NGÔI NHÀ CŨ (truyện vừa - Phần 1-9)

Phạm Doanh

 

NGÔI NHÀ CŨ (truyện vừa)
Phần 1

Chiếc Boeing 747-400 của Singapore Air Lines với đặc điểm là hai đầu cánh gập lên phía trên, dần dần giảm tốc độ và từng lúc xuống thấp, bên tai Nguyễn Đắc Tâm đã bắt đầu thấy ù ù và nhoi nhói, Tâm phải bịt mũi cố nén không khí từ trong tai ra để chống lại cảm giác khó chịu đó. Qua khung cửa sổ nhỏ những nhánh sông Cửu Long to dần, vùng đồng bằng với một màu xanh thật mát mắt làm Tâm bồi hồi nhớ lại những ngày xưa thân thương.

Tiếng phi công trưởng chợt vang lên báo cho hành khách, đa số là người Việt, biết sắp sửa hạ cánh xuống Tân Sơn Nhứt làm trong phi cơ bắt đầu nháo nhào lên, vừa hồi hộp mong đợi vừa lo âu, nhất là trong số những người mới về lần đầu có những người di tản hay vượt biên sau 75. Anh chàng ngồi bên cạnh Tâm trong ghế giữa, suốt một đoạn đường tán hươu tán vượn với cô bé ngồi ngoài, thế mà từ lúc cô tiếp viên đưa giấy tờ để khai nhập cảnh là anh ta tái mét, hỏi Tâm mãi cách thức điền tờ khai, tờ giấy nhỉn hơn bàn tay một chút, chỗ bắt khai những người trong gia đình chỉ vừa vặn 3 hàng, mà anh ta có bố mẹ và 7 anh chị em.

Mười lăm năm đã qua mà phi trường Tân Sơn Nhứt vẫn còn những vòm hangar bê tông cốt sắt loang lổ cỏ rêu, với những trụ súng phòng vệ có bao cát vây quanh, trong hangar một vài chiếc Mig19 và A37 sơn màu bạc với ngôi sao đỏ làm Tâm tưởng thành phố vẫn còn trong thời chiến.

Tâm là người cuối rời khỏi phi cơ mặc cho mọi người tranh nhau xuống trước, trên máy bay họ đã kháo với nhau nếu xuống sau phải chờ làm thủ tục cả hai tiếng nên có người, máy bay còn lăn bánh vào chỗ đậu, đã tháo dây an toàn mà lo lấy hành lý cá nhân ra, gây hỗn độn ồn ào trên máy bay . Mấy cô tiếp viên lúc đầu còn yêu cầu mọi người ngồi yên, nhưng đầu này có người khởi xướng thì đầu kia sợ thiệt thòi vẫn bỏ ngoài tai nên các cô tiếp viên nhỏ nhắn người Singapore đành lắc đầu chịu thua .

Cái nóng hừng hực chết người của Saigon như một cơn bão lửa táp vào mặt Tâm, làm chàng cũng thấy ngộp thở và choáng váng khi vừa đặt chân ra khỏi máy bay để leo xuống cầu thang, chờ lên xe Bus vào khu nhập cảnh. Trên máy bay ồn là thế mà bây giờ một không khí trầm lặng trên những gương mặt rụt rè khi thấy công an đứng dưới chân cầu thang. Mọi người gần như im lặng hay chỉ thì thào với nhaụ Những người dành xuống trước nãy giờ phải đợi xe Bus trên sân đổ lửa, đã bắt đầu toát mồ hôi, nhất là các vị đóng bộ complet hay mặc coutume tha hồ mà ướt như tắm. Tâm bước vào xe Bus chật cứng, một người công an lên theo và ra dấu cho tài xế chạy đi . Chiếc xe chuyển bánh nặng nề vào khu nhập cảnh.
Vì là người lên sau nên Tâm lại được xuống trước, chàng đưa tay đỡ một cụ già lẩy bẩy xuống xe, cụ run rẩy có lẽ không phải vì già yếu quá mà chắc vì xúc động hay lo sợ. Cụ nắm lấy tay Tâm

"Con à, giúp dùm má làm giấy tờ nghen, má đi có một m'nh, ra tới cửa thì có con cháu má đón"
"Dạ, má cứ đi với con" .

Lớp người đứng sắp hàng dài thườn thượt, tay sách nào va ly nào túi lủng củng. Người Việt đi về quê hay ra lại ngoại quốc lúc nào cũng cố mang thật nhiều . Bây giờ lại còn phải cởi áo ngoài mà cầm trên tay nên lại càng khổ sở trong cái nóng 39, 40 độ. Các vị công an xét thông hành và hộ chiếu mặt mày lầm lì càng làm những người về lần đầu lo lắng. Tâm dìu bà cụ già không vào sắp hàng mà hướng về một người công an đứng riêng quan sát. Tâm vừa nói vừa đưa thông hành mình ra

"Chào anh, tôi và bà bác đây mới về lần đầu, nhờ anh giúp cho làm "thủ tục đầu tiên" !"

Ngón tay trỏ anh lật nhẹ trang bìa Passport để cho người công an thấy tờ 20 đô la mới tinh nằm kẹp trong đó. Nếu thật là lần đầu thì bố bảo Tâm cũng không dám đưa tiền như thế, nhưng sau vài lần anh đã biết làm "thủ tục tiền đâu" rồi . Người công an cầm lấy Passport của Tâm và cụ già, bằng một cử động thật nhanh thu gọn tờ giấy bạc rồi ra hiệu cho hai người đi theo đến một quầy vượt qua hàng người sốt ruột đang đợị Tâm cố tình mặc một bộ quần áo theo kiểu nhà binh, màu vàng khaki lại có cầu vai và nắp túi, nên những người xếp hàng tưởng là "phe ta" nên không ai dám phản đối .

Ở bên Hải Quan cũng theo "thủ tục đầu tiên" nên Tâm đưa bà cụ ra rất nhanh, bên ngoài hàng hàng lớp người đi đón thân nhân chen chúc bên hàng rào cản. Bao nhiêu người nhao nhao hỏi Tâm đến từ đâu, bằng hãng máy bay nào . Chợt có tiếng rú lên rồi mấy người xông ra ôm lấy cụ già, cả hai bên òa ra mà khóc. Bà má gần như không đi được phải dựa vào hai người con mà ra . Tới ngoài sân thì số người đón bà đã lên đến khoảng 30 người kể cả con nít.

Tâm ngước mặt lên trời, không một bóng mây, cái nóng đổ từ trên xuống, bốc từ mặt đường lên. Không khí bốc hơi làm mờ con đường nhựa dẫn ra ngoài phi trường. Trong tiếng mời mọc Taxi, gọi là mời chứ bao nhiêu bàn tay nắm lấy tay Tâm, nắm lấy vali gần như muốn lôi anh vào xe họ. Tâm chọn một người tài xế coi bộ hiền lành nhất, mặc ngoài tai những lời chửi rủa của các tên mất mối .
Trong dòng thác của xe đạp và Honda trên đường phố Tâm tự nhủ:
"Lần này mình không được quyền thất bại!"


NGÔI NHÀ CŨ Phần 2

Đoạn đường từ Tân Sơn Nhứt vào trong phố khoảng 15 cây số mà phải đi hết 40 phút vì kẹt xe, năm 1990 xe hơi chưa nhiều lắm, trên đường dầy đặc xe hàng, xe Honda và xe đạp đan vào nhau như mắc cửi . Hầu như tất cả mọi người đều bấm còi liên tiếp, inh ỏi . Tâm nghĩ thầm không hiểu có ai còn để ý đến tiếng còi nữa không. Chiếc xe taxi khó nhọc chen từng chỗ hở trên mặt đường. Đèn xanh đèn đỏ không hề có giá trị ở những ngã tư vì không bao giờ có dòng xe nào ngớt để cho đèn đỏ có thể ngắt quãng được. Bên nào đi được thì cố đi, thế là chen lấn, là đan dính vào nhau ở ngã tư . Người tài xế mặc dù phải chú ý lái xe, vẫn hỏi chuyện Tâm một cách hơi triệt để làm Tâm chợt cảnh giác chỉ trả lời chung chung, không nói rõ là từ đâu đến hay làm gì. Bình thường thì Tâm không ngại chuyện gì cả nhưng lần này về nước do lời ủy thác của cha mình, Tâm trở nên thận trọng hơn.

Tâm nhớ bên giường bệnh cha Tâm dặn lại:
"Cha đã không làm được chuyện đó rồi, chỉ còn con thôi . Nhưng con phải cân nhă‘c kỹ vì không phải dễ dàng, có thể nguy đến bản thân đó, cha tùy con quyết định."

Cuôí cùng Taxi ngừng lại trước một Hotel quận 1 gần chợ Tân Định. Hành lý của Tâm cũng nhẹ nhàng gồm một vali Samsonite và 1 túi xách nhỏ. Người quản lý khách sạn khi thấy anh đưa Passport ra nói ngay:

"Thưa, đôí với Việt Kiều thì chúng tôi phải tính giá khác, giá trên bảng chỉ có giá trị cho người trong nước thôi" .

Tâm đã quen với chuyện này nên không hề thắc mắc về cái giá đặc biệt gấp hai, gấp ba người thường này . Người quản lý khách sạn giữ Passport của Tâm lại, nói phải đem trình công an phường đã, ngày mai sẽ đưa lại cho Tâm.
Căn phòng 40 USD cũng đủ tiện nghi và có máy lạnh. Tâm tắm rửa, thay quần áo, nằm vật lên giường, mắt nhìn trần nhà trắng xóa. Chàng chọn Hotel này vì Đông Phố, người tình đầu đời của Tâm.

Cũng trong Hotel này năm xưa, trước đám cưới Đông Phố một tuần, hai người đã hẹn nhau ở đây . Đông Phố quấn khăn tơ, đeo kính đen ngồi ngoài xe, đậu ở một đường hông để Tâm vào lấy phòng. Ở VN khi trước việc hai người đi với nhau vào khách sạn là một chuyện tày trời nhất là cho người con gái . Tâm đã phải trả gấp mấy lần tiền phòng để người quản lý không đòi giấy tờ của Đông Phố, Tâm có nói là sẽ trả phòng lúc tôí chứ không ngủ qua đêm nên người quản lý đồng ý vì thường thì quá giới nghiêm mới có những trận xét phòng.

Tâm vẫn còn nhớ như in lúc hai người vào phòng, Đông Phố' òa lên khóc làm Tâm cũng ứa nước mắt, ôm lấy Phố mà vỗ về rồi ngậm ngùi với nhau cả một ngày trời . Sau đó hai hôm Tâm về lại Paris mà không ở lại dự đám cưới Phố vì biết hai đưá sẽ không giữ được xúc động khi nh'n thấy nhau .

Lần cuối gặp Đông Phố là vào những ngày biến động tháng 4/75, trong đầu Tâm vẫn văng vẳng những lời nói cuôí cùng với nhau:

- Cuối cùng Đông Phố cũng vào được Sàigon, mấy hôm nay anh nóng ruột quá.
- Anh chưa đi sao ?
- Cốt chờ em về đã.
- Chờ em về để làm gì? ..... Ngày xưa em có chờ anh đâu .
- Đông Phố đừng nói thế, không phải lỗi tại Đông Phố, một phần vì anh đã im lặng.
- Thế bây giờ chờ em để làm gì?
- Để biết em được an toàn, để anh có thể yên tâm về lại Pháp.
- Lỡ em không về kịp thì sao? bao giờ anh có chuyến máy bay ?
- Anh đã dời lại vào chuyến chót ngày 5/4, là ngày mai, may là gặp em hôm naỵ
- Em về được hai ngày thì nghe Kontum mất, anh Hân, chồng em, chỉ kịp đưa em lên máy bay rồi phải trở lại Quân Y Viện. Mấy hôm nay không còn tin tức.
- Anh mong em sớm nhận được tin.
- Anh chưa biết mặt chồng Đông Phố phải không?
- Phải, anh chỉ biết tên qua thiệp cưới nhà em gửi thôi . Bây giờ anh ấy làm gì rồi ?
- Thiếu tá bác sĩ trưởng Quân Y Viện Kontum, có lẽ bây giờ thêm chức tù binh nữa .
- Đông Phố đừng bi quan quá, có thể anh ấy thoát được mà.
- Em không tin điều đó, vơí tính tình anh Hân, anh ấy sẽ ở lại đến phút cuôí cùng vơí thương binh.
- Thật là một người đáng phục, nều sĩ quan tướng tá nào cũng ở lại vị trí mình thì đâu có cảnh bại trận thê thảm như thế này, Anh về lại Pháp mà cũng thấy hổ thẹn lắm. Chắc em khinh những người như anh lắm phải không ?
- Em phục chồng em nhưng em không khinh anh, mỗi ngướ có một sắp đặt của đời sống. Ngày xưa anh đứng trước sự lựa chọn giữa vào Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt hay đi du học và anh đã có sự lựa chọn của anh. Không biết thế nào là đúng hay là sai cả.
......
Bên ngoài lẹt đẹt tiếng súng cá nhân, thỉnh thoảng lại chen vào tiếng ầm vang đạn pháo cối . Saigon nhất là vùng ngoại ô và khu phi trường đang bắt đầu bị pháo kích. Mọi người dân Saigon đang nhốn nháo hoang mang vì tin tức dồn dập từ chiến trường đưa đến, Nha Trang, Phan Thiết lần lượt thất thủ. Cả vùng cao nguyên đã mất.
Đông Phố sau 4 năm lập gia đình và sống theo chồng trên Kontum, từ một cô sinh viên nhí nhảnh hay cười đùa, trêu chọc đã trở thành một ngưới đàn bà trầm tính. Có lẽ vì cuộc sống khô khan trên miền cao nguyên đất đỏ của một người vợ sĩ quan. Sau một thoáng im lặng Đông Phố chợt hỏi

