Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (7):

Hakka (Hẹ) và tộc Lạc Việt

 

 Nguyên Nguyên

 

Trong lúc truy cập tìm thêm tài liệu để viết tiếp loạt bài này, chúng tôi phát hiện người Triều Tiên (Chosun) cũng mang một số hội chứng về cổ sử nước họ. Đặc biệt nhất, họ cũng có 18 đời vua Bai-dal kéo dài hơn 1500 năm, bắt đầu vào khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên [1], y hệt như thời Hồng Bàng của nước Việt, đã được thêu dệt thành 'truyền thuyết' bắt chước theo lối người Hoa. Người Triều Tiên cũng nhìn nhận họ chính là hậu duệ của một trong ba nhóm rợ Đông Yi, hay rợ Tam Hàn.

 

Cũng như nhiều nhóm rợ khác trong cổ sử Tàu, nhóm Đông Yi bao gồm rất nhiều nhóm tộc khác nhau, nhưng nổi bật nhất có lẽ là các nhóm: Miêu tộc (tức Hmong), Lê tộc (còn gọi Lai hay Hlai Yi) và Bộc Việt, tức nhóm Lạc bộ Trãi đã được giới thiệu đến trong bài trước. Đặc biệt người Triều Tiên chọn vua Xuy Vưu (Chi-You), lãnh tụ của đám Cửu Lê [2], tức phần lớn người Hmong-Mien (Miêu-Yao), làm thánh tổ dân tộc họ. Vua Xuy Vưu (hay Yâu) đã từng tranh chấp đất đai và bộ lạc với Hoàng Đế Hiên Viên của Tàu, rồi sau cùng đại bại và bị chặt đầu. Họ rất hãnh diện làm hậu duệ nhóm Miao hay Hmong bởi gần đây nhiều nhà khoa học phát hiện rằng chính người Miao là tộc người đã sáng tạo ra chữ viết đầu tiên ở Á Châu, để rồi bị người Hoa nhanh tay chôm và phát triển thành chữ Tàu hỗ trợ cho nền văn minh Hoa Hạ. 

 

Xin tóm tắt những điểm song song trong huyền sử 3 nước Tàu, Việt và Hàn:

 

 

Trung Hoa

Việt Nam

Triều Tiên

thời Hồng Bàng

nhà Hạ

Hùng Vương

Bai-dal

đời vua

18

18

18

niên đại

khoảng năm 2600 TCN

khoảng  2798 TCN

khoảng 3898 TCN

thánh tổ

Hiên Viên Hoàng Đế

Thần Nông

Xuy Vưu (Chi Wu)

 

Như vậy, không còn ngờ gì nữa, con số 18 dùng trong 18 đời vua ở thời huyền sử, chỉ là một ẩn số X, thường xuyên được xử dụng trong văn hoá cổ thời, có lẽ khi hệ thống số đếm hãy còn dựa trên cơ số 9 (xem [2]), chứ không phải 10. Với số 18 bằng X, và X có thể bằng 0 (18= X, và X= 0), chuyện 18 đời Hùng Vương lại được minh giải, chỉ là một lối nói, văn vẻ, cho qua chuyện, với chi tiết không ai biết rõ, của nền văn hoá cổ thời.

 

Thêm một nhận xét quan trọng: 'Vua' Xuy Yâu tưởng tuyệt tích giang hồ đã lâu, không ngờ lại chính là thánh tổ dân tộc Triều Tiên. Điều này cũng có nghĩa, gần như tất cả những diễn viên chính yếu của sân khấu thời huyền sử hoặc cổ sử Trung Hoa, đều có hậu duệ còn tồn tại cho đến ngày nay.

 

Trong bài này chúng ta sẽ thử quan sát người Hakka, tức Khách Gia, hoặc thường gọi nôm na: người Hẹ, trong bối cảnh của giả thuyết: Người Hakka chính là tiền thân của tộc Việt, thành phần chủ lực của nhóm tộc Việt phối hợp với tộc Thái-cổ, đã đến xứ Việt cổ trong khoảng thiên niên kỷ trước và sau Công Nguyên. Nói một cách khác, chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh, Lạc Long Quân mang trong người huyết quản của một người Hẹ cổ.

 

Nhưng trước khi bắt đầu quan sát hành trình người Hakka (Hẹ), thường được gọi dân Do Thái của Trung Hoa, trong suối nguồn tộc Việt, chúng ta thử nhớ lại một vài điểm liên hệ quan trọng như sau.

 

(i)  Thứ nhất, trong loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ' (xem 'aihuucongchanh.com') chúng tôi đã đưa ra nhận xét đồng thuận với rất nhiều nhà khảo cứu tiếng Hán (thí dụ [5] & [6]), rằng tiếng Hán đọc và viết theo kiểu quốc ngữ, thường gọi Hán Việt, giống với tiếng quan thoại (phổ thông) nhiều hơn tiếng Quảng Đông. Mặc dù Quảng Đông gần gũi Việt Nam hơn khu vực nói tiếng quan thoại gốc, phía cực Bắc nước Tàu, miền Bắc sông Hoàng Hà. Lý giải thông thường ưa cho rằng người An Nam ngày xưa học tiếng Tàu từ những ông quan ông tướng người Tàu từ triều đình ở miệt Bắc nên thâu nhập lối phát âm phía Bắc nhiều hơn ở phía Nam. Lý giải kiểu này từ ngàn xưa, luôn được hỗ trợ bởi các kiến thức do người Tàu bày ra. Đó là tộc Việt nếu xuất phát từ pên Tàu chỉ có thể xuất phát từ nhóm Bách Việt ở Hoa Nam, như dân Phúc Kiến (Mân Việt), Quảng Đông (Đông Việt), và Quảng Tây (Tây Việt hay Tây Âu hoặc Âu Việt), v.v. Tiếng Hán do người An Nam học được từ những ông quan Tàu có đầu óc khai phóng, dạy dỗ. Thật ra, như chúng ta đã thấy, ở các bài trước, vào thuở cổ thời tộc Việt và Hmong (Miêu) đã có mặt ở khắp nơi trên nước Tàu, nhất là miền Hoa Bắc, chung quanh lưu vực sông Hoàng Hà (xem [5] & [7]). Tức vào thời xa xưa, tộc Hoa và Yueh sinh sống gần gũi nhau, ở miền Hoa Bắc. Do đó, tiếng Hán-quốc-ngữ có giống tiếng quan thoại là do tiếng quan thoại mang nhiều ảnh hưởng, hoặc có nhiều từ mang phát âm giống, tiếng Việt cổ của đám Lạc bộ Trãi có địa bàn tại miền Bắc sông Hoàng Hà, chung quanh các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc, Sơn Tây ngày nay.

 

(ii)  Thứ hai, trong các nhóm người dân tộc ở phía Bắc, có một nhóm gọi 'người Nguồn' với địa bàn tại khu vực Quảng Bình. Người 'Nguồn' là một trong số ít thuộc khối người dân tộc mang chủng ... Việt-cổ (xem [8]). Cuisinier (4) đưa ra giải thích rằng 'Nguồn' mang nghĩa 'nguồn' suối, nguồn sông, cội nguồn của sự sống. Chúng tôi mạo muội nghĩ khác, và dựa vào một từ nguyên thủy của con người thời tiền sử, thường được dùng để chỉ 'dân tộc'. Đó là từ dùng để chỉ 'Người', con người. Tiếng Mường, đó là 'mwang'. 'Mwang' ở tiếng Mường thời xa xưa, mang nghĩa 'người' [13]. Về sau mang nghĩa 'mường bản' hay đơn vị xã hội người Mường. Cũng y như 'Orang' mang nghĩa 'người' mà Hoàng Thị Châu [9][10] cho rằng đã biến âm dần dà sang 'Văn Lang', tên gọi nước của Hùng Vương (xem bài Hùng Vương (4): Nước Văn Lang). Như vậy tộc người Nguồn, theo thiển ý, có thể đã xuất phát từ 'Ngin' của tiếng Hẹ, và 'Nguin' hay 'Ruin' theo tiếng người Sơn Đông. 'Ngin' và 'Nguin' hay 'Rin' đều mang nghĩa 'Người'. Khu Sơn Đông chính là một địa bàn lớn của đám Đông Yi, trong đó có Lạc bộ Trãi.

