương ngữ và cách phát âm, để diễn tả. Nếu cùng một từ, lại có những lối phát âm khác nhau tùy phương ngữ. Các phương ngữ tiếng Hoa phần lớn vẫn còn giữ nhiều dấu vết của việc hợp chủng và hợp ngôn ngữ, cho đến ngày nay.

 

Hùng Vương và Hùng Thị

 

Thế vua Hùng Vương có thật hay không? Thật ra, rất khó trả lời câu hỏi này, theo dạng nhị nguyên: Có - hoặc - Không. Bởi như đã trình bày, nó liên hệ đến một mức độ tư tưởng thật cao, cao hơn cả khoa-học và triết-lí.  Tuy nhiên, nếu cố gắng chúng ta có thể thiết lập một số mô-hình giải đáp gần đúng như sau.

 

1)     Hùng Vương là người Việt đầu tiên. Tức trước thời Hùng Vương, chưa có người Việt theo nhân dạng, cá tính và DNA của người Việt ngày nay. Do đó, Hùng Vương có thể thuộc bất cứ thứ chủng nào, hoặc, hợp lý hơn, một người mang hai ba dòng máu. Có thể: Hẹ, Miêu, Thái, Khương, Lê, Lạc (miền biển), Đa Đảo, v.v. Theo mô-hình này, chủng Việt (Nam) chưa hình thành khi Hùng Vương xuất hiện - cũng có nghĩa vua Hùng số 1, có thể là vua Đại Vũ (nhà Hạ) mang gốc Khương tộc, hay vua Xy Vưu, thủ lãnh nhóm Cửu Lê - bà con dân Hàn (Triều Tiên) - thuộc Lê tộc hay Miêu tộc. Cả hai thời đại nhà Hạ của ông Vũ (Trung Hoa) và Bai-Dal của ông Xy Vưu (Hàn) đều kéo dài đến 18 đời mới chấm dứt. Hai thời Hồng Bàng ở Trung Hoa (Hiên Viên) và Triều Tiên (Bai-Dal), đều mang chữ 'Hùng' y như 'Hùng Vương': Hữu Hùng Thị (Hiên Viên) và Hàn Hùng (Bai Dal). Tương tự, chủ tịch Xy Vưu của Bai-Dal với biệt hiệu vua 'Xích Quỷ', giống tên nước Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương, cũng có thể là Hùng Vương số 1. (Di Cosmo [19] dựa theo thư tịch cổ của Tàu, cho biết có 2 thứ Bắc Địch: Xích Địch và Bạch Địch). Ngoài ra họ của vua nước Sở với lê dân đa số thuộc chủng Việt, truyền qua nhiều đời cũng là họ 'Hùng' cùng âm, nhưng viết khác (có thể phát âm: [Mị]) và mang nghĩa khác. Tức Hùng Vương số 1 cũng có thể là Hùng Dịch ở nước Sở. Ngoài ra, cũng có đề nghị từ một học giả Pháp ngày trước, Việt vương Câu Tiễn là Hùng Vương thuộc đời thứ 6.

2)     Hùng Vương thứ 1 là con trai trưởng của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Có hai trường hợp:    (i) Âu và Lạc là hai thị tộc: Âu Cơ Thị (theo mẫu hệ) và Lạc Long Quân Thị (theo phụ hệ), và (ii) Âu Cơ và Lạc Long Quân đều là người thật. Trường hợp (i) dùng quan điểm Thị tộc sẽ cho Hùng Vương là một thị tộc mới, liên minh giữa hai thị-tộc, có thể gọi Hùng Thị. Thật vậy tại đền Hùng, xây thời nhà Lý, theo [8], có bài vị ghi:

- Đột ngột cao sơn

- Cổ Việt Hùng Thị

Bài vị ghi là 'Hùng Thị', tức thị tộc mang tên Hùng, chứ không phải Hùng Vương. Hiểu Hùng Vương như Hùng Thị cũng mang hàm ý, tộc người chủ lực ở xứ Việt cổ trong suốt 18 đời Hồng bàng, là một thị tộc duy nhất: Hùng Thị. Trường hợp người thật (ii): Hùng Vương thứ nhất phải là một người mang hai giòng máu, Âu và Lạc, và Hùng Vương thứ hai trở đi, mang trong người ít lắm 3 giòng máu. Giòng máu thứ 3 là máu của Hùng hoàng hậu, người bản địa (rất có khả năng thuộc tộc Môn-Khmer).

3)     Kiểm chứng với quyển sách về người Mường của Cuisinier [3] hoặc với bộ Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên [15], hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên [16] cho biết, theo quan sát của người Mường và người Hoa thời xưa, không phải chỉ có một mà lại có rất nhiều Hùng Vương, Lạc Vương hay Hùng Trưởng, ở xứ Việt cổ. Ở vài mường bản, người Mường thường gọi vị đó là vua Yịt Yàng, tức vua Việt (Yịt) ưa mặc áo vàng (Yàng), ở một xứ miền Kinh lân cận. Những vị này chia nhau cai trị những vùng đất ở miền Kinh, giống thể chế Quan Lang, Thổ Lang của người Mường. Ở phương diện này, Trần Trọng Kim trong quyển Việt Nam Sử Lược [1] có viết: “Khi đất Giao Châu còn gọi là Văn Lang hay là Âu Lạc thì người bản xứ ăn ở thế nào, phong tục làm sao, nay cũng không có di tích gì mà kê cứu ra cho rõ được. Có lẽ cũng tự hồ như Mường hay là Mán ở mạn thượng du đất Bắc Việt bây giờ. Giả sử có đem vua Hùng Vương họ Hồng Bàng hay An Dương Vương họ Thục mà sánh với mấy người Quan Lang ở mạn thượng du thì dễ thường cũng không xa sự thực là mấy.’

