Bố Cái Đại Vương và chữ Nôm (2008)

 Nguyên Nguyên

 

 

LTG: Bài này được viết lần đầu cách đây cũng trên 3 năm. Bài được viết hoàn toàn theo khung hình của nền học thuật cũ của Việt Nam, mặc dù có đưa ra một số thắc mắc, trên những lí giải thường có vào ngày trước. Bài cũng được viết trước loạt bài về giải mã truyền thuyết Hùng Vương. Do đó nếu đọc lại vào khoảng cuối năm 2007 sang 2008, sẽ thấy bài cần được viết lại, và có thể với một hai kết luận mới. Tất nhiên lại phải dựa vào một hệ thống lý thuyết đã phát triển cùng với loạt bài về Hùng Vương. Phần “hiệu đính” và “phụ trang” này sẽ đặt ở cuối bài.

* * *  

Theo lịch sử nước Việt, trong thời kỳ Bắc thuộc dưới đời nhà Đường bên Tàu, có ông Phùng Hưng, quê quán ở quận Đường Lâm thuộc Sơn Tây, vào năm 791 đã dấy quân nổi lên đánh đuổi được quan Đô hộ Cao Chính Bình, giành lại được độc lập cho xứ An Nam. Phùng Hưng tự xưng làm vua, và chiếm giữ được An Nam trong một khoảng thời gian ngắn, từ tháng 4 đến tháng 7 năm Tân Mùi (791), rồi bị bệnh qua đời. Quân sĩ tôn con ông là Phùng An lên kế vị, nhưng không bao lâu nhà Đường phái tướng Triệu Xương sang bình định, và Phụng An xin quy hàng. Tưởng nhớ đến công ơn Phùng Hưng, dân chúng sau đó lập đền thờ và xưng tụng ông với tên thụy: ‘Bố Cái Đại Vương’.

 

Theo nhiều sách vở, đa số viết bằng quốc ngữ, ‘Bố Cái Đại Vương’ mang ý nghĩa khá thuần Nôm: Bố là Cha, Cái là Mẹ. Và đó một vị Đại Vương, tức Vua, có công đức lớn bằng, hoặc hơn Cha Mẹ.

 

Sau đây chúng ta thử xem xem việc sách vở cho ‘Bố Cái’ trong ‘Bố Cái Đại Vương’ mang nghĩa ‘Cha Mẹ’ có thật đúng, thật chính xác hay chăng.

 

Nguyên ủy câu chuyện ‘Bố Cái’ này, có lẽ bắt nguồn sâu xa từ khi lần đầu tiên được đọc quyển ‘Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam’ của Bình Nguyên Lộc [1] cách đây khoảng 25 năm. Trong quyển sách này, từ đây xin gọi tắt ‘quyển Mã Lai’ hay ‘thuyết Mã Lai’ hoặc BNL, Bình Nguyên Lộc đưa ra giả thiết, có chứng minh đến năm bảy trang  (tr.477, tr.573-587), cho rằng trong ‘Bố Cái’ – ‘Bố’ mang nghĩa ‘Bố’, ‘Cha’ – nhưng đặc biệt ‘Cái’, một từ thuần Nôm gốc Mã Lai, không mang nghĩa ‘Mẹ’ mà lại ‘người lãnh đạo’, ‘người hùng’ của một nhóm người, một dân tộc.

 

Điểm để ý, từ dạo đọc ‘Mã Lai’ đến giờ, người viết không hề thấy một quyển sách nào có lối giải thích giống BNL về từ ‘Cái’ – theo nguồn Nôm-na hoặc Mã Lai – mang nghĩa ‘nhà lãnh đạo’ chứ không phải ‘Mẹ’. Tất cả đều rập vào một khuôn: Bố là Cha và Cái là Mẹ. Mãi cho đến dịp Giáng Sinh 2004, nhân dịp đọc quyển sách về chữ Nôm của Trần Văn Giáp [3], mua được tại Melbourne, người viết chợt thấy vấn đề có vẻ thú vị, cần được xem kỹ. Thật một chuyện thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng thật sự muôn vàn phức tạp. Cũng giống hầu hết những vấn đề liên quan đến chữ Nôm. Nhất là việc chuyển hệ từ Nôm sang quốc ngữ [2]. Lồng vào trong đó là những sự kiện rối mù về cổ sử nước Việt.

 

Lý do mạnh mẽ nhất, đập vào mắt tất cả những ngài đang học hoặc biết chút đỉnh về chữ Nôm và chữ Hán là cụm từ ‘Bố Cái Đại Vương’ trong quyển sách của Trần Văn Giáp được viết hoàn toàn bằng chữ Hán 布盖大王. Không có một từ nào viết theo bằng chữ Nôm hết. Đặc biệt ‘Bố Cái’ vẫn hoàn toàn thuần Hán: 布盖. Kiểm chứng với các quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, hay Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cũng cho kết quả tương tự. Tất cả 4 từ đó đều viết bằng chữ Hán. Không có một từ nào viết theo chữ Nôm. Vậy mà sách vở của những vị tiền bối uyên bác ưa viết ‘Bố Cái’ là hai từ thuần Nôm, Bố là Cha, Cái là Mẹ.

 

Những ai thích đọc qua sách vở lược khảo hoặc giới thiệu về chữ Nôm đều biết các học giả Việt thường không xác định chữ Nôm ra đời vào giai đoạn nào. Thông thường họ đưa ra hai giả thiết:

-         Thứ nhất: Chữ Nôm ra đời vào giai đoạn một Thái Thú do nhà Hán gởi đến Giao Chỉ mang tên Sĩ Nhiếp (187-226) để cai trị và an dân xứ này. Sĩ Nhiếp thật ra có gốc Hoa Nam, khu vực của người Bách Việt. Ông có tài hành chánh lỗi lạc và thương dân bản địa đến độ dân chúng kính mến và xưng tụng ông bằng tước danh Sĩ Vương. Giả thiết này dựa vào sự kiện Sĩ Vương có công đem một mớ sách Tàu (như Kinh Thi) sang truyền bá thêm cho dân Giao Chỉ, và được dân tôn thành ‘Nam Giao Học Tổ’, tức ông tổ việc học ở đất Nam Giao [13]. Và cũng dựa vào một quyển sách tựa ‘Đại Nam quốc ngữ’, ca tụng Sĩ Vương, do Nguyễn Văn San (tức Văn Đa cư sĩ) soạn khoảng năm 1880, vào thời vua Tự Đức. Trần Trọng Kim [5], Lê Nguyễn Lưu [6], Trần Văn Giáp [3] đều bác bỏ giả thuyết này, viện dẫn đến đời Sĩ Nhiếp, nước Nam đã trải qua hơn 300 năm đô hộ bởi Bắc Phương. Trong ba trăm năm đó người Tàu bắt buộc phải dùng Hán tự của họ để phiên âm và ‘chuyển ngữ’ tiếng nói dân bản địa sao cho quan quân đô hộ nói và đọc được tiếng dân bản địa bằng cách ghép lại nhau những từ viết bằng tiếng Hán ròng. Có thể để ý các bậc tiền bối thường tránh né việc đưa ra giả thiết chính người Tàu đô hộ đã đặt ra thứ chữ, ngày nay thường gọi chữ Nôm,  phiên âm tiếng dân bản địa bằng chữ Hán. Hay nói một cách nôm na, rất có thể chính kẻ đô hộ, tức người Hán, đã sáng chế ra thứ chữ Nôm đầu tiên trong vòng 1-2 trăm năm ban đầu của thời kỳ Bắc thuộc. Để đáp ứng với nhu cầu thiết bách nhất: Truyền bá luật lệ, pháp lệnh, cũng như giao tiếp với người bản địa.

