Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Trịnh Nam Sơn

Vũ Hữu Toàn Thực hiện

 

 

Vũ Hữu Toàn (VHT) Xin hân hoan chào đón anh đến với các độc giả của báo Hồn Quê. Anh có thể vui lòng cho biết chút xíu về tên tuổi và nơi sinh trưởng của anh không?

Trịnh Nam Sơn (TNS): Xin cám ơn báo Hồn quê và xin thân chào đến tất cả độc giả. Tôi sinh ra tại thành phố Sài Gòn, tuổi Bính Thân. J

 

(VHT)  Anh định cư tại Mỹ vào năm nào? Hiện anh đang cư ngụ ở đâu?

TNS: Tôi định cư ở Mỹ năm 75 và hiện đang sống tại Cali.

 

TNSon.jpg (33773 bytes)

(nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn)

 

(VHT)  Động lực nào đã đưa anh đến với âm nhạc? Chẳng hạn như do tác động của một bài hát hay ca, nhạc sĩ nào đó?

TNS: Tôi thật sự không biết mình mê nhạc từ lúc nào, chỉ biết là thích thôi. Có thể tôi đã mê vì nhạc của Bethoven nhưng hình như bệnh lười làm tôi trước đó học nuốt không trôi nhạc lý trong mấy trường college chỉ thích đánh nhạc bằng tai. J Cho đến khi có một chuyến thử tài của một nhạc sĩ người Mỹ thổi trumpet với tôi. Lúc đó tôi mới quyết định theo học ngành nhạc một cách nghiêm chỉnh.

 

(VHT)  Có ai khác trong gia đình anh hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc hay một ngành nghe thuật nào khác không? Anh có được sự tán thành của gia đình khi quyết định theo đuổi ngành âm nhạc không?

TNS: Có lẽ tôi là người đầu tiên trong gia đình theo ngành nhạc. Tôi có biết ông cụ tôi thổi sáo, nhưng chưa bao giờ được nghe cả. Tuy nhiên ông cụ làm thơ Đường thì tuyệt. Tôi chỉ theo ngành nhạc sau khi qua Mỹ khi sống một mình nên không ai ngăn cản.

 

(VHT)  Anh có thể cho biết quá trình học nhạc của anh? Chẳng hạn như ở trường nào, nhạc cụ nào anh biết xử dụng?

TNS: Tôi xuất thân từ viện âm nhạc Dick Grove. Ra trường với ngành viết nhạc phim và chỉ huy giàn nhạc. Vì trường này chuyên về nhạc nên thời gian học khá cực, từ 9 giờ sáng cho tới 10 giờ đêm, sáu ngày một tuần, và chương trình kéo dài 2 năm. Chúng tôi rất may mắn được sự chỉ dẫn tận tình của các nhà sáng tác nhạc phim như Henry Mancini (Moon River, Pink Panther), Bill Conti (Karate Kid, Dynasty). Năm đầu tiên chúng tôi chỉ học viết các thể loại của nhạc Jazz, từ sáng tác, hòa âm, chỉ huy, cho tới phối khí. Sau đó, mỗi thứ Bảy chúng tôi phải chỉ huy giàn nhạc 18 piece big band đánh những sáng tác mình viết để thầy thẩm định khả năng. Trong 3 tháng cuối của năm đầu, chúng tôi bắt đầu tập trung vào cách viết và điều khiển giàn nhạc giao hưởng từ 39 cho tới 63 nhạc công. Qua năm thứ hai thì tập trung suốt một năm học cách viết cho tứ tấu giàn giây (String Quartet). Tôi sử dụng guitar, saxophone, piano. Tuy nhiên chả còn cái nào ra hồn cả.. vì lười tập dợt. Bây giờ chỉ còn cái bút là nhạc cụ chính. J

 

(VHT)  Và rồi tác phẩm đầu tay ra đời. Anh có thể cho biết tên cũng như năm mà anh đã hoàn tất không?