4)     Quan-điểm của Trần Trọng Kim về một xứ Việt cổ nhỏ bé, thật ra rất phù hợp với nhiều sử gia hiện đại. Trong đó có ý niệm về Mandala do Oliver Wolters đề xướng vào năm 1982, và ý niệm về Xứ Tù Trưởng (chiefdom) mà hiện nhiều sử gia Việt Nam ưa trích dẫn [6] [7] [17] [20] [21].  Mandala là một ý niệm, xuất xứ từ những đơn-vị xã-hội tôn-giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng, đại khái mang ý nghĩa trung tâm thờ phượng thần thánh và giao tiếp với vũ trụ. Trong ý nghĩa một tổ chức chính trị, Mandala lỏng lẻo hơn, và dưới cấp, một quốc gia, và có thể được biểu diễn bởi những vòng tròn không đồng tâm mà lại giao cắt với nhau. Tức một số nhà lãnh đạo có thể tòng phục hai ba minh chúa khác nhau, ở các trung tâm cách biệt nhau. Theo Boike Rehbein [22] từ Thái Lan tương đương với Mandala chính là [Muang], mà tiếng Việt gọi là 'Mường'. Xứ-Tù-Trưởng (chiefdom) [23] tuy giống Mandala ở chỗ không như, và dưới cấp tổ chức quốc gia, nhưng mang đặc điểm là những người có quyền hành trong tổ chức 'Xứ Tù Trưởng' đó, thường là bà con họ hàng với vị Tù Trưởng. Tức điểm đặc-trưng của Xứ Tù Trường chính là nhóm người cai trị thuộc dòng họ hàng bà con thân thuộc với nhau.

5)     Mô-hình bình dân về Hùng Vương sẵn có từ xưa đến nay cũng có thể được giữ vững, với một số cải tiến, phát xuất từ lí luận của giải mã ở đây, như sau:

a)      Hùng Vương thứ 1, là quốc tổ mang hai giòng máu: Thái & Việt {tức Âu & Lạc}.

b)     Hùng Vương thứ 2 trở về sau, luôn mang trong người ít nhất 3 giòng máu. Giòng máu thứ 3 là giòng máu tộc người Việt bản địa tối cổ: Cũng có thể người Hoà Bình, hay Đông Sơn hay Sa Huỳnh, hoặc Đa Đảo. Hệ thống số đếm, và những từ cơ bản của đầu mình thân thể tứ chi, và của xã hội đơn sơ, đều có chung nguồn gốc với tộc người Môn-Khmer, Thái-cổ và Đa-đảo.

c)     Huyết tộc của tổ tiên Hùng Vương như: Thần Nông, Kinh Dương Vương, Động Đình Quân, v.v., đều thuộc Việt tộc nói chung. Có thể là Khương tộc, Miêu tộc, Lê tộc, Thái-cổ, và Lạc Việt. Thần Nông, mặc dù quê ở bên Tàu và người Tàu vẫn thờ như một thánh tổ, ngang vai vế với Hiên Viên, có tộc gốc là Khương, hay Việt (Thái). Người Hoa thờ Thần Nông bởi từ lâu họ đã nhìn nhận tộc Khương (hay Việt) chính là một trong những tộc người đã tiến tạo nên Hoa chủng. Thần Nông cũng là thánh tổ của dân Thái Lan ngày nay. Đây cũng là điểm hết sức gút mắt từ trước đến giờ sử sách Việt thường tránh né, bởi thiếu thốn hiểu biết hiện đại về gốc gác của Thần Nông, và thường lầm ông là một người Tàu chay, hay một thị tộc thuộc chủng Hoa-Hạ.

d)     Thời điểm khởi đầu và thời điểm cuối của thời đại Hùng Vương bắt buộc phải giữ vững: 2879-258 TCN. Nhất là thời điểm khởi đầu. Tại sao vậy? Bởi như chúng ta đã thấy, 3 truyền thuyết về thời Hồng Bàng hết sức giống nhau giữa 3 nước: Trung Hoa, Việt Nam, và Triều Tiên (Hàn), và rất có thể cả 3 truyền thuyết đều có chung một nhóm tác giả. Thời điểm khởi đầu nước này không thể xảy ra sau nước kia, bởi theo quan niệm thông thường, như vậy có nghĩa nước này có thể là hậu duệ hoặc do nước kia thành lập. Như vậy, thuyết Hùng Vương, một nhà ảo thuật đại tài xuất hiện ở Gia Ninh vào thế kỉ thứ 7 TCN, trình bày trong Đại Việt Sử Lược, cần được thẳng tay gạt bỏ.

e)     So với 18 đời vua nhà Hạ ở Trung Hoa - 18 đời Hàn-Hùng ở Triều Tiên và 18 đời Hùng Vương ở Việt Nam mang nhiều tính cách vô lí hơn hết, bởi bình quân, mỗi một đời vua ở Triều Tiên kéo dài 87 năm, và ở xứ Việt, 146 năm. Nhưng không ai được quyền thay đổi con số 18 huyền nhiệm này hết, bởi ta chưa hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của con số 18. Ngoài việc quan sát, qua loạt bài này, con số 18 có thể biểu tượng cho một chu kì kín hết sức tốt đẹp, của thời Hồng Bàng. Hoặc một ý niệm về liên tục. Hoặc đơn thuần, một con số gấp đôi con số 9 tượng trưng cho lãnh tụ, vua chúa, hay thiên tử.  Hoặc một con số đã được dùng khá thuận phong-thủy (feng-shui) cho hai nước kia: Trung Hoa và Triều Tiên.

f)      Một điểm quan-trọng cần ghi nhớ: Triều nhà Hạ ở Trung Hoa, Bai-Dal tại Triều Tiên, và Hùng Vương tại Việt Nam, thật ra hãy còn thuộc thời huyền sử, tức chưa có bằng cớ gì xác đáng.