-         Thứ hai: Chữ Nôm ra đời… khá chậm. Vào thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (năm 791). Và do chính người An-Nam sáng tác. Họ viết ‘Bố Cái’ bằng chữ Nôm, nhưng mượn âm chữ Hán và viết bằng chữ Hán. Giả thiết này do Nguyễn Văn Tố đề ra trong một bài viết vào năm 1930, có trích dẫn trong quyển sách về chữ Nôm của Trần văn Giáp [3]. Giả thiết này tuy đượm nhiều tính ‘dân tộc bất khuất’, tính ‘trung-tâm vũ trụ An Nam’ (Annamocentric), nhưng có vẻ vô lý hơn giả thiết thứ nhất, khá xa. Tức, nếu theo giả thiết này, từ lúc nước Nam Việt bị nhà Hán dứt điểm vào năm 111 trước Công Nguyên (TCN) cho đến năm 791 SCN, tức gần 900 năm, không ai biết kẻ đô hộ từ Bắc Phương làm cách nào để giao tiếp truyền thông với dân bị đô hộ. Nếu họ không dùng cách nào đó để phiên âm tiếng của người bản địa bằng chữ Hán, ghép lại bằng kiểu này hay kiểu khác. Và chính cách phiên âm tiếng dân bản địa bằng lối ghép lại hai ba từ Hán ngữ chính là ‘nguyên tắc cơ bản của việc cấu tạo chữ Nôm’. Ngoài lý lẽ ‘theo nhu cầu’, người ta có thể dựa vào một chứng tích cổ ngữ tương tự của người Choang (còn gọi “Tráng”) ở Quảng Tây, để xác nhận chữ Nôm thoạt đầu chính là thứ chữ phiên âm do 'người Hán' tạo dựng dựa trên Hán ngữ. Chữ Choang là một cổ ngữ của dân bản địa vùng Quảng Tây có cấu trúc giông giống như chữ Nôm [3] [6], tức viết nên bằng cách ghép hai (hoặc nhiều) từ Hán với nhau hoặc mượn một từ Hán có cùng âm vận, v.v. Chữ Choang do chính người Hán sáng tạo sau khi xâm chiếm nước vùng Quảng Châu của nước Nam Việt [3]. Thí dụ: trong tiếng Choang có chữ ’Ổn’ mang nghĩa Việt: vững vàng. ‘Ổn’ tiếng Choang được viết bằng cách đặt ‘Đại’ tiếng Hán (‘đại’ = to lớn) nằm trên từ ‘Tọa’ (= ngồi). Tức ‘ổn’ (=vững vàng) ở tiếng Choang, được các học giả Hán thời xưa biểu tượng bằng cách viết mô tả việc đặt một người hoặc vật gì to lớn trên một cái ghế. Một hợp thể thật ‘vững chắc’, thật ‘ổn’.

 

Xin trở lại việc truy tầm ý nghĩa ‘Bố Cái Đại Vương’.

 

1.      ‘Bố Cái’ mang nghĩa ‘Cha Mẹ’ theo chữ Nôm

 

Chỉ trừ quyển ‘Thuyết Mã Lai’, gần như tất cả những sách vở khi đề cập đến ‘Bố Cái Đại Vương’ (từ đây xin viết tắt, BCĐV) đều cho ‘Bố’ là ‘Cha’ và ‘Cái’ là ‘Mẹ’. ‘Bố’ là ‘Cha’ rất phổ cập, không ai thắc mắc. Nhưng ‘Cái’ mang nghĩa ‘Mẹ’ cũng không sách vở nào viện dẫn đến nơi đến chốn. Trừ mỗi một trích dẫn: ‘Con dại Cái mang’. Mang nghĩa, đại khái: ‘nếu con làm chuyện gì dại dột, người Mẹ phải lãnh trách nhiệm’. Tạm nhận ở đây ‘Cái = Mẹ’, ta vẫn thấy có rất nhiều điểm khá lổng chổng, như sau.

 

Trước hết ngoài ‘con dại cái mang’, ít khi thấy ‘Cái’ dùng để chỉ ‘Mẹ’ hoặc ‘Cha’ trong những cụm từ hay câu nói nôm na khác. Nếu có, nó lại mang một nghĩa khác, chứ không phải ‘Mẹ’. Thí dụ:

-         Vợ cái con cột: vợ chánh (vợ cả) & con một hay con trưởng.

-         Đường cái: lộ chính

-         Cửa cái; Sổ cái; Rễ cái

-         Ngón tay cái; Ngón chân cái

-         ‘Cầm cái’ hoặc ‘Làm cái’ trong chuyện cờ bạc, đánh bài: làm người chia bài. Tức Dealer, theo Anh ngữ

-         Thợ cái: thợ chính

-         Sông cái => sông chính, sông Mẹ. Sông Mekong, theo 'phiên thiết' tiếng Thái: Me= to lớn, Mẹ. Kong= Khung= Sông. Mekong => sông cái, sông mẹ.

-         V.v.

 

Tức ‘cái’ trong tiếng Nôm có vẻ thường dùng  để chỉ một thứ gì ‘chính yếu’, cột trụ, hơn những thứ khác. ‘Việt ngữ chánh tả từ điển’ của Lê Ngọc Trụ xác nhận: Cái= bao quát; lớn hơn hết; làm đầu. Một nghĩa khác: Cái=  nắp, che đậy, lọng, dù (ô). Tuy nhiên từ điển này không cho biết rõ nghĩa nào mang gốc Hán, nghĩa nào gốc Nôm.

 

Bài viết này cũng tình cờ ‘phát hiện’ một biến âm khá bất ngờ. CÁI trong qua trình biến âm tiếng Nôm đã biến thể ra CẢ. Cũng có thể do ký âm quốc ngữ tách ra làm hai: Cái và Cả. Và cũng có thể, bắt nguồn từ phần đầu của từ Chăm: Camay (xem phía dưới). Thí dụ: Vợ Cái = Vợ Cả. ‘Cái’ ở đây mang nghĩa ‘trên hơn hết’, ‘lớn hơn hết’: Anh cả, Hương Cả trong làng, làm ra kẻ cả. CẢ biến thể từ CÁI ra. Việt Ngữ Chánh Tả tự vị của Lê Ngọc Trụ có ghi: CẢ= lớn hơn hết, nhiều. CÁI= lớn hơn hết, làm đầu.

 

‘Cái’ nếu mang nghĩa ‘Mẹ’ lại không có âm thông thường của ấu nhi - bắt đầu bằng /B/  (Bờ ) như  ‘Bố/ Ba’ hoặc /M/ (Mờ) như ‘Mẹ / Mợ / Má’. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề âm vận ‘Cái’ của trẻ em ở giai đoạn tập nói, ở đoạn kế.

