NGÔI NHÀ CŨ Phần 10-16

Phạm Doanh

 

NGÔI NHÀ CŨ Phần 10

Hết hai bản nhạc Slow Vấn và Tâm đưa 2 cô trở lại bàn, Vấn để ý thấy Tâm nhường cho Kiều Lan vào bàn trước nên cũng làm theo. Bốn người nói chuyện vui vẻ, càng lúc Tâm càng thấy cái cô Kiều Lan xinh xắn này có gặp ở đâu rồi, một phần vì mấy ngày nay có bao nhiêu chuyện dồn dập nên đầu óc Tâm không bình quân lắm, một phần nét trang điểm rực rỡ của Kiều Lan làm Tâm không nhận ra được, còn Kiều Lan lại không dám kể lại cuộc gặp gỡ mấy ngày trước.
Một người hầu bàn đến gần Kiều Lan nói nhỏ vài câu, Lan nhăn mặt lắc đầu, người hầu bàn vẫn nói thêm nhưng Lan cương quyết nói:

- "Không được đâu, ra nói với họ đi!"

Người bưng nước đi về một bàn đằng kia, nơi có 2 người đàn ông ngồi, mặt mũi hơi đỏ vì men rượu, vừa nói vừa lắc đầu. Bên này Tâm và Vấn để ý cũng thấy, Vấn nói:

- "Chà Kiều Lan có nhiều người ái mộ quá há."
- "Thôi anh ơi, ông nội đó chuyên môn bốc hốt, nhảy mà cứ sáp mặt vào, ôm chặt người ta, lại còn uống rượu, Lan đã dặn là không tiếp người đó rồi mà"

Nhạc Tango trổi lên, Vấn và Thúy lại ra trước, thấy Tâm ngồi yên, Như Ý hỏi:

- "Anh không thích Tango sao"
- "Thích chứ, Tango rất lả lướt nhưng ở đây người ta nhảy không giống bước quốc tế nên anh không quen".
- "Thì anh chỉ cho Lan vậy, đi anh!"

Lan đứng lên làm Tâm cũng phải bước theo ra sàn gỗ, Lan rất thông minh nên chỉ cần Tâm chỉ một lần bước căn bản của Tango Argentino đã nhảy được. Hai người đưa nhau đi trong tiếng nhạc êm dịu, bỗng một cánh tay giữ tay Như Ý lại và một giọng nói lè nhè:

- "Nè, Lan nhảy đẹp quá, nhảy với anh đi!"

Gã đàn ông gọi Kiều Lan lúc nãy không được, giờ này đang đứng trên sàn cố ôm Lan vào người . Như Ý vùng ra, khiến hắn chới với, Tâm đứng che trước mặt Lan

- "Yêu cầu anh để yên cô Lan ..."

Chưa hết câu một cú đấm bổ ngay mặt Tâm làm anh loạng choạng trong tiếng rú của Như Ý, tiếng nhạc tắt lịm, mọi người hốt hoảng dạt ra khỏi sàn nhảy, gã đàn ông vung tay định đấm Tâm thêm cú nữa thì Mạc Vấn đã đến nơi, tay phải vòng từ ngoài vào với một thế Chudan-Uraken đánh gạt tay hắn rồi như một ánh chớp chân phải bật ra một Yoko-Geri thẳng băng vào ngực tên tấn công khiến hắn tung lên rồi rớt như bịch gạo, trong lúc tiếng Phương Thúy thét lên:

- "Anh Vấn, đằng sau lưng!"

Chân phải Vấn đang thu về nửa chừng lại hạ xuống phía trước cho cả người đổ xuống, thân mình quay lại đàng sau trong tấn Kokutsu-Dachi, hai tay đánh xéo chữ X lên trên vừa kịp đỡ được cú đập của gã thứ hai bằng một chai bia, Vấn vòng tay quật hắn quay vòng đập lưng xuống sàn đến thình rồi trái đấm sát thủ cùng tiếng hét "Kiai" rợn người vút thẳng vào mặt, kẻ kia rú lên nhắm mắt chờ bị kết thúc thì trái đấm của Vấn đừng lại sát mặt.

Hắn mở mắt ra mới biết mình được tha, lồm cồm bò dậy cùng tên bạn quặn lưng mà bỏ đi. Người quản lý được báo tin chạy vào thì mọi việc đã xong, mặt Tâm bị một vết bầm và trầy vì tên đánh anh có đeo nhẫn. Mọi người về lại bàn, Lan rối rít gọi khăn nóng cho Tâm đắp mặt. Lan gần như khóc:

- "Anh Thắng. đây là lần thứ hai anh lại giúp em đó"
- "Sao lại lần thứ hai hở Lan ?"
- "Hôm trước anh đẩy hộ xe cho em đấy"

Tâm tuy vẫn còn đau mà phải bật cười

- "À hôm trước là Lan đó à, thật là có duyên với nhau. "

Vấn nói:

- "Hóa ra hai người gặp nhau rồi à, vậy Tâm ... à Thắng ăn một cú đấm cũng không sao vì được người đẹp thương rồi."
- "Anh Vấn lại chọc Lan rồi, coi mặt anh Thắng kìa, tội anh quá."

Lan nói mà rưng rưng nghẹn ngàọ
Tâm vội vỗ về Lan:

- "Anh không sao đâu Lan, này Vấn, chắc chúng mình phải đi thôi, có thể chúng quay lại hay công an đến thì sao"

Vấn trầm ngâm

- "Anh quản lý không gọi công an vì đã xong và không đổ vỡ thiệt hại gì cho nhà hàng, tụi nó có trở lại tao cũng không sợ, nhưng vì mày là ngoại kiều nên đừng để dây dưa, mình về đi."

Vấn gọi người trả tiền nước, đoán biết Tâm chưa biết luật đi chơi ở VN là phải "bo" cho các cô nên Vấn kín đáo đưa cho Thúy tiền "pour boire" không để cho Tâm và Lan thấy. Phương Thúy nhất định không lấy mặc dù đó là nguồn thu nhập của các cô trong vũ trường, các cô không có lương hoặc lương chỉ độ 100.000$ (14 USD) rất tượng trưng.
Tâm thấy lại sau lớp son phấn dù thật đẹp của Kiều Lan những nét sáng của người con gái hỏng xe hôm nọ, Tâm ngập ngừng nói với Lan:

- "Chắc anh sẽ không ghé lại đây đâu, em không sợ bọn chúng trả thù chứ."
- "Không anh, làm nghề này mà sợ thì phải bỏ nghề thôi."
- "Hay là em bỏ nghề đi."

Nói xong Tâm mới thấy mình vô duyên và như một nhân vật trong truyện của Quỳnh Dao
"Mình là cái thá gì mà mới gặp một lần đã khuyên người ta bỏ nghề"
Tâm thầm mắng mình như vậy, nhưng nhìn ánh mắt nửa chế diễu, nửa xót xa của Kiều Lan, làm Tâm không tự chủ được, Tâm nói nhỏ

- "Anh muốn gặp lại em, mà không ở chỗ này, có được không Lan?"

Lan cúi đầu ngập ngừng

- "Em ... em không biết "
- "Hay sáng mai em đến Brodard gặp anh nhé, 9 giờ nhé Lan!"

Lan ngẩng lên, nhìn ánh mắt dịu dàng mà nàng không hề thấy ở một người khách nhảy nào khác và vết sưng trên gò má của Tâm làm nàng không thể từ chối được.

- "Vâng mai em sẽ đến, anh về cho mau kẻo có chuyện không tốt, một lần nữa cám ơn anh đã che chở em."
- "Nhớ mai nhé Lan"

Vấn và Tâm ra về, Lan cũng không còn tâm trí nào làm tiếp nên chỉ một lát sau nàng xin về sớm, lau gột phấn son, thay lại bộ quần áo xềnh xoàng mà về nhà. Má hỏi chỉ nói là hôm nay nhức đầu nên về sớm. Lan nằm lên giường nhìn cánh quạt trần quay đều mà tâm trí rối bời .

"Người ta lịch sự, trí thức quá, lại từ nước ngoài về, mình chỉ là một cô gái vũ trường làm sao mà vương vấn được" Như Ý bắt gặp mình trong dằn vặt đó. Ngược lại hình ảnh Tâm không rời khỏi đầu óc Như Ý từ ngày hỏng xe, bây giờ lại càng xâm chiếm nàng vì những phút gần nhau vừa rồi. Như Ý trăn trở trên giường thật lâu để rồi thiếp đi vào giấc ngủ.


NGÔI NHÀ CŨ Phần 11

Buổi sáng hôm sau Tâm ngủ dậy soi gương vẫn còn thấy nét bầm trên mặt, lắc đầu nhủ thầm:

- "Mình bao nhiêu năm bỏ không tập luyện, bị đánh mà không tránh được, cái hoàng đai Vovinam coi như bỏ đi rồi, thằng Vấn vẫn còn oai phong lắm, hai thằng hai thế võ là hạ đo ván ngay".

Tâm đắp khăn nóng lên vết bầm một chốc, thay kính thường ngày bằng một kính mát, rồi gọi xe lên Brodard ngoài Saigon, quán cà phê này một thời nổi tiếng là nơi tụ họp của giới văn nghệ sĩ miền nam, ngày xưa lúc còn Tú tài thỉnh thoảng Tâm theo nhà văn Mai Thảo hay Văn Quang vào nghe quý vị coi trời bằng vung.
Buổi trưa có hẹn với Vấn đến nhà nên Tâm muốn dành buổi sáng cho Kiều Lan, Tâm đến Brodard sớm hơn 9 giờ nên gọi hai cái trứng gà ốp la và bánh mì ăn sáng, trang trí của Brodard nói chung vẫn như xưa với những tấm kính có vẽ hình theo kiểu thập niên 30, giá tiền để cả hai đơn vị đồng và USD, có lẽ nơi này nhiều du khách ngoại quốc đến.

Tâm ăn sáng xong, đồng hồ đã chỉ 9:45 mà vẫn không thấy Kiều Lan đến. Tâm miên man suy nghĩ về người con gái mới quen. Trong cái phóng khoáng có được từ bao nhiêu năm ở nước ngoài anh không cho việc Kiều Lan làm ở vũ trường là điều xấu xa, mà hình ảnh người con gái dễ thương đẩy xe ngoài đường cũng in sâu như hình ảnh cô vũ nữ đêm qua mặc dù Kiều Lan hôm qua đẹp vô cùng. Ánh mắt bể trời xanh thẳm, đôi mắt to nhìn Tâm thương cảm khi thấy mặt Tâm sưng lên vì bị đánh, lúc Kiều Lan đắp khăn nóng lên mặt Tâm, hai người ngồi sát nhau, hơi thở thơm như hoa của Kiều Lan tỏa vào mũi Tâm làm anh quên đi cái đau trên mặt.

Trong lúc đó Như Ý tự Kiều Lan dậy từ sáng sớm, thay quần áo xong nhưng vẫn không dứt khoát được có nên đến nơi hẹn hay không. Như Ý hết đứng lại ngồi, hết vào lại ra làm bà mẹ phải hỏi:

- "Ơ hay, Như Ý hôm nay thế nào vậy con? cứ đi ra đi vào mãi"
- "Con không có gì đâu mẹ, hơi bồn chồn tí thôi" .

Như Ý ngắm mình trong gương, tự hỏi mình có thể đóng hai vai trò hoài được không, ban ngày là cô gái giản đơn, thùy mị chăm lo cho mẹ, tối đến son phấn vào, bán niềm vui cho thiên hạ trong những bước chân. Cuộc hẹn hò hôm nay làm xáo trộn tình cảm của Như Ý rất nhiều, tự nhiên hai giọt nước mắt long lanh ngấn ra trong đôi mắt to đen, Như Ý mường tượng nét mặt sáng đẹp của Tâm cùng giọng nói dịu dàng của một người đàn ông xứ bắc, Đã lâu rồi Như Ý tưởng mình đã chai đá, miễn nhiễm trước mọi lời tán tỉnh của đàn ông, dù là khách nhảy hay những gặp gỡ ngoài đời . Trái tim nàng đã nhàm chán không còn xúc động, thế mà bây giờ lại bồi hồi như thời mới lớn, nhưng mình làm sao xứng với anh ấy, tuy chưa hề bán thân xác nhưng nghề vũ nữ cũng là đáng xấu hổ lắm. Như Ý gục đầu xuống bàn khóc nức nở, chiếc đồng hồ trên tường thong thả điểm 11 tiếng.

Trong quán Tâm ngồi, cũng bong bong 11 tiếng kéo Tâm ra khỏi sự miên man suy nghĩ. Tâm bất giác coi lại đồng hồ tay, khẻ gọi:

- "Lan ơi, vậy là Lan không đến rồi, tại sao ?"

