Phỏng Vấn Nhà Thơ Trần Thái Vân

 

Nhật Vũ thực hiện

 

Hồn Quê (HQ): Xin anh cho biết đôi chút tiểu sử đời anh.

Trần Thái Vân (TTV): Tiểu sử? Tôi thường ngại mục này lắm :-) Chẳng phải là tôi có gì cần phải giấu mà là không có gì để phô trương!

Tôi rời Việt nam lúc gần xong trung học. Tỵ nạn ở Hong Kong khoảng thời gian ngắn và sau đó định cư tại Hoa Kỳ. Cũng như nhiều anh chị em cùng lứa, tôi vẫn còn có cơ may đi học tiếp ở bên này. Bây giờ thì đã có gia đình và 2 cháu nhỏ. Chúng tôi sinh sống tại North Carolina.

Tôi đến với văn chương như một sự tình cờ. Năm mười hay mười một tuổi, tôi đọc lén tập nhật ký của bà chị. Đọc được vài bài thơ trong ấy. Thế là tôi bắt chước. Thủy chung thì viết cho mình. Đôi khi viết để giải buồn. Đôi khi viết vì không có gì làm khác hơn. Nhưng phần lớn, nói một cách hóm hỉnh, viết như ngứa thì gãi. Vì vậy, tôi không lấy việc phổ biến, như đăng báo chẳng hạn, làm quan trọng.

Chỉ có 1 lần tôi thực sự cố gắng viết để được đăng trên báo là lúc còn đi học ở Mỹ. Nguyên thuở ấy báo chí còn ít oi, đừng nói gì là báo biếu, mà tôi lại chật vật không dư tiền mua. Thế nên tôi gửi vài bài thơ cho 1 tờ báo. Họ đăng và gửi tặng tôi 1 bản cảm ơn. Tôi gửi thêm 12 bài thơ và nhận đúng 1 năm báo. Sau đó, vì tờ báo có thay đổi nên tôi không tiếp tục đăng.

Trên internet tôi cũng chỉ bắt đầu như một đóng góp cho vui với vài nhóm bạn. Càng ngày internet càng lớn thì có thêm người đọc. Thế thôi.

Nói chung, tôi chưa cảm thấy một đòi hỏi hay nhu cầu bức xúc gì cho thơ ca cả. Có lẽ đó là tại sao tôi không là 1 nhà thơ. Bạn chỉ có thể trở thành 1 nhà thơ khi mà bạn không còn bất cứ sự lựa chọn nào. Nhưng nói như vậy, Việt nam chúng ta có bao nhiêu thi sĩ?

Nhân nhắc đến hai chữ "thi sĩ" và "nhà thơ", tôi có cảm giác là chúng ta lạm dụng hai chữ này hơi nhiều. Tôi thiết nghĩ đại đa số những người làm thơ của chúng ta hiện nay chỉ là bạn thơ hoặc, thi vị hơn, là những thi nhân mà thôi. Hay là thi sĩ tài tử. Làm được nhà thơ, ngoài sự cùng đường của lựa chọn, cần phải có 1 thi pháp và thi nghiệp hẳn hoi. Không biết tôi có gàn trong định nghĩa này không? (Tất nhiên, tôi đang nghĩ đến những người viết văn, làm thơ như một lẽ sống).

 

Xin mời nghe
Trăng Riêng
Thơ: Trần Thái Vân
Tác giả tự đọc
Real Player

HQ: Trong các thể thơ (lục bát, tứ tuyệt...) anh viết, anh thích nhất loại nào? Loại nào anh phải cố gắng mới viết được?

TTV: Theo tôi, nói đến "thể" tức là nói về hình thức. Hình thức tất nhiên không quan trọng bằng nội dung. Ngược lại, hình thức và nội dung bổ sung lẫn nhau. Cùng một ý thơ, nếu dùng hai thể khác biệt, người đọc sẽ có hai ấn tượng.

Thích thể loại nào nhất? Khó nói anh ạ. Tùy trường hợp và cũng tùy thời gian. Tôi khởi đầu viết thơ tự do. Sau chán chạy qua thơ có vần. Bây giờ thích thơ tự do trở lại.

Nói về khó dễ, theo thiển ý, thơ lục bát và thơ tự do là loại dễ viết nhưng rất khó làm -- làm cho hay. Trong nền thơ ca Việt nam nhìn đâu chúng ta cũng thấy lục bát. Triền miên có Nguyễn Du; bát ngát có Bùi Giáng; trầm lắng có Nguyên Sa; chia năm xẻ bảy có Du Tử Lê; bình dị có ca dao, tục ngữ v.v. Anh nghĩ dễ gì chúng ta có thể viết lục bát bằng một thi pháp rất riêng? Đó là chưa nói, nếu không khéo, thì bài thơ lục bát trở thành một bài vè như rất nhiều bài vè chúng ta đã đọc, nghe và... bỏ lại đằng sau.