 

(iii)  Thứ ba, khi Trần Thủ Độ ép buộc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh (người gốc Mân Việt [12]), vào đầu thế kỷ 13, nhà Trần khởi nghiệp và nhà Lý cáo chung. Một nhóm hoàng thân quốc thích của nhà Lý thấy không yên nên mới lên tàu căng buồm, di tản chạy về phía Bắc. Tàu bè trôi dạt về bán đảo Triều Tiên và họ định cư tại đó cho đến ngày nay. Hậu duệ của những người họ Lý này về sau trở thành người Hàn, và có vị làm đến tổng thống (Lý Thừa Vãn - Syngman Rhee). Trong mấy năm gần đây có một nhóm trở về Việt Nam tham quan nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên. Theo đăng tải ở nhiều sách báo, hậu duệ của những hoàng thân họ Lý cho biết sở dĩ tổ tiên họ trở về bán đảo Triều Tiên là vì gốc gác của họ là ở nơi đó. Khi di tản họ nhắm về hướng đó. Có thể có thật hay chăng, cái hướng thật sự các hoàng thân lưu vong nhà Lý đã nhằm vào chính là quê hương của tộc (Lạc) Việt. Quê hương đó thật ra nằm ở khu vực bán đảo Sơn Đông, phía bên kia eo biển bán đảo Triều Tiên. Nhưng sau một hành trình xa xôi và la bàn thời đó không mấy chính xác, nên các hoàng thân đã bị lạc lối vào xứ Triều Tiên? 

 

  

 

 

 

  

 

Hình 1: Bản đồ chỉ hướng Nam tiến của hai chủng Âu + Lạc, và lộ trình di tản trở về cố quận của hoàng thân nhà Lý.

 

Bản đồ cho thấy lộ trình Nam tiến của hai chủng Âu và Lạc vào thời 'dựng nước', và con đường di tản tìm về quê cũ của tổ tiên dòng họ nhà Lý sau khi bị họ nhà Trần tiếm ngôi. Câu hỏi đặt ra ở đây: Phải chăng cái hướng đến đích thực, theo dự tính của các hoàng thân nhà Lý, chính là khu Sơn Đông chứ không phải Triều Tiên? Nhưng vì, hoặc, khu Sơn Đông đã rơi vào Hoa tộc từ lâu; hoặc, tàu bè bị trôi dạt; hoặc, họ biết các tộc Miêu & Hẹ đã định cư ở Triều Tiên, nên các hoàng thân nhà Lý cuối cùng đã đổ bộ vào định cư ở xứ Hàn.

 

Thêm một lý do khác: Khu đất tổ họ nhà Lý ở miệt Sơn Đông đã bị người Hoa chiếm đóng từ lâu, nên họ phải chạy về Triều Tiên?

 

(iv)  Thứ tư, để ý đến câu ngạn ngữ: 'Trên Bộc dưới dâu (hay: trong dâu) - Bộc thượng tang gian'. Đó là một thứ ngạn ngữ người Hoa xưa và nay ít khi biết đến. Nhưng nó lại đặc biệt khá quen thuộc đối với người Việt, và xuất hiện trong nhiều từ điển Việt, như từ điển của Đào Duy Anh, Lê Ngọc Trụ, v.v. Thế nào là 'trên Bộc dưới dâu'? Trước hết, sông Bộc xuất phát từ tỉnh Sơn Đông rồi xuyên qua các tỉnh lân cận như Hà Bắc, Hà Nam (thành phố Bộc-Dương 'PuYang'), và chảy vào sông Hoàng Hà, chính là địa bàn của nhóm Bộc Việt thuộc khối Bách Bộc. 'Trên Bộc', có nghĩa 'trên bãi sông Bộc', và 'dưới dâu', nghĩa 'trong ruộng dâu', với lá dâu dùng để nuôi tằm kén tơ. Nhiều địa điểm ở sông Bộc và ruộng dâu gần đó, chính là nơi trai gái nước Trịnh và Vệ ưa dùng để hẹn hò tình tự ở thời Đông Chu Liệt Quốc. Nước Trịnh và Vệ, cũng như các nước lớn như Tấn và Tề gần đó, chứa rất nhiều đám 'rợ' Lạc bộ Trãi [14]. 'Trên Bộc dưới dâu' là ngạn ngữ xuất phát từ nhận xét của Hoa tộc về đám rợ phía Bắc sông Hoàng Hà. Ngạn ngữ này, có lẽ đã theo vết chân đám rợ này đến xứ Việt cổ, vào thời xa xưa.

 

(v) Thứ năm, Đại Việt Sử Lược [11] có ghi gặp gỡ đầu tiên của thị tộc Việt Thường với triều đình nhà Châu (đời vua Thành Vương, khoảng năm 1120  TCN), khi 'đại sứ' Việt Thường, một bộ tộc có xâm mình, xâm trán, nhuộm răng đến cống hiến con chim Trĩ (Trãi). Lúc đó kinh đô nhà Tây Châu còn ở đất Kiểu Kinh thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Sự kiện này cho thấy: (a) tộc Yueh mang tính hiếu hoà từ thời xa xưa, (b) tộc Yueh Thường phải có địa bàn ở gần đất Cảo Kinh (tỉnh Thiểm Tây), vùng lưu vực sông Hoàng Hà, miền Hoa Bắc. Có lẽ bên sông Vị như LaPolla [7] đã đề cập. Chỉ có địa bàn gần như vậy mang chim mới tới. Chứ nếu ở tận Bắc Bộ phía cực Nam, phải lội bộ qua hàng ngàn bộ lạc dữ dằn khác nhau. Một chuyện khá hoang đường. (c) người Hoa đầu tiên mô tả tộc Việt này bằng cách viết nên chữ Lạc, theo bộ Trãi nhắc đến cái tích tặng chim Trĩ ngày xưa (Trĩ đọc như Trãi, theo phát âm Tàu /zhi/). Lạc bộ Trãi dùng để chỉ riêng nhóm Yueh tộc có địa bàn ăn khớp với địa bàn của đám rợ Đông Yi, chung quanh Sơn Tây, Hà Bắc, và Sơn Đông.  Phân biệt với Lạc (bộ Mã) cho nhóm Mân (Phúc Kiến) và Lạc Chuy và Khương,  và  ,cho khối Môn-Khmer, nhóm người có lẽ có mặt tại Việt cổ trước tiên (Xem bài 6). Cũng có thể người Hoa đặt tên Lạc cho đám này bởi có lúc họ tập trung ở khu vực sông Hoàng Hà và sông Lạc ở tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây ngày nay.

 

Như vậy tộc Việt liên hệ với người Hẹ (Hakka) thế nào và người Hakka là ai?

