Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương (17):

PHẦN II: Nhận diện người Việt cổ

 Nguyên Nguyên

 

Những vị từng say mê Tam Quốc Diễn Nghĩa hoặc Đông Chu Liệt Quốc, hay truyện Tàu xưa nói chung, ngày nay khi đọc lại có thể bắt đầu để ý dấu vết của người Việt cổ (tức Bách Việt) - vẫn thường tản mác đó đây trong các bộ truyện đó. Chìa khoá chính là địa bàn xuất xứ của các nhân vật anh hùng hào kiệt. Đáng để ý nhất: các nước như Sở, Trịnh, Vệ, Ngô, Việt, Thục, cộng với đám du mục Bách Bộc; cũng như các tỉnh lớn ngày nay như: Sơn Đông, Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, và đặc biệt xứ Vân Nam của Đoàn Nam Đế, Đoàn Dự theo truyện chưởng của Kim Dung.

 

Xin đưa ra một thí dụ. Ở đoạn đầu của bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa, người ta có thể để ý đến đám giặc Hoàng Cân (Huang Jin 黄 巾 ), gọi nôm na: loạn Khăn Vàng. Tức nhóm người, đầu bịt khăn màu vàng, dấy quân nổi lên chống lại triều đình nhà Đông Hán vào những năm 184-204, dẫn đến suy xụp toàn diện của nhà Hán vào năm 220. Tiếp đó, nước Tàu lâm vào thế phân tranh tam quốc, rồi nhị quốc (Tấn), thập lục quốc, v.v., hoàn toàn không có chính quyền thống nhất trung ương kéo dài trên 300 năm. 

 

Thế tại sao giặc 'Khăn Vàng' ở cuối đời Hán, có khả năng là một đám Việt tộc? Trước hết, đầu họ quấn khăn. Người Hoa thời xưa ưa phân biệt họ với các đám rợ bằng nhiều hình thái (sẽ chi tiết phía dưới), và trong đó họ để ý Hoa tộc thích đội nón (mũ), trong khi nhiều đám rợ lại ưa quấn khăn. Dù rằng nhiều hoa văn trên trống đồng Đông Sơn cho thấy người Việt cổ cũng có thứ mũ làm bằng lông chim dài. Để ý người Thái, người Khmer và người Việt ngày nay vẫn còn thích chít khăn trên đầu. Đặc biệt thứ 'khăn rằn' người nông dân Khmer và Nam bộ vẫn thường thắt trên đầu. Những vị thích võ Thái, tức Thai kick-boxing, cũng có thể để ý các võ sĩ Thai lúc nào cũng ưa quấn cái khăn trên đầu khi lâm trận đấu Muay Thai.

 

Muay Thai= Võ Thái? Xin phép mở dấu ngoặc, dùng Muay Thai, để nhắc lại phát hiện của lý thuyết ở đây về biến chuyển âm-đầu rất quan trọng trong Việt ngữ, xuất xứ từ các phương ngữ Hoa Nam. Đó là biến chuyển âm [W] ròng quan thoại, (thường thường) thành [V] tiếng Hẹ, cũng thường chuyển sang âm [B] Phúc-Kiến, và đặc biệt biến chuyển ra âm [M] rất thông thường trong tiếng Quảng Đông. Thí dụ:

-  Vấn (hỏi)=> quanthoại [Wen]=> phúckiến (pk) [meng] => Hẹ [mun] => Ngô [vâng] => QĐ [man]. * Tóm tắt:   Vấn <=> Wen <=> Man

-  Vọng (mong) => qt [wang] => pk [bong] {để ý nam-bộ: [byọng]} => qđ/hẹ [mong]. *  Vọng= Mong<=>Wang<=>Bong<=>Mong [21]

-  Vô (không có) => qt [wu] => pk [bo] {nam-bộ: byô} => hẹ [vu / wu] => qđ [mậu]

-  Vô <=> Wu / Vu <=> Bo <=> Mou

-  Vũ (khiêu vũ / múa)=> qt [wu] => pk [bu] => hẹ [vu / wu]=> qđ [mou] => việt [múa]

-  Vũ = Múa <=> Wu / Vu <=> Bu <=> Mou

-  Vạn (=10000, Muôn)=> qt [wan] => pk [ban] => hẹ [van] => qđ [maan] {=> muôn}

-  Vạn= Muôn(nambộ)<=>Hakka: [Van]<=>QĐ:[Maan]<=>PK: [Ban]

-  Võ (vũ / kung-fu)=> qt [wu]=> pk [bu] => hẹ [vu / wu] => qđ [mou]=> [muay] Thái.

-  Võ (Vũ)<=> Wu / Vu <=> Bu <=> Mou => Muay (Thái) => Muu (Hàn) [1] [21].

 

Đặc biệt để ý, tiếng Quảng Đông có khuynh hướng biến âm, hay đúng hơn, mang âm tương đương, [W] quanthoại ra âm [M]. Từ đó [Wu] (tức 'Võ' nghệ) dễ chuyển thành [Mou] tiếng Quảng Đông (tộc Thái-cổ). Vào thế kỷ 13, người Thái ở khu Nam Chiếu (Vân Nam) chịu không nổi đàn áp của quân Nguyên (Mông Cổ) nên tràn sang vùng đất Lào và Thái Lan ngày nay, rồi thiết lập nên các quốc gia này. Họ mang theo biến chuyển âm [W] quanthoại (tức [V] Hẹ & quốc-ngữ) ra [M] rồi biến [WU shu] (Võ thuật - kick-boxing) thành ra [MUAY] tương đương âm Việt là 'múa' (tức 'vũ')=> Muay Thai = Võ Thái. Các từ tương đương Wu= vũ= võ= bu (pk)= mou (quảng đông)= múa= muay (Thái), một lần nữa cho thấy gốc Hoa Nam của Việt và Thái ngữ. Xin đóng dấu ngoặc.

 

Trở lại câu chuyện giặc Huỳnh Cân trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Lý do thứ nhất gợi nên mối nghi ngờ đám 'Khăn vàng' này mang chủng Việt, chính là cái khăn chít trên đầu họ. Lý do thứ hai: giặc 'Khăn Vàng' (tra internet: Yellow Turban) xuất xứ từ miệt 'Sơn Đông' địa bàn cố hữu của đám rợ Đông Di tức Bách Bộc hay Lạc bộ Trãi. Lý do thứ 3: trước khi tan hàng đám Hoàng Cân này chạy sang khu Thiểm Tây và phối hợp với đám rợ Khương Nhung (tức tiền thân của các nhóm Môn-Khmer) ở Tứ Xuyên.