Thơ tự do có cái thử thách rất khác so với lục bát. Dầu là thơ Anh hay Việt. nhạc điệu luôn luôn hiện diện trong bài thơ. Tiếng Anh thì dựa vào dấu nhấn. Tiếng Việt thì dựa vào thanh cung. Nói tự do chỉ có nghĩa là bài thơ không theo những quy cũ có sẵn, nhưng nó phải có một cấu trúc, một quy ước nào đó do tác giả tự đặt. Nghĩa là khi anh đọc một bài tự do, anh vẫn có thể cảm được hoặc diễn tả được những thang, bực, ngắt, ngưng khác nhau. Bằng không, thế nào là sự khác biệt giữa một tản văn và 1 bài thơ xuôi? Ấy là nói về phần hình thức và cấu trúc. Nói về nội dung thì thơ tự do cũng thử thách tác giả không kém. Làm sao viết một bài thơ tự do thật cô đọng và gây ấn tượng mạnh? Tôi nghĩ, độc giả của chúng ta vẫn còn rất e dè khi đọc những bài thơ này!

 

Xin mời nghe
Giọng Em
Thơ Trần Thái Vân
Nhạc Mai Đức Vinh
An Như Phú trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

HQ: Anh nghĩ gì về lối thơ tự do, nhất là những bài thơ viết giống như một bài luận văn?

TTV: Đó là một sự tìm tòi cho thời đại hôm nay. Như tôi có trình bày sơ trong câu hỏi trước, vấn đề không phải là ở thể dạng mà ở cách diễn đạt. Thơ lục bát của chúng ta có lẽ có trước cụ Nguyễn Du rất lâu. Nhưng trước thời cụ Nguyễn nó chỉ ở mức... tà tà. Tương tự, bây giờ, có nhiều người đang làm những bài thơ tự do, nhưng thơ tự do vẫn chờ một tài hoa nào đó. Thành ra, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi có một ngày mà thơ tự do trở nên phổ cập. Đó là nhìn từ khía cạnh lạc quan. Nhìn từ khía cạnh bi quan thì tôi nghĩ độc giả của chúng ta, và chúng ta nói chung, quen sống với những gì bình dị và thân thuộc. Thơ có vần đã và đang hiện diện trong thi đàn từ cả mấy ngàn năm nay. Dễ gì có một cuộc cách mạng văn chương nào khác? Tôi nghĩ một nền thơ ca mới dễ dàng phát triển ở Việt nam hơn ở hải ngoại. Đơn giản là vì độc giả ở hải ngoại hoặc đã lớn tuổi, hoặc trẻ nhưng lại theo học đại học ở nước ngoài thành ra cơ hội nghiền ngẫm về Việt văn nói chung không có. Người lớn thì khó thay đổi cái thẩm mỹ quan của mình. Và, tổng quát hoá, những người đọc thuần túy thường gắn bó với một giai đoạn nào đó trong đời.

Với tôi, thể là hình thức. Quan trọng nhưng không phải là cứu cánh của thơ ca. Nếu tôi đọc được 1 bài thơ vần với những tư tưởng mới thì tôi vẫn hứng thú hơn đọc 1 bài thơ tự do mà không có gì hay trong ý thơ hoặc sự vận dụng ngôn ngữ.

 

Xin mời nghe
Một Khúc Ân Tình Thế Giới Sinh
Thơ Trần Thái Vân
Nhạc Mai Đức Vinh
Nguyễn Dung trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

HQ: Anh nghĩ gì về văn thơ trên internet? Tương lai của nó ra sao?

TTV: Dễ phổ biến, điều thứ nhất. Dễ bất cẩn, thứ nhì. Dễ dàng cho người đọc (và không đọc), thứ ba. Dễ tìm kiếm, thứ tư v.v.

Nói cho cùng, internet chỉ là một phương tiện thông tin. Chưa có chữ thì là thơ truyền khẩu. Rồi có chữ thì viết trên những tấm tre. Có máy in thì in thành sách... Nhưng có bao nhiêu bài thơ truyền khẩu được giữ lại đến ngày hôm nay? Nếu có, tại sao? Tất nhiên vì nó hay, bằng không người ta sẽ quên. Tương tự, thơ in trên thẻ gỗ hay giấy cũng cùng chung số phận thôi anh ạ. Nếu anh đọc một thư mục, như sáng nay tôi đọc lại trước khi trả lời phỏng vấn của anh, thì trong số 50 thi sĩ hay của thời 60's, bây giờ chỉ có dăm ba người là chúng ta biết mà thôi. Đoan chắc với anh nếu đợi thêm 40 năm nữa giỏi lắm chỉ còn có 1, 2. Hoặc không có ai. Thành ra, với tôi, văn thơ internet cũng không có gì khác hơn trên giấy.

Nói đến đây, tôi xin mở ngoặc là tôi chưa nghĩ đến những tác phẩm multimedia mà người ta gọi là webartery. Về phần kỹ thuật và hình thức, tôi đã bắt gặp những thiết kế rất tân kỳ và hấp dẫn. Nó mở ra một chân trời mới của nghệ thuật. Chỉ tiếc là tôi chưa có cùng cảm giác khi đọc nội dung của những tác phẩm này. Tôi nghĩ, sở dĩ có sự giới hạn như vậy, vì đa số tác giả giỏi về kỹ thuật hơn văn chương. Nếu họ có những công trình hợp tác giữa văn chương và kỹ thuật thì những người đọc chúng ta sẽ có những thưởng thức rất ngoạn mục.

HQ: So với những bạn thơ khác thì tuổi đời anh rất trẻ, số lượng thơ anh sáng tác rất ít, nhưng tiếng vang của thơ anh để lại trong làng thơ rất lớn. Anh nghĩ gì về nhận xét này?

TTV: Nói nghe mắc cỡ. Xin anh rút lại chữ "rất trẻ" cho :-).

Như có nói, tôi viết như ngứa thì gãi. Nếu có may mắn, như ý anh, thì chẳng qua có nhiều người cũng ngứa nhưng không gãi nên tôi còn có chút cơ hội mà thôi :-)

 

xin mời nghe
Xuân Và Em
Thơ Trần Thái Vân
Nhạc Mai Đức Vinh
An Như Phú trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

HQ: Xin anh nói thêm về tập thơ Chiếc Bóng của anh. Tại sao anh lại chọn tựa đề đó?

TTV: Năm năm trước, trong một quyết định hời hợt, tôi cho in tập thơ CB. Tôi còn vài ba tập trong bản thảo, trước và sau CB, nhưng không in. Như đã có trình bày cùng anh là tôi không cảm thấy một nhu cầu hay lý tưởng gì để thúc giục cho việc phổ biến cả. CB là một tập thơ rất riêng. Những chuyện tình yêu, cảm nhận, ưu tư hay, thậm chí, quê hương đất nước chỉ ẩn hiện mơ hồ như một bóng chim bay ngang cuối ngày... Mà thôi, có lẽ tôi không nên nói nhiều về nó. Tác phẩm ra đời đã năm năm. Hãy để cho nó có 1 đời sống riêng trong lòng người đọc cùng những ưu ái có thể.

 

Xin mời nghe
Sông Đời Xin Cạn Niềm Đau
Thơ Trần Thái Vân
Nhạc Mai Đức Vinh
Nguyễn Dung trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

HQ: Anh Mai Đức Vinh có phổ nhạc từ nhiều bài thơ của anh và có ra một dĩa CD lấy tên Một Khúc Ân Tình Thế Giới Sinh. Tên này do anh hay do anh Mai Đức Vinh đặt? Xin anh nói thêm về dĩa CD này.

Tôi nhận được email của anh Vinh xin cho phép anh ấy phổ một bài nhạc từ thơ của tôi. Từ đó chúng tôi thỉnh thoảng email qua lại và anh Vinh nổi hứng muốn làm nguyên 1 CD về thơ Trần Thái Vân. Đa số là những bài thơ 5, 7 hoặc 8 chữ từ tập thơ CB. Hình như có 1 bài thơ sáu chữ, Sông Đời Xin Cạn Niềm Đau, là không có trong tập CB mà thôi. Xin lỗi anh là trí nhớ của tôi về thơ của mình rất tệ. (Nói cho vui với anh, ví dụ, hôm nọ Nguyệt Trinh gửi bản dịch bài thơ "Và Ta Còn Lại Bơ Vơ" của tôi, tôi chả tài nào nhớ nổi bản chính nên đành bảo cô ấy chịu khó đánh máy và gửi bản chính cho tác giả! :-) )

Một Khúc Ân Tình Thế Giới Sinh là tên của 1 bài thơ và anh Vinh chọn làm đề cho CD. Lúc làm xong anh ấy có dặm hỏi nếu tôi có thể viết lời giới thiệu. Tôi từ chối vì nếu tôi giới thiệu Một Khúc Ân Tình Thế Giới Sinh thì khác nào tôi như mèo tự khen mình dài đuôi, hoặc là tôi và anh Vinh mang áo thụng vái nhau?! :)) Hy vọng anh Vinh hiểu được sự ái ngại của tôi.

Nói chung, thơ đến với người đọc bằng ngôn ngữ và ý tưởng. Thiếu hai cái này thì thơ không bao giờ thành công. Nhạc đến với kẻ thưởng ngoạn khác hơn. Có khi có hoặc không có ngôn ngữ và ý-tưởng-tiền-định (như nhạc không lời chẳng hạn). Thành ra bài thơ có 1 đời sống riêng và bài nhạc-phổ-từ-thơ có 1 đời sống riêng. Nếu anh đọc bài "Khúc Thụy Du" của Du Tử Lê và nghe bài hát này do Thùy Dương trình bày anh thấy rất khác. Thành ra, nếu bạn nào muốn thử cảm nhận cái tài phổ nhạc của anh Mai Đức Vinh có lẽ nên làm hai việc: đọc thơ của tôi và nghe nhạc của anh ấy :-))) (Xin bạn đừng bảo tôi hám nhé, cả hai đều có thể đọc/nghe trên net đó mà :-))

 

Xin mời nghe
Cả Đời Mang Một Giấc Mơ
Thơ: Trần Thái Vân
Tác giả tự đọc
Real Player
     
     
    Cả Đời Mang Một Giấc Mơ

    Khi còn bé ta mơ thuyền viễn xứ
    Theo dòng đời trôi tận chốn xa xôi
    Đêm tưởng tượng một nỗi niềm cô lữ
    Nghe buồn dâng như sóng tự ngàn khơi

    Ta mơ về vùng thảo nguyên bát ngát
    Tuyết đầu mùa rơi trắng xoá mênh mông
    Bên lò sưởi thả hồn theo cung nhạc
    Hơi lạnh mờ những tấm kính che song

    Ta mơ về vùng trung nguyên nào đó
    Có Mark Twain ngồi viết dưới túp lều
    Sông xa xa đôi chuyến tàu chở gỗ
    Tiếng còi vang, chiều xuống lạnh, buồn hiu

    Khi ta lớn lòng mơ về cố quốc
    Những cánh đồng cổ tích đã ngàn năm
    Đàn độc huyền đêm đêm vang thổn thức
    Lời chinh phu nhớ chinh phụ, mưa râm

    Ta mơ rừng hoa hồi ngào ngạt nở
    Lạng sơn xa, đầu tổ quốc toả mùi
    Gió giao mùa nửa đêm về trăn trở
    Sáng mượt màu mạ mới trẩy niềm vui

    Ta mơ về vùng Hạ long xanh ngắt
    Cánh buồm nào chở hết sự yêu thương
    Nước trăm nguồn đổ về đây trong vắt
    Qua muôn nơi chỉ có một con đường

    Ta mơ về Nha trang bờ cát trắng
    Đoạn ân tình chưa đến tuổi đôi mươi
    Thương con ốc lộn hồn nằm im vắng
    Tội dã tràng xây giấc mộng xa vời

    Ta mơ đến cuối chân trời tổ quốc
    Sóng Cà mau xô bởi sóng Bạch đằng
    Bài vọng cổ mang linh hồn non nước
    Khúc hát chèo dệt lại một vầng trăng

    Nhớ một thuở mơ ngồi nghe hợp tấu
    Beethoven, Mozart rất xa vời
    Giờ khôn lớn ta mơ về tiết tấu
    Của đàn tranh, tiếng sáo, khúc hò ơi

    Khi còn bé ta mơ thuyền viễn xứ
    Mơ phiêu bồng như những chuyện đời xưa
    Giờ khôn lớn ta thương đời cô lữ
    Nhớ quê nhà như hạn nhớ chiều mưa

Xin mời nghe
Cả Đời Mang Một Giấc Mơ
Thơ Trần Thái Vân
Nhạc Mai Đức Vinh
Nguyễn Dung trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

Nhân đây, tôi xin cảm ơn các anh Mai Đức Vinh, An Như Phú và cô Nguyễn Dung -- những người bạn-không-quen đã nhiệt tình thực hiện CD và trở thành những người-chưa-quen-nhưng-đã-quen-từ-lâu của tôi! :-)

Cùng xin cảm ơn anh và Hồn Quê đã thực hiện cuộc phỏng vấn. Chúc quý anh chị thành công trong những dự kiến văn nghệ.

HQ: Xin cảm ơn anh nhiều.

 

Nhật Vũ thực hiện