 

Người Hakka, thường gọi Khách Gia (Ke Jia), hay nôm na hơn: người Hẹ, có lẽ là một tộc dân kì bí nhất của Trung Quốc hiện nay. Kì bí bởi họ còn giữ được nhiều tục lệ cổ truyền cũng như ngôn ngữ [15], mặc dù đã trải qua cả ngàn năm hội nhập với các tộc địa phương. Rất nhiều giả thuyết về gốc gác của người Hẹ đều đi đến các ngõ cụt khác nhau. Chung qui cũng bởi lý do người Hoa đã tự đánh lừa chính họ. Người Hoa rốt cuộc đã rơi vào cái bẫy họ giăng ra từ thuở xa xưa, cho rằng tộc Việt không có mặt ở phía Bắc sông Dương Tử. Mặc dù họ biết có đám Bộc Việt (Pu Yue) thuộc khối Bách Bộc (Bai Pu), đã từng có mặt trên nhiều chiến trường thời Đông Chu Liệt Quốc, nhưng họ vẫn bị nhầm lẫn với nhiều đám Việt khác đã vượt sông Hoàng Hà rất sớm và hội nhập với các đám Lạc Việt và Âu Việt, ở phía Tây (Tứ Xuyên) và phía Nam hoặc Đông Nam của nước Sở. Cũng như trong suốt hằng ngàn năm lịch sử, có rất nhiều đợt di tản của Yueh (Việt) tộc từ phương Bắc xuống Hoa Nam. Đợt này cách đợt kia có khi cả trăm năm. Mặc dù cùng chung một thứ chủng tộc với nhau, các đợt Yueh tộc di tản này có thể khác nhau ít nhiều, bởi thuộc những bộ lạc khác nhau, và đã thấm nhuần biến đổi theo phong thổ địa phương, theo kiểu người tới trước kẻ đến sau [19]. Từ đó, người Hoa rất có thể đã quên nhiều đám Việt tộc, như nhóm Lạc bộ Trãi chẳng hạn (xin xem bài số 6), khi xưa từng có địa bàn nguyên thủy tập trung tại các nước Tề, Lỗ, và Tấn, ở lưu vực phía bắc sông Hoàng Hà, hay ngay cả bên bờ sông Vị thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay [7]. Người Hán đã quên đi các nhóm Việt tộc đó, một phần có lẽ bởi họ đinh ninh một số lớn đã đi theo nhóm Bách Lê (Cửu Cửu Lê, tức 9 nhóm Cửu Lê, mỗi nhóm lại có 9 tiểu chi), tức người Miao-Yao (Hmong-Mien) di tản về hướng Đông Bắc để rồi thành lập nước Triều Tiên về sau. Hoặc, nếu không đi sang bán đảo Triều Tiên, thì cũng đã  theo các nhóm Đông Di khác (nhất là Miao và Lê) xuôi về phía Nam sông Dương Tử  rồi định cư tại các khu vực như Quí Châu, Vân Nam, Giang Tây, Quảng Tây, v.v.

 

Thêm vào đó cái tên Hakka, tức Khách Gia, hay Hẹ chỉ là một tên gọi mới chỉ đám du mục tràn đến Hoa Nam vào đời nhà Nam Tống (thế kỷ 13). Từ những kiến thức chủ quan và sai lầm như vậy, người Hoa từ cả ngàn năm vẫn đinh ninh hễ tộc nào xuất xứ từ phía Bắc sông Dương Tử chỉ có thể là Hán tộc thuần túy mà thôi. Ngoài ra, và xin nhấn mạnh điểm này, rất nhiều vị lãnh đạo, cấp 'vĩ nhân' của thế kỉ như Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Yiệu, gia đình anh chị em nhà họ Tống (Tống Khánh Linh, Tống Mỹ Linh, Tống Tử Văn), và kể luôn cả Mao Trạch Đông theo một giả thuyết mới có trên internet, đều là người gốc Hẹ. Cho nên không có cách nào khác hơn là việc cho người Hẹ mang gốc Hán tối cổ hoặc Hán thuần túy, nghe mới xuôi tai về mặt chính trị. Từ đó, chúng ta thấy trên cả trăm trang web về người Hẹ, không ai có thể xác định được gốc gác hoặc tộc cổ của người Hẹ là gì, ngoài việc cho họ thuộc giòng Hán cổ. 

 

Hakka là phương âm Quảng Đông của tiếng quan thoại 'Ke jia' (客 家, khách gia) mang nghĩa 'người khách', đối nghĩa với 'dân bản địa'. Tiếng Việt thường gọi tắt là Hẹ. 'Khách gia' đối với dân Hoa Nam, cũng y như 'khách trú' hay 'Cắc Chú' do người Việt dùng miêu tả người Hoa tị nạn giặc Mãn Thanh, chạy sang đất Việt từ thế kỷ 17. Theo rất nhiều tài liệu từ mạng internet, người Hẹ ngày nay thường tập trung tại các khu vực ở Giang Tây, Quảng Đông (Meixian), Phúc Kiến, Tứ Xuyên và Đài Loan. Họ cũng di tản đến khắp nơi ở Đông Nam Á, đặc biệt tại In-đô-nê-xia, Mã Lai Á và Singapore. Và từ khoảng thế kỷ 17 trở về sau, người Hẹ đã đặt chân đến tận Châu Âu, Châu Mỹ. Dân số Hẹ tại Trung Quốc khoảng chừng 35 triệu, và nếu kể hết toàn cầu có thể hơn 60 triệu. Khác với hầu hết các tộc người tại Trung Hoa, người Hẹ mang bản chất xa xưa là dân du mục, nay đây mai đó. Bởi là dân du mục, người Hẹ có rất nhiều khả năng thích hợp với mọi môi trường sinh sống mới. Họ khôn khéo lanh lợi và làm việc cần cù siêng năng. Nhưng họ rất 'cứng đầu', thí dụ như không theo tập tục 'đàn bà bó chân' theo kiểu người Hoa.

 

Thật ra, ở phương diện nhân chủng, một vài trang mạng cho biết người Hẹ có tóc dợn sóng, so với Hoa tộc tóc thẳng, và sóng mũi giữa đôi mắt cao hơn loại Hoa tộc. Quyển 'Mã Lai' [5] ngày trước cho biết dân Bách Việt (Bai Yue) thuộc chủng Mã Lai cũng có tóc dợn sóng, mũi cao và da trắng hơn chủng Hoa. Ngày nay, chúng ta có thể để ý da người Thượng Hải (Chiết Giang, Yueh chi Lạc), người Quảng Đông hay Hong Kong (chủng Yueh chi Âu), có vẻ trắng hơn da người Hoa ở miệt Bắc Kinh. Ngày trước, cả Tây Thi và Dương Quí Phi đều mang giòng máu chủng Yueh, hay ít lắm sinh trưởng tại các địa bàn chủng Yueh.

 

Hầu hết các giả thuyết về người Hẹ đều chú tâm đến gốc gác và các đợt di tản lớn của họ. Có tất cả 3 loại giả thuyết về gốc gác. Thứ nhất, địa bàn cũ người Hẹ là các khu vực Hà Bắc, Sơn Tây và Hà Nam, tức lưu vực sông Hoàng Hà ở phía Bắc. Thứ hai, người Hẹ thuộc gốc các tộc Yueh (Việt) ở Hoa Nam, đặc biệt người 'She' {}, mang nghĩa 'khách từ vùng núi', thuộc chủng Hmong [21], có ngôn ngữ nhiều chỗ giống tiếng Hẹ. Và sau cùng, thứ ba, người Hẹ có tổ tiên là người Hung nô. Thuyết nào cũng có lý, nhưng đa số có vẻ chấp nhận thuyết thứ nhất qui gốc người Hẹ về khu lưu vực sông Hoàng Hà, đặc biệt Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc, phiá Tây Bắc Sơn Đông, tức địa bàn của các nước Tấn, Trịnh, Vệ, Ngụy, Tề, Lỗ ở thời xa xưa.