Buổi trưa có hẹn ăn cơm với gia đình Vấn nên Tâm không thể chờ được nữa, chàng đành trở về khách sạn, một lúc sau thì Vấn đến đón Tâm về nhà. Căn nhà trong chung cư Nguyễn thiện Thuật nhỏ nhưng ngăn nắp gọn gàng. Cả gia đình hay đúng hơn, cả đại gia đình Vấn gồm hai em Vấn được báo tin, mang theo vợ chồng con cái đến gặp Tâm.
Trong bữa cơm bao nhiêu chuyện thời xa xưa lại được nhắc đến, Tâm thấy gia đình bạn khá giả sung túc cũng mừng cho Vấn. Bé Phượng, con Vấn, chợt hỏi:

- "Chú Tâm, bố con hay nói chú học giỏi lắm, chắc giờ chú là Giáo sư Tiến sĩ rồi hả chú?"

Tâm cười:

- "Con nói làm chú mắc cỡ quá, chuyện học giỏi là chuyện xưa rồi, lúc chú bằng con đó, còn chú chỉ học đến Cử nhân Kỹ sư thôi . Mai mốt con phải hơn chú đó nghen"

Cả nhà cười ầm lên xúm lại nói bé Phượng phải bắt chước chú Tâm học chứ đừng bắt chước cái lãng mạn của chú. Sau bữa cơm hai em Vấn từ giã Tâm để về nhà sau khi bắt Tâm hứa phải đến chơi vào ngày Tết.

Vấn bắc hai cái ghế mây ra balcon ngồi chơi, cảnh chung cư thật là náo nhiệt, bốn bề đua nhau vặn radio, hay giàn nhạc Karaoke hết cỡ, giọng các ca sĩ nghiệp dư vang vang đủ bè, đủ tông chen lẫn tiếng xe, tiếng rao hàng cùng trẻ em nô đùa la hét.
Thành phố Saigon từ sau 75 đến nay dân số tăng lên gấp đôi, gần 5 triệu người, trong đó số người từ bắc vào rất đông, người nào vào chơi cũng ao ước có hộ khẩu để ở lại vì thấy đời sống hơn hẳn ngoài Bắc kể cả thủ đô Hà nội .
Ở Saigon hạ tầng cơ sở không được phát triển thêm lại còn hư hỏng nên không theo kịp sức tăng gia dân số tạo nên cảnh nghẹt đường phố, cầu cống.
Cúp điện cúp nước vẫn là chuyện thường ngày, những con kinh nghẽn tắc vì rác rưỡi thải ra, không có lối thoát nước, đã thành những con kinh nước đen, sình lầy hôi thối . Ngay trên đường Nguyễn thiện Thuật là một đống rác khổng lồ, chứa rác chung cư và chợ Bàn Cờ thải ra.
Vấn dự định vài năm nữa có đủ tiền sẽ dọn đi, mua nhà lớn hơn ở khu khác.
Đời sống cô độc ở nước ngoài đã làm Tâm trở nên ít nói, Tâm trầm ngâm, lặng lẽ ngồi ngắm cảnh sinh hoạt dưới đường, chợt nghe tiếng Vấn hỏi:

- "Sao sáng nay có gặp người đẹp không?"
- "Không, Kiều Lan không đến."
- "Hay đến muộn, mày chờ không được nên đi, mày phải chịu khó theo giờ cao su ở VN chứ cứ nguyên tắc và đúng giờ như ở Tây phương là không được đâu . Trễ hẹn nửa giờ là thường."
- "Không phải đâu, tao chờ đến 11 giờ rưỡi mà."

Vấn nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:

- "Chắc có lẽ Kiều Lan mặc cảm đó, tuy cô bé đó dễ thương nhưng tao nghĩ không nên đi xa hơn."
- "Tại sao không?"
- "Còn tại sao nữa, người ta là gái vũ trường, tiếp biết bao người rồi, làm người yêu, làm vợ làm sao được."
- "Chắc cũng vì hoàn cảnh thôi"
- "Một trăm cô, cô nào chẳng bảo là vì hoàn cảnh, mày lãng mạn lại sắp thấy một Thúy Kiều phải không. Tao lăn lóc nhiều, khổ cũng nhiều nên không lên án hay phán đoán ai, nhưng thực tế là như vậy đó, thực tế không phải là tiểu thuyết Quỳnh Dao" .

Thấy Tâm yên lặng, Vấn an ủi bạn:

- "Thôi nàng không đến nhiều khi cũng là tốt thôi, mày về có mấy ngày, vương vấn ích gì"
- "Tao sẽ đợi thêm vài ngày nữa"
- "Đợi ai ? đợi ở đâu ?"
- "Đợi Kiều Lan, đợi chỗ đã hẹn"
- "Thế mày đã hẹn lại rồi hả"
- "Không"
- "Thế thì làm sao Kiều Lan biết ?"
- "Biết chứ, nếu cùng tần số "

Vấn nhìn bạn một lúc rồi lắc đầu:

- "Tao cũng chịu mày luôn"

Vấn lái câu chuyện qua đề tài khác. Khoảng 4 giờ hai người chở nhau đến nhà Tâm, nơi quán ăn của Trần Diên. Diên có lẽ không có mặt ở đó, hai người ngồi ở cái bàn nhìn ra khu vườn rộng, cây cỏ tiêu điều, trừ những cây sứ cây ngọc lan to ra, còn những bụi hoa, cây kiểng đều chết hay bị đốn phá lấy chỗ nuôi gà. Cả con đường trải sỏi dẫn vào garage, mà lúc còn bé nghe tiếng bánh xe lạo xạo là Tâm biết bố lái xe về, nay cũng trơ trụi nền đất, sỏi đã bị đào đi xây bể nước, khiến mỗi lần xe gắn máy khách uống cà phê ra vào lại tung lên một làn bụi .

Tâm đến quán này đã mấy lần mà vẫn đau lòng vì sự suy tàn của ngôi nhà cũ thân yêu . Các chậu cây dừa nước làm kiểng cũng không còn, ngày xưa Đông Phố đến chơi, hay lấy lá dừa kết thành con châu chấu xinh xinh tặng Tâm mà Tâm hay để trong túi áo cho đến khi màu lá úa tàn và mùi lá không còn tinh khiết, phải vất đi mà tiếc miên man chờ được lại con châu chấu mới .

Ôi ngôi nhà cũ, ôi Saigon của thời học trò hoa mộng, của tình yêu thứ nhất ngọt ngào như mật ong mà cũng xót xa như muối xát lên vết cắt trên người . Biết bao con đường kỷ niệm, thương sao ổ gà làm tung xe lên để người yêu ngồi phía sau lần đầu tiên ôm choàng ngang bụng rồi không muốn buông ra. Cái đêm trên đường Tú Xương ngạt ngào hương Ngọc Lan, bỗng nghe cảm giác ngút ngàn, rợn ngưòi từ trên đầu xuống lồng ngực khi cằm Đông Phố tựa lên vai mình, và gò ngực mềm mại không đeo nịt chạm vào lưng qua làn áo mỏng, Tâm quay mặt lại, mũi chạm vào gò má thơm thơm của Đông Phố mà ngây ngất, suýt nữa đụng xe. Đưa Đông Phố vào xong, trên đường về dù mưa thác đổ mà Tâm vẫn phóng xe như bay, gọi tên người yêu thật to cho át cả tiếng mưa ào ạt. Đông Phố ơi, bây giờ em ở đâu ?
Bỗng nhiên hình ảnh Đông Phố chợt nhạt nhòa để thay chỗ bằng gương mặt Kiều Lan với đôi mắt biển trời xanh thẳm. Tâm chợt lắc đầu vì lần thứ nhất một gương mặt lạ xuất hiện trong hoài niệm Đông Phố.

Vấn ngồi bên cạnh, quan sát bạn như người trong mơ, thỉnh thoảng lại lắc đầu nhưng không nói gì. Đối với cái nhìn thực tế của Vấn, Vấn chỉ tiếc căn biệt thự cùng khuôn viên thế này ít ra cũng trị giá 500 cây vàng, nhưng Vấn biết Tâm không tha thiết về giá trị kinh tế của ngôi nhà mà vì cả thời thơ ấu và dậy thì, trưởng thành trong đó.
...
Trần Diên đi làm về, gọi là đi làm chứ chỉ đến cơ quan cho có lệ rồi về. Hoạt động chủ chốt của Quân Khu trong thời bình và kinh tế thị trường bây giờ là quản lý các trại lính, phân chia đất đai cho sĩ quan để xây nhà, kinh doanh các cơ sở kiếm tiền như khách sạn, nhà hàng hay đưa lính đi làm thuê cho các công ty xây cất, nói chung mà nằm đúng chỗ thì lon nhỏ cũng kiếm khá hơn là các tay chỉ huy quân sự thuần túy .


Diên cất xe, bước vào quán, vẫn còn bộ quân phục trên người, thấy ở cái bàn trông ra vườn Vấn đang nói chuyện với anh Việt kiều hay đến, Diên rất vui mừng. Dù lớn hơn Vấn 10 tuổi nhưng Diên rất thích chơi với Vấn vì tác phong và học thức hơn hắn và Vấn đánh xì phé rất cao, còn người Việt kiều trí thức này hắn đã muốn làm quen đổi tiền mấy hôm rồi mà chưa có dịp.

Lúc gọi điện thoại cho công an đến hỏi giấy Tâm là hắn làm theo thông báo của công an cho rằng thiếu tá Khanh có thể lãng vãng về nhà cũ, sau dó được công an cho biết là người đó chỉ là em thôi hắn đã tiếc sợ anh ta không trở lại .

Diên đến bàn hai người, cười toe toét, giơ tay bắt tay Vấn và Tâm, tự nhiên ngồi vào bàn:

- "Kìa chú Tư Vấn, hôm nay đến chơi hả, lâu quá không thấy chú "

Hắn hy vọng Vấn không nhắc đến tiền hụi đáng lẽ phải đóng từ hôm qua, ra đến sau Tết được thì hay lắm. Vấn thừa biết nhưng hôm nay đi chung với Tâm nên cũng lờ đi. Theo giao hẹn, Vấn không nói gì đến Tâm cả, còn Tâm chỉ mỉm cười ngồi nghe câu chuyện xã giao của hai người, một lúc sau quả như tính trước Diên sốt ruột nhìn Tâm, nhìn Vấn rồi hỏi:

- "Bạn chú Vấn hả ?"  
- "À phải rồi anh Diên, Tâm bạn tôi, từ Pháp về ăn Tết"
- "Đúng rồi, Việt kiều năm nay về đông lắm."
- "Việt kiều cũng năm bẩy đường đó anh Diên, Tâm này đi du học, giờ là Kỹ sư Cử nhân đó, không phải di tản hay vượt biên đâu"

Tâm không bao giờ phân biệt mình là khác với các người di tản hay vượt biên sang nước ngoài vì chính gia đình Tâm cũng thuộc diện di tản sang Guam rồi đến Fort Chaffee, nhưng Vấn có dặn để mặc Vấn cư xử vì ở nhà vẫn phân loại như thế. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, Vấn hay nói phải dựa vào sự phân biệt đó của trong nước để gây ấn tượng cho Diên. Quả nhiên Diên có thái độ vồn vã hơn, hắn không nhìn ở Tâm chỉ là nguồn đổi tiền nhưng bản thân hắn cũng thích giao thiệp với người trí thức nên càng thích hơn.

- "Đúng rồi, các anh việt kiều trí thức đi trước ngày giải phóng phong cách cũng có khác, ăn mặc lịch sự nhưng đơn giản, ăn nói khiêm tốn hơn"

Vấn cò mồi một câu:

- "Tâm nó muốn đổi tiền đô đó anh Diên, anh biết chỗ ngân hàng nào tô cao thì chỉ cho Tâm, tôi có việc phải đi đây".
- "Sao chú đi sớm thế, ngồi lại anh đãi ly nước đã, còn chuyện đổi tiền, thì chú chỉ khéo lo xa, ai mà đổi cao hơn chị Hiền nhà này được."
- "Thế thì tốt quá, thôi tôi phải đi thật đó, cám ơn anh Diên, để khi khác ghé chơi lâu hơn."
- "Nhớ nhé chú nhé! "

Vấn lên xe, thật sự không muốn đi, muốn biết Tâm bàn chuyện gì với Diên, nửa vì tò mò nửa sợ Tâm hớ hênh, nhưng Tâm có dặn trước là muốn nói chuyện với Trần Diên một mình.
Trần Diên hỏi chuyện Tâm rất lâu, gọi mang thêm cà phê, nói là đãi nhưng biết thế nào Tâm cũng trả tiền nước, sau một lúc làm như chợt nhớ ra, Diên vào vấn đề chính:

- "À nghe chú Vấn nói anh Tâm muốn đổi tiền, anh cứ đổi chỗ nhà tôi, giá cao hơn hết"

Tâm làm bộ ngây thơ hỏi:

- "Chị nhà làm việc ở ngân hàng hả anh Diên"
- "À không, tư nhân thôi, giá ngân hàng thấp hơn chứ "
- "Thế à, giá bên chỗ chị là bao nhiêu hôm nay hả anh"
- "6750 so với ngân hàng là 6600 đó anh"

Sáng nay Vấn đã nói cho Tâm biết giá chính thức đã lên đến 6780, nhưng Diên hay nói thấp để người nào không biết thì thôi, còn ai biết giá, hắn sẽ tăng theo.