6)     Xem lại mô hình về nhiều Hùng Vương với nhiều xứ Tù Trưởng, ta thấy:

(a)   Điểm khó khăn vẫn là xác định, có một hay nhiều Hùng Vương. Có nhiều chứng liệu cho biết truyền thuyết nghiêng về phía 'nhiều Hùng Vương', như sau:

·        Ấn bản truyền thuyết người Mường cho biết 100 người con của bà Âu ông Lạc bao gồm 50 trai 50 gái, chia nhau cai trị hai vùng đất của xứ Việt.

·        Theo ấn bản Việt, Hùng Vương thứ 1 chỉ cai trị vùng đồng bằng của xứ Việt cổ. Tức ít lắm cũng có 2 vùng khác nhau. Vùng rừng núi kia vẫn do đám con theo bà Âu chia nhau cai trị.

·        Ấn bản Việt cho 100 người con Âu-Lạc toàn là con trai. Điều này có nghĩa truyền thuyết bản Việt thừa nhận: (a) đất Việt cổ có sẵn người bản địa, sinh sống từ trước; (b) 100 vị hoàng-tử Âu-Lạc này sẽ là những người cai trị đầu tiên - chứ không phải hoàn toàn là người Việt đầu tiên. Bởi họ vẫn phải tìm vợ và lấy vợ từ khối người bản địa. (Người bản địa mới chính là người Việt cổ đầu tiên). Do ở thiếu thốn chứng liệu về chữ viết và con ngựa (phương tiện truyền thông, và quản trị hành chánh), rất khó có chuyện một vị vua duy nhất cai trị một xứ lớn rộng hơn một bộ lạc lớn hay một tỉnh lớn như ngày nay.

·        Nếu cho: Lạc Vương = Hùng Vương, các thư tịch cổ của Tàu (thí dụ: Thủy Kinh Chú) đều dùng tên gọi 'Lạc Vương' với số nhiều.

·        Tuy vậy nếu dùng truyền thuyết y như đã chép trong Việt Nam Sử Lược, ta phải hiểu việc chọn người con trưởng làm Hùng Vương thứ 1 ở vùng Kinh như biểu tượng cho: (a) việc lập quốc trong khung đối chiếu với thời nhà Hạ và thời Bai-Dal; (b) nhấn mạnh ở việc nhất thống các bộ lạc để tiến lên thể chế 'Nước Nhà'; và (c) nhấn mạnh ở việc lựa chọn Phụ Hệ, tại lãnh thổ ở vùng Kinh.

·        Nói chung truyền thuyết chứa một thông điệp ngắn: Trung Hoa lập quốc ra sao, nước Việt cũng giống như vậy. Hơi gượng ép và có thể xa lìa sự thật, nhưng nói lên ước muốn độc lập, đồng đẳng, của các chủng Việt đối với tộc Hoa Hạ, cũng như các truyền thuyết của Tàu, Việt, và Hàn, có thể cùng một tác giả.

(b)  Địa bàn ban đầu của Hùng Thị bao gồm không phải một trung tâm, mà khá nhiều trung-tâm theo dạng 'mandala' hay xứ Tù trưởng - trải dài trên vùng đất chạy từ Dương Tử giang (khu Động Đình Hồ) xuống tới xứ Hồ Tôn hay Phù Nam. Ở chiều Đông Tây, từ Tứ-Xuyên - Vân Nam, đến tận biển Đông. Tức vùng đất của khối Bách Việt xa xưa.

(c)  Ngay tại xứ Việt cổ, cũng không chỉ có một trung-tâm duy nhất, mà nhiều trung tâm, tập trung ở những khu vực như: Hoà Bình, Đông Sơn, Sa Huỳnh, v.v. Tình trạng nhiều trung tâm sinh cư của dân Việt, cho đến thời nhà Hán tiến chiếm Nam Việt của Triệu Đà (khoảng năm 110 TCN) được phản ánh đầy đủ trong Hán Thư, ghi lại việc 'vua' xứ Tây Vu (xưa ở khu Phú Thọ / Phong Châu) bị một tướng lãnh tâm phúc tên Hoàng Đồng làm phản, giết chết, rồi đầu hàng nhà Hán [8] [25].

7)     Sở dĩ chúng ta phải trở đi trở lại ở mô hình một 'xứ tù trưởng' là bởi xưa nay, thật ra chưa có một chứng liệu nào về tổ chức hành chánh ở thời Hùng Vương. Ngoài một câu trích từ thư tịch cổ của Tàu, viết 'sau đó' cũng khoảng 500 năm: Có ruộng Lạc, Lạc Hầu và Lạc Tướng. Tổ chức hành chánh đi đôi với hình thành quốc gia, với nước nhà và nhà nước. Nội chuyện quan sát về các cơ chế dẫn đến việc thành lập 'Nước' cũng có thể là một đề tài hấp dẫn cho hằng chục, hằng trăm luận án tiến sĩ khắp nơi. Không phải là một vấn đề đơn giản, theo kiểu khi có phân biệt giai cấp là có nhà nước & nước nhà. Mà còn luôn luôn thay đổi theo địa hình, lối sống, và đời sống kinh tế của từng vùng. Thí dụ: Các chuyên gia về cổ sử Đông Nam Á ưa đưa ra các giả thuyết về Mandala như trên, hoặc thuyết dựa trên sự cần thiết của đoàn kết hay hợp chủng khi đối phó với một mối đe doạ chung từ bên ngoài {xem [26]}. Nhưng Nicola Di Cosmo [19] trong quan sát về việc tiến tới hình thái 'Nước' ban đầu, của khối dân Hung Nô ở miền Bắc nước Tàu, lại phải duyệt qua nhiều lí thuyết khác nhau về cơ chế thành lập quốc gia, khác hẵn với thuyết Mandala hay 'Đoàn kết và hợp nhất, để chống ngoại xâm'. Nói một cách khác, nội trong việc xác nhận 'nước' Văn Lang hay Xích Quỷ ra thế nào, chúng ta thấy cổ sử Việt Nam có rất nhiều vấn đề đối với khoa học hiện đại. Quan trọng hơn hết là phân biệt một số các lí thuyết về việc thành lập nước nhà và nhà nước. Rồi sau đó tìm kiếm những chứng tích có thể hỗ trợ cho từng lí thuyết một. Cả hai việc này từ xưa đến nay hoàn toàn vắng bóng trong các tủ sách về sử học của Việt Nam.  

