NGÔI NHÀ CŨ Phần 17-24

Phạm Doanh

 

NGÔI NHÀ CŨ Phần 17

Tâm đọc hết bức thư thứ nhất, tay run lật bật phải buông tờ giấy, hai tay vuốt mặt ra tới sau gáy vài lần để trấn tĩnh. Vấn gật đầu, đưa cho Tâm cái thư thứ hai

- Phải rồi, Đông Phố đó, lúc tao nhận thư, tao cũng giật mình, không ngờ Phố lại còn giữ địa chỉ của tao .

Tâm cầm phong bì thư, cầm tay Vấn đứng dậy

- Cám ơn Vấn lắm, nhờ mày mà tao liên lạc lại được Đông Phố. Xin lỗi mày và gia đình nhé tao muốn về hotel để đọc lá thư này cho yên tĩnh.

Vấn phản đối

- Ồ mà đến giờ cơm ngay rồi đây này, cả nhà và vợ chồng mấy đứa em cũng tụ họp ở đây để gặp mày đó, về hotel biết khi nào mới quay lại rồi còn đón giao thừa chung nữa.
- Tao ngại đọc ở đây xong không kềm chế được xúc động của mình.
- Thôi vào phòng ngủ tụi tao đóng cửa lại mà đọc, không ai vào đâu .

Tâm cầm lá thư trên tay mà bối rối, về thì phụ lòng mọi người tiếp đón mình, mà đọc ở đây dù trong phòng nhưng cũng rất đông người ở ngoài, cả người nhà và khách khứa nếu lỡ giao động tâm hồn thì ở lì bên trong cũng dở mà ra ngoài cũng dở. Cuối cùng Tâm quyết định:

- Thôi vậy để đón giao thừa xong, về lại hotel tao sẽ đọc.

Tâm cất lá thư vào túi áo, Vấn cười nói

- Sao mà nhịn giỏi thế.

Vừa lúc đó các em và khách của Vấn lục đục đến. Ai cũng hỏi thăm Tâm vì nghe Vấn nói về anh rất nhiềụ Tâm cố giữ vẻ bình thản để tiếp chuyện mà trong lòng như lửa đốt, thỉnh thoảng lại để tay lên túi áo như sợ lá thư biến đi. Cỗ bàn nấu rất ngon có các món đặc sản Đà Nẵng do bên đằng vợ Vấn mang lên, mà Tâm không có đầu óc nào để thưởng thức, chỉ ăn để mọi người khỏi phải mời mọc nhiều mà không thấy ngon miệng lắm. Như để trấn tĩnh tâm hồn giao động bất giác Tâm uống bia nhiều hơn bình thường theo cái tiếng "dzô" trên bàn.

Bữa tiệc kéo dài đến 10 giờ rưỡi tối. Ăn xong mọi người vặn Karaoke lên hát chờ giao thừa, trong nhà chỉ còn gia đình Vấn và các em còn khách về nhà chuẩn bị đón năm mới.
Trong không khí đông đảo đoàn tụ đó, Tâm dù rất nóng ruột cũng phải tự kềm chế mình để hoà đồng với mọi người. Lần đầu tiên hát Karaoke vì không chối từ được, giọng ca nghiệp dư của Tâm cất lên chẳng ăn nhập gì với nhạc đệm làm mọi người cười vang nhà, một phần vì Tâm không nhớ lời bài hát cứ phải chờ đọc theo chữ xuất hiện trên màn ảnh TiVi , nhất là trẻ con hàng xóm không cần nể nang cứ lăn ra đất mà cười. Tâm gồng mình hát được nửa bài rồi chịu thua, trả lại micro cho người khác hát tiếp.

Càng gần giao thừa tiếng pháo lẻ tẻ càng nhiều do lũ con nít ddốt trước, Vấn năm nay cũng chuẩn bị 3 thước pháo. Và rồi cùng với tiếng chuông nhà thờ, chuông chùa, chuông trong đài truyền hình được vặn hết cỡ, khắp Saigon cùng đốt một lượt, tiếng pháo nổ ầm vang khắp nơi, người người đều đốt, nhà nhà đều đốt. Vì có tin đồn một hai năm nữa chính phủ sẽ cấm đốt pháo nên mọi người càng mua nhiều để đốt cho thỏa. Nhà đối điện với Vấn của anh Công An khu vực đốt nhiều đến nổi lửa bén vào lá cờ to nhất xóm cháy như đuốc. Anh chàng dập lửa xong, mặt mũi tiu nghỉu, mọi người trong khu vực đứng coi cười thỏa thuê, chắc anh Công an ngày mai phải chạy đôn đáo kiếm lại lá cờ nếu không là phạm kỷ luật nhà nước.

Tiếng pháo và sự hồ hỡi trên nét mặt của người chung quanh làm Tâm vui lại. Đốt hết 3 thước pháo Vấn mời Tâm vào xông nhà. Cảm vì lòng mến bạn của Vấn Tâm lại phải ngồi nán lại nửa giờ sau khi chúc mừng mọi người và phân phát tiền lì xì. Phong bì lì xì của Tâm mỏng dính không dầy như của những người khác, Tâm để đô la cho nó nhẹ .

Không muốn cho Vấn phải đưa mình về vì gia đình còn đi lễ, Tâm mượn Honda tự lái về khách sạn. Hơn một giờ mà vẫn tạch đùng tiếng pháo lẻ, mùi thuốc pháo vương vương khắp đường phố, chùa Xá Lợi đường Bà Huyện Thanh Quan dầy đặc người đi hái lộc đầu năm còn trong chùa thì không có chỗ mà chen.



..... Một giao thừa xa xôi thuở trước, Tâm theo người con gái thành tâm vào chùa lễ phật. Tâm hỏi nàng

- Đông Phố muốn cầu nguyện điều gì?
- Em không nói cho Tâm biết đâu .
- Cho anh biết để anh cầu chung với, hai người cùng xin một việc thì phật sẽ dễ cho hơn chứ.
- Tâm phải biết em muốn xin gì chứ! Tâm xin chung với em đi.

Làn khói của trầm hương bay mờ ảo như màn sương, người ta đốt thật nhiều như cho rằng cứ đốt nhiều là được nhiều phúc, có người đốt cả bó to bằng hai bàn tay chụm lại làm các vị sư trong chùa phải dùng máy phóng thanh mà yêu cầu đừng đốt nhiều như thế nhưng sự mê tín vẫn nặng hơn lời nói của thầy.

