Mầu Trắng

Hồ Đình Nghiêm

 

1.

Tôi gặp em lần đầu ở hành lang. Ngôi trường cũ kỹ thắp sáng dãy đèn và màu nắng bên ngoài chen chân vào làm bức tường có nhiều sắc xanh. Những cánh cửa mở rộng, nghe được tiếng lá reo, bóng dáng nó nhảy muá trên màu vôi vàng, sau lưng chỗ em đứng. Em nổi bật giữa đám đông. Không riêng tôi, đã có nhiều kẻ nhìn ngó về em. Tháng Bảy, em mặc vào người hàng vải mỏng. Đơn sơ và có hơi hở hang. Tôi không tin là lắm đứa nhìn em vì cách chưng diện đó. Tự thân em, đã có điều gì khác lạ làm hội tụ những tia nhìn. Một sự nổi bật mà có thể chính em không hay biết? Tôi tự lý giải khi đi dọc hành lang: Có thể nước da em trắng? Có thể em cao lớn và vóc vạc kia đang ở cuối thời kỳ trưởng thành của một người con gái? Sung mãn đến thoả thuê!

Tôi đi vào một căn phòng có nhiều bàn ghế. Một chiếc bàn kê sát tấm bảng xanh có Amanda đang ngồi. Amanda là giáo viên, nhỏ thua tôi khoảng bốn tuổi và là cô giáo dạy Pháp văn cho tôi cách đây sáu tháng. Từ giã ngôi trường, tôi ôm mớ ngôn ngữ tạm bợ để ra ngoài kiếm sống. Giờ này, sau sáu tháng không nhìn nhau, Amanda chừng như không thay đổi. Vẫn màu tóc vàng, vẫn kiểu hớt cao tựa con trai. Vẫn gầy người và vẫn vành môi mọng đỏ luôn tươi cười. Cô đứng lên, bắt tay tôi và ôm giữ thân tôi một khoảnh khắc. Khỏe không? Khỏe. Tôi trả lời. Ngửi ra từ cơ thể Amanda, mùi của một viên kẹo dâu đang tan trên đầu lưỡi. Ở tấm bảng xanh mơ hồ những đường phấn trắng chùi xoá không sạch. Động từ être, động từ avoir. Những thì hiện tại và quá khứ. Tôi cảm nhận chút bồi hồi, ngồi xuống ghế với sự mềm lòng đang xô ngã.

- Chúng tôi nhớ bạn. Amanda nói. Tôi gọi bạn đến giúp cho một tay.

Tôi hiểu ý Amanda. Giúp một tay được hiểu là làm thông dịch thiện nguyện cho một khóa học sắp khai giảng. Khoảng hai chục người đứng ngoài hành lang kia sẽ lần lượt được phỏng vấn để căn cứ vào đó mà sắp lớp. Có ba lớp, thời gian học hỏi dài ngắn không đồng đều dành cho ba hạng: Không biết mảy may tiếng Pháp, biết chút ít và biết khá nhiều.

Đến trưa thì tới phiên em mở cửa bước vào. Cách em xuất hiện cũng khác thường, không ngần ngại rụt rè như những kẻ trước đó. Tôi mang ý nghĩ có điều gì đang reo vui dưới chân đi của em. Như một người bước vào quán nước mà nhân tình đã ngồi chờ đợi dài cổ trong đó.

Em tên Bạch. Giọng Bắc. Người Hải phòng, vượt biển tới Hồng Kông, nằm trại tị nạn bên đó gần bốn năm. Ngoại ngữ em biết nói duy nhất: tiếng Quảng Đông.

Tôi cũng biết lưa thưa. Đại loại như hủ tung: lạnh quá, lũ phò: vợ, hầy ùm hầy: có phải không? Ráp nó lại, thành ra một câu hỏi nhiều ngụ ý.'Hủ tung a lũ phò! Hầy ùm hầy à?'

Một hồ sơ lỏng chỏng được thành hình. Em vào lớp Một. Khoá học kéo dài khoảng 900 giờ trong năm tháng. Có bốn giáo viên thay phiên nhau dạy mà Amanda là người phụ trách lớp học cuối.

