Những Dòng Nhạc Hay của Thụy Mi

Việt Hải, Los Angeles

 

Thụy Mi

 

Tôi biết Thụy Mi rất tình cờ khi tôi lang thang trên mạng và bắt gặp website của cô và vào nghe nhạc. Những dòng nhạc hay của cô đưa tôi đến bài viết này. Tôi bảo Thụy Mi (TM) là tôi sẽ interview cô để tôi có thêm chi tiết về cô. Sau đây là bài phỏng vấn nhạc sĩ TM, mời quý vị theo dõi nhé:

VH: Xin cho biết lý do nào Thụy Mi (TM) vào lãnh vực âm nhạc?

TM: Thụy Mi tìm đến âm nhạc, vì cái duyên, hay đúng hơn đơn giản bởi vì niềm đam mê quá lớn. Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có truyền thống âm nhạc, có rất đông anh chị nhưng chỉ một mình biết sử dụng nhạc cụ và căn bản về nhạc lý.

Bắt đầu học đàn guitar lúc 8 tuổi, những năm cuối thập niên 70, tự học qua sách Tự Học Tây Ban Cầm, và kiến thức từ tất cả những người thầy có thể tìm gặp được.

Ðầu thập niên 80, sinh hoạt trong ca đoàn thánh ca, chính thức thụ huấn nhạc lý, và học đàn keyboard với anh Ðinh Thanh Liêm (Australia). Ðiều đáng nhớ nhất trong thời gian này, vì hoàn cảnh và môi trường eo hẹp, TM đã phải vẽ phím đàn lên bìa giấy cứng, về nhà tập chạy ngón trên tờ giấy ấy, để khi đến lớp, mới thực sự được đàn trên phím đàn keyboard của Thầy.

Thời gian học trung học, thường hay luyện tập hoà tấu guitar với nhạc sĩ Thái Thịnh (Vietnam), và nhóm bạn hữu văn nghệ. Thỉnh thoảng, trình diễn trong những chương trình văn nghệ của trường và nơi cư ngụ tổ chức.

Ðầu thập niên 90, thời gian học Ðại học tại Hoa Kỳ, TM có ghi danh và học một số lớp về Blue Jazz, và World Music tại các trường Mesa Community College và San Diego State University.

VH: TM có thể cho thính giả biết là bản nhạc đầu tiên tên gì? Nó được làm bao giờ? Bài mới nhất tên là gì không?

TM: Bước vào lãnh vực sáng tác, Em Vẫn Ðó là bài nhạc đầu tiên, TM phổ một bài thơ của mình vào năm 2000, sau khi đã hoàn tất chương trình cao học (Master of Science) ngành Software Engineer. Gần đây nhất, là bài Dạo Phố Mùa Xuân được viết theo thể điệu valse. Thứ tự ra đời của tất cả những tự khúc được ghi trong website của TM tại http://www.thuymi.com.

VH: Tôi hơi ngạc nhiên khi một kỹ sư, đặc biệt phái nữ, vốn chú trọng về "technical matters", "khô khan", lại theo ngành âm nhạc lãnh vực sáng tác, "ướt át", "trừu tượng" và hơi "triết", hai lãnh vực hoàn toàn ít liên hệ với nhau. Vậy khuynh hướng đặt nhạc TM ra sao? TM tự viết lời hay thích phổ từ thơ ra?

TM: TM thường tự viết lời lấy cho những ca khúc của mình (có lẽ vậy sẽ đúng với danh từ "Tự Khúc" mà TM đã chọn). Theo TM, như thế sẽ không bị hạn chế trong ca từ, cũng như cho giai điệu của bài nhạc. Phương thức viết nhạc của TM, không theo một quy tắc nhất định, khi viết lời trước rồi chọn giai điệu chuyên chở cho ý từ, và ngược lại, viết giai điệu theo một chủ đề và viết lời theo giai điệu đã có.

Tuy nhiên, có những bài thơ khi đọc được, và "giao cảm" được hồn của bài thơ, TM sẽ xin phép tác giả để được phổ thành nhạc. Có bài thơ được giữ nguyên thủy, nhưng đa số, những bài thơ được sửa đổi đôi chút để tác phẩm được hoàn hảo hơn.

VH: Loại nhạc nào TM ưa thích? Ví dụ Nhạc tiền chiến, nhạc tình yêu, nhạc tôn giáỏ hay quê hương hay nhạc trẻ?

TM: TM thích nghe nhạc tiền chiến, giai điệu và ca từ mang âm hưởng thanh bình, êm đềm, trữ tình. Nhạc tình, TM thích giòng nhạc Từ Công Phụng, nhẹ nhàng, lãng mạn và tình tự, nhạc Trịnh Công Sơn với ca từ, và triết lý, tự sư. Có những giờ đến với nhạc thánh ca, để tâm hồn được tĩnh lặng hơn sau những lúc làm việc, suy nghĩ, mệt mỏi của sinh hoạt thường nhật. Thể điệu jazz blue, TM thích nghe Diana Krall, với giai điệu, lối hoà âm, giọng ca và phong cách trình diễn của cô.

VH: Như vậy tôi đoán TM thích nhạc tình buồn. Thể điệu nào TM thường dùng khi sáng tác? Nhạc chậm buồn?