 

Kết

 

Đúng vào lúc chúng tôi viết những dòng chữ kết thúc loạt bài này, trên một vài mạng hay trao đổi i-meo giữa bạn bè, có lăng xê một mẩu tin sốt dẻo về một câu chuyện khá cũ: Người đầu tiên phát minh ra Giấy (paper) là một người Việt mang tên Thái Luân.

 

Những chuyện bề ngoài có vẻ rất hào hứng như vậy, thật ra đối với người Hoa không có gì lạ hết. Bởi những lí do sau:

 

1.      Cho đến ngày nay, người Hoa vẫn còn thói quen gọi người Phúc Kiến là người Mân, gọi tắt cho Mân-Việt. Người Chiết Giang / Giang Tô, gọi Ngô (tiếng Ngô), tắt cho Ngô-Việt. Người Vân-Nam còn gọi người Điền, thay cho Điền Việt. Đặc biệt nhất, người Quảng Đông, tỉnh Quảng Đông, tiếng Quảng Đông, và thức ăn Quảng Đông, thường vẫn được gọi chung là [Yue] tức Việt. Việt Quảng Đông (Đông Việt) và Việt Quảng Tây (Tây Việt) được viết với bộ Mễ chỉ thóc gạo: . Bằng chứng cho đến thế kỷ cuối đời nhà Thanh (khoảng năm 1802), khi vua Gia Long xin tấn phong vương với tên nước là Nam Việt, Thanh Triều cũng viện lẽ đã có hai tên rất giống là Tây Việt và Đông Việt, nằm ở vùng đất Nam Việt xưa của Triệu Đà, nên dùng tên Nam Việt không ổn và bắt buộc đổi thành Việt Nam.

2.      Cho đến ngày nay, người Hoa ở miền Nam sông Dương Tử cũng còn nhớ họ thuộc chủng [Yue] tức Việt. Nhưng từ dạo có những cổ xúy của các danh nhân gốc 'Yue' như Tôn Dật Tiên, La Hương Lâm, kêu gọi sát nhập chủng Yue vào chung với Hán tộc, vào khoảng đầu thế kỷ 20, gần như tất cả những người Hoa đều nhất thống quan điểm rằng 'Yue' (Việt) tức là Hán. Hỏi bất cứ người Hoa nào, nhất là giới học thức, về tập hợp các tộc Hoa chính ra sao, sẽ được câu trả lời như Kim Dung đã trình bày trong các bộ truyện chưởng của ông, âm vọng tuyên bố của Tôn Trung Sơn ngày trước: Hoa tộc ngày nay bao gồm 5 thành phần, Hán, Mông, Mãn, Tạng và Hồi (hoặc Choang). Không nhắc nhở gì đến Việt trong đó. Nhưng nếu có người thắc mắc hỏi tiếp: 'Thế Việt tộc [Yue zu] thì sao?'. Câu trả lời tiếp theo sẽ hết sức ngắn gọn: 'Việt tộc tức là Hán tộc'.   

 

Lý thuyết giải mã về Hùng Vương ở đây cũng hoàn toàn đồng thuận với hội chứng nhị-nguyên 'Họ và Ta' trong phân-biệt Hoa-Việt / Việt-Hoa, qua câu chuyện một người Việt tên Thái Luân đã phát minh ra giấy. Tuy nhiên chúng tôi xin phép nhấn mạnh những người Việt như Thái Luân (có lẽ thuộc tộc Thái cổ), Khương Tử Nha (Khương tộc), công chúa nước Việt, Miao Shan (Miêu Sơn => Miêu tộc) tức Phật Bà Quan Thế Âm, và hằng chục hằng trăm danh nhân Trung Hoa, tuy có thể mang tiếng người Việt, nhưng họ không phải là người Việt Nam. Bởi họ không có sanh đẻ và lớn lên tại nước Việt (Nam) xưa. Sở dĩ, người Việt tử thế hệ sinh sung về sau, cảm thấy tính cách hào hứng của vấn đề, bởi đa số có vẻ không biết và không ngờ rằng ngày nay ở bên Tàu, người ta vẫn có thói quen gọi tiếng Quảng Đông là tiếng Việt [Yue yu], và đồ ăn Quảng Đông là đồ ăn Việt [Yue cai]. Vấn đề 'những danh nhân Hoa là người Việt, nhưng không phải Việt Nam' có thể lan rộng ra đến nhiều thảo luận khác nhau, nhưng chúng tôi chỉ xin tóm tắt, bằng một thí dụ nhỏ về việc không bao giờ ta thấy người Tân Tây Lan hay người Úc tìm bất cứ một danh nhân nào người Anh hay Ái Nhĩ Lan rồi nói rằng những vị này cũng là người Tân Tây Lan hay Úc, bởi họ cùng mang giòng máu Anglo-Saxon, và có thể có cùng một thứ chủng tổ tiên. Hay xa hơn nữa phát minh nào của người Anh, người Đức cũng có thể nhận bừa là của người Đức, hay ngược lại, bởi ngày trước, khi người Anh chưa hình thành, có một bộ tộc chủ-lực Ăng-Lê mang tên Angles có gốc là vùng Angeln ở Đức.