Đông Phố quỳ xuống lộ hai gót sen trắng hồng làm Tâm thấy bồi hồi, quỳ theo nhưng về phía đàng sau, mải mê ngắm chứ có biết khấn nguyện gì. Con trai tuổi 18 chưa có lòng tín ngưỡng, chỉ chiều theo người yêu mà vào, còn Đông Phố nét mặt rất thành tâm, lâm râm khấn, rồi gõ vào cái mõ vài tiếng mới chịu đứng dậỵ

- Tâm hư lắm, sao lại quỳ đằng sau em, lần sau em không chịu đâu .
- Phố tha cho anh, tại anh chưa thấy lòng bàn chân Phố bao giờ.
- Tâm này! à Tâm có cầu gì không?
- Có Phố ơi .
- Xin gì? nói cho em nghe với .
- Cầu cho mình ra cửa vẫn tìm lại được giầy dép
- Trời, Tâm ... anh ... đùa quá đi tội chết.

Đông Phố đấm vào vai Tâm thình thịch.

- Không chơi với Tâm nữa đâu
.....

Một tiếng còi cảnh sát ré lên làm Tâm giật mình về lại hiện tại. Một người cảnh sát giao thông từ lề bước ra chận xe Tâm lại, ngoắc vào bên trong.

- Anh có biết anh vừa vượt đèn đỏ không?
- Thưa không, tôi nhớ lúc đó vừa vàng mà, vả lại con đường ngang thật vắng.
- Tôi thấy đỏ là đỏ, anh không được cãi lại .

Tâm nghĩ thầm, điệu này lại kiếm tiền tiêu tết đây, để cho qua dù biết chắc là không phải mình vượt đèn đỏ.

- Vâng thế thì tôi phải đóng phạt bao nhiêu ạ.
- Yêu cầu anh cho coi giấy tờ và giấy xe .

Tâm tái mặt vì xe mượn đâu có cầm giấy tờ theo, người cảnh sát nghe nói xe mượn lại càng làm tới đòi bắt Tâm về bót để điều tra xem có phải xe ăn trộm không. Tâm phải nhỏ nhẹ

- Thưa anh, tôi đã bằng lòng đóng phạt, hay cho tôi đóng thêm tiền vì để quên giấy xe ở nhà vậy.

Người cảnh sát chợt chỉ vào sắc tay của anh hỏi:

- Anh mang cái gì đi đường thế này, đưa tôi khám coi ?

Tâm cực chẳng đã phải đưa ra, người cảnh sát mở túi ra xem, càng được thể

- Đêm giao thừa mà anh mang vật này theo làm gì đây, có gian ý phải không?
- Tôi mới mua lúc trưa định mang theo về Pháp làm quà, nhưng vì lại nhà người bạn ăn tối và đón giao thừa nên không kịp mang về khách sạn cất đấy thôi.

Tâm phải rút passport và giấy đăng ký ở hotel ra đưa cho anh ta xem để chứng minh mình là việt kiều và kèm vào đó tờ 10USD. Thế rồi cũng xong. Tâm lên xe đi tiếp mà vừa bực vừa lo, nhưng anh lại nghĩ người đó là cảnh sát giao thông chắc không để ý nhiều mà tường trình lại cho công an về món vật thấy trong túi xách của mình đâu .

Về lại đến khách sạn, cái ngà ngà của những chai bia lúc tối đã biến mất trên đường gió mát nhất là sau khi bị cảnh sát hỏi chuyện khó dễ. Tâm bồi hồi lấy lá thư ra xem

"Ottawa, ngày ...

Tâm thương mến,

Nếu Tâm nhận được thư này thì em thật là cám ơn trời phật. Bao lâu rồi mình không gặp nhau Tâm nhỉ. Không biết bây giờ anh ra sao? Mong anh vẫn khỏe mạnh.
O Liên viết thư sang nói Tâm về nhà tìm em - O có thấy anh mà không kịp nói chuyện - em rất cảm động. Tâm vẫn còn nhớ đến em sao?

Chuyện ngày xưa như một cơn mơ phải không Tâm, thoáng thế mà bây giờ hai đứa đều sắp 40, vẫn nghìn trùng xa cách, có điều đều ở nước ngoài ....
Cuộc đời mỗi người theo một cơn gió cuốn đi, Anh Hân chồng em chết trong khi đi học tập cải tạo. Em sang Canada được 6 năm rồi, từ đó đến giờ vẫn thế, một mình cũng đã quen rồi, đời sống vật chất thì tạm ổn định, còn tinh thần thì ... thôi thư đầu cho em khất chuyện này nhé.

Còn anh thì thế nào, anh vẫn bên Pháp hay đã sang nước khác, khi viết thư này em chợt nghĩ biết đâu anh sang Mỹ, Canada hay ở ngay Ottawa này ? nhưng Tâm ơi, chắc không có tình cờ nào ảo diệu như thế đâu phải không anh?

Em không thể diễn tả hết trong thư những xáo động trong lòng em khi biết Tâm vẫn tìm em.
Tâm ơi, em băn khoăn rất nhiều khi viết cho Tâm. Chuyện mình vui ít hơn buồn. Nửa không muốn làm xáo dộng đời sống anh nếu anh đã có gia đình, nhưng ngược lại nếu anh vẫn còn nhớ em vẫn đi tìm mà em không cho Tâm biết em ở đâu thì bứt rứt lắm.
Thư không cạn lòng, gửi anh địa chỉ và số điện thoại. Trong trường hợp Tâm đã có đời sống lứa đôi êm đềm, em xin chúc mừng cho Tâm và mong Tâm quên hẳn em đi, còn không ...

Chúc anh trong năm mới được mọi điều tốt đẹp nhất.

Đông Phố
"


Tâm đọc lá thư mà từng lời nghe như Đông Phố ngồi bên cạnh nói với mình, hai giọt nước mắt lăn trên má Tâm nhỏ xuống tờ giấy, Tâm nằm vật xuống giường cắn chặt gối để ngăn tiếng khóc của mình.
Thật là một sự đùa giỡn oái ăm của ông trời, bao nhiêu năm thương nhớ tìm kiếm, đến lúc tuyệt vọng lại nhận được tin. Đông Phố vẫn ở một mình, vẫn còn tình cảm năm xưa và bây giờ hai đứa đều ở ngoại quốc và đã lớn không còn sợ ràng buộc vì quan hệ họ hàng. Đông Phố ơi, tại sao thư này không đến sớm vài hôm hay tại sao đừng xảy ra chuyện tai nạn hiểm nghèo cho Tâm và Như Ý để tình anh vừa trao gởi cho người con gái đó.
Đầu óc Tâm như điên lên được, hình ảnh hai người anh thương mến dằng xé nội tâm, Tâm đấm mạnh vào tường trong cơn đau hận.