TNS: Nếu nói về ra mắt với cộng đồng VN mình thì bài Dĩ Vãng là bài đầu tiên, nhưng không phải là tác phẩm đầu tay vì nó là một trong những sáng tác năm 86 trong trường ấn định. Tôi thích bản nhạc này nên mang ra và bỏ lời vào.

 

(VHT)  Thưa anh, có thể nói "Dĩ Vãng" là một nhạc phẩm thuộc vào hàng "top hit" lúc bấy giờ. Tên tuổi anh nổi tiếng như cồn trong cộng đồng VN khắp nơi. Nhưng xin anh đi ngược giòng thời gian về cái thời điểm trước khi "Dĩ Vãng" nổi tiếng, anh có sinh hoạt trong hội đoàn văn nghệ nào khi tung ra "Dĩ Vãng" không? Anh đã gặp khó khăn gì trong bước đầu phổ biến "Dĩ Vãng" tới cộng đồng?

TNS: Trường hợp của bài Dĩ Vãng khá đặc biệt. Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong bước đường ra mắt nhạc phẩm này. Trong thời gian 86-88, tôi nhận làm thành viên của ban nhạc The Brother Four (do Chí Tài làm trưởng ban nhạc) với điều kiện là anh em đồng ý từ từ chuyển hướng qua trình bày những sáng tác mới của các thành viên trong ban nhạc để tạo nét đặc biệt riêng. Tuy nhiên ban nhạc đã không thực hiện được đường lối như đã có ý lúc đầu, Dĩ Vãng và Quên Đi Tình Yêu Cũ cũng nằm trong số phận đó nên tôi quyết định tách rời để thực hiện những mong muốn của mình. Sau đó tôi quyết định thực hiện quay music video bài Dĩ Vãng theo lối MTV và nhờ chị Khánh Ly hát nhạc phẩm này đầu tiên. Chị KL có nhận lời hát và quay Video, tuy nhiên giờ phút chót thì chị bị bệnh khá lâu. Video không thể chờ vì mướn giàn quay khá nặng tiền cho nhạc sĩ nghèo như tôi, nên tôi quay qua nhờ Ngọc Lan. Ngọc Lan nhận lời, nhưng khi nghe đến quay music video thì NL nói không được vì NL cũng đang sắp sửa thực hiện Music Video đầu tay do anh Đạêng Trần Thức thực hiện. Thế là tôi lại chạy qua nhờ Julie hát. Julie nhận lời hát với hai điều kiện: 1) Phải để cho Julie đổi lời. 2) Phải chờ Julie đi hát show khoảng một tháng ở Âu châu về. Chuyện để Julie đổi lời cũng không sao vì tính tôi không khó khăn về lời cho lắm, nhưng chuyện phải chờ 1 tháng thì không thể được. Tôi lại quay qua anh Duy Quang nhờ hát theo lời giới thiệu của nhạc sĩ Trần Quảng Nam, nhưng anh DQ có trung tâm riêng nên chỉ hát độc quyền. Tôi không còn biết nhờ vả ai nữa nên bất đắc dĩ đành quyết định chính mình hát vậy. Có lẽ vì tôi lúc đó không có tên tuổi nên cũng không ai biết cách làm việc cũng như khả năng của mình ra sao nên không ai nhận lời.


(VHT)  Và trung tâm nào đã thu thanh nhạc phẩm Dĩ Vãng đầu tiên? Vào năm nào?