 

Cũng nên để ý mức độ chính xác (hoặc sai trật) những văn kiện lịch sử của người Hoa lẫn giới học giả Tây phương. Ở đây chính là nhóm chi tiết thứ 4 về đám giặc Khăn Vàng. Rất lộn xộn, do ở lối diễn dịch theo trí hiểu biết của các tác giả đời sau. Đó là tính cách tôn giáo của giặc Khăn Vàng. Theo từ điển bách khoa Internet 'Wikipedia', và nhiều tài liệu khác 'cóp' qua lại với nhau, đám Khăn Vàng thuộc đạo Lão (Taoist). Từ điển Britannica cũng vậy, nhưng có ghi thêm lãnh tụ Trương Giác có tài chữa bệnh ôn dịch bằng 'nước phép'. Đọc lại Tam Quốc Diễn Nghĩa, ta sẽ thấy chi tiết về đạo Lão Trang chỉ thoang thoáng ở chỗ Trương Giác, trước khi dấy quân khởi nghĩa, có cơ duyên gặp một cụ già xưng là Nam Hoa lão tiên, truyền lại cho y quyển sách 'Thái bình yêu thuật'. Hai sự kiện khá tương phản - 'lão tiên' v. 'yêu thuật' - sẽ dễ gây nên khó khăn để có thể kết luận ba anh em họ Trương của đám Hoàng Cân theo đạo Lão Trang. Thật ra cho dù Trương Giác thuộc phái Lão Trang, người tò mò nhưng khắt khe một chút cũng không thể lập tức sắp xếp đám Khăn Vàng vào khối Hán tộc. Bởi việc xác định tôn giáo đám nổi loạn này, dù rằng hoàn toàn xác định, chỉ mới giúp được phần nào cho việc định đoạt thứ chủng tộc của họ. Cái khối vài trăm ngàn người theo 3 anh em nhà họ Trương (Trương Giác, Trương Bảo và Trương Lương), đều chít khăn vàng, rất có khả năng lại thuộc giới nông dân biết rất ít chữ nghĩa. Thêm vào đó, cũng không thấy sử sách xác định được những người theo đạo Lão vào cổ thời có phải chỉ toàn Hoa tộc mà thôi, hay bao gồm luôn cả những người không thuộc tộc Hoa Hạ.

 

Điểm thứ 5 hỗ trợ cho giả thiết giặc Huỳnh Cân có thể thuộc đám Việt tộc du mục, chính là cả nơi xuất xứ (Sơn Đông) và những con đường bôn đào khi họ đại bại, cùng với những địa điểm cuối (Thiểm Tây / Cam Túc / Tứ Xuyên),  rất phù hợp với các nơi chốn di dịch của các nhóm người: Bách Bộc, Miêu tộc và người Hakka (xem phía sau).

 

Trước khi kiểm điểm lại những tiêu chí người Hoa thường dùng để nhận diện các đám 'rợ'  không thuộc tộc Hoa Hạ, xin phép nhấn mạnh một vài điểm sau.

 

Trước hết xin khảo sát 'RỢ'. Tiếng Anh: barbarian. Xuất phát từ tiếng Hy Lạp: 'barbaros' mang nghĩa 'xa lạ', 'dốt nát'. Tiếng Latinh: 'barbaria' => 'nước ngoài'. Cũng có thể mang gốc tiếng Á-Rập: 'barbar', nghĩa: 'cư dân ở Bắc Phi Châu', tức 'dân bên ngoài', hoặc động từ 'barbara' với nghĩa 'nói năng lộn xộn, khó hiểu' [2]. 'Barbara' rất có thể cùng gốc với động từ tiếng 'Tây' 'bavarder', tức nói ba-hoa, bép xép.

 

Người Hoa kiểu cách hơn, như đã đề cập nhiều lần, họ phân biệt 'rợ' theo phương hướng: Tây Nhung, Đông Di, Bắc Địch và Nam Man. Mỗi từ họ mô tả bằng cách viết chữ tượng hình khác nhau. Đại khái:

- Man (Nam): [Man] viết theo lối xưa mang nghĩa 'sự hỗn loạn' trên vùng đất đầy côn trùng và rắn rít. Thông thường dùng để chỉ dân Bách Việt ở Giang Nam, tức phiá Nam Trường Giang hay sông Dương Tử.

- Địch (Bắc): [Di] tượng hình 'con Chó với lông màu đỏ'. Phát âm tiếng Quanthoại cũng có thể y như [He]-2 (thinh số 2: thượng-thinh), ám chỉ đám Bắc Địch có thể bao gồm cả người Hẹ (thường xếp trong nhóm Đông Zi), và người Hẹ có gốc phía cực Bắc sông Hoàng Hà. Âm [He]-2 (tức [Hẹ] hay [Hạc] [14]) cũng chính là âm phát cho chữ , tiếng Việt thường đọc 'Lạc' như họ của Lạc Long Quân. 

- Nhung (Tây): [Rong] với cách viết 'dáo mác dựa trên (áo) giáp'. Dùng để chỉ thành phần nòng cốt: các nhóm Để / Khương. Còn gọi Khuyển Nhung hay Khuyển Tuất.

- Di (Đông): [Yi] tượng hình người cầm cung tên săn thú, chỉ người zu-mục. Đông Di có địa bàn nguyên thủy ở khu Sơn Đông, bao gồm phần chính: các nhóm Bách Bộc,  Miêu tộc (Hmong) và ...Hẹ (Việt).

 

Nói chung hễ một dân tộc nào đã tiến lên đến lối sống 'văn minh' thành thị, họ thường dùng những từ về sau mang nghĩa 'Rợ' để chỉ người 'nước ngoài', hoặc khác tộc với họ. Đặc biệt để ý, thông thường họ chả dám gọi 'người nước ngoài' ở một nước lớn mạnh hơn họ, hoặc trên 'cơ' họ, bằng 'rợ', như đối với những nước khác ngang hàng với họ, hoặc có nền văn minh gốc khác họ, hay lập quốc sau họ, hay dưới 'cơ' họ chút ít.

 

Hiểu như vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nhiều tộc người láng giềng ngày trước, ngoài người Hoa, vẫn dùng các từ mang nghĩa 'man di' để gọi người Việt: - Chăm-pa: Yuavana hay Yuan. - Cam-bốt: Yuồn (cáp-yuồn: khủng bố và giết người Việt). - Thái-Lan: Yuôn. Tất cả những từ này đều có gốc gác ở tiếng Phạn bên Ấn Độ.

 

Thế chữ 'Rợ' quốc-ngữ lấy ở đâu ra? Theo thiển ý, 'rợ' là ký âm quốc-ngữ đặt ra để phiên-âm từ 'dã' trong 'dã man', phát âm theo kiểu người Việt cổ gốc Hakka (Hẹ): [Ra] hay [Za] hoặc [Ya]. Quảng Đông và Quan-thoại đọc như [Ye]. Trong khi PhúcKiến (Mân) và Ngô dùng âm [Y] như [I] mà quốc-ngữ đã dựa theo, đọc [yã] như: [Ia].

 

Điểm thứ hai, chúng ta cần để ý chính là hiểu biết về tộc Việt cổ của bao nhiêu học giả Tây phương lẫn Á Đông từ trước đến giờ thường vẫn lộn xộn, rối nùi với nhau. Với sự khâm phục hãy còn đó, tất cả hiểu biết trong việc nhận diện người (Lạc) Việt cổ, có vẻ như phiến diện hoặc chủ quan, theo kiểu các nhân chứng trong phim Rashomon của Akira Kurosawa, hay 5 người bịt mắt miêu-tả con voi trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Nguyên do chính nằm ở chỗ 'tiền đề' về một khối dân tộc thuần chủng xưa nay vẫn ăn đâu ở đó. Vùng đất đó ngày xửa ngày xưa trống không, không người ở, cho đến lúc bà Âu và ông Lạc kéo một trăm người con trai đến đó sinh sống và lập nên nước Văn Lang (thu hẹp). Tiền đề đó bất chấp mọi đối chiếu với các sự kiện lịch sử cũng như tảng lờ đi thảm kịch ly thân giữa bà Âu và ông Lạc bởi hai người thuộc hai chủng tộc khác nhau. Và cũng không thèm để ý những tộc người nào đã cư ngụ tại đó trước khi hai nhóm Âu và Lạc di dân đến đó. Tiền đề đó cũng rất cứng nhắc và ít khi được cập nhật bởi khám phá mới của khoa học. Thí dụ báo chí gần đây có đăng tải kiểm chứng mt-DNA cho biết người thổ dân Maori ở Tân Tây Lan có gốc gác ở miền Nam Trung Hoa [3]. Những người hoàn toàn đứng ngoài, rất có thể sẽ tự hỏi: 'Nếu Tân Tây Lan xa Hoa Nam đến như vậy mà vẫn có người Bách Việt di dân đến đó, hoặc từ Tân Tây Lan đi ngược trở lên Hoa Nam, thì một xứ lân cận với miền Giang Nam như xứ Việt cổ - không lẽ họ đã không thèm chiếu cố ghé ngang hay sao?'  Tuy vậy, quan trọng hơn hết vẫn là việc rất nhiều học giả đã không để ý đến việc hợp chủng xảy ra tại Văn Lang, rồi An-Nam, giữa 3-4 tộc người hơi khác khác với nhau, trong nhiều thế kỷ trước và sau Công Nguyên. Lý do chính có thể nằm ở chỗ: Người Tàu hoặc đã biết nhưng không có thì giờ đào sâu vấn đề, hoặc hoàn toàn không biết hay không để ý, bởi Trung Hoa từ ngàn xưa vẫn có vấn đề tương tự như vậy nhưng to lớn hơn gấp cả trăm lần. Xin đơn cử một hai thí dụ về lối nhận diện người Việt cổ theo kiểu phiến diện.