- "Vâng, vậy anh đổi cho 500 đô"

Diên mừng rỡ vào nhà kiếm vợ, nhưng không thấy phải kêu sáu nhỏ ra Saigon gọi. Diên ra ngoài nói chuyện giữ chân khách:

- "Anh vui lòng chờ tí nhé."
- "Vâng không sao, tôi cũng định ngồi đây lâu, chỗ này cũng có nhiều kỷ niệm"
- "Kỷ niệm gì thế anh, nhà người yêu hả"

Diên vừa nói vừa cười cho là mình có duyên và lãng mạn lắm

- "Không, nói thật anh, chính là nhà cũ của bố mẹ tôi ngày xưa"

Diên giật mình ngắm Tâm, quả thật có nét giống hình thiếu tá Khanh mà công an đã đưa. Nếu bình thường thì Trần Diên đã đón nhận dữ kiện này một cách không thoải mái, vì hắn cũng nghe có nhiều vụ chủ nhà cũ tìm cách lấy lại, dù chỉ mới vài trường hợp rất đặc biệt có thần thế với quan to, người đang ở chịu bồi thường để dọn ra. Nhưng căn nhà này nằm trong kế hoạch kinh tài của Quân Khu, chỉ hơn tuần nữa là kéo sập, xe ủi đất đã đưa về trước ngõ, Quân Khu chỉ để yên mấy ngày Tết nữa thôi, thủ tục phát đất bồi thường đã hoàn tất, căn nhà hắn xây cũng đã xong chỉ chờ dọn vào, nên đối với Diên không thành vấn đề nữa .

- "Ồ thế ra là thế, may mà anh về kịp chứ qua Tết thì một hòn gạch cũng không còn"

Diên muốn lấy lòng người khách cũng để câu giờ chờ vợ về nên kể thao thao về kế hoạch xây khách sạn cũng như việc hắn ở đây đã chăm sóc nhà cửa như thế nào, còn mấy hộ kia, dù cấp tá mà ăn ở không ra gì phá đi ngôi biệt thự khang trang.
Tâm đợi Diên ngưng nói:

- "Trong thời gian tới tôi có thể cần đổi một số lớn đô la, anh Diên có đủ không?"

Diên mừng quýnh

- "Ồ có khó gì, bao nhiêu cũng được anh Tâm ơi!"

Vừa lúc đó Bảy Hiền lật đật chạy về, đưa cho Diên một cọc tiền Việt, Tâm đưa năm tờ 100USD, Diên vuốt từng tờ để chắc là tiền thật rồi đếm tiền Việt giao cho Tâm. Tâm cất tiền vào túi đeo rồi nói

- "Tôi còn một nguyện vọng nữa, không biết trình bày thế nào với anh đây"
- "Anh cứ nói, bạn chú Vấn cũng là bạn tôi thôi" Diên nghĩ tiếp
(nhất là bạn sộp như chú)
- "Cám ơn anh, tôi muốn sống lại trong ngôi nhà cũ mấy ngày Tết trước khi nó bị phá hủy, anh có thể cho tôi thuê phần của anh đang ở cho mười ngày cho đến lúc tôi về lại Pháp được không, tôi sẽ trả giá cao"

Diên nhìn người khách lạ, nghĩ thầm, đúng là dân trí thức tư sản, lãng mạn, về nước chơi đang ở khách sạn, máy lạnh đầy đủ tiện nghi điện nước, lại đòi chui về căn nhà dơ bẩn, dù ngày xưa rất khang trang. Theo chương trình của hắn thì hai ngày nữa sẽ dọn nhà để ăn Tết trong nhà mới, hắn sẽ thòng pháo từ lầu ba xuống mà đốt đón giao thừa, nhất định sẽ đốt lâu hơn bất cứ nhà nào trong khu mới xây đó, thế mà bây giờ lại có người đưa tiền để thuê căn nhà sắp đập thì thật là trúng tủ, tuy nhiên với năng khiếu buôn bán hắn cũng giả vờ lắc đầu:

- "Tôi thật là thông cảm với anh, căn nhà bao nhiêu tình nghĩa mà bị phá đi ai lại không xót, nhưng chúng tôi cho anh thuê thì ở đâu ?"
-"Lúc nãy anh Diên có nói nhà mới đã xong, đẹp lắm mà. Uổng thật, nếu anh không bằng lòng thì thôi vậy"

Diên sợ mất mối lợi, bèn nói nhanh:

- "Tôi cũng muốn giúp anh chứ, nhưng gần Tết muốn dọn nhà sớm hơn dự tính sẽ phải trả đắt lắm! "
- "Tôi sẽ đền bù vào đó, còn giường tủ nếu là của nhà tôi ngày trước thì anh không cần dọn đi, tôi xin mua lại"

Diên thấy cú làm ăn này càng lúc càng khá, bộ tủ và cái giường còn lại từ lúc vào tiếp thu đã lỗi thời, không hợp với nhà mới, hắn rao bán mà ai cũng chê .

- "Thế anh định trả bao nhiêu tiền thuê nhà."
- "500 đô cho mười ngày, chỉ vì lý do tình cảm"

Diên sướng rên nhưng vẫn kỳ kèo

- "Thôi ngày Tết dọn nhà khó khăn, anh cho thêm 200 đô tiền dọn nhà nhé "

Tâm lắc đầu, mặc dù đã sẵn sàng trả còn hơn thế nữa, nhưng chàng không muốn cho Diên thấy mình quá tha thiết và nôn nóng

- "Sao nhiều thế "
- "Thôi thì 150 vậy, à còn bộ tủ và cái giường gỗ quý, anh cho 100 nhé "
- "Anh Diên à, tôi chỉ ở vài ngày, lúc đi đâu có mang đi được đậu. Thôi thế này, 200 tổng cộng, anh dọn ra ngày mốt và để lại bộ tủ cùng cái giường cho tôi nằm, khi tôi trả nhà lại sẽ giao lại cho anh"

Diên nghĩ 700 đô la khi không mà có như trúng số rồi, kỳ kèo quá anh ta lại thực tế trở lại thì mình mất không. Hắn làm bộ suy nghĩ:

- "Vâng tôi cũng muốn giúp anh, vậy ngày mốt là 28 tết anh đến tôi giao nhà nhé"
- "Vâng, mà anh có thể cho tôi xem có đúng là giường tủ nhà tôi không?"
- "Mời anh vào nhà trong xem"

Tâm theo vào, anh nhận đúng cái giường ngủ bố mẹ ngày xưa, lúc còn bé anh chị em giành nhau chui vào nằm cạnh hay dưới chân bố mẹ mà say sưa ngủ. Có lần nghịch anh lấy dao khắc hình vào thành giường bị bố đánh một trận nên thân. Chỉ còn khung gỗ còn chắc chắn, nệm đã rách và dơ bẩn đến buồn nôn, Tâm ve vuốt mãi thành giường trong khi Diên chỉ mỉm cười khi đối diện với tâm trạng "Tiểu tư sản" đó.

Hai người chào nhau ra về, một bên đắc chí còn một bên vui mừng lẫn ngậm ngùi .
Tâm thở phào trên xe Taxi, cuộc xì phé vừa qua quả thật không dễ.




NGÔI NHÀ CŨ phần 12

Trời đầu tháng hai Ottawa còn băng giá, mấy hôm lại bão tuyết nên Đông Phố nghỉ làm, hai ngày rồi nàng không ra khỏi nhà, khuôn mặt đã 40 mà vẫn mang nét đẹp của một người đàn bà không tuổi, thời gian chưa để lại những nét tàn phai . Nhưng hôm nay Đông Phố như người mất hồn, thẫn thờ cả ngày, chồng dĩa CD nhạc để chạy đi chạy lại cả buổi sáng mà nàng vẫn không để ý, chỉ cần có tiếng nhạc như lấp vào khoảng trống trong tâm hồn. Đời sống nàng tưởng rằng đã yên ổn sau những năm khó nhọc ở nhà và những năm đầu đến Canada, ngờ đâu một biến chuyển không ngờ làm rối bời đầu óc Đông Phố. Phố cuộn mình trên giường không sắp xếp được suy nghĩ của mình. Chợt tiếng chuông ngoài cửa vang lên, Đông Phố ra đến cửa hỏi qua interphone:

- "Thưa ai đó ạ"
- "Anh đây, Phong đây, mở cửa cho anh vào! "

Phong bước vào nhà, phần lo lắng phần bực bội

- "Đông Phố có chuyện gì thế em, anh gọi cả ngày hôm qua và sáng nay không được, anh phải lái lên đây".
- "Em xin lỗi Phong, em mệt thành ra để máy tự động trả lời, mà cũng chưa nghe lại".
- "Em trông bơ phờ quá, có ốm không, anh đưa đi bác sĩ nhé".
- "Không cần đâu anh, Phố nghỉ ngơi thêm một hai ngày nữa thì khỏe lại thôi, không đau ốm gì cả".

Phong ngồi xuống cạnh Đông Phố, cầm lấy bàn tay trắng xanh của nàng:

- "Em làm anh lo lắm, xin em cố giữ sức khỏe nhé"

Phong ngập ngừng một lát rồi hỏi:

- "Còn em nghĩ thế nào về lời anh lần trước, anh đã nói chuyện với bố mẹ anh, hai người rất thương Phố, sao Phố vẫn chưa trả lời cho anh? "

Phong đã ngỏ lời với Đông Phố để làm lễ kết hôn sau ba năm quen biết. Đông Phố cũng đã mến Phong hết lòng vì mình, dù đối với Phong nàng không có một tình yêu mãnh liệt nhưng đã 40 Phố cũng muốn có một đời sống ổn định với một người tử tế và bằng cấp như Phong, nàng đã định lần này nhận lời thì...

Đông Phố cúi đầu nói nhỏ:

- "Xin anh để cho em một thời gian nữa để suy nghĩ"
- "Lại chờ, Phố có biết anh đã chờ bao lâu rồi không?"
- "Em biết"
- "Thế thì tại sao, tại sao hở Phố? Em không biết là không có em anh buồn như thế nào sao ?"

ĐÔng Phố vẫn cúi đầu không nói, Phong nâng cằm Phố lên để thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên má. Phong gục đầu vào hai tay một lúc rồi đứng dậy đi về.
Tiếng xe Phong tắt dần ngoài xa, Đông Phố gục xuống giường khóc nấc, nhớ lại những lời trong lá thơ của O Liên, gia nhân còn ở lại Viet Nam vừa gửi sang:

" ...
Thưa Cô, tui muốn kể thêm là mấy bữa trước đây hình như tui có thấy cậu Tâm đến nhà cũ của mình hồi xưa, tui đi tới thì cậu Tâm lên xe rồi, cái tui mới vô nhà hàng xóm hỏi, họ biểu cậu đó kiếm Cô và Bà, có nói tên là Tâm. Dạ chỉ có vậy đó Cô
...
"

Đông Phố nức nở trong nước mắt

"Tâm ơi, sao anh vẫn đi tìm em làm gì?"

Ánh nắng chiều từ từ lui dần cho căn phòng tối lại, Đông Phố vẫn nằm úp mặt trên giường, bờ vai thỉnh thoảng rung nhẹ theo tiếng nấc cố dằn. Bỗng Đông Phố ngồi dậy, ngồi vào bàn viết lục trong bàn tủ giấy tờ, tìm mãi mới ra một mẩu giấy nhỏ, nét mặt Phố sáng lên, chậm nước mắt rồi lấy giấy ra viết thơ .

...
Lại một buổi sáng đợi chờ ở Brodard vô vọng, từng điếu thuốc thả những làn khói vu vơ lửng thửng lên cao. Vì đã giao ước với Trần Diên ngày mai lấy nhà nên Tâm không rời Saigon sợ có bất trắc. Ban ngày Vấn làm việc nên Tâm ngồi ở Brodard uống cà phê, khi thì đầu óc vòng quanh những kế hoạch đang sắp xếp, khi lại gọi thì thầm tên Lan, lúc lại lấy bút ghi lên tờ giấy khăn ăn vài chữ.

