Câu chuyện trong quán cà phê

Lê Việt Điểu



Chiếc bàn nhỏ luôn luôn di chuyển chỗ đứng tùy theo mùa. Mùa Hè, mùa Xuân nắng ấm; nó được ung dung đứng thoải mái ngoài khoảng sân vuông, bên cạnh lối đi dành cho người đi bộ. Mùa mưa, nó vào lặng lẽ trốn, những cơn mưa vỗ vào mặt, dưới hàng hiên bằng vải bố màu xanh lá cây, ngay trước cửa lối ra vào.

Hôm nay sắp mùa Xuân, có vài hôm nắng có vài bửa mưa nên chiếc bàn được ngồi luôn trước cửa ra vào.

Ánh nắng cuối Đông không đủ nóng nhưng đủ ấm, đủ làm hồng đôi má của cô chủ quán, Debbie. Phúc làm ly cà phê như thường lệ. Chàng cho vào ly 3 viên đường nâu, hai viên đường trắng, môt ít cream - Không biết tại sao và từ bao giờ chàng đã có thói quen uống cà phê như thế nầy.

Những ngày đầu di chuyển về đây, chàng đã khốn khổ với ly cà phê mỗi sáng. Cà phê Việt Nam. Cà phê sửa đá đậm đặc. Với Phúc chỉ có cà phê sữa đá pha chế theo "kiểu Việt Nam" mới làm chàng tỉnh ngủ, yêu đời, và làm việc hăng. Hôm nào không có ly cà phê là y như rằng chàng gục gà gục gặt như con gà nuốt dây thun. Những hôm đầu, Phúc còn siêng năng thức sớm chạy đi mua một ly ở phố Việt Nam. Nhưng mỗi sáng đi và về hơn nửa giờ, chàng thấy sự vô lý của mình. Chàng tự hỏi "Cà phê Mỹ đã chết thằng Tây đen nào đâu" Phúc làm thử một ly...Chàng phun phèo phèo "Chua lè". Chàng đổi cách. Ra chợ mua cà phê "từ Việt Nam" cà phê "Buôn Mê Thuộc đàng hoàng' theo lời ông chủ chợ. Và ở nhà, mỗi sáng, chàng chịu khó bỏ vào Microwave ly nước, mua vài lon sửa đặc có đường. Tự pha ly cà phê sữa đá. Hôm nắng, hôm mưa. Đực cái bất thường. Đâm chán. Thêm vào đó "mình pha đâu có ngon bằng người ta "chuyên môn". Thế là chàng đành tìm cách khác.

Quán cafe bên đường, trong khu Shopping Center. Mỗi sáng đi làm ngang qua, mùi café thơm sực nứt tràn ngập không gian, thọc sâu vào phế phủ làm chàng ngầy ngật.

"Tại sao không thử nhỉ?"

Phúc tấp xe vào chỗ đậu, một buổi sáng thứ Bảy có nắng ấm. Cô chủ quán, tóc vàng, dáng người thon nhỏ, đôi mắt lá răm xếch ngược, cằm vuông, đôi môi nhỏ hồng hào, năm ngón tay trắng ngần... Và nhất là bộ phận nằm dưới cằm, trên khoảng bụng làm chàng xốn xang nhất. Lầu đầu tiên chàng có cảm giác "rạo rực" xâm nhập đầu óc.

Quán bán đủ loại. Donuts, Bánh ngọt. Bánh mì. Cà phê Mỹ cũng tùy loại cà phê. Có thứ phải xay tại chỗ, có thứ cách pha chế cầu kỳ, Moka hay là Espresso lại thêm single hay double, French Roast Vanila Dark or Light. Cream or not...Đại loại là như thế.

"Rắc rối. Ngon hay không chưa biết; nhưng việc trả lời không thôi đã mất cha cái hứng thú rồi"

"Good morning Sir. What can I do for you this beautiful morning Sir."

Phúc lầu bầu trong miệng "Khéo lẽo lự. Xơ với múi. Tụi mầy chỉ được cái mồm" nhưng ngoài miệng, theo thói quen vẫn cười - Nụ cười tươi như lúc nào cũng sẵn sàng.

Sau câu chào, sau nụ cười; Phúc đứng im nhìn chăm chú lên tấm bảng sau lưng cô chủ quán. Hàng chục loại cà phê...ly nào ly nấy "cắt cổ" Chàng phân vân. Uóng gì bây giờ. Người con gái tóc vàng kiên nhẫn đứng nhìn ông khách lạ. Chờ đợi. Dường như cô ta biết ông khách nầy bối rối.