- Sao ngày trước anh không trả lời thư Đông Phố? Biết bao nhiêu lần viết cho anh mà không có một lần hồi âm.
- Anh xin lỗi em, anh cũng không biết phải nói thế nào . Mỗi lần có thư em anh đều phải nén lòng để không viết trả lời em.
- Tai sao, tại sao ?
- Anh muốn cho Đông Phố không bận tâm khi lập gia đình.
- Anh có biết chính sự im lặng của anh làm Đông Phố nhận lời người ta không?
- Đông Phố ....
- Nói thế thôi chứ em không trách anh đâu, sau này mẹ em có kể là đã biên thư cho anh yêu cầu anh vì danh dự gia đ'nh và tương lai của em mà ngưng liên lạc với nhau .
- Lúc nào anh cũng muốn cho Đông Phố được hạnh phúc.
- Hay là anh không muốn chúng mình chống lại gia đ'nh, bất chấp tất cả để có nhau ?
- Bây giờ thì khác Đông Phố à. Ngày xưa lúc anh đi du học cũng muốn trở về nhà chứ có muốn ở luôn ngoại quốc đâu . Mà xã hội lễ giáo việt nam đâu có chấp nhận cho anh em họ lấy nhau . Chúng mình nếu sống với nhau mà gia đình họ hàng phải xấu hổ, xa lánh và lên án thì khó mà có hạnh phúc được. Đó là suy nghĩ của anh ngày trước, lại thêm những bức thư rất mãnh liệt của mẹ em và mẹ anh nữa, làm anh phải đau lòng mà giữ sự im lặng.
- Một sự im lặng chết người .
- Đông Phố, em Đông Phố, cho anh nói hết, sau bao nhiêu năm sống nước ngoài và vơí sự học sắp hoàn tất cộng thêm tuổi đời chín chắn và viễn tượng khó mà quay về sống lại quê hương mình, bây giờ anh dám bất chấp tất cả , bất chấp lễ nghi, ràng buộc họ hàng. Nhưng .... bây giờ tất cả đã muộn rồi, đã lỡ làng rồi .
Anh xin lỗi em vì sự hèn kém của anh khi trước, nhưng mẹ em trong các thư có nói anh mới vào Đại Học thì dù không có quan hệ họ hàng cũng không sánh được với người cầu hôn em đã là bác sĩ, lại con nhà quen biết tử tế, và me em không muốn con gái mình từ chối một người như thế.
- Anh nghĩ cứ lấy bác sĩ và người tử tế là có hạnh phúc phải không?
- Trước khi mình yêu nhau em đã quen biết anh ấy mà.
- Phải, nhưng anh đã bước vào đời em sau đó, và đi .
- Anh vẫn mong mỏi em có hạnh phúc gia đình .
- Hạnh phúc là rất tương đối, phải, nếu gọi là hạnh phúc gia đình thì em có chứ, anh ấy thương yêu chiều chuộng em đủ điều . Nếu mà không có anh trong cuộc đời em .... Ở một thị trấn nhỏ làm bà thiếu tá vợ bác sĩ trưởng Quân Y Viện cũng oai lắm chứ, chỉ thua có vợ tỉnh trưởng thôị
Có điều Kontum cũng giống như Ban mê Thuột là buồn muôn thuở đó. Chồng em sắp có sự vụ lệnh chuyển về Saigon thì xảy ra biến động nàỵ
- Anh cầu chúc anh ấy bình an trở về với em .
- Cám ơn anh, anh lúc nào cũng quân tử ... tàu .
- Kìa Đông Phố, em lại châm biếm anh nữa rồi, đây là lần thứ hai em nói như vậy
- Xin lỗi anh nhé, anh nhớ kỹ thế à, em buột miệng thôi không cố ý đâu .ỉ Nhưng anh nhắc là lần thứ hai em mới nhớ lại đó .
- Lần đó em nói khi mình gặp nhau lần cuối cùng trước khi anh đi .
- Vì anh đã từ chối tình em trao .
- Đông Phố ơi, làm sao cho em biết được sự khát khao của anh lúc đó, sau này và mãi mãị Nhưng anh muốn giữ cho em. Điều đó em biết mà.
- Em đã nói với anh là em không còn trong trắng nữa mà.
- Anh biết em nói dối thôi .
- Cám ơn anh, cám ơn thật đó, không phải châm biếm đâụ Dù mình không ân ái với nhau đêm đó mà em vẫn nhớ anh, đừng nói gì ....
- Anh cũng thế, cả năm đầu xa em, anh chẳng làm ăn được gì, trễ nải việc học hành. Ngày nhận thiệp cươí em, anh say khướt.
- Phải chi ....

Trên trời tiếng trực thăng Mỹ phần phật phần phật di tản nhân viên của họ, hai người nhìn nhau thật lâu, biết rằng lần này sẽ khó mà gặp lại . Tiếng súng vẫn tạch tạch ngoài xa trong đêm vắng lặng.

Tâm về lại Paris trong những tin tức dồn dập đến khi Saigon đầu hàng. Bao nhiêu năm đến giờ Tâm không còn có tin tức của người yêu. Năm 85 Tâm về lại VN lần đầu sau biến động, đến nhà Phố thì gia đình đã di tản, hàng xóm không biết địa chỉ ở ngoại quốc.
....

Bên ngoài thành phố đã lên đèn nhưng cái nóng vẫn không dịu . Trong tiếng máy lạnh chạy êm êm, Tâm ngủ thiếp đi sau chuyến bay dài, không biết rằng bên dưới khách sạn hai người công an đang photocopy lại toàn bộ passport của mình.



Phần 3

Hồ Mạc Vấn đến chợ Bến Thành lúc 8 giờ, Vấn gửi xe chỗ quen, tiền gửi tính theo tháng vì mỗi ngày Vấn đều lên dây cả, Ba Khịa, người thầu giữ xe chỗ này cũng một thời làm ăn với Vấn nên không lấy tiền anh, nhưng Vấn cũng xử đẹp nên tháng nào cũng cho tiền mấy sáu nhỏ trông xe và thỉnh thoảng kêu đệ tử mang, khi thì ký tôm he khi thì trái sầu riêng đến tặng Ba Khịa .Chiếc xe Dream II của Vấn vì thế được dặc biệt chăm sóc, để ngay chỗ mấy sáu nhỏ ngồi canh xe nên rất là an toàn.

Dù chung đụng với giới giang hồ chợ búa vì việc làm ăn nhưng Mạc Vấn được anh em trong giới nể mặt vì học thức và cách cư xử của mình. Họ và bà con trong chợ đều gọi anh là anh hay chú Tư Vân dần dần đổi lại là Tư Vấn vì anh thứ ba trong nhà và vì họ có việc gì cần, đều đến anh nhờ tư vấn, vô tình mà lại đúng tên thật của mình. Đúng ra cái tên Mạc Vấn của anh nếu ai hiểu tiếng Hán thì sẽ thấy ngược lại với tên Tư Vấn, ngày xưa lúc mẹ anh sanh anh ra, chồng đi trận xa, mới nhờ ông nội đặt tên. Ông nội nhà nho nói đùa “Hà Mạc Vấn“ nghĩa là không cần hỏi, mẹ anh lại nghe ra là Hồ Mạc Vấn. Vấn nhiều khi tự trào nói bởi cái tên nó vận vào người nên cả cuộc đời anh là những câu hỏi triền miên.

Nhiều khi Mạc Vấn cũng không ngờ cuộc đời mình lại rẽ sang một ngã đường như thế. Hồi nhỏ nhà nghèo, bố về hưu sớm lại về nhà bà hai, chỉ gửi ít tiền để mẹ tần tảo nuôi 3 anh em. Chị cả từ năm 18 đã đi lấy chồng, anh thứ hai thì đi lính, lương binh nhì lấy gì giúp gia đình. Mạc Vấn và thằng em, Minh, đều học ở Pétrus Ký còn cô bé Hằng, gái út mơí vào Gia Long. Nhà nghèo thiếu thốn mọi đường, ban ngày học ở trường, chiều lên thư viện Abraham Lincoln Hội Việt Mỹ, (thích nhất là mỗi khi Phương Hồng Hạnh lên đó để Vấn được ngắm trộm), tôí chỉ một ngọn đèn trong nhà đuợc bật lên, còn người mẹ lần mò nấu cơm trong ánh đèn dầu mờ nhạt. Nhà không có lấy một radio Transistor chứ đừng nói đến TV hay tủ lạnh.

Tính Vấn khí khái từ nhỏ, lại mang mộng thay đổi cuộc đời hay ít nhất cũng đổi đời mình. Tuổi 15, 16 đã thích đọc Phạm công Thiện và những sách triết lý về thân phận con người . Mạc Vấn ít có bạn bè vì trong lớp họ đa số là con nhà khá giả, đi chơi tiêu tiền thoải mái, mà Mạc Vấn không thể để cho họ trả tiền cà phê hay hàng quán hoài được. Còn thù tiếp lại thì chỉ nghĩ đến bữa cơm ở nhà của mẹ và em có bát canh rau vơí dĩa cà hay cùng lắm chén tép rang hoặc vài miếng ba rọi nhiều mỡ hơn thịt, thì làm sao Vấn có thể mang số tiền chắt chiu kiếm được bằng nghề kèm trẻ ra mà chiêu đãi bạn bè được mặc dù không ai đòi hỏi nhưng có qua thì phải có lại chứ. Hơn nữa trong đầu óc trưởng thành sớm hơn tuổi và mang những mộng ước cao xa thì chuyện tụ họp chơi đùa với cùng lứa không làm thỏa mãn tâm hồn anh nên Mạc Vấn dần dần ngưng những cuộc đi chơi và bạn bè không không ai còn để ý đến Vấn trừ Nguyễn Đắc Tâm.

Tâm cùng học một lớp với Vấn và là học sinh giỏi nhất lớp nếu không muốn nói là giỏi nhất Pétrus Ký, trường tinh hoa của Việt Nam trước 75, nếu ... Tâm chịu khó thêm chút và tập trung năng lực vào việc học. Cái lạ ở Tâm là chẳng thấy Tâm học lúc nào, vì Tâm đi chơi cả ngày với bạn bè, ngồi quán cà phê nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy . Cỡ nào Tâm cũng hòa hợp được, với những tâm hồn hạn hẹp thì tán gẫu chuyện trên trời dưới đất, nhưng gặp Vấn lại say mê bàn về triết lý nhân sinh và cách mạng đổi đời hay văn thơ . Tâm đậu Tú Tài 1 hạng Tôí Ưu dễ như người ta lấy hạng thứ. Vấn đã từng học chung với Tâm trong những buổi chiều, nhóm bạn thân tụ lại luyện thi trong nhà một người có phòng riêng tiện nghi thoải mái . Có những bài toán hóc búa mà mọi người còn nát óc thì Tâm đã tìm ra lời giải nhanh chóng, nhiều khi còn ra hai cách giải khác nhau .Tâm cũng chỉ cho Vấn rất nhiều trong việc học ngược lại Tâm mến Vấn ở sự trưởng thành, đầu óc chín chắn và cùng tác phong quân tử tàu .

Chơi với Nguyễn Đắc Tâm, Vấn không hề có mặc cảm với bạn là con nhà giàu, đi chơi mà Tâm trả tiền đã thành một tự nhiên như những lần Tâm đến nhà Vấn, còn thua xa căn phòng dành cho người làm trong nhà, tự nhiên ngồi vào bàn ăn bát cơm gạo hạng ba chan nước rau muống luộc. Mỗi lần như vậy mẹ Vấn dều rút vào nhà trong không ăn chung, có lẽ vì sợ thiếu phần khách. Chính Tâm đã gọi Minh em Vấn đến nhà mình ăn ở mấy tháng trời để học thi cho thoải mái . Nhà Vấn vẫn thầm mang ơn gia đình Tâm trong việc này và trong những giúp đỡ khác. Tóm lại Tâm là người bạn rất tốt, điểm yếu của Tâm là tính lãng mạn, cuồng nhiệt và biệt dị .