 

‘Cái’ nếu mang nghĩa ‘Mẹ’ cũng có thể rất khó bị ‘xuống cấp’ theo dòng thời gian – và được dùng như một ‘mạo từ’ hay ‘tiếng đếm’ mượn ở tiếng Hán /cá/ tức /ge/Thí dụ: 3 cái bàn, 4 cái ghế, 6 cái bánh bông lan, cái đồ tầm thường, cái cầu tiêu, v.v.. Hoặc như một hình dung từ: con bò cái, con chó cái, v.v.

 

‘Cái’ nếu ghép với ‘sông’, ‘sông cái’, một lượt có thể mang 2 nghĩa. ‘Sông cái’ vẫn có thể mang nghĩa ‘sông chính’, nếu so với ‘sông nhánh’ hay ‘sông phụ’. Nhưng nếu so với ‘sông con’, ‘sông cái’ mang nghĩa ‘sông mẹ’ trở lại. Xin xem: sông Mekong, ở trên.

 

Tuy vậy nếu đem ‘Cái’ ra so sánh với ngôn ngữ ngài Mường [6], ta sẽ thấy hai điểm chính sau đây:

-         ‘Cái’ theo tiếng Mường, họ đọc ‘Cải’ hay ‘Cảy’, mang nghĩa ‘Mẹ’. Nhưng:

-         ‘Cái’ cũng mang thêm nhiều nghĩa khác, tổng quát hơn, chung qui chỉ ‘phụ nữ - thông thường lớn tuổi hơn’: cải cá (M) = chị cả (V); cải con = mẹ con, hoặc: vợ con; cải khà = gái già; cải khon = gái tân; cải quả = quả phụ; cải roch = chị ruột; cảy = mẹ.

-         'Cái' trong tiếng Mường: [Cảy] hay [Cải], thường đi đôi với [Pổ] tức 'Bố' => Bố Cái = Pổ Cảy.

 

Tham khảo tiếng Mường cũng cho biết, ‘Gái’ chính một biến thể của ‘Cái’ bởi trong nhiều ngôn ngữ âm /C/ và âm /G/ ưa biến chuyển qua lại với nhau. Việc gán ghép đánh vần bằng ‘C’ hay ‘G’, rồi phát âm sau đó có lẽ chỉ mới xuất hiện vào thời tạo dựng quốc ngữ.

Thí dụ:

-         Từ Mường sang Việt: cảo đếp => gạo nếp; công cùm => gông cùm; cốc rễ => gốc rễ; cái => gái; cốc các => gốc gác.

-         Từ Hán (pinyin) sang Việt: Xiang Gang => Hương Cảng; gao => cao; gan dan => can đảm; gang guan => cảm quan.

 

‘Mẹ’ trong những ngôn ngữ người dân tộc khác, rất ít khi dùng đến ‘Cái’. Thí dụ: người Kha (tức Khả Lá Vàng) ở vùng biên giới Việt-Lào, được tác giả quyển Mã Lai cho rằng có gốc gác y hệt người Việt cổ, gọi ‘Bố’ bằng /Po/ và ‘Mẹ’ bằng /Mơ/ (giống ‘Mợ’ tiếng Việt).

 

Tóm lại ‘Cái’ trong ‘Bố Cái Đại Vương’ mang nghĩa ‘Mẹ’ ít thấy được dùng đến trong kho tàng ca dao hoặc thi văn cổ trong tiếng Việt. Đối với xử dụng thông thường, ‘cái’ được dùng như một mạo từ, hoặc một hình dung từ, chỉ giống cái cho súc vật: con cọp cái, sư tử cái, chó cái, gà mái, heo nái, v.v. (Xin để ý: 'mái' trong 'gà  mái' mang nghĩa 'Mẹ' y như  trong nhiều phương ngữ  Hoa Nam: [gai ma] tiếng Hẹ, tiếng Hải Nam. Hoặc [Mou ji] tiếng quan-thoại). Và nôm na hơn, ‘Cái’ thường mang nghĩa ‘chính yếu’: đường cái, ngón chân cái, v.v.

 

2.      ‘Bố Cái’ theo thuyết ‘Mã Lai’

 

‘Thuyết Mã Lai’ [1], chính yếu dựa vào đóng góp của hai anh em chú bác Paul Sarasin và Fritz Sarasin, truy tầm nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua hai đợt di dân của chủng Mã Lai từ bình nguyên Tây Tạng. Đại khái, song song với chủng Mông-gô-Lích, chủng Mã Lai là một chủng lớn thứ nhì đã tạo dựng nên người Á Châu ngày nay. Chủng Mã Lai xuất phát từ miền bình nguyên khu vực Tây Tạng tiến về phía Đông và Đông Nam. Nhóm đầu gọi Proto-Malay, và cuộc di dân đầu tiên xảy ra cách đây khoảng 5000 năm. Nhóm thứ nhì gọi Deutero-Malay – di tản theo hướng của nhóm trước, cách đây khoảng 2500 năm. Bình Nguyên Lộc đã bỏ ra hơn 10 năm để nghiên cứu về đề tài, nhưng khi viết nên quyển ‘Mã Lai’, lại gây nhiều ngộ nhận. Phần lớn do ở tầm vóc hết sức phức tạp của vấn đề. Thường đòi hỏi hợp tác của nhiều chuyên gia thuộc các lãnh vực khác nhau nhưng hỗ tương lẫn nhau. Thêm vào đó, tác giả đã dùng những tên gọi, thời bây giờ có thể nói không được ‘thuận lý’ hoặc ‘nghe hợp tai chính trị’ cho lắm. Đại khái, thay vì Proto-Malay, Deutero-Malay, tác giả đặt ra Mã Lai đợt I và Mã Lai đợt II. Làm nhiều người đọc dễ hiểu nhầm Mã Lai I và II, là hai đợt di cư do chính tác giả ‘sáng tác’ ra. Hoặc Mã Lai đợt I (còn gọi chủng In-đô-nê-sien) xuất phát từ Mã Lai Á, đem lôm chôm và sầu riêng, mò lên Việt cổ rồi định cư ở đó [17]. Bởi ngày nay có hai quốc gia lớn In-đô-nê-sia và Mã Lai Á, nên hầu như mọi sách vở viết về các chủng Malay hoặc In-đô-nê-sien đều tránh dùng các thứ từ này. Để tránh lôi các nước khác nhau thành bà con cùng gốc gác chủng tộc với nhau.

 

Có lẽ quá hứng khởi với kết quả công trình nghiên cứu của riêng ông, nhất là việc so sánh hằng ngàn từ Việt với tiếng Mã Lai và các phương ngữ Hoa Nam, và làm quen được tinh thần lô-gích trong nghiên cứu, Bình Nguyên Lộc đã mạnh tay công kích gần như tất cả những công trình của các vị học giả Tây phương, như Aurousseau, Maspéro, Madrolle, Coedès, Jansé, v.v. cũng như nhiều giáo sư Việt đang giảng dạy tại các đại học thời đó ở miền Nam. Mang đến hậu quả tai hại kéo dài hàng chục năm: Giới khoa bảng thường tẩy chay hay không thích đọc ‘thuyết Mã Lai’, hoặc ngộ nhận rằng ‘thuyết Mã Lai’ nói về người Việt có gốc Mã Lai xuất phát từ miệt phía dưới, thích ăn nhiều trái lôm chôm hay măng cụt, và đem trầu cau lên vùng Bắc Việt rồi ở luôn tại đó. Hoặc họ hết thuốc xâm mình nên mò lên miệt trên, và xin nhận nơi đó làm quê hương [12]. Tuy vậy quyển Mã Lai vẫn được tái bản đều đều, có lẽ do ở những tư liệu khác trình bày trong quyển sách. 