TNS: Vào cuối năm 88, sau khi tôi quay film 16mm Dĩ Vãng và master tape 10 bài thì hoàn toàn cạn sạch vốn. Tôi cũng thử chính tay mình cầm băng cassette DV đến từng tiệm nhạc ở San Jose mời nghe và mua, nhưng chủ tiệm nào cũng chê là nhạc mới dở quá, ca sĩ lại hát không có hồn nên không mua. Lại một lần nữa mang đi rao bán cho các trung tâm đang nổi tiếng như Giáng Ngọc, Lê Bá Chư, Thúy Nga, Hải âu, Asia…nhưng cũng chẳûng ai chịu mua lại để sản xuất. Cho đến khi Lưu Huỳnh đạo diễn bài Dĩ Vãng vào hợp tác với Asia, vì trả ơn cho tôi là người hơi điên dám bỏ tiền cho Lưu Huỳnh thí nghiệm quay bài DV nên Lưu Huỳnh đề nghị Asia mua lại video Dĩ Vãng với giá vốn. Asia mua music video nhưng lại không mua master tape 10 bài, nên lần này Trung Tâm Khánh Hà nhảy vô mua master tape theo lời dụ dỗ cam đoan sẽ thành công của tôi.

 

Mời các bạn cùng nghe
Dĩ Vãng
Real Player
mp3 (high quality)



(VHT)  Anh có một giọng hát rất hay. Vậy anh có học hát ở đâu không? Phương cách riêng nào mà anh đã dùng để giữ và luyện giọng?

TNS: Lúc tôi chưa học về composition, thì trước đó có lấy hai course sơ đẳng về thanh nhạc trong community college. Hai lớp này cũng chỉ hướng dẫn mình cách hít thở và lấy hơi ở diaphram, và phương cách phát âm một cách tổng quát. Còn tôi thì dựa theo những căn bản đó rồi tập ở nhà thôi.

(VHT)  Nhiều nhạc sĩ trẻ VN ở hải ngoại thường gặp rất nhiều khó khăn trong bước đầu khi phổ biến nhạc của mình với cộng đồng. Chẳng hạn như làm sao gửi bài đến tận tay ca sĩ hay trung tâm mà không bị vứt đi trước khi đọc? Là một bậc đàn anh đi trước, những chia xẻ của anh chắc hẳn sẽ giúp nhiều cho các nhạc sĩ trẻ VN.

TNS: Như tôi đã đề cập ở phần trên, số phận của DV như thế nào trong quá khứ. Tôi không dám nhận là người đi trước, tôi chỉ dám nhận là người lỡ dại đứng mũi chịu sào của giới trẻ trong vấn đề cổ động phát huy và bảo vệ bản quyền những sáng tác mới không để sử dụng một cách bừa bãi không tôn trọng của những trung tâm hoặc ca sĩ. Cũng vì chuyện này nên tôi bị hầu hết trung tâm và ca sĩ không thích và theo tôi được nghe lại thì tôi được bầu làm người nhạc sĩ khó chịu và kiêu căng nhất trong làng nhạc VN. J

Cái bước khó khăn nhất là làm sao cho trung tâm nhìn thấy được cái hay của mình để đồng ý mua nhạc của mình. Nếu nhạc sĩ nào mà đưa nhạc để nhờ tôi giới thiệu tới trung tâm băng nhạc (TTBN) là một lỗi lầm rất lớn, vì hể TTBN nào mà thấy tên tôi, hình như họ đều không ưa cả. :-)

Mặc dù ở hải ngoại nhân tài về âm nhạc và ngành nghệ thuật khác rất nhiều nhưng bây giờ con đường sáng nhất cho các bạn trẻ là vận động với các TTBN bên VN sử dụng bài của mình. Theo tôi biết thì bên đó họ đang rất thiếu bài bản và tương đối họ dám chơi dám chịu hơn khi bỏ tiền ra quảng cáo cho một tác phẩm mới, dù số tiền không là bao so với mức sống bên này. Tuy nhiên, nó là một sự khuyến khích lớn lao về tinh thần cho anh em ca nhạc sĩ sáng tác.  Ý kiến riêng, tôi thấy thị trường để thi đua về sáng tác không còn tùy thuộc vào TTBN ở hải ngoại nữa rồi. Đa số thính giả hải ngoại hiện nay rất chuộng những sản phẩm nghệ thuật được thực hiện bên đó. Chưa kể là 80-90% các hệ thống truyền thanh ở hải ngoại chỉ chú trọng đến quảng cáo thương mại. Số lượng được phát trên đài, nhạc ngoại quốc dịch lại nhiều hơn nhạc sáng tác mới cũng khoảng 30/1. Cơ hội để giới thiệu tranh đua tác phẩm mình với nhạc dịch không có sự công bằng vì nhạc dịch là nhạc đã nổi tiếng rồi.