Sau Tú Tài 1, sang đến năm Đệ Nhất thì Tâm bỏ bàn đầu để xuống xóm nhà lá ở cuôí lớp và bỏ không đi học thêm, chỗ này cần nhấn mạnh là dù trường Pétrus Ký là tinh hoa của VN lúc đó với sự tuyển lựa ngặt nghèo và tỉ lệ đậu Tú Tài và vào các Đại Học thi tuyển cao nhất nước, nhưng đa số đều đi học thêm ở các giáo sư nổi tiếng khác không dạy trường công. Nghèo như Mạc Vấn không có tiền học thêm nên thua kém thấy rõ , Tâm là một ngoại lệ, đi học thêm chỉ là theo bạn bè cho vui, chứ ở trong trường hay lớp ngoài đều làm thầy giáo ngỡ ngàng vì các lời giải độc đáo . Lý do để Tâm xao lãng học hành là cuộc tình đầu đời đến với Tâm như cơn bão lốc mà Vấn biết, qua những lời tâm sự . Vậy mà Tâm vẫn đậu Tú Tài II hạng Ưu . Vấn vẫn còn nhớ bài thơ Tự trào của Tâm viết về mình nửa ngông cuồng khinh mạn, nửa cho mình kém tài chỉ nhờ maỵ


“Năm nay tuy tớ chửa hai mươi
Tớ đã xưng danh cả với đời
Ăn nói ngông cuồng thêm lếu láo
Áo quần lếch thếch lại lôi thôi
Tài chẳng bằng ai thôi cũng kệ
Đưa tay ta với tận lên trời
Cứ tưởng bọc điều theo bước mãi
Ba tháng học hành chín tháng chơi“ .



Cuộc đời sau đó đưa hai người sang hai hướng khác. Đắc Tâm đi du học Pháp, vẫn vì tính lãng mạn, nhiệt tình nên theo phong trào chống Mỹ Thiệu ở ngoại quốc. Mạc Vấn không vào nổi các trường thi tuyển và cũng không muốn kéo dài chuỗi ngày Luật Khoa, Văn Khoa trốn lính. Vấn quyết định lập thân bằng con đường binh nghiệp, nhất định nếu không xanh cỏ thì đỏ ngực, nghĩa là hoặc chết ở sa trường hoặc làm tướng tá. Với chiều cao 1,75m và hân thể cường dũng của một Nhị Đẳng Huyền Đai Karate, Vấn đã dễ dàng thi vào khóa đào tạo Pilot phản lực. Trong thời gian học lái F5 ở Mỹ, Vấn nhịn ăn chơi không như các bạn đồng khóa và còn dạy thêm Karate nên để được một số tiền, lúc về lại Saigon mua một căn nhà nhỏ trong chung cư Nguyễn thiện Thuật, nơi mà khi trước trong trận hỏa hoạn lớn nhất Sàigon, bốn mẹ con chỉ kịp mang ít đồ đạc chạy ra . Sau đó là bao nhiêu năm ở nhờ, ở thuê .

Đầu tháng 4/75 bất ngờ gặp lại Tâm về nước trong biến động. Trái với dự tính của mọi người Tâm vì hoạt động chính trị nên bỏ bê việc học, vẫn chưa ra trường, hai người dù vẫn mến nhau rất nhiều nhưng đã có những trận tranh cãi chính trị nẩy lửa mà nếu không vì tình bạn đã có thể gây ra bất hòa . Sau khi Tâm về lại Pháp được mấy tuần thì Tướng Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng.

Vì không mang được mẹ và em đi nên chàng Trung úy phi công trẻ dù đã ngồi lên chiếc F5 rồi lại về nhà. Sau này Vấn mới hối hận vì tính sai một nước, hỏng cả một đời . Nếu Vấn sang Mỹ thì chă‘c sẽ giúp đỡ được gia đình nhiều hơn là ở lại . Mạc Vấn thủ tiêu giấy tờ mình và lấy giấy tờ người anh tên Mạc Vân chết vì bịnh tháng 4/75 trong tình huống lộn xộn không khai tử, với cấp bậc binh nhì trên giấy tờ Vấn không phải đi học tập. Những năm đầu sau 75 đến ngày có chính sách Đổi Mới của chủ tịch Nguyễn văn Linh là những chuỗi ngày nghèo khổ trong cái nghèo khổ của cả nước.
Ngày xưa vẫn nghe bố ngân nga

"Tam thập nhi lập,
Tứ thập tri thiên mệnh
Ngũ thập tri nhân lực


Mạc Vấn nghĩ, bây giờ mình bước sang tuổi bốn mươi đã thấy số mạng mà trời định cho mình thì phải làm tận lực để đến năm mươi biết sức mình có đổi được số hay không. Trong thời cơ Đổi Mới này mọi người đều tận dụng các cơ hội đưa đến để làm giầu . Mục tiêu của Vấn bây giờ cũng chẳng cao xa gì hơn là tạo cho mình và gia đình một đời sống no đủ mà vẫn giữ được tác phong quân tử.
Nối gót cha, các đứa con của Vấn đều thi đậu vào Pétrus Ký, bây giờ lấy tên là Lê Hồng Phong. Dù bé Phượng đứng đầu lớp và anh nó, thằng Thắng cũng là học sinh ưu tú, Vấn vẫn kể cho các con về chú Tâm học giỏi để khuyến khích chúng thêm, nhất là kể vì chú Tâm vướng tình ái sớm và theo hoạt động chính trị nên không đạt được kỳ vọng của bố me chú. Sau 75 đến giờ không còn liên lạc được với Tâm.



NGÔI NHÀ CŨ Phần 4

Cái nghề của Hồ Mạc Vấn đang làm không biết phải dùng danh từ gì để giải thích, nếu gọi một cách phóng đại là nhà đầu tư, nhà hùn vốn kinh doanh cho tiểu thương, còn gọi cách khinh miệt là nghề cho vay hay chủ hụi chợ Bến Thành. Trong chợ các tay anh chị và bà con buôn bán gọi nghề đó là "Tín dụng giang hồ" ngược lại với các tín dụng chính thức của nhà nước hay tư nhân.
Hoạt động tài chính của Mạc Vấn nằm trên hai phương diện, hùn vốn làm ăn và đứng bao hụi .

Hụi phát sinh từ chữ "hội" thật ra trên tinh thần là một hình thức tương trợ tài chính cho các người đồng hội đồng thuyền, nên theo đúng mục đích của nó thì không ai bị bóc lột hoặc thua thiệt nhiều, nguyên tắc ly’ tưởng của hụi là như thế này, tỉ dụ có 10 người cùng chơi, họp lại với nhau mỗi tháng, đóng vào hụi mỗi người 1.000$ tạo nên hụi 10.000$. Người nào cần tiền sẽ được lâ’y số tiền trên (1000 của mình và 9000 của người khác) và sau đó đóng lại để trả cho 9 người kia trong 9 lần họp hụi còn lại, mỗi lần 1000$. Người hốt hụi sau cùng sẽ lấy lại 9000$ đã đóng 9 lần trước. Đó cho 1 hình thức vay và cho vay không lâ’y lời . Dĩ nhiên là trong thực tế điều lý tưởng này không thực hiện được, vì những người hốt đầu sẽ được lợi (thí dụ mang đi làm ăn hoặc bỏ nhà băng lấy lời) hơn những người hốt sau . Đó là chưa kể khả năng là sau khi hốt cố tình hay vì hoàn cảnh mà không trả được thì những người sau sẽ mất mát vì bị "giật hụi".

Để giải quyết khâu kẹt này một người có sự tín nhiệm của tất cả sẽ đứng ra làm chủ hụi và phải chịu trách nhiệm với những người khác khi xảy ra trường hợp "giật hụi", để bù lại cho trách nhiệm này người chủ hụi sẽ được hốt đầu tiên nguyên vẹn 9.000$. Bắt đầu từ lần thứ hai, trong cuộc họp sẽ bỏ phiếu kín xem ai chịu hốt thấp nhất, thí dụ 950 thay vì 1000, nghĩa là lần đó người hốt chỉ được 1000 của người hốt đầu cộng với 8x950 mà phải trả 9x1000.

Lần thứ ba giá bỏ lại khác chẳng hạn 920, người hốt sẽ thu được 2x1000 cộng với 7x920. Ai đã hốt thì trong những lần sau phải đóng nguyên 1000$ bất chấp người hốt bỏ bao nhiêu, điều đó có nghĩa ai mà không cần tiền sẽ hốt chót và đã đóng 1x1000$ cho chủ hụi và 8x ít hơn 1000$ để cuôí cùng lâu được 9000$.

Theo đúng nguyên tắc này thì chơi hụi là công bình và không ép buộc ai phải thiệt thòi cả, nhưng trong đời sống lại có nhiều khó khăn khác nên người cần tiền muốn hốt phải chịu bỏ rất thấp để được, gây ra thiệt thòi do chính mình đặt ra .
Thông thường người có tiền hốt lần cuôí cùng được lời rất cao .

Có lần một quan tòa Tây xử một vụ giật hụi trong thời Pháp thuộc đã điên đầu lên khi nghe thông ngôn giải thích luật chơi hụi như trên.

Hình thức chơi hụi rất phổ biến trong dân chúng nhất là trong giới tiểu thương chợ Bến Thành. Với uy tín tạo được sau bao nhiêu năm lăn lóc, bà con trong chợ rất thích Mạc Vấn làm chủ hụi . Có cả trăm người, mỗi ngày đều có người đóng và hốt hụi ngày thành ra Vấn phải lập sổ cẩn thận và có một máy tính nhỏ để tính tiền. Mỗi ngày Vấn ra chợ vào trong "văn phòng tín dụng" của mình ở đường Nguyễn An Ninh bên hông chợ để thu và phát tiền như một ngân hàng không chính thức. Dĩ nhiên là anh cũng bị mất nhiều qua giật hụi và phải bảo đảm cho người góp. Cứ như vậy cả mâ’y chục bát hụi ngày phải quản lý, cách làm cho tiền sinh sản của Vấn nằm trên chổ khéo hốt đầu nhiều nơi, theo ưu tiên dành cho người chủ hụi để đóng lại những bát hụi khác chờ đến cuôí mới hốt.

Phương diện làm ăn thứ hai của Mạc Vấn là hùn vốn đầu tư hay nôm na là cho mượn tiền làm ăn. Những người chạy hàng cần vốn xoay nhanh trong vài ngày đến tìm Vấn để mượn tiền, bao giờ Vấn cũng nghe qua coi việc làm đó có thực tế hay không mới chung vốn, còn những việc đánh hàng lậu phiêu lưu thì anh tuyệt không dính vào .

Hồ Mạc Vấn được bà con trong chợ tín nhiệm và nể trọng vì khi họ có khó khăn đều được anh giúp đỡ. Nếu mượn tiền để sinh sống trong những lúc ngặt nghèo thì Vấn không lâ’y lời . Ngay cả những trường hợp những người giật hụi nếu Vấn thấy vì hoàn cảnh chứ không gian ý, anh cho người gọi đến cấp vốn để họ gầy dựng lại . Chủ trương của anh là những người đó sau khi khôi phục lại sẽ trả lại, còn hơn để họ vì tránh nợ mà trốn không dám ra chợ làm ăn thì anh cũng mất tiền hẳn.

Trong khung cảnh chợ búa dĩ nhiên Vấn đã phải đương đầu với các tay anh chị trấn thủ ở đó. Với võ nghệ và tầm học vấn hiểu biết cao so với giới giang hồ và quan niệm xử thế theo đạo nghĩa Lương Sơn Bạc nên không những Vấn giải quyết được chuyện của mình mà còn đứng ra che chở không cho du đãng bắt nạt bà con buôn bán. Ngoài ra anh còn là một khâu nối giữa bà con và Ban Quản Lý chợ cũng như Công An Phường. Tóm lại ra chợ Bến Thành mà hỏi anh Tư Vấn thì ai cũng biết.

Đôi lúc Vấn cũng cảm khái vì cánh chim bằng lướt gió của ngày xưa trên phản lực xé trời, mang bao mộng lớn mà bây giờ thành ra như vậy. Trong một lúc cảm khái Vấn làm bài thơ con cóc về mình như sau

Cánh bằng lướt gió của ngày xưa
Nhị đẳng huyền đai chớ chẳng vừa
Giờ ngày vài tiếng vòng quang chợ
Tín dụng giang hồ biết tiếng chưa ?


Nhưng cuộc đời đẩy đưa như thế quả thật không ai biết được, thế vẫn còn hơn những năm trước ăn bo bo đến táo bón. Nhưng chắc chắn một điều Vấn sẽ không bao giờ cho con mình làm nghề này mặc dù kiếm ăn tốt, chúng nó phải học hết Đại Học, nếu có đủ khả năng và nhà nước cho đi, Vấn sẽ cho chúng đi du học ngoại quốc.