 

Thuyết về gốc người Hẹ nổi tiếng nhất chính là thuyết của La Hương Lâm (Luo Xiang Lin), xuất bản vào năm 1933. Thuyết của La Hương Lâm ra đời rất đúng lúc, nhằm vào việc giải tỏa ngộ nhận phổ biến thời đó, rằng người Hẹ không có mang máu Tàu [17]. Theo họ La, người Hẹ có tất cả 5 đợt di tản chính, từ phía Bắc xuống phía Nam:

-  Đợt 1 vào thời Tần Thủy Hoàng, thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên;

-  Đợt 2, cuối đời Đường và đầu đời Tống (thế kỷ 10 sau Công Nguyên);

-  Đợt 3, cuối thời Bắc Tống và bắt đầu thời nhà Minh (thế kỷ 12-14): chạy Mông Cổ;

-  Đợt 4, cuối đời Minh cho đến bắt đầu nhà Mãn Thanh (thế kỷ 17);

-  Đợt 5, khoảng cuối thời nhà Thanh (thế kỷ 19-20), trùng hợp với loạn Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn, một người Hẹ. Đợt 5 này, có lẽ vì dính líu đến nhiều người Hẹ, thuộc đám phiến loạn, đã khiến một số người Hẹ phải phân tán ra khỏi tỉnh Quảng Đông chạy đi nơi khác. 

 

Tuy nhiên như chúng ta sẽ thấy phía sau, La Hương Lâm cũng như hầu hết các học giả Hoa Việt rồi đến Âu Mỹ, theo thiển ý, đều có vẻ bỏ sót hoặc đã vô tình lướt qua những cuộc di tản rầm rộ xảy ra vào thời binh lửa của Xuân Thu Chiến Quốc, rồi Hán Sở tranh hùng, diễn biến ngay tại địa bàn nguyên thủy của người Hẹ, và đám rợ Bộc Việt hay Bách Bộc, trong suốt 6-7 trăm năm trước Công Nguyên. Gần đây, LaPolla [7] có thu thập một bảng kết toán di dân khắp nơi tại Trung Quốc qua các thời đại. Theo đó cuộc di dân sớm nhất là do ở người Bách Việt, thiên cư về Nam từ miền lưu vực sông Vị ở tỉnh Thiểm Tây vào thế kỷ 7 trước Công Nguyên.

 

Một kiểm chứng khoa học tường trình trên mạng internet lại đưa mọi người đến lộn xộn mới. Đó là kiểm chứng về di truyền thể DNA. Theo đó, DNA của người Hẹ không giống, hoặc cùng thứ với người Hoa ở phía Bắc, mà lại cùng loại với dân Hoa Nam [16]. Kết quả có vẻ ngược đời này thật ra rất thích hợp với lý giải của chúng tôi ở đây. Bởi người Hẹ chỉ có thể là Yueh (Việt) tộc bị 'lạc loài' ở phương Bắc từ thời xa xưa, nên mới có DNA giống DNA của dân Hoa Nam, thuộc khối Bách Yueh (Việt) cũ. Nay người Hẹ về Hoa Nam hội nhập với đồng chủng của họ (như người Chiết Giang, Phúc Kiến, Triều Châu, v.v.), nên kiểm chứng DNA dễ bị nhầm rằng họ ngày xưa xuất phát từ Hoa Nam, bởi họ có DNA y như dân Hoa Nam. Thật ra DNA của người Hẹ giống như DNA dân Hoa Nam từ 5000 năm trước. Ở thời xa xưa, họ còn sinh sống ở Hoa Bắc với một số tên khác người chủng Hoa đã đặt cho họ. Đó là nhóm Bách Bộc hay Bộc Việt, hoặc đám rợ Đông Yi, hoặc Lai Yi. Hay cũng có thể có liên hệ bà con với nhóm Bắc Địch từ phương cực Bắc. Hoặc đó là thị tộc Việt Thường với con chim Trĩ, hay khối Lạc Việt, với chữ Lạc viết theo bộ Trãi (quan thoại phát âm /zhi/ giống phát âm chỉ chim 'Trĩ') [20], y như Lạc trong họ của Lạc Long Quân.  

 

Sau đây chúng ta sẽ truy tầm thêm những chứng liệu khác dùng để minh giải một đẳng thức hết sức quan trọng, mà gần như tất cả học giả hay nhà khoa học từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim thường xuyên bỏ sót. Đẳng thức đó là:

 

Việt Thường = Bộc Việt (thuộc Bách Bộc) = Lạc Việt (Trãi) = HẸ (Hakka) (1)

 

Đẳng thức (1) này thuộc một phần Đẳng thức chính (2), cốt lõi của loạt bài này:

 

Việt (Nam) = Âu Việt + Lạc Việt // Môn-Khmer+Polynesian +Negrito & Melanesian (2)

 

Tức người Việt Nam biến thân từ hợp chủng giữa tộc Âu Việt (Thái-cổ) và Lạc Việt (Việt-cổ) trên nền tảng hai chủng Môn và Khmer, và khối Đa-Đảo Polynesians. (Dấu // ở đây mang nghĩa: ‘trên nền tảng’ hay ‘có hạ tầng’). Tộc Hẹ hay Bộc Việt hoặc Việt Thường, ở đẳng thức Hakka (Hẹ) (1) phía trên, là một chi tộc quan trọng thuộc tộc Lạc Việt, tức chủng Việt-cổ.

 

Trước hết như phía trên đã đề cập, tất cả những diễn viên trên sân khấu lục địa Trung Hoa vào thời Đông Châu Liệt Quốc hay sớm hơn nữa, đều còn đầy đủ hậu duệ tồn tại đến ngày nay. Thí dụ, đám rợ Lạc Chuy, Khương (còn mang tên Tây Nhung hay Khuyển Nhung) tiến về Nam trở thành dân Môn-KhờMe, và một số đông dân tộc ít người tại Nam Trung quốc và khắp miền Đông Nam Á ngày nay. Cùng chủng với người Môn là người Myanmar, tức Miến Điện ngày nay. Còn tộc Khmer ban đầu di tản sang chiếm nhiều địa bàn ở Đông Dương, kể cả Bắc bộ và Lào, nhưng về sau nhượng Lào lại cho thị tộc Ai Lao từ khu Vân Nam. Cư dân nước Sở, Thục và Tây Âu, tức các nhóm Âu hay Thái cổ, trở thành vô số khối người dân tộc ở Hoa Nam, đặc biệt người Choang ở Quảng Tây, người Nùng, Mường, Tày, Thái,.... Họ cũng đã hợp chủng với các nhóm Lạc Việt tạo nên người Việt Nam, trên lớp người bản địa sẵn có từ lâu là tộc Môn và Khmer. Người Thái-cổ  tại Vân Nam trở  thành người Lào, người Thái Lan ngày nay, sau những đợt khủng bố  của quân Mông Cổ  tại Vân Nam vào thế kỷ 13. Người Miao tức Hmong, với thánh tổ là Xy Vưu, được người Triều Tiên nhìn nhận một trong những tộc chủ lực tạo nên dân tộc Hàn.

