Cơn bão

"Hãy cứ là tình nhân"

Đối với San Jose, thứ Sáu ngày 15 tháng Mười, 1999 lúc 6 giờ tại Le Petit Trianon, là ngày của một người viết nhạc trẻ, cho ra mắt dĩa CD đầu tiên của mình. Dĩa mang tên "Hãy Cứ Là Tình Nhân" và người nhạc sĩ trẻ đó là Tú Minh.

Đối với nhà thơ Du Tử Lê, đến từ miền Nam California, đây là "cơn bão trong tập thể chúng ta, không phải tại San Jose mà ở nhiều nơi khác nhau."

Nếu sự thành công của một buổi ra mắt các sáng tác văn nghệ được thể hiện bằng số người tham dự, sự thành công đó đã có trong đêm thứ Sáu tại Le Petit Trianon, nơi đã không còn đủ ghế ngồi cho người tham dự. Nếu sự thành công còn được thể hiện qua sự kiện số người tham dự không bỏ ra về sớm trước khi chương trình kết thúc, sự thành công đó cũng được thấy tại địa điểm vừa nói. Dĩ nhiên sự thành công còn được đo lường bằng nhiều cách khác nữa, kể cả những điều ít được nói ra hoặc không bao giờ được nói một cách rõ ràng hay thành thật (chẳng hạn bảng tổng kết số doanh thu cho buổi ra mắt)

Có nhiều lý do bảo đảm cho sự thành công của "cơn bão" Tú Minh. Trong phân tích của một người từ xa đến như ông Du Tử Lê, "Tú Minh đã đẩy được cánh cửa khác cho tân nhạc Việt Nam, mở ra một chân trời khác." Ông nói, "Với tôi, Tú Minh đã khai thông được sự lẩn quẩn của dòng tân nhạc của chúng ta trong vòng gần một phần tư thế kỷ qua. Với Hãy Cứ Là Tình Nhân, Tú Minh là người tiên phong, là người mở đường giải phóng lên những suy nghĩ thật sự, những cảm nhận thật sự, phơi bày cái vết thương của tâm hồn mình cho mọi người cùng thấy, cho mọi người cùng chia sẻ."

Những lý do khác có thể dễ thấy hơn có lẽ là sự chuẩn bị rất công phu cho ngày ra mắt đứa con tinh thần đầu tiên của mình, của tác giả. Bên cạnh những chuẩn bị thông thường như về phần hòa âm, về việc lựa chọn ca sĩ, về cách trình bày bìa CD, về hình ảnh trên poster như mọi người phải lăn trải qua, trong nghề, người ta có thể nghe Tú Minh trên hầu hết các chương trình phát thanh tại San Jose trong thời gian gần đây, người ta còn thấy Tú Minh xuất hiện cũng hầu như mọi chương trình ra mắt thơ, văn khác tại San Jose. Tất cả đã tạo cho Tú Minh sự có mặt thường xuyên mọi nơi, mọi lúc, đã mang tiếng nói và tiếng hát của tác giả đến mọi góc trời của San Jose.

Điều không được các tác giả khác thực hiện, dù phương tiện này ngày nay rất phổ biến, đã được Tú Minh thực hiện. Ngày và địa điểm ra mắt được thông báo không phải chỉ trên báo chí địa phương hay bằng đường bưu điện, nó còn được hỗ trợ bằng mạng lưới e-mail đã được tác giả và thân hữu tung ra khắp nơi. Những bức thư này dường như đã được luân lưu qua lại khắp mọi chốn trước ngày ra mắt ấn định như một nhắc nhở, một trông chờ.

Dù vậy, vào giờ phút chót của mọi chuẩn bị, chương trình ra mắt vẫn phải khai mạc trễ hơn một tiếng đồng hồ. Đêm hôm trước, nhạc sĩ Lê Huy đã lo ngại không đủ thì giờ để thiết kế âm thanh. Anh chỉ có hai tiếng đồng hồ chuẩn bị trước giờ khai mạc.

Ở một nơi như Le Petit Trianon, anh lo ngại cũng phải. Đó là nơi mỗi khi âm thanh rời khỏi nhạc khí, nhạc cụ vẫn thường đi thẳng tới vách tường và biến mất liền vào hư vô một cách nhanh chóng, không thương tiếc ngay sau đó. Nhưng dù sao đi nữa, lần đầu tiên trong đêm thứ Sáu hôm đó ở Trianon người ta đã có được những âm thanh dễ nghe, và ấm cúng cần thiết, đủ không làm phật lòng người nghe khó tính. Tất cả có lẽ cũng đã khởi đầu như thế và chấm dứt như thế.

Chương trình là sự pha trộn giữa các màn trình diễn vừa nhạc của Tú Minh vừa nhạc của nhiều tác giả khác. Người tham dự tỏ ra khá trân trọng với những lần Tú Minh xuất hiện trên sân khấu, hát nhạc của cô. Đó dường như là chất keo cần thiết gắn liền các tiết mục khác của nhiều giọng ca trung bình ít được biết đến khác trong chương trình.

Trong giờ giải lao giữa chương trình, nhà văn Kathy Trần, tác giả của Nửa Sơn Hà vừa trình làng cách đây một tháng, đã thật sự tỏ ra muốn biết xem mọi người đã nghĩ gì về thông điệp "Hãy Cứ Là Tình Nhân" của Tú Minh. Cô đã vui vẻ và chịu khó hỏi bất cứ ai đứng gần cô nhất cũng như không ngại tới những người đứng xa hơn trong cái phòng đợi chật cứng người. Thi sĩ Sương Mai có lẽ đã đưa ra nhận xét được nhiều người tán đồng nhất, như một câu hỏi, tại sao không cứ là tình nhân sau khi đã là vợ chồng?

Hiện diện trong buổi ra măt này, trong và ngoài Le Petit Trianon, người ta thấy có các tác giả và nhà báo như Như Hảo, Nhật Thịnh, Khuê Dung, Song Nhị, Cao Sơn, Đỗ Vẫn Trọn, Ngô Đức Diễm, Nguyễn Xuân Hoàng...

Lâm Văn Sang

Việt Mercury, số 39 - 10/22/99