Chia tay. Amanda hỏi tôi về công việc tôi đang làm lụng. Chùi rửa, quét dọn trong một cao ốc, ca đêm. Cô nói, những gì không ưng ý trong cuộc sống thì ai cũng phải đương đầu cả. Quan trọng là đừng đánh rơi sự can đảm, đừng mặc cảm các thứ. Điều Amanda nói giống hệt những gì tôi đã đọc trong một cuốn sách, chỉ thiếu câu thần chú: Người ta phải cố gắng để chết chỉ một lần thôi. Tuy vậy tôi nhìn Amanda, cảm động. Xứ sở này mọi thứ đều mới lạ, lời nói kia luôn cần thiết cho những kẻ khởi động chân bước đầu tiên. Tôi nghĩ tới Bạch, niềm tự tin ở đôi chân em.

Khi ra trạm đón chuyến buýt trở về, tôi thấy em đứng trốn nắng dưới mái hiên một nhà giữ trẻ. Tôi luôn mang tâm trạng bất an khi ý thức vốn liếng ngoại ngữ mình có thật nghèo khó. Nhìn em tôi tự hỏi em sẽ ứng xử cách nào khi có ông tây bà đầm đến gần hỏi han. Thật khổ sở cho chúng ta khi nói chẳng được điều chúng ta muốn nói. Con nít thì khóc thét lên, người cà lăm ngọng ngịu thì mặt sẽ đỏ ké. Tôi chắc vậy. Đó là sự biểu lộ của bất lực. Và biểu lộ của em khi đó là gì? Một môi cười, một giả tảng? Sách nhà Phật rao giảng: Vô ngôn có khi hoá giải được mọi điều. Nhưng đó là chuyện khác.

- Ông anh chắc qua đây lâu?

Em hỏi khi tôi đứng đội nắng một mình bên tấm bảng ghi số chuyến xe sẽ ngang qua, sẽ thắng đứng. Em đến sát bên tôi, thịt da ở vùng ngực mãi còn đàn hồi xao xuyến sau áo rộng cổ. Và đó là lần đầu tiên tôi thích được nghe giọng Bắc của em. Hơi chua, hơi khản. Hơi đặc biệt. Tựa một ca sĩ đã tốn nhiều hơi sức trong suốt cuộc đời cầm ca.

- Không, mới qua.

Bạch có vẻ ngạc nhiên. Tôi hiểu được nét nghi ngờ đọng trong mắt em.

- Không phải ai làm thông dịch viên cũng đều qua lâu.

Tôi nói, nhìn màu da trắng của Bạch phản quang dưới nắng tháng bảy. Amanda có mùi dâu, còn em, em tựa một ly kem va-ni nhiều sữa. Em mang sang người tôi chút mát mẻ đồng thời tôi cảm thấy khát nước.

- Sở dĩ em hỏi thế vì thấy anh và cô giáo kia xem tình quá.

- Tôi từng học với cô ấy. Có thể với ai Amanda cũng chia đều sự thân thiện.

- Anh thường đến trường không?

Tôi nói không. Tôi bận lam lũ ở một chốn khác.

Xe buýt trờ tới. Khi đặt đít cạnh nhau trên một băng ghế hai chỗ ngồi Bạch nối tiếp câu hỏi:

- Giả dụ gặp vấn nạn em biết tìm ai để giúp đỡ!

Bạch ngồi sát cửa. Gió len vào làm rối tóc. Vạt nắng đâm nghiêng, soi cho tôi thấy mù mờ một vết xâm xanh đen sau làn vải mỏng. Nhìn đoán không ra hình thể bởi sợi dây của nịt vú vắt chồng lên, ở bả vai. Một trái tim? Một cánh bướm? Một con dao? Hận kẻ bạc tình? Niềm đau khi bị dao đâm, trước đó và trong khi vạch áo cho người ta xâm. Tôi có ý nghĩ kỳ cục, rằng dấu vết kia tựa một dấu ấn chứng thực Bạch đã thất thân.