Một bóng áo dài thoáng qua làm Mạc Vấn suýt nữa buột miệng gọi Đông Phố, nhìn lại mới biết là mình lầm, vả lại Đông Phố đã vượt biên rồi còn đâu. Vấn lắc đầu xua đuổi bóng hình Đông Phố như không muốn có lỗi với bạn mình. Vấn cũng đã một thời lao đao với người con gái đó.
…..
Tiếng ồn ào của xe cộ nhất là xe xích lô máy vang lên từ 5,6 giờ sáng làm Tâm tỉnh dậy, hôm qua đến nơi sau một chuyến máy bay dài, chưa kịp ăn gì đã ngủ thiếp nên bây giờ Tâm thấy bụng cồn cào . Chàng tắm nhanh cho thật tỉnh rồi xuống dưới quầy tiếp khách lấy lại Passport của mình, Tâm lật trang 9 ra để thấy một điểm nhỏ xíu màu xanh đậm mà trước đây không có, Tâm biết Passport của mình đã bị photocopy vì chính chàng chấm lên đó một chấm bằng hóa chất chỉ đổi màu khi gặp ánh sáng của máy photocopy, Tâm cười mỉm bỏ passport vào túi, đi ra ngoài chợ Tân Định kiếm hàng phở.

Chợ Tân Định nổi tiếng về hoa quả tươi còn hơn chợ Bến thành, mới sáng sớm đã nhộn nhịp hàng về, từng thúng, từng cần xế mảng cầu, xoài, ổi, dưà xiêm đang được rỡ xuống. Các cô bán hàng thấy Tâm mời chào rối rít

- "Anh Dziệt Kiều kia ơi, lại mua dùm em mở hàng đi mờ anh!"
hay là
- "Anh nè, mua đâu cũng dzậy, mua đây cám ơn nè"

Tâm cười trả lời:
- "Dziệt Kiều hồi nào đâu, Dzịt Cừu thì có!"
- "Thôi anh đừng giả dạng thường dân đó nghen, nước da tră‘ng như vậy á, còn thêm tướng đi bộ lẹ như người ta chạy còn dấu chỗ nào".

Cô khác họa vào
- "Trời, hỏng phải chém tui đi, đàn ông Dziệt nam ai mờ ra chợ sớm dzậy nếu hỏng phải là phu xếp hàng hay Dziệt kiều, mờ anh mà xếp hàng nổi gì, tướng thầy giáo thâ’y giàu wá mờ"

Cả khu trái cây cười rộ lên làm Tâm cũng vui nhưng lại cảm thâ'y mình còn hớ hênh quá, Tâm mua một chục xoài hòn nghĩ bụng nếu còn đứng lại chắc phải mua hết chợ vì mấy cô mời chào lôi kéo . Tâm thầm nhủ phải sửa cái lôí đi nhanh quen tốc độ bên Âu châu đi, còn lần sau chă‘c phải đi tắm nắng ở studio trước khi về cho đen bớt.

Đến một hàng phở xe bốc mùi thơm ngào ngạt, Tâm kéo ghế ngồi cạnh mâ’y người khác, trên xe treo lủng lẳng vài bó hành lá, vài túm ớt đỏ tươi và miếng thịt chín. Tâm gọi một tô tái nạm vè và nói

- "Cô làm ơn đừng cho bột ngọt nghen"

ánh mắt nhìn của cô hàng làm Tâm lại thấy là m'nh tiếp tục lộ tẩy Việt kiều, người trong nước ăn quen cái kiểu cho thêm cả thìa bột ngọt vào tô phở trước khi tưới nước lèo mặc dù trong thùng nước lèo chắc cũng đã nửa ký bột ngọt trong đó rồi . Mặc dù vậy nhưng nếu Tâm ăn nhiều bột ngọt theo kiểu Saigon là chỉ một lát sau cổ họng cứng đi, thành ra thôi kệ chứ làm sao bây giờ.

Bát phở nóng bỏng đưa đến bàn Tâm làm chàng bắt gặp mình bất giác bị phản xạ Pavlov tiết nước bọt ra . Tâm bỏ ớt, nêm chút nước nắm và vắt một múi chanh vào rồi múc nhẹ một thìa nước húp thử. Cái ngon ở phở cốt là nước dùng chứ bánh hay thịt thì đại khái nơi nào cũng vậy . Cô bán hàng chăm chú nhìn Tâm ăn tỏ vẻ bằng lòng khi thấy Tâm gật đầu và ăn ngon lành. Tô phở nấu khéo, nước trong, thịt thái mỏng vưà và miếng vè sật sật trong vị mềm của bánh làm hài hòa khẩu vị. Ăn xong Tâm chưa kịp gọi tính tiền thì đã thấy 1 em bé mang khăn lau trên một dĩa ra . Dĩ nhiên là Tâm trả thêm tiền khăn.



Về lại khách sạn để cất xoài xong Tâm thả bộ theo đường Hai bà Trưng, chàng vẫn còn thói quen gọi tên của các con đường trước 75 , đây lại là một điểm nhận ra người nước ngoài khi kêu taxi, xích lô mà nói tên đường cũ. Đã tơí giờ đường phố nghẹt xe vì dân chúng đi làm đi học, Xe cộ từ Trần Quang Khải, Yên Đổ (tên mới Ly’ chính Thă‘ng), đổ vào đường Hai Bà Trưng như thác, Tâm gọi một chiếc xích lô vào trung tâm thành phố.

Chiếc xe chạy ngang Nghĩa trang Mạc đỉnh Chi mà đã bị giải tỏa để xây thành công viên, buổi sáng dân chúng vào đây tập thể thao, các người đứng tuổi thì tập Thái Cực Quyền. Tâm bùi ngùi thương tiếc một nơi giá trị lịch sử và kiến trúc, ngày xưa Tâm thường hay vào dạo mát, không khí yên lành, nghiêm trang với những con dường bóng mát hàng câỵ Nghĩa trang với những ngôi mộ từ cả trăm năm ghi lại nhiều nét kiến trúc cổ, những ngôi mộ bằng đá cẩm thạch mát lạnh. Ở Paris nghĩa trang Père Lachaise cổ xưa như thế được gìn giữ cẩn thận thành một điểm thu hút du khách.
Chiếc xe xích lô rẽ vào đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch) chạy ngang Công Trường Quốc Tế mà dân Saigon gọi là Công Trường Con Rùa, lại một con đường kỷ niệm với những xe nước dừa, xe bò bía . Tâm xua đuổi những cảm khái ngậm ngùi đi để tập trung suy nghĩ về cách thực hiện kế hoạch của mình.




NGÔI NHÀ CŨ Phần 5


Trần Diên đếm số tiền thu được từ sáng đến chiều vừa hài lòng vừa bất mãn, hài lòng vì hôm nay thứ bảy khá hơn mọi ngày nhưng cái quán vợ chồng hắn đang làm ăn tốt như thế này mà sắp bị nhà nước thâu lại để lấy đất xây hotel. Nhìn ngôi biệt thự mà hắn tiếc rẻ vô cùng. Sau 75 hắn nhanh chân tiếp thu được cái nhà này của một gia đình di tản. Với cấp bậc trung úy lúc đó dĩ nhiên hắn không thể nào chiếm một mình trong căn biệt thự được.
Nhờ công hắn khám phá ra đầu tiên là chủ nhà đã di tản chỉ còn một một vú già ở lại trông nom. Người vú già lại có họ hàng với vợ trước của hắn nên hắn biết được tình trạng đó, thế là cấp trên đồng y’ để cho hắn ở phân nửa phía ngoài từng chệt, phần còn lại và từng trên chia làm 2 hộ cho cấp tá ở.
Diên vẫn khen mụ vợ khôn ngoan đã chọn phần này để làm quán cà phê, bia, nhất là từ thời đổi mới, nhạc vàng không bị cấm triệt để như trước và dân chúng có tiền lai rai nên quán hắn rất chạy . Người vú già bị đẩy ra ở căn phòng nhỏ trước đây là garage bên cạnh và cách đây vài năm hắn dụ dỗ và hăm dọa đễ cuối cùng vú già thế cô sức yếu phải cầm món tiền nhỏ hắn đưa mà làm giấy nhường luôn quyền sử dụng căn phòng đó cho hắn rồi đi thuê một căn phòng chỉ đủ để một ghế bố mà sống. Thế là hắn biến nơi đó thành phòng ngủ của vợ chồng hắn để mở rộng diện tích quán.

Cuộc đời đang tiến triển khả quan như thế thì có lệnh giải tỏa nhà vì Bộ Tư Lệnh Quân Khu dự định kinh tài khách sạn. Biệt thư này tuy xinh xắn, nhỏ nhắn nhưng lại có khu vườn khá rộng, trong thời buổi đất Saigon gần 5 chỉ một thước vuông và viễn tượng nhu cầu khách sạn theo sức đầu tư ngoại quốc đang cần thỏa đáng thì ngôi nhà này đúng là một mỏ vàng nên Quân Khu đền bù cho các hộ, cấp đất để xây nhà ở ngoại ô, gần sân bay . Dĩ nhiên là các gia đình ở đây không muốn đi, nhưng cũng chỉ là dân chiếm ngự được Quân Khu cho ở từ 75, 76 nên không dám chống lại lệnh trên cao xuống, hơn nữa đất họ sắp được cấp sẽ chính thức là của họ theo như Quân Khu cho biết. Saigon đang bung ra, các khu ngoại ô bây giờ bắt đầu mở mang nên giá đất chắc chắn còn lên, hơn nữa có đất họ sẽ xây nhà mấy từng, thì diện tích ở sẽ hơn sáu, bẩy chục thước hiện tại . Đối với các hộ khác trong nhà thì họ suy nghĩ thế, chỉ còn hắn mất cái quán nên đau hơn, nhưng một mình thì hắn chẳng dám phản đối, muốn liên kết với họ thì bị kẹt qua những tranh chấp vì quán hắn gây ồn ào, đã là cái gai của họ từ lâu .

Diên vẫn tiếc rẻ lúc sau 75 hắn có cơ hội đổi qua ngành Công An vì lúc ấy bên đó thiếu người màhắn không qua vì nghĩ ở lại quân đội sẽ có cơ hội tiến nhanh hơn. Diên tưởng binh lính của "Ngụy Quân" sẽ còn kháng cự lâu vì thật ra nguyên miền Tây lực lượng miền Nam trong cuộc tổng tấn công tháng 3, tháng 4 1975 không hề bị hao hụt. Không ngờ lòng quân đã nản, đa số sĩ quan và binh lính miền Nam bỏ súng quy hàng nhanh chóng và theo lời nhà nước đi học tập cả. Đến năm 78 đánh qua Kampuchea thì hắn đã quen với đời sống Saigon nên tìm mọi cách mà trốn không phải đi Kampuchea. Vã lại Khmer đỏ không phải dễ nuốt, trước đây cùng một bên nên biết tẩy nhau lắm, hắn biết về những vụ tàn sát của tập đoàn Pol Pot nên cám ơn trời đã không để hắn phải qua đó.

Diên nghĩ thầm, nếu từ 75 đã đổi qua Công An thì ít nhất hắn cũng Trưởng Công An Phuờng nếu không nói là Quận. Hắn thấy Thành tự Thành Điếc bạn cùng cấp với hắn bây giờ Thiếu Tá Công An mà thèm, xây mấy nhà lầu cho Đài Loan, Triều Tiên thuê, mỗi tháng kiếm cả ngàn đô mà lại thế lực chứ Đại Úy quân đội thời bình như hắn chẳng có thớ gì cả.

Bảy Hiền, vợ Diên bước vào nhà, mặt mày hớn hở, Diên hỏi:
- Bữa nay trúng mánh hay sao mà bà tươi rói vậy ?
- Hôm nay mua được 600 đô đó ông, thiệt là hổng phải dễ, tụi đổi tiền bây giờ đầy đường đó.

Bảy Hiền ban ngày đóng đô ngoài Saigon khu Thương Xá Tam Đa, gặp ngoại quốc hay Việt Kiều thì gạ đổi tiền, giá của mụ cao hơn giá chính thức trong ngân hàng nhưng đô la mua được mang đi bán cho dân buôn lậu lời rất cao .

Vợ Diên vừa tính móc số đô la ra khoe chồng thì Diên đưa tay chặn lại và ra hiệu cho Hiền đừng nói tiếp. Một người khách từ cửa bước vào quán đưa mắt nhìn quanh rồi ngồi xuống một bàn gần cửa . Người khách này mới đến khoảng mấy ngày nay, mỗi lần đều ngồi ở cái bàn đó nhìn ra khu vườn với những cây hoa xứ, hoa ngọc lan thơm ngát. Anh ta đi một mình, uống cà phê nghe nhạc rồi về. Con mắt tinh tường của Diên nhận ra ngay người đàn ông này là Việt Kiều mặc dù quần áo anh không diêm dúa sang trọng, nhưng cái dáng đi nhanh, từng bước dứt khoát thẳng người không hai hàng hay kéo lê lè phè như người trong nước, cặp kính gọng thật mảnh, thật đẹp mà ở VN còn hiếm trên gương mặt trắng và đôi giầy thanh tú đã không qua khỏi nhận xét của Diên.