 

Thứ nhất, hình như bất cứ người Việt nào cũng biết người Việt cổ có tục nhuộm răng xâm mình. Nhưng thường họ lại cho rằng chỉ có người Việt cổ mới có tục đó. Sự thật, không phải như vậy. Gần như toàn khối Bách Việt, các dân Nam Á và Nam Đảo đều có tục nhuộm răng và xâm mình. Nhất là xâm mình, tiếng 'Hán-Hẹ' gọi Văn Thân. Xâm trán (tức Điêu Đề) cũng vậy. Người Maori ở Tân Tây Lan cũng có xâm mình, xâm trán (điêu đề), và luôn cả 'xâm' mặt. Mặc dù, sau này họ thay thế 'xâm' bằng 'sơn' qua loa cho nó tiện và nhanh - nhất là trong những vụ trình diễn trước quan khách hay ngoại giao đoàn. Tục ăn trầu (betel) và cau (areca), thêm chút thuốc lá và vôi, cũng có đầy dẫy khắp miền Đông Nam Á, và trong mấy chục năm nay, giới y khoa lại liên kết với chứng bệnh ung thư.

 

Thứ hai, nhiều nhà nghiên cứu Việt ưa dẫn các công trình của giáo sư Hoa và Âu Mỹ, liệt kê ra các tiêu chí nhận diện người Việt cổ. Nhưng thường không ngờ những tiêu chí đó lại hết sức phiến diện. Chỉ miêu tả được một hay vài bộ lạc trong hằng trăm bộ lạc Âu hay Lạc Việt khác nhau thuở cổ thời. Hoàn toàn phiến diện và thiếu thốn chính xác khi áp dụng đến người Việtnam (cổ). Thí dụ, bài tường trình rất công phu của Jeffrey Barlow [4] đăng tải đầy đủ trên mạng, đã dẫn những tiêu chí theo Yu Tianjin và cộng sự, dùng nhận diện người Lạc Việt (cổ), tóm tắt như sau:

 

1. Cắt tóc ngắn và xâm mình

2. Nhà xây dựng trên cột hoặc cọc

3. Mặc áo quần váy cụt và ưa chít khăn trên đầu

4. Ưa dùng các thứ trai-sò và động vật vừa ở cạn vừa dưới nước, trong thức ăn

5. Nhổ bớt vài cái răng, thông thường răng hàm trên

6. Đàn ông tham gia giúp đỡ sản phụ trong lúc sinh, và trông coi ấu nhi sau khi sinh

7. Đúc và xử dụng trống đồng, như một nhạc cụ, thể hiện quyền uy, dùng trong việc truyền lệnh và thờ phượng. (Đặc biệt các học  giả đều nhìn nhận khối Lạc Việt ở miền biển Đông không có trống đồng. Có lẽ bởi  miền Đông có ít mỏ đồng so với miền rừng  núi phía trong và miền tây nam.)

8. Dùng xương chim, nhất là xương gà trong việc bói toán

9. Thờ chim, các loại bò sát, động vật vừa ở cạn vừa dưới nước, như vật tổ totem.

 

Phối hợp các tiêu chí văn hoá theo Chen Guojiang và cộng sự, như sau:

1. Tập tục chôn cất trên sườn núi

2. Xử dụng tàu bè rất thành thục và chuyên gia về thủy chiến

3. Đồ gốm và sứ trong trạng thái phôi thai được làm theo dạng cân đối hình học

4. Kỹ thuật thêu dệt được phát triển cao độ.

 

Nếu đọc đi đọc lại những tiêu-chuẩn nhận-diện này một vài lần, ai cũng thấy được chúng không thể nào được áp dụng bất biến cho mọi cuộc nhận diện người Âu hay Lạc Việt (cổ). Sơ sơ, chúng ta thấy:

(a)    Nội chuyện vật-tổ tôtem cũng đã nhức đầu: Liệt kê trên khá rộng rãi, bao gồm gần như đủ thứ: chim chóc, các loại bò sát, động vật 'lưỡng cư'. Chỉ còn thiếu loài súc vật, như dê, nai, chó, ngựa, mà thôi. Thế nhưng, nhiều sách vở cho biết có một số bộ tộc người Di (cũng như người Mông Cổ) thờ con chó như vật tổ [xem bài thứ 15]. Một số bộ tộc người Khương lại dùng con cừu làm totem [5]. Người Lạc Việt ở khu Chiết Giang lại dùng con Heo. Người Choang (Thái-cổ) ở Quảng Tây, bà con gần với người Tày Nùng, lại ưa thờ mặt trăng và có bộ lạc thờ con cóc như totem, v.v.  Tức nói chung, chuyện thờ vật tổ totem, thông thường bị giới hạn ngay ở ranh giới của bộ lạc, hoặc một vài bộ lạc láng giềng mang cùng một thứ tộc chủng. Mỗi thứ bộ lạc thường chọn một totem riêng.

(b)    'Tập tục chôn cất trên sườn núi' cũng rất khó được xem là tập tục chôn cất của tất cả người Âu-Lạc. Thật ra theo vài trang mạng [6] lối chôn xác người chết trên sườn núi cũng được tìm thấy tại những khu định cư người 'Hán' và thông thường chỉ lòng vòng ở những đồi núi bên sông Dương Tử mà thôi. Mặt khác, ở xứ Việt-cổ, những công cuộc khai quật cho biết có chừng 4 lối mai táng chôn cất khác nhau (xem: Cung Đình Thanh [7]), như đã trình bày trong bài thứ 7:

- Chôn kiểu bó gối, tứ chi co quắp. Mộ bó gối tại Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, khu Hoà Bình (65% dân người Mường) mang niên đại 17 ngàn năm trước Công Nguyên.

- Mộ vò, tức xương người chết tìm thấy trong vò (còn gọi 'lu' hay 'chum') có nấp đậy đàng hoàng. Mộ vò được tìm thấy ở khu Nghệ Tĩnh, có niên đại cỡ năm 2000 TCN. Ở Trung quốc, khu vực Ngưỡng Thiều vào khoảng đời Đông Chu (770-222 TCN).

- Mộ thuyền trong đất cạn, tức lối chôn cất trên sườn núi: Cái hòm làm từ thân cây lớn, đục rỗng theo hình chiếc thuyền. Rất ‘phổ biến’ tại phía Tây nước Sở, khu Tứ Xuyên, tức ‘nước' Thục xưa. Tìm thấy ở Hà Sơn Bình, vài trăm năm trước Công Nguyên. Theo thiển ý, mộ thuyền là tập tục mai táng của chủng Thái-cổ. Chủng Thái-cổ di dân đến xứ Việt-cổ bằng nhiều đợt, và đợt ‘mộ thuyền’ là đợt thời Xuân Thu Chiến quốc.