 

Thế còn người Bộc Việt thuộc khối Bách Bộc thì sao? Chỉ có một trong hai: Hoặc họ có hậu duệ còn tồn tại, hoặc họ đã bị biến đi đâu mất tiêu. Thế đặc tính cổ thời của nhóm Bộc này ra sao? Vài ba điểm nổi bật. Họ là đám dân du mục khét tiếng, có mặt trên nhiều chiến trường ở thời Đông Châu Liệt Quốc [18]. Có lúc họ lãnh đạo một khối liên minh các bộ tộc thuộc chủng Yueh (Việt) để đương đầu với 'chính quyền' nước Sở [5], một nước rất hung hăng chuyên đàn áp các đám rợ, đa số thuộc chủng Yueh, trong và ngoài nước. Rất có khả năng, họ chính là thị tộc Việt Thường, ngày trước đã cử 'đại sứ đặc mệnh và toàn quyền' đem con chim Trĩ đến tặng vua nhà Châu để giao hảo làm quen. Địa bàn nguyên thủy người Bộc ở phía Bắc nước Tàu, gần gũi với Hoa tộc khu bình nguyên sông Hoàng Hà. Bởi là dân du mục họ có khuynh hướng 'nay đây mai đó' [18], và di tản rất sớm đến vùng phía Đông và phía Nam nước Sở. Đối với dân thuộc tộc Âu tức Thái cổ, mà người Tàu thường gọi Yue, dân Bộc dễ bị sức thu hút như nam châm. Thư tịch cổ của Tàu, cũng như các tài liệu trên internet cho thấy người Bộc (Pu) thường có mặt tại các khu đông người Thái-cổ và người Miao (Hmong) như: Giang Tây, Tứ Xuyên, Quí Châu, Vân Nam, Quảng Tây, và Quảng Đông. 

 

Còn người Hẹ? Hẹ là tiếng gọi tắt của Haagga theo tiếng Hẹ, Ke Jia theo quan thoại, hoặc Hakka theo Quảng Đông. 'Ke Jia' đọc theo quốc ngữ là 'Khách Gia' tức 'người khách', người từ phương xa đến tạm trú, chứ không phải người bản địa có địa bàn cổ ở chính nơi đó. Họ cũng là một tộc dựa vào thế du mục, không chịu Hán hoá dữ dội như dân Chiết Giang, Thượng Hải hay Quảng Đông. Cũng bởi họ là dân du mục với số dân khá đông, nên ngày nay họ mang tiếng là khối người dân tộc du mục 'nổi bật nhất', hay người Jo Thái, của Trung quốc, mặc dù từ thế kỷ 17-20 họ di tản ra khỏi nước thường hơn là đi đến một địa điểm khác trong nước Tàu. Bởi người Hẹ có gốc du mục, nên ít ai chịu khó truy về cội nguồn ban đầu. Chính họ có lẽ cũng không nhớ rõ. Nhưng đa số nhìn nhận họ xuất xứ từ phương Bắc miệt sông Hoàng Hà. Từ đó rất dễ lầm lẫn họ là thứ Hán tộc thuần túy. Cũng giống như đám Bách Bộc, họ chiến đấu rất can cường và đã từng đối kháng với quân Mông Cổ, quân Mãn Thanh trong những lần các đám rợ này xâm chiếm nước Tàu. Lại giống như người Bộc, người Hẹ có vẻ dư thừa khả năng lãnh đạo. Chủng Hẹ sản xuất ra nhiều nhà lãnh đạo, những tài năng xuất chúng của thế kỉ 20 (Đặng Tiểu Bình, Lee Kwan Yew, Chou Yun Fat, Han Suyin). Nhiều trang mạng hãnh diện phô trương chính quyền Singapore luôn luôn được lèo lái bởi ê-kíp người Hẹ. Bởi là giống dân mang gốc du mục, người Hẹ mang nhiều tính giống các sắc dân du mục khác trên thế giới. Trong đó việc kiến trúc các đền đài lớn luôn luôn được trì hoãn vô hạn định. Ở điểm này, ta có thể để ý nếu so sánh các đền đài tại Việt Nam và các nước lân cận như Kam-pu-chia, Thái Lan, v.v., gia sản kiến trúc do tiền nhân nước Nam để lại, có vẻ rất nghèo nàn. 

 

Ở phương diện chôn cất người chết, tài liệu internet cho biết người Khương (rợ Khương Nhung), cùng tộc với Môn-Khờme, ngày trước có tục lệ hoả táng. Người Chăm ngày xưa cũng vậy. Nhưng người Bộc, Hẹ, và Thái-cổ không có tục hoả táng này. Ở xứ Việt-cổ, những công cuộc khai quật cho biết có chừng 4 lối mai táng chôn cất khác nhau [25]. Theo thiển ý, chúng ta có thể liên kết cách thức mai táng với tập tục của chủng tộc rồi suy ra chủng nào có mặt tại xứ Việt cổ vào khoảng niên đại nào.

 

1.       Chôn kiểu bó gối, tứ chi co quắp. Rất có thể thuộc tộc Thái-cổ và nhóm Đa đảo Polynesians/Melanesians, tìm thấy tại các khu vực nhiều chủng Thái-cổ bên Tàu và ở các hải đảo Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, nhiều mộ đã được trét thêm đất đỏ (thổ chu), rất giống kiểu người Thái-cổ ở vùng đất đỏ Tứ Xuyên, tức ‘nước’ Thục cũ. Mộ bó gối tại Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, khu Hoà Bình (trên 65% dân người Mường) mang niên đại 17 ngàn năm trước Công Nguyên.

2.       Mộ vò, tức xương người chết tìm thấy trong vò (còn gọi: 'lu' hay 'chum') có nấp đậy đàng hoàng. Thông thường, xương trẻ em nhiều hơn xương người lớn. Tra cứu trên internet (xem: burial jar) cho thấy tập tục này thường đi đôi với lối chôn 2 lần. Theo đó, sau khi chôn lần đầu một thời gian, người thân thu nhặt hài cốt người chết, rồi sắp xếp lại cho vào trong một cái vò ('hũ' hay 'chum') bằng đất nung, rồi mai táng lại thêm một lần nữa. Tập tục chôn mộ vò có mặt tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt Trung Hoa và Đông Nam Á (nổi tiếng nhất: Palawan, Phi-líp-pin), kể luôn các hải đảo. Theo thiển ý, đây cũng là tập tục của người Môn [27], tiền thân người Myanmar (Miến Điện), thuộc nhóm Môn-Khmer tầng lớp cơ bản và lâu đời nhất ở bán đảo Đông Dương, Thái Lan và Myanmar. Cũng có thể Yueh chi Lạc (Lạc Việt) ở khu vực Chiết Giang, Giang Tô và Phúc Kiến. Tại Việt Nam, mộ vò được tìm thấy ở khu Nghệ Tĩnh, có niên đại cỡ năm 2000 TCN. Ở Trung quốc, khu vực Ngưỡng Thiều vào khoảng đời Đông Chu (770-222 TCN).

3.       Mộ thuyền trong đất cạn: Cái hòm làm từ thân cây lớn, đục rỗng theo hình chiếc thuyền. Được trình bày ở nhiều trang web trên mạng. Rất ‘phổ biến’ tại phía Tây nước Sở, khu Tứ Xuyên, tức ‘nước' Thục  xưa. Tìm thấy ở Hà Sơn Bình, vài trăm năm trước Công Nguyên. Theo thiển ý, mộ thuyền là tập tục mai táng của chủng Thái-cổ. Chủng Thái-cổ di dân đến xứ Việt-cổ bằng nhiều đợt, và đợt ‘mộ thuyền’ là đợt thời Xuân Thu Chiến quốc.

4.       Mộ nằm thẳng, thường thường nằm ngửa, như hiện nay. Lối mộ này phổ biến nhất trong tộc Hoa từ ngàn xưa. Tìm thấy tại Việt Nam ở các địa điểm: Núi Nấp, Quỳnh Chữ, Đông Sơn, vào niên đại khoảng năm 500 TCN, tức cực điểm thời Xuân Thu Chiến Quốc pên Tàu. Theo thiển ý mộ táng kiểu này là ở đám Lạc Việt từng sống gần gũi chủng Hoa bên sông Hoàng Hà. Họ đã cóp cách mai táng tộc Hoa và đem sang xứ Việt cổ trên bước đường di tản chung với các chủng khác, đặc biệt Thái-cổ.

 

Tóm tắt, thuở cổ thời hai nhóm Môn-Khmer có mặt tại xứ Việt cổ sớm nhất. Tộc Khương (tức Khmer về sau) có tập tục hoả táng nên không, hay rất ít, để lại dấu vết. Tộc Môn, Thái cổ và một số tộc đa đảo (Polynesians) có lối chôn kiểu bó gối và kiểu mộ vò. Họ cũng có mặt tại xứ Việt cổ rất sớm. Riêng các nhóm Thái cổ đến xứ Việt bằng nhiều đợt, cách nhau cả trăm năm. Các đợt sau cùng xảy ra vào thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu khi các nước chứa nhiều chủng Yueh, chi Thái, như Thục, Sở, Tây Âu bị giải thể. Trong các đợt sau cùng đó, trong vòng 500-600 năm trước Công Nguyên, trong các nhóm Thái cổ, có các đám Miao (Hmong) và Lạc Việt. Lạc Việt bao gồm các nhóm Bộc Việt, Ngô-Việt (Câu Tiễn-Tây Thi), và Mân Việt (Phúc Kiến). Đặc biệt, nhóm Bộc Việt hay Bách Bộc là một nhóm du mục xuất xứ từ khu bình nguyên các sông Bộc, sông Vị, và Hoàng Hà. Địa bàn nguyên thủy của họ rất gần với các nơi định cư ban đầu của tộc Hoa, ở phía Bắc nước Tàu. Họ có kinh nghiệm giao tác với người Hoa nhất. Và chính họ đã đem lối mai táng nằm ngửa, bắt chước từ người Hoa, đến xứ Việt cổ.

 

Người Bộc Việt có một quá khứ, có lẽ oai hùng nhất nhì trong các đám rợ Việt. Ngang ngửa với tộc Âu, tức chủng Thái cổ. Họ chính là một trong những nhóm người Hoa ưa gọi: Lạc Việt, hãy còn hậu duệ tồn tại đến ngày nay. Và nếu vậy chỉ có dân Hẹ là ứng viên duy nhất có thể vào chung kết là hậu duệ của đám Bộc Việt hay Bách Bộc, xưa có địa bàn chung quanh sông Hoàng Hà.

 

Chúng ta hãy quan sát tiếp những chi tiết lý thú khác, chung quanh ngôn ngữ, để minh giải đẳng thức nòng cốt của loạt bài này, đã ghi phía trên:

 

Việt Nam = Thái-cổ + Việt-cổ // Môn-Khmer và Đa-đảo với Nê-gri-tô   {2}

 

Và người Hakka (Hẹ) chính là thành phần chủ lực của khối Việt-cổ trong đẳng thức đó.

 

Tuy nhiên, khuôn khổ bài có hạn, chúng tôi xin phép dời phần so sánh tiếng Hẹ và tiếng Việt đến một bài kế tiếp. Ở đây chỉ xin điểm qua: Chúng ta & Chúng tôi

 

Trong loạt bài 'Từ chữ Nôm đến quốc ngữ', chúng tôi có lưu ý phân biệt giữa 'Chúng ta' và 'Chúng tôi' và cho rằng rất ít ngôn ngữ có phân biệt kiểu này [26]. Thử để ý:

 

-   Chúng tôi vừa mới đi ăn phở ở Bankstown về.

và:

-   Bây giờ chúng ta ra Bankstown ăn phở chứ?

 

Bất cứ người Việt nào cũng đều thấy rõ, 'chúng tôi' ở câu trên không có bao gồm người 'nghe' câu nói đó. Tức trong nhóm người có mặt tại đó, sẽ có ít lắm một người bụng hãy còn đói bởi chưa có đi ăn phở. Ở câu sau, 'chúng ta' bao hàm tất cả mọi người có mặt. Nếu đi ăn phở, có vẻ tất cả sẽ cùng nhau đi.

 

Rất ít ngôn ngữ có hai thứ từ khác nhau phân biệt hai 'đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều', một 'bao gồm', một 'phân cách', như tiếng Việt. Đa số vẫn dùng một 'đại từ', thí dụ như WE trong tiếng Anh, NOUS trong tiếng Tây, cho cả hai trường hợp.

 

LaPolla [7] dẫn Mantaro Hashimoto, cho rằng tiếng Tàu quan thoại ở phía cực Bắc, chịu nhiều ảnh hưởng nhóm ngôn ngữ Altai (bao gồm tiếng Hàn, Mãn, Mông, Tungesic), nên có hai đại từ khác nhau cho hai trường hợp 'bao gồm' và 'phân cách'. Bởi nước Tàu, đặc biệt phía cực Bắc, trong lịch sử đã tiếp cận thường xuyên với các tộc người có ngôn ngữ thuộc nhóm Altai, bên kia biên giới phương Bắc, và nhiều thế kỷ lâm vào thế bị chiếm đóng bởi các tộc này. Tra cứu một quyển từ điển Hoa-Việt, chúng ta thấy:

 

Chúng ta = zan men (qt) =  

Chúng tôi = wo men (qt) = .

(Để ý: /ta/ có âm khá giống như /zan/ ở phát âm quan thoại)

 

Chúng tôi kiểm chứng với một vài bằng hữu người Chiết Giang, Thượng Hải, Hồ Nam và Quảng Đông, và tất cả xác nhận rằng:

-  Phân biệt 'chúng ta - chúng tôi' không có trong các phương ngữ phía Nam, và

-  Cũng không có, ngay cả trong tiếng Quan thoại (phổ thông) xử dụng ở miền Hoa Nam

-  Phân biệt đó chỉ có ở phía cực Bắc, bắc sông Hoàng Hà và chung quanh Bắc Kinh

Kiểm chứng với tiếng Hẹ (Hakka), chúng ta thấy có một sự phân biệt tương tự giữa 'chúng ta - chúng tôi', như sau:

 

Chúng ta = 'za' hay 'zam' (Hakka)  (bao gồm cả người nói lẫn người nghe)

Chúng tôi = Ngai-teu (phân cách với một hoặc nhiều người nghe)

 

Như vậy, 'chúng tôi' đã được dịp hân hạnh trình bày cho 'chúng ta' thấy rõ có một sợi giây liên hệ giữa Việt ngữ và phương ngữ Hakka (Hẹ) cùng với thứ tiếng Quan thoại được xử dụng ở miền cực Bắc, trong cách phân biệt giữa 'chúng ta' và 'chúng tôi'.

 

Chúng ta có thể để ý những điểm khác như sau:

-   Trong tiếng Triều Tiên (thuộc nhóm ngữ Altai), chúng ta = /xam/  & chúng tôi = /A/. Mang phân biệt giữa 'chúng ta' (bao gồm) và 'chúng tôi' (phân cách).