Diên nói nhỏ với vợ trong khi một cô chạy bàn ra chào khách, theo thông lệ sau khi hỏi khách uống gì cô đều hỏi thêm khách có thích có người tiếp chuyện không và cũng như mọi lần, anh ta lắc đầu từ chối . Cô Thúy vào trong gọi cà phê, nói nhỏ với mấy cô đợi khách bên trong:

- "Đứa nào hay dụ thử thằng cha đẹp trai đó tao coi, chả ngồi một mình mấy bữa rồi đó"
- "Thôi đi bà ơi, người ta hỏng kêu, làm sao ra ngồi dược, mặt như thầy giáo đó, chắc hỏng biết bia ôm đâu"
- "Chú Diên nói chắc chả Việt Kiều đó bây"
- "Đã há, Việt Kiều bo nặng à nghen"

Dần dần trời chập choạng về chiều, người khách gọi thêm một dĩa chả lụa và lon Heineken. Quán đã bắt đầu khá đông, bàn nào cũng ồn ào, tiếng cười nói, tiếng chửi thề ầm ỉ, các cô ngồi cạnh tha hồ mà rót bia cho khách, nhiều khi một lon bia chỉ rót một nửa hay hai phần ba rồi quăng xuống đất. Các tay nhậu thì ôm ấp, sờ soạng cho đáng tiền chi ra . Chợt vang lên tiếng đàn từ một cây guitar cũ rích, dây đàn đã rè, rồi một giọng hát cất lên

"Qua một rừng hoang, gió núi theo sang, giũ bụi đường trên vaị Thấy cây hoa dại, lẻ loi bên đường gọi hoa trinh nữ.
Hoa trinh nữ không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa ....."

Tâm, người khách trầm lặng đó là anh, ngẩng lên để thấy hai người đàn ông, mặc quần đùi nhưng áo lại là áo lính cũ của quân đội miền nam đã sờn rách, người mù đánh đàn guitar cho bạn mình hát trên chiếc nạng gỗ. Ngày xưa còn nhỏ Tâm có nghe chuyện người mù và người què dắt nhau đi ăn xin thì bây giờ anh thấy cảnh đó trước mắt, có điều hai người này hát dạo chứ không xin, nói cho cùng thì cũng là một hình thức xin nhưng họ cũng có cố gắng đàn hát để giữ thể diện. Tâm nghe bài nhạc của Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ quân đội cũ mà giật mình, nhưng chung quanh anh không ai để ý cả, Tâm nghĩ chắc bây giờ thoải mái chẳng ai bắt bớ vì nhạc "phản động" nữa .

Hai người hát xong ba bài thì ngưng để người què chống nạng đi từng bàn chìa mũ ra xin tiền. Có người cho tiền, có người lắc đầu hoặc gạt tay, người hát dạo vẫn bình thản không xin xỏ hay kỳ kèo hoặc đứng lì ở bàn nào cả. Đến bàn Tâm, Tâm bỏ vào mũ tờ giấy 5 ngàn. Người què nhìn Tâm nói cám ơn rồi bất chợt kẹp chặt cây nạng vào nách để cố đứng nghiêm, đưa tay làm động tác chào theo kiểu nhà binh:

- "Trời, thiếu tá, thiếu tá Khanh phải không?"
Tâm nhìn anh ta, lắc đầu
- "Anh lộn người rồi, tôi không phải thiếu tá Khanh nào hết"
Người hát dạo nhìn Tâm chăm chú rồi nói
- "Dạ xin lỗi, tại anh giống quá, tui ngày xưa là lính đệ tử của thiếu tá Khanh nên tưởng lầm đó"

Anh ta bước đi nhưng còn ngoái lại một lần để nhìn Tâm. Tâm hiểu tại sao anh ta tưởng lầm vì Tâm và anh Khanh rất giống nhau, anh Khanh lại có cái lạ dù trận mạc nắng mưa vẫn không sạm da, và đeo kính nhìn như giáo sư trung học. Cha rất thương anh Khanh là đứa con duy nhất còn kẹt lại VN. Anh Khanh còn bị giữ trong trại học tập cải tạo, hôm qua Tâm có đến thăm chị Khanh hỏi thăm thì chị thì thào cho biết có khả năng anh ấy được tha, nhưng họ đòi một số tiền quá cao so vói gia đình Tâm có thể giúp được. Tâm miên man suy nghĩ về anh mình, người anh mà Tâm rất quý mến, tốt nghiệp võ bị đến năm 29 tuổi đã Thiếu Tá, suốt đời trận mạc, lấy vợ không ở nhà được bao nhiêu, tội nghiệp chi Khanh bao năm thăm nuôi chồng khó nhọc.

Bên trong, Diên sau khi tình cờ nghe lóm được câu chuyện của người phế binh với Tâm, nhấc telephone gọi đi, mười phút sau một xe công an tạt vào trước cửa quán.






NGÔI NHÀ CŨ Phần 6

Tiếng ồn ào trong quán chợt ngưng khi hai người công an bước vào, đi đến bàn Tâm, một người nhìn vào quầy, Trần Diên kín đáo gật đầu ra hiệu, người công an hỏi Tâm:

- "Yêu cầu anh cho xem giấy tờ!"

Tâm giật mình nhưng trấn tỉnh lại móc Passport đưa cho viên công an xem, người này coi qua rồi nói:

- "Mời anh di theo chúng tôi về phường để trả lời vài câu hỏị"

- "Anh có thể cho tôi biết lý do tại sao không? Tôi nghĩ không làm điều trái với pháp luật cả. Tôi là công dân Pháp, nếu bắt giữ tôi thì phải cho tôi liên lạc với Lãnh Sự Pháp ở Saigon. Tôi đã đăng ký ở đó, nếu không thấy tôi liên lạc, Tòa Lãnh Sự Pháp sẽ tìm tôi".

Người công an nghe Tâm nói cứng bèn dịu giọng:

- "Không phải chúng tôi bắt giữ anh đâu, chỉ muốn hỏi vài câu mà thôi, anh cứ đi theo, không việc gì cả"

Tâm gọi người trả tiền, lên xe công an về quận, anh được đưa vào một phòng đợi một lúc lâụ Tâm hoang mang không biết tại sao bị công an để ý từ lúc đến. Chợt một sĩ quan công an mang cấp bậc Đại Úy bước vào trên tay cầm passport của Tâm. Ông ta ngồi xuống trước mặt Tâm và nói:

- "Ông là Nguyễn Đắc Tâm, Việt Kiều quốc tịch Pháp?"
- "Vâng"
- "Ông về lần này với mục đích gì?"
- "Tôi về thăm lại quê hương và thân nhân, điều này tôi có khai trong tờ khai nhập cảnh rồị"
- "Ông là em của Nguyễn Đắc Khanh, thiếu tá ngụy ngày trước."
- "Vâng, anh tôi hiện đang học tập cải tạo, ông có thể cho tôi biết lý do tại sao lại mời tôi đến đây không, khi các điều ông hỏi đều không có gì mới với các ông cả"
- "Xin ông cảm phiền, đây là một sự hiểu lầm, bây giờ ông có thể đi được rồi" .

Tâm cầm lại passport, lòng bất mãn vì lời giải thích quanh co của người sĩ quan công an, nhưng anh không nói gì thêm, chào, ra khỏi trụ sở công an quận, kêu một chiếc Taxi về hotel. Dọc đường Tâm nghĩ chắc việc này có liên quan đến anh Khanh đây, ngày mai phải đến chị Khanh hỏi thăm.

Sáng hôm sau mới tám giờ Tâm vừa đánh răng rửa mặt thì quầy tiếp tân gọi điện thoại báo là anh có khách. Hotel ở VN không cho khách lên phòng mà bắt phải tiếp ở phòng khách chung, Tâm xuống nhà thì thấy chị Minh, vợ anh Khanh đang ngồi đợi vẻ mặt lo âụ. Thấy Tâm chị nói:

- "Chú Tâm, anh Khanh ...."

Tâm cắt ngang không để chị nói hết câu:

- "À chị Minh, chị đến đúng lúc quá, em mời chị ra ngoài ăn sáng nhé rồi nói chuyện saụ"

Chị Minh hiểu ý đi theo Tâm ra ngoài, Tâm chở chị trên chiếc Cub 79 của chị đến một quán bán bánh tôm Hồ Tây, ở đó có những bàn bày ngoài vườn khá xa nhau. Tâm gọi hai dĩa bánh tôm mặc dù chị Minh nói không đói .

- "Chị cứ dùng thử đi, bánh tôm tiệm này của người Hà Nội làm đấy, không thua ngoài ấy đâu!"
- "Chị chả lòng dạ nào mà ăn cậu ạ - Chị Minh nói nhỏ - anh Khanh trốn khỏi trại rồi, cho người nhắn tin cho chị đấỵ Bây giờ không biết phải làm sao?"

Tâm chợt hiểu tại sao hôm qua người ta hỏi anh về anh Khanh, theo hồ sơ lý lịch thì anh không còn người thân nào cả trừ vợ và Tâm, có thể công an cho rằng Tâm có dính líu đến việc này chăng. Tâm đổi ý gọi nhà hàng gói bánh để mang theo rồi chở chị về nhà.

- "Thế thì gay lắm đấy chị, sao anh ấy không đợi hết hạn được thả ra rồi xin đi HO có an toàn hơn không?"
- "Tính anh ấy quật cường không chịu khuất phục, đã trốn hai lần bị bắt lại nên ngày thả chắc còn lâu lắm, qua ký hiệu anh gửi cho chị thì có tổ chức đưa người đi nhưng cần 100 cây vàng cho hai người thì chị lấy đâu ra."

Tâm trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói:

- "Chị để em coi có cách nào không nhé, có lẽ em sẽ không lại nhà chị trong ít lâu vì thế nào công an cũng canh chừng xem anh ấy có về đây hay liên lạc với chị không. Em đưa chị số điện thoại của người bạn, khi nào chị cần gặp em cứ gọi, chi học thuộc số này đi nhé, đừng viết vào giấy làm gì. "

Tâm đưa chị Minh một số điện thoại, chỉ luôn cho chị cách nhớ thuộc lòng rồi từ giã ra về. Tâm rất nóng ruột vì đã một tuần trôi qua mà dự tính của mình chưa thấy một tiến triển gì lại có biến chuyển này càng bắt buộc kế hoạch phải thi hành nhanh chóng, tạm thời Tâm chưa thấy cách giải quyết nào cả.

Chợt nhớ đến vú già trung thành ngày xưa, Tâm gọi xe tìm đến địa chỉ mới mà vú nhờ người báo qua cho gia đình Tâm. Số nhà có mấy cái "suyệt" nên taxi chỉ đưa Tâm đến đường ngoàị Qua bao nhiêu ngõ ngách, Tâm mới tìm đến căn nhà, một căn chòi gỗ ọp ẹp, người chủ nhà ngạc nhiên khi thấy một người dáng dấp trí thức mà đứng ngơ ngác ở trước nhà mình, trong khu lao động nghèo khổ này nên bước ra hỏi, khi biết Tâm tìm bà vú họ tò mò hỏi thêm về quan hệ của Tâm với bà già không thân thích, Tâm phải giải thích vú già ngày xưa ở với gia đình Tâm và đã một thời chăm sóc mình. Người chủ nhà mời vào phòng vú già chờ.

Trong phòng có vỏn vẹn một ghế bố và một bàn con cùng một chiếc ghế mây ọp ẹp. Tâm nhìn mà ứa nước mắt. Khi gia đình Tâm di tản đã sắp xếp cho vú già ở lại tử tế, để tiền và mấy cây vàng để vú sinh sống, nào ngờ vú bị đuổi khỏi căn nhà đã sống 30 năm như một người thân trong gia đình để phải nương thân trong xó xỉnh nghèo khổ nàỵ

- "Giờ này bả sắp về đó cậụ"
- "Vú đi chợ hả dì ?"
- "Hỏng có, bả đi bán vé số đó cậu, già quá rồi mà hỏng có con cháu gì nên phải đi bán từ sáng đến tối ngoài đường" .

Ngoài cửa một bà già khoảng 65 mà đã lọm cọm, bước vào, bà chủ nhà nói hớt:

- "Má Bảy hôm nay có người tới thăm kìa"

Tâm đứng dậy bước ra cầm tay vú nói:

- "Vú, nhớ con không, con là Tâm nè "
- "Trời cậu Tâm, cậu Tâm đó hả"

Bà vú già xúc động bật khóc mùi mẫn, bà chủ nhà cũng sụt sịt theo mà nhất định không chịu ra, cứ đứng cửa dòm vàọ Tâm chờ vú già bớt khóc rồi hỏi chuyện. Vú vừa kể chuyện bị vợ chồng Trần Diên hăm dọa buộc phải dọn ra như thế nào, vừa sụt xùi hỏi thăm cha mẹ Tâm. Chợt vú nhớ ra, bật nói
- "Nè Tâm nè, cái nhà của ông bà, họ sắp giật xập để làm khách sạn đó, vú nghe nói qua Tết là bắt đầụ"

Tâm nghe mà choáng váng, vừa vụ anh Khanh trốn khỏi trại học tập nay lại nghe tin này, vậy là kế hoạch của Tâm không thể trì hoãn được nữa, hôm nay đã là 25 Tết và Tâm chỉ còn hai tuần ở Việt Nam thôi . Sau một lúc hàn huyên với vú Tâm đưa cho vú một ít tiền, không dám đưa nhiều sợ nguy hiểm cho vú, già yếu mà ai biết có tiền nhiều thì không tốt. Tâm cũng gọi chủ nhà trả thêm một năm tiền nhà và dặn coi chừng vú giùm.