- Mộ nằm thẳng, thường thường nằm ngửa, như hiện nay. Lối mộ này phổ biến nhất trong tộc Hoa từ ngàn xưa. Tìm thấy tại Việt Nam ở các địa điểm: Núi Nấp, Quỳnh Chữ, Đông Sơn, vào niên đại khoảng năm 500 TCN, tức cực điểm thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Theo thiển ý mộ táng kiểu này là ở đám Lạc Việt (đặc biệt nhóm Hẹ của khối Đông Di) từng sống gần gũi chủng Hoa bên sông Hoàng Hà. Họ đã cóp cách mai táng tộc Hoa và đem sang xứ Việt cổ trên bước đường di tản chung với các chủng khác, như Thái-cổ.

 

Ngoài ra, còn có lối hoả táng rất phổ biến với siêu tộc Để - Khương, vẫn thường sống gần gũi với các nhóm Thái-cổ hoặc Lạc Việt ở Hoa Nam. Cũng chính là người Lạc viết theo bộ Khương và Chuy, một trong những nhóm cư dân tối cổ ở Đông Dương. Theo lối hỏa táng, người chết trở về với cát bụi, không còn dấu vết.

 

Vấn đề nhận diện theo kiểu 'một mặt', tức phiến diện, còn kể đến những tiêu chuẩn khá quen thuộc như 'cắt tóc ngắn' (tiễn phát) đã từng gây tranh cãi lôi thôi [8] bởi nhiều hình chạm trên các trống đồng cho thấy người Việt cổ lại để tóc dài, hay mang tóc búi [12], chứ không phải tóc ngắn. Bộ Thủy Kinh Chú [9] cũng xác nhận có nhiều bộ lạc Bách Việt lại thích kiểu tóc dài, chứ không phải tóc ngắn, hớt 'cua'.

 

Ngoài 5 biệt sắc khá phổ biến như: tiễn phát (cắt tóc ngắn), văn thân (xâm mình), tả nhậm (cài vạt áo bên trái), thuận tay trái, nhuộm răng đen, Bình Nguyên Lộc [8] đã dẫn tiêu chuẩn 'búi tóc' theo Lê Chí Thiệp, rồi đặc biệt nhấn mạnh đến biệt sắc 'điêu đề' (tức xâm trán) dựa trên bài thơ 'Chiêu Hồn' của nhà thơ Tống Ngọc - sau thời Khuất Nguyên (332-296 TCN) [10]. Tác giả quyển Mã Lai, với sự kính trọng hãy còn đó, đã cho thấy ông khá lúng túng khi say mê dựa vào loại tiền đề cố hữu cứng nhắc về 'tộc người thuần chủng'.  Xin thử sơ lược một vài khó khăn quyển Mã Lai đã vướng phải như sau:

 

(i)                  Trước hết, cái bẫy của thuyết Mã Lai (do các học giả Tây Phương, đặc biệt hai anh em họ Sarasin, lăng xê khoảng đầu thế kỷ 20) là dân Đông Nam Á chỉ có một thứ tộc gốc, là tộc Mã Lai. Chia thành 2 đợt: đợt Proto (I) và đợt Deutero (II). Đợt I đến Việt cổ cách đây 5000 năm. Đợt II, cách đây 2500 năm, tức khoảng Xuân Thu chuyển sang Chiến Quốc. (Nhưng đặc biệt, thuyết Mã Lai tránh đề cập mối dây nguyêndo-hậuquả giữa giặc giã thời Xuân Thu Chiến Quốc đối với di tản đợt II). Bởi Thái-cổ, Miêu-tộc, Hẹ, Mân, Ngô, Khương, v.v. cũng đều là Mã Lai, nên rất khó nói lên đám nào chính là đám gốc người Việt cổ. Còn như, nếu nói người Việt (Nam) cổ thuộc đợt I hoặc đợt II, thì tên gọi riêng của họ là gì trước khi họ đến xứ Việt cổ - quyển Mã Lai hoàn toàn tránh né. Thư tịch cổ của Tàu và Ấn Độ hoàn toàn không có ghi nhận một đám nào riêng biệt thuộc Mã Lai I hoặc II, mang đầy đủ cá tính giống người Việt (Nam).

(ii)                Thêm vào đó, trước sau chỉ có 2 đợt di tản, cách nhau 2500 năm. Trong khoảng 2500 năm đó giữa hai đợt, hoàn toàn, theo mấy tác giả Âu Tây, ai ở đâu ở luôn đó. Không có di tản gì hết. Như vậy khi đợt II ào ạt đến Việt cổ, ở đó đã có sẵn đợt I, làm thế nào hai đợt, I và II, có thể cảm thông và chấp nhận nhau, sau 2500 năm bà con họ hàng xa cách với nhau? Theo toán học, hai đợt di tản này có vẻ thuộc loại hàm số rời rạc, với một ẩn số chứa một trị số đơn mà thôi. Hay thuộc vào thứ phương trình bậc nhất aX+b= c, chứa một ẩn số X, và chỉ một ẩn số X mà thôi. Nguồn gốc một tộc người thuần chủng lồng trong hai đợt Mã Lai riêng rẽ, sẽ cùng một lúc, làm đơn giản lý thuyết, nhưng cũng khiến nó hết sức cứng nhắc, che lấp rất nhiều dữ kiện lịch sử quan trọng, rất khó thích hợp với lối quan sát của ngành khoa học nhân văn. Thí dụ: Việt cổ thuộc đợt I hay đợt II?  Thật khó. Nếu nói đợt I thì có tóc dài, có rìu lưỡi liềm, nhưng không có trống đồng. Nói đợt II, có trống đồng, rìu hình chữ nhật, nhưng lại kẹt với tóc ngắn.

 

Sau đây chúng tôi xin cố gắng kiểm điểm qua một số các tiêu chí thường gặp và thêm vào những 'biệt sắc' tương đối ít khi được miêu tả, người Hoa vào cổ thời, đã từng xử dụng để nhận diện người Âu hay Lạc Việt.

 

TÓC NGẮN

 

Tóc ngắn là một biệt sắc để nhận diện người Việt cổ [11]. Người Tàu gọi [duan fa] tức 'đoản phát', nhưng thường hơn: [jian fa] tức 'tiễn phát' (cắt tóc). Nhận xét 'tiễn phát' cũng như một lô các thứ nhận xét khác có lẽ được 'lăng xê' trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi người Tàu bắt đầu 'giao tiếp' với các đám rợ thuộc Yueh tộc. Nó cũng giống như khi người Tây phương phát hiện dân Á Châu ưa dùng đũa hay dùng bàn tay để ăn cơm - khi họ đi tìm và khám phá thuộc địa ở những vùng đất này, vào thế kỷ 16. Người Tàu đầu tiên tiếp cận với các đám 'rợ' Yueh, với tư cách 'kẻ cả' đã văn minh, tại các vùng dọc theo sông Dương Tử từ Tây sang Đông. Từ khu Tứ Xuyên xuyên qua khu vực Hồ Bắc của nước Sở năm xưa cho đến khu Chiết Giang của Việt Vương Câu Tiễn. Trước đó khá lâu, họ cũng có gặp những đám rợ Đông Di có địa bàn từ khu vực sông Lạc đến tỉnh Sơn Đông, bên và ngay cả phía Bắc sông Hoàng Hà. Những vùng này thường có nhiều sông và gần biển. Yueh tộc do đó lấy sông biển làm địa bàn sinh sống và bắt buộc phải thăm viếng tiệm hớt tóc thường xuyên, để cắt tóc cho ngắn. Điều này có nghĩa những đám Yueh tộc khác, nhất là dân Âu ở miền rừng núi phía trong hoặc phía Nam không nhất thiết để tóc ngắn.

