HẠNH PHÚC ĐỜI NGƯỜI


Giáo Sư VŨ ĐỨC, N.D.
(Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ)



Hạnh Phúc của con người có thể hiểu là sự hài lòng về đời sống, sau khi hoàn thành được những gì người ta mong muốn; thí dụ như một nhu cầu, nguyện vọng, mục đích hay những phương tiện về lạc thú nào đó, . . . Theo hai nhà tâm lý Alston và Dudley giải thích: “-Sự hài lòng về đời sống là khả năng cảm nhận vui thú, về những kinh nghiệm đời người, với ít nhiều rung cảm của tâm hồn “.
Theo một số tự điển tiêu chuẩn, hạnh phúc được định nghĩa như một trạng thái sống khỏe và sự vừa lòng trong cuộc sống; như một thỏa mãn đầy thú vị, đối với việc hoàn thành những nhu cầu, và nguyện vọng trong đời sống con người.
Hạnh phúc và đau khổ, hay sự thỏa mãn và bất mãn trong cuộc sống là những tâm trạng chủ quan. Cho nên, sự tìm hiểu về hạnh phúc và đau khổ cần phải chú ý đến việc tự quan sát nội tâm (Introspection), hay sự hồi tưởng quá khứ (Retrospection), hoặc từ việc trả lời đến những câu hỏi, đối với những tâm trạng khác nhau của mỗi cá nhân. Do đó, chỉ có những cá nhân liên hệ trong những tình trạng nầy, mới có thể nói lên rằng họ có được hạnh phúc hay đau khổ, hoặc có được sự thỏa mãn hay bất mãn đối với đời sống của họ.
Theo nghiên cứu về thực trạng hạnh phúc đời người, các nhà tâm lý học đã đưa ra kết quả tóm lược về những sự kiện quan trọng có liên quan đến hạnh phúc như sau :

I- SỰ QUAN TRỌNG CỦA HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ :


Trong đời sống, sự đau khổ đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến thái độ sống của con người. Trong những lần người ta bị đau khổ, sự đau khổ thường lưu lại những dấu ấn trên nhân cách của nạn nhân.Phần đông đối với mọi người trong xã hội, từ những trẻ ở tuổi học trò đến những người lớn tuổi, và phái nam lẩn nữ, . . . tiềm lực đau khổ dần dần sẽ được giảm thiểu với thời gian, bằng sự chịu đựng của tâm hồn, để vượt qua sự đau khổ.
Tuy nhiên, có một số người, dấu tích đau khổ cùng với thời gian âm thầm gia tăng; bởi vì, với họ, sự đau khổ đã được nuôi dưỡng với thời gian, có thể và thường trở nên một thói quen trong tâm hồn của họ. Đã là một thói quen, giống như tất cả những thói quen khác, càng kéo dài với thời gian, thói quen càng bắt rể càng sâu. Do đó, sự đau khổ của những người nầy cũng đồng điệu như thế. Theo Horn có nói: “Người đã từng bị đau khổ vì tình yêu trong tuổi thanh xuân; về sau, sự đau khổ nầy vẫn âm thầm kéo dài trong suốt cuộc đời còn lại của họ”. Theo nghiên cứu, những trẻ em, với cuộc sống sầu khổ trong thời thơ ấu, có thể sẽ có nhiều sự bất mãn hơn hài lòng, trong những năm trưởng thành của chúng. Đồng thời, hạnh phúc và sự hài lòng trong thời thơ ấu sẽ lót đường để dẫn đến sự hài lòng và hạnh phúc, trong những năm còn lại của đời người. Việc nầy chỉ có thể xảy ra đối với các trẻ em biết học tập như sau:


-Nếu các em biết học cách cư xử như thế nào, để khuyến khích những người khác chấp nhận các em như những người bạn; không chỉ lúc trẻ mà còn tiếp tục vào những năm còn lại của cuộc đời.
-Nếu các em biết học cách thể hiện tình thương vô cầu báo đối với mọi người, và được người khác thương mến mình.
-Nếu các em có những quan niệm thực tế rèn luyện bản thân, để có khả năng thật sự hoàn thành tốt đẹp những nguyện vọng, và mục đích của mình.
Nếu giới trẻ có thể thực hiện được ba điều nói trên, họ có thể tiên liệu rằng sự hài lòng và hạnh phúc sẽ đến, trong thời gian cuộc đời còn lại của họ.