 

Lý thuyết về Hùng Vương ở đây thật ra rất khác với gần như tất cả những lí thuyết có sẵn từ trước đến giờ, qua những điểm chính yếu sau đây.

 

1.      Tộc người Việt-Nam là một tộc hợp chủng. Qua hằng nghìn năm, đã hỗn hợp các thứ tộc người chủ lực như: Thái, Môn-Khmer, Hẹ, Miêu-Dao, Ngô, Mân, Đa Đảo, Hắc Nụy, Hắc Đảo. Có thể gọi thuộc nhóm Nam Môngoloid, nhưng rất ít máu Hoa-Hạ. Khác với các lí thuyết từ trước, chúng tôi không quan tâm nhiều đến việc xuất xứ, hay hướng đi - từ Bắc xuôi Nam hay Tây sang Đông, hoặc ngược lại - mà chỉ truy tầm những biệt sắc chung, nhất là ngôn-ngữ, giữa các tộc người đóng góp, và người Việt Nam. Dù vậy, lý thuyết đã tập trung trọn vẹn tất cả các phương hướng đóng góp của những tộc thành phần. Bao gồm trọn 5 hướng của thuyết Ngũ Hành: Đông, Tây, Nam, Bắc và bản địa. Hướng Bắc và Tây Bắc thì có tộc Thái-cổ, Môn-Khmer. Hướng Đông và Đông Bắc có các thứ Lạc Việt miền biển, đến xứ Việt cổ bằng đường bộ và đường biển. Trong những nhóm đến Việt Nam bằng đường biển, hay rời khỏi Việt Nam sau nầy, cũng có người Hlai (tức Lê tộc hay Khương) từ vùng Hải Nam, và Miêu từ vùng biển phía Bắc. Cũng có người Đa đảo và Hắc Đảo. Ở phía Nam, chúng tôi, lần đầu tiên gợi ý rằng ở thời tiền sử, dân phía Nam ở vùng Chiêm Thành, Chân Lạp hay Phù Nam, cũng là họ hàng bà con với người Việt tối cổ thuở ban đầu. Giao thoa với các tộc người từ hướng Tây, đa số thuộc chủng Môn-Khmer và Thái cổ.

2.      Khám phá quan-trọng nữa là người Việt ở thời huyền sử xa xưa, cũng đã có mặt ở miền cực Bắc nước Tàu. Nằm trong những đám người du mục - viết theo kiểu tượng hình là {}. Thể hiện qua người Lạc [Luo] và người Miêu [Mo] {giống âm hiện đại người Hmong tự gọi họ: [Hmoob]}, cả hai đều viết với chữ , sinh sống tại lưu vực sông Hoàng Hà.  Nicola Di Cosmo [19] dựa vào Chiến Quốc Sách cho biết người Hoa khi xưa đã chú ý dân [Mo] và dân [Yueh] (Việt) ưa giúp đỡ che chở lẫn nhau. Chữ [Mo] cũng được dùng để viết họ Lạc của Lạc Long Quân, và cũng được dùng để chỉ người Hẹ. Nhưng người [Hu] (Hồ) và người [Mo] (chúng tôi cho rằng [Mo] là âm xưa của 'Miao') , lại thường được xếp vào khối Bắc Địch. Tức chúng ta có một kiểu Tam đoạn luận khá phức tạp:

- [Mo] và [Yueh] ưa giúp đỡ lẫn nhau.

- [Mo] viết theo thường được đọc kiểu 'Hán-Việt' là [Lạc] {[Luo]}

- [Luo] chính là chữ 'Luo' của 'Luo Yue' tức Lạc Việt.

- Như vậy [Luo Yue] = [Mo Yue]. Hay người [Mo] cũng là người Việt. Nói một cách khác, người Lạc Việt thời xưa đã có mặt ở miền cực Bắc nước Tàu, và thường được xếp vào nhóm Đông Di hay Bắc Địch. Đại biểu của họ là người Hẹ hay người Miao {Mo}, cả hai thường được viết theo tiếng Tàu là [Luo] , tức Lạc viết với bộ Trãi.

3.      Lý thuyết ở đây, cũng chịu khó để ý đến lối nhìn của người Hàn (Triều Tiên) và người Thái-Lan đối với các thánh tổ hoặc thị tộc ở thời huyền sử như Xy Vưu và Thần Nông. Từ đó chúng ta thấy rõ, Xy Vưu Thị hay Thần Nông Thị không phải thuộc tộc người Hoa Hạ, nhưng lại là một trong những tộc người hợp chủng tiến tạo nên người Trung Hoa. Đây cũng chính là điểm mà sử Việt từ xưa đến nay, vẫn thiếu tự tin, bởi hoàn toàn theo sát các thư tịch cổ của người Tàu. 