 

Xin trở lại vấn đề ‘Bố Cái Đại Vương’. Theo Bình Nguyên Lộc, ‘Cái’ trong ‘Bố Cái’ mang nghĩa ‘hùng mạnh’ hoặc ‘thủ lãnh’. ‘Bố Cái’ = người cha hùng mạnh, hoặc ông cha thủ lãnh. Bởi ‘Cái’ mang gốc tiếng Mã Lai (thuộc chủng Malay từ bình nguyên vùng Tây Tạng, khu chân núi Hi Mã lạp Sơn, Himalaya). Tiếng Mã Lai của ‘Bố Cái’ = iBu Laki. Ibu, phát sinh âm => Bố. Laki (Mã Lai) => tiếng Chàm: Licáy => Lì-Cái => cho âm: Cái.

 

Laki của tiếng Mã Lai, theo từ điển Malay-English (Nxb Pelanduk Publications - 2003), có nghĩa: người chồng, nam tính. Diễn dịch của BNL cũng có thể chấp nhận được: Laki (Mã Lai) = Lìcáy (tiếng Chăm) = đàn ông, lãnh tụ, đực. Biến đổi như nói lái, Laki – Mã Lai, trở thành => Lìcái – Chăm, cũng có thể thấy qua ‘Yêu cầu’ (Việt) <=> ‘Yâu kìu’ (Triều Châu) (xem [2]).

 

Như vậy ‘Cái’, trong nghĩa 'đàn ông', có thể xuất phát từ tiếng Chăm: Lì-Cáy, và Lì Cáy mang cùng gốc với từ Mã Lai: Laki. Tiếng người dân tộc Sơ Đăng: Kel = lớn. Tiếng Bà-Na: Akal (quan trọng) và Kơl (cái đầu). Đều mang âm giông giống /Cái/. Do đó ‘Cái’ trong ‘Bố Cái đại vương’ chính là tiếng Nôm mang cùng gốc với tiếng Mã Lai, gốc gác của một lô các từ dùng ‘Cái’ mang nghĩa ‘chính yếu’, ‘lãnh đạo’, ‘hùng mạnh’. Thí dụ: làm cái lúc chơi bài xì dách, con đường cái, thợ cái, ngón chân cái, vợ cái con cột, v.v. Và ‘Con Dại Cái Mang’ theo kiểu này chỉ có nghĩa ‘con dại dột, người lãnh đạo gia đình chịu trách nhiệm’. Người lãnh đạo đó trong thời Phùng Hưng, cuối thế-kỷ thứ 8, rất có thể là người ‘Cha’. Trước đó ít lâu, cũng có thể là người 'Mẹ' dưới chế độ Mẫu hệ.

 

Cũng theo BNL, ‘Cái’ mang nghĩa ‘phái nữ’ xuất phát từ tiếng Mã Lai đợt I, phía Bắc nước Chăm. Phái nữ hoặc đàn bà, tiếng Chăm gọi: Camay. Tạm nhận tiếng Chăm đa âm. Ta có thể thấy rõ, khi tiếng Chăm chuyển sang tiếng Việt hoặc Mường, ‘Camay’ sẽ tách làm hai: Cái và Mái. Bởi tiếng Việt mang nặng ảnh hưởng Hán ngữ trở thành đơn âm. Thí dụ: chó cái, gà mái.Tương tự như đã viết ở trên, ‘cái’ và ‘mái’ thường được dùng để chỉ tổng quát, mang nhiều nghĩa khác nhau về phái nữ (theo trang 584, BNL):

Chăm : Ca-May = đàn bà

Việt:     Mái = giống cái của loài cầm

Sơ Đăng: Maai = vợ

Khmer: Maai = cung phi

Giarai: Amaai = chị cả

Mường: cải cá = chị cả

Bà na: Mmaai = chị cả

Bà na: Maai = cô dâu

Bà na Hạlong: Mơ = chị cả

Kha: Prmay = con gái

Hoa Nam và Quan-thoại = Mẹ (Má / Mou).

 

Như trên đã viết, ‘Cái’, mang nghĩa ‘Mẹ’ như một nghĩa của tiếng Mường,  theo phát âm của trẻ sơ sinh rất khó khả thi. Nhưng nếu cho ‘Cái’ xuất phát từ Camay (Chăm), có kẹp với âm /May/ bắt đầu bằng /M/ vấn đề có thể trở nên sáng tỏ hơn. Trẻ con trong giai đoạn mới biết nói rất mê âm /M/ và /B/ hoặc /P/: Má, Ba, Papa.

 

BNL cũng thu góp các từ ‘Mẹ’ của các thứ tiếng khác (trang 585):

Việt:                 Mẹ                  

Việt Bắc:          Me

Việt (Bình Trị Thiên): Mạ

Bà Na:                         Me

Mạ:                  Me                  

Hải Nam (gốc Lê & Miêu): Mà

Khmer:             Mê  (đàn bà trẻ tuổi)

Khmer:             Ma đai (đại danh từ, xưng hô: Mẹ, Má)

Thái:                 Maê

Khmer:             Mê (Mẹ, thú vật)

Kha:                 Mè (Mẹ, loài người)

Mã Lai – Java: Emak

Sơ Đăng:          Moo (Mẹ, loài người)

Gia rai:             Mi (Mẹ) - Đừng lầm với Mi= Mầy của tiếng Bà Na

    và Việt.

 

‘Mạ’ thay ‘Mẹ’ theo lối gọi khu vực Bình Trị Thiên có lẽ mang ảnh hưởng của NẠ:

Việt:                 Nạ (Mẹ) - Chờ nạ thì má đã sưng / Gái nạ dòng.

Việt (Trung cổ): Ang Ná (từ điển Huình Tịnh Của)

Gia rai:             Ina

Chăm:              Ina

Rha-đê:                        Ana

Tây Âu cổ:       Nã - Cổ Tây Âu (Quảng Đông-Quảng tây [8])

Nhật bản:         Onna (đàn bà)

Mã Lai – Sumatra:  Jnang (Mẹ)

 

Và rất có thể, 'Nạ' đã sinh ra 'nái' => con heo nái.