II- BA YẾU TỐ CĂN BẢN TẠO NÊN HẠNH PHÚC :


Hạnh phúc có thể được cấu tạo bởi ba (3) yếu tố căn bản như: Chấp Nhận (Acceptance), Tình Thương (Affection), và Hoàn Thành (Achievement).Thông thường, các nhà tâm lý tây phương gọi là “Three A's of Happiness”.Theo Shaver và Freedman, hạnh phúc là vấn đề tùy thuộc vào cách nhìn, quan niệm của mỗi người đối với hoàn cảnh sống, hơn là những gì xảy ra trong hoàn cảnh sống, . . . Hạnh phúc đến từ những gì hiện hữu do mình làm chủ, chứ không phải từ sự ước muốn những gì của người khác có.

1- Yếu Tố Chấp Nhận (Acceptance): Việc tự chấp nhận (Self-Acceptance) về những mối sửa đổi tốt lành trong cá tính, và xử thế sẽ gây ảnh hưởng tốt, đến sự chấp nhận của những người khác đối với mình. Theo Shaver và Freedman, ngoài việc chấp nhận vui thích những gì hiện đang có, người ta còn cần phải duy trì sự thăng bằng giữa những ước muốn và sự hoàn thành. Sự thăng bằng nầy đóng một vai trò rất quan trọng, và có thể giúp người ta biết tự lượng sức mình để rèn luyện năng khiếu, nhằm hướng vào những ước muốn tương đối, không xa rời thực tế, mà khả năng sẵn có của mình có thể hoàn thành được.
Ngoài ra, tính chất duyên dáng về thể chất còn là một đóng góp không kém phần quan trọng, đến sự chấp nhận của người khác. Theo Mathes và Kahn, trong những mối xã giao hàng ngày, vẻ duyên dáng bên ngoài là một hấp lực tích cực, và có thể giúp cho sở hữu chủ dùng để thu hoạch những thành quả tốt đẹp. Một trong những thành quả đạt được thường là sự ưa thích của người khác.Những người có nét duyên dáng, cá nhân họ thường được sự ưa chuộng của những người bạn hữu, tình nhân, người cộng sự khác phái, và người hôn phối của họ, . . . Hơn nữa, họ còn nhận được sự đánh giá tích cực, và sự thông cảm từ những người khác. Do đó, những người có nét duyên dáng bên ngoài, dường như, có thể dễ tìm hạnh phúc, và sự hòa hợp tốt hơn trong cuộc sống của họ. Việc nầy cũng có thể hiểu rằng việc được những người khác ưa thích đã phản ảnh tính tự trọng cao quí của người ta. Nói chung, trong cuộc sống xã hội, sự hòa hợp tốt của cá nhân có thể đưa đến sự chấp nhận tốt của những người chung quanh; sự chấp nhận nầy, cũng là một trong những điều kiện, có thể giúp cho cá nhân tạo được sự hài lòng trong nội tâm.