 

Sự thật, nhiều vụ tranh cãi lôi thôi ở Sàigòn thời thập niên 60's đã xảy ra bởi chỗ các vị tiền bối, có lẽ vì lịch sự, ít khi phản bác lại ý kiến hay kết luận của các học giả Tàu - Tây.  Theo đó, nếu đã có một tiền đề 'người Việt cổ tóc ngắn - người Hoa cổ tóc dài', thì cứ thế mà đi tàu suốt. Bởi ... người Việt trước sau chỉ là một tộc thuần chủng, và tất cả đều cắt tóc ngắn. Tranh cãi đó xảy ra bởi nhiều hoa văn trên trống đồng cho thấy rất nhiều hình người xoã tóc dài (thí dụ [8] & [12]), hay búi tóc sau gáy, và để tóc kiểu đuôi gà [12].  Bộ Thủy Kinh Chú [9] cũng cho biết có rất nhiều bộ lạc từ miền Lĩnh Nam [13] trở xuống, ngày trước người ta ưa để tóc dài.

 

Bởi dùng mô hình riêng rẽ hai đợt Mã Lai như đã đề cập phía trên, Bình Nguyên Lộc [8] có vẻ khá lúng túng khi cố gắng tháo gỡ vấn đề tóc dài bị rối nùi từng loọng với nhau. Trước hết ông cho Hùng Vương thuộc Mã Lai đợt I, đám Lạc bộ Trãi chạy giặc thời Hiên Viên - Xy Vưu. Đợt I không có trống đồng. Đám này để tóc dài, bởi thư tịch cổ Trung Hoa không có tả Xy Vưu cắt tóc ngắn. Tạm trôi, nhưng rốt cuộc cũng bị rối nùi, khi Bình tiên sinh, ở một chương khác, cho biết chính đợt II đã mang trống đồng đến xứ Việt cổ, dựa trên một truyện cổ tích Mường có ghi trong quyển sách của Cuisinier [17]. Đợt II ưa cắt tóc ngắn 'bôm-bê'. Thế nhưng trống đồng của đợt II lại có hình người Việt cổ xoã tóc dài, hay búi tóc, hoặc để tóc kiểu đuôi gà [12]. Có lẽ sớm thấy chuyện tóc ngắn - tóc dài không ổn, tác giả quyển Mã Lai [8] đã ghi một đoạn ngắn (tr. 829) cho rằng thời trang tóc dài - tóc ngắn có thể thay đổi với thời gian: 'Cả 5 biệt sắc ấy ta đều có, trừ biệt sắc thứ nhứt (tiễn phát) mà sự thay đổi qua các thời đại khiến nó không thành biệt sắc vĩnh cửu'. 

 

XÂM TRÁN

 

Sách vở người Hoa viết 'xâm trán' theo tiếng Hán là [diao di], tức 'điêu đề'. Bình Nguyên Lộc [8] đã dựa vào bài 'Chiêu Hồn' của Tống Ngọc, và cho biết dân Man ở phía Nam nước Sở có tục 'điêu đề'. Thư tịch cổ Tàu (như Từ Hải, Tư Mã Thiên), có ghi dân Giao Chỉ và binh sĩ của Đinh Bộ Lĩnh cũng xâm trán như ai. Để ý tiếp, 5 biệt sắc kia: "tóc ngắn, nhuộm răng, xâm mình, cài áo bên trái, thuận tay trái", gần như hầu hết các nhóm tộc người trong khối Bách Việt đều có. Từ đó tác giả quyển Mã Lai bám sát vào 'biệt sắc' điêu đề, cho đó là biệt sắc quyết định nguồn gốc tộc người Việt Nam.  

 

Sự thật, các nhà dân tộc học đã cho biết hầu như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, tự cổ chí kim, đều có cái vụ xâm mình, gồm cả xâm trán. Đáng kể nhất về xâm trán là: dân da đỏ ở Mỹ Châu, dân Nhật, dân Lapita thuộc khối Nam đảo ở Thái Bình Dương, dân Maori ở Tân Tây Lan, dân Hawaii, v.v. Lý do dẫn đến xâm trán thường khác nhau đối với những tộc người khác nhau. Thường thường theo thói tục bộ tộc. Cũng có thể dùng để làm dấu nghề nghiệp, hay địa vị (như Tù trưởng) trong 'xã hội' nhỏ. Thuở cổ thời, tại Hy Lạp và La Mã người ta ưa xâm trán để làm dấu tù binh và tội phạm. Ở Nhật và Trung Hoa, thời xưa người ta ưa xâm trán với hoa văn để che lấp dấu vết của những vụ trừng phạt trước đó. Thời nay, hồi Saddam Hussein chưa di dân sang Mỹ sinh sống, có tin một vài bác sĩ đã bị hành quyết bởi không tuân lệnh Saddam đem các lính đào ngũ ra xâm trán. Hiện ở Mỹ có cái mốt xâm trán để quảng cáo lấy tiền thù lao, một đợt khoảng $10000 [15].

 

Ngay ở Trung Hoa vào thời xa xưa, miêu tả về xâm trán dành cho rất nhiều tộc người, không phải chỉ có dân Âu Lạc hay Giao Chỉ mà thôi. Đặc biệt theo Thủy Kinh Chú [9] ở miền rừng núi phía nam sông Uất Thủy (thuộc Quý Châu) có Ly Nhĩ quốc (nước chạm trổ tai) và Điêu đề quốc (nước xâm trán). (Đọc Thủy Kinh Chú ta không tránh khỏi để ý các tác giả dùng từ 'quốc', hết sức xả laáng, tả nước này, rồi đặt tên cho nước kia. Thí dụ: 'Lang Hoang quốc' = nước ở trần ở truồng. Thường không có trong 'chính sử'. Nhiều khi chỉ một bộ lạc nhỏ mang cùng một biệt sắc, họ cũng cứ gọi là 'quốc'. Tuy vậy nước 'Văn Lang' hay 'Xích Quỷ' hoàn toàn vắng bóng trong bộ Thủy Kinh Chú). 

 

Ở những chương khác, Thủy Kinh Chú [9] cho biết người Di ở khu Vân Nam cũng có nhiều nhóm xăm trán. Trang 421 của bản dịch [9]: 'Theo Chu Lễ, ở phía Nam có tám giống Man, xăm trán, giao ngón chân, có giống không ăn ngũ cốc.'

 

Như vậy, cho dù có thể đồng ý với tác-giả quyển Mã-Lai rằng người Kha (Lá vàng) mang  nhiều biệt sắc, trong đó có 'điêu đề', cho thấy họ là một nhóm thuộc chủng Việt tối cổ [20], 'điêu-đề' tức xăm trán,  cũng chưa hẳn là một biệt sắc quyết định chung cuộc để nhận diện người Việt cổ.

 

NHUỘM RĂNG & XÂM MÌNH

 

Nếu phải kể nhầm lẫn nào to tát nhất trong việc nhận diện người Việt cổ, đó phải là 'Nhuộm răng và Xâm mình'. Bởi cả nhuộm răng lẫn xâm mình - nhất là xâm mình - đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới từ ngàn xưa.