Từ biệt người vú già trung tín Tâm vẫn băn khoăn với tình trạng sinh sống của vú, chàng chép miệng thở dài "Để từ từ tính từng chuyện, giải từng khâu mới được", Tâm nghĩ.

Saigon vào những ngày cuối năm thật là nhộn nhịp, nhất là khu chợ hoa đã họp mấy ngày hôm nay, Tâm thả bộ giữa những hàng mai vàng hơi chớm nụ, lác đác vài cây hoa đào chắc chở từ bắc vào, thược dược, cúc muôn màu muôn vẻ đua nhau khoe sắc dưới bầu trời xanh ngắt. Năm nay đặc biệt theo Tâm thấy là quất rất nhiều, các chậu thật to, có chậu phải đến cả 500 trái nhìn thật là thích mắt. Các cô thiếu nữ Saigon tha thướt trong áo dài làm Tâm nhớ câu "Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" màcảm thấy lòng trẻ lại với kỷ niệm năm xưa, đi chợ hoa với người yêu trong taỵ Mối tình học trò đầu đời và dang dở vẫn còn khắc vào tim anh những tình cảm yêu thương lẫn xót xa vô tận.

Rời chợ hoa Tâm di bộ về phía chợ Bến Thành ngă‘m các quầy hàng bán Tết, bánh mứt, lạp xưởng được bày đầy đường, ở đâu cũng thấy một màu đỏ của bao tiền lì xì, hộp bánh mú*t, bao bì lạp xưởng. Bao lâu rồi Tâm mới lại ăn Tết quê nhà nhưng lần này trong hoàn cảnh phức tạp và một thân một mình nên trong cái vui đón Tết lại có cái ngậm ngùi của một con người cô độc. Mãi lo ngắm cửa hàng Tâm suýt đâm sầm vào một người phía trước, Tâm giữ lấy cánh tay người ấy cho khỏi va chạm nhau, vừa thốt lời xin lỗi thì nghe tiếng thảng thốt:

- "Tâm, trời phải Tâm không?"

Tâm nhìn khuôn mặt đối diện, trong một thoáng hàng trăm hình ảnh bất chợt chạy qua đầu óc như một cuốn phim quay nhanh.

- "Ồ kìa, Vấn, Vấn đó sao ?, phải tao đây!, Tâm đây"




NGÔI NHÀ CŨ Phần 7

Như Ý gói bộ áo đầm vào giỏ rồi lái Honda đến vũ trường Olympic, cái nghề đưa chân trên sàn nhảy này nàng mới làm có một năm mà đã chán ngấy mặc dù Như Ý là ngôi sao của Olympic, lúc nào cũng có người đặt trước và tiền bo rất hậu hỉ. Ở đó nàng lấy tên là Kiều Lan, đã nhiều lần Như Ý muốn bỏ quách cái nghề này cho xong, nhưng lại không biết làm gì để kiếm sống và nuôi mẹ già. Nàng chỉ còn tự an ủi là còn hơn phải đi bán bia ôm, ít ra người đi nhảy cũng đàng hoàng hơn các tay nhậu ở các quán bia ôm đầy đường. Dĩ nhiên là Như Ý cũng gặp người sàm sỡ, mỗi lần như vậy Như Ý đều bỏ ngang giữa bài nhảy chưa hết để mặc gã khách đứng tiu nghỉu như mèo mắc mưa, người quản lý vũ trường cũng là người có học nên không bắt ép các cô phải chịu sự nham nhở hôn hít sờ soạng của khách nhảy .

Thời đại làm ăn đổi mới nên các tay Giám Đốc xí nghiệp nhà nước làm giàu nhanh chóng cũng tập tễnh ăn chơi, có đêm thì đi nhậu, có đêm thì vào vũ trường múa maỵ Các vị Giám Đốc này vốn là cán bộ công thần, được nhà nước đãi ngộ đưa lên các chức cao mà học thức của các vị nhiều khi chỉ cấp một, dù bỏ bao nhiêu tiền cũng không lột được cái vỏ thất học làm Như Ý nhiều lúc buồn nôn khi nghe họ tán phét.

Như Ý ngồi vào bàn gương, nàng đã 27 tuổi mà trông vẫn còn trẻ đẹp hơn các bạn cùng làm nhỏ tuổị Nàng ngắm mình trong gương tự nhiên lại lơ đãng nghĩ ngợi về cuộc gặp gỡ ngày hôm qua mà quên cả trang điểm .

......
Chiều hôm qua trên đường đi làm chiếc Honda của Như Ý bỗng nhiên hục hặc vài tiếng rồi dần dần tắt lịm, sẵn còn trớn xe, Như Ý lái vào lề thắng lại rồi bấm mãi cái motor starter, lần nào máy xe cũng chỉ kêu xành xạch vài tiếng mà không nổ được. Như Ý rất bối rối và lo âu, điệu này đi làm trễ là chắc rồi, tối nay lại có khách quen lớn của quản lý vũ trường, ông ta đã dặn dò Như Ý là phải đến đúng giờ, hơn nữa xe nàng bị hỏng ngay một khu có tiếng là không an ninh mà bây giờ đang chập choạng tối, không thể chờ được Như Ý xuống xe đẩy đi, cố ra đến con đường lớn trước mặt sáng sủa hơn. Như Ý đẩy được khoảng 100 thước thì đã mỏi lắm rồi vì vóc dáng nàng mảnh mai, mồ hôi đã ra lấm tấm, dán một vài sợi tóc vào trán nàng, nhưng Như Ý không dám ngừng bước vì nàng đã thấy có hai tên mặt mũi rất cô hồn ngồi xe gắn máy màu xanh lượn qua lượn lại 2 lần, trống ngực Như Ý đánh thình thình và chân đã thấy run run, một người đàn ông đi bộ ngược chiều từ nãy đã thấy nàng đẩy xe, khi đi ngang qua Như Ý, nhìn thấy gương mặt mệt mỏi của nàng, đi quay lại và hỏi

- "Xe cô hỏng làm sao thế, tôi có thể giúp được gì không?"

Như Ý ngẩng lên, nàng đã nghe những chuyện giật xe ở Saigon nên rất sợ, lắc đầu định từ chối nhưng chợt nhìn thấy chiếc xe chở hai tên lúc nãy lại vòng trở lại, hơn nữa giọng nói dịu dàng của người đàn ông cùng với trang phục lịch sự, sơ mi trắng quần đen và đi giầy sáng bóng cùng với gọng kính trên gương mặt làm nàng bớt nghi ngờ, Như Ý nghĩ thầm chắc người này dù sao cũng tử tế hơn hai tên đang rình rập, có ông ta bên cạnh thì cũng đỡ lo, Như Ý dừng chân, nói

- "Tôi cũng không biết, nhờ ông coi hộ, nhưng ở đây đường tối tôi hơi sợ"

Người đàn ông hiểu ý Như Ý gật đầu nói:

- "Tôi hiểu, xin cô cứ yên tâm, cô trông mệt rồi đó, bây giờ cho tôi đẩy phụ cô đến quãng đường lớn đằng kia nhé, rồi tôi sẽ xem xe sau" .

Như Ý ngập ngừng chưa buông xe ra, người đàn ông mỉm cười thò tay rút chìa khóa xe đưa cho Như Ý và nói:

- "Xe đẩy thì không cần chìa khóa đâu, cô cầm lấy không lỡ rơi ra ngoài, cô có muốn lấy giỏ ra không?"
- "Không, cám ơn ông, trong đó chẳng có gì, chỉ bộ quần áo"

Hai người đi song song với nhau, thỉnh thoảng Như Ý vì mệt lại chậm hơn một bước cũng là để quan sát người đó, nàng nghĩ có thể người này là người đàng hoàng qua cách ăn mặc và lời nói lịch sự dịu dàng, nàng mong cho sự đoán người của mình đừng sai vì Saigon dạo này lộn xộn cướp giật khá nhiềụ

Người đàn ông mỗi lần quay qua không thấy Như Ý ngang tầm mình lại dừng lại quay đầu mỉm cười với Như Ý làm nàng bối rốị Cuộc sống tranh giành ở Saigon làm cho người ta hầu như quên mất nụ cười thân thiện với người lạ. Trong giòng thác xe và giòng người trên đường phố ít thấy những nét mặt vui tươi mà phần đông đều căng thẳng nếu đi một mình. Còn tụ lại thành đám đàn ông con trai thì cười hô hố và văng tục với nhau inh ỏi, cái mỉm cười thân thiện rất là khan hiếm.

Hai người quẹo qua con đường lớn, dừng trước một cột đèn, con đường họ vừa đi qua cũng có những cột đèn nhưng vì là khu làm ăn của bọn côn đồ du đảng cùng chỗ gái giang hồ chờ tối đến ra đón khách nên nhà nước thay ngọn đèn nào là chúng lấy ná hoặc súng bắn hơi bắn nát cả, thành ra luôn luôn tối tăm.

Ra đến chỗ sáng Như Ý cũng yên tâm phần nào, lúc này nàng mới thấy mặt người đàn ông rõ hơn, một gương mặt thật sáng mang nét trí thức khoảng 40 trông thật có thiện cảm, người đó cũng nhìn nàng một thoáng, cái nhìn quan sát nhận định và thẳng vào mắt nàng, Cái nhìn không sàm sỡ nhưng cũng hiện lên nét khen ngợi làm Như Ý chợt thoáng mắc cỡ, một nét hồng nhạt hiện qua trên má.

Như Ý chợt thấy mình rụt rè hẳn đi, trái với cô Kiều Lan chẳng lạ gì với những ánh mắt chiêm ngưỡng mình, nhất là trong ánh đèn màu sân nhảy, nàng càng lộng lẫy hơn với cách make-up làm cặp mắt đã to càng đặc sắc thêm cộng với màu son khéo chọn. Giống như mọi đồng nghiệp Như Ý cố tình trang điểm thật rực rỡ để khác đi phần nào gương mặt thật của mình, trong đời sống hằng ngày nàng không hề có tí phấn son nào, cách trang điểm như vậy chỉ coi được trong ánh đèn mờ ảo sàn gỗ, tô mắt thật xanh, mascara thật đậm và son đỏ thắm. Dĩ nhiên nàng cũng hy vọng khách nhảy có gặp ngoài đường sẽ không nhận ra.

Người đàn ông nói:

- "Cô đưa chìa khóa tôi đạp xe thử nhé"

Như Ý đưa chìa khóa cho người lạ, nửa mong xe nổ máy, nửa lại sợ người ta chạy luôn, quả thật cuộc sống ở thành phố làm con người lo sợ nghi ngờ đủ chuyện. Thấy người đàn ông đạp máy hai lần không nổ, Như Ý vội chỉ vả một nút ở tay lái:

- "Ông bấm thử starter xem saọ"
- "Ồ xe bây giờ có starter rồi à, ngày xưa tôi cũng chạy Honda mà đâu có đâu, hóa ra tôi lạc hậu rồi".
- "Ngày xưa là lúc nào, thưa ông?"
- "Chắc cũng hơn 15 năm cô ạ."
- "15 năm rồi ông chưa đi xe Honda lại à ?"
- "Vâng"

Bấm mấy lần mà máy xe cũng không nổ mà bình điện còn yếu đi, người đàn ông ngồi xuống quan sát bộ máy, chợt anh hỏi:

- "Cái khóa xăng nằm vị trí này là reserve chưa cổ"
- "Chết, ông nói mới nhớ, tôi đã đi reserve cả ngày nay, vậy chắc là hết xăng rồi, mà trạm xăng còn xa lắm"
- "Không sao, tôi còn một mẹo mà này xưa vẫn dùng trong trường hợp nàỵ"
Người đàn ông lật úp chiếc xe, hai bánh chổng lên trời, lắc lắc vài lần, vừa giải thích:
- "Còn một ít xăng sót lại trong bình mà để đứng thì không vào ống được"

Quả nhiên sau đó chiếc xe nổ máy lại, Như Ý chưa kịp cảm ơn đã nghe anh nói:

- "Thôi, cô đi đổ xăng ngay đi, chỉ chạy khoảng 1 cây số thôi đấỵ "
- "Cảm ơn ông nhiều"
- "Cô đi mau đi!"
.....
Như Ý còn thần người suy nghĩ thì Kim Loan, nhỏ bạn nhéo nhẹ vào tay

- "Làm gì mà ngồi nãy giờ vậy, đẹp rồi, ngắm mãi!"

