Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Quách Nam Dung
Trường Ðinh thực hiện



1) Trường Ðinh (TD): Xin Quách Nam Dung cho biết vài nét về nơi sinh quán, thân thế và tên thật. Nam Dung rời bỏ quê hương từ năm nào và hiện đang định cư tại quốc gia nào tiểu bang nào vậy?

Quách Nam Dung (QND): Quách Nam Dung tên thật là Quách Cẩm Hồng. Sinh tại Vĩnh Long. Trải qua thời thơ ấu ở Cần Thơ, và năm lên 8 tuổi cùng gia đình dọn về Vũng Tàu. Rời quê hương năm 1983 và hiện định cư tại thành phố Melbourne thuộc tiểu bang Victoria, Úc Châu.


Quách Nam Dung


2) TD: Có phải CD Bến Mơ là CD đầu tay của Quách Nam Dung? Nam Dung cho biết vài nhận định và cảm tưởng về Chiều nhạc ra mắt CD Bến Mơ (đã được Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Victoria tổ chức vào ngày 24.11.2002 vừa qua tại Viện đại học Melbourne).

QND: Bến Mơ là CD đầu tay của Quách Nam Dung. Ðể trả lời phần kế tiếp của câu hỏi, Nam Dung xin được gửi kèm đây một bài báo của tờ Thời Báo, số ra ngày 3/12/2002, tường trình về Chiều nhạc ra mắt CD Bến Mơ, đến anh và quý độc giả Hồn Quê.


hình bìa trước CD Bến Mơ


Bài viết tường trình về Chiều nhạc Bến Mơ (Thời Báo)
--- thumbnail [click to enlarge] 253 Kb


3) TD: Nam Dung có dự tính gì không cho những chiều nhạc thính phòng kế tiếp, tổ chức ở các tiểu bang khác tại Úc châu, để giới thiệu và phổ biến rộng hơn CD Bến Mơ?

QND: Buổi ra mắt CD Bến Mơ lần thứ hai, dự định sẽ được tổ chức tại Sydney vào đầu năm 2003. Quách Nam Dung cũng rất mong sẽ có thể phổ biến CD Bến Mơ rộng rãi hơn tại các thành phố khác ở Úc như Brisbane, Adelaide, Perth... Tuy nhiên, việc tổ chức ra mắt CD ở các thành phố này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác nữa. Hiện tại Quách Nam Dung chưa có dự định sẽ tổ chức buổi ra mắt CD's ở các thành phố này.


Quách Nam Dung trong Chiều nhạc ra mắt CD Bến Mơ


4) TD: Xin cho biết vài nét về nhạc bản Bến Mơ mà Nam Dung đã chọn làm chủ đề cho CD đầu tay nầy?

QND: Quách Nam Dung lớn lên tại Vũng Tàu, một thành phố biển, nên hình ảnh những chiếc thuyền buồm, sóng biển, mặt đại dương và nhất là quang cảnh của những buổi bình minh hay hoàng hôn, có sức quyến rũ lạ thường đối với Quách Nam Dung. Những hình ảnh này đã được ghi lại qua lời nhạc của Bến Mơ. Chúng ta ai ai cũng ấp ủ những giấc mơ, Quách Nam Dung hy vọng rằng, đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời ta, ta sẽ hướng đến những điều tốt đẹp để làm thăng hoa cuộc sống cho đời và cho người…

- Mời nghe: Bến Mơ
Vũ Quang Trung hòa âm, tiếng hát Vân Ðức

Mp3 3.5 Mb
RealPlayer 914 Kb

5) TD: Trong CD Bến Mơ, gồm 10 nhạc bản chọn lọc. Trong đó có 9 nhạc bản về tình ca đôi lứa và 1 nhạc bản viết về quê hương với tựa đề Thắp Nến Cho Quê Hương. Xin Nam Dung cho biết vài nét về nhạc bản TNCQH. Nam Dung có viết nhiều về nhạc quê hương không vậy?

QND: Thắp Nến Cho Quê Hương là bản nhạc đầu tay của Quách Nam Dung, và là bản nhạc gây cảm xúc sâu đậm nhất đối với Quách Nam Dung khi nghe Anh Huy hát lần đầu tiên. Ngoài TNCQH, Quách Nam Dung còn sáng tác những bài hát quê hương như Ta Cùng Ði, Quê Hương Chờ Em, Mơ Về Tây Ðô, và hai bản nhạc viết cho các anh thương phế binh Việt Nam, đó là Mảnh Ðời Quên Lãng và Trọn Ðời Ghi Ơn Các Anh.

- Mời nghe: Thắp Nến Cho Quê Hương
Phạm Kiên Hoài hòa âm, tiếng hát Anh Huy

Mp3 1.2 Mb
RealPlayer 814 Kb

6) TD: Số lượng nhạc Nam Dung đã sáng tác trong những năm qua (gồm nhạc tình, nhạc quê hương… đã trình làng và chưa trình làng)? Nam Dung có viết nhạc bản nào với lời Anh ngữ hay có dịch nhạc từ Anh sang Việt không?

QND: Nam Dung đã sáng tác được tổng cộng khoảng 30 bài hát bao gồm những bài tình ca, nhạc quê hương, trong số đó có 10 bài đã được giới thiệu trong CD Bến Mơ. Why Don't You Call Me Tonight là bản nhạc lời Anh đầu tiên của Quách Nam Dung. Nam Dung chưa có thời gian để dịch những bản nhạc Anh sang lời Việt dù cũng đã từng có ý định này.

7) TD: Cơ duyên nào đã đưa Quách Nam Dung đến với âm nhạc. Nam Dung tốt nghiệp từ trường âm nhạc nào hay là tự học? Nếu là đã được học với thầy dạy riêng, Nam Dung có thể cho biết vài nét về người thầy nhạc của Nam Dung?

QND: Nói chung, Quách Nam Dung thích âm nhạc từ nhỏ và nghe rất nhiều loại nhạc khác nhau. Nam Dung bắt đầu học nhạc lý từ năm lớp 6 ở trường Trung Học Vũng Tàu với thầy Huỳnh Thiện Phước. Quách Nam Dung cũng có tham gia trong ban nhạc của trường (chơi mandoline). Lúc tuổi vừa lớn vẫn thường cùng chúng bạn kéo nhau ra biển ôm đàn ngồi hát những bài tình ca của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương… Tại Úc, Nam Dung may mắn được sự hướng dẫn của nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Ðạt). Thầy là người đã truyền cho Nam Dung những kiến thức và kinh nghiệm quý báu trong lãnh vực sáng tác ca khúc. Hiện Thầy đang dành thời giờ để viết về những công trình nghiên cứu trong lãnh vực âm nhạc, đa số bằng Anh ngữ, để có thể giúp các thế hệ trẻ ở hải ngoại dễ tìm đọc nghiên cứu.

8) TD: Nam Dung bắt đầu sáng tác nhạc từ năm nào? Ðược biết, CD Bến Mơ đã ấu thơ thai nghén trong Nam Dung suốt gần 2 năm qua, cho mãi đến ngày 24.11.2002 vừa qua, Nam Dung mới chính thức cho trình làng. Bến Mơ là CD đầu tay, chắc chắn có những mong mỏi, ước mơ và nhiều kỷ niệm đẹp với tác giả. Quách Nam Dung cho biết vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện CD đầu tay nầy.

QND: Nam Dung bắt đầu sáng tác nhạc từ đầu năm 2000. Trong khoảng thời gian thực hiện CD Bến Mơ, một kỷ niệm đáng nhớ nhất là có một nam ca sĩ, khi hát một bản nhạc của Nam Dung, đã nhập hồn vào bản nhạc và xúc động đến mắt rướm lệ.

9) TD: Ðược biết, ngoài việc sáng tác nhạc, Nam Dung còn viết truyện ngắn và làm thơ với bút hiệu Nguyễn Phương Bối. Lãnh vực sáng tác nào mà Nam Dung yêu chuộng nhất và dành nhiều thời gian hơn hết như bối cảnh phải có và hành trình phải đi để trải diễn tâm tư chính mình qua những khía cạnh nghệ thuật?

QND: Lúc chưa đến với âm nhạc, Nam Dung có viết văn những khi rãnh rỗi. Hiện không có thời giờ nên tạm ngưng không viết nữa. Âm nhạc là lãnh vực mà Nam Dung yêu thích nhất, và ngay thời điểm này Nam Dung thích dành trọn thời giờ của mình cho âm nhạc.

10) TD: Trong số 10 tình khúc trong CD Bến Mơ, thì Biển Hoàng Hôn là nhạc phổ từ thơ, âm điệu và lời ca rất gợi cảm. Xin Nam Dung chia xẻ đôi chút về kinh nghiệm và kỹ thuật phổ nhạc từ thơ? Có phải đây là nhạc bản duy nhất và đầu tiên mà Nam Dung đã phổ từ thơ. Nam Dung cho biết vài quan điểm và cảm nhận về những ưu điểm nổi bật, những khó khăn hạn chế, trong việc sáng tạo âm điệu với nhạc phổ từ thơ, đặc biệt là thể thơ lục bát?

QND: Biển Hoàng Hôn là bản nhạc đầu tiên mà Quách Nam Dung phổ nhạc từ một bài thơ lục bát, và chưa có dịp phổ nhạc bài thứ nhì. Theo Quách Nam Dung, mỗi bài thơ có một mức độ nhạc tính khác nhau. Khi phổ nhạc bài thơ Biển Hoàng Hôn thì giòng nhạc chỉ đến tự nhiên thôi nên Nam Dung không có kinh nghiệm hay kỹ thuật gì để chia xẻ với anh và độc giả Hồn Quê. Khi phổ nhạc một bài thơ, cấu trúc của bài thơ, với cách gieo vần và luật bằng trắc của bài thơ, như thơ lục bát chẳng hạn, có thể khiến việc sáng tác âm điệu bị giới hạn. Theo Nam Dung, ưu điểm nổi bật của một bản nhạc phổ từ thơ, là bản nhạc này thường nghe du dương, êm ái… như thơ vậy. Tuy nhiên, ưu điểm này, nếu nhìn từ một góc cạnh khác, có thể là một hạn chế về âm điệu cho toàn thể bản nhạc. Vì theo cảm nhận riêng của Nam Dung, nếu một bài thơ thường có khuynh hướng đọc lên nghe êm tai, thì một bản nhạc sẽ mang một sắc thái mới lạ về mặt âm điệu nếu như có sự tương phản rõ nét về âm điệu giữa hai đoạn nhạc kế tiếp nhau.

- Mời nghe: Biển Hoàng Hôn
Vũ Quang Trung hòa âm, tiếng hát Vân Ðức

Mp3 2.9 Mb
RealPlayer 771 Kb

11) TD: Hình như những sáng tác trước đây của Nam Dung đều được viết bằng tay? Trong tương lai, Nam Dung có dùng software để viết nhạc và làm midi cho các sáng tác mới của mình không vậy?

QND: Những sáng tác trước đây của Nam Dung đều được viết bằng tay. Tuy không có khiếu về việc sử dụng software nhạc, nhưng Nam Dung đang nghĩ đến việc dùng software này trong tương lai.


Quách Nam Dung (đang ký tên) trong Chiều nhạc ra mắt CD Bến Mơ


12) TD: Ðược biết, ngoài nhạc bản Thắp Nến Cho Quê Hương đã được ca sĩ Anh Huy trình bày trong CD Bến Mơ, Nam Dung có viết những nhạc bản khác về quê hương như Ta Cùng Ði, Quê Hương Chờ Em… Những nhạc bản mới nầy Nam Dung đã có trình làng trong các đêm nhạc cộng đồng tổ chức tại Melbourne hay Sydney lần nào chưa?

QND: Những nhạc bản mới viết về quê hương như Ta Cùng Ði, Quê Hương Chờ Em… chưa được trình làng trong các đêm nhạc cộng đồng, dù là ở Melbourne hay Sydney.

13) TD: Nam Dung có lần nào tự chính mình trình bày để giới thiệu những sáng tác của chính mình đến giới thưởng ngoạn trong các đêm nhạc cộng đồng không?

QND: Nam Dung rất ước ao mình có thể tự trình bày những sáng tác của mình đến giới thưởng ngoạn, nhưng rất tiếc vì khả năng không cho phép nên đó cũng chỉ là ước mơ thôi.

14) TD: Trên lãnh vực nghệ thuật, thơ được xem là tấm gương phản ảnh của hồn, văn là của tánh, nhạc là của tim, họa là của tủy. Qua lời của hai nhạc bản, Biển Hoàng Hôn & Mảnh Ðời Cho Nhau, đấy có phải là tâm sự triền miên của Quách Nam Dung không, hay chỉ là những sắc màu đan dệt để trao gởi nhạc bản đến người nghe có tính cách hư cấu?

QND: Biển Hoàng Hôn và Mảnh Ðời Cho Nhau không phải là tâm sự của Quách Nam Dung. Có thể vì Nam Dung tưởng tượng dồi dào đó thôi.

- Mời nghe: Mảnh Ðời Cho Nhau
Vũ Quang Trung hòa âm, tiếng hát Vân Ðức

Mp3 2.7 Mb
RealPlayer 704 Kb

15) TD: Nam Dung cho biết vài cảm tưởng, trên phương diện ca từ và tiết tấu, về nhạc Việt trong nước và nhạc Việt ở hải ngoại? Về nhạc văn chương và nhạc đại chúng?

QND: Nam Dung rất tiếc đã không có thời gian để có thể chú tâm theo dõi một cách liên tục nhạc Việt trong nước và nhạc Việt ở hải ngoại, nên không dám có ý kiến về việc này. Tuy vậy, Nam Dung hy vọng vào một dịp khác sẽ có thể trả lời anh câu hỏi này. Riêng về nhạc văn chương, trên phương diện ca từ, lời ca bóng bẩy văn hoa; trong khi lời ca trong bản nhạc có tính phổ thông thì mộc mạc và gần gũi với quần chúng. Nói về tiết tấu của một bản nhạc, theo thiển ý của Nam Dung, tùy thuộc ít nhiều vào phong cách viết nhạc của người sáng tác, chứ không nhất thiết tùy thuộc vào loại nhạc, và Nam Dung chỉ dám nói đến nhạc văn chương và nhạc đại chúng bình thường của Việt Nam mà ta hay nghe thôi.

16) TD: Trong cuộc sống, ai ai cũng có những ước mơ. Như lời trong nhạc bản Bến Mơ là những gởi gắm thêu kết của ước mơ ở chính tác giả của nó. Có thể nào, Nam Dung cho biết vài ước mơ nhỏ của Nam Dung?

QND: Một ước mơ hằng ấp ủ bao năm là được về thăm Việt Nam, đi cho biết quê hương từ Bắc xuống Nam một chuyến. Một ước mơ nho nhỏ khác của Nam Dung, là được sống trong một căn nhà nhìn ra biển, để có thể được ngắm biển mỗi ngày.

17) TD: Những hướng đi tương lai của Nam Dung trên lãnh vực âm nhạc và nghệ thuật? Nam Dung có dự tính sẽ ra mắt một CD thứ hai trong nay mai không?

QND: Nam Dung sẽ thực hiện CD thứ nhì, gồm những bài tình ca trong tương lai.

18) TD: Nam Dung có đôi lời tâm tình gì chăng muốn gởi đến các độc giả của Hồn Quê và các thính giả yêu chuộng giòng nhạc Nam Dung ở hải ngoại?

QND: Nam Dung xin cám ơn Hồn Quê đã cho Nam Dung có cơ hội được tâm sự với các độc giả của Hồn Quê. Hạnh phúc lớn lao nhất của Nam Dung là được giới thiệu những giòng nhạc của mình đến giới thưởng thức. Nam Dung hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, những khuyến khích, cũng như sự đón nhận những tác phẩm này từ độc giả Hồn Quê và các thính giả yêu chuộng giòng nhạc của Quách Nam Dung.

19) TD: Hồn Quê xin chân thành cảm ơn Quách Nam Dung đã dành nhiều thời gian cho buổi nói chuyện nầy. Mến chúc Quách Nam Dung mọi điều tốt đẹp, thành công và thành công nữa trên mọi lãnh vực âm nhạc, nghệ thuật và sự nghiệp đời. Rất mong, sẽ được đón nhận thêm nữa những sáng tác thật mới, thật đẹp và thật quê hương của Quách Nam Dung trong một tương lai gần đây.

Trường Ðinh
Nguyệt San Văn Hóa Dân Tộc Hồn Quê
http://honque.com