 

Nhuộm răng đen rất được phổ-biến ở Nhật cho đến thời Minh Trị Thiên Hoàng mới bớt dần. Có lúc áp dụng cho cả phái nam lẫn phái nữ. Đến thời Edo (tức Sứ quân, thế kỷ 17-19), nhuộm răng mới bớt phổ biến phía nam giới, và trở thành cái mốt làm dấu cho phụ nữ đã có chồng. Nhuộm răng cũng rất phổ thông ở khắp miền Đông Nam Á, đặc biệt tại Phi-líp-pin và In-đô-nê-xia. Tại hai xứ này, ở tuổi dậy thì, người ta còn có tục mài dũa bớt vài chiếc răng cửa. Ở Sumatra tệ hơn, răng bị dũa mòn kinh khiếp, rất đau [16]. Người Kanay ở biên giới Lao-Viet và người Bulang ở Vân Nam, cả hai thuộc chủng Môn-Khmer có luôn các tục của người Việt cổ: nhuộm răng, xâm mặt và ăn trầu. Nhưng nổi tiếng nhất về món nhuộm răng trong khối Bách Việt, còn tồn tại đến ngày nay chính là người Thái ở Vân Nam, thường gọi theo ký âm Âu Mỹ là người Dai. Ở đảo Hải Nam, cách đây vài chục năm người ta vẫn thấy nhiều người hãy còn nhuộm răng. Nhưng nhuộm theo kiểu đa sắc technicolor, gồm cả màu vàng, màu bạc.

 

Nói chung, nhuộm răng chỉ là một trong nhiều biệt sắc của toàn khối Bách Việt, từ thời xa xưa, khác hẳn với chủng Hoa. Người Tàu hoàn toàn không hâm mộ món nhuộm răng này.

 

Xâm mình thì sao? Có lẽ có mặt trên toàn cầu, từ thời xa xưa (cách đây trên 5000 năm) và hãy còn tồn tại cho đến ngày nay [19]. Các kiểu dáng xâm mình nổi tiếng trên thế giới ngày nay bao gồm: Dân da đỏ ở Mỹ, Người bản địa Bắc Mỹ, Da đỏ phía Tây Bắc - Thái Bình Dương, Phi Châu, Ai-Cập, Mayan (Trung Mỹ), Aztec, Hawaiian, Samoan, Maori (nổi tiếng với món xăm mặt), Nhật, Hoa, Ấn, Nhóm Đa Đảo, Inuit, vô thần, Á đông, Thổ dân Úc, Phù phép, Celtic, và theo kiểu 12 con giáp Tử vi Tây phương.

 

Từ tiếng Anh chỉ xâm mình là 'tattoo'. Có tài liệu [16] cho biết tiếng Tahiti 'tatu' mang nghĩa 'đánh dấu / làm dấu'. Người Đa-đảo dùng động từ 'tatao' chỉ 'khỏ' / hay 'đánh khẻ'. Người Samoa gọi xâm mình bằng 'tatau'. 'Tattoo' do đó, rất có khả năng do chính thuyền trưởng Cook cho du nhập vào tiếng Anh từ [tatau] và [tatu], qua những cuộc du hành của ông đến những vùng hải đảo này.

 

'Xâm mình' vào cổ thời có thể được dùng để đánh dấu là thành viên thuộc một cộng đồng hay tộc người nào đó. Hoặc cho 'thiên hạ' biết niềm tin hay tín ngưỡng của mình. Một cuộc khai quật ở khu Tân Cương (phía Tây Trung Hoa) cho thấy vết xâm trên thân xác ướp (nước đá) của vị tù trưởng có vẻ ghi mỗi một vết xâm mình đã được dùng đánh dấu một đối thủ đã bị hạ. Riêng ở miền Hoa Nam, hay Lĩnh Nam, phụ nữ ngày xưa chỉ 'mê' đàn ông xâm mình mà thôi [9].

 

Ở phía Bắc Trung Hoa xâm mình đã bị cấm đoán ngay từ thời Tần Thủy Hoàng. Xâm mình cũng bị cấm đoán trong đạo Giu-đà của người Gio-Thái, và trong nhiều thế kỷ trước, không được hâm mộ bên phía đạo Ki-Tô. Ngày trước, xâm mình trong xã hội da trắng thường chỉ giới hạn trong giới thủy thủ, giới anh chị [17] hoặc chốn kỹ nữ giang hồ. Ngày nay, có vẻ trở thành cái mốt cho giới trẻ khắp nơi. Tại Mỹ thống kê [16] cho biết có đến 12 triệu người có ít lắm một nét xâm mình trên thân người. Tại xứ An Nam xưa theo nhiều tài liệu (thí dụ [16]), tục xâm mình rất phổ biến khi Hưng Đạo Đại Vương ra lệnh xâm hai chữ 'Sát Đát' trên tay binh lính, lúc chống quân Nguyên. Nhưng chính cũng từ đời nhà Trần, tục lệ xâm mình bắt đầu phai nhạt dần trong chốn dân gian khi vua Trần Anh Tông (1293-1314), anh của công chúa Huyền Trân, cãi lệnh vua cha từ chối không xâm mình.   

 

Như vậy, nhìn chung trái với hiểu biết từ xưa đến nay, nhuộm răng và đặc biệt xâm mình không phải là biệt sắc đặc thù của người Việt cổ. Tuy thế, nhuộm răng và xâm mình lại rất hữu hiệu trong việc nhận diện sơ khởi tộc người nào ngày xưa ở bên Tàu, có thể đã di tản sang, và cuối cùng định cư ở xứ Việt cổ. Thí dụ: người Hẹ cổ, hay người Bách Bộc, miêu tả với chữ Hán => 'Lạc' viết với bộ Trãi, thuộc đám Đông Di, theo sách Nhĩ Nhã do môn đệ Khổng Tử soạn ([8] & [18]), ngày còn ở khu nước Vệ, nước Trịnh - bên sông Bộc và Hoàng Hà - đã có tục nhuộm răng và xâm mình.

 

Bài đã dài, xin tạm dừng. Chúng tôi sẽ viết tiếp về những tiêu chí đặc biệt khác có thể dùng để nhận diện các nhóm Việt cổ khác nhau, vào thuở cổ thời, đã xuất phát từ những khu vực khác nhau, khắp nơi ở Trung Hoa.

 

GHI CHÚ

 

[1] (i) Một phim kiếm hiệp Hàn quốc 'dàn cảnh đại quy mô' mang tên MUSA  武士 với tài tử khách Zhang Zi Yi của Trung Quốc (nổi tiếng với phim 'Ngọa Hổ Tàng Long' và đầu năm 2006: 'Hồi ức một kỹ nữ geisha'). MUSA tương đương tiếng Việt: VÕ SĨ. [MU] chính là [VÕ] tiếng Việt, mang âm [M] biến chuyển từ [W] tiếng Hán: [WU] => VÕ. [SA] theo tiếng Hán-Hàn chính là SĨ theo Hán-Việt. Tương tự: geisha= nghệ sĩ. (Để ý ngày nay Zhang Zi Yi nói tiếng Anh thông thạo, và đã đổi họ ra phía sau, theo kiểu Mỹ, trong phim 'geisha': Zi Yi Zhang).

(ii) Âm-đầu [W] tiếng Hán mang ít nhiều khuynh hướng chuyển sang: (a) [V] theo Hẹ và Sơn Đông; (b) [B] kiểu Phúc Kiến (và Mường + Nam Bộ); và [c] [M] theo tiếng Quảng Đông (cũng thường âm [M] tiếng Hán-Hàn => Võ-sĩ = Musa).