2- Yếu Tố Tình Thương (Affection): Tình thương là phần phụ thuộc bình thường vào sự chấp nhận của người khác. Do đó, người càng có được nhiều sự chấp nhận, họ càng có thể tin cậy vào tình thương của những người khác. Hơn nữa, tình thương còn là yếu tố cần thiết, giúp cho cá nhân có những sửa đổi tốt. Việc nầy đã được nhận thấy trong nhiều cuộc nghiên cứu về việc áp dụng tình thương vào phương cách chữa trị các bệnh suy yếu não bộ, và mất cảm xúc cá nhân.
Theo các nhà tâm lý tây phương, trong mối tương quan hàng ngày, người ta thường có khuynh hướng mặc cả qua lại với người khác, hơn là cho đi mà không cần đáp lại. Tuy nhiên, trong tình thương, mối liên hệ thương yêu của người nầy với người kia là tất cả sự chia sẻ, hiến tặng, và chấp nhận, một cách vô điều kiện. Cho nên, khi chúng ta yêu thương một người, chúng ta sẵn sàng chấp nhận làm bất cứ việc gì, cho người mình thương yêu; và mỗi khi làm chúng ta tự cảm thấy an toàn, với niềm vui khoan khoái trong lòng. Người Việt có câu: “-Yêu nhau mọi việc chẳng nề. -Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Ngoài ra, cách xử thế tốt đẹp còn đóng một vai trò quan trọng, để bắt nhịp cầu cho mối liên hệ tình thương giữa con người với nhau.Theo Peter Hansen, những xúc cảm tiêu cực có thể làm mất mối giao hảo giữa con người.Vì thế, nếu người khác làm cho chúng ta không được hài lòng; lập tức, chúng ta nên bình tĩnh, đè nén những phản ứng nhất thời do cảm xúc tiêu cực gây nên (như nóng giận, cữ chỉ hay lời nói thô bạo, . . . ). Sau đó, chúng ta, với thái độ ôn hòa, dùng những lời nói êm đẹp bày tỏ, để người khác biết được những gì mà chúng ta đang cảm nghĩ. Cho nên, việc dùng lời nói êm đẹp để phát biểu những cảm nghĩ là việc rất cần yếu. Thí dụ người Việt có câu: “ -Lời nói không mất tiền mua. -Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; và Nguyễn Công Trứ trong bài : “Cách ở đời” có câu: “-Ăn ở sao cho trải sự đời. -Vừa lòng cũng khó há rằng chơi. -Nghe như chọc ruột, tai làm điếc. -Giận dẫu căm gan, miệng mỉm cười”. Mặc dù, chúng ta có thể nghĩ đến sự hồi đáp với những phản ứng tiêu cực từ phía bên kia; nhưng thông thường, người ta sẽ có phản ứng ngược lại. Vì mọi người đều muốn được hiểu biết những điều trung thực, và đây là dịp tốt đẹp để mọi người có thể cởi mở, chia sẻ với nhau những cảm nghĩ, và nhược điểm cá nhân của mình. Trong mối giao hảo giữa con người, sự thành thật, và sự cởi mở trong lời nói sẽ là hai yếu tố để tạo nên tình thân thương với nhau.

3- Yếu Tố Hoàn Thành (Achievement): Sự hoàn thành việc làm của một người luôn luôn có tính chất liên quan, tiến gần đến toàn bộ mục tiêu cho chính họ. Nếu toàn bộ mục tiêu nầy có tính chất cao xa, không thực tế; kết quả sẽ bị thất bại, và cá nhân sẽ không được hài lòng. Tiếp theo, cá nhân sẽ bị đau khổ.
Ngoài ra, với những việc làm khó nhọc, khả năng tài giỏi, và những hy sinh cá nhân, người ta có thể đạt được sự giàu sang tiền bạc, quyền uy, và địa vị xã hội. Mặc dù, những thành công nầy chưa chắc có thể mang hạnh phúc đến cho con người, nhưng ít ra, chúng có thể là những cơ hội giúp người ta giảm thiểu được những nhu cầu và khát vọng cá nhân. Do đó, trong bài “Có Chí Thì Nên”, Nguyễn Công Trứ có câu: “-Đã sinh ra ở trong phù thế. -Nợ trần ai đành cũng tính xong”. Hơn nữa, người thành công có thể được khâm phục về khả năng tài giỏi, nhưng họ không được thương mến; và có thể làm cho người khác kinh sợ, và xa lánh; họ sẽ bị cô đơn, và không được hài lòng. Do đó, Sự thành công (hoàn thành) mà không có tình thương sẽ có thể dẫn đến tính tự bất mãn và đau khổ; tiếp theo, sự việc sẽ nhuộm màu lệch lạc trên cái nhìn về cuộc đời của cá nhân.

