Phạm Anh Dũng: Tình Khúc Hồi Hương

Việt Hải thực hiện


"Này người yêu dấu
Anh muốn đưa em về dòng sông xưa làng cũ.
Tìm trời mây cao.
Nơi có trăng sao có lá xôn xao tình ái.
Tìm hàng cây xanh, lá thắm năm nào ...

Này người yêu hỡi
Anh hứa đưa em về lại thăm ngôi trường cũ
Tìm lại sân chơi.
Nơi có em thơ vang tiếng chơi vơi chiều vắng
Tìm hàng cây xanh.
Lá thắm ngàn năm..."

 



Đó là bài "Tình Khúc Hồi Hương", điệu nhạc chậm buồn nói lên sự nhớ nhung quê xưa làng củ. Niềm xao xuyến khi hướng về bên kia bờ biển Thái Bình dù là bứt rứt nội tâm đối với những người như chúng ta khi ly hương thì tình hoài hương bao la lắm, nhớ mong lắm, vốn dĩ được che đậy kín đáo, ấp ủ trong lòng dào dạt tình quê. Tôi vốn mến nhạc Phạm Anh Dũng (PAD) vì anh chỉ làm những bản nhạc mà lời nhẹ nhàng, du dương, dịu dàng, dù là nhạc tình ca hay nhạc nói về quê hương hay tình người. Xin nghe thử bạn nhé:


Tình Khúc Hồi Hương



Bài hát trên đây cũng là tựa đề của tập nhạc mà anh biếu tôi tháng 7, năm 2002, mãi đến hôm nay tôi mới có dịp viết về anh vì nhân tuần rồi tôi có viết một bài văn về Hà Nội, nhắc nhỡ một số thân hữu quen biết, tôi chạnh lòng nhớ về những khúc ca muôn thuở như "Giấc Mơ Hồi Hương" của nhạc sĩ Vũ Thành, "Hướng Về Hà Nội" của Hoàng Dương và tôi đã không quên với Phạm Anh Dũng phải là "Tình Khúc Hồi Hương", một ca khúc nhiều tình tự quê hương.

Cách đây vài hôm, tôi gọi thăm anh để làm một cuộc phỏng vấn sơ lược cho bài viết của tôi. Sau đây là những dòng tâm tình của nhạc sĩ PAD và Việt Hải (VH):

Việt Hải (VH): Xin anh cho biết nguyên nhân hay động cơ nào đưa anh vào lãnh vực âm nhạc trong khi ngành học anh chọn hay làm việc lại là y khoa?

Phạm Anh Dũng (PAD): Lý do chính là tôi thích âm nhạc từ thuở nhỏ và đến nay vẫn thích.

VH: Bản nhạc đầu tiên là gì? và bản sau cùng gần đây nhất?

PAD: Bản đầu tiên Nắng Xuân Xưa, Lệ Thu hát trong CD Đưa Người Về Phương Đông.

VH: Anh có tổng cộng bao nhiêu nhạc phẩm tất cả?

PAD: Hơn 250 bài tình ca.

VH: Tôi thấy anh thường phổ thơ của nhiều thi sĩ, như vậy giữa nhạc phổ thơ hay nhạc có lời do anh sáng tác, khuynh huong nào anh thích hơn? Và tại sao?

PAD: Viết cả lời cho nhạc hay phổ nhạc vào thơ người khác mỗi cách có cái thích khác nhau.

VH: Khi làm nhạc hay sáng tác nhạc anh thấy điều gì khó khăn nhất?( Ví dụ chọn đề tài, chọn điệu nhạc mình thích, hay vì chìu ý thị trường âm nhạc,...?)

PAD: Có lẽ điều khó khăn nhất là viết nhạc lúc không muốn... viết nhạc.

VH: Vâng, tôi hiểu ý anh, khi mình không cảm nhận được nguồn hứng khởi sáng tác. Như vậy tính đến nay anh ra được cho mình bao nhiêu CD hay tape nhạc tất cả?

PAD: Tôi có 5 CD, gồm Tình Khúc Hồi Hương, Đưa Người Về Phương Đông, Tình Bỗng Khói Sương, Quên và Nắng Mùa.

VH: Nếu có người cho nhận xét anh là người có khuynh hướng theo loại nhạc tiền chiến rất tình tự, rất nồng nàn thì anh nghĩ sao? Đó có phải khuynh huong anh chọn không? Giữa nhạc tình ca và nhạc quê huong thì chủ đề nào anh chuộng hơn?

PAD: Tôi nghĩ có lẽ họ nhận xét đúng khi cho tôi là người có khuynh hướng viết nhạc tiền chiến và đó là con đường tôi chọn lựa cho mình. Tuy không có ý "chuộng" nhưng tôi viết nhiều tình ca lứa đôi hơn tình ca quê hương.

VH: Xin anh cho biết những sinh hoạt sáng tác nhạc gần đây của anh?

PAD: Tôi vẫn hay sáng tác nhạc khi có cảm hưng, và đến bây giờ cũng vẫn vậy.

VH: Ngoài ra, anh có dự tính cho ra những projects mới không? Nếu có thì bao giờ người thưởng ngoạn được nghe?

PAD: Dự định trong tương lai là được may mắn ra thêm vài CD nữa.

VH: Tiện đây VH xin phép anh là VH sẽ viết đôi nét về nhạc Phạm Anh Dũng. Cám ơn anh cho buổi phỏng vấn ngắn này.

PAD: Cám ơn anh Việt Hải.




ooOoo





Khi CD "Quên" ra đời, tôi biết nhiều hơn về anh. CD "Quên" là diã nhạc gồm 12 bài tình ca mà PAD đã phổ thơ của thi sĩ Vương Ngọc Long. Trong CD này tôi xin đan cử ra bài "Quên", nhạc đề mục của CD, tiết tấu nhạc khoan thai, chậm vui mang nét đặc thù dân ca quê hương, đặc biệt là miền bắc, người ca sĩ ngân dài tiếng "í", tiếng "ư", chút duyên dáng, chút lẳng lơ, lời ca quyện vào điệu nhạc thật hài hòa.

"Mắt quên lúng liếng (ư) đưa tình
Loay hoay, lạ lẫm, một mình, bỗng (ứ) dưng...
Thốt nhiên, luống cuống, ngại (ư) ngùng
Người quên nheo mắt, tôi chừng ngẩn (ờ) ngơ

Tóc quên thắt bím, buông (ơ) hờ
Lửng lơ gió hẹn, vai chờ, chơi (ơ) vơi
Gặp người tôi chẳng quen (ơ) hơi
Nhớ ai tóc thả, tôi thời ngóng (ơ) trông

Gót hồng quên mất con đường
Để cỏ hoa cũng rộn ràng nhớ mong
Gặp người ngại bước song song
Đường xa xa lắc, chùng lòng chẳng yên

Nhớ ai, cái nhớ mỏi (í) mòn
Lương duyên ai định: mất, còn, rủi, (ừ) hên ?
Nếu mà hôm ấy chẳng (ừ) quên
Biết đâu hai kẻ nên duyên vợ (ờ) chồng..."

Quên



Sau đó bài nhận đinh CD này được xướng ngôn viên Quỳnh Lưu đọc trong mục "Thi Ca Âm Nhạc" do cô phụ trách trên đài TNT.

Đó là cái nét tiêu biểu đặc trưng cho khúc tình ca mà PAD ghép âm hưởng quê hương lồng vào bài hát mà tôi nghiệm ra khi nghe.

Một CD khác tôi được dịp nghe là diã "Tình Bỗng Khói Sương" gồm 10 bài tình ca phổ thơ của thi sĩ Phạm Ngọc. Tiêu biểu tôi đan cử bài dành cho đề mục CD là bài "Tình Bỗng Khói Sương".

Giọng ca Bảo Yến cất cao vút những lời thơ tình tự của Phạm Ngọc, lời ca tình tự như trách móc, như rên rỉ và cái hay là air nhạc chập chùng trong nỗi buồn chơi vơi khi đêm về trăng lắng cô liêu giữa phố khuya tĩnh mịch trong tiếng nhạc PAD vô cùng thổn thức, vô cùng thiết tha.

"Một ngày em đã xa tôi
Đường mây hướng gió xa xôi nghìn trùng
Quanh tôi là cõi thinh không
Tìm đâu lại áng mây hồng vụt bay

Một ngày em bỏ nơi này
Công viên ghế đá giăng đầy bụi mưa
Và Thu cũng sớm sang mùa
Hoang mang cành lá vàng úa trên đường

Một ngày tình bỗng khói sương
Tôi về gom chút tàn hương cuối trời
Hồn sầu mộng giấc chơi vơi
Tàn canh quạnh vắng Trăng rời phố khuya"

Mời bạn hãy nghe:
Tình Bỗng Khói Sương (Bảo Yến trình bày)



Một nhạc phẩm tình ca khác không kém phần trữ tình mà nhạc cùng lời do PAD sáng tác. Âm điệu diụ dàng, du dương dâng tiếng lòng yêu thương từ mùa Xuân thắm tươi đến với muôn người, rồi mùa Đông lạnh giá vắng tênh, lời người trai tỏ tình yêu em với những gì dấu yêu nhất từ em. Mời bạn xem bài "Yêu em và Yêu em...".

"...Em như mùa Xuân thắm
thắm lên ngàn cỏ dại
Anh như chiều Đông vắng
nhớ em buồn giăng mây
...
Anh yêu làn môi thắm
đưa anh vào mộng vàng
Anh yêu tà áo trắng
ngát hương mầu hoa nắng

Anh yêu vầng tóc rối
có hoa vàng ngại ngần
Anh yêu và yêu mãi
yêu em và yêu em..."


Một bản tình ca khác mà tôi thích là bài "Mùa Xuân Anh Yêu Em". Khi xuân về bao muôn hoa phô sắc thắm tươi, cho không gian quang đãng của niềm hy vọng mới, cho con người chan hòa bên niềm vui mới, cho chim muông vang tiếng líu lo như khúc hoan ca say niềm hạnh phúc yêu nhau thì đó là lời tình tự ngọt ngào qua nhạc và lời tình tự của PAD khi mùa Xuân cho anh yêu em:

"Này em hỡi, xuân về rộn ràng
Bầy chim hót líu lo chào mừng
Nụ xuân ngát hương dịu ngọt ngào
Làn gió mát đưa tình lên cao

Này em tôi, anh yêu mầu xanh, yêu trời xanh
Anh yêu mùa Xuân, yêu nắng xuân
Và anh... anh yêu em... anh yêu em

Này em hỡi, xuân về bàng hoàng
Mầu môi thắm sao mà nồng nàn
Dòng tóc vắng bay trong chiều vàng
Em có biết xuân về hay không?"

Trong tà áo lụa năm nào em đi e ấp dưới nắng hanh vàng, em mắt biếc trong dáng kiêu sa năm nào, tình đã lỡ dở. Này em hỡi, nắng Xuân về lung linh niềm nhớ, cho đôi ta nhuộm tia nắng vàng quấn quít bên nhau của dĩ vãng ngày xưa để duyên mình còn gặp lại. Lời ước mơ đó PAD gửi gấm trong bài "Nắng Xuân Xưa".
"...Trời xanh thắm, đầy hoa bướm ngập nắng xuân tơ vàng
Rồi nắng tắt, nhạc chia ly, ôi tàn mộng!
Hoa bướm mất, trời thôi xanh, phai tình hồng
Còn đâu nắng mai, còn đâu má môi mong chờ
Đàn xưa luyến tiếc, người em mắt biếc còn nhớ ân tình như mơ?

Đâu dáng kiêu sa. Trong áo lụa là.
Dưới nắng hanh vàng. Duyên kiếp lỡ làng.
Thương ai nhớ nắng biết bao giờ nguôi.
...
Người yêu dấu hỡi,
Mùa Xuân sẽ tới
nhuộm nắng duyên tình lứa đôi"


Nếu tôi đã mê say "Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên" của Từ Công Phụng thì tôi cũng cảm mến bài tình ca "Mùa Xuân Ngoài Khung Cửa" của PAD, lời của thi sĩ Phạm Chung. Bài hát cho cung đàn nhẹ nhàng, êm ái, gợi nhớ hình bóng em gái môi hồng, của núi đồi Đà Lạt, để lắng nghe mùa Xuân về trên đỉnh bình yên của tình yêu, mà nơi đó có em, và có kỷ niệm chúng ta bên nhau.

"... Có phải mùa Đông cũng qua
em chờ ai
cuối dốc đồi Đà Lạt
xa xa rừng hoa đào, mầu hồng như xác pháo
mây xám tô má đào
em nhớ ai để môi hồng phai?

Em chờ mùa Xuân tới
mong Xuân mang người về
mùa Xuân ngoài khung cửa
mà người xưa vẫn xa..."

Bài hát "Ngậm Ngùi" do thơ Huy Cận, nhạc Phạm Duy đã cho lời ru em ngủ rất nồng nàn tình tự: "Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây". Tôi biết nhà thơ Hải Đà có bài tình thơ ru người yều vào giấc mộng đẹp, lời ru thật dịu dàng, âu yếm, bài có tên "Ngủ Đi Em", được PAD phổ thành nhạc.

"Khi em ngủ bước chim về khe khẽ
Rót tai em tiếng mật ngọt ngoan hiền
Bên bờ môi khu vườn biêng biếc lá
Gió đâu về ru giấc ngủ hồn nhiên

Khi em ngủ màn đêm hờ khép kín
Hạt sương nằm vương vấn đọng bờ mi
Đêm thảng thốt muôn vì sao bật sáng
Lá rung cành thở nhẹ tiếng thầm thì

Em ơi, ngủ đi em
Anh ru em ngọt ngào ca dao
Ngủ đi em say giấc nồng
Ngủ đi em, em yêu, ngủ đi em

Khi em ngủ tôi là người gác cổng
Bởi mắt em: cánh cửa ngọc thiên đàng
Lòng tôi đó gối chăn đầy hơi ấm
Ngủ đi em ấp ủ giấc mơ vàng..."

Trong nỗi niềm tình tự của bài "Bài Thơ Mùa Thu" mà nhà thơ Bích Huyền
đã sáng tác, PAD phổ thành ca khúc cùng tên. Ý thơ ám chỉ một mùa Thu xao xuyến áo vàng hoa cúc, làm tôi chạnh nhớ "Tuổi 13" trong thơ Nguyên Sa, nhưng ở đây nhà thơ nữ ngụ ý rằng mùa Thu xưa người chị của nhà thơ đi lấy chồng khi sang Mỹ du học, người em tức nhà thơ hãy còn hồn nhiên của cái thuở còn lắm thơ ngây. Thu sang rồi lại Thu sang chị đi biền biệt, đi mãi mà Thu này em nhớ chị thật nhiều, em đang rung cảm của chớm Thu áo vàng của tuổi đã biết buồn của mộng mơ... Lời thơ cũng là ý nhạc như sau:

"Áo vàng hoa cúc phơi lưng đậu
Sân gió hương lùa thơm ý thu
Ngày mai chị sẽ sang nhà khác
Năm tháng mình em gói đợi chờ...
Chị ơi sao chị chẳng về thăm
Em chị hôm nay đã biết buồn
Hồn nhiên năm củ còn đâu nữa
Mùa Thu xa rồi hết ước mong...
Mùa Thu xa rồi hết ước mong..."

Tôi có dịp nghe bài hát vô cùng cảm động khi nhà thơ Song Vinh đốt nén nhang nhớ mẹ anh khi bà đã giả từ cõi trần ai, anh cầu mong "Mẹ Về Với Con". Bài thơ Song Vinh cho PAD dâng niềm xúc cảm đã biến nó thành nhạc:
"Con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
Chiều buồn chậm tối gió quạnh hiu
Làm sao níu lại thời gian cũ
Làm sao thấy được bóng mẹ yêu

Con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
Đôi giòng lệ xót cũng phần con
Nỗi lòng của biển bao giờ cạn
Mẹ ngủ, mẹ yêu, mẹ của con..."


Trong các bài tình ca của PAD thực hiện, anh dùng địa danh, kỷ niệm của nơi chốn làm nền cho nhạc phẩm như một không gian cũ của Hà Nội hay một khung trời Sài Gòn cho tình nào gợi nhớ bâng khuâng như ví dụ trong bài "Hà Nội Mưa Bay", thơ Trần Ngọc.

"Mưa Hà Nội, mưa bâng khuâng gợi nhớ
Gió Hồ Gươm hôn nhẹ suối tóc thơ
Đôi mắt đẹp nụ cười xinh rạng rỡ
Mưa mơ màng xao xuyến dệt mộng mơ
...
Hà Nội ơi!
Mưa tình thấm ướt đôi vai
Phố phường in dấu ô mai
Dỗi hờn mưa đến ngày mai
Hà Nội ơi!
Có còn nghe tiếng mưa rơi
Có còn ngây ngất chờ đợi
Có còn thương nhớ xa xôi ..."

Mưa cho nỗi lòng hứng khởi văn thơ nhạc cho các thi văn nhạc sĩ, PAD không ra ngoài thông lệ đó, anh sáng tác nhạc phẩm "Giữa Trời Mưa Sa", nhạc và lời của chính anh.

"Anh bước vào con gió
Bay về phía trời em
Nhẹ nhàng trên mái tóc
Vuốt một giòng sông êm
...
Em đi vào ký ức
Che kín một đời anh
Môi em là ngọn lửa
Rọi đêm dài long lanh

Có lần em đã đến
Giữa cung trời mưa sa
Mắt em là ngọn nến
Lung linh nở ngàn hoa

Em như vì sao lạc
Giữa anh - trời mưa sa"

Như trên đã đề cập, PAD bâng khuâng khung trời Hà Nội, rồi PAD lại nhung nhớ một không gian Sài Gòn, tôi nghe nhạc phẩm "Nhớ Sài Gòn", nhạc và lời do anh viết, tôi chợt nhớ bài tình ca "Trả lại Em Yêu" thuở nào của Phạm Duy. Những khung trời Sài Gòn nhớ mãi không quên, nơi có con dường Duy Tân với cây dài bóng mát, nơi có trường Luật khoa, có tháp Rùa, nơi có những xe bán nước dừa để uống môi em ngọt... nơi của Sài Gòn yêu dấu ngàn năm.

"Biết đến bao giờ gặp lại người xưa
Thương cho mùa mưa qua thành phố vắng.
Duy Tân im lìm phố vắng.
Thương cây lá hoang tàn.
Người xây giấc mơ hồi hương.

Này Sài Gòn yêu thương,
Hãy còn đây vấn vương.
Nhớ bờ sông nước êm.
Ghế đá chốn công viên...

Ước đến bao giờ gặp lại người mơ,
Đem theo vần thơ lên bờ sông đó.
Đêm khuya nghe từng cơn gió,
Nơi xa ánh mắt trông chờ.
Sài Gòn yêu dấu ngàn năm..."

Bài tình ca "Đưa Người Về Phương Đông" nhạc PAD phổ thơ của thi sĩ Cung Vũ. Lời ca diệu vợi, nỗi nhớ nhung của quê nhà xa xăm để cuối cùng trong tâm khảm anh sẽ đưa em về phương Đông.

"Đưa người ta đưa về phương xa
Ngày chưa lên nắng tuyết sương pha
Cây không ươm gió làm bay tóc
Để ta trông mấy sợi la đà
...
Đưa người ta đưa về phương đông
Ta cuối trời Tây gọi nắng hồng
Dáng gầy em thoáng buồn bên phố
Hư ảo từ ta mong nhớ mong

Đưa người ta nhắn tình ta theo
Vương vấn chân mây nào cuối đèo
Sông chia muôn nhánh đời hai ngã
Bên kia đời người có quạnh hiu."

Tôi nghe 3 giọng ca Mỹ Khanh, Bảo Yến và Minh Châu hát bài "Tình Là Hư Không", nhạc và lời do Phạm Anh Dũng, mỗi giọng chuyên chở mỗi lưu luyến làn nhạc PAD, và mỗi người mang mỗi vẽ hay riêng.

"Chiều thu mưa vẫn rơi
Chiều thu mưa vẫn rơi
Nhạc thu ru nắng phai nhạt nhòa cuối trời
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây
Tình anh như núi sông, biển rộng mênh mông

Chiều thu mây trắng bay
Chiều thu mây trắng bay
Ngàn thu mây vẫn bay dù mộng không đầy
Mùa thu cơn gió lay
Hồn thu đưa lá bay
Tình ta như sắc không, tình là hư không..."

Nhà văn Hương Kiều Loan khi nghe bài hát này, bà đã cho nhận xét như sau:
"Tình Là Hư Không... "Tình Là Hư Không" đã là những gì rất êm đềm, nhưng lại rất quyến rũ, khiến khi nghe, thấy hồn nhẹ nhàng, thư tháí và muốn nghe mãĩ mà không thấy chán. Lời nhạc không cay đắng dù cuộc tình không trọn, những tiếng than , tiếng thở dài tuy thổn thức, nhưng vẫn êm, vẫn dịu dàng, vẫn bao dung, như vết thương đang dần dần đuợc liền da, dù nỗi buồn vẫn trải rộng mênh mang, nhưng là những chiụ đựng, chấp nhận, mà không là oán thù cay đắng. Từng lời, từng nốt rung cuả âm điệu, giọng người ca sĩ như mật ngọt, khiến người nghe như nếm đuợc giọt suối trong mát sau một ngày nắng hạ đã chịu khát bao lâu, và cứ thế, ta uống từng ngụm nuớc ngọt , nuớc trong, uống mãi mà chưa thấy đủ, càng nghe càng thấy gần gụi với mình. Một nỗi niềm nào ta bắt gặp ta trong lời nhạc, một kỷ niệm nào thân quen về thu…và …mùa thu ơi, sao quên nổi những nỗi buồn đã khởi đầu từ những ngaỳ lá nhuộm vàng mầu lụa óng: Chiều thu mưa vẫn rơi Chiều thu mưa vẫn rơi Nhạc thu ru nắng phai nhạt nhòa cuối trời Một ngày tháng chín, năm cũ trên con đuờng về nhà, mưa thu đan mỏng không gian, mưa nhẹ, dù có đi bộ ngòai trời cũng không uớt áo, thế nhưng trời đất đã nhạt nhoà vì "con be’" nuớc mắt đầy mi, có những hiểu lầm nào, oan ức nào trong cuộc tình không giải tỏa đuợc để làm ta đau đớn buồn phiền, sầu muộn...
Mùa thu cơn gió lay Hồn thu đưa lá bay Tình ta như sắc không Tình là hư không Đúng thế, ta có nhau đó mà vẫn như không, hoặc không mà có... tình ta như sắc không, tình là... hư không...".
Hương Kiều Loan (mùa thu 2003).

PAD là người nhạc sĩ của lãng mạn, của âm nhạc dịu dàng, anh là người sống với cái nội tâm rất tôn giáo, anh khéo léo đưa tí tính chất triết lý sắc sắc, không không, cái phù vân, cái vô thường của đời sống vào bài ca trên. Vì tình yêu muôn thuở vốn dĩ chịu ảnh hưởng sâu đậm của màu sắc sắc sắc không không bởi cái sắc thái của nó vậy.

Bài trích dẫn cuối cùng là một nhạc phẩm mang mùa Thu tới, như Thu mộng mơ, Thu về cho lá rơi, nhắc nhỡ một mùa Thu mà thi ca hay âm nhạc vẫn quyến luyến ôm lấy mùa Thu thơ mộng hay chia ly. Thu cho bao xác lá vàng rơi, để những Lưu Trọng Lư, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Hoàng Trọng, Ngô Thụy Miên,... dâng cho đời nhiều khúc hát cho mùa Thu quyến rũ hơn, đáng nhớ hơn và đáng yêu hơn. Tôi tìm thấy bài tình ca "Gọi Mùa Thu Mơ", do Duy Trác ca trong CD "Đưa Người Về Phương Đông", nhịp diệu slow rock. Lời nhạc mang lại mùa Thu hy vọng hay mùa Thu yêu đương:

"Anh gọi mùa Thu mơ
Một sớm thu sương mờ
Nai vàng đạp trên lá
Bước từng bước xa xa...

Anh gọi mùa Thu mơ
Trời sớm sông không bờ
Lá vàng rơi lác đác
Dịu dàng cơn gió mát ...

Anh hẹn mùa Thu sang
Chiều vắng giăng mây ngàn
Nắng vàng đùa áo trắng
Gió lùa lướt mơn man..."

(Gọi Mùa Thu Mơ, Phạm Anh Dũng)



"I am calling for the dreaming Fall,
An early foggy morning in the coming Autumn
The deers are wandering on the old leaves
Step after step coming far away...
I am calling for the dreaming Fall
I’ts an early view of a river in the bankless sight
Yellow leaves are scatteredly falling
A cool breeze gently blows...
I am expecting the arrival of Autumn
A deserted evening full of flowing clouds
The sunshine are frolicking your lap of dress
The wind blows it in a continuous flow..."
(Calling For the Dreaming Fall, Phạm Anh Dũng,
roughly translated by Việt Hải)


Gọi Mùa Thu Mơ



Bài viết này đã mạo muội điểm thoáng qua nét tổng quát về tình nhạc ý thơ trong vài nhạc phẩm tiêu biểu trong số hằng trăm ca khúc mà PAD đã hiến dâng cho đời. VH xin mượn những nhận xét về PAD mà nhạc sĩ Phạm Duy đã viết sau khi ông nghe 12 Tình Khúc Phạm Anh Dũng như sau:

"Đã lâu lắm rồi, tình khúc Việt Nam không còn lãng mạn như thời tiền chiến, nghiã là từ khi Tân Nhạc vừa mới khai sinh, khi cuộc đời còn quá nhiều thi vị để vừa thấy bóng ai qua thềm (Văn Chung) thì tâm hồn anh vội vàng đi tìm em (Dương Thiệu Tước)...

12 tình khúc của Phạm Anh Dũng, phần nhiều là thơ phổ nhạc, ra đời vào thập niên 90 này, cho tôi cảm tưởng có sự quay về với nhạc tình cảm lãng mạn quý báu sau đúng nửa thế kỷ lạc loài...

Nhạc điệu của những tình khúc trở về nguồn ái ân xưa này cũng đi theo với lời thơ, nghiã là cũng giản dị nhưng nồng nàn, không cầu kỳ nhưng nhạy cảm...".
Phạm Duy, Thị Trấn Giữa Đàng, tháng 10, 1991.

Và đó cũng là phần kết luận bài viết này. VH xin chia sẻ bài hát Tình Là Hư Không được dùng tham khảo trong bài:

Mỹ Khanh hát:
TinhLaHuKhongMK.mp3


Bảo Yến hát:
TinhLaHuKhongBY.mp3

 
Minh Châu hát:
TinhLaHuKhongMC.mp3



Việt Hải thực hiện
 

PAD Website:
http://www.saigonline.com/phamanhdung