* Biến chuyển giữa [M] và [B] đã đưa đến phân biệt giữa hai từ 'mua' và 'bán' trong tiếng Việt. Tất cả phương ngữ tiếng Hoa kể cả nhóm Hmong đều xử dụng cùng một âm vị cho 'mua' và 'bán'. Nhưng chỉ đổi thinh (tức dấu tiếng Việt). MUA= mãi => Quanthoại [măi] = hakka [mai]-1= Miêu [mua]-g. BÁN= mại => Quanthoại [mài] = hakka [mai]-3= Miêu [mua]-s. Trong khi Phúckiến, dùng âm đầu 'B' cho cả 'mua' và 'bán': MUA= [be]-2. BÁN= [be]-7. Quốc-ngữ đã xử dụng âm [B] Phúc-kiến cho 'BÁN' và 'M' của các phương ngữ kia cho 'MUA'. Một đổi mới của quốc-ngữ rất hay và hữu hiệu, để lại một chút dấu vết lịch sử cho MUA & BÁN.

* Chúng tôi cũng tìm thấy biến chuyển giữa 'M' và 'B' trong bộ Thủy Kinh Chú [9]. Trong đó có ghi 'Man-Cốc' quốc-đô xứ Tiêm-La, tức Xiêm La hay Thái Lan ngày nay. 'Man-cốc' cho thấy biến âm từ 'B' sang 'M': 'Man-cốc' <=> Băng-cốc => Bangkok. Người Quảng Đông ngày nay vẫn gọi ‘Mân-Gkok’ cho ‘Bangkok’. Biến chuyển [V]-Hẹ => [M]-Quảng cũng có thể tìm thấy trong quyển tiểu thuyết 'Mẹ ghẻ con ghẻ' của Hồ Biểu Chánh, trong đó thay vì xử dụng liên từ 'với lại' {Hôm gwa, wa không đến nhà em là tại wa bị bận, 'với lại' wa mắc đi gánh nước} - Hồ Biểu Chánh đã dùng 'mới lại' thay vì 'với lại', theo kiểu Thái-cổ và tiếng Quảng Đông. [V] mang khuynh hướng biến chuyển sang [M] trong tiếng Quảng Đông - ngoài biến chuyển với [B] theo kiểu PhúcKiến (+ Mường, Nam bộ). 'Với lại' có thể cùng gốc với: 'vả lại'.

[2] http://www.etymonline.com

[3]http://www.time.com/time/magazine/1998/int/980907/south_pacific.history_i9a.html - Kiểm chứng vội của chúng tôi cho thấy người Maori đặc biệt giữ âm đầu [NG] của các NGười Bách Việt ở Hoa Nam như Quảng Đông, Hakka, Việt. Họ cũng có âm [W] của Quanthoại và Quảng Đông. Thí dụ: Ngahau = vui chơi. Ngaronga = vắng mặt. Kawanga=  cống hiến, trịnh trọng. Rawaka= nhiều, đầy đủ. Waka= tàu bè. Đặc biệt: {Con chó} họ gọi [kuri] rất giống tiếng Hẹ ở Indônêxia: [Kuli] trong đó có âm [ku] chính là biến âm của [Cẩu] - từ 'Hán-Việt' mang nghĩa 'con chó'. 'Tôi' họ gọi [au] hay [aku] rất giống [ai] trong tiếng Hẹ, và y hệt [aku] trong các tiếng Mã-Lai, Khả, cũng như tiếng Mạ. 'Chúng tôi' => [tătau] hay [taua], có vẻ khá giống 'tụi tao' hay 'tao' trong Việt ngữ.

[4] Jeffrey Barlow (2005) The Zhuang: A Longitudinal Study of Their History and Their Culture. http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/contents.html

[5] Chiêm Toàn Hữu - Lý Tinh Ích (hiệu đính) (2004) Văn hoá Nam Chiếu Đại Lý. Bản dịch: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nguyễn Mai Lan, Nguyễn Hương Giang, Phan Minh Thanh. Nxb Văn Hoá Thông Tin.

[6] Cliff burial: http://www.travelchinaguide.com/picture/yangtze/wanxian/0018441.htm & http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2004-02/14/content_306114.htm

[7] Cung Đình Thanh (2003) Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học. Nxb Tư Tưởng. Sydney - Australia

[8] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (tái bản tại Hoa Kỳ).

[9] Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Dịch phúc hiệu (1999) Nguyễn Bá Mão dịch (2005). Thủy Kinh Chú Sớ. Nxb Thuận Hoá. Bộ 'THỦY KINH CHÚ' do các học giả người Hoa soạn từ thời Tam Quốc (220-265), chuyên về miêu tả sông ngòi, núi non khắp nước Tàu, kéo đến xứ Lâm Ấp ở trung-bộ nước Việt Nam ngày nay, kèm với các điển tích lịch sử xa xưa.

[10] Khuất Nguyên (Qu Yuan) là một nhà thơ yêu nước lớn của Trung Hoa. Làm quan nước Sở, can ngăn vua Sở đừng lọt vào âm mưu của vua quan nước Tần, mà hãy liên minh với nước Tề ở phía Đông. Vua không nghe theo ông, ông bị giáng chức và tống đi lưu đày về miền Lĩnh Nam. Về sau, trên đường lưu vong, ông nghe tin vua Sở bị sát hại, đâm tuyệt vọng ôm đá nhảy xuống sông Mịch La tự trầm. Đó là ngày Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 - một ngày hết sức nóng ở Trung Hoa. Có thuyết cho Khuất Nguyên mang dòng máu Việt (Âu hoặc Khương) xuất từ khu vực Tứ Xuyên (tức nước Thục xưa). Ông rất nổi tiếng với áng thơ như Ly Tao, Cửu Ca, v.v. thuộc thể thơ Sở Từ. Tống Ngọc (Song Yu), khoảng 290-223 TCN, cũng là một nhà thơ trong cùng trường phái Sở Từ với Khuất Nguyên, nhưng thuộc đời sau. Có giả thuyết cho Tống Ngọc là cháu Khuất Nguyên. Nhiều học giả hiện vẫn tranh cãi về tác giả bài 'Chiêu Hồn' (Zhao Hun) - giữa Khuất Nguyên và Tống Ngọc.

[11] Xin nhắc lại: 'Lạc Việt' là một từ dễ bị nhầm lẫn nhất. Tại Trung Hoa, các học giả thường dùng 'Lạc Việt' để chỉ người Việt cổ thuộc chủng Thái. Lạc Việt có địa bàn trên toàn thể miền Hoa Nam, tức phía Nam sông Dương Tử. Có lẽ trừ hai ngoại lệ lớn là người Hẹ & người Hmong-Dao, tức Miêu tộc. Ngày nay họ vẫn dùng 'Lạc Việt' để chỉ gốc gác các khối dân tộc ít người, ở Hoa Nam. Bất cứ người nào có tổ tiên xưa thuộc chủng Việt hay Lạc hiện sống ở vùng 'Kinh' nói tiếng Hoa, đều được xem Hán tộc thuần túy. Họ đã quên đi hai từ xưa dùng để chỉ chủng Thái cổ: Thái (phát âm [Dai] hoặc [Cai] hay [Nong] quanthoại, [Tày] / [Nùng] quốcngữ, v.v.), và [Ou] tức 'Âu' của xứ Tây Âu, bao gồm phần lớn Quảng Tây ngày nay. Jeffrey Barlow [4] tuy không phân biệt rõ giữa Ou (Âu) và Luo (Lạc), nhưng ông đã phân biệt rất chính xác đám Việt ở phía Bắc và miền bờ biển, với đám Việt ở phía Nam và miền trong. Chúng tôi, lần đầu tiên đã thử phân biệt Âu và Lạc và thấy rõ sự phân biệt này đã giúp ích rất nhiều trong tìm hiểu gốc gác tộc người Việt Nam. Do đó chúng tôi xin đề nghị dùng 'Việt-cổ' thay cho 'Lạc Việt', xưa nay thường dùng để chỉ người Việt khi còn ở bên Tàu. Ngoài ra, loạt bài này đã xác định được người Hẹ chính là người Lạc Việt tối cổ ở miền cực Bắc nước Tàu. Chữ 'Hẹ', mang nghĩa tên một bộ tộc du mục cổ thời ở vùng sông Hoàng Hà, viết theo tiếng Hán còn đọc [Luo] tức 'Lạc' trong họ Lac của Lạc Long Quân.