Buổi tối Tâm mượn xe của Vấn chạy vòng vòng thăm lại thành phố, lái xe qua các con đường quen thuộc trong ký ức xa xôi, nhà cửa hai bên cũng đổi nhiều nhưng các con đường trong Saigon cũ vẫn như xưa. Chỉ khu ngoại ô có sự thay đổi lớn hơn. Bất giác xe Tâm chạy gần đến vũ trường Olympic, Tâm bắt gặp mình có ý muốn vào tìm Kiều Lan nhưng sau đó lại đổi ý lái về khu chợ hoa gần bờ sông.

Gần Tết rồi nên chợ hoa tối nay rất nhộn nhịp, các chỗ giữ xe tăng giá gấp ba gấp bốn ngày thường, một tệ nạn của VN mà không sao trừ được. Tâm đi giữa các hàng hoa thoang thoảng mùi hương, chợt nghe một giọng nói thanh thanh:

- "Mẹ xem cây đào này đẹp không, hay là năm nay mình chưng đào nhé mẹ"
- "Ừ, mẹ thấy cũng hay đấy, giống ngày xưa ở Hà nội, ông ngoại có cây đào trong vườn đẹp lắm."

Tâm đứng lui vào sau một chậu quất to, nhận ra Kiều Lan cùng bà mẹ đang ngắm nghía một cành đào các nụ còn e ấp mới ló trên đầu một chấm màu hồng nhạt.

- "Mẹ nghĩ cây này đến giao thưà nở to chưa mẹ?"
- "Mấy nụ chấm đầu chắc nở giao thừa mồng một, số còn lại nở trong 3,4 ngày Tết đấy con"

Tâm ngắm nhìn nét mặt thanh tú của Lan và dáng dấp hiền từ khoan thai của bà mẹ, tự nghĩ người này ngày xưa chắc cũng giới trung lưu. Lan như mọi lần, ngoài vũ trường là xóa sạch son phấn, đứng cách Tâm có 5 thước, gương mặt thật sáng với mái tóc ngang vai không uốn bới . Như Ý mặt một chiếc áo dài màu tím nhạt may khéo, bó sát vòng eo thon nhỏ, nói chuyện với mẹ rất dịu hiền thỉnh thoảng lại cười khúc khích khoe hàng răng nhỏ, trắng đều. Sự hiện diện của Lan làm Tâm quên cả cảnh vật và người chen lấn xung quanh, ai có đụng hay lấn Tâm cũng không để ý, chỉ cố dứng cho gọn chỗ để được ngắm mãi một đóa hoa làm mờ tất cả mọi đóa hoa trong chợ.

Đợi Kiều Lan hai ngày rồi, ngày thứ hai dĩ nhiên không thể nói được vì không có hẹn, nhưng sự lỗi hẹn ngày đầu của Kiều Lan vẫn không làm cho Tâm bực bội . Giờ đây bóng dáng người con gái nhỏ nhắn duyên dáng bên cạnh người mẹ hiền lành càng làm mờ nhạt hình ảnh cô gái nhảy son phấn lộng lẫy.

Như Ý trả giá xong xuôi, người bán hàng dùng dây bọc các cành lại để dễ chuyên chở, lúc Như Ý quay ra gọi xích lô, dặn mẹ chờ cùng xích lô để mình đi lấy xe, Tâm lại gần khen cây đào đẹp, trao đổi vài câu với bà mẹ, rồi lấy tay đắp đất chỗ gốc cây lại cho gọn. Khi thấy bóng Kiều Lan lái xe lại, Tâm lại đứng lui vào bóng cây để ngắm Lan. Bà mẹ tưởng là người đi chợ hoa thấy cây đẹp nên khen cũng không để ý gì.

Tâm đứng nhìn theo cho đến lúc chiếc xe Honda chở mẹ con Kiều Lan chạy kèm chiếc xích lô khuất hẳn. Tâm nghĩ quá tam ba bận, ba lần gặp gỡ rồi. Lúc nãy mà mình vào Olympic thì lại không gặp, đúng là có duyên chăng? Trong lòng vui vui, Tâm về lại khách sạn, ngủ vùi vào giấc điệp.

Người phu xích lô khiêng hộ cho Như Ý chậu đào vào nhà, nhận tiền rồi đi, Như Ý trong lòng vui thích vì mua được cành đào đẹp, mọi năm nàng vẫn mua mai, đây là lần đầu thay đổi nên Như Ý hồi hộp không biết ngày mồng một hoa có nở kịp và nở nhiều không. Như Ý vừa tháo các sợi dây bó các nhánh lại với nhau vừa hát khe khẽ:

"Mùa xuân sang có hoa anh đào, màu hoa tôi trót yêu từ lâu .."

Chợt Như Ý nhìn thấy một tờ giấy trắng cuốn tròn nhét vào trong thành chậu, nàng ngạc nhiên mở ra xem, trên giấy là một bài thơ viết tay, Như Ý ngồi vào bàn đọc:


"Chờ đợi không cùng

Dù không hẹn anh vẫn mong em đến
Cứ ngóng trông một ảo diệu bất ngờ
Dáng ngập ngừng em bước qua khung cửa
Để chuyện tình không phải chỉ là mơ

Anh ngồi đếm từng giờ rồi từng phút
Bàn chung quanh đã thay khách mấy lần
Bao thuốc lá sắp vơi gần một nửa
Cho đợi chờ như sương khói phù vân

Em không bắt được lời tha thiết gọi
Anh phát đi trên làn sóng siêu hình
Tần số đó vì người không cảm nhận
Thôi cũng đành mang tâm tưởng điêu linh

Suốt một đời anh đi tìm ảo ảnh
Chắc là điên nên không hẹn cứ chờ
Biết nơi đó có em nhưng chẳng đến
Nên một mình trong quán nhỏ bơ vơ .
"



Như Ý thẫn thờ linh cảm của nàng cho biết ai là người viết bài thơ này. Lời thơ tha thiết như trách móc nhẹ nhàng lại như khoan dung độ lượng và chấp nhận. Cả sáng hôm nay Như Ý cũng đã day dứt vì bỏ cuộc hẹn hôm qua, nhiều lúc Như Ý muốn lấy xe lên Brodrad nhưng nghĩ làm sao mà có Tâm ở đó được khi hôm qua mình đã bỏ hẹn với anh. Không ngờ anh vẫn đến, vẫn đợi em một cách vô vọng thế sao ? Em đã không bắt được lời tha thiết của anh, hay có chứ, vì cái gì đã thôi thúc em cả ngày hôm nay ?

Như Ý vuốt nhẹ tờ giấy cho phẳng phui, phủi hết đất bám, nằm xuống giường, ôm tờ giấy vào ngực, thì thầm

"Anh! Thắng ... hay Tâm, em không biết phải làm sao đây!"





Ngôi nhà cũ Phần 13

Trần Diên hí hửng báo cho vợ biết chuyện có tiền bất ngờ hôm nay:

- "Bà thấy tôi hay không, tự nhiên được 700 đô có phải dễ đâu, gớm cái bọn tiểu tư sản lúc nào cũng tình cảm ướt át, quý gì ngôi nhà sắp giật mà vào ngủ trong cái xó này".

Bảy Hiền thâm trầm hơn, nói nhỏ:

- "Ông này, hay người ấy có ý gì hay không?"

- "Ý gì, bà chỉ hay nghĩ xa vời, hắn chính là con chủ nhà ngày xưa, công an đã cho tôi biết là em của tên thiếu tá ngụy mà, hắn còn tả được cái giường mình nằm là giường bố mẹ hắn ngày xưa đó, mà ý gì đi nữa thì mình có thiệt đằng nào, chỉ có lợi thôi".
- "Dĩ nhiên là lợi cho mình quá rồi chứ ông, chỉ mười ngày nữa là chỗ này san bằng cả"
- "Thế thì bà ngại chuyện gì?"
- "Tôi chả ngại chuyện gì, 700 đô ấy làm sao bỏ được, nhưng ông này, hay hắn tìm của giấu trong nhà?"

Lời nói của vợ làm Trần Diên trầm ngâm suy nghĩ

- "Cũng có thể lắm, nhưng mình ở cái nhà này mười mấy năm dọn phòng mấy lượt có xó xỉnh nào mà chưa để mắt đến đâu"
- "Chuyện, người ta giấu của mà lại để cho ông thấy à, mà sao hắn lại muốn giữ cái tủ và giường thế ?"
- "Bây giờ thế này nhé bà nhé, mình dọn sớm một ngày, chỉ để lại bộ tủ và giường như thoả thuận, tôi sẽ vào cơ quan mượn cái máy dò mìn, dò kim khí, vàng mà chôn ở đâu thì cách mười thước máy cũng phát hiện, còn tủ giường thì ngày mai đóng cửa quán, cho người làm và tụi nhỏ đi hết tôi và bà sẽ khám nó "

Thế là ngày hôm sau Trần Diên cấp tốc gọi xe chở đồ đạc về nhà mới, lấy cớ là nhà mới chưa có cửa ngõ cẩn thận hắn sai mấy đứa con về đó ngủ coi chừng đồ đạc. Tụi con được dịp về nhà mới rất thích nên không đứa nào hỏi lôi thôi gì cả, chúng còn mừng là tối nay bố mẹ không có ở đó sẽ tụ họp bạn bè ăn nhậu. Đến chiều Trần Diên hì hục chở trên chiếc Honda của hắn một vật dài quấn giẻ kín mít, vì hắn sợ các hộ trong nhà cũng là trong quân đội sẽ nhận ra được chiếc máy tìm kim khí. Hai vợ chồng đóng cửa lại. Căn nhà thuộc về phần của Diên đã trống trơn để lộ những chân tường lở vôi lở gạch, Diên và vợ tháo từng miếng gỗ của cái tủ, khám tỉ mỉ xem có chỗ nào bọng không, tấm ván nào hắn cũng gõ cạch cạch để dò, rồi lại lấy máy rà đi rà lại, lật úp cả giường kiếm từng khe hở và rạch phía sau lưng tấm nệm để tìm tòi .
Vẫn không thấy gì, hai người lại hì hục lắp tủ giường lại rồi Trần Diên mang máy đi rà khắp nền khắp tường mà không có một kết quả gì. Mệt mỏi và chán nản Diên chửi thề rồi nói:

- "Đếch có cái con mẹ gì cả, bà chỉ nhắng lên làm mất bao nhiêu công"

Bảy Hiền chanh chua đáp lại

- "Ấy nếu mà tìm được của thì lại không phải công mụ già này đấy à!"
- "Trong nhà này mà có vàng thì tôi đi bằng đầu"
- "Hay là trong các hộ kia ?"
- "Vớ vẩn, nhà người ta còn ở đầy ra đấy, Tết xong mới dọn, dọn ra là xe ủi đất san bằng ngay còn gì" Diên cáu kỉnh nói
- "Hay mình cứ để ý xem hắn làm gì nhé, mình giữ lại một chìa khóa nhà, hắn có suốt ngày ở đây đâu".
- "Thôi bà ơi, lo dọn nhà mới mà ăn Tết đi! 27,28 rồi !"

Tuy quát thế nhưng Trần Diên vẫn thấy ý vợ là đúng, hắn định bụng sẽ canh chừng Tâm khi Tâm dọn vào.

Chợ Bến Thành vào sáng sớm, bạn hàng đang lục đục dọn ra, sớm nhất vẫn là khu ăn uống cho các bà các cô ăn quà trước khi đi chợ, những nồi bún riêu, bún ốc to cả vòng tay sôi sùng sục, váng đỏ ngầu màu cà chua và ớt bột, nào cháo lòng, hủ tíu đến các món cơm tấm bì, cơm sườn bên cạnh hàng chè đủ maù đủ sắc.
Từng chồng bánh ngọt xếp lên rất khéo, bánh da lợn nước dừa, bánh gai, bánh xu xê san sát nhau rồi hàng xôi, hàng nước mời chào ơi ới. Mỗi quầy ăn đều có vài băng ghế gỗ vây quanh, ai muốn ngồi đâu kêu món gì cũng được, hàng này nhắn hàng kia theo lời gọi của khách, các cô bé 14, 15 tuổi chạy tíu tít bưng thức ăn. Tâm cũng hơi ngượng ngùng khi vào khu ăn quà này thuộc địa phận của các bà các cô nhưng Vấn cứ lôi vào để giới thiệu quà ăn sáng. Các cô bán hàng thấy Vấn chào rối rít, đua nhau mời vào quầy của mình, Vấn chào hỏi khắp nơi, mỗi chỗ một câu ngắn, Tâm thấy mọi người rất vui vẻ với Vấn nên cũng tự nhiên hơn.

Hai người gọi bún ốc và chè sương sa hột lựu, ăn xong vẫn còn sớm, thường thì Vấn không thu tiền trước 9 giờ để bà con đã có thu nhập mở hàng, người buôn bán hay kiêng việc chi ra trước trong ngàỵ Vấn rủ Tâm uống cà phê vỉa hè. Hai ba bàn nhỏ mỗi bề chừng năm tấc và mỗi bàn cứ hai ghế đẩu chỉ vừa một mông, kê ra ngoài đưòng, thế là thành quán cà phệ Tâm nhìn từng giọt cà phê nhỏ xuống ly qua cái filter, nhớ đến câu cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc mà bật cười .