 

(VHT)  Theo anh nói, người ta đồn rằng anh là nhạc sĩ khó tính và kiêu căng nhất. Vậy, để làm việc lâu dài với TNS, người ta cần phải có những đức tính gì? Phong cách làm việc của anh ra sao?

TNS: Tôi nghĩ rằng tôi không biết nói chuyện nhiều khi nhóm chỉ bàn đến chuyện của người khác hoặc chỉ nói về shopping J . Những chuyện này tôi không có hứng thú nên hay bỏ đi chỗ khác. Cũng vì thế mà bị nghĩ lầm. Chuyện làm việc với nhau thì dể mà, cứ nói thẳng, đừng úp mở. Không được thì mổ xẻ phân tách cho nhau cho tới khi nào được và có lý thì thôi, còn không được thì chờ dịp khác

 

(VHT)  Sau khi "Dĩ Vãng" & tên tuổi anh trở nên nổi tiếng, chắc hẳn anh không còn gặp mấy khó khăn khi phổ biến những nhạc phẩm kế tiếp?

TNS: Mới đầu nhìn có vẻ thấy vậy nhưng đến khi vào rồi thì bắt đầu có những khó khăn khác mà mình không phòng bị trước. Chẳng hạn như mình không có nhân lực để lo cho mình sản xuất băng. Chưa kể những nghệ sĩ khi ra băng một mình không có nhiều mặt hàng nên các đại lý không chịu mua nhiều. Vì thế, muốn bán băng lẹ phải nhờ tới TTBN lớn phát hành giùm. Tuy nhiên khi nhờ các TTBN sản xuất hộ mình thì đa số họ sẽ không tích cực bán băng của mình vì số lời trên mỗi cuốn băng không là bao nhiều so với cuốn băng của họ tự làm lấy, cho dù mình có xuống thấp cho họ ăn lời nhiều đi nữa. Trường hợp khác, nếu băng nhạc mình bán chạy, hầu hết các TTBN đều muốn có mặt hàng của mình, nhưng mục đích không phải là bán giùm mình, mà là bán hàng mình cho có. Cái tệ hại nhất là họ sẵn sàng mua cho mình với giá như bình thường, rồi sau đó họ kèm chung mặt hàng của họ vào. Vì TTBN lớn muốn đổ hàng rẻ theo lối chợ (dumping). Họ tính giá đổ đồng cho tất cả băng nhạc gửi cho tất cả đại lý. Rốt cuộc băng mình họ bán lại thành ra rẻ hơn mình bán. Kết quả là các tiệm bán băng dần dần từ chối không lấy băng mình nữa mà chỉ lấy thẳng từ các TTBN lớn. Các TTBN lớn cũng từ từ giảm đi số lượng băng họ mua của mình. Thế là mình ở giữa kẹt cứng. Vốn liếng của mình cũng từ từ mà ra đi vì chi phí mỗi tháng.

 

(VHT)  Sau DV, anh đã cho ra đời hàng loạt những nhạc phẩm khác. Những nhạc phẩm này đều là những "top hits" rất được nhiều người yêu chuộng và được nhiều trung tâm thu thanh. Điều này đã chứng tỏ được tiềm năng và sự vững vàng về nhạc lý của anh. Và rồi hình như anh không còn phải phụ thuộc nhiều về việc nhờ ca sĩ hát nhạc của mình? Vì thực ra, dưới mắt nhiều người, khó có ai hát những nhạc phẩm này trội hơn anh? Xin anh bàn thêm về vấn đề này.