 

Để ý từ điển của Huình Tịnh Của cũng có ghi người nước Nam ngày trước vẫn dùng ‘Ang Na’ để chỉ ‘Mẹ’. Giống với tiếng của dân Tây Âu cổ (Nã) và dân ở Sumatra (Jnang). Lê Nguyễn Lưu [6] có dẫn rằng Lê Quý Đôn đã trích dẫn tác phẩm ‘Sứ Giao Châu thi tập’ của một tác giả người Hoa Trần Cương Trung đời Nguyên (thế kỷ 13) cho biết họ Trần (Chen) có phiên âm một số tiếng Việt ra chữ Hán:

 

tiếng Hán: /Phụ - Fu/ => có tiếng Việt phiên âm theo Hán = /Tra/,

tức đọc /CHA/,

tiếng Hán: /Mẫu - Mu/ => từ Việt phiên âm bằng Hán tự = /Na/, Việt

cổ gọi Mẹ= /NA/

tiếng Hán: /Phu – Fu/ => phiên âm bằng Hán tự = trùng, tức đọc

thành = /CHỒNG/

 

Ta cũng có thể tổng hợp hai xu hướng ‘Cái’ theo thuyết Mã Lai / Nôm-na, và ‘Cái’ là Mẹ (bắt nguồn từ tiếng Chăm ‘Camay’), bằng cách để ý đến Mẫu Hệ và phụ hệ. Ở thời mẫu hệ, người lãnh đạo là người Mẹ. Con cái lấy họ Mẹ. ‘Cái’, người lãnh đạo trong xã hội Chăm, theo mẫu hệ, chính là người Mẹ. Đến thời Phùng Hưng, nước Nam có thể đã chuyển theo Phụ hệ, ‘Cái’ trong ‘Bố Cái’ nếu thật sự có nguồn gốc Mã Lai–Chăm [9], vẫn mang nghĩa người lãnh đạo, nhưng thay vì đàn bà, sẽ chuyển sang đàn ông.

 

Gốc gác của ‘Bố’, tiếng Nôm, cũng phức tạp không kém. Mã Lai ngữ hiện đại: Ibu = Mẹ. /Ibu/ dẫn đến ‘Bu’ cũng mang nghĩa Mẹ (hoặc 'Vợ') trong tiếng Việt còn tồn tại ở một vài khu vực phía Bắc. {Xem 'Tắt đèn' của Ngô Tất Tố}. Cũng có thể /Ibu/ đã sinh ra âm /Bố/. Nhưng cũng đã theo dòng thời gian, chuyển nghĩa từ ‘Mẹ’ sang qua ‘Cha’. Để  ý, ‘IBu’ tiếng Mã Lai có vẻ cũng liên hệ với từ /Pu/ của người Thái ở miền thượng du phía Bắc, chỉ ‘đàn ông’. Tương tự, theo tiếng Thái Lan hiện đại, ‘Pu’ vừa có nghĩa ‘đàn ông’, vừa mang nghĩa: ‘Bố‘ hay ‘Cha’.

 

3.      ‘Bố Cái’ theo chữ Hán

 

Đại đa số sách vở tiếng Việt thường viết ‘Bố Cái Đại Vương’ sắp xếp theo thứ tự của cú pháp Hán ngữ. Tức ‘Đại Vương’, từ chính đi theo sau ‘Bố Cái’, bổ túc nghĩa cho Đại Vương. Chỉ trừ một quyển sách bằng chữ Nôm viết theo thứ tự của tiếng người nước Nam: ‘Đại Vương Bố Cái’. Đó là quyển ‘Đại Nam quốc sử diễn ca’ ra đời vào khoảng 1873, do Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái nhuận sắc [10].

 

Những quyển sách có chua tiếng Hán, thường viết theo Hán tự chính cống: 布盖大王 tức đọc theo pinyin /Bu Gai Da Wang/. Để  ý , trừ phương pháp mượn nguyên từ Hán và mượn âm, nếu viết ‘Bố Cái’ theo chữ Nôm, mỗi từ thông thường cần được kẹp với một từ khác dùng chỉ nghĩa. ‘Bố’ cần được viết chung với chữ ‘Phụ’   chẳng hạn,  để chỉ ‘Bố = Cha’ 父布  [4]. ‘Cái’ theo kiểu chữ Nôm, cũng vậy. Thông thường cần được viết chung Hán tự ‘Cái’ với ‘Mẫu’  hoặc ‘Nữ’ để chỉ ‘Mẹ’. Theo với ý nghĩa thông thường trong các sách Việt, Bố Cái= Cha Mẹ. Tuy nhiên, ‘Cái’ chữ Nôm ghi trong từ điển của Vũ  Văn Kính [4] chỉ dùng mỗi một Hán tự ‘Cái’ - để mượn âm. Điều này hơi lạ, nếu để ý vào năm 791, tức vào lúc cụm từ ‘BCĐV’ được tung ra để xưng tặng Phùng Hưng, Hán tộc đã cai trị nước An Nam ngót gần 9 thế kỷ. Ai cũng biết rằng ‘Bố’ và ‘Cái’ đều là hai từ vừa có trong Nôm, vừa có trong Hán tự. Cả hai phía đều mang nhiều nghĩa khác nhau. Như vậy nếu viết ‘Bố Cái’ Nôm theo y như Hán tự, chỉ có thể giải thích đó là từ thuần Hán, hoàn toàn Hán, hoặc từ Hán đơn giản nhất dùng để phiên âm chữ Nôm. 

 

Xin thử quan sát ‘Bố Cái Đại Vương’ (Bu Gai Da Wang) theo tiếng Hán. ‘Đại Vương’ thuần Hán, mang nghĩa một vị Vua ‘lớn’. Lối dùng ‘Đại’ giống như  trong ‘đại ca’ tức người anh cả. Dùng lâu ngày trong tiếng Việt ‘đại ca’ có nghĩa một tay xếp của giới ‘anh chị’ trong chốn ‘giang hồ’. Như vậy ít ai có thể thắc mắc về ‘Đại Vương’.

 

Thế ‘Bố Cái’, theo Hán ngữ thì sao?

 

BỐ theo các từ điển chữ Hán mang rất nhiều nghĩa. Nghĩa đầu tiên thường ghi: vải bố. Các nghĩa khác:

-         Bố = quảng bố, bố cáo => phát rộng ra, truyền đạt rộng rãi

-         Bố = bày binh bố trận

-         Bố = bố cảnh, bố cục, bố trí

-         V.v.

 

Một từ Hán có âm gần giống /Bố/ là /Bá/. ‘Bá’ mang nghĩa ‘nghiệp bá’ (gần như ‘vua’), hoặc Bá = trùm, lãnh đạo. Thí dụ: Bá chủ, bá tước, bá đạo (so với ‘vương đạo’). ‘Bá cáo’ cũng thường được dùng như ‘Bố cáo’. Nhưng có vẻ khó có chuyện tiền nhân lầm lẫn /Bố/ với /Bá/, lộn ‘Bá Cái’ bằng ‘Bố Cái’ [14].

 

CÁI, Hán tự, cũng mang nhiều nghĩa. Nghĩa chính: cái nắp, nắp bình, nắp chai. ‘Cái’ chữ Hán có mang một nghĩa gần gũi với chủ đề: Cái = vượt lên trên, làm chìm các thứ khác.

Một cụm từ đặc biệt dùng ‘Cái’ rất gần chủ đề:  Gai Shi Ying Xiong 盖世英雄 => Cái Thế Anh Hùng, tức nôm na: anh hùng cái thế. Mang nghĩa: Người anh hùng vượt lên trên, hay qua khỏi, thế gian.

Một Hán tự khác tuy viết khác , nhưng có thể mang phiên thiết là “cái” (qđ/Hẹ: [gai]) hay “giai” (qt: [jia]). Rất tiếc truyền thống tiếng Hán Việt thường chỉ xử dụng âm “giai” như trong “giai nhân”. Chữ     đọc như CÁI mang cả hai nghĩa ‘tốt’ (hay “giỏi”) và “đẹp”.