Bàn bên cạnh là người phu xích lô ăn sáng với nắm xôi đậu, ly cà phê đã uống xong lại rót tiếp nước trà mà nhâm nhi, chốc nữa những người đi chợ ra họ mới có khách. Ban sáng ít ồn ào hơn, tưởng như trở về ba mươi năm trước lúc Saigon chưa được 1 triệu người . Tâm nhớ đến một bài thơ người bạn thân làm về Sàigòn xưa và nay



Sàigòn ngày đó rất hay
Xung quanh các phố còn đầy đất hoang
Ngườ ta chưa sống lan tràn
Cả thành phố, chín trăm ngàn thế thôi

Đường còn vắng, ít xe hơi
Honda chưa có, hay ngồi xích lô
Đôi khi thấy chiếc xe thồ
Khoan thai chậm rãi, ngựa ô chở hàng

Sàigòn nay sống vội vàng
Số dân năm triệu, cửa hàng như nêm
Sàigòn khi trước bình yên
Con người có vẻ cũng hiền hơn chăng?

Xa thành phố đã bao năm
Một thời thơ ấu vẫn hằn trong tim
Khi về chẳng biết có tìm
Được chăng những lúc êm đềm khi xưa

Sàigòn dù những cơn mưa
Dù cho nắng đổ, dù chưa phục hồi
Tên người, ta giữ trong đời
Như bao kỷ niệm của thời thơ ngây



Tâm ngồi vỉa hè bên tách cà phê tưởng như thời còn đi học, quần xanh áo trắng, cúp cua đi uống cà phê mà vẫn hãnh diện với huy hiệu Pétrus Ký trên túi áo. Tuổi 17, 18 coi trời bằng vung, ước mơ làm người Quang Trung Nguyễn Huệ. Thế mà đã hai mươi năm trôi qua, chuyện thành bại đã rõ rệt, bước vào cái tuổi "tri thiên mệnh" để an ủi cho cái bất tài, bất lực của mình. Những đàn anh đi trước nổi tiếng trong phong trào Sinh Viên ngày xưa như Huỳnh Tấn Mạnh (tên do tác giả sửa lại) giờ cũng an phận, sống cuộc đời cơm áo. Hai người bạn nhắc lại cho nhau những kỷ niệm, những ước vọng xa xưa mà mang mang niềm cảm khái. Tâm uống cạn tách cà phê rồi hỏi:

- "Vấn à, có thể giúp tao một việc được không?"
- "Dĩ nhiên, mày cứ nói, việc gì làm được tao sẽ làm ngay".

Tâm kể lại chuyện thuê nhà của Trần Diên, Vấn chăm chú nghe thỉnh thoảng tỏ ý không bằng lòng vì Tâm chi số tiền tương đối lớn. Tâm nói tiếp:

- "Tao nhờ mày thuê một đám múa lân, đến chỗ nhà cũ của tao lúc 6 giờ chiều ngày mùng ba Tết trình diễn trong sân trước khoảng 1 tiếng đồng hồ."

Vân nhìn Tâm, trong đầu nghĩ chắc thằng bạn mình mát dây điện

- "Tâm à, mày có khùng không đó, chuyện mày bỏ tiền ra để ở vài ngày trong nhà cũ tao còn có thể hiểu được mặc dù trả quá nhiều, nhưng thôi cứ cho là mày gắn bó với ngôi nhà của bố mẹ, nhưng chuyện múa lân thì thật tình tao không hiểu nổi"
- "Mày có giúp được không?"
- "Dĩ nhiên là được, bỏ tiền ra là có ngay, mấy đám cũng được, mấy tiếng cũng được thôi, nhưng tao thấy kỳ khôi quá. Mồng ba rất ít múa lân, mà chẳng ai múa vào lúc gần tối như vậy".
- "Chính vì vậy đó Vấn" .

Tâm lặng lẽ rót chút nước trà vào ly, tráng sạch rồi châm trà cho cả hai, nhìn Vấn cảm thấy sự bất đồng của bạn

- "Vấn nhớ anh Khanh không? "
- "Nhớ chứ, anh còn học tập phải không?, ngày xưa chúng mình vẫn mến và phục anh ấy, chưa 30 đã Thiếu tá, quanh năm đi trận"

Tâm đặt bàn tay lên cánh tay Vấn

- "Chuyện tao làm có liên quan đến anh ấy, mày giúp tao nhé, nếu thành công tao sẽ kể cho mày trước khi đi, còn nếu thất bại thì tao không muốn mày phải liên lụy".

Vấn nhìn Tâm, hiểu mơ hồ chuyện người bạn vừa nói

- "Mình là bạn thân với nhau, gia đình mày lại rất tốt, ngày đám cưới tao ngoài Đà Nẵng, mẹ tao không có tiền mua vé máy bay ra dự lễ, đến nhà hỏi mượn, bác đưa ngay còn kèm theo tiền mừng, món tiền cho mượn, bác không bao giờ hỏi, mãi sau tao mới trả lại được, thằng Minh ăn ở học thi cả mấy tháng. Mày cho tao biết tao có thể làm gì hơn không?"
- "Cám ơn mày, tao rất mừng vì qua mấy ngày nay, vẫn nhận được tình bạn chân thành như xưa, và được sống lại không khí gia đình trong nhà màỵ Mày đã giúp tao làm quen với Trần Diên bây giờ thêm việc này nữa, ngoài ra còn một chuyện rất quan trọng phải trông cậy vào mày".

Tâm đưa cho Vấn một số giấy tờ

- "Đây là bản sao passport của tao, địa chỉ của bố mẹ, địa chỉ của Tòa Lãnh Sự Pháp ở Saigon, tao đã đăng ký ở đó. Còn đây là 4 cái thơ tao viết sẵn mỗi nơi hai cái. Hôm tao lên máy bay sẽ cùng mày đi chung lên phi trường. Đến Bangkok khoảng 5 giờ chiều tao sẽ gọi về. Nếu không thấy tao đến hoặc chia tay ở phi trường mà đến hết ngày không thấy tao gọi về mày hoặc về Minh thì là có chuyện rồi. Lúc đó nhờ mày gửi 4 cái thơ làm hai lần cách vài ngày, họ sẽ tìm cách kiếm tao. Còn thấy tao gọi về từ Bangkok thì mọi việc êm thắm, xin mày hủy nó".

Tâm xiết tay Vấn, nói thêm:

- "Có mày tao yên tâm hơn nhiều lắm đó Vấn"
- "Mày cứ tin tao, hy vọng là mọi sự tốt đẹp"
- "Cám ơn Vấn, à nhớ nói họ đốt thật nhiều pháo nhé"
- "Được rồi, cứ yên trí"

Đến giờ làm việc của Vấn hai người chia tay nhau, Vấn không ngờ thằng bạn dáng dấp thư sinh mà lại đang tính những chuyện lung tung thế này .


Tâm về lại Brodard lúc chín giờ rưỡi, vừa đẩy cửa bước vào, một niềm ngạc nhiên, thú vị, vui sướng tràn ngập, bên cái bàn cạnh cửa sổ trong góc Kiều Lan ngồi sẵn đợi anh, nụ cười hé nở như đóa hoa trên gương mặt thùy mị, chắc Lan đã thấy Tâm qua khung kính trước khi vào, Tâm quá vui mừng suýt nữa đụng phải người bưng nước. Ngồi vào bàn, Lan vẫn mỉm cười không nói

- "Lan đến lâu chưa?" (làm như chuyện Lan đến là dĩ nhiên)
- "Được nửa tiếng rồi anh" (làm như chuyện Tâm đến cũng dĩ nhiên)

Tâm gọi nước dừa, hai người nhìn nhau một thoáng lại mỉm cười

- "Vết thương anh bớt đau chưa ?"
- "Bớt nhiều rồi Lan, hy vọng ăn Tết không có vết bầm."
- "Như Ý .... "
- "Anh cũng muốn được như ý"

Như Ý bật cười vì Tâm khổng hiểu mà tình cờ câu nói lại có nghĩa là muốn được nàng

- "Anh! Như Ý là tên thật em đó, cái tên Kiều Lan chỉ dùng ở chỗ làm thôi"
- "Ô vậy hả, tên thật em hay hơn nhiều, Kiều Lan hơi ... cải lương đó, em đừng giận nhé!"
- "Cố tình mà, em không giận đâu, còn anh - Như Ý hóm hỉnh hỏi - tên nào là thật, tên nào để đi chơi ? "
- "À, tên anh là Tâm, Nguyễn Đắc Tâm"
- "Đắc Tâm, là được lòng đấy nhé anh"
- "Anh thích được như ý hơn được lòng"
- "như ý viết thường hay viết hoa anh!"

Hai người cùng cười, chỉ mới biết tên nhau mà như đã quen từ lâu, Tâm có yếu điểm là khi gặp những nét đẹp, một pho tượng, một bức tranh hay giờ đây một gương mặt thì ngắm mãi khiến Như Ý khẽ cúi đầu

- "Kìa anh, làm Như Ý ngượng anh"
- "Xin lỗi Như Ý nhé, một phần tại em đó"
- "Em làm gì mà tại em?"
- "Em chợt đến, chợt đi, nên anh sợ không là thật"

Như Ý thấy vui vui vì người đàn ông đáng mến này có cách nói chuyện khác hẳn những người tán tỉnh nàng, với những câu chẳng hạn "Kiều Lan, em đẹp wá, wả tiếng đồn không sai" hay "Em đẹp như woa hậu Lê Thu Thảo".

- "Anh này, hôm qua có người mang thơ bỏ chợ đấy".
- "Ồ, anh tưởng là bỏ chậu chứ"
- "Anh xấu quá, thấy em mà không ra mặt lại còn rình."
- "Nếu ngày nào cũng như hôm nay thì anh khỏi phải rình nữạ"

Hai người im lặng hồi lâu

- "Nhỡ hôm nay em không đến thì sao ?"
- "Thì giống như hôm qua, hôm kia và ngày mai, ngày mốt"
- "Trả lại anh bài thơ đây này"
- "Em không muốn giữ sao ?"
- "Có chứ anh"
- "Thế là sao hở Như Ý ?"

Như Ý cười thật xinh, thật nghịch, đưa cho Tâm tờ giấy có bài thơ, nhưng là một tờ giấy xanh lơ, Tâm mở ra thấy bài thơ mình được chép lại với một nét chữ thật đều, thật đẹp trái với nét nguệch ngoạc của Tâm. Như Ý lại rút ra tờ giấy khăn ăn bản chính còn chỗ bôi xóa

- "Cho em chia phần nhé, bản chính của em còn bản sao cho anh".
- "Cám ơn em, không thôi anh lại quên mất".
- "Thơ anh làm mà quên à"
- "Quên chứ em, khi làm thơ, tâm ý tràn ra ngòi bút có ở lại trong đầu đâu".

Một giờ rồi hai, ba giờ trôi qua thật nhanh, Như Ý nhận thấy Tâm lời nói dịu dàng, chữ dùng không kiểu cách nhưng hơi xưa không hề có những danh từ đang phổ biến như dzỏm, hay xịn, tốc độ nói chậm và ít hơn người trong nước. Tâm lại tìm thấy ở Như Ý những nét duyên dáng, cái đầu nói chuyện hơi nghiêng nghiêng cho một bên tóc bồng bềnh chạm nhẹ bờ vai thon thả, đôi mắt to thật trong, thật đen, giọng cô gái bắc kỳ nhẹ như làn khói .
Đẹp hơn nữa là hàm trắng đều, khiến nụ cười làm sáng thêm khuôn mặt thanh tú. Có được hàm răng đó phải là nhờ cha mẹ gìn giữ dạy dỗ từ nhỏ, chứng tỏ không phải xuất thân lao động nghèo khổ.

Câu chuyện có những lúc ngừng lại thay vào là yên lặng bên nhau, ly nước xoay xoay trong tay, hay ngón vu vơ lơ đãng vạch lên vũng nước nhỏ đọng trên thành ly rơi xuống mặt bàn, thành những đường vô nghĩa và ánh mắt thỉnh thoảng nhìn nhau rồi chớp nhẹ Buổi sáng cứ như thế mà êm đềm qua đi .


NGÔI NHÀ CŨ Phần 14
....
Như Ý nhìn đồng hồ đeo tay :

- "Ấy, trưa rồi em phải về nhà kẻo mẹ lo".
- "Mình ăn trưa chung không được hở em ?"

Như Ý ngập ngừng:

- "Em không nói trước cho mẹ biết nên không đi được anh ạ, cho em về, để lần khác anh nhé".
- "Anh còn có mười ngày ở đây thôi, Tết em có phải đi làm không?"
- "Mai em làm ngày cuối rồi nghỉ cho đến mồng 6 ta ."
- "Thế tối mai em không nghỉ được sao ? "
- "Không anh ạ, đêm cuối trong năm nên quản lý không cho nghỉ"
- "Phải chi anh là chủ vũ trường, sẽ cho em nghỉ việc"
- "Sao lại đuổi việc em? "
- "Không phải đuổi, vẫn có lương mà không được làm việc thôi"
- "Anh khéo nói đùa quá đi "
- "Hay tối mai anh đến, em chỉ tiếp anh thôi dược không?, thật sự anh không muốn là khách của em nhưng ....."

Tâm không tìm được chữ để diễn tả ý mình, Như Ý vẫn hiểu và cảm động. Như Ý nhẹ nhàng nói:

- "Vâng, anh đến nhé, anh đến sớm hơn em, để đừng ai gọi trước, em sẽ điện thoại cho quản lý để từ chối người khác đặt. Thôi cho em về nhé Tâm"
- "Ừ em về nhé, tối mai gặp lại".

Buổi trưa Tâm ăn qua loa một tô phở rồi dến nhà mình gặp Trần Diên lấy chìa khóa, Diên đã dọn gần xong cả còn vài thùng để ở mái hiên chờ xe đến lấy . Vấn cũng có mặt ở đó để xem Tâm có cần gì không.

Vợ chồng Diên sau khi nhận tiền nói là còn thăm hàng xóm nhưng muốn nấn ná để xem tình hình. Tâm mở cửa bước vào căn phòng mà ngày xưa là phòng khách của gia đình anh, lắc thử giường và tủ anh nhận thấy chúng mới được lắp lại một cách vụng về còn nệm thì sau khi rạch nát để tìm tòi, Diên thấy không thể để lại được nên cuốn lại mang đi vứt. Cũng là tiện cho Tâm, vì dù phóng khoáng cách mấy cũng khó mà ngủ được trên tấm nệm bẩn thỉu đó, Tâm đặt cái xắc tay có hai bộ quần áo và đồ vệ sinh lên giường, đưa mắt quan sát khắp phòng, đi qua một khung cửa sang garage và từ đó ra vườn sau .

Khi xưa khu vườn sau của nhà Tâm còn rộng hơn đằng trước, nhưng bị xâm chiếm dần dần nên chỉ còn độ 15 thước chiều sâu, giới hạn bởi một hàng rào gỗ che những căn nhà xây chiếm đàng sau . Vì xây lậu chiếm đất nên họ chỉ dám xây một từng, chờ khi được hợp thức hóa sẽ nâng lên. Vì thế mặt sau bị bít lối và ở ngoài không ai ngó vào vườn được.

Cách tường phần nhà Diên sáu, bảy thước là một cây ổi xá lị cành lá xum xuê, Tâm vẫn leo trèo thời nhỏ, mỗi mùa ra trái bố mẹ lại bảo Tâm hái để cho người quen hay bạn bè các con. Cái cây rất sai trái, quả nào cũng to gần bằng trái cam sành, thịt dòn vị thơm, chấm thêm muối ớt chưa cắn đã chảy nước miếng, lá ổi non nghiền ngẫm trong răng cũng thích.Tâm đứng tựa gốc cây ổi cho bớt cái nắng ban trưa, từ chỗ anh đứng có thể thấy được sân gạch mái tôn nhà bên cạnh phần anh đang thuê, mà họ dùng làm bếp hay đúng hơn là chỗ để ba hỏa lò than các cỡ, vài soong chảo treo trên vách và một ít dụng cụ làm vườn. Vì trống trải như thế nên Tâm đoán vườn sau chỉ dành cho hai hộ tầng dưới, không có đường vào cho người ở trên.

Mái tôn nhô ra gần vòm cây làm cản trở một phần tầm nhìn của người tầng trên nhưng từ hai nhà dưới đất thì lại thấy bao quát cả vườn. Nhà bên cạnh có mấy người đang ở ngoài sân trên ghế mây và trên võng, chắc có lẽ đã được Trần Diên cho biết nên họ tò mò ra nhìn anh chàng Việt kiều về lại nhà. Trần Diên mồm dẻo quẹo cứ nói với hàng xóm là thương hại Tâm là con của chủ nhà cũ nên cho ở mấy hôm Tết. Tâm và họ gật đầu chào nhau. Vấn lúc nãy đi mua cho Tâm chiếu, gối và chăn vải mỏng, còn màn thì lấy từ nhà, khệ nệ mang đến rồi ra sau vườn tìm Tâm. Trên đường về nhà Vấn, Tâm dừng lại một quầy hàng mua một số phong bì đỏ đựng tiền lì xì .

Vào đến nhà thấy chị Mai vợ Vấn mặt mày có vẻ không vui, chị gọi con lấy nước rồi xin lỗi Tâm để được nói chuyện với chồng. Tâm ngồi phòng khách hỏi chuyện học hành với bé Phượng. Một lát Vấn trở ra hơi bực bội, Tâm nhìn Vấn nhưng không hỏi, Vấn ngồi xuống ghế, thở dài

- "Cuối năm mà có chuyện bực mình"
- "Chuyện gì thế, kể cho tao biết với!"
- "Con bé người làm ăn cắp tiền của Mai bỏ trốn rồi"
- "Ô, vậy sao? mất nhiều không?"
- "Cũng may là hôm qua Mai lại có chuyện chi tiêu nên mang đi gần hết, chỉ còn hơn 2 triệu. Tiền mất là một chuyện, nhưng không có người tín cẩn giúp việc, dọn dẹp và lo cho bà cụ thì Mai không đi làm được, Tết lại không có người phụ cỗ bàn. Con bé 18 tuổi tưởng hiền lành mà không ngờ"

- "Có chắc là nó không? hay trộm vào còn nó tình cờ đi đâu chưa về? "
- "Chắc rồi, bà cụ ở nhà cả ngày mà trộm nào vào được, ngoài ra. Chứng minh thư nhân dân của nó gửi Mai giữ để làm hộ khẩu, nó cũng mang theo rồi"

Tâm muốn làm dịu không khí nên đùa

- "Vậy là nó bị tên nào dụ dỗ chắc"

Vấn không cười được đăm chiêu suy nghĩ. Chợt một ý tưởng đến trong đầu Tâm:

- "À Vấn còn nhớ vú Bảy nhà tao không? "
- "Có chứ, Tao đến chơi gặp hoài, Minh vẫn hay nhắc đến vú tử tế với nó trong thời gian ăn ở học thi Tú Tài".
- "Vậy thì như thế này đi, từ ngày vú bị Trần Diên buộc phải ra khỏi nhà, đi bán vé số tội lắm. Vú là người rất trung thành và tin cậy được, lại nấu ăn giỏi và cần mẫn, nếu mày nhận thì hay cho cả hai bên mà tao cũng yên tâm về phần vú"
- "Vậy thì quá tốt rồi, bây giờ vú ở đâu, có bắt đầu ngay được không?"
- "Tao nghĩ rằng được, hôm trước mới gặp vú đó, chỉ có điều ... "
- "Điều gì ? "
- "Vú đã 60, chỉ sợ ít lâu rồi đau yếu hay chết. Hay là trường hợp đau yếu hay làm đám ma để tao trang trả chi phí cho nhé"
- "Mày nói thế là coi thường tao đó, nếu người làm khác, ở trong nhà mà xảy ra thì tao cũng phải lo chứ đừng nói gì đến vú"
- "Xin lỗi mày, tao chỉ có ý muốn giúp vú cho tận nghĩa"
- "Chuyện này cũng tốt cho nhà tao đó thôi! Thời buổi này khó tin người lạ lắm"

Vừa vặn Mai bước ra, nghe Vấn nói lại Mai rất vui mừng. Buổi chiều Tâm và Vấn đến nhà vú nói chuyện, Vú Bảy đã biết Vấn từ xưa nên rất cảm động, nước mắt chạy quanh, đồ đạc của vú không có gì đáng mang theo, Tâm nói mai sẽ sắm quần áo khác cho vú ăn Tết rồi gọi Taxi chở Tâm và vú về nhà Vấn. Tâm ra về mà lòng vui sướng, nghĩ chắc bố mẹ hay tin này cũng mừng.

Ngày hôm sau lúc Vấn từ chợ về nhà, Mai đưa một lá thơ từ ngoại quốc, Vấn cầm lấy, nhìn con tem có chữ Canada mà không biết là của ai vì nhà Vấn không có người nào đi di tản hay vượt biên cả, Vấn mở thư ra .

"Ottawa, ngày ...

Xin chào anh Vấn,

hy vọng anh chưa đổi địa chỉ để thư này đến được tay anh. Anh còn nhớ Đông Phố không? Đông Phố "của" anh Doanh đấy .
Anh và gia đình vẫn khỏe chứ, bác cũng lớn tuổi rồi phải không anh ?
Nghe O Liên người làm ngày xưa trong nhà bố mẹ kể có gặp anh Tâm ở Saigon cách đây ít lâu, Phố rất mừng. Hy vọng anh Tâm gặp lại anh, trong trường hợp đó nhờ anh đưa tay hoặc gửi sang cho anh Tâm lá thư kèm theo .
Cám ơn anh và chúc anh cùng gia đình năm mới mọi sự tốt đẹp.

Đông Phố
"

Thấy chồng đọc thư mà đổi sắc mặt, Mai hỏi

- "Thư ai thế anh ?"
- "Đông Phố, trời thật bất ngờ quá "
- "Đông Phố là ai vậy - Mai hơi ghen - người cũ của anh hả ?"
- "Không có đâu, tìm Tâm đó trong khi nó về Vietnam mấy lần mà không hỏi thăm tin tức được!"

Vấn kể vắn tắt cho Mai biết về chuyện Tâm Phố

- "Vậy anh lo đưa cho anh Tâm thư đi, chắc ảnh mừng lắm"

Vấn gọi telefone lên Hotel tìm Tâm nhưng cả ngày không có Tâm ở đó.


Lại một lần thành phố lên đèn đón màn đêm vừa xuống, vũ trường Olympic nằm trên đường Hồng Thập Tự / Nguyễn thị Minh Khai, là một đường lớn của Sài gòn dẫn đến Dinh Độc Lập nay là Dinh Thống Nhất, hai bên vỉa hè thoáng rộng, bao nhiêu là hàng quán buổi tối bày bàn ra ngoài buôn bán tấp nập. Các quán nhậu ở đây đặc biệt là món tiết canh lòng lợn và cháo lòng, cháo huyết. Sức tiêu thụ bia của người dân Saigon thật là khủng khiếp, dĩ nhiên là đối với người có tiền. Đơn vị đặt không phải là chai hay lon mà là thùng hay két. Cứ 3 người trở lên vào quán là đã gọi nguyên thùng 24 lon, còn hai người thì nửa thùng. Ở Âu Mỹ uống 2 chai đã không dám lái xe sợ mất bằng, còn ở Saigon nhiều người, quá say không đi được mà vẫn lái xe hơi hay Honda về. Qua thời gian quá khổ ngày xưa, những người làm ăn được, kiếm tiền được, ăn nhậu thả giàn để bù lại thời bo bo, cơm độn của cả nước.

Tâm đến Olympic khi trời đã tối hoàn toàn, Như Ý chắc có lẽ cũng vưà đến hay đến lâu mà cố ý đợi Tâm ở bên dưới nơi bán vé. Hai người sánh bước lên chung vào vũ trường ở tầng một. Như Ý hôm nay trang điểm nhẹ nhàng hơn mọi lần và đã mặc quần áo đẹp sẵn nên không cần đi trang điểm hay thay quần áo, nếu nàng không phải vào trong chào quản lý để đăng ký mình có mặt thì hai người đã như một đôi bạn đi nhảy với nhau .

Một buổi tối thật đẹp, trò chuyện nhiều hơn là nhảy, Như Ý đòi Tâm kể về đời sống nước ngoài cho nàng nghe. Khi dàn giạc chơi những điệu nhảy cuồng nhiệt Twist, Cha cha cha hay Rock'n'Roll dưới ánh đèn psychedelic chớp giật thì hai người không ra sân, Tâm đưa tiền, yêu cầu các bài "Paris, có gì lạ không em?", "Come back to Sorrento" và "Ngày xưa Hoàng thị"
Trong tiếng nhạc, lời ca êm nhẹ và ánh sáng mờ dịu, nhất là khi điệu Slow, những thân hình sát nhau hơn, gần nhau hơn, những bước chân trở nên nhẹ nhàng, dìu nhau theo cung điệu trữ tình. Tâm cảm thấy xao xuyến khi có lúc hai gò má chạm nhau trong một khoảnh khắc. Như Ý nhiều lúc nhắm mắt lại, tựa đầu vào vai để Tâm dìu bước, không nhớ hay không muốn nhớ nơi đây là vũ trường, nơi làm việc của nàng, mà chỉ nghe lời hát, tiếng đàn rót vào tai, bước chân như đi trên mây thật nhẹ theo thân mình và vòng tay của Tâm đưa đi. Tiếng đập trong lồng ngực hai người, hơi thở ấm qua tai và mùi Davidorff Cool Water ngan ngát là lạ của Tâm làm Như Ý ngây ngất.