- Như Ý ơi, Đông Phố ơi, anh phải làm sao bây giờ?

Tâm cuồng lên, quăng gối quăng giỏ chỉ muốn chạy ào ra đường gây chiến với cả loài người. Nếu bây giờ mà 3 tên hôm trước gặp Tâm chắc là có cuộc quyết đấu sinh tử. Hai bàn tay bưng lấy mặt Tâm quỵ xuống sàn nhà, gục đầu lên nệm, nước mắt nhỏ qua kẽ tay xuống cả giường. Ngoài trời tiếng pháo lẹt đẹt như tiếng súng năm xưa, khi Tâm và Đông Phố gặp nhau lần cuối .


 

NGÔI NHÀ CŨ Phần 18

Tiếng con nít chạy đuổi nhau, hò hét ầm ầm làm Đông Phố thấy chóng mặt, mấy hôm không ngủ được lại càng làm cho nàng mệt trong người, ăn món gì cũng khong thấy ngon nhưng phải gắng gượng dể làm vui lòng Phong. Phong là con trai duy nhất trong gia đình nên cũng như năm ngoái phải có mặt trong bữa tiệc đón giao thừa trong nhà. Bốn cô em gái đều lập gia đình, ai cũng 3,4 đứa con, phần lớn là cùng lứa tuổi tiểu học nên tụ lại là phá như giặc. Nhiều khi Đông Phố cũng thèm một đứa con dể nâng niu, nàng tự hỏi không biết khi mình nuôi con có để chúng khó dạy như những đứa cháu Phong không. Bố mẹ Phong chưa có cháu đích tôn nên hay thúc dục Phong lấy vợ, còn các cô em của Phong có ý ghen tức với Đông Phố, không biết có phải vì nhan sắc của họ dưới trung bình và chồng họ dù học xong đại học cả nhưng không ai là bác sĩ và kiếm nhiều tiền như Phong không ?

Lúc chiều khi Phong đến đón nàng đưa về nhà, Đông Phố hơi mệt nên vào phòng ngủ dành cho khách nghỉ một chút. Vừa lúc nàng thấy bớt, đi xuống bếp để coi có việc gì làm không, đến chân cầu thang gần bếp nàng thoáng nghe Vân em út Phong nói

- Coi bà chị dâu tương lai tôi ngoan không, đến nhà là nằm ườn ra cho người khác hầu.

Thúy, chị Vân, cũng hùa theo

- Người ta đẹp đẽ như vậy mà đụng đến móng tay sao, anh Phong nhà mình sau này tha hồ mà làm nội trợ nhé.

Liên chị lớn đang cười cùng hai em, chợt thấy bóng Đông Phố xuống nhà bèn suỵt hai đứa để im lại . Đông Phố bước vào bếp:

- Chị muốn phụ một tay, chỉ cho chị làm gì đi .

Liên giả lả, trong khi hai cô kia làm như không thấy Đông Phố,:

- Chị Đông Phố cứ ở trên nhà chơi đi, chị là khách mà .
- Vẫn coi chị là khách sao ?
- Ấy chết, em lỡ lời thôi, nhưng chẳng có gì cho chị làm cả.

Đông Phố thấy không khí nặng nề nên cũng không nán lại, chỉ nói:

- Thôi thì chị mang bó hoa nằm đằng kia ra cắm trong phòng khách và phòng ăn nhé.

Liên nói thật khéo

- Vâng, nhờ tay chị một tí .

Trong bữa ăn thịnh soạn, nhưng đa số là các món đặt nhà hàng chỉ có Phong ngồi cạnh là săn sóc nói chuyện với Đông Phố, còn mấy người đàn bà nói chuyện với nhà như sáo nhưng vẫn thỉnh thoảng lườm chồng khi thấy họ nhìn hay nói với Đông Phố làm họ cũng không dám tiếp chuyện với nàng.

Mẹ Phong ngồi đối diện Phong hỏi:

- Khi nào các con định làm đám hỏi, khi nào làm đám cướỉ

Phong đưa mắt nhìn Đông Phố, Đông Phố nhìn xuống bàn không nói. Phong ngập ngừng:

- Thưa mẹ, chúng con lớn rồi nên đám hỏi và cưới chắc làm chung một lần.
- Vậy thì khi nào? Mẹ Phong hỏi lại .

Phong lại đưa mắt nhìn Đông Phố trong lúc các cô em đưa mắt nhìn nhau; Phong nói

- Chúng con cũng chưa tính mẹ ạ .

Vân chanh chua chen vào

- Chắc anh Phong muốn tính lắm rồi nhưng có người còn treo giá đó thôi.

Thúy lẩm bẩm trong miệng nhưng cũng đủ cho mọi người nghe:

- Gớm , bốn bó rồi mà treo mãi .

Phong chau mày nhìn hai cô em, tỏ ý không bằng lòng còn hai ông chồng đưa mắt với nhau và lắc đầu rất nhẹ, nhưng mấy cô vẫn trơ trẽn cười nói .
Đông Phố nghe miếng đậu hũ vừa nuốt hình như kẹt lại trong cổ họng, nàng phải cố nuốt mạnh và uống một hớp nước cho trôi. Chợt thằng bé Coco con của Vân từ đâu đến nắm tay áo nàng giật mạnh làm đổ súp ra bàn và bàn tay nàng cầm thìa rơi xuống trúng đầu thằng bé. Nó khóc thét lên làm Vân thất thanh rú lên một cách rất kịch:

- Ôi chết con tôi rồi

chạy đến bế nó, vừa dỗ vừa đay nghiến

- Người đâu mà ác, đánh con nít bằng thìa, hèn chi chẳng đẻ đái gì đuợc.

Cả bàn im re, không ai phản ứng, Tiến chồng Vân ngượng quá, kéo Vân và thằng bé vào phòng trong.