"Ông là người Việt Nam?" Cô hỏi.

Phúc quay lại, gật đầu thay cho câu trả lời. Nhưng liền sau đó:

" Đúng như thế. Nhưng sao cô biết?"

Cô chủ quán cười lắc đầu:

"Tôi không biết. Có lẽ theo phản ứng tụ nhiên." Ngừng một chút như để giải thích cho "phản ứng tự nhiên’ rất chính xác. Cô tiếp "Cha tôi đã từng chiến đấu cho hòa bình của nước ông"

"Ô, thật thế ư"
Phúc chưa kịp nói thêm, cô chủ quán đề nghị:

'Tôi nghĩ rằng ông nên thử Moka cho biết. Nó giống cà phê của xứ ông.'

Cử chỉ của Phúc đã nói lên sự ngạc nhiên, cô chủ quán cười dễ thương:

'Ba tôi nói như thế. Ông thử đi.'

Phúc thích thú:

"Oh! Tôi thử ngay.'

Chàng chìa chiếc ly giấy, nàng bấm nút lấy cà phê. Tiếng cô chủ sau quày hàng:

"Nhớ cho đường 2 viên, một hay hai muỗng cream thì vừa. Nó không đậm đặc như ông muốn nhưng sẽ làm ông thích thú."

Phúc yên lặng làm theo lời chỉ dẫn. Tiếng cô chủ quán tiếp:

"Ông mới về đây? "
"..."
"Ông vào đây lần đầu?"
"Vâng, thưa cô."

Còn quá sớm cho một ngày thứ Bảy, dậy muộn. Quán vắng. Cô ta tiếp tục bắt chuyện..."Người Việt thích uống cà phê đậm. Tại sao không thử cái mới? Như thử uống cà phê Châu Mỹ coi thế nào. Đi mãi đường mò Đường mòn dễ đi thiệt đấy ...nhưng nhàm chán, nếu không nói là phản khoa học và không tiến bộ tí nào."

Phúc im lặng. Theo thói quen "phòng thủ". Sợ mắc hởm. Chàng chưa biết đối đáp với cô gái này ra sao.

Chàng mang ly đến quầy trả tiền. Khi nhận tiền thối, Phúc ngạc nhiên và nếu không kịp nén, tiếng Ồ đã tuột ra từ cửa miệng chàng. "Mắc thiệt. Chưa biết ngon không đây."

Trên chiếc bàn nâu gắn vào tường, từng bình cà phê với đủ tên gọi ...Colombia House Dark, French Roast, French Vanila Dark, Hazel Nut, Vanila, Kenya...Bên duới mỗi bình có một dĩa vuông chứa cà phê đã rang, chưa xay - Có lẽ muốn minh chứng đây là "thứ thiệt"

Chiếc bàn kê dọc hành lang, ngồi nơi đó chàng có thể nhìn toàn cảnh khu phố nhỏ. Khu phố cổ với những căn nhà và con đường đầy bóng cây-giống những con đường làng Việt Nam- khu phố được chính phủ bảo vệ cho nét lịch sử của nó. Từ ngoài xa lộ đi vào exit, du khách có thể nhìn thầy tấm bảng nhỏ "Historical City". Mọi kiến trúc ở đây đều được giữ vẻ nguyên thủy. Từ cái bòn chứa nước cao nghêu, cũ kỷ, đến nhà thợ rèn đóng móng ngựa, trạm bưu điện, nhà in...và căn nhà mái lợp bằng những miếng gỗ đẻo gọt khít khao, rêu phong phủ kín mái nhà...Tất cả đều mang bóng dáng của thành phố thời xưa bên Anh Cát Lợi.

Phúc về thành phố nầy làm việc, tuy có hơi xa khu chợ đồng hương sinh hoạt, nhưng nó đem cho chàng những cảm giác bình yên.
Thành phố nằm ở phiá Tây thung lũng, dựa lưng vào cánh rừng thông ngút ngàn, những mùa gió chướng rừng thông reo vi vu xoa dịu những nhớ thương. Bên kia rừng thông là biển. Biển Thái Bình Dương.

Dân số phỏng chừng vài chục ngàn; là những người về hưu và gia đình của họ. Những con đường, những kiến trúc, những căn nhà mang đậm nét cổ kính mà người dân ở đây - (phần đông) là di dân từ Anh Cát Lợi - mang đến từ quê hương của họ. Những căn nhà nho nhỏ dễ thương, hàng rào thấp (trang trí nhiều hơn là ngăn cách) ngang đầu gối, sơn trắng, những hàng cây bươm bướm che rợp bóng trên dường, và những tên đường Westminster, Birmingham, Liverpool...ghi dấu quê huơng bỏ lại sau lưng.