III- TÍNH CHẤT TƯƠNG ĐỐI CỦA HẠNH PHÚC :


Một sự nghi ngờ có thể được nhận thấy, khi người ta nói rằng đời sống có một trăm phần trăm (100%) hạnh phúc hoặc sự hài lòng; hay một trăm phần trăm (100%) đau khổ hoặc sự không hài lòng. Thật ra, hạnh phúc và sự hài lòng, hay đau khổ và sự không hài lòng đều có tính tương đối. Ở mọi lớp tuổi, người ta đều có những lần hạnh phúc và sự hài lòng, cũng như có những lần đau khổ và không hài lòng.
Trong cuộc đời, nếu kinh nghiệm cá nhân có nhiều điều thỏa mãn hơn điều bất mãn; cá nhân đó sẽ được hài lòng, và chính họ được xem như là người hạnh phúc. Trái lại, nếu kinh nghiệm cá nhân có nhiều điều bất mãn hơn điều thỏa mãn; cá nhân đó sẽ không được hài lòng, và chính họ được xem như là người đau khổ (bất hạnh).

1- Mức Độ Hạnh Phúc Khác Nhau Ở Mỗi Lớp Tuổi Khác Nhau:


Theo nghiên cứu, với cách tính tỷ lệ 100% Ký Ức Lạc Quan, và của những lớp tuổi cách nhau 10 năm, hai nhà tâm lý Meltzer và Ludwig đã tìm thấy sự khác biệt của mức độ hạnh phúc (lạc quan) ở những lớp tuổi khác nhau, với kết quả như sau: lớp tuổi từ 20 - 29 có 50% lạc quan; tuổi 30 - 39 có 100% lạc quan; tuổi 40 - 49 có 25% lạc quan; tuổi 50 - 59 có 40% lạc quan; và từ tuổi 60 - trở về sau có 30% lạc quan.

2- Sự Tương Quan Giữa Hạnh Phúc Và Đau Khổ :


Trong đời sống, không có bằng chứng nào cho thấy rằng một người đã có lần hạnh phúc, và luôn luôn có hạnh phúc; hoặc có lần đau khổ, và luôn luôn đau khổ suốt đời. Tuy nhiên, vào bất cứ một lớp tuổi nào, hạnh phúc, và sự hài lòng của người ta có thể được theo sau bởi thời kỳ phát khởi sự đau khổ, hoặc thất vọng; và ngược lại.
Khi nhìn lại dĩ vãng cuộc đời, người ta thường nhận thấy có những vui buồn lẫn lộn khác nhau. Những niềm vui hạnh phúc, và những nỗi buồn đau khổ đều có những thay đổi khác nhau, theo thời gian tuổi đời trôi qua. Phần đông người lớn tuổi, bất hạnh với hiện tại, thường có cảm giác luyến tiếc về những kỷ niệm tốt đẹp trong thời niên thiếu. Trái lại, những người có hạnh phúc hiện tại, mỗi khi, nhớ lại những nỗi đau lòng buồn khổ vào tuổi thiếu thời, họ cảm thấy ngao ngán, và không muốn sống trở lại cảnh như thế.
Để đạt được hạnh phúc, hay chịu sự đau khổ kéo dài, người ta còn phải tùy thuộc vào sự thành công hay thất bại của các sự việc về: -Việc làm mưu sinh như thế nào? -Khả năng có phù hợp với những vai trò mới hay không?-Những ước vọng có thích nghi với thực trạng xã hội đang sống hay không?, . . . Cũng như, người ta phải làm thế nào khắc phục hoàn cảnh sống, để có thể đạt được những nhu cầu, và hoàn thành nguyện vọng của mình. Nói một cách khác, để có hạnh phúc hay chịu đau khổ trong đời sống, người ta phải tùy thuộc vào ba yếu tố căn bản : Sự Chấp Nhận, Tình Thương, và Hoàn Thành.