TNS: Cám ơn anh đã dành tình cảm cho tôi khi anh nhận xét về thành quả của những bài nhạc của tôi. Về vấn đề hát trội hơn ai thì thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ đến, vì tôi vẫn từng cho rằng có những ca sĩ hát nhạc tôi hay hơn tôi nếu họ hiểu tôi muốn họ hát như thế nào cho đúng với tâm trạng của bài hát tôi viết. Tôi trước đây lúc nào cũng muốn nhờ ca sĩ hát cho tôi trong những băng nhạc sau DV. Nhưng tôi đều không thể thực hiện như ý muốn vì có hai lý do: 1) đa số các ca sĩ đã nổi tiếng một là hát độc quyền cho riêng họ, hai là hát độc quyền cho các trung tâm băng nhạc khác. 2) Nếu có mời được ai thì giá tiền của họ cao đến độ tôi thật sự không trả nổi. Mình trả giá thì cũng ngượng miệng vì họ đã nói là hát với giá tượng trưng ngay từ lúc đầu (J )! Cũng có những ca sĩ nói là giá của họ là tượng trưng vì cùng là nghệ sĩ với nhau. Nhưng vài năm sau thì mình mới biết là giá họ lấy mình cao hơn giá cho các TTBN lớn từ 1/3 trở lên.

 

(VHT)  Có thấy anh trình diễn trên Thúy Nga nhạc phẩm "Về Đây Em"(VDE). Nhạc khúc này đã gây được rất nhiều tiếng vang, mà theo nhiều người, VDE còn hay hơn cả DV. Nếu nói về lợi tức, VDE mang về nhiều hơn DV? Hay là một nhạc phẩm khác?

TNS: Lợi tức cũng mang về cũng nhiều nhưng lại phải chi ra cho mấy cuốn sau đó nên bao nhiêu cũng không vừa. Như tôi đã từng có đề cập trước đây; băng nhạc của mình vừa bị in lậu đểø bán ra ngoài tiểu bang và nước ngoài rất nhiều, vừa bị dìm giá từ các TTBN lớn nên vốn bị thất thoát từ từ cho đến khi kiệt quệ.

 

Mời các bạn cùng nghe
Về Đây Em
Real Player
mp3 (high quality)
 

(VHT)  Nói về phong cách viết nhạc, cá nhân anh có thường viết nhạc trước rồi đặt lời sau không? Hay ngược lại? Anh có thể cho biết một số bài nhạc tiêu biểu do anh viết thuộc trong 2 trường hợp trên? Theo anh cái dể và khó của 2 trường hợp trên là gì?

TNS: Tất cả những bài nhạc tôi viết đều là viết nhạc trước, rồi mới viết lời sau. Lý do như sau: Tôi đã quen với cách viết cho nhạc instrumental nên cứ theo như vậy mà làm. Cách viết nhạc trước đối với riêng tôi thì không bị gò bó bởi vần bằng trắc của chữ. Ngược lại thì mình phải chịu mất đi một vài chữ hay vì muốn giữ nốt nhạc đơn điệu đã quân bình của mình. Thí dụ mình muốn dùng chữ "lãng mạn" mà nốt của mình lại đi lên thì tôi sẽ phải tìm chữ khác đồng nghĩa mà thay thế. Sở dĩ tôi sẽ không hy sinh nốt nhạc cho chữ, vì câu nhạc của tôi đã có sự quân bình (my intent) khi tôi viết. Còn ngoài ra, tôi thấy người nào hợp với cách nào thì cứ theo cách đó.

 

(VHT)  Anh thường dùng dụng cụ âm thanh nào để sáng tác? Kẻ nhạc? Khi sáng tác, anh có nhất thiết phải có dụng cụ âm thanh kế bên để có thể tạo ra melody?