Như Ý chợt hoàn hồn, lại lấy son phấn ra đắp lên mặt mình một mặt nạ để lại qua một tối đưa chân trong tiếng nhạc dập dìu . Từ sàn nhảy ngoài kia vọng vào lời ca day dứt:

"Ai nói yêu em đêm nay, ai nói yêu em đêm mai, ai nói yêu em sau này
...
Rồi từng đêm, từng đêm, qua biết tay bao ngườị Một lần son nhạt môi, cay đắng thêm trong đời
....
"




NGÔI NHÀ CŨ Phần 8

Tâm và Vấn bắt tay nhau thật chặt, thật lâu, bốn mắt nhìn không chớp để chắc rằng người bạn năm xưa là đâỵ Bao nhiêu kỷ niệm vùn vụt qua đầu óc hai người một cách vô thức. Riêng phần Tâm bao nhiêu năm sống nước ngoài vẫn không có những người bạn như thời trung học, một phần cũng vì tâm hồn Tâm không thích hợp với đời sống vật chất Tây Phương, gặp lại Vấn Tâm bồi hồi vô cùng. Vấn nói:

- "Vào đây Tâm, vào đây nói chuyện. Trời gặp lại mày tao mừng quá đi" .

Tâm theo Hồ Mạc Vấn vào trong một căn nhà nhỏ đường Nguyễn An Ninh bên hông chợ Bến Thành, căn phòng dùng làm "văn phòng tín dụng" của Vấn trang bị thật đơn giản, chỉ có một cái bàn và vài chiếc ghế. Vấn mời Tâm ngồi, gọi cà phê:

- "Mày ngồi chơi, uống cà phê một chút nhé. Cho tao xin lỗi phải giải quyết công chuyện hằng ngày khoảng 2 tiếng rồi mình đi ăn trưạ"
- "Vấn cứ tự nhiên đi".

Trong vòng hai tiếng không biết bao nhiêu người lần lượt đến nơi Vấn ngồi, người thì đóng tiền, người lấy tiền mang đi . Đa số là những người buôn bán trong chợ, nên tiền họ giao phần lớn cũ rách, hay còn mùi tôm cá. Còn tiền Vấn giao cho những người đến lấy thì đã chuẩn bị từ ngày hôm trước hàng cọc, giấy phẳng phiu, cột giây thun cẩn thận từng nửa triệu một. Vào lúc đó một triệu VN khoảng 140 USD, Tâm nhìn hoạt động của Vấn mà ngạc nhiên nhưng không hỏi, Vấn thỉnh thoảng khi vắng người lại hỏi thăm Tâm về đời sống, sức khỏe và gia đình Tâm mà Vấn đã quen biết từ khi chưa di tản. Đến quá trưa, đã ngớt người đến, Vấn đưa những tờ giấy bạc cũ, rách hay ướt bẩn đã để riêng cho một người đàn bà người bé choắt đến sau cùng để 10 phút sau bà ta mang về một bó tiền lành lặn. Tâm nhìn Vấn, Vấn cười rồi nói

- "Bà này mỗi ngày đi đổi tiền lành lặn cho tao, lấy 5% hoa hồng, cũng là một cách tao giúp cho bà ta sinh sống, chắc mày không biết công việc của tao là gì phải không, để từ từ tao kể nhé"
- "Tao thấy cứ như là nhà băng vậy"
- "Thì cũng đâu đó thôi, "Tín dụng giang hồ" đó, thôi đã trưa rồi, tao chở mày lên Bà Cả Đọi".
- "Bà Cả Đọi ?"
- "Chưa biết Quán Cơm Bà Cả Đọi hả, chuyên môn cơm Việt Nam đó, mày về chắc thích ăn cơm Việt Nam hơn phải không?"

Quán Bà Cả Đọi theo lời Vấn kể trên đường đi là một quán bình dân rất nổi tiếng ở Saigon là ngon và rẻ, nằm gần tượng Trần Hưng Đạo Quận 1. Hai người theo một cầu thang gỗ ọp ẹp lên một căn gác chật ních những người đến ăn, phải chờ một lát mới có chỗ trống cho hai người, cũng may là cái bàn nhỏ xíu đặt gần cửa sổ chỉ có hai ghế nên hai người không phải ngồi chung như các bàn khác nhưng ở VN chuyện chung bàn rất là thường, người ta đi ăn cốt để ăn nên chẳng cần để ý xem người chung bàn là ai, người đến sà vào bàn hay đứng dậy đi đều không một cái gật đầu chào hỏi những người cùng bàn.

Vấn gọi đậu hũ chiên, rau muống xào tỏi, tôm rim, cá kho tộ, canh chua cá lóc và dưa cải cho hai người, Tâm hơi ngạc nhiên vì thấy bạn gọi lắm thứ thế nhưng không kịp ngăn vì Vấn đặt thức ăn sành sạo và nhanh như gió. Chỉ một thoáng sau, khi người ta mang ra Tâm mới thấy mỗi món đều rất ít đựng trên những dĩa bằng bàn tay, nên tổng số thức ăn không quá nhiều như Tâm nghĩ. Đoán biết nên Vấn cười nói

- "Ở đây các thức ăn làm sẵn từng nồi to tướng, mình kêu nhiều món nhưng nhà bếp canh sao cho vừa theo số người ăn mà dọn ra chứ không bày mỗi món một dĩa to, vì thế người ta rất thích đến đây, nào nâng ly mừng ngày gặp lại nào"

Hai người cụng ly bia 333 sủi bọt, vừa ăn vưà hỏi chuyện miên man. Thức ăn làm rất khéo như bữa cơm trong nhà tự nấu của bà nội trợ giỏi chiều chồng, Tâm ăn rất ngon miệng, dĩa rau muống gắp hai đũa đã hết, món gì cũng ít mà rất ngon. Căn gác chật hẹp đông đúc, người ra vào không ngớt, các hầu bàn chạy tíu tít, trong số khách đến ăn có đủ thành phần, từ người phu thợ gọi 1 dĩa đậu, một tô canh rau ngót, uống chén trà không tính tiền cho đến các vị việt kiều ăn mặc diêm dúa gọi thức ăn ê hề đầy bàn, ai cũng được đối xử như nhau, dù có vị việt kiều bực bội vì phải chờ lâu một chút đã kêu gọi ầm ỉ. Trong tình trạng mở cửa cho việt kiều về thăm ồ ạt, tạo ra nhiều cảnh chướng mắt, nhất lànhững người thành phần thấp kém trong xã hội việt nam ngày trước, vượt biên qua được ngoại quốc, cũng chỉ làm phu làm thợ mà về lại viet nam cứ tưởng mình như ông tướng. Ngược lại càng phô trương cái vỏ việt kiều ra thì càng bị "chém" theo giá đặc biệt.

Trong quán ồn ào chật chột không phải chỗ để trò chuyện lâu nhất là có những người đang đứng chờ, nên Tâm và Vấn vào Givral uống cà phê, buổi trưa nắng gắt, dân chúng giờ này ở nhàăn trưa nghỉ trưa, ngoài đường cũng bớt người đi lạị Trong Givral có máy điều hòa không khí nên cũng dễ chịụ Vấn kể cho Tâm nghe về công việc của mình, trong cách nói cũng có phần cảm khái vì phải làm nghề "tín dụng giang hồ" này khác xa với mơ mộng của người phi công phản lực, hào hoa bay bướm, hình ảnh ngưỡng mộ của các cô gái Saigon trong bộ combinaison và nón baỵ
Sau một lúc hàn huyên, Vấn chợt hỏi

- "Tâm vẫn còn nhớ Đông Phố chứ?"
- "Sao lại không, tao có đến nhà tìm mà hàng xóm nói đã đi ngoại quốc rồi, sau 75 mày có gặp không?"
- "Có thỉnh thoảng vẫn gặp, nghe nói chồng đi học tập chết vì bệnh. Dù đau khổ, dù khó khăn Đông Phố vẫn đẹp, cái đẹp không son phấn lại càng đằm thắm. Lần cuối tao gặp năm 83, vẫn nhắc về mày nhiều lắm."

Tâm lặng lẽ xoay ly cà phê trên cái dĩa tròn, Vấn ngồi yên nhìn bạn, hiểu được niềm đau vì mối tình dang dở. Đông Phố, người con gái lạ kỳ khiến cho người nào đã gặp gỡ khó mà quên được, huống hồ đã có sự thương yêu gắn bó với nhau như Tâm. Chính Vấn ngày chưa lấy vợ, thỉnh thoảng tình cờ gặp Phố, câu chuyện chỉ xoay quanh về Tâm mà khi nào về Vấn cũng bồi hồi trước vẻ quyến rủ của Phố. Cái chết của người chồng là nguyên nhân Đông Phố quyết định vượt biên dù biết nguy hiểm.

Tâm uống từng ngụm cà phê, nghe vị đắng lan dần trên đầu lưỡi, Vấn lắc đầu nhìn bạn

- "Vẫn chưa quên được hở Tâm?"
- "Làm sao tao có thể quên được, tình đầu mà."
- "Nhưng cuộc đời vẫn trôi đi, mày phải sống với hiện tại chứ, quá khứ đã qua rồi, có bám víu chỉ khổ thêm thôi".
- "Vẫn biết thế mà vẫn không quên được."
- "Mong cho Đông Phố còn sống và được bình an, biết đâu sẽ có ngày hai đứa lại gặp nhau" .

Vấn nói sang chuyện khác để cho Tâm bớt đau lòng, câu chuyện dần dần dẫn về những ngày chung một mái trường, Tâm buồn buồn nói:

- "Trường Pétrus Ký mình bây giờ điêu tàn quá, bao nhiêu khu đất của trường bị xây nhà cửa, quán nhậu đầy cả, trường chỉ còn lại những gian chính"
- "Mày đến trường lúc nào vậy ?"
- "Lần trước và cách đây mấy hôm, tượng Trương vĩnh Ký cũng không còn" .
- "Người ta đã đổi tên thì làm sao để tượng lại được, mày chỉ cảm khái thôi . Thú thật tao ở ngay Saigon mà tư ụđó đến giờ có vào trường lại đâu ngoài hai lần đưa con nhập học, còn thì chỉ đi ngang mà ngó, mày ở xa mà lại nhớ trường hơn tụi tao" .

Tâm lặng lẽ đưa cho Vấn một tờ giấy trong túi ra cho Vấn, Vấn giở ra thấy một bài thơ viết tay, còn chỗ gạch xóa


Về thăm trường cũ

Ta trở về đây dưới mái trường
Trên đầu tóc đã chớm màu sương
Cho hồn tìm lại ngày xưa ấy
Khi lòng vừa mới biết yêu thương

Hun hút hành lang vắng bóng người
Bức tường thoang thoảng nhẹ mùi vôi
Nắng hè ấm áp qua khung cửa
Trường xưa nay đã đổi tên rồi

Nhẹ vang tiếng sỏi vọng trong sân
Theo từng nhịp bước của bàn chân
Cột cờ im lặng buồn nghiêng bóng
Hàng cây thay lá đã bao lần

Vọng đến trong tim vạn tiếng cười
Hò reo trong tiếng trống ra chơi
Nô đùa đuổi bắt trên sân rộng
Đến giờ vô học cũng chưa thôi

Nao nao vào lớp học năm xưa
Bâng khuâng biết nói mấy cho vừa
Bảng xanh in bóng cô thầy cũ
Vết mực trên tường đã nhạt chưa ?

Cuôí lớp gục đầu trong kỷ niệm
Bạn bè từng đứa gọi thầm tên
Quần xanh aó trắng thời xa vắng
Băng ghế đìu hiu gợi nỗi niềm .



Vấn đọc xong, nhìn Tâm một lúc rồi nói:

- "Bài thơ hay lắm, mày làm phải không?"

Tâm chỉ gật đầu

- "Bao nhiêu năm rồi mà mày vẫn lãng mạn như trước. Tụi tao hết thời bo bo gạo lức đến bây giờ lại ào ạt làm ăn nên chẳng còn tí lãng mạn nào hết, nhưng mày vẫn giữ được thì cũng tốt thôi" .


Tâm nghe có một chút châm biếm nhẹ nhàng trong lời nói của bạn, anh định kể lại cho Vấn về những ngày nghèo đói của mình, vừa đi học vừa đi làm, có nhiều lần hết tiền phải vào quán cơm sinh viên mượn khay, dĩa của người ăn xong mà ra lấy khoai hoặc rau, theo thông lệ của quán cơm là được quyền ăn thêm món phụ khi trả tiền món chính là phần thịt cá. Nhưng Tâm nghĩ lại dù mình có khó khăn cách mấy cũng không so sánh được với cái khổ của người trong nước trong những năm sau 75 nên lại thôi .
Tâm nói:

- "Mấy hôm nay tao có về lại nhà cũ, chỗ đó bây giờ là quán cà phê, quán ăn rồi, về lại nhà mà buồn quá, căn vườn ngày xưa khang trang mà bây giờ bẩn thỉu" .
- "À tao cũng hay lại đó lắm, một phần cũng vì là nhà cũ mày, một phần tên Trần Diên chủ quán cũng là chỗ làm ăn quen biết" .
- "Mày quen thân với chủ quán à?"
- "Quen, chứ không thân, hắn khôn ngoan lắm, làm ăn chung cũng còn phải cẩn thận, còn kết bạn thì không hợp với mình đâu"
- "Tao có chuyện muốn nói với chủ quán"
- "Chuyện gì thế?"
- "À chuyện về căn nhà cũ của bố mẹ đó mà"
- "Nếu mày mong sẽ lấy lại căn nhà đó thì tao phải làm mày thất vọng rồi, thứ nhất chính phủ không có chủ trương trả lại nhà đã tịch thâu, hay theo họ gọi là quản lý, của người di tản hay vượt biên. Thứ hai trong trường hợp này còn khó hơn vì theo lời Trần Diên kể thì Quân Khu đã quyết định giật xập căn biệt thự đó để xây khách sạn rồi, qua Tết sẽ bắt đầu, chính Diên cũng phải dọn đi như các hộ khác trong đó."

Tâm lắc đầu

- "Không, tao chẳng muốn lấy lại làm gì, cả gia đình tao ở ngoại quốc biết khi nào về nước, tao chỉ muốn hỏi thăm ít việc riêng thôi" .
- "Nếu mày muốn nói chuyện với Trần Diên thì có khó gì, hắn rất thích chơi với tao, chỉ cần tao nói mày là bạn thân từ xưa, lại là kỹ sư từ Pháp về thế nào hắn chẳng vui vẻ, vợ hắn lại buôn đô la, gặp việt kiều có cơ hội đổi tiền càng thích."
- "Thôi Vấn à, mày đừng giới thiệu, nếu mày nói như thế thì chỉ cần đi chung với tao đến đó uống cà phê, thế nào hắn cũng ra chào hỏi, lúc đó mày mới nói tao là như thế nào rồi để tao tiếp tục bắt chuyện tùy theo tình hình" .
- "Mày lung tung quá, thế thì khác nhau chỗ nào ?"
- "Khác chứ, khác chỗ hắn bắt đầu, chủ động trước chứ không phải mình."

Vấn hơi ngạc nhiên nhưng lại tưởng bạn mình biệt dị, không muốn đi bước trước làm quen với người lạ nên không hỏi nữa, không biết dụng ý của Tâm không muốn bạn mình bị phiền nhiễu sau này vì đã giới thiệu mình.

- "Ừ, vậy mai trưa tao đến khách sạn đón mày về dự bữa cơm chung với gia đình tao rồi lại đó sau . Gia đình tao biết mày về chắc mừng lắm. Bà xã và mấy đứa nhỏ cứ nghe tao kể về chú Tâm mà chưa gặp bao giờ, hẹn mai nhé"
- "OK, Vấn về trước đi, mình còn ngồi đây tí nữa đã."
- "Lại ngồi cho kỷ niệm gậm nhấm hả" Vấn cười "Thôi bạn ơi, sống với thực tế đi!"

Vấn đi đến cửa chợt quay lại, ngồi xuống hỏi:

- "Tối nay mày có chương trình gì chưa ?"
- "Chưa tính gì cả"
- "Vậy tao đưa đi xem Saigon by Night nhé, cứ rầu rĩ như mày không khá được đâụ"
- "Saigon by Night là mục gì"
- "Đi vũ trường, nhảy đầm nhé, mày ở ngoại quốc thì chắc là nhảy giỏi lắm phải không, còn tao cũng lâu lâu muốn trở lại thời pilot bay bướm cho cuộc sống đỡ chán, chỗ này Vũ Trường Olympic cũng thanh lịch lắm, không xô bồ đâu" .

Lại thêm một định kiến là người ở ngoại quốc giỏi ăn chơi, Tâm định từ chối nhưng buổi tối không biết làm gì và cũng không muốn cho Vấn cụt hứng nên nhận lời .

- "Ừ, tối đến đón tao nhé, tao chờ ở hotel"
- "OK, bye Tâm!"

Vấn đi rồi, Tâm ngồi lại, một niềm vui trong lòng trỗi dậy vì gặp lại người bạn cũ sau mười mấy năm, thêm phần có Vấn, dự tính của Tâm có thể thực hiện tốt hơn. Mấy hôm nay Tâm đã nghĩ cách nào hỏi chuyện người chủ quán mà không để họ nghi ngờ, nay biết Trần Diên quen và thích Vấn thì mọi việc có thể dễ dàng hơn.



NGÔI NHÀ CŨ Phần 9


Chiều chủ nhật Saigon vẫn có những nét khác với ngày thường, là ngày nghỉ nên mọi người thấy có vẻ bớt căng thẳng hơn, cùng với ngày Tết sắp đến khiến cho không khí như dịu lại .
Tâm ngồi bên tách cà phê thứ ba . Nghe Vấn nhắc lại Đông Phố làm Tâm càng thấy ngậm ngùi, bất giác lấy bài thơ mới làm mấy hôm trước, khi thăm lại căn nhà Đông Phố đầy kỷ niệm, ra xem.


Tìm lại dấu xưa

Bước chân về lại căn nhà
Chôn bao kỷ niệm của ta một thời
Bao nhiêu năm ấy qua rồi
Mà nghe lòng vẫn bồi hồi tiếc thương

Mộng du chân vẫn quen đường
Con đường nhỏ hẹp thân thương ngày nào
Căn nhà vắng lặng làm sao
Hỏi thăm mới biết đã bao tháng ngày

Người đi về phía chân mây
Để người về lại đứng đây đắm chìm
Tựa lưng cánh cửa im lìm
Thả hồn ký ức đi tìm ngày xưa

Nhớ tay ai hái lá dừa
Kê’t thành châu chấu để đưa tặng mình
Người xinh làm chấu cũng xinh
Ân cần anh nhận như tình em cho

Năm xưa trong tuổi học trò
Lòng say men lạ khiến cho biếng lười
Nhớ sao ánh mắt tiếng cười
Một thời hoa mộng một đời tiếc thương

Bóng ai nhẹ bước bên tường
Giật mình tưởng bóng người thương đón chào
Khi đi đánh mất mộng đào
Khi về lại mất lối vào nhà em.



Tâm đọc đi đọc lại những vần thơ mà tưỏng chừng mới là hôm qua khi Tâm đến nhà Đông Phố trên chiếc Suzuki cà tịch, ống bô đã hỏng, nên từ xa Phố đã nhận ra tiếng xe của Tâm mà chạy ra cổng đón sẵn. Cả nhà đi vắng chỉ còn mình Phố ở nhà. Đông Phố mới tắm và gội đầu vừa xong, còn quấn chiếc khăn bông trên tóc. Hai người vừa nói chuyện được vài câu thì có tiếng ầm vang của đạn pháo kích vào Saigon, Phố kéo tay Tâm vào hầm trú ẩn xây bằng bao cát ở dưới chân cầu thang.

Chợt bao nhiêu đèn đuốc tắt ngóm, Phố kêu nhỏ:

- "Trời, cúp điện rồi" rồi im bặt

Trong hầm cát tối đen mùi thơm từ thân thể của người con gái còn trong trắng tỏa ra thơm ngát át cả mùi ẩm của các bao cát. Mỗi lần có tiếng ầm vang gần khu nhà, Đông Phố lại bất giác xích gần Tâm hơn. Hai người đã yêu nhau từ cả năm nhưng trong mối tình thơ mộng của tuổi học trò lại thêm lễ giáo gia đình và quan hệ họ hàng, Tâm là anh họ xa của Đông Phố nên tới lúc đó chỉ trao nhau những ánh mắt những nụ cười, những thủ thỉ nhưng chưa dám nói lời yêu thương. Mái tóc của Phố vẫn thơm nồng mùi tóc chưa khô, chạm vào mũi, vào má Tâm làm Tâm ngây ngất. Tâm không tự chủ được chạm môi lên má Đông Phố, rồi nụ hôn dầu đời của người con trai mới lớn làm dại tê mọi giác quan trong người . Trời đất như nở hoa khiến tiếng đạn pháo kích trở thành pháo tết. Hai vòng tay ôm nhau thật chặt như sợ người kia biến đi trong bóng tối. Ôi nụ hôn ngọt ngào hương mật làm nhớ mãi một đời.

....
Tâm chợt tỉnh khi người hầu bàn tiến lại hỏi anh có cần dùng gì thêm không, thấy đã chập choạng tối Tâm chỉ kêu gói thêm 3 cái patê chaud rồi kêu xe về khách sạn.

Tắm rửa xong thì Vấn đến đón đi đến vũ trường Olympic, cũng như sáng chiều nay, Vấn nhất định không cho Tâm trả tiền gì cả, hai người đến hơi sớm nên vũ trường chưa đông lắm, trên sân vài cặp nhảy xen với các cô đang được tài xỉ dạy thêm bước mới, người chạy bàn mời vào hàng ghế salon bọc đệm êm ái, ghi nước rồi hỏi

- "Anh Vấn có quen cô nào không?"
- "Kiều Lan đi làm chưa em?"
- "Dạ tới rồi đang sửa soạn."
- "Vậy em mời Kiều Lan và Phương Thúy cho anh nghe"

Vấn nói và để lên khay tờ 5000$ cho người hầu bàn.
Giàn nhạc sống chơi lại những bản nhạc vàng mà trước đây vài năm còn cấm nghe, cấm phổ biến thế mà bây giờ trong những cơ sở kinh doanh nhà nước như vũ trường này lại công khai, thế mới biết là nhà nước đã bắt đầu cho dân chúng thoải mái .

Tiếng dập dìu dàn trống cùng tiếng hát Tuyết Mai ngân lên thánh thót, bản Hoài Cảm của Cung Tiến thật tha thiết

"Lòng ... cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ...
Một ... mùa thu xa vắng, như mơ hồ về trong đêm tối, cố nhân xa vời, có ai về bến mơ ..
Gần nhau hoài cố nhân ơi, xa dần những tháng cùng ngày ....
"
Hai bóng hồng thướt tha lại bàn, cười thật tươi rồi ngồi xuống bên cạnh Tâm và Vấn, Phương Thúy cười với Vấn

- "Chà anh Vấn lâu quá mới ghé chơi, anh khỏe không, này là chị Kiều Lan đó"
- "Anh vẫn khỏe, nghe tiếng Kiều Lan lâu lắm, hôm nay anh mới gặp đó, đây là ...."
- "Thắng, tôi tên Thắng"

Tâm ngắt lời Vấn, Vấn nghe Tâm xưng tên giả mỉm cười

- "À Thắng bạn anh, này Thắng ở đây không có tôi tớ gì cả, chỉ có anh em thôi đó nghe"

Phương Thúy cười chọc Thắng

- "Bộ anh mới ở nhà quê lên hả?"
- "Ừ, Anh ở xa mới đến" Tâm cũng cười

Kiều Lan ngồi xuống bên cạnh Tâm, dần dần quen ánh sáng mờ ảo trong vũ trường, Như Ý nhận ngay ra người đã giúp mình sửa xe hôm trước, vừa vui mừng vừa bối rối vì gặp lại trong khung cảnh này . Phần Tâm thì chỉ ngờ ngợ một nét quen, mà không nhớ rõ đã gặp ở đâu . Trong lúc Vấn và Thúy cười đùa như sáo thì Tâm và Như Ý chỉ trao đổi ít câu thỉnh thoảng lại nhìn nhau không nói . Hôm nay Như Ý lại ăn mặc rất đẹp, cái áo một mảnh bó lấy thân thể đều đặn, dong dỏng làm nổi bật những nét cong trên người và cái eo thon nhỏ làm Tâm cũng phải khen thầm. Vấn và Thúy đã ra sàn nhảy thỉnh thoảng hai người lại ngoắc Tâm và Như Ý ra .Điệu Cha Cha Cha vừa hết, ca sĩ Tuyết Mai lại xuất hiện trong tiếng vỗ tay của mọi người, Tuyết Mai cúi chào duyên dáng

- "Xin cảm ơn quý khách, để đáp lại thịnh tình quý khách, Tuyết Mai xin trình bày bản Tình Xa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn."

Tâm đứng dậy nghiêng mình đưa tay mời Như Ý ra sân, trong tiếng ca dịu ngọt và lời nhạc như mơ, hai người dìu nhau từng bước nhẹ nhàng. Vòng tay người đàn ông đỡ nhẹ lưng nàng, vưà đủ để đưa theo điệu chứ không có một sự lợi dụng ôm ấp sỗ sàng như những người khác. Bình thường Như Ý nhảy mà tránh nhìn người khách và theo nhịp một cách máy móc, nhưng hôm nay nàng lại không rời được đôi mắt dịu đàng, nhìn thẳng vào mặt nàng nhưng không có nét sàm sỡ, và từng bước chân nàng đi theo điệu nhạc không còn là những gắng gượng cho qua bài mà Như Ý cảm thấy người đang dìu bước mình không phải là khách nhảy . Một cảm giác mà Như Ý ngỡ mình đã quên từ lâu lại len lén trở về làm nét mặt người con gái càng trở nên đáng yêu hơn.

- Xin xem tiếp -

Phạm Doanh

Phạm Doanh