3- Sự Khác Biệt Hạnh Phúc Giữa Nam Và Nữ :


Trong thời niên thiếu, phần đông các cô gái có khuynh hướng sống nhiều lạc quan hơn các cậu trai. Một trong những lý do quan trọng nhất là các cô thường có sự hài lòng, từ những mối liên hệ cá nhân với nhau. Trong khi các cậu đi tìm sự hài lòng, từ những thành công trong việc làm, ít khi đạt được.
Trong những năm đầu thành nhân, người nữ có khuynh hướng lạc quan hạnh phúc hơn người nam. Đặc biệt, nếu người nữ được thành hôn, họ sẽ có cảm giác là người hữu dụng trong vai trò làm vợ và mẹ. Trái lại, người nam có khuynh hướng kém lạc quan hạnh phúc hơn, vì họ không có khả năng thành công trong nghề nghiệp, mà họ đã hy vọng.
Tuy nhiên, sau tuổi bốn mươi (40), người nữ có khuynh hướng kém lạc quan. Đặc biệt, người nữ trong vai trò nội trợ, giúp việc trong nhà. Phần đông nam giới trở nên nhiều lạc quan, và thỏa mãn tốt hơn với đời sống sau bốn mươi (40); bởi vì nghề nghiệp của họ thành công hơn lúc còn niên thiếu.
Sau tuổi sáu mươi (60), nam giới, tiến đến tuổi về hưu, thường có khuynh hướng bi quan hơn, vì họ tự chống đối với mặc cảm vô dụng, dưới ảnh hưởng suy nhược về thể chất lẫn tinh thần. Trong lúc đó, nữ giới có khuynh hướng lạc quan, vì họ cảm thấy được hữu dụng hơn, trong vai trò chăm sóc người chồng nghỉ hưu, hay bị ốm đau; hoặc việc trông nom các cháu nội ngoại của mình.

4- Những Trở Ngại Đối Với Hạnh Phúc :


Đối với hạnh phúc, có hai loại trở ngại chính : Chủ Quan và Khách Quan.
Những trở ngại chủ quan thường là những vấn đề như: sự giới hạn tâm trí, sức khỏe yếu kém, và những nguyện vọng không thực tế. Thật là khó khăn để hài lòng với cuộc sống, cho những ai có sự giới hạn tâm trí, và luôn luôn tự cảm thấy mình là người bị thất bại; mặc dù những người khác xem họ là người thành công. Hơn nữa, những người kém sức khỏe cũng khó đạt được sự hài lòng trong cuộc đời, vì sức khỏe suy yếu là một trở lực khiến họ không thể thực hiện được những việc họ muốn làm, cũng như những gì đồng bạn của họ đang làm.
Ngoài ra, dù ở bất cứ lớp tuổi nào, Cũng có những trở ngại khách quan để khiến người ta không được hài lòng trong cuộc sống; thí dụ như, những trẻ em trưởng thành trong khu xóm, chịu nhiều kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, nghèo hèn, hay bất cứ lý do nào khác; chúng sẽ thiếu tình thương, sự chấp nhận xã hội, và thiếu những cơ hội để cạnh tranh với những trẻ cùng lứa tuổi. Do đó, sự đau khổ nầy có thể ảnh hưởng đến việc học của chúng, và sẽ gây nguy hại đến những cơ hội thành công của chúng trong cuộc đời về sau.

5- Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Hạnh Phúc :


Vào mỗi lớp tuổi đời, hạnh phúc phải chịu ảnh hưởng vào một số yếu tố quan trọng như sau đây:
-Sức Khỏe : Ở vào mọi lứa tuổi, sức khỏe tốt giúp người ta có thể làm được những gì họ muốn làm. Trái lại, sức khỏe suy kém, hay cơ thể bị tàn tật là một trở ngại lớn, đối với sự thỏa mãn những nhu cầu, nguyện vọng của người ta. Như thế hạnh phúc sẽ không có triển vọng đạt được.
-Vẻ duyên dáng bên ngoài : Vẻ duyên dáng của người ta là một hấp lực đóng góp vào sự chấp nhận và tình thương của người khác; thường dễ dẫn đến những thành công hơn những người kém duyên dáng.
-Mức Độ Tự Chủ : Đối với mọi lớp tuổi, một người có tính tự chủ càng cao có thể thành công, với những cơ hội hạnh phúc càng lớn.
- Ảnh Hưởng Xã Giao Bên Ngoài Gia Đình: Vì tính chất đại chúng được đánh giá cao trong xã hội, nếu người ta có những cơ hội xã giao với những người bên ngoài, họ cảm thấy hạnh phúc hơn là chỉ giao tiếp với những người trong gia đình.
-Mẫu Loại Việc Làm : Những việc làm càng tầm thường, và ít có sự tự quản, việc làm đó sẽ càng làm giảm bớt sự hài lòng của người ta. Thí dụ như, những việc vặt trong nhà đối với các trẻ em trong những năm thành nhân. Hoặc những người có nhiều năng khiếu chuyên môn không tìm được việc làm phù hợp với khả năng, mà phải làm những công việc tầm thường để mưu sinh; mặc dù việc làm rất dễ với họ nhưng họ vẫn cảm thấy không được hài lòng, và nhàm chán với công việc.
-Trách Nhiệm Việc Làm : Việc được chu toàn trách nhiệm càng thành công, và càng có uy tín trong việc làm, người ta cảm thấy sự hài lòng của họ càng lớn hơn.
-Điều Kiện Sinh Sống : Người ta sẽ được hài lòng, khi khả năng kinh tế của họ có thể giúp đỡ những người khác như: các thân nhân, thân hữu, và người láng giềng, . . .
-Quyền Sở hữu Vật Chất : Các vật sở hữu như tài sản, tiền bạc, . . . tự nó không mang đến hạnh phúc cho con người, nhưng tùy theo cách người ta cảm tưởng thế nào về chúng.
- Sự Thăng Bằng Giữa Nguyện Vọng Và Hoàn Thành : Nếu những nguyện vọng có tính chất thực tế, và phù hợp với khà năng, người ta sẽ được hài lòng và hạnh phúc, khi mục tiêu được hoàn thành.
-Kiểm Soát Xúc Cảm Tiêu Cực : Những xúc cảm tiêu cực (như sợ hãi, giận dữ, nóng tánh, ganh tị, . . .) có thể gây nên những tình cảnh đáng tiếc, không vui. Cho nên, người ta phải biết kiểm soát, và tối thiểu hóa chúng, để vượt qua những lúc khó khăn.
-Sự Hiện Thực Trong Cuộc Sống : Có những người không biết lượng sức mình, mà tự đánh giá khả năng, một cách vượt quá thực lực; khi bị thất bại, họ thường không được hài lòng,. Sự đau khổ của họ sẽ gia tăng, vì những cảm tưởng không thích đáng, và tự tin rằng họ đã bị hiểu lầm và bị ngược đãi.

6- Thứ Bậc Nhu Cầu Của Maslơw ( Maslow's Hierarchy of Needs) :


Theo nghiên cứu (1969- 1971), nhà tâm lý Abraham Maslow nhận thấy những nhu cầu thiết yếu đã đóng một vai trò quan trọng trong hạnh phúc đời người, ông đã giải thích những sự kiện nầy theo một hệ thống nhu cầu (Hierachy of Needs), từ thấp lên cao của năm (5) thứ bậc căn bản như sau:


1) Nhu Cầu Sinh Lý (Physiological Needs): Những nhu cầu căn bản cho cơ thể gồm có thực phẩm (Food), Nước (Water), Quần Áo (Clothing), và Nơi Cư Trú (Shelter).
2) Nhu Cầu An Toàn (Safety Needs): Những nhu cầu bảo vệ an toàn sinh mạng, và môi
trường sống được an ninh.
3) Nhu Cầu Tình Thương và Vật Sở Hữu Chủ (Love & Belongingness Needs) : Những nhu cầu cần được người khác: công nhận, thương yêu, niềm nở; và cần có những hiện vật sở hữu để làm chủ.
4) Nhu Cầu Được Sự Quý Trọng (Esteem Needs): Những nhu cầu về sự hoàn thành, tài
năng, địa vị xã hội, tinh thần tự trọng, và độc lập.
5) Nhu Cầu Tự Hiện Thực Hóa Tiềm Năng Của Mình (Self-Actualization Needs):
Những nhu cầu nhằm tự nguyện thực hiện những việc làm hữu ích cho đời.Thí dụ, tham gia những việc làm thiện nguyện, công tác cho cộng đồng xã hội, xây dựng những công trình hữu ích lưu lại cho đời, . . .


Theo thứ bậc nhu cầu Maslow, với thứ tự ưu tiên, từ thấp lên cao, bốn (4) cấp bậc nhu cầu đầu tiên có liên hệ với động lực thúc đẩy do sự thiếu hụt (deficiency motivation). Nhằm mục đích để sinh tồn, con người cố gắng đáp ứng những nhu cầu về sinh lý, an toàn, tình thương & vật sở hữu, và sự quý trọng. Trái lại, cấp bậc thứ năm (5) là cao nhất, được tiêu biểu cho động lực thúc đẩy do sự trưởng thành (growth motivation). Trong lúc ngắn hay dài hạn, đời sống không được ổn định, một người phải chịu sự thiếu hụt những nhu cầu ở hai (2) cấp bậc đầu tiên, họ thường trở nên bất lực, và đau khổ khó chịu trước hoàn cảnh. Hơn nửa, ý tưởng và thái độ của họ sẽ bị chi phối bởi những nhu cầu thiếu hụt nầy (thí dụ, khi đói thực phẩm và thiếu sự an ninh cho mạng sống, người ta có thể làm bất cứ việc gì, một cách thiếu suy nghĩ, để sinh tồn). Trái lại, nếu những nhu cầu ở cấp bậc thấp được thỏa mãn, người ta thường có khuynh hướng dành những nỗ lực để tiến lên hoàn thành những nhu cầu ở cấp bậc cao hơn (thứ ba, tư, và năm), và tìm ra những giải pháp dài hạn hơn cho những vấn đề của họ.


Trong sự so sánh giữa những người được thúc đẩy trưởng thành (cấp bậc 5), và những người bị thiếu hụt (ở bốn cấp đầu tiên), Maslow nhận thấy rằng lớp người được trưởng thành (cấp bậc 5) đã chứng tỏ được những điểm tích cực như sau: sự nhận thức thực tế có hiệu quả hơn, có thể chịu đựng nghịch cảnh tốt hơn, có tính sáng tạo và thanh thoát hơn, có sự chấp nhận cho chính họ và những người khác hơn, có tập trung vào vấn đề, và ít thiên về bản ngã, có mối liên quan với những người khác sâu sắc hơn, có tính khí ôn hòa thân thiện, và có tình người hơn trong những mối giao tế xã hội.

Nói chung, đời sống của con người là cả một vấn đề phức tạp. Bi quan hay lạc quan về cuộc đời đều tùy thuộc vào tâm trạng chủ quan của mỗi con người. Do đó, hạnh phúc và đau khổ trong đời sống của mỗi cá nhân đều có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học tây phương đã bỏ công nghiên cứu tìm hiểu, để đưa ra một số sự kiện căn bản quan trọng, liên quan đến thực trạng về hạnh phúc và đau khổ của con người.