...... Đừng mở mắt, lỡ là giấc mơ, đừng buông tay, lỡ người tan mất, đừng tránh đi, hình như môi ấy đang chạm nhẹ vành tai, hơi thở anh nồng ấm vào từ tai chạy khắp thân mình cho người em mềm đi trong cánh tay nâng nhẹ .....

Tiếng nhạc chấm dứt mà hai người vẫn bên nhau lắng đọng trong một lúc mới rời ra để về lại bàn.

Tâm đưa Như Ý rời Olympic khoảng 10 giờ rưỡi đêm, đường đã vắng, không khí không quá nóng bức, hôm nay xe Như Ý hỏng nên lúc nãy nàng đến bằng Taxi, hai người đang trong hương ngọt của tình yêu chớm nụ, lại vừa ra khỏi phòng nhảy ngợp khói thuốc lá nên cảm thấy nhẹ nhàng không muốn đứng đợi xe trước cửa vũ trường, vừa đi dọc theo con đường vừa nói chuyện. Bàn tay Tâm nắm lấy tay Như Ý lúc nào cũng chẳng biết, có thể vì những gần gũi êm đềm trong tiếng nhạc nên họ dạn dĩ hơn. Mải mê bên nhau, bước chân bất giác rẽ vào đường Bùi thị Xuân về hướng nhà thờ Huyện Sĩ, con đường nhiều bóng tối, hai người mất cảnh giác không biết có 3 tên, trong đó là hai thằng bị Vấn đánh gục mấy hôm trước, đang theo mình.




NGÔI NHÀ CŨ Phần 15

Như Ý nói, giọng nhẹ như gió thoảng

- "Đàng kia là nhà thờ Huyện Sĩ đó anh"
- "Anh nhớ"
- "Ngày xưa lúc nhà em ở đường này, em học vỡ lòng với các bà sơ ở đấy".
- "Vậy sao? vậy là em học sau anh cả 10 năm là ít".
- "Anh lại nhận vơ phải không ?" Như Ý khúc khích cười
- "Thật đấy, lúc nhỏ anh ở đường Ngô Tùng Châu cũng gần đây, nên học tới lớp một tiểu học ở nhà thờ mà".
- "Vậy anh có đạo hở"
- "Không có, vì vậy mà mấy bà sơ cưng hơn, chắc muốn anh theo đạo" Tâm cười nói tiếp
- "Còn em thì sao, có đạo và hiền như ma sơ không?"
- "Em cũng là người vô đạo".
- "Vô đạo hay ngoại đạo ?"
- "Tùy anh đấy, À này anh có nhớ hang đá có tượng Đức Mẹ không?"
- "Nhớ chứ, ngày xưa chơi bịt mắt bắt dê anh hay trốn phía sau hang đá, còn vào trong thì không dám. Vậy mà đã ba mươi mấy năm rồi".

Như Ý nghe trong giọng nói của Tâm có chút ngậm ngùi, nàng yên lặng đi bên Tâm, đêm yên tĩnh thỉnh thoảng có một chiếc xe vụt qua .

Đến ngang tầm nhà thờ cả bọn theo rình hai người ào lên, hai thằng chụp hai tay Tâm khóa lại lôi chàng qua cửa hông rào nhà thờ vào sau dậu cây um tùm, một thằng ôm ngang người Như Ý, tay bịt miệng nàng kéo dật lùi vào theo. Bọn chúng ra tay nhanh như chớp nên Tâm không kịp phản ứng, chàng cố vùng vẫy chân đạp mạnh để thoát nhưng hai tên khoá tay rất chặt, tiếng hét cầu cứu vừa thoát ra cổ họng thì một cái giẻ tống vào miệng Tâm. Tâm nhận ra thằng ôm Như Ý lôi vào là tên hôm trước trên sàn nhảy đánh chàng và bị Vấn đá suýt hộc máu. Như Ý vùng vẫy nhưng hắn to lớn nên Như Ý không thoát được. Đôi mắt Như Ý đầy vẻ hãi hùng khiến Tâm lại cố thoát. Một thằng kẹp tay Tâm hét:

- "Đánh chết mẹ nó trước"

rồi đấm vào bụng chàng làm cho Tâm gần như quỵ xuống. Thằng giữ Như Ý quát:

- "Nè khoan hãy làm thịt nó, để nó tỉnh còn coi tụi mình làm con nhỏ này trước, nó mới đau hơn, nè coi đi con!"

Hắn một tay kẹp cổ Như Ý khiến những tiếng cầu cứu của nàng chỉ ú ớ không thoát ra được, tay kia giật tung tà áo trước ngực, lộ trần Như Ý trước mặt Tâm và hai tên kia, cả ba cười sằng sặc rất mọi rợ. Một tên đưa tay xoa ngực Như Ý. Tâm căm phẩn vô cùng vùng vẫy đến nổi hai bả vai gần trặc, quay mặt đi không nhìn Như Ý đang dãy dụa trong kinh hoàng và tuyệt vọng. Một tên bẻ đầu Tâm lại, Tâm cố gắng không để nó nhấn đầu vào ngực Như Ý, gồng cổ ngẩng lên nhìn Như Ý với vẻ tuyệt vọng trong đôi mắt to giờ lại mở to hơn.

Chợt có tiếng còi xe cảnh sát rú lên mỗi lúc một gần, rồi một ánh đèn pha quét ngang, 3 tên côn đồ hoảng sợ, buông hai người ra chạy mất. Thật là may mắn cho Tâm và Như Ý vì xe cảnh sát đó đang làm nhiệm vụ hỏa tốc khác chỉ vô tình quẹo từ đường Võ Tánh quẹo qua rồi đi thẳng mà không biết gì xảy ra sau hàng dậu. Tâm hai vai đau nhừ nhưng vội rút giẻ chèn miệng, đỡ thân hình Như Ý vừa quỵ xuống. Thấy xe cảnh sát chạy qua luôn, Tâm bế Như Ý chạy ra đường, đặt nàng xuống đất, định la cầu cứu, chợt Như Ý gục đầu vào ngực Tâm khóc ngất từng cơn. Tâm thấy đã ra đến ngoài và đầu đường có bóng 1 Taxi nên kéo vạt áo che ngực cho Như Ý, dìu nàng ra ngoài đường dơ tay chận chiếc Taxi lại, Tâm xiết chặt Như Ý:

- "Cố nín đi em, anh đưa em về nhà ngay bây giờ"

Hai người lên Taxi, Tâm nói địa chỉ nhà Như Ý cho người tài xế, Như Ý nằm úp mặt vào lòng Tâm, cắn răng cố nén tiếng khóc nhưng cả người giật theo từng cơn nấc, người tài xế quay lại nhìn, Tâm phải nói:

- "Vợ tôi đau bụng quá"

Đến nơi Tâm dìu Như Ý đến trước cửa nhà, Mẹ của Như Ý hôm nay lại lên nhà người quen chơi như lời Như Ý kể lúc tối, đến chiều mai mới về. Như Ý đưa cho Tâm chìa khóa mở cửa, vào được bên trong nàng ngã quỵ xuống, cơn đau đớn, uất hận, hổ thẹn bùng ra, Như Ý quỳ trên sàn khóc ngất, hai tay bịt mặt không cho Tâm nhìn mình.
Tâm ôm Như Ý vào lòng thì thầm

- "Qua rồi em, chỉ là cơn ác mộng, qua rồi em, nín đi, nín đi".
- "Tâm ơi, trời ơi, sao làm em sống được nữa đây".
- "Em đừng nói vậy, anh hổ thẹn vì không cứu được em, may mà chúng chưa làm gì được em, em khóc anh đau lòng lắm"
- "Em không còn mặt mũi nào nhìn anh nữa, anh về đi, về đi, đừng nhìn em nữa!, đừng gặp em nữa!"
- "Như Ý ơi, cho dù em có hề gì cũng không phải tại em mà, đừng nghĩ vậy mà anh đau lòng lắm. Như Ý ơi ... Như Ý ... nghe anh này ... anh yêu em, tuy mình mới gặp nhau mà ... anh yêu em ... anh yêu em"

Tâm ôm thật chặt Như Ý vào mình, hôn lên tóc. Tiếng khóc của Như Ý nhỏ dần, chỉ còn bờ vai vẫn rung nhẹ trong cái nghẹn ngào nhưng hai tay vẫn bưng lấy mặt. Tâm hôn lên lưng hai bàn tay Như Ý thì thầm:

- "Em đã không sao mà bé, bé có dấu mặt với anh suốt đời được không, anh nói thật, hôm nay mà bé có bề gì đi nữa mà hai đứa còn sống, anh vẫn bên cạnh em, tin anh nhé em"

Người Như Ý lả đi, nàng không quỳ được nữa ngã vào lòng Tâm, nằm xoài trên sàn gạch, bỏ tay ra nhưng dấu mặt vào bụng Tâm, cơn nấc đần đần tắt. Tâm cúi xuống bế Nhú Ý lên đặt vào giường, còn anh quỳ bên cạnh, Như Ý nằm nghiêng mặt hướng ra ngoài, mắt vẫn nhắm nghiền, thỉnh thoảng lại nấc nhẹ, Tâm giữ bàn tay Như Ý trong tay mình đôi lúc lại đưa lên môi hôn. Như Ý nắm chặt tay Tâm nói với giọng đã khản vì cơn khóc:

- "Đừng bỏ em, Tâm nhé"
- "Không đâu Như Ý ơi"

Tâm trả lời, bàn tay Như Ý vẫn giữ trên môị Nét thư thái trở lại đôi chút, Như Ý kéo cái gối che mặt

- "Sao không nhìn anh, sao không cho anh nhìn em"
- "Em không dám nhìn anh"
- "Tại sao ?"
...
- "Tắt đèn di anh, cho em mở mắt ra, cho em nói với anh"

Tâm đứng dậy tắt đèn, rồi nhẹ ngàng ngồi lại trên sàn đá hoa bên giường Như Ý, tay nàng trong bóng tối đưa ra tìm lấy tay Tâm. Không thấy nhau nên Như Ý bớt xấu hổ hơn. Giọng Như Ý lạc đi

- "Tại ... tại anh ... tại anh đã thấy ... người em"

Tâm thì thào vào tai Như Ý

- "Lúc nãy anh không thấy người em, mà anh thấy cái đau của anh, của em và cái xấu xa của con người"
- "Tâm ơi!"
- "Anh bên cạnh em đây!"
- "Anh có hề gì không?"
- "Không em, hơi nhức vai một tí thôi!"
...
- "Tâm ơi!"
- "Ơi em!"
- "Em ... cho đến hôm nay chưa ai ... nhìn thấy người em, anh có tin em không?"
- "Anh tin em, anh mong sẽ là người đầu tiên và duy nhất "
...
- "Em ... không xứng đáng với anh"
- "Vì em làm trong vũ trường phải không?"
...
- "Như Ý ơi, từ ngày mai nếu em còn tiếp tục làm ở đó thì điều đó mới đúng, tất cả gì đến hôm nay đều phải quên em ạ"
- "Vài ngày nữa anh lại đi, còn mình em trong cơn ác mộng này"
- "Hơn tháng nữa anh trở lại, em có bằng lòng theo anh sang Pháp không?"
- "Không có ai bên ấy đợi anh sao?"
- "Không Như Ý ơi, mà bây giờ có người đợi anh bên này nhé"
- "Anh! ..." trong nắm tay xiết nhẹ
- "Gì hở Như Ý!"
- "Em ... sợ "

Tâm nằm lên giường ôm Như Ý vào lòng:

- "Ngủ đi em, ngủ đi, đừng sợ"

Như Ý ngoan ngoãn nằm sát vào Tâm. Qua cơn hiểm nghèo vừa thoát được, sự đau đớn tâm não, sự uất hận, dằn vặt dần dần lui về cho cái mệt mỏi dâng lên. Hai người ôm nhau ngủ đến sáng, trong tiếng nấc nhè nhẹ của Như Ý.





NGÔI NHÀ CŨ Phần 16

Tiếng pháo lẹt đẹt của một buổi sáng 30 tết đánh thức Tâm dậy, nhìn Như Ý nằm bên cạnh mình ngoan như con mèo nhỏ, dù mắt còn sưng vì những cơn khóc ngày hôm qua, vai Tâm vẫn còn đau nhức nhưng không muốn tay rút ra khỏi đầu Như Ý. Giờ đây với Như Ý trong cánh tay, Tâm nhớ lại tình cảnh lúc đó mà cám ơn trời phật đã để cho hai người thoát nạn, đã cùng nhau trải qua sự hiểm nghèo nên Tâm cảm thấy như hai người đã thân thiết với nhau từ lâu lắm rồi, thân thương và quen thuộc đến nỗi lòng thương mến mênh mang đã lấn áp cả sự ham muốn về xác thịt.