4.      Việc 'thử xem lại truyền thuyết Hùng Vương' cũng đã gợi nên một ý muốn duyệt lại một thứ tiền đề rất quan trọng mà người Việt từ trước đến giờ thường chấp nhận không chút thắc mắc. Đó là cái thế nhị nguyên 'Họ và Ta' - Hoa Việt & Việt Hoa. Ngày xưa, phân biệt 'Hoa-Việt & Việt Hoa' thật sự nó ra làm sao? Nhất là khi để ý đến hội chứng tương phản: Người Kinh ít nhắc nhở đến Thần Nông (hoặc Xy Vưu) bởi thường lầm ông là Tàu, nhưng ở đầu thế kỷ 21, lại thích nhận Thái Luân, người phát minh ra giấy, là một người Việt. Và lại thích tảng lờ đi phân biệt giữa Thái Luân, người Việt, với Thái Luân - người Việt Nam. Phải chăng nhị nguyên 'Hoa-Việt / Việt-Hoa' giữa nước An-Nam (hay Đại Việt) và Bắc triều, có lẽ cũng không khác thế nhị nguyên giữa các tộc Việt ở vùng Hoa Nam, và người Hoa Hạ ban đầu ở phía Bắc, cho đến đời nhà Minh bên Tàu hay nhà Lê tại An-Nam. Với bằng chứng, các phương ngữ ở Hoa Nam, mặc dù đã hợp nhất khá nhiều, vẫn còn khác với tiếng Tàu ở phía Bắc, có lẽ mãi mãi cho đến tận cùng của thời gian. Sử sách Việt cũng chưa hề xem lại danh sách các thái thú, tiết độ sứ, hay thứ sử bổ nhiệm tại xứ An Nam, cũng như gốc gác chủng tộc của họ, rồi đem ra so sánh với các thái thú hay quan cai trị những vùng đất khác nhau ở miền Hoa Nam, ngày xưa. Cũng như nhóm chủ nhân, bổ nhiệm các quan cai trị này là ai? Rất có khả năng, rất ít khi họ cũng là chủ nhân của toàn lãnh thổ nước Tàu. Thí dụ: nước Đông Ngô ở thời Tam Quốc (220-280), gồm phần lớn Việt tộc, thừa kế nhà Đông Hán làm chủ xứ Giao Châu. Và phải chăng, thế nhị nguyên, Hoa-Yue (Việt Hoa Nam), chỉ thật sự chấm dứt ở bên Tàu vào đầu thế kỷ 20, khi Hán tộc và Yue (Việt) tộc bắt đầu nhận thức được mối nguy chung chính là sức tiến của người Tây Phương. Được đánh dấu bằng lời kêu gọi Hán-Yue đề huề của Tôn Dật Tiên.

5.      Nhiều sử gia Âu Mỹ, như trình bày trong [6] [7] [26], bày tỏ ngạc nhiên khi cho biết nước An-Nam sau khoảng 10 thế kỷ người Tàu đô hộ, khi giành được độc lập vẫn còn giữ nhiều cá tính Đông Nam Á hơn là Tàu. Khi đưa ra những nhận xét như vậy, các sử gia Âu Mỹ, có lẽ cũng không để ý rằng phần lớn những tộc gốc tiến tạo nên người Việt Nam, như trình bày trong loạt bài này, có chung tổ tiên, nhiều với khối người Đông Nam Á, hơn là với người Trung Hoa (phía Bắc). Trong khi đó, tộc Việt cũng đã là một tộc chủ lực góp phần tiến tạo nên người Trung Hoa ngày nay. Cũng xin phép nhắc lại, đế quốc Ottoman (tiền thân Thổ Nhị Kì) đã từng chiếm đóng và cai trị xứ Hy Lạp khoảng 400 năm (1453-1821). Trong lúc cai trị họ cấm đoán người bản địa đủ điều, nhất là việc tự do xử dụng tiếng Hy Lạp. Nhưng đến lúc Hy Lạp giành được độc lập, người Hy Lạp vẫn là người Hy Lạp nói tiếng Hy Lạp như xưa.

 

Sau cùng, chúng tôi xin phép ghi nhận 2 điểm quan trọng sau:

 

1.      Hùng Vương, có thật hay không, không quan-trọng, nhưng tên ông luôn dính liền với tộc người Việt Nam. Từ ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau.

2.      Việc giải mã truyền thuyết Hùng Vương chỉ có thể thực hiện được khi tách ra được, và phân biệt những chủng chủ lực, đóng góp và tiến tạo nên tộc người Việt Nam. Theo sát với lời tâm sự của Lạc Long Quân với Âu Cơ: 'Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên'. Sự phân-biệt đó là một phương cách thiết yếu của khoa học. Chứ thật ra tộc người Việt Nam là một tộc người duy nhất. Nhưng nếu không có bất cứ một tộc nào trong các thứ tộc: Thái-cổ, Môn-Khmer, Hẹ, Ngô, Mân, Miêu-Dao, Đa đảo và Hắc đảo, v.v., chắc chắn đã không có tộc người Việt Nam, như ngày nay.

 

15 Tháng 9, 2006

N.N.

 

 

CẢM TẠ:  Chúng tôi xin chân thành cảm tạ giúp đỡ của những vị sau đây, bằng cách này hay cách khác, đã khuyến khích, góp ý, phê bình, hoặc thảo luận, trong suốt thời gian thực hiện loạt bài này, kéo dài hai năm qua:

 

- Mai Anh Tuấn, đã sốt sắng cho lên trang mạng 7ND (Mitchong) các bản thảo đầu tiên.

- Tôn Thất Phương, Nguyễn Quý Đại và các đồng nghiệp trong báo Khoahoc.net đã giúp phổ biến loạt bài này khắp nơi.

- Lm. Trần Cao Tường đã giúp phổ biến trên báo Dunglac.net.

- Nguyễn Cung Thông, Cung Đình Thanh (quá vãng), Nguyễn Đức Hiệp, Trần Nam Bình, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyên Giao, Phạm Quang Tuấn, Nguyễn Văn Thanh, Hồ Đắc Duy, Trần Thiên Dũng, Từ Minh Tâm, Trần Thành Minh, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Trọng Do, Đặng Thành Danh, Đỗ Tiến Đức, Mai Hữu Hùng, Bùi Thế Trường, Trần Vĩnh Tường, Nguyễn Danh Ngôn, Quách Đại, và nhiều bằng hữu gần xa.