- Sao anh không nói gì cả?

Tôi lấy viết ghi trên tờ giấy mãi cuộn tròn ở tay Bạch bảy con số.

- Số điện thoại của anh đãy hở?

- Ừ. Gặp khó khăn ở trường thì gọi. Trong chừng mực nào đó thôi, nếu vấn đề nghiêm trọng quá thì hãy nhớ lấy số 911.



2.

Em gọi cho tôi giữa đêm hôm khuya khoắt. Bên ngoài trời mưa, em cho tôi hay biết. Mưa rả rích rãi xuống giấc ngủ những trăn trở, hâm hấp nóng. Ẩm, rít. Tôi đoán thế. Em nói ngủ chẳng được, lòng tự nhiên thương nhớ vẫn vơ. Để làm sáng tỏ, em bảo khi không mà nhớ Hải phòng. Quỷ thật! Em chấm câu. Em lôi tôi ra khỏi cơn mộng lành, tôi có thoáng bực dọc nhưng bù lại giọng em thì thầm trong điện thoại dễ dẫn dắt tôi tới một cơn đồng thiếp khác.

- Anh biết không? Dạo đó nghe đâu người ta muốn Hải phòng kết nghĩa với thành phố Huế.

Giọng em trầm bổng. Tôi nằm yên nghe Bạch kể chuyện đời xưa. Em vẽ trong trí tôi một vùng bể, một hình ảnh: Nơi em chào đời và lớn lên. Tôi không mường tượng rõ nét, bởi tôi bị Đà nẵng bị Nha trang bị Vũng tàu che chắn, lấn át. Những cơn sóng lớn ở mấy vùng biển đó vẫn còn cuồng nộ hung hãn trong tôi, xô vào bờ bãi những kỷ niệm xấu. Mất mát, đau thương, tù tội. Tôi thật lòng muốn quên, nhưng tôi chẳng đành tâm cắt ngang câu chuyện.

- Có dạo em chứng kiến một chiếc ghe tơi tả tấp vào và đoàn người bị trói giải liền sau đó. Thật tội nghiệp! Anh biết không, họ đi từ Huế, bão cấp ba cuốn trôi họ làm lạc phương hướng. Sau bẩy ngày lênh đênh, họ thấy cảng Hải phòng sáng đèn và ai đó trên ghe hét tướng cả lên: Hồng kông kia rồi bà con ơi, thức dậy đi mà hít thở không khí tự do.

Tôi ngó con số màu lục trên đồng hồ điện nhấp nháy. 1:30. Tôi nói:

- Giờ này không còn chuyến xe buýt nào chạy nữa, làm sao để đến bên em? Thành phố này lớn rộng quá, nếu lội bộ thì bình minh mới tới được đích.

Em cười trong điện thoại, nghe chừng hơi thở thật gần. Khúc khích, ngân vang, tuồng như hưởng ứng tận tình lời nói đùa ấy.

- Ừ nhỉ, đến nơi thì muộn mẹ nó rồi, cơm cháo thảy đều nguội lạnh cả!

Tôi cũng cười. Có nhiều chữ em dùng thật ngộ nghĩnh. Tôi than:

- Chỉ sợ đến nhầm nơi như chiếc ghe bất hạnh kia thôi!

Em xì lên một tiếng dài. Rồi sôi nổi:

- Nhớ đến nhé. Chưa quên số nhà em chứ? Vẫy đại một chiếc taxi, em sẽ bồi hoàn số tiền ấy cho.



3.

Khoá học chưa kết thúc, em tự động bỏ lớp ngang xương. Ngày cuối cùng, Amanda gọi tôi tới trường chung vui cùng lớp học. Học viên nghĩ ra sáng kiến tự nấu lấy món ăn đặc thù địa phương của quê hương mình mang tới bày biện đầy bàn làm tiệc đãi đằng. Tôi nhìn nét rạng rỡ tựa nhau của mỗi một di dân khác chủng tộc, tự nhiên đâm nhớ em. Nhớ món Phở em nấu, ăn ngon miệng một cách lạ lùng. Giờ này, trên bàn tuyệt đối không có phở chen chân.

Amanda cho hay, Bạch mang bầu và cô ấy không muốn giữ của nợ. Cô hỏi thành phố này có cấm đoán chuyện phá thai không? Hãy giúp cô bằng cách chỉ cho cô một địa chỉ. Tôi đã giúp. Amanda kết luận. Tôi nhìn vẻ khẩn khoản và tôi chẳng đành lòng ngồi yên nhìn cô ta đứng trên lửa. Vậy đó. Một kẻ hoạn nạn như thế còn lòng dạ nào mà học hành mà chung vui! Cô giáo chấm câu.

Tôi không gặp hoạn nạn, vậy mà lòng dạ tôi cũng bị bằm vụn ra. Khi nhập tiệc, tôi bỏ trốn. Thật chẳng mấy khó khăn, nhưng nghĩ là kỳ cục. Hãy làm những gì mà niềm ăn năn chớ có xuất hiện sau đó. Tôi quay bước, đi nhẹ tới sau lưng Amanda. Cái ót có nhiều lông măng, vàng như phấn hoa. Hai trái tai lung lay hai khoen bạc. Mùi dâu chín và sợi dây chuyền ẩn trốn nơi cổ áo.

- Có lẽ tôi nên điện thoại hỏi thăm cô ấy thử.

Tôi thì thầm bên tai Amanda.

- Hơn khi nào, lúc này cô ta cần được giúp đỡ.

Amanda đứng lên. Tôi nhìn màu mắt lạ của Amanda. Đôi mắt biết cười đã thôi long lanh. Đó là ánh mắt phủ màn thất vọng khi nhìn tới một học viên dốt đặc cán mai mà sự giáo huấn mình đã bỏ công chẳng tài nào chui vào não bộ của hắn.

- Được, toa cứ việc đi. Hãy thủng thẳng, chuyện gì cũng còn có đó.

Kèm theo câu tiếng Pháp nói thật chậm rãi là một tiếng thở dài.

Tôi cúi đầu bước ra đường, bỏ hai mươi lăm xu vô máy điện thoại công cọng. Nghe chuông reo ở xa xăm và tiếng trở mình của lá ở gần. Không còn bao lâu nữa, hàng cây sẽ trơ trụi thân cành, khẳng khiu đứng mặc niệm với màu tuyết trắng. Người ta đồn miệng xứ này đất lạnh tình nồng. Và tôi hoàn toàn không tin thế.

Sau cùng thì tôi nghe ra giọng nói của em. Tuyết chưa đổ, nhưng giọng em đóng băng.

Tôi lắp bắp:

- Lý ra em nên cho anh hay...

- Chẳng có gì hay ho cả. Xấu hổ! Anh biết làm đếch gì?

- Thật sự là em không cần anh giúp?

- Anh muốn giúp điều gì? Lấy máu, lột truồng, nằm dạng chân, băng vệ sinh, thuốc ngừa thai... Những thứ đó chẳng cần sự có mặt của anh.

- Có đau đớn không hở Bạch?

- Nói ra anh cũng chẳng hình dung được.

- Bây giờ thì sao?

- Sao là sao? Là bình thường như cũ thôi. Y tá bảo có muốn làm tình làm tội thì đợi ba bốn tuần lễ sau.

Một chiếc xe cứu thương chạy vụt ngang, hú còi thảng thốt làm xẻ rách con đường âm u bóng nắng. Lá uá hoảng hốt chạy đuổi theo.

- Em kinh nghiệm rồi, lần này đéo có sơ hở nữa.

Bạch nói, như thể Bạch nghe rõ tiếng còi xe ambulance vừa vang vọng trong ống nghe, đầy đe dọa. Bạch ngập ngừng cám ơn tôi đã bỏ công điện thoại hỏi thăm và cuối cùng em gát máy. Lý do: Em bảo là cần phải ngã lưng một tị. Quen tật ngủ trưa mất rồi!



4.

Em đến gõ cửa phòng trọ tôi ở một chiều buốt giá. Những cánh cửa gương đục câm không tài nào nhìn rõ cảnh vật bên ngoài. Nó ngăn chia một bên là hàn khí, và bên trong tôi ngồi co ro với một khoảng không mà máy sưởi nước nóng chẳng đủ hơi sức phả ấm cho thứ diện tích trống trải ấy.

Má em hồng. Nón len em đội có những giọt nước đóng băng, long lanh dưới bóng đèn như những hạt kim cương. Đôi mắt em là một thứ trân châu khác, lên nước đen ngời.

- Sao em không gọi điện thoại trước?

- Để làm gì? Đường đột lúc nào cũng thú hơn, dễ bắt quả tang...

Tôi cởi hộ em chiếc áo mùa đông nặng nề. Em có vẻ lúng túng. Sự lúng túng không do bởi tay chân cóng lạnh vì tuyết giá.

- Để anh có trước sự chuẩn bị. Để khỏi nhọc công em khi anh lỡ vắng nhà.

Em giở nón len ra. Những lọn tóc đen xổ bung xuống bờ vai kèm gửi vài giọt nước rơi bám trên mặt tôi. Nước tự trời cao bao giờ cũng có vị ngọt, khác biệt với nước chảy ra từ đôi mắt. Em là người cứng rắn, chưa khi nào tôi thấy em khóc một lần dù môi em có lúc đã kể chuyện thương tâm. Một chuyện quá buồn cho người nghe.

- Sao anh không kiếm tìm một người bạn? Ở thế này héo người đi mất. Chán chết được!

- Ừ. Chán ngán. Lạnh lùng nữa chứ!

Tôi ôm em. Như muốn chứng thực lời nói, như muốn đón chút hơi ấm từ thân em toả nhiệt, để khỏi héo người.

- Đừng làm thế. Đừng gây cho em sự khó xử.

- Sao lại khó xử? Không phải em là người bạn duy nhất của anh đó sao?

- Em sắp xa anh rồi. Em đến nói lời từ giã đây.

- Đùa đấy nhỉ? Anh đéo tin đâu.

Tôi nghịch. Tôi mang ngôn ngữ của Bạch để nói cùng Bạch. Em cười miễn cưỡng. Và tôi nghiệm ra mỗi địa phương có một cách nói riêng. Người Huế như tôi nói chữ đéo nghe thật chướng tai. Ngượng mồm. Thật trẻ con!

- Đi thử thời vận một thời gian xem sao. Rồi em sẽ trở về.

Bạch tìm cách thoát khỏi vòng tay tôi. Tôi càng ôm siết. Mềm mại, co giãn, ấm áp và ngây ngất. Mùi quế, mùi gừng, mùi rau húng, mùi đinh hương... Tôi không thể kể hết những thứ mùi hoà quyện lại để tạo nên hương vị một bát phở. Tôi thèm ăn phở, hay đúng ra tôi thèm khát em.

- Buông em ra, cho em đi đái một tẹo.

Bạch nói.

- Và trong khi đó thì anh đi thay đổi áo quần.

- Để làm gì?

- Gọi một chiếc taxi đưa mình đến một quán ăn. Chúng ta chung đũa một buổi cơm giã từ.

- Sáu giờ rưỡi anh có hẹn với Amanda. Em cùng đi với anh nhé?

Bạch khựng bước trước cửa phòng tắm. Sau cùng em đóng mạnh cánh cửa cùng lần với một chữ: Không.

Tôi áp tai vào cánh cửa. Ngọn đèn vàng ở trong chạy đường viền sắc sảo bên dưới màu gỗ nâu. Có lẽ từ khe thoát đó, tôi nghe rõ tiếng nước chảy reo vui.

- Amanda thôi dạy ở đó rồi. Người ta tổ chức một buổi tiệc có trao quà lưu niệm để chia tay với cô. Người phương Đông mình có câu: Nhất tự vi sư bán tự vi sư, anh nghĩ em nên góp mặt lần này.