-   Trong tiếng Hakka (Hẹ) đại từ ngôi 1, tức 'Tôi' hay 'chúng tôi', là 'Ngai', còn có thể phát âm 'Ai'. Tiếng Hẹ /Ai/ rất giống phát âm tiếng Triều Tiên /A/ và chính là 'Ai' trong Việt ngữ: "Ai ở ngoài cửa đó?'. Tương tự như chữ 'Nong' trong tiếng Yueh (Chiết Giang) chỉ đại từ ngôi 2, tức 'You' tiếng Anh, được dời sang ngôi 3 trong tiếng Việt thành 'Nó', 'Ai' nguyên thủy trong tiếng Việt mang nghĩa 'Tôi', 'chúng tôi', được chuyển sang ngôi 3 cho câu nghi vấn: - Ai đã lấy điện thoại di động của tôi? ĐÁP: - Ai biết đâu. (Xem [22]).

-   'Tôi' trong Việt ngữ có thể xuất phát từ 'tjano' (Miến), 'teu' (Hẹ: ngai-teu => chúng tôi)

-   'Chúng' trong 'chúng tôi' có bà con gần với nhóm ngôn ngữ thuộc khối Môn-Khmer hoặc khối Tạng-Miến (Tây Tạng + Miến Điện): Có thể biến dạng từ Yiung (tiếng Khmer) chỉ 'chúng tôi', hay 'Chi' (= chúng) trong một ngôn ngữ thuộc nhóm Tạng-Miến: 'Chi-mi' => chúng mi, chúng mầy => 'You'.

-  'Ta' có lẽ liên hệ nhiều với nhóm ngữ phía Bắc hơn. 'Ta' rất gần với 'zan' quan thoại, 'zam' Hakka, 'zaa' Quảng Đông, và 'tachi' tiếng Nhật. 'Chúng ta' = watashi-tachi tiếng Nhật.

-  'WaTashi' (hay [watakushi])= ta, tôi - tiếng Nhật - bà con với 'ta' tiếng Việt, 'wa' hay 'goa' tiếng Phúc Kiến, 'qua' phát âm Nam Bộ do kí âm quốc-ngữ, 'wa' tiếng Mường, 'kwa' tiếng Môn-Khmer.

 

TÓM TẮT

 

Hầu hết người Việt đều biết đến câu ca dao:

 

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

 

Qua loạt bài này chúng ta đã bắt đầu thấy rõ vấn đề 'giống', hay đúng hơn hợp giống, là vấn đề cốt lõi của tộc người Việt Nam. Trước và trên hết, câu nói duy nhất Lạc Long Quân đã thốt ra khi chia tay với Âu Cơ: 'Nàng là giống tiên, ta là giống rồng', đã chứa trọn cái từ chính yếu 'Giống'. Câu ca dao 'bầu-bí' ở trên cũng đề cập đến chuyện 'giống', hay đúng hơn: 'khác giống' đó.

 

Như vậy chuyện Âu Cơ có thể được phối hợp với ca dao bầu-bí, dùng để hỗ trợ cho đẳng thức số (2) phiá trên nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, như sau: 'Cây bầu (Lạc) và cây bí (Âu) đã được trồng tại một thửa đất và leo trên chung một zàn (Môn-Khmer)'.

 

Qua chứng minh sơ khởi rằng người Hẹ chính là người Bộc Việt ở thời Đông Chu, chúng ta đã dựa vào nhiều chứng cớ, từ cổ sử, điển tích đến nhân chủng học đại cương, v.v. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta đã dựa vào lối suy luận rất bình dân: 'Nếu chủng Bộc Việt là một trong những diễn viên của sân khấu Đông Chu Liệt Quốc, và nếu gần như tất cả những diễn viên sân khấu đó đều có hậu duệ tồn tại đến ngày nay, tộc Bộc Việt đó chắc chắn phải có hậu zuệ'. Đa số các tộc thuộc nhóm Bai Yue (Bách Việt) đó đều, một phần ở lại nước Tàu để hội nhập trở thành người Hoa (Nam), hay thành người dân tộc, một phần, 'vượt biên' di tản ra khỏi nước Tàu đến vùng đất khác gầy dựng nên nhóm thị tộc rồi về sau trở thành quốc gia.

 

Người zu mục Bách Bộc, theo giả thuyết ở đây, zi tản thành nhiều đợt ra khỏi vùng Hoa Bắc. Một số đi khá sớm, rồi hoà nhập với các sắc tộc khác ở vùng Quý Châu, Vân Nam trở thành những nhóm người dân tộc chủng Yue, đặc biệt nhóm Bộc (Pu). Một nhóm khác lẫn lộn với đám Âu, và những đám Lạc khác như Ngô-Việt, Mân Việt chạy sang xứ Việt cổ, địa bàn ban đầu của các chủng Môn-Khmer, Đa đảo và Nê-gri-tô, tạo nên xứ Việt cổ, thường gọi Văn Lang hay Âu Lạc. Đám cuối cùng còn kẹt lại, tử thủ, chung đụng với Hoa tộc ở phía Bắc một thời gian khá dài lâu, nhưng vẫn giữ bản sắc Yueh tộc, chi Lạc bộ Trãi. Nhiều thế kỷ sau, nhóm người này cuối cùng đành phải theo vết chân người xưa, di chuyển địa bàn du mục về phía Nam. Với tính cố cựu giữ vững bản chất sắc tộc tại các địa bàn tạm cư mới, họ được gọi: Ke jia, tức Khách Gia, tức Haagga, hay Hakka. Nôm na chính là người HẸ.

 

Trong bài tới chúng tôi sẽ tiếp tục truy tầm thêm các chứng tích khác, nhất là các tài liệu ngôn ngữ, để minh giải hai đẳng thức nòng cốt phiá trên. Đặc biệt, người Hẹ và tộc Lạc Việt, tuy mang tiếng là hai, nhưng thật ra chỉ là một thứ với nhau.

 

Tháng 6, 2005

NN

 

Ghi Chú

 

[1] http://www.kimsoft.com/2004/go-chosun.htm

[2] Cổ sử Tàu cho biết có 9 nhóm Lê (Cửu Lê), mỗi nhóm có 9 chi tộc. Tổng cộng tất cả có 81 (= 9 x 9) bộ lạc Lê khác nhau. Để ý, một lần nữa, người Tàu rất thích con số 9 và số 81. Theo viện dẫn trong một số bài trước (thí dụ [3]), người Hoa trong thời huyền sử có thể đã xử dụng hệ thống đếm theo cơ bản số 9, y hệt như người Mường cho đến giữa thế kỷ 20 [4]. Trong hệ đếm theo số 9, người ta đếm từ 0, 1, 2, ... cho đến 9 thì quay trở lại đếm tiếp theo bằng 9+1, 9+2, 9+3,... Số 18 chính là 2 lần 9, tức 29 (đọc hai-chín) trong hệ đếm số 9. Trong hệ đếm số 10, 2 lần số hệ, tức 2 lần 10, ta gọi 20, Hai chục. Có thể thấy, chữ 'chục' có vẻ có âm vận rất gần với 'chín'. Ngoài ra 100 (Bách) trong hệ đếm số 9 tức là 9x9 = 81. Người Tàu do đó có thể gọi tất cả các nhóm Lê bằng khối Bách Lê, trong hệ 9 chính là 81 nhóm Lê. Y hệt như họ đã gọi Bách Việt, Bách Bộc, v.v. Bách Việt, Bách Bộc như vậy trong hệ số 9 của thời huyền sử, mang nghĩa 81 nhóm Việt, 81 nhóm Bộc, tức một con số lớn mà thôi. Bách = 81 = một con số thật lớn, họ không đếm rõ.

[3] Nguyên Nguyên (2004) 18 đời vua Hùng Vương: Một ý niệm về liên tục. Xem khoahoc.net, viendu.com, aihưucongchanh.com, petruskylhp.org,...