[12] Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh (1987) Trống Đông Sơn. Nxb Khoa Học Xã Hội.

[13] Lĩnh Nam còn gọi Lĩnh ngoại, chỉ phía nam rặng Ngũ Lĩnh. Đại khái vùng Hoa Nam hay Giang Nam, phía nam sông Dương Tử (Trường Giang).

[14] 'Hẹ' = 'Hạc' cho thấy một thí dụ tiêu biểu về lối phiên thiết để tạo nên âm quốc ngữ cho từ gốc 'Hán'. Tình trạng này thường xảy ra vào những thập niên 40-60 tại Việt Nam. Do ở việc chữ quốc ngữ các tôn sư để lại luôn luôn thiếu thốn một số từ ít dùng, cả Nôm lẫn Hán. Lúc đó phiên âm chính thức cho tiếng Tàu - gồm tất cả phương ngữ kể cả giọng Bắc Kinh - hãy còn thiếu thốn hoặc chưa có. Nhất là vấn đề thinh, tức thanh điệu định đoạt dấu (sắc hỏi ngã, v.v.). Thêm vào đó trong mỗi phương ngữ, mỗi một từ lại có thể mang nhiều thinh khác nhau tùy theo địa phương, và tùy theo từng bộ lạc gốc ở thời xa xưa. Các tiền bối đã, một phần áp dụng - một phần tạo dựng, các quy luật về phiên thiết để tạo nên vần quốc ngữ cho các từ ít dùng. Hoàn toàn không có đảm bảo các từ 'tân tạo' đó đã được phát âm y như vậy hay không, vào những thế kỷ trước, tại xứ An Nam. Thí dụ: Nôm = Nam, có thể đổi thành Nồm (gió Nồm). 'Tả Nhậm' (vạt áo ở bên trái) - 'Nhậm' theo tự điển Đào Duy Anh lại viết thành 'Nhẫm'. Sông Hồng ngày xưa gọi Nhị Hà, xuất xứ từ biển hồ Nhĩ Hải (Er Hai) ở Vân Nam. Thành ra Nhị Hà vẫn có thể mang phát âm khác: Nhĩ Hà. Một tác giả của Thủy Kinh Chú có tên 'Lịch Đạo Nguyên', Bình Nguyên Lộc phiên thiết thành 'Lệ Đạo Nguyên'. Họ Lê viết như theo tiếng Hán chính là [Li] của khối Cửu Lê (Jiu Li - Cửu Ly), còn gọi rợ Đông Di, bao gồm Miêu tộc (Hmong) và những nhóm Lê khác, ngày nay đang có khuynh hướng phiên thiết trở thành [Ly]. Trở lại chuyện phiên thiết [Luo] hay [He] thành [Hạc]. Chữ [Hạc] quốc-ngữ có lẽ đã gợi ý cho một học giả Việt lập nên giả thuyết totem dân Việt Nam là 'con chim Hạc' . Chúng tôi, với nhiều kính phục, thấy rất khó đồng ý với quan điểm này dù rằng có nhiều hoa văn trống đồng mang hình nhiều con chim. Nhưng cũng thường kèm theo những con thú khác như: trâu, bò, hươu, v.v. Và cũng có con cóc. Lý do: (i) Có thể đặt nghi vấn về độ chính xác của phiên thiết [Hẹ] thành [Hạc]. Người xưa có thật phát âm [Hạc] hay không khi họ muốn nói đến từ . Nếu có phát âm đó chủng nào ưa xử dụng nhất. (ii) Chữ [Hạc] chỉ con chim tương ứng với từ khác: với thành phần cấu trúc không liên hệ đến từ kia. (iii) Các học giả người Hoa ưa mò totem từ chính lối viết chữ tiếng Hán, chứ không phải theo âm gần giống. Thí dụ: Nếu họ xem vua Đại Vũ (Da Yu ) đầu đời Hạ như một nhóm tộc người, họ đặt giả thuyết totem nhóm đó là con sâu Vũ, dựa trên lối tượng hình hay ý nghĩa của chữ viết. Thành ra nếu dùng từ [Lạc] hay [Hẹ] , để  truy ra totem, totem đó theo ý nghĩa của từ chính là  'con chó mõm nhọn' chứ không phải chim Hạc. Và: (iv) Ở miền Giang Nam, thường mỗi một bộ tộc có một totem khác nhau, dù họ có thể cùng một tộc gốc. Do đó nếu các tộc Việt-cổ có totem, họ phải có khá nhiều totem khác nhau. Không thể nào chỉ có mỗi một totem.    

[15] http://www.japantimes.co.jp/cgi-bin/getarticle.pl5?fb20050717dr.htm -

  http://www.crystalinks.com/tattoo.htm -

  http://news.com.com/2061-10786_3-5770822.html

[16] http://www.thingsasian.com/goto_article/article.897.html -

  http://www.tattoojohnny.com/modern-tribal-tattoo-designs.asp -

  http://www.tattooheaven.com/CentAsia.html -

  http://www.powerpassion.nl/tattoo-and-body-piercing/tatinfo.html -

  http://www.quangduc.com/xuan/32namty.html

Dũa răng: ở VN ngày trước có kiểu nói ‘người CÀ RĂNG căng tai’

[17] Jeanne Cuisinier (1946) Les Mường, Géographie et Sociologie humaine. Institut d'Ethnologie.

[18] Lê Quý Đôn (1726-1784) Vân Đài Loại Ngữ (1773). Tạ Quang Phát dịch. Nxb Văn Hoá Thông Tin (1995). Trọn bộ 3 tập. Trong Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn so sánh cau Việt và cau Quảng Đông, cho biết thứ nào chát hơn hoặc ngon hơn.

[19] 'Xâm mình' trong giới anh chị, phải kể đến nhóm Yakuza ở Nhật.

[20] Kiểm chứng riêng của chúng tôi dựa trên các dữ kiện ở quyển Mã Lai [8], cho biết người Kha (Lá Vàng) mang đủ thứ biệt sắc người Việt cổ. Có thể ban đầu từ khối Đông Di, di tản sang miệt xứ Ba - Thục ở vùng Tứ Xuyên, rồi đổ xuống khu vực Vân Nam - Quảng Tây. Chính món canh chua (Việt) và Tom-Yum (Thái) có thể xuất xứ từ món canh chua và cay của dân Việt cổ xưa ở Tứ Xuyên - vùng đất đỏ.

[21] Âm tương đương [M] ó [W] quanthoại còn thể hiện qua: Mùng (màng) dùng để chặn muỗi: Mùng = Hẹ phát âm [miong]3&5. Quảng [mong]. Quanthoại [wang]3. Ngô [moZ]. Mân [bang]. Hàn (Hán Hàn – Korea) [mang]. Thai & Khmer: [MUNG]. [M] (mùng) => [W] (wang) quanthoại. [Wang] hiện viết gọn thành [Wang] (võng) mang nghĩa ‘lưới’ => wang jiu = võng cầu = quần vợt tennis

 

Nguyên Nguyên