Theo hai nhà tâm lý học Alston và Dudley, hạnh phúc hay sự hài lòng về đời sống là khả năng cảm nhận vui thú, về những kinh nghiệm đời người, với ít nhiều rung cảm của tâm hồn. Trong đời sống, hạnh phúc và đau khổ đóng một vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến thái độ sống của chúng ta. Theo các nhà tâm lý, hạnh phúc được cấu tạo bởi ba (3) yếu tố căn bản: -Chấp Nhận (Acceptance), -Tình Thương (Affection), và -Hoàn Thành (Achievement); mà người tây phương thường gọi là “Three A's of Happiness”.


Ngoài ra, hạnh phúc và đau khổ còn có tính chất tương đối. Trong cuộc đời, nếu kinh nghiệm cá nhân có nhiều điều thỏa mãn hơn điều bất mãn; cá nhân đó sẽ được hài lòng, và chính họ được xem như là người hạnh phúc. Trái lại, nếu kinh nghiệm cá nhân có nhiều điều bất mãn hơn điều thỏa mãn; cá nhân đó sẽ không được hài lòng, và chính họ được xem như là người đau khổ (bất hạnh). Ở mỗi lớp tuổi khác nhau như: thiếu niên, thanh niên, trung niên, và cao niên, đều có những cảm giác lạc quan yêu đời với một mức độ tỷ lệ hạnh phúc khác nhau. Cũng như, hạnh phúc hoặc sự hài lòng của người ta có thể được theo sau bởi thời kỳ phát khởi sự đau khổ, hoặc thất vọng; và ngược lại. Niềm vui hạnh phúc cũng có sự khác biệt giữa phái nam và phái nữ, vì khuynh hướng tâm lý đi tìm sự hài lòng của mỗi phái không giống nhau. Trong việc mưu cầu hạnh phúc, có hai loại trở ngại chính: chủ quan và khách quan. Trở ngại chủ quan thường là sự giới hạn tâm trí, sức khỏe yếu kém, và những nguyện vọng thiếu thực tế. Trở ngại khách quan đến từ môi trường sống, và trực tiếp hay gián tiếp tác động vào đời sống con người.


Theo hệ thống cấp bậc nhu cầu của Maslow, hạnh phúc và đau khổ còn tùy thuộc vào năm loại nhu cầu sinh tồn căn bản như: sinh lý (ăn uống), an toàn sinh mạng, tình thương và vật sở hữu chủ, sự quý trọng, và tự hiện thực hóa tiềm năng của con người.


Theo nghiên cứu, Meltzer và Ludwig nhận thấy hạnh phúc của những người sau những năm thành nhân, thường do bởi các yếu tố chính như: gia đình, hôn nhân, sức khỏe tốt, và những thành công trong việc làm. Trong khi sự đau khổ được hội nhập bởi những yếu tố như: sự đau yếu, cơ thể bị thương tổn, sự chết của người thân yêu, sự thất bại trong việc làm, nguyện vọng không đạt mục tiêu.


Ngoài ra, Sears cũng đưa ra một nhận xét về những người có mức độ thông minh rất cao; sự hài lòng về cuộc sống của họ thường mang đến từ đời sống gia đình hạnh phúc, hơn là sự thành công trong nghề nghiệp.


Trong một kết luận từ cuộc nghiên cứu, với những người đàn ông có tuổi trung bình 62, sự hài lòng về đời sống của họ đến từ những yếu tố quan trọng như: nghề nghiệp, đời sống gia đình, tình thân hữu, sự phong phú về đời sống văn hóa, tất cả những dịch vụ hướng về cộng đồng xã hội, và niềm vui trong sự sống.


Trái lại, những người trẻ thiếu niên thường đánh giá cao về tính đại chúng, và sự chấp nhận bởi đồng bạn; cho nên, sự hài lòng đời sống của họ do bởi những yếu tố như: tiền bạc, những tiêu biểu địa vị xã hội, sức khỏe tốt, vẻ duyên dáng bên ngoài, và những cơ hội giúp họ đóng những vai trò họ thích./.


-Giáo Sư VŨ ĐỨC, N.D.
(Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ)