Dẫn Nhập

 

Trang Tử là một trong số những hiền triết lớn nhất của Trung Hoa mà tư tưởng của ông đã ảnh hưởng thật sâu đậm đến đời sống cũng như văn hóa của người Trung Hoa và còn vượt qua ranh giới lan sang các nước Á Châu và cả thế giới Tây Phương nữa.

Trang Châu, thường gọi là Trang Tử, sống khoảng 369-298 trước Công Nguyên, có lẽ là nhà Lão học cao nhất trong các nhà Lão học cổ nhất ở Trung Hoa. Theo Tư Mã Thiên và Lưu Hướng, thì Trang Tử là người xứ Mông, nước Tống.

Ông sinh nhằm vào thời kỳ hỗn loạn nhất của Trung Hoa: thời Chiến-quốc. Bởi vậy có người cho rằng trước một hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương mà phải trái rối bời, thật giả không phân, chúng ta không lấy chi làm lạ mà thấy Trang Tử chủ trương tư tưởng siêu nhiên, đem cặp mắt bình thản lạnh lùng mà nhìn xem xã hội sự vật.

Lão Tử soạn quyển Ðạo Ðức Kinh là cho các nhà cầm quyền trị nước thời bấy giờ; ông đề xướng giải pháp (vô-vi nhị-trị). Tư tưởng của Lão học được truyền bá trong thời kỳ tiền Hán, còn tư tưởng của Trang học thì mãi đến thời hậu Hán mới được đề cập đến và phổ biến.

Cái học của Trang Tử, tuy do Lão Tử mà ra, nhưng biệt lập ra một phái riêng: phái Trang-học. Theo Tư Mã Thiên thì: "triết lý của Trang Tử khác với Lão Tử, lại muốn siêu thoát khỏi vấn đề nhân gian thế sự".

Chỗ tương đồng của Lão Tử và Trang Tử là cả hai đều cùng một quan niệm Ðạo và Ðức, và cả hai đều chống đối tư tuởng truyền thống và chế độ đương thời. Và, vì vậy mà Tư Mã Thiên đặt tên học phái này là Ðạo Ðức Gia, vì ông cho hai quan niệm Ðạo và Ðức là nền tảng chung cho Lão học.

 
Nhật Vũ
Arlington, Texas - USA
November 04, 2002