TNS: Tất cả những bài nhạc tôi viết đều không dùng tới nhạc cụ nào cả. Lúc học trong trường nhạc, thầy bắt sáng tác không cho dùng đàn. Chỉ được dùng đàn để kiểm chứng những gì mình viết. Có nghĩa là mình phải nghe được những gì mình viết. Lúc đầu cũng hơi có chút khó khăn, nhưng vạn sự khởi đầu nan. Không đúng thì sửa, chả có gì phải mắc cỡ, còn đúng thì có nghĩa là mình đã đáp ứng sự đòi hỏi của thầy. Bây giờ thì viết cho cả orchetra ngay tại chỗ mà không đụng tới nhạc cụ tương đối cũng khá hơn xưa.

 

(VHT)   Phần nhiều các nhạc phẩm của anh tập trung vào chủ đề tình yêu đôi lứa, tan vỡ....à như bài nhạc "Tan Vỡ", "Con Đường Màu Xanh", "Nhớ", "Quên Đi Tình Yêu Cũ", "Nuối Tiếc", "Khi Tình Xa Bay"...ý quên "Khi Tinh Bay Xa" chứ không phải là "xa bay" (cười). Toàn là những nhạc phẩm rất hay. Anh viết những nhạc phẩm này dựa trên kinh nghiệm sống của bản thân hay sao? Anh có thể nói lướt qua bối cảnh, tác động nào đã giúp anh viết lên một số bài hát trên được không?

TNS: Có những bài tôi dựa theo tình cảnh cá nhân, cũng có những bài dựa theo cảnh của người khác. Cũng có những bài chả dựa theo ai mà chỉ lấy cảm hứng từ những truyện mình đọc, hoặc nhắm mắt vẽ trăng vẽ cuội lên một hình ảnh của câu truyện (bài Khi Tình Bay Xa là một thí dụ).

 

Mời các bạn cùng nghe
Khi Tình Bay Xa
Real Player
mp3 (high quality)

 

(VHT)  Câu hỏi này hơi riêng tư 1 chút: Anh lập gia đình lâu chưa?

TNS: Tôi bây giờ thì độc thân "nhiều chỗ" J

 

(VHT)  Gần đây, nền âm nhạc ở hải ngoại bắt đầu gặp nhiều sự cạnh tranh và lấn át của âm nhạc từ trong nước. Một trong những nguyên nhân chính là vì các trung tâm và ca sĩ ở trong nước không còn hát nhạc cũ của mấy chục năm trước nữa mà thay vào đó là những bài nhạc thật mới từ những khuôn mặt nhạc sĩ mới…và họ đã rất thành công. Trong khi đó, ở hải ngoại nhiều trung tâm và ca sĩ vẫn còn hát nhạc thật xưa, ít chổ đứng cho những ca khúc mới của lớp nhạc sĩ mới. Theo anh, có phải vì các trung tâm và ca sĩ không có đủ bài mới? Hay vì họ không đủ quan tâm tới lớp nhạc sĩ mới?. Nói đây không có nghĩa là người ta không nên hát những bài nhạc xưa, mà vì chúng ta luôn có những khuôn mặt mới rất hứa hẹn. Thiết nghĩ các trung tâm âm nhạc ở hải ngoại nên tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác để tuyển lựa các nhân tài mới. Ngoài ra các trung tâm nên cho cộng đồng biết trước chủ đề của những cuộn băng Video, CD…. và thời hạn nộp bài để có được nhiều bài vở đóng góp và lựa ra những bài hay. Các ca sĩ cũng nên giúp các nhạc sĩ trẻ phổ biến rộng rãi những nhạc phẩm mới tới công đồng. Cá nhân anh nghĩ sao?

TNS: Tôi nghĩ không phải là vấn đề thiếu nhạc mới, mà vì TTBN hải ngoại không muốn trả tiền cho phù hợp với mức sống của nhạc sĩ bên này. Mục đích chính của TTBN là kiếm nhiều tiền chứ không hẳn vì nghệ thuật. Trong khi bên VN thì trả rất rẻ, cứ 50-100$ là được bài nhạc mới….10 bài là kiếm được 1000$. Đối với nhạc sĩ bên VN thời 95-97 thì số tiền đó khá cao.