 

GHI CHÚ

 

[1] Trần Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục xuất bản. Đại Nam tái xuất bản tại Hoa Kỳ.

[2] http://chinalanguage.com/cgi-bin/dict.php

[3] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris

[4] Trong tiếng Mường, 'Âu' họ gọi 'Ngu'. Tiếng Hẹ có thể phát âm [Yao] như [Ngiau] rất gần với [Ngu] trong 'Ngu Kơ'.

[5] Điểm nổi bật trong phân biệt phụ hệ với mẫu hệ, do chúng tôi phát hiện, chính là lối gọi giản lược Chú - Bác và Cô cho tương đương tiếng Anh: Uncle / Aunt thay vì một lô các từ phân biệt, theo kiểu Hoa Nam và phía Nam, như: Cô, Dì, Dượng, Cậu, Mợ, Chú, Bác, Thiếm, v.v.

[6] Hermann Kulke (1986) The Early and Imperial Kingdom in Southeast Asian History. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Ed.) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies – Singapore & Research School of Pacific Studies – ANU Canberra. pp 1-22.

[7] (a) John K. Whitmore (1986) 'Elephants can actually swim': Contemporary Chinese views of late Ly Dai Viet. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research School of Pacific Studies - ANU Canberra. pp 118-133

[7] (b) Trần quốc Vượng (1986) Traditions, Acculturation, Renovation: The evolution of Vietnamese culture. IN: David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research Schơol of Pacific Studies - ANU Canberra. pp 272-277

[8] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản.

[9] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM.

[10] Vị trí chính xác của xứ Việt Thường trong tương quan với Việt Nam xưa nay, thật ra hãy còn bất nhất. Đại Việt Sử Lược [9] cho rằng đó là 1 trong 15 bộ của nước Văn Lang. An Nam Chí Lược, của hoàng thân lưu vong Lê Tắc, cho rằng thuộc địa hạt Thanh Hoá. Khâm Định Việt Sử viết dưới triều Nguyễn cho rằng thuộc Quảng Trị / Thuận Hoá. Trong khi thơ của Gia Long gởi cho vua nhà Thanh xem Việt Thường như toàn cõi phía Bắc Việt Nam.

[11] Nguyễn văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng văn Hành (2002) Từ điển Mường-Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc (Hànội)

[12] Cũng có một hai ngoại lệ, nhưng vẫn không cho thấy biến chuyển trực tiếp [Kh] => [H] giữa tiếng Mường & Việt. Thí dụ: [khảl] => hổ, hùm. [Kh] => [H] nhưng không trọn vẹn bởi âm sau: [ổ] (hổ) hay [ùm] (hùm) không liên hệ với [ảl] (khảl) trong Mường. Mặt khác, [khảl] cũng dùng chỉ 'con beo' (báo), và mang âm gần với [khai] tiền âm của con 'cầy' tức 'chó'. Trong khi đó [hổ] hay [hùm] mang liên hệ trực tiếp với âm quanthoại: 虎   [hu]. Còn 'beo' mang cùng gốc với tiếng Hẹ 彪  [biau] hay quan-thoại [biao]. Phương ngữ Hoa Nam cũng có từ 倀  phát âm rất giống 'Dần' theo Quảng Đông: [zan] hay [zaang], mang nghĩa con Cọp ma. Điểm chính của biến chuyển [Khảl] => [Hổ] là vẫn thiếu yếu tố 'ăn khớp' nguyên âm như kiểu [Kh] => [S] giữa Mường và Việt: [khức] => [sức]. [Khup tố] => [sụp đổ]. 

[13] Hãn = mồ hôi => tiếng Mông Cổ: [Khels]. [H] Hoa => [Kh] Mông Cổ

[14] Nguyên lý ngữ học này cũng gây khá nhiều rắc rối. Xem hai từ [vưu] và [bưu]. Cả hai đều có phát âm Tàu y như nhau: [you]. Nhưng [vưu] mang nghĩa khác (như Xy Vưu) dùng chữ 'v' đứng đầu. [Bưu] mang nghĩa 'bưu điện', 'bưu chính', viết bắt đầu bằng 'B' nhưng thật ra âm xưa cổ phải là [By] => [Byưu] mới phù hợp với âm gốc Hoa [you]. Theo đúng quy tắc ngôn ngữ, 'Bưu' trong 'Bưu Cục' có thể được viết: 'Dưu', hay 'Vưu'.

'Vua' và 'Bua' cũng theo sát nguyên lý này. Có thể đã được viết khác nhau để phân biệt: 'bua chúa' (vua chúa) và 'phân bua'. Ở thế kỷ 17, 'vua' được viết như 'bua' - hoàn toàn che lấp âm [y] trong [byua]. Âm [by] trong [byua] không phải là đơn thuần âm Nam bộ, Mường, Tày-Nùng, Chăm-pa, v.v., nhưng là một âm quốc-tế - giống như phát âm [beauty] tiếng Anh hay [bienvenu] tiếng Pháp.

[15] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá.