Thành phố có đủ những hàng quán, nhà bưu điện, tiệm giặc, quán chơi bi da, nhà in và đặc biệt là nơi thờ phượng. Có rất nhiều nhà thờ lớn hoặc nhỏ. Và một nhà thờ chung cho thành phố với ba gác chuông...Khi mới đến Phúc thích thú gọi nó là 'Nhà Thờ Ba Chuông".

Thành phố là những kiến trúc tân kỳ và những di sản thời Tân Thế Giới

Thành phố là một tổng hợp cổ kính/tân thời/bảo thủ. Của những người tuổi trẻ và những ông già bà cả.

Phúc đốt một điếu thuốc, nhấp ngụm cà phê, mùi cà phê thơm dịu nhưng chàng suýt phun ra :
"Đắng quá..."

Quay vào tiệm lấy keo đường và bình cream nhỏ. Trở ra ngồi xuống. Phúc pha chế ly cà phê. Thêm viên đường, thêm muỗng sữa ...thử ...Cho đến một lúc vừa miệng. Chàng làm công việc nầy thích thú như trẻ con chơi đồ hàng. Ly cà phê đậm đặc, thơm lừng. Phúc nhiểu từng giọt Cream vào ly khuấy đều. Màu đen cà phê nhạt dần biến thành màu vàng nhạt, màu ruột củ khoai lang. Cream không đặc giống sửa Ông Thọ, Con Chim; nhưng có mùi thơm đặc biệt. Phúc làm công việc chăm chú.

"Có giống cà phê của xứ ông không?' Tiếng nói đến từ trước mặt. Mãi chú tâm vào công việc pha chế cà phê Phúc không biết cô chủ quán ra từ lúc nào ...

"Không tệ lắm. Nhưng có lẽ tôi chưa quen.'
Chủ quán ngồi xuống, chìa tay ra:
- Debbie, hân hạnh biết ông.
- Tôi tên Phúc.
Mím môi như giữ lại một tiếng kêu ngạc nhiên sắp thoát ra khỏi miệng. Nàng cười xin lỗi "Tôi chưa nghe kịp"

Phúc hơi khựng. Nhưng chàng chợt nhớ ra. Tên của chàng đã từng làm chàng điêu đứng, khó xử nhiều phen chớ không phải hôm nay lần đầu. Chàng không ngạc nhiên chỉ hơi khựng người vì sự vô tâm của chính chàng-phát âm không để ý.
Người em trai -Đức- cái tên cũng khó nghe khi người Mỹ phát âm. Chàng là Thiên Phúc, em trai , Lập Đức. Hai tên rất có ý nghĩa trong ngôn ngữ Việt Nam; nhưng trở thành nổi khó khăn khi qua đất Mỹ. Người Mỹ phát âm PH thành ra F...Tên chàng thật khó nghe. Còn tên người em trai biến thành tên gọi một sinh vật không cần "cúng cơm"

Chàng mĩm cười nhắc lại. Và thêm:
- Tên tôi khi phát âm cô phải ngậm miệng lại, lấy hơi trong cổ thổi ra nhè nhẹ và hơi vừa thoát ra cô ngậm ngay lập tức hai vành môi. Bằng không là cô chưỡi cha tôi đấy.
Nàng theo lời...vui vẻ:
"Sao mà khó thế nầy?"
'Nhưng đâu có khó khăn như ngôn ngữ cô đang nói. Tiếng nước cô mới là khó, xì xèo phun cả nước miếng ra ngoài. Chuyện gì cũng vậy thôi. Luôn luôn. Đổi mới, hay theo cái mới là chuyện khó khăn.
"Ông nói là nói thế thôi. Tôi không tin mọi sự đổi mới đều khó khăn.
Phúc nhắc lại:
"Khi nãy cô nói không tìm cái mới như là đi theo lối mòn. Không tiến bộ. Tôi chưa hiểu hết ý của cô."
"Có gì mà không hiểu. Đi theo lối mòn là theo những gì có sẵn. Là bảo thủ. Là ù lì. Là chấp nhận sự đứng lại. Nếu thế giới này không có những tìm tòi thì làm sao ông có nhiều phương tiện như hôm nay?"
"Theo tôi thấy...thành phố này không chịu đổi mới đó. Cô có nhận thấy thế không."
"Đó là một chứng minh cho ông. Như thế hiểu rồi chớ gì. Chỉ làm để trang sức thôi. Già nua, cũ kỷ, hết xài. May là còn có những đầu óc tiến bộ, sáng tạo ra được những phương tiện để giữ cho cái hết xài có giá trị."