 

Nhìn chung, cả cụm từ ‘Bố Cái Đại Vương’ phảng phất ít nhiều yếu tố văn hoá của hệ Khổng Mạnh. ‘Đại Vương’ đặt song song, trên hoặc bằng với Cha Mẹ. Ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa tại nước Nam có vẻ khá đậm sau gần 9 thế kỷ Bắc thuộc.

 

Chúng ta có thể dựng nên một số giả thiết về ‘Bố Cái’ viết bằng Hán tự. ‘Bố Cái’ chữ Hán có thể mang ý nghĩa đàng hoàng theo những phương cách giả thiết sau đây:

-         ‘Bố Cái Đại Vương’ viết như một cụm từ luôn luôn đi với nhau, tương đương với ‘Cái Thế Anh Hùng’. Tạm cho đó là một cụm từ Hán tối cổ. Tức ‘anh hùng’ cỡ ‘cấp cao’ được gọi ‘cái thế anh hùng’. Vua chuá hạng xịn gọi ‘bố cái đại vương’. Giả thiết này bị vướng vấp bởi cụm từ ’Bố Cái Đại Vương’ chưa hề được gặp thấy trong sách vở hay cách nói của người Hoa.

-          ‘Bố Cái’ - một từ Hán – do người nước Nam áp dụng để chỉ công ơn hay khả năng của Phùng Hưng vươn lên trên hẳn một đám đông. Cũng mang chút ít ý nghĩa nhưng hơi gượng ép ở chỗ ‘Bố’ có nghĩa chính: truyền bá rộng rãi, trở thành ‘một đám đông, một khoảng không gian rộng lớn’.

-         ‘Bố Cái’ theo Hán, cũng có thể mang nghĩa ‘một người tài giỏi vô song về bày binh BỐ trận.’ Hay đơn thuần “Một ông Bố tài giỏi  {}.

-         ‘Bố Cái’ viết sai từ ‘Bá Cái’. Bá Cái = vượt lên trên cả nghiệp bá. Tức ‘minh chủ’ các vị Bá. Cũng hơi gượng và mang tính An-nam hoá, bởi người Hoa không ai nói ‘Bá Cái’, tuy thỉnh thoảng có dùng chung ‘Bá’ với ‘Vương’: Sở Bá Vương Hạng Yũ. ‘Bá Vương’ mang nghĩa giống như ‘Bá Cái’, tức vị vương trên các vị Bá khác.

 

Như vậy ‘BCĐV’ như một từ thuần Hán có vẻ hơi gượng ép hoặc thiếu thốn các lối dùng phổ cập tương tự. Thế tại sao, những quyển sách Việt ưa viết ‘Bố Cái Đại Vương’ bằng chữ Hán – và theo thứ tự ‘Bố Cái’ đi trước - của cú pháp Hán ngữ? Trả lời câu hỏi này xin để ý câu chuyện Bố Cái Đại Vương chỉ xuất hiện lần đầu qua quyển sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, vào thời vua Lê Thánh Tôn, khoảng năm 1479. Trước đó nước Nam có 2 bộ sử, với đặc điểm không có đề cập đến truyền thuyết dựng nước của Hùng Vương, con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Quyển thứ nhất, Đại Việt Sử Ký, của Lê Văn Hưu, soạn năm 1272, nay đã ‘thất truyền’. Quyển thứ hai: Đại Việt Sử Lựợc, khuyết danh, ra đời vào khoảng 1377-1388 [11]. Riêng quyển ‘Đại Việt Sử Lược’ cũng không có đề cập đến chuyện Phùng Hưng đứng lên đánh đuổi Cao Chính Bình vào năm 791.

 

Như vậy ‘Đại Việt Sử Ký Toàn Thư’ của Ngô Sĩ Liên chính là quyển sử đầu tiên ghi lại câu chuyện về BCĐV cũng như các truyền thuyết về thời dựng nước của các vua Hùng. Quyển ‘Đại Việt Sử Ký Toàn Thư’ thât ra lại dựa vào một quyển ‘dã sử’ thuật lại những chuyện u linh hoang đường: ‘Việt điện u linh tập’, xuất hiện khoảng năm 1329 dưới đời nhà Trần. Tất cả những quyển ‘sử ký’ này đều được viết bằng tiếng Hán, chứ không dùng chữ Nôm lô-can. Chúng ta có thể để ý, với tinh thần trọng vọng Hán học ở đời xưa, tất cả những từ dù có thuần Nôm cách mấy vẫn phải được chuyển ngữ trở lại thành Hán tự ròng. Do đó các sử gia ngày trước bắt buộc phải viết BCĐV đúng y theo Hán tự, bao gồm những ý nghĩa khác.

 

‘Bố Cái’, qua những trang trước, đã cho thấy hai từ khá đặc biệt, mang những ý nghĩa có vẻ gần gần giống nhau xuyên qua nhiều ngôn ngữ khác nhau.

 

‘Bố Cái’ có trong tiếng Nôm lẫn tiếng Hán. Trong tiếng Hán ‘Bố ‘ mang hai nghĩa chính: vải bố, và ‘truyền bá rộng rãi’. Ở tiếng Nôm, thông thường ‘Bố’ là CHA, là ‘vải bố’.  Trong một bài viết về cùng đề tài BCĐV, Nguyễn Cung Thông [16] cũng đồng ý với chúng tôi rằng tên gọi 'Bố Cái Đại Vương' dành cho Phùng Hưng thật ra chỉ xuất hiện sau thời Phùng Hưng ít lắm 7 thế kỷ, và đề nghị không nên lọai hoàn toàn những nghĩa khác của 'Bố' trong tiếng Hán, tiếng Nôm. Nhất là ý nghĩa cái lọng che nắng cho vua của 'Bố'.

 

‘Cái’ ở tiếng Nôm mang ít nhiều tính ‘tương cận’ với rất nhiều ngôn ngữ mang gốc chủng Mã Lai. Đặc biệt nhất, từ ‘Cái’ có thể biến dạng với ‘Gái’ và ‘Mái’, hay ‘nái’. ‘Cái’ và ‘Mái’ lại có thể hội nhập với nhau như trong tiếng Chăm: Camay. ‘Cái’ trong tiếng Nôm mang rất nhiều nghĩa – nhưng nghĩa ‘Mẹ’ chỉ tìm thấy dấu vết qua ngôn ngữ người Mường. Nhưng đặc biệt ở tiếng Mường, ‘Cái’ có một nghĩa chính thật rộng: Một người đàn bà. Trong tiếng Mường, ‘cái con’ có thể mang nghĩa ‘vợ con’, ‘mẹ con’. Và ‘cái cả’ có nghĩa ‘chị cả’, …. Nghĩa thường thấy của ‘Cái’ trong tiếng Nôm được thể hiện qua: thợ cái, làm cái, ngón tay cái, vợ cái (phản nghĩa với: đào nhí), … mang nghĩa ‘chính yếu’, ‘cầm đầu’, giông giống như ‘lãnh tụ / người hùng’ theo thuyết Mã Lai.