[4] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mương – Géographie Humaine et Sociologie. Institut d’Ethnographie. Paris

[5] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu, tái bản tại Hoa Kỳ.

[6] Vũ Thế Ngọc (1989) Nghiên cứu chữ Hán và tiếng Hán Việt. East-West Institute.

[7] Randy J. LaPolla (2000) The role of migration and language contact in the development of the Sino-Tibetan language family. IN: Areal Diffusion and Genetic Inheritance: Case Studies in Language Change. Ed. by R.M.W. Dixon & A.Y. Aikhenvald. Oxford University Press

[8] Đặng Nghiêm Vạn (2003) Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. Nxb Đại Học Quốc Gia TPHCM.

[9] Hoàng Thị Châu (1969) Nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ. Nghiên cứu lịch sử 120. pp.37-48.

[10] Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi và Hoàng Hưng (1973) Thời đại Hùng Vương. Nxb Khoa Học Xã Hội.

[11] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM.

[12] Ngô Sĩ Liên và cộng sự (1497). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thanh Việt và Phạm Ngọc Luật  hiệu đính theo bản dịch của Đào Duy Anh. Nxb Văn Hoá Thông Tin (2004). Bản của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam được trình bày đầy đủ trên mạng internet: perso.wanadoo.fr/charite

[13] 'Người' có thể xuất xứ từ 'Ngin' tiếng Hẹ. 'Ngin' cũng có thể là gốc chung của các từ của nhiều nhóm người dân tộc mang âm 'Ngài', với nghĩa 'Người' (xin xem: 'Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang'). 'Ngài' trong Việt ngữ về sau biến đổi ý nghĩa, thành 'danh xưng' với sự kính trọng.

[14] Chúng ta có thể suy luận rất dễ người xứ Trịnh và Vệ thuộc giống 'rợ' chứ không phải Hán tộc. Bởi họ dùng nhưng nơi công cộng như bờ sông Bộc hoặc ruộng dâu để tư tình với nhau. Người Hoa thời đó đã phát triển một nền văn hoá khá khác biệt với các đám rợ tại Trung nguyên. Và họ thường nhanh nhẩu chụp mũ 'rợ' cho những nhóm người có hành vi khác với họ, đặc biệt về các chuyện Sex và phòng the. Việc chụp mũ, hay phân biệt ‘rợ‘ dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có chuyện Sex, mà người Hoa ưa gán các chủng khác bằng miêu tả ‘dâm bôn’. Vấn đề Sex ở sông Bộc còn được ghi chép ở một ngạn ngữ khác: 'Bộc thượng chi âm', ngụ ý chê âm nhạc dâm đãng những đám rợ ưa chơi bên bờ sông Bộc. Có lẽ bởi họ kiêng kị về Sex ở chốn công cộng và có nhiều taboo khác về Sex, nên khi Khổng Tử ở nước Lỗ 'sáng tác' ra Nho giáo, và bày các thứ cấm đoán lỉnh kỉnh về Sex, cho chủng Hoa, ông ta được nhiệt liệt hoan nghênh, không mấy chốc trở thành Vạn Thế Sư Biểu. 

[15] Hai món ăn phổ thông của người Hẹ vẫn thường thấy tại Việt Nam là: Món cháo gà và món đậu phụ (tàu hủ) dồn thịt chiên. Tài tử Châu Nhuận Phát (phim Ngọa Hổ Tàng Long của Ang Lee), cũng như nhà văn Han Suyin (Hàn Tố Âm) đều là người Hẹ.

[16] http://www.asiawind.com/hakka/

[17] L. Sagart (2001) Gan, Hakka and the formation of Chinese dialects. Centre de Recherches Linguistiques sur l'Asie Orientale. Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (UMR 8563 du CNRS), Paris - France.

[18] Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm & Chu Chính Thư (2002) Mưu Trí thời Xuân Thu. (Ông Văn Tùng & Vũ Ngọc Quỳnh dịch). Nxb Văn Nghệ, TP HCM

[19] Chuyện một số sắc dân di tản từng đợt cách nhau vài chục hay vài trăm năm, xuất phát từ những bộ lạc khác nhau, tuy cùng một tộc người, vẫn thường gây lộn xộn khắp nơi. Khi truy cập mạng chúng ta sẽ thấy người Hoa miêu tả người Pu (Bộc), Qiang (Khương), Yi (Di), Hmong-Yao (Miêu-Dao), v.v., rất lộn xộn, và bằng nhiều tên khác nhau. Bởi có thể họ thuộc những đợt di tản cách nhau hằng trăm năm và xuất xứ từ các bộ lạc khác nhau. Tại Việt Nam, cho đến ngày nay giới thẩm quyền vẫn chưa minh giải được người Mường thuộc chủng nào và từ đâu tới. Đa số ưa gộp Việt-Mường với nhau thành một khối. Theo thiển ý, người Mường chính là hậu duệ của khối Thái cổ di dân sang Việt cổ, trước hay cùng lúc với nhóm Môn-Khmer, nhưng rất sớm và bằng nhiều đợt. Một trong những đợt sau cùng chính là đám dân quân theo Thục Phán, thuộc chủng Thái-cổ (Âu), đến xứ Việt-cổ, cùng với các đám Việt tộc khác (Lạc). Chủng tộc gốc của họ giống y như những đợt di dân Thái-cổ ở các thế kỷ sau như: Nùng (Choang ở Quảng Tây, tức Tây Âu xưa), Tày, Thái trắng, Thái đen, v.v. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này, một yịp khác.

[20] Lạc bộ Trãi có chữ Trãi  (còn gọi Trĩ, quan thoại: 'zhi'), mang nghĩa con sâu không có chân. Sâu có chân gọi 'Trùng'. Chữ  'Trãi'còn có nghĩa con thú hoang đường giống con dê có sừng.

[21] Người ‘She’ cũng có gốc zu mục. Họ thờ cúng tổ tiên. Nhưng khác với Hẹ họ mang thói quen của một số nhóm người dân tộc tại Trung Hoa, thường gọi ‘slash & burn’, tạm dịch 'Đốn & Đốt'. Tức sau khi thu hoạch được hoa mùa, họ cắt đốn cây cối rồi châm lửa đốt tiêu hết trước khi dọn đi nơi khác. Đặc biệt, nguời She kiêng kị không ăn thịt ...cầy (chó).

[22] Nguyên Nguyên (2005) Phải chăng người Việt cổ đã biết tiếng Anh: I= Ai= Tôi. talawas.org, aihưucongchanh.com.

[23] Từ điển Hakka trên mạng: sungwh.freeserve.co.uk/sapienti/hdindexc.htm

[24] Charles Hamblin (1988) Languages of Asia & The Pacific. Angus & Robertson

[25] Cung Đình Thanh (2003) Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học. Nxb Tư Tưởng (Sydney)

[26] Thật ra các ngôn ngữ khác thỉnh thoảng cũng có cách phân biệt ‘chúng ta & chúng tôi’, nhưng không dùng từ khác. Thí dụ tiếng Anh ưa kèm theo ‘all’ để chỉ ‘bao gồm’:

-          Shall we all go to Bankstown to have some Beef Noodle? Chúng ta đi Bankstown ăn phở chứ?

-          The PM’s decision will affect us all: Quyết định của thủ tướng sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

[27] Người Khasi ở khu vực Miến Điện-Ấn Độ, nói tiếng Môn-Khmer có tục mộ vò:

http://www.hoklo.org/YuetCulture/Articles/?item=3

 

 

 

 

Nguyên Nguyên