Nàng bỗng chuyển đề tài:

"Ông làm gần đây?"
'Dạ, cách đây chừng 5 phút"
'Ông có buồn không khi ông ở cái thị trấn nhỏ nầy? Nghe nói bên East Side đồng hương của ông đông lắm"
Phúc ngạc nhiên:
"Cô có vẽ rành về cộng đồng chúng tôi"
Debbie cười theo -Trên má nàng có hai đồng tiền. Ngây thơ, thật dễ thương:
"Không có đâu ông. Tôi đọc báo và biết như thế."
"Cô! Dường như cô cũng có chút quan tâm đến cộng đồng người Việt chúng tôi?"
"Đă nói rồi. Ba tôi là cựu chiến binh Việt Nam. Ông đã tiêu thời gian tuổi trẻ của ông ở đó. Ông mang theo nó bên người. Tôi quan tâm đến chuyện đó cũng là do ba tôi."
"Chắc cô yêu ba cô nhiều lắm"
Debbie mơ màng:
"Không những tôi yêu ba tôi, mà tôi còn phục ông nữa. Một người đàn ông rất đàn ông trong mắt tôi"
Phúc cười với câu nói ngộ nghĩnh của Debbie. Chàng lặp lại:
"Rất đàn ông?"
Nàng nhìn thẳng mắt chàng:
"Đúng thế."
Phúc không hỏi thêm. Chàng im lặng nhấp từng ngụm cà phê. Debbie đứng lên quay vào quán:
"I'll be right back."

Buổi sáng thứ Bẩy mọi nhà ngủ dậy trễ. Thành phố còn lản đản chút sương mù. Con đường im vắng, ống khói trên nóc nhà thờ "Ba Chuông" thở khói. Tiếng đọc kinh văng vẳng đến tai chàng. Cánh rừng thông chìm ngập trong màn sương đục, những đọt cây thông cao ló ra khỏi sương mù, như bồng bềnh trôi trong biển nước. Phúc dựa người vào lưng ghế, hai chân lười biếng duỗi thẳng. Khi chàng sắp đứng dậy ra về, Debbie quay trở lại:
"Xin lỗi để anh đợi hơi lâu. Hôm nay anh không đi chơi đâu à? Sương mù nhiều báo hiệu một ngày nắng ấm đó." Nàng đổi ngôi ông sang anh không cần chớp đèn báo hiệu.
Phúc lơ đảng:
"Vậy sao?"
"Anh không làm gì thì ngồi đây chơi. Lát nữa tôi ra với anh?"
Nàng hỏi nhưng trong câu hỏi đã hàm ý quyết định rồi. Phúc không có gì vội, chàng nhún vai ra vẽ "Ô, nếu cô thích."
Debbie nheo một bên mắt trở vào quán.

Quá đã đông khách. Những người khách nhàn rỗi muốn tắm nắng. Những cặp vợ chồng già dắt chó đi chơi. Nắng đã ra khỏi hàng cây phía Đông. Mù sương tan dần về Tây. Bóng nắng chảy dài khắp thành phố. Chan trên mỗi con đường. Buổi lễ sáng chấm dứt. Người lũ lượt kéo ra. Những người đi bộ nhàn tản. Những em bé trong bộ áo đủ màu sắc tung tăng trên đường. Sau lễ Giáng Sinh nhưng nhiều cây thông trước sân nhà vẫn còn đèn chớp nháy. Những trang trí ngày lễ vẫn lưu luyến chưa muốn bỏ đi.
Quán cà phê của Debbie nằm ở vị trí thuận tiện, khách vào ra nhộn nhịp. Tiếng chào hỏi râm rang.

"Hôm nay đi ra biển trượt nước em nhé?"
"Lạnh lắm đó anh. Đợi nắng ấm thêm một chút."
"Ông có ý định đi đi trượt tuyết hôm nay không? Sắp sang Xuân rồi, không đi là hết đó. Sang tôi đi chung. Bà ấy đi Châu Âu đã về chưa?"
'Nè em. Lát nữa nhớ mua thêm thức ăn. Anh vừa gặp gia đình thằng bạn về thăm người quen. Anh đã mời nó đi cắm trại với chúng mình hôm nay"
"Hôm nay anh đưa em ra thương xá, để em đổi lại cái áo dạ hội hôm nọ anh chê màu sắc không hợp với em đó nhé."