Đông Phố lặng người đi một lát rồi đứng lên:

- Con xin phép hai bác. Anh Phong đưa Đông Phố về đi .

Phong định giữ Đông Phố lại nhưng ông bố thấy tình thế khó cứu vãn trong ngày hôm nay, nhìn Phong gật đầu ra hiệu:

- Con đừng chấp em nó, nó xót con nên nói bậy. Phong đưa Phố về rồi quay lại đón giao thừa và cúng ông bà nhé.

Đông Phố chào mọi người rồi ra xe với Phong. Trên suốt đoạn đường về nhà nàng, Phong cố gắng nói để Đông Phố đừng giận. Đông Phố chỉ im lặng nghe. Đến nhà Phong mở cửa xe cho nàng xuống , nàng nói mà không nhìn Phong:

- Anh để cho Đông Phố một mình mấy ngày nhé, Phố sẽ gọi anh khi nào Phố tìm lại quân bình đầu óc.

Phố vào nhà, Phong còn đứng ngần ngừ một vài phút rồi lên xe, vẻ mặt đầy dấu hỏi và dấu than.

Đông Phố thay quần áo, rồi ngồi thừ trước bàn phấn, câu nói độc địa của cô bà cô, em gái Phong, làm Đông Phố đau xót. Thời gian mấy năm với người chồng đầu tiên nàng không có thai mặc dù từ khi cưới đã không ngừa gì cả, nhưng lúc đó nàng chưa quá 25 nên không cho đó là điều đáng lo, nhưng từ khi biết Phong muốn xây dựng với mình, Đông Phố đã đi khám bác sĩ và họ cho biết là khả năng có con của nàng rất ít dù không phải là không thể được. Nhưng càng quá 40 thì càng ít hy vọng. Nàng đã cho Phong biết điều này, Phong vì quá say mê nàng nên đưa ra mọi khả năng mà y khoa có thể làm được như thụ thai trong ống "in vitro" vân vân.

Đông Phố nghĩ với Phong có thể vài năm đầu Phong sẽ thấy hạnh phúc nhưng liệu hôn nhân đó có bền không nếu nàng không sinh nở được. Đông Phố cảm thấy những người đàn ông yêu nàng đều khổ, chồng nàng chết sau vài năm lấy nhau, dù bất hạnh của hai người nằm trong bất hạnh của cả nước nhưng ngay cả người được Đông Phố yêu thương tha thiết là Tâm chắc cũng không có hạnh phúc, trừ vài năm ngắn ngủi bên nhau trong tình yêu áo trắng.

Lần cuối gặp nhau, Tâm vì tôn trọng hoàn cảnh nàng đã có chồng và người chồng đang kẹt trong vòng lửa đạn nên không nói nhiều về Tâm cho Đông Phố nghe, nhưng hai người đã có những tình cảm ngút ngàn với nhau nên chỉ vài câu nói và gương mặt, ánh mắt chứa niềm tuyệt vọng của Tâm cho Đông Phố biết là cho đến lúc đó Tâm vẫn yêu nàng tha thiết và vẫn đau khổ vì mối tình đầu trong trắng tuổi học trò, mối tình dang dở vì quan hệ họ hàng.

Hôm nói chuyện với mẹ từ Mỹ sang, Đông Phố có nói đến việc O Liên, người làm cũ, viết thư cho biết Tâm tìm đến nhà mình ở Sàigòn. Nàng cũng nói về tâm tình của mình đối với Tâm, bà mẹ lúc đầu theo phản ứng tự nhiên như ngày xưa, không muốn Đông Phố gặp lại người anh họ xa này, bà cũng khuyên con nên nhận lời cầu hôn của Phong cho mau.
Đông Phố ôm mặt khóc mãi làm bà cuối cùng chép miệng:

- Đúng ra mẹ cũng thương thằng Tâm và biết hai đứa thương nhau lắm. Dù vậy ngày xưa con về với nhà chồng vẫn trọn tình trọn nghĩa. Nay hoàn cảnh lại có thể cho hai đứa tái hợp thì mẹ cũng chẳng khó khăn làm gì. Hai đứa cũng gần 40 rồi, vả lại bên này chẳng có họ hàng nào dèm pha cả, mỗi người có đời sống riêng. Hai con có họ xa 3,4 đời nên có lấy nhau cũng không sao. Ngày xưa mẹ ngăn cản vì mình sống ở Vietnam trong hoàn cảnh khác, còn bây giờ miễn là hai đứa có hạnh phúc. Mẹ chỉ ngại Tâm đã có gia đình rồi. Con hãy từ từ mà tìm hiểu thêm, đừng chen vào gia đình người ta.

Đông Phố nhìn mình trong gương, tự hỏi gặp lại Tâm thì sẽ như thế nào. Cũng như đối với Tâm, tình yêu của hai người là mối tình đầu thật trong sáng. Bình thường thì đàn ông con trai ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ, muốn là người đàn ông đầu tiên trong đời của người mình yêu. Trước khi đám cưới Đông Phố đã định liều, định cho Tâm tất cả rồi ra sao cũng được. Nàng còn trong trắng khi lấy chồng là Tâm đã giữ cho nàng.

Đông Phố lớn hơn Tâm một tuổi nên khi gặp nhau, nàng đã là một thiếu nữ 17, đã có bao người theo đuổi, toàn là sinh viên Dược, Y trong đó có chồng nàng. Lúc đó Đông Phố tưởng là đã yêu Hân, nhưng sau này gặp Tâm mới biết đó chỉ là những cảm giác sung sướng, hãnh diện vì có người theo đuổi chiều chuộng, làm thỏa mãn niềm tự cao của một người con gái xinh đẹp .

Trong thời gian đầu quen nhau nàng coi Tâm như em, nhưng lại rất thích khuôn mặt sáng đẹp và cái tính ngang ngang của người con trai mới lớn, và đầu óc mơ mộng làm cách mạng đổi đời. Rồi tình yêu đến lúc nào không biết chỉ biết mỗi tuần phải gặp nhau vài lần không thì không chịu được, rồi chứng tích của cuộc tình là nụ hôn ngây ngất trong hầm cát chống đạn pháo kích. Càng ngày Tâm càng thành người lớn và Đông Phố cảm thấy mình ngưng trưởng thành để đợi Tâm.

Chuyện hai gia đình can thiệp vào để tách rời hai đứa rồi cũng thành công. Trước khi Tâm đi du học Đông Phố lại nhà dở valise Tâm ra để xếp lại từng chiếc áo, chiếc khăn mà nước mắt không cầm được chan hòa trên má nhỏ xuống quần áo Tâm.

Phần Hân vẫn kiên tâm dù nàng đã gần như quên anh. Sau khi Tâm đi, Đông Phố đã bao lần viết thư mà không có hồi âm, do gia đình khuyên bảo và sự đưa đón chiều chuộng của Hân, cuối cùng Đông Phố thuận lấy Hân khi Hân ra trường.

Tiếng chuông đồng hồ nửa đêm kéo Đông Phố trở về hiện tại "Tâm ơi, Tâm ơi" Đông Phố gọi nhỏ.


NGÔI NHÀ CŨ Phần 19

Ở trong phòng không chịu nổi Tâm ra ngoài balcon ngồi nhìn thành phố chìm trong giấc ngủ. Thế rồi là một đêm giao thừa chờ sáng, cả nửa gói thuốc gần hết. Tâm không biết phải làm thế nào trong tình huống bất ngờ này. Một bên là mối tình đầu đời mang nhiều xót xa vẫn hoài niệm trong tim như vết hằn trên tượng đá, một bên là sự thương yêu vừa có được trong tay sau khi đã chấp nhận điều mình mong đợi, tìm kiếm bao năm nay là ảo vọng. Mười lăm năm không gặp nhau, không biết bây giờ em ra sao hở Đông Phố?

Cùng lúc hình ảnh Như Ý lại hiện ra trước mắt Tâm, không bao giờ Tâm có thể quên dược ánh mắt lúc tuyệt vọng cầu cứu khi sắp bị cưỡng bức trước mặt mình, lúc tin yêu gửi gắm khi được Tâm ôm ấp vỗ về. Thân hình mềm nhỏ như còn nằm trọn trong tay Tâm. Cứ xâu xé, cứ giằng co mãi, đầu óc thân thể mệt nhoài vì khói thuốc và men rượu khi tối, Tâm thiếp đi trên ghế bố cho đến khi những tiếng động đầu tiên trong ngày bắt đầu vang lên.

Tâm đến Vấn trả xe, không muốn giữ vì ai cũng cần đi lại trong mấy ngày Tết. Vấn thấy gương mặt mệt mỏi muộn phiền của bạn mình không giữ được sự ngạc nhiên:

- Làm gì mà mồng một tết mà buồn thế, hay là Đông Phố có chuyện không lành?
- Không có gì, tại tối qua không ngủ được nên hơi đừ một chút thôi .
- Tao thấy mày không phấn khởi cho lắm, chắc nghe tin Đông Phố lập gia đình mới hả ?
- Không Phố vẫn ở vậy và có ý muốn gặp lại nhau .
- Thế thì quá tốt rồi, phải ăn mừng chứ, cuối cùng trời cũng không phụ lòng người .

Tâm nhìn Vấn, không biết phải giải thích như thế nào, cố gượng cười vui đùa với Vấn vài câu rồi từ giã để đến thăm chị Minh.
Vấn tinh tế nhận thấy có điều gì không rõ nơi Tâm, ngày hôm qua vào giường vợ chồng còn nói chuyện rầm rì, mừng cho Tâm. Hai người cũng đoán là Đông Phố chưa lập lại gia đình nên mới tìm cách liên lạc với Tâm. Vấn tưởng hôm nay sẽ thấy một anh chàng Tâm lòng vui như hội .

Ngày mồng một Tết nên Tâm không ngại lại nhà chị Minh để chúc Tết. Chị vừa vui lại vừa lo, thì thầm với Tâm là anh Khanh nhắn mồng 4 sẽ lén về Saigon, hẹn tại khu du lịch Văn Thánh bên xa lộ sau cầu Phan Thanh Giản, ngày đó khu vực mở đại hội ca vũ nhạc Tết nên chắc anh Khanh đến mà không sợ bị phát giác chứ còn về nhà thì không dám. Anh cũng nhắn là muốn gặp Tâm. Hai chị em suy nghĩ mãi cách nào để đi gặp anh Tâm mà không bị lộ Tâm nghĩ ra được một kế nói nhỏ cho chị dự tính của mình, chị Tâm thở phào nói:

- Trăm sự nhờ chú vậy

Biển chuyển mới làm Tâm phải đổi chương trình không đến nhà Như Ý dù đã trưa rồi, mà vòng lại nhà Vấn.

- Vấn ơi, lại phải nhờ cậy đến mày rồi
- Cứ nói đi, đừng ngại gì hết Tâm à.

Tâm kể lại cho Vấn nghe những điều đã xếp đặt với chị Minh, Vấn trầm ngâm một lúc:

- để tao vào bàn với Mai chút nhé.
- dĩ nhiên phải có sự đồng ý và giúp đỡ của chị ấy rồi.

Vấn vào phòng trong một lát, ra gặp Tâm

- Mai đã bằng lòng rồi đấy, tao không nói gì đến anh Khanh sợ Mai lo, càng ít người biết càng tốt.
- Cám ơn vợ chồng Vấn nhiều lắm. Trước khi đi tao sẽ kể tất cả cho hai người biết. À còn việc này nữa nhé. Đã đặt được đám múa lân cho chiều tối mùng ba chưa?
- Xong rồi, 6 giờ họ bắt đầu, múa lân, múa võ Sơn Đông khoảng hơn 1 tiếng sẽ đốt pháo rất đều . Tao sẽ đến trước 10 phút .
- Vậy Vấn kiếm dùm cái này rồi trưa mồng ba tao đến lấy nhé .
- Cái gì ?

Tâm nói nhỏ vào tai cho Vấn, Vấn ngạc nhiên hỏi

- Trời đất, kiếm ở đâu ra, mà để làm gì.
- Vậy mới nhờ đến Vấn, còn để làm gì thì trong câu chuyện cuối cùng tao sẽ giải thích. Tao mong mày hiểu, vì cám ơn cái tình của mày và gia đình nên tao chỉ muốn làm sao không ai có thể cho là mày có liên quan đến việc anh Khanh được, nếu thất bại.

Vấn trầm ngâm nhưng sau cùng thấy Tâm nói đúng nên không hỏi tiếp.

- Cầu mong mày thành công. Tao sẽ hết sức nhưng với một điều kiện!
- Ồ điều gì?
- Chuyện Đông Phố! - Vấn cười, vỗ vào vai bạn - phải cho tao biết có gì lạ, tao tưởng hôm nay mày phải vui hơn Tết chứ, chuyện này thì mày không thể nói là sợ tao bị liên lụy nhé, từ xưa mày đã tâm sự với tao rất nhiều và mấy ngày trước đây vẫn còn hoài tưởng lắm, mà tại sao tin mừng đến lại không vui hả Tâm. Tao vẫn mong hai người gặp lại nên có quyền hỏi thăm.

Cảm động vì lòng tốt và sự tận tâm của bạn. Tâm kể kết câu chuyện gặp gỡ Như Ý từ ngày đầu. Vấn nghe đến đâu lại chắt lưỡi đến đó, nhất là khi Tâm kể sự cố xảy ra trong đêm 29, Vấn đấm mạnh vào tay căm giận. Tâm cũng nói về những dằn vặt trong đầu óc mình. Vấn lắc đầu thở dài

- Thật là trớ trêu, nếu thơ đến sớm vài ngày thì với tâm hồn chung thủy, mày sẽ không gặp gỡ Như Ý nhiều như vậy và có thể sẽ không có chuyện bị tụi côn đồ hạ thủ. Chính tao hôm trước ngồi ở Givral còn khuyên mày nên quên Đông Phố mà bây giờ cũng không biết phải nói gì, chỉ có điều Như Ý đã ..., xin lỗi Tâm, đã ... dày dạn bụi đời nên ... hơi khó đó .

Vấn không nói hết ý nghĩ, quan niệm của mình về các cô gái nhảy vì tôn trọng Tâm. Tâm không kể những chuyện trong đêm ở nhà Như Ý và hiểu quan niệm của bạn cũng là quan niệm chung không phải là sai nên không nói gì chỉ trầm ngâm, xoay xoay ly nước trên tay .

...

Nguyên một ngày ba mươi Như Ý thờ thẫn không làm gì được ra hồn, cành đào bắt đầu nở rộ, thành nhiều hoa nhiều nụ, ít nhất cũng đẹp cả mười ngày mà Như Ý vẫn không để ý. Khi Tâm đi rồi, nàng vào phòng tắm tắm thật lâu như muốn gội rửa bàn tay kẻ khốn nạn đã sờ lên ngực lên bụng nàng. Người con gái chưa để ai va chạm đến nơi thầm kín mà hôm qua lại có hai lần va chạm thân thể, với người thứ hai là Tâm thì sự va chạm đó lại quá dịu dàng bao bọc. Theo phong cách của Tâm Như Ý nghĩ chắc tối qua Tâm chỉ ôm vai ôm lưng nàng cho nàng ngủ chứ không đụng đến đằng trước ngườị Như Ý nhắm mắt ngửa mặt theo dòng nước cố hồi tưởng lại cái êm ái trong tay Tâm để xua đuổi hình ảnh ghê sợ khác.

Không có Tâm một ngày ba mươi Tết chẳng còn niềm háo hức mong đợi giao thừa. Mẹ Như Ý thấy con mình mắt sưng đỏ lại buồn, lo lắng hỏi thăm, Như Ý chỉ nói là mệt trong người. Giao thừa xong để mẹ đi lễ với người quen ở Lăng Cha Cả, Như Ý nằm vùi trên giường áp mặt vào chiếc gối vẫn nghe thoang thoảng mùi thơm nước hoa cạo râu của Tâm, nhớ lại những lời âu yếm vỗ về, hứa hẹn phần sung sướng phần lại không tin là mình lại có được may mắn theo Tâm sang Pháp.

Sáng mồng một Như Ý dục mẹ đi thăm viếng các bậc trên cho nhanh để về nhà chờ Tâm, Như Ý có để giấy lại cho biết khoảng 10 sẽ về. Mẹ nàng ở lại đánh tổ tôm với bạn bè. Đợi mãi đến hai giờ trưa không thấy Tâm đến, cái bánh chưng bóc sẵn, cắt bằng lạt buộc thật khéo vẫn thờ ơ trên bàn cùng dĩa mứt kẹo và dưa món.
Nước mắt Như Ý đã lóng lánh tên bờ mi

"Chắc anh ấy nghĩ lại rồi, đêm trước vì tội nghiệp mình nên nói thế thôi, Tâm ơi em không trách anh đâu, mình quen nhau có hơn một tuần, gặp nhau vài lần thôi thì anh đâu có gì để anh phải ràng buộc đâu" .

Tiếng chuông cửa làm Như Ý choàng dậy, chạy ra mở cửa, vui mừng khi thấy Tâm đến dù có hơi hờn giận vì chờ đợi quá lâu.
Tâm theo Như Ý vào nhà mà tâm trí rối bời, một phần vì Đông Phố, một phần đầu óc nghĩ đến kế hoạch gần ngày của mình còn phải sửa soạn. Trong lúc nhất thời nàng không kịp nhận thấy Tâm có hơi thay đổi . Như Ý hôm nay đã hết sưng mắt nét đẹp lại trở về trên gương mặt thanh tú, trang điểm rất nhẹ nhàng, rất trẻ trung và quyến rũ trong cái áo đầm hồng nhạt để lộ đôi chân dài, nhỏ và thẳng.

Tâm cố gắng ăn một hai miếng bánh chưng, cách nói chuyện vẫn nhẹ nhàng, ánh mắt vẫn trìu mến nhưng có chút xa xôi và đôi khi lại tránh nhìn vào mắt Như Ý vì cái nhìn tha thiết của Như Ý làm Tâm đau đớn hơn. Không chịu nổi sự dằn vặt nội tâm và còn phải về lại nhà cũ, chàng chỉ ngồi hai tiếng rồi kiếu từ ra về để Như Ý ngỡ ngàng ở lại. Như Ý ngồi thần người một lúc, bây giờ nàng mới nhận thấy Tâm khác hẳn với hôm trước, mệt mỏi và không âu yếm như lần cuối, bất giác hai hàng nước mắt chảy dài trên mặt Như Ý. Nàng ôm lấy mặt chạy vào giường nằm vật ra khóc nức nở.

Tâm về nhà để chứng tỏ sự hiện diện của mình với hàng xóm, cả ngày hôm qua không ở đó rồi. Chàng lấy cớ muốn xem lại các nơi trong nhà, vào thăm 3 gia đình còn lại, lì xì hậu hỉ cho mọi người từ 18 trở xuống. Giả vờ là không kịp mua phong bì nên Tâm phát tiền lì xì thẳng bằng tiền, cho bố mẹ trẻ em đều thấy những tờ đô la mới tinh. Chính ra Tâm không phải là người như vậy nhưng muốn lấy cảm tình và gây sự chú ý của mọi người để khi Trần Diên hỏi thăm họ sẽ kể lại là Tâm có mặt nhiều ở đây đúng như ý muốn ăn Tết trong căn nhà cũ.
Buổi chiều Tâm đi lang thang mãi ngoài phố Saigon, ngắm người ta quần là áo lượt mà không thâu nhận đdược gì vào tâm thức. Mỗi lần muốn đến với Như Ý thì gương mặt Đông Phố lại hiện lên và ngược lại vẻ mặt thất vọng buồn bã của Như Ý chen vào những lúc thì thầ m đọc lại lời thư Đông Phố trong đầu .

Ăn tối qua loa, Tâm về nhà, vẫn chào hỏi lăng xăng cho mọi người biết. Ra vườn sau Tâm lại định hướng những tầm nhìn ra vườn từ các nơi . Ánh đèn măng xông từ sân bên cạnh chiếu ra tận cây ổi, lại thêm nóng bức nên trong sân hầu như lúc nào cũng có người ngồi hóng mát. Tâm vào phòng, phát hiện sợi tóc mình kẹp ở khóa mở xách tay đã mất chứng tỏ có người vào phòng lục đồ. Nằm trong căn phòng không quạt, nóng bức, đầu óc quay cuồng và mệt mỏi Tâm ngủ thiếp đi còn nghe mình nói nhỏ

"Còn có hai ngày nữa thôi"

- còn tiếp -




==========================

NGÔI NHÀ CŨ  -  Phần 24 - 28

NGÔI NHÀ CŨ Phần 24


Mẹ Như Ý theo lời khuyên của bác sĩ và Tâm nên chiều qua đã xin cho Như Ý xuất viện về nhà. Tâm vào không thấy, hỏi thăm bác sĩ và xin giới thiệu một bác sĩ tư để theo dõi tình trạng của Như Ý. Người bác sĩ nói đã nói cho mẹ Như Ý rồi nhưng cũng viết ra cho Tâm tên và địa chỉ một bác sĩ có phòng mạch riêng.

"Bác sĩ Huỳnh Tấn Mạnh
Đường AAA
Phường X Quận Y
Tel. ..
"

Tâm chào, ra ngoài đón xe về nhà Như Ý, trên xe Tâm đọc lại tên người bác sĩ, ngày xưa cầm đầu phong trào sinh viên, bây giờ không biết anh có hài lòng về những điều khác hẳn với mục tiêu tranh đấu ngày xưa không. Tuổi trẻ VN đã bị lường gạt quá nhiều, đến khi mở mắt được thì đã muộn.
Cái tên Huỳnh Tấn Mạnh gợi lại cho Tâm thời kỳ nhiệt huyết gia nhập phong trào ở hải ngoại vì những hình ảnh Mỹ Lai, nhưng càng ngày Tâm càng thấy những thủ đoạn chính trị của nhóm cầm đầu và những biến chuyển trong nước làm Tâm thất vọng và chán nản, nhất là lúc làm lễ mừng thống nhất, bày ra những cảnh tắt đèn thắp nến lung linh, rồi đàn con gái tóc dài trong aó dài trắng, đi chân đất bước ra như những bóng ma thắp hương cúng lạy, và mọi người phải im phăng phắc trong làn khói trầm hương làm Tâm không chịu nổi trò đạo diễn phù thủy, trò hề "Chiêu Dương Thần Giáo" như trong truyện "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung. Tâm bỏ ra ngoài trong cái nhìn hằn học của các đạo diễn, sau đó Tâm cắt đứt mọi liên lạc mặc dù lúc trước Tâm nằm trong thành phần nòng cốt của phong trào. Sau nhiều lần thuyết phục và đe dọa không hiệu quả các tay lãnh tụ phong trào lập bản báo cáo về Tâm gửi về Việt nam, cho Tâm là kẻ xét lại. Vì bị lọt vào sổ đen như thế nên Tâm bao lần xin về mà đều bị từ chối. Năm năm sau ngày thống nhất Tâm lấy quốc tịch Pháp và mãi đến 1985 mới được về thăm nhà lần đầu. Tìm Đông Phố thì được biết nàng đã vượt biên mà không ai có tin tức gì cả.

Hình ảnh Đông Phố hiện về với hoài niệm cuộc tình đầu đời có những lúc thật thần tiên như cái đêm huyền thoại của nụ hôn đầu, nhưng cuộc tình không trọn vẹn, không được chung một bước đường. Hai năm yêu thương trong tâm hồn người con trai vừa lớn đã kéo dài bằng hai mươi năm xót xa tiếc nhớ, Tâm nhắm mắt lại để thấy Đông Phố và mối tình tuyệt vọng trong những lời thơ mang tâm sự của mình


Nụ hôn đầu

Suốt đời anh nhớ mãi nụ hôn đầu
Mười tám tuổi ôi vụng về biết mấy
Môi tìm môi mà lòng nghe lau sậy
Rung rung trong cơn lốc yêu đương
Tim đập như nhũng hồi trống tan trường
Mồ hôi rịn trong bàn tay khờ dại
Lòng hoang dã như thú rừng sa bẫy
Trong mùi thơm ngào ngạt của môi em
Quyện trong hương dạ lý tỏa êm đềm
Nụ hôn đó cho anh thành người lớn
.......
Rồi năm tháng bước lạc loài nơi chốn
Quê hương người ta một kiếp lang thang
Giữ trong tim, ấp ủ một kho vàng
Nụ hôn ấy trong một đêm thần thoại .


Chuyện dang dở không thể trách ai được vì đúng ra hoàn cảnh không cho phép hai đưá lấy nhau. Hai bên bố mẹ đã quen biết nhau trước cả năm, lúc nói chuyện gia phả mới biết có họ hàng. Vì thế hai người chỉ gặp nhau rồi yêu nhau 2 năm trước khi Tâm đi du học.