[16] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật  hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite

[17] Chử Văn Tần (2003) Văn Hoá Đông Sơn - Văn Minh Việt Cổ. Nxb Khoa Học Xã Hội

[18] Cụm từ 'biến âm' đánh lạc hướng nghiên cứu khá dễ. Bởi 'biến âm' sẽ khiến ta không chú ý đến, hoặc lướt qua, hiện-tượng về lời ăn tiếng nói của nhóm người nắm thế chủ động lịch trình chính trị trong qua khứ. Thí dụ, một sự vật hay động tác, nhóm người chủ lực ở kinh đô gọi nó là A. Nhóm người này đa số thuộc chủng 'aa' có chính quyền trong tay kéo dài chừng 100 năm, thì chuyển sang nhóm khác thuộc tộc 'bb'. Tộc 'bb' gọi sự vật hay động tác hoặc trạng thái 'A' bằng 'B'. Nhưng bởi họ nắm thế chủ động chính trị, do đó sẽ kéo theo học vấn và chữ nghĩa. Do đó trong thời đại chủng 'bb' chiếm đa số hay chủ lực ở kinh đô, từ 'A' sẽ dần dần được thay bằng 'B'. Nhà ngôn-ngữ thông thường sẽ cho là đã có biến âm từ 'A' sang 'B'. Nhưng thật ra, trước và sau thời chính quyền sang tay từ tộc 'aa' qua tộc 'bb', phần lớn người thuộc tộc 'aa' đã và sẽ gọi vật đó là A. Trong khi tộc 'bb' xưa và nay, đa số vẫn cứ gọi đó là B. Thí dụ: Dù / Ô; Bông / Hoa. Cả 'Dù' và 'Ô' đều thuộc các phương ngữ tiếng Hoa, mang nghĩa 'mưa'. Dù <=> [Yu] (quanthoại), tức 'Vũ', trong khi [Ô] = [U], tức [yu] (mưa) bị lột [y] theo kiểu tiếng Phúc Kiến. [U] cũng là âm Hán-Nhật để chỉ 'mưa'. Cả hai lối gọi 'Hoa' và 'Ô', thay vì Bông và Dù, đều là lối gọi của người Mân Việt (Phúc Kiến), hay tộc gốc của hoàng gia nhà Trần, và ta có thể liên kết việc thích dùng 'Hoa' và 'Ô' đến một sự kiện lịch sử: Vào thế kỷ 17 khi Mãn Thanh chiếm đóng toàn cõi Trung Hoa có rất nhiều dân quân người Yue ở Hoa Nam, nhất là Phúc Kiến đã tràn sang nương náu với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài [8] [24]. Còn [bông] là một lối gọi của người Hẹ [bung] và của nhiều tộc khác, như Mon-Khmer, Mã Lay, Champa, Mường, dành cho 'Hoa'. Trước thời nhà Lê và chúa Trịnh - chúa Nguyễn, ở khu vực Thăng Long, tộc chủ lực chính là những người thân thiết với họ nhà Trần (1225-1400), cũng mang gốc Mân Việt - những người mang khuynh hướng dùng âm 'Hoa' và 'Ô' thay vì 'Bông' và 'Dù'. Đây là một giả thuyết nhỏ nằm trong toàn khung lý thuyết về Hùng Vương, trình bày ở đây. Xin để ý thêm: Thay đổi giữa [u] và [ô] {kung fu <=> công phu} có thể là biến âm. Nhưng thay đổi giữa các phát âm: [U] {hay [Ô]} => [Wu] => [Ngu] => [Ngô] => [Ưng] {kí âm như 'NG'}, v.v., cho từ dùng để chỉ 'nước Ngô' bên Tàu, hay họ 'Ngô', hoặc Tàu Ô, hay họ 'Ưng' (Ng), v.v., lại là những âm vận tương đương của cùng một từ, giữa các phương ngữ (Hoa Nam).

[19] Nicola Di Cosmo (2002) Ancient China and its enemies - The rise of nomadic power in East Asian history. Cambridge University Press.

[20] Chandler, David (1983). A History of Cambodia. Westview Press, 1983. ISBN 0813335116

[21] Wolters, O.W. (1982) History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives. Institute of Southeast Asian Studies, 1982. ISBN 0877277257

[22] Boike Rehbein (2005) Configurations of Globalization in Laos and Cambodia. Does Faster Globalization mean Better Development. At: http://www.cgs.uiuc.edu/resources/conf_seminars_workshops/TS_Rehbein.pdf#search=%22oliver%20wolters%20mandala%22

[23] Giới viết sử tại Việt Nam thường dịch Chiefdom bằng Tù Trưởng Quốc. Vẫn thích dùng chữ 'Quốc' cho oai. Theo thiển ý, có tương phản khi dùng 'Tù Trưởng' đi với 'Quốc'. Bởi Chiefdom là một tổ chức lỏng lẻo hơn, và dưới cấp, 'quốc gia', và không phải là 'quốc'. Kingdom có thể dịch 'vương quốc' nhưng khi dịch Chiefdom ta phải dùng từ khác với 'quốc'. Bởi có tương phản giữa 'Quốc' và 'Tù Trưởng'. Giống như khi ta nói: Một Thiền Sư 'nổi tiếng', hay Một Cụ Già 'sexy'. 

[24] Nguyễn Văn Huy (1993) Người Hoa tại Việt Nam. Nxb NBC, Costa Mesa- California.

[25] Lê Mạnh Thát: Bàn về một phương pháp khoa học tích cực trong công trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam. http://www.khuongviet.com/kv-archive/KVso6/LeManhThat_uni.htm

[26] David G. Marr & A.C. Milner (Eds) (1986) Southeast Asia in the 9th to 14th centuries. Institute of Southeast Asian Studies - Singapore & Research Schơol of Pacific Studies - ANU Canberra

[27] Bangkok thường phiên âm sang tiếng Việt là 'Vọng Các'. Phát âm kiểu Nam bộ là [Byọng Các] có âm [B] ở đầu tường ứng với [B] trong Bangkok. Thật ra tiếng Thái-Lan cho Bangkok lại là 'Krungthep Mahanakorn', thường gọi tắt 'Krungthep'. Mang nghĩa 'thành phố lớn của linh hồn'. Có thể 'Bangkok' chỉ là âm thu gọn của [Mahanakorn].

 

Nguyên Nguyên