Vấn đề thi chấm nhạc thì rất hay nhưng hơi phức tạp và tế nhị vì có thể sẽ có vấn đề thiên vị. Rồi có thắng giải đi nữa cũng không chắc giải quyết về tiền bản quyền. Cách hay nhất mà cũng là cách TTBN không muốn dùng tới là ăn phần trăm tính theo số băng bán được mỗi tháng. TTBN sẽ không muốn làm; họ không muốn cho mình nhìn thấy sổ chi thu của họ vì nhiều vấn đề.

 

(VHT)  Anh nghĩ sao về việc bán bản quyền bài nhạc cho một trung tâm? Cá nhân anh thế nào? Anh thấy có nên làm hay không?

TNS: Nếu thấy cần tiền thì bán. Những bản nhạc trước năm 98 (trừ nhạc không lời) tôi đã bán đứt cho TTBN Khánh Hà và Tô Chấn Phong. Nếu mình không đủ khả năng phát hành thì cách nào cũng được.

 

Mời các bạn cùng nghe
Quên Đi Tình Yêu Cũ
Real Player
mp3 (high quality)
 

(VHT)  Về sự bất đồng giữa anh và nhiều trung tâm băng nhạc cũng như ca sĩ, xin anh vui lòng chia sẻ những quan điểm của anh với độc giả Hồn Quê?

TNS: Khi tôi làm việc hơi bị cứng. Tôi không thích cà rề hoặc không rõ rệt. Nói chuyện úp mở là tôi không thích. Tôi biết đây là khuyết điểm của tôi, nhưng nếu làm ăn lâu bền tôi nghĩ cần phải như vậy. Tính tôi cũng hay nói thẳng nhưng lúc nào cũng có ý xây dựng. Nếu ai nói tôi sai thì phải chỉ đích chỗ và phân tách tại sao tôi sai thì tôi mới phục và nghe để sửa đổi. Nhưng nếu nói tôi sai mà không giải thích được tại sao thì cái đó là sự chê bai vô căn cứ. Không có gì cho tôi học hỏi được.

Có một số ca sĩ cũng bất bình vì sử dụng nhạc tôi mà chưa xin phép nên bị tôi cho luật sư gọi cảnh cáo. Nhưng chưa bao giờ tôi làm thẳng tay như là đòi tiền hoặc đưa ra tòa sau khi họ khóc lóc năn nỉ tha. Nhưng cái tình cảm cuối cùng mình dành cho ca sĩ là không kiện ra tòa, ngay cả đến đòi tiền, chẳng những vẫn không được họ cám ơn mà vẫn bị họ ghét vì lỡ dại cho luật sư gọi cảnh cáo.

 

(VHT)  Có lẽ do sự bất đồng giữa anh với nhiều trung tâm và ca sĩ đã giải thích được lý do anh ít xuất hiện trong video hay băng nhạc trong những năm gần đây. Vậy trong thời gian qua, anh sinh hoạt với văn nghệ như thế nào? Anh có hay đi show hay làm cuốn băng nào mới không?

TNS: Có thể nói như vậy. Tôi cũng đã từ chối một vài trung tâm tôi thấy làm việc không phù hợp với principle của tôi. Thí dụ, sau khi nữ Ca Sĩ Ngọc Lan (NL) vừa qua đời, tôi vừa đi thăm mộ NL xong. Một sáng thật sớm hôm sau vài ngày, một TTBN mà tôi và NL thường hay hợp tác dựng đầu tôi dậy nói nhờ tôi làm lại một cuốn video hát để tưởng nhớ NL và để gây quỹ kiếm tiền cho gia đình NL! Tôi biết gia đình NL rất khá giả. Gia đình NL cũng chưa mở lời xin ai gây quỹ từ thiện…. Đúng là lợi dụng cả người đã qua đời. Tôi từ chối thẳng.

