Lời Tựa

của Nhà Thơ Trần Trung Đạo


Như một tình cờ nhưng cũng từ định nghiệp, tôi được quen nhà thơ Cát Biển Nguyễn Văn Sáng. Tình cờ, bởi vì tôi chỉ biết anh qua trung gian một người con gái mà hai chúng tôi chưa từng quen biết trước: "Người Con Gái Trên Đường Bolsa". Định nghiệp, bởi vì, từ trên 30 năm trước chúng tôi đã học chung một trường. Dù cách nhau vài năm, nhưng chúng tôi đã ngồi chung một giảng đường 18 chật chội, chung những buổi chiều trong quán cốc nhỏ bên kia đường Trương Minh Giảng nhìn từng giọt café đen nhỏ xuống tuổi thanh niên đầy trắc trở của chúng tôi. Để rồi từ nơi đó, anh và nhiều bạn bè cùng lớp đã mang thao thức tuổi thanh niên đi vào cuộc chiến. Người bạn cùng trường, người anh đáng kính, nhà thơ thân mến của tôi chính là Cát Biển Nguyễn Văn Sáng, tác giả của thi phẩm Trùng Khơi Sóng Vỗ này.

Trong lời dẫn hết sức chân thành và cảm động, nhà thơ Cát Biển nhắc lại những lời dặn dò của thầy anh: "Hãy tự đi tìm lẽ sống của con, hãy sống bằng con tim chân thật, và rồi bao điều kỳ diệu sẽ đến với con. Nhưng trước hết con phải có nghị lực đi tìm lý tưởng ấy bằng ánh nến trong quả tim con". Mang hành trang "lấy Trí Tuệ làm Sự Nghiệp" đó, nhà thơ Cát Biển đi vào đời đầy thăng trầm sóng gió đang chờ đợi anh. Anh đã sống và chiến đấu như một người lính hải quân. Anh đã cắt lòng nhổ neo bỏ nước ra đi trong giờ phút đau thương nhất của lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Anh đã viết một chương khác của cuộc đời mình, còn đầy khó khăn nhưng cũng đầy hy vọng, trên xứ người xa lạ. Anh đã sớm khuya đèn sách học trò sau nhiều năm tưởng chừng như đã quên đi sách vở. Anh đã sống, đã vươn lên như một nhánh lau sau cơn bão lớn. Nhưng dù ở đâu, và dù trong hoàn cảnh nào, tâm hồn anh vẫn trong sáng, bao dung, tha thiết. Anh vẫn sống và vẫn viết, vẫn làm thơ ca tụng chân thiện mỹ, ca tụng quê hương, tình mẹ, tình cha, tình người, tình yêu, tình anh em, bè bạn. Chúng ta có thể tìm thấy những đặc tính đó rất dễ dàng trong những vần thơ đầy tình cảm của nhà thơ Cát Biển:

Nhà thơ Cát Biển viết về người Cha của anh:
Con vẫn cùng Ba những quãng đường
Tay bàn tay nắm ngõ yêu thương
Những năm bé tí Ba bồng bế
Những chuyến vào thăm trọ học đường

(Đêm Nghe Đoàn Xe Lửa)

Nhà thơ Cát Biển viết về mẹ của anh:
Ngọn nến
Cưu mang ngày Mẹ hôn chào đời,
Ủy thác trong con với bao ước vọng
Tinh thể tích tụ từ những thăng trầm,
Cô đọng nguồn bất khuất của quê hương
Ngọn nến ấy
Đang được đốt cả hai đầu
Nó sẽ không sáng trọn đêm dài
Nhưng hãy nhìn kỷ đi
Đang loé lên những tia sáng huyền diệu

(Ngọn Nến)

Nhà thơ Cát Biển viết về trường Trung Học Phan Bội Châu:
Lần đến thăm hè tan trường giã biệt
Mắt nai buồn đẫm lệ tiễn đưa nhau
Hai tuổi trẻ sân ga đời tan hợp
Có ai về góp nhặt những vì sao

(Mùa Hè Giã Biệt)

Nhà thơ Cát Biển viết về trường Đại Học Vạn Hạnh thân yêu và người bạn đã qua đời:
Núi nhớ mây còn rung gió đông
Trăng quên đi vội, nước trơ dòng
Người đi vào cõi hồng miên viễn
Bỏ lại xuân nồng ai ước mong?

(Lời Tiễn Muộn)

Nhà thơ Cát Biển viết về đời lính của anh:
Phiêu lãng đời trai ngất cao ước vọng
Bỗng một chiều ác mộng Tháng Tư đen
Nhổ neo cắt xuồng đắng cay tất lưỡi
Xếp lá cờ tức tưởi kiếp tha hương

(Giấc Mo Biển)

Nhà thơ Cát Biển viết về đồng đội của anh:
Người về sấm sét bước chân
Én chung lượn cánh mùa Xuân huy hoàng
Hai Mươi Hổ Cáp sắt son
Ba Mươi Năm mộng dệt tròn khí trai

(Nguời Về)

Nhà thơ Cát Biển viết về người bộ đội Cộng Sản miền bắc:
Anh mang thiên đường trèo lội Trường Sơn
Chân chai dép tim căm hờn cứu nước
Thù hận nung gan xuôi Nam xâm lược
Bước xuyên đồi sông nước cứu nguy

(Hãy Nhìn Lại)

Năm 1999, trong bài viết trước hội luận văn học tại một trường đại học ở miền Đông, tôi có thưa với các nhà văn nước ngoài rằng: "Tôi rất e dè khi tự giới thiệu mình là nhà thơ. Vì tôi sống gần đây nên các anh chị văn nghệ đã đề cử tôi để thay mặt, hầu chuyện cùng quý vị chứ không phải vì tôi là một nhà thơ với tầm vóc và xứng đáng như tính cách đại diện của tôi hôm nay. Thưa không. Đất nước tôi là đất nước của thi ca, những người làm thơ cỡ như tôi nhiều không kể xiết."

Tại sao nhiều không kể xiết. Bởi vì dân tộc Việt Nam là Dân Tộc Của Thi Ca. Thi Ca đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, không những trong lãnh vực tinh thần mà cả trong thể chất. Quan trọng đến nỗi nhà thơ Phùng Quán một lần đã viết:

Có những lúc ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy


Thật vậy, chúng ta, có lẽ ai cũng đã ít nhất một lần "vịn câu thơ mà đứng dậy ", cũng đã ít nhất một lần đặt bút viết một câu thơ. Khi buồn viết một câu thơ buồn để làm vơi đi nỗi buồn. Khi vui viết một câu thơ vui để chia sẻ niềm vui với bè bạn, với tha nhân. Người thưởng ngoạn văn chương, đa số là những người có tâm hồn bao dung, rộng lương. Với họ, điều quan trọng và cũng là điều họ muốn thấy nhất trong một bài thơ, không phải chỉ là kỹ thuật cao, vần điệu lạ, ý tưởng mới nhưng quan trọng nhất là sự chân thành và trong sáng. Nếu đồng ý với quan điểm đó, chắc chắc quý vị đã tìm đúng chỗ, tìm đúng một nhà thơ và một tập thơ để đọc. Tôi hy vọng Trùng Khơi Sóng Vỗ, không những chỉ với những bài thơ Đường độc đáo, những kỹ thuật thơ mới lạ, những bài viết ngắn chân tình, nhưng còn là một kỷ niệm trân quý của một nhà thơ Việt Nam dành tặng cuộc đời.

Trần Trung Đạo
Boston, 4-14-02