 

‘Bố Cái Đại Vương’ theo thuyết Mã Lai, mang nghĩa ‘Đại Vương, người cha già lãnh tụ’ có vẻ gượng ép như 2 giải thích kia. Giải thích một, theo Hán tự ròng: ‘Vị Vua vượt trên đám đông’. Giải thích hai, theo kiểu Nôm như thường thấy: ‘Đại Vương có công đức như hoặc hơn Cha Mẹ’. Giải thích Hán ròng, phải xử dụng nghĩa thật rộng của ‘Bố’. Giải thích Nôm, chỉ hoàn toàn thỏa đáng khi minh định được người nước Nam ngày trước có dùng ‘Cái’ để chỉ ‘Mẹ’.

 

Do đó, nếu muốn hiểu vấn đề thật tường tận hoặc muốn truy tầm ý nghĩa chính xác của ‘Bố Cái Đại Vương’ có lẽ chúng ta phải truy tầm kỹ hơn những thành tố của văn minh tại xứ An Nam vào thế kỷ thứ 8. Quan trọng nhất vào giai đoạn đó, ‘Cái’ hay ‘Mái’ hay ‘Má’, hoặc ‘Nã’ hay ‘Nạ’, v.v., từ nào thường được dùng nhất để gọi ‘Mẹ’. Hoặc sắc tộc nào dùng 'Cái', dân tộc nào dùng 'Nã' hoặc 'Nạ' để chỉ 'Mẹ'. Cũng như tương quan giữa bậc Cha Mẹ với Vua Chúa.

 

Quan sát về ý nghĩa của Bố Cái Đại Vương, qua trình bày phía trên, đã đưa đến vài nhận xét sau:

-         Giả thiết chữ Nôm bắt đầu xuất hiện tại nước Nam qua danh xưng Bố Cái Đại Vương, vào cuối thế kỷ thứ 8, có vẻ thiếu thốn rất nhiều căn bản hợp lý. Ngược lại, rất có thể chữ Nôm do chính người Hán ‘sáng tác’ dùng để phiên âm tiếng nói dân bản địa bằng ký âm chữ Hán, trong vòng 100 năm đầu của thời Bắc thuộc. Tức trong vòng thế kỷ 1 trước Công Nguyên.. Cũng giống như chữ quốc ngữ sau này cũng lại do những người Tây Phương tạo dựng bằng cách xử dụng mẫu tự Latin a-b-c. Tức, có thể buồn năm phút, thứ tiếng nào của người nước Nam, Nôm hay quốc ngữ, cũng đều do người nước ngoài ‘sáng chế’, dùng mẫu tự tiếng họ để ký âm - gần đúng - tiếng nói của người bản địa.

-         Tiếng nói của người nước Nam cũng như các thứ ngôn ngữ xung quanh vào thời xa xưa mang một điểm khá đặc trưng: Một từ mang rất nhiều nghĩa, tản mạn xuôi dọc đủ kiểu. Nhất là ‘Bố’ và ‘Cái’, từ liên hệ đến ‘con người’ và những vai trò khác nhau của họ.

 

Viết sau:

 

Như phần mở đầu đã cho biết, toàn thể bài viết trình bày ở phía trên được viết theo sát với tinh thần học thuật Việt Nam vào ngày trước, mặc dù đã cố gắng nêu ra một vài điểm còn lấn cấn. Đặc điểm chính của tinh thần học thuật ngày xưa, ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, (theo thiển ý), là đối với một hiện tượng, thông thường chỉ có một lối lí giải. Một thứ kết luận hay nhận xét. Dẫn xuất từ một thứ lí luận rập khuôn với nhau. Có lẽ do ở điểm cơ bản dựa vào tinh thần Nhị Nguyên trên rất nhiều thứ tiền đề đã dính cứng. Một trong những thứ tiền đề mang tính Nhị Nguyên đó là “Hoặc Hán hoặc Nôm”, chứ không thể lưng chừng ở giữa lưng đồi.

 

Thật sự, thứ tiền đề Nhị Nguyên này, đúng hơn là một thứ định đề truyền tụng từ đời này sang đời kia, ít khi được kiểm chứng, nhất là theo kiểu khoa học Tây Phương. Một phần do ở thiếu thốn chuyên gia rành rọt về một số vấn đề cá biệt. Một phần cũng lại do ở một mớ lí thuyết dựa trên sự hiểu biết giới hạn và rời rạc, đã có từ ngàn xưa. Nó lại đi đôi với một thứ tiền đề khác, khó khăn hơn nhiều, liên hệ đến nguồn gốc tiếng Việt, và sâu xa hơn một tí: nguồn gốc tộc người Việt Nam. Nó cũng gắn bó không thể tách rời ra khỏi với các câu hỏi thường có về tộc người Trung Hoa, và đặc biệt khối Bách Việt ngày xưa ở miền Hoa Nam. Cũng như những thứ từ vựng ngày xưa có chung giữa Hoa ngữ và Việt ngữ. Và nếu nhìn kỹ, nhiều từ ta thường tưởng là Nôm lại là những từ gốc của tiếng Hán, hay ngược lại.

 

Trở lại câu chuyện “Bố Cái Đại Vương”, xin thử đưa ra một lí giải mới, cho rằng các từ mấu chốt như Bố và Cái, có thể mang gốc Nôm, gốc Việt, gốc Hoa, lẫn lộn với nhau. Theo sát với lí thuyết mới về nguồn gốc tiếng Việt, dựa trên mô hình “Cây-và-Đất”, khác với mô hình cổ  điển “Cây-và-Cành” mà người Âu Mỹ ưa dùng trong khoa ngôn-ngữ học. Mô hình “Cây-và-Đất” cho rằng tiếng Việt là một hỗn hợp lâu dài của các thứ tiếng thuộc nhiều tộc người khác nhau, với hạ tầng cơ bản là Môn-Khmer / Munda, phối hợp với Thái-cổ (thành phần chủ lực của tiếng Mường) cộng với khối Đa-Đảo. Chồng chất và đan xen với lớp hạ tầng cơ bản đó là các thứ tiếng xuất phát từ khối Bách Việt xưa ở miền Hoa Nam, từ Vân Nam (Điền Việt) trải qua Quảng Tây, Quảng Đông (Tây và Đông Việt) cho đến tận Chiết Giang (Ngô-Việt), Phúc Kiến - Triều Châu (Mân Việt), và Hải Nam, v.v. Và hỗ trợ bằng hai nhóm từ miền cực Bắc nước Tàu, thời Xuân Thu thường gọi khối Đông Di tập trung ở khu vực tỉnh Sơn Đông ngày nay. Đó là hai nhóm khi xưa ưa sống gần gũi nhau: Hẹ (Hakka, tức Hạc Việt) và Miêu-Dao (Miao-Yao hay Hmong-Mien).

 

Nếu dựa trên nền tảng của lí thuyết mới này về tiếng Việt, và nhìn kỹ trở lại “Bố Cái Đại Vương” viết bằng tiếng Hán: 布盖大王ta có thể đặt ra một vài giả thiết mới. Đó là nếu cả chữ Hán chữ Việt ở vào thời đó, còn vàng thau lẫn lộn (nhiều khi cho ngay đến bây giờ), thì Bố Cái Đại Vương có thể mang những ý nghĩa gì khác, mà vẫn hợp lí như thường. Nhất là “Bố” và “Cái” đi sát với nhau.