Bạch dội cầu. Cửa mở, và trong tấm gương soi, tôi thấy đọng rõ khuôn mặt chẳng mấy vui của em. Cau có là đằng khác.

- Anh toàn quyền chọn lựa. Giờ này hẳn còn sớm. Chọn một trong hai.

- Đừng chướng. Mình sẽ có mặt ở đó một lát thôi, sau đấy là giờ giấc của bọn mình, chẳng ai có thể quấy rầy.

- Tôi không thích gặp mặt cô ấy. Nói chung tôi ngấy cái không khí của lớp học trường ốc. Đếch thoải mái!

Bạch lách mình ra ngoài. Em yên lặng mặc lại chiếc áo chưa kịp ráo khô.

- Chuyện gì thế?

- Hỏi anh đấy. Anh có vẻ như luôn phục tùng bọn tây đầm. Lúc nào cũng Amanda, Amanda. Hô đâu chạy đấy.

- Thì đã sao? Không phải cô ấy là một người tốt sao? Một người như thế thắp đuốc tìm không ra kẻ thứ hai đâu. Chưa kể là chính cô ấy đã hơn một lần giúp em.

Bạch đội nón len lên đầu. Gương mặt em có đôi phần giống người Mông cổ, lúc ấy. Một người nữ Mông cổ biết cầm roi nhảy ngựa đi quyền. Và nếu cần có thể đả thương kẻ khác, chẳng gớm tay.

- Em biết, bọn đàn ông như anh lúc nào cũng ưa thử món ngon vật lạ, mà Amanda thì thuộc loại thịt thơm.

Tôi nhìn em. Không cải chính, không dài lời, không phân bua, không minh giải, không biện bạch.

- Em đi đâu?

- Còn phải hỏi. Đi về, và mai sáng lại phóc xe đò đi Toronto. Có đứa bạn mở nhà hàng dưới đó.

Trước khi mang găng, Bạch thò tay vào túi áo và rồi trao cho tôi một hộp giấy nhỏ.

- Quà cho anh đấy.

Tôi đưa tay lên gần mắt. Ngoài hộp vẽ hình một củ sâm tròn trịa đầy đủ râu ria, ngó gân guốt cứng cáp. Phía dưới chạy hàng chữ Tàu loăng quăng như những con tinh trùng. Một triện son đỏ đóng lên trên nhằm cầu chứng đồ xịn.

- Thứ mà vua Minh Mạng vẫn thường dùng đấy phỏng?

Tôi giả giọng em. Gần giống, thiếu chút lẳng lơ, chút hồn nhiên.

- Cũng tựa thế, để mong mỏi cuộc chiến đừng chóng tàn. Không chồn chân mỏi gối.

Em nói. Dửng dưng, lạnh lẽo. Như bác sĩ nói với một bệnh nhân bị chứng liệt dương, yếu đuối chuyện phòng the, mềm nhũn chăn chiếu gối ghiếc.

- Đêm nay anh hãy uống thử một viên xem sao. Đồ hiếm quý của Hồng Kông đó. Chắc Amanda sẽ hồ hỡi phấn khởi.

Bạch mở cửa.

- Nhớ lời em nói chứ? Hãy rán sức mà trả thù dân tộc.

Bạch bước ra hàng hiên tuyết đổ. Tôi tiễn em một đoạn. Màu tuyết muôn đời vẫn trắng toát, thường hằng lạnh căm. Tôi cóng người nhìn dáng em xiêu đổ. Bùi ngùi. Hy vọng là em không dối gạt tôi, có ngày rồi em sẽ trở lại. Nếu không, tôi đi Toronto quyết tìm cho ra một bóng chim tăm cá. Tôi gióng gọi tên em, khan tiếng; nhưng Bạch không nghe.

Tuyết bôi xoá hết. Dựng đứng một màn trinh trắng đến cay mắt./.


Hồ Đình Nghiêm


Mời đọc:

Phỏng vấn nhà văn Hồ Đình Nghiêm - Quỳnh My thực hiện