TM: Có thể chia giòng nhạc TM ra hai sắc thái: buồn - thân phận, và nhạc tình. Phần lớn giai điệu từ tốn, mang tính tự sự. Tuy nhiên, theo nhận xét của bạn bè, và những người đã nghe qua giòng nhạc TM, đều đồng ý nhạc TM có nét riêng biệt, và đặc sắc ở những bài viết theo thể loại jazzy.

Những tự khúc phần nhiều được sáng tác qua sự rung cảm, nghe, thấy, hiểu được từ những tâm tư, tình cảm, thực tế xảy đến của người thân, bạn hữu. Và không ngoại lệ, có một chút gì đó, của riêng mình.

VH: Trong CD Những Vết Chùng có 10 tự khúc được tuyển chọn trong số khoảng 20 ca khúc sáng tác. TM có thể cho thính giả biết khi viết có mang nguồn cảm tác nào không?

TM: Như TM đã trả lời trong câu hỏi trên, có những ca khúc mang môt. giai thoại đặc biệt, viết cho sự chia sẻ với những điều được cảm nhận qua người thân và cuộc sống. Tiêu biểu là bài "Những Vết Chùng", TM muốn gửi gắm qua giai điệu và ca từ, những nỗi phiền muộn, u uẩn, ít nhiều một cá nhân ai cũng một lần, dù không muốn, vẫn vướng phải. "Níu Lấy Ðời Nhau" như một thông điệp cho thực tế rất quen thuộc, trong cuộc sống gia đình, nắm giữ hạnh phúc đồng nghĩa với thông cảm và hy sinh. Hoặc vì nỗi nhớ - "Dấu Yêu Tôi" về những niềm vui một thời đã qua, tìm lại kỷ niệm trong sự nhớ, bài này TM viết sau chuyến nghỉ hè bên miền Ðông Bắc Mỹ. “Chiều Ðông”, ca khúc cho niềm khát khao về quê hương, cảm xúc đến với TM vào dịp tết âm lịch năm 2002.

Tuy nhiên, có những ca khúc được viết theo một góc nhìn khác, qua sự suy diễn, tưởng tượng của mình. Hình ảnh "Em" được bộc lộ qua ngôn ngữ cuả phái nam, TM nghĩ có thể "thật" và "lạ" hơn. Ví dụ bài "Em Vẫn Ðó", "Chừng Như", "Em Về Chỉ Ðể Xa Tôi" (mà tác giả bài thơ cũng là phái nữ).

VH: Ngoài nhạc VN, TM có sáng tác nhạc lời ngoại quốc như lời Mỹ không?

TM: TM chỉ sáng tác nhạc với lời Việt. Nhạc ngoại quốc chỉ lắng nghe và học hỏi. Với TM, cảm hứng, hồn nhạc chỉ có thể biểu hiện sâu sắc được với ngôn từ mẹ đẻ của mình mà thôi.

VH: TM đã ra bao nhiêu CDs rồi? Các CDs mang tên gì? và khoảng thời gian đã được ra mắt public?

TM: TM mới thực hiện CD album đầu tay, chủ đề "Tự Khúc Thụy Mi - Những Vết Chùng", được trình làng vào ngày 7 tháng 11 năm 2004 tại vũ trường Majestic, Quận Cam (Orange Country, California). CD album gồm 10 ca khúc được tuyển chọn qua các giọng ca Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Nguyên Khang, Diễm Liên, và Tác giả.

 

mời nghe Những Vết Chùng


VH: Ước muốn trong tương lai về âm nhạc của TM là gì?

TM: Nhìn xa hơn trong lãnh vực âm nhạc, TM rất muốn học hỏi, hiểu sâu hơn, trao dồi thêm kiến thức về âm nhạc. Nếu điều kiện cho phép, TM sẽ lần lượt phổ biến, giới thiệu những tác phẩm của mình đến thính giả khắp nơi. Và trong lãnh vực sáng tác, đơn thuần chỉ vì nghệ thuật và đam mê.

VH: TM có lời gì nhắn nhủ với thính giả hay độc giả 4 phương không?

TM: TM mong đón nhận sự ủng hộ của tất cả giới yêu nhạc. Những lời góp ý, phê bình thân tình của quý vị. Sự quan tâm và hỗ trợ của quý vị là món quà trân quý nhất cho những người hoạt động văn hóa nghệ thuật nói riêng, và cho nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại nói chung.

TM ước mong với khả năng, nếu có thể, sẽ làm một điều gì đó giúp đỡ những người bất hạnh, kém may mắn hơn mình, TM muốn nói đến những nạn nhân do thiên tai bão lụt, và những trẻ em mồ côi khuyết tật nơi quê nhà.

Cám ơn TM đã cho VH interview với bài viết này. Xin giới thiệu nhạc sĩ Thụy Mi với những dòng nhạc mới cùng tất cả quý vị yêu âm nhạc. Thụy Mi và các bằng hữu mong gặp quý vị buổi nhạc thính phòng tại Vũ trường Majestic, 4:00 pm, Chủ Nhật ngày 07/11/2004. Mọi chi tiết xin xem ở website http://www.nhungvetchung.com, hoặc liên lạc về Thụy Mi tại số phone (858)349-8027.
 

Việt Hải, Los Angeles