Tâm tuy nhỏ hơn Đông Phố một tuổi nhưng trong quan hệ họ hàng lại trên vai vế, tuy là họ hàng xa như họ Hồng Bàng. Trước khi Tâm sắp đi du học chuyện tình yêu hai gia đình biết được, bố mẹ hai bên làm áp lực với con cái bắt ngưng quan hệ, không được đi chơi vơí nhau đâu cả, đến nhà thì luôn luôn có người coi chừng. Khó khăn lắm mơí gặp một hai lần riêng để ôm nhau mà khóc.

Thật ra Tâm lúc đó không đủ can đảm, đủ nghị lực và chín chắn để tranh đấu cho mối tình đó. Cứ nghĩ làm phiền lòng bố mẹ bị họ hàng chê cười là sợ ngay. Nhất là đi du học không biết bao giờ về, mấy tháng đầu cứ phải trả lời thư mẹ phải hứa là lo học và không được thư từ yêu đương gì cả.

Vậy mà thất tình câm lặng đến nổi suýt nữa không học được, bỏ cả năm vì buồn khổ thất vọng. Trong tâm hồn lãng mạn của người con trai 18 mà ôm được người mình yêu trong tay, được trao đổi những nụ hôn nồng thắm, tuy không hề có chuyện ân ái, nhưng vậy cũng đủ mang thương nhớ suốt đời.


Tháng bảy mưa ngâu

Sài gòn tháng bảy
Những trận mưa bay
Những giờ nắng đổ
Thương trách người để khổ cho ta

Ngọc Lan thơm lạ
Theo gió bay xa
Thiên kim nhất tiếu
Chẳng cho ta sắm kiệu đưa người

Son nhạt nét môi
Tình đã muộn rồi
Người em cúi mặt
Tránh không nhìn ánh mắt vấn vương

Mai anh lên đường
Trong nỗi nhớ thương
Mang về đáy vực
Rồi từng đêm thao thức âm thầm

Em về lặng câm
Dưới mái nhà thân
Trong khung trời bé
Để đêm khuya ngấn lệ riêng mình

Từng giọt mưa ngâu
Khóc cuộc tình sầu
Bóng in trên vách
Thương nhớ người xa cách trùng dương.


Xe chở Tâm qua những con đường ngày xưa tràn đầy kỷ niệm, nhưng càng về gần nhà Như Ý thì hình ảnh Như Ý mê man trên giường bệnh càng đầy trong tâm tưởng.

Mẹ Như Ý rất mừng khi thấy Tâm đến, bà dẫn Tâm vào phòng Như Ý, Như Ý nằm trên giường như ngủ, cạnh giường là giá treo dung dịch dưỡng sinh. Như Ý vẫn mê man như người nằm ngủ, sắc mặt có phần xanh xao nhưng vẫn đẹp, chỉ sợ kéo dài mấy tháng nữa thì thân thể kiệt quệ đi. Tâm ngồi xuống bên giường cầm tay Như Ý một lúc lâu, người mẹ vào nhìn thấy ứa nước mắt, nói đã đi mời bác sĩ Mạnh đến hôm nay rồi, cách một ngày ông lại ghé qua, còn có nguy cấp thì cho người gọi, ông sẽ đến ngay. Tâm đề nghị mẹ Như Ý kiếm người phụ việc trong nhà để bà chăm lo Như Ý tốt hơn chứ một mình thì không dám ra khỏi cửa. Thấy bà ngần ngừ Tâm đưa bà 500USD nói để trang trải tiền bác sĩ thuốc men và người giúp việc, bà mẹ cầm tiền không ngăn được hai dòng lệ, nghẹn ngào cám ơn Tâm. Bà nhờ Tâm ở nhà trông chừng Như Ý để bà đi lại nhà mấy người quen xem có ai nhường lại hay giới thiệu người làm không.

Còn lại một mình với Như Ý, tâm hồn Tâm giờ chỉ thấy thương cảm người con gái xinh đẹp đang triền miên trong cơn hôn mê không còn đầu óc nghĩ đến điều gì khác như sửa soạn ngày mốt ra phi trường. Cầm tay Như Ý, có lúc Tâm nói chuyện với nàng như nói với người tỉnh táo hay có những lúc yên lặng nghe nỗi xót thương tràn ngập trong lòng. Tâm chợt thấy mình kém may trong vấn đề tình yêu, người mình vừa yêu mến lại nằm như cái xác không hồn, hoàn toàn không một phản ứng gì về sự có mặt của Tâm, những lời nói bên tai, những xiết tay chua xót. Một hai lần Tâm hôn lên trán lên má Như Ý chỉ để bùi ngùi thêm.

Một cái khăn nhỏ trên giường rơi xuống đất, Tâm cúi xuống để nhặt, bất chợt thấy bàn tay Như Ý để lên đầu mình, Tâm choáng người trong sự vui mừng, trong một tích tắc cả người Tâm như đông lại chờ một cử động tiếp theo, nhưng bàn tay Như Ý đặt lên đầu Tâm rồi xụi xuống thỏng bên cạnh giường. Tâm ngồi lên mới thấy là cánh tay lúc nãy Tâm đặt sát thành giường quá nên tuột xuống đầu Tâm. Dù sao Tâm cũng hy vọng đó là một cử động hay phản xạ do vô thức điều khiển vì có Tâm bên cạnh.
Ngắm Như Ý một lúc, Tâm hôn lên đôi môi đã mất màu đỏ của Như Ý thật lâu, đôi môi vẫn bất động không môt chút sinh lực, một giọt nước mắt Tâm ứa ra nhỏ trên mặt Như Ý. Tâm lùi lại ngồi xuống bưng mặt cố không khóc.

- Lạy trời, lạy chúa, nếu cho Như Ý tỉnh lại con sẽ bảo bọc nàng suốt đời .

Thời gian lặng lẽ trôi qua đã đến trưa, Tâm chợt bế Như Ý ra khỏi giường, giữ đừng cho sút ống truyền nước biển, dựng Như Ý đứng xuống sàn, nhưng người Như Ý rủ xuống, Tâm ra phía sau lưng, vòng tay chặn cổ Như Ý kéo lên, làm Như Ý không thở được, phản xạ tự nhiên của cơ thể khiến thân mình Như Ý giật giật, cổ họng khò khè. Tâm nói vào tai Như Ý trong nước mắt rưng rưng "Anh xin lỗi em" rồi xiết cánh tay lại .



- co`n tiếp -

Phạm Doanh


Phạm Doanh