 

Xin thử tóm tắt một lí-giải kiểu mới dựa trên mô-hình ‘Cây-và-Đất’ về tiếng Việt:

 

1.      ‘CÁI’ là một cái từ mang gốc Bách Việt: Như vậy ‘Cái’ trong nguyên thủy có nhiều lối phát âm khác nhau, tùy theo phương ngữ, với âm tiêu chuẩn trong tiếng Phổ Thông là [gai]. Một trong những học thuyết, rất thịnh hành vào thời đó, chính là học thuyết về thiên văn vũ trụ, mang tên thuyết “Cái Thiên” [gai tian] 蓋天 {盖天}. Trong chữ “Cái Thiên” đó, “Cái” {} viết y hệt như “Cái” trong “Bố Cái Đại Vương”, mang nghĩa như một cái ‘nắp’ hay cái ‘mái che’, hình tròn, giống như vòm trời, che mặt đất, mang dạng hình vuông. Cũng do ở thuyết ‘Cái Thiên’ này, đồng tiền nhiều nước Đông Á ngày xưa có dạng hình tròn, bao che một cái lỗ hình vuông ở chính giữa. Để ý ‘Cái Thiên’ viết theo cú pháp Việt/Thái đặt ‘Trời (Thiên)’ ở đằng sau. Giống như ‘Thần Nông’, ‘Đế Cốc’, ‘Đế Thuấn’, hay tiếng Hakka (Hạc Việt / Hẹ), tiếng Hải Nam: [Gai Ma] chỉ ‘gà mái’ tức ‘gà mẹ’, [mou ji] quan-thoại.

2.      Nếu thuyết ‘Cái Thiên’ về vũ trụ đã phổ biến ở Trung Hoa thì chắc chắn nó cũng khá phổ biến tại xứ An-Nam, bởi nó là thứ lí-giải về vũ trụ và xã hội quan trọng nhất, trong đời sống con người. Như vậy, ‘Bố Cái’ đi đôi sát nhau, vẫn có thể mang nghĩa người ‘Cha già’ bao che, hoặc che chở,  cho cả cộng đồng. ‘Đại Vương’ đi theo sau, sẽ bổ túc ý niệm ‘cha già bao che’ bằng một ý niệm về ‘vua chúa’, về quyền bính xã hội, ở cấp cao nhất.

3.      Cũng cần để ý đến căn nguyên của 4 chữ ‘Bố Cái Đại Vương’. Không ai biết rõ danh hiệu này ra đời vào thời nào, nhưng ghi chép về chúng chỉ xuất hiện lần đầu trong ‘Việt Điện U Linh Tập’ vào thế kỷ thứ 14, sau thời Phùng Hưng, tức Bố Cái Đại Vương, ngót 600 năm.

 

Ghi Chú

 

[1] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu (USA) tái bản.

[2] Nguyên Nguyên (2004) Loạt bài: ‘Từ chữ Nôm đến quốc ngữ’ (tổng cộng 8 bài). Có đây đủ.tại các mạng: Khoahoc.net, Aihưucongchanh.com, honque.net, perso.wanadoo.fr/charite.

[3] Trần Văn Giáp (2002) Lược Khảo Vấn đề chữ Nôm. (Lê Văn Đặng thực hiện văn bản). Ngày Nay Publishing

[4] Vũ Văn Kính (2002) Đại Từ Điển chữ Nôm. Nxb Văn Nghệ Thành Phố. Trong quyển từ điển này, ‘Bố’ viết bằng cách đặt ‘Phụ’ trên từ ‘Bố’ chữ Hán.

[5] Trần Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Bộ Giáo Dục – Trung Tâm Học Liệu

[6] Lê Nguyên Lưu (2002) Từ chữ Hán đến chữ Nôm. Nxb Thuận Hoá

[7] Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành (2002) Từ điển Mường-Việt. Nxb Văn Hoá Dân Tộc – Hà Nội.

[8] Tiếng Quảng Đông hiện tại vẫn có: Chẩy Nã (tử mẫu) mang nghĩa ‘Mẹ Con’. ‘Chẩy’ (tử = con) đặt trước ‘Nã’ (Mẫu = mẹ), Con trước Mẹ,  cho biết không theo quy luật Khổng Mạnh. Tức dân Quảng Đông (tức Tây Âu xưa) không cùng chủng tộc với người Hán tộc miền Hoa Bắc. Họ gốc người Thái. (BNL trang 587).

[9] Theo thuyết Mã Lai: Đa số các dân tộc Đông Nam Á đều thuộc Mã Lai I hổn hợp với Mã Lai II. Chăm mang đa số Mã Lai II, giống như Inđô-nê-xia. Mã Lai II bắt nguồn từ Hoa Nam. Việt chứa đa số Mã Lai I , xuất khởi từ Hoa Bắc.

[10] Hoàng Xuân Hãn hiệu đính (1956) Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái (nhuận sắc): Đại Nam quốc sử diễn ca. Nxb Trường Thi (SG). Xuân Thu (USA) tái bản.

[11] Khuyết Danh (1377-1388) Đại Việt Sử Lược. Bản dịch của Nguyễn Gia Tường. Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM. Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP.HCM.

[12] Một ông bạn người Mã Lai cho biết: Thổ dân ở khu đảo Sumatra vẫn còn tục xâm mình, y như người Bách Việt xa xưa. Người Mã Lai cũng còn ăn trầu cau, như người Việt. Một người bạn khác gốc Hải Nam xác nhận người Hải Nam xưa cũng có tục xâm mặt, xâm mình và … nhuộm răng như người Việt cổ. Nhưng đặc biệt họ chọn màu nhuộm có vẻ technicolor. Có thể nhuộm toàn bộ răng màu vàng, hay màu bạc. Chứ không nhất thiết màu đen như cổ Việt.

[13] Nam Giao Học Tổ: cũng theo lối xếp đặt của chữ Hán. Thay vì ‘ông tổ việc học vấn xứ Nam Giao’. Dấu vết sự lấn lướt của ngôn ngữ một nước lớn - giống như English today.

[14] Có một từ đồng âm với ‘Cái’ nhưng viết cách khác. Mang nghĩa khác. Đó là ‘Cái’ = ăn xin. Thí dụ: Bắc Cái Hồng Thất Công, trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện của Kim Dung.

[15] Nguyễn Cung Thông (1997) Tiếng Việt tuyệt vời: Âm M trong tiếng Việt. Tác giả xuất bản. Melbourne

[16] Nguyễn Cung Thông (2005) Vài suy nghĩ về nhóm từ 'Bố Cái Đại Vương' và nguồn gốc chữ Nôm. (chưa xuất bản).

[17] Vấn đề hết sức phức tạp ở cái chủng nòng cốt của Đông Nam Á. Rất nhiều tên: Mã Lay, Nam Đảo, Nam Á, Indonesien, Môn-KhờMe, v.v. Đa số đều chỉ chung về hướng chủng Đông Nam Á cốt lõi, khác với đám Hoa-Hạ. Nhưng rất kẹt ở chuyện 'thuận tai chính trị'. Gọi tên Khmer, Mã Lai, hay Inđônê-sien, thì bị kẹt - Bởi nhiều, nếu không nói hầu hết, dân tộc khác không thích tôn người Khmer, Inđô, Mã Lay làm thủy tổ dân họ. Nhưng nếu tránh những thứ tên này, không biết dùng thứ tên khác nào.

 

 

Nguyên Nguyên