Những âm thanh mang âm sắc của vui mừng, cường độ của thỏa mãn đập vào tai Phúc. Chàng nghe như đâu đây những tiếng nói khác.

"Nhà mình lúc nầy cũng tạm đủ ăn. Chị Quỳnh Như còn làm giáo viên cấp II, chịu đi dạy thêm cho tư gia. Lúc nầy nhiều nhà cần người kèm trẻ, nhất là môn Anh Văn."
" Anh Tư ạch đụi làm thợ máy, cái bằng Phú Thọ xin việc hoài không được. Các công ty nước ngoài vào Việt Nam, nhưng không dễ gì xin vô. Phải cổ cánh lắm mới được vào."
"Thời nào cũng vậy anh ơi. Có quyền sẽ có tiền, mà có tiền là có tất cả."
" Nhà cao tầng mọc lên nhiều lắm. Anh đừng hỏi xây cho ai"
"Xóm mình vẫn không có gì đổi thay. Bà Năm vẫn bán cháo vịt. Ông Mười càng say xỉn nhiều hơn. Bà vợ hết được bán chuối ở chợ rồi. Ông Ba hớt tóc có con đi cách mạng về tưởng đâu là khá. Nhưng ổng bả phải đóng cửa tiệm về quê sản xuất, và nghe đâu sắp trở lại thành phố. Mấy chuyện này tụi em đã kể anh nghe rồi"
"Anh cũng biết đó mà. Khẩu hiệu, bích chương không đẻ ra no ấm. Làm dân thì lúc nào hết khổ. Kiệt hay Trụ cũng vậy thôi"

Phúc đốt thêm điếu thuốc. Những giọt nắng chạy lăn tăn trên bồn cỏ bên cạnh quán. Những giọt sương long lanh màu cầu vồng bảy sắc như những viên kim cương. Nắng vờn trên mặt bàn hắt vào mặt chàng hơi chói chang. Phúc kéo chiếc ghế núp dưới chiếc dù màu xanh lục, duỗi dài đôi chân ra ngoài. Gió mơn man da thịt.

"Có đứa em ra thế rồi. Bây giờ em có thể ngồi đây tắm nắng với anh nếu anh thích"
Phúc nhún vai:
"Sao cũng được."
Debbie cười:
"Anh lười biếng quá"
"Là thế nào?"
"Em nói gì anh cũng gật. Không một lời phản đối."
"Tại cô không biết đó thôi. Kính người đẹp sống lâu"
Cả hai cùng cười. Và như thế là họ quen nhau. Đơn giản. Bình thường. Không cần nại ra lý do.

Chiều hôm đó Phúc bỏ xe ở nhà, leo lên chiếc mui trần BMW của Debbie đi ăn ở khu phố Việt Nam. Khi họ bước vào nhà hàngđã gây sự chú ý cho mọi người vì sự chênh lệch tuổi tác và dáng vẽ bên ngoài. Chàng đã đọc được trong ánh mắt của vài người sự thán phục-ganh tị- có mang cái tín hiệu "có tiền mua tiên cũng được" "nước Mỹ loạn thật"

Chàng chậm bước đi bên Debbie phớt lờ. Và bất chợt chàng quay mặt ngó vào đôi mắt Debbie. Nàng tinh nghịch nháy mắt và bước sát vào chàng hơn.

Phúc không hiểu mình đang ở trong hoàn cảnh nào? Vị trí của chàng với người con gái Mỹ bên cạnh. Như một sự thu hút? Như miếng gỗ trong giòng nước lũ cuốn trôi? Chàng không biết, và chàng không cưỡng lại được.

Phúc chọn một vài món khai vị, một chai vang đỏ, mấy món cho bữa ăn tối mà không hỏi ý Debbie. Người con gái ngồi im ngó quanh trong khi chàng chọn thức ăn. Nàng không thắc mắc hay ngạc nhiên.

Nhạc nhẹ phát ra êm dịu từ những chiếc loa gắn trên trần. Những bản nhạc Việt không lời, bằng lục huyền cầm, tây ban cầm, sáo trúc, tỳ bà...

Buổi ăn tối chấm dứt vào lúc nhà hàng đóng cửa. Họ nói chuyện với nhau thật tâm đắc, họ cùng cười nho nhỏ. Debbie hai má ửng hồng. Đôi mắt mơ màng. Phúc ngây ngất trong hạnh phúc đến bất chợt. Chàng nắm tay Debbie, nàng để yên trong tay chàng....Họ nhìn nhau không nói.