 

Mời các bạn cùng nghe
Con Đường Màu Xanh
Real Player
mp3 (high quality)

 

(VHT)  Gần đây anh có tham gia nhóm NHẠC VIỆT là nơi quy tu nhiều nhạc sĩ VN nổi tiếng từ khắp nơi như: Ngô Thụy Miên, Trần Quảng Nam, Vũ Đức Nghiêm, Lê Mộng Nguyên, Trần Quang Hải ...và nhiều nhạc sĩ trẻ khác. Có thấy anh hoạt động rất sôi nổi. Ở địa vị của một người nhạc sĩ nổi tiếng như anh, anh có thấy mình học hỏi được gì ở NHẠC VIỆT không? Anh nhận định thế nào về trình độâ âm nhạc của các anh chị khác trong nhóm NHẠC VIỆT?

TNS: Các cụ nói không sai "Đi một ngày đàng học một sàng khôn." hoặc "Cứ ba người mình nói chuyện thì mình cũng phải học được từ hai người." Cái không khí của NHẠC VIỆT rất thích thú. Anh chị ở trong nhóm Nhạc Việt rất là sôi động tích cực đóng góp ý kiến và khả năng của mình về âm nhạc mà không ngại ngùng. Anh chị phê bình rất thẳng thắn và không có sự đố kỵ về khả năng hay học hỏi lẫn nhau. Và người nào cũng có sự trau dồi về nghệ thuật cho hướng đi riêng của mình. Đó sẽ là ưu điểm cho sức mạnh của group. Nếu đưa nhóm NHẠC VIỆT ra mắt với cộng đồng thì cũng có sắc thái đặc biệt lắm.

 

(VHT)  Người ta nói giới ca nhạc sĩ thường ngủ ngày cày đêm (cười). Vậy anh sinh hoạt một ngày bình thường ra sao? Ngoài âm nhạc ra, anh có còn sở thích gì khác không?

TNS: Tôi ban ngày làm DVD software engineer cho hãng Panasonic. Còn chiều về thì đánh nhạc ở nhà. Vì thời giờ thấy cũng rảnh rỗi nên tôi cũng đang lấy thêm chương trình MBA. Tôi bây giờ rất chú trọng đến thân thể gầy mảnh mai của tôi. Không hút thuốc. J Tôi tập thể dục ….khi nào nhớ tới…! Sở thích của tôi là đọc sách, billiard, cờ tướng, bơi lội. Cuối tuần thì đi inline skating. Còn mùa Đông thì đi trượt tuyết.

TNSon_ski.jpg (161613 bytes)

(nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn)

 

(VHT)  Anh có dự định và nguyện vọng gì trong tương lai?

TNS: Tôi đang có ý định về VN trình diễn và hoạt động âm nhạc. Tôi đang dự tính thành lập một băng nhạc chỉ chơi nhạc sáng tác của anh em trong ban thôi. Cũng chưa chắc chắn vì bây giờ quá bận rộn với việc làm và vẫn còn đương trong trường học.

 

(VHT)  Đây là 1 buổi nói chuyện rất quý hóa cho độc giả HQ, chút gì đó về TNS mà độc giả HQ vừa mới biết thêm. Xin được cám ơn anh. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều dịp mạn đàm thêm với anh. Xin chúc anh luôn sáng tác mạnh và gặt hái được nhiều thành công.

TNS: Cám ơn anh, báo Hồn Quê, và độc giả của báo Hồn Quê đã dành cho tôi nhiều thì giờ và giấy trắng để tâm sự. Tôi cũng xin chúc cho tất cả chúng ta được hoạt động mạnh mẻ hơn trong nghệ thuật để mang tới những sản phẩm giá trị nghệ thuật tới người thưởng ngoạn.

 

Thực hiện bởi Vũ Hữu Toàn
www.geocities.com/vuhuutoan/page1.html

Vu-Huu-Toan.jpg (36738 bytes)