Tâm vén nhẹ làn tóc che trên mặt Như Ý vào tai, Như Ý khẽ cựa mình, vẫn ôm chặt lấy Tâm, hơi thở đều đặn. Tâm ngắm người yêu, đầu óc miên man ôn lại từ buổi gặp gỡ đầu tiên đến bây giờ, tình phút từng giờ, để khẳng định lại tình cảm của mình không phải vì thương hại Như Ý gặp tai nạn mà hôm qua thốt lên lời yêu thương và hứa hẹn. Tâm nói nhỏ

- "Như Ý ơi! anh thương em thật đó, em có biết không?"

Tâm nằm bên ngắm mãi Như Ý cho đến lúc ánh nắng lên dần chiếu qua những khe ngang của hai cánh cửa sổ, nhìn đồng hồ đã hơn 8 giờ, Tâm rút thật nhẹ cánh tay ra khỏi đầu Như Ý, đi rửa mặt, tìm giấy bút ghi vội lại những cảm nghĩ trong đầu, xong ra ngoài mua thức ăn sáng.

Như Ý mê man trong giấc ngủ rã rời, thần kinh bị tác động mãnh liệt bởi biến cố kinh hoàng xuýt nữa là mang nỗi bất hạnh lớn lao cho một đời con gái, trong đêm sự mỏi mệt thể xác làm giấc ngủ trở thành mê mải, bản năng tự bảo vệ của thân thể và trong vòng tay ôm chặt nhau như là gửi gắm nương tựa đã dìm xuống được những hình ảnh dữ dội, những cơn ác mộng.

Đến sáng khi thân thể đã hồi phục một phần, thần kinh lại vô thức gọi chúng ra đuổi bắt Như Ý, từng bộ mặt quái quỷ nhơ nhớp ào ra xung quanh nàng, bóng Tâm lãng đãng khi gần khi xa mặc cho Như Ý kêu gọi, một con quỷ chụp được nàng, Như Ý thét lên những lời cầu cứu không âm thanh mà chính mình cũng không nghe được, thấy tay Tâm đang đưa ra đón nhưng chỉ cách một gang tay mà không thể với đến nhau được. Con quỷ xé tung áo nàng trong tiếng cười man rợ, Như Ý gào lên cố ôm lấy Tâm nhưng hụt chân để rơi vào một vực sâu tối đen thăm thẳm. Cánh tay ôm lấy Tâm hẫng vào chỗ không, đập xuống thành giường cùng tiếng hét bật ra được làm Như Ý tỉnh dậy, mồ hôi ướt áo, niềm sợ hãi càng tăng khi thấy Tâm không ở cạnh mình, Như Ý gọi

- "Tâm ơi, anh ơi!"

không có tiếng trả lời, Như Ý hốt hoảng ngồi dậy, một tờ giấy để trên đầu giường rớt xuống nệm.

"Anh đi mua thức ăn sáng, về ngay!"

Như Ý thở phào nhẹ nhõm, cơn shock làm nàng chóng mặt lại nằm xuống nhìn lên trần nhà, nhắm mắt rồi mở ra rồi lại nhắm nghiền mấy lượt, nhìn lại áo mình bật tất cả khuy và rách một bên vai nàng mới biết chắc là chuyện tối qua đã xảy ra thật chứ không phải là ác mộng. Đầu óc quay cuồng nhớ lại lúc hiểm nghèo và những lời Tâm nói đêm qua, nước mắt chợt ứa ra lăn dài xuống gối, nếu không có tờ giấy trong tay chắc Như Ý đã bật khóc thảm thương rồi. Nhìn xuống cái áo rách không che đủ ngực Như Ý chợt đỏ mặt. Bỗng nghe tiếng mở cửa, Như Ý để tờ giấy lại chỗ cũ, nằm nghiêng nhắm mắt như đang ngủ.

Tâm bước nhẹ vào nhà trên tay một ấm cà phê và một túi nhỏ. Chàng xuống bếp tìm một cái khay, bày 2 cái bánh giò lên dĩa và rót hai tách cà phê còn bốc hơi tỏa mùi thơm dịu. Như Ý nín thở lắng nghe từng cử động của Tâm, mùi cà phê càng làm nàng cảm động, nghe tiếng chân Tâm đến giường, giọng nhẹ nhàng:

- "Bé xinh ơi, dậy không em?"

rồi một bàn tay vén tóc mai nàng qua, Như Ý cầm lấy bàn tay Tâm, áp vào má, giữ yên rồi đưa lên miệng, dụi mãi bờ môi trong lòng bàn tay ấm ấy mà vẫn không mở mắt. Tâm cảm thấy đôi môi mềm mại dụi vào tay mà ngơ ngẩn, quỳ xuống hôn nhẹ lên mắt người yêu thì thầm:

- "dậy nhé em"

Như Ý mở mắt ra thật gần với khuôn mặt Tâm, quầng mắt vẫn còn sưng còn đỏ nhưng đã có thần sắc trở lại và ánh lên một niềm tin yêu trao gửi, Tâm bưng cái khay trên một ghế đẩu lại đầu giường, đỡ cho Như Ý ngồi dậy, gaì chéo hai vạt áo rất tự nhiên, mang khay lên trước mặt Như Ý và nói

- "Quà sáng cho em đây"

Bên cạnh diã bánh giò là một tờ giấy xếp tư, Như Ý hồi hộp cầm hỏi:

- "Giấy gì thế anh?"

Tâm chỉ mỉm cười không nói, đặt khay về lại ghế đẩu, cầm dĩa bánh, xúc một miếng đút cho Như Ý, Như Ý cảm động, mắt nhìn Tâm chứa chan, nhớ lại tờ giấy nàng vừa ăn vừa mở ra xem


"Em nằm nghiêng dáng thiên thần
Tóc mây che phủ một phần vai thon
Sương mai còn đọng cỏ non
Ngoài kia chim hót véo von gọi đàn

Anh quỳ xuống thật dịu dàng
Bên giường nghe lắng tơ vàng yêu thương
Trong hơi thở nhẹ mùi hương
Dường như nho táo trộn đường hạnh nhân

Trên khay các món điểm tâm
Anh mang đến tận giường nâng cho ngươì
Cà phê tỏa nhẹ làn hơi
Thức em bằng nụ hôn môi nhẹ nhàng

Vuốt êm mái tóc mây ngàn
Em vưà tỉnh giấc mơ màng phải không
Mơ gì hở bé má hồng
Có cho anh được vào trong mộng đơì

Bé nghe bé nở nụ cươì
Anh trong giấc ngủ là ngươì em thương
Cho em nồng ấm yêu đương
Cùng em đến chốn thiên dường ái ân

Vơí bao chiều chuộng ân cần
Xin trơì mãi được ở gần bên anh .
"


Bài thơ lôi cuốn Như Ý đến nỗi thức ăn Tâm đưa đến miệng, há ra đón nhận một cách vô thức như một đứa bé mải chơi được bón ăn mà mắt không rời tờ giấy. Đọc hết bài thơ, Như Ý ngước lên bắt gặp ánh mắt dịu dàng của Tâm đang nhìn mình. Như Ý nuốt hết miếng bánh, mỉm cười:

- "Cám ơn anh, anh làm lúc nào thế ?"
- "Sáng nay, lúc ngắm em đang ngủ"
- "Anh làm em nhớ đến Doctor Shivago, ông ta cũng làm thơ vì người yêu ngon giấc"
- "Và em là Lara của anh"
...
- "Thôi em ăn đủ rồi, anh ăn đi"
- "Vậy em uống cà phê đi nhé"
- "Dạ"
...
- "Lúc nãy chợt thức không có anh, em sợ lắm"
- "Anh mong lúc nào cũng ở bên cạnh em"
- "Ăn Tết với em nhé"
- "Mai anh đến, mừng tuổi cho em, qua năm mới, em đừng nhớ đến chuyện hôm qua nữa nhé em, bây giờ anh phải đi đây, bé ở nhà cho khỏe, đừng nghĩ quẩn, đừng đi đâu nhé em"

Như Ý không buông tay ra, nhìn Tâm rưng rưng muốn khóc, tay ngập ngừng như muốn kéo Tâm vào, Tâm ngồi sát vào giường ôm lấy Như Ý vào người, nước mắt Như Ý chảy ra thấm vào vai áo Tâm, Tâm phải chống cự lại với khát khao được hôn trên gương mặt nhạt nhòa. Chàng nhớ lại những việc còn phải thực hiện sợ thất bại, sau này không trở lại với Như Ý được thì chỉ làm nàng khổ thêm. Phải vỗ về mãi Như Ý mới chịu cho Tâm đi, sau khi Tâm hứa ngày mai đến sớm .

Rời nhà Như Ý đã 10 giờ mà Tâm còn rất nhiều việc phải làm trong ngày, bắt đầu trưa chiều nay là mọi nơi, mọi chỗ đều đóng cửa ăn Tết ít nhất là đến mồng 4. Buổi chiều Tâm về nhà mang theo một túi vải to tướng. Trong hai hôm kia Tâm đã có làm quen với các người trong nhà, thăm hỏi xã giao và đem những túi kẹo Gummibear, các chú gấu đủ mầu mềm dẻo thơm ngọt làm quà, nên những ánh mắt nhìn đã có thiện cảm hơn, và hôm qua Tâm đã ngủ lại nơi đó, nằm trên chiếu trải trên giường, nghe những bóng hình quá khứ trong ngôi nhà thân yêu, từng nét mặt người, từng sự kiện hiện về như một cuốn phim quay lại.

Tâm không biết hôm qua Trần Diên đến, lấy cớ thăm hàng xóm, hỏi chuyện về Tâm nhưng không lấy được tin tức gì quan trọng. Hắn đi vòng trong vườn quan sát xem có gì khác lạ, rồi lén vào phòng Tâm, lục cả túi xách, chỉ thấy hai bộ quần áo cùng các thứ lặt vặt. Tâm vẫn giữ phòng ở khách sạn, để vali và về nghỉ ngơi những lúc trong ngày cho mát. Nằm ngủ ở đây dù là nhà cũ của mình nhưng rất thiếu tiện nghi và căn phòng làm quán nên mùi hôi đủ loại vẫn còn nồng lên trong ban đêm, nhưng ban ngày Tâm đã đi nhiều mà tối lại không về ngủ thì sợ Trần Diên nghi ngờ.

Mở túi vải Tâm lôi ra một tấm khăn trải giường lớn, trải lên trên chiếu phẳng phiu, còn vật thứ hai mà cả sáng nay chàng đi mãi mới mua được không để lại đây được, Tâm đành phải cho vào túi xách mang theo. Chuẩn bị xong một bó phong bì đựng tiền lì xì Tâm gọi xe đến nhà Vấn vì Vấn có mời lại nhà ăn cơm tối và cùng chung đón giao thừa.

Trên đường phố đã thưa người, dân chúng lo về nhà chuẩn bị cúng bái ngày cuối năm, chợ búa đóng cửa từ trưa chỉ còn khu chợ hoa, số hoa chưa hết, hạ giá rẻ bán tống bán tháo, nhà nghèo chờ đến hôm nay mới đi sắm hoa chưng Tết.

- "Chú Tâm, chú Tâm đến bố mẹ ơi"

tiếng trẻ con mừng rỡ khi thấy bóng Tâm từ xa lại. Nhà Vấn cũng theo thông lệ được quét vôi mới, một chậu mai để giữa nhà, trên bàn thờ hoa quả, bánh chưng bày biện tươm tất, tiếng nhạc xuân vang vang làm không khí rộn rã, tiếng người làm bếp gọi nhau dưới nhà. Vấn đón Tâm vào nhà mặt mày tươi tỉnh cười cười nói:

- "Ngồi xuống cho vững đi, tao có quà Tết cho mày đây!"
- "Thôi tao có nhà cửa gì đâu mà quà cáp, mang theo chỉ nặng thêm"
- "À món này nhẹ mà nặng lắm, mà đúng ra không phải của tao, ở ngoại quốc gửi về"
- "Gớm rào đón nhiều thế, cái gì đấy?"
- "Mày vậy là năm mới hên lắm đó, coi cái này trước khi nhận quà đi " .

Vấn cười, đưa ra hai phong bì, rồi dấu thơ của Tâm ra đàng sau lưng, chỉ đưa cho Tâm cái thư Đông Phố viết cho mình. Tâm mới đọc hai hàng đầu đã bàng hoàng bật gọi
"Trời ơi! Đông Phố "

- co`n tiếp -

Phạm Doanh

Phạm Doanh