Debbie bấm nút, chiếc cửa nhà xe mở lên từ từ. Phúc lái xe vào trong. Debbie bật công tắc đèn:

"Đèn còn sáng. Má chưa ngủ. Anh đi theo em. Em muốn làm họ ngạc nhiên vào sáng ngày mai."


Căn phòng rộng, có bồn tắm nước nóng. Chiếc giường lớn, nệm dày nửa thước thơm sực nước hoa. Thân thể Debbie tròn lẳng, chắc nịch. Cả hai chìm trong đống chăn lông dày. Phúc nhận rõ từng cảm giác chạy dài trong cơ thể khi những tế bào xúc giác truyền về trung khu thần kinh những tê mê. Chàng tan loãng, mất hút, nhập thể cảnh giới thứ 9, tầng 36, khi một phần thân thể của chàng đẫm mình trọn vẹn trong vùng địa đàng ấm áp. Ở chỗ, nơi đó, mọi sự sinh ra. Phúc thiếp đi mộng mị. Chàng chẳng thắc mắc. Mọi chuyện như một giấc mơ.

Tiếng của Debbie kèm theo mùi thơm da thịt, kéo Phúc về thực tại.
"Sáng rồi đó anh. Chúng ta đi tắm và xuống nhà. Ba em đang đợi"

Phúc làm theo lời nàng trong cơn mộng du.

Khi hai người theo đường cầu thang hình vòng cung đi xuống phòng ăn. Phúc hồi hộp. Hồi hộp như trai mơi lớn. Có cái gì xôn xao trong lòng Cổ họng như thiếu nước.

"Mầy đi đâu tối hôm qua thế con?"
Tiếng người đàn ông đứng tuổi đầy quyền uy như người quen ra lịnh. Nhưng mang thông điệp của quan tâm lo lắng.

"Con về nhà ...nhưng trể thôi ba" Debbie nhỏng nhẻo trả lời.
"Mom! Daddy !"
"Lynda không đi chơi đâu à?"

Căn phòng có ánh nắng dọi qua cửa sổ thành những vệt sáng dài vắt ngang, bài trí đơn giản nhưng thoạt trông có cái cảm giác chủ nhân nó là một người Á Đông.

Ông bà quay lưng lại cầu thang. Lynda đang đọc sách cạnh cửa sổ. Trong lòng nàng con mèo nằm im liếm lông.

"Thưa Ba Má. Anh Phúc bạn con. Anh Phúc, Ba tôi-ông David, má Diệu Phúc. Con em Lynda."
Nàng kéo ghế :
"Chúng ta sẽ làm quen với nhau trong khi ăn điểm tâm nhé."

Phúc bắt tay ông David, cuối đầu chào bà Diệu Phúc. Chàng khựng lại. Đôi chân như không muốn giữ nổi thân thể chàng. Tay bà chưa rút tai lại sau cái bắt tay. Ông David nhìn hai người. Debbie trợn tròn đôi mắt.
"Anh sao thế...hai người biết nhau? Vậy thì tốt quá. Đỡ bở ngở."

Bà Diệu Phúc thở nhẹ. Vầng trán bà dản ra, trở lại bình thường. Bà hắng giọng:
"Uh huh. Mom có quen ông Phúc đây. Quả đất tròn, và nhỏ lắm.

Phúc đến quán trước giờ hẹn. Chàng không thể nào ngờ gặp Diệu trong hoàn cảnh này. Nàng là bà David, với cái tên là Diệu Phúc. Bây giờ chàng mới để ý "Diệu Phúc" là tên của hai người ghép lại. Trái đất quá nhỏ. Tại sao hai người gặp nhau trong hoàn cảnh này. May hay rũi. Hai mươi lăm năm. Cả một quảng đời trong quá khứ hiện ra như cuốn phim chiếu chậm. Phúc chưa biết phải làm sao. Ngày chia tay Diệu cho chàng biết "Em đã có thai" Hai mươi lăm năm ám ảnh. Hai mươi lăm năm chàng không biết "mẹ con" nàng trôi dạt nơi đâu. Chàng nghĩ đến câu nói của Diệu... Rồi một đêm với Debbie. Phúc không cảm giác, lưng chàng chợt oằn xuống như đeo ngàn cân đá.

Lê Việt Điểu



 

 

Nguyên Nguyên